THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]
Với câu hỏi: “Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp pāramī là bao lâu?” Câu trả lời là:
Thời gian tối thiểu cần thiết cho sự thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật là bốn A-tăng-kỳ (asankheyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Thời gian trung bình là tám A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, và thời gian lâu nhất là mười sáu A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký thành Phật (Chỉ sau khi thành tựu viên mãn các pháp pāramī trong những chuỗi dài thời gian như vậy, người ta mới có thể thành Phật).
Ba chuỗi thời gian khác nhau này liên quan đến ba loại Đương lai Phật, đó là Paññādhika Đương lai Phật (Trí tuệ Đương lai Phật) , Saddhādhika Đương lai Phật (Đức tin Đương lai Phật) và Viriyādhika Đương lai Phật (Tinh tấn Đương lai Phật) (vị Paññādhika Đương lai Phật phải trải qua 4 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp; vị Saddhādhika Đương lai Phật phải trải qua 8 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, và vị Viriyādhika Đương lai Phật phải trải qua 16 A- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật.
Với câu hỏi: “Tất cả ba loại Bồ tát này đều là những vị Đương lai Phật, tại sao lại có ba chuỗi thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp pāramī?” Câu trả lời là:
Vị Paññādhika Đương lai Phật yếu về đức tin nhưng mạnh về trí tuệ. Vị Saddhadhika Đương lai Phật mạnh về đức tin nhưng trung bình về trí tuệ. Vị Viriyādhika Đương lai Phật yếu về trí tuệ nhưng mạnh về tinh tấn. Chỉ qua sức mạnh về trí tuệ, người ta mới chứng đạt Nhất thiết trí. Trí tuệ mạnh thì thời gian chứng đạt Nhất thiết trí sẽ nhanh. Trí tuệ yếu thì thời gian chứng đạt Nhất thiết trí sẽ chậm. Sự khác nhau về mức độ sức mạnh của trí tuệ giải thích lý do về những chuỗi thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp pāramī. (câu trả lời này được trích ra từ Chú giải).
Các vị thầy Apare cho rằng sự khác biệt giữa ba thời gian căn cứ
vào ba mức độ của sự tinh tấn : mạnh, trung bình và yếu.
Lại nữa, các vị A-xà-lê khác thì nói rằng chính do sự khác biệt về các mức độ mạnh, yếu và trung bình của sự thành thục các pháp pāramī dẫn đến giải thoát.
Trong ba quan điểm này, quan điểm của nhà Chú giải tỏ ra thích hợp nhất khi chúng ta xét sự phân chia các vị Bồ tát thành ba loại như sau:
Giải rõ:
Ngay vào lúc được thọ ký như trong trường hợp của đạo sĩ Sumedha, các vị Bồ tát có ba dạng: (1) Lược khai trí Bồ tát (Ugghaṭitaññā Bodhisatta), (2) Quảng viễn trí Bồ tát (Vipañcitaññā Bodhisatta) và (3) Sở dẫn đạo Bồ tát (Neyya Bodhisatta).
Ugghaṭitaññā Bodhisatta - Lược khai trí Bồ tát là những bậc nếu muốn chứng đắc pháp giác ngộ của vị Thinh văn (Sāvaka Bodhi) trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (Abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (Paṭisambhidā ñāṇa), ngay trước khi kết thúc câu kệ thứ ba của bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Lược khai trí Bồ tát này cũng được gọi là Paññādhika Bồ tát. Dạng Bồ tát này có trí tuệ mạnh nhất.
Vipañcitaññā Bodhisatta - Quãng viễn trí Bồ tát là những vị mà nếu muốn chứng đắc sự giác ngộ của vị Thinh văn trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, thì sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Lục thông và bốn loại Tuệ phân tích, trước khi kết thúc câu kệ thứ tư của bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Dạng Bồ tát này cũng được gọi là Saddhādhika - có trí tuệ trung bình.
Neyya Bodhisatta - Sở dẫn đạo Bồ tát là những vị mà nếu muốn chứng đạt sự giác ngộ của vị Thinh văn trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la- hán cùng với Lục thông và bốn loại Tuệ phân tích, vào lúc kết thúc cả bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Dạng Bồ tát này cũng được gọi là Viriyādhika Bồ tát - có trí tuệ yếu nhất.
Cả ba dạng Bồ tát đều đã phát nguyện thành Phật trong vô số đại kiếp, trước khi được Đức Phật thọ ký. Tuy nhiên, sau khi được thọ ký rồi, họ thực hành các pháp pāramī trải qua đúng thời gian đã được giải rõ ở trên và chứng đạt Nhất thiết trí.
Lúa ra hoa, đậu ra hạt và chín chỉ sau một thời gian nhất định. Ngay cả khi có sự chăm sóc hết mức như tưới nước nhiều, v.v... cũng không thể cho quả sớm hơn thời gian tự nhiên được. Tương tự vậy, tất cả các dạng Bồ tát không cách nào chứng đạt đạo quả Phật trước khi thực hành viên mãn các pháp pāramī trong thời gian nhất định, dù hằng ngày họ thể hiện sự tinh tấn nhiều hơn trong sự thực hành các pháp Ba-la-mật, sự xả ly và các hạnh, vì trí tuệ của các vị chưa đạt đến chỗ thành thục và sự tích lũy các nhân tố thành Phật chưa được viên mãn.
Do đó, nên hiểu rằng các pháp pāramī được thành tựu viên mãn đúng với thời gian đã được nêu trên.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B