THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 2] [Tiếp theo]
Sự thay đổi đường lối thực hành
Sau khi Bồ tát đã thực hành xong các pháp khổ hạnh (dukkaracariyā) trong sáu năm, như đã được trình bày ở trước, thời gian lúc ấy vào khỏang mồng một tháng tư (Vesākha) của năm 103, lịch Mahā Era. Vào lúc ấy Bồ tát khởi lên ý nghĩ như sau:
“ Các vị Sa-môn (Samana) và Bà-la-môn (Brahmana) trong quá khứ, thực hành dukkaracariyā, chỉ có thể chịu đựng bấy nhiêu đau đớn là hết mức, họ không thể chịu đựng nhiều đau đớn hơn những gì Ta đang trải qua. Các vị Sa-môn và Bà-la-môn trong tương lai, thực hành dukkaracariyā, cũng sẽ chịu đựng chỉ bấy nhiêu đau đớn và khổ nhọc là hết mức, họ sẽ không chịu đựng nhiều đau đớn hơn mà Ta đang trải qua. Các vị Sa-môn và Bà-la-môn trong hiện tại, khi thực hành dukkaracariyā, cũng chỉ có thể chịu đựng bấy nhiêu đau đớn và lao khổ là hết mức, họ không thể chịu đựng nhiều đau đớn hơn mà Ta đang trải qua. Ta đã nỗ lực hết mức theo cách này, thế mà ta vẫn chưa chứng đắc Giác ngộ (Sabbaññuta-ñāna), chưa chứng đắc Phật quả. Có lẽ có một cách thực hành khác, một con đường khác để chứng ngộ Nhất thiết trí, để chứng đắc Phật quả.”
Khi tiếp tục suy xét như vậy, Ngài bắt đầu nhận biết rằng Ngài đã từng đi vào pháp niệm hơi thở (ānapana) và nhập vào sơ thiền trong khi đang ngồi dưới bóng cây táo hồng trong dịp lễ Hạ điền do phụ vương của Ngài, là vua Suddhodāna đứng ra chủ trì. Rồi Ngài nhận ra rằng sự thực hành pháp niệm hơi thở để nhập vào sơ thiền chắc chắn là chánh đạo, là lối thực hành đúng đắn để chứng đắc Nhất thiết trí, Phật quả. Ngài lại suy xét thêm: “Tại sao Ta lại sợ sự an lạc của thiền mà có thể giác ngộ được qua sự thực hành thiền chỉ đề mục Hơi thở (ānapana). Đó là sự an lạc phát sanh do sự xuất ly (nekkhamma) và từ bỏ hoàn toàn các dục lạc. Ta chắc chắn không sợ sự an lạc trong sự nhập định của pháp thiền chỉ, đề mục Hơi thở.”
Bồ tát lại tiếp tục suy xét: “ Ta không thể nào dốc tinh tấn và tu tập pháp thiền chỉ đề mục Hơi thở bằng tấm thân bị cạn kiệt và gầy ốm của ta. Sẽ tốt hơn nếu khi độ một ít vật thực cứng và thô như cơm để làm cho tấm thân gầy yếu này được khỏe mạnh và tươi sáng trở lại, trước khi Ta phấn đấu để chứng đắc thiền định qua đề mục niệm Hơi thở.” Sau khi đã suy xét như vậy, Bồ tát lấy cái bát nơi Ngài cất, rồi đi vào thị trấn Sena để khất thực và bồi dưỡng cho tấm thân gầy ốm, héo mòn của Ngài bằng bất cứ vật thực nào nhận được từ việc đi khất thực.
Trong vòng hai hoặc ba ngày, sức mạnh và các hảo tướng của bậc đại nhân (maha-pūrisa lakkhaṇā) biến mất trong thời gian Ngài thực hành dukkaracariyā, nay xuất hiện trở lại rõ rệt như xưa và thân của Bồ tát lại tươi sáng như vàng ròng.
(Ở đây điều đặc biệt cần lưu ý là vào lúc Bồ tát quán về Chánh đạo dẫn đến giác ngộ Nhất thiết trí, chứng đắc Phật quả, sau khi từ bỏ dukkaracariyā, Ngài quán xét đúng đắn rằng tám thiền chứng hợp thế mà Ngài đã thành đạt sau khi gặp hai vị giáo chủ Ālāra và Udaka chỉ là nền tảng của luân hồi khổ (vaṭṭapādaka). Ngài cũng đã quán xét rằng sự định tâm trong đề mục niệm Hơi thở (ānapana) được tu đạt dưới bóng cây táo hồng, trong khi phụ vương của Ngài, là vua Suddhodāna, đang chủ trì cuộc lễ hạ điền, là con đường đúng đắn để giác ngộ Nhất thiết trí, để chứng đắc Phật quả, vì pháp thiền chỉ đề mục Hơi thở (ānapana) là một phần của pháp niệm thân (kāyagatāsati), và nền tảng của thiền Quán (Vipassanā) dành cho tất cả chư Bồ tát). (Mūlapaṇṇāsa Tīkā, vol. I)
Theo pháp tánh (dhammatā) thì khi Bồ tát sắp chứng đắc Phật quả sau khi hoàn thành thực hành dukkaracariyā, các vị Sa-môn hầu cận rời bỏ Ngài với lý do này hay lý do khác, hoặc chính Ngài rời bỏ họ. Đúng như vậy, khi Bồ tát bắt đầu bồi dưỡng lại cho cơ thể của Ngài bằng cách độ bất cứ món cơm thô nào mà Ngài nhận được khi khất thực, thì nhóm năm vị Sa-môn xem thường Ngài, thất vọng than vãn rằng: “ Sa-môn Gotama đã nghiêng về pháp hành lợi dưỡng. Vị ấy đã từ bỏ pháp thiền và trở lại tích lũy vật chất.” Theo pháp tánh, họ rời bỏ Bồ tát và đi đến Isipatana, vườn Nai gần Varanasi nơi mà chư Phật thuyết bài pháp đầu tiên.
Khi nhóm năm vị tỳ khưu rời bỏ Bồ tát vào ngày đầu tháng Citta và đi đến Migadaya, vườn Nai. (Thật ra, vào thời điểm đó Bồ tát đã hoàn tất việc thực hành dukkaracariyā). Ngài sống đơn độc, có được mức độ yên tĩnh cao dẫn đến sự tiến bộ phi thường và sự tăng mạnh về sự định tâm. Sống trong cảnh vắng vẻ hoàn toàn như vậy trong mười lăm ngày, hành thiền và tạo ra sự tiến bộ. Nửa đêm lúc gần sáng của ngày mười bốn tháng tư (tháng Vesākha), Bồ tát chợp ngủ và thấy năm điềm mộng lớn.
Năm đại mộng của Bồ tát diễn ra như sau:
(1) Bồ tát mơ thấy mình nằm trên mặt đất là giường, tựa đầu trên dãy núi Himalaya là gối, tay trái đặt trên biển phía Đông, tay phải đặt trên biển phía Tây, và hai chân đặt trên biển phía Nam. Điềm mộng đầu tiên này báo rằng Ngài sẽ chứng đắc Nhất thiết trí và trở thành một vị Phật giữa nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.
(2) Ngài mộng thấy một loại cỏ có tên là Tiriya, thân của nó màu đỏ nhạt và kích cỡ bằng cái ách xe bò, cây cỏ này mọc lên từ rốn của Ngài và khi Ngài đang nhìn thì nó lớn dần, đầu tiên nửa hắc tay, rồi đến một hắc tay, một sãi tay, một ta, một gāvuta, nửa do tuần, một do tuần, v.v… cứ cao dần như thế cho đến khi nó chạm đến bầu trời và đứng yên ở đó. Điềm mộng thứ hai này báo rằng Ngài sẽ có khả năng thuyết giảng Bát Chánh đạo (Aṭṭhaṅgika-magga), là con đường Trung đạo (Majjhima-paṭipadā), đến chư thiên và nhân loại.
(3) Ngài mộng thấy một đàn giòi, thân trắng đầu đen đang bò lên lúc nhúc đầy cả hai chân từ bàn chân đến đầu gối. Điềm mộng thứ ba này báo rằng sẽ có nhiều người (đầu đen) mặc y phục màu trắng sẽ tôn kính Đức Phật và quy y (Mahāsaranagamaṇa) Ngài.
(4) Ngài mộng thấy bốn loại chim có màu xanh, vàng, đỏ và xám bay đến từ khắp bốn hướng và khi chúng sà xuống dưới chân của Ngài thì tất cả đều hoàn toàn biến thành màu trắng. Điềm mộng thứ tư này báo rằng chúng sanh từ bốn tầng lớp của xã hội, gồm có giai cấp Khatiya (Sát-đế-lỵ - vua quan), giai cấp Bà-la-môn, giai cấp thương nhân và giai cấp nghèo khổ, sẽ tín thọ lời dạy của Đức Phật, xuất gia tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán.
(5) Ngài mộng thấy rằng Ngài đang đi tới đi lui trên một núi phẩn lớn mà không bị lấm lem chút nào. Điềm mộng thứ năm này báo rằng sẽ có sự hoạch đắc to lớn về bốn món vật dụng là y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bịnh và Ngài thọ dụng chúng mà không hề có chút luyến ái hoặc chấp thủ chúng.
Các giấc mộng được tạo ra bởi bốn nguyên nhân sau đây:
(1) Do sự rối loạn tiêu hóa. (2) Do những kinh nghiệm của quá khứ.
(3) Do chư thiên hóa ra. (4) Điềm báo một biến cố nào đó sẽ xảy ra.
(1) Do sự rối loạn tiêu hóa, như hoạt động không bình thường của mật, v.v… người ta mơ thấy những giấc mộng hãi hùng như bị rơi xuống từ trên núi cao, bị lơ lửng trong không trung, bị rượt đuổi bởi các loại thú dữ như voi, ngựa hoang, sư tử, cọp beo, v.v… hoặc bởi những người hung ác.
(2) Do những trải nghiệm của quá khứ, người ta mộng trông thấy, nghe và đang sử dụng những vật đã trông thấy, đã nghe hoặc đã sử dụng trước kia.
(3) Tất cả những loại cảnh giả, ảnh ảo do chư thiên hóa hiện trong giấc mộng của người, cảnh đẹp nếu họ muốn đem lại điều tốt đẹp cho người kia, hoặc cảnh xấu nếu họ muốn đem lại điều rủi ro cho người kia. Người ta trông thấy tất cả những cảnh này do thần lực của chư thiên.
(4) Khi mơ thấy điềm mộng, người ấy sẽ thấy những cảnh vừa lòng hoặc nghịch ý báo trước biến cố sẽ xảy ra do kết quả của nghiệp thiện hoặc bất thiện trong quá khứ. Những giấc mộng giống như giấc mộng của hoàng hậu Mahā Māyā về việc thọ sanh người con trai, hoặc giống như giấc mộng của vua Kosala báo trước 16 đại sự, hoặc giống như 5 Đại mộng của Bồ tát.
Trong 4 loại giấc mộng này, những giấc mộng được tạo ra do (1) rối loạn tiêu hóa và do (2) những kinh nghiệm quá khứ thường không đúng, (3) những giấc mộng do chư thiên hóa hiện thì có thể đúng hoặc không đúng với thực tế. Thực vậy, khi chư thiên hóa hiện thì có thể đúng hoặc không đúng với thực tế; khi chư thiên phẫn nộ, họ thường cho thấy những cảnh sai sự thật trong giấc mộng như là một mưu mẹo để gây ra tai họa (xem câu chuyện ở dưới) (4) Những câu chuyện báo trước những biến cố sắp xảy ra thường đúng với thực tế.
Tại tịnh xá Nāga, xứ Rohana, thuộc hải đảo Sihala, vị sư trụ trì sai người đốn hạ một cây thiết mộc lớn mà không thông báo với chư Tăng. Vị thọ thần (rukkha deva) ở trong cây thiết mộc ấy, đầu tiên tạo ra những giấc mộng đúng trong giấc ngủ của vị trụ trì kia để đánh lừa vị này tin vào những giấc mộng ấy. Sau khi lấy được lòng tin của vị này, vị thiên mới bảo với vị này trong giấc mộng rằng: “ Bạch đại đức, sau bảy ngày nữa kể từ hôm nay, đức vua, người hộ độ của đại đức sẽ chết.” Sư trụ trì tin vào những lời này, bèn báo tin dữ này đến các cung nữ của vua, hay tin dữ họ đồng loạt khóc. Đức vua cho gọi họ đến và hỏi duyên cớ. Họ bèn kể lại những lời mà vị sư trụ trì đã nói. Đức vua chờ đợi qua từng ngày, nhưng khi bảy ngày đã trôi qua mà vua vẫn còn sống, vị ấy tức giận truyền lịnh chặt tay chân của sư trụ trì. (Câu chuyện này được nêu ra trong cuốn II của bộ Sāraṭṭha Dīpanī Ṭīkā).
Bốn loại giấc mộng kể trên dành cho những kẻ phàm phu, những bậc thánh Nhập lưu (Sotāpanna), bậc Nhất lai (Sakadāgāmi) và bậc Bất lai (Anāgāmi) vì họ chưa rủ sạch điên đảo vọng tưởng (vipallāsa). Các vị A-la-hán đã viễn ly điên đảo vọng tưởng thì không còn mộng thấy những giấc mơ như vậy.
Về thời gian, các giấc mộng xảy ra vào ban ngày, trong canh đầu, canh giữa hoặc canh cuối của đêm thì thường là không đúng. Những giấc mộng xảy ra vào lúc gần sáng khi vật thực trong bụng đã được tiêu hóa và chất dinh dưỡng từ đó được truyền đi khắp cơ thể thì có khả năng đúng. Một giấc mộng mang điềm tốt thường đem đến điều may mắn; còn giấc mộng có điềm xấu thường đem đến điều rủi ro, tai họa. (Những chi tiết này được rút ra từ những bài trình bày về bài kinh Mahāsupina, trong Brāhmaṇa Vagga, Catuṭṭhapaṇṇāsaka Pañcaka Nipāta của Chú giải Tăng chi bộ kinh).
Năm đại mộng kể trên không xảy đến với người phàm phu, hay vua chúa, hay Chuyển luân vương, hay các đại đệ tử, hay chư Độc giác Phật và chư Phật Toàn Giác. Chỉ chư Bồ tát mới thấy những giấc mộng như vậy. Bồ tát của chúng ta thấy năm Đại mộng kể trên sau nửa đêm, ngay trước khi mặt trời mọc, vào ngày 14 tháng Vesakha ( tháng Tư) của năm 103, lịch Mahā Era.
Sau khi tỉnh giấc, Bồ tát ngồi kiết già, suy nghĩ về Năm Đại mộng và kết luận: “Nếu Ta mơ thấy Năm Đại mộng này khi đang sống tại kinh đô Kapilavatthu, thì có lẽ Ta sẽ kể lại với phụ vương, vua Suddhodāna, hoặc kể lại với mẹ của Ta, nếu bà còn sống. Nhưng bây giờ, trong khu rừng Uruveḷā này, không có ai lắng nghe Ta kể lại Năm Đại mộng ấy và diễn giải chúng. Thôi vậy, Ta sẽ tự mình giải lấy.” Và rồi Ngài tự giải năm điềm mộng như vầy: Điềm mộng thứ nhất báo trước sự chứng đắc những lợi ích như thế như thế, điềm mộng thứ hai báo trước sự hoạch đắc như vậy như vậy, v.v... như đã được trình bày ở trên.
Sau khi mộng thấy năm Đại mộng và tự mình diễn giải ý nghĩa của chúng, Bồ tát kết luận rằng: “ Sự thật là Ta sẽ chứng đắc Phật quả chính ngày hôm nay.” Khi mặt trời ló dạng vào ngày rằm tháng tư, Ngài tắm rửa sạch sẽ rồi rời khỏi chỗ ấy, đi đến cây đa to lớn (banyan), nơi mà con gái của một vị trưởng giả, nàng Sujātā, hằng năm đến cúng dường lễ bái. Đến nơi, Ngài dừng lại và ngồi xuống dưới cội cây, mặt quay về hướng đông và đợi đến giờ đi khất thực. Trong lúc ấy, toàn thể cây đại thọ sáng rực lên do hào quang phát ra từ thân của Bồ tát.
Vào lúc ấy, tại thị trấn Sena, trong khu vực của khu rừng Uruvelā, người con gái của vị trưởng giả Senānī, tên nàng là Sujātā, khi đến tuổi dậy thì, đã cầu nguyện dưới cội cây banyan như sau : “ Kính thưa thọ thần của cây banyan, nếu con được gã vào một gia đình giàu có cùng giai cấp, con sẽ cúng lễ đến ngài món cơm sữa Ghana.” Lời cầu nguyện của nàng Sujāta được thành tựu. Thế nên, cứ đến ngày rằm tháng tư hằng năm thì nàng Sujātā đem món cơm sữa đến cúng dường vị thọ thần của cây banyan.
(Khi đọc lý do nàng Sujātā cúng dường món cơm sữa, nếu độc giả không suy xét kỹ, có thể nghĩ rằng Sujātā cúng lễ món cơm sữa đến thọ thần của cây banyan lần đầu tiên vào ngày rằm tháng tư, ngày Bồ tát chứng đắc Phật quả. Thực ra, lời cầu nguyện đã được thành tựu và sự cúng dường món cơm sữa đến thọ thần banyan tính đến thời gian ấy thì được khoảng 20 lần.
Nàng Sujātā đã sửa soạn món cơm sữa một cách kỹ lưỡng để làm lễ vật cúng dường đến thọ thần banyan vào ngày rằm tháng tư ấy, khi Bồ tát đã thực hành xong sáu năm khổ hạnh. Nàng chuẩn bị trải qua những bước sau đây: (1) Đầu tiên nàng cho một ngàn con bò sữa đến ăn ở rừng cây cam thảo, rồi sữa lấy được từ một ngàn con bò này được dùng để nuôi năm trăm con bò sữa khác. (2) Sữa của 500 con bò này được dùng để nuôi hai trăm năm mươi con bò khác. (3) Lần nữa, sữa của 250 con bò này được dùng để nuôi một trăm hai mươi lăm con bò khác. (4) Rồi sữa của 125 con bò này được dùng để nuôi sáu mươi bốn con khác. (5) Rồi sữa của 64 con bò này được dùng để nuôi ba mươi hai con khác. (3) Rồi sữa của 32 con bò này được dùng để nuôi mười sáu con khác. (7) Rồi sữa của 16 con này được dùng để nuôi 8 con bò khác. Như vậy, nàng Sujātā đã theo tuần tự mà tạo ra một lượng sữa cực kỳ bổ dưỡng và thơm ngon để nấu thành món cơm sữa. (Bài này được kể lại trong Chú giải Bổn sanh Kinh)
Theo bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā thì nàng Sujātā đầu tiên cho một trăm con bò sữa đến ăn ở rừng cây cam thảo. Rồi một trăm con bò sữa khác sanh ra từ một trăm con bò trước, nàng cũng cho vào ăn trong rừng cây cam thảo ấy. Và cứ thế cho đến một trăm con bò sữa thuộc thế hệ thứ bảy cũng được công nương Sujātā cho vào ăn trong rừng cây cam thảo. Đến thế hệ bò sữa thứ bảy nàng mới lấy sữa của chúng và đem nấu cơm sữa Ghana.
Với ý định rằng: “ Ta sẽ dâng lễ món cơm sữa Ghana vào sáng sớm ngày mai,” nàng Sujātā đã thức dậy lúc sáng sớm của ngày rằm tháng tư và cho người lấy sữa từ tám con bò sữa nói trên. Những bê con sanh ra từ tám con bò mẹ ấy cũng không đến bú sữa nơi mẹ của chúng. Và kỳ lạ thay, ngay khi những bình sữa được đặt dưới vú của những con bò sữa thì sữa chảy xuống liên tục đến đầy bình mà không cần đến bàn tay của con người nặn. Trông thấy cảnh tượng kỳ diệu ấy, nàng Sujātā đã tự tay bưng những bình sữa ấy đem đổ vào nồi và tự tay nhúm lửa, đích thân nấu món cơm sữa Ghana.
Khi món cơm sữa Ghana đang được nấu như vậy thì (1) những bong bóng lớn nổi lên và quay tròn theo chiều kim đồng hồ nhưng chẳng có một giọt nhỏ nào tràn ra ngoài; (2) không có một chút khói nào bốc lên từ dưới lò; (3) Bốn vị Thiên vương - những vị hộ trì thế gian, đến và đứng canh giữ lò; (4) Đại Phạm thiên cầm cái lọng đứng che trên cái nồi cơm sữa Ghana; (5) Đế thích sắp những cây củi cho bằng phẳng và đốt lửa; (6) chư thiên dùng năng lực thần thông thâu về những chất bổ dưỡng dành cho chư thiên, và nhân loại đang sống khắp bốn châu, có hai ngàn hải đảo nhỏ bao quanh. Tựa như họ đang lấy mật từ những tổ mật ong ở trên các cành cây. Rồi đem những chất bổ dưỡng đã thâu gom như vậy đổ vào nồi cơm sữa Ghana.
Chú thích : Những lúc khác, chư thiên thường đưa những chất bổ dưỡng ấy vào mỗi miếng vật thực của Đức Phật khi Ngài đang ăn. Tuy nhiên, trong hai trường hợp đặc biệt, ngày Đức Phật chứng đắc Phật quả và ngày Ngài viên tịch Đại Niết bàn, thì chư thiên bỏ những chất bổ trên vào trong nồi vật thực.
Sau khi trông thấy nhiều điều kỳ lạ xảy ra trong một ngày tại nơi nồi cơm sữa đang được nấu, nàng Sujātā cho gọi người tớ gái Puṇṇā đến và bảo rằng: “ Này Puṇṇā con, ngày hôm nay thọ thần banyan của chúng ta xem ra có tâm trạng vui vẻ. Hai mươi năm qua, ta chưa bao giờ chứng kiến những điều kỳ lạ như vậy. Hãy gấp rút đi đến cây banyan và quét dọn sạch sẽ chỗ ngụ của vị thọ thần ấy.” Người tớ gái Puṇṇā vội vàng đi đến cây banyan và trông thấy Bồ tát đang ngồi dưới cội cây, mặt nhìn về hướng đông và khắp cây banyan đều phát ra ánh sáng màu vàng do hào quang phát ra từ thân của Bồ tát. Người tớ gái Puṇṇā lấy làm kinh sợ và nghĩ rằng: “Hôm nay thọ thần Banyan đã đi xuống khỏi cây. Theo ta nghĩ, vị ấy dường như ngồi ở đó để tự tay nhận lấy lễ vật cúng dường.” Rồi nàng vội vã chạy về nhà và thưa lại mọi chuyện với nàng Sujātā. Nghe qua những lời của người tớ gái, nàng Sujātā cảm thấy rất vui mừng và nói rằng: “ Kể từ hôm nay, con sẽ là đứa con gái lớn của ta.” Rồi ban tặng cho người tớ gái Puṇṇā tất cả y phục và đồ nữ trang phù hợp với vị trí đứa con gái.
Theo thông lệ (dhammatā), vị Bồ tát sẽ thọ lãnh món cơm sữa Ghana vào ngày vị ấy thành Phật; và vật thực dâng đến Bồ tát được đựng trong cái bát bằng vàng. Rồi, nàng Sujātā với ý nghĩ rằng : “ Ta sẽ đặt món cơm sữa Ghana trong cái bát bằng vàng,” rồi lấy cái bát vàng ở trong phòng của nàng. Đoạn nàng nghiêng cái nồi cơm sữa và trút nó vào bát bằng vàng cho đến giọt cuối cùng như giọt nước lăn xuống từ ngọn lá sen. Toàn thể lượng cơm sữa vừa đủ để làm đầy cái bát đến ngang miệng, không hơn không kém.
Sujātā đặt bát ấy trong một cái bát bằng vàng khác và phủ lên bằng một tấm vải trắng tinh. Rồi nàng mặc vào bộ y phục lộng lẫy và trang sức rực rỡ, đặt bát sữa lên đầu, nàng đi đến cây banyan. Thấy Bồ tát đang ngồi dưới cội cây và quá đỗi vui mừng nhầm tưởng đó là thọ thần, nàng đến gần trong thái độ khiêm cung và tôn kính. Sau khi đã dừng lại ở một nơi phải lẽ và để xuống bát sữa mà nàng đang đội trên đầu, dở nắp khăn ra và mang một cái bình bằng vàng đựng nước thơm được ngâm bằng tất cả các loại hoa thơm, nàng tiếp tục tiến đến phía Bồ tát và đứng gần Ngài.
Cái bát bằng đất mà Phạm thiên Ghaṭikāra đã dâng tặng Bồ tát lúc Ngài xuất gia đã theo Ngài suốt sáu năm thực hành khổ hạnh, bỗng biến mất vào lúc công nương Sujātā đến dâng món cơm sữa Ghana. Vì không trông thấy cái bát, Bồ tát đưa bàn tay phải ra để nhận lấy nước. Công nương Sujātā bèn dâng cúng bát cơm sữa Ghana và đặt nó trong đôi tay của Bồ tát. Bồ tát nhìn công nương Sujātā, hiểu rõ cách nhìn của Ngài, nàng kính cẩn thưa rằng: “ Kính lạy Ngài, con xin dâng cúng đến Ngài món cơm sữa Ghana trong cái bát bằng vàng. Mong ngài hoan hỉ thọ nhận nó cùng với cái bát bằng vàng và đi bất cứ nơi nào Ngài thích.” Rồi nói lời khấn nguyện: “ Ước nguyện của con đã được thành tựu, cầu mong ước nguyện của Ngài cũng được thành tựu.” Nàng rời đi mà không hề luyến tiếc chút nào về cái bát bằng vàng đắt giá ấy, tựa như nó là chiếc lá úa vàng.
Bồ tát cũng đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, sau khi đi vòng quanh cây banyan, Ngài đi tiếp đến bờ sông Nerañjarā mang theo cái bát bằng vàng có đựng cơm sữa Ghana. Ở dòng sông Nerañjarā, có bãi tắm tên Suppatitthita nơi chư Bồ tát đến và tắm vào ngày chư vị đắc Phật quả. Sau khi tắm xong, Bồ tát ngồi dưới bóng mát của một cội cây, mặt hướng về phía đông. Rồi Ngài đem món cơm sữa vắt thành bốn mươi chín vắt lớn bằng trái cau già và ăn hết những vắt cơm ấy mà không uống nước. Bốn mươi chín vắt cơm sữa Ghana ấy, sau khi ăn vào biến thành chất dinh dưỡng (āhāra) để nuôi sống Ngài đủ bốn mươi chín ngày (sattasattāha), khi Ngài đang ngụ trong khu vực gần cây bồ-đề sau khi chứng đắc Phật quả. Suốt bốn mươi chín ngày này, Đức Phật trú trong sự an lạc của Quả giải thoát mà không dùng đến chút vật thực nào cả, không tắm, không rửa mặt và không lau rửa tay chân.
Sau khi độ xong món cơm sữa Ghana do nàng Sujātā dâng cúng, Bồ tát cầm lên cái bát bằng vàng và phát nguyện rằng: “ Nếu Ta thành Phật trong ngày hôm nay thì hãy cho cái bát bằng vàng này trôi ngược dòng nước; nếu Ta không thành Phật ngày hôm nay thì cái bát này hãy trôi xuôi dòng nước.” Rồi Ngài quăng cái bát ra giữa dòng sông Nerañjarā, cái bát bằng vàng kia cắt ngang dòng nước đi vào giữa con sông, rồi trôi ngược dòng với tốc độ của một con ngựa đang phi nhanh, xa khoảng tám mươi hắc tay, rồi chìm xuống trong một luồng nước xoáy. Khi chìm xuống đến cung điện của chúa Rồng – Kala, nó chạm vào ba cái bát vàng của ba vị Phật quá khứ - Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konāgamana và Đức Phật Kassapa, vào ngày các Ngài sắp thành Phật, tạo ra tiếng “leng keng” và rồi nằm dưới ba cái bát vàng trên.
Khi nghe tiếng leng keng, chúa Rồng bèn nói rằng “ Chỉ mới hôm qua có một vị Phật xuất hiện, hôm nay thêm một vị Phật khác xuất hiện.” Rồi vị ấy ngâm lên những bài kệ tán dương. (Thời gian xuất hiện giữa Đức Phật Kassapa và Đức Phật của chúng ta dài bằng một kiếp trái đất. Nhưng đối với chúa Rồng thì thời gian ngắn ngủi đến độ vị này nói sự xuất hiện như ‘hôm qua và hôm nay’).
Rồi Bồ tát vào nghỉ trong rừng cây sala, trên bờ sông Nerañjarā, nơi có nhiều loại hoa thơm, cây cối xanh tươi và dễ mến. Rồi Ngài thực hành pháp niệm Ānapana. Sau khi chứng đắc bát định và ngũ thông (abhiññā), Ngài đi dọc theo con đường đã được chư thiên và Phạm thiên trang hoàng xinh đẹp buổi chiều tối. Sau khi xuống con sông Nerañjarā và tắm nơi đó, Ngài hướng đến cây đại bồ- đề bằng con đường do chư thiên và Phạm thiên mở ra. Nhân đó, các vị rồng (naga), dạ-xoa (yakkha) và càn-thát-bà (gandhabba) tôn kính cúng dường Ngài bằng các loại hương liệu và hoa thơm của chư thiên. Họ cũng trỗi lên những khúc ca và tiếng nhạc đầy hân hoan và khả ái. Khi ấy toàn thể mười ngàn thế giới hầu như được phủ đầy hương liệu và hoa của chư thiên, không trung vang dội tiếng tung hô của chư
thiên và Phạm thiên.
Lúc bấy giờ, một người cắt cỏ thuộc dòng Bà-la-môn tên là Sotthiya, đang đi đến từ hướng đối diện mang theo những bó cỏ. Hiểu được ước muốn của Bồ tát là cần đến một ít cỏ, ông ta dâng đến Ngài tám nắm cỏ. Bồ tát mang tám nắm cỏ ấy đi lên chỗ đất cao của cây bồ- đề, đứng ở phía nam của cây, mặt nhìn về phía bắc. Ngay khi ấy, phần phía nam của mười ngàn thế giới bỗng nhiên chìm xuống như thấu đến địa ngục A-tỳ (Mahā Avici); và phần phía bắc của mười ngàn thế giới thì nổi cao lên như thấu đến cõi Sắc cứu cánh thiên (Bhavagga). Trông thấy hiện tượng này, Bồ tát suy xét như vầy: “ Đây không phải là nơi mà A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) có thể được giác ngộ.” Rồi Ngài tiếp tục đi quanh cây bồ-đề theo chiều kim đồng hồ và dừng lại ở hướng Tây, mặt nhìn về hướng đông. Ngay khi ấy, phần phía tây của mười ngàn thế giới cũng chìm xuống như thấu đến địa ngục A-tỳ (mahā avici); và phần phía đông thì trồi lên cao như thấu đến cõi Sắc cứu cánh thiên (Bhavagga), Bồ tát lại suy nghĩ: “ Đây cũng không phải là chỗ mà A- la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta- ñāṇa) có thể được giác ngộ”. Rồi Ngài đi vòng tiếp đến hướng bắc và mặt nhìn về hướng nam. Ngay khi ấy, phần phía bắc của mười ngàn thế giới chìm xuống như thấu đến cõi A-tỳ địa ngục (mahā avici); và phần phía nam thì trồi cao lên như thấu đến cõi Sắc cứu cánh thiên (Bhavagga). (Vị trí của đại địa ở những chỗ tại hướng nam , hướng tây và hướng bắc, nơi Bồ tát đã đứng, nó chìm xuống ở phía sau lưng Ngài và trồi lên ở trước mặt Ngài - giống như bánh xe bò nằm ngang trên đất, nó chao đảo hoặc chông chênh khi có người đạp lên ở mép vành). Trông thấy hiện tượng này, Bồ tát lại suy nghĩ: “Chỗ này cũng không phải là nơi mà A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) có thể được chứng đắc.” Rồi Ngài lại đi vòng tiếp về hướng đông và mặt nhìn về hướng tây.
(Về vấn đề này, bộ Chú giải Buddhavaṃsa chỉ nêu ra điều này: “ Bồ tát đi tiếp đến cây bồ đề, và sau khi đi quanh ba vòng, đứng tại góc đông bắc và rải tám nắm cỏ.” Bộ Chú giải không đề cập vấn đề đại địa nghiêng một bên khi Ngài đứng ở hướng nam, hướng tây và hướng bắc. Tuy nhiên, bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā thì giải thích rằng: “ Khi Bồ tát đứng ở hướng nam, hướng tây và hướng bắc thì đại địa rung chuyển như giọt nước rơi xuống ngọn lá sen” và đứng ở góc đông bắc, Ngài rải xuống nắm cỏ.”)
Vị trí mà vô địch bảo tọa (aparājita) xuất hiện ở hướng đông của cây bồ đề thì vững chắc không chao động (avijahitaṭṭhāna), nơi mà các bảo tọa của chư Phật quá khứ đã xuất hiện. Khi biết rằng: “ Nơi đây chắc chắn là chỗ chiến thắng, là chỗ mà tất cả chư Phật đoạn trừ phiền não.” Và cầm ở đầu ngọn cỏ, Bồ tát rải ra tám nắm cỏ mà Ngài mang đến. Ngay khi tám nắm cỏ vừa được rải ra, chúng biến thành bảo tọa châu báu to lớn, kích thước mười bốn hắc tay, lộng lẫy đến nỗi không một họa sĩ hay nhà điêu khắc tài giỏi nào có thể vẽ hay chạm trổ lại y như thế.
Cây bồ-đề phía sau lưng, mặt nhìn về hướng đông và với tâm kiên quyết, Bồ tát công bố:
(1) Cho dù chỉ còn da,
(2) Cho dù chỉ còn gân,
(3) Cho dù chỉ còn xương,
(4) Cho dù toàn thân của ta, và tất cả thịt cùng máu đều khô cạn, nếu chưa chứng đắc Phật quả Ta sẽ không thay đổi thế ngồi kiết già này. Với tứ phần tinh tấn nguyện như vậy, Ngài ngồi trên bảo tọa châu báu trong thế ngồi kiết già bất khả chiến bại, dầu hằng trăm cái chùy sấm sét tấn công cùng một lúc.
Khi Bồ tát ngồi trên vô địch bảo tọa (aparājita) dưới cội cây bồ-đề với mục đích chứng ngộ Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa), Đế thích đến đảnh lễ và đứng thổi cái tù và Vijayuttara (cái tù và này dài 120 hắc tay và khi được thổi thì âm thanh của nó ngân vang suốt 4 tháng mới ngưng), vị thiên Pañcasikha đến đảnh lễ và đứng gảy đàn Beluva, vị thiên Suyama đứng phe phẩy cái phất trần, vị thiên Santusita đứng phe phẩy cái quạt tròn bằng hồng ngọc, và Phạm thiên Sahampati đứng cầm cái lọng trắng dài ba do tuần. Long vương Kāla đến với hội chúng tám chục ngàn nữ rồng và bày tỏ sự tôn kính bằng cách ngâm lên hằng trăm bài kệ tán dương Bồ tát. Tất cả chư thiên và Phạm thiên khắp mười ngàn thế giới đều đến bày tỏ sự tôn kính bằng những loại hoa thơm ngát, những loại hương liệu, bột thơm và ca lên hằng ngàn bài ca tán dương Bồ tát.
Ma vương của cõi Tha hóa tự tại thiên, sau khi rời bỏ các lạc thú ở cõi chư thiên của vị ấy, hằng theo sát Bồ tát suốt sáu năm lúc Ngài thực hành dukkaracariyā, chờ đợi cơ hội xem Bồ tát có khởi lên các tà tư duy như dục tư duy (micchāvitaka), v.v... hay không. Nhưng vì không tìm thấy một dấu hiệu nhỏ nhoi nào về sự khởi sanh các tà tư duy nơi Bồ tát, Ma vương tự nghĩ như vầy: “ Bây giờ Thái tử Siddhattha đã đến cây bồ-đề để chứng đắc Phật quả. Hiện tại vị ấy đang cố gắng thoát khỏi phạm vi kiểm soát của ta (trong ba cõi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên). Dù thế nào chăng nữa, ta cũng không thể để cho vị ấy có cơ hội thoát ra khỏi tam giới dưới quyền kiểm soát của ta.” Với ý nghĩ này, y trở về cõi Tha hóa tự tại thiên (Vasavatti deva) và sau khi triệu tập các đoàn binh ma, y truyền lịnh : “ Này các chiến hữu, hãy tự mình hóa thành những hình thù ghê sợ và mỗi vị cầm những khí giới khác nhau, rồi tiến nhanh đến thái tử Siddhattha như một dòng thác lũ đang đổ xuống.” Còn thiên ma, vị ấy đi sau đoàn binh ma, cỡi trên con voi Girimekhala lớn 150 do tuần, và hóa ra 1000 cánh tay trên thân, mỗi cánh tay cầm một loại khí giới.
(Thiên ma - Mara deva ở đây không phải là kẻ cai trị hợp pháp của cõi Tha hóa tự tại. Vị thiên vương trị vì hợp pháp của cõi Tha hóa tự tại là một vị thiên khác. Cũng như một thủ lãnh của phe nổi loạn trong cõi nhân loại, nổi dậy để chống lại quốc gia, quấy phá và cướp đoạt, Thiên ma thực ra chỉ là vị thiên có quyền lực ở cõi Tha hóa tự tại, lãnh đạo đám tùy tùng nổi loạn gồm những chư thiên ác, tạo ra mối phiền nhiễu to lớn cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên khi thực hành các việc phước).
Những đoàn binh đông đảo của Ma vương đang tiến đến Bồ tát số lượng thật khổng lồ, phía trước Ma-vương kéo dài 12 do tuần, bên phải 12 do tuần, bên trái 12 do tuần, ở trên đầu Ma vương cao 9 do tuần và ở đằng sau nó trải dài đến tận cùng của mười ngàn thế giới. Những âm thanh ghê rợn từ những tiếng la hét có thể nghe từ một khoảng xa một ngàn do tuần, giống như âm thanh đất lỡ. Ma vương với ngàn tay cầm một ngàn loại khí giới khác nhau, và những đoàn binh đông đảo của y, mỗi đoàn cầm một loại khí giới riêng, biến ra những hình thù dữ tợn với những khuôn mặt kỳ dị, tất cả tiến đến Bồ tát nhằm đánh bại và tiêu diệt Ngài.
Khi những đạo binh ma khổng lồ tiến đến cây đại bồ-đề như vậy, thì không một ai trong số những chư thiên do Đế thích dẫn đầu đi đến để tôn kính Bồ tát mà có đủ gan dạ để đứng đó. Họ bỏ chạy tán loạn khắp các hướng. Sakka vác cái tù và Vijjayuttara bỏ chạy và dừng lại đứng ở bờ vực của mười ngàn thế giới. Đại phạm thiên cũng vậy, vị ấy quăng bỏ cái lọng trắng ở bờ vực của mười ngàn thế giới và trở về cõi Phạm thiên. Long vương Kāla cũng thế, vị ấy bỏ lại tất cả nữ rồng và độn thổ trở về long cung Manjerika, rộng năm trăm do tuần, rồi nằm ngủ với tay che mặt. Không có một vị thiên hay vị Phạm thiên nào dám đứng gần Bồ tát và cây đại bồ-đề. Lúc bấy giờ, Bồ tát ngồi lại một mình như Đại phạm thiên một mình ngụ trong cung điện trống vắng.
Những điềm xấu hiện ra rõ ràng để báo hiệu Ma vương sắp đến. Những điềm tướng này là : hằng ngàn sao băng rơi xuống; bóng tối phủ xuống với sương mù nổi lên; đại địa cùng đại dương chấn động dữ dội; sương muối nổi lên trên biển; nhiều con sông chảy ngược dòng; đá trên đỉnh núi đổ ào xuống; cây cối ngã đổ; gió bão thổi mạnh; những tiếng rít và tiếng gầm thét rợn người phát ra từ những cơn gió bão này; mặt trời chìm vào bóng tối. Ma vương đến với sự xuất hiện rõ ràng của những hiện tượng báo điềm này, Bồ tát vẫn ngồi yên một cách can đảm, không chút sợ hãi, như đại bàng chúa Garuda giữa bầy chim hoặc như sư tử chúa Kesarajā xuất hiện giữa muôn thú.
Ngay khi những điềm xấu kể trên xuất hiện thì Ma vương đi đến nhưng phải đứng lại vì không thể đi vào khu vực trung tâm của cây đại bồ-đề (Mahā Bodhi maṇḍāla). Không dám tiến vào, những đạo binh ma đông đảo bèn vây quanh Bồ tát từ khắp các hướng. Nhìn các đạo binh của mình, Ma vương truyền lịnh: “ Nào, hãy bắt lấy vị ấy.” Nhưng chính Y không thể nào đến gần cây đại bồ-đề giống như con ruồi không thể đến gần thanh sắt nóng đỏ, Ma vương nói với tùy tùng: “ Hỡi các chiến hữu, không một ai có thể địch lại Thái tử Siddhattha, con vua Suddhodāna. Chúng ta không thể tấn công từ phía trước, vậy chúng ta hãy tấn công thái tử Siddhattha từ sau lưng vị ấy.”
Khi quán xét ở ba mặt: phía trước, bên phải và bên trái, Bồ tát không nhìn thấy một ai ngoài sự trống rỗng vì tất cả chư thiên và Phạm thiên đã bỏ chạy. Rồi nhìn vào những đạo binh ma đang tiến đến để quật ngã Ngài từ phía bắc, Ngài tự nghĩ: “Những đạo binh đông đảo của Ma vương đang cố gắng bằng mọi cách với mục đích duy nhất là tấn công Ta. Giờ đây nơi này, không mẹ, không cha, anh em hay quyến thuộc cũng không. Chỉ có mười pháp Ba-la-mật mà Ta đã tu tập và nuôi dưỡng từ nhiều đời nhiều kiếp, là những người bạn sát cánh và những người hầu trung thành của ta. Nhờ nương vào những đồng chí trung thành này, tức mười Ba-la-mật, sẽ thích hợp để Ta tiêu diệt những đạo binh ma này bằng vũ khí Ba-la-mật của Ta.” Rồi Ngài ngồi như vậy mà quán xét về mười pháp Ba-la-mật của ngài.
Trong khi Bồ tát đang suy xét về mười pháp Ba-la-mật của Ngài như vậy thì Ma vương ra kế hoạch tấn công: “ Bằng cách tung ra chín loại khí giới hủy diệt, ta sẽ khiến thái tử Siddhattha phải bỏ chạy.”
(1) Trước hết y tung ra một trận cuồng phong dữ dội. Ngay lập tức gió đông, gió tây, gió nam và gió bắc nổi lên ào ào, và dầu chúng có khả năng phá vỡ và cuốn đi những đỉnh núi có kích thước nửa do tuần, một do tuần, hai do tuần hoặc ba do tuần, cuốn phăng những cây đại thọ và nghiền nát những làng mạc, phố chợ ở vùng lân cận, chúng lại trở nên vô hiệu khi đến gần Bồ tát, thậm chí không thể làm lay động chéo y của Ngài do oai lực các pháp Ba-la-mật của Bồ tát.
(2) Ma vương nôn nóng nhìn quanh với ý nghĩ rằng: “ Vào lúc này, Sa-môn Gotama có lẽ đã bị cơn gió lốc của ta cuốn đi và va vào ngọn núi Cakkavāla mà tan ra từng mảnh.” Y tức giận khi thấy Bồ tát vẫn ngồi bất động ở đó như cái trụ có đế được chôn chặc trong lòng đất, Ma vương lại khởi lên ý định khác: “ Ta sẽ giết chết Thái tử Siddhattha bằng cách nhận chìm Thái tử trong những dòng nước rất mạnh.” Và tức thì vị ấy tạo ra những đám mây mưa vần vũ và cơn mưa lũ trút xuống. Quả đất to lớn này biến thành vùng trũng sâu do sức mạnh của lượng mưa được Ma vương hóa ra. Dòng nước lũ này, sau khi chảy tràn khắp bìa rừng và cây cối, nó tiến gần Bồ tát nhưng không thể làm ướt ngay cả một sợi chỉ trên chiếc y của Ngài, nó chuyển hướng và chảy đi nơi khác.
(3) Trông thấy hiện tượng trên, Ma vương dự định: “ Ta sẽ biến Thái tử Siddhattha này thành cát bụi bằng trận mưa đá,” và y tạo ra trận mưa đá. Những tảng đá có kích thước rất lớn lăn xuống từ hư không giống như những ngọn núi lớn, làm nổi lên khối bụi mịt mù. Khi đến gần Bồ tát, chúng biến thành những tràng hoa chư thiên và những quả cầu hoa.
(4) Sau đó, với ý nghĩ rằng: “ Ta sẽ đem đến cái chết cho Thái tử Siddhattha. Ta sẽ giết chết vị ấy bằng cách băm nhỏ vị ấy ra từng mảnh, ” Ma vương bèn hóa ra trận mưa đao. Tất cả các loại đao, kiếm, v.v... bay vần vũ trong không trung phát ra những đám khói và lửa, nhưng khi đi vào khu vực của cây đại bồ-đề thì chúng biến thành các loại hoa thơm và xinh đẹp như hoa lài, v.v... và rơi xuống người của Bồ tát.
(5) Dù Ma vương đã dự định, “ Thái tử Siddhattha sẽ biến thành khối thịt được băm nhỏ.” Nhưng y đã thất bại, và rất ngạc nhiên khi thấy Thái tử Siddhattha vẫn ngồi ở đó, uy nghi như ngọn núi Kim cương. Bởi vậy, y lại cho đổ xuống đám mưa than đỏ. Chúng rơi xuống kèm theo khói lửa mịt mù nhưng rồi cũng biến thành các loại hoa khi đến gần Bồ tát.
(6) Sau đó, y tạo ra đám mưa tro nóng đỏ. Khối tro khổng lồ rất nóng như lửa rơi xuống từ không trung nhưng lại biến thành bột đàn hương của chư thiên khi chúng đến gần chân của Bồ tát.
(7) Lại nữa, Ma vương biến hóa ra cát nóng rơi xuống như mưa. Cát ở dưới dạng bột rất mịn đi xuống từ hư không và rơi xuống chân của Bồ tát thành những đóa hoa chư thiên.
(8) Sau đó, y hóa ra một đám mưa bùn nóng. Bùn bốc khói và lửa ngọn cũng xuyên qua hư không rơi xuống dưới chân Bồ tát sau khi biến thành nước hoa của chư thiên.
(9) Cuối cùng, Ma vương hóa ra màn đêm đen tối với ý định : “ Ta sẽ cho Thái tử Siddhattha phải bỏ chạy bằng cách tạo ra màn đêm đen tối để đe dọa vị ấy.” Màn đêm đen tối do Ma vương tạo ra bốn yếu tố, đó là : đêm 30 không có trăng, trời đầy mây đen, lúc nửa đêm, ở giữa rừng sâu; nhưng khi bóng tối ấy tràn đến Bồ tát thì nó biến mất như đêm tối bị ánh sáng mặt trời xua tan.
(Ở đây, cần hiểu rằng bóng tối do Ma vương tạo ra bị xua tan do bởi mạng lưới hào quang tỏa ra từ những lỗ chân lông trên thân của Ngài).
Dầu Ma vương đã tiến hành những cuộc tấn công bằng chín loại khí giới kể trên, nhưng chúng không hiệu quả. Bởi vậy Y tiếp tục khiến sao băng rơi xuống, làm cho mười ngàn thế giới tràn ngập mây khói. Sấm sét đùng đùng vang dậy cả bầu trời dầu không có mưa. Hằng ngàn tia chớp lóe sáng khủng khiếp. Tuy vậy, Ma vương cũng không thể nào làm hại Bồ tát. Rồi y lại chuyển sang cuộc tấn công bằng vũ khí cực kỳ nguy hiểm, nói rằng: “ Này Thái tử Siddhattha, ta sẽ làm cho cái đầu của người bể ra từng mảnh và rơi xuống đất.”
Công năng của loại khí giới ấy nguy hiểm đến nổi nếu nó được ném xuống đất thì suốt 12 năm liền cỏ không mọc nổi. Nếu nó được phóng lên trời thì trời đất sẽ bị hạn hán suốt mười hai năm không một giọt mưa. Nếu nó được phóng vào đỉnh núi Meru thì núi Meru sẽ vỡ đôi và đổ xuống tan tành. Khi ma vương tung ra loại khí giới ấy, nó đi xuống xuyên qua hư không, phát ra tiếng đùng đùng như sấm sét và rơi xuống dưới chân Bồ tát cuộn tròn lại như cuộn dây thừng được dùng làm thảm chà chân, và như vậy tánh kiêu ngạo hung hăng của Ma vương cũng bị triệt hạ.
Vì chẳng biết làm gì hơn và quá tức giận, Ma vương lớn tiếng truyền lịnh cho binh ma: “ Tại sao các ngươi đứng trơ ra đó? Đừng để Thái tử Siddhattha có cơ hội nào để thành tựu ước nguyện chứng đắc Phật quả. Hãy tóm lấy hắn! Hãy đâm chém hắn! Hãy hạ gục hắn! Đừng để hắn trốn thoát!” Chính Ma vương cỡi trên con voi Grimekhala tiến đến Bồ tát, một tay vung lên vù vù và nói với Bồ tát rằng: “ Này Thái tử Siddhattha, từ nay trở đi hãy rời khỏi bảo tọa kia đi.” Vào lúc ấy, những đạo binh ma tự hóa ra những hình thù kỳ dị, hăm dọa bằng nhiều cách.
(Đoạn kệ cảm thắng Thiên ma được mô tả trong bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā với nhiều chi tiết và làm khởi sanh lòng tịnh tín nhiều hơn so với bộ Chú giải Jātaka và bộ Chú giải Buddhavaṃsa. Vì vậy, hầu hết những những chi tiết sau đây phần lớn được trích ra từ bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā.)
(1) Sa pādamule kiḷantaṁ, passanto tarunaṁ sutaṁ pitāvudikkhi taṁ māraṁ mettāyanto dayāparo.
Đối với người cha nhân từ rất yêu thương con cái, khi đứa con nhỏ đang đùa giỡn với ông ta, dầu nó có đánh đấm, cào xé, nhổ râu, giật tóc của ông, ông ta cũng không hề tỏ vẻ nóng giận. Trái lại, người cha còn ẳm nó lên, vỗ về cho nó ngủ trong lòng, trong tình thương của người cha. Cũng vậy, Bồ tát hằng nhẫn nại, chịu đựng tất cả những hành vi sái quấy của Ác ma, không chút buồn phiền. Ngài nhìn Ma vương với tâm không chút sợ hãi mà chỉ với tâm từ ái và lòng bi mẫn.
(2) Tadā so āsabhiṁ vācaṁ sīhanādaṁ nadī mun na jānāti sayaṁ mayhaṁ dāsabhāvampayaṁ khalo.
(3) Yena kenaci kammena jāto devapure vare sakaṁ gattiṁ ajānanto lokajeṭṭhomhi maññati.
Khi ma vương tiến đến Bồ tát với những đạo binh hùng hậu và không ngừng quấy nhiễu Ngài, Ngài thốt lên những lời dũng cảm như vầy: “ Ác ma này, quả thật chẳng hay biết chút nào rằng chính y đã trở thành người hầu của Ta rồi. Sau khi đã tái sanh trong cõi Tha hóa tự tại thiên (Vassavati), chỉ do có chút phước, nhưng chẳng biết một chút nào về thọ mạng của chính y, tức mạng chung vào khổ cảnh mà y phải bị đọa vào sau khi chết. Y lại nghĩ về mình rằng: “ Ta thường hằng, Ta là người duy nhất thống trị khắp thế gian.” Y chẳng hề suy xét, chẳng hay biết về số phận của chính y và về đại họa này y sẽ bị rơi xuống khổ cảnh. Do vô minh, y mới dám phạm những điều ác như vậy.”
(4) Anantalokadhātumhi sattānaṁ hi kātaṁ subhaṁ mayhe kapāramitāyāpi kalaṁ nāgghati soḷasim.
(5) Tiracchāno saso hutvā disvā yācakamāgataṁ pacitvāna sakaṁ maṁsaṁ patitoggimhi dātave.
Nếu đem số phước tích lũy của tất cả chúng sanh trong toàn thể vô số thế giới đặt một bên của chiếc cân trí tuệ và bên kia của chiếc cân là những việc phước tích lũy từ những pháp Ba-la-mật của Ta thì số phước của tất cả chúng sanh không bằng một phần hai trăm năm mươi sáu (1/256) số phước phát sanh từ một trong mười Ba-la-mật của ta. Quả thật, ngay cả trong kiếp sanh làm con thỏ bé nhỏ ở cõi súc sanh, Ta đã nhảy vào đống lửa với can đảm to lớn để làm món thịt nướng khi một người đến xin món thịt từ thân mạng của ta.
[Thông thường, lời nói đầy gan dạ được Bồ tát nói ra : “ Nếu phước tích lũy của tất cả chúng sanh trong toàn thể vô số thế giới mà đem so với những việc phước phát sanh từ duy nhất một trong mười pháp Ba-la-mật của ta thì phước kia không bằng một phần hai trăm năm mươi sáu (1/256) số phước của một Ba-la-mật ấy”, xem ra có vẻ hơi khoa trương. Thực tế thì không khoa trương chút nào, những lời nói ấy rất tự nhiên và đúng thật. Giải rõ, những chúng sanh khác ngoài Bồ tát ra, thường làm những việc phước với ước nguyện được thọ hưởng hạnh phúc trong cõi nhân loại và chư thiên. (Ngay cả những người tu Phật sanh ra làm người trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật hiện tại, và biết rõ rằng hành động bố thí với ước nguyện tái sanh vào những cõi an vui đầy đủ dục lạc, vaṭṭanissita dāna không thù thắng và nhiều lợi ích bằng hành động bố thí với ước nguyện chứng đắc Niết bàn, vivaṭṭanissata dāna, trong thâm tâm của họ vẫn có ước muốn tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp với đời sống hạnh phúc tuy họ không bày tỏ ước muốn này một cách rõ ràng khi bố thí cúng dường). Như vậy, việc làm tích lũy phước được thực hiện bởi những kết quả khác trong vòng luân hồi, tựa như những người này đang tiêu xài của cải do phước của họ đem lại khi họ đang có kiếp sống làm người và hạnh phúc trong cõi người, cõi chư thiên. Do đó, giống như người xài tiền cho những nhu cầu cá nhân mỗi khi người ấy kiếm được tiền và không thể dành dụm tiết kiệm được đồng nào. Ngoài Bồ tát, tất cả chúng sanh hữu tình, vui thích trong khoái lạc của luân hồi, vaṭṭābhirata, tất cả đều là những kẻ nghèo túng, không có được của cải tích lũy của những việc phước.
Còn đối với Bồ tát, Ngài chỉ mong cầu Nhất thiết trí, mỗi lần Ngài thực hiện việc phước là để hoàn thành các pháp pāramī. Kết quả, tất cả những việc phước được thực hiện bởi Bồ tát vẫn nguyên vẹn trong dòng tâm của Ngài như một kho tích lũy các việc phước (kammasamaṅgi) chừng nào chúng chưa ra quả Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa). Thế nên, như người không tiêu xài phung phí mà tiết kiệm tiền bạc mỗi ngày một nhiều hơn, cũng vậy Bồ tát tích lũy các việc phước từ kiếp này sang kiếp khác, trở thành người rất giàu có về phước.
Đối với một người giàu có, tài sản đến hằng triệu đồng tiền vàng thì dù đông đảo người nghèo góp chung lại cũng không thể sánh với ông ta về mặt tài sản. Cũng vậy, Bồ tát là người có tài sản về phước nhiều vô lượng do những Ba-la-mật của Ngài đem lại. Nên chúng sanh trong vô số thế giới không thể so với Ngài về mặt phước báu. Họ nhất định bị đánh bại vì họ nghèo khổ về mặt tài sản phước báu do họ đã sử dụng hết khi họ vừa kiếm được qua sự thành tựu kiếp sống hạnh phúc (bhavasampatti) và sự thọ hưởng các dục lạc (bhogasampatti). Cho nên Bồ tát thốt lên những lời đầy tự tin như vậy là không cường điệu chút nào. Những lời như vậy rất tự nhiên và trung thực.]
(6) Evaṃ anantapunnehi siddhaṁ dehamimaṁ pana yaṭhābhūtaṁ ajātnanto manussoti hi maññati.
Ta có được nhân cách này trong kiếp sống này là do kết quả của vô lượng phước báu kể trên, Ma vương vẫn không biết Ta thực sự là người như thế nào và vì thế y cho rằng Ta chỉ là một người bình thường.
(7) Nāhaṃ namusso nāmanusso na Brahmā na ca devatā darāmaranaṁ lokassa dassetum panidhāgato.
Thực ra, Ta không phải là một con người bình thường bảy ngày tuổi, Ta cũng không phải là dạ xoa, Phạm thiên hay chư thiên nhưng Ta đã thọ sanh trong lòng của một nữ nhân để chỉ cho chúng sanh thấy cái khổ của già, bịnh và chết trong vòng luân hồi.
(Giải thích: Không thể nói rằng Bồ tát là người, dạ xoa, chư thiên hay Phạm thiên, vì mỗi loại chúng sanh này đều không có những công việc được thực hiện bởi Bồ tát.
Nếu vậy thì có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao Bồ tát sanh ra từ một người nữ (hoàng hậu Māyā)? Câu trả lời đã được nói ở trên rằng Ngài đã thọ sanh trong bào thai của một nữ nhân để chỉ cho tất cả chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thấy khổ già, khổ bịnh và khổ chết trong vòng luân hồi.
Giải thích thêm: Không có chư thiên, Ma vương, Phạm thiên hay Đại ngã (Atta) có thể tạo ra hay làm cho hiện hữu một chúng sanh nào. Thực tế thì chính do ái dục (taṅhā) khởi sanh trong dòng tâm của mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về sự tái sanh (paṭisaṅdhi). Cũng chính do năng lực của ái dục mà hành động phước và tội.
Giải rõ hơn: Hành vi tạo nghiệp (kamma) giống như đất trong ruộng. Tâm thức (viññana) đi chung với nghiệp giống như hạt giống; ái dục hay tham (taṇhā hay lobha) giống như nước. Chính do sự kết của ba yếu tố: đất của kamma, hạt giống của viññāna và nước mà taṇhā hay lobha mọc lên; chính do 3 yếu tố này mà có chúng sanh. Nếu taṇhā hay lobha không có, thì dù có kamma và viññāna cũng không thể có chúng sanh. Do đó, những vị A-la-hán đã đoạn tận ái dục thì không còn tái sanh vào kiếp sống mới.
Như vậy, chúng sanh xuất hiện do sự kết hợp của ba nguyên nhân, phải chịu nhiều đau khổ như sanh, già, v.v... Bồ tát là người muốn đoạn diệt tất cả những đau khổ này cho chúng sanh.
Nguyên nhân chính tạo ra tất cả đau khổ là ái dục (taṅhā) . Nếu ái dục được đoạn tận thì sự sanh không xảy ra. Nếu sanh không có thì già, chết, v.v… cũng không có. Cho nên chỉ ái dục cần phải được đoạn tận trước hết; và do vô minh (moha) mà ái dục sanh khởi trong chúng sanh, khiến họ khao khát hạnh phúc với quan niệm rằng sáu cảnh (ārammana) như: sắc (rupārammana) … là thường (nicca-saññā), lạc (sukha-saññā), ngã (atta-saññā) hoặc tịnh (subha-saññā). Và ái dục có thể được đoạn trừ chỉ khi nào những khuyết điểm của sáu cảnh, nguồn gốc của ái dục, được làm cho hiện bày.
Lại nữa, những khuyết điểm của sáu cảnh là bản chất vô thường, v.v... có thể nhận rõ khi nào thấy được bản chất của già và chết; chỉ khi nào thấy già và chết thì mới trông thấy các khuyết điểm của sáu cảnh, như trạng thái vô thường, v.v... và chỉ khi nào trông thấy những khuyết điểm của sáu cảnh này thì ái dục và tham ái dính mắc với sáu cảnh mới được loại trừ. Và chỉ khi nào ái dục và tham ái được loại trừ thì đau khổ luân hồi như sanh, già, v.v… mới chấm dứt. Như thế, sự giác ngộ bản chất của già và chết hình thành yếu tố căn bản và nòng cốt nhất trong sự chấm dứt khổ luân hồi. Và vì vậy, Bồ tát đi đến cõi nhân loại này và thọ sanh trong bào thai như hoa sen của hoàng hậu Māyā để chỉ cho tất cả chúng sanh thấy được bản chất của già và chết hình thành yếu tố căn bản và nòng cốt trong việc chấm dứt cái khổ trong luân hồi.
(Giải rõ hơn nữa) Nếu Bồ tát, sau khi sanh làm một vị thiên hay Phạm thiên mà thuyết giảng bản chất của già và chết và thị hiện các phép lạ, thì chư thiên hoặc Phạm thiên sẽ không tin vì họ cho rằng: “ Vị thiên này hay Phạm thiên này vốn là kẻ đang thọ hưởng hạnh phúc, vị ấy thường tồn và bền vững (ngã), lại đến thuyết giảng về vô thường, khổ và vô ngã. Giáo pháp của vị ấy là giáo pháp gì vậy?” Họ sẽ không tôn kính lắng nghe Ngài. Họ chỉ đưa ra ý kiến rằng: “ Có điều gì mà một vị thiên hay Phạm thiên không thể giảng thuyết và có phép lạ nào mà vị ấy không làm được? Thực ra, vị ấy có thể thị hiện tất cả các phép lạ. Bởi vậy, sự thuyết giảng giáo lý hay sự thị hiện các phép lạ của vị ấy chẳng có gì là kỳ diệu cả.”
Trước sự chứng kiến của phần đông, Bồ tát được sanh ra từ hoàng hậu Māyā; lớn lên Ngài thọ hưởng dục lạc, lấy vợ và khi có con, Ngài từ bỏ thế gian và trở thành vị Sa-môn. Sau khi thực hành sáu năm dukkaracariya, cuối cùng Ngài chứng đạt Đạo tuệ và Nhất thiết trí (trở thành một vị Phật). Do đó, khi Ngài bắt đầu thuyết pháp hay làm hiện bày bản chất của già và chết, hoặc giảng giải về Tam tướng: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta), tất cả chúng sanh tôn kính lắng nghe lời dạy của Ngài với ý nghĩ rằng : “ Ngay cả một con người cao quý như Ngài, có đại oai lực và trí tuệ và biết rõ tất cả mọi khía cạnh của Pháp, vẫn không thể vượt qua già, bịnh và chết. Nói gì đến chúng ta?”
“ Đức Phật của chúng ta, Bậc giảng dạy phương pháp đoạn trừ mọi đau khổ như sanh, già, v.v… quả thật đã liễu ngộ bản chất thật của tất cả các pháp! Thật vậy, Niết bàn, nơi diệt tận tất cả mọi đau khổ như sanh, già, v.v... là hạnh phúc tuyệt đối!” Với niềm tin này, họ thực hành theo lời dạy của Đức Phật, vận dụng trí tuệ theo lời dạy và nhờ vậy họ thấy rõ thân này (atta-bhava) đúng thực là năm thủ uẩn (upādānakkhandha) là khổ (dukkha) và nguyên nhân của dukkha. Họ cũng phân biệt rõ những khuyết điểm của ái dục và tham sanh khởi trong thân này, mà thực tế đó là năm thủ uẩn. Sau khi thấy rõ như vậy, chúng sanh cảm thấy sợ hãi, xấu hổ và ghê tởm ái dục là nguồn gốc của khổ (samudaya-saccā), năm thủ uẩn, tức là sự thực về khổ (dukkha-saccā) sanh lên từ ái dục, và họ hoàn toàn đoạn trừ ái dục. Khi thực hành như vậy, họ sẽ có đủ khả năng để chứng đạt Niết bàn tối hậu (anupādaparinibbāna), sự chấm dứt hoàn toàn dukkha. Cho nên Bồ tát nói rằng: “ Ta đến cõi nhân loại này và chấp nhận thọ thai trong lòng hoàng hậu Māyā để chỉ cho tất cả chúng sanh thấy cái khổ của sanh, già và chết trong vòng luân hồi.”
(8) Anapulitto lokena jātonantajino ahaṁ Buddho bodhitale hutvā Tāremi janātaṁ bahuṁ.
Này Ma vương, dầu đã ra đời trong cõi nhân loại này, Ta hoàn toàn không bị ô nhiễm bởi bất cứ trạng thái hữu vi nào của chúng sanh. Sau khi đoạn diệt trạng thái hữu vi vô lượng của chúng sanh và vô lượng phiền não, ta đã đạt được danh hiệu “ Bậc Chiến thắng giả” (Anantajina). Ngay cả trong khi đang ngồi trên vô địch bảo tọa mà không rời bỏ thế ngồi kiết già này, Ta đã thiêu đốt và đoạn diệt tất cả phiền não. Ta quả thật đã trở thành một vị Phật giữa nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Và Ta sẽ cứu vớt tất cả chúng sanh này ra khỏi biển luân hồi (saṁsarā) và đưa họ đến vùng đất hướng thượng của Niết bàn. Ngươi không còn cách nào có thể kềm hãm được Ta. Điều đó không phải là mối quan tâm của ngươi.
(9) Samantā dhajinin disvā yuddhaṁ māraṁ savāhanaṁ yuddhāya paccugacchāmi Mā maṁ ṭhānā acāvayi.
(10) Yaṁ te taṁ nappasahati
senam loko sadevako
taṁ te paññāya bhecchāmi āmam pakkam va asmanā.
Này Ma vương, khi trông thấy đạo binh to lớn của ngươi đang tiến đến từ khắp các phía với cờ xí rầm rộ và ngươi trên con voi Girimekkhala, Ta đối mặt với ngươi bằng trí tuệ để chiến đấu một cách dũng cảm. (Nghĩa rằng, không chiến đấu bằng thể chất mà chiến đấu bằng trí tuệ). Ngươi không thể làm cho Ta đứng dậy hoặc rời khỏi vô địch bảo tọa này. Ta biết chắc rằng ngươi không thể làm được điều đó.
Này Ma vương, giống như một người khỏe mạnh cầm cục đá lớn đập bể tất cả nồi niêu, thau chậu bằng đất nung, Ta với sức mạnh của trí tuệ, sẽ đánh tan tác và đẩy lùi mười đạo binh dục ái (kāma-rāga) của ngươi mà toàn thể thế gian đã phải thất bại trong nhục nhã. Hoặc cho dù những đạo binh to lớn của ngươi, dài mười hai do tuần, phía trước, bên phải và bên trái, cao 9 do tuần và xa đến những bức thành ở tận cùng của hệ thống thế giới, Ta sẽ đẩy lùi những đạo binh ấy, khiến không còn một tên binh ma nào còn lại. Ngay từ bây giờ, Ta sẽ khiến cho ngươi và những đạo binh của ngươi phải bỏ chạy như đàn quạ đen bị ném đá tan tác bay đi.
(Câu kệ thứ 9 và 10 được Đức Phật giảng thuyết trong bài kinh Padhāna. Câu kệ số 1 đến câu kệ số 8 và những câu kệ sau đây được biên soạn bởi trưởng lão Buddharakkhita, tác giả của Jinālaṅkāra, rút từ kinh tạng Pāḷi phù hợp với giáo Pháp của Đức Phật).
(11) Icchantosāsape gabbhe,
cankamami iti cito
icchanto lokadhātumhi
attabhāvena chādayi.
Này Ma vương, nếu muốn (nếu Ta muốn thu nhỏ lại), Ta có thể đi lui đi tới trong hạt cải. Nếu muốn (nếu Ta muốn hóa hiện lớn) Ta có thể làm cho thân (atta-bhava) của Ta che phủ cả thế giới.
(12) Ete sabbe gahetvāna, cuṇṇnetuṃ iccharāyapi Atthi ṭhāmabalaṁ mayhaṁ, pānagāto na ruccati.
Này Ma vương, Ta có năng lực tóm bắt và nghiền nát ngươi cùng với tất cả những đạo binh của ngươi chỉ bằng cái búng ngón tay, nhưng Ta không vui thích chút nào trong việc lấy mạng của kẻ khác, vì đó là hành động bất thiện.
(13) Imassa gaṇḍupādassa, avudhena balena kim Meyhaṁ hi tena pāpena, sallāpopi na ruccati.
Có lợi ích gì nếu Ta dùng vũ khí hoặc sức mạnh của thân để chống lại ngươi, là Ma vương chỉ bằng con giun đất? Quả thật vậy, ngay cả nói chuyện với Ác ma như mi Ta cũng không thích.
Trước khi Bồ tát nói lên những lời đầy dũng khí này, Ma vương đã hỏi: “ Này thái tử Siddhattha, tại sao ngươi chiếm vô địch bảo tọa này của ta?” Bồ Tát đáp lại: “ Ai làm chứng rằng bảo tọa này là của ngươi?” Ma vương duỗi hai tay ra và nói rằng: “ Cần gì phải dùng những kẻ khác để làm chứng cho ta. Tất cả những đạo binh ma đang hiện hữu trước mặt ngươi là nhân chứng của ta.” Ngay khi ấy, hằng triệu triệu binh ma cùng hiện ra và la to: “ Ta là nhân chứng, ta là nhân chứng.” Bởi vậy, để điều phục những đạo binh ma, Bồ tát đọc lên những câu kệ sau đây để cho thấy những nhân chứng của Ngài.
(14) Pallaṅkaṁ mama bhāvāya kimatthaññena sakkhinā, kampitā maddiyā dānā sakkhi hoti ayam hahī.
Này Ma vương, để có được vô địch bảo tọa này, không có việc bố thí (dāna) nào mà Ta chưa làm; không có giới (sīla) nào mà Ta không giữ; không pháp khổ hạnh nào mà Ta chưa thực hành qua nhiều kiếp sống trong các cõi. Này Ma vương, không kể đến những pháp Ba-la-mật của Bố thí, v.v... mà Ta đã làm trong nhiều kiếp ở nhiều cõi, chỉ trong một kiếp sanh làm Vessantara thôi, Ta đã thực hiện bảy lần đại thí, trong đó sự bố thí cao nhất là bố thí hoàng hậu Maddi và quả đất này đã rung chuyển đến bảy lần. Giờ đây, Ta đang ngồi trên vô địch bảo tọa này để chinh phục toàn thể thế giới, và những đạo binh ma của ngươi đến tấn công Ta, tại sao quả đất này có thể im lặng mà không rung chuyển? Này Ma vương, ngươi đã khiến những đạo binh của ngươi đưa ra bằng chứng không thật, nhưng quả đất này tuy không có tâm nhưng rất công bình đối với ngươi cũng như đối với Ta, quả đất này không thiên vị về phía ngươi hoặc về phía Ta, giờ đây nó sẽ là nhân chứng của Ta.” Khi nói vậy, Bồ tát đưa bàn tay phải rực rỡ của Ngài từ bên trong chiếc y và chỉ xuống đại địa giống như tia chớp vẹt ra từ trong đám mây.
Ngay khi ấy, đại địa quay nhanh như bánh xe của người thợ gốm và lăn tròn dữ dội. Âm thanh phát ra từ đại địa khiến cho toàn thể bầu trời vang dội như tiếng sấm. Bảy rặng núi bao quanh Tu di sơn (Meru) cũng như dãy Himalaya đều phát ra âm thanh vang dội. Toàn thể mười ngàn thế giới đều quay cuồng với những âm thanh kinh hồn và rùng rợn, nổ lách tách, ầm ầm như rừng tre bị bốc cháy. Toàn thể bầu trời không mây cũng phát ra tiếng nổ vang rền như chảo bắp rang được đặt trên lửa; những tia lửa rơi xuống, tung tóe như khối than hồng cháy đỏ, và sấm sét nổ ầm ầm. Ma vương đầy kinh sợ nhận thấy mình đang kẹt giữa sự giận dữ của trời đất, không tìm đâu ra nơi nương tựa và sự trợ giúp, bèn quăng bỏ cờ trận cùng với một ngàn loại khí giới của vị ấy, rồi nhanh chóng bỏ chạy mà không kịp nhìn lại con voi Girimekhala của y. Thấy Ma vương bỏ chạy, bọn binh ma cũng cắm đầu bỏ chạy tán loạn như tro bụi bị cơn bảo thổi phăng. Cuối cùng tất cả bọn chúng đều trở về cõi Tha hóa tự tại thiên (Vasavatti).
Như vậy, chiến thắng Ác ma Vasavatti trước khi mặt trời lặn vào ngày rằm tháng tư, năm 103 theo lịch Mahā Era, Bồ tát trở thành bậc Chiến thắng toàn thể thế giới hữu tình chúng sanh và đạt đến trạng thái vô hại, vô sân, vô úy.
Ngay khi ấy, trông thấy những đạo binh ma bị tan rã trong hỗn loạn, chư thiên và Phạm thiên sau khi đã bỏ chạy vì sợ hãi trước sự tấn công ồ ạt của Ma vương và đang chờ đợi quan sát xem “Ai sẽ là bậc Chiến thắng? Ai sẽ là kẻ thua cuộc?”, đồng thanh nói những lời hoan hô như “jayo hi Buddhassa sirimato ayaṁ”, v.v... Tin kiết tường: “ Ma vương đã bị đánh bại. Thái tử Siddhattha đã chiến thắng. Chúng ta sẽ tổ chức lễ kỷ niệm và tôn vinh sự chiến thắng của Người.” được truyền đi từ vị rồng (nāga) này đến vị rồng khác, từ vị kim-xí-điểu (garuda) này đến vị kim-xí-điểu khác; từ vị thiên này đến vị thiên khác; từ vị Phạm thiên này đến vị Phạm thiên khác. Tất cả tay cầm hương hoa v.v... đều đến cu hội tại vô địch bảo tọa của cây Đại bồ-đề, nơi mà Bồ tát đang ngồi.
(1) Jayo hi Buddhassa sirimato ayaṁ mārassa ca pāpimato parājayo ugghosayuṁ Bodhimaṇḍe pamoditā jayam tadā Nagagaṇā mahesino
Cuộc chiến thắng độc nhất vô nhị này được trời đất ca ngợi bằng tiếng ầm ầm vang dội, trời đất vô tri mà như hữu tri. Đó là sự chiến thắng chỉ thuộc về Đức Phật, Bậc với Nhất thiết trí, Ngài có trí tuệ thấu hiểu tất cả chân lý cần biết mà không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt nào. Chiến thắng này được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên hoan hô vang rền khắp cả không trung. Chính vì điều ác mà Ác ma phải chịu hoàn toàn thất bại, phải rút lui vì oai lực của Đức Phật. Ác ma do bị vô minh che lấp, đã rầm rộ kéo đến cùng với đông đảo binh ma làm náo động cả mặt đất, và tấn công bằng mọi hình thức đe dọa để chiếm lấy Bồ đề thọ vương bảo tọa (Bodhimakuta pallaṅka).
Như vậy , vào ngày chiến thắng vĩ đại này, ngày rằm tháng tư, năm 103 Maha Era, tại khu vực của Vô địch bảo tọa, nơi Đức Phật đã chứng đắc Nhất thiết trí, tất cả những nhóm rồng, vui sướng hân hoan với chiến thắng của Đức Phật, đã công bố sự chiến thắng của Đức Phật bằng âm thanh to lớn như làm vang dội khắp mười ngàn thế giới.
(2) Jayo hi Buddhassa sirimato ayaṁ Mārassa ca pāpimato parājayo. Ugghosayuṁ Bodhimande pamoditā jayam tadā supaññāsanghāpi mahesino.
Cuộc chiến thắng độc nhất vô nhị này được trời đất ca ngợi bằng tiếng ầm ầm vang dội, trời đất vô tri mà như hữu tri. Đó là sự chiến thắng chỉ thuộc về Đức Phật, là bậc với Nhất thiết trí, Ngài có trí tuệ thông suốt chân lý cần biết mà không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt nào. Chiến thắng này được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên hô vang rền khắp cả không trung. Chính vì điều ác mà Ác ma phải chịu hoàn toàn thất bại, phải rút lui vì oai lực của Đức Phật. Ác Ma do bị vô minh che lấp, đã rầm rộ kéo đến cùng với đông đảo binh ma như làm náo động cả mặt đất, tấn công bằng mọi hình thức đe dọa để chiếm lấy Bồ đề thọ vương bảo tọa.
Như vậy, vào ngày chiến thắng vĩ đại này, ngày rằm tháng tư, năm 103 Maha era, tại khu vực của Vô địch bảo tọa, nơi Đức Phật đã chứng đắc Nhất thiết trí, tất cả những nhóm kim-xí-điểu (garula), vui sướng và hân hoan với chiến thắng của Đức Phật, đã công bố sự chiến thắng của Ngài bằng âm thanh to lớn như làm vang dội khắp mười ngàn thế giới.
(3) Jayo hi Buddhassa sirimato ayaṁ Mārassa ca pāpimato parājayo Ugghosayuṁ Bodhimaṇde pamoditā jayaṁ tadā devaganā mahesino.
Cuộc chiến thắng độc nhất vô nhị này được trời đất ca ngợi bằng tiếng ầm ầm vang dội, trời đất vô tri mà như hữu tri. Đó là sự chiến thắng chỉ thuộc về Đức Phật, là bậc với Nhất thiết trí, Ngài có trí tuệ thông suốt chân lý cần biết mà không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt nào. Chiến thắng này được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên hô vang rền khắp cả không trung. Chính vì điều ác mà Ác ma phải chịu hoàn toàn thất bại, phải rút lui vì oai lực của Đức Phật. Ác Ma do bị vô minh che lấp, đã rầm rộ kéo đến cùng với đông đảo binh ma như làm náo động cả mặt đất, tấn công bằng mọi hình thức đe dọa để chiếm lấy Bồ đề thọ vương bảo tọa.
Như vậy, vào ngày chiến thắng vĩ đại này, ngày rằm tháng tư, năm 103 Maha era, tại khu vực của Vô địch bảo tọa, nơi Đức Phật đã chứng đắc Nhất thiết trí, tất cả chư thiên vui sướng và hân hoan với chiến thắng của Đức Phật, đã công bố sự chiến thắng của Ngài bằng âm thanh to lớn như làm vang dội khắp mười ngàn thế giới.
(4) Jayohi Buddhassa sirimato ayaṁ Mārassa ca pāpimato parājayo
Ugghosayuṁ Bodhimaṇde pamoditā jayaṁ tadā Brahmaganāpi mahesino.
Cuộc chiến thắng độc nhất vô nhị này được trời đất ca ngợi bằng tiếng ầm ầm vang dội, trời đất vô tri mà như hữu tri. Đó là sự chiến thắng chỉ thuộc về Đức Phật, là bậc với Nhất thiết trí, Ngài có trí tuệ thông suốt chân lý cần biết mà không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt nào. Chiến thắng này được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên hô vang rền khắp cả không trung. Chính điều ác mà Ác ma phải chịu hoàn toàn thất bại, phải rút lui vì oai lực của Đức Phật. Ác Ma do bị vô minh che lấp, đã rầm rộ kéo đến cùng với đông đảo binh ma như làm náo động cả mặt đất, tấn công bằng mọi hình thức đe dọa để chiếm lấy Bồ đề thọ vương bảo tọa.
Như vậy, vào ngày chiến thắng vĩ đại này, ngày rằm tháng tư, năm 103 Maha era, tại khu vực của Vô địch bảo tọa, nơi Đức Phật đã chứng đắc Nhất thiết trí, tất cả Phạm thiên vui sướng và hân hoan với chiến thắng của Đức Phật, đã công bố sự chiến thắng của Ngài bằng âm thanh to lớn như làm vang dội khắp mười ngàn thế giới.
Tất cả chư thiên và Phạm thiên ở mười ngàn thế giới khác cũng cu hội trước Bồ tát, đảnh lễ và cúng dường Ngài bằng những bông hoa, vật thơm và ngâm lên những bài kệ tán dương hay tung hô bằng đủ mọi cách.
(Đây là những bài kệ nói về sự chiến thắng Ác ma Vassavati)
Chú ý: (Trong việc mô tả lộ trình mà Bồ tát đã đi qua và những họat động của Ngài vào ngày rằm tháng Vesakha, năm 103 Maha Era, bộ sách Buddhavaṁsa Aṭṭhakathā, bộ Jātaka Aṭṭhakathā Nidāna và bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā đều mô tả giống nhau tuy hơi khác về cách trình bày. Một số thì tóm gọn và số khác thì trình bày chi tiết hơn. Tuy nhiên, trong sự mô tả thời nghỉ trưa của Bồ tát trong rừng cây Sala. Bộ Buddhavaṁsa Aṭṭhakathā và bộ Jātaka Aṭṭhakathā Nidāna không nêu ra sự chứng đắc các tầng thiền (samāpatti) và các thắng trí (abhiññā). Ngược lại, bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā thì nói rằng Bồ tát chứng đắc tám tầng thiền hợp thế và ngũ thông trong khi nghỉ trong rừng cây sala. Bộ sách ấy cũng nói rằng vào lúc Bồ tát đi đến cây Đại bồ-đề, Ngài đã có sức mạnh của thân bằng sức mạnh của một trăm ngàn triệu người bậc trung (majjhima-purisa) và các năng lực thần thông. Tác giả của bộ Jinālaṅkāra nói như vậy là đúng với những bài trình bày của vị ấy như, “Khi Ma vương tấn công Bồ tát, Ngài nói rằng ‘ Nếu ta muốn, Ta có thể khiến cho thân Ta che hết toàn thể thế giới.” và “ Bồ tát chỉ ra những đại thí trong kiếp Ngài sanh làm Vessantara để làm nhân chứng,” việc này chỉ biết được qua Túc mạng thông (pubbenivasanussati-abhiññā). Như vậy, sự trình bày này không sai lạc.
Theo tác giả của bộ Jinālaṅkāra này, Bồ tát đã có bát thiền và ngũ thông vào lúc Ngài gặp hai vị giáo chủ Ālāra và Udaka. Vì không sử dụng đến chúng suốt sáu năm dukkaracariya nên chúng mờ nhạt đi ( giống như những cái tách bằng vàng để lâu mà không được dùng đến). Bồ tát đã làm cho chúng trở nên mới khi ở tại rừng cây sala (giống như đánh bóng lại những cái tách đã ố màu). Điều muốn đề cập ở đây là, chỉ sau khi chiến thắng Ma vương, Bồ tát mới sử dụng hai loại thần thông mà Ngài đã đạt được rồi, đó là túc mạng thông (pubbenivasa-abhiññā) và thiên nhãn thông (dibbhacakkhu-abhiññā), để tiến đến giai đoạn thông đạt các chân lý. (Đây là những điểm cần lưu ý theo cuốn Jinālaṅkāra).
Sau khi chiến thắng Ma vương Vasavatti, cũng được gọi là Devaputta Māra, vào ngày rằm tháng tư, năm 103 Mahā Era, trước khi mặt trời lặn, Bồ tát lần lượt chứng ngộ Tam minh (vijja): Túc mạng minh (pubbenivasanussati-ñāṇa) trong canh đầu, Thiên nhãn minh (dibbacakkhu-ñāṇa) trong canh hai và Lậu tận minh (āsavakkhaya- ñāṇa) trong canh cuối của đêm, và chứng đắc Phật quả trong chính canh cuối ấy của đêm rằm tháng Vesakha. Những biến cố này được mô tả như sau:
Những tiến trình danh sắc đã xảy ra trong quá khứ. Niết bàn được chứng ngộ từ những tiến trình danh sắc này; những tên riêng hay họ tộc của một người, v.v… chỉ là những từ chế định - Tất cả những điều này (thuộc về quá khứ) được gọi theo từ Pāḷi là ‘Pubbenivasa’. Thắng trí hay thần thông (abhiññā) đi chung với pubbenivasa thì được gọi là Pubbennivasanussati-abhiññā - Trí biết rõ những kiếp quá khứ. Đức Phật thuyết giảng loại trí này là Minh thứ nhất (Vijjā-ñāṇa). Vijjā-ñāṇa được các Chú giải sư tiền bối gọi tắt là Pu - hai mẫu tự đầu tiên của chữ Pubbennivasanussati-ñāṇa. Sau đây là bài mô tả chi tiết về cách giác ngộ Minh thứ nhất (Vijjā-ñāṇa) của Bồ tát :
Khi Bồ tát ngồi trên Vô địch bảo tọa, đầy hân hoan và hạnh phúc sau khi chiến thắng Ma vương Vasavati, chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới, bao gồm chư thiên địa cầu đều đi đến Bồ tát hội họp và dõng dạc hô to rằng: “Này các bạn, chư thiên và Phạm thiên, sự chiến thắng của Bồ tát và sự thất bại của Ma vương đã rõ ràng. Chúng ta hãy cùng nhau tổ chức lễ tôn vinh chiến thắng của Bồ tát và sự chứng đắc Phật quả sắp đến của người.”
Vào lúc ấy, mặt trời, rộng năm mươi do tuần, rực rỡ với ngàn tia sáng, sắp biến mất như bánh xe bằng vàng chìm vào dòng nước xoáy của đại dương. Bánh xe mặt trăng, rộng bốn mươi do tuần, đem lại sự mát mẻ, tỏa ra những chùm tia sáng, làm sáng rực toàn thể thế giới, đang chầm chậm đi lên từ đại dương có màu sữa ở về hướng đông, như bánh xe bằng bạc được ném lên không trung. Giữa trời đất bao la, Bồ tát trông rất rực rỡ, màu vàng trên thân của Ngài làm cho mô đất dưới cội cây bồ-đề và tất cả vạn vật ở quanh đó tựa như được thấm nhuần trong ánh sắc vàng ấy. Ngồi kiết già ung dung trên Vô địch bảo tọa dưới cội cây bồ-đề được ví như cái lọng làm bằng những viên ngọc Indanila quý giá, Bồ tát quán xét về Pháp. (Chi tiết về sự quán Pháp của Bồ tát sẽ được trình bày sau).
Lúc bấy giờ, tại cõi Ba-mươi-ba (Tāvatiṁsa deva), Sakka cầm cái tù-và Vijayuttara dài 120 do tuần và thổi vang để triệu tập chư thiên và Phạm thiên. Âm thanh chiếc tù-và của vị ấy có thể nghe xa đến mười ngàn do tuần trong cõi chư thiên. Khi thổi chiếc tù-và Vijayuttara liên tục, Đế thích vừa thổi vừa chạy nhanh đến cây bồ-đề. (Không chỉ Đế thích của vũ trụ này mà tất cả Đế thích của mười ngàn thế giới khác cũng liên tục thổi những chiếc tù-và của họ khi đang đi đến Bồ tát).
Đại phạm thiên đến và tôn kính bằng cách cầm cái lọng trắng mà đã bị bỏ lại trên đỉnh núi Cakkavāla và đứng che trên đầu của Bồ tát. (Tất cả những vị Đại phạm thiên từ mười ngàn thế giới khác cũng đến và đứng cầm những chiếc lọng trắng của họ, chiếc này sát chiếc kia, dày đặc không có kẽ hở).
Suyama, thiên vương của cõi Dạ-ma (yāmā) cũng đến và đứng gần Bồ tát, tôn kính Ngài bằng cách đứng quạt cho Ngài bằng chiếc quạt phất trần dài ba gavuta. (Tất cả chư thiên cõi yāmā từ mười ngàn thế giới khác cũng đến tôn vinh, mỗi vị cầm một cái phất trần, họ đứng đầy cả thế giới này).
Santusita, thiên vương của cõi Đâu suất đà (Tusitā) cũng đến và tôn vinh Bồ tát bằng cách đứng quạt cho Ngài bằng cái quạt tròn được cẩn những viên hồng ngọc, cái quạt rộng ba gāvuta. (Tất cả chư thiên Tusitā từ mười ngàn thế giới khác cũng đến tôn vinh, mỗi vị cầm một cái quạt tròn bằng hồng ngọc, đứng đầy cả thế giới này).
Vị thiên Pañcasika cũng đến mang theo cây đàn luýt Beluva cùng với nhóm vũ nữ chư thiên, và tôn vinh bằng cách múa hát và tấu nhạc. (Tất cả những vũ nữ chư thiên từ mười ngàn thế giới khác cũng đến và tôn vinh bằng cách múa, hát và tấu nhạc).
Hơn nữa, tất cả chư thiên nam nữ trú ngụ trong mười ngàn thế giới đều cu hội về thế giới này và đứng ở vùng chung quanh để làm lễ tôn vinh. Một số đứng cầm cái cổng hình cung bằng châu báu, số khác đứng vòng tròn tạo thành một nhóm riêng, một số mang đến những vật cúng dường được làm bằng bảy loại châu báu, một số cầm những cây chuối bằng vàng, một số cầm những lâu đài rực rỡ, một số cầm những cái quạt bằng lông đuôi của con bò Tây tạng, một số cầm những chiếc gậy hích (để điều khiển voi), một số cầm những cặp cá chép, một số cầm những bông hoa Anh thảo (loại hoa dại màu vàng nhạt nở vào mùa xuân), những cái bệ tròn bằng vàng, những cái bát chứa đầy nước, những cái bình đầy nước, những cái tù và, những cái chân đèn dầu bằng hồng ngọc, những tấm gương bằng vàng, những tấm gương bằng loại đá studded, những tấm gương có cẩn bảy loại châu báu, những đèn dầu bằng đá hồng ngọc, các loại cờ phướn, và những cây như ý. Tất cả chư thiên trong mười ngàn thế giới đều đến, họ hóa ra những nghệ sĩ chư thiên, và cúng dường Bồ tát bằng điệu múa, bài ca, thiên hoa, trầm hương và bột thơm. Lúc bấy giờ, toàn thể không trung đầy những trận mưa hoa và vật thơm đang đổ xuống địa cầu.
Lễ tôn vinh và cúng dường to lớn này được chư thiên và Phạm thiên tự nguyện thực hiện vì tâm của họ hân hoan với niềm tin rằng: “
Khi vị Bồ tát này chứng đắc Phật quả, chúng ta chắc chắn sẽ được cơ hội nghe Pháp từ nơi Ngài, và nhờ đó mà nhận được pháp siêu thế bất tử là Đạo Quả và Niết bàn; và chúng ta sẽ có được hỉ (pīti) nhờ trú tâm vào chín Pháp siêu thế (bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn). Chúng ta cũng sẽ chứng kiến tất cả những pháp thần thông, là những cảnh đem lại hoan hỉ cho mắt. Đức Phật, bằng cách thuyết giảng cho chúng ta Pháp Bất tử, sẽ đem lại cho chúng ta sự giải thoát khỏi sanh (jāti), già (jarā), bịnh (vyādhi), chết (marāṇa), sầu (soka), than (parideva), khổ (dukkha), ưu (domanassa) và não (upāyāsa).
Dù chư thiên và Phạm thiên tôn vinh và cúng dường Ngài bằng sự tôn kính và đầy hoan hỉ, kín cả mười ngàn thế giới với lý do trên và Ngài tận mắt nhìn thấy những hành động tôn kính phi thường bằng đủ mọi cách. Tuy nhiên, Bồ tát không lấy đó mà vui sướng và luyến ái chút nào cả, Ngài hoàn toàn không chú ý đến tất cả những sự tôn kính ấy. Ngài chỉ trú trong Pháp là nơi nương tựa duy nhất của Ngài.
Dãy núi Cakkavāla nâng đỡ cho Bồ tát khi Ngài đang ngồi như vậy, giống như tấm màng che và bầu trời bao la ở bên trên với vô vàn tinh tú giống như cái lọng được cẩn những ngôi sao bằng vàng và bạc. Mười ngàn thế giới với bảy cõi hạnh phúc của nó (sugati bhumi), giống như lâu đài lớn với bảy tầng. Gò đất cao dưới cội cây bồ-đề giống như cái lọng lớn được làm bằng bảy loại đá quý - tất cả đều ở bên trong cung điện bảy tầng này của mười ngàn thế giới.
Trong khi Bồ tát đang ngồi trên Vô địch bảo tọa giống như đại pháp tọa, ở trên mô đất cao của cây đại bồ-đề giống như đại giảng đường, được che mát ở bên trên bởi cây đại bồ-đề cao 100 hắc tay và rộng một trăm hắc tay, trông như chiếc lọng lớn được trang trí bởi các loại ngọc lục bảo, Ngài không chú ý đến chư thiên và Phạm thiên ở quanh Ngài đang đứng đầy cả mười ngàn thế giới và đang tôn kính cúng dường Ngài vì Ngài đang quán xét về Pháp, sự tinh tấn (viriya) của Ngài không thối giảm và rất kiên định, niệm (sati) của Ngài vững chắc và trong sáng, và thân tâm của Ngài rất an tịnh. Do đó, Ngài chứng và trú trong Sơ thiền sắc giới (rūpavacara).
Dòng tâm của Bồ tát an trú trong sơ thiền, hoàn toàn thoát khỏi năm triền cái (nivarana) và xa lìa ngũ dục (vatthu-kāma), phiền não dục (kilesa-kāma); hỉ (pīti) và lạc (sukha) sanh khởi trong Ngài rất sung mãn.
Lại nữa, khi Bồ tát chứng và trú trong nhị thiền sắc giới (rūpavacara), dòng tâm của Ngài thoát khỏi tầm và tứ (vitakka và vicara); nội tâm thanh tịnh và trong sáng và định của Ngài tuyệt đối vững chắc, pīti và sukha của Ngài được gia tăng.
Lại nữa, khi Bồ tát chứng và trú trong tam thiền sắc giới (rūpavacara), ngay cả pīti mà đã hiện khởi trong dòng tâm của Ngài cũng biến mất và Ngài chỉ trú trong lạc thọ (sukha-vedanā). Hoàn toàn xa lìa cả lạc thọ ấy ở đỉnh cao của nó, Ngài được thấm nhuần trong trạng thái trung bình xả (tatramajjhattatā) hoặc thiền xả (jhānupekkhā). Niệm của Ngài trở nên trong sáng và tuệ của Ngài rất nhạy bén.
Lại nữa, khi Bồ tát chứng trú trong tứ thiền sắc giới (rūpavacara), vì Ngài đã loại trừ khổ và lạc của thân và tâm ra khỏi dòng tâm của Ngài, Ngài trú trong xả thọ (upekkhā-vedanā) và nhìn ngắm ngũ dục với tâm an tịnh. Do năng lực của upekkhā-vedanā này và tatramajjhattatā, và các sở hữu tâm như niệm, v.v… là những chi pháp của Tứ thiền, trong sáng như ánh trăng rằm.
Nếu xét đến dòng tâm của Bồ tát xuất phát từ lòng tịnh tín, chúng ta sẽ thấy rằng suốt sáu năm Ngài thực hành khổ hạnh (dukkaracariya); dòng tâm của Ngài cực kỳ thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi ba tà tư duy (miccha-vitakka) là dục tầm (kama-vitakka), sân tầm (vyapada-vitakka) và hại tầm (vihimsa-vitakka), khiến ma vương không thể tìm thấy cơ hội để chỉ trích Ngài. Lại nữa, khi Ngài trải qua thời gian trong rừng cây sala vào ngày rằm tháng Vesakha, ngày mà Ngài đắc quả vị Phật, dòng tâm của Ngài thật đáng kính ngưỡng vì bát thiền làm cho thanh tịnh. Hơn nữa, khi tất cả chư thiên và Phạm thiên từ khắp từ khắp mười ngàn thế giới đến cu hội ở thế giới này và tôn kính cúng dường Bồ tát trong khi Ngài đang ngồi trên Vô địch bảo tọa sau khi chiến thắng Ma vương Devaputta, Ngài không chú ý đến họ, chỉ chú tâm vào việc thực hành Pháp. Và như thế, dòng tâm của Bồ tát, bậc đã chứng đắc và an trú trong tứ thiền sắc giới (rūpavacara) - (nét đặc thù của những bậc có trí tuệ nhạy bén) có năng lực định tâm tăng lên rất mạnh nhờ định vào tứ thiền sắc giới, dòng tâm ấy mang tám đặc tánh như sau:
(1) Do trạng thái tâm tứ thiền sắc giới (rūpa jhāna cittuppāda) rất thanh tịnh, dòng tâm hoàn toàn thanh tịnh suốt quá trình họat động.
(2) Do sự thanh tịnh như vậy, dòng tâm có tính chất chói sáng như vàng ròng mới được chùi bóng.
(3) Sau khi đã loại bỏ hỉ lạc (sukha somanassa), là nguyên nhân của tham (lobha), và sau khi loại bỏ ưu khổ (dukkha domanassa), là nguyên nhân của sân (dosa), dòng tâm thoát khỏi các trạng thái ô nhiễm là lobha và dosa.
(4) Tham và sân được đoạn trừ dẫn đến các tùy phiền não (upakkilesa) cũng được đoạn trừ.
(5) Tâm được kiểm soát bởi năm pháp tự tại (vāsibhāva), và được điều phục bởi mười bốn cách, nên dòng tâm của Bồ tát trở nên nhu nhuyến, tế nhị dễ phục tùng theo những ước muốn của Ngài, như miếng da được khéo thuộc hay như khối cây được khéo chế biến.
(6) Nhờ tánh chất mềm dẽo như vàng ròng khéo tinh luyện, dễ kéo thành sợi và dễ dát mỏng để làm ra các vật trang sức, dòng tâm ấy dễ phục tùng theo những ước muốn của Bồ tát, giúp Ngài dễ dàng thành tựu tất cả các loại thần thông như nhớ lại, thấy rõ các sự kiện trong những kiếp quá khứ, hoặc thấy bằng thiên nhãn các vật ở cách xa, các vật tinh vi và ẩn khuất.
(7) Sau khi dòng tâm đã được khéo tu tập để không bị mất đi những đặc tánh trên, hoặc nhu nhuyến và thích ứng để đem lại sự thành tựu bất cứ điều gì được mong muốn nên dễ phục tùng theo ước muốn của Bồ tát.
(8) Sau khi được an trú vững chắc như vậy, tâm của Ngài hoàn toàn kiên cố; hay nhờ an trụ như vậy, dòng tâm của Ngài rất mạnh về đức tin (saddhā), tinh tấn (viriya), niệm (sati), định (samādhi), và ánh sáng của trí tuệ (paññā). Do đó, không hề có sự dao động của tâm xảy ra do thiếu đức tin, lười biếng, dể duôi, phóng dật, vô minh và bóng tối khởi sanh từ các phiền não. Nói cách khác, sự thiếu đức tin, v.v… không thể len lỏi vào dòng tâm của Bồ tát.
Cách trình bày khác
(1) Dòng tâm của Bồ tát được khéo an trú trong tứ định. (2) Dòng tâm hoàn toàn thanh tịnh nhờ thoát khỏi năm triền cái (nivarana). (3) Sau khi đã vượt qua các chi thiền thô thiển (jhānanga) như tầm (vitakka), v.v... dòng tâm được thanh tịnh và trong sáng tựa như sắp phát sáng. (4) Dòng tâm thoát khỏi các phiền não như mạn (māna), gian dối (māya), phản bội (sāṭheyya), v.v... thường khởi sanh do sự chứng thiền. (5) Dòng tâm ấy cũng thoát khỏi trạng thái tham dục (abhijjhā), v.v... là nguyên nhân của các tùy phiền não (upekkilesa). (6) Dòng tâm trở nên dễ phục tùng sau khi đạt được năm pháp tự tại (vasibhāva). (7) Sau khi trở thành nền tảng cho các loại thần thông (iddhi), dòng tâm đạt đến khả năng làm thành tựu mọi điều mong ước của Bồ tát. (8) Sau khi được hoàn thiện do bởi sự tu tập (bhāvanā), dòng tâm của Ngài trở nên bất động và được an trú vững chắc.
Tâm của bồ tát có được tám đức tánh như vậy nên sẽ dễ dàng giác ngộ các pháp cần được giác ngộ nhờ thắng trí (abhiññā). Khi tâm hướng về đối tượng abhiññā, thì những tốc lực tâm thắng trí (abhiññā- javana) khởi sanh một cách dễ dàng.
(1) Sự chứng đắc Túc mạng thông (Pubbenivāsanussati- abhiññā) (Vijjañāna - Minh thứ nhất)
Dòng tâm có tám đặc tánh kể trên, rất thanh tịnh và trong suốt, Thắng trí (abhiññā-javana) dễ dàng khởi sanh trong trạng thái hoàn hảo khi tâm hướng đến đối tượng của abhiññā-javana. Bồ tát hướng tâm đến Túc mạng thông (pubbenivasanussati-abhiññā), là thắng trí có thể nhớ lại những hoạt động, những sự kiện và những kinh nghiệm trong quá khứ. Thế nên, pubbenivasanussati-abhiññā đã khởi sanh trong Ngài một cách dễ dàng. Qua thần thông ấy, Ngài nhớ lại và thấy tất cả những hoạt động, những sự kiện và những kinh nghiệm trong những kiếp quá khứ từ kiếp trước cho đến kiếp Ngài sanh làm đạo sĩ Sumedha. Ngài cũng nhớ lại nhiều kiếp và nhiều đại kiếp xa hơn, rồi lần lượt quay trở về kiếp gần nhất là kiếp Ngài sanh vào làm vị thiên có tên gọi là Setaketu.
(Loại thắng trí này được chứng đắc trong canh đầu của đêm. Ở đây, có nghi vấn là làm sao có thể biết được những điều xảy ra và những kinh nghiệm trong rất nhiều kiếp quá khứ chỉ bằng một tốc lực tâm thắng trí (abhiññā-javana) khởi sanh chỉ một lần trong một lộ trình tâm (vithi).
Câu trả lời: Tuy chỉ có khởi sanh một tốc lực thắng trí trong một lộ trình tâm, nhưng si mê (moha) mà đã che lấp những sự kiện xảy ra và những kinh nghiệm trong những kiếp quá khứ ấy đã bị đoạn diệt do bởi tốc lực tâm ấy. Tất cả các loại biến cố và kinh nghiệm của những kiếp quá khứ được nhớ lại chỉ ngay sau đó bằng lộ trình quán sát (paccavekkhanā-vīthi) theo sau lộ trình thắng trí (abhiññā-vīthi).
Đức Bồ tát lần lượt nhớ lại những kiếp quá khứ nhờ Túc mạng minh (Pubbenivasanussati Vijjāñāṇa), cũng đắc được những thắng trí mà có thể quả quyết rằng Ngài sẽ chứng đắc Đạo Quả siêu thế (lokuttarā magga-phala) bằng thông đạt tuệ như vầy:
“ Chỉ có những hiện tượng danh-sắc (nāma-rūpa) trong vô số kiếp luân hồi; sự bắt đầu của vòng luân hồi hay khởi thủy của kiếp sống không thể biết được. Trong ba giai đoạn: sanh, tồn tại và tử, chỉ có hai hiện tượng nāma và rūpa mà thôi. Quả thật vậy, trong tất cả các cõi và trong mọi lúc, hiện tượng nāma-rūpa ở trong trạng thái trôi chảy liên tục, như ngọn lửa của cây đèn dầu hay như dòng nước của con sông, và qua sự nối tiếp nhau của nhân và quả, chỉ có dòng nāma- rūpa làm thành tựu nhiều phận sự khác nhau như thấy cảnh sắc, nghe cảnh thinh, v.v... ở sáu cửa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và như vậy làm khởi sanh nhiều loại biểu tri (viññatti) bởi cử động của thân và sự diễn đạt bằng lời. Trên thực tế, không có một nhân vật hữu tình nào được gọi là ‘ta’, ‘anh ta’, ‘người đàn ông’, v.v... Quả thật vậy, không có vị thiên, Ma vương hay Phạm thiên nào có thể tạo ra một chúng sanh hữu tình như vậy.”
Qua Túc mạng trí (Pubbenivasanussati-ñāṇa), Bồ tát tạm thời đoạn trừ (vikkhambhana-pahāna) hai mươi ngã kiến; đó là bốn ngã kiến liên quan đến sắc uẩn - sắc là ta; ta có sắc; sắc hiện hữu trong ta; ta hiện hữu trong sắc và tương tự, thọ, tưởng, hành và thức cũng vậy. Như vậy, Ngài cũng đã loại trừ si mê (moha) mà đã xảy ra trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ.
(2) Sự chứng đắc Thiên Nhãn Thông (Dibbacakkhu-abhiññā) (Vijjañāna - Minh thứ hai)
Sau khi Đức Bồ tát đã chứng đắc Túc mạng minh (pubbenivasanussati-abhiññā) trong canh đầu của đêm, Ngài nhớ được nhiều sự kiện trong quá khứ và nhiều kiếp quá khứ, và sau khi đoạn trừ hai mươi thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), cùng với moha đã xảy ra trong quá khứ, Ngài hướng dòng tâm có tám đặc tánh của Ngài đến Sanh tử trí (cutūpupāta-ñāṇa) - trí trông thấy sự sanh và tử của chúng sanh, và hướng đến Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāṇa) - trí phân biệt và thấy chính những hành động tội phước của chúng sanh tạo thành nguồn gốc của chúng sanh.
(Sanh tử trí - cutūpupāta-ñāṇa cũng giống như Thiên nhãn trí - dibbacakkhu-ñāṇa vì Thiên nhãn trí cũng được gọi là Sanh tử trí. Khi dibbacakkhu-ñāṇa được tu tập và chứng đắc thì Như nghiệp sanh trí - yathakammūpaga-ñāṇa và Vị lai trí - anāgataṁsa-ñāṇa cũng được tu tập và chứng đắc).
Khi tâm được hướng đến Thiên nhãn trí – dibbacakkhu-ñāṇa như vậy, cũng được gọi là Sanh tử trí – cutūpupāta-ñāṇa, thì Thiên nhãn thông (dibbacakkhu abhiññā - Minh thứ hai) sanh lên rất dễ dàng. Qua thần thông (abhiññā) này, Bồ tát có thể nhìn thấy chúng sanh đang lúc mạng chung, hoặc ngay sau tái sanh; những chúng sanh thấp hèn hoặc cao quý, những kẻ xinh đẹp hoặc xấu xí sanh đến cõi an vui hoặc đau khổ. Nói cách khác, Ngài thấy những chúng sanh giàu có, thịnh đạt do bởi phước quá khứ của họ có nền tảng là vô tham (alobha), và những chúng sanh nghèo khổ do bởi những ác nghiệp quá khứ của họ sanh lên từ căn tham (lobha).
Qua Thiên nhãn thông (dibbacakkhu-abhiññā) trông thấy những tội đồ chịu khổ trong khổ cảnh (apāya), Ngài suy xét: “ Những chúng sanh này chịu những đau khổ đáng sợ như vậy là do những ác nghiệp nào?” Nhân đó Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāṇa) khởi sanh trong Bồ tát và Ngài thấy những ác nghiệp của họ.
Qua Thiên nhãn thông (dibbacakkhu-abhiññā) trông thấy những chúng sanh đang thọ hưởng hạnh phúc ở cõi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, Ngài suy xét : “ Các chúng sanh ở cõi nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đang thọ hưởng hạnh phúc thù thắng hơn là do họ đã gieo tạo nghiệp gì?” Nhân đó, Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāna) sanh khởi trong Ngài và Ngài thấy được những thiện nghiệp mà họ đã làm.
Do nhờ Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāna), Ngài quan sát chi tiết những thiện nghiệp và ác nghiệp của chúng sanh và biết rõ chúng như thật: “ Những chúng sanh ở khổ cảnh này trong quá khứ đã phạm vào những ác nghiệp về hành vi, lời nói và ý nghĩ. Họ đã nói xấu, chưởi mắng và lăng mạ các bậc thánh; họ bảo thủ tà kiến, và vì sống theo các tà kiến này, họ tự thân làm ác và bảo kẻ khác làm ác. Sau khi thân hoại mạng chung, họ bị tái sanh vào các khổ cảnh (apāya), đó là địa ngục (niriya), súc sanh (tiracchana), ngạ quỷ (peta), a-tu-la (asūrahya). Và “ Các chúng sanh ở các cõi hạnh phúc, họ đã từng làm các thiện nghiệp về thân, khẩu và ý; họ không nói xấu hoặc lăng mạ các bậc thánh (ariyā); họ có chánh kiến và với chánh kiến họ làm nhiều loại phước và cũng bảo kẻ khác làm phước. Sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào nhàn cảnh ở cõi nhân loại, chư thiên và hai mươi cõi Phạm thiên.”
Bồ tát chứng đắc Minh thứ hai này – Thiên nhãn minh (dibbacakkhu-abhiññā) vào lúc canh hai của đêm. Nhờ có Minh thứ hai này, dòng tâm của Bồ tát không có hai yếu tố là vô minh và si mê (avijjāmoha-dhātu), là những yếu tố làm che lấp sự mạng chung và tái sanh của chúng sanh. Và nhờ Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga- abhiññā) khởi sanh từ Thiên nhãn minh (dibbacakkhu-abhiññā), Ngài có thể dò xét và thấy rõ những sự kiện có thật về những nghiệp quá khứ của chúng sanh, và sau khi đoạn trừ mười sáu loại hoài nghi (kaṅkhā), Bồ tát đạt đến giai đoạn Đoạn nghi thanh tịnh - Kaṅkhā vitarana visuddhi.
(3) Sự chứng đắc Lậu Tận Minh (Asavakkhaya Ñāna) và thành một vị Phật (Vijjañāna- Minh thứ ba)
(Bài này được chia làm hai phần: phần tóm tắt và phần chi tiết)
TÓM TẮT:
Đức Bồ tát chứng đắc A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa), cũng được gọi là Lậu tận trí (Asavakkhaya-ñāṇa) vào canh cuối của đêm và nhờ đó mà giác ngộ Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa). Rồi trở thành một vị Phật giữa nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, Ngài hướng dòng tâm của Ngài đến tám đặc tính để đạt A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa); sau đó trú tâm trong Pháp Duyên khởi gồm có 12 chi, đó là : Vô minh (avijjā), Hành (sankhāra), Thức (viññāna), Danh sắc (nāma-rūpa), Lục nhập (salāyatana), Xúc (phassa), Thọ (vedanā), Ái (taṇhā), Thủ (upadāna), Hữu (bhava), Sanh (jāti), Lão (jarā), Tử (maraṇa). Sau khi quán xét toàn bộ giáo lý Duyên khởi này theo thứ tự xuôi và ngược trong nhiều lần, Ngài chứng đắc Thánh đạo (Ariya-magga), cũng được gọi là Như thật tri kiến (Yaṭhābhūta ñāṇadassana).
CHI TIẾT:
Tứ đạo tuệ (Magga-ñāṇa), cũng được gọi là Như thật tri kiến (Yathābhūtañānadassana), không xuất hiện trong dòng tâm của những nhân vật như Đế Thích và Phạm thiên, là những bậc có quyền lực rất lớn trong thế gian, và những ẩn sĩ cao quý Kaladevila và Nārada, những bậc đã chứng đắc các thiền và các thắng trí (abhiññā). Bởi vậy, có thể hỏi rằng : “Tại sao Tứ đạo tuệ rất vi tế và rất thâm sâu, thậm chí không được mơ tưởng đến suốt chuỗi dài luân hồi không khởi thủy và không bao giờ được giác ngộ trước kia, lại xuất hiện trong dòng tâm của Bồ tát, bậc tự mình đi vào đời sống Sa-môn mà không có một người thầy nào hướng đạo?” Câu trả lời là:
Đức Phật của chúng ta, suốt 4 A-tăng-kỳ (asaṅkkheyya) và 100.000 đại kiếp, trải qua vô số kiếp mà không thể đếm được bằng con số hằng trăm, hằng ngàn, và hằng trăm ngàn, đã tích lũy nhiều việc phước về bố thí Ba-la-mật (dāna-pāramī), đã thực hành trên bốn cách tu tập (đã được giải thích ở Chương Tạp phẩm), thậm chí đến mức độ hy sinh cả mạng sống của chính Ngài. Và trong mỗi kiếp như vậy, Ngài đã tự mình đoạn diệt hoàn toàn, hoặc làm giảm thiểu tham phiền não khởi sanh vào mỗi lúc Ngài chú ý đến đối tượng này hay đối tượng khác. Nhờ thế Ngài đạt đến giai đoạn mà người khác phải ngạc nhiên nhận xét rằng : “Phải chăng không có tham phiền não trong con người cao quý này?”
Tương tự, qua giới ba-la-mật (sīla-pāramī), nhẫn nại ba-la-mật (khantī-pāramī), và từ ái ba-la-mật (mettā-pāramī) được tu tập suốt 4 A-tăng-kỳ (asaṅkkheyya) và 100.000 đại kiếp, Ngài đã ngăn chặn được sân (kodha) và tội (dosa) và nhờ tu tập pháp từ ái mát mẻ suốt thời gian dài như vậy, Ngài đã dập tắt ngọn lửa kodha và cũng đoạn trừ những tùy phiền não của nó, gồm có ganh tỵ (issā), bỏn xẻn (macchariya) và hối (kukkucca).
Do nhờ Trí tuệ Ba-la-mật (paññā-pāramī) được khéo tu tập và tích lũy trải qua nhiều kiếp và nhiều đại kiếp, Ngài đã loại trừ trạng thái tối tăm là si mê (moha). Ngài cũng đã loại bỏ các tà kiến. Nhờ đó Ngài trở thành bậc vĩ đại có trí tuệ rất thanh tịnh. Ngài cũng đã đi đến tất cả chư Phật, chư Bích chi Phật và chư Thinh văn đệ tử, cũng như những bậc thông thái khác mà Ngài tình cờ gặp được và hỏi họ những câu hỏi như: “ Pháp nào là có tội và Pháp nào là vô tội? Pháp nào là pháp đen và nhơ bẩn; và Pháp nào là pháp trắng và trong sạch?” Do nhờ sự tầm cầu học hỏi như vậy, Ngài đã loại trừ các hoài nghi liên quan đến Pháp và được tăng trưởng về trí tuệ từ kiếp này đến kiếp khác.
Trong gia tộc, Ngài tôn kính các bậc bề trên như cha mẹ, chú bác, v.v… bằng cách cúi đầu, tỏ sự quý trọng, mời ngồi, đứng dậy chào đón họ. Ngài cũng tỏ sự kính trọng đến những bậc trí tuệ có giới hạnh. Nhờ vậy, Ngài đoạn trừ được ngã mạn (māna) và trạo hối (uddhacca) và được thoát khỏi kiêu ngạo như con rắn bị mất đi những cái răng độc, hay con bò bị gãy cặp sừng, hay như cuộn dây thừng được dùng để chà chân. Ngài có thói quen hay khen ngợi pháp nhẫn nại, đức vị tha và khen ngợi những người có hảo tâm giúp đỡ những kẻ bất hạnh.
Bằng pháp xuất gia, Bồ tát đã từ bỏ những vinh hoa phú quý của đời sống đế vương, và trở thành vị Sa-môn. Sau khi chứng đắc các tầng thiền lúc ngụ ở rừng, Ngài đoạn trừ được năm triền cái và xa lìa dục ái (kāmarāga), và trong mỗi kiếp sống Ngài cũng từ bỏ sự mê đắm nữ sắc (itthirati) mỗi khi họ xuất hiện trước mặt.
Với Chân thật Ba-la-mật, Ngài tránh xa tà ngữ (micchavaca) dẫn đến sự sai lạc của thế gian; với Tinh tấn Ba-la-mật, Ngài cũng đoạn trừ trạng thái bất lạc (arati) và giải đãi (kosajja) trong thiền Chỉ và thiền Quán bằng cách giữ tâm họat động liên tục, và siêng năng trong các việc phước. Bằng sự tu tập như vậy, Bồ tát đã cố gắng làm cho dòng tâm của Ngài mỗi kiếp một thanh tịnh hơn.
Đức Bồ tát, Bậc đã đoạn trừ các phiền não (kilesa) như vậy bằng sự tích lũy phước phát sanh từ những việc phước ba-la-mật như bố thí (dāna), v.v... đã phải trải qua quá trình thanh lọc nhiều lần, dầu chỉ trong một kiếp, những phiền não mà Ngài đã đoạn trừ lại xuất hiện. Rồi Ngài lại đoạn trừ chúng mỗi khi chúng xuất hiện trở lại (vì chúng chưa được đoạn diệt hoàn toàn bằng Đạo Tuệ (magga-ñāṇa). Tuy nhiên, Bồ tát không đầu hàng mà cố gắng đoạn trừ chúng tạm thời hoặc bằng sự áp chế đoạn trừ qua những việc phước to lớn (mahā-kusala) và những việc phước phi thường (mahāggata-kusala).
Những điểm chú thích sau đây được trích ra từ bộ Vipassanā Dīpanī của Thượng tọa Ledi Sayadaw để làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của đoạn này. Các phiền não khởi sanh trong những kẻ phàm phu tầm thường trải qua ba giai đoạn: Vitikkamabhūmi là giai đoạn phiền não bộc phát rất mạnh và dữ dội dẫn đến những hành vi và những lời nói ác. Phiền não trong giai đoạn này có thể đoạn trừ bằng giới (sīla) nhưng chỉ tạm thời. Do đó, sự đoạn trừ bằng sīla, v.v.., được gọi là Tadaṅgapahāna, nghĩa là đoạn trừ tạm thời. Phiền não ở giai đoạn kế tiếp: Pariyutthānabhūmi - Triền xứ, là giai đoạn mà phiền não khởi sanh ở cửa tâm (ý môn) khi cảnh có sức mạnh đánh thức chúng tạo ra sự xáo động ở một trong sáu môn. Những phiền não như vậy có thể được áp chế bằng thiền định. Sự đoạn trừ phiền não bằng thiền định (Samādhi) được gọi là Trấn phục đoạn trừ (Vikkhambhana-pahāna). Lại nữa, tầng thiền có thể trấn áp phiền não trong một thời gian thích hợp. Nhưng vẫn còn các phiền não ở giai đoạn thứ ba, Anusayabhūmi
- Tuỳ miên xứ: là chỗ mà các phiền não nằm tiềm ẩn trong dòng tâm, không xuất hiện thành các sở hữu tâm. Chúng không thể được đoạn trừ bằng sīla và samādhi. Chỉ có Tuệ Đạo (magga-ñāṇa) đạt được nhờ tu tập thiền Quán phát sanh ra Tuệ (pañña) mới có thể đoạn diệt tận gốc những phiền não này. Sự đoạn trừ các phiền não bằng Tuệ như vậy được gọi là Chánh đoạn (Samuccheda-pahāna - sự đoạn trừ vĩnh viễn các phiền não.
Ở đây, sự thực hành các pháp Ba-la-mật (như Lục độ vạn hạnh) và sự thọ trì giới dẫn đến sự đoạn trừ tạm thời các phiền não - những việc phước ấy thuộc về Đại thiện (mahā-kusala); sự thực hành thiền Chỉ dẫn đến chứng thiền đắc định, trấn áp phiền não trong một thời gian, được xem là những việc thiện đáo đại hay đáo quảng (mahāggatā kusala). Sự thực hành thiền Quán sanh Tuệ (paññā), Đạo Tuệ (magga-ñāṇa) dẫn đến sự đoạn diệt hoàn toàn các phiền não (samuccheda-pahāna) thuộc về thiện siêu thế (lokuttara-kusala).
Như vậy, suốt 4 A-tăng-kỳ (asaṇkkheyya) và 100 ngàn đại kiếp, Ngài đã đoạn diệt các nhóm phiền não làm ô nhiễm tâm của Ngài, và cũng loại trừ vô minh và si mê (avijjā-moha) hành động như vị tướng dẫn đầu những đạo binh phiền não, theo sát bên Ngài. Đồng thời Ngài cũng làm cho năm Quyền: Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ tăng trưởng mỗi kiếp một mạnh hơn. Như vậy, Ngài đã trải qua những kiếp luân hồi khó khăn, liên tục thực hành các pháp ba-la-mật với sức tinh tấn mãnh liệt, cho đến lúc Ngài sanh làm vua Vessantara, Ngài đã bố thí hoàng hậu Maddī, như là việc phước tối hậu giúp Ngài có thể chứng đắc Phật quả. Sau đó, Ngài tái sanh vào cõi Đâu suất đà thiên (Tusīta), thọ hưởng lạc thú của chư thiên và chờ đúng thời gian để Ngài thành Phật.
Bởi vì Ngài là bậc đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ sau khi đã đoạn trừ các phiền não như tham, sân, v.v... bằng sự tích lũy các việc phước ba-la-mật như bố thí, v.v… nên Tứ Đạo Tuệ (magga-ñāṇa), rất thâm diệu chỉ xuất hiện trong dòng tâm của bồ tát.
Hơn nữa, bắt đầu từ lúc Ngài đem cả thân mạng phục dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkarā), Ngài đã nỗ lực cố gắng tu tập và tích lũy các việc phước qua sự thực hành các pháp Ba-la-mật (pāramī) như bố thí (dāna), v.v… là quả phước thiện, không mong cầu khoái lạc ở bất cứ cõi nào mà kẻ phàm phu tầm thường khó có thể làm được. Bằng tất cả những việc phước mà Ngài thực hiện, Bồ tát chỉ có ước nguyện như vầy : “ Cầu mong những việc phước Ba-la-mật này hãy là cận y duyên (những điều kiện đầy đủ – upanissaya- paccaya) để Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) sanh khởi trong ta.”
Còn đối với những kẻ khác, họ cầu ước các lạc thú của chư thiên và nhân loại sau khi làm các việc phước. Và đúng theo ước nguyện họ, họ đạt được những lạc thú của chư thiên và nhân loại, là quả của những việc phước. Nó giống như sự tiêu xài phung phí bất cứ tài sản nào có được từ những việc phước mà họ đã tích lũy. Không giống như những người này, vị Bồ tát, theo cách của người cho lúa vào vựa và luôn luôn gìn giữ nó mà không sử dụng, Ngài tích lũy các việc phước kiếp này qua kiếp khác với ước nguyện như vầy: “ Mong rằng việc phước này sẽ góp phần tạo ra túc duyên cho sự giác ngộ Đạo Tuệ (magga-ñāṇa), với đỉnh cao của sự giác ngộ là Nhất thiết trí (sabaññūta-ñāṇa).
Sự tích luỹ các việc phước từ những ba-la-mật suốt 4 A-tăng- kỳ (asaṇkkheyya) và 100 ngàn đại kiếp để rồi cho quả một lần là sự chứng đắc Phật quả trong kiếp cuối cùng của Ngài sanh làm thái tử Siddhattha. Nhưng vì có vô số phước đều trổ quả chỉ trong một kiếp nên kiếp này xem ra dày đặc quả phước.
Do bởi ước nguyện duy nhất là sự chứng đắc Phật quả, nên các việc phước của Ngài trổ quả tràn đầy trong kiếp cuối cùng này thật mạnh mẽ. Cho nên, chỉ trong dòng tâm của Bồ tát mới xuất hiện Tứ đạo tuệ rất thâm diệu mà không cần sự trợ giúp của bất cứ ai.
(Mahāvajira Vipassanā Ñāṇa)
Sau khi đã đoạn trừ các phiền não như tham (lobha), sân (dosa), v.v... nhờ những việc phước được tích lũy qua sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī) như bố thí (dāna), v.v… như đã nói ở trước, Bồ tát, Bậc đã loại trừ si mê (moha) - moha là kẻ dẫn đầu các phiền não cùng với những tùy tùng của chúng thường hay ngăn cản và che lấp con đường dẫn đến Niết bàn. Ngài đã thực hành và phát triển thiền Đại kim cang quán trí (Mahāvajira Vipassanā) vào lúc rạng đông (trong canh cuối của đêm), ngày rằm tháng Vesakha. Phương pháp thực hành và khai triển được tóm lượt như sau:
Có mười trăm ngàn triệu hay triệu triệu thế giới được gọi là Oai lệnh sát thổ (Āṇākhetta), phạm vi thuộc quyền lực của một vị Phật (1) . Khi Bồ tát quán thật tánh của những chúng sanh sống trong mỗi thế giới và thuộc về ba thời kỳ (quá khứ, hiện tại và vị lai), Ngài thông suốt rằng, dầu số nhân loại, chư thiên và Phạm thiên trong một số thế giới có nhiều đến bao nhiêu, cũng được thu gọn trong 12 nhân duyên (Paṭiccasamuppāda), được xem là thực tại tối thượng: vô minh (avijjā) và hành (saṅkhara) - hai chi quá khứ là nhân; thức (viññāna), danh sắc (nāma-rūpa), lục nhập (salāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā) - những yếu tố hiện tại là nguyên nhân; và sanh (jati) (hay sanh hữu – upapatti-bhava), lão (jara) và tử (maraṇa) - những yếu tố tương lai là kết quả.
Có ba loại lãnh vực (sát thổ - khetta) liên quan đến Đức Phật, theo bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā và bộ Parajika Aṭṭhakathā:
1- Sanh đản sát thổ (Jāti khetta) được giới hạn bởi mười ngàn thế giới mà chấn động vào lúc Bồ tát thọ sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót.
2- Oai lệnh sát thổ (Āṇākhetta): được giới hạn bởi triệu triệu thế giới nơi mà những bài kinh hộ trì (paritta) có năng lực: Ratana Sutta, Khandha Paritta, Dhajagga Paritta, Ātanātiya Paritta và Mora Paritta.
3- Cảnh sở duyên sát thổ (Visaya khetta) được gọi là sát thổ không giới hạn, và vô cùng tận, trong đó Đức Phật có thể vận dụng Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) của Ngài để biết bất cứ điều gì ở bất cứ nơi nào.
Khi Ngài quán thật tánh của nhân loại, chư thiên và Phạm thiên sống trong các thế giới còn lại và thuộc ba thời kỳ, Ngài biết thông suốt rằng: cũng như trường hợp của chúng sanh ở thế giới này, cũng chính mười hai yếu tố ấy của Pháp Duyên khởi (Paṭiccasamuppāda) hình thành những đối tượng của thiền quán, bắt đầu từ vô minh (avijjā) đến sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa).
Như vậy, số đối tượng của thiền quán được tổng kết như sau: vì có 100.000 koṭi thế giới (1 koti =10.000.000) nên cũng có 100.000 koti pháp duyên khởi sanh lên, mỗi pháp có 12 yếu tố, mỗi yếu tố là một đối tượng. Do đó, tổng cộng có 1.200.000 koṭi đối tượng.
Như một người đốn hạ và dọn sạch khu rừng rậm với những bụi cây và dây leo chằng chịt, anh ta mài bén cây rựa trên cục đá mài và mài nhiều lần; Bồ tát cũng vậy, để dọn sạch khu rừng rậm và những bụi cây phiền não (kilesa), số lượng là một ngàn năm trăm, đã mài bén nhiều lần lưỡi dao Đại kim cang quán tuệ (Mahāvajira Vipassanā-ñāṇa) trên cục đá mài của tứ thiền đề mục hơi thở (ānāpāna) ( tức là nhiều lần nhập vào tứ thiền đề mục hơi thở - ānāpāna). Sau đó Ngài quán từng chi của 12 nhân duyên, số lượng là 1.200.000 koti, bằng cách quán 3 tướng của chúng là : vô thường (anicca-lakkhaṇā), khổ (dukkha-lakkhaṇā) và vô ngã (anatta- lakkhaṇā).
Vì mỗi chi của Paṭiccasamuppāda, số lượng 1.200.000 koti, khởi sanh ba loại Quán trí (ñāṇa) là Vô thường quán trí (Anicca Vipassanā-ñāṇa), Khổ quán trí (Dukkha Vipassanā-ñāṇa) và Vô ngã quán trí (Anatta Vipassanā-ñāṇa), tất cả khởi sanh 3.600.000 koti Đại kim cang quán tuệ (Mahāvajira Vipassanā-ñāṇa).
(Bài tóm tắt về Đại kim cang quán tuệ (Mahāvajira Vipassanā- ñāṇa) được chứa trong bài kinh Anupāda, Uparipaṇṇāsa Ṭīkā và trong bài Sariputta Moggallāna Pabbajjakathi, Mahākhandhaka Vinaya Sāraṭṭhadīpanī Ṭikā).
Theo thông lệ, sự thực hành của mỗi vị Bồ tát vào đêm trước khi chứng đắc quả Phật là quán Pháp Duyên khởi theo thứ tự xuôi và ngược. Bồ tát của chúng ta, như chư Bồ tát quá khứ, cũng quán pháp Duyên khởi theo thứ tự xuôi và ngược. Nhân đó, mười ngàn thế giới hình thành Sanh đản sát thổ (jāti-khetta) đã chấn động đến các đại dương tận cùng của thế giới.
Sau khi Bồ tát khai triển loại tuệ Sammāsana-ñāṇa, gồm có 3.600.00 koṭi Đại kim cang quán tuệ, bằng cách quán sát Paṭiccasamuppāda như tất cả các vị Bồ tát quá khứ đã từng quán sát, Ngài lại nhập vào tứ thiền đề mục hơi thở (ānāpāna) (Ngài làm như vậy để mài bén lưỡi gươm tuệ quán bậc cao như Sanh diệt trí - Udayabbaya-ñāṇa (trí biết sự sanh khởi và hoại diệt) trên cục đá mài tứ thiền đề mục hơi thở).
Khi đã nhập vào Tứ thiền đề mục hơi thở (ānāpāna) ( sau khi mài bén lưỡi gươm của tuệ quán bậc cao), Ngài xuất khỏi định ấy và chứng đắc dễ dàng trí tuệ bậc cao như Sanh diệt trí (Udayabbaya- ñāṇa).
Sanh diệt trí : Trí thấy sự sanh và diệt của các pháp hữu vi.
(Udayabbaya-ñāṇa)
Hoại diệt trí : Trí thấy sự hoại diệt của các pháp hữu vi (Bhaṅga-ñāṇa)
Bố úy trí (Bhaya-ñāṇa): Trí thấy rõ và ghê sợ các pháp hữu vi. Quá hoạn trí : Trí nhờm gớm và ghê sợ các pháp hữu vi. (Ādinava-ñāṇa)
Yểm ly trí (Nibbidā-ñāṇa): Trí nhàm chán các pháp hữu vi. Dục thoát trí : Trí muốn thoát khỏi các pháp hữu vi.
(Muccitukaṃyatā-ñāṇa)
Tỉnh sát trí : Trí làm khởi dậy sự tinh tấn đặc biệt.
(Paṭisaṅkhāra-ñāṇa)
Hành xả trí (Saṅkhārupekkhā-ñāṇa): Trí xả ly các pháp hữu vi.
(Cần lưu ý rằng Bồ tát đã dễ dàng giác ngộ Quán trí bậc cao (Vipassaṇa-ñāṇa) vì Ngài đã từng xuất gia tỳ khưu trong giáo pháp của chư Phật quá khứ, đã từng thông suốt Tam tạng và thực hành thiền Minh sát tuệ, đã khai triển và tu tiến đến mức chứng đạt Sanh diệt trí (Udayabbaya-ñāṇa), Hoại diệt trí (Bhaṅga-ñāṇa), Bố úy trí (Bhaya- ñāṇa), Quá hoạn trí (Ādinava-ñāṇa), Yểm ly trí (Nibbidā-ñāṇa), Dục thoát trí (Mucchitukamyatā-ñāṇa), Tỉnh sát trí (Paṭisaṇkha-ñāṇa), và Hành xả trí (Sankhārupekkha-ñāṇa). Và cũng vì tuệ quán của Ngài đã phát triển và lớn mạnh do bởi 3.600.000 koṭi Đại-kim-cang quán trí (Mahāvajīra Vipassanā Sammāsana Ñāṇa). Tất cả những chi tiết này được căn cứ vào bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā và Sutta Mahāvagga Ṭīkā).
Như người sau khi trải qua chặng đường dài, về thấy cửa nhà mở, không dừng lại ở ngưỡng cửa mà đi thẳng vào trong. Đức Bồ tát sau khi giác ngộ dễ dàng các Quán trí bậc cao (Vipassanā-ñāṇa) đã trải qua lần lượt tám giai đoạn quán trí như Sanh diệt trí (Udayabbaya-ñāṇa), v.v... cuối cùng đạt đến giai đoạn Tuỳ thuận quán trí (Anuloma-ñāṇa), Ngài không dừng lại ở đó. Thay vì dừng lại ở Đế Tuỳ thuận trí (Saccānuloma-ñāṇa) như cái cổng đi vào thành phố Niết bàn, Ngài lập tức phá tan những đám mây mù và bóng tối của vô minh và si mê (avijjā-moha) đã che lấp Tứ Đế, đó là Khổ đế (Dukkha Saccā), Tập đế (Samudaya Saccā), Diệt đế (Nirodha Saccā) và Đạo đế (Magga Saccā) bằng ba loại Đế thuận thứ trí (Saccānuloma-ñāṇa) tên là Sơ đổng lực (parikamma), Cận hành đổng lực (upaccāra) và Thuận thứ đổng lực (anuloma), ba loại thuận thứ này diễn ra trong Đạo lộ (magga-vithī).
Sau khi đã xua tan bóng tối dày đặc che lấp chân lý, Ngài thấy rõ ràng như người nhìn thấy rõ mặt trăng trong bầu trời không mây, và giác ngộ ánh sáng to lớn của Niết bàn nhờ Đệ nhất đạo tuệ (sotapatti- magga-ñāṇa) theo ngay sau Chuyển tộc trí (gotrabhū-ñāṇa), là những loại tuệ vượt qua những trói buộc của thế gian và chuyển qua dòng thánh (sát na đổng lực Đệ nhất đạo tuệ khởi sanh một lần và diệt mất). Ngay sau đó khởi sanh và hoại diệt ba đổng lực Dự lưu quả (sotapatti- phala) theo đúng ân đức của Pháp là Akālika (Quả khởi sanh ngay sau đạo). Rồi theo sau là dòng tâm bhavaṅga-citta (hữu phần).
Do bởi Dự lưu đạo tuệ (sotāpatti-phala) đã được chứng đắc như vậy, dòng tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khỏi ba phiền não, là thân kiến (sakkāya-diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā) và giới cấm thủ (sīlabbataparāmasa). Những phiền não này sẽ vĩnh viễn không bao giờ khởi sanh trở lại trong dòng tâm của Bồ tát.
Sau khi giác ngộ Dự lưu đạo (sotāpatti-magga) và Dự lưu quả (sotāpatti-phala), Bồ tát xem xét lại (1) sotāpatti-magga, (2) sotāpatti-phala, là kết quả của sotāpatti-phala, (3) Niết bàn là cảnh của chúng, (4) các phiền não đã bị đoạn tận bởi sotāpatti-phala và (5) các phiền não chưa được đoạn tận bởi đạo kể trên (năm loại trí quán sát này được gọi là Ngũ quán sát trí – Paccavekkhana-ñāṇa).
Sau khi đã xem xét bằng Ngũ quán sát trí về sotāpatti-magga và sotāpatti-phala, cảnh của chúng là Niết bàn, các phiền não đã được đoạn tận bởi Dự lưu đạo và các phiền não vẫn còn chưa được đoạn tận, Bồ tát lại trau dồi và phát triển các tuệ Minh sát (Vipassanā-ñāṇa) như Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v... Ngay sau đó, Ngài chứng ngộ Nhất lai đạo (sakadāgāmi-magga) và Nhất lai quả (sakadāgāmi- phala). Qua sakadāgāmi-magga, Ngài đoạn trừ các phiền não ở dạng thô, đó là dục ái (kāma-rāga) và sân (vyāpāda hay dosa). Từ đó trở đi, dòng tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khỏi các phiền não loại thô của kāma-rāga và vyāpāda (dosa).
Sau khi chứng ngộ Nhất lai đạo (sakadāgāmi-magga) và Nhất lai quả (sakadāgāmi-phala), Bồ tát bằng các tốc lực tâm của Ngũ quán sát trí (paccavekkhana-ñāṇa), quán về Nhất lai đạo, Nhất lai quả, cảnh của chúng là Niết bàn, các phiền não đã được đoạn diệt và các phiền não chưa được đoạn diệt. Ngài lại phát triển các tuệ Minh sát như Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v... Ngay sau đó, Ngài chứng ngộ tầng thánh thứ ba, là đạo quả Bất lai hay A-na-hàm đạo (anāgāmi- magga) và A-na-hàm quả (anāgāmi-phala).
Qua anāgāmi-magga, Ngài đoạn tận hoàn toàn dục ái (kāma- rāga kilesa) và sân (dosa) vi tế. Từ đó trở đi, dòng tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khỏi kāma-rāga và vyāpāda (dosa).
Sau khi chứng ngộ anāgāmi-magga và anāgāmi-phala, Bồ tát bằng các tốc lực tâm (javanavāra) của Ngũ quán sát trí (Paccavekkhana-ñāṇa), lại quán xét về anāgāmi-magga và anāgāmi- phala đã chứng đắc, cảnh của chúng là Niết bàn, các phiền não đã được đoạn diệt và những phiền não chưa được đoạn diệt. Lại nữa, Ngài phát triển các tuệ Minh sát (Vipassanā-ñāṇa) như Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v... Ngay sau đó, Ngài chứng đắc tầng thánh thứ tư là A-la-hán đạo (arahatta-magga) và A-la-hán quả (arahatta- phala). Bằng arahatta-magga, Bồ tát đoạn diệt hoàn toàn tất cả những phiền não còn lại, đó là dục ái ở cõi sắc giới (rūpa-raga), dục ái ở cõi vô sắc giới (arūpa-raga), ngã mạn (māna), phóng dật (uddhacca) và vô minh (avijjā). Từ đó trở đi, tâm của Bồ tát hoàn toàn thoát khởi một ngàn năm trăm loại phiền não (kilesa) cùng với những huân tập trong quá khứ (vāsanā) và bảy pháp ngủ ngầm.
(Sau khi đã chứng ngộ A-la-hán đạo (arahatta-magga) và A-la- hán quả (arahatta-phala) thì những tốc lực tâm (javanavāra) của quán sát trí (paccavekkhana) sanh khởi để quán xét về arahatta-magga và arahatta-phala, cảnh của chúng là Niết bàn, và các phiền não đã được đoạn tận. Có tất cả mười chín Quán sát trí, năm Quán sát trí khởi sanh sau khi chứng đắc đạo quả Tu-đà-hườn (sotāpatti-magga-phala), đạo quả Từ-đà-hàm (sakadāgāmi-magga-phala), đạo quả A-na-hàm (anāgāmi-magga-phala) và bốn thắng trí khởi sanh sau khi chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-magga-phala). Mười chín quán sát trí này cũng được gọi là Giải thoát tri kiến (Vimutti Ñāṇa Dassana). Sau khi chứng đắc A-la-hán đạo (arahatta-magga), chẳng còn phiền não dư sót nên không có quán sát trí xem xét phiền não dư sót. Do đó, chỉ có 4 Quán sát trí - paccavekkhana-ñāṇa sau khi chứng đắc arahatta- magga-phala.)
Bồ tát giác ngộ arahatta-phala ngay sau khi giác ngộ arahatta- phala, dòng tâm của Ngài rất trong sáng và ngài chứng đắc trạng thái của bậc Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), bậc lãnh đạo tối cao của ba cõi, bằng sự hoạch đắc Nhất thiết trí (Sabbannuta-ñāṇa) cùng với Tứ thánh đế, Tứ vô ngại giải trí (Patisambhidā-ñāṇa), Lục bất cộng trí (Assādhāraṇa-ñāṇa), tạo thành 14 loại trí của một vị Phật; và 18 Bất cộng pháp (Āvenika dhamma), Tứ vô sở uý trí (Vesārajja- ñaṇa). Đồng thời với sự chứng đắc Nhất thiết trí (sabbañuta-ñāṇa) thì bình minh vừa xuất hiện. (Sự giác ngộ sabbañuta-ñāṇa nghĩa là sự chứng đắc Phật quả).
Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị đưa vào bộ Phật sử này một bài trình bày tóm tắt về bảy Pháp Thanh tịnh (visuddhi) của một vị Phật.
Vào lúc Bồ tát dừng chân ở trên bờ sông Anoma và mặc vào bộ y phục của vị Sa-môn, Ngài bắt đầu thọ trì Luật nghi giới (Saṃvara sīla)
Luật nghi giới: sự thực hành giới có sự khác nhau tùy thuộc vào người thọ trì là xuất gia hay tại gia. Các bài kinh trong các bộ Nikāya có giải thích về sự thực hành giới mà rất cần thiết cho người hành thiền. Bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhi-magga) giải thích về giới tu tập có bốn loại: (1) Biệt biệt giải thoát giới (Pāṭimokkha-saṃvara); (2) Lục căn thu thúc giới (Indriya-saṃvara), (3) Chánh mạng thanh tịnh giới (Ājivapārisuddhi), (4) Tư cụ y chỉ giới (Paccayāsannissita). Pāṭimokkha saṃvara là giới dành cho các vị tỳ khưu, đệ tử của Đức Phật. Do đó, nó không được nêu ra trong bài trình bày này về Giới thanh tịnh của Bồ tát.
Luật nghi giới (Saṃvara-sīla) là Chánh mạng đệ bát giới (Ājivaṭṭhamaka-sīla). Đó là kiên tránh sát sanh, kiên tránh trộm cắp hay cướp lấy những tài vật mà chủ nhân chưa cho bằng hành vi hoặc lời nói; kiên tránh thông dâm (kiên tránh những hành động tà hạnh lớn nhỏ); kiên tránh nói dối; kiên tránh đâm thọc; kiên tránh chửi mắng và lời nói thô lỗ, kiên tránh nói lời vô ích, phù phiếm; kiên tránh sự nuôi mạng không chân chánh. Bằng thọ trì loại giới này, Bồ tát cũng thành tựu sự thọ trì Hượt mạng biến tịnh giới (Ājivaparisuddhi-sīla).
Lục căn thu thúc giới (Indriya-saṃvara-sīla) là sự thực hành pháp phòng hộ sáu căn môn. Không giống như những kẻ phàm phu tầm thường, Đức Phật không cần một sự cố gắng đặc biệt để tu tập lại Indriya-saṃvara-sīla vì sự thu thúc lục căn đối với Ngài vốn là pháp tự nhiên bẩm sinh và đã được thành tựu rồi.
Ngài cũng không cần phải vận dụng một sự cố gắng đặc biệt nào trong việc thọ trì Tư cụ y chỉ giới (Paccyasannissita-sīla) để đoạn trừ các phiền não có thể khởi sanh do sự thọ dụng bốn món vật dụng.
Ngay vào lúc Ngài sắp từ bỏ thế gian, Ngài cũng đã đoạn trừ tạm thời một số phiền não dẫn đầu là tham luyến và ái dục. Những phiền não ngủ ngầm chỉ được đoạn trừ bởi arahatta-magga. Đây là Giới thanh tịnh (sīla-visuddhi) của Bồ tát.
Bát thiền và ngũ thông (abhiññā) mà Bồ tát đã chứng đắc trong thời gian ở chung với hai vị giáo chủ Ālāra và Udaka đã trở nên bất tịnh và mờ nhạt tựa như bị lấm nhơ bởi những vật bất tịnh ( như những chiếc bình lớn bằng vàng mà không được dùng đến) do bị bỏ quên không tu tập và không trau dồi suốt sáu năm Ngài thực hành pháp khổ hạnh (dukkaracariya). Vào ngày Ngài sắp chứng đắc quả Phật, Ngài độ món cơm sữa do nàng Sujātā dâng cúng và trải qua cả ngày trong rừng cây sāla. Khi Ngài đang trú nơi đó, Ngài thanh lọc lại tám thiền chứng và ngũ thông bằng cách tu tập chúng lại một lần nữa (như chùi rửa lại cái bình bằng vàng bị lấm bụi). Tám thiền chứng và ngũ thông này hình thành tâm thanh tịnh (citta-visuddhi) của Bồ tát.
Sau đó, Đức Bồ tát đi đến chỗ đất cao nơi cây Đại bồ đề vào lúc chiều tối và ngồi trên Vô địch bảo tọa. Ngài đánh bại Devaputta Mara trước khi mặt trời lặn. Trong canh đầu của đêm, Ngài chứng đắc Túc Mạng minh. Ngài thông suốt các hiện tượng nāma-rūpa và đoạn diệt hai mươi thân kiến (sakkāya-diṭṭhi). Đây là Kiến thanh tịnh (diṭṭhi-visuddhi) của Bồ tát.
Vào canh giữa của đêm, bằng Như nghiệp sanh trí (yathākammūpaga-ñāṇa) sanh lên từ Thiên nhãn trí (dibbacakkhu- ñāṇa), Ngài trông thấy chúng sinh sanh đến các cõi khác nhau theo nghiệp của họ. Khi thấy như vậy, Ngài giác ngộ định luật Nghiệp báo (nghiệp và quả của nghiệp) và do sự giác ngộ này, Ngài thoát khỏi các hoài nghi. Đây là Đoạn nghi thanh tịnh của Bồ tát (Kaṅkhāvitaraṇa visuddhi).
Vào canh cuối, Bồ tát trú trong mười hai Nhân duyên của Pháp Duyên khởi, và bắt đầu bằng pháp quán Danh sắc (Kalāpa- sammāsana) dựa vào bảy pháp quán như vô thường quán (anicca- nupassanā), khổ quán (dukkha-nupassanā), vô ngã quán (anatta- nupassanā), Ngài giác ngộ Sanh diệt tuệ (udayabbaya-ñāṇa) thấy rõ sự sanh và diệt của nāma-rūpa. Vào lúc ấy, trong Bồ tát khởi sanh những Quán tùy nhiễm (Vipassānupakkilesa) như hào quang, v.v...
Quán tùy nhiễm (Vipassānupakkilesa) - vị hành giả khi hành thiền Minh sát, đến một giai đoạn tiến bộ nào đó, quán liên tục sự sanh và diệt của Danh và sắc, đạt đến giai đoạn đầu của udayabbaya-ñāṇa. Ở giai đoạn này, vị hành giả thường trông thấy ánh sáng (obhāsa), cảm thọ trạng thái hỉ (pīti), tịnh (passaddhi), thắng giải (adhimokkha), tinh cần (paggaha),lạc (sukha), tri kiến (ñāṇa), niệm mạnh (upaṭṭhāna), xả (upekkha), và dục cầu đối với trạng thái này (nikanti). Vị hành giả khi đạt đến giai đoạn này có thể bị dính mắc trong các phiền não của tuệ minh sát và tâm bị dao động trong chúng. Ví dụ: khi hào quang khởi sanh, vị hành giả có thể cảm thấy rằng đây là kinh nghiệm của đạo và vì vậy, vị hành giả bị dừng lại, không thể tiến bộ cao hơn. Khi hào quang xuất hiện, vị hành giả nghĩ rằng : “ Quả thật trước đây ta chưa từng có hào quang như vậy. Chắc chắn ta đã chứng Đạo rồi, ta đã chứng Quả rồi. Như vậy vị hành giả cho rằng cái không phải Đạo là Đạo, và cái không phải là Quả lại cho là Quả. Do sự lầm lẫn này, sự tiến bộ về thiền minh sát của vị ấy bị dừng lại. Vị ấy cứ mãi vui thích trong hào quang ấy mà quên mất đề mục của thiền.”
Hào quang của Đức Phật không giống như hào quang của những kẻ khác, không bị giới hạn trong một chỗ hoặc một vùng. Thật vậy, khi Bồ tát qua Đại kim cang quán trí (Mahāvajjra Vipassanā- ñāṇa) Ngài quán xét các pháp (dhamma) trong dòng tâm của Ngài, cũng như các nhóm pháp trong dòng tâm của vô số chúng sanh suốt ba thời kỳ quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngài giản lược chúng thành mười hai nhân duyên của pháp Duyên khởi (Paṭiccasamuppāda) và lại chia chúng ra thành hai nhóm nāma-rūpa khi Ngài quán chúng bằng Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa). Tinh tấn mạnh mẽ, niệm vững chắc, tâm điềm tỉnh và vì vậy trí tuệ của Ngài rất sắc bén. Niềm tin của Ngài rất mạnh, thân tâm an lạc, và sự an tịnh phát triển không ngừng. Sở hữu xả (tataramajjhattā-cetasika) cũng được gọi là quán xả (vipassanupekkha) rất mạnh, làm công việc xem xét tất cả các trạng thái hữu vi bằng trạng thái tâm quân bình. Dòng tâm của Bồ tát được nâng đỡ và trợ giúp bởi lạc (sukha) và tịnh (passaddhi) như vậy tràn ngập năm loại hỉ, đó là : (1) hỉ làm lông tóc dựng đứng (tiểu hỉ - khuddaka pīti), (2) hỉ chợt hiện chợt tắt như tia chớp (sát na hỉ - khanika pīti), (3) hỉ ngập tràn cả thân rồi hạ xuống như những cơn sóng đổ vào bờ (kế khởi hỉ - okkantika pīti), (4) hỉ rất mạnh như muốn nhấc bổng hành giả lên không trung (dũng dược hỉ - ubbega pīti), (5) hỉ tràn ngập toàn thân như bông gòn được nhúng trong dầu. Máu, tim và các căn như mắt, tai, mũi, v.v... cũng rất trong sáng.
Do đó, hào quang xuất hiện từ thân của Bồ tát tràn ngập cả quả đất, khối không khí và khối nước ở địa ngục và khiến cho chúng thấm nhuần một màu vàng. Rồi hào quang đi xuyên qua khoảng không vô tận ở bên dưới lên đến cõi trời cao nhất là Hữu đảnh thiên (Bhavagga), mọi thứ đều mang sắc vàng. Hào quang liên tục xuyên thấu không gian vô tận ở bên trên. Hào quang ấy cũng xuyên thấu khắp mười ngàn thế giới, và nhanh chóng tỏa rộng khắp vô biên thế giới.
(Khi những quán tùy nhiễm ấy xuất hiện, các hành giả thường hiểu lầm chúng là Đạo và Quả. Họ từ bỏ đề mục ban đầu của thiền và vui thích dính mắc trong những trạng thái quán tùy nhiễm). Tuy nhiên, khi những quán tùy nhiễm này xuất hiện trong dòng tâm của Bồ tát thì Ngài quán xét rằng: “ Đây không phải là con đường dẫn đến A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa), chúng chỉ làm ô nhiễm tuệ quán mà thôi. Chỉ có Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v... trong pháp thiền nguyên thủy của Ta mới là con đường đúng đắn dẫn đến A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa).” Ngài không cho tâm của Ngài trôi theo những tùy quán nhiễm này và luyến ái theo chúng. Ngài khiến cho tâm nghiêng về đối tượng của thiền quán.
Khi những tùy quán nhiễm như vậy xuất hiện trong dòng tâm của Bồ tát như trong trường hợp của những vị hành giả khác, Ngài không để cho trạng thái tham muốn, dục cầu sanh khởi dầu ở dạng vi tế nhất. Ngài có trí trong sáng siêu trần, thấy rõ rằng nhóm tùy quán nhiễm này không phải là con đường đúng đắn dẫn đến giác ngộ, nó chỉ dẫn đến sự ô nhiễm của tuệ quán. Chỉ có Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), v.v... mới là con đường đúng đắn dẫn đến giác ngộ. Đây là Đạo phi đạo Tri kiến thanh tịnh (Maggāmaggañāṇadassana Visuddhi) của Bồ tát.
(Paṭipadāñāṇadassana Viduddhi)
(7) Tri kiến Thanh tịnh (Ñāṇadassana Visuddhi)
Nhóm chín Tuệ Minh sát (Vipassanā-ñāṇa), từ Sanh diệt trí (udayabbaya-ñāṇa), đến Tuỳ thuận trí (anuloma-ñāṇa) mà khởi sanh trong dòng tâm của Bồ tát, được gọi là Hành đạo tri kiến thanh tịnh. Bốn Thánh đạo (Ariyā magga) được gọi là Tri kiến thanh tịnh (Ñānadassana-visuddhi).
(Về mặt này, cần đặc biệt lưu ý rằng Dự lưu đạo (Sotapatti- magga) được Đức Phật chứng đắc là Sơ thiền đạo (jhāna-magga) với năm chi thiền là tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỉ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm (ekaggatā). Nhất lai đạo (Sakadāgāmi-magga) là nhị thiền đạo (jhāna-magga) với ba chi thiền là pīti, sukha và ekaggatā. Bất lai đạo (Anagāmi-magga) là Tam thiền đạo với hai chi thiền là sukha và ekaggatā. A-la-hán đạo (Arahatta-magga) là Tứ thiền đạo với hai chi thiền là sukha và ekaggatā). (Trích dẫn từ phần diễn giải của bài kinh Upakkilesa trong bộ Chú giải Uparipaṇṇāsa).
Như vậy, chuỗi bảy pháp Thanh tịnh, đã được mô tả ở trên, tạo thành con đường dẫn đến Niết bàn. Chư Phật, chư Độc giác Phật và chư Thinh văn đệ tử Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, giác ngộ Niết bàn chỉ qua bảy pháp Thanh tịnh này; và nói rằng ít nhất thì các bậc thánh chứng đắc Thánh đạo bằng cách tu tập tối thiểu là pháp thiền Tacapaṅcaka (năm thể trược) hoặc nghe một thời Pháp dưới dạng kệ do Đức Phật thuyết khi Ngài ngồi ở tịnh xá và phóng hình ảnh của Ngài đến trước mặt họ. Tất cả họ chứng đắc Thánh đạo (ariya-magga) chỉ nhờ trải qua lần lượt bảy pháp Thanh tịnh này.
Câu hỏi được đưa ra như vầy : Nếu tất cả chư Phật, chư Độc giác Phật (Paccekabuddha) và chư Thinh văn đệ tử Phật trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều giác ngộ Niết bàn chỉ nhờ trải qua bảy pháp Thanh tịnh, thì tại sao tất cả những bậc thánh này không giống nhau về mọi phương diện? Tại sao có những khác biệt như vị này là Đức Phật, vị kia là Độc giác Phật, vị nọ là Thượng thủ thinh văn (agga-sāvaka), vị khác là Đại thinh văn (mahā-sāvaka), và vị khác nữa là Thinh văn bình thường (pakati-sāvaka)?
Câu trả lời là : Dù Niết bàn được giác ngộ bởi tất cả chư Phật, chư Độc giác Phật và chư Thinh văn đệ tử của Phật chỉ nhờ trải qua bảy pháp Thanh tịnh, nhưng các ngài có nguồn gốc khác nhau về trí tuệ (pañña), sự thực hành (paṭipadā), niềm tin (saddhā) và căn tánh (ajjhāsaya-dhātu). Do đó, những vị thánh chứng đắc A-la-hán quả (arahatta-phala) nhờ trí tuệ có được do nghe pháp từ những vị khác (văn sở thành tuệ - sutamaya-ñāṇa), sau khi tu tập các pháp ba-la-mật theo sức mạnh của saddhā và pañña của vị ấy suốt một trăm ngàn đại kiếp, các ngài trở thành những Đại thinh văn (mahā-sāvaka) và những vị Thinh văn thường (pakati-sāvaka).
Những vị Thánh chứng đắc arahatta-phala nhờ sutamaya-ñāṇa sau khi đã tu tập các pháp ba-la-mật suốt thời gian một A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp hay ít hơn thì trở thành những vị Thượng thủ Thinh văn (agga-sāvaka). Các vị Thánh chứng đắc arahatta-phala nhờ trí tuệ của tự thân (sayambhu-ñāṇa – trí tự mình có được không nhờ người khác chỉ dạy) sau khi đã tu tập các pháp Ba-la-mật suốt thời gian hai asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp, nhưng không thể thuyết pháp tế độ kẻ khác chứng đắc magga, phala và Niết bàn thì trở thành những vị Độc giác Phật (Paccekabuddha).
Những bậc thánh vô song, sau khi đã anh dũng thực hành viên mãn các pháp ba-la-mật trong thời gian tối thiểu là bốn asaṅkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp và đã thực hành năm pháp Đại thí mà những vị Bích chi Bồ tát (Pacceka Bodhisatta) và Thinh văn bồ tát (Sāvaka Bodhisatta) không làm được. Các Ngài chứng đắc arahatta- magga và sabbaññuta-ñāṅa nhờ vào trí tuệ của tự thân. Do thiện xảo bậc nhất trong việc sử dụng ngôn từ, các Ngài thuyết pháp bằng tứ Vô ngại giải trí, dùng nhiều phương cách để thích ứng với căn tánh của mỗi chúng sanh. Các Ngài có thể dẫn dắt tất cả chúng sanh đáng được dẫn dắt đến Magga, Phala và Nibbāna, và như vậy các Ngài trở thành nơi nương tựa cho tất cả chúng sanh. Những bậc thánh vô song này là những bậc Chánh đẳng giác, những vị Phật Toàn giác, những đấng Thế tôn của ba cõi. Vì Đức Bồ tát của chúng ta cũng có bản tánh như vậy nên Ngài cũng là vị Phật Chánh Đẳng Giác, Thế tôn của ba cõi. ( Đây là câu trả lời).
Khi Bồ tát chứng đắc Nhất thiết trí và trở thành một vị Phật trong ba cõi chúng sanh vào lúc rạng đông, khiến cho tất cả mười ngàn thế giới đều rung chuyển và vang lừng, đạt đến mức xinh đẹp cao nhất nhờ những hiện tượng kỳ diệu sau đây:
Những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng thế giới từ Đông sang Tây; cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng thế giới về hướng Tây và thấu đến tận cùng thế giới ở hướng Đông. Tương tự, những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng thế giới về hướng Nam và thấu đến tận cùng thế giới ở hướng Bắc; và những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở tận cùng của thế giới về hướng Bắc và thấu đến tận cùng của thế giới ở hướng Nam. Những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên trên mặt đất và thấu đến cõi Phạm thiên và những cờ phướn đủ màu sắc nổi lên ở cõi Phạm thiên và thấu xuống mặt đất.
Tất cả những loại cây ra hoa ở trong mười ngàn thế giới đều đồng loạt nở hoa. Tất cả những loại cây cho trái cùng đồng loạt ra trái trĩu cành. Các loại hoa cũng nở một cách khác thường trên thân, cành và trên những cây leo. Những chùm hoa hiện ra lơ lửng trong không trung. Các loại hoa sen nở hoa một cách kỳ diệu trên thân không lá, mỗi bông hoa có bảy tầng, xuyên qua những tảng đá lớn và mọc ra thành những dãi hoa. Đúng như vậy, mười ngàn thế giới của Sanh đản sát thổ (jātikkhetta – cõi đản sanh của Bồ tát) đều chuyển động nhẹ vào lúc ấy và trông như khối hoa khổng lồ được thổi tung lên hoặc như những luống hoa được khéo sắp đặt.
Ngoài những hiện tượng kỳ diệu này, ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu khác cũng hiện khởi, như đã được mô tả trong chương nói về sự đản sanh của Bồ tát.
Đức Phật sau khi chứng đắc Nhất thiết trí và thành tựu tất cả mọi ân đức và oai lực của một vị Phật, đã suy xét như vầy: “ Ta quả thật đã thoát khỏi nổi thống khổ to lớn của luân hồi. Quả thật ta đã đạt được địa vị đáng tôn kính nhất của một bậc Chánh biến tri, vị Đạo sư của ba cõi. Quả thật ta đã thành đạt thắng lợi to lớn. Ta là người có thể giải thoát tất cả chúng sanh ra khỏi những xiềng xích của tam giới bằng sự thuyết giảng chánh pháp.” Khi Ngài quán xét như vậy thì hỉ (pīti) ào ạt trào dâng trong dòng tâm của Ngài. Với sức trào dâng của pīti, Đức Phật thốt lên hai câu cảm hứng kệ sau đây đúng như thông lệ của chư Phật.
(1) Anekajātisaṁsarāṁ, sandhāvissaṁ anibbisaṁ
gahakāraṁ gavesanto, dukkhā jāti punappunnaṁ.
Không thể nhổ được gốc luân hồi ( style="mso-bidi-font-style: normal">saṁsāra), phải tái sanh trở đi trở lại qua bốn hình thức thọ sanh: noãn, thai, thấp và hóa. Đã mang lấy tấm thân thời phải chịu già, bịnh và chết, chẳng có hạnh phúc chút nào chỉ có buồn khổ và chán ngán. Do đó, khi bước chân vào con đường của vị Bồ tát, Ta mãi đi tìm người thợ cần mẫn xây nên ngôi nhà ‘ngũ uẩn’ (khanda) này, nhưng vẫn không tìm thấy hắn vì bấy giờ Ta chưa có được Nhất thiết trí vĩ đại (sabbaññuta-ñāṇa) là trí thấy rõ được kẻ tội phạm đích thực xây nên ngôi nhà đau khổ này, đó là ái dục. Ta đã phải lang thang bất định, quay vòng theo bánh xe saṁsāra dầu chẳng ưa thích chút nào, lại thường xuyên sợ hãi kẻ sản sanh ra dukkha, bao gồm ngũ uẩn.
(2) Gahatāraka diṭṭhosi, puna gehaṁ na kāhasi
sabbā te phāsuka bhagga, gahakutaṁ visankhataṁ
visaṅkharamgataṁ citta, tanhanaṁ khayamajjhaga.
Ngươi! Kẻ ái dục xây dựng nên ngôi nhà này, nguyên nhân xấu xa của mọi dukkha! Giờ đây, sau khi trở thành một vị Phật và có được Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa), Ta đã thấy rõ ngươi. Này ái dục, kẻ xây dựng ngôi nhà! Ngươi sẽ không còn xây dựng ngôi nhà ngũ uẩn này với đầy dẫy dukkha, bởi vì tay chân và cả mạng sống của ngươi đã bị chặt đứt bằng bốn nhát rìu Đạo trí (magga-ñāṇa) và ngươi giờ đây giống như gốc cây đã bị bứng lên khỏi mặt đất. Tất cả rui mè kèo cột của phiền não được gắn vững chắc trong ngôi nhà ngũ uẩn của ngươi đã bị phá sập tan tành, không để lại dù một dấu vết nhỏ. Vô minh (avijja), cái cột chính của ngôi nhà, đã từng che lấp Tứ Diệu đế và Nibbāna trong bóng tối sâu thẳm của nó, đã bị giật sập. Tâm của Ta đã thoát khỏi bụi bậm của phiền não, đã đạt đến Nibbāna, lâu đài của hạnh phúc, vượt ra ngoài tất cả pháp hữu vi và tất cả đau khổ của luân hồi. Ta, Đức Phật, Vô Thượng Tôn của tam giới, đã chứng ngộ Arahatta-magga-phala, đã diệt tắt một trăm lẻ tám loại ái dục khiến cho chư thiên và Phạm thiên khắp mười ngàn thế giới vui mừng tán dương.
Chú Thích: Có hai loại cảm hứng kệ (udāna) - manasā-udāna (ý cảm hứng kệ), là kệ chỉ khởi sanh trong tâm, và vacasā-udāna (ngữ cảm hứng kệ), là kệ được thốt ra bằng lời. Bài kệ udāna-gāthā bắt đầu bằng ‘Anekajātisaṁsāraṁ v.v…’ chỉ khởi lên trong tâm của Đức Phật nên được xem là manasā udāna. Những bài kệ udāna trong bộ kinh Udāna bằng tiếng Pāḷi, bắt đầu bằng câu ‘Yadā have pātu bhavanti dhammā v.v…’ được Đức Phật thốt ra bằng lời. Vì vậy, những bài udāna bằng tiếng Pāḷi được xem là vacasā-udāna.
( Những loại Pháp được nêu ra trong Chương Sự chứng đắc Phật quả này, đó là Paṭiccasamuppāda, bốn Paṭisambhidā-ñāṇa, sáu Āsādhārana-ñāṇa, Dasabala-ñāṇa, Cuddasabuddha-ñāṇa, mười tám Avenika-guna, và 4 Vesārajja-ñāṇa sẽ được mô tả, không quá tóm gọn cũng không quá chi tiết trong Chương về Pháp Bảo – Dhammaratanā).
KẾT THÚC CHƯƠNG 7
SỰ CHỨNG ĐẮC PHẬT QUẢ
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B