rong những năm gần đây, từ khắp nơi trên thế giới đã
vang lên nhiều tiếng kêu báo động nạn ô nhiễm. Người ta lo sợ ô
nhiễm thành phố, ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển cả, ô nhiễm sông ngòi
v.v... người ta gia công khảo sát, thí nghiệm, nghiên cứu và tiêu hao
biết bao tiền của, năng lực, thì giờ để tìm phương cách bài trừ
các loại ô nhiễm thị giác, ô nhiễm thính giác, ô nhiễm tỷ giác v.v...
Còn ô nhiễm tâm trí thì sao? Các bơn nhơ tinh thần mà, kẻ ít người
nhiều, chúng ta đã mang theo đến đây từ vô lượng kiếp thì
thế nào?
Cách đây hơn 25 thế kỷ Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã nhận thấy
mối hiểm họa vô cùng tai hại của ô nhiễm tinh thần và Ngài cảnh
giác:
"Không có lửa nào như tham ái, không có ngục tù nào như sân hận,
không có màn lưới nào như si mê, và không có dòng sông nào như ái
dục." (Kinh Pháp Cú, câu 251)
Lửa trên thế gian dầu nóng như thế nào, ngục tù kềm kẹp của
thế gian dầu khắc nghiệt, tàn ác đến đâu, những màn lưới của
thế gian có chặt chẽ tệ hại ra sao, cũng chỉ thiêu dốt, gây đau khổ
hay trói buộc ta suốt trọn một kiếp sống là cùng. Nhưng ô nhiễm tinh
thần sẽ đi theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác, mãi mãi,
triền miên, trong vòng luân hồi, nếu chúng ta không biết chấm dút.
Ái dục sẽ lôi cuốn và đẩy mạnh chúng ta vào biển khổ trầm luân.
Sáng suốt nhận định rằng bản chất của đời sống l;à đau khổ và nguyên
nhân của đau khổ là ái dục. Ðức Phật vạch ra một lối sống, tự bản thân
khép mình vào lối sống đạo đức ấy, thành đạt mục tiêu cứu cánh một cách
vẻ vang và mở lòng từ mẫn khai hóa những ai có tai muốn nghe, có tâm trí
muốn suy tư và có ý chí để thực hành. Ðức Phật dạy:
"Bây giờ, này hỡi chư Tỳ Khưu, đây là chân lý về Con
Ðường dẫn đến diệt khổ. Ðó là Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến,
Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh
Niệm, Chánh Ðịnh. "
Ðây là Con Ðường chia làm tám chi bao gồm tám năng lực tinh thần hùng
mạnh và có tính cách thiện. Tám chi của con đường phải được tập trung
lại để đánh đổ một năng lực bất thiện, ái dục, dai dẳng ngủ ngầm
bên trong ta.
Chánh kiến
Chánh kiến là tri kiến chân chánh, hiểu biết đúng đắn, sự
vật như thế nào thì hiểu biết đúng như vậy. Hiểu sâu vào
bên trong thực tướng của sự vật chớ không phải hiểu phớt trên bề
mặt. Ðến mức cùng tột, Chánh Kiến là thấu triệt thực tướng của
ngũ uẩn, tức thấu triệt bản chất của chính mình. Nói theo một cách,
Chánh Kiến là chứng ngộ Tứ Diệu Ðế. Tuy nhiên, trước khi đạt
đến từng hiểu biết cao siêu ấy, trong ý nghiã thông thường,
Chánh Kiến là phân biệt chánh tà, biết điều nào là thiện
và điều nào bất thiện. Muốn thực hành Giáo Pháp mà không có nền
tảng Chánh Kiến vững chắc lắm khi phải lầm đường lạc nẻo, thay vì
hướng về mục tiêu, càng tách rời ra.
Chính quan kiến hướng dẫn hành động. Sự hiểu biết của chúng ta
luôn luôn nằm phiá sau nỗ lực của chúng ta. Nếu hiểu biết sai
lầm, tà kiến sẽ dẫn dắt đến những hành động lầm lạc có tác dụng
tạo đau khổ. Ngược lại, nếu hiểu biết chân chánh, Chánh Kiến
sẽ đưa đến hành động chân chánh và do đó, hướng về con đường
thoát khổ. Mặc dầu sự hướng dẫn sơ khởi này vẫn còn là một khái niệm
mù mờ, hình như không đưa đến hậu quả nào quan trọng, nhưng nhìn
lại tận tường, đó là bứơc đầu có tánh cách quyết định cho cả toàn
thể tiến trình phát triển tinh thần trong tương lai.
Theo một lối phân hạng, Chánh Kiến có ba là:
1. Sự hiểu biết chân chánh rằng ta là sở hữu chủ của
nghiệp mà ta đã tạo.
Ðức Phật dạy:
"Tất cả chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình, là
thừa kế cuả cái nghiệp của mình, sanh ra do nghiệp của mình, là
họ hàng thân thuộc của cái nghiệp của mình, ẩn náu trong và được
nâng đỡ bởi, cái nghiệp của mình. Bất luận nghiệp nào mà ta đã
tạo, dầu thiện hay bất thiện, thì ta sẽ là thừa kế, hưởng
trọn hậu quả của nó."
Trong đời sống ta có thể cần cù làm lụng, kiệm cần dành để
và tạo nên nhà cửa, sự nghiệp, vàng vòng, trang sức v.v... Ta cũng có
thể thừa hưởng những sở hữu trên do ông bà cha mẹ truyền lại. Ta
gọi đó là "của mình", hay nói "mình" là sở hữu chủ
của những vật đó. Tuy nhiên, dầu ta có bám chắc, nắm chặt và tận lực gìn
giữ đến đâu, nó vẫn ở với ta một cách tạm thời. Bao nhiêu yếu tố
như hỏa hoạn, bão lụt, trộm cướp, kẻ thù nghịch, chiến tranh v.v... và
cuối cùng cái chết phải đến, luôn luôn sẵn sàng để tước
đọat quyền làm chủ của ta. Chỉ có một điều -- nghiệp
thiện hay nghiệp bất thiện mà ta đã tạo -- sẽ không bao giờ rời
ta, dầu ở trong kiếp sống này hay trong nhiều kiếp vị lai. Không có
kẻ thù nghịch hay trộm cướp nào tranh đoạt, không có chiến tranh hay
thiên tai nào tiêu hủy, chí đến cái chết cũng không làm mất mát hay
sứt mẻ cái nghiệp của ta. Do đó, Ðức Phật dạy rằng: "Tất cả chúng
sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình".
Vì cái nghiệp mà ta đã tạo theo dính liền với ta, ta sẽ thừa
hưởng hậu quả của nó như phần di sản, ta sẽ tái sanh vào trạng thái nào
cũng do nơi nó, nó là những người họ hàng thân thuộc không bao giờ rời
ta. Ta sẽ ẩn náu an toàn trong thiện nghiệp và nhờ thiện nghiệp
nâng đỡ. Nó như người bạn tốt đón chờ ở một cảnh giới nào trong tương
lai để hỗ trợ ta. Vậy, ta phải chăm sóc, giữ gìn cái nghiệp cho
được luôn luôn tốt đẹp. Ðôi khi có người nói, "Tôi ăn hiền ở
lành, không trộm cướp gì của ai, vậy là đủ rồi, cần gì phải tu." Nói
như vậy nghe thóang qua hình như hữu lý. Nhưng ăn hiền ở lành là
thế nào? Theo người đời, đi câu cá, săn thú hay trà đình, tửu quán là
thú tiêu khiển thanh nhàn, cướp sự sống của sinh vật để nuôi mạng
sống mình hay để hỷ hả tiệc tùng là tự nhiên, và ta tạo bao
nhiêu bất thiện nghiệp khác một cách vui vẻ, tự nhiên. Ta phải
biết thương, biết bảo tồn nghiệp thiện hơn là thương yêu và
bỏa tồn chính sự sống của ta. Ta phải biết sợ, biết lánh xa bất
thiện nghiệp, hơn là ta sợ lánh xa cái chết của chính ta. Thế
thường, ta sợ chết và muốn sống. Ðể bảo tồn sự sống và ngăn chặn
cái chết, lắm khi ta hành động bất chánh và do đó, tạo nghiệp bất
thiện vô cùng tai hại mà trong nhiều kiếp sống chính ta phải gánh
chịu hậu quả. Nên nhớ rằng chết ở đây là tái sanh, sống lại ở nơi
khác, và khi rời bỏ cảnh giới hiện tại ta cũng lià bỏ tất cả, chỉ mang
theo cái nghiệp mà ta đã tạo. Trong quyển The Buddha and his Teachings
(Ðức Phật và Phật Pháp), cố Ðại Ðức Nãrada viết:
"Tài sản sự nghiệp mà ta trìu mến bao nhiêu, thân bằng
quyến thuộc mà ta yêu qúy bao nhiêu, sẽ không đi theo ta. Chắc chắn như
vậy. Cho đến cơ thể này mà ta gọi là "Của Ta" cũng vậy.
Từ cát bụi nó đến. Nó sẽ trở về với cát bụi. Danh vọng ảo
huyền, vinh quang trống rỗng, tất cả đều tiêu tan theo mây theo gió.
Vẫn một thân một mình chúng ta phiêu bạt trong cơn bão táp, giữa đại dương
của vòng luân hồi, trôi giạt đó đây theo cái nghiệp."
2) Sự hiểu biết chân chính về thiện nghiệp và bất
thiện nghiệp, về hậu quả của nghiệp đã tạo, về sự
hiện hữu của những cảnh giới ngoài cảnh người, về sự hiện hữu
của những năng lực siêu phàm.
Nghiệp là hành động tác ý được thực hiện bằng ba đường
lối: Tư tưởng, lời nói, việc làm. Tất cả những hành động có tác
ý, thực hiện bằng thân, khẩu, ý, dầu thiện hay bất thiện,
đều tạo nghiệp. Những hành động không cố ý, không chủ tâm,
nghiã là không có tác ý (cetanã), đều không tạo nghiệp mặc dầu
đã biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay việc làm.
Hành động thiện tạo nghiệp thiện và đến hậu quả là hạnh
phúc, tinh thần hay vật chất. Hành động bất thiện đưa đến thọ
khổ, vật chất hay tinh thần.
-- Ba hành động tạo bất thiện nghiệp bằng thân là: sát sanh, trộm
cắp, tà dâm.
-- Bốn hành động bất thiện nghiệp bằng lời nói là: Nói dối, nói
đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, nói nhảm nhí.
-- Ba hành động tạo bất thiện nghiệp bằng ý là: Tư tưởng tham
lam, sân hận và tà kiến.
Những hành động đối nghịch với mười điều kể trên ( như tâm từ,
lòng thương chúng sanh, bố thí v.v...) được biểu hiện qua ba đường
lối thân, khẩu, ý, dầu nhằm mục đích tạo dựng tài sản, để sinh
sống hay để vun bồi kiến thức, đều được xem là thiện
nghiệp.
Người có Chánh Kiến hiểu biết chân chính rằng những hành động
như bố thí vật thực cho thú, cho người cư sĩ hay dâng cúng đến chư
Tăng, nếu làm với tâm từ, sẽ đem lại hậu quả tốt đẹp, trong kiếp
sống này và nhiều kiếp khác. Dầu cúng dường đông đảo chư Tăng với
nhiều lễ vật qúy giá hay tặng một món qùa nhỏ mọn, nếu làm với
tâm từ, vì lòng tốt, thương, muốn giúp người, vì lòng thành thật muốn đem
phúc lợi đến cho người, hành động ấy sẽ tạo quả phúc cho người làm.
Cùng thế ấy, những hành động như thọ trì Bát Quan Trai Giới trong
những ngày giới, hằng giữ năm giới, tham thiền, quy y Tam Bảo v.v...
đều tạo thiện nghiệp.
Người tà kiến chủ trương rằng mỗi người chỉ sống vỏn vẹn một
kiếp, và tất cả năng lực --tinh thần cũng như vật chất - đều chấm
dứt khi đời sống này chấm dứt. Chết là hết. Sau khi chết con
người bỏ lại tất cả mọi năng lực phát nguyên trong đời sống và trở
lại hoàn toàn hư vô, hoàn toàn tiêu diệt. Ðối với những người này bất
luận hành động nào, dầu thiện hay bất thiện, cũng không đem lại hậu
quả nào. Không nhân, quả, không nghiệp báo. Vì quan niệm như vậy,
lý tưởng của họ là cứ tận hưởng mọi lạc thú trên đời, hưởng
thọ càng nhiều càng tốt và có thể làm bất cứ gì dầu có hại ai
khác.
Hiểu rằng mọi hành động thiện và bất thiện đều đem
lại hậu quả; hiểu rằng phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ hữu phúc là
tạo thiện nghiệp và sẽ được phước báu về sau; hiểu rằng
thật sự có những chúng sanh hóa sanh, đột nhiên được sanh ra, bỗng nhiên
xuất hiện mà không phải trải qua hình thức thai bào nào; hiểu rằng có
cảnh giới này cũng có những cảnh giới khác. Những hiểu biết như vậy
là chân chánh. Người có Chánh Kiến cũng hiểu biết rằng trong
thế gian có những bậc cao minh, có khả năng siêu phàm như các bậc Thánh
Tu Ðà Hườn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
3. Sự hiểu biết chân chánh về Tứ Diệu Ðế.
Ðến mức cùng tột, Chánh Kiến là hiểu biết chân chánh
về bốn Chân Lý Thâm Diệu trong thế gian (Tứ Diệu Ðế).
Chánh kiến ở mức sơ khởi là hiểu đúng con đường. Như người kia
lạc nẻo, bỡ ngỡ trước nhiều ngả đường vì không biết chọn ngả
nào, may thay chợt nhận ra tấm bảng chỉ đường bên canh một con đường mòn
xưa cũ. Bảng chỉ đường là Giáo Pháp của Ðức Phật, khách lữ hành thênh
thang lạc bước là phần đông chúng ta, những người sơ cơ, đường mòn là
Con Ðường Cũ Xa Xưa mà chư Phật đã trải qua.
Vào giai đoạn đầu, Chánh Kiến là những hiểu biết chân chánh
đưa hành giả đến hành động trong sạch, tạo thiện nghiệp để
thọ hưởng những trạng thái nhàn lạc trong vòng luân hồi. Cũng có người
đã lãnh hội đầy đủ luật nhân quả mà vẫn còn tự hạn chế ước
vọng của mình trong những thành tựu của thế gian. Những người này có
những hành động đạo đức thanh cao để tích trữ phước báu và thọ
hưởng khoái lạc, danh vọng, quyền thế v.v... trần gian, trong cảnh
người, hoặc thọ sanh vào những cảnh Trời nhàn lạc. Tuy nhiên, trong sự
hiểu biết bằng lý trí - Chánh Kiến ở tầm mức tại thế -
không có gì để đưa con người vượt lên khỏi định luật nghiệp báo,
thoát ra khỏi vòng tạo nhân và gặt quả. Ðể giải thoát hoàn toàn ra khỏi
vòng sanh tử luân hồi cần phải có sự hiểu biết sâu sắc, nhận chân
thực tướng của vạn pháp, Chánh Kiến siêu thế.
Chánh Kiến cao siêu có khả năng đưa đến giải thoát là hiểu
biết Tứ Diệu Ðế. Ðức Phật dạy:
"Bây giờ, Chánh Kiến là gì? Ðó là hiểu biết đau khổ,
hiểu biết nguyên nhân sanh khổ, hiểu biết sự chấm dứt đau khổ,
và hiểu biết con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ." (Dĩgha
Nikãya, Trường A Hàm , bài kinh số 22)
Bát Chánh Ðạo bắt đầu với một khái niệm về Tứ Diệu Ðế,
chỉ hiểu biết mù mờ xuyên qua lý trí và tiến dần đến
tuyệt đỉnh là trực giác chứng nghiệm, thấu triệt những chân
lý cao siêu thâm diệu ấy và trở nên hoàn toàn giác ngộ. Như vậy, có
thể nói rằng hiểu biết Tứ Diệu Ðế là bước đầu mà cũng
là mục tiêu tối hậu của con đường thoát khổ.
Ba chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Ðế -- Khổ Ðế, Tập
Ðế và Diệt Ðế -- là quan điểm của Phật giáo về kiếp
nhân sinh. Dựa trên triết thuyết này Ðức Phật vạch ra một lối sống
thích nghi đưa đến trạng thái tâm tuyệt đối trong sạch và trí
tuệ toàn hảo. Ðó là Bát Chánh Ðạo, phần thực hành trong Phật Giáo. Ðó
cũng là con đường được gọi là "Trung Ðạo" (Majjhimã Patipadã),
tránh xa hai cực đoan. Một bên là lối sống lợi dưỡng, thấp hèn, của người
buông lung, đắm chìm trong dục lạc. Bên khác là lối sống khắc khổ, vô bổ
và vô nghiã lý, của những người ép xác khổ hạnh cuồng tín. Trung đạo
là con đường trải dài ở khoảng giữa hai cực đoan ấy, là con đường của
lý trí và thận trọng.
Chánh Kiến về Tứ Diệu Ðế phát triển qua hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên được gọi là Chánh Kiến phù hợp với chân lý
(saccanulomika sammãditthi: Sammãditthi là Chánh Kiến, Sacca là chân lý,
Amulomika là thuận chiều với, đúng với, phù hợp với ). Giai đoạn thứ nhì
là Chánh Kiến thâm sâu vào chân lý, thấm nhuần chân lý
(saccapativeda sammãditthi: Pativeda là đi sâu vào, thấm sâu vào bên trong).
Chánh KIến phù hợp với chân lý là hiểu biết rõ ràng ý
nghiã của bốn chân lý cao siêu thâm diệu (Tứ Diệu Ðế) của
đời sống. Sự hiểu biết này phát sanh do nhờ học hỏi và nghiên
cứu những chân lý ấy. Sau đó, nhờ suy tư sâu vào mà ánh sáng của kinh
nghiệm rạng chói dần dần đến lúc vữnbg chắc tin tưởng như vậy.
Tuy nhiên, chí đến mức độ này hành giả cũng chưa hoàn toàn thấm
nhuần chân lý. Sự hiểu biết của hành giả đến lúc bấy giờ
chưa tuyệt đối là hoàn bị vì đó chỉ là một quan niệm rõ ràng, thay
vì là tri giác.
Muốn tiến đến thực sự chứng nghiệm phải trải qua thời gian thực
hành pháp môn thiền định: Trước tiên là an trụ tâm vững chắc và sau
đó trau giồi và phát triển Tuệ Minh Sát ( Vipassanã).
Tuệ minh sát phát sanh do nhờ quán chiếu và sáng suốt suy niệm
về ngũ uẩn, những yếu tố của kiếp sinh tồn, để phân biện
rõ ràng những đc điểm của nó. Ðến mức tuyệt đỉnh của cong
trình suy niệm này hành giả tách rời cái nhìn của mình ra khỏi những
hiện tương hữu lậu của ngũ uẩn và nhắm vào trạng thái vô lậu Niết
Bàn. Lúc bấy giờ, nhờ Tuệ Minh Sát sắc bén thâm sâu, Niết Bàn đã
có thể được thành tựu. Ðến đây hành giả chứng ngộ Niết Bàn.
Ái Dục đã chấm dứt. Trí tuệ đã bừng sáng và hành giả rõ ràng thấy
rằng ái dục thật sự là nguyên nhân của mọi hình thức đau khổ và Bát
Chánh Ðạo thật sự là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. Như vậy,
Chánh Kiến thấm nhuần Tứ Diệu Ðế phát sanh vào giai đoạn cuối
cùng của con đường, chớ không phải vào lúc sơ khởi.
Giai đoạn đầu tiên của người có Chánh Kiến là nhận ra Con Ðường.
Rồi từ đó đặt chân lên Con Ðường và, nhờ Chánh Kiến soi đường,
tiến dần đến mức cùng tột là chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.
Chánh tư duy
Chi thứ nhì của Bát Chánh Ðạo là Chánh Tư Duy (Sammã Sankappa. Sammã là
đúng, chân chánh. Sankappa. là suy tư, có nguyện vọng, có ý
định). Chánh Tư Duy là suy tư chân chánh, trong ý nghiã có những tư
tưởng hướng đến hành động chân chánh, là quyết định hay lập tâm
quyết đến hành động chân chánh.
Tư tưởng chân chánh bắt nguồn từ sự hiểu biết chân chánh và dẫn
đến hành động chân chánh. Người hiểu biết chân chánh (Chánh
Kiến) ắt suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy). Ðàng khác, người suy tư chân
chánh ắt cũng hiểu biết chân chánh. Một tri kiến thâm diệu
về bản chất thật sự của kiếp sinh tồn được hoàn mãn thành tựu nhờ
suy tư sâu sắc và quán trạch tận tường sẽ đưa đến giá trị tinh thần
đạo đức hướng dẫn tâm đến hành động chân chánh, tương xứng với tri
kiến.
Như vậy, hai chi đầu của Bát Chánh Ðạo - Chánh Kiến và Chánh Tư Duy -
liên quan với nhau mặt thiết và ảnh hưởng với nhau rất chặt chẽ. Hai chi
này hợp thành giai đoạn "Tuệ" của Con Ðường Giải Thoát. Chánh
Tư Duy nằm khoảng giữa và làm gạch nối liền, một bên là Chánh Kiến
và bên kia là bộ ba Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Di hiểu biết chân chánh phát sanh những tư tưởng chân chánh, dẫn
dến hành động chân chánh biểu hiện bằng lời nói chân chánh, tạo
nghiệp chân chánh và nuôi mạng chân chánh. Ðiều này cho ta thấy rằng
Chánh Tư Duy không phải chỉ là suy tư suông mà là suy tư bắt nguồn từ
hiểu biết chân chánh và đưa đến hành động chân chánh.
Sammã Sankappa, Chánh Tư Duy, là có những tư tưởng chân chánh, mà cũng có
nghiã là quyết định chân chánh, tức có:
1. Những tư tưởng khước từ, buông bỏ, không luyến ái, thiên về
xuất gia.
2. Những tư tưởng không thù hận và
3. Những tư tưởng không hung bạo.
1.- Tư Tưởng khước từ. Luyến ái là một hình thức ái
dục, mà ái dục là nguyên nhân sanh khổ. Do đó, loại suy tư chân chánh đầu
tiên là không luyến ái mà buông bỏ, khước từ. Danh từ Pali mà Ðức Phật
dùng ở đây là nekkhama, Xuất gia, có nghiã là khước từ những lạc thú trần
gian để chọn lấy đời tu sĩ.
Dĩ nhiên, nhận thức rằng xa hoa vật chất là ảo huyền và thú vui vật
chất không tạo hạnh phúc thật sự vũng bền rồi tự nguyện lià bỏ tất
cả sự nghiệp trên đời để khoác tấm y vàng, làm người không nhà
cửa, không của tiền, không gia đình, tự ý cam khổ, nghèo nàn, đơn
giản, để cố gắng sống hoàn toàn trong sạch là hình thức khước từ cao
thượng nhất. Tuy nhiên, Ðức Phật không bao giờ khuyên dạy tất cả mọi
người đều nên ly gia cắt ái. Ngài chỉ dạy rằng dầu xuất gia hay cư sĩ,
chúng ta nên thận trọng nhận thức mối nguy hại của nhục dục ngũ trần mà
Ngài ví như cục xương khô, như ngọn duốc mà ta cầm đi ngược chiều
giáo, như một hầm than đỏ, như một giấc mơ, như vật vay mượn v.v... Ngài
dạy:
"Này chư Tỳ Khưu, thú vui của nhục dục ngũ trần quả thật là tạm
bợ, vô thường, là trống rỗng, là giả tạo, là không thực..."
Có những tư tưởng buông bỏ, từ khước những dục vọng trần tục, không
luyến ái vị kỷ vào tài sản sự nghiệp, xa lánh cuộc đời phồn hoa
đô hội và khoái lạc vật chất, không triù mến, luyến ái cái
"Ta" , không bám chặt, đeo niú đời sống, là loại Chánh Tư Duy đầu
tiên.
Ðức Phật mô tả giáo lý của Ngài là con đường ngược chiều với
thời gian.
"Chắc như vậy, con đường dẫn đến lợi lộc của trần gian là
một, và con đường dẫn đến Niết Bàn là con đường khác. Thông
hiểu như vậy, thầy Tỳ Khưu đệ tử Phật không nên thỏa thích trong
mùi danh bả lợi của thế gian mà phải trau giồi hạnh buông bỏ." (Kinh
Pháp Cú , câu 75)
Con đường của thế gian là con đường tham ái, dục vọng. Con người
thế gian đi dài, thuận chiều theo con đường ấy, mưu tìm hạnh phúc
trong sự thỏa mãn tham dục của mình. Giáo Huấn Buông Bỏ mà Ðức Thế Tôn
ban truyền kháng cưỡng chống lại sức lôi cuốn như thác lũ của tham
vọng, đi dần đến mức chấm dứt ái dục và tìm hạnh phúc, không phải
trong sự thỏa mãn, mà trong sự dứt bỏ, từ khước ái dục.
Dầu là bậc xuất gia hay hành tại gia cư sĩ, nguyên tắc chỉ đạo chính
yếu vẫn được ghi nhận là phải hoàn toàn tận diệt mọi hình thức
ái dục mới có thể thành tựu giải thoát trọn vẹn. Từng bước một
càng xa lià ái dục là càng đến gần giải thoát. Biết rằng ái dục là
nguồn cội phát sanh đau khổ và biết rằng chấm dứt hay giảm suy đau khổ
đến mức độ nào là tùy thuộc ở sự chấm dứt hay mức độ giảm suy ái
dục, người Phật Tử thuần thành cố gắng phát triển tâm buông bỏ.
Nhưng chính tại điểm này ta gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ từ bên
trong. Từ lâu, tâm chúng sanh đã quen thâu đạt, cố bám, nắm giữ và tích
trữ. Thói quen ấy đã trở thành bản tánh tự nhiên, không dễ gì dùng ý
chí mà thay đổi. Dầu lý trí có ưng thuận buông bỏ nhưng tâm, vị ảnh
hưởng của ái dục , vẫn còn khư khư chấp thủ, không khứng chịu khước từ.
Do đó, vấn đề bây giờ là làm thế nào để gỡ cái tâm ra khỏi
sự chi phối của ái dục. Ðức Bổn Sư không dạy phải đè nén hay cưỡng bách,
xua đuổi ái dục ra khỏi tâm, vì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Công cụ mà
Ðức Thế Tôn trao truyền để diệt trừ ái dục là tri kiến,
hiểu biết chân chính bản chất của sự vật.
Dứt bỏ, từ khước, thật sự không phải là vấn đề tự ép buộc mình cố
gắng buông bỏ nhưng gì mà sâu kín trong lòng mình vẫn còn tưng tiu, ôm ấp,
mà là vấn đề tự mình thay đổi quan kiến của mình, nhìn sự vậy
dưới ánh sáng trí tuệ. Khi chúng ta quán trạch tận tường và thấu
triệt đầy đủ bản chất thật sự của ái dục và những đối tượng của nó
thì chính nó sẽ tan biến mà không cần phải chiến đấu.
Một em bé đang say mê giữa đám đồ chơi của em. Nếu có ai đến xin
hoặc dựt của em một món ắt là em khóc la và tranh đấu giành lại cho kỳ
được. Nhưng em bé lớn dần. Ðến một ngày nào em sẽ không còn bám niú
vào những đồ chơi ấy nữa mà để mặc tình ai lấy đi hay làm gì cũng
được. Tại sao? -Vì em đã trưởng thành.
Cũng dường thế ấy, ngày nào ta nhận thức rằng ái dục là nguồn gốc
của khổ đau, và đau khổ luôn luôn dính liền với ái dục, bởi vì ái dục
là khát khao và bám chặt vào một cái gì không ngừng biến chuyển, một
cái gì không thật sự có thì làm sao tránh khỏi sầu muộn, đau buồn, thất
vọng. Ðến chừng ấy ta sẽ không còn luyến ái và cố bám, cố giữ
những gì mà lúc nào tưởng chừng như đó là nguồn hạnh phúc duy nhất trên
đời
Ta có thể tưởng tượng rằng từ bỏ ham muốn để vượt đến
buông bỏ là một hình thức khổ hạnh, là từ sung sướng trở thành gian khổ,
từ phong phú dồi dào trở nên nghèo nàn thiếu thốn, từ hạnh phúc thành
sầu muộn. Nhưng thật sự, đó là đi từ thỏa thích thô kịch đến hạnh
phúc tinh vi tế nhị, êm dịu và thâm trầm, từ những thú vui đầy phiền
lụy và cạm bẫy đến an lạc, thanh bình và thật sự châu toàn... từ nô
lệ đến tự do.
Chuyển biến này sẽ không xảy điễn nhanh chóng hay một cách dột
ngột. Nhưng nếu ta chuyên cần tu nệim ắt một ngày nào nó sẽ
đến... như một ngày nào em bé trưởng thành.
2. Tư tưởng không thù hận: hàm ý là tâm từ.
Tâm từ trong Phật giáo là tình thương rộng lớn bao la, không có bất luận
giới hạn hay sự phân biệt nào mà cũng thâm diệu đậm đà như tình
thương của một bà từ mẫu đối với người con duy nhất của bà.
Có những lời dạy nên thương người láng giềng, người đồng đạo,
người đồng chủng, người đồng hương, người đồng chí, người đồng loại
v.v... Tất cả những tình thương ấy đều trong sạch, tốt đẹp và cần
thiết trong xã hội. Nhưng đó không phải là tâm từ trong Phật Giáo vì có
sự phân biệt và có giới hạn trong tình thương. Ðó là tình thương giới
hạn trong cái "đồng" Ðây là "Ta". Giữa đây và chúng sanh
nào có một điểm gì chung, một cái gì "đồng" với cái
"Ta" ấy thì có tình thương. Ðồng thời có sự phân biệt với
những người khác, những người không có gì "đồng". Thương người
láng giềng "Của Ta", người chung một tôn giáo với "Ta" ,
cùng một chủng tộc với "Ta", một xứ sở với "Ta" v.v... Lấy
cái "Ta" làm trung tâm điểm rồi từ đó tình thương phát tủa ra
như ánh sáng một ngọn đèn trong căn phòng, giới hạn bên trong bốn vách.
Ðó là bản chất tự nhiên của con người. Tình thương vẫn là tình thương,
với tất cả những gì tốt đẹp, dịu hiền, dễ mến của nó. Xã hội
không thể tồn tại nếu không có những tình thương ấy.
Ở đây chỉ muốn nói rằng tâm từ của Phật Giáo không phải như vậy.
Tâm từ phải bao trùm toàn thể chúng sanh, toàn thể càn khôn vũ trụ,
vô lượng, vô biên, không có sự phân biệt nào. Người có tâm từ phải
vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư, không bị giam hãm trong
những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai
cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo mà nhìn tất cả thế gian là quê hương
của mình, và mỗi người, mỗi chúng sanh, là bạn đồng hành trong đại
trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật. Người có
tâm từ hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, xem vạn
vật và mình là một.
Một loại tâm như vậy quả thật là cao thượng! Nhưng cũng rất khó thực
hành. Ðúng như vậy. Vì lẽ ấy chúng ta còn là phàm nhân. Chúng ta còn phân
biệt đây là "Ta", kia là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con,
là cháu "Của Ta", cái này là tiền của, sự nghiệp, cái kia là
danh vọng, quyền thế "Của Ta" v.v... Chư vị A La Hán đã
tận diệt ngã chấp. Tâm từ của các Ngài như vừng thái dương, bao trùm
vạn vật mà không có sự phân biệt nào. Ðức Phật là kết tinh, là
hiện thân của tâm từ vô lượng vô biên ở mức độ cùng tột. Ðó là
những gương lành trong sạch để ta noi theo, là lý tưởng thanh cao
tuyệt đỉnh để ta hướng tâm về. Những tư tưởng nào hướng
về tâm từ vô lượng ấy là Chánh Tư Duy.
3. Tư tưởng không hung bạo:
Hung bạo là gây đau khổ cho người khác mà không xót thương, không động
lòng trước tình trạng đau khổ của người khác. Nghịch nghĩa của hung bạo là
bi mẫn, động lực làm cho ta rung động trước cảnh khổ của người khác, là
cái gì thoa dịu lòng khổ đau của người, là thiện ý muốn giúp người
thoát một cảnh khổ. Tâm không hung bạo là tâm bi.
Cũng như tâm tư, tâm bi phải vô lượng, vô biên, không bị hạn dịnh trong
một gia dình, một xóm, một làng, một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp hay
một loại chúng sanh nào.
Ðối tượng của tâm từ là toàn thể chúng sanh - chúng sanh khổ và
chúng sanh không khổ - mà không có sự phân biệt. Ðối tượng của tâm bi
là những chúng sanh xấu số, đang ở trong cảnh khổ, và tác dụng của tâm bi
là gia công giúp người đang khổ thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh ấy. Người
có tâm bi chuyên lo nâng đỡ kẻ thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt
vọng, chăm nom săn sóc người bệnh hoạn tật nguyền, khuyên nhủ
dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu độ người tội lỗi và soi
sáng người tối tăm lầm đường lạc nẻo.
Thấy người hoạn nạn rồi âu sầu ủ dột, phiền muộn khóc than. Ðó
không phải là tâm bi mà giống như người "thù mang lốt bạn" của tâm
bi. Tâm bi trong Phật giáo không phải là những giọt nước mắt chảy suông
trước sự đau khổ của kẻ khác. Ðặc tính của tâm bi là ý muốn giúp
người khác thoát khỏi một cảnh khổ chớ không phải là phiền não âu sầu
với họ. Thọ ưu (domanassa, cảm giác buồn khổ) thuộc về tâm sân
(dosa, hay patigha), một trong ba căn bất thiện.
Tâm bi giống như tình thâm của bà từ mẫu, thương xót đứa con đang lâm
bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói và hành động đều tập trung lại
để chuyên chú tìm phương thế làm cho con đỡ đau khổ.
Lòng người có tâm bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa mềm
mại, không bao giờ hành hung hay làm điều chi phương hại đến kẻ
khác. Chính nhờ tâm bi mà con người có thể phục vụ một cách hoàn toàn
vị tha. Người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác và luôn
luôn tìm cơ hội giúp người, nhưng không bao giờ mong đợi được đền ơn
đáp nghiã. Có những tư tưởng hướng về tâm bi là Chánh Tư Duy.
Bản chất của chúng sanh là tham lam, sân hận và hung bạo - hai hình thức
khác của ái dục - vì khư khư cố chấp đây là "Ta", cái này là
"Của Ta".
Chúng ta vui thích những gì vừa ý và ghét bỏ những gì phật lòng cái
"Ta". Vui thích thì đâm ra luyến ái, đeo niú, cố bám chắc, tức
tham. Phật lòng thì bất mãn, xua đuổi, giận dữ, oán ghét, tức sân, lắm khi
đưa đến hung bạo tàn ác.
Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy dần dần phát triển, hiểu biết
và suy tư chân chánh hỗ trợ lẫn nhau đưa đến nhận thức ngày càng
rõ rệt bàn chất rỗng không của cái gọi là "Ta" . Chừng
ấy tâm luyến ái, sân hận và hung bạo dần dần suy giảm, nhường chỗ
cho tâm buông bỏ, tâm từ và tâm
bi.