BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Tương Ưng Bộ -
Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
[35] Chương I
-ooOoo-
Phần Hai - Năm Mươi Kinh Thứ Hai
I. Phẩm Vô Minh
Nhân duyên ở Sàtthi. 53.I. Vô Minh (S.iv,30) 1) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến,
đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: -- Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như
thế nào, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi? 4) -- Này Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô thường, vô
minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. Do biết, do thấy các sắc là
vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... nhãn thức...
nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ
bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được
đoạn tận, minh được sanh khởi. 5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... 9) Do biết, do thấy ý là vô thường, vô minh được đoạn
tận, minh được sanh khởi... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý
xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc ; do biết, do
thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh
khởi. 10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy,
vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. 54.II Kiết Sử(1) (S.iv,31) 1) ... 3)-- Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như
thế nào, các kiết sử được đoạn tận? 4-9) -- Này các Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô
thường, các kiết sử được đoạn tận... Các sắc... Nhãn thức... Nhãn
xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì ; do biết, do thấy cảm
thọ ấy là vô thường, các kiết sử được đoạn tận. 10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy,
các kiết sử được đoạn tận. 55.III. Kiết Sử (2) (S.iv,31)
1-2) ... 3) -- Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như
thế nào, các kiết sử được nhổ sạch? 4-6) -- Này các Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô ngã,
các kiết sử được nhổ sạch... Các sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do
duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc ; do
biết, do thấy cảm thọ ấy là vô ngã, các kiết sử được nhổ sạch. 10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy,
các kiết sử được nhổ sạch. 56-57.IV-V. Các Lậu Hoặc (1-2) (S.iv,32) (Như hai kinh trên, chỉ thế vào các lậu hoặc). 58-59.VI-VII. Các Tùy Miên (1-2) (S.iv,32)
(Như hai kinh trên, chỉ thế vào các tùy miên). 60.VIII. Liễu Tri (Parijnnà) (S.iv,32) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về
pháp đưa đến liễu tri tất cả chấp thủ. Hãy lắng nghe. 3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp đưa đến
liễu tri tất cả chấp thủ? 4) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này
hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc
Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các
sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc, nhàm chán
đối với với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được
giải thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã liễu tri chấp
thủ". 5-8) Do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức... Do duyên
mũi và các hương... Do duyên lưỡi và các vị... Do duyên thân và các xúc... 9) Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp
này hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo,
bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với
các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc, nhàm
chán đối với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được
giải thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã liễu tri chấp
thủ". 10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến liễu tri
tất cả chấp thủ. 61.IX. Ðược Chấm Dứt (1) (Pariyàdinnam) (S.iv,33)
1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về
pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ. Hãy lắng nghe. 3) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến
chấm dứt tất cả chấp thủ? 4) Do duyên con mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp
này hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo,
bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các
sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc, nhàm chán
đối với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải
thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã chấm dứt chấp
thủ". 5-8) ... tai... mũi... lưỡi... thân... 9) Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba
pháp này hợp lại có xúc. Do duyên xúc có thọ. Thấy vậy, này các
Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với ý, nhàm chán
đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý
xúc, nhàm chán đối với thọ. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị
ấy được giải thoát. Nhờ giải thoát, vị ấy biết rõ: "Ta đã chấm
dứt chấp thủ". 62.X. Ðược Chấm Dứt (2) (S.iv,34) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về
pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ. 3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp đưa đến
chấm dứt tất cả chấp thủ? 4) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là
thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi. Cái này là
tôi. Cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. -- Sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên
cảm thọ gì... 5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... 9) Ý... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý xúc khởi
lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường
hay vô thường... -- Là vô thường, bạch Thế Tôn.... 10) -- Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ
tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với
nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm
thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm
thọ ấy... Ðối với tai... Ðối với mũi... Ðối với lưỡi... Ðối với
thân... Vị ấy nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp,
nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý
xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán
đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được
giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã giải
thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những
việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 11) Ðây, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến chấm dứt
tất cả chấp thủ. II. Phẩm Migajàla 63.I. Bởi Migajàla (S.iv,35) 1) Nhân duyên ở Sàvatthi... 2) Tôn giả Migajàla đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Migajàla bạch Thế Tôn: -- "Sống một mình! Sống một mình!", bạch Thế Tôn,
được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào
là sống một mình? Và cho đến như thế nào là sống có người thứ hai? 4) -- Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến sắc ấy ; do
vị ấy hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến sắc ấy nên
hỷ (nandi) khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham (sàràgo) có mặt. Do
dục tham có mặt nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ
triền phược, này Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người sống
có người thứ hai. 5-8) ... có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do
mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những xúc do thân nhận
thức... 9) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến pháp ấy ; do
vị ấy hoan hỷ, tán dương và trú với lòng tham luyến pháp ấy nên
hỷ khởi lên. Do hỷ có mặt nên dục tham có mặt. Do dục tham có mặt
nên triền phược có mặt. Bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này
Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người sống có người thứ hai. 10) Tỷ-kheo sống như vậy, này Migajàla, dầu cho đến ở
các trú xứ xa vắng, các khóm rừng, các khu rừng, ít tiếng động, ít ồn
ào, khỏi hơi thở quần chúng (vijanavàtàni), vắng người, thích hợp với tịnh;
dầu vậy, vẫn được gọi là sống với người thứ hai. 11) Vì sao? Vì rằng ái, người thứ hai, chưa được đoạn tận
cho nên được gọi là sống có người thứ hai. 12-14) Và này Migajala, có các sắc do mắt nhận thức, khả lạc,
khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương và trú với lòng không tham
luyến pháp ấy; thời do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương và trú với
lòng không tham luyến pháp ấy, nên hỷ đoạn diệt; thời do hỷ
không có mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên
triền phược không có mặt. Do không bị trói buộc bởi hỷ triền
phược, này Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người trú một mình. 15-16) ...Này Migajàla, có những vị do lưỡi nhận thức... 17) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương và trú với tâm không tham
luyến pháp ấy; thời do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, trú với
tâm không tham luyến pháp ấy nên hỷ đoạn diệt. Do hỷ không có
mặt nên dục tham không có mặt. Do dục tham không có mặt nên triền phược
không có mặt. Do không bị trói buộc bởi hỷ triền phược, này
Migajàla, nên Tỷ-kheo được gọi là người trú một mình. 18) Tỷ-kheo sống như vậy, này Migajàla, dầu có ở giữa làng
tràn đầy những Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, vua chúa,
đại thần của vua, các ngoại đạo và các đệ tử các ngoại đạo, vị ấy
vẫn được gọi là vị sống một mình. 19) Vì sao? Vì rằng ái, người thứ hai, được đoạn tận, do vậy
được gọi là sống một mình. 64.II. Migajàla (S.iv,37)
1) ... 2) Rồi Tôn giả Migajàla đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Migajàla bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết
pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp ấy con sẽ sống một mình, an tịnh, không
phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. 4-6) -- Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc,
khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến sắc ấy ; do vị
ấy hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến sắc ấy nên hỷ
sanh. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi... Các
tiếng... Các hương... 7-8)... Các vị... Các xúc... 9) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo hoan hỷ, tán dương, sống với tâm tham luyến pháp ấy ; do
vị ấy hoan hỷ, tán dương sống với tâm tham luyến pháp ấy nên hỷ
sanh. Này Migajàla, Ta nói rằng do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. 10-12) Này Migajàla, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham
luyến sắc ấy ; do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm
không tham luyến, không an trú tham luyến sắc ấy nên hỷ diệt.
Này Migajàla, Ta nói rằng do hoan hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn
diệt... Các tiếng... Các hương... 13-14)... Các vị... Các xúc... 15) Này Migajàla, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm không tham
luyến pháp ấy; do vị ấy không hoan hỷ, không tán dương, sống với tâm
không tham luyến pháp ấy nên hỷ diệt. Này Migajàla, Ta nói rằng do
hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt. 16) Rồi Tôn giả Migajàla, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời
Thế Tôn dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn,
thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. 17) Rồi Tôn giả Migajàla sống một mình, an tịnh, không phóng
dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà các
thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,
chính là mục đích cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí
tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ rằng: "Sanh
đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không còn
trở lui trạng thái này nữa". 18) Và Tôn giả Migajàla trở thành một vị A-la-hán nữa. 65.III. Samiddhi (I) (S.iv,38) 1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana
(Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. 2-3) Rồi Tôn giả Samiddhi đi đến Thế Tôn... và bạch
Thế Tôn: -- "Màra, Màra", như vậy được nói đến. Cho
đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Màra, hay là danh nghĩa Màra
(Màrapannatti)? 4) -- Này Samiddhi, chỗ nào có mắt, có các sắc, có nhãn
thức, có các pháp do mắt nhận thức, tại chỗ ấy có Màra, hay có danh
nghĩa Màra. 5-6)... có tai... có mũi... 7-8)... có lưỡi... có thân... 9) Chỗ nào có ý, có các pháp, có ý thức, có các
pháp do ý nhận thức, chỗ ấy có Màra, hay có danh nghĩa Màra. 10-12) Và này Samiddhi, chỗ nào không có mắt, không có các
sắc, không có nhãn thức, không có các pháp do mắt nhận thức, tại chỗ ấy
không có Màra, hay không có danh nghĩa Màra... tai... mũi... 13-14) Chỗ nào không có lưỡi... không có thân... 15) Chỗ nào không có ý, không có các pháp, không có
ý thức, không có các pháp do ý nhận thức, tại chỗ ấy không có
Màra, hay không có danh nghĩa Màra. 66.IV. Samiddhi (2) (S.iv,39)
1-2) ... 3-15)-- "Hữu tình, hữu tình (Satta)", bạch Thế Tôn,
như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn,
là hữu tình, hay danh nghĩa hữu tình?... (như trên)... 67.V. Samiddhi (3) (S.iv,39) 1-2) ... 3-15) -- "Khổ, khổ", bạch Thế Tôn, như vậy được
nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là khổ, hay là
danh nghĩa của khổ?... (như trên)... 68.VI. Samiddhi (4) (S.iv,39)
1-2) ... 3)... "Thế giới, thế giới", bạch Thế Tôn,
như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn,
là thế giới, hay là danh nghĩa thế giới? 4-9) -- Chỗ nào, này Samiddhi, có mắt, có các sắc, có nhãn
thức, có các pháp do mắt nhận thức, tại chỗ ấy có thế giới, hay danh
nghĩa thế giới... (như trên)... Chỗ nào có ý, có các pháp, có
ý thức, có các pháp do ý nhận thức, tại chỗ ấy có thế giới
hay có danh nghĩa thế giới. 10-15) Và tại chỗ nào, này Samiddhi, không có mắt, không có
các sắc, không có nhãn thức, không có các pháp do mắt nhận thức, tại
chỗ ấy không có thế giới, hay không có danh nghĩa thế giới...
không có ý... tại chỗ ấy, không có thế giới hay không có danh
nghĩa thế giới. 69.VIl. Upasena (S.iv,40) 1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Upasena trú ở Ràjagaha
(Vương Xá), rừng Sitavana (Hàn Lâm), tại hang Ðầu Con Rắn
(Sappapon-dikapabbàra). 2) Lúc bấy giờ, một con rắn độc rơi trên thân Tôn giả Upasena. 3) Rồi Tôn giả Upasena gọi các Tỷ-kheo: -- Chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với cái
thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây phân tán như một
nắm rơm. 4) Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upasena: -- Nhưng chúng tôi không thấy thân Tôn giả Upasena đổi khác hay
các căn bị biến hoại. 5) Nhưng Tôn giả Upasena nói như sau: -- Này chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với
cái thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây bị phân tán
như một nắm rơm... 6) Này Hiền giả Sàriputta, đối với ai nghĩ rằng: "Tôi
là con mắt", hay: "Con mắt là của tôi"... "Tôi là cái
lưỡi", hay: "Cái lưỡi là của tôi"... "Tôi là ý",
hay: "Ý là của tôi", thời đối với các người ấy, này Hiền giả
Sàriputta, thân có thể bị đổi khác, hay các căn bị biến hoại. Và
này Hiền giả Sàriputta, tôi không nghĩ như sau: "Tôi là con mắt",
hay: "Con mắt là của tôi"... "Tôi là cái lưỡi", hay:
"Cái lưỡi là của tôi"... hay: "Tôi là ý", hay: "Ý
là của tôi", thời này Hiền giả Sàriputta, làm sao thân ấy của tôi
lại có thể đổi khác, hay các căn có thể biến hoại. 7) Vì rằng trong một thời gian dài, Tôn giả Upasena đã khéo nhổ
tận gốc ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, cho nên Tôn giả
Upasena không có những tư tưởng như: "Tôi là con mắt", hay: "Con
mắt là của tôi"... hay: "Tôi là cái lưỡi", hay: "Lưỡi là
của tôi"... hay: "Tôi là ý", hay: "Ý là của tôi". 8) Rồi các Tỷ-kheo ấy nhắc cái giường cùng với Tôn giả
Upasena ra ngoài. 9) Rồi thân của Tôn giả Upasena, ngay tại chỗ ấy phân tán
như một nắm rơm. 70.VIII. Upavàna (1) (S.iv,41)
1) ... 2) Rồi Tôn giả Upavàna đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Upavàna bạch Thế Tôn: -- "Thiết thực hiện tại, thiết thực hiện tại
(Sanditthika)", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến
như thế nào, bạch Thế Tôn, là thiết thực hiện tại, có kết
quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được
những người có trí tự mình giác hiểu? 4) -- Ở đây, này Upavàna, sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo
cảm thọ sắc và cảm thọ tham sắc có nội tham đối với các sắc; vị ấy
biết rõ: "Tôi có nội tham đối với các sắc". Cho đến chừng
nào sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo cảm thọ sắc và cảm thọ tham sắc,
và có nội tham đối với các sắc; vị ấy biết rõ: "Tôi có nội tham
đối với các sắc". Như vậy, này Upavàna, là thiết thực hiện tại,
có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng
thượng, được những người trí tự mình giác hiểu. 5-6) Lại nữa, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi tai nghe tiếng...
sau khi mũi ngửi hương... 7-8) Lại nữa, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi lưỡi nếm vị...
thân cảm xúc... 9) Lại nữa, này Upavàna, sau khi ý nhận biết pháp,
Tỷ-kheo cảm thọ pháp và cảm thọ tham pháp, và có nội tham đối
với các pháp; vị ấy biết rõ: "Tôi có nội tham đối với các
pháp". Cho đến chừng nào sau khi ý nhận biết pháp, Tỷ-kheo
cảm thọ pháp và cảm thọ tham pháp, và có nội tham đối với các pháp;
vị ấy biết rõ: "Tôi có nội tham đối với các pháp". Như vậy,
này Upavàna, là thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời,
đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những người trí
tự mình giác hiểu. 10) Ở đấy, này Upavàna, sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo
cảm thọ sắc, nhưng không cảm thọ tham sắc, và không có nội tham đối
với sắc; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham đối với sắc".
Cho đến chừng nào, này Upavàna, sau khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo cảm
thọ sắc, nhưng không cảm thọ tham sắc, và không có nội tham đối với
các sắc; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham đối với các
sắc". Như vậy, này Upavàna, là thiết thực hiện tại, có kết
quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được
những người trí tự mình giác hiểu. 11-14) Lại nữa, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi tai nghe
tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... 15) Lại nữa, này Upavàna, sau khi ý nhận thức pháp,
Tỷ-kheo cảm thọ pháp nhưng không cảm thọ tham pháp, và không có
nội tham đối với pháp; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham đối
với pháp". Cho đến chừng nào, này Upavàna, Tỷ-kheo sau khi ý
nhận thức pháp, cảm thọ pháp nhưng không cảm thọ tham pháp, và không
có nội tham đối với pháp; vị ấy biết rõ: "Tôi không có nội tham
đối với pháp". Như vậy, này Upavàna, là thiết thực hiện tại, có
kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng,
chỉ những người có trí tự mình giác hiểu. 71.IX. Sáu Xúc Xứ (1) (S.iv,43) 1) ... 2) -- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, không như thật
biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự
xuất ly của sáu xúc xứ; vị ấy không thành tựu Phạm hạnh, còn đứng xa Pháp
và Luật này. 3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn: -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đã thất vọng
(anassàsim). Bạch Thế Tôn, con không như thật biết rõ sự tập khởi, sự
đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ. 4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán con
mắt: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của
tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. -- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông
như thật thấy con mắt với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của
tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi";
như vậy là khéo thấy. Ðây là khổ được đoạn tận... tai... mũi... 7-8) ... lưỡi... thân... 9) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán ý:
"Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. -- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông
như thật thấy ý với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi,
cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"; như
vậy là khéo thấy. Ðây là khổ được đoạn tận. 72.X. Sáu Xúc Xứ (2) (S.iv,44)
1) ... 2) -- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, không như thật
biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và
sự xuất ly của sáu xúc xứ; vị ấy không thành tựu Phạm hạnh, còn đứng xa
Pháp và Luật này. 3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn: -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con thất vọng. Bạch Thế
Tôn, con không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị
ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ. 4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán con
mắt: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này
là tự ngã của tôi"? -- Thưa có vậy, bạch Thế Tôn. -- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông
như thật thấy con mắt với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của
tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Như vậy là khéo thấy; như vậy xúc xứ thứ nhứt này sẽ được Ông đoạn
tận, không còn tái sanh nữa trong tương lai... tai... mũi... 7-8)... lưỡi... thân... 9) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo? Ông có quán ý:
"Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không
phải là tự ngã của tôi"? -- Thưa có vậy, bạch Thế Tôn. -- Lành thay, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, do Ông
như thật thấy ý với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi,
cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi"; như
vậy là khéo thấy. Như vậy xúc xứ thứ sáu này sẽ được Ông đoạn tận,
không còn tái sanh nữa trong tương lai. 73.XI. Sáu Xúc Xứ (3) (S.iv,44) 1) ... 2) -- Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, không như thật
biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, và
sự xuất ly của sáu xúc xứ; vị ấy không thành tựu Phạm hạnh, còn đứng xa
Pháp và Luật này. 3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn: -- Ở đây, bạch Thế Tôn, con thất vọng. Bạch Thế
Tôn, con không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị
ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ. 4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, mắt là thường hay
vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là
tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 5-8) -- Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... 9) Ý là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi,
cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 10) -- Thấy vậy, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử
nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với tai, nhàm chán đối với mũi,
nhàm chán đối với lưỡi, nhàm chán đối với thân, nhàm chán đối với
ý. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy được giải thoát.
Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải
thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những
việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". III. Phẩm Bệnh 74.I. Bệnh (1) (S.iv,46) 1) Nhân duyên ở Sàvatthi... 2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: -- Trong tịnh xá của chúng con, bạch Thế Tôn, có một tân
Tỷ-kheo ít người biết đến, bị bệnh hoạn, đau đớn, bị
trọng bệnh. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi
đến Tỷ-kheo ấy vì lòng từ mẫn. 4) Rồi Thế Tôn sau khi nghe tiếng "Mới", nghe
tiếng "Bệnh", khi biết được: "Tỷ-kheo ấy ít
được người biết đến" liền đi đến Tỷ-kheo ấy. 5) Tỷ-kheo ấy thấy đức Phật từ xa đi đến, sau khi thấy,
liền gượng dậy trên giường. 6) Thế Tôn liền nói với Tỷ-kheo ấy: -- Thôi! Này Tỷ-kheo, Ông chớ có gượng dậy trên giường.
Có những chỗ ngồi đã soạn sẵn, tại đấy Ta sẽ ngồi. Rồi Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. 7) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy: -- Này Tỷ-kheo, Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu
đựng được không? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không tăng trưởng?
Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không phải tăng trưởng? -- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, không thể
chịu đựng. Mãnh liệt là khổ thọ con cảm giác! Chúng tăng trưởng,
không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không phải giảm
thiểu. 8) -- Này Tỷ-kheo, mong rằng Ông không có gì nghi ngờ, không
có gì hối hận. -- Bạch Thế Tôn, chắc chắn con không có gì nghi ngờ, không
có gì hối hận. 9) -- Nhưng đối với giới của mình, Ông có gì tự khiển
trách không? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 10) -- Này Tỷ-kheo, nếu đối với giới của mình Ông không
có gì để khiển trách, thời này Tỷ-kheo, Ông thế nào cũng có
nghi ngờ đối với vấn đề gì, cũng có hối hận gì. -- Bạch Thế Tôn, con không hiểu pháp Thế Tôn dạy
về mục đích thanh tịnh trì giới. 11) -- Này Tỷ-kheo, nếu Ông không hiểu pháp Ta dạy
về mục đích thanh tịnh trì giới, thời này Tỷ-kheo, Ông hiểu pháp
Ta dạy như thế nào? -- Bạch Thế Tôn, con hiểu pháp do Thế Tôn dạy là tham
và đoạn tham. 12) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này
Tỷ-kheo! Ông hiểu pháp Ta dạy là tham và đoạn tham. Với mục đích tham
và đoạn tham, này Tỷ-kheo, là pháp Ta dạy. 13) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô
thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn... -- Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là
tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 14) -- Thấy vậy, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử
nhàm chán đối với mắt... "... không còn trở lui trạng thái này
nữa". 15) Thế Tôn thuyết như vậy, Tỷ-kheo ấy hoan hỷ,
tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được nói lên,
Tỷ-kheo ấy khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: "Phàm cái gì sanh
khởi, tất cả đều chịu sự đoạn diệt". 75.II. Bệnh (2) (S.iv,47)
1-10) (Hoàn toàn giống như kinh trước). 11) -- Này Tỷ-kheo, nếu Ông không hiểu pháp Ta dạy
về mục đích thanh tịnh trì giới, thời này Tỷ-kheo, Ông hiểu pháp
Ta dạy như thế nào? -- Bạch Thế Tôn, con hiểu pháp Thế Tôn dạy là với
mục đích tịch tịnh hoàn toàn, không chấp thủ. 12) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này
Tỷ-kheo! Ông hiểu pháp Ta dạy là với mục đích tịch tịnh hoàn toàn,
không có chấp thủ. 13-14) (Như kinh trước) 15) Thế Tôn thuyết như vậy. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ,
tán thán lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được nói lên,
tâm Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. 76.III. Ràdha (1) (S.iv,48) 1) ... 2) Rồi Tôn giả Ràdha... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt
thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn con sẽ sống một mình,
an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. 4) -- Cái gì vô thường, này Ràdha, ở đây Ông cần phải đoạn
tận lòng dục. 5-7) Và này Ràdha, cái gì là vô thường? Mắt, này Ràdha, là
vô thường, ở đây Ông cần phải đoạn tận lòng dục. Các sắc là vô
thường... Nhãn thức là vô thường... Nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên
cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô
thường. Ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục... Tai... Mũi... 8-9) ... Lưỡi... Thân... 10) Ý là vô thường, ở đây Ông cần phải đoạn tận lòng dục.
Các pháp... Ý thức... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ,
hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường. Ở đây, Ông cần phải
đoạn tận lòng dục. 11) Phàm cái gì là vô thường, này Ràdha, ở đây, Ông cần
phải đoạn tận lòng dục. 77.IV. Ràdha (2) (S.iv,49)
1-2-3) ... 4) -- Phàm cái gì là khổ, này Ràdha, ở đây Ông cần phải
đoạn tận lòng dục. 5-10) Và này Ràdha, cái gì là khổ? Mắt, này Ràdha, là khổ; ở
đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục. Các pháp... Nhãn thức... Nhãn xúc...
Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc;
cảm thọ ấy là khổ. Ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục. 11) Phàm cái gì là khổ, này Ràdha, ở đây, Ông cần phải đoạn
tận lòng dục. 78.V. Ràdha (2) (S.iv,49) 1-2-3) ... 4) -- Phàm cái gì là vô ngã, này Ràdha, Ông cần phải đoạn
tận lòng dục. 5-9) Và này Ràdha, cái gì là vô ngã? Mắt, này Ràdha, là vô
ngã; ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục. Các sắc... Nhãn thức... Nhãn
xúc... Do duyên ý xúc... 10) Ý là vô ngã... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên
ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm
thọ ấy là vô ngã. Ở đây, Ông cần phải đoạn tận lòng dục. 11) Phàm cái gì là vô ngã, này Ràdha, ở đây, Ông cần phải
đoạn tận lòng dục. 79.VI. Vô Minh (I) (S.iv,49)
1) ... 2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: -- Có một pháp gì, bạch Thế Tôn, nếu Tỷ-kheo đoạn
tận pháp ấy, thời vô minh được đoạn tận và minh sanh khởi? -- Có một pháp, này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận
pháp ấy, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi. 4) -- Một pháp ấy là gì, bạch Thế Tôn, nếu Tỷ-kheo
đoạn tận pháp ấy, vô minh được đoạn tận và minh sanh khởi? -- Vô minh, này Tỷ-kheo, là một pháp, nếu Tỷ-kheo
đoạn tận pháp ấy, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi. 5) -- Tỷ-kheo biết như thế nào, bạch Thế Tôn,
thấy như thế nào, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi? 6) -- Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết mắt, thấy mắt là vô
thường nên vô minh đoạn tận, minh sanh khởi... tai... mũi... 7-11) ... lưỡi... thân... ý... 12) Này Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như
vậy nên vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. 80.VII. Vô Minh (2) (S.iv,50) 1-5) (Như kinh trước) 6) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có nghe:
"Các pháp không nên thiên chấp". Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo
ấy nghe như sau: "Tất cả các pháp không nên thiên chấp", vị ấy
thắng tri tất cả các pháp. Do liễu tri tất cả pháp nên thấy tất cả tướng
có thể thay đổi... Vị ấy thấy con mắt có thể thay đổi... các sắc...
nhãn thức... nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc,
khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy thấy cảm thọ ấy có thể thay đổi. 7) Này Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo biết vậy, thấy vậy nên vô
minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. 81.VIII. Tỷ Kheo (S.iv,50)
1) ... 2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: -- Ở đây, bạch Thế Tôn, có những du sĩ ngoại đạo hỏi
chúng con: "Do mục đích gì, này các Hiền giả, các người sống Phạm
hạnh dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, chúng con trả
lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy: "Vì mục đích liễu tri đau khổ, này
chư Hiền, chúng tôi sống Phạm hạnh dưới Sa-môn Gotama". Ðược hỏi
vậy và được trả lời vậy, bạch Thế Tôn, có phải chúng con đã nói lên
quan điểm của Thế Tôn? Và có phải chúng con không xuyên tạc Thế
Tôn với điều không thực? Có phải chúng con trả lời thuận pháp và đúng
pháp? Và ai là người đồng pháp nói đúng pháp không tìm được lý do
để chỉ trích? 4) -- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy và được
trả lời vậy, các Ông đã nói lên quan điểm của Ta. Và các Ông không
xuyên tạc Ta với điều không thực. Các Ông trả lời thuận pháp và đúng
pháp. Và không có người đồng pháp nói đúng pháp nào tìm được lý do
để chỉ trích. Với mục đích liễu tri đau khổ, này các Tỷ-kheo, Phạm
hạnh được sống dưới Ta. 5) Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo có thể
hỏi các Ông như sau: "Này Hiền giả, thế nào là vì mục đích
liễu tri đau khổ ấy, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?" Ðược
hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông có thể trả lời cho các du sĩ ngoại
đạo ấy như sau: 6-11) "Mắt, này chư Hiền, là khổ. Vì liễu tri như vậy,
Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. Các sắc... Do duyên nhãn xúc khởi
lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vì liễu tri cảm thọ
ấy là khổ, nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn... Ý là khổ, vì
liễu tri như vậy, Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn... Do duyên ý
xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vì liễu tri cảm
thọ ấy là khổ, nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. Ðây, này
chư Hiền, là khổ ấy. Vì liễu tri khổ ấy, Phạm hạnh được sống dưới
Thế Tôn". 12) Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông có thể trả
lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy. 82.IX. Thế Giới (S.iv,52) 1) ... 2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Phagguna bạch Thế Tôn: 4-6) -- Có con mắt nào, bạch Thế Tôn, do con mắt ấy, có
thể biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn,
đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt
luân hồi, đã vượt qua mọi khổ đau?... tai... mũi... 7-8) ... lưỡi... thân... 9) Có ý nào, bạch Thế Tôn, do ý ấy, có thể
biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, đã
đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt luân
hồi, đã vượt qua mọi khổ đau? 10-12) -- Không có con mắt nào, này Phagguna, do con mắt ấy, có
thể biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn,
đã đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt
luân hồi, đã vượt mọi khổ đau... tai... mũi... 13-14) ... Không có lưỡi... Không có thân... 15) Không có ý nào, này Phagguna, do ý ấy, có thể
biết và tuyên bố về chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, đã
đoạn các chướng ngại, đã đoạn các hành tung khát ái, đã chấm dứt luân
hồi, đã vượt qua mọi khổ đau. IV. Phẩm Channa 84. I. Biến Hoại (Paloka) (S.iv,53) 1) ... 2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: -- "Thế giới, thế giới", bạch Thế Tôn, như
vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn,
được gọi là thế giới? 4) -- Cái gì chịu sự biến hoại (palokadhamma), này Ananda,
đây gọi là thế giới trong giới luật của bậc Thánh. Và này Ananda,
cái gì chịu sự biến hoại? 5-7) Mắt, này Ananda, chịu sự biến hoại. Các sắc chịu sự
biến hoại. Nhãn thức chịu sự biến hoại. Nhãn xúc chịu sự biến
hoại. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất
lạc; cảm thọ ấy chịu sự biến hoại... Tai... Mũi... 8-9)... Lưỡi... Thân... 10) Ý chịu sự biến hoại. Các pháp chịu sự biến hoại. Ý
thức chịu sự biến hoại. Ý xúc chịu sự biến hoại. Do duyên ý xúc
khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy chịu
sự biến hoại. 11) Cái gì chịu sự biến hoại, này Ananda, cái ấy gọi là
thế giới trong giới luật của bậc Thánh. 85. II. Trống Không (S.iv,54)
1) ... 2-3) Rồi Tôn giả Ananda... bạch Thế Tôn: -- "Trống không là thế giới, trống không là thế
giới", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như
thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi trống không là thế giới? 4) -- Vì rằng, này Ananda, thế giới là không tự ngã, và
không thuộc tự ngã, nên thế giới được gọi là trống không. Và cái
gì, này Ananda, là không tự ngã và không thuộc tự ngã? 5-6) Mắt, này Ananda, là không tự ngã và không thuộc tự ngã.
Các sắc là không tự ngã, hay không thuộc tự ngã. Nhãn thức là không tự
ngã, hay không thuộc tự ngã. Nhãn xúc là không tự ngã, hay không thuộc tự
ngã... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất
lạc; cảm thọ ấy không có tự ngã hay không thuộc tự ngã. 11) Và vì rằng, này Ananda, không có tự ngã, hay không thuộc tự
ngã nên được gọi trống không là thế giới này. 86. III. Vắn Tắt (S.iv,54) 1-2) ... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda... bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt
thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một
mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. 4-6) -- Ông nghĩ thế nào, này Ananda, mắt là thường hay vô
thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là
tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. -- Các sắc là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- ... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm
thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô
thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi,
cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn... Tai... Mũi... 7-9) ... Lưỡi... Thân... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ
gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là
tôi, cái này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 10) -- Thấy vậy, này Ananda, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm
chán đối với mắt... nhàm chán đối với nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi
lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán cảm
thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát.
Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải
thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những
việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 87. IV. Channa (S.iv,55)
1) Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana
(Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. 2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Mahà Cunda và Tôn
giả Channa trú ở núi Gijjhakù. 3) Lúc bấy giờ, Tôn giả Channa bị bệnh, đau đớn, bị
trọng bệnh. 4) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh
đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Cunda; sau khi đến nói với Tôn giả
Mahà Cunda: -- Này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi đến Tôn giả
Channa để hỏi thăm về bệnh hoạn. -- Thưa vâng, Hiền giả. Tôn giả Mahà Cunda vâng đáp Tôn giả Sàriputta. 5) Rồi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Cunda đi đến Tôn
giả Channa, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. 6-7) Sau khi ngồi, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Channa: -- Này Hiền giả Channa, Hiền giả có kham nhẫn được
chăng? Có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không
có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không phải tăng
trưởng? -- Thưa Hiền giả Sàriputta tôi không có thể kham nhẫn,
không có thể chịu đựng. Mãnh liệt là các khổ thọ tôi cảm giác!
Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng,
không phải giảm thiểu. 8) Này Hiền giả, ví như một người lực sĩ chém đầu một
người khác với một thanh kiếm sắc. Cũng vậy, này Hiền giả, những
ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu tôi. Thưa Hiền giả,
tôi không có thể kham nhẫn, không có thể chịu đựng... không phải
giảm thiểu. 9) Này Hiền giả, ví như một người lực sĩ lấy một dây nịt
bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết mạnh. Cũng vậy, này Hiền
giả, tôi cảm thấy đau đầu một cách kinh khủng. Này Hiền giả, tôi không
thể kham nhẫn, không có thể chịu đựng... không phải giảm thiểu. 10) Này Hiền giả, ví như một người đồ tể thiện
xảo hay một đệ tử người đồ tể mổ bụng với một con dao cắt thịt bò
sắc bén. Cũng vậy, này Hiền giả, những ngọn gió kinh khủng cắt mổ
bụng của tôi. Thưa Hiền giả, tôi không có thể kham nhẫn, không có
thể chịu đựng... không phải giảm thiểu. 11) Này Hiền giả, ví như hai người lực sĩ sau khi nắm một
người yếu hơn với những cánh tay của mình, nướng người ấy, đốt người
ấy trên một hố than hừng. Cũng vậy, này Hiền giả, một sức nóng kinh
khủng khởi lên trong thân tôi. Này Hiền giả, tôi không có thể kham
nhẫn, không có thể chịu đựng. Mãnh liệt là các khổ thọ tôi cảm
giác! Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng
trưởng, không phải giảm thiểu. 12) Thưa Hiền giả Sàriputta, tôi sẽ đem lại con dao. Tôi
không muốn sống nữa. 13) -- Tôn giả Channa, chớ có đem lại con dao! Tôn giả Channa,
hãy chịu đựng! Chúng tôi muốn Tôn giả Channa chịu đựng. Nếu Tôn giả
Channa không có các món ăn, không có các dược phẩm thích hợp, thời tôi sẽ
tìm các dược phẩm thích hợp cho Tôn giả Channa. Nếu Tôn giả Channa không
có người hầu hạ thích ứng, thời tôi sẽ hầu hạ Tôn giả Channa. Tôn giả
Channa chớ có đem lại con dao. Tôn giả Channa hãy chịu đựng. Chúng tôi muốn
Tôn giả Channa chịu đựng. 14) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, không phải tôi không có các
món ăn thích hợp, tôi có các món ăn thích hợp. Không phải tôi không có
các dược phẩm thích hợp, tôi có các dược phẩm thích hợp. Không phải tôi
không có những người hầu hạ thích ứng, tôi có những người hầu hạ thích
ứng. Ðã lâu ngày tôi hầu hạ bậc Ðạo Sư với tâm thích thú, không phải
không thích thú. Ðây, thưa Hiền giả, là xứng đáng với người đệ
tử. Vì rằng đã hầu hạ bậc Ðạo Sư với tâm thích thú, không phải không
thích thú. Không có phạm tội, nếu Tỷ-kheo Channa đem lại con dao. Này
Hiền giả Sàriputta, Hiền giả hãy thọ trì như vậy. 15) -- Chúng tôi sẽ hỏi Tôn giả Channa một câu, nếu Tôn giả
Channa kham nhẫn được hỏi và trả lời. -- Hãy hỏi đi, Hiền giả Sàriputta, sau khi nghe, chúng ta sẽ
biết. 16) -- Này Hiền giả Channa, mắt, nhãn thức, những pháp do
nhãn thức nhận biết, Hiền giả có quán: " Cái này là của tôi,
cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?... Tai... Mũi... Lưỡi...
Thân... Này Hiền giả Channa, ý, ý thức, các pháp do ý thức
nhận biết, Hiền giả có quán: "Cái này là của tôi, cái này là
tôi, cái này là tự ngã của tôi"? 17) -- Này Hiền giả Sàriputta, mắt, nhãn thức, các pháp do
nhãn thức nhận biết, tôi quán: "Cái này không phải của tôi, cái này
không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". 18) -- Này Hiền giả Channa, trong mắt, trong nhãn thức, trong
các pháp do nhãn thức nhận biết, do thấy gì, do thắng tri gì mà Hiền
giả quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái
này không phải tự ngã của tôi"? 19) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, trong mắt, trong nhãn thức,
trong các pháp do nhãn thức nhận biết, sau khi thấy đoạn diệt, sau khi
thắng tri đoạn diệt, tôi quán: "Cái này không phải của tôi, cái này
không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Trong tai... Trong
mũi... Trong lưỡi... Trong thân.. Thưa Hiền giả... Trong ý, trong ý
thức, trong các pháp do ý thức nhận biết, sau khi thấy đoạn diệt,
sau khi thắng tri đoạn diệt, tôi quán: "Cái này không phải của tôi,
cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". 20) Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Mahà Cunda nói với Tôn giả
Channa: -- Hiền giả Channa, Hiền giả cần phải luôn luôn chú
ý đến lời dạy này của Thế Tôn: "Ai còn tham luyến, thời
có dao động; ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động,
thời được khinh an. Ai được khinh an, thời không thiên chấp. Ai không thiên
chấp (nati), thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời
không có diệt và sanh. Ai không có diệt và sanh, thời không có đời
này, đời sau, không có giữa hai đời. Ðây là sự đoạn tận đau khổ". 21) Rồi Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Cunda, sau khi giáo
giới Tôn giả Channa với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra
đi. 22) Tôn giả Channa, sau khi hai vị Tôn giả ấy đi không bao lâu,
liền đem lại con dao. 23) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi
đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 24) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn: -- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Channa đã đem lại con dao. Sanh thú
của vị ấy là gì? Ðời sau vị ấy sẽ như thế nào? -- Có phải trước mặt Ông, này Sàriputta, Tỷ-kheo Channa đã
tuyên bố là không phạm tội? 25) -- Thưa có, bạch Thế Tôn. Có một làng của dân tộc Vajji
tên là Pubbavijjhamam; tại đấy, có những gia đình thân hữu, có những gia
đình thân thích với Tôn giả Channa, chính những gia đình ấy mới có lỗi. 26) -- Này Sàriputta, những gia đình thân hữu và những gia đình
thân thích ấy của Tôn giả Channa là những gia đình có lỗi. Tuy vậy, này
Sàriputta, với sự việc như vậy, Ta không nói Channa là có lỗi. Này
Sàriputta, ai bỏ thân này và chấp thủ thân khác; người ấy, Ta nói là có
lỗi. Nhưng Tỷ-kheo Channa thời không vậy. Tỷ-kheo Channa không có
tội lỗi khi đem lại con dao. Này Sàriputtra, Ông cần phải thọ trì như
vậy. 88. V. Punna (S.iv,60) 1) ... 2) Rồi Tôn giả Punna đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Punna bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt
thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một
mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. 4) -- Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương, an trú luyến trước; do vị ấy
hoan hỷ sắc ấy, tán dương, an trú luyến trước, hỷ (nandì) sanh.
Này Punna, Ta nói rằng: "Do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi". Này
Punna, có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận
thức... Có những vị do lưỡi nhận thức.. Có những xúc do thân nhận thức...
Này Punna, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý,
khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ
pháp ấy, tán dương, an trú luyến trước; do vị ấy hoan hỷ pháp ấy,
tán dương, an trú luyến trước nên hỷ sanh. Này Punna, Ta nói rằng:
"Do hỷ tập khởi nên khổ tập khởi". 5) Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả
hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu
Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không an trú luyến
trước; do vị ấy không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương, không an trú
luyến trước nên hỷ đoạn diệt. Này Punna, Ta nói rằng: "Do
hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt"... Này Punna, có những pháp
do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ
đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không
tán dương, không an trú luyến trước; do vị ấy không hoan hỷ pháp ấy,
không tán dương, không an trú luyến trước nên hỷ đoạn diệt. Này
Punna, Ta nói rằng: "Do hỷ đoạn diệt nên khổ đoạn diệt". 6) Này Punna, sau khi được nghe giáo giới với lời giáo giới vắn
tắt này của Ta, Ông sẽ trú tại quốc độ nào? -- Bạch Thế Tôn, có một quốc độ tên là Sunàparanta, tại
đấy con sẽ ở. 7) -- Thô bạo, này Punna, là người xứ Sunàparanta. Ðộc ác, này
Punna, là người xứ Sunàparanta. Nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, chửi
bới, nhiếc mắng Ông, thời này Punna, ở đây, Ông nghĩ thế nào? -- Nếu người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, chửi bới,
nhiếc mắng con, ở đây, con sẽ nghĩ: "Thật là hiền thiện,
người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, người xứ
Sunàparanta này! Vì những người này không lấy tay đánh đập ta". Như
vậy, ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Như vậy, ở đây, bạch
Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 8) -- Nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, sẽ đánh đập Ông
bằng tay, thời ở đây, này Punna, Ông sẽ nghĩ thế nào? -- Nếu người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh đập
con bằng tay, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền thiện,
những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện, những người
xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng cục
đất". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây,
bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 9) -- Nhưng nếu người xứ Sunàparanta, này Punna, đánh đập
Ông bằng cục đất, thời ở đây, này Punna, Ông nghĩ thế nào? -- Nếu những người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh
đập con bằng cục đất, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền
thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện,
những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng
gậy". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây,
bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 10) -- Nhưng nếu những người xứ Sunàparanta, này Punna, sẽ
đánh đập Ông với gậy, thời ở đây, này Punna, Ông nghĩ thế nào? -- Nếu những người xứ Sunàparanta này, bạch Thế Tôn, sẽ
đánh đập con với gậy, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là hiền
thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền thiện,
những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đánh đập ta bằng
kiếm". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như vậy. Ở đây,
bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 11) -- Nhưng nếu những người xứ Sunàparanta, này Punna, lại
đánh đập Ông bằng kiếm, thời ở đây, này Punna, Ông sẽ nghĩ thế
nào? -- Nếu những người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, đánh
đập con với cây kiếm, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ: "Thật là
hiền thiện, những người xứ Sunàparanta này! Thật là khéo hiền
thiện, những người xứ Sunàparanta này! Vì những người này không đoạn
mạng ta với cây kiếm sắc bén". Ở đây, bạch Thế Tôn, con sẽ
nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 12) -- Nhưng nếu những người xứ Sunàparanta, này Punna, sẽ
đoạn mạng Ông với lưỡi kiếm sắc bén, thời ở đây, này Punna, Ông sẽ
nghĩ như thế nào? -- Nếu những người xứ Sunàparanta, bạch Thế Tôn, sẽ
đoạn mạng con với lưỡi kiếm sắc bén, thời ở đây, con sẽ suy nghĩ:
"Có những đệ tử của Thế Tôn, khi phiền não, tủi hổ và ghê
tởm bởi thân và sinh mạng đã sử dụng đến con dao. Nay dầu không tìm
đến ta vẫn được sử dụng con dao". Ở đây, bạch Thế Tôn, con
sẽ nghĩ như vậy. Ở đây, bạch Thiện Thệ, con sẽ nghĩ như vậy. 13) -- Lành thay, lành thay, này Punna! Ðầy đủ với sự an tịnh
tự điều này, Ông có thể sống tại quốc độ Sunàparanta. Này Punna, nay
Ông hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời. 14) Rồi Tôn giả Punna hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn
dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng
về Ngài, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, rồi bộ hành đi đến xứ
Sunàparanta. Ngài tuần tự bộ hành và đến xứ Sunàparanta. Tại đây, Tôn
giả Punna trú tại xứ Sunàparanta. 15) Và trong mùa mưa ấy, Tôn giả Punna độ cho khoảng 500 cư sĩ.
Cũng trong mùa mưa ấy, Tôn giả chứng được ba minh. Và cũng trong mùa mưa ấy
Tôn giả Punna viên tịch. 16) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... 17) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: -- Bạch Thế Tôn, thiện gia nam tử Punna, sau khi được
Thế Tôn giáo giới một cách vắn tắt, đã mệnh chung. Sanh thú của vị
ấy là gì? Ðời sau của vị ấy thế nào? -- Bậc Hiền trí, này các Tỷ-kheo, là thiện nam tử
Punna. Sở hành là đúng pháp và thuận pháp. Vị ấy không làm phiền não Ta
với những kiện tụng về pháp. Hoàn toàn tịch diệt, này các
Tỷ-kheo, là thiện nam tử Punna. 89. VI. Bàhiya (S.iv, 63)
1) ... 2) Rồi Tôn giả Bàhiya đi đến Thế Tôn... 3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Bàhiya bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt
thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một
mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. 4-8) -- Ông nghĩ thế nào, này Bàhiya, mắt là thường hay vô
thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái
này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. -- Các sắc là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Nhãn thức... Nhãn xúc.... 9)... Do duyên ý xúc này khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ
hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường? -- Là vô thường, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc? -- Là khổ, bạch Thế Tôn. -- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp
lý chăng nếu quán: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái
này là tự ngã của tôi"? -- Thưa không, bạch Thế Tôn. 10) -- Thấy vậy, này Bàhiya, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm
chán đối với mắt, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với nhãn thức,
nhàm chán đối với nhãn xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì,
lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do
nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát,
trí khởi lên biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy
biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm
đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 11) Và Tôn giả Bàhiya trở thành một vị A-la-hán nữa. 90. VII. Ái Nhiễm (Ejà) (S.iv,64) 1) ... 2) -- Ái nhiễm, này các Tỷ-kheo, là bệnh tật; ái nhiễm
là mụt nhọt; ái nhiễm là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sống
không ái nhiễm, không bị mũi tên làm bị thương. 3) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước
vọng gì, hãy ước sống không ái nhiễm, không bị mũi tên làm bị thương. 4) Chớ có nghĩ đến mắt, chớ có nghĩ đến trong mắt,
chớ có nghĩ đến từ mắt, chớ có nghĩ đến: "Mắt là của
tôi". Chớ có nghĩ đến các sắc, chớ có nghĩ đến trong các sắc,
chớ có nghĩ đến từ các sắc, chớ có nghĩ đến: "Các sắc là của
tôi". Chớ có nghĩ đến nhãn thức, chớ có nghĩ đến trong nhãn
thức, chớ có nghĩ đến từ nhãn thức, chớ có nghĩ đến: "Nhãn
thức là của tôi". Chớ có nghĩ đến nhãn xúc, chớ có nghĩ đến
trong nhãn xúc, chớ có nghĩ đến từ nhãn xúc, chớ có nghĩ đến:
"Nhãn xúc là của tôi". Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì,
lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có
nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy,
chớ có nghĩ đến: "Cảm thọ ấy là tôi". 5-6) Chớ có nghĩ đến tai... Chớ có nghĩ đến mũi... 7-8) Chớ có nghĩ đến lưỡi... Chớ có nghĩ đến thân... 9) Chớ có nghĩ đến ý, chớ có nghĩ đến trong ý,
chớ có nghĩ đến từ ý, chớ có nghĩ đến: "Ý là của
tôi". Chớ có nghĩ đến các pháp, chớ có nghĩ đến trong các
pháp, chớ có nghĩ đến từ các pháp, chớ có nghĩ đến: "Các pháp
là của tôi". Chớ có nghĩ đến ý thức, chớ có nghĩ đến trong
ý thức, chớ có nghĩ đến từ ý thức, chớ có nghĩ đến:
"Ý thức là của tôi". Chớ có nghĩ đến ý xúc, chớ có nghĩ
đến trong ý xúc, chớ có nghĩ đến từ ý xúc, chớ có nghĩ
đến: "Ý xúc là của tôi". Do duyên ý xúc, khởi lên cảm
thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ
ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm
thọ ấy, chớ có nghĩ đến: "Cảm thọ ấy là của tôi". 10) Chớ có nghĩ đến tất cả, chớ có nghĩ đến trong tất
cả, chớ có nghĩ đến từ tất cả, chớ có nghĩ đến: "Tất cả là
của tôi". 11) Vị ấy do không nghĩ đến nên không chấp thủ một vật gì
ở đời. Do không chấp thủ, vị ấy không có dao động (paritassati). Do không dao
động, vị ấy tự mình tịch tịnh một cách hoàn toàn. Vị ấy biết rõ:
"Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm,
không còn trở lui trạng thái này nữa". 91. VIII. Ái Nhiễm (S.iv,66)
1) ... 2) -- Ái nhiễm, này các Tỷ-kheo, là bệnh tật, ái nhiễm
là mụt nhọt, ái nhiễm là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai
sống không ái nhiễm, không bị mũi tên bắn. 3) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có mong ước, hãy mong
ước không ái nhiễm, không bị mũi tên bắn. 4-6) Chớ có nghĩ đến mắt, chớ có nghĩ đến trong mắt,
chớ có nghĩ đến từ mắt, chớ có nghĩ đến: "Mắt là của ta".
Chớ có nghĩ đến các sắc, chớ có nghĩ đến trong các sắc, chớ có
nghĩ đến từ các sắc, chớ có nghĩ đến: "Các sắc là của
ta". Chớ có nghĩ đến nhãn thức... Chớ có nghĩ đến nhãn xúc...
Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc;
chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ
ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: "Cảm
thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo, nghĩ đến cái gì, nghĩ
đến trong cái gì, nghĩ đến từ cái gì, nghĩ đến: "Cái gì
là của ta", từ đấy cái ấy đổi khác. Vì rằng bị đổi khác, vì chấp
trước tái sanh (Bhavasatto), nên thế giới hoan hỷ tái sanh... tai...
mũi... 7-8) ... lưỡi... thân... 9) Chớ có nghĩ đến ý, chớ có nghĩ đến trong ý,
chớ có nghĩ đến từ ý, chớ có nghĩ đến: "Ý là của ta".
Chớ có nghĩ đến các pháp, chớ có nghĩ đến trong các pháp, chớ có
nghĩ đến từ các pháp, chớ có nghĩ đến: "Các pháp là của
ta". Chớ có nghĩ đến ý thức, chớ có nghĩ đến trong ý
thức, chớ có nghĩ đến từ ý thức, chớ có nghĩ đến: "Ý thức
là của ta". Chớ có nghĩ đến ý xúc, chớ có nghĩ đến trong
ý xúc, chớ có nghĩ đến từ ý xúc, chớ có nghĩ đến: "Ý
xúc là của ta". Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ
hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ
đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ
có nghĩ đến: "Cảm thọ ấy là của ta". Này các Tỷ-kheo,
nghĩ đến cái gì, nghĩ đến trong cái gì, nghĩ đến từ cái gì,
nghĩ đến: "Cái gì là của ta", từ đấy cái ấy đổi khác. Vì
rằng bị đổi khác, vì chấp trước tái sanh, nên thế giới hoan hỷ tái
sanh. Này các Tỷ-kheo, cho đến uẩn, giới, xứ... chớ có nghĩ
đến cái ấy, chớ có nghĩ đến trong cái ấy, chớ có nghĩ đến từ
cái ấy, chớ có nghĩ đến: "Cái ấy là của ta". Vị ấy không nghĩ
đến như vậy nên không chấp thủ một cái gì trong đời. Do không chấp thủ
nên không có dao động. Do không có dao động, vị ấy tự mình tịch tịnh một
cách hoàn toàn. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành,
những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". 92. IX. Cả Hai (S.iv,67) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về cả hai.
Hãy lắng nghe. Này các Tỷ-kheo, thế nào là cả hai? 3) Mắt và các sắc, tai và các tiếng, mũi và các hương,
lưỡi và các vị, thân và các xúc, ý và các pháp. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là cả hai. 4) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Sau khi đoạn tận hai
cái này, tôi sẽ trình bày hai cái khác"; thời người ấy chỉ nói suông,
nếu hỏi, người ấy không có thể chứng minh, còn có thể rơi vào
ách nạn. 5) Vì sao? Vì rằng vấn đề ấy vượt ngoài phạm vi của
người ấy. 93. X. Cả Hai (S.iv,67)
1) ... 2) -- Do duyên cả hai, này các Tỷ-kheo, thức hiện hữu.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là do duyên cả hai, thức hiện hữu? 3) Do duyên mắt và các sắc, khởi lên nhãn thức. Mắt là vô
thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Các sắc là vô thường, biến
hoại, tự tánh đổi khác. Như vậy, cả hai này là biến động, tiêu tan, vô
thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Nhãn thức là vô thường, biến
hoại, tự tánh đổi khác. Do nhân nào, do duyên nào, nhãn thức khởi lên; nhân
ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các
Tỷ-kheo, nhãn thức này khởi lên từ một duyên vô thường, từ đâu sẽ
thành thường còn được? Này các Tỷ-kheo, sự hợp hội, tụ tập, hòa hợp
của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đây gọi là nhãn xúc. Nhãn xúc
cũng vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Do nhân nào, do duyên nào,
nhãn xúc khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh
đổi khác. Này các Tỷ-kheo, nhãn xúc này khởi lên từ một duyên vô
thường, từ đâu sẽ trở thành thường còn được? Do xúc nên có cảm
thọ, do xúc nên có tư lường, do xúc nên có hay biết.
Ở đây, các pháp này là biến động, tiêu tan, vô thường, biến
hoại, tự tánh đổi khác. 4) Và do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức... 5) Và do duyên mũi và các hương khởi lên tỷ thức... 6) Và do duyên lưỡi và các vị khởi lên thiệt thức... 7) Và do duyên thân và các xúc khởi lên thân thức... 8) Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Ý là vô
thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Các pháp là vô thường, biến
hoại, tự tánh đổi khác. Ở đây, cả hai cái này là biến động, tiêu
tan, vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Ý thức là vô thường,
biến hoại, tự tánh đổi khác. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho ý
thức khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi
khác. Này các Tỷ-kheo, ý thức khởi lên do duyên vô thường, thời từ
đâu sẽ thường còn được? Này các Tỷ-kheo, sự hợp hội, tụ tập, hòa
hợp của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý xúc. Ý xúc
cũng vô thường, biến hoại, tự tánh là đổi khác. Do nhân gì, duyên gì
khiến ý xúc sanh khởi; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến
hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, ý xúc khởi lên do duyên vô
thường, từ đâu sẽ là thường còn được? Này các Tỷ-kheo, do xúc
nên có cảm thọ, do xúc nên có tư lường, do xúc nên có hay
biết. Ở đây, các pháp này là biến động, tiêu tan, vô thường
biến hoại, tự tánh đổi khác. 9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên cả hai, thức hiện
hữu.
-ooOoo-
Mục Lục các Tập (Thiên):
Revised: 15-05-2004