BuddhaSasana Home Page Những bước thăng trầm Hòa thượng
Narada Giới thiệu: Nguyên
tác quyển sách nhỏ này, tựa đề "The Eight Worldly
Conditions", được Ðại Ðức Nàrada Mahà Thera soạn thảo
vào năm 1970, trước khi Ngài lâm trọng bệnh tại Việt
Nam. Bản dịch được được xuất bản lần đầu tiên
vào dịp Lễ Phật Ðản 2516/1972, và từ đó được tái bản
nhiều lần, ở Việt Nam cũng như tại hải ngoại. -ooOoo- Tám Pháp
thế gian (Atthalokadhamma) - Những Thăng Trầm Của Ðời Sống Thế gian chênh lệch nầy
quả không hoàn toàn tươi đẹp như cánh hoa hồng. Nó cũng
không tuyệt đối gai góc như cây hồng. Hoa hồng dịu dàng,
đẹp đẽ, và mùi thơm ngào ngạt. Nhưng cái cây sanh ra nó
thì mình đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Cái gì thuộc về
hoa là của hoa. Cái gì thuộc về gai là của gai. Không vì
hoa mà ta lao mình vào gai, cũng không vì gai mà xa lánh hẳn
hoa hồng. Với người lạc quan,
thế gian nầy tuyệt đối như cánh hoa hồng. Người bi quan
trái lại, thấy nó đầy gai chướng. Nhưng đối với người
thực tiễn, thế gian không tuyệt đối tươi đẹp, cũng không
hoàn toàn xấu xa. Nhìn với cặp mắt thực tiễn thì nó
sanh ra với những hoa hồng xinh tươi đẹp đẽ cùng với
gai nhọn đầy mình. Người hiểu biết sẽ
không say mê sắc đẹp của hoa hồng nhưng nhận định đúng
nó là thế nào. Thấu triệt bản chất của gai người ấy
thấy đúng thực tướng của nó và sẽ hành động đủ thận
trọng để khỏi bị gai quào hay đâm chích. Giống như quả lắc của
đồng hồ, đánh qua trái rồi sang phải, phải rồi trở lại
trái, luôn luôn như vậy, có bốn phước lành và bốn điều
bất hạnh trong đời sống mà tất cả mọi người, ai ai
cũng phải đương đầu, không ai tránh khỏi. Ðó là được (làbha)
và thua (alàbha), danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa),
ca tụng (pasamsà) và khiển trách (nindà), hạnh
phúc (sukha) và đau khổ (dukkha). Ðược và
Thua (Làbha và Alàbha) Thế thường, các nhà
doanh thương phải gặp cả hai điều: được và thua, hay
nói cách khác, lợi lộc và lỗ lã. Dĩ nhiên, khi được lợi
thì người ta thỏa thích, vui mừng. Ðiều nầy tự nó
không có gì sai lầm. Những mối lợi tương tợ, dầu chánh
đáng hay không, đều đem lại niềm vui mà người đời ai
cũng ước mong, ai cũng tìm kiếm. Nếu không có những giờ
phút vui vẻ, dầu là phù du tạm bợ, đời quả thật không
đáng sống. Trong thế gian tranh chấp và bấp bênh nầy, con
người được rất ít cơ hội thọ hưởng một vài loại hạnh
phúc để làm phấn khởi tinh thần. Những lạc thú tương tợ,
dầu vẫn là vật chất, chắc chắn sẽ giúp ta thêm sức
khoẻ và tuổi thọ. Nhưng đến khi lỗ lã
thì phiền não bắt đầu khởi phát. Ta có thể dễ dàng mĩm
cười khi lợi lộc, nhưng lúc thua thiệt thì không. Nhiều
trường hợp lỗ lã quan trọng làm cho người ta loạn trí,
lắm khi đưa đến cảnh quyên sinh mạng sống, nếu không
còn chịu đựng được nữa. Chính trong những hoàn cảnh tương
tợ ta phải biểu dương tinh thần dũng cảm và giữ tâm
bình thản, không để quá chao động. Trong lúc vật lộn với
đời sống tất cả mọi người đều phải gặp những lúc
thăng, lúc trầm, và chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng, sẵn
sàng đối phó, nhất là trong nghịch cảnh. Nổi thất vọng
sẽ giảm thiểu. Mất một vật gì tất
nhiên ta cảm thấy buồn. Nhưng chính cái buồn không giúp ta
tìm lại được vật đã mất. Ta phải nghĩ rằng ai đó có
thể hưởng vật kia, mặc dầu họ hưởng một cách bất
chánh. Ước mong người ấy được vui vẻ, an lành và hạnh
phúc! Hoặc giả ta có thể tự
an ủi: "Ðây chỉ là một mất mát nhỏ nhen, không quan
trọng." Hay ta có thể chấp nhận một thái độ triết
lý cao thượng: "Không có gì là 'Ta', không có cái gì
là 'Của Ta'. Vào thời Ðức Phật
còn tại thế có một thiếu phụ cao sang đến chùa trai tăng
Ðức Sàriputta (Xá Lợi Phất) và vài vị tỳ khưu khác.
Trong khi chuẩn bị dâng vật thực đến các Ngài thì bà
được tin chồng và tất cả các con bị người ta phục kích,
giết chết lúc đang đi hòa giải một cuộc tranh chấp. Bà
không tỏ vẻ buồn phiền. Thản nhiên, bà lặng lẽ cất giữ
thơ vào túi rồi tiếp tục để bát chư Tăng như không có
gì xảy ra. Lúc ấy một người tỳ nữ bưng hũ mật và sửa
để dâng chư Tăng rủi trật chân té, làm bể cái hũ. Nghĩ
rằng có thể bà thí chủ sẽ tiếc cái hũ và thức ăn đựng
trong đó Ðức Sàriputta (Xá Lợi Phất) an ủi rằng các vật
như cái hũ, đã mang tính chất "bể" theo liền với
nó, ắt phải bể một ngày nào. Bà tín nữ trí tuệ điềm
tĩnh trả lời: "Kính bạch Ðại Ðức, đó chỉ là một
mất mát tầm thường. Con vừa nhận được tin chồng và
các con của con bị kẻ sát nhân giết chết. Con bỏ thơ vào
túi và vẫn giữ tâm bình thản, không bấn loạn. Và mặc dầu
được tin dữ, con vẫn tiếp tục để bát Ngài và chư
Tăng." Ðức quả cảm quý
báu của người thiếu phụ quả thật đáng ca ngợi và đáng
làm gương cho người khác. Lần kia Ðức Phật đi
trì bình trong một làng nọ. Do sự phá rối của Ma Vương,
hôm ấy Ðức Phật không được ai để bát và không có gì
để độ ngọ. Ðến khi Ma Vương sống sượng hỏi Ngài có
nghe đói bụng không, Ðức Phật nghiêm chỉnh giải thích
thái độ tinh thần của người đã vượt khỏi mọi trở
ngại và đáp: "Hạnh phúc thay, Như Lai sống không bị
chướng ngại. Dưỡng nuôi phỉ lạc, Như Lai lúc nào cũng
như các vị Trời ở cảnh Quang Âm Thiên." Lần khác, Ðức Phật
và các môn đệ an cư kiết hạ trong làng nọ, theo lời cung
thỉnh của một người Bà La Môn. Nhưng vị nầy hoàn toàn
lãng quên bổn phận là phải chăm lo các Ngài. Suốt trọn
thời gian ba tháng Hạ, Ðức Phật và chư Tăng bình thản
dùng những thức ăn của ngựa mà một người lái ngựa đã
dâng đến, mặc dầu Ðức Moggallàna (Mục Kiền Liên) tình
nguyện dùng thần thông đi tìm vật thực khác. Ðức Phật
không một lời than van hay phản đối. Bà Visakhà, vị nữ
thí chủ quan trọng trong thời Ðức Phật, thường đến chùa
chăm lo mọi nhu cầu của Ðức Phật và chư Tăng. Một hôm,
bà đắp một cái áo choàng rất quý giá để đi chùa. Khi
đến cổng chùa, như thường lệ, bà cổi áo choàng ra đưa
cho người tỳ nữ cầm giữ. Lúc ra về, cô nữ tỳ vô ý bỏ
quên lại. Ðức Ànanda (A Nan Ða) thấy, đem cất lại một
nơi, chờ khi bà Visakhà đến chùa sẽ trao lại. Về đến
nhà bàVisakhà sực nhớ, bảo người nữ tỳ quay trở lại
tìm. Nhưng nếu có vị tỳ khưu nào đã đụng đến thì
không nên lấy về. Cô tỳ nữ đến chùa hỏi thăm, biết rằng
Ðức Ànanda (A Nan) đã cất giữ cái áo choàng nên trở về
báo tin cho chủ. Bà Visakhà liền đến hầu Phật và tỏ ý
muốn làm việc thiện với số tiền bán cái áo choàng quý
giá ấy. Ðức Phật khuyên bà nên kiến tạo một ngôi tịnh
xá để chư Tăng có nơi cư trú. Vì không ai có đủ tiền
mua cái áo choàng quý giá như thế nên chính bà mua lại, và
dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tịnh xá đẹp đẽ,
dâng đến chư Tăng. Sau khi dâng xong ngôi
chùa bà ngỏ lời tri ân người tỳ nữ như sau: "Nếu
con không lỡ bỏ quên cái áo choàng ắt ta không có cơ hội
tạo nên công đức nầy. Vậy, ta xin chia phần phước nầy
đến con." Thay vì buồn rầu hay
phiền giận vì tạm thời mất một vật quý giá, và la rầy
người tỳ nữ vô ý, bà cám ơn người ấy đã giúp cho bà
cơ hội tạo phước. Thái độ gương mẫu của
bà thiện trí thức Visakhà đáng làm một bài học cho những
ai dễ nóng giận vì lỗi lầm của người giúp việc thế
cô. Ta phải dũng cảm chịu
đựng những lỗ lã, thua thiệt. Phải đương đầu với nó,
và như câu "họa vô đơn chí" diễn tả, nó đến một
cách đột ngột, từng đoàn, từng đám đông, chớ không
đơn độc. Ta phải điềm tĩnh đối phó, với tâm Xả (upekkhà)
hoàn toàn, và nghĩ rằng đây là cơ hội vàng ngọc để thực
hành đức tánh cao thượng nầy. Danh Thơm
và Tiếng Xấu (Yasa và Ayasa) Danh thơm (yasa) và
tiếng xấu (ayasa) là cặp thăng trầm khác mà ta phải
đối phó hàng ngày. Danh thơm, chúng ta hoan
hỷ đón mừng. Tiếng xấu thì chúng ta không thích. Danh thơm
làm phấn khởi tinh thần. Tiếng xấu làm cho ta phiền muộn,
khổ đau. Chúng ta thích được trứ danh. Chúng ta mong muốn
thấy tên tuổi và hình ảnh mình trên mặt báo. Chúng ta rất
thỏa thích thấy những hoạt động của mình, dầu không đáng
kể, được tường thuật và được nhiều người nhắc nhở,
nhiều người biết đến. Lắm khi ta cũng cố gắng, một cách
bất chánh, làm cho người ta chú ý đến mình. Ðể thấy hình ảnh
mình trên báo chí, vài người sẵn sàng trả một số tiền
to tát. Ðể được danh dự, vài người sẵn sàng đóng góp
quan trọng, hay hối lộ nhóm người quyền thế. Ðể tự quảng
cáo, vài người biểu dương tâm trong sạch bố thí của
mình bằng cách trai tăng cả trăm vị tỳ khưu, hay hơn nữa.
Nhưng có thể những người ấy sẽ hoàn toàn thản nhiên trước
những nỗi thống khổ của người nghèo nàn đói rách sống
ngay bên cạnh mình. Ta có thể rầy la và hành phạt một
tên trộm quá đói khát, vào vườn ăn cắp một trái dừa
để làm dịu bớt cơn đói, nhưng ta sẽ không ngần ngại
cho ra cả thiên dừa để đổi lại chút danh thơm. Ðó là khuyết điểm của
con người. Chí đến khi làm điều thiện, phần đông chúng
ta cũng làm với ẩn ý vụ lợi. Những người hoàn toàn vị
tha rõ thật hiếm hoi trên thế gian nầy. Vì lẽ ấy, người
nào đã làm một việc thiện -- dầu động cơ thúc đẩy đến
hành động không mấy đáng được ca ngợi --cũng đáng được
tán dương vì đã làm điều thiện ấy. Phần đông người
thế gian chúng ta luôn luôn còn giấu một cái gì trong tay
áo. Ai là người trăm phần trăm tốt? Bao nhiêu người hoàn
toàn trong sạch, từ động cơ đến hành động? Bao nhiêu người
tuyệt đối vị tha? Chúng ta không cần chạy
theo danh thơm tiếng tốt. Nếu ta xứng đáng ắt nó sẽ đến
mà không cần tìm. Khi hoa đượm mật đầy đủ thì ong, bướm
sẽ đến. Hoa không cần mời ong, hay mời bướm. Ðúng thật vậy, chúng
ta cảm nghe tự nhiên hoan hỷ, vô cùng hạnh phúc, khi thanh
danh của chúng ta bay xa, lan rộng. Tuy nhiên, phải nhận định
rằng tiếng tốt, danh vọng, vinh quang, chỉ theo ta đến nấm
mồ, rồi tan biến ra mây, ra khói. Nó chỉ là những ngôn từ,
mặc dầu là kim ngôn, là mỹ từ, làm êm dịu tai ta. Còn tiếng xấu thì
sao? Chúng ta không thích
nghe, hay nghĩ đến. Chắc chắn là khi những lời nói xấu lọt
vào tai, nó sẽ làm cho tâm ta bàng hoàng, khó chịu. Nỗi khổ
tâm càng sâu đậm hơn nếu những lời gọi là tường thuật
hay báo cáo ấy tỏ ra bất công và hoàn toàn sai lạc. Thông thường, phải mất
cả năm trường, hay hơn nữa, để kiến tạo một ngôi nhà
nguy nga vĩ đại. Nhưng chỉ trong nháy mắt khí giới tối
tân hiện đại có thể tàn phá, tiêu hủy dễ dàng. Lắm
khi phải mất nhiều năm hay trọn cả kiếp sống để gây dựng
thanh danh. Bao nhiêu công trình lao khổ ấy có thể tàn rụi
trong khoảnh khắc. Không ai có thể tránh khỏi câu nói tai hại
bắt đầu bằng tiếng "nhưng". Thật vậy, ông ấy
rất tốt, ông ấy đã làm việc nầy, điều kia. Nhưng ...
Phần đầu tốt đẹp của câu nói đã bị cái "nhưng"
đẩy vào đêm tối của lãng quên. Bạn có thể sống đời
đạo đức trong sạch như một vị Phật, nhưng bạn không
thể tránh những lời chỉ trích, tấn công và nguyền rủa. Ðức Phật là vị
giáo chủ trứ danh nhất thời bấy giờ mà cũng là người
bị nguyền rủa và sỉ vả nhiều nhất thời bấy giờ. Các bậc vĩ nhân thường
không được biết đến, hay có được biết chăng nữa,
cũng một cách sai lạc. Vào thời Ðức Phật,
có một thiếu phụ thường lui tới Tịnh Xá lúc ban đêm.
Những người ở đạo khác truyền rao tiếng đồn, vu oan Ðức
Phật và các đệ tử Ngài đã sát hại thiếu phụ ấy và
chôn vùi dưới một đống hoa tàn, trong vòng Tịnh Xá. Khi
Ðức Phật đã hoàn thành viên mãn sứ mạng lịch sử của
Ngài và khi rất nhiều người tìm đến xin xuất gia, các vị
đạo sĩ đối nghịch phỉ báng rằng tại vì Ðức Phật
mà mẹ phải lìa con, vợ lìa chồng. Chính Ngài đã làm trở
ngại mọi tiến bộ của đất nước. Chính người em họ, và
cũng là môn đệ của Ðức Phật, nhiều lần âm mưu làm sụp
đổ phẩm hạnh cao quý của Ngài, nhưng thất bại. Ông lại
sanh tâm mưu sát Ðức Thế Tôn bằng cách từ trên cao lăn
đá vào mình Ngài. Ðã là một vị Phật
Ngài không thể bị sát hại. Nếu đó là số phần
bất hạnh của một người vô tội và trong sạch như Ðức
Phật, hạng người tầm thường còn phải chịu như thế nào
nữa? Lúc trèo núi, ta càng
lên cao, người đứng dưới đồng bằng càng để ý đến
ta và càng thấy ta nhỏ hơn. Và họ chỉ thấy phía sau lưng,
không thấy phía trước. Thế gian thổi lông tìm vết nầy
chỉ muốn trưng bày khuyết điểm và lỗi lầm của người.
Bao nhiêu đức hạnh tốt đẹp thì giấu nhẹm. Cái xây quạt
lúa quạt đi bụi bặm và những hột lúa hư lép, nhưng giữ
lại các hột tốt, no đầy. Cái rây thì trái lại, giữ phần
xác thô sơ mà lượt đi nước trái cây ngon ngọt. Người có
trau giồi trí thức giữ cho mình phần tinh tế, và bỏ đi
những gì thô sơ. Hạng vô học giữ cái thô sơ và vứt bỏ
đi phần tinh vi tế nhị. Mỗi khi bị hiểu lầm
và bị người ta vô tình hay cố ý, truyền rao một cách bất
công, ta nên sáng suốt suy tư, hay nói như Epictetus đã
khuyên: "May quá, người ta
không quen mình nhiều. Họ chỉ biết mình sơ sài nên chỉ
nói xấu mình có bấy nhiêu. Nếu người ta biết mình nhiều
hơn chắc mình còn bị chỉ trích nhiều hơn nữa." Không nên phung phí thì
giờ để sửa sai những lời đồn đãi sai lạc nếu hoàn cảnh
không bắt buộc ta phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch
sẽ lấy làm thỏa thích mà thấy ta bực bội vì lời nói của
họ. Ðó chính là điều mà họ mong muốn. Nếu ta thản
nhiên, lời vu oan sẽ rơi vào tai điếc. Trong khi thấy lỗi lầm
của người khác, ta phải làm như người mù. Thế gian đầy chông
gai và đá nhọn. Ta không thể dẹp sạch gai và đá. Nhưng nếu
phải đi trên đó bất kể những trở ngại thì, thay vì dời
gai và đá -- chuyện mà ta không thể làm -- tốt hơn nên
mang giày và thận trọng đi từng bước. Chúng ta sẽ được
an toàn. Giáo Pháp dạy: "Hãy như sư tử,
không run sợ trước tiếng động. Là chúa sơn lâm, sư tử
không sợ hãi. Bẩm chất thiên nhiên của sư tử là không
run rẩy giựt mình khi nghe tiếng gầm thét của các loài
thú khác. Trên thế gian nầy chúng ta có nghe thuật lại những
câu chuyện trái tai, bất lợi, những lời buộc tội giả mạo,
những tiếng vu oan phỉ báng đê hèn, vì miệng lằn lưỡi
mối không thiếu chi. Như sư tử, ta không cần nghe đến.
Như một loại khí giới của người Úc (boomerang), khi
được tung ra, nó bay tới đánh vào mục tiêu rồi trở về
tay chủ, cùng thế ấy, những lời rêu rao xấu xa đê tiện
ấy sẽ chấm dứt nơi mà nó bắt đầu. Mặc chó chó sủa, đoàn
lữ hành cứ tiến bước. Chúng ta đang sống
trong thế gian bùn nhơ nước đục. Nhiều đóa hoa sen đã từ
đó vượt lên, tô điểm sơn hà, mà không bị nước đục
và bùn nhơ làm hoen ố. Chúng ta phải cố gắng sống như
hoa sen, một cuộc đời trong sạch và cao quý, không màng
quan tâm đến bùn nhơ mà người khác có thể ném vào ta. Phải
sẵn sàng đón nhận bùn dơ mà người khác có thể ném vào
mình, thay vì mong đợi những đóa hoa hồng mà người ta có
thể tặng. Ta sẽ không thất vọng. Mặc dầu khó, chúng ta
phải cố gắng trau giồi hạnh từ khước, buông bỏ, không
luyến ái. Chúng ta đến đây một
mình, một thân. Không cần để ý đến
nọc độc của những lưỡi mối miệng lằn. Ðơn độc một
mình, chúng ta hãy ra đi đó đây, tận lực phục vụ và tạo
an lành cho kẻ khác. Âu cũng lạ! rằng các
bậc vĩ nhân thường bị vu oan, phỉ báng, đầu độc, treo
lên thánh giá, hay bị bắn chết. Ông Socrates vĩ đại bị
đầu độc. Ðức Jesus Christ (Chúa Ky Tô) cao quý bị treo
trên thánh giá. Ðức Mahatma Gandhi bất bạo động bị bắn
chết. Vậy phải chăng tốt quá cũng nguy hiểm? Ðúng. Khi còn sống
các vị ấy bị chỉ trích, tấn công và sát hại. Sau khi chết,
các Ngài được tôn sùng và kỉnh mộ như thần, như thánh. Bậc vĩ nhân thản
nhiên khi được khen cũng như lúc bị chê. Các Ngài không để
tinh thần suy sụp khi bị chỉ trích hay vu oan, bởi vì không
chạy theo thanh danh. Người ta có biết được việc làm của
mình không, các Ngài không quan tâm đến. "Các Ngài làm
việc, phục vụ, nhưng không màng đến việc thọ hưởng." Ca Tụng và
Khiển Trách (Pasamsà và Nindà) Ðược ca tụng và bị
khiển trách là hai hoàn cảnh thăng trầm khác hằng ảnh hưởng
đến nhân loại. Lẽ dĩ nhiên, khi được ca tụng thì ta nở
mặt nở mày, hân hoan thỏa thích. Lúc bị khiển trách thì
tinh thần suy sụp, ủ dột buồn rầu. Giữa những lời ca tụng
hay khiển trách Ðức Phật dạy, bậc thiện trí không thỏa
thích cũng không ủ dột ưu phiền, mà tựa hồ như tảng đá
vững chắc, không lay chuyển dưới cơn bão táp phong ba của
đời sống. Nếu chúng ta xứng đáng, những lời khen tặng
quả thật êm tai. Nhưng nếu ta không xứng, như trường hợp
có người nịnh bợ, thì những lời ấy dù có êm tai, cũng
sẽ làm cho ta thất vọng, và là một tai hại. Dầu sao, đó
cũng chỉ là những tiếng động, những âm thanh, không đem
lại hậu quả nào nếu không lọt vào tai. Ðứng về phương diện
thế gian, lời ca tụng có thể đi rất xa. Một tiếng khen tặng
nhẹ nhàng, đúng lúc, có thể giúp ta dễ dàng thâu đạt
điều mong muốn. Một câu giới thiệu xứng đáng đủ làm
cho toàn thể cử tọa chăm chú lắng nghe diễn giả. Nếu diễn
giả có lời khen tặng cử tọa ắt sẽ được chú ý. Trái
lại, nếu diễn giả bắt đầu bằng những lời khiển trách
hay chỉ trích, thái độ đáp ứng của người nghe ắt không
thuận lợi. Người đã thuần thục
không tin càn những lời nịnh bợ, cũng không muốn được
nịnh bợ. Khi khen tặng ai xứng đáng, người già dặn thuần
thành thật lòng khen tặng mà không ẩn ý ganh tỵ. Khi khiển
trách, các Ngài khiển trách mà không ẩn ý khinh khi. Các
Ngài chỉ khiển trách vì lòng bi mẫn, muốn cải thiện người
lầm đường lạc nẻo. Những bậc vĩ nhân
được tất cả người lớn kẻ nhỏ khen tặng nhưng thản
nhiên, không hề chao động. Nhiều người thân cận
với Ðức Phật thường ca tụng phẩm hạnh Ngài, mỗi người
một cách. Upàli, một nhà triệu phú mới quy y với Ðức Phật,
kể ra hằng trăm đức tánh của Ngài. Chín hồng danh của
Ðức Thế Tôn thời bấy giờ người ta thường nhắc nhở,
chí đến nay hàng tín đồ Phật Giáo vẫn còn đọc lên như
kinh nhật tụng. Và mỗi lần tụng đến các phẩm hạnh cao
quý ấy chúng ta nhìn lên pho tượng trầm ngâm tự tại với
tấm lòng kỉnh mộ tôn sùng. Chín hồng danh ấy còn là đề
mục hành thiền cho người có tâm đạo nhiệt thành và vẫn
còn là nguồn gợi cảm quan trọng cho những ai tự xem mình
là Phật tử. Còn khiển trách thì
sao? Ðức Phật dạy:
"Người nói nhiều bị khiển trách. Người nói ít bị
khiển trách. Người lặng thinh cũng bị khiển trách." Hình như khiển trách
là phần di sản chung của nhân loại. "Người thế gian
phần đông sống không kỷ luật,"
Ðức Phật ghi nhận như vậy và dạy tiếp, "Như
voi chiến ở trận địa, hứng lãnh lằn tên mũi đạn từ
mọi hướng dồn dập bắn đến, cùng thế ấy, Như Lai hứng
chịu mọi nguyền rủa của thế gian."
Kẻ si mê lầm lạc chỉ
tìm cái xấu, cái hư của người khác mà không nhìn cái tốt
cái đẹp của ai. Ngoại trừ Ðức Phật, không ai trăm phần
trăm tốt. Cũng không ai xấu trăm phần trăm. Giữa chúng ta,
bên trong con người tốt nhất cũng có phần hư hỏng. Trong
con người xấu nhất cũng có điểm tốt đẹp. Người biết
làm câm như cái mõ bể khi bị tấn công, nguyền rủa, chửi
mắng, người ấy, Ðức Phật dạy, đã đứng trước Niết
Bàn, mặc dầu chưa chứng ngộ Niết Bàn. Ta có thể phục vụ
nhân loại với tấm lòng cao cả nhất, nhưng người thế
gian thường hiểu lầm và gán cho ta những mục tiêu, những
lý tưởng mà chính ta không bao giờ mơ đến. Ta có thể tận lực phục
vụ và giúp đỡ một người bạn trong cơn nguy ngập. Lắm
khi muốn được việc, ta phải vay nợ hay bán cả đồ đạc,
nhà cửa. Nhưng về sau, thế gian mê lầm nầy hư hỏng đến
đổi chính người được phục vụ kia trở lại phủ nhận
lòng tốt của ta, phiền trách, nói xấu, bôi bẩn ta và sẽ
thỏa thích thấy ta suy sụp. Trong Túc Sanh Truyện
có tích chuyện một nhạc sĩ tên Guttila, hết lòng dạy dỗ
các đệ tử và không bao giờ giấu giếm điều gì. Tuy
nhiên, có một người học trò vô ân bạc nghĩa nọ cố tình
làm đủ mọi cách để tranh giành ảnh hưởng với thầy. Về
sau người đệ tử nầy thất bại. Devadatta (Ðề Bà Ðạt
Ða), đệ tử, vừa là em họ của Ðức Phật, đã có thần
thông, không những cố gắng làm mất thanh danh của Ðức Thế
Tôn mà còn mưu toan sát hại Ngài bằng cách lăn đá từ đỉnh
núi cao xuống trong khi Ngài tới lui kinh hành dưới chân
núi. Một lần nọ có người
Bà La Môn cung thỉnh Ðức Phật về nhà trai tăng. Theo lời
thỉnh cầu, Ðức Phật đến. Nhưng thay vì tiếp đón phải
lẽ, người Bà La Môn tuôn ra một loạt những lời lẽ thô
kịch và nhơ bẩn vô cùng. Ðức Phật lễ độ hỏi thăm: -- Nầy Ông Bà La Môn,
có khi nào khách đến nhà Ông không? -- Có, Ông Bà La Môn trả
lời. -- Khi biết khách đến
nhà thì Ông làm gì? -- Tôi sẽ dọn một bữa
cơm thịnh soạn để đãi khách. -- Nhưng nếu khách bận
việc không đến thì sao? -- Thì gia đình chúng
tôi sẽ hoan hỷ chia nhau bữa cơm. -- Tốt lắm, nầy Ông
Bà La Môn, hôm nay Ông mời Như Lai đến nhà để trai tăng và
Ông đã khoản đãi Như Lai bằng những lời nguyền rủa chửi
mắng thậm tệ. Như Lai không nhận. Vậy xin Ông vui lòng lấy
trở lại. Ðức Phật không giận,
không trả thù, nhưng Ngài lễ độ trao trả lại người Bà
La Môn những gì người nầy đã khoản đãi Ngài. Không nên trả thù.
Không nên báo oán. Ðức Phật khuyên dạy như vậy. Hận thù
sẽ đối diện với hận thù. Báo oán, trả thù không bao giờ
đưa đến hoà bình và an tĩnh. Sức mạnh chắc chắn phải
đương đầu với sức mạnh. Bom đạn sẽ gặp bom đạn.
"Sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Chỉ có tâm
Từ mới diệt lòng sân." Ðó là giáo từ của Ðức Bổn
Sư. Không có vị giáo chủ nào được ca tụng và tôn sùng
như Ðức Phật. Tuy nhiên, Ngài cũng là vị giáo chủ bị chỉ
trích, bị khiển trách và bị sỉ vả nhiều nhất. Ðó là
số phần của các bậc vĩ nhân. Trước giữa đám đông,
một thiếu phụ tên Cincà giả làm người có mang, vu oan Ðức
Phật. Với gương mặt từ bi Ngài nhẫn nại chịu đựng những
lời nguyền rủa, và đức hạnh trong sạch của Ngài được
chứng minh tỏ rõ. Ðức Phật cũng bị vu
cáo là đã sát hại một thiếu phụ với sự đồng lõa của
các vị đệ tử. Lần kia những người
khác đạo chỉ trích Ngài và các môn đệ với lời lẽ nặng
nề đến độ Ðức Ànanda xin Ngài rời bỏ nơi đó để
qua một làng khác. -- Nầy Ànanda, nếu những
người ở làng kia cũng chửi mắng chúng ta nữa thì phải
làm sao? -- Kính Bạch Ðức Thế
Tôn, chúng ta sẽ sang một làng khác nữa. -- Nầy Ànanda, nếu
làm như thế toàn thể lãnh thổ của xứ Ấn Ðộ sẽ
không có đủ chỗ cho chúng ta. Hãy nhẫn nại. Những lời
nguyền rủa tự nhiên sẽ chấm dứt. Một bà thứ phi của
ông vua nọ tên Màgandiya, có nuôi mối hận thù với Ðức
Phật bởi Ngài tỏ ra không tôn trọng sắc đẹp mỹ miều
của bà khi, vì không biết, cha bà muốn gả bà làm vợ Ðức
Phật. Khi đi ngang qua quốc gia bà đang ở, Màgandiya thuê những
người say rượu công khai chửi mắng Ðức Phật vô cùng thậm
tệ. Với tâm Xả hoàn toàn Ðức Phật chịu đựng tất cả. Nhưng Màgandiya phải chịu
đau khổ vì hành động sai lầm của bà. Nguyền rủa, chửi mắng
là thường tình. Càng hoạt động, càng phục vụ, chúng ta
càng trở nên vĩ đại hơn và càng phải chịu sỉ nhục và
nguyền rủa nhiều hơn. Ðức Chúa Ky Tô bị chửi
mắng, nhục mạ và treo lên thánh giá. Socrates bị chính vợ
ông chửi mắng. Mỗi khi ra ngoài để phục vụ đồng bào
Ông Socrates thường bị bà vợ tâm tánh hẹp hòi của ông rầy
rà, la mắng. Ngày kia Bà Socrates lâm bệnh nên không thể thực
hành "công tác" rầy rà thường lệ. Hôm ấy Ông
Socrates ra đường với vẻ mặt buồn rầu. Bạn bè thăm hỏi
vì sao. Ông giải thích rằng vì hôm nay bà vợ ông đang bệnh
nên không có rầy ông. -- Sao lạ vậy? Ông phải
vui mới phải chớ. Không bị rầy, tại sao ông lại buồn? -- Không phải vậy đâu.
Khi bị rầy tôi được cơ hội để thực hành pháp nhẫn nại.
Hôm nay tôi đã mất một cơ hội. Vì lẽ ấy mà tôi buồn.
Trên đây là bài học quý báu cho tất cả. Khi bị chửi mắng
ta phải nghĩ rằng đây là cơ hội để hành pháp nhẫn nhục.
Thay vì tức giận, phải biết ơn người chửi mắng ta. Hạnh Phúc
và Ðau Khổ (Sukha và Dukkha) Hạnh phúc (sukha)
và đau khổ (dukkha) là cặp thăng trầm cuối cùng. Nó
cũng có nhiều năng lực nhất, ảnh hưởng đến đời sống
nhân loại. Ðiều gì làm được dễ
dàng là hạnh phúc (sukha). Cái gì khó chịu đựng là
đau khổ (dukkha). Thông thường, thỏa mãn điều mong
ước là hạnh phúc. Nhưng, liền khi vừa đạt được điều
mong ước ấy ta đã ước mong một loại hạnh phúc khác.
Túi tham không đáy. Lòng tham không bao giờ hoàn toàn thỏa
mãn, không bao giờ biết là đủ. Ðối với hạng người
thường, hưởng thọ những lạc thú của nhục dục ngũ trần
là hạnh phúc duy nhất và cao thượng nhất. Chắc chắn là
có hạnh phúc tạm bợ cấp thời trong lúc mơ ước, trong
khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại những khoái lạc ấy
mà người thiên về đời sống vật chất rất ưa thích. Nhưng
quả thật là ngắn ngủi và ảo huyền. Tư sản vật chất có
thể đem lại cho ta hạnh phúc thật sự không? Nếu có, các
nhà triệu phú hẳn không bao giờ nghĩ đến chuyện quyên
sinh. Trong một quốc gia nọ mà tiến bộ vật chất đã lên
đến mức tuyệt đỉnh, có khoảng mười phần trăm dân số
mắc phải những chứng bệnh thần kinh. Tại sao vậy? Tài sản và sự nghiệp
có đủ đem lại hạnh phúc thật sự không? Cầm quyền thống trị
toàn thể thế gian có phải là hạnh phúc thật sự không? Ðại Ðế Alexander, người
đã rầm rộ kéo quân vào Ấn Ðộ một cách hiên ngang,
hùng vĩ và vẻ vang, người đã chinh phục tất cả lãnh thổ
trên đường đi của mình, người ấy than rằng không tìm
đâu ra một quốc gia nào khác để chinh phục. Các vị đế vương, các
vì vua đang còn đội mão, các vị ấy có luôn luôn hạnh
phúc không? Ðời sống của các nhà lãnh đạo chánh trị
và các nhà lãnh đạo quốc gia rất thường bị các phe đối
nghịch lăm le hăm dọa. Cái chết của Mahatma Gandhi và của
Tổng Thống J.F. Kennedy là một vài trường hợp điển hình. Chân hạnh phúc nằm
bên trong chúng ta và không thể được định nghĩa bằng những
danh từ như tài sản, quyền thế, danh vọng, hay chinh phục
xâm lăng. Nếu những tư hữu trần
tục kia được thâu đoạt bằng bạo lực, cường quyền,
hay bằng một phương tiện bất công nào khác, hoặc theo một
chiều hướng sai lầm, hoặc nữa, được nhìn với cặp mắt
trìu mến hay tham lam, thì nó sẽ là nguồn đau khổ và sầu
muộn cho chính người làm chủ nó. Cái gì là hạnh phúc cho
người nầy có thể không phải là hạnh phúc cho người
kia. Cái gì là thức ăn chất uống cho một người có thể
là thuốc độc cho người khác. Ðức Phật kể ra bốn loại
hạnh phúc của người tại gia cư sĩ. Loại đầu tiên là hạnh
phúc được có tư hữu (atthi sukha) như sức khoẻ, tài
sản, sống lâu, sắc đẹp, vui vẻ, mạnh mẽ, sự nghiệp,
đông đảo con cháu v.v... Nguồn hạnh phúc thứ
nhì là thọ hưởng những tư hữu ấy (bhoga sukha). Thông
thường ai cũng muốn thọ hưởng, ai cũng ưa vui thích. Ðức
Phật không bao giờ khuyên dạy rằng tất cả mọi người nên
từ khước hạnh phúc trần gian và rút vào sống ẩn dật
chốn rừng sâu vắng vẻ. Thọ hưởng tài sản
không phải là chỉ dùng nó cho riêng mình, mà cũng là bố
thí ra để tạo an lành cho người khác. Cái gì mà ta ăn chỉ
tồn tại nhất thời. Cái gì mà ta tích trữ, ta sẽ bỏ lại,
và ra đi. Nhưng, cái gì mà ta cho ra sẽ trở lại với ta. Những
hành động thiện mà ta làm với những tư hữu trần tục sẽ
tồn tại lâu dài, không thể mất. Không nợ nần (anana
sukha) là một nguồn hạnh phúc khác. Nếu tri túc, biết
an phận với những gì mình có và nếu ăn ở kiệm cần, ta
sẽ không nợ nần với ai. Người mang nợ luôn luôn sống
trong tâm trạng thấp thởm lo âu và nơm nớp sợ chủ nợ.
Nếu không nợ nần, mặc dầu nghèo, ta vẫn cảm nghe thoải
mái dễ chịu và thơ thới trong lòng. Nếp sống trong sạch (anavajja
sukha), hay hạnh phúc của người không đáng bị khiển
trách, là nguồn hạnh phúc cao thượng nhất của người cư
sĩ. Người có đời sống trong sạch là một nguồn phước
báu cho mình và cho kẻ khác. Người trong sạch được tất
cả khâm phục. Người ấy cảm nghe hạnh phúc vì nằm trong
phạm vi ảnh hưởng của những rung động an lành mà nhiều
người khác gởi đến mình. Tuy nhiên, ta phải ghi nhận rằng
rất khó, vô cùng khó, mà được tất cả mọi người khâm
phục. Người có tâm tánh cao quý chỉ biết giữ mình để
sống đời trong sạch và thản nhiên trước dư luận. Phần đông thỏa thích
trong sự thọ hưởng những lạc thú của đời sống. Nhưng
cũng có hạng người thỏa thích trong sự từ khước, buông
bỏ các lạc thú ấy. Không luyến ái, hay vượt lên trên mọi
khoái lạc vật chất, là hạnh phúc đối với người đạo
đức. Hạnh phúc Niết Bàn -- tức trạng thái thoát ra khỏi
mọi đau khổ -- là hình thức hạnh phúc cao thượng nhất. Chúng ta vui vẻ đón mừng
hạnh phúc. Nhưng đau khổ thì không được niềm nở tiếp
nhận. Ðau đớn (vật chất)
và phiền muộn (tinh thần) đến với ta dưới nhiều hình
thức. Chúng ta đau khổ khi phải
chịu già yếu, đó là lẽ tự nhiên. Phải bình thản chịu
đựng những khổ đau của tuổi già. Càng đau khổ hơn hoàn
cảnh già nua, là bệnh hoạn. Và nếu là một chứng bệnh
trầm kha làm đau nhức lâu ngày, ta sẽ cảm thấy thà chết
còn hơn. Chỉ một cái răng đau hay một lúc nhức đầu, đôi
khi cũng làm cho ta vô cùng khó chịu. Khi lâm bệnh, không
nên lo sợ mà phải cố gắng chịu đựng. Ðúng vậy, phải
tự an ủi rằng ta khỏi phải mang một chứng bệnh trầm trọng
hơn. Lắm khi chúng ta phải
xa lìa thân bằng quyến thuộc. Cảnh biệt ly vô cùng đau khổ.
Chúng ta phải nhận định rằng mọi kết hợp đều phải
chấm dứt trong cảnh biệt ly. Ðây là cơ hội quý báu để
ta thực hành tâm Xả. Một việc thường xảy
ra là chúng ta phải kết hợp với người mình không ưa thích,
sống chung với người mà ta ghét. Phải cố gắng chịu đựng
và nghĩ rằng mình đang gặt hái quả xấu của một cái
nghiệp nào mà chính mình đã tạo, hoặc trong quá khứ, hoặc
trong hiện tại. Chúng ta phải cố gắng tự tạo cho mình một
nếp sống thích hợp với hoàn cảnh mới và, bằng cách nầy
hay cách khác, phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại. Chí đến Ðức Phật,
đấng toàn thiện đã tận diệt mọi ô nhiễm, mà còn phải
chịu đau đớn vì bệnh hay vì tai nạn. Ðức Phật nhiều lần
bị nhức đầu. Chứng bệnh kiết lỵ sau cùng làm cho Ngài
đau đớn không xiết kể. Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða) lăn đá
từ đỉnh núi cao gây thương tích cho Ngài ở chân phải mổ.
Lắm lúc Ngài phải nhịn đói. Ðôi khi Ngài phải dùng thức
ăn dành cho ngựa. Một lần nọ, vì các đệ tử không vâng
lời, Ngài vào rừng ở ba tháng. Giữa rừng sâu Ngài phải
nằm trên một lớp lá ủ, trải trên mặt đất gồ ghề thô
cứng và phải đối phó với những cơn lạnh buốt xương.
Nhưng Ngài vẫn thản nhiên. Giữa những hoàn cảnh đau khổ,
cũng như những lúc an vui hạnh phúc Ðức Phật luôn luôn giữ
tâm Xả hoàn toàn. Trên bước thênh thang
trong vòng luân hồi, chết là mối ưu phiền trọng đại nhất
mà chúng ta phải đối phó. Ðôi khi cái chết không đến lẻ
loi cho một người thân mà đến trùng hợp cho nhiều người
thân trong một lúc. Bà Patàcara mất một
lúc bao nhiêu người thân thuộc: cha, mẹ, chồng, anh, và hai
con. Bà trở nên loạn trí. Ðức Phật khuyên giải và an ủi
bà. Bà Kisà Gotami mất người
con thân yêu duy nhất. Tay bồng con, bà chạy đi tìm thuốc
chữa trị và đến cầu cứu với Ðức Phật. -- Ðược, con có thể
tìm ra một vài hột cải không? -- Bạch Ðức Thế
Tôn, con sẽ tìm ra hột cải, chắc như vậy. -- Nhưng hột cải nầy
phải lấy từ trong nhà nào mà chưa từng có ai chết. Hột cải thì có. Nhưng
bà không tìm ra nơi nào mà thần chết chưa hề đến viếng. Bà tỉnh ngộ và nhận
thức bản chất thiên nhiên của kiếp sinh tồn. Một lần nọ bà kia
được người ta hỏi tại sao không khóc cái chết thê thảm
của người con. Bà trả lời: "Không ai mời mọc, nó đến.
Không cho ai hay, nó đi. Ðến thế nào, nó ra đi cùng thế
ấy. Tại sao ta khóc? Khóc có ích gì? Từ cành cây có nhiều
trái rơi rụng -- trái non có, trái già có, trái chín có --
cùng thế ấy, ta có thể lìa đời lúc sơ sinh, lúc thiếu
niên, lúc tráng niên, hay khi niên cao tuổi lớn. Mặt trời mọc
ở phương Ðông chỉ để lặn ở phương Tây. Hoa nở tốt
tươi buổi sáng để úa tàn vào lúc chiều. Cái chết không thể
tránh, đến với tất cả mọi người, không trừ ai. Và ta
phải bình thản đối phó. "Cũng như trên đất
ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu
sạch, dầu dơ. Ðất vẫn thản nhiên một mực trơ trơ, không
giận cũng không thương. Vậy, cùng thế ấy, trong hạnh
phúc, trong phiền muộn, lúc thăng lúc trầm, ta phải giữ
tâm như đất." Ðức Phật dạy như vậy. Trước những thăng trầm
của thế gian, tâm của vị A La Hán không bao giờ chao động.
Giữa những hoàn cảnh được và thua, danh thơm và tiếng xấu,
ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, chúng ta
hãy giữ tâm bình thản. -ooOoo- Chân thành cám ơn Bác
Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản điện tử (Bình Anson, 05-2002) [Trở
về trang Thư Mục]
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Phạm Kim Khánh dịch
Trong khi nghe lời chỉ trích người khác, ta phải làm như
người điếc.
Trong khi nói xấu người khác, ta phải làm như người câm.
Không thể chấm dứt những lời buộc tội, những tường
thuật hay đồn đãi sai lầm.
Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới.
Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên
Nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm.
Hãy vững bước, đơn độc một mình, như con tê
giác."
Một thân một mình, chúng ta sẽ ra đi.
Trong thế gian nầy, không luyến ái là hạnh phúc.
updated: 09-05-2002