|
Thiền Quán và Tâm Thức
Jack Kornfield
Nguyễn Duy Nhiên dịch
Mục Lục
Lời Giới Thiệu
Nghiên Cứu và Tìm Hiểu Về Thiền
Kinh Nghiệm Trong Một Khóa Tu Thiền Quán
Những Tầng Lớp Thiền Quán
Những Biến Ứng Phụ
Những Kinh Nghiệm Giác Ngộ
Con Đường của Thiền Định
Một Số Câu Hỏi và Suy Tư |
-ooOoo-
Lời người dịch
J ack Kornfield là một trong những sáng lập viên của Insight
Meditation Society tại Barre, Massachusetts. Ông là vị thầy giáo thọ sáng
lập trung tâm Spirit Rock tại Woodacre, California, và hiện giờ ông
đang sống và giảng dạy ở nơi
đây. Ông Kornfield cũng đã viết nhiều
quyển sách về thiền tập như là: Seeking the Heart of Wisdom, A
Still Forest Pool, Stories of the Spirit, Stories of the Heart,
trong đó có quyển national bestseller:
A Path with Heart và After the Ecstasy the Laundry
Dưới đây là bài nghiên cứu và nói
chuyện của ông về đề tài Thiền Phật
Giáo và Tâm Thức Học (Buddhist Meditation and Consciousness Research)
mà ông đã trình bày tại Institute of
Noetic Sciences, tại Sausalito, CA.
Nhận thấy bài nghiên cứu của ông có trình bày những nhận xét và chia sẻ
một số kinh nghiệm thiền tập rất sâu sắc, nên xin
được phỏng dịch và gửi
đến các bạn. Trong bài dịch tôi có
chọn lọc và bỏ đi những đoạn giới thiệu Phật
giáo dành riêng cho các thính giả Tây Phương. Hy vọng những kinh
nghiệm thực tập của ông chia sẻ trong bài nói chuyện này sẽ mang lại cho
chúng ta một niềm tin và soi sáng được một số
vấn đề trong sự thực tập của chính mình.
Nguyễn Duy Nhiên
-ooOoo-
Lời Giới Thiệu
T ôi xin được phép trình bày
qua một chút về quá khứ và kinh nghiệm của tôi. Tôi tốt nghiệp
đại học Dartmouth College với chứng chỉ chuyên
môn về nghiên cứu Trung Hoa và Á Châu, cùng với ngành triết học Phật giáo.
Sau đại học, tôi gia nhập Peace Corps vào
giữa thập niên 1960. Tôi xin được đi đến
những quốc gia Phật giáo vì tôi muốn học hỏi thêm về Phật học. Tôi
đến Thái Lan, và rồi xuất gia, và
đi tu học tại nhiều tu viện khác nhau ở Thái
lan, Miến điện, Ấn độ và Tích lan. Sau khi trở lại Mỹ, tôi lái taxi
ở Boston, đi làm trong một bệnh viện
tâm thần, và vừa đi học thêm môn tâm
lý học. Tôi tốt nghiệp bằng cao học ở đại học
Antioch College, và bằng tiến sĩ chuyên môn về Tâm lý học Thực hành
(Clinical Psychology). Luận án tiến sĩ của tôi có liên quan về những hiện
tượng của thiền Quán.
Tôi đã có dịp sống trong một tu
viện ở giữa rừng sâu, mà sự tu tập được đặt
trên ba yếu tố chủ yếu sau đây. Yếu tố
thứ nhất là một sự đơn giản tuyệt đối.
Ta chỉ có một chiếc y và một bình bát. Mỗi sáng bạn ôm bình bát
xuống làng và mang về ăn bất cứ những gì
mà người ta cúng dường bạn. Bạn sống trong một ngôi chòi nhỏ thô sơ ở giữa
rừng, với vài quyển sách. Một phần của sự tu tập là giữ cho mình tĩnh
lặng, và ý thức rằng ta không cần đến những
thứ bình thường vây quanh ta hằng ngày, mà ta nghĩ rằng chúng sẽ
mang đến cho mình hạnh phúc. Yếu tố
thứ hai là một hình thức từ bỏ. Chúng tôi có 227 giới lớn và 500 luật nhỏ
phải giữ. Có những giới luật dường như không còn thích hợp và có ý nghĩa
nữa sau hơn hai ngàn năm, nhưng chủ đích là
giữ cho ta thực tập chánh niệm. Ta phải ôm bình bát như thế này, ta phải
đắp y như thế kia. Mỗi hành
động đều là một sự thực tập
để phát triển chánh niệm. Và phần thứ
ba là thực tập thiền quán. Ta thực tập giữ cho mình tĩnh lặng, và bắt
đầu quan sát những hoạt động của tâm ý, nhất
là những tâm ý nào mang ta ra khỏi giây phút hiện tại, và giữ cho
ta không có mặt trọn vẹn được với sự sống này
Sau thời gian tu tập trong rừng, tôi đi
đến một tu viện và học với một thiền sư Miến
điện nổi tiếng, ngài tên là Mahasi
Sayadaw. Trong tu viện này, đặc biệt là
các thiền sinh chỉ chú tâm duy nhất vào sự thiền tập
đơn độc cá nhân. Ngoài những chuyện
lặt vặt khác, phần lớn tôi đã sống
khoảng 13 hay 14 tháng trời một mình trong một căn
phòng, thực tập ngồi thiền và đi kinh
hành. Mỗi sáng tôi im lặng đi lấy thực
phẩm chỉ một lần. Vào mỗi một hay hai ngày, tôi rời phòng
đi gặp vị thầy của tôi khoảng 15 phút để trình
pháp, nói về sự thực tập của mình. Ngoài những việc ấy thì tôi lại ngồi
thiền một tiếng, đi kinh hành một
tiếng, ngồi một tiếng, đi một tiếng, từ 18
đến 20 tiếng mỗi ngày. Nói chung thì sự thực tập chánh là làm cho
mình an tĩnh lại, chú ý đến bất cứ việc gì
khởi lên và đặt tên cho nó. Sợ hãi,
ham muốn, run sợ, toàn thân tan rã, cô đơn,
hơi thở thanh nhẹ - ta chỉ đơn giản nhận diện và gọi tên nó, mỗi
lúc một rõ rệt và chính xác hơn, vừa khi chúng mới khởi lên. Những tháng
đầu thực tập sẽ là những cơn bão lớn
của cảm xúc, lẽ dĩ nhiên là vậy, nhưng mục
đích của sự thực tập là làm sao ta có thể bắt
đầu nhìn vượt qua khỏi những hình
tướng bên ngoài của những kinh nghiệm thuộc giác quan,
để thấy được chân tướng của mọi hiện tượng
trong cuộc đời.
Và có thời gian tôi tu tập với một vị tu sĩ trong một tu viện, thực tập
theo phương pháp thiền định tập trung vào
bộ tim, như là tụng niệm, trì chú, quán tưởng, quán tâm từ… mỗi ngày từ
sáng cho đến khuya. Tôi sẽ trình bày
thêm về kinh nghiệm này sau.
Ở một tu viện khác, tôi thực tập về một phương pháp quán chiếu, có
nghĩa là thay đổi cái tiến trình nhận
thức và suy nghĩ của mình, như là cứ tự hỏi mình, lặp
đi lặp lại câu hỏi ấy để quán chiếu. Nói
chung thì tôi đã có dịp thực
tập qua nhiều pháp môn khác nhau, và tôi trình bày tuy ngắn gọn, nhưng tôi
nghĩ nó có thể giúp quý vị hiểu hơn về những gì tôi sắp chia sẻ.
-ooOoo-
Nghiên Cứu và Tìm Hiểu Về Thiền
P hần lớn thì những tìm hiểu và nghiên cứu về thiền của chúng ta
ở xứ sở này còn rất ấu trĩ. Lúc ban đầu,
người ta chỉ chú trọng nhiều về những đo lường có liên quan
đến các hiện tượng sinh tâm lý. Đa số những
nghiên cứu ấy có giả định cho rằng
thiền chỉ có một trạng thái duy nhất, và
đó là một giả
định rất sai lầm. Thật ra có đến hằng trăm
hay hằng ngàn các trạng thái thiền
định khác nhau. Chúng ta không thể nào nói rằng mình biết
đại dương là gì khi ta chỉ nhìn thấy
một khoảng nhỏ của vịnh San Francisco Bay. Thiền có nhiều trạng thái khác
nhau, chúng được khơi lên qua nhiều
đường lối khác nhau, chúng có đủ loại màu
sắc, đặc tính, tầng cấp và ảnh hưởng
khác nhau.
Và, thiền không nhất thiết phải phát triển theo một
đường thẳng, mặc dù ở
đây tôi sẽ trình bày theo một mô hình
thẳng cho dễ hiểu. Và bây giờ điều đầu tiên
hết, trước khi ta tìm hiểu sâu hơn về vấn đề
nghiên cứu thiền, ta nên thử nhìn sơ qua tấm bản
đồ căn bản của nó. Những trạng thái chánh của
thiền là gì? Những con đường nào
dẫn ta đến các trạng thái ấy? Chúng có những
liên hệ gì với nhau? Và từ đó ta sẽ có
thể tìm hiểu thêm về những trạng thái cũng như ảnh hưởng của chúng
trên một bình diện dài lâu và thâm sâu.
-ooOoo-
Kinh Nghiệm Trong Một Khóa Tu Thiền Quán
T ôi xin được trình bày
đến quý vị về kinh nghiệm của ba tháng thiền
quán Vipassana, cũng như nêu lên một số vấn
đề cho những bạn nào thích tìm hiểu,
nghiên cứu về thiền quán.
Thường thì mỗi khóa tu ba tháng như vậy có khoảng chừng một trăm
người tham dự. Tất cả cùng phát nguyện giữ thinh lặng trong vòng ba
tháng – chỉ được phép nói chuyện với vị thầy
mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút trong giờ trình pháp. Các thiền sinh
tinh tấn thực hành thiền tập: ngồi thiền một tiếng,
đi kinh hành một tiếng, ngồi một
tiếng, lại đi một tiếng, và cứ tiếp
tục như vậy, mỗi ngày từ khi thức dậy lúc 5 giờ sáng, cho
đến khi đi ngủ vào lúc 10 giờ tối,
hoặc có khi là nửa đêm. Thiền sinh chỉ
nghỉ vào giờ ăn trong chánh niệm, cũng như
lúc tắm rửa, mọi công việc đều được làm với một ý thức rõ ràng
trong suốt ngày.
Và việc gì sẽ xảy ra khi người ta thực tập như thế?
Đầu tiên hết là sẽ có
đủ mọi những kinh nghiệm rất sâu sắc xảy ra
trong thân, và đôi khi, là
những trường hợp chữa lành bệnh rất kỳ diệu. Khi ta ngồi giờ này sang giờ
khác và thật sự chú ý đến những gì xảy
ra trong cơ thể của mình, thân ta sẽ bắt đầu
thư giãn và mở ra. Và những chuyển hóa sâu sắc nhất sẽ tự nhiên xảy
ra mà không cần ta phải làm gì hết, chỉ đơn
giản chú ý đến cái tiến trình của nó. Tôi
đã từng thực hành nhiều phương pháp,
cách thức trị liệu cơ thể khác nhau, nhưng chưa có phương cách nào lại có
thể so sánh với cái năng lượng chuyển hóa của
thiền quán, phát xuất từ bên trong, khi ta ngồi trong chánh niệm
liên tục nhiều ngày như vậy. Sẽ có một sự tháo gỡ những gút mắt trong thân
xảy ra. Sẽ có những động tác cơ thể tự nhiên
phát khởi, có những trường hợp thiền sinh tự nhiên uốn thân vào những tư
thế du-già đặc biệt. Có người cảm thấy như có
lửa hay sự lạnh buốt di chuyển trong thân. Những trạng thái ấy thường được
các thiền sinh diễn tả như là những luồng năng
lượng của các luân-xa theo Ấn độ giáo, hoặc như là những
đường kim châm cứu. Và chính những
phương pháp của các vị như Jon Kabat-Zinn, Joan Borysenko và Stephen
Levine cũng đã
đặt nền tảng trên nguyên lý rằng thiền
chánh niệm có thể làm khơi động một năng
lượng trị liệu rất sâu sắc. Giáo sư Herbert Benson của đại học Harvard
cũng đã thử nghiệm trên các vị sư Tây tạng, cho thấy rằng các vị ấy
có thể dùng thiền định để khiến cơ thể phát
ra một nhiệt lực rất mạnh, điều này cho ta thấy chúng có thể kiểm
chứng được.
Và cũng có một sự bùng vở trong lãnh vực cảm xúc xảy ra. Chúng có thể
là những cơn bão của hạnh phúc, ưu sầu, cô
đơn, sợ hãi, hoặc hỷ lạc… trôi ngang qua ta biến
đổi như thời tiết, và cũng có thể
chúng ở lại ngay trong thân ta một thời gian. Có một phương pháp giúp ta
nhận diện và tiếp xúc với những cảm giác ấy, những ký ức và cảm xúc trong
thân, danh từ Phật học gọi là các tâm hành (samskaras), ở những nơi khác
nhau trong thân mình. Trong thiền quán, ta có thể chọn một nơi nào có
nhiều vấn đề trong thân, và
đặt sự chú ý của mình vào nơi
đó trong một thời gian. Khi sự chú ý của ta
kiên trì đúng mức, nó sẽ dần dà
khai mở được hết những ký ức, hình ảnh
và ý niệm mà nó hằng ôm giữ chặt ở đó. Và
cuối cùng, tất cả những gút mắt ấy trong thân sẽ
được tháo gỡ và cởi mở ra hết. Chúng
có thể là những gì mà bạn đã hằng mang
giữ trong bạn suốt đời mình, nếu không
nói là nhiều kiếp trước nữa. Và sự thực tập này cũng khơi lên một số vấn
đề khá thú vị khác nữa.
Một Vài Vấn Đề Thú Vị
Trong những khóa tu, một điều kiện giúp
cho những sự khai mở này có thể xảy ra
được là một môi trường nghiêm túc và thích hợp. Môi trường ấy giúp
tạo nên một hoàn cảnh, một không gian an toàn cho một sự khai mở sâu thẳm.
Điều ấy rất quan trọng, những không gian nghiêm
túc trong những khóa tu nhất thiết cần phải
được ghi nhận và duy trì.
Và thường thường, các thiền sinh cũng có thêm những kinh nghiệm kế tiếp
sau đây, mà tôi gọi là lịch sử cá
nhân (personal history). Nhiều người có những kinh nghiệm về quá khứ
của mình rất là sâu xa. Ví dụ, có người khi vào gặp tôi
để trình pháp họ nói rằng, "Hôm nay,
đến giờ ăn trưa tôi đi xuống phòng
ăn. Trong khi nhai đột nhiên tôi thấy
mình trở lại thành một đứa bé một tuổi. Tôi
thấy mình đang ngồi đó cầm chiếc muổng
và đập mạnh xuống bàn." Trong
thiền quán, những hình ảnh hoặc ý niệm quan trọng về những cảm nhận của ta
đối với chính mình hoặc người khác,
chúng sẽ khởi lên. Như tôi đã trình
bày, các thiền sinh thường hay có những kinh nghiệm về ký ức thời ấu thơ
của mình, ngay cả trước khi biết nói, họ thấy rất rõ
được cơ thể của mình cảm xúc như thế
nào trong những tháng đầu đời, những bước
chân chập chững tập đi có cảm giác ra sao, những mùi vị của món
ăn đầu tiên. Và trong thời gian trở về
quá khứ này, sẽ có những vấn đề khó khăn,
những nội kết mà chúng ta đã vô
ý thức ôm giữ nó trong thân, trong tâm và tình cảm của mình từ bấy lâu
nay. Chúng sẽ tự nhiên sàng lọc lại, khởi lên và muốn
được ghi nhận. Và có một câu hỏi
được đặt ra ở đây mà tôi nghĩ chúng ta
cần nên tìm hiểu thêm. Chúng ta có thể tin tưởng rằng mọi việc sẽ
được khai mở một cách có lớp lang và
thứ tự chăng? Chúng ta có cần phải trực tiếp
hướng dẫn những cảm xúc ấy, hay ta để cho chúng khai mở tự nhiên và
chỉ cần tạo một không gian và điều kiện thích
hợp thôi là đủ rồi?
Sơ Định, Cánh Cửa Hạnh Phúc
Và cuối cùng hết, thiền sinh sẽ đi đến một
kinh nghiệm gọi là sơ định hay là
định cận hành (access concenrattion).
Sơ định là một cánh cửa mở rộng ra cho
ta bước vào con đường giải thoát và
hạnh phúc. Tâm ta lúc này đã
được yên.
Đến giai đoạn này, trong thân ta không còn một gút mắt hoặc
đau đớn nào nữa hết, những cảm xúc
mãnh liệt cũng giảm bớt đi, những tư tưởng
thương, ghét, quá khứ, tương lai cũng từ từ chậm lại. Không còn
những dính mắc nữa, tâm ta sẽ cảm thấy thật yên và hạnh phúc. Những tư
tưởng vẫn sẽ tiếp tục khởi lên, nhưng ta không còn bị dính mắc và bị chúng
lôi kéo nữa. Ta sẽ có khả năng theo dõi
được những tư tưởng của mình khởi lên
và rồi qua đi. Thật ra, bạn sẽ có thể cảm
nhận được một cảm giác nhẹ trong thân trước khi có một tư tưởng khởi lên,
cũng giống như một bong bóng nước trồi lên mặt. Bạn có thể biết rằng có
một tiến trình tư tưởng đang phát khởi từ
phần tiềm thức (unconsciousness) và đi
qua phần ý thức (consciousness). Lúc này, bạn có
đủ sự tĩnh lặng để thấy được tiến trình
của nó, thay vì bị dính mắc vào phần nội dung của nó.
Giai đoạn này gọi là sơ
định, hay là cận hành
định. Đến giai đoạn này bạn sẽ có
được một niềm tin rất lớn trên con
đường tu tập, vì bạn có thể nhìn và
tiếp xúc được với mọi sự việc một cách mới
mẻ, như chưa từng có bao giờ.
-ooOoo-
Những Tầng Lớp Thiền Quán
Định là điều kiện đầu tiên
Định, hay tập trung, là một cây chìa khoá quan trọng trong thiền tập.
Khi ta có định, nó có nghĩa là tâm ta đã được vững vàng, tự chủ và có mặt,
và nhờ vậy mà tâm ta cũng trở nên mềm mỏng hơn. Ta có thể hướng dẫn nó
hoặc uốn nắn nó theo ý. Ta có thể đặt tâm mình ở nơi này thì nó nằm yên ở
nơi này, hoặc đặt ở nơi kia và nó cũng
sẽ nằm yên ở nơi kia. Ta cũng có thể mở rộng nó ra hoặc thu
đóng nó lại. Nói một cách khác, tâm ta lúc ấy
cũng giống như một lăng kính của máy chụp hình xa, ta có thể
điều khiển nó để nhìn gần hoặc xa tùy
theo ý muốn. Và cũng có một vấn đề thú vị
khởi lên, có liên quan đến những
phương cách mà có thể giúp ta đạt đến
một trạng thái tâm thức mềm dẽo này.
Những Cảm Nhận Giác Quan Biến Đổi
Và bây giờ, khi tâm ta được an tĩnh và
tập trung, thường thường ta sẽ cảm nhận có một sự hỷ lạc và ánh sáng. Có năm
trạng thái hỷ lạc. Từ những cảm giác lâng lâng nhẹ, thấy một màn
ánh sáng mờ, cho đến những vầng sáng chói
chan (như có ai dọi đèn pha vào mắt bạn), hoặc cảm thấy thân mình
tan rã vào ánh sáng. Đôi khi trạng thái hoan
hỷ ấy mãnh liệt đến mức có thể làm
bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu, cũng như một
cảm giác sung sướng quá độ và kéo dài quá lâu. Nếu quý vị muốn tìm
hiểu thêm về những trạng thái này, chúng ta cũng có những tài liệu trình
bày rất rõ.
Những giác quan của bạn cũng bắt đầu biến
đổi khi bạn đạt đến một trạng thái định này. Khứu giác của bạn trở
nên tinh tế hơn. Tôi còn nhớ thời gian tu tập trong một tu viện, lúc ấy
tâm tôi được rất an tĩnh, một buổi sáng tôi
ôm bình bát xuống làng khất thực. Tôi chợt cảm thấy mình có giác
quan bén nhạy như một con chó. Thường ngày khứu giác của tôi rất tệ, nhưng
buổi sáng hôm ấy, trong mỗi một hay hai bước chân, tôi ngữi
được một mùi mới khác nhau. Họ nấu món
này ở phía bên đây, họ đang nấu món nọ ở phía
bên kia. Có mùi khai ở chỗ này, có con vật gì chết ở nơi kia. Tôi
hoàn toàn sống trong một thế giới tâm thức của thần kinh khứu giác.
Thị giác hoặc thính giác của bạn cũng biến
đổi, bạn có thể lắng nghe được những âm thanh, tiếng động hết sức vi tế mà
bạn chưa từng nghe bao giờ, hoặc nhìn thấy những vật rất nhỏ li ti. Tôi
tin rằng những sự khai mở này của giác quan có thể
đo lường được, vì vậy chúng ta có thể
nghiên cứu và tìm hiểu thêm về chúng.
Một sự ngẫu nhiên là luận án tiến sĩ của tôi cho
đại học Saybrook Institute, một phần là
trình bày những kinh nghiệm mà hành giả có
được trong thiền tập - chúng có thể là những cử
động tự nhiên vô ý thức, hoặc cảm nhận
về cơ thể biến đổi hay nhận thức thay đổi.
Tôi ví dụ, nếu bạn bước đi trong khi mình
đang ở trong một trạng thái định sâu, căn phòng
này có thể cảm thấy như một chiếc tàu lắc lư hay là bốn bức tường như ngả
nghiêng. Bạn có thể cảm thấy không biết mình nên
đặt chân xuống nơi nào. Thế cho nên,
những nhận thức giác quan của ta cũng bị thay
đổi, nhiều khi là song song với cảm nhận biến
đổi của cơ thể. Thường thường, người ta hay
có những nhận xét như là: "Tôi có cảm giác như mình
đang bay bổng", "Tôi cảm thấy như một tảng
đá", "Thân tôi như hóa thành mặt trời và sức nóng", "Thân tôi lạnh
cóng như băng và tôi cảm thấy như
tuyết giá."
Con Đường của Định
Ở thời điểm này, có một vấn
đề khởi lên là ta sẽ chọn
để tiếp tục con đường thiền tập của mình
như thế nào. Và đây cũng chính là một
tuệ giác quan trọng của đức Phật. Một sự lựa
chọn là ta cứ tiếp tục tập trung vào một
đối tượng duy nhất, đó có thể là hơi
thở của mình, ánh sáng của một ngọn nến, hay là một hình quán tưởng nào
đó. Và nếu bạn tiếp tục tập trung vào
một đối tượng duy nhất, bạn có thể đi sâu hơn
vào trạng thái định an tĩnh, hay an
chỉ định, và nơi đây cũng vậy, cũng có
những tầng lớp thiền và trạng thái tâm thức khác nhau, khi ta trở
thành là một với đối tượng mà mình
quán tưởng.
Đây là những trạng thái rất là huyền diệu và hấp dẫn, chúng tràn ngập
niềm vui, hạnh phúc, nhẹ nhàng, hỷ lạc, của một bầu không gian và một trời
tâm thức vô biên. Chúng đôi khi còn được gọi là cõi thiên trú, tức là
những nơi cư ngụ của các vị trời. Nhưng trạng thái này cũng vẫn còn có một
giới hạn, vì tuy rằng ta có một kinh nghiệm về mình như là một không gian
hoặc một tâm thức vô biên, nhưng vẫn còn có một người, một cá nhân nào
đó làm chủ thể. Vì vậy cho nên, tuy
một vị trời có thể sống hằng tỷ năm - điều này
cũng có nghĩa là những trạng thái tâm thức này hiện hữu trên một bình diện
thời gian khác - nhưng cuối cùng rồi thì nó cũng sẽ chấm dứt. Và rồi ta
trở lại với thế giới của sanh tử, sau khi hết thời hạn ở cõi trời ta lại
trở về với thế giới của ngạ quỷ hay một nơi nào
đó, tùy theo nghiệp quả hoặc sự ham
muốn của mình dẫn dắt.
Tôi sẽ nói thêm về những tầng định sau.
Con Đường Của Quán
Và một con đường khác mà ta có thể
chọn vào lúc này, giai đoạn đầu của sơ thiền,
là ta không cần phải trở thành làm một với
đối tượng thiền tập của mình.
Đây là những con
đường của thiền quán vipassana, zen và
những pháp môn tương tự, mà tôi nghĩ có lẽ một vài phương pháp chú tâm của
Gurdjeff cũng thuộc vào loại này. Theo phương pháp của thiền quán, ta chỉ
cần quan sát và theo dõi sự phát sinh và mất
đi của mọi hiện tượng, mà không tập trung hoặc trói buộc sự chú ý
của mình vào bất cứ một đối tượng nào
duy nhất hết.
Những Tầng Lớp của Tuệ Giác trong Thiền Quán
Khi tâm mình được tĩnh lặng và khi
bạn thật sự chú ý đến tiến trình của
thân và tâm, sẽ có một chuỗi sự kiện rất thú vị xảy ra. Chuỗi sự kiện ấy
xảy ra không theo thứ tự của một đường thẳng,
nhưng tôi nghĩ cách dễ nhất là ta hãy diễn tả chúng như một
đường thẳng. Trước hết, ta sẽ có một tuệ giác
về danh sắc, hay thân-tâm (body and mind). Khi bạn có chánh niệm và
chú ý thật kỹ, bạn sẽ nhận thấy rằng trong mỗi giây phút, sẽ có một kinh
nghiệm vật lý của nó (sắc) - ví dụ như ta cảm nhận hơi thở của mình - và
tiếp theo là một ý nghĩ, ý tưởng hay là đặt tên
cho nó (danh) - "Ồ, đó là hơi thở
vào". Bạn sẽ bắt đầu có thể tách rời, và
phân biệt được giữa những sự kiện nơi tâm
(danh) và những sự kiện nơi thân (sắc). Những sự kiện danh-sắc hay
thân-tâm ấy, chúng liên hệ rất mật thiết với nhau, nhưng chúng vẫn có thể
phân biệt được. Và từ
đó, một thế giới dường như rất rắn đặc của
những giác quan và của một cái tôi sẽ bắt
đầu tan rã. Lúc ấy bạn sẽ thấy
được rằng, cái tôi của mình
đơn giản chỉ là những giây phút của
một kinh nghiệm vật lý cùng với những phản ứng tâm thức
đối với kinh nghiệm ấy. Và tất cả chỉ
giản dị là có vậy thôi. Một sự khởi lên của một cặp
đôi. Trong kinh đôi khi còn gọi
đây là tuệ giác về phân biệt danh sắc.
Giai đoạn thứ hai của tuệ giác sẽ khai mở
trong khoảng thời gian vài ngày, vài tuần hay vài tháng, khi sự chú
ý của ta trở nên sâu sắc và tinh tế hơn. Đây
là một tuệ giác về duyên sinh, khi bạn thấy
được rõ rằng giây phút này khởi lên là
tùy thuộc vào điều kiện của một giây phút
khác. Bạn nghe một tiếng chim hót, kế tiếp là hình ảnh một con chim
hiện lên trong đầu, rồi bạn nhớ đến một con
chim bạn thấy hồi còn nhỏ, tiếp theo
đó có thể bạn ý thức rằng mình đang
ngồi thiền và ghi nhận được những kinh
nghiệm ấy khởi lên, và rồi có thể là một cảm giác tự hào nổi lên –
"Mình cũng ghi nhận được khá đó chứ” – hoặc là
một ý nghĩ tự trách móc nào đó. Dầu gì
đi nữa, ở giai đoạn này, bạn có thể
nhận thấy và kinh nghiệm được rất rõ
rằng mỗi một sự kiện là một điều kiện, nhân
duyên cho sự kiện kế tiếp xảy ra. Luật
điều kiện và nhân duyên, thống trị hết mọi trạng thái tâm thức, sẽ
tự biểu hiện ra rất rõ rệt trong giai đoạn này.
Vào giai đoạn kế tiếp, những kinh nghiệm
về các ảo tượng sẽ xuất hiện. Ta sẽ bàn thêm về chúng trong phần
nói về các biến chứng phụ (side effects) của thiền quán. Những kinh nghiệm
này sẽ mang lại cho ta một cảm nhận rằng, tất cả chỉ là một tiến trình tâm
thức lưu chuyển từ giây phút này sang giây phút kế, vô thường, biến
đổi liên tục, không thể nắm bắt
được. Nó không có dính dáng gì
đến cái tôi hoặc của tôi. Nó hoàn toàn
theo những quy luật riêng của nó. Ở giai đoạn
này, bạn chỉ cần ngồi yên và theo dõi sự việc tự chúng
đến và
đi, mà không hề can thiệp hay xen vào. Bạn an trú trong tâm ý mình.
Khi tâm thức của ta trở nên sâu sắc hơn, những ảo tượng và cám dỗ này sẽ
đến và rồi tự
động qua đi.
Nhận Thức Về Sinh Diệt Có Thể Mang Lại Hạnh Phúc
Và khi sự chú ý của ta trở nên thâm sâu hơn nữa, ta sẽ kinh nghiệm
được cái mà trong sách gọi là kinh
nghiệm về sinh diệt. Giai đoạn này, ta
có cảm tưởng như thân-tâm mình trở nên một thác nước, hay một cơn mưa, mà
ta không còn có thể đặt tên cho những
kinh nghiệm của mình nữa. Bạn kinh nghiệm thân và tâm mình như những chấm
nhỏ của cảm giác, tư tưởng và ký ức, chúng hoàn toàn rời rạc với nhau, tất
cả khởi lên rồi mất đi như những hạt mưa rơi
tan biến trên một vũng nước. Cảm nhận về một cái gì kiên cố và rắn
chắc của ta hoàn toàn tan rã.
Ở thời điểm này, sẽ có cái mà
Daniel Goleman, trong quyển The Varieties of Meditative Experience,
gọi là một niết-bàn-giả-tạo khởi lên. Trong một khóa tu ba-tháng thì có
độ chừng 20 thiền sinh trong số 100 thiền
sinh sẽ có một kinh nghiệm này. Tâm ta rực sáng. Nơi nào ta nhìn
cũng sáng chói. Ta tràn ngập ánh sáng và cảm thấy một niềm hạnh phúc, sáng
tỏ và vui sướng mãnh liệt. Nói một cách khác, tất cả những gì huyền diệu
mà bạn nghe diễn tả về con đường tâm linh đều
xảy ra trong trạng thái niết-bàn-giả-tạo này!
Và giai đoạn này cũng có một vấn
đề. Thiền sinh dễ ưa thích và bị kẹt
vào đấy. Họ nói, “Tôi đã
đạt được rồi và tôi rất là thích!" Bạn
ôm giữ những trạng thái này như chúng thật sự là của mình, mặc dù
đó hoàn toàn là một tuệ giác sai lầm.
Vì vậy mà ta gọi nó là một niết-bàn-giả-tạo là vậy. Trong thời
điểm này, ta cần phải mạnh dạn và có
một cái nhìn thật sâu sắc để nhận diện được
nó.
Trong giai đoạn này sẽ có một tuệ
giác phát khởi, mà nó cũng là một trong những tuệ giác quan trọng và chủ
yếu nhất của đạo Phật. Nó xảy ra một cách rất
tự nhiên, cũng giống như ta đang ngồi
trong một căn phòng tối và đột nhiên
có một người nào đó bật đèn lên vậy.
Ta nhận thức được rằng, khi ta ở trong trạng
thái hạnh phúc này lâu đủ rồi, là
sẽ không có một trạng thái tâm thức nào, và cũng không có một quyền lực
hoặc một kiến thức nào, thật sự có khả năng
giúp cho sự giải thoát của mình. Trên con
đường tu tập, quyền lực và kiến thức
rất là rẻ rúng, chúng chẳng có một giá trị nào hết. Chúng hoàn toàn khác
biệt với sự giải thoát. Vì vậy, chỉ khi nào bạn thật sự kinh nghiệm và
nhận thức trực tiếp rằng, ta phải buông bỏ hết tất cả mọi việc, thì mới có
thể nói chuyện vượt thoát sanh tử và bước đi
thong dong được. Và đây là một
khám phá rất lớn và chủ yếu.
Nhận Thức Về Sinh Diệt Có Thể Mang Lại Một Sự Sợ Hãi
Tiếp theo tuệ giác ấy là một nhận thức về sự tiếp nối liên tục của tiến
trình sinh-tử, nó cũng tương tự giống như những bản
đồ về cái chết của Stanislav Grof vậy. Đến
giai đoạn này, nhờ bạn đã có
khả năng buông bỏ hết những dính mắc về hạnh
phúc, quyền lực, chói sáng, những vẽ đẹp mà
đã đến
với bạn, chánh niệm của bạn cũng được trở nên tinh tế hơn, và bạn
có thể nhìn thấy sâu sắc ngay vào cái tiến trình của chính nó. Lúc ấy,
thay vì nhìn thấy mọi vật sinh lên rồi diệt
đi, bạn bắt đầu nhận thức rằng chỉ có mỗi một sự tan rã mà thôi.
Bất cứ nơi nào bạn nhìn chỉ có sự tan rã. Nghe một tiếng
động, bạn kinh nghiệm sự chấm dứt của nó. Có
một tư tưởng, bạn kinh nghiệm sự chấm dứt của nó. Bạn có một cảm xúc, nó
chấm dứt. Tâm thức bạn lúc này cũng giống như một vùng cát sa lầy
vậy, tất cả biến mất. Ở trạng thái tâm thức này tất cả mọi hiện tượng
đều tan hủy.
Và kinh nghiệm về sự tan rã này sẽ làm phát sinh trong ta một nỗi sợ,
đôi khi có thể là một sự kinh hãi lớn.
Vì lúc này, bạn ý thức được rằng không có một
nơi nào, một căn cứ nào, mà con
người có thể đứng vững được. Không có một căn
cứ nào hết, và đó là sự thật
tuyệt đối. Tất cả những kinh nghiệm của ta
đều là sản phẩm của tâm thức mình, và không có một trạng thái tâm
thức nào lại có một bản thể thực chất hết. Ý niệm
đặt cái tôi của mình trên bất cứ một
nền tảng nào đều hoàn toàn sai lầm.
Và từ trạng thái sợ hãi đó, thiền sinh có
thể sẽ bước sang những trạng thái buồn khổ, ghê sợ và
đè nén. Bạn có cảm tưởng như thế giới
này đang áp bức bạn, bạn có kinh nghiệm như
thân mình đang hủy hoại. Tôi ví dụ,
bạn có thể nhìn xuống thân và thấy như có những mảnh thịt của mình
rớt ra còn đeo lủng lẳng trên người,
bạn có thể thấy mình đã chết hằng trăm
ngàn lần qua trăm ngàn lối khác
nhau, hay là bạn cảm thấy một sức nặng đè
nát mình, như là ta đang đội cả trái đất này
trên đầu vậy. Những kinh nghiệm về các ảo
tượng khác cũng khởi lên, đủ hết mọi hình
ảnh về các nguyên mẫu (archetype). Bạn có thể chứng kiến những cuộc chiến
tranh đã xảy ra hằng ngàn năm
trước hiện ra ngay trước mắt bạn. Và như tôi
đã trình bày, có rất nhiều tài liệu
nói về những vấn đề này, rất chi tiết,
nếu bạn muốn biết.
Buông Xả và Chấp Nhận là Hạnh Phúc Chân Thật
Rồi sẽ có một trạng thái khác phát sinh lên, một tuệ giác về "buông xả
hết những mong cầu giải thoát". Thật ra đây là
giai đoạn mà cái tôi của mình bị bóc
gở ra xuống đến cùng tận bình diện tế
bào của nó. Cũng vì tiến trình này mà Jack Engler, trong luận án của ông
tại đại học Harvard, đã diễn tả thiền
quán (insight meditation) cũng giống như là một tiến trình vượt qua những
nỗi thống khổ của mình (grieving proccess) vậy. Trước hết, bạn thấy
rằng mình cần phải buông bỏ hết mọi việc bên ngoài - rằng ta không thể nào
nắm giữ được vợ hay chồng mình, hay xe
hơi, nhà cửa, chức vị... chúng là một phần của cát bụi. Và rồi, sâu sắc
hơn nữa, bạn cũng thấy rằng mình không thể nào bám víu vào bất cứ một
trạng thái tâm thức nào bên trong, hoặc một cảm nhận nào về cái tôi của
mình, bởi cũng thế, không có gì là có một thực chất hết.
Như tôi đã trình bày, có một tiến
trình sinh-tử mà trong giai đoạn này
bạn có cảm tưởng như mình phải chết cả trăm
ngàn lần. Sẽ đến một lúc mà bạn
chỉ muốn được giải thoát thôi. Như là
bạn muốn nói lên rằng, "Thôi, như vậy là quá
đủ rồi!"
Đến chừng ấy, nếu bạn không đối xử nó bằng một sự chống đối, nhưng bằng
một chánh niệm sâu sắc và một thái độ chấp nhận, bạn sẽ tiếp xúc được với
một trạng thái thanh thản rất sâu sắc, mà các nhà thần học Thiên chúa giáo
gọi là sự vô-tình-thần-thánh (divine apathy). Sự vô tình ấy không phải là
một thái độ dững dưng hay nhàm chán,
mà nó là một trạng thái quân bình trọn vẹn trong tâm, một sự cân bằng rất
hoàn hảo. Trong trạng thái này, bạn có thể ngồi yên hằng giờ mà không cử
động hay nhúc nhích, và không có một
sự khó chịu nào trong thân. Nó thật vô cùng an lạc.
Vào lúc này, tâm của ta trở nên vô cùng tươi mới. Tôi còn nhớ, khi ngồi
thiền trong một tu viện ở gần một ngôi làng nhỏ. Người dân ở
đây thường hay sử dụng những chiếc xe lôi máy
ba bánh, mà mỗi lần tiếng máy nổ kêu "phụt-phụt-phụt-phụt." Một
chiếc xe lôi máy chạy ngang tu viện trong khi tôi ngồi thiền và
đang ở trong trạng thái rất tĩnh lặng và
an lạc này. Tiếng máy nổ "phụt-phụt-phụt-phụt" như mọi ngày. Nhưng tôi
nghe mỗi tiếng "phụt" là một cái gì rất mới và
đầy kinh ngạc! Trong tôi không có một sự mong
đợi hay kỳ vọng nào hết. Chỉ vì tiếng máy nổ
đều "phụt-phụt", đâu có nghĩa là tiếng
"phụt" kế tiếp sẽ xảy ra đâu! Trong tôi không
hề có việc mang lịch sử, quá khứ của một giây phút này sang tiếp
giây phút kế. Trong trạng thái tâm thức này, chỉ có sự phát khởi lên của
một kinh nghiệm trong một giây phút, và rồi sự chấm dứt của nó. Có những
lúc bạn cảm nhận được sự sanh diệt của mọi
hiện tượng trong cuộc sống này như một giấc mơ, nhưng dù vậy bạn
vẫn giữ được sự thanh thản và tỉnh táo
của mình.
Chỉ Là Một Tấm Bản Đồ
Thường thì trong một khóa tu ba-tháng, với một trăm
thiền sinh, thì có độ chừng năm hay
sáu người sẽ đạt đến giai đoạn này, nếu họ tinh tấn.
Đây là một trạng thái tâm thức rất
siêu việt.
Quý vị cũng nên nhớ rằng, tấm bản đồ tâm
thức mà tôi trình bày ở đây chỉ là
một trong số những bản đồ khác.
Mười bức tranh chăn trâu của thiền
tông cũng trình bày hành trình tâm thức này qua một lối khác, nhưng cũng
rất tương tợ. Còn truyền thống đại-viên-mãn
(dzogchen) và đại-thủ-ấn (mahamudra) của Phật
giáo Tây tạng, họ bắt đầu trước bằng một trạng thái tâm thức tĩnh lặng và
bao la nhất. Thay vì bắt hành giả thực tập để
đi lần lần vào những trạng thái tâm thức vi tế hơn, thì họ lại bắt
đầu với những trạng thái cao tột này,
và rồi từ đó nhìn lại những kinh
nghiệm bên dưới - như là: danh sắc, nhân duyên, sanh tử,
đau đớn - từ một phối cảnh rộng lớn ấy. Nói
tóm lại, còn có những tấm bản đồ tâm
thức khác nữa, nhưng tôi không thể trình bày ở
đây.
-ooOoo-
Những Biến Ứng Phụ
B ây giờ, tôi xin được phép trình
bày về một số những biến ứng phụ (side effects) xảy ra trong ba tháng
thiền tập tích cực.
Thường thường hành giả sẽ có những giấc mơ rất thực. Việc này cũng rất
dễ xảy ra khi chánh niệm của ta được phát
triển. Vào chừng giữa khoá tu, có chừng vài chục người báo cáo lại
rằng họ rất tỉnh táo trong những giấc mơ của mình, y như là khi họ còn
đang thức vậy. Và chánh niệm cũng hiển
lộ ra trong nhiều cách khác nữa. Ví dụ, vị thầy có thể bảo bạn rằng, "Ngày
mai chị hãy nói cho tôi biết là chị thức dậy vào hơi thở nào, vào hay ra?"
Và buổi sáng hôm sau, bạn lập tức ý thức được
hơi thở của mình, vào hay ra, ngay khi tâm bạn mới vừa chuyển từ
trạng thái ngủ sang thức.
Và bạn cũng rất ít cần ngủ. Trong thời gian tu tập tích cực nhất, người
ta chỉ cần ngủ mỗi đêm hai
đến ba tiếng là
đủ.
Các hành giả cũng kể lại về những kinh nghiệm xuất ra khỏi thân mình
(out-of-body experience), xảy ra rất tự nhiên. Kinh nghiệm này cũng
đã xảy
đến với tôi rất nhiều lần. Có những đêm, vì quá mệt, tôi nằm xuống
giường ngủ chừng ba tiếng, sau vài giờ tôi thức dậy và tiếp tục thực tập
đi kinh hành trong phòng của mình. Tôi
đi thật chậm, theo dõi từng bước chân
của mình, tâm tôi rất tập trung và rất có chánh niệm. Rồi
đột nhiên tôi nhìn sang giường của
mình, và thấy rằng tôi vẫn còn đang nằm ở đó!
Tác ý muốn thức dậy mãnh liệt đến nỗi
nó đã đánh thức phần thân-tâm-thức của
tôi dậy, trong khi phần thân-vật-lý của tôi vẫn còn
đang nằm ngủ say.
Và cũng còn có một số những kinh nghiệm thông thường khác nữa. Bạn có
thể cảm thấy cơ thể mình như bừng lên cháy hay một cơn lạnh ghê gớm. Trong
khi đang rơi vào giấc ngủ, bạn có thể
cảm thấy như có một cơn gió vô hình ào tới và bốc mang bạn
đi. Những hình ảnh của tiền kiếp hoặc
những hình ảnh về các cảnh trời hiện ra trước mắt bạn.
Có một số người có những kinh nghiệm khai mở các luân xa (chakras). Khi
luồng năng lượng trong thân ta bắt đầu chuyển
động, những luân xa khác nhau trong thân ta sẽ khai mở. Nếu đó là
luân xa của tình dục, hành giả có thể sẽ có ảo tượng về tất cả mọi hình
thái tình dục trên toàn cõi vũ trụ này. Nếu như luân xa của trái tim khai
mở, hành giả có một kinh nghiệm ban đầu giống
như là một cơn động tim, khi những bắp
thịt căng thẳng nơi đây bắt đầu thư giãn. Tiếp theo, bạn sẽ kinh
nghiệm một tình thương bao la, mông mênh, bao trùm hết tất cả mọi loài.
Luân xa trái tim có nhiều tầng lớp khác nhau.
Và khi luân xa thứ sáu khai mở thì người ta có
đủ hết mọi thứ kinh nghiệm tâm linh lạ lùng.
Tôi nhớ trong một khóa tu, có một anh chàng khoảng chừng 20 tuổi, anh có
học môn võ karate. Anh ta có một tham vọng rất lớn và quyết chí là nhất
định mình sẽ
đạt được giác ngộ trong ba tháng tu tập này.
Vào độ khoảng giữa khóa tu, anh không xin
phép ai, lén mọi người, tự quyết định mình sẽ ngồi như
đức Phật là sẽ không
đứng dậy nếu chưa giác ngộ. Và cả ngày
hôm ấy anh ngồi thiền, qua giờ nghỉ uống trà, suốt buổi trưa, bỏ giờ
ăn chiều. Anh tiếp tục ngồi suốt đêm,
không nhúc nhích, qua mọi cơn đau đớn và
thiêu cháy chắc chắn xảy ra, khi ta ngồi quá lâu như anh trong suốt hai
mươi mấy giờ liền. Và anh tiếp tục ngồi cho
đến suốt buổi sáng hôm sau. Cuối cùng, trong giờ
ăn trưa, anh đột nhiên lao vào phòng
ăn và hét lên thật lớn, trong khi mọi
người đang im lặng ngồi ăn, và anh bắt
đầu đấm đá những thế võ với một tốc
độ nhanh như gió. Vấn đề là vì anh
đã ngồi yên quá lâu, không người hướng
dẫn, và anh đã khai mở một luân xa nào
đó với một năng lượng quá mạnh mà anh
không thể kiểm soát nổi. Mắt anh mở thật to và dường như
đang bị bốc cháy. Sau này, anh kể lại
rằng lúc ấy anh nhìn mọi người chung quanh, thấy phía sau mỗi người ai
cũng đều có một vết dài những tiền
kiếp đi theo. Hình ảnh
đó khiến anh trở nên kinh hoảng. Anh
không thể dừng lại và hết run sợ được. Cũng
mất ba bốn ngày chúng tôi mới mang anh trở lại bình thường. Chúng
tôi cho anh tắm nước nóng, bắt anh chạy bộ, làm việc ngoài vườn, nhấn
huyệt, và bắt anh làm những hoạt động tay
chân - tất cả những gì có thể đem sự
quân bình lại cho thân và tâm. Cuối cùng thì anh cũng bình thường
trở lại.
Đó là một số những biến ứng phụ có thể xảy ra trong thiền tập.
-ooOoo-
Những Kinh Nghiệm Giác Ngộ
B ây giờ tôi xin được trở lại và
trình bày các tầng lớp của những kinh nghiệm giác ngộ. Trước khi
đạt đến một trạng thái an tĩnh hoàn
toàn hoặc là một sự quân bình trọn vẹn như tôi
đã diễn tả, cái chấp và dính mắc của
ta về một cái tôi như là một tập hợp ngủ uẩn, thân-tâm này cần phải
được tháo gỡ. Ba yếu tố tham, sân và
si – năng lượng nằm ở giữa trục bánh xe luân
hồi – chúng hành xử cũng giống như những năng
lực giữ những điện tử lại với nhau trong một hạt nguyên tử. Chúng
tạo dựng nên một cảm nhận về một cái tôi có thật. Ba yếu tố ấy là những năng
lượng rất mãnh liệt. Nhưng khi ta có thể tháo gỡ
được chúng, bằng một cách nào
đó, ta sẽ tiếp xúc được với một trạng thái
rất an lạc này, khi mọi việc tự nhiên khởi lên rồi diệt
đi theo tự tánh của chúng, không có gì
là tốt hay xấu, không có nhân mà cũng chẳng có ngã.
Và ở trạng thái này, sẽ có một số những kinh nghiệm giác ngộ
đồng khởi lên một lúc. Chúng xảy ra
như một phép lạ. Một trong những kinh nghiệm rất kỳ diệu là cái kinh
nghiệm về sự chấm dứt: nghe, thấy, suy nghĩ, hay biết, cảm nhận về cái tôi
– mọi việc đơn giản dừng lại. Bạn tỉnh dậy và
tự hỏi, "Tôi đang ở đâu đây?” Và cái
kinh nghiệm chấm dứt ấy cũng có nhiều "mùi vị" khác nhau. Một là ta có một
chánh niệm rất sâu sắc về tất cả mọi hiện tượng của thân và tâm. Một loại
khác là kinh nghiệm kỳ diệu về sự trống không. Tất cả
đều biến mất, nhưng trong cái trống không đó
lại có tàng chứa hết tất cả. Bạn có thể kinh nghiệm
được một cách rất thâm sâu, cùng một
lúc vừa thấy được nguyên nhân khổ
đau và luôn cả con
đường giải thoát khổ đau. Đây là một
tuệ giác rất sâu sắc về Tứ Diệu Đế.
Và cũng có những kinh nghiệm giác ngộ về cái tự tánh hoàn hảo sẵn có
trong mọi vật. Ta thấy được rất rõ cái
tính chất toàn vẹn của tất cả mọi sự việc, cái tự tánh như-là của chúng.
Niết bàn hay cõi ta bà gì thì cũng đều là
một biểu hiện rất toàn vẹn của sự sống. Phiền não tức bồ
đề. Bất cứ một cái gì, hễ có mặt tối
thì chắc chắn nó cũng sẽ có một mặt sáng, cả hai
đều rất cần thiết cho sự biểu hiện của nó.
Thiếu một bên, nó sẽ không thể nào hiện hữu
được. Với tuệ giác này, ta sẽ thấy
rằng không có sự khác biệt giữa ta và người khác, không có gì cần phải
làm, không có gì là tốt hoặc xấu. Mọi vật đều
toả sáng như châu báu… Đây là những trạng thái giác ngộ rất mầu
nhiệm.
Bốn Kinh Nghiệm Giác Ngộ theo Nam tông
Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy thì những chứng nghiệm này
sẽ xảy đến với ta theo tuần tự bốn giai đoạn.
Nhưng theo tôi thấy thì chúng không hẳn là phải như vậy.
Từ nãy giờ, phần lớn tôi chỉ trình bày đến
quý vị về những trạng thái khác nhau của tâm thức. Nhưng câu
hỏi mà đức Phật đặt ra là "Làm thế nào
để ta chuyển hóa đời sống của mình?"
Tấm bản đồ tâm thức mà tôi vừa trình
bày với quý vị nói rằng, khi ta có được một
kinh nghiệm sâu sắc về Niết bàn hay cái không, ta sẽ
diệt trừ được ba cái chấp trong tâm mình.
Cái chấp đầu tiên là tự ngờ vực mình,
nghi ngờ tự tánh của vạn vật và sự tu tập của mình. Bạn sẽ phá
được cái chấp này vì
đã thấy
được mọi vật khởi sinh lên như thế nào, bạn
đã hiểu
được thế nào là tự tánh của sự sống. Cái chấp thứ hai bị diệt trừ
là đức tin vào những hình thức lễ
nghi. Bạn hiểu rằng sự vô sinh và bất diệt không hề phát sinh bởi vì ta tu
tập theo một tôn giáo nào, hoặc theo một hình thức lễ nghi
đặc biệt nào
đó. Sự thật chỉ đơn giản vì nó là chân
tánh của sự vật, chứ không hề tùy thuộc vào bất cứ những gì ta làm. Và cái
chấp thứ ba bị phá vỡ là niềm tin vào một cái tôi riêng rẽ và cách biệt,
ta biết rằng không thể có một cái tôi độc lập
hay cá biệt nào hết. Tiến trình giác ngộ
đó còn
được gọi là quả vị "nhập lưu" (stream-entry).
Có một điều thú vị này là tôi
đã có dịp thăm
dò và nói chuyện với một số người tự nhận là họ
đã đạt
được một số những kinh nghiệm giác ngộ khác nhau. Có một số người thì
đời sống của họ hoàn toàn thay
đổi, trong khi một số khác thì chẳng
có gì là khác biệt hết. Tôi cũng không biết là cái gì
đã tạo nên sự khác biệt ấy. Tôi mong
rằng chúng ta sẽ có những nghiên cứu chính xác và có hệ thống hơn,
để ta có thể học hỏi thêm về cái giá
trị của những kinh nghiệm giác ngộ sâu sắc này, và chúng
đã thay
đổi cuộc sống của hành giả sau đó như
thế nào.
Và theo truyền thống Nam tông, sự chứng nghiệm giác ngộ kế tiếp có công
năng làm suy giảm
đi yếu tố tham và sân trong ta. Kinh
nghiệm này sâu sắc hơn cả kinh nghiệm giác ngộ thứ nhất, và ta cũng sẽ
phải trải qua cả tiến trình ấy một lần nữa, nhưng với một mức
độ thâm sâu hơn, và lần này hành giả
thật sự buông bỏ được cái tôi của mình.
Trong kinh điển gọi quả vị thứ hai này
là "nhất lai" (once-returner). Và sự chứng nghiệm thứ ba, còn gọi
là quả vị "bất lai" (non-returner), theo tấm bản
đồ của truyền thống Nam tông, thì tham
và sân sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt. Trên hành trình tu học của tôi trong thế
giới Phật giáo, tôi chỉ gặp được một vài
người có thể tuyên bố rằng họ đã chứng
nghiệm được quả vị này.
Chứng nghiệm giác ngộ sau cùng là quả vị "A la hán" (Worthy
One). Ở quả vị này thì ta sẽ hoàn toàn được
tự do, không bị dính mắc vào bất cứ một trạng thái tâm thức nào dầu
cao tột đến đâu, không kẹt vào bất cứ
một thế giới nào dầu hữu hình hay vô hình, không còn một chút tì vết nào
của cái tôi hay phân biệt, hoàn toàn thong dong và tự tại.
Hai Quan Niệm Khác Nhau về Giác Ngộ
Một câu hỏi thú vị khác là chúng ta tiếp nhận kinh nghiệm giác ngộ này
như thế nào? Trong truyền thống Phật giáo Nam tông, Theravada, thì
ta được dạy rằng đây là Niết bàn và
đây là cánh cửa giải thoát. Và nếu ta
có thể buông bỏ được hết, ta sẽ hoà
nhập vào cái bất sinh bất diệt và sẽ không bao giờ phải trở lại với thế
giới đầy khổ đau này nữa. Nhưng theo
Phật giáo Bắc tông, Mahayana, thì sự tiếp nhận có hơi khác. Ta thấy
rõ rằng thế giới này là như huyễn, nhưng ta vẫn chọn lựa trở về lại với
cuộc đời vì một tâm từ bao la, với một
lời nguyện muốn giúp đở mọi người khác được
giác ngộ như mình. Thế cho nên, trong khi một truyền thống công
nhận sự khổ đau và nói rằng ta không
cần phải tham dự vào nữa, một truyền thống khác cũng tiếp nhận cùng một
kinh nghiệm ấy, nhưng khuyên ta nên trở lại với cuộc
đời, không như là một cái tôi riêng
rẽ, nhưng là một biểu hiện của tâm từ, cho
đến khi tất cả đều được giác ngộ.
Theo tôi nghĩ thì sự tiếp nhận và giải thích kinh nghiệm giác ngộ ấy
khác nhau, trong lãnh vực tri thức, cũng là một vấn
đề đáng cho chúng ta tìm hiểu thêm.
Có ai nghiên cứu về những chứng nghiệm giác ngộ này chưa?
Trong một khảo cứu, Jack Engler có đi sang
Ấn độ và yêu cầu một số vị đã
hành thiền nhiều năm, và
đạt một số chứng đắc, lấy những bài
trắc nghiệm Rorschach và Thematic Appreciation Test (TAT). (Lời
người dịch: Đây là những bài thử
nghiệm về tâm lý mà các nhà phân tâm học sử dụng
để nhìn vào, thăm
dò phần vô thức của đối tượng hoặc
bệnh nhân của họ. Đối tượng được trao cho một số những tấm hình
hoàn toàn vô nghĩa, và yêu cầu họ nói lại những gì họ nghĩ hoặc ghi nhận
về tấm hình ấy). Những vị được Jack chọn thử
nghiệm này đã
được người chung quanh công nhận rằng họ đã
có một số chứng đắc về giác ngộ nào
đó, nhưng Jack Engler khám phá rằng cuộc sống
của họ vẫn còn đủ mọi vấn đề rắc rối và
khó khăn. Kinh nghiệm giác ngộ của họ đã
mang lại cho họ một niềm tin bất lay chuyển, nhưng sao trong
đa số các vị ấy vẫn còn khá
đầy đủ những tham, sân và si. Trong số
những vị ấy, Jack có làm việc và thử nghiệm với một phụ nữ - bà ta là một
trong những thiền giả nổi tiếng nhất trong truyền thống Phật giáo Nam tông
hiện nay - và phản ứng của bà đối với những
tấm hình trên mười tấm thẻ TAT rất là
đáng ghi nhận. Nhìn vào mỗi tấm thẻ, bà ta kể một câu chuyện về tấm
hình trên ấy, mà có liên quan đến chính bà
và cùng với một vấn đề rộng lớn nào
đó - như là giáo pháp, Tứ diệu
đế, Bát chánh đạo... Và bà ta cũng còn
liên kết, nối liền hết mười tấm thẻ hình ấy lại với nhau thành một câu
chuyện dài và mạch lạc.

Khi trở về đại học Harvard, Jack có trao
đổi và hỏi các đồng nghiệp xem có ai đã
từng gặp những trường hợp như vậy chưa. Chỉ có một trường hợp duy nhất xảy
ra được ghi lại trong hồ sơ là trong
cuộc nghiên cứu ở vùng rừng già nhiệt đới
Amazon, khi họ phỏng vấn một số các bậc thầy pháp sư (shaman) của những bộ
lạc khác nhau. Vị pháp sự già nhất và thông thái nhất trong nhóm
đã có thể kể lại mạch lạc một câu
chuyện về sự thành lập của vũ trụ qua hết mười tấm hình.
Và sử dụng thêm phương pháp của Rorschach, Jack cũng không thể tìm thấy
bất cứ một dấu hiệu của yếu tố tiêu cực nào trong tâm thức của bà ta. Có
một ngày, khi chúng tôi hỏi rằng, mỗi khi bà ngồi rảnh rang hay khi nói
chuyện với chúng tôi, trong tâm bà suy nghĩ những gì, bà
đáp, "Trong tâm tôi bao giờ cũng chỉ có ba
điều thôi. Tâm từ, sự tĩnh lặng và an lạc." Và chỉ cần tiếp xúc hay
nói chuyện với bà thôi, ta cũng bắt đầu có
những niềm tin về các thành quả trên con
đường thiền tập.
Nói chung thì cuộc nghiên cứu của Jack Engler
đưa ra một đề nghị rằng, nếu chúng ta muốn
thật sự tìm hiểu chính xác ảnh hưởng của những kinh nghiệm giác ngộ
khác nhau, ta cần phải phân biệt mỗi kinh nghiệm ra một cách rõ ràng, và
rồi từ đó ta mới có thể tìm hiểu sâu
hơn về ảnh hưởng của chúng.
Hai Khuynh Hướng Chuyển Hóa
Thật ra, tôi thấy có hai khuynh hướng dẫn
đến sự giải thoát hoặc chuyển hóa. Tôi nghĩ hai khuynh hướng này sẽ
khơi dậy những câu hỏi lớn cho các nhà tâm lý trị liệu, những ai muốn tìm
hiểu về phương cách nào mà có thể giúp người ta tự chuyển hóa.
Một khuynh hướng chú trọng về những kinh nghiệm
đặc biệt mà ta cần phải
đạt đến,
để có thể giúp ta đập tan hoặc bứng nhổ tận
gốc rễ những khuynh hướng chấp ngã, sợ hãi, nắm bắt, hành xử từ một
cái tôi nhỏ bé và rất giới hạn. Khuynh hướng thứ hai, cũng rất hay, là chú
trọng về sự thay đổi cái nhìn, nhận
thức của mình. Có người không thấy rằng mình có thể buông bỏ
được những tham, sân, si của mình,
nhưng họ kinh nghiệm được một sự chuyển đổi
trong cái tôi của họ, thấy rằng mình cũng có một liên hệ rất mật
thiết với mọi sự sống khác chung quanh. Tham và sân cũng có thể vẫn còn
khởi lên, nhưng chúng không thể ảnh hưởng đến
cái cảm nhận mới về một cái tôi rộng lớn này, không có sự dính mắc,
và họ cũng không cần phải hành xử theo chúng.
Đó là hai đường lối rất khác biệt mà
hành giả có thể chuyển hoá qua một thời gian dài. Và tôi rất hoan hỷ nếu
có thể được quý vị tìm hiểu thêm về
vấn đề này.
Chuyện Gì Sẽ Xảy Ra Sau Khi Ta Có Những Chứng Nghiệm Tâm Linh?
Và chuyện gì xảy ra cho các hành giả sau khi họ
đã chứng nghiệm
được những kinh nghiệm sâu sắc này,
sau những khóa tu tích cực nhiều ngày? Cho dù
đó có là một sự chuyển đổi lớn trong
nhận thức hay là một sự bứng nhổ tận gốc rễ, phần lớn hành giả mà
tôi biết thường có khó khăn hoà nhập
trở lại với cuộc sống hằng ngày. Có người thì không có một vấn
đề nào hết, nhưng có người dường như
không còn biết mình là ai, làm sao để lái xe,
làm sao kiếm việc làm. Thế giới tâm thức ngày xưa của họ bây giờ
dường như bị phá vỡ hoàn toàn. Có người thì có những thay
đổi rất rõ rệt và lớn lao, và có người
thì chẳng có gì biến đổi hết. Tôi nghĩ khoa
tâm lý học của chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm tại sao lại có một
sự khác biệt này.
Có một việc quan trọng mà những ai muốn nghiên cứu hoặc tìm hiểu về
kinh nghiệm thiền quán cần nên hiểu là, trong ta có những trạng thái tâm
thức riêng biệt, và những ngăn khác nhau
trong thế giới tâm lý của mình. Và cũng vì những ngăn
khác biệt nhau này mà một người có thể có
được một kinh nghiệm giác ngộ rất thâm sâu, và
dầu vậy, trên một bình diện khác, họ vẫn là một người rất khờ khạo và có
thể làm đủ chuyện sai lầm hết. Tôi có một
kinh nghiệm này khi mình mới từ giã tu viện và trở về với
đời sống hằng ngày. Trong thời gian
mười năm đầu của con đường tu tập, tất cả
những kinh nghiệm tu học và hành thiền của tôi
đều thuộc về lãnh vực tâm linh. Tôi
nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ, thân tôi tan rã vào ánh sáng, tôi có
đủ hết mọi những kinh nghiệm huyền bí khác
nhau. Nhưng khi tôi trở lại với đời sống hằng ngày, khi tôi bắt
đầu trở về với những liên hệ với người
chung quanh, và công việc làm, tôi khám phá là như mình chưa từng bỏ
đi bao giờ. Tôi không thay đổi một chút nào
hết! Mọi phản ứng và cách cư xử của tôi đều
vẫn y như xưa. Trong mười năm tu tập qua, tôi đã không làm gì
để chuyển hóa con tim của mình hết.
Tôi không hề biết cảm xúc của mình như thế nào, làm sao
để đối xử với cơn giận của mình, làm
sao để đến gần một người khác, tôi sợ sự thân
mật, một sự sợ hãi trong tim. Trong những năm
qua tôi tránh né những vấn đề ấy bằng cách đi vào những tầng tâm
thức hoan hỷ và chói sáng, nhưng khi trở lại thì tất cả mọi việc vẫn còn y
nguyên đó, chờ tôi giải quyết. Và sau
đó, tôi đã bỏ thêm mười năm
nữa để thực hành các phương pháp trị liệu, những pháp môn thiền tập
về trung tâm quả tim, trau dồi mối liên hệ của mình với người chung quanh
- mà lắm khi cũng rất là đau đớn. Tôi học lại
cách tiếp xúc với con tim của mình và những trò chơi của quan hệ
con người với nhau.
Sau những kinh nghiệm ấy thì tôi hiểu rằng, tôi
đã không thật sự sống với thân của
mình như tôi vẫn tưởng. Tôi đã dùng
thân này để leo lên những ngọn núi cao
tầm đạo, ngồi thiền bên cạnh dòng sông
Hằng liên tục trong suốt mười hai giờ, nhưng thật ra tôi không hề biểu
hiện được cái mong ước tu tập của mình.
Vì vậy, trong thời gian về sau, tôi thực tập trở về an trú nơi thân của
mình. Tôi trở về với phần con người của mình, nếu quý vị hiểu ý tôi muốn
nói. Và tôi cũng xin nhắc lại rằng, những chia sẻ này chỉ có mục
đích muốn gợi lên nơi quý vị ở
đây những thắc mắc về các phương cách chuyển
hóa cuộc sống qua thiền tập. Một điểm chánh quan trọng mà tôi muốn
các nhà tâm lý học nghiên cứu chú ý đến là,
trong tâm thức của ta có rất nhiều ngăn và
tầng lớp chứa những năng lượng rất lớn. Một
ngăn này có thể được mở ra trong khi
ngăn kia vẫn còn đóng kín.
Và câu hỏi tôi muốn gợi lên là, những kinh nghiệm huyền bí tâm thức ấy
chúng thật sự có một giá trị gì trong sự chuyển hóa sự sống của mình
không?
-ooOoo-
Con Đường của Thiền
Định
B ây giờ chúng ta hãy xem đến con
đường của thiền định (samadhi), con đường dẫn ta đến những cảnh giới của
định (jhanas).
Những Đề Mục của Thiền Định
Trong Thanh Tịnh Đạo, Visuddhimagga, có
nói về bốn mươi đề mục thiền định khác nhau – như là hơi thở, yếu
tố đất, nước, không khí, Phật, ngọn nến, cái
chết, v.v... Khi hành giả chú tâm vào một trong những
đề mục ấy, tâm của họ và
đối tượng ấy có thể sẽ trở thành làm
một. Chuyện ấy không phải dễ, nhưng cũng không phải là không thể làm
được nếu ta hết lòng thực tập. Trong
vòng một hay hai tuần thực tập miên mật không ngừng nghỉ, bạn sẽ bắt
đầu có thể hiểu được thế nào là một
định tâm. Sự định tâm không chỉ dành
riêng cho những đạo sĩ du-già của Ấn
độ mà thôi.
Và khi bạn đã
đạt được sơ định, hay cận hành
định, mà tôi
đã trình bày trước
đây, từ đó bạn có thể bước thêm vào
tám cảnh giới định (jhanas) kế tiếp, nếu bạn
chọn tiếp tục tập trung vào đề mục
thiền định của mình. Tám tầng thiền ấy cũng còn
được gọi là tám trạng thái
định trên
đề mục ấy.
Tầng định thứ nhất phát sinh khi ta có thể
duy trì và giữ yên tư tưởng của mình trên
đề mục một cách tự nhiên. Ví dụ, bạn
thực tập thiền định về đề mục tình
thương bằng cách niệm thầm "Cầu mong cho mọi loài
được hạnh phúc", với một cảm giác thương yêu
khởi lên trong tim mình. Đến một lúc nào
đó ý tưởng ấy sẽ tự nó bắt đầu khởi lên
một cách tự nhiên. Ý nghĩ và sự chú tâm của bạn
đã được
hướng về (tầm) và giữ yên (tứ) trên
đối tượng; và rồi chính nó tiếp nối nhau tự nhiên như một vòng
tròn, và khi ấy bạn sẽ cảm thấy rất hỷ lạc. Bất cứ khi nào tâm và thân của
bạn được hợp nhất với nhau, bạn sẽ cảm thấy
vô cùng hạnh phúc. Và cũng từ đó, nó
sẽ phát sinh một trạng thái an tĩnh và tập trung rất sâu sắc.
Dục An Tắc An
Khi tâm ta bắt đầu an định, nó cũng sẽ trở
nên mềm dẽo và rất dễ uốn nắn. Trong lúc này sẽ có những hiện tượng
rất thú vị xảy đến cho ta. Mặc dù chỉ
là ở mức độ của sơ định (access
concentration), nhưng tâm ta đã có thể bắt
đầu tự nó tập trung, ta sẽ cảm thấy những cơn
sóng của hỷ lạc tiếp nối nhau, hoặc hạnh phúc phát khởi lên. Thêm
vào nữa, khi bạn ngồi thiền định tâm, tập
trung vào một câu niệm hoặc một hình ảnh, bạn có thể gọi lên bất cứ
một trạng thái kinh nghiệm nào mà bạn muốn. Tôi ví dụ, bạn có thể nói
rằng, "Xin cho tôi có hỷ lạc" và thân bạn sẽ
được ngập tràn với một cảm giác hỷ lạc. Hoặc bạn nói, "Xin cho tôi
có hạnh phúc" và bạn sẽ mỉm cười với một niềm vui phơi phới. Hoặc bạn nói,
"Xin cho tôi được an tĩnh" thì lập tức
trạng thái tĩnh lặng ấy sẽ được biểu hiện
ngay.
Và trên con đường thực tập thiền quán
(insight path) cũng vậy, ta cũng có những chứng nghiệm tương tự như thế.
Một người có một mức độ sát-na định sâu sắc (moment-to-moment
concentration), họ có thể ngồi thiền và tự nói rằng "Xin cho trạng
thái tan rã phát khởi." Và lập tức, người ấy sẽ thấy mình ở một nơi, một
trạng thái tâm thức, mà tất cả mọi việc đều
đang phân tán. Những quy trình này rất là
đặc biệt và thú vị, cho những ai muốn
tìm hiểu và nghiên cứu thêm tâm thức của ta thành lập và phát khởi lên như
thế nào.
Và để tôi cộng thêm một chút lắt
léo này nữa, quý vị sẽ thấy nó còn lạ đến
chừng nào. Trong một trường hợp, tôi có một người bạn, anh ta tinh
tấn thực tập theo con đường của thiền định,
tuy vẫn chưa chứng nghiệm được sơ định. Anh nghe nói về khả năng làm
phát khởi lên những trạng thái thân tâm này của thiền
định, và muốn thử nghiệm. Khi ngồi
thiền và tâm tập trung, anh khởi tác ý muốn cho hỷ lạc khởi lên, nhưng vì
không rành về tiếng Sanskrit hay Pali, nên thay vì dùng chữ hỷ lạc anh lại
dùng chữ của hạnh phúc. Hỷ lạc không sinh lên. Hạnh phúc sinh lên, mặc dù
đó không phải là ý chính của anh! Nó
giống như là đã có sẵn một
đường lối nguyên mẫu (archetypal way)
nào đó, kết liền tâm thức của ta với lại ngôn
ngữ, và chúng rất ăn khớp với nhau.
Khi bạn gọi tên nó, trong một trạng thái thích ứng, tâm thức ấy sẽ
lập tức biểu hiện lên ngay. Và câu chuyện này có thể gợi cho quý vị một số
câu hỏi trong vấn đề tìm hiểu tâm
thức.
Những Cảnh Giới Định
Bây giờ, khi bạn có khả năng làm
cho những yếu tố này phát khởi lên riêng rẽ hoặc chung với nhau, khi
định lực đã bắt
đầu thâm sâu, lúc ấy bạn có thể nói, "Xin cho
sơ định phát sinh". Và lập tức bạn sẽ thấy mình
đang ở trong một trạng thái mới khác. Trong
trạng thái của sơ định, khi nó còn yếu, bạn sẽ vẫn còn nghe và cảm
nhận được thế giới chung quanh mình.
Khi nó trở nên thâm sâu, tất cả mọi việc chung quanh
đều biến mất, và bạn hoàn toàn thâm
nhập vào với đối tượng thiền định của mình.
Và tuy ở giai đoạn đầu, nhưng bạn cũng có thể
nhận thấy rõ rằng mình đang ở trong
một trạng thái rất đặc biệt. Trong trạng thái này, mọi muộn phiền
lo âu đều tan biến hết, và bạn kinh
nghiệm được sự tự động lặp lại của đối tượng.
Đó có thể là một cảm nhận hạnh phúc, nếu
đề mục của bạn là tâm từ, hoặc là một
đức tính tốt nào của
đức Phật, hay một yếu tố của vật chất - dù
đó là gì
đi chăng nữa, nó sẽ tự động lặp lại. Bạn chỉ cần thỉnh thoảng đẩy nhẹ một
chút, và rồi chiếc bánh xe sẽ tự động
quay tiếp mình nó. Trong suốt thời gian ấy, bạn an trú trong một
trạng thái rất vững chãi và tĩnh lặng, tràn ngập trong hỷ lạc và hạnh
phúc.
Và khi định lực trở nên thâm sâu và
tinh tế hơn, bạn có thể nói, "Xin cho cảnh giới
định thứ hai phát sinh". Lúc này
tâm-hướng-về (tầm) và tâm-giữ-yên (tứ) trên
đối tượng không còn nữa, và ngay cả chính
đối tượng cũng biến mất. Tất cả chỉ còn
là hỷ lạc, hạnh phúc và tĩnh lặng. Nhưng rồi bạn nhận thấy rằng, những cảm
giác hỷ lạc ấy cũng chỉ là những cảm giác thô tế ở thân mà thôi, và bạn
quyết chí làm cho tâm của mình trở nên sâu sắc và tinh tế hơn nữa. Và bạn
lại tiếp tục làm cho mình trở nên tĩnh lặng hơn và tập trung vào
đề mục hơn nữa, rồi bạn nói, "Xin cho cảnh
giới định thứ ba phát sinh." Bạn lập tức cảm nhận được thân mình
lắng yên xuống và rồi một cảm giác hạnh phúc và an tĩnh vô cùng sâu sắc,
mà ta không thể nào diễn tả được, khởi lên
và tràn ngập thân tâm bạn. Và rồi từ đó bạn
có thể bước sang cảnh giới thiền định thứ tư, buông bỏ cả cảm giác hạnh
phúc này vì nó vẫn còn thô tế. Ở nơi này bạn hoàn toàn an trú trong
một niềm an lạc kỳ diệu.
Và từ cảnh giới định thứ tư, bạn có thể
bước vào cảnh giới vô sắc nếu bạn có một
định lực thật mãnh liệt. Và thay vì ở
yên trong trạng thái an tĩnh này mãi, bạn có thể cương quyết thêm
để đi vào cảnh giới
định thứ năm, một không gian vô biên.
Tất cả mọi cảm nhận về thân và sắc đều tan
biến hoàn toàn, tâm thức của bạn trở thành làm một với không gian
bao la. Và với sự tiếp tục dụng công thanh lọc tâm ý, bạn sẽ kinh nghiệm
được một tâm thức vô biên, vô cùng
tận. Thay vì là không gian, bạn cảm nhận được
ngay chính cái tâm thức làm thành không gian ấy. Bạn thực sự cảm
nhận được sự biểu hiện của nó qua cái đặc
tính của bây giờ và ở đây.
Trong những trạng thái không này, sẽ không còn có tri-giác và cũng không
có không-tri-giác.
Những cảnh giới thiền định mà tôi
vừa diễn tả đòi hỏi rất nhiều thời
gian và công phu, chứ không phải chỉ đơn giản
như tôi trình bày ở đây. Và quý
vị cũng nên nhớ là có cả trăm đề mục thiền
định khác nhau. Và mỗi đề mục sẽ có
những ảnh hưởng, "mùi vị" về các tầng
định hơi khác nhau.
Một Số Vấn Đề Trong Thiền Định
Con đường của thiền định có khơi lên
một số vấn đề khá nan giải trong lãnh
vực nghiên cứu về tâm thức. Vấn đề thứ nhất là
những phương cách dụng công này hoạt động như
thế nào? Vấn đề thứ hai là tính
chất cá biệt của mỗi trạng thái tâm thức, ở
đây tôi muốn nhắc lại với quý vị rằng những truyền thống Phật giáo khác sẽ
nhấn mạnh về những trạng thái khác nhau. Vấn đề thứ ba là những sự
thực tập này có lợi ích gì cho vấn đề giác
ngộ? Và vấn đề thứ tư là con
đường thiền định là cánh cổng dẫn ta
vào tiếp xúc với những năng lực siêu
phàm, huyền bí, cho những ai muốn tìm hiểu, mà theo tôi thì chúng hoàn
toàn không cần thiết. Trong quyển Thanh Tịnh
Đạo, Visudhimagga, có một chương nói rất rõ về những phương
cách thực hành thiền định và làm sao
để ta dễ dàng chuyển từ một tâm thức
này sang tâm thức mới. Và trong sách cũng liệt kê ra những năng
lực mà hành giả có thể đạt được như là
đọc tư tưởng của người khác, hoặc hóa ra
nhiều thân khác nhau...
Mà những quyền lực này có thật không?
Munindra, một trong những vị thầy của tôi, có
đào luyện cho một số
đệ tử phụ nữ của ông vài năm
trước đây. Họ là những thiền giả rất ưu việt,
đã thành công trên cả hai lãnh vực
thiền quán (vipassana path) và thiền định
(jhanas path). Ngài Munindra nói với chúng tôi rằng, họ
đã thành
đạt được hết những cảnh giới định (jhanas) bằng cách thực tập với nhiều đề
mục khác nhau. Họ có thể hóa thân ra để gặp ngài Munindra
để trình pháp. Tôi thì tự mình chưa
được chứng kiến những việc này nên tôi
không biết là nó có thật hay không. Nhưng tôi biết
điều này, có nhiều lần tôi
đọc trong sách rằng khi ta niệm cái này
thì cái kia sẽ xảy ra - và đúng như vậy, nó đã
xảy ra. Vì vậy mà tôi thấy vấn đề này
rất khó đoán, tôi không biết được.
Nói chung thì trong kinh có trình bày rất rõ những phương pháp cho
những ai muốn đạt tới những quyền năng này,
và cho quý vị nào muốn hoang phí thời giờ của mình.
Phương Pháp Quán Tưởng của Tây Tạng là Thiền
Định
Và bạn cũng có thể đạt đến những cảnh giới
định này qua phương pháp quán tưởng (visualization). Ví dụ như
trong Phật giáo Tây tạng, hành giả có thể quán tưởng về một vị phật hay bồ
tát và nó sẽ giúp khởi lên cả một trạng thái tâm thức mới. Những cảnh giới
định cũng có thể có liên hệ
đến những thế giới của nguyên mẫu
(archetypal realms) trong tâm thức cộng đồng.
Tôi có một người bạn, anh ta cũng là một tăng
sĩ Phật giáo. Có lần anh đi qua Ấn độ và viếng thăm
một tu viện thuộc đạo Sikh, nơi đây họ tu tập sử dụng những âm thanh nội
tại để mang hành giả vào những cảnh giới cao của thiền tập. Vị thầy
ở đó nói với người bạn tôi, "Anh biết không
chúng tôi không tin vào giới tu sĩ. Tất cả mọi người ai cũng nên
phải làm việc để kiếm ăn." Người bạn của tôi
đáp lại rằng ngay ở Ấn độ cũng vẫn có một truyền thống tu sĩ xuất gia rất
mạnh. Và hai bên cũng lý luận qua lại một hồi. Sau
đó người bạn tôi cũng xin được học phương
pháp tu tập của đạo Sikh. Vị thầy trao cho anh một câu chú và dạy
cho anh cách thực tập lắng nghe âm thanh nội tại trong mình. Là một thiền
sinh rất tinh tấn, anh ta đi về ngôi chòi
nhỏ của mình và thực tập theo lời hướng dẫn. Sau ba ngày thực tập, anh
thấy mình có mặt trong một cảnh trời đầy ánh
sáng. Và lẽ dĩ nhiên vị thầy của anh cũng có mặt ở nơi này. Trong
cảnh trời đầy ánh sáng ấy, vị thầy bảo anh,
"Tôi đã nói với anh rồi phải không, ta
đâu cần phải xuất gia?" Và người bạn tôi
đáp, "Thì
đúng đó, nhưng là một tu sĩ vẫn có thể làm
được vậy!" Và họ tiếp tục tranh cãi
ngay cả trong cảnh giới ấy. Đây là một
câu chuyện hoàn toàn có thật, và tôi còn biết nhiều câu chuyện khác cũng
tương tự như vậy.
Truyền thống Tây tạng thì rất là phong phú và giàu có về phương diện
này. Họ có nhiều dòng dõi các vị Phật khác nhau, có rất nhiều loại bồ tát
khác nhau, mỗi vị tượng trưng cho những đặc
tính tâm linh khác nhau, những vật châu báu, những màu sắc khác
nhau, và những trạng thái tâm thức khác nhau mà ta có thể làm chúng phát
khởi lên được bằng năng lực của tụng niệm và
tập trung. Dường như, chúng là những kiểu mẫu cố hữu sẵn có của một tâm
thức vũ trụ.
-ooOoo-
Một Số Câu Hỏi và Suy Tư
V à bây giờ tôi có một số câu hỏi muốn
được nêu lên với quý vị. Lẽ dĩ nhiên,
một vấn đề quan trọng trong việc nghiên
cứu thiền tập, là làm sao để phân biệt được rõ
ràng giữa những trạng thái nhất thời và những
đặc tính lâu dài của thiền tập. Một bên thì ta muốn
được hiểu rõ hơn về những trạng thái
khác nhau của tâm thức, bằng cách tìm hiểu xem ta
đạt đến đó bằng cách nào và chúng gồm
có những kinh nghiệm gì. Một đàng
khác, và có lẽ quan trọng hơn hết, ta nên đặt
câu hỏi là những trạng thái hoặc kinh nghiệm ấy có mang lại cho ta
một lợi ích nào lâu dài không, và như thế nào? Chúng có ảnh hưởng gì
đến mối liên hệ giữa ta với người
chung quanh, và với những sự sống khác?
Vấn Đề Nội Kết
Như tôi đã trình bày, ta khám phá
và học hỏi được rất nhiều trong truyền thống
thiền tập, nhưng, ít nhất là trong những tu viện ở Á châu, người ta
ít chịu chú ý đến những vấn đề có liên
quan đến cá nhân hoặc những khó khăn về tâm
lý. Sau khi viếng thăm Hoa kỳ, đại lão thiền sư Mahasi Sayadaw nói,
"Ở xứ này dường như có một loại khổ đau gì
đó mà tôi cũng không rõ và quen thuộc
lắm... Họ gọi nó là khổ đau tâm lý, hay là
gì gì đó!"
Vì vậy mà khi người ta đi tham dự những
khóa tu thiền, thường thường thì họ không bắt
đầu thực tập thiền quán ngay tức thì.
Họ phải đối diện với những vấn đề như là
mối liên hệ giữa vợ chồng, cha mẹ, những khó khăn
vì bị lạm dụng khi còn nhỏ hoặc nghiện rượu... Nhưng thật ra thì
tất cả cũng đều là một phần của sự tu
tập. Chúng ta cần ghi nhận và tôn trọng chúng, thấy rõ rằng tất cả
đều có những liên hệ mật thiết với
nhau.
Một vấn đề thử thách nữa là, ở Tây
phương chúng ta rất chú trọng về chủ nghĩa cá nhân hơn là những xứ Á châu,
như là Ấn độ hay Nhật bản. Ở những quốc gia này,
người ta hoàn tất sứ mệnh hoặc dhrama của mình bằng cách
đi theo con đường mà cha mẹ mình
đã hoạch sẵn. Cha mẹ ta sinh sống như
thế nào, con cháu thường sống theo y như vậy. Còn ở Tây phương, chúng ta
hoàn tất sứ mệnh của mình bằng cách sống theo một
đường lối cá nhân của riêng ta. Và
trong thiền tập nó cũng biểu hiện lên sự khác biệt ấy.
Đường lối của Đông phương có khác với đường
lối của Tây phương. Vì vậy, là người Tây phương, chúng ta cũng nên
nhìn lại và khám phá những gì có thể giúp ích cho mình, dựa trên thời
điểm và văn
hóa của chính chúng ta.
Phần lớn những người Tây phương hay sử dụng sự tu tập tâm linh
để trốn tránh những vấn đề cá nhân. Tôi gọi
những người ấy là "thợ nhảy." Tôi biết
điều ấy vì chính tôi cũng đã
từng như vậy. Ta nhảy lên một tầng cao hơn và hy vọng rằng mình sẽ có chút
giác ngộ chỗ này, vài kinh nghiệm huyền bí chỗ kia, và rồi chúng sẽ giúp
ta giải quyết hết mọi đau đớn và khó
khăn của mình trong
đời sống hằng ngày. Nó có giải quyết
đó – cho đến khi ta lập gia đình, hay
đi xin việc làm, hoặc trở về nhà thăm
cha mẹ... Và rồi tất cả vẫn hoàn như xưa...
Thiền Tập Phải Giúp Chuyển Hóa Khổ Đau
Phân nửa những người bước vào con đường
thiền tập đều không thể tiến xa được. Họ phải đương đầu với quá nhiều
những muộn phiền, quá nhiều những vấn đề còn dở dang, quá nhiều sợ
hãi. Một câu hỏi tôi nêu lên với những vị nào thích con
đường thiền tập, là làm sao tìm
được những phương cách nào có thể áp
dụng thiền tập giúp cho những hạng người này. Và tôi tin là chuyện ấy hoàn
toàn có thể được.
Tôi xin đưa ra một vài ví dụ. Ví dụ
đầu tiên có liên quan
đến một cô thiền sinh trẻ, cô ta là
một hành giả rất giỏi. Cô đã trải qua
hầu hết những chứng nghiệm mà tôi đã
trình bày với quý vị. Sau năm năm, cô có liên
hệ tình cảm với một người đàn ông và
cuộc sống của cô bắt đầu thay đổi. Vào
thời gian đó, cô có đi tham dự một khóa tu
khác – lần này mọi kinh nghiệm thiền tập
đều trở nên rất khó khăn
– cô không còn cảm thấy hỷ lạc như trước, cô chỉ có thể cố gắng
để có mặt với chính mình mà thôi.
Trong lúc kinh nghiệm tiến trình sinh-tử, những ký ức của thời thơ ấu
đột nhiên lũ lượt trở về với cô ta. Cô
chợt nhớ lại thuở nhỏ mình đã sống
trong một gia đình nghiện rượu và cô
đã bị lạm dụng như thế nào, mà những
chuyện này cô hoàn toàn không hay biết. Và cô phải mất một thời gian bốn,
năm năm mới có thể chữa lành
được vết thương này. Có lúc cô buồn
chán và thất vọng đến nỗi, trong một thời
gian dài, cô không còn muốn ra khỏi phòng của mình. Bây giờ thì cô
lại là một trong những người học trò giỏi và tiến bộ nhất mà tôi
đã từng có dịp
đào luyện. Tôi thấy rằng sự
đào luyện ấy
đã giúp cô sẵn sàng
đối diện với những khổ đau của chính mình,
và nó còn khó khăn và lớn lao hơn gấp
trăm ngàn lần những nỗi khổ
đau chung chung khác mà cô
đã tiếp xúc trước
đó.
Tôi cũng biết có những vị tinh thông một phương pháp vipassana về quán
toàn thân (body scan), họ thực tập cho đến
khi ta có thể làm hoà tan hết tất cả những tế bào, và khiến cho
thân ta cảm thấy thanh nhẹ và trống không. Họ có thể diễn tả một cách rất
chi tiết và tinh vi hết những cảm giác vật lý hoặc các năng
lượng trong thân, nhưng họ lại không thể biết được là họ
đang có những cảm xúc nào. Họ phát huy
được một tâm thức về thân rất bén nhạy và
sâu sắc, nhưng phần tình cảm của họ thì hoàn toàn không
đụng chạm đến. Và phần mà ta không
đụng chạm đến ấy lại thường là những
sầu khổ, sân hận chất chứa bên trong. Vì vậy mà những kinh nghiệm ngăn
chia, biệt lập, bởi đời sống gia đình, cũng
được biểu hiện rõ rệt trong con
đường thực tập tâm linh của ta. Và
đây là một
điểm rất quan trọng mà tôi muốn chia
sẻ đến tất cả quý vị. Nếu trong những vấn đề
tôi đã nêu lên, tôi phải tập trung và
đưa ra chỉ một vấn đề mà thôi, thì đó
là câu hỏi này: Tâm thức ta tạo nên những ngăn
chia trong tâm bằng cách nào - và làm sao
để ta có thể phá vỡ hoặc cởi mở ra được sự
ngăn chia đó?
Chuyển Hướng Từ Nam Tính Sang Nữ Tính.
Vì vậy tôi nghĩ, vấn đề là chúng ta
cần phải học hỏi và tìm hiểu thêm những gì có thể áp dụng
được cho Tây phương, làm sao ta có thể
mang những truyền thống của Đông phương hoà
nhập vào xả hội này.
Hầu hết những con đường tâm linh ở Á đông
phần lớn đều được phát triển và truyền dạy trong một nền văn
hóa của những chiến sĩ, đầy nam tính (masculine). Một đặc điểm của sự tu
tập ấy là ta cố hết sức mình để đạt
cho bằng được một trạng thái siêu việt nào
đó. Tôi cũng đã
được dạy và thực tập như thế. Nhưng
khi chúng ta thực tập theo chiều hướng đó, ta
lại thường bỏ lơ qua những khó khăn riêng tư, những vấn
đề cá nhân còn dang dở, như tôi
đã trình bày. Bây giờ thì tôi khám phá
ra rằng, tôi cần phải thay đổi ngôn ngữ và
cách dạy của mình sang một phương thức có nhiều nữ tính hơn (feminine), và
có nhiều liên hệ mật thiết hơn. Đa số chúng
ta cần phải bắt đầu sự tu tập của mình trên một nền tảng tự chấp
nhận thật vững chắc. Thiếu tình thương, không biết tự chấp nhận và tha
thứ, người ta sẽ rời bỏ thân mình. Và những chứng nghiệm mà họ
đạt được sẽ không thể nào
đem hoà nhập vào với cuộc sống hằng
ngày được. Vì vậy, vấn
đề của chúng ta là làm sao mình có thể
chuyển hướng đời sống tâm linh của mình,
trong lãnh vực nghiên cứu hay trong sự thực tập cá nhân, từ một phương
thức mang nam tính tiêu cực (negatine masculine) sang một phương thức nữ
tính và nam tính tích cực hơn (positive feminine và positive masculine).
Con đường tu tập của ta xảy ra theo một vòng
xoắn ốc. Nó không phải là một quy trình đường
thẳng, nó bắt ta phải cứ tiếp tục quay trở lại đối diện với cái tôi sâu
sắc của mình. Cho dù ta có tan biến vào ánh sáng, cái tôi của ta
vẫn cứ trở lại cho ta thấy, cho ta xúc chạm và học hỏi từ
đó. Thế cho nên, chúng ta thường có
khuynh hướng nghiên cứu và học hỏi cuộc sống này như là nó diễn biến trên
một đường thẳng, điều ấy rất sai lầm. Và
tôi nghĩ, những nghiên cứu của ta bị thất bại là cũng bởi vì vậy.
Buông Bỏ, Buông Bỏ và Buông Bỏ
Ông Jack Engler có nói rằng, ta cần phải có một cái tôi trước khi phá
vỡ cái tôi của mình. Sự thật thì cả hai đều
có thể được phát triển song song với nhau. Khi ta phát triển cái tôi của mình
- như là một cảm nhận tự tin, và những đức
tính cao thượng như là tinh tấn, tâm từ, tha thứ - ta cũng sẽ bắt
đầu ý thức rằng mình không thể nào nắm
giữ chúng mãi được. Tất cả chỉ là một
phần của một tiến trình đổi thay, chỉ một
điệu vũ mà thôi. Vì vậy mà cái tôi và cái tôi-siêu-việt, cả hai
đều cần phải được phát huy cùng một
lúc. Từ đó ta nhận thấy rằng, toàn thể
tiến trình tu tập không phải là một trạng thái
đặc biệt, và cũng không phải là một sự
thành đạt nào hết, nó
đơn giản chỉ là một tiến trình buông
bỏ mà thôi.
Một người bạn của tôi tu tập nhiều năm ở
Thái Lan và bây giờ ông là trú trì của sáu tu viện ở Anh có chia sẻ
như vầy. Ông nói, "Sự thực tập buông bỏ rất có hiệu quả
đối với những tâm thức nào còn quá
nhiều những suy nghĩ và ham muốn, cho dù đó là
những ham muốn tâm linh. Ta chỉ cần đơn giản
hóa sự tu tập của mình trong hai chữ mà thôi: buông bỏ.
Thay vì cố gắng thực tập theo pháp môn này hay pháp môn kia, thay vì học
hết tam tạng kinh điển và
được truyền giới trong năm, sáu truyền thống
khác nhau, thay vì cố gắng trở thành một giáo thọ, thiền sư, hoặc
được mời đi tham dự những đại hội, những hội
nghị Phật giáo, chúng ta chỉ cần buông bỏ, buông bỏ và buông
bỏ." Nếu bạn thực tập được như vầy,
bạn sẽ tránh được biết bao nhiêu là khổ
đau trên con
đường tu tập. Không có gì mà khổ
đau cho bằng phải đi tham dự các đại hội và
hội nghị Phật giáo.
Tiếp nhận được những truyền thống phong
phú này, chúng ta nên học hỏi như thế nào? Chúng ta nên làm gì với
chúng? Tôi muốn chúng ta có thể tạo dựng nên một tấm bản
đồ tu tập chính xác hơn. Tôi muốn tìm
hiểu sâu hơn về những tầng tâm thức của mình và sự chuyển hóa của chúng.
Nhưng trên hết, tôi muốn được mang cái gia tài
tâm linh phong phú này áp dụng vào đời sống
hằng ngày cho có ý nghĩa và hiệu quả. Chúng ta là một quốc gia của
những người bị tê liệt sự chú ý. Làm sao bạn có thể thưởng thức
được cái đẹp của thiên nhiên, ngoài
công viên, nếu bạn không có khả năng chú ý?
Trong văn hóa Tây phương chúng ta, đa số phải cần đến những sự kích thích
mạnh, nếu không họ cảm thấy mình như là một xác chết. Chúng ta sống
trong một xả hội tuy văn minh nhưng lại có
quá nhiều những vết thương sâu đậm, chúng ta tìm cách che lấp chúng
qua trăm ngàn cách khác nhau, bằng sự
bận rộn của mình. Những vấn đề này
không cho phép chúng ta nhìn thấy được một
con đường tâm linh rộng lớn mở ngay trước mắt.
Và đó là những vấn
đề và câu hỏi mà tôi muốn nêu ra với
tất cả quý vị hôm nay.
Xin cám ơn tất cả quý vị.
Jack Kornfield.
-ooOoo-
Ðầu trang
|
|