TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 28
PHÁP CÚ
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
PHÁP CÚ
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!


1. PHẨM SONG ĐỐI

[01] 1. Các pháp (sở hữu tâm) có tâm là sự dẫn đầu, có tâm là chủ đạo, được tạo ra bởi tâm. Nếu (người nào) nói hay làm với tâm xấu xa, do điều ấy khổ đau đi theo người ấy ví như bánh xe (đi theo) bước chân của con vật đang kéo xe.

[02] 2. Các pháp (sở hữu tâm) có tâm là sự dẫn đầu, có tâm là chủ đạo, được tạo ra bởi tâm. Nếu (người nào) nói hay làm với tâm trong sạch, do điều ấy hạnh phúc đi theo người ấy ví như bóng có sự không lìa khỏi (hình).

[03] 3. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào ấp ủ điều ấy, sự thù hận của những người ấy không được lặng yên.

[04] 4. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào không ấp ủ điều ấy, sự thù hận ở những người ấy được lặng yên.

[05] 5. Ở thế gian này, các sự thù hận không bao giờ được lặng yên bởi sự hận thù, và chúng được lặng yên bởi sự không thù hận; điều này là quy luật cổ xưa.

[06] 6. Và những kẻ khác không nhận thức được, ở đây chúng ta nên tự kiềm chế. Còn những ai tại nơi ấy nhận thức được (điều ấy), nhờ thế các sự tranh chấp được lặng yên.

[07] 7. Trong khi sống có sự quan sát về tịnh tướng, không thu thúc ở các giác quan, không biết chừng mực về vật thực, lười biếng, có sự tinh tấn thấp kém, Ma Vương quả nhiên ngự trị người ấy, ví như cơn gió (đè bẹp) thân cây yếu ớt.

[08] 8. Trong khi sống có sự quan sát về bất tịnh tướng, khéo thu thúc ở các giác quan, biết chừng mực về vật thực, có niềm tin, có sự ra sức tinh tấn, Ma Vương quả nhiên không ngự trị người ấy, ví như cơn gió (không đè bẹp được) ngọn núi đá.

[09] 9. Kẻ nào có uế trược chưa lìa, sẽ khoác lên tấm vải ca-sa, (mà) bỏ bê việc rèn luyện và sự chân thật, kẻ ấy không xứng với y ca-sa.

[10] 10. Còn vị nào có uế trược đã được tẩy trừ, khéo định tĩnh trong các giới, gắn bó với việc rèn luyện và chân thật, người ấy quả nhiên xứng với y ca-sa.

[11] 11. Những người có quan niệm về điều vô ích là cốt lõi, và có nhận thức về điều cốt lõi là vô ích, những người ấy không đạt đến điều cốt lõi, có hành xứ là những tư tuy sai trái.

[12] 12. Và sau khi biết được điều cốt lõi là cốt lõi, và điều vô ích là vô ích, những người ấy đạt đến điều cốt lõi, có hành xứ là những tư tuy đúng đắn.

[13] 13. Giống như mưa xuyên thủng ngôi nhà được lợp (mái) vụng về, tương tự như thế ấy luyến ái xuyên thủng tâm không tu tập.

[14] 14. Giống như mưa không xuyên thủng ngôi nhà được lợp (mái) khéo léo, tương tự như thế ấy luyến ái không xuyên thủng tâm khéo được tu tập.

[15] 15. Kẻ làm ác sầu muộn ở đời này, sầu muộn sau khi chết, sầu muộn ở cả hai nơi. Sau khi nhìn thấy sự ô nhiễm ở việc làm của bản thân, kẻ ấy sầu muộn, kẻ ấy sầu khổ.

[16] 16. Người đã làm việc phước thiện vui sướng ở đời này, vui sướng sau khi chết, vui sướng ở cả hai nơi. Sau khi nhìn thấy sự trong sạch ở việc làm của bản thân, người ấy vui sướng, người ấy thích thú.

[17] 17. Kẻ làm ác bị bứt rứt ở đời này, bị bứt rứt sau khi chết, bị bứt rứt ở cả hai nơi, bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc ác,’ bị đi đến khổ cảnh (kẻ ấy) bị bứt rứt nhiều hơn nữa.

[18] 18. Người đã làm phước thiện hân hoan ở đời này, hân hoan sau khi chết, hân hoan ở cả hai nơi, hân hoan (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc phước thiện,’ được đi đến nhàn cảnh (người ấy) hân hoan nhiều hơn nữa.

[19] 19. Nếu là người dẫu đang nói nhiều về Kinh điển
mà là người bị xao lãng, không làm điều ấy,
được ví như kẻ chăn bò đang tính đếm đàn bò cho những người khác,
không có phần Sa-môn hạnh.

[20] 20. Nếu là người dẫu đang nói ít về Kinh điển
mà có sự hành trì thuận pháp đối với Giáo Pháp,
sau khi dứt bỏ ái dục, sân hận và si mê,
có sự nhận thức đúng đắn, có tâm khéo được giải thoát,
trong khi không chấp thủ đời này hoặc đời kế tiếp,
người ấy được hưởng phần Sa-môn hạnh.

Phẩm Song Đối là thứ nhất.


2. PHẨM KHÔNG XAO LÃNG

[21] 1. Sự không xao lãng là đạo lộ Bất Tử (Niết Bàn), sự xao lãng là con đường đưa đến sự chết. Những người không xao lãng không chết, những người nào xao lãng giống như đã chết.

[22] 2. Sau khi biết rõ điều ấy ở sự không xao lãng, thích thú trong hành xứ của các bậc Thánh, các bậc sáng suốt vui sướng ở sự không xao lãng.

[23] 3. Có thiền chứng, kiên trì, thường xuyên có sự nỗ lực vững chãi, sáng trí, các vị ấy đạt đến Niết Bàn, sự an toàn tối thượng đối với các trói buộc.

[24] 4. Đối với người có sự tích cực, có niệm, có việc làm trong sạch, có hành động đã được cân nhắc, tự chế ngự, sống đúng pháp, không bị xao lãng, thì danh tiếng được tăng trưởng.

[25] 5. Bằng sự tích cực, bằng sự không xao lãng, bằng sự tự chế ngự, và bằng sự rèn luyện, bậc thông minh nên xây dựng hòn đảo mà cơn lũ không tràn ngập được.

[26] 6. Những kẻ ngu, trí tồi, chiều theo sự xao lãng, còn vị thông minh gìn giữ sự không xao lãng như là (gìn giữ) tài sản quý nhất.

[27] 7. Chớ nên chiều theo sự xao lãng, chớ có (nghĩ đến) sự thân mật, thích thú trong các dục, bởi vì người không xao lãng trong khi tham thiền đạt được sự an lạc bao la.

[28] 8. Khi nào bậc sáng suốt xua đi sự xao lãng bằng không xao lãng, (khi ấy) sau khi leo lên tòa lâu đài trí tuệ, không còn sầu muộn, bậc sáng trí nhìn xuống đám người bị sầu muộn, ví như người đứng ở ngọn núi nhìn xuống những kẻ ngu dốt đứng ở mặt đất.

[29] 9. Là người không xao lãng giữa những kẻ bị xao lãng, là người có nhiều sự tỉnh thức giữa những kẻ bị ngủ mê, bậc sáng trí từ bỏ (những kẻ ấy) và ra đi, ví như con tuấn mã ra đi bỏ lại con ngựa yếu đuối (ở phía sau).

[30] 10. Nhờ sự không xao lãng, đức Trời Đế Thích (Maghavā) đi đến vị trí hàng đầu trong số chư Thiên. (Người người) ngợi ca sự không xao lãng; sự xao lãng luôn luôn bị quở trách.

[31] 11. Vị tỳ khưu thích thú ở sự không xao lãng, nhìn thấy nỗi hiểm nguy ở sự xao lãng, ra đi ví như ngọn lửa đang thiêu đốt sự trói buộc nhỏ nhoi và to lớn.

[32] 12. Vị tỳ khưu thích thú ở sự không xao lãng, nhìn thấy nỗi hiểm nguy ở sự xao lãng, không thể đi đến thối đọa, (mà còn) ở rất gần Niết Bàn.

Phẩm Không Xao Lãng là thứ nhì.


3. PHẨM TÂM

[33] 1. Tâm chao đảo, thay đổi, khó hộ trì, khó ngăn chặn, người thông minh làm cho tâm được ngay thẳng, ví như thợ làm tên uốn thẳng cây tên.

[34] 2. Ví như con cá bị vớt ra khỏi nước và bị ném ở trên đất liền, tâm này giãy giụa hầu thoát khỏi tầm khống chế của Ma Vương.

[35] 3. Tâm khó kiểm soát, nhanh nhạy, có sự lao theo cảnh nó muốn. Tốt đẹp thay sự rèn luyện của tâm! Tâm đã được rèn luyện là nguồn đem lại niềm an lạc.

[36] 4. Tâm rất khó nhận biết, vô cùng vi tế, có sự lao theo cảnh nó muốn, người thông minh nên bảo vệ tâm. Tâm đã được hộ trì là nguồn đem lại niềm an lạc.

[37] 5. Tâm có sự di chuyển đến nơi xa xôi, độc hành, không có thân xác, có chỗ trú ẩn là hang sâu (trái tim). Những ai sẽ thu thúc tâm thì (sẽ) được thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.

[38] 6. Đối với kẻ có tâm không được ổn định, không nhận thức được Chánh Pháp, có niềm tin bị dao động, thì tuệ không hoàn hảo.

[39] 7. Đối với người đang tỉnh thức, có tâm không bị nhiễm (bởi dục), có ý không bị công kích (bởi sân), đã dứt bỏ thiện và ác, thì không có sự sợ hãi.

[40] 8. Sau khi biết được thân này tương tợ chậu đất nung,
sau khi thiết lập tâm này tương tợ thành trì,
nên tấn công Ma Vương bằng vũ khí trí tuệ,
và nên bảo vệ điều đã chiến thắng, nên có sự không ngơi nghỉ.

[41] 9. Không bao lâu nữa, thân này quả nhiên sẽ nằm dài ở trên đất, bị liệng bỏ đi, tâm thức đã xa lìa, ví như khúc gỗ mục không còn sự lợi ích.

[42] 10. Tâm hướng đến sự sai trái có thể gây nên cho người ấy điều còn tồi tệ hơn so với việc mà kẻ địch có thể làm đối với kẻ địch, hoặc kẻ thù hằn đối với kẻ thù hằn.

[43] 11. Tâm hướng đến sự chân chánh có thể tạo ra cho người ấy điều còn tốt đẹp hơn so với việc mà mẹ cha hoặc luôn cả các thân quyến khác có thể làm cho người ấy.

Phẩm Tâm là thứ ba.


4. PHẨM BÔNG HOA

[44] 1. Ai sẽ thấu triệt trái đất này,
và thế giới Dạ Ma, thế giới (nhân loại) này luôn cả chư Thiên?
Ai sẽ thu thập lời dạy về Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng,
ví như người thiện xảo sẽ thu thập bông hoa?

[45] 2. Vị Hữu Học sẽ thấu triệt trái đất này,
và thế giới Dạ Ma, thế giới (nhân loại) này luôn cả chư Thiên.
Vị Hữu Học sẽ thu thập lời dạy về Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng,
ví như người thiện xảo sẽ thu thập bông hoa.

[46] 3. Sau khi biết được thân này ví như bọt nước,
trong khi biết rõ nó có tính chất giả tạm,
nên chặt đứt những nụ hoa của Ma Vương
và vượt khỏi tầm nhìn của Thần Chết.

[47] 4. Thần Chết ra đi mang theo người có tâm ý bị đắm nhiễm đang thu thập chỉ mỗi các bông hoa, ví như cơn lũ lớn cuốn trôi ngôi làng đã ngủ say.

[48] 5. Thần Chết thể hiện quyền lực với người có tâm ý bị đắm nhiễm đang thu thập chỉ mỗi các bông hoa, nhưng chưa được thỏa mãn về các dục.

[49] 6. Cũng giống như loài ong lấy nhụy rồi bay đi mà không gây tổn hại đến bông hoa, vẻ đẹp, và hương thơm (của nó), bậc hiền trí đi (khất thực) ở trong làng là tương tự như thế.

[50] 7. Không nên (soi mói) các việc sái quấy của những người khác, không nên (soi mói) việc đã làm hoặc chưa làm của họ, mà nên xem xét những việc đã làm và chưa làm của chính bản thân.

[51] 8. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc không hương, tương tự như vậy lời nói được khéo nói của người không thực hành thì không có kết quả.

[52] 9. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc có hương, tương tự như vậy lời nói được khéo nói của người có thực hành thì có kết quả.
[53] 10. Cũng giống như từ đống bông hoa người ta có thể tạo thành nhiều loại tràng hoa, tương tự như thế nhiều việc thiện nên được làm bởi người đã được sanh ra (ở trên đời).

[54] 11. Hương thơm của bông hoa không bay ngược chiều gió, (hương thơm của) gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc hoa nhài cũng không. Còn hương thơm của những người tốt bay ngược chiều gió, bậc chân nhân tỏa hương (thơm giới hạnh) tất cả các phương.

[55] 12. Gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc ngay cả hoa sen, rồi hoa nhài, trong số các loại có hương thơm này, hương thơm của giới là vô thượng.

[56] 13. Hương thơm này của gỗ tagara hay gỗ trầm có phẩm lượng ít ỏi, còn hương thơm của các bậc có giới hạnh thổi giữa chư Thiên là tối thượng.

[57] 14. Đối với những vị có giới đã được thành tựu, đang sống không xao lãng, đã được giải thoát nhờ vào hiểu biết chân chánh, Ma Vương không tìm ra đạo lộ của những vị ấy.

[58] 15. Giống như tại đống rác đã được quăng bỏ ở con đường lớn, tại nơi ấy hoa sen có thể sanh trưởng, có mùi thơm tinh khiết, làm thích ý.

[59] 16. Tương tự như thế, ở giữa các chúng sanh rác rưởi, ở giữa hạng phàm nhân có trạng thái tăm tối, vị Thinh Văn của đấng Chánh Đẳng Giác rực sáng với trí tuệ.

Phẩm Bông Hoa là thứ tư.


5. PHẨM KẺ NGU

[60] 1. Đêm là dài đối với người đang thức, một do-tuần là dài đối với người bị mệt mỏi, luân hồi là dài đối với những kẻ ngu không nhận biết Diệu Pháp.

[61] 2. Trong khi du hành, nếu không đạt được người giỏi hơn (hoặc) tương đương so với bản thân, nên vững chãi thực hiện việc du hành một mình; không có tình bạn hữu ở kẻ ngu.

[62] 3. ‘Tôi có các con trai, tôi có tài sản,’ (nghĩ thế) kẻ ngu bị sầu khổ. Chính bản thân của mình còn không có, từ đâu mà có các con trai, từ đâu mà có tài sản?

[63] 4. Người ngu nào biết được sự ngu dốt (của mình), do việc ấy người ấy cũng là sáng suốt. Còn kẻ ngu (nào) có sự tự hào là sáng suốt, chính kẻ ấy được gọi là ‘ngu.’

[64] 5. Kẻ ngu nếu thân cận bậc trí cho đến trọn đời mà kẻ ấy không nhận thức được Giáo Pháp thì giống như cái muỗng (không biết được) vị của món xúp.

[65] 6. Người hiểu biết nếu thân cận bậc trí dầu chỉ phút chốc mà mau chóng nhận thức được Giáo Pháp thì giống như cái lưỡi (biết được) vị của món xúp.

[66] 7. Trong khi làm nghiệp ác là việc làm có quả báo đắng cay, những kẻ ngu có trí tồi cư xử đối với bản thân như là (cư xử đối với) kẻ thù.

[67] 8. Việc gì sau khi làm mà bị hối hận, và nhận lãnh quả thành tựu của việc ấy với khuôn mặt đầy nước mắt, khóc lóc, thì việc làm ấy đã được làm một cách không tốt đẹp.

[68] 9. Còn việc gì sau khi làm mà không bị hối hận, và nhận lãnh quả thành tựu của việc ấy được vừa lòng thích ý, thì việc làm ấy đã được làm một cách tốt đẹp.

[69] 10. Cho đến khi nào điều ác chưa được chín muồi thì kẻ ngu còn nghĩ về nó như là mật ngọt, nhưng đến khi điều ác được chín muồi thì kẻ ngu đọa vào khổ đau.

[70] 11. Kẻ ngu có thể thọ dụng vật thực bằng đầu ngọn cỏ kusa theo từng tháng một, kẻ ấy không giá trị bằng một phần mười sáu so với những người đã hiểu được Giáo Pháp.

[71] 12. Ví như sữa không trở chua ngay lập tức, nghiệp ác đã làm không trổ quả liền liền, nó theo đuổi kẻ ngu, đốt nóng, ví như ngọn lửa đã được phủ tro.

[72] 13. Trạng thái được nổi tiếng sanh lên cho kẻ ngu cũng chỉ đem lại điều bất lợi, nó làm vỡ tan cái đầu (trí tuệ) và hủy hoại phần thánh thiện của kẻ ngu này.

[73] 14. (Kẻ ngu) có thể ước ao sự tiến bộ không có thực, sự nổi bật trong số các vị tỳ khưu, quyền hành ở các trú xứ, và sự cúng dường ở các gia đình khác.

[74] 15. ‘Mong sao cả hai hàng tại gia và xuất gia đều nghĩ rằng việc đã được làm bởi chính ta, mong sao họ đều chịu sự điều khiển của chính ta trong mọi công việc lớn nhỏ,’ suy nghĩ của kẻ ngu là thế ấy, lòng ham muốn và ngã mạn của kẻ ấy tăng trưởng.

[75] 16. Phương thức đưa đến lợi lộc là cái khác, còn đường lối đi đến Niết Bàn là cái khác, sau khi biết rõ điều này như thế, vị tỳ khưu đệ tử của đức Phật chớ nên thích thú sự tôn vinh, nên thực hành hạnh độc cư.

Phẩm Kẻ Ngu là thứ năm.


6. PHẨM BẬC SÁNG SUỐT

[76] 1. Nên nhận biết người thông minh, có sự nhìn thấy được lỗi lầm, có lời nói khiển trách, như là người chỉ ra những của cải chôn giấu (cho mình); nên giao thiệp với người sáng suốt như thế ấy. Đối với người giao thiệp với vị như thế ấy, thì trở nên tốt hơn, không có xấu hơn.

[77] 2. Người (nào) có thể giáo giới, có thể chỉ dạy, có thể ngăn chặn điều không tốt lành, thật vậy đối với những người tốt thì người ấy được yêu mến, đối với những người xấu thì không được yêu mến.

[78] 3. Không nên giao thiệp với những bạn xấu, không nên giao thiệp với những người đê tiện. Nên giao thiệp với những người bạn lành, nên giao thiệp với những người cao thượng.

[79] 4. Người có sự hoan hỷ trong Giáo Pháp ngủ một cách an lạc với tâm ý thanh tịnh. Người sáng suốt luôn luôn hứng thú trong Giáo Pháp đã được các bậc Thánh tuyên thuyết.

[80] 5. Thật vậy, những người đào kênh dẫn nước, những thợ làm tên uốn nắn cây tên, những người thợ mộc tạo dáng thanh gỗ, những người sáng suốt rèn luyện bản thân.

[81] 6. Giống như tảng đá rắn chắc không bị lay động bởi gió, tương tự như thế các bậc sáng suốt không dao động ở các sự chê khen.

[82] 7. Cũng giống như hồ nước sâu, trong sạch, không bị vẩn đục, tương tự như thế, sau khi lắng nghe (các lời giảng về) Giáo Pháp các bậc sáng suốt được an tịnh.

[83] 8. Thật vậy, các bậc chân nhân từ bỏ mọi thứ,
các bậc đạo đức không đề cập đến các ước muốn về dục lạc.
Bị xúc chạm bởi hạnh phúc hay bởi khổ đau,
các bậc sáng suốt không tỏ ra phấn khởi hay chán nản.

[84] 9. Người không vì lý do của bản thân, không vì lý do của kẻ khác,
không ao ước con trai, không ao ước tài sản, không ao ước quốc độ,
không mong muốn sự thành tựu cho bản thân một cách sái quấy,
người ấy là người chân chánh, có giới hạnh, có trí tuệ.

[85] 10. Ở loài người, những người có sự đi đến bờ kia là ít ỏi, trái lại những người khác chỉ chạy dọc theo bờ (bên này).

[86] 11. Và những người nào, khi pháp đã được tuyên thuyết đúng đắn, có sự hành trì theo pháp, những người ấy sẽ đi đến bờ kia, (sau khi vượt qua) lãnh vực của Ma Vương rất khó vượt qua.

[87] 12. Bậc sáng suốt, sau khi lìa bỏ pháp đen, nên phát triển pháp trắng, sau khi từ nhà đi đến trạng thái không nhà, ở chỗ tách biệt là nơi khó có sự thích thú.

[88] 13. Sau khi từ bỏ các dục, không còn có vật gì, vị sáng suốt nên mong mỏi sự thỏa thích ở nơi ấy, nên thanh lọc bản thân khỏi các điều ô nhiễm của tâm.

[89] 14. Những vị nào có tâm đã khéo được tu tập ở các chi phần đưa đến Giác Ngộ, được thích thú trong việc xả bỏ các sự bám víu, không còn chấp thủ, những vị ấy có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có sự chói sáng, đã đạt Niết Bàn ở thế gian.

Phẩm Bậc Sáng Suốt là thứ sáu.


7. PHẨM A-LA-HÁN

[90] 1. Đối với người đã trải qua cuộc hành trình, không còn sầu muộn, đã được giải thoát về mọi phương diện, đã dứt bỏ mọi trói buộc, sự bực bội là không được biết đến.

[91] 2. Các vị nỗ lực, có niệm, các vị ấy không thích thú về chỗ ở. Ví như những con thiên nga từ bỏ hồ nước, các vị ấy từ bỏ mọi trú xứ.

[92] 3. Các vị nào không có sự tích lũy, đã hiểu biết toàn diện về vật thực, có không tánh và vô tướng giải thoát là hành xứ của họ, lộ trình của các vị ấy là khó theo dõi, ví như đường bay của những con chim ở trên không trung.

[93] 4. Vị nào có các lậu hoặc đã được hoàn toàn cạn kiệt, và không bị lệ thuộc về vật thực, có không tánh và vô tướng giải thoát là hành xứ của mình, vết chân của vị ấy là khó theo dõi, ví như đường bay của những con chim ở trên không trung.

[94] 5. Vị nào có các giác quan đã đi đến sự yên lặng, giống như những con ngựa đã khéo được huấn luyện bởi người đánh xe, có ngã mạn đã được dứt bỏ, không còn lậu hoặc, ngay cả chư Thiên cũng yêu mến vị có đức hạnh như thế ấy.

[95] 6. Giống như trái đất không chống đối, tựa như cột trụ chống, vị có sự hành trì tốt đẹp như thế ấy ví như hồ nước đã được vét bùn, không còn các việc luân hồi đối với vị như thế ấy.

[96] 7. Đối với vị đã được giải thoát do sự hiểu biết đúng đắn, đã được an tịnh như thế ấy, suy nghĩ của vị ấy là thanh tịnh, lời nói và hành động đều thanh tịnh.

[97] 8. Người nào không tà tín, biết sự không tạo tác (Niết Bàn), cắt đứt sự tiếp nối (tái sanh), đã tiêu diệt duyên cớ, đã buông bỏ niềm ước muốn, chính vị ấy là con người tối thượng.

[98] 9. Cho dầu ở làng, hoặc là ở rừng, cho dầu ở thung lũng hoặc ở cao nguyên, nơi nào các vị A-la-hán cư ngụ, vùng đất ấy thật đáng ưa thích.

[99] 10. Các khu rừng đáng ưa thích là nơi dân chúng không ưa thích. Những vị có tham ái đã lìa sẽ thích thú, họ không có sự tầm cầu dục lạc.

Phẩm A-la-hán là thứ bảy.


8. PHẨM MỘT NGÀN

[100] 1. Nếu một ngàn lời nói mà chỉ chứa đựng những từ vô nghĩa, thì một từ có ý nghĩa là tốt hơn, sau khi nghe nó được an tịnh.

[101] 2. Nếu một ngàn câu kệ mà chỉ chứa đựng những từ vô nghĩa, thì một chữ của câu kệ là tốt hơn, sau khi nghe nó được an tịnh.

[102] 3. Nếu người nào nói một trăm câu kệ chứa đựng những từ vô nghĩa, thì (nói) một câu Pháp là tốt hơn, sau khi nghe nó được an tịnh.

[103] 4. Người nào có thể chiến thắng một ngàn người một ngàn lần ở chiến trường, và người có thể chiến thắng mỗi một bản thân mình, người ấy quả thật là tối thượng trong số những người chiến thắng ở chiến trường.

[104] 5. Đúng vậy, đối với con người đã rèn luyện bản thân, có hành vi được chế ngự thường xuyên, chiến thắng bản thân là tốt hơn chiến thắng những người khác.

[105] 6. Không phải vị Trời, không phải vị Càn-thát-bà, không phải Ma Vương cùng với Phạm Thiên có thể làm cho sự chiến thắng của con người có tính chất như thế trở thành chiến bại.

[106] 7. Người cúng tế một ngàn (đồng tiền) hàng tháng trong một trăm năm, và người lễ bái đến một vị có bản thân đã được tu tập dầu chỉ trong phút chốc, chính việc lễ bái ấy là tốt hơn việc tế lễ một trăm năm.

[107] 8. Người hầu cận ngọn lửa ở khu rừng trong một trăm năm, và người lễ bái đến một vị có bản thân đã được tu tập dầu chỉ trong phút chốc, chính việc lễ bái ấy là tốt hơn việc tế lễ một trăm năm.

[108] 9. Người mong mỏi phước báu có thể cúng tế bất cứ vật cúng tế hoặc vật tế lễ nào ở thế gian trọn năm, toàn bộ việc ấy cũng không đạt được một phần tư, việc đảnh lễ ở các vị chánh trực là tốt hơn.

[109] 10. Bốn pháp: tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, sức mạnh tăng trưởng đến người có tập tính đảnh lễ và thường xuyên có sự kính trọng đến các bậc trưởng thượng.

[110] 11. Và người nào có thể sống một trăm năm, có giới xấu xa, không định tĩnh, mạng sống một ngày của người có giới hạnh, có thiền, là tốt hơn.

[111] 12. Và người nào có thể sống một trăm năm, thiếu trí tuệ, không định tĩnh, mạng sống một ngày của người có tuệ, có thiền, là tốt hơn.

[112] 13. Và người nào có thể sống một trăm năm, lười biếng, có sự tinh tấn thấp kém, mạng sống một ngày của người đang ra sức tinh tấn một cách vững chãi là tốt hơn.

[113] 14. Và người nào có thể sống một trăm năm, không nhìn thấy sự sanh và diệt, mạng sống một ngày của người nhìn thấy sự sanh và diệt là tốt hơn.

[114] 15. Và người nào có thể sống một trăm năm, không nhìn thấy vị thế Bất Tử, mạng sống một ngày của người nhìn thấy vị thế Bất Tử là tốt hơn.

[115] 16. Và người nào có thể sống một trăm năm, không nhìn thấy Giáo Pháp tối thượng, mạng sống một ngày của người nhìn thấy Giáo Pháp tối thượng là tốt hơn.

Phẩm Một Ngàn là thứ tám.


9. PHẨM ÁC

[116] 1. Nên mau mắn trong việc tốt, nên ngăn chặn tâm khỏi điều ác, bởi vì khi người làm việc phước thiện một cách chậm chạp, tâm của người thích thú trong việc ác.

[117] 2. Nếu người làm việc ác, không nên tiếp tục làm việc ấy nữa. Không nên tạo ra sự mong muốn về việc ấy, sự tích lũy việc ác là khổ đau.

[118] 3. Nếu người làm việc phước thiện, nên tiếp tục làm việc ấy. Nên tạo ra sự mong muốn về việc ấy, sự tích lũy việc phước thiện là hạnh phúc.

[119] 4. Người làm ác cũng gặp được điều lành khi nào việc ác chưa được chín muồi. Và khi nào việc ác được chín muồi, khi ấy người làm ác gặp những điều xấu xa.

[120] 5. Người làm lành cũng gặp điều xấu xa khi nào việc lành chưa được chín muồi. Và khi nào việc lành được chín muồi, khi ấy người làm lành gặp những điều tốt lành.

[121] 6. Chớ xem thường việc ác (nghĩ rằng): ‘Điều ấy sẽ không đến cho ta.’ Với việc nhỏ xuống từng giọt nước, bình nước cũng được tràn đầy, trong khi tích lũy (việc ác) dầu chỉ từng chút từng chút, kẻ ngu bị ngập tràn việc ác.

[122] 7. Chớ xem thường việc phước (nghĩ rằng): ‘Điều ấy sẽ không đến cho ta.’ Với việc nhỏ xuống từng giọt nước, bình nước cũng được tràn đầy, trong khi tích lũy (việc phước) dầu chỉ từng chút từng chút, người sáng trí được ngập tràn việc phước.

[123] 8. Nên lánh xa các việc ác, ví như người thương buôn có đoàn lữ hành ít ỏi mà có tài sản lớn lao nên lánh xa con đường nguy hiểm, ví như người có ý muốn sống nên lánh xa thuốc độc.

[124] 9. Có thể nắm lấy thuốc độc bằng bàn tay nếu ở bàn tay không có vết thương; thuốc độc không ngấm vào chỗ không có vết thương, không có điều ác cho người không làm (ác).

[125] 10. Kẻ nào bôi nhọ người không bị ô nhiễm,
người trong sạch, không vết nhơ,
điều xấu xa quay về chính kẻ ngu ấy,
ví như bụi bặm li ti được tung ra ngược chiều gió.

[126] 11. Một số sanh vào bào thai, những kẻ có nghiệp ác sanh vào địa ngục, những người có hạnh lành đi đến cõi trời, các bậc vô lậu viên tịch Niết Bàn.

[127] 12. Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi,
không phải đã đi vào khe của những ngọn núi,
không tìm thấy khu vực ấy ở trên trái đất,
nơi mà người đứng ở đó có thể thoát khỏi nghiệp ác.

[128] 13. Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi,
không phải đã đi vào khe của những ngọn núi,
không tìm thấy khu vực ấy ở trên trái đất,
nơi mà người đứng ở đó thì Tử Thần không thể khống chế.

Phẩm Ác là thứ chín.


10. PHẨM HÌNH PHẠT

[129] 1. Tất cả khiếp sợ hành phạt, tất cả sợ hãi Tử Thần. Sau khi lấy bản thân làm ví dụ, chớ nên giết hại, chớ nên bảo (kẻ khác) giết hại.

[130] 2. Tất cả khiếp sợ hành phạt, tất cả xem mạng sống là yêu quý. Sau khi lấy bản thân làm ví dụ, chớ nên giết hại, chớ nên bảo (kẻ khác) giết hại.

[131] 3. Kẻ nào hãm hại các chúng sanh có sự mong mỏi hạnh phúc bằng hành phạt trong khi tầm cầu hạnh phúc cho mình, kẻ ấy không đạt được hạnh phúc sau khi chết.

[132] 4. Kẻ nào không hãm hại các chúng sanh có sự mong mỏi hạnh phúc bằng hành phạt trong khi tầm cầu hạnh phúc cho mình, kẻ ấy đạt được hạnh phúc sau khi chết.

[133] 5. Ngươi chớ nói điều thô lỗ đến bất cứ ai. Những người đã bị (ngươi) nói có thể nói lại ngươi. Những lời nói cộc cằn quả là tai hại, (bởi vì) các sự đánh trả lại có thể giáng xuống cho ngươi.

[134] 6. Nếu ngươi không dao động bản thân giống như cái chuông đã bị bể, chính ngươi đã đạt đến Niết Bàn, sự thù hằn không tìm thấy ở ngươi.

[135] 7. Giống như người chăn bò dùng gậy gộc lùa bầy bò ra đồng cỏ, tương tự như thế sự già và sự chết xua đuổi tuổi thọ của các chúng sanh.

[136] 8. Và trong khi làm các việc ác, kẻ ngu không được sáng suốt. Kẻ có trí tồi bị hối hận bởi các hành động của mình, ví như bị đốt thiêu bởi ngọn lửa.

[137] 9. Kẻ nào dùng gậy gộc gây hại đến các bậc không có gậy gộc, không bị ô nhiễm, ngay lập tức bị đọa vào một trong mười trường hợp:

[138] 10. (Kẻ ấy) có thể gánh chịu cảm thọ khốc liệt, sự mất mát tài sản, và sự tổn thương của cơ thể, hoặc là bịnh hoạn trầm trọng, hoặc sự mất trí.

[139] 11. Hoặc là sự phiền hà từ nhà vua, hay sự cáo tội khắc nghiệt, hoặc là sự tổn thất về thân quyến, hay sự tiêu tán về các của cải.

[140] 12. Hoặc là ngọn lửa phát khởi thiêu đốt các gian nhà của kẻ ấy. Do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy bị sanh vào địa ngục.

[141] 13. Không phải sự thực hành lõa thể, không phải các búi tóc, không phải (sự bôi trét) các bùn đất, không phải sự tuyệt thực, hoặc sự nằm trên mặt đất, không phải bụi bặm và cáu ghét, không phải sự ra sức ngồi chồm hổm làm trong sạch con người chưa vượt qua sự nghi hoặc.

[142] 14. Mặc dầu đã được trang sức, mà có thể thực hành sự trầm tĩnh,
được an tịnh, đã được rèn luyện, quả quyết, có Phạm hạnh,
đã buông bỏ sự hành hạ đối với tất cả chúng sanh,
vị ấy là Bà-la-môn, vị ấy là Sa-môn, vị ấy là tỳ khưu.

[143] 15. Người có sự tự ngăn ngừa bằng pháp hổ thẹn (tội lỗi) khó tìm thấy ở thế gian, là người không khơi dậy lời chê trách, ví như con ngựa hiền không phải dùng đến cây roi.

[144] 16. Giống như con ngựa hiền được điều khiển bởi cây roi,
các ngươi hãy có sự nhiệt tâm, có sự năng nổ.
Với tín, với giới, và với tấn,
với định, và với sự thẩm định về pháp,
có minh và hạnh đầy đủ, có niệm,
các ngươi hãy dứt bỏ sự khổ đau không phải là nhỏ nhoi này.

[145] 17. Thật vậy, những người đào kênh dẫn nước, những thợ làm tên uốn nắn cây tên, những người thợ mộc tạo dáng thanh gỗ, những vị có sự hành trì tốt đẹp rèn luyện bản thân.

Phẩm Hình Phạt là thứ mười.


11. PHẨM GIÀ

[146] 1. Nụ cười gì đây, tại sao có niềm vui, khi thường xuyên bị đốt cháy? Bị bao trùm bởi bóng tối, phải chăng các ngươi sẽ không tìm kiếm ngọn đèn?

[147] 2. Hãy nhìn xem hình bóng đã được tô điểm, tập hợp những vết thương, đã được dựng đứng lên (với những mảnh xương), bệnh hoạn, có nhiều suy tư, đối với nó không có sự bền vững, ổn định.

[148] 3. Thể xác này là hoàn toàn tàn tạ, ổ bệnh tật, mỏng manh. Xác thân hôi thối (sẽ) bị tan rã bởi vì mạng sống có sự chết là điểm cuối cùng.

[149] 4. Có sự thích thú gì sau khi nhìn thấy những mảnh xương có màu trắng xám này bị quăng bỏ tứ tán tựa như những trái bầu ở vào mùa thu?

[150] 5. (Thân này) là thành trì được làm bằng những mảnh xương, có sự bôi trét bằng thịt và máu, là nơi mà sự già, sự chết, ngã mạn, và đố kỵ ẩn náu.

[151] 6. Các cỗ xe của đức vua, khéo được trang điểm, đương nhiên (sẽ) trở thành tàn tạ, rồi thân xác cũng đi đến sự già nua, nhưng Giáo Pháp của các bậc Thánh không đi đến sự già nua. Đúng vậy, các bậc Thánh tuyên thuyết đến các người tốt lành.

[152] 7. Người nam này, ít chịu học hỏi, trở thành già cỗi ví như con bò mộng, các bắp thịt của kẻ ấy tăng trưởng, trí tuệ của kẻ ấy không tăng trưởng.

[153] 8. Ta đã trải qua luân hồi trong nhiều kiếp sống không ngừng nghỉ, trong khi tìm kiếm người thợ làm nhà; sự sanh tái diễn là khổ đau.

[154] 9. Hỡi người thợ làm nhà, ngươi đã bị nhìn thấy. Ngươi sẽ không xây dựng nhà nữa. Tất cả các rường cột của ngươi đã bị gãy đổ, mái nhà đã bị phá tan. Tâm (của Ta) đã đi đến sự không còn tạo tác, Ta đã chứng đạt sự diệt tận của các tham ái.

[155] 10. Những người đã không thực hành Phạm hạnh, đã không đạt được tài sản lúc còn trẻ, ví như những con cò già bị tàn tạ ở hồ nước cạn, không còn cá.

[156] 11. Những người đã không thực hành Phạm hạnh, đã không thành tựu tài sản lúc còn trẻ, nằm dài thở than về các việc quá khứ, ví như những (mũi tên) hết đà bắn ra từ cây cung, rơi xuống đất.

Phẩm Già là thứ mười một.


12. PHẨM TỰ NGÃ

[157] 1. Nếu biết bản thân là đáng yêu thì nên bảo vệ nó một cách cẩn thận. Người sáng suốt nên cảnh tỉnh (bản thân) vào một trong ba thời.[1]

[158] 2. Trước tiên nên huân tập chính bản thân ở việc đúng đắn, rồi mới nên chỉ dạy người khác, (như thế) người sáng suốt không thể bị ô nhiễm.

[159] 3. Nếu chỉ dạy người khác như thế nào thì nên thực hành đối với bản thân như vậy. Đúng vậy, người đã khéo được rèn luyện thì có thể rèn luyện (kẻ khác), bởi vì bản thân quả là khó rèn luyện.

[160] 4. Chính ta là người bảo hộ cho ta, còn người nào khác nữa có thể là người bảo hộ (cho ta)? Khi chính ta đã khéo được rèn luyện, thì đạt được người bảo hộ là việc khó mà đạt được.

[161] 5. Việc ác đã do chính ta làm, đã do ta gây ra, có nguồn sanh khởi từ nơi ta. Việc ác nghiền nát kẻ kém trí tuệ, ví như kim cương nghiền nát viên ngọc ma-ni làm bằng đá.

[162] 6. Ví như dây leo māluva trùm lên cây sālā, người có giới tồi tệ quá mức tạo ra cho bản thân điều mà kẻ thù mong muốn gây ra cho người ấy.

[163] 7. Những việc không tốt đẹp và không có lợi ích cho bản thân là những việc dễ làm. Đúng vậy, việc gì có lợi ích và tốt đẹp, việc ấy hiển nhiên là việc vô cùng khó làm.

[164] 8. Kẻ nào kém trí tuệ, nương tựa ác tà kiến, khinh miệt lời giảng dạy của các bậc A-la-hán, của các vị Thánh Nhân có đời sống đúng đắn, (kẻ ấy) gây nên hậu quả đưa đến sự tiêu hoại cho bản thân, ví như các trái của cây tre (khi trổ hoa kết trái thì hại chết cây tre).

[165] 9. Việc ác đã được làm bởi chính bản thân, trở thành ô nhiễm bởi bản thân. Việc ác đã không được làm bởi bản thân, trở thành trong sạch bởi chính bản thân. Trong sạch (hay) không trong sạch tùy thuộc vào bản thân, không ai có thể làm cho người khác trở thành trong sạch.

[166] 10. Không nên buông bỏ lợi ích của bản thân vì lợi ích của kẻ khác cho dầu là lớn lao. Sau khi biết rõ lợi ích của bản thân, nên quan tâm đến lợi ích của mình.

Phẩm Tự Ngã là thứ mười hai.


13. PHẨM THẾ GIAN

[167] 1. Không nên thân cận với pháp thấp kém (ngũ dục). Không nên sống với sự xao lãng. Không nên thân cận với tà kiến. Không nên bận rộn với thế gian.

[168] 2. Nên nỗ lực, không nên xao lãng. Nên thực hành pháp một cách tốt đẹp. Người có sự thực hành pháp sống[2] an lạc trong đời này và trong đời sau.

[169] 3. Nên thực hành pháp một cách tốt đẹp, không nên thực hành việc ấy một cách sai trái. Người có sự thực hành pháp sống an lạc trong đời này và trong đời sau.

[170] 4. Nên xem (thế gian) như bọt nước, nên xem (thế gian) như ảo ảnh, Thần Chết không nhìn thấy người đang quan sát thế gian như vậy.

[171] 5. Hãy đến, hãy xem thế gian này đã được tô điểm tương tự như cỗ xe của đức vua, những kẻ ngu chìm đắm ở nơi ấy, không có sự dính líu đối với những người đang nhận thức (như thế).

[172] 6. Và người nào trước đây xao lãng, về sau người ấy không xao lãng, người ấy chiếu sáng thế gian này, ví như mặt trăng được ra khỏi đám mây.

[173] 7. Nghiệp ác đã làm của người nào được đóng lại bởi việc thiện, người ấy chiếu sáng thế gian này, ví như mặt trăng được ra khỏi đám mây.

[174] 8. Thế gian này là mù quáng, ở đây số ít nhìn thấy rõ. Ví như (số lượng) con chim được thoát khỏi tấm lưới, ít người đi đến cõi trời.

[175] 9. Các con thiên nga di chuyển theo đường đi của mặt trời. Những người đi ở không gian nhờ vào thần thông. Các bậc sáng trí lìa khỏi thế gian sau khi chiến thắng Ma Vương cùng với đám quân binh.

[176] 10. Đối với người đã vượt qua một pháp (chân thật), có lời nói dối trá, đã không quan tâm đến đời sau, không có việc ác nào là sẽ không làm.

[177] 11. Đương nhiên, những kẻ keo kiệt không đi đến Thiên giới.
Đúng vậy, những kẻ ngu không khen ngợi việc bố thí.
Và người sáng trí, trong khi tùy hỷ việc bố thí,
do chính việc ấy vị ấy có được sự an vui ở đời sau.

[178] 12. Quả vị Nhập Lưu là cao quý so với vương quyền độc nhất ở trái đất, hoặc việc đi đến cõi trời, hoặc quyền chúa tể của toàn thể thế gian.

Phẩm Thế Gian là thứ mười ba.


14. PHẨM ĐỨC PHẬT

[179] 1. Chiến thắng của vị nào không bị hạ thấp, chiến thắng của vị nào không một ai ở thế gian đạt đến, vị ấy là đức Phật, có hành xứ không bị giới hạn, không dấu vết, vậy ngươi sẽ dẫn dắt Ngài đi theo lối nào?

[180] 2. Tham ái, tấm lưới bẫy, sự vướng mắc của vị nào là không còn để dẫn dắt đi bất cứ đâu, vị ấy là đức Phật, có hành xứ không bị giới hạn, không dấu vết, vậy ngươi sẽ dẫn dắt Ngài đi theo lối nào?

[181] 3. Các vị nào chuyên chú tham thiền, sáng trí, thích thú ở sự an tịnh của việc xuất ly, chư Thiên cũng mong mỏi các vị ấy, các bậc Chánh Đẳng Giác, có niệm.

[182] 4. Sự đạt được thân người là khó, mạng sống của loài người là khó, (cơ hội) lắng nghe Chánh Pháp là khó, sự hiện khởi của chư Phật là khó.

[183] 5. Không làm mọi điều ác, thành tựu việc thiện, thanh lọc tâm của mình, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.

[184] 6. Nhẫn nại, chịu đựng là sự khổ hạnh tối thượng.
Chư Phật nói Niết Bàn là tối thượng.
Kẻ có sự hãm hại người khác đương nhiên không phải là bậc xuất gia,
kẻ ức hiếp người khác không phải là Sa-môn.

[185] 7. Không phỉ báng, không giết hại, sự thu thúc theo giới bổn Pātimokkha, sự biết đủ về vật thực, chỗ nằm ngồi thanh vắng, và sự gắn bó vào tăng thượng tâm, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.

[186] 8. Không phải do trận mưa tiền vàng mà sự thỏa mãn ở các dục được tìm thấy. Bậc sáng suốt đã biết rằng: ‘Các dục là khổ đau, có ít khoái lạc.’

[187] 9. Vị ấy không tầm cầu sự thích thú ở các dục, dầu là của cõi Trời. Người đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác thích thú sự diệt trừ tham ái.

[188] 10. Bị đe dọa bởi nỗi sợ hãi, loài người đi đến nhiều nơi nương nhờ: những ngọn núi, những khu rừng, những ngôi chùa, những cội cây, và những bảo tháp.

[189] 11. Nơi nương nhờ ấy quả thật là không an toàn, nơi nương nhờ ấy là không tối thượng, Sau khi đi đến nơi nương nhờ ấy không được thoát khỏi mọi khổ đau.

[190] 12. Người nào đi đến nương nhờ đức Phật, Giáo Pháp, và Tăng Chúng, (người ấy) thấy được bốn Chân Lý cao thượng bằng trí tuệ chân chánh.

[191] 13. (Người ấy) thấy được Khổ, sự sanh lên của Khổ, sự vượt qua khỏi Khổ, và Thánh Đạo tám chi phần đưa đến sự yên lặng của Khổ.

[192] 14. Nơi nương nhờ ấy quả nhiên là an toàn, nơi nương nhờ ấy là tối thượng. Sau khi đi đến nơi nương nhờ ấy được thoát khỏi mọi khổ đau.

[193] 15. Người ưu việt là điều khó đạt được, vị ấy không được sanh ra ở mọi nơi. Nơi nào bậc sáng trí ấy sanh ra, gia tộc ấy thành đạt hạnh phúc.

[194] 16. Sự hiện khởi của chư Phật là an vui. Việc thuyết giảng Chánh Pháp là an vui. Sự hợp nhất của Tăng Chúng là an vui. Sự khắc khổ của các vị hợp nhất là an vui.

[195] 17. Đối với người đang cúng dường đến các đối tượng xứng đáng sự cúng dường như là chư Phật hoặc là các vị Thinh Văn đang vượt qua chướng ngại, hoặc đã vượt qua sầu muộn và than vãn, ...

[196] 18. ... đối với người đang cúng dường đến các vị đã đạt Niết Bàn không còn hãi sợ như thế ấy, không thể nào ước định phước báu (của người ấy) là thế này (hay thế kia), bởi bất cứ ai (hoặc bằng bất cứ cách thức gì).

Phẩm Đức Phật là thứ mười bốn.

Tụng Phẩm thứ nhất.


15. PHẨM AN LẠC

[197] 1. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không thù hận giữa những người thù hận. Giữa những người thù hận, chúng ta hãy sống không thù hận.

[198] 2. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không bệnh[3] giữa những người bệnh. Giữa những người bệnh, chúng ta hãy sống không bệnh.

[199] 3. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không khao khát giữa những người khao khát. Giữa những người khao khát, chúng ta hãy sống không khao khát.

[200] 4. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không có vật gì thuộc về chúng ta. Chúng ta sẽ là những người có sự nuôi dưỡng bằng pháp hỷ, giống như chư Thiên ở cõi Quang Âm.

[201] 5. Chiến thắng làm nảy sanh thù hận. Kẻ bị chiến bại ngủ một cách khổ sở. Người an tịnh, ngủ một cách an lạc, sau khi đã từ bỏ thắng và bại.

[202] 6. Không có lửa nào sánh bằng tham, không có tội nào sánh bằng sân, không có khổ nào sánh bằng các uẩn, không có lạc nào vượt trội Niết Bàn.

[203] 7. Đói là bệnh tối thượng, các hành là khổ tối thượng. Sau khi biết được điều ấy đúng theo bản thể, Niết Bàn là an lạc tối thượng.

[204] 8. Không bệnh là lợi ích tối thượng, tự biết đủ là tài sản tối thượng, sự tự tin là thân quyến tối thượng, Niết Bàn là an lạc tối thượng.

[205] 9. Sau khi đã uống hương vị của sự ẩn cư và hương vị của sự an tịnh, người uống hương vị hoan hỷ của Giáo Pháp trở nên không còn buồn bực, không còn ác xấu.

[206] 10. Việc nhìn thấy các bậc Thánh là tốt lành, việc sống chung (với các bậc Thánh) thì luôn luôn an lạc, do việc không gặp gỡ những kẻ ngu, có thể có được sự an lạc thường xuyên.

[207] 11. Người có sự sinh hoạt gần gũi với kẻ ngu sầu muộn thời gian lâu dài. Sự cộng trú với những kẻ ngu là khổ sở, ví như sống với kẻ thù vào mọi lúc. Còn sự sống chung với người sáng trí là an lạc, như là sự gặp gỡ với những người thân.

[208] 12. Chính vì thế, các ngươi nên giao thiệp với người ấy, vị như thế ấy, bậc chân nhân, khôn ngoan, sáng trí, có trí tuệ, nghe nhiều, giới được kiên trì, đầy đủ phận sự, thánh thiện, ví như mặt trăng liên kết với hành trình của các ngôi sao.

Phẩm An Lạc là thứ mười lăm.


16. PHẨM YÊU THÍCH

[209] 1. Trong khi gắn bó bản thân vào việc không đáng gắn bó và không gắn bó bản thân vào việc đáng gắn bó, kẻ có sự nắm bắt những điều yêu thích, sau khi từ bỏ mục đích, ganh tị với vị có sự gắn bó bản thân (vào việc tu tập).

[210] 2. Chớ nên tiếp cận với những gì yêu thích và những gì không yêu thích vào bất cứ lúc nào. Không nhìn thấy những gì yêu thích và nhìn thấy những gì không yêu thích là khổ đau.

[211] 3. Vì thế, chớ tạo ra đối tượng yêu thích, bởi vì sự xa lìa những gì yêu thích là điều xấu. Những vị nào không có đối tượng yêu thích và đối tượng không yêu thích, sự ràng buộc không hiện hữu đối với những vị ấy.

[212] 4. Do yêu thích sầu muộn được sanh ra, do yêu thích lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự yêu thích, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?

[213] 5. Do mến thương sầu muộn được sanh ra, do mến thương lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự mến thương, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?

[214] 6. Do luyến ái sầu muộn được sanh ra, do luyến ái lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự luyến ái, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?

[215] 7. Do ham muốn sầu muộn được sanh ra, do ham muốn lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự ham muốn, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?

[216] 8. Do tham ái sầu muộn được sanh ra, do tham ái lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự tham ái, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?

[217] 9. (Vị nào) được đầy đủ về giới hạnh và sự nhận thức, đã đứng vững ở Thánh Pháp, có sự hiểu biết về Chân Lý, đang thực hành công việc của mình, dân chúng thể hiện sự yêu mến đối với vị ấy.

[218] 10. Vị đã khởi lên mong muốn về pháp không định nghĩa được (Niết Bàn), nếu được thấm nhuần bởi ý, và có tâm không bị trói buộc ở các dục, được gọi là ‘Bậc Thượng Lưu.’

[219] 11. Khi người có cuộc sống ly hương lâu dài đã trở về an toàn từ phương xa, thân quyến bạn bè và người quen vui mừng người đã trở về.

[220] 12. Tương tợ y như thế, khi người đã làm việc phước thiện từ thế giới này đi đến thế giới khác, các phước báu tiếp đón (người ấy), ví như các quyến thuộc tiếp đón người thân yêu đã trở về.

Phẩm Yêu Thích là thứ mười sáu.


17. PHẨM GIẬN DỮ

[221] 1. Nên từ bỏ sự giận dữ, nên dứt bỏ hẳn sự ngã mạn,
nên vượt qua tất cả ràng buộc.
Trong khi vị ấy không bám víu vào danh và sắc,
các khổ đau không xảy đến cho vị không có vật gì.

[222] 2. Quả vậy, người nào có thể kiềm chế sự giận dữ đã sanh lên, ví như cỗ xe bị chao đảo, Ta gọi người ấy là ‘xa phu,’ người khác là kẻ vịn dây cương.

[223] 3. Nên chinh phục người giận dữ bằng sự không giận dữ, nên chinh phục người xấu bằng điều tốt, nên chinh phục người bỏn xẻn bằng sự bố thí, (nên chinh phục) người có lời nói sai trái bằng sự chân thật.

[224] 4. Nên nói sự thật, không nên giận dữ. Khi được yêu cầu, nên bố thí dầu chỉ có chút ít. Với ba yếu tố này, có thể đi đến nơi hiện diện của chư Thiên.

[225] 5. Các bậc hiền trí nào là những người không hãm hại, thường xuyên thu thúc về thân, các vị ấy đi đến vị thế Bất Tử, là nơi không sầu muộn sau khi đi đến.

[226] 6. Đối với những người luôn luôn tỉnh giác, có sự tu tập ngày đêm, đã hướng tâm đến Niết Bàn, các lậu hoặc (của các vị ấy) đi đến tiêu diệt.

[227] 7. Này A-tu-la, chuyện này là cổ xưa, chuyện này không chỉ là ngày nay, họ chê trách người ngồi im lặng, họ chê trách người nói nhiều, và họ cũng chê trách người nói vừa phải; ở trên đời không có người không bị chê trách.

[228] 8. Đã không có (ở quá khứ), sẽ không có (ở vị lai), và không tìm thấy ở hiện tại người chỉ thuần bị chê trách hoặc chỉ thuần được ngợi khen.

[229] 9. Sau khi xem xét ngày ngày, các bậc tri thức ngợi khen người có hành vi không lỗi lầm, thông minh, được thành tựu trí tuệ và giới hạnh.

[230] 10. Tựa như đồng tiền bằng vàng ròng, ai xứng đáng để chê trách vị ấy? Chư Thiên cũng khen ngợi vị ấy. Vị ấy còn được khen ngợi bởi đấng Phạm Thiên.

[231] 11. Nên canh phòng sự giận dữ (bột phát) ở thân, nên là người đã được thu thúc về thân. Sau khi từ bỏ uế hạnh do thân, nên thực hành thiện hạnh do thân.

[232] 12. Nên canh phòng sự giận dữ của khẩu, nên là người đã được thu thúc về khẩu. Sau khi từ bỏ uế hạnh do khẩu, nên thực hành thiện hạnh do khẩu.

[233] 13. Nên canh phòng sự giận dữ của ý, nên là người đã được thu thúc về ý. Sau khi từ bỏ uế hạnh do ý, nên thực hành thiện hạnh do ý.

[234] 14. Các bậc sáng trí đã được thu thúc về thân, rồi đã được thu thúc về khẩu. Các bậc sáng trí đã được thu thúc về ý. Đúng vậy, các vị ấy đã khéo thu thúc toàn diện.

Phẩm Giận Dữ là thứ mười bảy.


18. PHẨM VẾT NHƠ

[235] 1. Ngươi giờ đây ví như là chiếc lá úa vàng, và sứ giả của Thần Chết cũng đã đứng gần ngươi. Ngươi (đang) đứng ở ngưỡng cửa của sự tiêu vong, và lương thực đi đường của ngươi cũng không có.

[236] 2. Ngươi đây hãy tạo lập hòn đảo cho bản thân, hãy mau mau nỗ lực, hãy trở nên sáng suốt. Với vết nhơ đã được giũ bỏ, không còn nhơ nhớp, ngươi sẽ đi đến địa phận thuộc cõi trời của các bậc Thánh nhân.

[237] 3. Và giờ đây người có sự diệt vong đã đến gần, ngươi đã tự đi đến gần Thần Chết. Không có chỗ trú ngụ cho ngươi ở khoảng giữa, và lương thực đi đường của ngươi cũng không có.

[238] 4. Ngươi đây hãy tạo lập hòn đảo cho bản thân, hãy mau mau nỗ lực, hãy trở nên sáng suốt. Với vết nhơ đã được giũ bỏ, không còn nhơ nhuốc, ngươi sẽ không đi đến sự sanh và sự già lại nữa.

[239] 5. Ví như thợ rèn giũ bỏ bụi dơ của bạc, bậc thông minh nên tuần tự giũ bỏ vết nhơ của bản thân từng chút từng chút theo từng giây từng phút.

[240] 6. Ví như chất rỉ sét đã được sanh lên từ mảnh sắt, sau khi sanh lên từ mảnh sắt nó ăn mòn chính mảnh sắt ấy, tương tự như thế các việc làm của bản thân dẫn dắt kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét[4] đi đến cảnh giới khổ đau.

[241] 7. Các chú thuật có sự không tụng đọc là vết nhơ. Các ngôi nhà có sự không cư ngụ là vết nhơ. Biếng nhác là vết nhơ của sắc đẹp. Xao lãng là vết nhơ của người đang canh gác.

[242] 8. Tà hạnh là vết nhơ của người nữ. Bỏn xẻn là vết nhơ của người đang bố thí. Thật vậy các vết nhơ là các pháp ác xấu ở đời này và đời sau.

[243] 9. Vô minh là vết nhơ tối thượng, nhơ nhuốc hơn các vết nhơ kia. Này các tỳ khưu, hãy dứt bỏ vết nhơ ấy, hãy trở thành người không có vết nhơ.

[244] 10. Sự sinh sống bởi kẻ không biết hổ thẹn, trơ tráo như loài quạ, nói xấu sau lưng, khoác lác, xấc xược, nhơ nhuốc là cách sống dễ dàng.

[245] 11. Và (sự sinh sống) bởi người có sự hổ thẹn, thường xuyên tầm cầu sự trong sạch, không cố chấp, không xấc xược, có sự nuôi mạng trong sạch, hiểu biết là cách sống khó khăn.

[246] 12. Kẻ nào giết hại sanh mạng, và nói lời dối trá, lấy vật không được cho ở thế gian, và đi đến với vợ của người khác, ...

[247] 13. ... và người nam nào đam mê việc uống rượu và chất lên men, kẻ ấy đào bới gốc rễ của chính mình ở thế gian, ngay tại nơi này.

[248] 14. Này nam nhân, như vậy ngươi hãy biết rằng các ác pháp là không kiềm chế được, chớ để tham lam và phi pháp đẩy đưa ngươi đến sự khổ đau lâu dài.

[249] 15. Quả vậy, người ta bố thí tùy theo đức tin, tùy theo sự tín thành, tại đó kẻ nào bất mãn về thức ăn nước uống của những người khác (bố thí), kẻ ấy không chứng được định vào ban ngày hoặc ban đêm.

[250] 16. Tuy nhiên, đối với vị nào có điều này đã được cắt đứt, gốc rễ đã được tiêu diệt, đã được bứng lên, vị ấy quả nhiên chứng được định vào ban ngày hoặc ban đêm.

[251] 17. Không có lửa nào sánh bằng tham, không có sự kìm kẹp nào sánh bằng sân, không có màng lưới nào sánh bằng si, không có dòng sông nào sánh bằng tham ái.

[252] 18. Lỗi của những người khác dễ thấy, trái lại của mình khó thấy. Kẻ ấy sàng lọc các lỗi của chính những người khác như là sàng lọc hạt lúa (lẫn trong gạo), trái lại che giấu (lỗi) của mình như là kẻ bẫy chim che giấu thân hình.

[253] 19. Đối với kẻ tìm tòi lỗi của người khác, thường xuyên có ý tưởng phê phán, các lậu hoặc của kẻ ấy tăng trưởng, kẻ ấy cách xa sự diệt trừ các lậu hoặc.

[254] 20. Không có vết chân (lưu lại) ở không trung, không có Sa-môn ở bên ngoài (Giáo Pháp), người đời thích thú các pháp chướng ngại, các đức Như Lai không còn các pháp chướng ngại.

[255] 21. Không có vết chân (lưu lại) ở không trung, không có Sa-môn ở bên ngoài (Giáo Pháp), các hành trường tồn là không có, chư Phật không có sự dao động.

Phẩm Vết Nhơ là thứ mười tám.


19. PHẨM CÔNG MINH


[256] 1. Kẻ phân xử sự việc theo lối áp đặt, như thế không có công minh. Còn bậc sáng suốt là người có thể xác định cả hai: sự việc đúng và không đúng.

[257] 2. Người phân xử những kẻ khác không theo lối áp đặt, đúng pháp, công bằng, được bảo vệ bởi pháp, thông minh, được gọi là ‘công minh.’

[258] 3. Dầu cho nói nhiều, không vì thế trở thành sáng suốt. Người có sự điềm tĩnh, không thù hận, không lo sợ, được gọi là ‘sáng suốt.’

[259] 4. Dầu cho nói nhiều, không vì thế là người nắm giữ Giáo Pháp. Nhưng vị nào dầu chỉ nghe chút ít mà nhìn thấy Giáo Pháp bằng thân, thật vậy vị ấy là người nắm giữ Giáo Pháp, là người không xao lãng Giáo Pháp.

[260] 5. Mặc dầu đầu của vị ấy bạc tóc, không vì thế trở thành trưởng lão. Vị có tuổi thọ đã được chín muồi ấy được gọi là ‘già vô vị.’

[261] 6. Sự chân thật, sự đúng đắn, việc không hãm hại, việc chế ngự, việc rèn luyện có ở vị nào, vị ấy quả thật là bậc sáng trí, có ô nhiễm đã được tẩy trừ, được gọi là ‘trưởng lão.’

[262] 7. Không phải chỉ do việc nói năng hay trạng thái xinh đẹp của dáng vóc mà người trở thành mẫu mực (trong khi) là người có sự ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá.

[263] 8. Tuy nhiên, đối với vị nào điều ấy đã được cắt đứt, gốc rễ đã được tiêu diệt, đã được bứng lên, vị ấy, có tật xấu đã được tẩy trừ, thông minh, được gọi là ‘mẫu mực.’

[264] 9. Không phải do đầu cạo trọc mà trở thành Sa-môn nếu là kẻ không có sự hành trì, kẻ nói lời giả dối. Làm sao kẻ có sự ham muốn và tham lam sẽ trở thành Sa-môn được?

[265] 10. Còn người nào lắng dịu các điều ác lớn nhỏ về mọi mặt, chính do trạng thái đã lắng dịu đối với các điều ác mà được gọi là ‘Sa-môn.’

[266] 11. Cho dầu đi khất thực nơi những kẻ khác, không vì thế trở thành tỳ khưu. Người chấp nhận pháp thế tục, do vậy mà không trở thành tỳ khưu.

[267] 12. Ở đây, người nào đã lìa khỏi việc phước thiện và điều ác xấu, có thực hành Phạm hạnh, sống ở đời với sự hiểu biết, thật vậy người ấy được gọi là ‘tỳ khưu.’

[268] 13. Kẻ có dáng vẻ khờ khạo, ngu dốt, dầu với trạng thái im lặng cũng không trở thành bậc hiền trí. Nhưng người nào, tựa như người nắm lấy cái cân, chọn lấy điều cao quý là người sáng suốt.

[269] 14. Người lánh xa hẳn các điều ác, người ấy là bậc hiền trí, do việc ấy người ấy trở thành bậc hiền trí. Người nào hiểu rõ cả hai thế giới (nội tâm và ngoại cảnh), do việc ấy được gọi là hiền trí.

[270] 15. Kẻ hãm hại các sinh mạng, vì thế không phải là thánh thiện. Do việc không hãm hại tất cả các sinh mạng, được gọi là ‘thánh thiện.’

[271] 16. Không phải chỉ do giới hạnh và việc hành trì, hay do sự học nhiều, hoặc do việc đạt được thiền định, hay do sự nằm ngủ đơn độc, ...

[272] 17. ... (mà nghĩ rằng): ‘Ta chạm đến sự an lạc của xuất ly mà những kẻ phàm phu không được hưởng,’ vị tỳ khưu không thể đạt đến sự tự tin khi chưa đạt được sự diệt trừ các lậu hoặc.

Phẩm Công Minh là thứ mười chín.


20. PHẨM ĐẠO LỘ


[273] 1. Trong số các đạo lộ, (đạo lộ) Tám Chi Phần là tối cao. Trong số các chân lý, bốn Lời Nói (là tối cao). Trong số các pháp, không luyến ái là tối cao. Và trong số các loài hai chân, bậc Hữu Nhãn (đức Như Lai là tối cao).

[274] 2. Chính cái này là đạo lộ, không có cái (đạo lộ) khác, đưa đến sự thanh tịnh của nhận thức. Vì thế, các ngươi hãy thực hành đạo lộ này, đạo lộ này là sự mê mờ đối với Ma Vương.

[275] 3. Bởi vì khi đã thực hành đạo lộ này, các ngươi sẽ làm chấm dứt khổ đau. Đạo lộ quả thật đã được thuyết giảng bởi Ta, sau khi biết được cách nhổ bỏ mũi tên.

[276] 4. Các ngươi phải thể hiện sự nhiệt tâm, các đấng Như Lai (chỉ) là bậc thuyết giảng. Những người đã thực hành (đạo lộ), chứng thiền, sẽ thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.

[277] 5. Khi nhận thức bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp hữu vi là vô thường’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.

[278] 6. Khi nhận thức bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp hữu vi là khổ đau’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.

[279] 7. Khi nhận thức bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp là vô ngã’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.

[280] 8. Trong khi không nỗ lực vào thời điểm cần nỗ lực,
người trẻ tuổi, có sức mạnh, buông xuôi theo sự lười biếng,
với suy tư và tâm ý bị trì trệ, biếng nhác,
kẻ lười biếng không tìm thấy đạo lộ bằng trí tuệ.

[281] 9. Người có sự gìn giữ lời nói, đã khéo thu thúc về tâm,
không nên làm việc bất thiện bằng thân,
nên làm trong sạch ba đường lối tạo nghiệp này,
nên thành đạt đạo lộ đã được tuyên thuyết bởi các bậc Ẩn Sĩ.

[282] 10. Đúng vậy, do sự tu luyện (về thiền) trí tuệ được phát sanh, do sự không tu luyện (về thiền) có sự tiêu hoại của trí tuệ. Sau khi biết được con đường hai lối này đưa đến hiện hữu và đưa đến không hiện hữu, nên rèn luyện bản thân sao cho trí tuệ tăng trưởng.

[283] 11. Các ngươi hãy đốn rừng (ô nhiễm), chớ đốn cây cối. Sợ hãi được sanh ra từ rừng (ô nhiễm). Này các tỳ khưu, sau khi đốn rừng và lùm bụi (ô nhiễm), hãy trở thành những người không còn rừng (ô nhiễm).

[284] 12. Cho đến khi nào dục vọng của người nam đối với các người nữ, dầu là nhỏ nhoi, còn chưa được chặt đứt, cho đến khi ấy người nam ấy vẫn còn có tâm bị trói buộc, ví như con bê bú sữa ở bò mẹ.

[285] 13. Hãy cắt đứt lòng yêu thương đối với bản thân, ví như dùng bàn tay (ngắt đi) hoa súng trắng của mùa thu. Hãy phát triển chính Đạo Lộ Thanh Tịnh, Niết Bàn, đã được thuyết giảng bởi đấng Thiện Thệ.

[286] 14. ‘Ta sẽ sống ở đây vào mùa mưa, ở đây vào mùa lạnh và mùa nóng,’ kẻ ngu suy nghĩ như thế, không giác ngộ được nỗi nguy hiểm.

[287] 15. Thần chết nắm lấy và mang đi người nam ấy, kẻ đã bị say đắm đối với con cái và gia súc ấy, có tâm ý bị quyến luyến, ví như cơn lũ lớn chộp lấy và cuốn đi ngôi làng đã ngủ say.

[288] 16. Không phải những người con đem lại sự bảo vệ, không phải người cha, cũng không phải các quyến thuộc. Đối với người đã bị chế ngự bởi cái chết, không có sự bảo vệ ở các thân quyến.

[289] 17. Sau khi biết được tác động của việc này, bậc sáng suốt, đã thu thúc ở giới, nên làm trong sạch đạo lộ đưa đến Niết Bàn thật nhanh chóng.

Phẩm Đạo Lộ là thứ hai mươi.


21. PHẨM LINH TINH


[290] 1. Nếu do việc dứt bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi có thể nhìn thấy hạnh phúc lớn lao, người sáng trí nên từ bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi trong khi nhận thức được hạnh phúc lớn lao.

[291] 2. Kẻ mong muốn hạnh phúc cho bản thân bằng việc gây ra khổ đau cho người khác, kẻ ấy, bị vướng mắc trong sự ràng buộc của hận thù, không thoát ra khỏi hận thù.

[292] 3. Bởi vì việc cần làm thì bị bỏ qua, trái lại việc không cần làm lại được làm, các lậu hoặc của những kẻ cao ngạo, bị xao lãng ấy tăng trưởng.

[293] 4. Còn đối với những vị nào khéo nỗ lực, thường xuyên có niệm hướng đến thân, các vị ấy không phụng sự việc không cần làm, có sự thực hiện đều đặn các việc cần làm. Đối với những vị có niệm, có sự nhận biết rõ, các lậu hoặc đi đến tiêu diệt.

[294] 5. Sau khi giết mẹ và cha, và hai vị vua dòng Sát-đế-lỵ, sau khi tiêu diệt vương quốc cùng quan lại tùy tùng, vị Bà-la-môn ra đi không phiền muộn.

[295] 6. Sau khi giết mẹ và cha, và hai vị vua dòng Bà-la-môn, sau khi tiêu diệt con cọp là thứ năm, vị Bà-la-môn ra đi không phiền muộn.

[296] 7. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến đức Phật.

[297] 8. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến Giáo Pháp.

[298] 9. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến Tăng Chúng.

[299] 10. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến thân.

[300] 11. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, tâm của các vị này ngày và đêm thường xuyên vui thích về việc không hãm hại.

[301] 12. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, tâm của các vị này ngày và đêm thường xuyên vui thích về việc tu tập (tham thiền).

[302] 13. Việc xuất gia là khó, sự thích thú là khó, cuộc đời tại gia có việc cư ngụ khó khăn là khổ, sống chung với kẻ không tương đồng là khổ, kẻ lữ hành (ở luân hồi) bị rơi vào khổ đau; do đó không nên là kẻ lữ hành (ở luân hồi), không nên bị rơi vào khổ đau.

[303] 14. Người có đức tin, đầy đủ về giới, đạt được danh vọng và của cải, giao thiệp bất cứ địa phương nào đều được tôn vinh tại chính mỗi một nơi ấy.

[304] 15. Những người tốt tỏa sáng ở nơi xa, ví như núi Hi-mã-lạp. Những kẻ xấu ở đây (vẫn) không được nhìn thấy, giống như những mũi tên được bắn ra vào ban đêm.

[305] 16. Ngồi một mình, nằm một mình, đi một mình, không lười biếng, một mình, trong khi thuần hóa bản thân, nên thích thú ở cuối khu rừng.

Phẩm Linh Tinh là thứ hai mươi mốt.


22. PHẨM ĐỊA NGỤC


[306] 1. Kẻ có lời nói không thật đi đến địa ngục, hoặc thậm chí người nào, sau khi làm, đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai hạng người có nghiệp hạ liệt ấy, sau khi chết, là giống như nhau ở cảnh giới khác.

[307] 2. Có nhiều kẻ, cổ quấn y casa, (hành) theo pháp ác, không tự chế ngự, những kẻ xấu xa ấy, do các nghiệp ác, bị sanh vào địa ngục.

[308] 3. Hòn sắt, bị cháy rực tựa như ngọn lửa được ăn vào là tốt hơn so với kẻ có giới tồi, không tự chế ngự, ăn đồ ăn khất thực của xứ sở.

[309] 4. Nam nhân phóng dật quyến rũ vợ người khác gánh chịu bốn trường hợp: nhận lãnh điều vô phước, ngủ không thoải mái, sự chê trách là thứ ba, địa ngục là thứ tư.

[310] 5. Sự nhận lãnh điều vô phước và cảnh giới tái sanh xấu xa,
sự vui thích của người nam bị hoảng sợ với người nữ bị hoảng sợ là ít ỏi,
và đức vua áp dụng hành phạt nặng nề;
vì thế nam nhân không nên ve vãn vợ người khác.

[311] 6. Giống như cọng cỏ kusa được nắm vụng về cắt đứt bàn tay (cầm nó). Cũng vậy, đời Sa-môn được duy trì cẩu thả kéo lôi (kẻ ấy) vào địa ngục.

[312] 7. Bất cứ hành động nào bị chểnh mảng, bất cứ hành trì nào bị nhiễm ô, (bất cứ) phạm hạnh (nào) bị ngờ vực, (các) việc ấy là không có quả báu lớn.

[313] 8. Nếu cần phải làm (điều gì) thì nên làm điều ấy, nên ra sức cho việc ấy một cách bền bỉ, bởi vì vị xuất gia bị chểnh mảng làm khuấy động bụi bẩn còn nhiều hơn.

[314] 9. Ác hạnh không làm thì tốt hơn, ác hạnh gây bực bội về sau này; còn thiện hạnh được làm thì tốt hơn, sau khi làm điều ấy không tiếc nuối.

[315] 10. Giống như thành trì có vùng ven được canh phòng trong ngoài, ngươi hãy gìn giữ bản thân như vậy. Chớ để thời khắc trôi qua đối với ngươi, bởi vì những kẻ để thời khắc trôi qua than vãn khi bị đọa vào địa ngục.

[316] 11. Xấu hổ về điều không đáng xấu hổ, không xấu hổ về điều đáng xấu hổ, các chúng sanh có sự nắm giữ tà kiến đi đến khổ cảnh.

[317] 12. Thấy sợ hãi về điều không đáng sợ hãi, và thấy không sợ hãi về điều đáng sợ hãi, các chúng sanh có sự nắm giữ tà kiến đi đến khổ cảnh.

[318] 13. Nghĩ là tội lỗi về điều không tội lỗi, và thấy không tội lỗi về điều tội lỗi, các chúng sanh có sự nắm giữ tà kiến đi đến khổ cảnh.

[319] 14. Sau khi biết rằng tội lỗi là tội lỗi, và không tội lỗi là không tội lỗi, các chúng sanh có sự nắm giữ chánh kiến đi đến nhàn cảnh.

Phẩm Địa Ngục là thứ hai mươi hai.


23. PHẨM VOI


[320] 1. Ví như con voi ở chiến trường chịu đựng mũi tên bắn ra từ cây cung, Ta sẽ chịu đựng lời mắng nhiếc bởi vì kẻ ác giới là số đông.

[321] 2. Người ta đưa (voi) đã được rèn luyện đến nơi tụ hội. Đức vua cỡi lên (voi) đã được rèn luyện. Người đã được rèn luyện chịu đựng lời mắng nhiếc là hạng nhất giữa đám người.

[322] 3. Cao quý thay những con lừa đã được thuần hóa, những con ngựa Sindhu thuần chủng, và những con voi thuộc loài khổng tượng, người đã tự rèn luyện bản thân là cao quý hơn cả.

[323] 4. Bởi vì chẳng phải nhờ vào những cỗ xe ấy mà có thể đi đến nơi chưa đi đến (Niết Bàn), như là nhờ vào bản thân đã khéo được rèn luyện. Do nhờ đã được rèn luyện mà người đã được rèn luyện đi đến (Niết Bàn).

[324] 5. Con voi tên Dhanapālaka có cơn phát dục khó kiềm chế. Bị trói buộc, nó không ăn miếng nào, con voi tưởng nhớ đến khu rừng của loài voi.

[325] 6. Lúc biếng nhác và ăn nhiều, mê ngủ, nằm trăn trở, ví như con heo bự được nuôi bằng cám thừa, kẻ ngu sanh vào bào thai lượt này đến lượt khác.

[326] 7. Trước kia tâm này đã suy nghĩ vẩn vơ
đến nơi nào theo ước muốn, theo như ý thích, thuận theo khoái lạc,
hôm nay ta sẽ khuất phục nó đúng theo đường lối,
ví như viên quản tượng khống chế sự phá quấy của con voi.

[327] 8. Các ngươi hãy thỏa thích việc không xao lãng, hãy phòng hộ tâm của mình, hãy nâng bản thân vượt khỏi chốn hiểm nghèo, ví như con voi bị sa vào vũng bùn (cố gắng đem thân ra khỏi bãi lầy).

[328] 9. Nếu có thể đạt được người bạn khôn ngoan,
làm người đồng hành, có cách cư xử tốt đẹp, sáng trí,
sau khi vượt qua mọi hiểm nạn
nên đi với người ấy, hoan hỷ, có niệm.

[329] 10. Nếu không thể đạt được người bạn khôn ngoan,
làm người đồng hành, có cách cư xử tốt đẹp, sáng trí,
ví như vị vua đã từ bỏ vương quốc thâu phục được,
nên sống một mình như là voi Mātaṅga ở trong rừng.

[330] 11. Sống một mình là tốt hơn,
không có tình bằng hữu ở kẻ ngu.
Nên sống một mình và không nên làm các điều ác,
ít ham muốn như là voi Mātaṅga ở trong rừng.

[331] 12. Khi có nhu cầu sanh khởi, bạn bè là hạnh phúc,
hoan hỷ với bất cứ vật nào (có được) là hạnh phúc,
vào lúc chấm dứt mạng sống, phước báu là hạnh phúc,
từ bỏ mọi khổ đau là hạnh phúc.

[332] 13. Ở đời, phụng dưỡng mẹ là hạnh phúc, phụng dưỡng cha là hạnh phúc. Ở đời, phục vụ Sa-môn là hạnh phúc, phục vụ Bà-la-môn là hạnh phúc.

[333] 14. Giới hạnh cho đến già là hạnh phúc. Niềm tin được thiết lập là hạnh phúc. Thành tựu trí tuệ là hạnh phúc. Không làm các điều ác là hạnh phúc.

Phẩm Voi là thứ hai mươi ba.


24. PHẨM THAM ÁI


[334] 1. Tham ái của kẻ sống xao lãng tăng trưởng giống như dây leo. Kẻ ấy lao từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, ví như loài khỉ đang mong muốn trái cây trong rừng (chuyền từ cành cây này sang cành cây khác).

[335] 2. Tham ái thấp hèn, sự vướng mắc vào thế gian, chế ngự kẻ nào, các sầu muộn của kẻ ấy tăng trưởng, ví như cỏ bīraṇa được trời mưa.

[336] 3. Nếu ai chế ngự được tham ái thấp hèn ấy, điều khó dứt bỏ ở thế gian, các sầu muộn rời khỏi người ấy, ví như giọt nước lìa khỏi (lá) sen.

[337] 4. Ta nói với các con điều này: -Mong sao điều tốt đẹp sẽ đến với hết thảy các con đã tụ hội tại đây. Các con hãy đào xới gốc rễ của tham ái, ví, như người có sự cần dùng rễ ngọt usīra (đào xới) cỏ bīraṇa. Chớ để Ma Vương đốn ngã các con đợt này đến đợt khác, ví như dòng nước bẻ gãy cây cỏ sậy.

[338] 5. Giống như khi bộ rễ vẫn chưa bị tổn hại và còn vững chắc,
cội cây, mặc dầu đã bị đốn ngã, cũng vẫn đâm chồi trở lại,
cũng như vậy, khi sự tiềm ẩn của tham ái chưa bị tận diệt,
khổ đau này còn sanh lên đợt này này đến đợt khác.

[339] 6. Người nào có ba mươi sáu dòng chảy[5] hướng đến sự hài lòng thích ý là mạnh mẽ, thì các suy tầm chiều theo luyến ái là luồng chuyển vận cuốn trôi kẻ có quan điểm sái quấy (ấy).

[340] 7. Các dòng chảy trôi đi khắp mọi nơi, loại dây leo tồn tại sau khi đâm chồi. Và sau khi nhìn thấy loại dây leo ấy sanh ra, các ngươi hãy chặt đứt gốc rễ bằng trí tuệ.

[341] 8. Các nỗi niềm yêu thương được tuôn trào và các tâm khoan khoái hiện hữu ở chúng sanh. Những kẻ ấy chiều theo lạc thú, tầm cầu sung sướng, thật vậy những kẻ ấy đi đến sanh và già.

[342] 9. Bị vây hãm bởi tham ái chúng sanh di chuyển loanh quanh, ví như con thỏ bị trói buộc bò vòng quanh. Bị dính mắc bởi các sự trói buộc và quyến luyến, chúng đi đến khổ đau lượt này đến lượt khác trong thời gian lâu dài.

[343] 10. Bị vây hãm bởi tham ái chúng sanh di chuyển loanh quanh, ví như con thỏ bị trói buộc bò vòng quanh. Vì thế, vị tỳ khưu có sự mong muốn xa lìa luyến ái cho bản thân nên tiêu diệt tham ái.

[344] 11. Hãy đến nhìn xem cá nhân kẻ đứng bên ngoài rừng lại bị ám ảnh bởi rừng, đã được thoát ra khỏi rừng lại chạy vào trong rừng, đã được tự do lại chạy đến với sự giam cầm.

[345] 12. Các bậc sáng trí đã nói rằng sự trói buộc làm bằng sắt, bằng gỗ, và bằng dây gai là không chắc chắn. Sự mong muốn, bị luyến ái dính mắc ở các bông tai gắn ngọc ma-ni, ở những người con, và ở những người vợ, ...

[346] 13. ... các bậc sáng trí đã nói rằng sự trói buộc này là chắc chắn,
có sự trì xuống, dẻo dai, khó tháo gỡ.
Sau khi cắt đứt luôn cả sự trói buộc này, các vị xuất gia,
không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ khoái lạc của các dục.

[347] 14. Những người nào, bị luyến ái dục tình, rơi theo dòng chảy,
được tạo ra bởi bản thân, ví như con nhện rơi vào cái lưới do nó tạo ra.
Sau khi cắt đứt luôn cả điều này, các vị ra đi,
không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ tất cả khổ đau.

[348] 15. Hãy buông phía trước (quá khứ), hãy buông phía sau (vị lai), hãy buông phần giữa (hiện tại), sau khi đã đi đến bờ kia của hiện hữu, có tâm đã được giải thoát về mọi phương diện, ngươi sẽ không đi đến sanh và già nữa.

[349] 16. Tham ái gia tăng nhiều hơn nữa đối với kẻ bị suy tư khuấy động, có luyến ái mãnh liệt, thường xem xét về cái đẹp; kẻ ấy quả nhiên làm cho sự trói buộc trở nên bền chắc.

[350] 17. Còn người nào thích thú ở sự tịnh lặng của suy tư, tu tập về bất tịnh (đề mục tử thi), luôn luôn có niệm, người ấy quả nhiên sẽ làm chấm dứt (ái dục), người ấy sẽ cắt đứt sự trói buộc của Ma Vương.

[351] 18. Người đã đạt đến sự hoàn thành, không sợ hãi, tham ái đã lìa, không vết nhơ, đã cắt đứt những mũi tên của hiện hữu; thân này là cuối cùng.

[352] 19. Người có tham ái đã lìa, không nắm giữ, thông thạo về từ ngữ, biết sự kết hợp của các mẫu tự và các thứ tự trước sau; vị ấy quả nhiên có xác thân cuối cùng, có đại trí tuệ, được gọi là ‘đại nhân.’

[353] 20. Ta là vị khuất phục tất cả, vị biết rõ tất cả,
không bị nhiễm ô trong tất cả các pháp.
Từ bỏ tất cả, được giải thoát trong sự diệt tận về tham ái,
sau khi tự mình biết rõ, Ta có thể chỉ định ai (là thầy)?

[354] 21. Bố thí pháp thắng mọi sự bố thí,
hương vị của pháp thắng mọi hương vị,
sự thích thú trong pháp thắng mọi sự thích thú,
sự diệt trừ tham ái thắng mọi khổ đau.

[355] 22. Các của cải giết hại kẻ ngu si, nhưng không (giết hại) những vị tầm cầu đến bờ kia (Niết Bàn). Do tham đắm của cải, kẻ ngu si giết hại bản thân ví như (giết hại) những người khác.

[356] 23. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có luyến ái là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa luyến ái là có quả báu lớn lao.

[357] 24. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có sân hận là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa sân hận là có quả báu lớn lao.

[358] 25. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có si mê là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa si mê là có quả báu lớn lao.

[359] 26. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có ước muốn là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa ước muốn là có quả báu lớn lao.

Phẩm Tham Ái là thứ hai mươi bốn.


25. PHẨM TỲ KHƯU


[360] 1. Tốt đẹp thay sự thu thúc ở mắt! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở tai! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở mũi! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở lưỡi!

[361] 2. Tốt đẹp thay sự thu thúc ở thân! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở khẩu! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở ý! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở tất cả các nơi (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, khẩu, ý)! Vị tỳ khưu thu thúc ở tất cả các nơi được thoát khỏi mọi khổ đau.

[362] 3. Vị đã chế ngự bàn tay, đã chế ngự bàn chân,
đã chế ngự lời nói, đã chế ngự bản thân,
được thích thú ở nội tâm, định tĩnh,
đơn độc, hài lòng, (người ta) đã gọi vị ấy là tỳ khưu.

[363] 4. Vị tỳ khưu nào đã chế ngự miệng, có lời nói khôn khéo, không cao ngạo, làm sáng tỏ ý nghĩa và Giáo Pháp; lời nói của vị ấy là ngọt ngào.

[364] 5. Có chỗ trú là Giáo Pháp, được vui thích với Giáo Pháp, suy nghĩ về Giáo Pháp, tùy niệm về Giáo Pháp, vị tỳ khưu không rời bỏ Chánh Pháp.

[365] 6. Không nên khinh chê phần thọ lãnh của mình, không nên thể hiện sự thèm muốn (phần) của những người khác, trong khi thèm muốn (phần) của những người khác, vị tỳ khưu không đạt được định.

[366] 7. Thậm chí nếu phần thọ lãnh là ít ỏi, vị tỳ khưu không nên khinh chê phần thọ lãnh của mình. Chư Thiên quả thật ca ngợi vị có sự nuôi mạng trong sạch, không lười biếng ấy.

[367] 8. Vị nào không có việc chấp là ‘của ta’ ở danh và sắc về mọi mặt, và không sầu muộn về những gì không có; thật vậy vị ấy được gọi là ‘tỳ khưu.’

[368] 9. Vị tỳ khưu trú tâm từ, tịnh tín lời dạy của đức Phật, có thể đạt đến vị thế an tịnh, sự vắng lặng của các hành, an lạc.

[369] 10. Này tỳ khưu, hãy tát cạn chiếc thuyền này. Được tát cạn, nó sẽ đi nhanh cho ngươi. Hãy chặt đứt luyến ái và sân hận, nhờ đó ngươi sẽ đi đến Niết Bàn.

[370] 11. Nên chặt đứt năm (năm sự ràng buộc ở phần dưới), nên từ bỏ năm (năm sự ràng buộc ở phần trên), nên tu tập hơn nữa về năm (quyền). Là người đã vượt qua năm sự dính líu (tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến), vị tỳ khưu được gọi là ‘đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ.’[6]

[371] 12. Này tỳ khưu, hãy tham thiền, và chớ có xao lãng.
Chớ để tâm của ngươi quanh quẩn ở các loại dục.
Chớ bị xao lãng, có việc nuốt hòn sắt (ở địa ngục).
Trong khi bị đốt nóng, chớ khóc than rằng: ‘Đây là khổ.’

[372] 13. Không có thiền đối với kẻ không có trí tuệ, không có trí tuệ đối với kẻ không thiền. Ở vị nào có thiền và trí tuệ, vị ấy quả nhiên ở gần Niết Bàn.

[373] 14. Có sự thỏa thích không thuộc loài người cho vị tỳ khưu đã đi vào ngôi nhà trống vắng, có tâm an tịnh, đang minh sát pháp một cách đúng đắn.

[374] 15. Mỗi một khi nắm bắt được sự sanh diệt của các uẩn, (vị ấy) đạt được hỷ và hân hoan; điều ấy, đối với các vị đang nhận thức, là Bất Tử.

[375] 16. Tại nơi ấy, điều này là sự khởi đầu của vị tỳ khưu có trí tuệ trong Giáo Pháp này: sự phòng hộ các giác quan, sự tự biết đủ, và sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha.

[376] 17. Hãy thân cận các bạn hữu tốt lành có sự nuôi mạng trong sạch, không lười biếng. Nên có thói quen tiếp rước hậu hỹ, nên khéo léo trong lối cư xử. Từ đó, có nhiều hân hoan, (vị ấy) sẽ làm chấm dứt khổ đau.

[377] 18. Này các tỳ khưu, giống như cây hoa nhài rũ bỏ những bông hoa úa tàn, tương tự như thế các ngươi hãy buông bỏ luyến ái và sân hận.

[378] 19. Vị tỳ khưu có thân an tịnh, có khẩu an tịnh, có sự an tịnh ở tâm, khéo được định tĩnh, có vật chất thế gian đã được tẩy trừ, được gọi là ‘bậc an tịnh.’

[379] 20. Hãy tự mình quở trách bản thân, hãy tự mình dò xét bản thân. Này tỳ khưu, ngươi đây được hộ trì bởi bản thân, có niệm, sẽ sống an lạc.

[380] 21. Chính ta là người chủ của ta, chính ta là nơi nương tựa của ta. Vì thế, hãy tự chế ngự bản thân, ví như người thương buôn chế ngự con ngựa hiền.

[381] 22. Vị tỳ khưu có nhiều sự hân hoan, tịnh tín lời dạy của đức Phật, có thể đạt đến vị thế an tịnh, sự vắng lặng của các hành, an lạc.

[382] 23. Thật vậy, vị tỳ khưu trẻ tuổi, gắn bó vào lời dạy của đức Phật, vị ấy chiếu sáng thế gian này, ví như mặt trăng ra khỏi đám mây.

Phẩm Tỳ Khưu là thứ hai mươi lăm.


26. PHẨM BÀ-LA-MÔN


[383] 1. Này Bà-la-môn, hãy cắt đứt dòng chảy (luân hồi), hãy nỗ lực, hãy xua đuổi các dục. Này Bà-la-môn, sau khi biết được sự hoại diệt của các hành, ngươi trở thành người biết được vô vi (Niết Bàn).

[384] 2. Khi vị Bà-la-môn trở thành người đã đạt đến bờ kia về cả hai pháp,[7] trong lúc vị này đang nhận biết, tất cả các sự ràng buộc đối với vị này đi đến tiêu tan.

[385] 3. Đối với vị nào, bờ này hoặc bờ kia, hoặc bờ này lẫn bờ kia đều không tìm thấy, đã xa lìa sầu khổ, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[386] 4. Vị có thiền, không còn ô nhiễm, đã ngồi xuống (đơn độc ở khu rừng), đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[387] 5. Mặt trời tỏa sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm,
khoác áo giáp vị Sát-đế-lỵ tỏa sáng, có thiền vị Bà-la-môn tỏa sáng,
còn đức Phật tỏa sáng hào quang trọn ngày đêm.

[388] 6. Có điều ác đã được xa lánh được gọi là ‘Bà-la-môn,’ có sở hành bình lặng được gọi là ‘Sa-môn.’ Vị đã dứt bỏ ô nhiễm của bản thân, vì thế được gọi là ‘bậc xuất gia.’

[389] 7. Không nên đánh đập vị Bà-la-môn, vị Bà-la-môn không nên bộc phát (sự giận dữ) đến kẻ đã đánh mình. Xấu hổ thay kẻ đánh đập vị Bà-la-môn, càng xấu hổ hơn cho vị bộc phát (sự giận dữ) đến kẻ đã đánh mình.

[390] 8. Vị Bà-la-môn không có việc nào khác tốt hơn việc này,
là lúc có sự đình chỉ của tâm đối với các vật đáng yêu.
Chừng nào tâm ý hãm hại được dừng lại,
chừng ấy khổ đau được thật sự yên lặng .

[391] 9. Đối với vị nào, không có việc làm quấy do thân, do khẩu, do ý, (và) đã được thu thúc ở ba nơi (thân khẩu ý), Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[392] 10. Do vị nào mà ta có thể hiểu biết Giáo Pháp đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng, ta nên kính lễ vị ấy một cách nghiêm trang, ví như người Bà-la-môn kính lễ ngọn lửa tế thần.

[393] 11. Không do những búi tóc bện, không do dòng họ, không do gia tộc mà trở thành Bà-la-môn. Ở vị nào có sự chân thật và sự ngay thẳng, vị ấy có sự trong sạch, chính vị ấy là Bà-la-môn.

[394] 12. Này kẻ kém trí, có ích gì với những búi tóc bện của ngươi? Có ích gì với y phục bằng da dê của ngươi? Ngươi đánh bóng bên ngoài, bên trong của ngươi là rừng rậm (ô nhiễm).

[395] 13. Người mang y may bằng vải bị quăng bỏ, gầy ốm, nổi đầy gân, một mình đang tham thiền trong rừng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[396] 14. Và Ta không gọi là Bà-la-môn với kẻ đã được sanh ra từ tử cung (của nữ Bà-la-môn), có sự xuất thân theo người mẹ, kẻ ấy được gọi là ‘người có sự xưng hô với từ Ông’ nếu người ấy có sở hữu gì đó. Còn vị không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[397] 15. Thật vậy, người nào đã cắt đứt tất cả ràng buộc, không run sợ, đã vượt qua các sự dính líu, không còn bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[398] 16. Người đã cắt đứt dây buộc (sân hận), dây trói (tham ái), dây thừng (62 tà kiến), cùng với vật phụ tùng (các pháp tiềm ẩn), đã nâng lên thanh chắn (vô minh), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.[8]

[399] 17. Người nào chịu đựng lời khiển trách, sự trừng phạt và giam cầm, mà không sân hận, người có kham nhẫn là sức mạnh, có sức mạnh là quân đội, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[400] 18. Người không nóng giận, có sự hành trì, có giới, không nhiễm dục vọng, đã được rèn luyện, có thân xác cuối cùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[401] 19. Ví như nước ở lá sen, ví như hột cải ở đầu mũi kim, người nào không nhiễm bẩn trong các dục, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[402] 20. Người nào nhận biết sự diệt trừ khổ đau của bản thân ngay tại chỗ này, đã đặt xuống gánh nặng, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[403] 21. Người có tuệ thâm sâu, thông minh, rành rẽ về Đạo Lộ và không phải Đạo Lộ, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[404] 22. Người không gần gũi với cả hai hạng tại gia và hạng xuất gia, sống không trú xứ, ít ham muốn, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[405] 23. Sau khi bỏ xuống gậy gộc đối với các chúng sanh di động hay đứng yên, người nào không giết hại, không bảo giết hại, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[406] 24. Người không thù nghịch giữa những kẻ thù nghịch, tịnh lặng giữa những kẻ có gậy gộc, không cố chấp giữa những kẻ cố chấp, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[407] 25. Người nào có sự luyến ái, sân hận, ngã mạn, và gièm pha đã được rơi rụng, ví như hột cải ở đầu mũi kim, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[408] 26. Người thốt lên lời nói chân thật, không thô lỗ, ý nghĩa rõ ràng, không làm mất lòng bất cứ ai với lời nói ấy, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[409] 27. Ở thế gian này, người nào không lấy đi vật không được cho, dầu là dài hay ngắn, nhỏ hay lớn, đẹp hay xấu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[410] 28. Những mong cầu của người nào về đời này và đời sau không còn tìm thấy, người không mong cầu, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[411] 29. Những ước muốn của người nào không còn tìm thấy, sau khi biết rõ không có nghi ngờ, đã đạt đến sự thể nhập Bất Tử, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[412] 30. Ở thế gian này, người nào đã vượt qua sự dính líu cả hai pháp thiện và ác, không sầu muộn, không ô nhiễm, trong sạch, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[413] 31. Ví như mặt trăng không bị lấm nhơ, trong sạch, người có tâm thanh tịnh, không bị vẩn đục, đã hoàn toàn cạn kiệt sự vui thích và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[414] 32. Người nào đã vượt qua con đường hiểm trở, khó đi này, (vòng quay) luân hồi, và sự si mê, đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, có thiền, không dục vọng, không nghi ngờ, không chấp thủ, đã tịnh lặng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[415] 33. Người nào ở đây có thể dứt bỏ các dục, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt các dục và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[416] 34. Người nào ở đây có thể dứt bỏ tham ái, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt tham ái và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[417] 35. Người đã từ bỏ sự gắn bó thuộc cõi người, đã vượt lên sự gắn bó thuộc cõi trời, không bị ràng buộc với mọi sự gắn bó, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[418] 36. Người đã từ bỏ sự thích thú và không thích thú, có trạng thái mát mẻ, không còn mầm tái sanh, vị đã chế ngự tất cả thế gian, bậc anh hùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[419] 37. Người nào đã hiểu biết sự chết và sự tái sanh của chúng sanh về mọi phương diện, không bám víu, đã đi đến nơi an lạc, đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[420] 38. Cảnh giới tái sanh của người nào mà chư Thiên, Càn-thát-bà, và loài người không biết được, người có lậu hoặc đã được cạn kiệt, là bậc A-la-hán, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[421] 39. Đối với người nào, phía trước (quá khứ), phía sau (vị lai), và phần giữa (hiện tại) không sở hữu gì, người không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[422] 40. Đấng nhân ngưu, bậc cao quý, bậc anh hùng, bậc đại ẩn sĩ, bậc chiến thắng, bậc không còn dục vọng, người đã rửa sạch (mọi nhiễm ô), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[423] 41. Người nào biết về kiếp sống trước, nhìn thấy cõi trời và đọa xứ, rồi đạt đến sự diệt trừ tái sanh, là bậc hiền trí, đã được hoàn hảo về thắng trí, có mọi sự hoàn hảo đã được hoàn hảo, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

Phẩm Bà-la-môn là thứ hai mươi sáu.

TÓM LƯỢC CÁC PHẨM


1. Song Đối, Không Xao Lãng, Tâm, Bông Hoa, với Kẻ Ngu, Sáng Suốt, A-La-Hán, Một Ngàn, Ác, với Hình Phạt, chúng là mười.

2. Già, Tự Ngã, Thế Gian, Đức Phật, với An Lạc, và Yêu Thích, Giận Dữ, và Vết Nhơ, Công Minh, với phẩm Đạo Lộ là hai mươi.

3. Linh Tinh, Địa Ngục, Voi, Tham Ái, Tỳ Khưu, và Bà-La-Môn, hai mươi sáu phẩm này đã được thuyết giảng bởi vị Thân Quyến của Mặt Trời.


TÓM LƯỢC CÁC CÂU KỆ

1. Hai mươi câu kệ ở phẩm Song Đối, mười hai ở phẩm Không Xao Lãng, mười một ở phẩm Tâm, mười sáu ở phẩm Bông Hoa.

2. Và mười sáu câu kệ ở phẩm Kẻ Ngu, mười bốn ở phẩm Sáng Suốt, mười câu kệ ở phẩm A-La-Hán, mười sáu là ở phẩm Một Ngàn.

3. Mười ba ở phẩm Ác, và mười bảy ở phẩm Hình Phạt, mười một ở phẩm Già, mười là ở phẩm Tự Ngã.

4. Mười hai ở phẩm Thế Gian, và mười tám là ở phẩm Đức Phật, mười hai câu kệ là ở phẩm An Lạc, và phẩm Yêu Thích.

5. Mười bốn ở phẩm Giận Dữ, hai mươi mốt ở phẩm Vết Nhơ, và mười bảy ở phẩm Công Minh, và tương tự y như thế ở phẩm Đạo Lộ.

6. Mười sáu câu kệ ở phẩm Linh Tinh, mười bốn ở phẩm Địa Ngục, và ở phẩm Voi, hai mươi sáu ở phẩm Tham Ái, hai mươi ba thuộc phẩm Tỳ Khưu.

7. Bốn mươi mốt câu kệ ở phẩm Bà-La-Môn, phẩm hay nhất. Thêm điều này nữa, bốn trăm hai mươi ba câu kệ đã được thuyết giảng bởi vị Thân Quyến của Mặt Trời ở tập Dhammapada - Pháp Cú.


PHÁP CÚ ĐƯỢC CHẤM DỨT.


[1] tiṇṇamaññataraṃ yāmaṃ: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).
[2] Không ghi theo nghĩa thông thường của seti là ‘nằm, ngủ.’ Chú Giải giải thích từ seti là viharati: ‘sống, sinh hoạt’ (DhA. iii, 165).
[3] Theo Chú Giải, bệnh (ātura) ở đây có nghĩa là ô nhiễm (kilesa), không bệnh nghĩa là không có ô nhiễm (DhA. iii, 257).
[4] atidhonacārinaṃ: ‘kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét’ ý nghĩa này được ghi theo lời giải thích của Chú Giải (DhA. iii, 344).
[5] Ba mươi sáu dòng chảy: nói đến sáu ái liên quan nội phần và sáu ái liên quan ngoại phần, ở vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (DhA. iv, 48).
[6] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 108).
[7] Về cả hai pháp: nói đến samathavipassanā, chỉ tịnh và minh sát (DhA. iv, 140).
[8] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 160).


[Trở về trang Thư Mục]