Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya

Tập II - Ngạ Quỷ Sự

Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt


Phẩm I

-ooOoo-

Phẩm Con Rắn


1. Chuyện Thí Dụ Phước Ðiền (Khettùpamà)

Ðức Thế Tôn kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).

Thời ấy, ở Vương Xá có một người chủ ngân khố giàu sang vô cùng và chỉ được biết qua danh hiệu Ðại phú ông (Mahàdhanasetthi). Ông có một con trai độc nhất rất khả ái và xinh đẹp. Khi cậu đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cậu suy nghĩ như vầy: 'Nếu con ta chi tiêu một ngàn đồng mỗi ngày, thì dù cả trăm năm nữa số lượng tài sản này cũng sẽ không hết'.

Họ chẳng dạy cậu một nghề gì cả, vì suy nghĩ: 'Việc học nghề sẽ tốn nhiều công sức mệt nhọc, cứ để nó an nhàn thân tâm hưởng thọ giàu sang thỏa thích'.

Thay vì dạy nghề, khi cậu đến tuổi mười sáu, họ cưới cho cậu một cô dâu kiều diễm, nhưng hoàn toàn thiếu đạo hạnh. Cùng với cô vợ, cậu đổ hết thời giờ vào việc hưởng thụ, thích thú tầm cầu dục lạc.

Khi cha mẹ mất, cậu phung phí tiền của vào đám vũ nữ, ca nhân và các đám vui chơi khác; sau khi tiêu hết tài sản, cậu trở nên nghèo khó, phải cố xoay xở để sống bằng cách vay nợ. Nhưng khi cậu không còn có thể vay được nữa và bị các chủ nợ thúc bách, cậu đưa hết ruộng vườn, trang trại, nhà cửa cùng các gia sản khác rồi trở thành kẻ hành khất, sống trong nhà tế bần của thành phố ấy.

Bấy giờ, một hôm, bọn cướp gặp cậu và bảo:

- Này chú, xem đây, chú làm sao ra khỏi cuộc sống khốn khổ này, chú còn trẻ và có năng lực. Hãy đi theo bọn ta và sống đầy đủ thoải mái bằng cách trộm cắp. Bọn ta sẽ tập luyện cho chú.

Cậu đồng ý và đi theo chúng. Bọn trộm cướp cho cậu một cây gậy lớn; và trong khi chúng đột nhập vào một cái nhà mà bọn chúng đã đục thủng một lỗ lớn, chúng đặt cậu ở chỗ ra vào và nói:

- Nếu có ai đến, hãy đánh chết nó đi.

Cậu vốn tâm trí đần độn, không phân biệt bạn thù, liền đứng đó và chỉ chờ đợi người khác đi đến.

Bấy giờ, người trong nhà trở dậy, chạy đi thật nhanh, nhìn đây đó, chợt thấy cậu đứng ở lỗ thủng ấy. Họ vừa nói:

- Chúng đây rồi, quân khốn kiếp, lũ trộm cướp, họ vừa chụp lấy cậu đưa đến nhà vua, trình:

- Tâu Ðại vương, tên trộm này bị bắt lúc đang phá nhà.

Vua ra lệnh cho đám quân giữ thành:

- Chặt đầu nó đi.

Bọn này giam cậu vào ngục và đưa đến nơi hành hình, chúng đánh cậu bằng roi trong lúc cậu đi theo tiếng trống xử tội. Cùng lúc quần chúng la lớn:

- Tên cướp phá hoại này đã bị bắt ở thành này.

Bấy giờ ở trong thành ấy, có nàng hoa khôi tên là Sulasà đang đứng bên cửa sổ. Nàng thấy cậu bị dẫn đi ngang, và vì nàng đã quen biết cậu từ thời trước nên nàng có cảm tình với cậu vốn là người từng đạt đại phú quí trong thành này, nàng liền cho gửi mứt bánh và nước uống, lại nhờ người nhắn với bọn giữ thành:

- Cầu mong các tôn ông đợi cho đến lúc người này ăn xong mứt bánh và uống nước.

Cùng lúc ấy trong thành này, Tôn giả Mahà-Moggallàna đang quán sát bằng thiên nhãn và thấy tình cảnh nguy khốn của kẻ này, Tôn giả động lòng bi mẫn và suy nghĩ: 'Vì kẻ này chưa hề làm công đức gì, mà chỉ tạo ác nghiệp, y sẽ bị tái sanh vào địa ngục. Nay nếu ta đi ra và y cho ta mứt bánh và nước uống, y sẽ được tái sanh vào hội chúng các địa thần. Ta phải giúp đỡ kẻ này'.

Vì vậy Tôn giả liền xuất hiện trước tội nhân ngay khi mứt bánh và nước được mang đến. Khi cậu thấy vị Trưởng lão, tâm cậu được an lạc và cậu suy nghĩ: 'Ta có lợi ích gì nhờ ăn mứt bánh này nếu ta phải chết? Giờ đây, chúng sẽ làm hành trang cho ta lên đường đi đến thế giới bên kia'.

Thế là cậu nhờ đưa bánh mứt và nước uống đi cúng vị Trưởng lão. Khi Tôn giả Moggallàna thấy nỗi thống khổ của cậu đã trở thành hoan hỷ, Tôn giả ngồi xuống và ăn uống xong rồi đứng dậy đi lên đường.

Còn người ấy bị các đao phủ đưa đến nơi xử tội và chém đầu. Nhờ hành động tín thành đối với Trưởng lão Moggallàna, phước điền vô thượng ở đời, kẻ ấy xứng đáng được tái sanh vào thiên giới cao cả. Nhưng vì niềm luyến ái phát ra đối với Sulasà khi cậu suy nghĩ: 'Ta tạo được lễ cúng dường này là nhờ nàng', nên ngay lúc lâm chung, tâm cậu trở thành bất tịnh và cậu tái sanh vào cảnh giới thấp hơn, làm vị thần ở trong cây chuối lớn có tàn lá rậm rạp trong rừng hoang.

Bấy giờ tình cờ vị thần thấy Sulasà trong vườn của nàng liền mang nàng đến nơi cư trú của vị ấy. Mẹ nàng than khóc, bảo vị ấy sau một tuần phải đem nàng trở lại. Bà mẹ kể chuyện cho mọi người nghe, khi họ hỏi bà sự việc đã xảy ra, và họ tràn đầy kinh ngạc bảo nhau:

- Các bậc A-la-hán quả thật là phước điền vô thượng ở đời, ngay một hành động từ bi nhỏ bé đối với chư vị cũng làm cho con người tái sanh vào cõi chư Thiên.

Chư Tăng thuật chuyện này lên đức Thế Tôn, Ngài bèn ngâm các vần kệ này để giải thích sự việc:

1. Bậc Thánh ví như các ruộng đồng,
Người cho là chính các nhà nông,
Hạt gieo là vật đem dâng cúng,
Kết quả từ đây được hưởng phần.

2. Hạt giống đây và đám ruộng đồng
Dành cho ngạ quỷ lẫn người trồng,
Nơi nầy ngạ quỷ thường an hưởng,
Thí chủ tín thành phước đức tăng.

3. Vì hành thiện nghiệp ở trên đời,
Cúng lễ các ma quỷ đói mồi,
Sẽ đến cõi thiên làm trú xứ,
Nhờ người đã tạo nghiệp an vui
.

Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người được đắc Pháp nhãn.

 

2. Chuyện Con Lợn Rừng (Sukàra)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).

Tương truyền ngày xưa khi đức Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) thuyết Pháp, một Tỷ-kheo đã điều phục tự thân, nhưng thiếu phòng hộ ngôn ngữ, nên đã mạ ly các Tỷ-kheo khác. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh vào địa ngục. Sau khi đã bị thiêu đốt tại đó cả một kiếp, vị ấy rời cõi ấy và trong kiếp này tái sanh gần thành Ràjagaha, dưới chân núi Gijjhakùta (Linh Thứu), vị ấy luôn bị đói khát giày vò. Thân thể vị ấy có màu vàng ròng, nhưng miệng lại giống mõm lợn rừng.

Vào thời ấy, Tôn giả Nàrada đang trú tại núi Linh Thứu. Vừa cầm y bát, vị ấy khởi hành từ sáng sớm để khất thực. Trong lộ trình đến Ràjagaha, vị ấy thấy ngạ quỷ kia trên đường. Khi hỏi về hạnh nghiệp mà ngạ quỷ kia đã tạo, vị ấy đã ngâm các vần kệ sau:

1. Nhà ngươi vàng rực khắp toàn thân,
Chiếu ánh sáng ra khắp mọi vùng,
Song miệng ngươi như mồm lợn đực,
Nghiệp gì ngươi tạo kiếp xưa chăng?

Ngạ quỷ đáp lời:

2. Xưa con điều phục khéo về thân,
Nhưng khẩu con không được hộ phòng,
Vì thế hình hài con vậy đó,
Nà-ra-da thấy rõ con cùng.

Ngạ quỷ ấy còn nói lời khuyên này với Trưởng lão:

3. Nà-ra-da, vậy hãy xem đây,
Con muốn trình Tôn giả việc này:
Ðừng phạm ác tà về khẩu nghiệp,
E ngài sẽ hóa mõm heo vầy!

Thế rồi Tôn giả Nàrada, sau khi đã đi khất thực trong thành Vương Xá và sau buổi ngọ trai, trở về trình sự việc này với bậc Ðạo Sư, Ngài dùng đó làm đề tài thuyết pháp.

 

3. Chuyện Ngạ Quỷ Có Mồm Hôi Thối (Pùtimukkha)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm).

Ngày xưa vào thời đức Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) có hai thiện gia nam tử theo lời giáo huấn của Ngài, đã xuất gia bỏ đời thế tục. Thực hành đầy đủ giới luật và sống khổ hạnh khắc nghiệt, hai vị an trú hòa hợp với nhau ở một nơi kia trong làng.

Sau đó một Tỷ-kheo có ác tính, thích mạ ly, đã đến trú xứ của hai vị. Hai Trưởng lão này ân cần nhận vị ấy và qua ngày thứ hai lại cùng vị ấy đi khất thực.

Dân chúng tích cực tuân lời dạy của chư vị và cúng dường chư vị đủ cháo, gạo, cơm và nhiều thực phẩm khác. Vị kia suy nghĩ: 'Làng này thật là nơi ở tốt để khất thực và dân chúng đầy đủ tín tâm cúng dường thực phẩm ngon lành. Ðây lại có bóng mát và nước. Ta có thể sống sung sướng ở đây nhưng chẳng thể được bao lâu hai Tỷ-kheo này cũng trú cùng nơi này. Ðược rồi, vậy thì ta sẽ làm sao cho họ không đến đây ở nữa'. Thế là vị ấy phỉ báng người nọ với người kia. Hai vị dần dần sinh ra hoài nghi và suy nghĩ: 'Dẫu sao cũng có thể như vậy', và mất lòng tin, chư vị tránh mặt nhau, rồi không ai bảo ai, mỗi người ra đi tìm một nơi dễ chịu hơn.

Dân chúng hỏi vị Tỷ-kheo phỉ báng:

- Bạch Tôn giả, chư vị Trưởng lão đi đâu rồi?

Vị ấy đáp:

- Suốt đêm hai vị tranh cãi nhau; hai vị ra đi chẳng để ý đến lời ta bảo: 'Xin đừng tranh cãi, hãy hòa hợp', và còn nhiều chuyện khác nữa, ta nói thêm: 'Những người nào có tính như vậy thường thích đánh nhau to'. Sau đó quần chúng van nài:

- Cứ để chư vị Trưởng lão đi, tuy nhiên vì chúng đệ tử, xin Tôn giả ở lại đây và đừng hối tiếc gì cả.

Vị ấy đồng ý đáp:

- Ðược lắm.

Trong khi ở đó vài ngày, vị ấy suy xét: 'Do tham muốn trú xứ, ta đã ly gián hai Tỷ-kheo này. Ôi! Ta đã quyết tâm tạo nhiều ác nghiệp'. Bị lòng hối hận sâu xa giày vò và ngã bệnh vì tinh thần dao động, chẳng bao lâu vị ấy từ trần và tái sanh vào địa ngục Avìci (Vô gián hay A-tỳ).

Về sau vị ấy tái sanh vào kiếp này làm một ngạ quỷ có mồm hôi thối ở không xa thành Ràjagaha. Thân thể vị ấy có màu vàng ánh, nhưng sâu bọ lúc nhúc bò ra từ mồm vị ấy cấu xé mãi khiến mồm vị ấy bốc mùi hôi thối. Thời ấy Tôn giả Nàrada từ đỉnh Linh Thứu đi xuống, thấy ngạ quỷ kia, bèn ngâm vần kệ hỏi về hạnh nghiệp của vị ấy:

1. Ngươi có màu da sáng đẹp sao,
Như chư Thiên ở cõi trời cao,
Ngươi đang lơ lửng trong không khí,
Song miệng ngươi hôi thối biết bao,
Vì đám bọ sâu đang cắn xé,
Kiếp xưa ngươi tạo ác hành nào?

Ngạ quỷ đáp:

2. Là một Tỷ-kheo có ác ngôn,
Dù con giữ khổ hạnh vuông tròn,
Con không chế ngự về ngôn ngữ,
Con được màu da sáng tựa vàng
Nhờ khổ hạnh xưa, song miệng thối
Vì lời phỉ báng của mồm con.

3. Chính Ngài đã thấy việc này rồi
Ai giới đức và thương xót đời,
Sẽ bảo: 'Ngươi đừng nên phỉ báng
Cũng không dối trá, nói sai lời,
Về sau hóa Dạ-xoa thần lực,
Hưởng thọ thú vui như ý ngươi.

 

4. Chuyện Hình Nhân Bằng Bột (Pitthadhìtalika)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ) trong Jetavana (Kỳ-viên).

Thời ấy người nhũ mẫu đem cho cháu gái của ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) một hình tượng bằng bột để làm đồ chơi.

Một hôm cô bé làm rơi hình tượng ấy vỡ tan. Nó kêu lên: 'Con gái ta đã chết rồi!', và khóc mãi, đám gia nhân không ai dỗ dành được.

Bấy giờ bậc Ðạo Sư đang ở trong nhà ông Cấp Cô Ðộc, vị này đang ngồi gần Ngài. Bà nhũ mẫu đem cô bé đến bên ông chủ. Ông hỏi:

- Tại sao con bé khóc?

Rồi vừa ôm cháu vào lòng, ông vừa dỗ dành nó và bảo:

- Ông sẽ cho cháu một đứa con gái khác để làm tặng vật.

Rồi ông thưa trình bậc Ðạo Sư:

- Bạch Thế Tôn, vì cháu nội của con khóc về chuyện hình tượng bằng bột, con ước mong dâng lễ vật cúng dường. Xin Thế Tôn chấp thuận đến nhà con ngày mai cùng với năm trăm Tỷ-kheo.

Ðức Thế Tôn nhận lời. Như vậy đức Thế Tôn đã đến và sau buổi ngọ trai, Ngài nói lời tùy hỷ công đức và ngâm các vần kệ này:

1. Với mọi quan tâm, kẻ có lòng
Phải dâng lễ cúng các gia tông,
Các vong linh những người thân thuộc,
Cùng với chư Thiên lẫn thổ thần.

2. Trì Quốc, Ða Văn, Quảng Mục vương,
Thiên vương Tăng Trưởng giữ trần gian,
Tứ Thiên vương được người tôn kính,
Thí chủ không mất quả phước phần.

3. Bởi vì kêu khóc hoặc sầu bi,
Thương tiếc than van chẳng ích gì,
Không lợi gì cho người quá cố,
Khi thân nhân giữ thói lề kia.

4. Song lễ vậy này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân.

Ðức Thế Tôn đã thuyết pháp như vậy rồi ra đi. Bà vợ và gia quyến vị Ðại phú ông theo gương vị ấy. Do vậy họ làm lễ đại cúng dường suốt một tháng. Rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nghe tin này cũng dâng lễ vật dồi dào lên Tăng chúng. Khi dân chúng thấy vậy, họ lần lượt làm theo nhà vua và làm lễ đại cúng dường suốt cả tháng, một lễ đại cúng dường có nguồn gốc từ hình tượng bằng bột ấy.

 

5. Chuyện Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường (Tirokuddapeta)

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Ràjagaha (Vương Xá).

Chín mươi hai kiếp về trước, có một kinh thành tên là Kàsipuri. Vua Jayasena ngự trị nơi ấy có chánh hậu là Sirimà, vương tử Phussa chứng đắc Vô Thường Chánh Ðẳng Giác, tức là đức Cổ Phật thứ mười tám sau đức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng).

Bấy giờ Ðại Vương Jayasena sinh tâm ngã mạn, suy nghĩ: 'Vì vương tử của ta sinh ra đời làm đức Phật, đã thành tựu đại sự xuất thế, chỉ riêng ta có Phật, chỉ riêng ta có Pháp, chỉ riêng ta có Tăng chúng'. Do đó nhà vua luôn luôn hầu cận bên đức Phật và không dành cơ hội cho kẻ khác.

Ba hoàng đệ của đức Thế Tôn ấy do bà mẹ khác sinh ra, bèn suy nghĩ: 'Quả thật chư Phật ra đời vì lợi ích của quần sinh khắp thế gian này, chứ không phải vì riêng một ai. Nay phụ vương ta không dành cơ hội cho người khác. Làm thế nào ta có thể phụng sự đức Thế Tôn và Tăng chúng? Nào chúng ta hãy thi hành một chiến thuật'.

Thế là chư vị gây rối tại vùng biên địa. Sau đó khi nhà vua nghe tin về vụ rối loạn này, liền phái ba vương tử đi bình định biên thùy. Ba vị tuân lệnh và khi trở về, nhà vua hài lòng ban chư vị một điều ước, phán bảo:

- Hãy chọn thứ gì các vương nhi muốn.

Ba vị tâu:

- Chúng thần nhi ước mong hầu cận đức Thế Tôn.

Nhà vua từ chối, phán:

- Hãy chọn thứ khác.

Ba vị tâu:

- Chúng thần nhi không màng thứ gì khác cả.

Nhà vua lại phán:

- Thôi được, các vương nhi có quyền chọn theo ý muốn.

Ba vị đến gần đức Thế Tôn và thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng đệ tử ước mong phụng sự đức Thế Tôn ba tháng. Xin đức Thế Tôn hoan hỷ an cư ba tháng mưa với chúng đệ tử.

Ðức Thế Tôn chấp thuận. Ba vị hoàng tử tự thân hành gửi một thông điệp đến cho người được chỉ định trông coi tỉnh nọ, bảo: 'Trong suốt ba tháng này, chúng ta cần phục vụ đức Thế Tôn, bắt đầu bằng cách xây một tinh xá, và cung cấp đủ mọi thứ cần thiết'.

Sau đó chư vị hết lòng cung kính phục vụ đức Thế Tôn cùng Tăng chúng. Khi các viên quan cai trị tỉnh này đã cúng dường tinh xá xong, các vị chấp hành việc an cư mùa mưa ấy. Một vị thủ kho hàng gia, con trai một gia chủ, là người mộ đạo cùng với vợ đã tìm được niềm tin, vị ấy trân trọng cúng dường Tăng chúng với đức Phật làm thượng thủ. Người được chỉ định cai quản tỉnh này theo gương vị kia cùng với mười một ngàn dân đem các vật đến cúng dường với tất cả lòng thành kính.

Vào dịp ấy, có một số người bất mãn trong lòng, sau khi ngăn cản những vật đóng góp, chính họ lại ăn các phẩm vật và nổi lửa đốt trai đường.

Sau khi ba vương tử cùng đoàn tùy tùng đã cúng dường đức Thế Tôn và từ giã Ngài xong, ba vị đi thẳng đến phụ vương.

Khi trở về, đức Thế Tôn đắc Niết-bàn vô dư y, ba vương tử và người cai quản tỉnh ấy, vị thủ kho báu hoàng gia dần dần theo thời gian đều từ trần và cùng với quần chúng ở đó được tái sanh thiên giới, còn số người bất mãn trong tâm bị tái sanh địa ngục.

Chín mươi hai kiếp trôi qua như vậy, trong lúc hai hạng người trên cứ lần lượt tái sanh từ thiên giới này đến thiên giới khác và từ địa ngục này đến địa ngục khác. Rồi đến hiền kiếp này, vào thời đức Thế Tôn Kassapa, đám người bất mãn trong tâm tái sanh vào loài ngạ quỷ.

Vào thời ấy, loài người thường cúng dường vì lợi ích của đám quyến thuộc quá cố của họ và nêu rõ: 'Lễ vật này xin dành cho quyến thuộc của chúng tôi'. Do đó, các vong linh được an lạc. Thế rồi, chính các vong linh ấy cũng nhận biết điều này, nên sau khi đến gần đức Phật Kassapa, các vị ấy hỏi:

- Bạch Thế Tôn, giờ đây làm thế nào chúng con có thể đạt được an lạc như vầy'?

Ðức Thế Tôn đáp:

- Hiện nay chư vị chưa có thể đạt được an lạc ấy, nhưng thời gian về sau, sẽ có một đức Phật ở thế gian tên gọi là Gotama. Vào thời của đức Thế Tôn ấy, sẽ có một vị vua tên là Bimbisàra, trong chín mươi hai kiếp nữa kể từ đây sẽ là quyến thuộc của chư vị. Vua ấy sẽ dâng lễ cúng dường đức Phật và sẽ hồi hướng công đức ấy đến chư vị, sau đó chư vị sẽ được an lạc.

Thời bấy giờ, khi điều này được phát biểu, thì cũng như thể ta nói với các vong linh ấy: 'Ngày mai chư vị sẽ được an lạc'.

Về sau, khi thời kỳ có đức Phật này đã qua, đức Thế Tôn (Gotama) giáng sanh vào cõi đời, ba vương tử cùng với một ngàn người từ thiên giới tái sanh vào quốc độ Magadha (Ma-kiệt-đà) trong các gia đình Bà-la-môn.

Theo thời gian, sau khi từ giã đời thế tục, ba vị trở thành các nhà khổ hạnh bện tóc, trú tại đỉnh núi Gayà, người trước kia cai quản tỉnh thành ấy trở thành vua Bimbisàra; người thủ khố hoàng gia, con của vị gia chủ, trở thành đại phú trưởng nghiệp đoàn có tên Visàkha; vợ vị ấy trở thành con gái của một vị đại phú trưởng nghiệp đoàn và được đặt tên Dhammadinnà, còn đám quần chúng được tái sanh làm các vị cận thần của vua.

Bấy giờ đức Thế Tôn Gotama giáng sanh cõi trần, sau bảy tuần Giác Ngộ, Ngài đến Benares (Ba-la-nại) chuyển Pháp luân. Ngài giáo hóa ba vị đạo sĩ bện tóc, sau khi Ngài đã khởi đầu giáo hóa năm vị khổ hạnh, và thâu nhận cả ngàn đệ tử. Sau đó Ngài đi đến Ràjagaha và an trú vua Bimbisàra vào Sơ quả Dự Lưu cùng với hơn một vạn Bà-la-môn và cư sĩ ỏ tại xứ Anga (Ưng-già) và Magadha.

Tuy nhiên các ngạ quỷ ở quanh cung vua suy nghĩ: 'Giờ đây nhà vua sẽ làm lễ cúng tế cho chúng ta được hưởng phước'. Trong lúc nhà vua làm tế lễ, nhà vua suy nghĩ: 'Ta không biết bây giờ đức Thế Tôn đang trú ở đâu?'. Do vậy, nhà vua không hồi hướng công đức đến ai cả. Vì các ngạ quỷ không nhận được thí vật nào cả, chúng rất thất vọng thốt tiếng kêu thảm thiết mỗi đêm ở hoàng cung.

Rạng ngày, nhà vua hoảng sợ trình đức Thế Tôn về chuyện đã xảy ra và hỏi:

- Bạch Thế Tôn, Ngài đã nghe tiếng nào như vậy chưa? Con băn khoăn không biết việc gì xảy ra với con.

Ðức Thế Tôn đáp:

- Thưa Ðại vương, xin đừng sợ, không có gì bất thường xảy ra với Ðại vương đâu, mà thịnh vượng sẽ đến với Ðại vương thôi. Giờ đây, quả thật là quyến thuộc của Ðại vương đã tái sanh vào loài ngạ quỷ. Trong suốt một kiếp, chúng đã lang thang khắp nơi và chỉ mong ước điều này: 'Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường đức Phật và hồi hướng công đức ấy cho chúng ta'. Hôm qua, khi Ðại vương dâng lễ, Ðại vương đã không hồi hướng công đức. Do đó, chúng mất hết hy vọng và thốt tiếng kêu la.

Nhà vua hỏi:

- Bạch Thế Tôn, bây giờ làm sao chúng có thể nhận được thí vật?

Ðức Phật đáp:

- Thưa Ðại vương, quả thật chúng có thể nhận.

Nhà vua nói:

- Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn hãy nhận lời thỉnh cầu của con vào ngày mai, con sẽ hồi hướng công đức lễ vật ấy cho chúng.

Ðức Thế Tôn nhận lời.

Sau đó, nhà vua ra lệnh chuẩn bị lễ cúng dường hào phóng, và thông báo thời giờ lên đức Thế Tôn, Ngài liền đến Hoàng cung. Bầy ngạ quỷ cũng đến và suy nghĩ: 'Hôm nay chúng ta sẽ hưởng được món gì đó', rồi đứng bên ngoài các bức tường và hàng rào.

Sau đó đức Thế Tôn làm cho mỗi ngạ quỷ đều hiện hình trước nhà vua. Trong khi vua dâng nước rửa, vua hồi hướng công đức ấy cho chúng với những lời này: 'Mong công đức này dành cho quyến thuộc ta'. Lập tức xuất hiện các ao sen đầy sen súng cho bọn ngạ quỷ. Chúng tắm rửa và uống nước ở đó, được giảm nhẹ nỗi thống khổ của chúng vì bất hạnh, lao nhọc và khát nước, nên da chúng trở nên vàng ánh.

Nhà vua dâng lễ cúng dường cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm rồi hồi hướng công đứng lễ vật ấy cho chúng. Trong chốc lát liền xuất hiện cho chúng các thực phẩm khác, thậm chí cả thực phẩm thiên giới, khiến chúng hân hoan hưởng thọ.

Nhà vua lại cúng dường y phục và sàng tọa, tinh xá rồi hồi hướng công đức lễ vật ấy. Sau đó liền xuất hiện cho chung các thiên y, thiên cung, sàng tọa, khăn phủ và đồ trang sức. Ðức Thế Tôn quyết định làm cho tất cả hạnh phúc tuyệt vời này của họ được hiển lộ trước vua; khi nhìn thấy vậy, vua vô cùng hoan hỷ.

Rồi đức Thế Tôn, sau khi thọ thực xong, và được thỉnh cầu, Ngài kể chuyện ngạ quỷ ngoài bức tường thay lời tùy hỷ công đức.

1. Bọn chúng đứng kia, ngoài bức tường,
Những nơi trống trải, ngã tư đường,
Chúng đang đứng ở ngoài song cửa,
Khi đã về nhà tại cố hương.

2. Dù tràn trề ẩm thực liên miên
Ðủ loại cứng mềm được dọn lên,
Cũng chẳng có ai cần bọn chúng,
Bởi vì nghiệp chúng đã gây nên.

3. Những người lân mẫn, lắm tình thương
Ðúng lúc đem cho đám họ hàng
Các thức cao lương, đồ ẩm thực
Với lời cầu nguyện: 'Ðể dành phần
Lễ này cho đám người thân thuộc,
Mong các họ hàng được phước ân'.

4. Và các đám này đã đến đây,
Các vong linh của họ hàng này,
Thảy đều tụ tập đồng vui hưởng
Các thực phẩm đều phong phú thay.

5. Chúng cầu: 'Trường thọ các người thân,
Nhờ các vị, ta được hưởng ân,
Lòng quý trọng ta đà biểu lộ,
Người cho chẳng thiếu quả dành phần'.

6. Chốn kia không có cấy cày đâu,
Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,
Buôn bán như đây đều chẳng có,
Cũng không đổi vật lấy vàng trao.

7. Bên kia thế giới các vong linh
Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh,
Như nước đổ từ trên núi xuống
Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.

8. Giống như tất cả các dòng sông
Chảy xuống đổ đầy cả đại dương,
Cũng vậy những gì người bố thí
Từ đây nuôi sống các vong nhân.

9. Những thân bằng quyến thuộc trong nhà
Trước đã cho ta, giúp đỡ ta;
Mong mọi người ban phần ngạ quỷ,
Nhớ công họ tạo thuở xưa xa.

10. Bởi vì kêu khóc hoặc sầu bi,
Thương tiếc, than van chẳng ích gì,
Không lợi gì cho người quá cố,
Khi thân nhân giữ thói lề kia.

11. Song lễ vật này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân.

12. Ðây là nghĩa vụ của thân nhân
Tôn trọng vong linh, đã cúng dâng,
Tăng chúng được thêm nhiều dõng lực,
Người làm công đức lớn vô ngần.

Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người đã đắc Pháp nhãn do tri kiến sanh khởi từ sự kiện tái sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Tâm họ đầy xúc động vì được tán thán và họ càng nỗ lực tinh cần. Ngày hôm sau đức Thế Tôn cũng dạy chư Thiên và loài Người bài kinh 'Ngoài Bức Tường' ấy. Do vậy suốt bảy ngày đều diễn ra sự đắc Pháp nhãn như trên.

 

6. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Năm Ðứa Bé (Pàncaputtakhadaka)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).

Trong làng nọ không xa Sàvatthi, có một người vợ địa chủ không sinh con. Quyến thuộc của ông nói: 'Ðể ta kiếm một cô gái khác cho ông'. Nhưng ông không muốn, do lòng yêu thương vợ. Về sau, khi nghe chuyện này, bà vợ giục chồng đi cưới vợ khác để khỏi tuyệt dòng giống.

Nhưng khi cô vợ mới có thai, người vợ vô sinh, lòng đầy ganh tỵ, đem thức ăn uống đãi một vị du sĩ và nhờ ông ấy thực hiện việc phá thai. Cô vợ kể chuyện với mẹ, bà liền triệu tập gia quyến đến bảo người vợ vô sinh:

- Chị đã làm chết con nó còn ở trong bụng.

Người ấy đáp:

- Tôi vô tội.

Họ bảo:

- Nếu chị vô tội, vậy hãy thề đi.

Người ấy bèn thề độc, thách thức tai họa xảy đến nếu bà có tội. Không lâu sau đó, người ấy từ trần và tái sanh làm một nữ ngạ quỷ xấu xí ở không xa thành phố này. Cùng thời ấy, có tám Tỷ-kheo đang an cư mùa mưa trong tỉnh đi đến Sàvatthi để yết kiến bậc Ðạo Sư, vừa vào một nơi trong rừng có bóng mát và nước chảy không xa làng ấy. Sau đó nữ ngạ quỷ hiện hình trước các vị Trưởng lão, một vị trong số ấy liền hỏi:

1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Ngươi thở mùi hôi thối nặc nồng,
Bao phủ toàn thân đầy bọ nhặng,
Ngươi là ai đứng ở đây chăng?

Nữ ngạ quỷ đáp:

2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.

3. Sáng ngày năm đứa bé con sinh,
Chiều tối năm trai lại hiện hình,
Tất cả, con đều xâu xé hết,
Nhưng không vừa đủ để nuôi mình.

4. Lòng con đang nóng cháy như rang,
Bốc khói vì cơn đói bạo tàn,
Con chẳng tìm đâu ra nước uống,
Hãy nhìn tai họa giáng đầu con
.

Khi nghe xong chuyện này, vị Trưởng lão hỏi:

5. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Nay phải đền bù vào tội lỗi,
Ngươi xâu xé thịt lũ hài nhi?

Sau đó nữ ngạ quỷ kể cho vị Trưởng lão về những việc đã làm:

6. Vợ bé chồng con đang có thai,
Con mưu việc ác chống nàng hoài,
Chính con với trí tâm điên đảo
Ðã khiến nàng kia sẩy bé trai.

7. Thai chừng hai tháng máu tuôn tràn,
Bà mẹ giận đưa các họ hàng,
Bà ấy bảo con thề độc hại,
Và con bị phỉ báng muôn vàn.

8. Chính con đã nhận lấy lời thề
Khủng khiếp, tràn đầy giả dối kia:
'Nếu việc ấy do tôi tự tạo,
Thì tôi ăn thịt đám hài nhi'.

9. Do kết quả hành nghiệp của mình
Cùng lời thề độc ác gian manh,
Con xấu xé thịt bầy con trẻ,
Vì quá khứ, con vấy máu tanh.

Chư vị Trưởng lão xúc động xót thương nữ ngạ quỷ, bèn đến nhà vị địa chủ kia bảo ông hồi hướng đến ngạ quỷ công đức buổi thọ trai mà ông cúng dường chư vị. Lập tức nữ ngạ quỷ thoát khỏi cảnh khốn khổ kia, nhận được nhiều ân phước và hiện hình ban đêm cho người chồng thấy. Sau đó chư Trưởng lão đến Sàvatthi đúng thời và trình lên đức Thế Tôn vấn đề ấy.

 

7. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Bảy Ðứa Bé (Sattaputtakhadaka)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).

Trong một làng nọ không xa Sàvatthi, một đệ tử tại gia có hai con trai xinh đẹp, đủ tài năng đức độ. Vì thế, mẹ chúng khinh thường chồng bà. Chán cảnh bị vợ khinh thường, ông đem về một cô vợ khác còn trẻ lại chóng có thai. Bà vợ cả sinh lòng ganh tỵ, thuyết phục một y sĩ bằng cách trả một số tiền, để làm cho tình địch phải trụy thai.

Thời ấy nhiều vị Trưởng lão, đã an cư mùa mưa ở một nơi trong làng, đang đi đến Săavatthi để yết kiến đức Thế Tôn. Nhân dịp này, chư vị ở lại đêm gần làng ấy. Sau đó nữ ngạ quỷ này xuất hiện trước chư Trưởng lão. Vị trưởng đoàn hỏi ngạ quỷ qua vần kệ:

1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Ngươi thở mùi hôi thối nặc nồng,
Bao phủ toàn thân đầy bọ nhặng,
Nguơi là ai đứng ở đây chăng?

Nữ ngạ quỷ đáp:

2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.

3. Sáng ngày bảy đứa trẻ con sinh,
Chiều tối bảy trai lại hiện hình,
Tất cả, con đều xâu xé hết,
Song không vừa đủ để nuôi mình.

4. Lòng con đang cháy nóng như rang,
Bốc khói, vì cơn đói bạo tàn,
Con chẳng được tâm hồn lắng dịu,
Khác nào lửa đốt, khổ muôn vàn.

Vị trưởng đoàn lại hỏi:

5. Ngày xưa đã phạm ác hạnh gì,
Từ khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì phạm lỗi lầm nào quá khứ,
Mà ngươi ăn thịt đám hài nhi?

Nữ ngạ quỷ đáp:

6. Ngày xưa con có được hai trai,
Bọn chúng trưởng thành đủ cả hai,
Khi đã thấy con mình lớn mạnh,
Con thường khinh bỉ lão chồng tồi.

7. Sau đó chồng con nổi hận sân,
Cưới về thêm một ả hồng quần,
Khi nàng kia đã mang thai nghén,
Con nảy sinh tâm ác hại nhân.

8. Con có tâm gian xảo, ác tà
Khiến cho nàng phải bị thai sa,
Máu tuôn khủng khiếp và ghê rợn,
Việc ấy xảy vào tháng thứ ba.

9. Khi ấy mẹ nàng nổi hận sân,
Liền đưa con đến đám thân nhân,
Bà truyền con nói lời thề độc,
Và bảo mọi người phỉ báng con.

10. Chính con đã nhận thấy lời thề,
Khủng khiếp tràn đầy giả dối kia:
'Nếu việc ấy do tôi tự tạo,
Thì tôi ăn thịt đám hài nhi'.

11. Do kết quả hành nghiệp của mình,
Cùng lời thề độc ác gian manh,
Con xấu xé thịt bầy con trẻ,
Vì quá khứ, con vấy máu tanh.

 

8. Chuyện Con Bò (Gona)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).

Thuở đó ở Sàvatthi (Xá-vệ), người cha của một gia chủ nọ qua đời. Người con bị nỗi ưu phiền hành hạ và cứ khóc than mãi. Trong khi kẻ ấy đi lang thang như một người điên, ông thường hỏi bất cứ kẻ nào ông gặp: 'Thế người có thấy cha tôi chăng?' Không ai có thể xua tan nỗi ưu phiền của ông cả.

Nhưng trong lòng ông, như một ngọn đèn ở trong cái chai, đang bừng lên một khả năng đột xuất hướng về Nhập lưu đạo.

Trong lúc bậc Ðạo Sư đang quán sát thế gian vào buổi sáng, Ngài thấy điều kiện chắc chắn này và suy nghĩ: 'Ðưa đến cho người này quả Dự Lưu thật là thích hợp sau khi kẻ ấy đã kể lại sự việc quá khứ và dẹp bỏ sầu bi'.

Vì thế ngày hôm sau, Ngài đi khất thực về, liền cùng một Tỷ-kheo trẻ đến cửa nhà vị kia. Khi nghe bậc Ðạo Sư đã đến, người ấy bước ra đón Ngài. Khi bậc Ðạo Sư đã an tọa, vị gia chủ nói:

- Bạch Thế Tôn, Ngài biết cha con đã đi về đâu rồi.

Bậc Ðạo Sư hỏi vị ấy:

- Này cư sĩ, ông hỏi về cha ông ở đời này hay đời trước?

Khi nghe những lời này, nỗi buồn của vị ấy dịu bớt: 'Ta có rất nhiều cha trong quá khứ' và vị ấy đã lấy lại được đôi chút thanh thản. Rồi bậc Ðạo Sư thuyết một bài giảng ngắn và ra đi về nơi cư trú của Ngài. Sau đó chư Tỷ-kheo bắt đầu pháp thoại về chuyện này.

Khi vừa đến nơi, bậc Ðạo Sư hỏi:

- Này chư Tỷ-kheo, chư vị đang bàn luận gì khi ngồi tụ tập ở đây?

Chư vị kể lại vấn đề. Ngài đáp:

- Không phải chỉ giờ đây Ta mới xua tan nỗi ưu phiền của người kia, trong đời quá khứ nỗi ưu phiền của kẻ ấy cũng đã được tiêu trừ'. Và theo lời thỉnh cầu của chư vị, Ngài kể câu chuyện đã xảy ra thời trước.

Thuở xưa tại thành Benares (Ba-la-nại), người cha của một gia chủ từ trần. Bị sầu bi trấn áp, vị ấy đập ngực than khóc và cung kính đi quanh dàn hỏa thiêu. Con trai vị ấy là Sujàta, một nam tử thông minh lanh lợi, đầy đủ trí tuệ tối thượng, đang suy xét một phương cách xua tan nỗi ưu phiền của cha, chợt thấy ngoài kinh thành một con bò chết, chàng liền đặt phía trước nó một ít nước và cỏ chàng vừa đem tới nơi. Chàng đưa con bò một nắm cỏ, vừa ra lệnh như thể con bò đang sống, vừa đứng cạnh đó, chàng nói: 'Ăn đi, ăn đi, uống đi, uống đi!'.

Khi người qua đường thấy chàng, họ nói:

- Này Sujàta, chú có điên không mà đưa cỏ với nước cho con bò chết?

Nhưng chàng không hề đáp lại lời nào. Vì thế dân chúng tìm đến cha chàng và bảo ông:

- Con trai ông đã nổi điên nên đưa cỏ và nước cho một con bò chết.

Khi vị gia chủ nghe việc này, nỗi ưu phiền về thân phụ liền mất đi. Lòng lo âu, vị ấy vội vàng đến trách cậu con trai:

- Con chẳng còn là Sujàta thông minh, lanh lợi và có trí tuệ nữa ư? Tại sao con lại đưa cỏ và nước cho một con bò chết?

Vị ấy ngâm hai vần kệ về việc này:

1. Sao con có vẻ giống người khùng,
Con cắt cỏ non, lại nói thầm
Cùng với bò già vừa mới chết,
Luôn môm bảo nó: 'Hãy ăn, ăn!'

2. Chẳng phải nhờ ăn uống, dỗ dành
Mà con bò chết sẽ hồi sinh,
Con tôi khờ dại ngây ngô quá
Quả giống người đâu đó, thật tình.

Sujàta ngâm các vần kệ sau đáp lời:

3. Bốn chân này với chiếc đầu này,
Với cái đuôi và thân thể đây,
Ðôi mắt là đây còn đủ cả,
Con bò phải đứng dậy lên ngay!

4. Song đôi tay với cả đôi chân,
Thân thể và đầu tóc của ông,
Nay chúng ở đâu, nào chẳng thấy,
Khóc than đống đất, phải cha khùng?

Người cha đáp:

5. Lòng ta quả thực nóng bừng
Giống như sữa lạc đổ trong lửa đào,
Nay vừa được tưới nước vào,
Và làm tiêu tán biết bao khổ sầu.

6. Quả con nhổ mũi tên đau
Nỗi sầu kia đã cắm sâu vào lòng,
Con xua mọi nỗi đau buồn
Vì cha thương tiếc phụ thân của mình.

7. Tâm ta đã được an bình,
Nỗi buồn dứt bỏ trong mình từ nay,
Ta không khóc nữa giờ đây,
Sau khi nghe những lời này, con thân.

9. Vậy là các bậc trí nhân,
Ðầy lòng lân mẫn ân cần thiết tha
Xua tan sầu não cho ta
Như Su-jà với cha già giờ đây
.

Rồi người cha đi gội đầu, ăn uống và tham gia công việc của mình. Khi từ trần, vị ấy tái sanh Thiên giới.

Như vậy Sujàta đã trở thành vị Bảo hộ thế giới.

 

9. Chuyện Ông Chủ Thợ Dệt (Mahàpesakàra)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).

Lúc ấy chừng mười Tỷ-kheo, sau khi nhận được đề tài thực hành thiền quán từ bậc Ðạo Sư, đang tìm một nơi cư trú. Vì thời kỳ an cư mùa mưa gần kề, chư vị thấy một chỗ tốt đẹp vừa ý ở trong rừng với bóng mát và nước chảy, và chỉ xa làng một khoảng thuận tiện để đi khất thực. Chư vị ngủ qua đêm tại đó và hôm sau vào làng khất thực.

Dân chúng đón mừng chư Tỷ-kheo và cầu xin chư vị vào đây cư trú mùa mưa. Sau đó vị trưởng nghiệp đoàn thợ dệt cung kính cúng dường hai Tỷ-kheo đủ tứ sự cần thiết, trong khi số đoàn viên thợ dệt khác phục vụ từng vị Tỷ-kheo.

Bấy giờ vợ người chủ thợ dệt không mộ đạo, không có lòng tin, theo tà kiến và tham lam, không phụng sự Tăng chúng. Sau đó người chủ này cưới cô em gái bà và cho làm bà chủ nhà. Nàng có lòng tin và nhiệt thành phục vụ chư Tăng.

Tất cả những thợ dệt này cũng tặng mỗi người một chiếc y cho mỗi Tỷ-kheo đang thực hành an cư mùa mưa ở đó.

Thế rồi, người vợ ích kỷ của chủ nghiệp đoàn thợ dệt,với ác tâm buông lời mạ lỵ chồng: 'Mong mọi thức uống ăn mà ông cúng các Tỷ-kheo đệ tử chân chánh của đức Phật sẽ trở thành phân dơ và y phục sẽ thành những tấm sắt nóng bỏng trong kiếp sau'.

Khi từ trần, vị chủ nghiệp đoàn thợ dệt tái sanh ở rừng Vindhya làm một vị thần đầy vẻ huy hoàng. Người vợ xan tham ấy tái sanh làm nữ ngạ quỷ ở không xa nơi ông ở. Nữ ngạ quỷ trần truồng xấu xí, bị đói khát giày vò,và khi đến gần vị địa thần này, nó nói:

- Thưa phu quân, thiếp trần truồng đi lang thang bị đói khát hành hạ vô cùng khổ cực, xin hãy cho thiếp y phục và thức ăn uống.

Vị thần liền cho nó một số thực phẩm thần tiên của mình, nhưng khi ngạ quỷ vừa cầm lấy, các thứ này lập tức biến thành phân dơ và y phục nó vừa mặc vào liền hóa ra tấm sắt nóng cháy. Ngạ quỷ vừa nôn mửa vừa kêu khóc và đi lang thang trong nỗi thống khổ cùng cực.

Vào thời ấy, một Tỷ-kheo đang đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, cùng với một đoàn lữ hành đông đảo vào rừng Vindhya. Sau khi đã du hành ban đêm, đến sáng đoàn lữ hành thấy một nơi đầy bóng mát và nước chảy, họ liền thả đàn bò ra và ngừng lại để nghỉ chân.

Sau đó, vị Tỷ-kheo muốn ở riêng một mình nên đã đi xa một đoạn ngắn, trải chiếc y lên thảm cỏ dày dưới gốc cây và nằm xuống. Thân thể mệt nhọc vì cuộc hành trình ban đêm, vị ấy liền ngủ thiếp đi.

Sau khi đoàn lữ hành đã nghỉ ngơi xong, họ lên đường, nhưng vị Tỷ-kheo ấy chưa dậy. Mãi đến chiều tối vị ấy thức giấc và vì mất bạn đồng hành, vị ấy theo đường nhỏ đi mãi cuối cùng đến tận nơi cư ngụ của vị thần nói trên.

Khi vị thần thấy vị Tỷ-kheo, liền hóa ra hình người và chào đón vị ấy, đưa vị ấy vào lâu đài của mình và sau khi đã cúng dường dầu xoa chân cùng các lễ vật khác, vị thần đảnh lễ và ngồi xuống. Vừa lúc ấy nữ ngạ quỷ cũng đến và nói:

- Thưa phu quân, xin hãy cho thiếp thức ăn uống và y phục.

Vị thần cho nó đủ các thứ này, nhưng ngay lúc nó cầm chúng, thì chúng vẫn biến thành phân dơ và tấm sắt nóng cháy như cũ. Khi vị Tỷ-kheo thấy thế, lòng hết sức xúc động và hỏi vị thần qua hai vần kệ:

1. Phân dơ máu mủ hiện lên đầy
Cho nó, vì sao có quả này?
Hạnh nghiệp gì người này đã tạo
Mà nay ăn máu mủ như vầy?

2. Y phục sáng tươi, trắng, mịn màng
Mới cho ngạ quỷ, dệt bằng lông,
Tức thì chúng hóa thành sắt nóng,
Ðã tạo nghiệp gì, ngạ quỷ nương?

Vị thần đáp:

3. Tôn giả, đây là vợ của con,
Bà không bố thí, tính xan tham,
Khi con cúng các Sa-môn ấy,
Bà phỉ báng con với ác ngôn:

4. 'Mong ông ăn uống đám phân dơ,
Nước tiểu, máu tanh, mủ thối tha,
Ðây số phận ông về kiếp khác,
Áo quần sẽ hóa sắt nung lò'.
Bởi vì ác nghiệp ngày bà tạo,
Bà phải ăn phân mãi đến giờ.

- Giờ đây có phương tiện gì giải thoát bà khỏi cảnh giới ngạ quỷ?

Tỷ-kheo đáp:

- Nếu ta dâng cúng đức Phật và Thánh chúng hay chỉ một Tỷ-kheo và hồi hướng công đức đến nữ ngạ quỷ, nó sẽ hưởng được phước phần và theo cách ấy nó sẽ thoát khỏi khổ đau.

Khi nghe vậy, vị thần liền cúng vị Tỷ-kheo thực phẩm và hồi hướng công đức cúng dường cho nữ ngạ quỷ. Tức thì nó được đầy đủ, tâm hân hoan hưởng thọ các thực phẩm thần tiên. Sau đó vị thần trao tận tay vị Tỷ-kheo ấy một đôi thiên y dâng cúng đức Thế Tôn và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ. Ngay sau đó, ngạ quỷ được mặc y phục thần tiên, được cung cấp đủ mọi thứ nó ước mong tương tự như một Thiên nữ cõi trời.

Ngoài ra, vị Tỷ-kheo, nhờ thần lực của vị thần kia, ngay hôm ấy đã đến Sàvatthi.

 

10. Chuyện Nữ Nhân Sói Ðầu (Khallàtiya)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).

Thời xưa tại Benares (Ba-la-nại), có một nữ nhân sống nhờ sắc đẹp của mình. Bấy giờ tóc nàng thật dài đen nhánh, mịn màng, mềm mại và óng ả, cuộn lại rất đẹp. Các bím tóc nàng được kết thành hai nắm tay, mỗi khi buông lơi, chúng xuống tận thắt lưng nàng.

Lúc đó một số nữ nhân ganh tỵ bàn luận cùng nhau và sau khi mua chuộc nữ tỳ của nàng, lại gửi cho cô ả một thứ thuốc sẽ hủy hoại mái tóc nàng. Bấy giờ nữ tỳ pha thuốc ấy vào bột tắm và đưa cho chủ nhân vào lúc nàng đi tắm ở sông Hằng. Nàng dùng thứ thuốc pha ấy tẩm vào tóc thật kỹ đến tận gốc và nhảy vào dòng nước. Ngay khi nàng vừa ngâm mình vào nước, tóc nàng liền rụng ra tận gốc, sạch trơn tru và đầu nàng trông giống trái mướp đắng.

Sau đó, trông xấu xí như chim bồ câu bị vặt hết lông, nàng hổ thẹn không dám vào thành nữa, phải choàng khăn phủ đầu và cư trú ngoại thành. Khi nỗi hổ thẹn đã qua đi và đã biết ép hạt mè, nàng sinh sống bằng nghề bán dầu và rượu mạnh.

Một hôm, khi hai ba người đàn ông say rượu đã ngủ mê man, nàng lấy trộm tất cả y phục của họ đang treo lủng lẳng. Rồi một ngày nọ, nàng thấy một vị Thánh Tăng đi khất thực, sau khi mời vị ấy vào, nàng cúng dường một chiếc bánh làm bằng hạt dẻ trộn dầu mè. Vì thương xót nàng, vị ấy nhận bánh và ăn.

Nàng đứng đó với tâm hoan hỷ, che lên trên vị ấy một chiếc lọng. Vị Trưởng lão xúc động, nó lời tùy hỷ công đức và ra đi.

Bấy giờ nàng phát nguyện: 'Ước mong ta sẽ được mái tóc đen mịn màng óng ả, mềm mại như tơ cuốn lên thật đẹp'.

Về sau nàng từ trần, và nhờ kết quả thiện nghiệp của nàng, nàng được tái sanh giữa đại dương một mình trong một lâu đài bằng vàng, tóc nàng được phục hồi như nàng đã ước nguyện, song vì nàng đã lấy trộm y phục của đám đàn ông, nay nàng phải bị trần truồng. Nàng cứ tái sanh mãi trong lâu đài bằng vàng kia và phải chịu sống trần truồng một kiếp tại đó.

Rồi về sau, đức Thế Tôn Gotama giáng thế, và trong lúc Ngài trú tại Sàvatthi, một trăm thương nhân có nhà ở đó lên thuyền đến xứ Suvannabhùmi (Kim Ðịa). Thuyền của họ bị bão tố trôi giạt đến bờ kia. Lúc ấy nữ quỷ cùng lâu đài hiện ra trước mặt họ. Khi vị trưởng đoàn thương nhân thấy nữ quỷ, liền hỏi:

1. Nàng là ai trú ở lâu đài,
Xin hỏi, sao không đến phía ngoài?
Mau bước ra đây, này nữ chủ,
Cho ta chiêm ngưỡng lực hùng oai.

Nữ quỷ đáp:

2. Ta đây khốn khổ lại trần truồng,
Không dám bước ra bởi thẹn thưồng
Che tấm thân mình bằng mái tóc,
Vì ta ít tạo nghiệp hiền lương
.

Thương nhân:

3. Ta sẽ đem y phục tặng nàng,
Mặc vào che kín, hỡi hồng nhan,
Bước ra, nữ chủ, ta mong muốn
Nhìn ngắm nàng mang đủ lực thần.

Nữ quỷ:

4. Những vật gì chư vị tặng ta
Cũng không giúp ích được ta mà.
Song đây có một người đồ đệ
Ðầy đủ lòng tin đức Phật đà.

5. Sau khi đem áo tặng người này,
Hồi hướng cho ta phước đức vầy,
Ta sẽ được ban nhiều hạnh phúc,
Mọi nguồn lạc thú sẽ tràn đầy
.

Sau khi nghe nàng nói, các thương nhân tắm rửa và thoa dầu thơm lên người đệ tử tại gia kia và khoác lên chàng một bộ y phục.

Chư vị kết tập Kinh điển ngâm ba vần kệ để giải thích việc này:

6. Khi đã tắm chàng, đám phú thương
Cho chàng cư sĩ tẩm dầu hương,
Và cho chàng được mang y phục,
Nữ quỷ hưởng công đức cúng dường.

7-8. Kết quả này do việc cúng dường:
Tràn đầy y phục với đồ ăn.
Xiêm y thanh lịch, nàng trong trắng
Khoác lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Vừa mỉm miệng cười, nàng mỹ nữ
Bước ra lầu ấy, lại thưa rằng:
'Ðây là kết quả từ công đức
Lễ vật các ngài đã hiến dâng'.

Thương nhân:

9. Lâu đài lắm kiểu cách cao sang
Khả ái, tươi vui, sáng rỡ ràng,
Thần nữ nói cho đoàn lữ khách
Nghiệp gì đây kết quả cho nàng?

Nữ thần:

10. Gặp người khất sĩ bước du hành,
Chân chánh Tỷ-kheo, dạ tín thành,
Ta đến cúng dường người bánh dẻ
Trộn dầu mè với chính tay mình.

11. Vì thiện nghiệp này ta hưởng đây
Trong lâu đài đã biết bao ngày
Như là kết quả phần công đức,
Song chẳng còn lâu ở chốn này.

12. Sau bốn tháng nay sắp đến gần,
Rồi ta sẽ gặp Dạ-ma thần,
Xuống miền địa ngục đầy tàn khốc,
Ta sẽ đọa kinh khủng tột cùng.

13. Ngục bốn góc và bốn cửa vào,
Ðược chia phần nhỏ thật cân sao,
Chung quanh tường sắt đều bao bọc,
Và sắt che trên đỉnh mái cao.

14. Nền bằng sắt rực lửa bừng bừng,
Nóng bỏng, chói lòa khắp mọi phương,
Ðịa ngục muôn đời còn đứng mãi,
Trải dài luôn cả trăm do-tuần.

15. Nơi kia ta chịu khổ lâu dài
Thọ quả do tà nghiệp chín muồi,
Vì thế ta thường than khóc mãi,
Chuyện này quả thật chẳng hề nguôi.

Tâm vị đệ tử tại gia đầy xúc động thương cảm, chàng nói:

- Này nữ thần, do năng lực của lễ vật nàng cúng dường ta, nàng đã thành tựu mọi ước nguyện một cách sung mãn. Nhưng giờ đây, do cúng dường các đệ tử tại gia này và ghi nhớ mọi đức hạnh của bậc Ðạo Sư, nàng sẽ thoát khỏi tái sanh vào địa ngục.

Nữ thần vô cùng hạnh phúc, thiết đãi chư vị đầy đủ các loại ẩm thực, y phục, châu báu thần tiên và đưa tận tay chư vị một bộ y dâng đức Thế Tôn. Nàng cung kính đảnh lễ và nói:

- Xin hãy đến Sàvatthi và đảnh lễ đức Thế Tôn cùng các lời này của ta nhắn gởi: 'Bạch đức Thế Tôn, có một nữ quỷ kia khấu đầu đảnh lễ chân đức Thế Tôn'.

Sau đó nhờ thần lực của mình, nàng đưa chiếc thuyền đến cảng cùng ngày hôm đó. Các thương nhân ấy đúng thời đến dâng lễ vật lên đức Thế Tôn và kể lại toàn thể câu chuyện trên.

 

11. Chuyện Con Voi (Nàga)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).

Tôn giả Samkicca vào lúc bảy tuổi đã đắc quả A-la-hán ngay tại phòng cạo tóc, và khi còn làm Sa-di, trú trong rừng với ba mươi Tỷ-kheo, vị ấy đã cứu chư vị thoát chết bởi tay của năm trăm tên cướp. Sau khi đã giáo hóa cả bọn đạo tặc kia và khuyến dụ chúng vào đời tu hành xuất gia, vị ấy cùng Tăng chúng này đến yết kiến bậc Ðạo Sư ở Benares (Ba-la-nại) và trú tại Isipatana (Trú xứ của Chư Tiên).

Thời ấy tại Benares, một Bà-la-môn theo tà đạo có hai trai một gái. Ba người con này gia nhập đoàn cư sĩ tại gia đảnh lễ cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, mặc dù cha mẹ họ không có lòng tôn kính ấy.

Bấy giờ do một cơn bão, cả năm người ấy bị đè bẹp và chết vì ngôi nhà cũ kỹ ọp ẹp của họ sụp đổ. Sau đó vị Bà-la-môn và vợ tái sanh làm ngạ quỷ, còn hai trai và cô gái được làm các địa thần.

Lúc ấy một cháu trai của Bà-la-môn kia là đệ tử của Tôn giả Samkicca, đến tham kiến theo lời thầy và trong lúc vị ấy đứng đó, nhờ thần lực của thầy mình, vị ấy thấy hai địa thần cùng cô em cỡi xe đến tham dự lễ hội các thần Dạ-xoa và cũng thấy luôn cả hai ngạ quỷ theo sau họ, bèn bảo các ngạ quỷ này:

1. Một thần cỡi bạch tượng đưa đường,
Ở giữa, xe la kéo một chàng,
Phía cuối, một nàng ngồi chiếc cáng
Chiếu đầy ánh sáng khắp mười phương.

2. Song hai ngươi nắm búa trong tay,
Tan nát toàn thân lẫn mặt mày,
Ác nghiệp nào xưa ngươi đã tạo,
Sao ngươi uống máu của nhau vầy?

Hai ngạ quỷ:

3. Thần ngồi phía trước dẫn đưa đường
Trên bạch tượng kia, vật bốn chân,
Ðó chính là con ta, trưởng tử,
Cúng dường, nay được hưởng hồng ân.

4. Còn thần ngồi giữa ở trên xe
Có bốn con la kéo bốn bề,
Xe chạy thật nhanh, là quý tử,
Thanh cao thí chủ, sáng ngời kia.

5. Cô gái ngồi sau chiếc cáng dài,
Nữ thần thông tuệ cặp mắt nai
Dịu hiền, cô út nhà ta đó,
Nàng hưởng nửa phần hạnh phúc thôi.

6. Những thần này với trí khinh an,
Kiếp trước đã dâng lễ cúng dường
Lên các Bà-la-môn, ẩn sĩ,
Còn ta keo kiệt lại xan tham
Ðã từng phỉ báng nhiều tu sĩ.
Vì chúng ngày xưa đã phát ban,
Nay chúng thong dong đi khắp chốn,
Ta khô như sậy bị cưa ngang.

Khi đã nêu ra ác nghiệp, chúng còn giải thích như vầy:

- Chúng ta là anh và chị dâu của mẹ ngươi.

Nghe vậy người cháu đau lòng hỏi:

7. Hai vị thường ăn thực phẩm nào?
Loại giường của các vị ra sao?
Cách nào nuôi sống, người sai phạm
Trọng tội, khi đầy đủ biết bao
Thực phẩm dồi dào, nhưng bất hạnh
Và nay đang chịu quả thương đau?

Hai ngạ quỷ:

8. Ta đánh nhau và uống máu nhau,
Dù uống đã nhiều, vẫn khát khao,
Chẳng được thức gì ăn để sống,
Chúng ta không thỏa mãn đâu nào.

9. Như những người không biết cúng dường
Mạng chung, vào cõi Dạ-ma-vương,
Sau khi nhận thấy phần ăn uống,
Chẳng hưởng được gì lợi lạc thân.

10. Chịu đói khát nhiều ở cõi âm,
Lâu dài ngạ quỷ phải than thân,
Bởi vì chúng bị luôn hành hạ
Do chúng tạo bao nghiệp ác gian,
Chúng thường nhận lãnh nhiều đau khổ
Như là quả báo đắng cay tràn.

11. Tài sản giàu sang chẳng vững vàng,
Ðời người trên thế giới vô thường,
Từ vô thường biết vô thường ấy,
Người trí đi tìm chốn trú an.

12. Những người biết Ðạo pháp bình yên,
Nếu có trí vầy chớ lãng quên
Dâng lễ cúng dường khi đã học
Lời chư La-hán, chúng Tăng hiền.

 

12. Chuyện Con Rắn (Uraga)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).

Thuở ấy tại Sàvatthi (Xá-vệ) tương truyền con trai một vị đệ tử tại gia từ trần. Người cha đắm mình vào nỗi sầu khổ khóc than, không bước ra ngoài; vị ấy không thể làm gì được nên chỉ ở trong nhà.

Lúc ấy, Bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi từ sáng sớm đang quán sát cõi trần với Phật nhãn, sau khi thấy người đệ tử tại gia kia, Ngài cầm y bát và đến đứng ngay tại cửa nhà vị ấy.

Vị đệ tử ấy vội vã đi ra tiếp đón Ngài, đỡ lấy bình bát và mời Ngài vào trong. Ðức Thế Tôn nói với vị ấy:

- Này cư sĩ, sao ông có vẻ mang nặng sầu tư?

Vị ấy đáp:

- Bạch Thế Tôn, quả thật con trai yêu quý của con vừa qua đời, nên con mang nặng sầu tư.

Sau đó, đức Thế Tôn, bậc ly sầu, kể cho vị ấy nghe chuyện Tiền Thân Con Rắn (Kinh Bổn Sanh số 354).

Thuở xưa trong quốc độ Kàsi, ở Ba-la-nại có một gia đình Bà-la-môn được mệnh danh Dhammapala (Hộ pháp). Trong nhà này, vị Bà-la-môn, bà vợ, con trai, con gái, con dâu, nữ tỳ, tất cả mọi người đều hân hoan thích thú hướng tâm niệm về cái chết. Bất cứ ai rời khỏi nhà đều nói cho những người khác biết và ra đi không hề bị ai để ý gì cả.

Rồi một hôm, vị Bà-la-môn cùng con trai ra đồng và cày ruộng, trong khi cậu trai nhóm lửa để sấy khô cây cỏ. Tức thì một con rắn hổ mun sợ hãi bò ra khỏi lỗ cây và cắn cậu trai vị Bà-la-môn. Cậu từ trần và hóa sanh làm Sakka Thiên chủ.

Còn vị Bà-la-môn, sau khi tắm rửa thật sạch sẽ và xoa dầu thơm cho mình xong, được đám người hộ tống vây quanh, vị ấy đặt thi thể con lên dàn hỏa và châm lửa giống như thể vị ấy đang đốt một đống củi vậy. Vị ấy cứ đứng đó, không sầu não cũng chẳng tự hành hạ mình, sau khi đã chú tâm vào niệm vô thường.

Bấy giờ con trai vị Bà-la-môn đã hóa sanh làm Sakka Thiên chủ chính là Bồ-tát. Sau khi suy xét thiện nghiệp đã làm ở kiếp trước và đầy lòng thương xót cha Ngài cùng quyến thuộc, Ngài liền đến chỗ ấy, giả dạng một Bà-la-môn.

Khi Ngài thấy mọi người không than khóc, liền bảo:

- Này, chư vị đang nướng thịt súc vật à, cho ta một ít; ta đang đói đây.

- Này Bà-la-môn, không phải là con vật đâu, con người đấy.

Bồ-tát hỏi:

- Thế đó là kẻ thù của chư vị chăng?

Người cha đáp:

- Chẳng phải kẻ thù đâu, mà là đứa con được bảo dưỡng trong lòng chúng tôi đấy, chính đứa con trai yêu quý đầy đủ các đức tính ưu tú của chúng tôi đấy.

Bồ-tát lại hỏi:

- Thế tại sao ông không khóc con?

Vị Bà-la-môn đáp:

1. Như con rắn trút bỏ da tàn,
Ðạt đến trưởng thành chính bản thân,
Cũng vậy, khi thân không hưởng lạc,
Ðúng thời, người chết phải từ trần.

2. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên tôi chẳng hề than khóc,
Nó đã đi theo đúng bước đường.

Sau đó Sakka Thiên chủ hỏi bà mẹ:

- Bà ơi, người chết ấy là gì của bà?

Bà đáp:

- Thưa Ngài, tôi đã cưu mang nó mười tháng trong bụng, tôi cho nó bú mớm, tôi dẫn dắt tay chân nó, nó là con trai tôi đã khôn lớn rồi.

Thiên chủ hỏi:

- Cho dù cha là đàn ông thường không khóc chứ lòng mẹ chắc chắn là mềm yếu. Tại sao bà không khóc?

Nghe vậy, bà đáp:

3. Không gọi, từ đâu nó đến đây,
Chẳng ai cho phép, nó đi ngay,
Nó đi, nó đến đều như vậy,
Sao phải khóc than nó chốn này?

4. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên tôi chẳng hề than khóc,
Nó đã đi theo đúng bước đường.

Sau đó, Ngài hỏi người chị:

- Này cô, người ấy là gì của cô?

- Thưa Ngài, đó là anh trai của con.

- Này cô, chị em gái thường rất yêu mến anh em trai. Tại sao cô không khóc?

Cô chị giải thích:

5. Nếu con khóc, sẽ phải gầy mòn,
Bù đắp, có gì trả lại con?
Còn phát sinh ra nhiều bất lợi
Cho bà con, quyến thuộc, thân bằng.

6. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên con chẳng hề than khóc,
Kẻ đã đi theo đúng bước đường.

Sau đó, Ngài lại hỏi người quả phụ:

- Người đó là gì đối với chị?

- Thưa Ngài, đó là chồng của con.

- Này chị, các người vợ thường rất yêu thương chồng mình. Tại sao chị không khóc?

Nàng liền giải thích:

7. Giống như đứa trẻ nọ kêu than
Khi mặt trăng kia cứ lặn dần,
Làm chính việc này đâu có khác
Người nào thương khóc kẻ từ trần.

8. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên con chẳng hề than khóc,
Kẻ đã đi theo đúng bước đường.

Sau đó Ngài hỏi cô nữ tỳ:

- Này cô, người ấy là gì của cô?

- Thưa Ngài, đó là cậu chủ con.

- Nếu vậy, chắc có lẽ cậu ấy đã đánh đập cô, và cô sắp làm quản gia rồi, bởi thế cô không than khóc, vì suy nghĩ: 'Ta rất sung sướng được thoát khỏi người đã chết này'.

Nữ tỳ đáp:

- Thưa Ngài, xin đừng nói như vậy với con. Ðiều ấy không đúng. Cậu chủ nhà đối với con đầy kiên nhẫn, thân ái, ân cần, cư xử đúng mực chân chánh như một thanh niên trưởng thành được nuôi dạy chu đáo.

- Thế tại sao cô không khóc?

Nàng đáp:

9. Giống như trường hợp Bà-la-môn
Có một chiếc bình đã vỡ toang
Không thể phục hồi, và cũng vậy,
Hoài công thương khóc kẻ từ trần.

10. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên con chẳng hề than khóc,
Kẻ đã đi theo đúng bước đường.

Khi Sakka Thiên chủ đã nghe pháp thoại của cả nhà ấy xong, Ngài hân hoan nói:

- Chư vị đã chân chánh tu tập niệm chết. Từ nay về sau chư vị không cần cày bừa lao động gì nữa cả.

Ngài liền hóa hiện ra bảy thứ báu vật tràn đầy nhà họ và khuyên nhủ với họ với những lời này:

- Hãy chuyên tâm bố thí, hành trì Ngũ giới và giữ ngày Trai giới (Bố-tát).

Sau đó Ngài xuất lộ nguyên hình trước mặt họ và trở về cõi của Ngài. Còn vị Bà-la-môn và gia đình luôn bố thí, thực hành mọi thiện sự khác và sau khi sống đời trường thọ, liền được tái sanh lên thiên giới.


[Mục lục][Phẩm kế][ ^ ]


[Trở về trang Thư Mục]

Revised: 13-02-2004