Tiểu Bộ Kinh - Tập V
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (II)
Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
PHẨM RUHAKA
191. CHUYỆN TẾ SƯ RUHAKA (Tiền thân Ruhaka)
Dây cung, dù bị đứt...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự luyến ái người vợ cũ. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được đề cập ở Chương tám, Tiền thân Indriya (số 423). Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
- Này Tỷ-kheo, nữ nhân ấy đã làm hại ông. Thuở xưa, cô ta đã làm nhục ông trước mặt vua và triều đình. Ngay sau đó, ông đã đuổi cô ta ra khỏi nhà.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con của hoàng hậu chánh cung. Khi đến tuổi trưởng thành, phụ vương mệnh chung, Bồ-tát được đặt trên vương vị và trị nước theo Chánh pháp.
Bồ-tát có một cố vấn tế tự tên là Ruhaka. Ông ta có bà vợ già là một nữ Bà-la-môn. Vua cho vị Bà-la-môn một con ngựa với đầy đủ đồ trang sức, leo lên ngựa đi đến chầu vua. Khi ông ngồi trên lưng ngựa được trang sức như vậy, dân chúng đứng khắp nơi đều khen con ngựa ấy:
- Ôi chói sáng thay con ngựa! Nó đẹp làm sao!
Người Bà-la-môn đi về nhà, lên lầu và nói với bà vợ:
- Này hiền thê, con ngựa của chúng ta tuyệt đẹp. Người đứng hai bên đường đều khen nó.
Nữ Bà-la-môn là người có chút ác tánh, và hay lừa phỉnh, liền nói với chồng:
- Ông có biết nguyên nhân nào làm cho con ngựa này đẹp không? Con ngựa này đẹp là nhờ các thứ trang hoàng cho loài ngựa. Nếu ông muốn đẹp như con ngựa, hãy trang sức như con ngựa, rồi đi xuống giữa đường, vừa đi vừa nhún chân như con ngựa. Khi ông đến yết kiến vua, vua sẽ tán thán ông, và mọi người ai cũng đều khen ông cả.
Vị Bà-la-môn ấy bản tánh ngu ngốc, nghe lời bà vợ, không biết ý đồ của vợ, cứ làm đúng như vậy. Những ai thấy người Bà-la-môn ấy đều cười lớn và nói:
- Ðẹp thay là bậc Sư trưởng!
Vua nói với người Bà-la-môn:
- Này Sư trưởng, có phải ông nổi giận rồi sao? Ông có điên không?
Câu nói của vua chê vậy khiến ông sanh hổ thẹn. Lúc bấy giờ, vị Bà-la-môn biết: "Ta làm một việc không thích đáng", liền sinh lòng căm tức nữ Bà-la-môn:
- Nó đã làm ta xấu hổ trước mặt vua và quân đội. Ta sẽ đánh nó và đuổi nó ra khỏi nhà.
Ông đi về nhà với ý nghĩ trả thù như vậy. Nữ Bà-la-môn ác tánh biết chồng trở về với lòng căm giận mình, liền trốn ra khỏi nhà bằng một cửa nhỏ, đi đến cung điện của vua, và ở tại đấy bốn, năm ngày. Vua biết được tin ấy, cho gọi vị cố vấn tế tự, khuyên ông tha thứ:
- Này Sư trưởng, đàn bà đầy lỗi lầm, ông nên tha thứ cho nữ Bà-la-môn.
Rồi với mục đích khuyến giáo vị ấy tha thứ, vua nói lên bài kệ đầu:
Dây cung dù bị đứt,
Cũng có thể nối liền,
Hãy giảng hòa với vợ,
Chớ để tâm hận hiềm.
Nghe xong, Ruhaka đọc bài kệ thứ hai:
Có vỏ, làm dây khác,
Lại có thợ biết làm.
Tôi sẽ tìm vợ mới,
Vợ cũ, tôi chán nhàm!
Nói vậy xong, ông đuổi nữ Bà-la-môn ấy và cưới một nữ Bà-la-môn khác.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài trình bày các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo có tâm luyến ái đã đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, người vợ cũ là nữ Bà-la-môn, Ruhaka là Tỷ-kheo có tâm luyến ái, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
192. CHUYỆN THIÊN NỮ SIRIKÀLAKANNI (Tiền thân Sirikàlakanni)
Nữ nhân có thể đẹp...,
Tiền thân Sirikàlakanni sẽ được trình bày ở Tiền thân Mahà-Ùmmagga (số 538).
-ooOoo-
193. CHUYỆN HOÀNG TỬ LIÊN HOA (Tiền thân Cullapaduma)
Nàng chính là người ấy...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Hoàn cảnh chuyện này sẽ được trình bày trong Tiền thân Ummadanti (số 527). Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy trả lời:
- Bạch Thế Tôn, con thấy một nữ nhân mặc áo quần rất đẹp, nên bị ái nhiễm và thối thất tinh tấn.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này Tỷ-kheo, các nữ nhân đều vô ơn, phản bội tình bạn. Các bậc hiền trí thuở xưa, với tâm tư điên cuồng đến độ cho họ uống máu đầu gối phải của mình, trọn đời mang tặng phẩm hiến dâng cho họ, nhưng vẫn không chinh phục được tâm của nữ nhân.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con trai của bà hoàng hậu chánh cung, khi đến ngày đặt tên, được gọi là hoàng tử Paduma (Liên Hoa). Sau Bồ-tát, còn có sáu người em trai nữa. Bảy người ấy tiếp tục lớn lên, lập gia đình sống bên cạnh nhà vua. Một hôm vua đứng nhìn xuống sân thấy họ đi đến hầu vua với một tùy tùng đông đảo, vua sinh lòng nghi ngờ: "Những người này có thể giết ta và cướp lấy quốc độ". Nghĩ vậy, vua cho gọi họ đến và nói:
- Này các con thân, các con không thể sống trong thành này. Hãy đi đến một chỗ khác, và sau khi ta băng hà, hãy trở về cai trị vương quốc, vì vương quốc là sở hữu của gia đình.
Các con vâng theo lời cha.
Họ khóc than, đi về nhà, đem theo vợ con mình và nói:
- Chúng ta hãy đi bất cứ nơi nào và sống tại đấy.
Họ ra khỏi thành, lên đường, đi đến một chỗ hoang vu, không có đồ ăn nước uống, chịu đựng đói khát không nổi, và nghĩ: "Chúng ta còn sống sẽ được nữ nhân khác".
Họ giết vợ của người em út, chia thành mười ba phần, rồi ăn thịt. Bồ-tát và vợ lấy phần mình chia làm ba, để lại một phần và ăn hai phần. Như vậy trong sáu ngày, họ giết sáu nữ thân để ăn thịt. Mỗi ngày kế tiếp Bồ-tát để lại một phần, vì vậy có được sáu phần. Ðến ngày thứ bảy, họ có ý định giết vợ của Bồ-tát. Nghe vậy, Bồ-tát cho họ ăn sáu phần còn lại, và nói:
- Hãy ăn sáu phần này, ngày mai sẽ tính.
Cho họ ăn thịt xong, khi họ nằm ngủ, Bồ-tát đem vợ chạy trốn. Người vợ đi một lát, rồi nói:
- Thưa chàng, em không thể đi được.
Bồ-tát cõng vợ lên vai, đi đến rạng đông, ra khỏi được cảnh hoang vu. Khi mặt trời mọc, người vợ nói:
- Thưa chàng, em khát.
Bồ-tát nói:
- Này hiền thê, không có nước.
Nghe nàng nói đi nói lại, Bồ-tát lấy gươm đâm đầu gối chân phải của mình và nói:
- Này hiền thê, không có nước uống. Ðây là máu đầu gối phải của ta. Hãy ngồi xuống và uống nó đi.
Người vợ làm như vậy. Họ tiếp tục đi, đến sông Hằng Hà hùng vĩ, họ uống nước, tắm, ăn các loại trái và rau v.v... rồi nghỉ ngơi tại một chỗ thoải mái. Gần một khúc quanh của sông Hằng, họ dựng lên một am thất và sống tại đấy.
Một hôm, một tên cướp ở thượng lưu sông Hằng, phạm tội phản nghịch vua nên tay chân, tai mũi đều bị cắt đứt, bị quăng nằm trong chiếc xuồng nhỏ và thả trôi trên sông Hằng Hà rộng lớn, rên la vì đau đớn, và trôi đến chỗ ấy. Bồ-tát nghe tiếng than đau thương bi ai của nó, liền đi đến bờ sông Hằng, kéo nó lên bờ, dắt nó đến am thất, và xức thuốc chữa trị vết thương. Người vợ nói:
- Một đứa què lười biếng như thế này mà chồng ta lại mang từ sông Hằng về để săn sóc và cứu sống!
Nói vậy xong, nàng khinh bỉ nhổ vào mặt người què ấy. Khi các vết thương của nó được lành mạnh, Bồ-tát cho nó ở tại am thất với vợ mình, rồi đem trái cây và các loại khác từ rừng về, nuôi nó và người vợ. Trong khi họ chung sống như vậy, nữ nhân ấy sanh ái luyến người què, thông dâm với nó và muốn giết Bồ-tát với phương tiện ác độc, liền nói với chồng:
- Thưa chàng, khi em ngồi trên lưng chàng ra đi khỏi khu vực hoang vu, em nhìn hòn núi này, và cầu xin như sau: Thưa vị thần núi, nếu con được sống an lành với chồng, con sẽ làm lễ cúng tạ ngài! Nay thần ấy làm em hoảng sợ. Em phải làm lễ cúng tạ thần ấy.
Bồ-tát không biết vợ mình lừa đảo liền bằng lòng, sửa soạn lễ cúng, giao cho vợ dĩa đựng đồ cúng, rồi leo lên chóp núi. Người vợ nói với chồng:
- Thưa chàng, không phải vị thần mà chính chàng mới là vị thần tối thượng. Trước hết, em sẽ cúng dường chàng hoa rừng, đi nhiễu xung quanh chàng, đảnh lễ chàng, rồi sau đó em cúng lễ cho vị thần núi.
Nói vậy xong, nàng đặt Bồ-tát đứng trên bờ vực thẳm, cúng dường Bồ-tát hoa rừng, đi nhiễu xung quanh, và làm như muốn đảnh lễ chồng, nàng đứng phía sau đánh Bồ-tát trên lưng, rồi xô Bồ-tát rơi xuống vực thẳm, và la lên vì thỏa mãn:
- Ta đã thấy cái lưng kẻ thù ta rồi!
Và nàng xuống núi đi với người què ấy.
Bồ-tát rơi từ trên núi xuống vực thẳm nhưng bị mắc vào một chùm lá không có gai trên chóp cây sung nên không thể xuống núi được. Bồ-tát ăn trái cây sung và sống giữa các cành cây.
Một con kỳ-đà chúa có thân to lớn, từ chân núi thường leo lên ăn trái của cây sung ấy. Nó thấy Bồ-tát và chạy trốn. Ngày sau nó lại đến, ăn những trái ở một bên cây rồi bỏ đi. Nó đến nhiều lần như vậy cho đến khi nó kết thân với Bồ-tát và hỏi:
- Làm thế nào anh đến được chỗ này?
Khi được Bồ-tát nói cho biết lý do, nó nói:
- Thôi được, anh chớ sợ.
Rồi nó bảo Bồ-tát ngồi trên lưng mình, sau đó nó bò xuống núi, ra khỏi khu rừng, đặt Bồ-tát trên con đường lớn và nói:
- Hãy đi theo con đường này.
Bồ-tát đi đến một ngôi làng nhỏ và sống tại đấy. Khi nghe tin phụ vương đã mệnh chung, Bồ-tát đi đến Ba-la-nại, lên ngôi kế vị trong vương quốc thuộc quyền sở hữu của gia đình và trở thành vua Paduma. Nguyện theo Mười vương pháp trị nước đúng luật, Bồ-tát cho xây sáu hội trường bố thí tại bốn cửa thành, tại chính giữa thành, tại trước cửa cung điện và mỗi ngày bố thí sáu trăm ngàn đồng tiền.
Trong lúc ấy, nữ nhân độc ác kia cõng người què trên lưng, đi ra khỏi rừng, xin ăn giữa con đường có người qua kẻ lại, thâu lượm cháo cơm để nuôi dưỡng người tình. Có người hỏi:
- Người này là ai đối với cô?
Nàng nói dối:
- Mẹ người này là chị của cha tôi. Người này là anh họ tôi. Người ta cho tôi người này. Dầu cho chàng bị đọa đầy đến chết, tôi cũng sẽ mang chồng tôi trên vai đi khất thực, và nuôi dưỡng chàng.
Mọi người khen:
- Thật là người vợ trung tín với chồng!
Từ đấy trở đi, người ta cho nàng cháo và cơm nhiều hơn trước. Những người khác nói với nàng:
- Chớ sống như thế này. Vua Paduma trị vì ở Ba-la-nại, công đức bố thí của ngài vang dội toàn cõi Diêm-phù-đề. Vua thấy nàng sẽ hoan hỷ, và sẽ cho nàng nhiều tài sản. Hãy để chồng nàng ngồi trong cái giỏ này và cõng đi.
Họ cổ võ nàng và cho nàng một cái giỏ tre. Người đàn bà ác hạnh kia đặt người què ngồi trên lưng mình, rồi đi đến Ba-la-nại, xin ăn tại các nhà bố thí và sống như vậy.
Bấy giờ Bồ-tát thường hay ngồi trên lưng voi với trang sức lộng lẫy, đi đến nhà bố thí và sau khi tự tay bố thí cho tám hay mười người, ngài lại đi về cung. Nữ nhân ác hạnh ấy đặt người què ngồi trong cái giỏ, mang nó trên lưng và đứng trên đường vua đi qua. Vua thấy họ bèn hỏi:
- Người này là ai vậy?
- Thưa Ðại vương, một người vợ trung tín.
Vua cho gọi nàng đến, nhận diện nàng, liền bảo đưa người què ra khỏi cái giỏ, và hỏi:
- Người này là gì của nàng?
Nàng trả lời:
- Người này là con của người chị cha tôi. Gia đình đó cho tôi và tôi nhận người này làm chồng tôi.
Các người không biết nội dung câu chuyện liền nói to:
- Ôi, thật là người vợ trung tín!
Và họ tán thán nữ nhân ác hạnh ấy. Vua hỏi thêm:
- Có phải người què này do gia đình cho nàng làm chồng không?
Nữ nhân ấy không nhận diện được vua nên mạnh dạn nói:
- Thưa Ðại vương, đúng vậy.
- Và đây có phải là con vua Ba-la-nại không? Nàng có phải là con gái của một vị vua, là vợ của hoàng tử Paduma?
Sau khi dằn mặt nàng, vua vạch mặt nàng:
- Chính nàng uống máu từ đầu gối của ta và vì luyến ái với người què này, nàng đã xô ta xuống vực thẳm. Nàng nghĩ rằng ta đã chết, nhưng ta vẫn còn sống! Nay nàng đến đây với dấu hiệu tử thần in trên trán đấy!
Rồi vua nói với các triều thần:
- Hỡi các triều thần, trước kia các khanh hỏi trẫm và trẫm đã trả lời như sau: Sáu người em trai trẫm đã giết vợ họ và đã ăn thịt vợ họ. Nhưng trẫm đã bảo vệ vợ mình an toàn, đưa nàng đến bờ sông Hằng, và sống tại một am thất. Ở đấy trẫm cứu một kẻ què bị xử tội chết và nuôi dưỡng nó. Còn nữ nhân đã sanh tâm luyến ái nó, và xô trẫm xuống vực sâu, không ai khác mà chính là nữ nhân ác hạnh này. Nhưng trẫm đã tự cứu mình nhờ tỏ bày tình thân ái. Còn người què bị xử tội chết không ai khác mà chính là tên này!
Rồi Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Nàng chính là người ấy,
Còn ta không ai khác,
Người què chính là nó,
Bị chặt tay, chính nó.
Tuy vậy nàng vẫn nói:
- Là chồng tôi lúc trẻ.
Ðàn bà thật đáng chết,
Chúng không có sự thật!
Hãy lấy một cái chày.
Ðánh chết tên khốn nạn,
Kẻ độc ác rình rập
Ðể cướp lấp vợ người.
Sau đó bắt người vợ
Ác độc, tà hạnh này,
Chấm dứt mạng sống nó,
Cắt cả mũi lẫn tai!
Bồ-tát không có thể dẹp được cơn phẫn nộ và ra lệnh trừng phạt chúng, nhưng rồi không thi hành như đã ra lệnh. Ðể làm nguôi giận, Bồ-tát bảo cột cái giỏ vào đầu nàng thật chặt, để nàng không cởi nó ra được rồi quăng kẻ què vào giỏ và đuổi cả hai ra ngoài quốc độ của mình.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật và cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Sáu anh em thời ấy là sáu vị Trưởng lão, người vợ là thiếu nữ Cinca, người què phạm tội là Ðề-bà-đạt-đa, con kỳ đà chúa là Ànanda, còn vua Paduma là Ta vậy.
-ooOoo-
194. CHUYỆN KẺ TRỘM NGỌC (Tiền thân Manicora)
Không có Thiên thần nào...,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa muốn sát hại mình.
Khi nghe Ðề-bà-đạt-đa đang âm mưu sát hại mình, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thuở xưa cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa đã âm mưu sát hại ta. Nhưng kẻ ấy cũng không có thể làm như vậy được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình của một gia chủ tại một ngôi làng nhỏ không xa Ba-la-nại bao nhiêu. Khi Bồ-tát đến tuổi trưởng thành, người ta đi cưới con gái của một gia đình từ Ba-la-nại về gả cho Bồ-tát. Nàng dễ thương, xinh đẹp, mỹ lệ giống như Thiên nữ, yểu điệu giống như cây leo nở hoa, yêu kiều như con chim thần Kinnàri, có tên là Sujàta. Nàng thủy chung, có giới hạnh, luôn luôn làm tròn bổn phận đối với chồng. Nàng được Bồ-tát thương mến và quý trọng, vì vậy cả hai sống với nhau hoan hỷ, đồng tâm, và thuận hòa.
Một hôm Sujàtà thưa với Bồ-tát:
- Em muốn về thăm cha mẹ em.
- Lành thay, hiền thê. Hãy chuẩn bị thật đầy đủ lương thực đi đường.
Rồi Bồ-tát bảo nấu đủ loại đồ ăn và sắp đặt các lương thực đi đường. Chuẩn bị xong, Bồ-tát ngồi phía trước đánh xe, còn vợ ngồi phía sau. Cả hai đi đến gần thành Ba-la-nại, tháo đôi bò khỏi xe, tắm rửa và ăn uống. Rồi Bồ-tát cột bò vào xe lại và ngồi phía trước, còn Sujàtà đã thay áo, trang điểm, và ngồi phía sau.
Khi cỗ xe đi vào thành, vua Ba-la-nại ngồi trên lưng con voi đẹp, đang đi xung quanh thành và đến chỗ ấy. Sujàtà vừa xuống xe và đi bộ sau xe. Vua thấy nàng, sanh tâm luyến ái, bảo một vị cận thần đi theo dò hỏi nàng đã có chồng, và về tâu với vua:
- Thần nghe nàng ấy đã có chồng, và chồng nàng đang ngồi phía trước xe.
Vua không thể chế ngự tâm ái luyến của mình, và tham dục đã tràn ngập trong lòng, vua suy nghĩ: "Với mọi phương tiện, ta sẽ giết tên này và lấy nữ nhân".
Vua gọi một người và bảo:
- Này người kia, hãy cầm lấy viên ngọc này, giả bộ đang đi trên đường, rồi bỏ rơi hòn ngọc trong xe của người ấy.
Nói vậy xong, vua giao cho anh ta một hòn ngọc, và thúc giục anh ta đi. Người ấy vâng lời lấy hòn ngọc, đi đến thả nó vào trong xe rồi trở về thưa:
- Thưa Thiên tử, tôi đã thả hòn ngọc xong.
Vua la lớn:
- Ta đã mất một hòn ngọc!
Mọi người làm ầm ĩ lên và vua ra lệnh:
- Hãy đóng tất cả, cắt đứt mọi đường đi ra, và bắt tên ăn trộm.
Các người hầu vua làm theo đúng lệnh. Còn người kia đem theo một số người, đi gần đến Bồ-tát và nói:
- Này ông, hãy để xe lại. Vua mất hòn ngọc trên vương miện. Chúng tôi phải khám xe của ông.
Anh ta khám xe, lấy hòn ngọc mà chính anh ta đã bỏ rơi vào, rồi bảo Bồ-tát là kẻ ăn cắp hòn ngọc, lấy tay chân đánh đá ngài, cột ngài ra đàng sau, dẫn đến trình vua và thưa:
- Hãy xem đây là tên trộm hòn ngọc!
Vua ra lệnh:
- Hãy chặt đầu nó!
Các người của vua tại các ngã tư đường, đánh Bồ-tát bằng roi, rồi dẫn ngài ra ngoại thành qua cửa phía nam.
Bấy giờ Sujàtà bỏ xe, giơ tay lên trời than khóc chạy theo chồng:
- Ôi chồng tôi! Vì tôi mà chồng tôi phải chịu cảnh đau khổ này!
Nàng đi theo và khóc than như vậy. Các người hầu của vua bắt Bồ-tát nằm ngửa với ý định chặt đầu ngài. Thấy vậy, Sujàtà nghĩ đến công đức giới hạnh của mình và nói thầm: "Ta chắc rằng trong đời này không vị Thiên thần nào có khả năng chận đứng bàn tay những người độc ác dã man làm hại những người có giới hạnh".
Rồi nàng than khóc và đọc bài kệ đầu:
Không có Thiên thần nào,
Chắc các ngài đi vắng,
Có lẽ không một ai.
Bảo vệ cõi đời này
Kẻ bạo ngược hung hãn
Muốn làm gì thì làm,
Có lẽ không một ai
Chận đứng được bọn chúng!
Vì nàng là người có giới hạnh than khóc như vậy nên chiếc ngai của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Ðế Thích nghĩ: "Ai lại muốn ta rời khỏi ngôi vị Thiên chủ của ta đây?". Rồi Ðế Thích xem xét địa giới, biết sự việc đã xảy ra và nói:
- Vua Ba-la-nại đang làm một điều thật ác độc, khiến cho Sujàtà có giới hạnh phải đau đớn. Nay ta cần phải đi xuống đó!
Ðế Thích từ thiên giới đi xuống, với thần lực của mình bắt ông vua độc ác đang ngồi trên lưng voi phải rời khỏi voi và đặt vua nằm ngửa tại chỗ hành quyết thay Bồ-tát. Rồi Ðế Thích đỡ Bồ-tát dậy, trang điểm ngài với mọi thứ đồ trang sức, rồi mặc áo mũ của vua, và đặt ngài ngồi trên lưng voi của vua.
Quân hầu của vua giơ cao búa lên chém đầu. Khi chém xong, họ mới biết là đầu của vua! Thiên chủ Ðế Thích hiện hình có thể thấy được, đi đến Bồ-tát, làm lễ quán đảnh cho ngài và đặt Sujàtà lên ngôi hoàng hậu. Các vị đại thần và các Bà-la-môn gia chủ v.v... thấy Thiên chủ Ðế Thích, sung sướng nói:
- Vua phi pháp đã bị giết, chúng ta nay được vua đúng pháp do Ðế Thích ban cho chúng ta!
Ðế Thích đứng giữa hư không nói:
- Ðây là vua của các ngươi do Ðế Thích ban cho. Bắt đầu từ nay, vua ấy sẽ trị vì quốc độ đúng pháp. Nếu vua làm việc phi pháp, trời sẽ mưa phi thời, đúng thời trời không mưa, và có ba tai nạn về đói, về bệnh, về chiến tranh. Ba tai nạn này sẽ đến cho dân chúng vì vua ác.
Rồi Ðế Thích thuyết giáo họ với bài kệ thứ hai:
Với nó, mưa phi thời,
Ðúng thời, trời không mưa,
Từ trời, vua xuống đất,
Hãy nhìn rõ nguyên nhân
Kẻ này đã bị giết.
Như vậy, Ðế Thích thuyết giáo đại quần chúng xong, liền trở về cõi thiên của mình. Còn Bồ-tát trị nước đúng pháp và về sau đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, vua phi thời là Ðề-bà-lạt-đa. Ðế Thích là A-na-luật-đà, Sujàtà là mẹ của La-hầu-la (Ràhulamàtà), còn vị vua do Ðế Thích đặt lên ngôi là Ta vậy.
-ooOoo-
195. CHUYỆN HÒN NÚI ÐẸP (Tiền thân Pabbatupatthara)
Trải dài hòn núi đẹp...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua Kosala.
Có tiếng đồn một vị đại thần thông dâm trong nội cung. Vua cho điều tra, biết được sự việc ấy có thật, liền đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và thưa:
- Bạch Thế Tôn, nay trẫm phải làm gì với nó?
Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Thưa Ðại vương, đại thần ấy có giúp ích Ðại vương không, và Ðại vương có thương nữ nhân ấy không?
Vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, đại thần ấy đã giúp ích nhiều cho trẫm, vị ấy cai quản toàn bộ triều đình, và trẫm yêu nữ nhân ấy.
Khi nghe nói vậy, bậc Ðạo Sư nói:
- Thưa Ðại vương, khi các người hầu cận có lợi ích cho mình và khi các nữ nhân được thương yêu thì không có thể hại họ được. Thuở xưa, các vua nghe theo lời các bậc hiền trí đã giữ một thái độ thản nhiên đối với các việc như vậy.
Rồi theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình vị đại thần, khi trưởng thành trở thành vị cố vấn cho vua trong các vấn đề thế sự và thánh sự. Bấy giờ có một đại thần thông dâm trong nội cung. Khi biết được sự việc này, vua suy nghĩ: "Viên đại thần giúp ích nhiều cho ta, và ta yêu nữ nhân ấy, nên ta không thể làm hại hai người này được. Ta hãy hỏi vị đại thần hiền trí. Nếu cần phải kham khẫn, ta sẽ kham nhẫn; nếu không cần, ta sẽ không kham nhẫn". Vua truyền mời Bồ-tát đến, rồi hỏi:
- Thưa bậc Hiền trí, trẫm muốn hỏi một câu.
- Thưa Ðại vương, xin hãy nói đi và thần sẽ trả lời.
Vua liền hỏi qua bài kệ đầu:
Trải dài hòn núi đẹp,
Có hồ nước trong xanh,
Biết sư tử bảo vệ,
Chó rừng uống nước lành.
Nghe bài kệ, Bồ-tát suy nghĩ: "Chắc hẳn có đại thần thông dâm trong nội cung"; và đọc bài kệ thứ hai:
Tất cả loài có chân,
Ðều uống nước sông lớn.
Sông vẫn là con sông,
Nếu quý, hãy kham nhẫn.
Bậc Ðại Sĩ khuyên bảo vua như vậy. Vua vâng theo lời chỉ dạy của Bồ-tát và nói:
- Chớ làm tội lỗi như vậy nữa.
Rồi vua tha thứ cho hai người. Từ đấy về sau họ không làm như vậy nữa. Còn vua trọn đời làm các công đức như bố thí v.v..., và khi mạng chung, vua đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
Sau khi nghe pháp thoại này, vua Kosala đã tha thứ cho cả hai người ấy, và giữ thái độ thản nhiên.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
196. CHUYỆN CON NGỰA BAY (Tiền thân Valàhassa)
Những ai không làm theo...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Tỷ-kheo ấy đáp:
- Thưa có thật.
Ngài lại hỏi:
- Vì nguyên nhân gì?
Vị ấy đáp:
- Vì thấy một nữ nhân trang sức xinh đẹp, nên con bị phiền não chinh phục.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, các nữ nhân này, với sắc, tiếng, hương, vị, xúc của mình, với mưu chước cám dỗ của mình, đã làm đàn ông tham đắm, khiến đối phương rơi vào thế lực của mình, và khi đã bị chi phối, các nữ nhân ấy phá hoại giới đức, tài sản của kẻ si tình bằng các ác hạnh. Do vậy, nữ nhân được gọi là nữ Dạ-xoa.
Thuở xưa, các nữ Dạ-xoa đi đến một đoàn lữ hành, với mưu chước nữ nhân, làm các thương nhân tham đắm, khiến họ rơi vào thế lực của chúng rồi khi chúng thấy những người đàn ông khác, chúng liền giết và ăn thịt những người trước, chúng gặm xương nghe rạo rạo, với máu thịt chảy dài hai bên má.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ
*
Thuở xưa, tại đảo Tambapanni thuộc xứ Tích Lan, có một thành phố Dạ-xoa trú ẩn. Khi các tàu đắm, chúng ra sức trang điểm, đem theo các đồ ăn loại cứng loại mềm, với nữ tỳ vây quanh, với trẻ con ôm bên nách, và đi đến gần các người lái buôn. Nhằm mục đích làm cho các người ấy tưởng đó là thành phố có loài người ở, chúng tạo ra khắp nơi những người đang cày bừa chăn bò, những đàn bò đang ăn cỏ và đàn chó chạy qua lại v.v... Rồi chúng đi đến gần các người lái buôn và nói:
- Hãy uống cháo này, hãy ăn cơm này, hãy chia đồ ăn này, hỡi các vị khách phương xa.
Các người lái buôn không biết, nên cứ thọ hưởng các món ăn do chúng cho. Khi các người lái buôn ăn xong, và trong lúc họ nghỉ ngơi, các nữ Dạ-xoa thân mật hỏi:
- Các người ở đâu? Các người từ đâu lại? Các người sẽ đi đâu? Các người đến đây để làm gì?
Họ trả lời:
- Chúng tôi bị vỡ tàu nên đến đây.
Các nữ Dạ-xoa nói:
- Tốt lắm, thưa các ông. Chồng của chúng tôi lên tàu ra đi đã quá ba năm. Chắc họ đã chết rồi. Các ông là những lái buôn, chúng tôi sẽ là những người hầu hạ các ông.
Sau khi nói vậy, chúng dùng mưu chước của đàn bà cám dỗ, làm các người lái buôn say đắm rồi đưa họ đến thành Dạ-xoa. Nếu những người bị bắt trước còn xót lại, chúng trói họ với những sợi dây chuyền thần bí, và quăng họ vào nhà cực hình. Nếu chúng không tìm được những người đắm tàu để ăn thịt, chúng thường sục sạo dọc theo bờ biển xa cho đến tận sông Kalyàni phía bên kia và đảo Nàga phía bên này. Ðây là việc làm hàng ngày của chúng.
Một hôm, năm trăm người lái buôn bị đắm tàu, lên được bờ gần thành của nữ Dạ-xoa này. Các nữ Dạ-xoa đi đến và làm cho họ say đắm, rồi đưa họ đến thành Dạ-xoa. Chúng trói những người đã bị bắt trước kia với những sợi dây chuyền thần bí và quăng họ vào nhà cực hình. Nữ chúa Dạ-xoa lấy người thuyền trưởng, và các nữ Dạ-xoa còn lại lấy những người kia, như vậy năm trăm nữ Dạ-xoa lấy năm trăm người đi buôn ấy làm chồng.
Rồi ban đêm, khi các thương nhân đã ngủ say, nữ chúa Dạ-xoa liền dậy, đi đến nhà cực hình giết những người tại đấy, ăn thịt rồi trở về. Các nữ Dạ-xoa còn lại cũng làm như vậy. Sau khi ăn thịt người, nữ chúa Dạ-xoa trở về, thân thể trở thành lạnh. Người lái buôn trưởng ôm nàng là nữ chúa Dạ-xoa, liền nghĩ: "Năm trăm nàng này là nữ Dạ-xoa. Chúng ta phải chạy trốn".
Sáng sớm hôm sau, khi đi rửa mặt, anh ta nói với các người đi buôn kia:
- Những nàng này là nữ Dạ-xoa, không phải là người. Khi có các người bị đắm tàu khác đến, chúng sẽ lấy những người ấy làm chồng và ăn thịt chúng ta. Vậy chúng ta hãy chạy trốn.
Hai trăm năm mươi người trong bọn nói:
- Chúng tôi không thể bỏ các nữ Dạ-xoa này được. Nếu các ông muốn, thì hãy đi đi. Nhưng chúng tôi sẽ không chạy trốn đâu.
Sau đó, người lái buôn trưởng đem theo hai trăm năm mươi người nghe lời của mình chạy trốn.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm con ngựa toàn trắng, với đầu như con quạ, với tóc như cỏ munja, có thần thông, có thể bay trên hư không. Bồ-tát từ Tuyết Sơn bay lên hư không, đến hòn đảo Tambapanni, trên các ao, hồ ở Tambapanni và ăn các loại lúa mọc tại đấy. Trong khi bay qua như vậy, vì lòng từ bi, ba lần Bồ-tát nói lớn tiếng với giọng người:
- Có người nào muốn trở về tổ quốc không?
Các người đi buôn nghe lời Bồ-tát, đi đến chấp tay và thưa:
- Thưa ngài, chúng con muốn trở về.
- Vậy hãy leo lên lưng ta.
Một số người leo lên thân ngựa, một số người nắm đuôi ngựa, một số người chấp tay và đứng im lặng kính cẩn. Bồ-tát dùng thần lực đem hai trăm năm mươi người ấy về tổ quốc của họ, rồi sau đó trở lại trú xứ của mình.
Và khi có những người khác đến đấy, các nữ Dạ-xoa liền giết hai trăm năm mươi người còn lại tại chỗ để ăn thịt.
*
Bậc Ðạo Sư nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, giống như những người lái buôn bị rơi vào thế lực của các nữ Dạ-xoa, và đã mạng chung, nhưng những người khác làm theo lời của con ngựa thần biết bay đều trở về trú xứ của mình; cũng vậy, những ai không làm theo lời khuyên dạy của các đức Phật, dù là Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni, các nam, nữ cư sĩ, đều bị đau khổ lớn trong bốn địa ngục và chịu các hình phạt trong năm loại xiềng xích. Còn những ai biết vâng lời khuyên đều đạt được ba sanh loại tốt đẹp, sáu cõi trời dục giới, hai mươi Phạm thiên giới và đạt trạng thái Niết-bàn bất tử, cực lạc.
Sau khi nói vậy, bậc Chánh Ðẳng đọc các bài kệ:
Những ai không làm theo
Lời dạy của đức Phật,
Họ sẽ gặp tai nạn,
Họ giống các lái buôn
Bị các nữ Dạ-xoa
Ăn thịt và mạng chung.
Còn những ai làm theo
Lời dạy của đức Phật,
Họ sẽ được an toàn,
Họ giống các lái buôn
Ðược ngựa bay cứu giúp,
Ðưa về tận trú xứ.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này, Ngài thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự-lưu và nhiều vị khác đắc quả Dự-lưu, Nhất lai, Bất lai và A-la-hán và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, hai trăm năm mươi người lái buôn làm theo lời con ngựa bay là hội chúng đức Phật, còn con ngựa bay là Ta vậy.
-ooOoo-
197. CHUYỆN BẠN-THÙ (Tiền thân Mittàmitta)
Khi thấy, nó không cười...,
Câu chuyện này, khi ở Xá-vệ, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo.
Vị ấy nghĩ: "Nếu ta lấy cái này, vị giáo thọ sư của ta sẽ không tức giận". Vì vậy, Tỷ-kheo ấy lấy một miếng vải do giáo sư để dành và làm thành một cái túi đựng dép, rồi sau mới xin phép thầy mình. Vị giáo thọ sư hỏi:
- Vì lý do gì ông lấy vật ấy?
- Con tin tưởng rằng khi con lấy vật này, thầy sẽ không tức giận.
Sau khi nghe Tỷ-kheo nói vậy, vị giáo thọ sư nổi nóng, đứng dậy đánh Tỷ-kheo ấy và nói:
- Có sự tin tưởng gì giữa ông và ta được chứ?
Việc làm ấy được các Tỷ-kheo biết.
Một hôm, các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường nói chuyện ấy với nhau:
- Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo trẻ tuổi có tên này với lòng tin tưởng vị giáo thọ sư, đã lấy tấm vải làm thành cái túi đựng dép. Sau đó vị giáo thọ sư đã nổi nóng và đứng dậy đánh Tỷ-kheo ấy.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp ở đây và đang bàn chuyện gì?
Khi được kể chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới mất tin tưởng đối với vị đồng trú của mình. Thuở xưa, vị ấy cũng đã như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra tại nước Kàsi trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát xuất gia làm vị đạo sĩ, đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi làm vị sư trưởng tại khu vực Tuyết Sơn.
Trong chúng đạo sĩ ấy, có một vị tu khổ hạnh không nghe lời Bồ-tát, nuôi dưỡng con voi đã mất mẹ. Khi con voi lớn lên, nó giết vị tu khổ hạnh ấy và đi vào rừng. Chúng đạo sĩ chôn cất vị tu khổ hạnh ấy, rồi đến vây quanh Bồ-tát và hỏi:
- Thưa Tôn giả, vì lý do gì, Tôn giả có thể biết thế nào là bạn, thế nào không phải là bạn?
Bồ-tát trình bày lý do qua các bài kệ:
Khi thấy, nó không cười,
Không hoan hỷ tiếp đón,
Không đưa cặp mắt nhìn,
Và làm điều trái nghịch.
Với những hình tướng này,
Biết nó không phải bạn,
Bậc trí thấy nghe vậy,
Biết nó là kẻ thù.
Như vậy, Bồ-tát nói lên ý nghĩa thế nào là bạn và không phải là bạn. Sau đó, ngài tu tập bốn Vô lượng tâm, rồi đi lên Phạm thiên giới.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh nuôi con voi là vị Tỷ-kheo đồng trú, con voi là vị giáo thọ sư, hội chúng đạo sĩ là hội chúng đức Phật và Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
-ooOoo-
198. CHUYỆN CON VẸT RÀDHA (Tiền thân Ràdha)
Này con, ta đi xa...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Nghe nói, bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông thối thất tinh tấn.
Vị ấy đáp:
- Bạch Thế Tôn, thật vậy.
Khi được hỏi vì lý do gì, vị ấy đáp:
- Vì con thấy một nữ nhân trang sức đẹp đẽ nên phiền não khởi lên.
Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
- Này Tỷ-kheo, không thể canh giữ đàn bà được. Thuở xưa, có người đã sắp đặt việc canh cửa nhưng không có thể giữ được. Dầu ông có chiếm được đàn bà đi nữa, ông cũng không thể canh giữ họ được.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con vẹt, tên Ràdha, và con vẹt em tên là Potthapàda. Khi còn trẻ, hai con vẹt bị một người thợ săn bắt được và đem cho một vị Bà-la-môn ở Ba-la-nại. Chúng được Bà-la-môn ấy săn sóc như con đẻ. Nhưng người vợ vị ấy theo ác giới, không ai canh giữ bà ta được.
Vị Bà-la-môn ấy có công việc phải đi xa và nói với hai con vẹt:
- Này các con thân, ta có công việc phải đi, dầu ban ngày hay ban đêm, các con hãy xem mẹ con làm gì. Hãy xem kỹ có người đàn ông nào khác đến thăm mẹ không.
Sau khi giao cho hai vẹt con coi sóc nữ Bà-la-môn, người cha ra đi. Nữ Bà-la-môn ở nhà liền hành động bất chánh, đêm ngày đều có vô số người đến và đi. Thấy vậy Potthapàda nói với Ràdha:
- Vị Bà-la-môn ra đi đã giao nữ Bà-la-môn cho chúng ta canh giữ. Nay bà đang làm ác hạnh, em sẽ nói với bà ấy.
Ràdha bảo đừng, nhưng vẹt em không nghe. Rồi Potthapàda nói với nữ Bà-la-môn:
- Thưa mẹ, vì sao mẹ làm ác hạnh?
Nữ Bà-la-môn ấy rất muốn giết Potthapàda, nhưng làm bộ vỗ về nó và hỏi:
- Này con thân, con là con của ta, từ nay về sau, ta sẽ không làm như vậy nữa. Vậy này con thân, hãy đến đây.
Nữ Bà-la-môn làm bộ thương yêu gọi Potthapàda lại gần. Khi nó lại gần, nữ Bà-la-môn bắt nó và thét:
- Sao, mày lại khuyên dạy ta à! Mày không biết lượng sức mình!
Nữ Bà-la-môn nắm cổ con vẹt, giết nó và quăng xác vào lò.
Khi vị Bà-la-môn trở về, nghỉ ngơi xong, ông liền hỏi Bồ-tát:
- Này Ràdha thân, mẹ của chúng con như thế nào? Bà có làm tà hạnh hay không?
Hỏi vậy xong, vị Bà-la-môn đọc bài kệ đầu:
Này con, ta đi xa,
Nay ta mới về nhà,
Mẹ con như thế nào,
Có theo người khác không?
Ràdha trả lời:
- Thưa cha thân, bậc hiền trí không nói điều gì không đưa đến hạnh phúc, dầu sự việc ấy có xảy ra hay không.
Ràdha giải thích việc này với bài kệ thứ hai:
Ðây không phải khéo nói,
Dù nói đúng sự thật,
Như Pot-tha-pà-da
Nay đã phải nằm chết
Bị cháy dưới than hồng,
Con sợ chung số phận.
Như vậy Bồ-tát thuyết pháp cho vị Bà-la-môn, và nói:
- Nay con cũng không thể sống trong nhà này.
Sau khi xin phép vị Bà-la-môn, Bồ-tát bay đi vào rừng.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả Dự lưu và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, Potthapàda là Ànanda, còn Ràdha là Ta vậy.
-ooOoo-
199. CHUYỆN NGƯỜI GIA CHỦ (Tiền thân Gahapati)
Cả hai, ta không nhẫn...,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Trong lúc nói chuyện, bậc Ðạo Sư bảo:
- Không bao giờ có thể canh giữ nữ nhân được. Sau khi làm ác, chúng dùng mọi cách lừa dối chồng.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh ra làm con một người gia chủ ở nước Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình. Người vợ mới cưới theo ác giới, thông gian với một người thôn trưởng. Bồ-tát biết được, tìm cách bắt quả tang.
Lúc bấy giờ, tất cả thóc lúa đều bị trôi mất trong mùa mưa, vì thế có nạn đói. Nhưng đó cũng là thời các cây lúa bắt đầu mọc. Tất cả dân làng cùng đi đến vị thôn trưởng và thưa:
- Chúng tôi đang đói, hãy cho chúng tôi mượn cái gì để ăn. Hai tháng nữa, khi chúng tôi gặt hái, chúng tôi sẽ trả lúa.
Họ nhận được từ tay thôn trưởng một con bò già và ăn thịt con bò ấy. Một hôm người thôn trưởng chờ Bồ-tát đi ra ngoài, liền đi vào nhà. Trong khi chúng đang hưởng hoan lạc với nhau thì Bồ-tát từ cổng làng đi về nhà. Người đàn bà ấy hướng mặt về phía cổng làng, thấy Bồ-tát đi về, liền báo cho thôn trưởng biết. Thôn trưởng hoảng hốt run sợ. Nữ nhân ấy nói:
- Chớ sợ, em đã có cách và bày mưu. Hãy làm như ông đang đến đòi tiền thịt. Em sẽ leo lên vựa lúa đứng trước cửa và nói: Không có lúa! Còn ông đứng giữa nhà đòi nằng nặc: Nhà chúng tôi có trẻ con. Hãy trả tiền thịt đây!
Nói vậy xong, nữ nhân ấy leo lên vựa lúa, ngồi trước cửa vựa lúa. Người kia đứng giữa nhà và la to:
- Hãy trả tiền thịt đi!
Nữ nhân ấy nói:
- Trong vựa không có lúa. Khi nào gặt lúa, tôi sẽ trả. Hãy đi đi!
Khi vào nhà, Bồ-tát thấy chúng làm như vậy, liền suy nghĩ: "Ðây là mưu mô do ác nữ nhân này bày ra", liền gọi người thôn trưởng và nói:
- Này ông thôn trưởng, chúng tôi ăn thịt con bò già của ông, có hứa đến hai tháng nữa chúng tôi mới trả lúa. Nửa tháng chưa qua, sao nay ông lại đến đòi? Ông đến đây phải vì lý do khác. Tôi không ưa hành động của ông làm. Nữ nhân vô hạnh ác giới này biết rằng trong vựa không có lúa, nay lại leo lên vựa lúa và nói to: Không có lúa! Còn ông lại bảo: Hãy đưa đây! Ta không ưa hành động của hai người!
Ðể nêu rõ ý nghĩa này, Bồ-tát đọc những bài kệ:
Cả hai, ta không nhẫn,
Cả hai, ta không ưa.
Nữ nhân này leo lên
Ðứng một bên vựa lúa,
Lại nói lớn lên rằng:
Tôi không thể trả được!
Nghe đây, ông thôn trưởng,
Ta sống cực khổ thay,
Mượn con bò già, gầy,
Sau hai tháng mới trả,
Thời chưa đến, đòi nợ,
Ta không thích chuyện đó!
Nói vậy xong, Bồ-tát nằm lấy cái búi tóc người thôn trưởng, kéo ra sân quăng gã xuống và nói:
- Mày là thôn trưởng lại vi phạm của cải trong nhà người khác!
Bồ-tát nói lên những lời mỉa mai, đánh gã cho đến kiệt sức, nắm cổ gã và tống ra ngoài nhà. Còn nữ nhân ác hạnh kia, Bồ-tát nắm lấy tóc, lôi nó từ vựa lúa xuống, đánh ngã nhào và dọa:
- Nếu ngươi còn làm như vậy nữa, ngươi sẽ biết tay ta!
Từ đấy trở đi tên thôn trưởng không dám nhìn ngôi nhà ấy nữa, còn người vợ không dám phạm tội, cho đến ý nghĩ cũng không!
*
Sau khi nói lên Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đắc quả Dự-lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, người gia chủ trừng phạt tên thôn trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
200. CHUYỆN GIỚI HẠNH TỐT LÀNH (Tiền thân Sàdhusìla)
Một người trẻ đẹp trai...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một vị Bà-la-môn.
Vị ấy có bốn con gái và cũng có bốn người đàn ông đến cầu hôn. Một người trai trẻ, thân hình đẹp. Một người tuổi đã già. Một người sanh trong gia đình quý phái. Một người có đức độ. Vị Bà-la-môn suy nghĩ: "Khi con gái có nhiều người cầu hôn, không biết nên gả cho người nào?". Vị Bà-la-môn suy nghĩ không thể quyết đoán được, nên tự bảo: "Sự việc này cần phải trình bậc Chánh Giác Ðẳng biết! Ta sẽ hỏi Ngài và ta sẽ gả cho ai là người xứng đáng trong những người ấy". Nghĩ vậy xong, vị Bà-la-môn đem theo hương liệu và vòng hoa đi đến tịnh xá. Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư xong, vị ấy ngồi xuống một bên, bắt đầu kể lại việc và thưa:
- Bạch Thế Tôn, giữa bốn người này, con không biết chọn ai.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Thuở trước cũng vậy, các bậc hiền trí đã hỏi câu này, nhưng tái sanh nhiều lần, ông không nhớ được.
Rồi theo lời Bà-la-môn yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-nại, Bồ-tát được sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đi học các tài nghệ ở Takkasilà, và khi về, trở thành vị sư trưởng nổi tiếng nhiều phương.
Bấy giờ, một vị Bà-la-môn có bốn con gái. Và bốn người cầu hôn các cô gái ấy như trên đã nêu. Vị Bà-la-môn không biết nên gả cho người nào, tự nghĩ: "Sau khi hỏi sư trưởng, ta sẽ gả chúng cho người nào xứng đáng nhất. Người Bà-la-môn đi đến sư trưởng, hỏi việc ấy và đọc bài kệ đầu:
Một người trẻ đẹp trai,
Một người tuổi lại lớn,
Một người sanh quý phái,
Một người có giới hạnh,
Tôi hỏi bậc Sư trưởng,
Chúng tôi nên chọn ai?
Nghe nói vậy, vị sư trưởng trả lời:
- Một người đẹp trai và các đức tánh khác, nhưng nếu không có đạo hạnh thì cũng đáng chê trách. Chúng tôi chỉ thích những người có đạo hạnh.
Ðể nêu lên ý nghĩ này, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Thật tốt, người đẹp xinh,
Người lớn tuổi nên trọng,
Cũng tốt, người thiện sanh,
Nhưng ta thích đức hạnh.
Vì Bà-la-môn nghe theo lời của sư trưởng, và gả tất cả các con gái cho người đức hạnh.
*
Bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Bà-la-môn đắc quả Dự-lưu và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ người này là vị Bà-la-môn, còn vị Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương là Ta vậy.
-ooOoo-
Đầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15
Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 08/2002).
last updated: 01-03-2004