Tiểu Bộ Kinh - Tập IX
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (VI)
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt
Chương
XVII
Phẩm Bốn Mười Bài Kệ
-ooOoo-
521. Chuyện ba con chim (Tiền thân Tesakuna)
Điều này cha muốn hỏi Ves-san ...,
Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về việc giáo giới vua Kosala.
Bấy giờ vị vua này đến nghe thuyết pháp và bậc Đạo Sư bảo vua như sau:
- Thưa Đại vương, một vị vua phải cai trị vương quốc chân chánh, vì bất cứ khi nào các quân vương bất chánh thì quần thần cũng bất chánh theo.
Và khi giáo giới vua theo Chánh đạo như đã kể trong Chương Bốn, Ngài nêu ra những khổ đau liên hệ đến việc theo ác đạo, hoặc hạnh phúc liên hệ đến việc từ bỏ ác đạo và trình bày đầy đủ chi tiết nỗi bất hạnh phát sinh từ dục lạc, vừa so sánh dục lạc với cơn mộng hoặc đại loại như thế, Ngài vừa bảo:
- Trong trường hợp những người ở đời này:
Không bạc tiền mua chuộc được Tử thần,
Không từ tâm làm lắng dịu Ma quân,
Không ai thắng trong chiến trường Thần chết,
Vì tất cả đều có ngày tiêu diệt.
Và khi bước sang thế giới bên kia, trừ các thiện nghiệp công đức của riêng mình, con người không có một nương tựa vững chắc nào khác, vì vậy con người cần phải từ bỏ các mối quan hệ hạ liệt, và vì thanh danh của mình, con người không được buông lung phóng dật, mà phải tinh cần thực hành giới luật chân chánh, giống như các vị vua ngày xưa, trước khi Đức Phật ra đời, đã an trú vào lời dạy của các bậc trí, cai trị đúng pháp và lúc từ trần đạt đến cõi thiên.
Và theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại không có con kế vị, và lời vua cầu xin vương tử hoặc công chúa đều không được đáp ứng. Bấy giờ một hôm vua cùng đám quần thần hộ tống đông đảo đến ngự viên, và sau khi du hí nữa ngày trong vùng ấy, ngài bảo trải sàng tọa cho ngài nằm dưới gốc cây Sàla vương giả. Sau một giấc ngủ trưa ngắn, ngài thức dậy và nhìn lên cây Sàla, ngài thấy một tổ chim trên đó. Vừa chợt thấy nó, một ước muốn chiếm tổ chim kia nảy sinh trong lòng, ngài truyền gọi một vị hầu cận đến bảo:
- Hãy trèo lên cây xem thử có gì trong tổ không?
Người ấy trèo lên, thấy có ba quả trứng trong đó, liền trình vua. Ngài phán:
- Vậy khanh hãy cẩn thận đừng thổi hơi vào chúng. Ngài bảo.
Rồi trãi một ít vải trong một cái hộp, ngài dặn người ấy đi xuống nhẹ nhàng, và đặt trứng vào trong đó.
Khi trứng đã được đưa xuống xong, ngài cầm hộp đến hỏi đám cận thần xem các trứng này thuộc giống chim gì. Họ đáp:
- Chúng thần không biết, song đám thợ săn sẽ biết.
Vua truyền gọi các thợ săn đến hỏi. Họ đáp:
- Tâu Đại vương, một trứng chim cú, một trứng khác là chim may nha và trứng thứ ba là chim anh vũ hét.
- Có ba loại trứng khác nhau trong một tổ chim ư?
- Tâu Đại vương, phải, khi không có gì đáng lo ngại thì vật gì được khéo sắp đặt sẽ không hư hoại được.
Vua đẹp ý bảo:
- Chúng nhất định sẽ là các con trẫm.
Rồi giao ba quả trứng cho ba vị quan trong triều chăm sóc, ngài bảo:
- Đây sẽ là các con trẫm. Các khanh hãy cẩn thận chăm nom chúng và khi nào chim non nở ra khỏi vỏ, hãy báo tin cho trẫm.
Ba vị chăm sóc trứng rất chu đáo. Trước tiên trứng chim cú được ấp nở và vị quan đầu đi tìm một người thợ săn bảo:
- Hãy xem chim non này thuộc giống gì, nó là chim trống hay mái.
Khi kẻ ấy xem xét xong, tuyên bố đó là chim trống, vị quan đến trình vua:
- Tâu Đại vương, một vương nhi đã ra đời.
Vua hài lòng, ban thưởng ông nhiều vàng bạc và bảo:
- Hãy chăm sóc các con trẫm cẩn thận và đặt tên nó là Vessantara.
Rồi ngài bảo ông ra về. Ông làm những việc được giao.
Sau đó vài hôm, trứng chim Maynah được ấp nở, vị quan thứ hai cũng vậy, sau khi bảo một thợ săn xem xét nó và nghe đó là chim mái, liền đi tâu trình vua một công chúa ra đời. Vua đẹp ý ban thưởng nhiều vàng bạc và bảo:
- Hãy chăm nom con gái trẫm thật cẩn thận và đặt tên nó là Kundalini.
Ngài lại bảo ông ra về. Ông cũng làm những việc được dặn.
Sau đó vài hôm nữa, trứng chim anh vũ được ấp nở và vị quan thứ ba, sau khi được người thợ săn xem xét kỹ, nói đó là chim trống, liền đi tâu vua một vương tử mới ra đời. Vua hoan hỷ ban thưởng rộng rãi và bảo:
- Hãy làm lễ tôn vinh vương tử của trẫm thật long trọng và đặt tên nó là Jambuka.
Rồi ngài bảo ông ra về. Ông làm theo lời dặn.
Ba con chim này lớn lên trong nhà ba vị quan ấy giữa mọi lễ nghi thích hợp với hoàng gia. Vua thường gọi chúng là "con trai trẫm", "con gái trẫm".
Các triều thần thường nói đùa với nhau:
- Hãy xem chúa thượng làm kia: ngài cứ đi quanh nói chuyện về bầy chim như các con của ngài vậy.
Vua suy nghĩ: "Quần thần nầy không biết mức độ trí tuệ của các con ta. Ta muốn chứng tỏ việc nầy cho họ thấy."
Vì thế ngài truyền một vị cận thần đến bảo Vessantara:
- Phụ vương muốn hỏi vương tử một câu. Vậy khi nào ngài có thể đến hỏi được?
Vị ấy đến chào Vessantara và đưa lời vua truyền. Vessatanra mời vị quan chăm sóc mình đến và nói:
- Họ bảo phụ vương ta muốn hỏi ta một câu. Khi ngài đến, chúng ta phải bày tỏ tất cả lòng tôn kính đối với ngài.
Và chim hỏi thêm:
- Vậy khi nào phụ vương có thể đến?
Vị quan đáp:
- Xin mời Đại vương đến vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay.
Vessatara nghe vậy liền bảo:
- Xin mời phụ vương đến vào ngày thứ bảy kể từ nay.
Cùng với những lời này, chim bảo ông ra về. Ông đi đến trình vua. Vào ngày thứ bảy, vua truyền đánh trống khắp kinh thành và đi đến nhà vương nhi của ngài đang cư ngụ.
Vessatara tiếp đãi phụ vương vô cùng cung kính và tỏ ra hết lòng quý trọng ngài cả đám nô tỳ và gia nhân. Sau khi vua ngự yến tiệc tại nhà Vessatara và thọ hưởng mọi sự chiêu đãi trọng thể, ngài ra về cung thất của ngài.
Sau đó ngài truyền dựng một cái đình lớn trong sân chầu và truyền đánh trống khắp kinh thành báo tin xong, ngài ngự vào cái đình nguy nga lộng lẫy được quần thần đông đảo vây quanh, rồi bảo một vị quan đưa Vessatara đến yết kiến ngài. Vị ấy đặt Vessantara lên một kim đôn. Con chim đậu lên lòng phụ vương và chơi với ngài, xong bay qua đậu lên kim đôn ấy.
Rồi giữa đám quần thần, vua ngâm vần kệ đầu hỏi chim về phận sự quân vương:
1. Điều nầy cha muốn hỏi Ves-san,
Cầu chúc cho con yêu được lạc an:
Với một vị vua mong trị nước,
Sống sao tốt đẹp nhất trần gian?
Vessantara không trả lời trực tiếp câu hỏi trên, mà khiển trách vua cha về tính buông lung phóng dật, và ngâm vần kệ thứ hai:
2. Kam-sa, chúa tể xứ Kà-si,
Phóng dật buông lung đã lắm khi,
Thúc dục con, dù đầy nhiệt huyết,
Phải luôn tỏ nhiệt huyết tràn trề.
Chim khiển trách vua qua vần kệ này và bảo:
- Tâu Đại vương, một vị vua phải cai trị đất nước đúng Chánh pháp và tuân thủ ba chân lý này.
Rồi chim ngâm các vần kệ nói về phận sự quân vương:
3. Trước hết vị vua phải vứt đi,
Mọi điều giả dối, giận, khinh khi,
Phải làm những việc cần hành động,
Nếu chẳng làm xong, sẽ lỗi thề.
4. Nếu trước kia đi lạc hướng tà,
Vì tham sân hướng dẫn đường vua,
Rõ ràng phải sống ăn năn tội,
Luyện tập để đừng phạm lỗi xưa.
5. Khi vua trị nước quá buông lung,
Đối với thanh danh, chẳng thật chân,
Mọi sự phồn vinh đều biến mất,
Chỉ còn ô nhục với hôn quân.
6. Thần nữ Cát tường với Vận may,
Khi con hỏi, đã đáp như vầy:
"Chúng ta thích hạng người can đảm,
Nghị lực, thoát ly tật đố này".
7. Rủi ro luôn phá hoại phồn vinh,
Thích những người làm các ác hành,
Những kẻ nhẫn tâm đầy độc ác,
Trong tâm ganh tỵ cứ dần sinh.
8. Thân thiết mọi người, tấu Đại vương,
Để cho mọi sự được an toàn,
Tránh xa Vận rủi, song làm chỗ,
An trú Vận may thật vững vàng.
9. Con người tốt số lại can trường,
Ngự trị Kà-si, chính phụ vương,
Tiêu diệt địch quân từ gốc ngọn,
Hiển nhiên sẽ đạt đại vinh quang.
10. Thiên chủ Ska-ka mãi ngắm trông,
Tấm lòng can đảm ở phàm nhân,
Vì ngài giữ vững lòng can đảm,
Nhận thức đó là chính thiện lương.
11. Thác-bà, Thiên chúng lẫn loài người.
Ca ngợi minh quân ấy hết lời,
Các bậc thần linh đều ủng hộ
Tán dương nhiệt huyết lẫn anh tài.
12. Nỗ lực làm bao việc chánh chân,
Dù ai phỉ báng, chẳng buông lung,
Chuyên tâm tinh tấn làm điều thiện,
Phóng dật chẳng mong đạt phước phần.
13. Đây là phận sự của quân vương,
Dạy bảo phụ vương bước đúng đường,
Đủ đạt phước phần cho thiện hữu
Hoặc mang sầu não đến cừu nhân.
Như thế chim Vessantara đã khiển trách vua phóng dật trong một vần kệ, rồi ngâm mười một vần kệ nữa để trả lời câu hỏi của vua với vẻ kỳ diệu của một vị Phật. Tâm quần chúng tràn đầy thích thú lẫn kinh ngạc chưa từng có và vô số tiếng reo tán thán vang dậy.
Vua xúc động với niềm hân hoan liền hỏi quần thần phải làm gì cho vương tử vì đã nói như vậy. Họ đáp:
- Tâu Đại vương, vương tử phải được phong chức đại tướng quân.
- Tốt lắm, trẫm ban cho vương tử chức đại tướng. Ngài phán.
Và Ngài bổ nhiệm Vessantara vào chức vụ còn trống ấy.
Từ đó về sau, ở địa vị, vương tử thực hành mọi ước của phụ vương. Đến đây chấm chuyện về câu hỏi chim Vessantara.
*
Sau vài ngày nữa, cũng như trước kia, vua gởi thông điệp đến Kundalinì, và vào ngày thứ bảy, ngài ngự đến thăm chim con rồi trở về cung, ngự giữa ngôi đình và truyền đưa Kundalinì đến yết kiến ngài. Khi chim này đã đậu trên kim đôn, ngài ngâm vần kệ hỏi chim về phận sự quân vương:
14. Kun-da-li, ái điểu hoàng gia,
Con hãy đáp câu hỏi của cha:
Kẻ muốn lên ngôi vua trị nước,
Sống sao tốt nhất cõi người ta?
Khi vua cha hỏi chim về phận sự của một quốc vương như thế, chim con đáp.
- Tâu phụ vương, con chắc phụ vương muốn thử con vì nghĩ rằng: "Nữ nhi có thể bảo ta việc gì nào?". Vậy con xin đáp lời phụ vương bằng cách đặt mọi phận sự quân vương vào đúng hai phương châm.
Và chim ngâm các vần kệ sau:
15. Vấn đề được đặt, hỡi thân bằng,
Trong cặp phương châm thật rõ ràng:
Gìn giữ những gì ta phải đạt,
Tránh xa những việc chẳng nên làm.
16. Quốc sư hãy chọn các hiền nhân,
Thấy lợi ích vua thật rõ ràng,
Không phóng đãng và không phí phạm,
Thoát ly cờ bạc, rượu say nồng.
17. Người vậy hộ phòng vua chánh chân,
Nhiệt tình bảo vệ các kho tàng,
Như người điều ngự vương xa ấy,
Lèo lái giang sơn đến phú cường.
18. Luôn trị thần dân thật khéo khôn,
Giữ gìn đúng đắn các kho lương,
Đừng giao kẻ khác cho vay mượn,
Phải tự mình làm đúng kỷ cương.
19. Những ích lợi hay việc hại mình,
Đại vương phải biết thật phân minh,
Phải chê trách kẻ mang lầm lỗi,
Khen thưởng những người thật xứng danh.
20. Và chính bản thân, tấu Đại vương,
Dạy thần dân mọi nẻo hiền lương,
Kẻo e quốc độ cùng tài sản,
Phải hóa mồi quan lại ác gian.
21. Canh phòng hành động của vua quan,
Cẩn thận, đừng nên quá vội vàng,
Vì kẻ ngu làm không nghĩ ngợi,
Về sau chắc chắn sống ăn năn.
22. Ta chẳng bao giờ được hận sân,
Vì chưng sân hận vỡ tràn lan,
Liền đem nguy hại cho vua chúa,
Đánh bại người kiêu mạn nhất trần.
23. Phải biết chắc rằng bậc Đại vương,
Đừng đưa dân chúng bước sai đường,
E rằng tất cả người nam nữ,
Sa đọa vào trong biển khổ buồn.
24. Khi vua dứt bỏ mọi lo toan,
Dục lạc là nguồn sống bản thân,
Tài sản, kho tàng đều mất hết,
Chỉ còn ô nhục với hôn quân.
25. Đây là nhiệm vụ của quân vương
Chỉ dạy phụ vương bước đúng đường,
Thực hiện chuyên tâm toàn thiện nghiệp,
Chống điều quá độ, thói hoang toàng,
Hộ phòng giới hạnh, vì lầm lỗi
Luôn dẫn đến đau khổ đoạn trường.
Như vậy Kundalinì cũng dạy phận sự quân vương trong mười một vần kệ. Vua thích thú hỏi quần thần:
- Phải ban thưởng gì cho ái nữ của trẫm vì đã nói như vậy?
- Tâu Đại vương, ban chức thủ ngân khố.
Và ngài chỉ định Kundalinì vào địa vị còn trống ấy. Từ đó chim này giữ chức vụ trên và làm việc cho vua.
Đến đây chấm dứt chuyện về câu hỏi chim Kundalinì.
*
Sau chừng vài ngày, cũng như trước kia, vua truyền sứ giả đến gặp bậc trí điểu Jambuka, rồi khi ngài đến viếng nhà con vào ngày thứ bảy và đã được chiêu đãi trọng thể tại đó, ngài trở về cung và cũng như trên, ngài ngự vào bảo tọa giữa đình. Một vị triều thần đặt bậc trí điểu Jambuka trên một kim đôn rồi đến mang kim đôn lên đầu mình.
Chim anh vũ thông thái ngồi trong lòng phụ vương, chơi với ngài rồi sau cùng đậu trên kim đôn ấy. Khi đó vua ngâm vần kệ hỏi chim:
26. Chúng ta đã hỏi đủ hoàng huynh,
Công chúa Kun-da-li đẹp xinh,
Đến lượt Jam-bu-ka hãy nói,
Cho cha biết lực tối cao minh.
Như vậy vua, trong lúc đặt vấn đề với bậc Đại Sĩ, đã không hỏi theo cách vua đã hỏi hai chim kia, mà hỏi theo một cách đặc biệt. Lúc ấy con chim thông thái bảo ngài:
- Tốt lắm, tâu phụ vương, xin hãy lắng nghe kỹ, con sẽ trình phụ vương tất cả.
Rồi giống như một người đặt chiếc túi đựng một ngàn đồng tiền vào một bàn tay mở rộng, chim bắt đầu thuyết giảng phận sự của quân vương:
27. Giữa bao người vĩ đại trên trần,
Năm lực này, ta thấy rõ ràng:
Sức mạnh tứ chi là thấp nhất,
Kế là quyền lực của kim ngân.
28. Thứ ba là lực của lời khuyên,
Giai cấp hiển nhiên đệ tứ quyền,
Tất cả điều này, người có trí,
Sẽ đều công bố thật đương nhiên.
29. Lực tối ưu trong các lực này,
Khả năng trí tuệ chính là đây,
Nhờ vào uy lực này, người trí,
Thành tựu phần mình tốt đẹp thay.
30. Ví thử quốc gia đại phú cường,
Rơi vào tay của một ngu nhân,
Một người khác sẽ dùng cường bạo,
Chiếm nước, gây bao nỗi oán hờn.
31. Dù quân vương quý tộc cao sang,
Phận sự chính là ngự trị dân,
Vua ấy quả là rất khó sống,
Nếu vua chứng tỏ trí ngu đần.
32. Trí tuệ xét xem các việc làm,
Làm cho danh vọng mãi tăng dần,
Người nào trí tuệ đầy thông thái,
Vẫn thấy vui dù gặp khổ buồn.
33. Không ai sống phóng dật buông lung,
Lại có thể nào đạt trí thông,
Nhưng phải theo lời khuyên bậc trí,
Nếu không, sẽ mãi mãi ngu đần.
34. Ai dậy sớm, luôn giữ đúng thời,
Chuyên tâm không mỏi mệt, vui tươi,
Làm bao phận sự đang mời gọi,
Chắc chắn thành công ở giữa đời.
35. Ai hướng tâm vào việc tổn thương,
Hoặc hành động với trí buông lung,
Việc gì kẻ ấy hòng theo đuổi,
Cũng chẳng thể nào đạt ước mong.
36. Song ai không mỏi mệt, chuyên cần,
Theo đuổi đường đời thật chánh chân,
Chắc chắn sẽ đạt thành trọn vẹn,
Bất kỳ công việc họ đang làm.
37-38. Hộ phòng bảo vệ các kho tàng,
Là tạo nguồn tài lợi lớn dần,
Đây chính những điều con ước muốn,
Phụ vương hãy tạc dạ ghi lòng;
Vì do ác nghiệp, người ngu trí,
Cũng giống như nhà lau sậy rỗng không,
Sụp đổ tan tành trong chốc lát,
Đằng sau để lại cảnh tiêu vong.
Như vậy qua các vấn đề này, Bồ-tát ca ngợi năm uy lực, vừa tán dương uy lực của trí tuệ, như người dùng lời nói gõ vào mặt trăng, ngài khuyến giáo vua trong mười một vần kệ.
39. Với song thân, hỡi đấng Anh quân,
Phận sự thi hành thật chánh chân,
Như vậy, sống theo đời chánh trực,
Đại vương sẽ đến cõi thiên đường.
Sau khi ngâm các vần kệ về nếp sống chân chánh, Bồ-tát lại ngâm vần kệ kết thúc để khuyến giáo vua thêm nữa:
40. Đây là phận sự của quân vương,
Dạy bảo phụ vương bước đúng đường,
Theo trí tuệ và luôn hạnh phúc,
Hiểu điều chân lý thật hoàn toàn.
Như vậy bậc Đại Sĩ đã thuyết Pháp với tất cả vẻ kỳ diệu của một vị Phật, chẳng khác nào đem dải Thiên hà từ trời xuống. Quần thần tỏ ra vô cùng kính trọng ngài và vô số tiếng hò reo tán thán vang dậy. Vua hân hoan hỏi đám quốc sư:
- Làm sao để vương tử của trẫm, bậc trí điểu Jambuka với chiếc mỏ như quả hồng đào tươi mát, được phần thưởng vì đã nói như thế?
- Tâu Đại vương, xin ban chức thống soái.
- Thế thì trẫm sẽ ban cho con trẫm chức vụ ấy.
Vua phán rồi chỉ định vương nhi vào chức vụ còn trống ấy. Từ đó về sau, ở địa vị thống soái, ngài thi hành các mệnh lệnh của phụ vương.
Cả ba chim con đều được tôn vinh trọng thể và cả ba đã khuyến giáo các vấn đề thế sự cũng như thánh sự. Vua an trú vào lời giáo giới của bậc Đại Sĩ, chuyên bố thí làm các thiện sự khác, nên được sinh làm thiên giới.
Sau khi cử hành tang lễ của vua, quần thần nói với ba con chim con:
- Tâu Chúa công Jambu, tiên vương đã ra lệnh giương chiếc lọng hoàng gia lên che Chúa công.
Bậc Đại Sĩ đáp:
- Ta không cần vương quốc, các vị hãy chuyên tâm tỉnh giác lo việc trị nước.
Sau khi an trú quốc dân vào giới đức, ngài bảo:
- Hãy thực hành công lý.
Rồi ngài truyền đem cách xử án công bằng khắc vào một tấm bảng vàng, và biến mất vào rừng.
Lời giáo huấn của ngài đã tiếp tục có hiệu lực trong bốn mươi ngàn năm.
*
Bậc Đạo Sư giảng Pháp thoại này làm phương tiện giáo giới vua và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, vua là Ànanda (A-nan), Kundalinì là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), Vessantara là Sàriputta (Xá Lợi Phất) và chim Jambuka chính là Ta.
-ooOoo-
522. Chuyện đại nhân thiện xạ Sarabhanga (Tiền thân Sarabhanga)
Vòng vàng, xiêm áo thật cao sang …,
Câu chuyện này bậc Đạo Sư trong lúc trú tại Trúc Lâm về sự diệt độ của Tôn giả Trưởng lão Mahàmoggallàna (Đại Mục Kiền Liên).
Còn về phần Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất), sau khi được Đức Như Lai chấp thuận trong thời Ngài trú tại tịnh xá Kỳ Viên, Tôn giả liền đi đến làng Nàla và nhập diệt tại đó, ngay chính trong phòng xưa kia Tôn giả sinh ra đời. Bậc Đạo Sư nghe tin Tôn giả này nhập diệt liền đến thành Ràjagaha (Vương Xá), trú tại Veluvana (Trúc Lâm). Lúc ấy có một Trưởng lão trú ở đó, ngay trên sườn núi Isigili (chư Thánh sơn) tại Hắc Thạch động. Tôn giả này khi đắc Thánh quả, nhờ thần thông có thể lên trời hay xuống địa ngục.
Trên thiên giới, Tôn giả này thấy một vị đệ tử của đức Phật thọ hưởng đại quyền lực; còn trong hạ giới, Tôn giả lại thấy đệ tử của đám ngoại đạo tà giáo chịu đau khổ kinh hồn, nên khi trở về cõi nhân gian, Tôn giả kể cho mọi người nghe chuyện trên một cõi thiên kia, có một Tỷ kheo này hay Tỷ kheo ni nọ được tái sinh thọ hưởng vinh quang cao trọng, còn trong những kẻ theo ngoại đạo tà giáo lại có người thác sinh vào địa ngục hay các đọa xứ đầy đau khổ khác.
Dân chúng hoan hỷ lời dạy của Tôn giả này, bác bỏ lời tà thuyết ngoại đạo. Họ bày tỏ sự tôn kính trọng đại đối với các đệ tử của đức Phật, còn lòng kính trọng đối với các ngoại đạo sư giảm dần. Bọn ấy sinh lòng căm hận vị Trưởng lão này, bảo nhau:
- Bao lâu lão này còn sống, là còn nhiều chia rẽ giữa đám tín đồ của ta. Lòng tôn trọng đối với ta mất dần. Vậy ta phải giết lão đi mới được.
Họ liền đưa một ngàn đồng tiền cho tên cướp thường canh giữ các ẩn sĩ để giết vị này đi, gã liền quyết tâm giết vị Trưởng lão, nên đi đến Hắc Thạch Sơn cùng với đồng bọn đông đảo, vị Trưởng lão khi thấy gã đến liền dùng thần lực bay lên không biến mất. Tên cướp không thấy vị Trưởng lão hôm ấy, đành trở về nhà rồi lại đến trong sáu ngày liền, song vị Trưởng lão vẫn dùng thần thông biến mất dạng như trước.
Vào ngày thứ bảy, một tiền nghiệp do Tôn giả gây ra trong một đời trước, mang theo hậu quả lâu dài ở đời sau, giờ đây đang có cơ duyên xuất hiện để gây tai họa.
Chuyện kể rằng, một thưở xa xưa, vì nghe theo lời vợ mình xúi giục, vị này tìm cách làm cho cha mẹ mình chết đi, đã đem xe chở cha mẹ mình vào rừng, giả vờ như bị bọn cướp tấn công rồi đánh đập song thân. Do tuổi già mắt kém không thấy mọi vật rõ ràng, hai vị không nhận ra chính con mình, cứ tưởng có bọn cướp thật, liền kêu lên:
- Con ơi, bọn cướp đang giết mẹ cha, vậy con hãy trốn đi.
Rồi họ chỉ than khóc vì con mình thôi.
Vị này liền nghĩ: "Dù cha mẹ ta bị ta đánh đập, hai vị chỉ vì ta mà than khóc đó thôi. Ta thật đã làm một việc đáng sĩ nhục". Vì thế ông an ủi mẹ cha, giả vờ bảo bọn cướp đã bị đánh đuổi đi rồi, và vỗ về tay chân cha mẹ, bảo:
- Xin song thân chớ sợ, bọn cướp trốn cả rồi.
Sau đó ông đem cha mẹ về nhà.
Hạnh nghiệp này mãi từ lâu không tìm được cơ duyên, nhưng vẫn đợi thời, như lòng ngọn lửa ấp ủ dưới tro tàn, bùng dậy bắt lấy Tôn giả này khi tái sinh lần cuối, nên vị Trưởng lão mang nghiệp quá đã chín muồi ấy không thể nào bay lên không được nữa. Thần thông của Tôn giả này ngày xưa đã có lần nhiếp phục Nanda cùng Upananda hai Long vương và làm rung chuyển cả tối thắng điện Vejayanta ở Thiên cung, giờ đây vì chịu nghiệp quả phải suy yếu đi. Thế là tên cướp đập nát xương Tôn giả ra, bắt chịu thứ cực hình gọi là "rơm và bột", rồi tưởng vị này đã chết, nên cùng đồng bọn bỏ đi.
Nhưng khi Trưởng lão này tỉnh lại liền dùng định lực bao phủ thân mình như đắp y bay lên không trở về yết kiến bậc Đạo Sư, đảnh lễ Ngài và thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thọ mạng của con đã tận, con sắp tịch diệt.
Rồi được bậc Đạo Sư chấp thuận. Tôn giả nhập diệt ngay tại chỗ. Vào lúc ấy, sáu cõi thiên giới cùng nổi lên chấn động, chư thiên đồng nhau khóc:
- Đạo Sư của chúng ta đã tịch diệt!
Thiên chúng liền đem hương liệu, tràng hoa ngát mùi hương thiên giới cũng gỗ đủ loại đến và dàn hỏa táng được dựng lên bằng gỗ chiên đàn cùng chín mươi chín bảo vật.
Bậc Đạo Sư bảo Tăng chúng đặt kim thân Tôn giả này vào địa điểm hành lễ, trong lúc Ngài đứng ngay cạnh đó, và suốt trong khoảng một dặm đường quanh dàn hỏa táng, hoa trời rơi xuống như mưa sa, chư Thiên và loài người cũng đứng chen lấn nhau, dự Thánh lễ suốt bảy ngày. Bậc Đạo Sư bảo lượm xá lợi đầy đủ, và dựng đền thờ trong ngôi nhà có gác nhọn tại Trúc Lâm.
Vào lúc ấy trong Chánh pháp đường, Tăng chúng đưa đề tài chuyện ấy ra, bảo nhau:
- Thưa các Hiền hữu, Tôn giả Xá lợi phất vì không diệt độ trong khi yết kiến Như Lai, nên không được hưởng lễ nghi trọng thể từ bàn tay đức Phật, còn Tôn giả Mục Kiền Liên, vì diệt độ cạnh bậc Đạo Sư nên đã được vinh dự cao cả như thế.
Bậc Đạo Sư đến nơi, hỏi các Tỷ kheo đang ngồi đàm luận vấn đề gì, và khi được biết, Ngài bảo:
- Này các Tỷ kheo, không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa Mục Kiền Liên cũng nhận được đủ vinh dự từ bàn tay Ta.
Nói xong Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai phu nhân, vị quốc sư của hoàng gia. Sau mười tháng, Ngài sinh ra đời một sáng sớm kia. Lúc ấy một loạt đủ loại binh khí ở kinh thành Ba-la-nại sáng rực trong khoảng mười hai dặm đường. Vị quốc sư ấy, vào hôm hài nhi ra đời, bước ra khỏi cửa nhìn lên trời để tiên đoán số mạng của con và biết rằng hài nhi sinh ra theo một sự kết hợp các vì sao ở thiên giới, về sau chắc chắn sẽ làm thủ lạnh thiện xạ toàn cõi Diêm-phủ -đề.
Vì thế ông vội đi thật sớm đến hoàng cung vấn an vua. Khi vua phán:
- Này Đạo sư, làm sao trẫm an khang được, hôm nay một loạt vũ khí sáng rực lên trong cung.
Ông tâu:
- Xin Đại vương chớ sợ, không những chỉ trong cung mà khắp kinh thành đều thấy ánh sáng của binh khí. Đó là do một hài nhi ra đời trong nhà chúng thần.
- Này Đạo sư, việc ra đời của một hài nhi trong những cơ duyên như thế sẽ đem lại hậu quả gì?
- Tâu Đại vương, không hề gì cả, nhưng sau này hài nhi ấy là thủ lĩnh các thiện xạ trong cõi Diêm-phủ-đề.
- Tốt lành thay, này Đạo sư, hãy khéo chăm sóc hài nhi và khi nó lớn lên, hãy đem nó đến trình diện trẫm.
Nói xong, vua ra lệnh ban một ngàn đồng tiền để nuôi dưỡng hài nhi. Vị quốc sư nhận lãnh đem về nhà.
Vào ngày đặt tên hài nhi, ông gọi hài nhi là Jotipàla (Hộ Minh) vì có ánh sáng của đám binh khí trong lúc hài nhi ra đời.
Hài nhi được nuôi dưỡng rất sang trọng và đến năm mười sáu tuổi, chàng có dung sắc tuyệt hảo. Thân phụ chàng thấy tướng mạo khác thường như vậy liền bảo:
- Này con, con hãy đi đến thành Takkàsilà, và thọ giáo mọi môn học từ một vị danh sư tiếng tăm lẫy lừng thế giới.
Chàng tuân lệnh, đem theo học phí, giã từ song thân rồi lên đường đến đó. Chàng dâng lên một ngàn đồng tiền, làm lễ nhập học rồi bắt đầu thọ giáo, chỉ trong vòng bảy ngày đã đạt đến tuyệt đích.
Vị tôn sư kia hoan hỷ tặng chàng một bảo kiếm của mình, một chiếc cung sừng dê, và một bao đựng tên, cả hai được buộc vào nhau thật khéo, một áo giáp của ông cùng một chiếc mão, rồi bảo chàng:
- Này con Jotipàla yêu quí, ta đã già, vậy con hãy tập luyện đám môn đồ này.
Vị này lại trao cho chàng năm trăm môn đồ.
Bồ-tát nhận lãnh mọi vật xong, tạ từ sư phụ, trở về Ba-la-nại để thăm viếng song thân. Thân phụ nhìn thấy chàng cung kính đứng trước mặt liền hỏi:
- Này con đã học xong chưa?
- Thưa cha, đã.
Nghe chàng trả lời thế, người cha liền vào cung, và trình vua:
- Tâu Đại vương, con trai của tiểu thần đã học hành xong, bây giờ phải làm gì nữa?
- Đạo sư hãy đem chàng vào chầu Thiên tử.
- Tâu Đại vương, xin ban bổng lộc thế nào?
- Cứ ban cho chàng mỗi ngày một ngàn đồng tiền.
Vị quốc sư tuân lệnh ngay trở về nhà gọi con trai ra bảo:
- Này con, con phải vào chầu đức vua.
Từ đó mỗi ngày chàng hưởng một ngàn đồng tiền, và lo phụng sự nhà vua.
Các quan cận thần lộ vẻ bất mãn:
- Chúng ta không thấy Jotipàla làm gì cả, thế mà hưởng một ngàn đồng tiền mỗi ngày, ta muốn xem chàng có biệt tài gì.
Vua nghe họ nói thế liền nói với quốc sư. Ông tâu:
- Tâu Đại vương, xin vâng lệnh.
Rồi ông trở về nhà nói chuyện với con trai.
- Thưa thân phụ, thế thì tốt quá, vào ngày thứ bảy kể từ nay, con sẽ xin trình diễn tài nghệ, xin đức vua triệu tập tất cả xạ thủ trong nước về đây.
Vị quốc sư đi vào cung, tâu vua mọi chuyện chàng nói. Vua truyền lệnh đánh trống khắc kinh thành triệu tập các xạ thủ, khi họ đến đông đủ tính được tất cả là sáu mươi ngàn người. Vua nghe họ đã tề tựu, liền phán:
- Dân chúng khắp kinh thành hãy đến chứng kiến tài nghệ của Jotipàla.
Sau khi cho trống truyền tin ra, ngài ban lệnh chuẩn bị sân chầu, rồi được đám tùy tùng đông đảo theo hầu, ngài ngự lên bảo tọa nguy nga; vừa khi triệu tập mọi xạ thủ xong, ngài cho vời Jotipàla. Dưới lớp y trong, chàng mang cung, bao tên, áo giáp và mão, những vật đã được vị sư phụ tặng chàng trước kia. Chàng lại bảo mang thanh kiếm cho chàng và đến yết kiến vua trong bộ thường phục của chàng, rồi cung kính đứng sang một bên.
Các xạ thủ kia suy nghĩ: "Người ta đồn Jotipàla đến đây cho chúng ta thấy biệt tài của chàng, nhưng chàng đến mà không mang kiếm chứng tỏ chàng muốn nhận kiếm từ tay ta". Thế rồi họ lại thỏa thuận với nhau sẽ không trao kiếm cho chàng. Vua bảo Jotipàla:
- Hãy cho ta thấy tài nghệ của khanh.
Thế là chàng tung ra một tấm màn giống túp lều quanh chàng, rồi đứng vào trong đó, cởi áo khoác ra, nịt áo giáp trong, xong mang áo giáp ngoài và buộc mão lên đầu. Sau đó, chàng lại giương sợi dây màn san hô trên chiếc cung sừng dê, buộc bao tên sau lưng và thanh kiếm bên sườn trái, chàng xoay tít mũi tên có đầu nhọn đính kim cương trên móng tay chàng, tung bức màn ra và xuất hiện như một vị Long vương vọt lên từ lòng đất với trang phục huy hoàng rực rỡ và đứng đãnh lễ vua.
Quần chúng thầy chàng liền nhảy lên reo hò vỗ tay vang dội. Vua bảo:
- Này Jotipàla, hãy trình diễn tài nghệ của khanh.
Chàng đáp:
- Tâu Đại vương, trong đám xạ thủ này có những người bắn nhanh như chớp, chẻ được cả sợi tóc hay bắn vào một tiếng động mà không cần nhìn thấy, hoặc làm gãy một mũi tên đang rơi. Xin triệu bốn vị đó đến đây.
Vua liền triệu họ ngay.
Bậc Đại Sĩ dựng rạp trên một khoảng đất vuông trong sân chầu bốn góc chàng để bốn xạ thủ ấy đứng, mỗi vị được phát cho ba mươi ngàn mũi tên, bảo người đưa tận tay mỗi vị, còn chính chàng cầm mũi tên có gắn đầu kim cương ấy, đứng giữa rạp nói lớn:
- Tâu Đại vương, xin cho bốn xạ thủ này bắn tên đâm vào tiểu thần. Tiểu thần sẽ gạt hết tên bắn ấy ra ngoài.
Vua ra lệnh cho họ làm như vậy. Họ đáp:
- Tâu Đại vương, chúng thần bắn tên nhanh như chớp, lại chẻ được cả sợi tóc hay bắn vào tiếng nói mà không cần nhìn thấy, hoặc bắn gãy mũi tên đang rơi, còn Jotipàla chỉ là chàng trai mới lớn, chúng thần không muốn bắn chàng.
Bậc Đại Sĩ bảo:
- Nếu các Ngài bắn được ta thì cứ bắn.
-Đồng ý.
Họ bảo và đồng loạt bắn tên.
Bậc Đại Sĩ gạt chúng tới tấp bằng mũi tên sắt của chàng, bằng đủ cách làm chúng rớt xuống đất, rồi xoay một vòng quanh chúng, chàng chất chúng lên thành một kho đầy tên xếp ăn khớp với nhau, cán khớp với cán, chuôi với chuôi, lông chim với lông chim, cho đến mọi mũi tên của đám xạ thủ được dùng hết cả, chàng thấy vậy mà không muốn đụng vào kho tên kia, chàng liền nhảy lên không đến trước vua.
Dân chúng reo hò vang dậy, la hét nhảy múa vỗ tay, ném cả áo quần đồ trang sức thành một đống của cải châu báu có một trăm mười tám triệu đồng. Lúc ấy vua hỏi:
-Này Jotibàla, khanh gọi xảo thuật này là gì?
-Tâu Đại vương, đó là cách đỡ tên.
-Có nhiều người biết cách ấy chăng?
-Tâu Đại vương, không có ai ngoài tiểu thần trong toàn cõi Diêm-phù-đề.
-Khanh hãy biểu diễn xảo thuật khác đi.
-Tâu Đại vương, bốn xạ thủ kia đứng bốn góc không đâm trúng tiểu thần được. Song nếu họ cứ đứng bốn góc ấy, thần sẽ đâm trúng cả bọn họ chỉ bằng một mũi tên thôi.
Bốn xạ thủ kia không dám đứng đó nữa, vì thế bậc Đại Sĩ dụng bốn cây chuối ở bốn góc, buộc mỗi sợi chỉ đó tía trên phần gắn lông chim của mũi tên rồi chàng bắn mũi tên, nhắm vào một cây chuối. Mủi tên đâm vào cây chuối xong qua đến cây thứ hai, cây thứ ba, thứ tư rồi trở lại cây đầu tiên mà nó đã xuyên thủng lần trước xong, trở về trong tay vị xạ thủ; đồng thời các cây chuối đứng vòng quanh theo sợi chỉ đỏ. Dân chúng lại vang hò reo dậy.
Vua hỏi:
-Xảo thuật này gọi là gì, Jotibàta hiền hữu?
-Tâu Đại vương, đó vòng tròn bị xuyên thủng.
-Thế khanh trổ thêm tài nghệ nữa đi.
Bậc Đại Sĩ liền trình diễn các kiểu bắn tên hình gậy, hình dây thừng, hình bện tóc, và biểu diễn các xảo thuật khác gọi là: bắn tên hình cái đài cao, tên hình ngôi đình, tên hình bức tường, tên hình cầu thang, tên hình hồ nước, và bắn tên hình hoa sen nở khiến chúng rơi rào rào như mưa sa.
Như vậy, chàng biểu diễn mười hai tài nghệ vô song và làm gãy bảy vật lớn vô địch. Chàng đâm thủng một tấm ván gỗ sung dày hai tấc, một tấm gỗ asana dày một tấc, một dĩa đồng dày năm phân, một dĩa sắt dày hai phân, và sau khi đâm thủng một trăm tấm ván ghép vào nhau, lần lượt chàng bắn mũi tên vào phía trước vào các toa xe đựng đầy rơm, cát và ván gỗ, rồi làm cho tên xuyên qua ngã sau; rồi lại bắn phía sau các toa xe, và làm cho tên xuyên qua phía trước.
Chàng bắn mũi tên xuyên qua một khoảng độ hai trăm mét dưới nước và hơn bốn trăm mét trên đất liền, chàng lại chẽ sợi tóc ở cách khoảng một trăm mét, ngay dấu hiệu đầu tiên nó vừa lay động theo gió. Khi chàng biểu diễn mọi kỳ công về tài nghệ này xong, mặt trời vừa lặn.
Lúc ấy, vua hứa ban cho chàng chức tổng lãnh binh và bảo:
- Này Jotipàla, nay đã tối rồi, ngày mai khanh sẽ nhận vinh dự làm đại tướng quân. Hãy đi trang điểm râu ria lại và tắm gội.
Cùng ngày ấy, vua ban cho chàng một trăm ngàn đồng tiền để chi tiêu. Bậc Đại Sĩ đáp:
- Tâu Đại vương, tiểu thần không cần tiền.
Rồi chàng ban một trăm tám mươi triệu đồng tiền ấy cho các vị lãnh chúa và các tùy tùng đi tắm, sau khi đã tô điểm râu tóc, và mặc xiêm y với đủ loại trang sức, chàng thưởng thức cao lương mỹ vị xong, chàng đến nằm nghỉ trên vương tọa, ngủ được hai canh, đến canh cuối cùng chàng thức giấc ngối xếp bằng trên vương tọa, suy nghĩ đến phần khởi đầu, phần giữa và phần cuối việc phô diễn kỳ công về tài nghệ của chàng.
Chàng nghĩ thầm: "Tài nghệ của ta hiển nhiên khởi đầu là chết chóc, phần giữa là thọ hưởng ái dục và cuối cùng là tái sinh vào địa ngục; vì hủy diệt mạng sống và buông lung phóng dật trong việc thọ hưởng dục lạc tội lỗi sẽ đưa đến tái sinh vào địa ngục. Vua ban ta chức đại tướng quân, và uy quyền cao trọng sẽ về tay ta. Ta sẽ có vợ con; nhưng nếu các dục lạc cứ tăng mãi thì thật khó thoát được dục tham. Ta muốn một mình xuất thế đi vào rừng, ta sống đời tu hành khổ hạnh là đúng lắm rồi".
Bậc Đại Sĩ đứng lên khỏi vương tọa, và không cho ai biết cả, ngài bước xuống từ thượng lầu, ra đường bằng cửa hậu vào rừng một mình, đến một nơi trên bờ sông Godhàvari, gần rừng Kavittha, rộng chừng ba dặm.
Sakka (Đế Thích) Thiên chủ nghe tin ngài xuất gia liền triệu sứ thần Vissakamma đến và bảo:
- Này Hiền hữu, Jotipàla đã xuất gia, và một hội chúng đông đảo sẽ hầu ngài. Vậy hãy dựng am ẩn sĩ bên bờ sông Godhàvari, trong rừng Kavittha và cung cấp đủ vật dụng cần thiết cho đời sống tu hành.
Thiên sứ Vissa kamma tuân lệnh.
Còn bậc Đại Sĩ khi đến nơi, thấy con đường vừa cho một người đi bộ, nghĩ thầm: "Chắc đây là nơi dành cho các vị khổ hạnh trú thân", rồi đi theo con đường đó, ngài không gặp ai, liền bước vào lều cỏ, chợt thấy vật dụng dành cho đời ẩn sĩ, ngài tự bảo: "Chắc Đế Thích Thiên chủ biết ta đã xuất gia", rồi cỡi áo khoác, ngài đắp thượng y và hạ y bằng vỏ dà, khoác tấm da hươu lên một bên vai. Ngài buộc các cuộn tóc, khoác lên vai ba giạ thóc, cầm gậy khất sĩ, bước ra khỏi am, leo lên thềm đi đi lại lại.
Như vậy, ngài đã làm vinh quang ngôi rừng bằng vẻ cao đẹp của đời khổ hạnh và sau khi thực hành pháp môn thiền định Kàsina xong, vào ngày thứ bảy kể từ khi xuất gia, ngài chuyên tâm tu tập tám Thiền chứng và năm Thắng trí theo hạnh độc cư, chỉ dùng các thức ăn gì ngài kiếm được và củ quả rừng.
Cha mẹ, thân bằng, bà con quyến thuộc ngài không thấy ngài đâu, đi tìm khắp nơi, lòng buồn phiền thất vọng. Sau đó một sơn nhân đã từng gặp và nhận ra bậc Đại Sĩ trong vùng am thất Kavittha kia, liền đi báo với song thân ngài và họ tâu trình vua. Vua phán:
- Này ta đi thăm chàng ngay.
Rồi cùng với song thân chàng và một đám tùy tùng theo hầu, vua đến bờ sông Goghàvarì theo con đường mà sơn nhân ấy đã chỉ dẫn.
Bồ-tát đến bờ sông, ngồi trên không thuyết Pháp cho hội chúng nghe, sau đó dẫn hội chúng về am, ngài cũng ngồi trên không, giảng rõ cho họ nỗi đau khổ vì tham đắm dục lạc, rồi dạy họ Chánh pháp. Tất cả cùng với vua xuất gia tu hành.
Bồ-tát vẫn tiếp tục sống ở đó cùng hội chúng tu hành chung quanh ngài. Tin ngài ẩn cư tại đó lan rộng khắp cõi Diêm-phù-đề. Vua chúa cùng đám quần thần đến đó sẵn sàng theo lệnh ngài và hội chúng dần dần lên đến hàng người. Hễ ai nghĩ đến tham dục, hay muốn hại người khác, bậc Đại Sĩ liền đi đến, ngồi trên không và thuyết pháp cho người ấy cùng dạy Pháp môn thiền Kàsina.
Bảy đại đệ tử của ngài là Sàlissara, Mendissara, Pabbata, Kàladevala, Kisavaccha, Anusissa va Nàrada. Các vị này nhờ tuân hành lời thuyết giáo của ngài, đều đạt Thiền chứng và đắc Thắng trí viên mãn. Dần dần vùng thảo am Kavittha trở nên đông đúc, không còn chỗ cho các vị ẩn sĩ sống nữa. Bậc Đạo Sĩ liền bảo Sàlissara:
- Này Sàlissara, nơi này không đủ cho các ẩn sĩ ở. Vậy hiền hữu đi cùng hội chúng này đến ẩn cư gần thị trấn Lambacùlaka thuộc thành trì của vua Candapajjota.
Vị này tuân lệnh ấy, đem theo hội chúng hàng ngàn người đến cư trú ở đó. Nhưng nhiều người vẫn đến gia nhập hội chúng khổ hạnh kia, nên thảo am lại đông dần như trước. Bồ-tát nói với Mendissara:
- Trên biên giới xứ Suratha có dòng sông Satodikà, bạn hãy đem chúng ẩn sĩ này đến cư trú trên bờ sông ấy.
Và ngài bảo vị ấy ra đi. Cũng cách ấy, lần thứ ba, ngài gọi Pabbata đến bảo:
- Trong đại lâm có núi Anjana, bạn hãy đến an trú tại đó.
Lần thứ tư, ngài gọi Kàladevala đến bảo:
- Phía nam quốc độ Avanti là núi Ghanasela, bạn hãy đến an trú gần đó.
Dần dần thảo am tại Kavittha lại đông đảo dù đã có năm hội chúng ẩn sĩ đi đến cư trú năm vùng khác nhau, tính được mấy ngàn người. Rồi Kisavaccha xin phép bậc Đại Sĩ đến cư trú trong ngự viên gần vị tổng tướng quân, tại kinh thành Kimbhavatì, trong quốc độ của vua Dandaki, ẩn sĩ Narada cư trú trong địa phận chính của dãy núi Aranjara, còn Anusissa ở lại cùng bậc Đạo Sĩ.
Vào thời ấy, vua Dandaki thất sủng một cung phi mà trước kia vua rất quý trọng, nên trong lúc buồn phiền, nàng đi ngao du đến ngự viên kia, khi thấy ẩn sĩ Kisavaccha, nàng liền nghĩ: "Chắc hẳn đây là kẻ mang vận xui. Ta phải vứt bỏ tội lỗi của ta trên người của kẻ này rồi đi tắm rửa". Trước hết nàng cầm chiếc tăm xỉa răng rồi nhổ ra một đống nước bọt ngay trên nắm tóc bện lại của vị ẩn sĩ kia, nàng còn ném que tăm trên đầu vị này, rồi đi tắm.
Còn vua nhớ đến nàng, lại cho nàng phục chức như củ. Trong lúc lòng say sưa cuồng nhiệt, nàng kết luận rằng nàng phục hồi vinh dự ấy là do vứt bỏ được tội lỗi của mình trên con người xui xẻo kia. Không lâu sau đó, vua lại cách chức của vị tế sư hoàng gia, lão này cũng đi hỏi nàng cung phi kia, nhờ cách gì nàng được phục chức. Nàng kể lại đó là nhờ nàng vứt bỏ tội lỗi trên con người xui xẻo ở trong ngự viên.
Lão quốc sư cũng đi vứt bỏ tội lỗi của mình theo cách ấy, và cũng được vua phục chức như củ. Thời ấy dần dần có loạn ở biên giới, lão quốc sư đem một đoàn quân đi đánh trận. Lão quốc sư đang cuồng nhiệt hân hoan kia tâu vua:
- Tâu Đại vương, Đại vương muốn thắng hay bại?
Vua bảo:
- Thắng.
Lão liền nói:
- Thế thì có người xui xẻo đang trú ngụ trong ngự viên, xin Đại vương đem tội lỗi đến vứt lên đầu gã ấy.
Vua tán thành ý kiến ấy, phán:
- Đám binh sĩ cùng đi với trẫm đến ngự viên vứt bỏ tội lỗi lên con người xui xẻo kia.
Khi đến nơi, trước tiên vua ngậm chiếc tăm rồi nhổ nước bọt và thả chiếc tăm rơi trên đám tóc bện chặt của vị ẩn sĩ, sau đó còn làm được ướt đầu ngài, cả đám quân lính cũng làm theo như vậy.
Khi vua đi rồi, vị tổng tướng quân đến, thấy vị ẩn sĩ, liền lấy que tăm ra khỏi đám tóc và tắm gội vị này thật sạch sẽ, xong lại hỏi:
- Đức vua sau này sẽ ra sao?
- Thưa ngài, tâm ta không sân hận gì, nhưng chư Thần phẩn nộ nên vào ngày thứ bảy kể từ ngày nay, quốc độ của ngài sẽ tan tành, ngài nên nhanh chân tẩu thoát đi nơi khác.
Vị tướng quân vô cùng kinh hãi, về tâu ūa. Vua không tin, vì thế vị tướng quân đem vợ con trốn sang quốc độ khác. Bậc Đạo sư Sarabhanga (tức Bồ-tát Jotipàla ở đầu câu chuyện) nghe tin ấy, liền báo hai ẩn sĩ trẽ tuối đến mang Kisavaccha trên chiếc cáng bay về trên không. Còn vua đánh trận xong, đem đám phản loạn làm tù binh trở về thành.
Vào lúc vua trở về, trước hết chư thần làm mưa xuống, khi các xác chết được cơn mưa lũ cuốn trôi đi hết, lại có trận mưa hoa trời trên đỉnh cát trắng tinh khiết, trên hoa trời có mưa tiền nhỏ rơi xuống, sau đó có mưa tiền lớn, tiếp theo là trận mưa đầy châu báu cõi trời.
Dân chúng hân hoan lượm báu vật bằng vàng ròng. Sau đó rơi xuống trên người trần một trận mưa đủ loại binh khí, dân chúng bị phân thây tan tành. Kế đến là trận mưa than hồng nóng bỏng trên người họ, và trên các đám lửa cao như núi ấy rơi xuống một trận mưa cát mịn tràn ngập một khoảng rộng chừng sáu mươi cubit (01 cubit = 45cm). Một phần quốc độ rộng sáu mươi dặm bị tàn phá tan tành và tin trận hủy diệt này loan ra khắp toàn cõi Diêm-phù-đề.
Các lãnh chúa trong các xứ chư hầu, ba vị vua Kalinga, Atthaka và Bhìmaratha nghĩ thầm: "Ngày xưa, ở Ba-la-nại, vua xứ Kàsi là Kalàbu đã phạm tội với ẩn sĩ Khantivàdì, truyện kể rằng vua ấy bị nuốt vào lòng đất; cũng vậy vua Nàlikìra đem các ẩn sĩ cho chó ăn thịt; vua Ajjuna có ngàn cánh tay đã phạm tội với trị giá Angìrasa nên cũng chết cách như trên; nay vua Dandaki phạm tội với trí giả Kisavaccha, nên tương truyền cũng bị tan tành quốc độ, hủy diệt hết thảy. Chúng ta không biết các vị vua ấy tái sinh cõi nào; không ai trừ ngài Sarabhanga. Đạo sư của chúng ta có thể nói về điều này. Vậy chúng ta hãy đi hỏi ngài".
Rồi cả hai ba vị vua theo lễ nghi trọng thể ngự đi hỏi chuyện này. Nhưng dù cả ba vị vua đã nghe tin đồn như vậy như kia, cũng không biết thực hư ra sao, mỗi vị cứ tưởng rằng chỉ riêng mình lên đường, nên khi không còn cách xa Goghàvari mấy, cả ba vị vua gặp nhau, cũng bước xuống các vương xa và ngự lên một chiếc vương xa duy nhất để cùng lên đường đến bờ sông Godhàvari.
Vào lúc ấy, Đế Thích Thiên chủ ngự trên ngai hoàng cẩm thạch, xem xét bảy vấn đề và tự nhủ thầm: "Ngoại trừ ngài Sarabhanga, bậc Đạo sư, không có ai trên trần thế hay thiên giới có thể giải đáp các vấn đề trên. Vậy ta hãy đi hỏi ngài. Ba vị vua kia đã đi đến bờ sông Godhàvari để hỏi ngài Sarabhanga, bậc Đạo sư. Ta cũng sẽ đến hỏi ngài vấn đề ba vị kia hỏi.
Sau đó được chư thiên của hai thiên giới hộ tống, ngài giáng trần. Ngay hôm ấy, ẩn sĩ Kisavaccha từ trần, nên lúc cử hành tang lễ, vô số hội chúng ẩn sĩ cư trú nhiều nơi khác nhau, đến dựng dàn hỏa táng bằng gỗ thiên đàn để hỏa thiêu ngài, và quanh chỗ hỏa thiêu khoảng chừng năm dặm, hoa trời rơi xuống như mưa.
Bậc Đại Sĩ, sau khi xem xét việc cất giữ phần di cốt của vị đệ tử xong, liền vào am cùng các ẩn sĩ theo hầu, và ngồi xuống. Khi các vua đến bờ sông, có tiếng nhạc quân hành trổi. Bậc Đại Sĩ nghe vậy, bảo ẩn sĩ Anusissa:
- Ông hãy ra xem nhạc ấy có ý nghĩa gì?
Rồi cầm bình nước uống, ẩn sĩ đến đó, khi thấy ba vị vua, ngài ngâm vần kệ đầu để thăm hỏi:
1. Vòng vàng, xiêm áo thật cao sang,
Chư vị đeo gươm nạm bảo trân,
Trân trọng kính chào chư đại tướng
Danh gì, cho biết, giữa trần gian?
Nghe lời ngài, ba vị vua liền xuống xe đảnh lễ ngài. Trong ba vị, có vua Atthaka lên tiếng đáp lời ngài qua vần kệ thứ hai:
2. Bhi-ma, danh đế Ka-lin-ga,
Cùng trẫm, At-tha, chính hiệu ta,
Yết kiến chư hiền nhân khổ hạnh,
Đến đây tham vấn, đủ ba vua.
Nhà ẩn sĩ bảo ba vị vua:
- Thế thì tâu Đại vương, các ngài đã đến tận nơi các ngài muốn, sau khi tắm rửa, nghỉ ngơi, các ngài vào am, đảnh lễ hội chúng ẩn sĩ rồi đem vấn đề ra hỏi bậc Đạo sư.
Như vậy ngài chuyện trò thân mật cùng ba vị vua, rồi tung lên bình nước và lau hết những giọt nước rớt ra ngoài, ngài nhìn lên thấy Đế Thích Thiên chủ, được chư thiên hộ tống đông đảo, đang giáng trần ngự trên lưng Thiên tượng Eravana, nhà ẩn sĩ liền đối thoại với Thiên chủ qua vần kệ thứ ba:
3. Ngài ngự trên cao, giữa cõi trời,
Như vầng trăng tỏa ánh vàng soi,
Đại Thiên thần, dám xin ngài dạy,
Danh tiếng ngài sao ở cõi đời.
Nghe thế, Đế Thích Thiên chủ đáp vần kệ thứ tư:
4. Su-ja, danh tiếng ở trên trời
Tên gọi Ma-gha ở cõi đời,
Thiên chủ hôm nay vừa giáng thế
Thăm hiền nhân khổ hạnh bao người.
Lúc ấy ẩn sĩ Anusissa nói với ngài:
- Tâu Thiên chủ, xin ngài hãy theo chúng thần.
Rồi cầm bình nước, vị ẩn sĩ vào am, cất bình nước xong, liền đến báo tin cho bậc Đại Sĩ biết có ba vị vua cùng Thiên chủ giang lâm để hỏi ngài một số vấn đề. Lúc ấy hội chúng ẩn sĩ vây quanh Đạo sư Sarabhanga đang tọa giữa một khoảng rộng có rào che. Ba vị vua đến đảnh lễ chúng ẩn sĩ, rồi ngài ngồi xuống một bên. Còn Đế Thích Thiên chủ giáng hạ đến gần hội chúng chắp tay vái chào và tán thán hội chúng này qua vần kệ thứ năm:
5. Chư hiền danh vọng đã lừng vang
Uy lực thần cao cả sẵn sàng,
Hoan hỷ ta chào mừng Thánh chúng
Trí tài siêu việt đám người phàm.
Đế Thích Thiên chủ chào hội chúng như vậy xong liền ngồi riêng ra để tránh khỏi sáu cố tật lúc ngồi. Sau đó ẩn sĩ thấy ngài ngồi phía dưới hội chúng liền ngâm vần kệ thứ sáu:
6. Thân thể của ngài lão Thánh nhân
Bốc mùi hôi hám khắp không gian,
Sak-ka Thiên chủ liền lùi bước
Tránh các mùi chư Thánh nực nồng.
Nghe nói vậy Đế Thích Thiên chủ đáp vần kệ khác:
7. Dù các Thánh nhân tuổi đã già
Gây mùi xúc phạm mũi người ta,
Nhiễm ô luồng khí đưa hương ngát,
Ta vẫn yêu mùi Thánh bốc ra
Hơn các tràng hoa thơm rực rỡ;
Chư Thiên chẳng ghét chuyện kia mà.
Nói vậy xong, ngài thêm:
- Này Tôn giả Anusissa, ta gắng công đến đây để hỏi một số vấn đề, xin hãy cho phép ta làm việc ấy.
Nghe lời Đế Thích Thiên chủ, ẩn sĩ Anusissa liền đứng dậy cho phép ngài xong, vị ẩn sĩ này liền ngâm hai vần kệ với hội chúng ẩn sĩ:
8. Su-ja phu tướng. Ma-gha-va, (*)
Thí chủ lừng danh, chúa quỷ ma,
Dẹp lủ yêu tinh, Thiên đế ấy,
Ước ao được hỏi chuyện cùng ta.
9. Ai đây trong các bậc hiền nhân
Giải đáp vấn đề thật khó khăn
Cho cả ba vua đang trị nước
Và Sak-ka, chúa tể Thiên thần?
(*) Sujampati và Maghava: danh hiệu của Sakka - Thiên chủ.
Nghe vậy cả hội chúng ẩn sĩ đều bảo:
- Này Hiền giả Anusissa, bạn nói chẳng khác nào bạn không thấy quả đất bạn đang ở; ngòai trừ bậc Đạo sư Sarabhanga của chúng ta, còn ai xứng đáng để trả lời các vấn đề kia nữa?
Nói xong, các vị ấy liền ngâm vần kệ khác:
10. Sa-ra-bha Thánh giả, chân hiền
Thanh tịnh, thoát ly mọi trược phiền,
Pháp tử, tinh thông trì giới luật,
Giải trừ nghi hoặc của nhân thiên.
Nói xong hội chúng bảo ẩn sĩ Anusissa:
- Thưa Hiền giả, xin Hiền giả nhân danh Thánh chúng đến đảnh lễ bậc Đạo sư và tìm cơ hội thưa với ngài về vấn đề Đế Thích Thiên chủ đặt ra.
Vị này chấp thuận ngay rồi tìm được cơ hội, liền ngâm vần kệ khác nữa:
11. Thánh chúng mong cầu bậc Đạo sư
Kon-dan-na, xóa sạch nghi ngờ:
Chủ đề này được nhiều người bảo
Đè nặng các hiền trí lão gia.
Bậc Đại Sĩ liền chấp thuận và ngâm vần kệ sau:
12. Cho phép người đem hỏi chuyện gì
Thực lòng người vẫn ước mong nghe,
Đời này, đời kế, ta đều biết,
Trí chẳng nghi nan mọi vấn đề.
Sau khi được bậc Đại Sĩ cho phép, Thiên chủ ra vấn đề ngài chuẩn bị hỏi.
*
Bậc Đạo sư ngâm kệ làm sáng tỏ sự việc này:
13. Thiên chủ tìm Chân lý pháp trần,
Đến chư Hiền giả lượng khoan hồng,
Để ngài học những điều mong biết,
Và bắt đầu tham vấn mọi phần.
14. Cái gì ta phải diệt hoàn toàn
Mà chẳng bao giờ hối tiếc không,
Và cái gì ta cần vứt bỏ
Mà người hiền thiện thảy đồng lòng?
Lời ai ta phải cần kham nhẫn
Cho dẫu là thô lỗ tận cùng,
Đây chính là điều ta ước muốn
Kon-na Thánh giả nói cho thông.
*
Bậc Đại Sĩ ngâm kệ giải thích vấn đề:
15. Sân hận là tâm phải diệt trừ
Mà ta chẳng hối tiếc bao giờ,
Giả nhân, giả nghĩa cần quăng bỏ,
Được tán đồng ngay bởi bậc từ.
Ta phải nhịn lời từ mọi phía
Dù lời thô lỗ thật vô bờ,
Lòng kham nhẫn ấy, hiền nhân bảo,
Đệ nhất ngôi cao quả thật là.
Thiên chủ:
16. Những lời thô ác của hai người
Ta phải kiên tâm chịu đựng hoài:
Là bậc trên, người cùng đẳng cấp;
Song làm sao nhẫn nhịn bao lời
Của người thấp kém hơn ta nữa,
Là việc ta mong học hỏi ngài.
Bậc Đại Sĩ:
17. Lời ác thô từ các bậc trên,
Ta thường kham nhẫn bởi lòng kiêng,
Hoặc không tranh cãi người đồng đẳng;
Song nhịn lời thô kẻ thấp hèn
Là chính viên lòng thành nhẫn nhục,
Như lời hiền Thánh vẫn thường khuyên.
Các vần kệ trên đây là những lời đối đáp giữa hai vị. Khi ngài nói xong, Đế Thích Thiên chủ bảo bậc Đại Sĩ:
- Thưa Thánh giả, trong phần đầu ngài bảo: "Nhẫn nhịn lời thô lỗ của mọi người, đó là lòng kiên nhẫn tối thượng", song nay ngài lại bảo: "Nhẫn nhịn lời thô lỗ của kẻ dưới, người ta nói, đây mới là lòng kiên nhẫn tối thượng"; lời nói sau không ăn khớp với lời nói đầu tiên của ngài.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ nói với Thiên chủ:
- Thưa Thiên chủ, lời sau cùng này của ta dành cho một người nhẫn nhịn lối nói thô lỗ của một kẻ mà người ấy biết là thấp kém hơn mình, còn lời nói đầu tiên của ta là do khi chỉ nhìn bề ngoài, ta không thể biết chắc hoàn cảnh của người khác có thấp kém hơn ta hay không.
Rồi để nêu rõ thật khó khăn khi chỉ nhìn bề ngoài mà phân biệt người thấp kém hay cao sang, trừ phi là phải qua tiếp xúc thân mật, ngài liền ngâm kệ:
18. Khó nhìn hào nhoáng vẻ bề ngoài
Mà đoán hơn, thường hay giả dạng
Tồi tàn xuất hiện ở trong đời.
Vậy thì, bạn hỡi, ta khuyên nhủ
Hãy nhịn lời thô của mọi người.
Khi nghe điều này, Đế Thích Thiên chủ đầy lòng tín thành, cầu xin ngài:
- Thưa Tôn giả, xin Tôn giả thuyết giảng cho chúng ta biết lợi lạc của lòng nhẫn nhục này.
Bậc Đại Sĩ liền ngâm kệ:
19. Sức mạnh quân vương đến bực nào
Cũng không thắng lợi chốn binh đao
Bằng hiền nhân tạo nhờ kham nhẫn:
Đại nhẫn xóa tan mọi hận cừu.
Khi bậc Đại Sĩ đã thuyết giảng các công đức do nhẫn nhục tạo nên như vậy xong, các vị vua suy nghĩ: Đế Thích Thiên chủ hỏi vấn đề của riêng ngài, mà lại không để cho chúng ta có cơ hội hỏi vấn đề của chúng ta".
Biết được ước vọng của các vua ấy, Thiên chủ để riêng bốn vấn đề ngài đã chuẩn bị trước đây qua một bên, và khi đưa ra mối hoài nghi của các vị vua kia, Thiên chủ ngâm kệ này:
20. Lời ngài đang dạy thật êm tai,
Song muốn nghe thêm một chuyện này:
Xin hỏi phận Dan-da chúa tể
Cùng ba tòng phạm lỗi lầm gây,
Cõi nào phải tái sinh đày đọa,
Vì phá Thánh hiền thế giới đây.
Bậc Đại Sĩ ngâm năm vần kệ giải đáp các vấn đề trên:
21. Thưở nọ tan tành cả quốc gia,
Vì làm ô nhục Thánh Ki-sa
Dan-da ngã xuống Ku-ku địa
Tràn ngập than hừng hóa bụi tro.
22. Nà-li đầy hoảng hốt rơi vào
Địa ngục trong nanh vuốt chó ngao,
Vì nhạo báng hiền nhân, đạo sĩ,
Pháp sư chẳng phạm lỗi lầm nào.
23. Cũng vậy Aj-ju-na giết ngay
Thánh nhân thanh tịnh, luyện tu dày,
An-gi, nên bị xô đầu xuống
Hành hạ thân trong chốn đọa đày.
24. Ka-là-bu cháy tại Diêm cung
Giữa khổ đau thê thảm, hãi hùng,
Vì đã hại hiền nhân đức hạnh
"Bậc thầy nhẫn nhục" tiếng vang lừng.
25. Người trí nghe xong các chuyện trên
Về miền địa ngục khổ triền miên,
Chẳng hề hại Đạo Sư hiền trí,
Nhờ Chánh nghiệp, sau đạt cõi thiên.
Khi bậc Đại Sĩ đã nêu rõ các cõi mà bốn vị vua kia phải thác sinh về, ba vị vua này giải tỏa được hết mối nghi ngờ. Rồi Đế Thích Thiên chủ ngâm vần kệ để nêu lên bốn vấn đề của ngài:
26. Lời ngài đáng quý trọng êm tai
Song muốn nghe thêm một chuyện này:
Ai được người đời xem "đức độ"?
Thế nhân gọi "trí giả" là ai?
Người trần xem kẻ nào "thành tín",
Ai kẻ vận may chẳng bỏ rơi?
Bậc Đại Sĩ liền ngâm bốn vần kệ trả lời:
27. Khẩu, hành chứng tỏ tự điều thân,
Tư tưởng tránh xa mọi lỗi lầm,
Chẳng dối gian nhằm đích hạ liệt,
Được xem "đức độ" giữa nhân quần.
28. Giải đáp vấn đề, trí tuệ thâm,
Không làm điều ác độc, vô lương,
Lời hay đúng lúc đem khuyên nhủ,
Được mọi người xem đúng "trí nhân".
29. Biết ơn vì đã nhận ân lành,
Làm nhẹ buồn đau với nhiệt tình,
Chứng tỏ bạn hiền lòng vững chắc,
Mọi người ca ngợi "kẻ tâm thành".
30. Kẻ nào tài khéo đủ trong tay,
Chân thật, dịu dàng, rộng lượng thay,
Ái ngữ, ân cần, người cảm phục,
Vận may chẳng bỏ kẻ như vầy.
Bậc Đại Sĩ trả lời bốn vấn đề trên như vậy, chẳng khác nào làm vầng trăng hiện lên bầu trời. Sau đó là những câu hỏi đáp khác nữa:
Thiên chủ:
31. Lời ngài đáng thán phục êm tai,
Ao ước nghe thêm một chuyện này
Đức hạnh, vận may, hiền trí thiện,
Cái nào tối thắng giữa trần ai?
32. Người thiện xem hiền trí tối cao,
Như trăng che khuất các vì sao,
Đức hạnh, hiền lương cùng vận tốt,
Rõ ràng bậc trí phải theo mau.
33. Lời người thân ái thật êm tai,
Mong ước nghe thêm một chuyện này:
Muốn đạt thành tâm minh trí tuệ,
Đường nào hành động phải theo hoài?
Đâu là trí đạo xin cho biết
Nhờ việc nào người có trí ngay?
Bậc Đại Sĩ:
34. Kết bạn người uyên bác lão thành,
Nhờ tham vấn, học trí thông minh,
Phải nghe theo các lời khuyên tốt,
Vì vậy con người trí tuệ sinh!
35. Bậc trí nhìn tham dục giác quan
Thấy đầy bệnh khổ, lắm vô thường,
Giữa tham, ưu não gây kinh hãi,
An tịnh, hiền nhân dạ chẳng màng.
36. Vậy điều phục ác nghiệp, ly tham,
Tu tập từ bi vô lượng tâm,
Với mọi hữu tình đều quý mến,
Tâm thanh tịnh, đến Phạm thiên cung.
Trong khi bậc Đại Sĩ thuyết giảng như vậy về các tội lỗi do tham dục gây ra, ba vị vua cùng với đám quân sĩ đều đoạn trừ tham dục nhờ lấy đức tính từ bi để đối trị. Bậc Đại Sĩ biết được việc này, liền ngâm kệ tán thán cả ba vị vua:
37. Nhờ thần lực nên chúa Bhi-ma
Cùng với ngài, này chúa At-tha,
Đại đế Ka-lin-ga hiển hách,
Đến đây các vị đủ luôn ba,
Xưa làm nô lệ cho tham dục,
Nay được tự do giải thoát ra.
Nghe vậy cả ba vị Đại vương ngâm kệ tán thán bậc Đại Sĩ :
38. Chính ngài là bậc tha tâm thông,
Nhờ vậy, từ vua đến đạo quân
Giải thoát khỏi vòng vây dục vọng,
Xin ngài ban bố một hồng ân
Chúng ta quả thật đều mong ước
Đạt đến niềm an lạc Thánh nhân.
Sau đó bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ khác để ban cho các vị đặc ân này:
39 Ta ban điều các vị mong cầu
Để các vị xa ác dục mau,
Hoan hỷ vô biên, tâm thấm đượm,
Đạt thành cực lạc ước về sau.
Nghe vậy các vị ngâm kệ tán đồng:
40. Mọi việc làm theo lệnh của ngài,
Những gì ngài nghĩ tối ưu thôi,
Để tâm thấm đượm vô biên hỷ
Đạt đến lạc an dạ ước hoài.
Sau đó bậc Đại Sĩ ban lệnh truyền đại giới cho đám quân sĩ của ba vị vua và bảo hội chúng khổ hạnh ra về qua vần kệ này:
41. Vinh dự thay Đã viếng Ki-sa,
Giờ đây chư vị hãy về nhà,
Hỡi chư hiền Thánh danh lừng lẫy,
Hãy trú an trong tịnh lạc kia,
Niềm hỷ lạc trong đời Thánh hạnh
Chính là Cực lạc tối cao xa.
Các Thánh nhân này tán đồng ý kiến của ngài bằng cách cung kính đảnh lễ ngài, rồi bay lên hư không trở về cư trú của mình. Còn Đế Thích Thiên chủ từ chổ ngồi chắp tay đảnh lễ bậc Đại Sĩ chẳng khác nào tôn kính vầng nhật, rồi cùng hội chúng ra về.
*
Thấy vậy, bậc Đại Sĩ ngâm các vần kệ sau:
42. Nghe thuyết toàn Chân lý tối cao
Bởi hiền nhân giọng điệu thanh tao,
Chư Thiên trở lại miền thiên giới,
An lạc, ân tình thắm thiết sao!
43. Lời lẽ Thánh hiền dạy lọt tai,
Mang đầy ý nghĩa, giọng thanh bai,
Ai tinh cần tập trung tâm trí
Tầm tứ chuyên đề, sẽ thấy ngay:
Đường nhập tịnh theo từng cấp bực,
Thoát ly Thần Chết độc quyền oai.
Bậc Đạo Sư đã thuyết giáo như vậy đưa đến quả A-la-hán tối thượng và bảo:
- Không phải chỉ ngày nay, mà ngay cả ngày xưa nữa, cũng có trận mưa hoa trời nhân dịp lễ hỏa táng Thánh thể của Mục-kiền-liên.
Rồi Ngài giảng bày các Thánh đế và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy Salissara là Sàriputta (Xá-lợi-phất), Mendissara là kassapa (Ca-diếp), Pabbata là Anuruddha (A-na-luật-đà), Devala là Kaccàyana (Ca-chiên-diên),Anussisa là ànanda, Kisavaccha là Kolita (tức Mục-kiền-liên), Sarabhanga là Bồ-tát, các ông phải hiểu Tiền thân này như vậy.
-ooOoo-
523. Chuyện thiên nữ Alambusà (Tiền thân Alambusà)
Thiên chủ In-dra, đấng vạn năng…,
Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc một Tỷ-kheo bị mê hoặc bởi người của thời kỳ phóng dật trước kia.
Toàn thể đề tài câu chuyện được kể lại đầy đủ trong Tiền thân Indriya số 432. Lúc ấy giờ bậc Đại
Sư hỏi vị Tỷ-kheo:
- Này Tỷ-kheo, có thật ông sinh tâm bất mãn chăng?
- Thưa vâng. Bạch Thế Tôn, quả đúng vậy.
- Do ai gây nên?
- Bạch Thế Tôn, do người vợ cũ của con ngày trước.
-Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đã làm hại ông, chính vì kẻ đó mà trước kia ông đã mất Thiền lực, và phải nằm liệt suốt ba năm ròng trong trạng thái tán loạn tâm trí, đến khi hồi tỉnh, ông đã than khóc thảm thiết. Nói xong Ngài kể cho vị này câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa dưới triều vua Brahmadatta ở Ba-la-nại, Bồ-tát tái sinh vào một gia đình Bà-la-môn ở quốc độ Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài thông thạo mọi môn học thuật và sau đó ngài xuất gia vào rừng sống bằng củ quả rừng. Lúc bấy giờ, một con nai cái sống trong vùng thảo am của vị Bà La Môn này, ăn cỏ và uống nước suối có hòa lẫn tinh dịch của ngài, rồi lại sinh lòng say mê ngài đến độ nó mang thai và từ đó đến trú luôn ở nơi gần nhà của ẩn sĩ.
Bậc Đại Sĩ xem xét kỹ vấn đề và biết được sự thật của trường hợp trên. Về sau, nai cái sinh một nam nhi, và bậc Đại Sĩ chăm sóc hài nhi ấy với tình phụ tử. Hài nhi được đặt tên là Isisinga.
Khi chàng trai đến tuổi trưởng thành, ngài cho chàng thọ giới tu hành và khi ngài đã già, ngài dẫn chàng đến rừng Nàri và căn dặn :
- Này con yêu quý, ngay trong vùng Tuyết Sơn này có nhiều nữ nhân tươi đẹp như hoa, chúng thường đem tai họa tàn khốc cho những ai rơi vào uy lực của chúng; vậy con đừng để cho chúng chinh phục.
Chẳng bao lâu sau đó, ngài tử trần và sinh lên Phạm thiên giới. Còn ẩn sĩ Isisinga trong lúc tham thiền nhập định, an trú tại vùng Tuyết Sơn kia làm một nhà đại khổ hạnh khắc nghiệt, hành hạ xác thân đủ mặt.Vì uy lực công đức của ẩn sĩ này, cung của Đế Thích Thiên chủ xem xét tìm ra nguyên nhân và suy nghĩ: "Người này sẽ hạ ta xuống khỏi ngôi vị Thiên chủ, vậy ta quyết sai một Thiên nữ đi phá hoại công đức của vị này".
Sau khi quan sát toàn thế giới chư Thiên, giữa đám hai mươi lăm triệu nàng thị nữ cõi trời, ngài thấy ngoại trừ Thiên nữ Alambusà, không có ai xứng hợp với công việc này hơn cả. Ngài liền triệu nàng đến, và ban lệnh cho nàng phải đi phá hoại công đức của Thánh nhân thanh tịnh kia.
*
Để giải thích vấn đề này, bác Đạo Sư ngâm vần kệ đầu:
1. Thiên chủ In-dra (*), đấng vạn năng,
Xưa kia đã giết Va-tra thần,
Triệu nàng Thiên nữ vào cung điện
Vì biết nàng mưu chước lẫy lừng.
2. "Thiên nữ A-lam", Đế Thích truyền:
"Ở trên hội chúng của chư Thiên
Bảo nàng đến gặp I-si nọ
Quyến rũ chàng say đắm mối duyên".
(*) Indra và Vàsava: danh hiệu của Sakka
Đế Thích chủ phán bảo Alambusà:
- Nàng hãy tìm gặp Isisinga, dùng uy lực của nàng chinh phục chàng và phá hủy công đức của chàng.
Rồi ngài ngâm vần kệ:
3. Hãy theo cám dỗ sát bên chàng
Vì chính chàng là bậc Thánh nhân,
Trong lúc đi tìm nguồn Cực lạc,
Lại còn chiến thắng cả Thiên hoàng.
Nghe nói vậy, nàng Alambusà đáp hai vần kệ:
4. Giữa bao Thiên nữ, tấu Thiên hoàng,
Sao chỉ riêng nhìn đến tiện nhan,
Và bảo phận hèn đi quyến rũ
Thánh nhân đe dọa chiếc ngai vàng?
5. Vườn Nan-da, cực lạc thần tiên,
Có biết bao Thiên nữ diệu huyền,
Đến lượt một nàng trong đám ấy,
Xin giao việc đáng rủa nguyền trên.
Tiếp theo Đế Thích Thiên chủ ngâm ba vần kệ:
6. Nàng nói đúng thay, ở Lạc viên
Nan-da-na, trẫm biết vườn tiên
Nhiều Thiên nữ diễm kều dung sắc
Sánh kịp nàng, thường được ngắm xem.
7. Nhưng này, hỡi tuyệt thế tiên nương,
Chẳng có ai dùng kế mỹ nhơn
Điêu luyện như nàng, hàng quyến rũ
Thánh nhân bằng mọi cách điên cuồng.
8. Vậy nàng quả thật đóa hoa khôi,
Hãy bước lên đường, tố nữ ôi,
Dùng lực thần kia là mỹ sắc
Buộc hiền nhân nọ phục oai trời.
Nghe lời này, nàng Alambusà ngâm hai vần kệ:
9. Phận hèn sẽ quyết, tấu Thiên hoàng,
Tiến bước lên đường phụng mệnh ban
Song vẫn lo âu phần thiếp dám
Liều mình hại bậc Thánh nghiêm trang.
10. Bởi vì lắm kẻ đáng thương thay,
(Thiếp sợ run vì ý nghĩ này:)
Làm hại Thánh hiền, nên phải đọa,
Ăn năn ngục tối khổ đau đầy.
11. Thiên nữ A-lam nói vậy xong,
Khởi hành, nàng lướt tóc như phong,
Đi lôi cuốn tịnh nhân lừng lẫy
Vào các hạnh vi bất tịnh nhân.
12. Đến cánh rừng kia nữa dặm sâu,
Thắm tươi đỏ rực các chùm dâu,
I-si trú ẩn trong rừng ấy,
Nàng biến mình đi chẳng thấy đâu.
13. Tảng sáng tinh mơm chớm nắng đào,
Trước khi vầng nhật hiện lên cao,
Nàng Thiên nữ đến gần hiền giả,
Đang quét thảo am sạch biết bao!
Các vần kệ này phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng.
Lúc ấy, vị khổ hạnh ngâm kệ hỏi nàng:
14. Ai đó như tia chớp sáng ngời,
Rõ ràng như thể ánh sao mai,
Đôi tay đeo ngọc, hoa tai điểm,
Lấp lánh từ xa rực cả trời?
15. Như phấn chiên-đàn, tỏa ngát hương,
Huy hoàng chẳng khác ánh chiêu dương,
Yêu kiều vóc liễu thanh thanh dáng.
Tuyệt sắc cho ai được ngắm nàng,
16. Dịu dàng, trong trắng với lưng thon,
Nhún nhẩy nhịp nhàng nhón gót son,
Yểu điệu thân nàng bao diễm lệ,
Làm ta say đắm cả tâm hồn!
17. Cặp đùi nàng giống chiếc vòi voi,
Dài thẳng thon dần thật mảnh mai,
Mông của nàng êm đềm xúc cảm
Tròn như mặt gỗ để chơi bài.
18. Rốn nàng để lộ đám lông mềm,
Ta tưởng chừng tơ các ngó sen
Từ phía xa xa nhìn chỉ thấy
Tựa hồ đầy dược thủy đen huyền!
19. Đôi vú sữa như nửa quả bầu,
Căng phồng, khoe cả cặp hình cầu,
Săn dòn, cho dẫu không cây chống,
Chúng thật hoàn toàn chẳng dựa đâu!
20. Môi lưỡi nàng đều đỏ thắm tươi
Thật là quý tướng hiếm hoi ôi!
Cổ dài như thể linh dương núi,
Lại vẽ thêm ba ngấn rạch ròi!
21. Răng nàng dùng chút gỗ lau chùi.
Trong sạch, luôn luôn giữ sáng ngời,
Lấp lánh cả hàm trên lẫn dưới
Chiếu đầy tia sáng, trắng tinh khôi!
22. Đôi mắt nàng bầu dục dáng hình
Khi nhìn, bao vẻ đẹp đa tình,
Khác nào đôi trái dâu đen láy,
Tô điểm màu đo đỏ mép vành.
23. Bím tóc mướt trơn, chẳng quá dài,
Kết thành từng cuốn, gọn nhất đời,
Điểm vàng đầu mút, mùi thơm ngát
Dầu phấn đàn hương quý tuyệt vời!
24. Giữa mọi người theo nghiệp bán mua,
Nuôi bầy gia súc hoặc cày bừa,
Giữa bao hiền thánh đầy uy lực,
Nguyện sống đời thanh tịnh ẩn cư.
25. Trong muôn loài giữa cõi trần gian,
Ta chẳng thấy ai sánh kịp nàng,
Thân phụ là ai, cùng quý tánh,
Ta mong nàng thổ lộ cho tường.
Trong lúc vị ẩn sĩ tán tụng nàng Alambusa từ bàn chân lên đến đỉnh đầu, không sót đường tơ kẻ tóc nào, nàng vẫn giữ lời yên lặng và khi nghe chàng nói lời lẽ dài dòng như vậy, nàng nhận thấy tâm trạng của chàng dao động biết dường nào, liền ngâm kệ này:
26. Vạn phúc trời ban đến bạn lành,
Thời gian, Ca-diếp hỡi, trôi nhanh,
Sao chàng mãi hỏi chi vơ vẩn,
Chẳng phải đôi ta chỉ một mình?
27. Hãy vào am thất, chốn tu hành,
Chụp lấy ngay cơ hội chứng minh
Ngàn thú giao hoan này khét tiếng
Giữa người sùng báo đạo si tình.
Nói vậy xong, Thiên nữ Alambusà nghĩ thầm: "Nếu ta cứ đứng yên, chàng sẽ không đến gần cho ta được dịp quyển rũ chàng, vậy ta phải làm như thế sắp bỏ chạy".
Rồi dùng mỹ nhân kế để làm dao động quyết tâm của vị ẩn sĩ, nàng bỏ chạy về hướng ban nãy nàng đã xuất hiện để đến gần chàng.
*
Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ vấn đề:
28. Nói xong Thiên nữ Lam-bu-sà
Vội vã tạ từ cất bước xa
Danh sĩ I-si, hòng quyến rũ
Thánh nhân vướng phải nghiệp dâm tà.
*
Vị ẩn sĩ thấy nàng bỏ đi, liền kêu lên:
- Nàng đã đi rồi.
Và chàng nhanh nhẹn chận lối nàng, trong khi nàng đang chầm chậm bước ra, rồi lấy tay nắm tóc nàng lại.
*
Bậc Đạo Sư ngâm kệ làm sáng tỏ vấn đề:
29. Như gió, Thánh nhân lướt vội vàng
Cố ngăn nàng chạy trốn xa chàng,
Hăng say đeo đuổi theo Thiên nữ,
Chụp lấy đầu, lôi mái tóc nàng.
30. Chính tại nơi chàng đứng lặng yên,
Hằng nga ôm chặt giữa tay tiên,
Tức thì công hạnh chàng tiêu hết
Trước lực thần mê hoặc đảo điên!
31. Tư niệm nàng bay đến Ngọc cung
Tại Nan-da Thượng uyển muôn trùng,
Ngọc hoàng hiểu rõ điều nàng ước,
Phái vội thiên xa lấp lánh vàng.
32. Trang hoàng giăng trải đủ yên cương,
Tô điểm cân đai phủ mấy tầng,
Tại đó, Thánh nhân nằm khuất phục
Trong tay Thiên nữ lắm ngày trường!
33. Ba năm ròng rã lướt qua đầu
Chẳng khác nào, giây lát bóng câu,
Cho đến phút sau cùng, Thánh giả
Trở mình thức khỏi cánh tay mầu!
34. Cây xanh chàng thấy khắp nơi nơi,
Và chiếc bệ thờ cạnh đó thôi,
Thăm thẳm ngàn cây vang vọng mãi
Tiếng sơn ca lảnh lót ngân dài.
35. Nhìn quanh, chàng nức nở đau thương,
Nhỏ lệ đắng cay phận tủi hờn:
"Ta chẳng cầu kinh, dâng lễ vật
Nơi đây chẳng cúng tế đăng đàn.
36.Ta trú rừng hoang vắng, độc thân,
Nào ai người cám dỗ mình chăng?
Ai dùng tà hạnh làm tiêu tán
Tất cả lương tâm với trí năng,
Chẳng khác con thuyền đấy báu vật
Bị chìm đắm giữa chốn trùng dương?"
Nghe vậy, Alambusà nghĩ thầm: "Nếu ta không nói rõ, ắt chàng sẽ nguyền rủa ta, vậy ta phải nói cho chàng hay". Rồi nàng hiện hình ra đứng bên cạnh chàng ngâm kệ:
37. Thiên chủ Sak-ka phải đến đây,
Nguyện làm tỳ nữ phục tuân ngài;
Dù vô tình thiếp không hay biết,
Đã hại người trong cực lạc này.
Nghe nàng nói vậy, chàng liền nhớ lại lời cha dạy, rồi than khóc về việc chàng đã bị phá tan hết công hạnh chỉ vì bất tuân lời cha, và ngâm kệ:
38. Thân phụ ta, Ca-diếp Đại nhân,
Trí hiền khuyên nhủ trẻ buông lung:
"Nữ nhân cũng giống hoa sen đẹp,
Thận trọng, thiện nam, trước lực thần!"
39. Đề phòng nữ sắc mê hồn,
Hiểm họa đâu đây chực kế gần.
Do vậy, lòng nhân từ thúc đẩy
Nghiêm đường khuyên nhủ trẻ phòng thân.
40. Phóng dật, ta cam chịu bỏ qua
Những lời thông tuệ của cha già,
Than ôi, đơn độc, ta đau đớn,
Nay sống rừng hoang, dạ xót xa!
41. Đời cũ, ta nguyền rủa lắm thay,
Vâng lời cha dạy kể từ đây,
Thà đành vong mạng còn hơn phải
Trở lại đường xưa lối cũ này.
Sau đó, chàng từ bỏ dục lạc, và tham thiền nhập định. Còn Alambusà thấy rõ công đức tu tập của chàng biết rằng chàng đã đạt Thiền chứng, liền hoảng sợ cầu xin chàng tha tội.
*
Bậc Đạo Sư ngâm hai vần kệ làm sáng tỏ vấn đề này:
42. Bỗng chốc A-lam hiểu rõ ràng
Lực chàng kiên định, thật can tràng,
Vội quỳ đảnh lễ hiền nhân ấy,
Lập tức nàng ôm lấy gót chàng.
43. "Xin dẹp lôi đình, đấng Thánh minh,
Thiếp đã gây một chuyện tày đình,
Khi chư Thiên cõi trời vinh hiển
Rúng động kinh hoàng nghe đại danh".
*
Sau đó, chàng để Thiên nữ ra đi và bảo:
- Này Thiên nữ, ta tha tội cho nàng, thôi nàng hãy đi nơi nào tùy ý.
Rồi chàng ngâm kệ:
44. Tam thập tam Thiên, hưởng phước lành
Cùng Và-sa (*), chúa tể quần sinh,
Và nàng Thiên nữ, xin từ giã,
Nàng được tự do thỏa nguyện mình.
(*) Indra và Vàsava: danh hiệu của Sakka
Từ tạ chàng xong, nàng trở về thiên giới trong chiếc xe vàng ấy.
*
Bậc Đạo Sư ngâm ba vần kệ làm sáng tỏ vấn đề này:
45. Ôm lấy đôi chân bậc trí nhân
Đi về phía hữu, diễu quanh vòng,
Chắp tay, dáng điệu cầu tha tội,
Nàng hiện hình đi khỏi mắt chàng.
46. Nàng Thiên nữ lại cỡi xe vàng,
Lộng lẫy yên cương được điểm trang,
Mọi vẻ huy hoàng khăn ngọc phủ,
Nàng phi nhanh đến cõi thiên đàng.
47. Như đuốc hồng hay chớp lóe ngang,
Nàng du hành vượt thẳng trời quang,
Sak-ka Thiên chủ hân hoan phán:
"Chẳng ước nguyện nào trẫm chẳng ban".
Khi nhận được điều ước do ngài ban, nàng ngâm vần kệ kết thúc:
48. Ví dầu Đế Thích, chúa chư Thiên
Ban thiếp điều tâm ước nguyện riêng:
"Xin chẳng bao giờ còn cám dỗ
Thánh nhân nào phá bỏ lời nguyền".
*
Đến đây bậc Đạo Sư chấm dứt Pháp thọai dành cho vị Tỷ kheo kia và giảng giải cho các Thánh Đế cùng nhận diện Tiền thân: - Khi cac Thánh Đế kết thúc, vị Tỷ kheo ấy đắc Sơ quả Dự lưu:
- Lúc bấy giờ Alambusà chính là người vợ trong những ngày phóng dật cũ, Isisinga là vị Tỷ kheo thối thất này và bậc đại Thánh, cha chàng, chính là Ta.
-ooOoo-
524. Chuyện long vương Samkhapàla (Tiền thân Samkhapàla)
Dáng điệu thanh tao, tướng đẹp xinh…,
Câu chuyện này được bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, liên quan đến các phận sự trong những ngày trai giới (Bố-tát giới).
Lúc bấy giờ, nhân dịp này bậc Đạo Sư tán thán một số cư sĩ hành trì trai giới và bảo:
- Các hiền nhân ngày xưa đã từ bỏ cảnh giới huy hoàng của Long vương (Nàga) và hành trì trai giới.
Rồi theo lời thỉnh cầu của các Tỷ kheo, Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa một vị vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) cai trị thành Ràjagaha (Vương Xá). Thời bấy giờ, Bồ-tát sinh làm vương tử của Chánh hậu, được đặt tên là Duyyodhana. khi đến tuổi trưởng thành, ngài thông đạt các môn học thuật tại Takkasilà và trở về triều thăm vua cha, phụ vương liền truyền ngôi cho ngài và xuất gia tu hành tại ngự viên.
Cứ ba lần trong ngày, Bồ-tát đến yến kiến phụ vương thời bấy giờ được tôn kính và cung phụng trọng thể. Việc này gây trở ngại khiến vua cha không thể thực hành ngay cả những pháp môn làm phát khởi Thiền định, nên ngài suy nghĩ: "Ta đang hưởng đầy lợi dưỡng cùng với sự tôn sùng tột bực, nếu ta còn ở đây thì không thể nào đoạn trừ tham dục được. Vậy ta đừng nói gì với hoàng nhi cả, cứ việc bỏ đi nơi khác".
Thế là không nói gì với một ai, ngài rời ngự viên và vượt qua biên giới của quốc độ Ma-kiệt-đà, ngài dựng một lều lá trong quốc độ Mahimsaka, gần núi Candaka, bên dòng sông Kannapenà uốn khúc, là nơi nó bắt nguồn từ hồ Samkhapàla. Ngài an trú tại nơi đó đến khi thành tựu các pháp môn làm phát khởi Thiền định, ngài tu tập các Thắng trí, và chỉ thọ thực những gì ngài kiếm được. Một vị Long vương loài Rồng Nàga, có danh hiệu Samkhapàla, sinh trưởng từ dòng sông Kannapennà cùng hội chúng đông đảo loài Rồng, thỉnh thoảng đến yết kiến vị ẩn sĩ này, nên ngài thuyết pháp cho Long vương.
Lúc bấy giờ vương tử nóng lòng gặp cha mà không biết hiện ngài ở đâu, nên thân hành đi tìm. Khi biết được nơi ngài đang cư ngụ như thế, vua cùng đám tùy tùng đông đảo đến yết kiến ngài.
Sau khi dừng lại ở một đoạn đường ngăn cách nơi ấy, vua cùng một số cận thần đi về phía lều ẩn sĩ. Lúc ấy Long vương Samkhapàla đang cùng đám tùy tùng nghe thuyết pháp, nhưng khi thấy vua đến gần, liền đứng dậy vái chào bậc trí giả rồi từ tạ ra về.
Vua vái chào phụ vương và sau các nghi lễ thông thường của đôi bên trao đổi xong, vua hỏi:
- Bạch Tôn giả, vị vua nào vừa yết kiến Tôn giả?
- Này vương nhi, đó là Long vương Samkhapàla.
Vương tử liền mong ước viếng thăm cảnh giới Nàga vì vẻ huy hoàng vĩ đại ở đó. Khi ở lại cùng cha vài ngày, ngài cung cấp phụ vương đủ thực phẩm như thường lệ rồi trở về thành.
Nơi đó, ngài đã cho xây Bố thí đường tại bốn cổng thành, nhờ công đức bố thí ấy, ngài đã gây chấn động khắp cõi Diêm-phù-đề. Vì ước nguyện lên cảnh giới Rồng Nàga, ngài luôn hành trì giới luật và giữ các phận sự trong ngày trai giới nên khi mạng chung, ngài tái sinh vào cảnh giới Rồng Nàga làm Long vương Samkhapàla.
Dần dần qua thời gian, ngài đâm chán cảnh huy hoàng này, nên từ khi ước nguyện tái sinh làm người, ngài lại hành trì các ngày trai giới; nhưng ở trong cảnh giới Rồng Nàga, việc hành trì giới luật không có kết quả gì, giới đức của ngài lại bị hao tổn.
Từ đó, ngài lìa bỏ cảnh giới Nàga và đến một nơi không xa dòng sông Kannapennà ấy, cuộn mình quanh tổ kiến giữa đường cái và đường mòn, ngài quyết tâm giữa ngày trai giới và thực hành giới đức. Và ngài bảo:
- Kẻ nào cần da thịt ta thì cứ lấy hết đi.
Và như vậy theo hạnh bố thí, ngài hy sinh thân mình, nằm trên tổ kiến, an nghỉ tại đó trong các ngày mười bốn và rằm giữa tháng, cứ hai tuần ngài trở về cảnh giới Nàga.
Một ngày kia, khi ngài đang nằm đó, thực hành giới luật xong, có một đám mười sáu nam nhân từ làng bên cạnh, thèm ăn thịt nên lang thang vào rừng, cầm vũ khí trong tay. Khi trở về chẳng kiếm được thú vật gì, chúng thấy ngài nằm trên tổ kiến liền nghĩ: "Hôm nay ta chẳng bắt được một con tắc kè nhỏ nào nữa, vậy ta phải giết rắn chúa này mà ăn thịt".
Nhưng vì sợ thân mình ngài quá to lớn, dù chúng có bắt được ngài, ngài cũng sẽ thoát ra, nên chúng nghĩ rằng phải đâm ngài bằng các cây cọc ngay khi ngài đang nằm cuộn mình ở đó và sau khi gây thương tích cho ngài như vậy, chúng sẽ bắt ngài đi. Thế là chúng cầm cọc tiến đến gần ngài.
Lúc bấy giờ Bồ-tát biến hình to lớn như chiếc thuyền rộng cực kỳ xinh đẹp tựa vòng hoa lài đặt trên mặt đất, đôi mắt như quả Gunja, chiếc đầu như đóa hoa Jayasumana.
Khi nghe tiếng chân của mười sáu người kia, ngài ngẩng đầu lên từ thân thể cuộn tròn, mở to đôi mắt rực lửa nhìn cả bọn đi đến cầm cả cọc trong tay. Ngài suy nghĩ: "Hôm nay ước nguyện của ta sẽ thành tựu trong lúc ta nằm ở đây, vậy ta phải nhất tâm cao độ và hy sinh thân mạng ta cho bọn chúng, khi chúng lấy dao đâm ta, gây thương tích đầy mình mẩy ta, ta cũng không được mở mắt ra căm hận nhìn chúng". Rồi để giữ vững quyết tâm này vì sợ phạm giới luật, ngài dấu đầu vào giữa đám mào và nằm yên. Bọn người kia đến gần ngài nắm ấy đuôi kéo lê đi trên mặt đất. Sau đó lại thả ngài xuống, chúng dùng cọc nhọn đâm vào tám chỗ trên thân ngài rồi lấy gậy tre màu đen, gai nhọn đủ thứ đâm vào các vết thương đang nứt nẻ, xong lại tiến bước, lôi ngài theo bằng dây thừng buộc vào tám chỗ ấy.
Bậc Đại Sĩ từ lúc bị thương tích bởi cọc nhọn kia, chẳng hề mở mắt hay căm hận nhìn chúng, song khi ngài bị kéo lê đi bằng tám sợi dây ấy, đầu ngài chúc xuống, đập vào đất. Vì thế khi chúng thấy đầu ngài rủ xuống, chúng đặt ngài trên con đường dốc cao, đâm qua mũi ngài một chiếc cọc mỏng, nhấc đầu ngài lên, luồn sợi dây vào mũi, và sau khi buộc đầu dây xong, chúng lại nhấc đầu ngài tiếp tục kéo đi.
Vừa lúc ấy một vị điền chủ tên gọi là Alàra ở trong thành Mithila thuộc quốc độ Videha, đang ngồi trong một cỗ xe sang trọng du hành cùng năm trăm cỗ xe nữa, trông thấy bọn ác nhân đang cố lôi Bồ-tát trên đường, liền cho cả mười sáu người trong bọn chúng mỗi người một con bò, một nắm tiền vàng, đầy đủ y phục bên trong lẫn bên ngoài, lại cho vợ con chúng đồ kim hoàn để đeo, xong bảo chúng thả ngài ra.
Bồ-tát liền trở về cung điện Nàga, lập tức đem theo đám tùy tùng đông đảo, đến gặp Alàra, và sau khi tán dương cảnh đẹp của Long cung Nàga, ngài đem ông về đó.
Ngài ban tặng đại vinh hoa phú quý cho ông, cùng với ba trăm Long nữ và mời thọ hưởng đủ lạc thú thiên giới. Alàra sống một năm tròn tại cung thất Nàga hưởng mọi thiên lạc xong, liền bảo Long vương:
- Này hiền hữu, ta muốn trở thành ẩn sĩ tu hành.
Rồi đem theo đủ mọi thứ cần dùng cho đời ẩn sĩ, ông rời Long cung Nàga đi đến vùng Tuyết Sơn tu hành, an trú tại đó một thời gian dài. Dần dần, ngài tiếp tục ra đi đến gần thành Ba-la-nại và an trú trong ngự viên.
Hôm sau ngài vào thành đi khất thực, tiến vào cung. Vua Ba-la-nại thấy diện mạo ngài quả thật uy nghi liền cho gọi ngài vào yết kiến, đặt ngài lên chiếc bảo tọa đặc biệt và ban đủ cao lương mỹ vị. Còn vua ngồi trên chiếc bảo tọa thắp hơn, đảnh lễ ngài xong, lại đàm đạo với ngài, vua ngâm vần kệ đầu:
1. Dáng điệu thanh tao, tướng đẹp xinh,
Chắc con dòng thế phiệt trâm anh,
Niềm vui thế tục sao rời bỏ,
Khoác áo tu, theo luật Thánh hành?
Các vần kệ sau đây là những lời đối đáp xen kẽ giữa vị ẩn sĩ khổ hạnh và vua:
Ẩn sĩ Alàra:
2.Tâu Chúa công, ta nhớ rõ rành
Cung Long vương nọ, dáng oai linh,
Quả lành phát xuất từ thanh tịnh,
Nên nguyện khoác áo Thánh hành.
Đức vua:
3. Chẳng mối hãi kinh hoặc dục, sân
Khiến hiền nhân phải bỏ lời chân:
Nói cho ta rõ điều mong biết,
Tịnh tín tâm ta phát triển dần.
Ẩn sĩ Alàra:
4. Tâu Đại vương, trong bước hải hồ,
Trên đường ta thấy lũ côn đồ
Đang lôi Rồng lớn, dây xiềng trói,
Chiến thắng cười vui trở lại nhà.
5. Chúa thượng, ta liền đến hét to:
- Kinh hoàng, ta sửng sốt không ngờ
"Các ngài, lôi quái long đâu đó,
Ác đàng, làm gì nó nữa được?"
Ác đảng:
6. Rồng lớn ngài đang thấy trói vầy
Dị hình, cho thực phẩm ta đây
A-là-ra, chẳng còn mơ ước
Hưởng món ngon hơn mỹ vị này.
7. Từ đây ta vụt thẳng về nhà
Mỗi đứa dùng dao xẻ thịt ra,
Thưởng thức thịt ngon, vì phải biết,
Từ thủ rồng rắn chính nhà ta.
Alàra:
8. Vì Rồng này mới bắt trong rừng
Đang bị kéo về nấu món ăn,
Ta tặng mỗi bò cho một vị,
Các ngài thả nó khỏi dây chăng?
Ác đảng:
9. Thịt bò nghe quả thật bùi tai,
Rồng rắn ê hề thịt bấy nay,
Lời ấy, A-là, ta chấp thuận,
Từ đây, tình bạn sẽ lâu dài.
Alàra:
10 Chúng thả ngài ra khỏi sợi dây
Buộc xuyên qua lỗ mũi căng thay,
Chúa Rồng thoát được vòng tù tội
Hướng mặt về đông, nghỉ lát giây.
11. Vẫn nhìn đông, đã sẵn sàng bay,
Quay lại ngắm ta, mắt lệ đầy,
Trong lúc ta nhìn theo hướng ấy,
Như người cầu nguyện chắp đôi tay:
12. "Nhanh chân chạy trốn, hỡi thân bằng,
E lại sa vào lũ địch nhân,
Tránh bọn bạo tàn, dù thoáng thấy,
Nếu không, ắt phải họa vào thân".
13. Ngài vội đến hồ nước đẹp trong,
Đôi bờ lau sậy lẫn đào hồng,
Trong lòng hoan hỷ, không còn sợ,
Lặn xuống vực sâu thẳm mịt mùng.
14. Vừa khi biến mất, vị Long vương
Hiển lộ thần thông thực rõ ràng,
Thái độ ân cần, đầy tin cẩn,
Lời tri ân cảm động can tràng.
Long vương:
15. Ngài thân thiết vượt đấng sinh thành,
Đã cứu đời ta, bạn chí tình
Đến tận tay xương, nhờ chính bạn
Niềm hoan lạc trước được hồi sinh,
A-là, ngài viếng nơi ta ngự,
Cung điện đầy kho thực phẩm lành.
Chẳng khác In-dra thành thượng giới,
Ma-sak-ka, xứ sở lừng danh.
- Tâu Đại vương, sau khi nói xong những lời này, Long vương còn ca tụng thêm cảnh giới của ngài qua các vần kệ:
Long vương:
16. Quốc độ ta bao cảnh tuyệt vời
Dưới chân cỏ mướt phủ xanh tươi
chẳng vươn cát bụi trên đường lộ,
chốn ấy, ly sầu, hưởng lạc thôi.
17. Sân bằng, tường ngọc bích bao quanh,
Xoài đẹp sum suê tứ diện thành,
Chùm trái chín muồi khoe sắc thắm,
Bốn mùa thay đổi suốt năm lành.
18. Giữa rừng xoài ấy, điện bằng vàng
Ngài ngắm, then cài bạc chắn ngang,
Rực rỡ cung đình kia nổi bật
Hơn làn chớp lóe giữa không gian.
19. Tô điểm bảo châu, đẹp dị thường
Biết bao tranh vẽ quý trang hoàng,
Bầy tiên phục sức xa hoa quá,
Trước ngực đong đưa chuỗi hạt vàng.
Alàra:
20. Sam-kha đại đế ngự lên mau
Lầu thượng, quyền uy thật tối cao
Được dựng lên ngàn hàng cột trụ,
Ấy cung hoàng hậu được ngài giao.
21. Nhanh nhẹn một tiên nữ giữa bầy,
Cầm viên ngọc báu ở trong tay
Ngọc lam quý hóa đầy thần lực,
Tự ý mời ta một chiếc ngai.
22. Rồng chúa nắm tay dẫn đến nơi
Sừng sững cao sang, một chiếc ngai:
"Xin ngài an tọa, ta ngồi cạnh
Như đấng sinh thành, thắm thiết thay!".
23. Thêm một nàng theo kịp lệnh ngài
Đến cùng bình nước ở trong tay,
Rửa chân, hầu hạ ta chu đáo
Như chánh hậu chầu Long đế đây.
24. Thêm nàng tiên nữa thật nhanh chân
Dâng chén vàng cơm thập cẩm ngon
Gia vị thơm nồng càng cám dỗ
Kẻ thèm ăn mỹ vị cao lương.
25. Trỗi nhạc lên- vì chàng hiểu rằng
Đó là ý chúa - Chúng hằng mong
Chiếm lòng ta, cũng như Long đề
Đem thù thần tiên để tấn công.
Rồi vị chúa rồng đến gần ta ngăm thêm vần kệ:
26. Ba trăm tỷ thiếp, hỡi A-là,
Trẫm có sẵn đây cả ấy mà,
Tất cả đều lưng thon yểu điệu,
Yêu kiều dung sắc vượt liên hoa,
Kìa xem! Chúng chỉ chiều tôn ý,
Xin nhận lời ban tặng của ta.
Alàra nói tiếp:
27. Một năm thiên lạc hưởng tràn đầy,
Ta hỏi Long vương một chuyện này:
"Sao được tiên cung làm nội thất,
Làm sao cung điện đến phần ngài?
28. Tiên cảnh này thành tựu ngẫu nhiên,
Được ngài xây? Tặng vật chư Thiên?
Long vương xin nói điều chân thật,
Sao đến an nhàn ở cảnh tiên?
Sau đây là các vấn kệ đối đáp nhau giữa đôi bên:
Long vương:
29. Chẳng phải tình cờ, chẳng tự nhiên,
Chẳng do ta tạo, hoặc chư Thiên,
Chính nhờ thiện nghiệp ta, ngài biết,
Nhờ đức hạnh, ta hưởng cảnh tiên.
Alàra:
30. Hạnh nguyện gì, đâu Thánh đạo cao,
Đức gì tích trữ phước ngày sau?
Long vương, xin nói, ta mong biết
Ngài huởng tiên cung bởi cách nào?
Long vương:
33. Ta nguyện lời kia, sống trọn đời
Tu nhân tích đức góp gom hoài,
Cung này, nhờ đó, sau cùng hưởng,
Thực phẩm tràn đầy chứa khắp nơi.
Alàra:
34. Cuộc đời dù sáng rực bao ngày,
Vũ khúc, hoan ca chẳng kéo dài,
Kẻ yếu hại ngài vì đại lực,
Lũ hèn làm dũng sĩ xa bay:
Răng thần sao đấu không cân sức,
Ngài chịu thua bầy hạ tiện vầy?
35. Ngài chịu đau vì quá hãi hùng?
Do đâu nọc độc đã tiêu vong?
Sao ngài thần lực đầy răng ấy,
Mà phải chịu đau bởi ác nhân?
Long vương:
36. Ta chẳng thua vì quá hãi hùng,
Chẳng ai làm đại lực tiêu vong,
Mọi người thừa nhận bao công đức
Như biển bờ cao, chẳng ngập tràn.
37. Ngày trai mỗi tháng giữ hai lần,
Chính buổi kia ngăn chặn bước đàng,
Mười sáu chàng trai, tay nắm đủ
Dây thừng, thòng lọng cực kỳ sang.
38. Bọn ác nhân đâm thủng mũi ta
Xuyên dây thừng ấy, kéo ta qua,
Đớn đau, ta chịu, ôi đành phận,
Giữ Thánh nhật cho khỏi phạm mà.
Alàra:
39. Thấy trên đường vắng, trải giăng dài
Hình đẹp, khổng lồ, đại lực oai:
"Bậc trí hiển vinh", ta thét lớn,
"Sao nguyền đời khổ hạnh, thưa ngài?"
Long vương:
40. Ta chẳng cầu con, chẳng ước giàu,
Chẳng mong thọ mạng được dài lâu,
Song trên nhân thế ta mong sống
Nỗ lực anh hùng đạt đích cao.
Alàra:
41. Tóc râu chải chuốt, dáng oai hùng,
Phục sức hoàng y, mắt lửa bừng,
Đỏ thắm chiên-đàn, ngài rực rỡ
Xa xa, nào khác Nhạc thiên thần.
42. Hưởng bao ân huệ lộc trời cho,
Đầy đủ mọi điều dạ ước mơ,
Ta hỏi Long vương, xin nói thật,
Cõi người sao lại muốn an cư?
Long vương:
43. Không đâu trừ thế giới người đời
Thanh tịnh, điều thân được thấy rồi,
Chỉ sống giữa đời người thế tục
Đọan trừ sinh tử kiếp sau thôi.
Alàra:
44. Dù hưởng đầy hoan lạc dị thường,
Cùng Long vương sống suốt năm trường,
Giờ ta vĩnh biệt, ra đi mãu,
Không ở nữa, vì xa cố hương.
Long vương:
45. Thê nhi trẫm với lũ cung nhân
Được luyện hầu ngài, lệnh phục tuân,
Chắc chẳng kẻ nào gây xúc phạm,
Vì ngài, trẫm thấy rất thương thân.
Alàra:
46. Đủ mặt mẹ cha thắm thiết tình,
Hân hoan tràn ngập cả gia đình,
Còn nhiều người quý yêu con trẻ,
Song lạc tối cao giữa chúng sinh
Ta được thấy đây, Long đế hỡi,
Vì ngài đầy thắm thiết bên mình.
Long vương:
47. Bảo châu trẫm có điểm hồng vân
Đem đại phú cho kẻ thiếu phần,
Nhận lấy về nhà, khi phú quý,
Xin đưa trả ngọc lại Long quân.
Ẩn sĩ sau khi nói xong những lời này, liền tiếp tục như sau:
- Tâu Đại vương, sau đó ta đáp lời Long vương: "Tâu Đại đế, ta không mang giàu sang, ta chỉ muốn xuất gia tu hành".
Sau khi xin ban đủ mọi vật cần thiết cho đời sống tu hành ẩn sĩ, ta từ giã cảnh giới Nàga cùng với Long vương, và khi đã mời ngài trở lui về, phần ta vào vùng Tuyết Sơn tu tập.
Nói xong, ẩn sĩ này lại thuyết giáo cho vua Ba-la-nại và ngâm thêm hai vần kệ :
48. Dục tham trần thế thoáng qua nhanh
Chẳng phục tuân quy luật trưởng thành,
Thấy khổ phát sinh từ ái dục,
Tín tâm dẫn bước đến tu hành.
49. Người tàn như trái rụng, tiêu vong,
Già trẻ, muôn loài rã mục thân,
Ta chỉ trú an trong Thánh hạnh,
Tối ưu là Thực thể thuần chân.
Nghe lời này, vua ngâm kệ đáp lời:
50. Bậc hiền có trí tuệ uyên thâm,
Chư vị tu Thiền định chú tâm
Đề mục tối cao, mà tất cả
Chúng ta phải luyện tập tinh cần;
Nghe lời ngài dạy, cùng Long đế,
Trẫm thực hành toàn nghiệp thiện chân.
Vị ẩn sĩ muốn khuyến khích tinh tấn lực của vua, liền ngâm kệ kết thúc:
51. Bậc hīền, có trí tuệ uyên thâm,
Chư vị tu thiền định chú tâm
Đề mục tối cao, mà tất cả
Chúng ta phải luyện tập tinh cần;
Nghe lời ta dạy, cùng Long đế,
Chúa thượng thực hành nghiệp thiện chân.
Vị này thuyết giáo như vậy với vua và sau khi ở lại đó bốn tháng mùa mưa, liền trở về Tuyết Sơn sống và tu tập Tứ Vô lượng tâm đến khi mạng chung, được tái sinh Phạm thiên giới.
Còn vua Samkhapàla. trong suốt quãng đời còn lại, chuyên tâm hành trì các ngày trai giới, bố thí, cùng nhiều thiện sự khác, nên sau khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân:
Thời bấy giờ, vị vua cha trở thành ẩn sĩ khổ hạnh chính là Kassapa (Ca-diếp), vua Ba-la-nại là Ànanda (A-nan), ẩn sĩ Alàra là Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Long vương Samkhapàla chính là Ta.
-ooOoo-
525. Chuyện tiểu Sutasoma (Tiền thân Culla-Sutasoma)
Hiền hữu, thần dân thụ họp đây..,
Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự tu tập viên mãn hạnh xuất gia của Ngài.
Phần đầu câu chuyện tương ưng với phần đầu của Tiền thân Mahànàrada Kassapa số 544, tập VII.
*
Ngày xưa tại thành Bà-la-nại, ngày nay là kinh thành Sudassana, có vua Brahmadatta trị vì. Chánh hậu của ngài sinh ra Bồ-tát. Khuôn mặt ngài sáng rực như trăng rằm, vì thế ngài được đặt tên Somakumàra (Nguyệt Cung Vương tử). Khi ngài đến tuổi trưởng thành, vì ngài thích uống nước trái cây Soma và hay có thói quen tưới rượu lễ vào đó nên ngài được mệnh danh Sutasoma (người làm rượu Soma).
Đến tuổi khôn lớn, ngài được truyền dạy các môn học thuật tại Takkasilà và khi trở về nhà, ngài được vua cha ban chiếc lọng trắng. Ngài trị vì quốc độ rất đúng pháp, cai quản cả một lãnh thổ rộng lớn cùng mười sáu ngàn cung tần, với nàng Candadevi làm chánh hậu. Dần dần hoàng gia càng thêm đông đúc, ngài đâm nhàm chán với cuộc sống gia đình nên lui vào rừng, mong ước thọ trì giới luật tu hành. Một ngày kia, ngài triệu người hớt tóc vào phán bảo:
- Khi nào khanh thấy sợi tóc bạc trên đầu trẫm, khanh phải nói cho trẫm biết.
Người hớt tóc tuân lệnh, sau đó thấy một sợi tóc bạc, liền tâu với ngài ngay. Vua bảo:
- Vậy khanh hãy nhổ ra và đưa cho trẫm.
Ngừơi hớt tóc lấy cái nhíp vàng nhổ ra và đặt vào tay ngài. Bậc Đại Sĩ thấy sợi tóc bạc, kêu to:
- Thân ta sắp bị tuổi già tàn phá.
Rồi ngài kinh hoảng cầm sợi tóc bạc bước xuống lầu, ngự lên ngai đặt trước thần dân.
Sau đó, ngài triệu tám mươi ngàn triều thần do vị đại tướng cầm đầu và sáu mươi ngàn Bà-la-môn do vị tế sư của triều đình lãnh đạo, cùng nhiều cận thần và dân chúng đến bảo:
- Tóc bạc đã xuất hiện trên đầu trẫm, trẫm đã già rồi, các khanh phải biết rằng trẫm muốn thành ẩn sĩ.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
1. Hiền hữu, thần dân tụ tập đây,
Quân sư tin cẩn, hãy nghe vầy:
Giờ đầu tóc bạc ta dần hiện,
Ta muốn trở thành ẩn sĩ ngay.
Nghe vậy, mỗi người trong đám kia đều thất vọng ngâm vần kệ này:
2. Bất xứng lời kia đã thốt ra,
Mũi tên Hoàng thượng thấu tim ta:
Bảy trăm cung nữ, tâu Hoàng thượng,
Sẽ thế nào khi chúa xuất gia?
Tiếp theo, bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ thứ ba:
3. Kẻ khác sẽ khuyên chúng hết buồn,
Chúng đều kiều diễm, tuổi thanh xuân,
Còn ta hướng đích lên thiên giới,
Nên muốn làm tu sĩ ẩn thân.
Các vị quân sư không thể nào đáp lời vua được liền đi yết kiến Thái hậu và trình câu chuyện với bà. Thái hậu liền vội vã đi đến hỏi vua:
- Này vương nhi, quần thần bảo rằng vương nhi muốn làm ẩn sĩ, có đúng chăng?
Bà lại ngâm hai vần kệ:
Than ôi! Ngày bất hạnh như vầy,
Ngày được vương nhi gọi mẹ đây:
Vì quá vô tình nhìn lệ thảm,
Con đành làm ẩn sĩ từ nay.
5. Bạc phận, than ôi, quả đúng thời
Sơ-ma yêu quí đã chào đời!
Vô tình trước lệ sầu cay đắng
Con quyết tu hành, vương tử ôi!
Trong khi Thái hậu than khóc như vậy, Bồ-tát không thốt lên lời nào. Thái hậu vẫn ngồi một mình khóc lóc mãi. Sau đó quần thần tâu với phụ hoàng. Ngài đi đến ngâm kệ sau:
6. Pháp nào đây hướng dẫn vương nhi
Mong ước rời vương quốv biệt ly,
Bỏ mặc lão thân đời quạnh quẻ,
Ẩn am tìm đến để tu trì?
Nghe vậy, bậc Đại Sĩ liền trấn an ngài. Phụ vương lại bảo:
- Này vương nhi Sutasoma, cho dù con không thương tiếc gì đến song thân nữa, con vẫn còn nhiều vương tử, công chúa lắm. Chúng không thể nào sống thiều con được. Vậy đợi đến khi chúng trưởng thành rồi vương nhi hãy xuất gia tu hành có được chăng?
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ bảy:
7. Vương nhi nhiều ấu tử, e rằng:
Hết thảy còn đang độ búp măng,
Đến lúc vương nhi vừa vắng bóng
Nỗi buồn nào sánh chúng hay chăng?
Nghe lời này, bậc Đại Sĩ đáp vần kệ:
8. Quả thật, thần nhi có lắm con,
Chúng còn đang độ tuổi măng non,
Dù bao năm sống gần bên chúng,
Con phải giờ đây vĩnh biệt luôn.
Thế là bậc Đại Sĩ thuyết Pháp cho phụ vương và khi nghe ngài thuyết Pháp, vua cha bình tâm lại, rồi quần thần thông báo cho bảy trăm cung phi. Họ từ trên thượng lầu bước xuống yết kiến ngài, ôm lấy chân ngài và ngâm vần kệ:
Lòng ngài chắc phải vỡ vì buồn,
Hoặc giả ngài không biết xót thương,
Nên ước nguyện theo đời ẩn sĩ,
Để cung tần khóc nỗi cô đơn!
Bậc Đại Sĩ nghe họ khóc than như vậy trong lúc họ ngã mình dưới chân ngài và gào thét, liền ngâm thêm một vần kệ:
10. Lòng ta không thể vỡ vì buồn
Dẫn thấy đau vầy, cũng xót thương,
Song việc tu hành ta đã quyết
Để ta hưởng cực lạc thiên đường.
Sau khi, quần thần trình lên chánh cung hoàng hậu. Bà đang mang thai nặng nhọc vì ngày sinh cận kề, bà liền đến gần bậc Đại Sĩ, đảnh lễ ngài và kính cẩn đứng qua một bên rồi ngâm ba vần kệ:
11. Than ôi! bất hạnh chính là ngày
Thiếp được xe duyên Chúa thượng đây,
Vì quá vô tình nhìn lệ thảm,
Đại vương quyết chí xuất gia ngay.
12. Bạc phận, than ôi, đó chính ngày
Cùng So-ma kết tóc xe dây,
Vì chàng để mặc ai sầu chết,
Quyết chí theo đời ẩn sĩ đây.
13. Mãn nguyệt khai hoa đã kế gần,
Mong chàng ở lại, hỡi vương quân,
Khi con sinh hạ, ngày sầu thảm
Thiếp biết từ đây mất Chúa công.
Đến lượt bậc Đại Sĩ ngâm vần kệ đáp:
14. Mãn nguyệt khai hoa đã tới hồi,
Ta chờ đến lúc trẻ ra đời,
Rồi ta từ giả ngay vương tử,
Xuất thế, ta thành ẩn sĩ thôi!
Nghe ngài nói vậy, bà không thể nào kiềm chế nỗi sầu thảm được nữa, liền lấy hai tay ôm ngực, bảo ngài:
- Tâu Chúa thượng, từ nay cảnh vinh quang của đôi ta không còn nữa.
Rồi lau dòng lệ xong, bà lại than khóc thảm thiết.
Bậc Đại Sĩ ngâm kệ an ủi bà:
15. Vương hậu mắt huyền hoa mượt mà,
Xin nàng đừng khóc nữa vì ta,
Nguyệt Nga, lên thượng lầu an nghỉ,
Ta sẽ đi, lòng chẳng thiết tha!
Không thể nào chịu đựng nổi lời nói của ngài được nữa, bà vội bước lên thượng lầu ngồi khóc một mình. Lúc ấy vị thái tử của Bồ-tát thấy vậy, hỏi bà:
- Tại sao mẫu hậu ngồi khóc ở đây?
Và chàng ngâm kệ này hỏi mẹ:
16. Mẫu hậu có ai khiến mẹ buồn,
Cớ sao mẹ khóc, lại nhìn con?
Ai trong hoàng tộc lòng vô đạo,
Vì mẹ, con đành giết sạch luôn.
Hoàng hậu liền ngâm vần kệ đáp:
17. Không ai dám hại đến người kia,
Người khiến ta sầu khổ não nề,
Vì chính phụ vương con đã nói:
"Ta không đoái tưởng, sẽ ra đi".
Nghe lời mẹ, thái tử nói:
- Tâu mẫu hậu, sao mẫu hậu lại nói thế? Nếu quả vậy thì chúng con thật bơ bơ.
Chàng liền than khóc và ngâm kệ:
18. Có lần ta dạo khắp hoa viên
Nhìn lũ voi giao đấu trận tiền,
Vì thử phụ vương thành ẩn sĩ
Ta làm gì, hỡi kẻ vô duyên?
Sau đó, một vị vương tử vừa lên bảy, thấy anh và mẹ đang khóc, liền đến gần mẹ hỏi:
- Mẫu hậu và hoàng huynh ơi, cớ sao lại than khóc?
Và khi nghe duyên cớ, cậu bé bảo:
- Thôi được, đừng khóc nữa, con sẽ không để phụ vương xuất gia đâu.
Rồi vương tử an ủi hai vị, xong cùng nhũ mẫu bước xuống khỏi thượng lầu, đến yết kiến phụ vương và thưa:
- Tâu phụ vương, thần nhi nghe nói phụ vương sắp rời bỏ chúng con mà xuất gia, mặc dù chúng con không muốn, vậy con không chịu để phụ vương đi tu đâu.
Rồi ôm chặt lấy cổ vua cha, vương tử ngâm vần kệ:
19. Mẫu hậu đang ngồi khóc nỉ non,
Vương huynh cũng muốn giữ cha thương,
Con ôm vương phụ bằng tay vậy,
Chẳng để cha đi trái ý con.
Bậc Đại Sĩ liền suy nghĩ: "Thằng bé này thật là mối nguy hiểm cho ta, ta làm thế nào để thoát được nó đây?". Rồi nhìn người nhũ mẫu, ngài bảo:
- Này hiền nhũ mẫu, hãy nhìn viên ngọc trang sức này, ta cho ngươi đấy, chỉ việc đem đứa bé này đi nơi khác, đừng để nó cản trở ta.
Vì ngài không thể tránh được cậu bé đang nắm chặt lấy tay ngài, ngài hứa ban thưởng cho nhũ mẫu ấy và ngâm kệ:
20. Gắng nuôi vương tử lớn lên dần,
Đem trẻ vui đùa chốn khác hơn,
E trẻ phá tan niềm hỷ lạc,
Cản chân ta vội đến thiên đường.
Nhủ mẫu nhận món quà thưởng và dỗ dành cậu bé rồi dẫn đi nơi khác, bà vừa than khóc vừa ngâm kệ:
21. Vì ta từ khước hạt minh châu,
Ta chẳng màng chi - sẽ thế nào?
Vì Chúa thượng ta làm ẩn sĩ
Bảo châu còn có nghĩa gì đâu?
Lúc ấy vị đại tướng của ngài suy nghĩ: "Chắc đức vua tưởng ngài chỉ có rất ít bảo vật trong cung thôi. Vậy ta sẽ cho ngài biết có vô số kể". Vì thế vị này đứng lên đảnh lễ vua và ngâm kệ:
22. Đại vương đầy ắp mọi kho tàng,
Chúa thượng tạo nên đại phú cường,
Toàn cõi thế gian đều khuất phục,
Chớ làm ẩn sĩ, sống thư nhàn.
Nghe vậy, bậc Đại Sĩ đáp vần kệ:
23. Kho tàng đầy ắp các kim ngân,
Ta đã tạo nên đại phú cường,
Toàn cõi thế gian đều khuất phục,
Nay làm ẩn sĩ, bỏ phàm trần!
Khi ấy một vị đại phú thương vừa đi đến, có tên là Kulavaddhana, nghe lời liền đứng lại, đảnh lễ vua và ngâm kệ:
24. Đại vương, thần tột đỉnh giàu sang,
Chẳng đếm làm sao xiết bạc vàng,
Xin ngắm hạ thần dâng tất cả,
đứng làm ẩn sĩ, sống thư nhàn!
Nghe lời này, bậc Đại Sĩ đáp vần kệ:
25. Này hỡi Ku-la, vẫn biết rằng
Khanh mong dâng hiến cả kho tàng
Song ta hướng dịch về thiên giới
Nên khước từ nhân giới dục tham.
Bậc Đại Sĩ thuyết Pháp như vậy cho dân chúng rồi bước lên thượng lầu của Cung Vạn Hoa, ngài đứng trên tầng thứ bảy, cắt búi tóc và bảo:
- Bây giờ ta không là gì nữa đối với các ngươi, vậy các ngươi hãy chọn một vị vua khác đi.Cùng với những lời này, ngài ném búi tóc của ngài, khăn đội đầu, cùng các bảo vật khác xuống giữa đám quân thần dân chúng. Quần thần cầm lấy búi tóc, lăn lóc trên mặt đất, kêu gào thảm thiết, rồi một đám bụi từ nơi ấy tung lên cao, dân chúng đứng lùi lại nhìn theo bảo nhau:
- Có lẽ đức vua đã cắt búi tóc và ném xuống cùng khăn đội đầu đủ cả vào đám dân chúng, cho nên mới có đám bụi tung lên gần cung điện.
Rồi họ khóc than ngâm kệ:
32. Nhìn đám bụi kia chợt tỏa cao
Gần hoàng cung đại Vạn Hoa Lầu,
Chắc rằng Minh đế lừng danh vọng
Đã cắt tóc ngài với bảo đao!
Còn bậc Đại Sĩ truyền gọi một quân hầu tìm đủ vật dụng cần thiết của một ẩn sĩ đem đến cho ngài, lại bảo người thợ hớt tóc cạo sạch râu tóc ngài, ném chiếc hòang bào rực rỡ xuống bảo tọa, ngài cắt bỏ mọi dải lụa màu, đắp lên người những miếng vải nối lại màu vàng, buộc cái chén đất lên đầu vai trái, rồi cầm chiếc gậy hành khất trong tay, ngài đi lui đi đi tới trên thượng lầu, sau đó bước xuống lầu đi ra đường, song không ai nhận ra ngài khi ngài đi xuông cả.
Còn bảy trăm cung tần bước lên thượng lầu không tìm thấy ngài, mà chỉ thấy đống xiêm y của ngài; liền bước xuống bảo mười sáu ngàn cung phi khác:
- Đại đế Sutasoma, Chúa thượng tôn quý của ta đã trở thành ẩn sĩ rồi.
Và họ than khóc bước ra. Vừa lúc ấy dân chúng hay tin ngài đã làm ẩn sĩ, cả kinh thành chấn động hẳn lên, dân chúng bảo nhau:
- Người ta bảo đức vua đã trở thành ẩn sĩ rồi.
Họ đều tụ tập tại cung môn, kêu lên:
- Chúa thượng chắc đang ở một nơi nào đó.
Rồi họ đổ xô ra khắp nơi ngài thường lui tới, song không tìm được ngài, họ đi lang thang đây đó vừa than khóc, vừa ngâm kệ:
33. Này đây, cung điện, tháp lầu vàng,
Lủng lẳng vòng hoa tỏa ngát hương,
Rộn rịp bao cung tần mỹ nữ,
Ngày xưa Chúa thượng ngự du thường.
34. Giăng mắc vòng hoa, dát ngọc vàng,
Ta nhìn cung điện nóc cao sang
là nơi hoàng tộc chầu bên cạnh,
Đại đế kiêu hùng bước dọc ngang.
35. Đây vườn thương uyển rực muôn hoa,
Thay đổi quanh năm với các mùa,
Rộn rịp bao cung tần mũ nữ,
Ngày xưa Chúa thượng ngự loan xa.
36. Hồ kia phủ khắp đám sen xanh.
Nơi chốn chim muông đến lượn quanh,
Tất cả hoàng gia chầu cạnh đó,
Ngày xưa Chúa thượng vẫn du hành.
Cứ thế dân chúng vừa đi khắp nơi vừa than khóc rồi trở lại sân chầu, họ ngâm kệ:
37. Thật buồn thay Chúa thượng So-ma
Đã bỏ ngai vàng để xuất gia,
Mặc chiếc hoàng y, ngài rảo bước
Như voi đơn độc lạc đường xa.
Rồi họ ra đi, bỏ hết nhà cửa đồ đạc, dắt theo con cái đi tìm Bồ-tát và cha mẹ, cháu chắt họ cùng đi theo với mười sáu ngàn cung phi ca múa. Cả kinh thành như bãi sa mạc vì dân chúng đi theo nhau cả. Bồ-tát và dân chúng chiếm cứ một vùng mười hai dặm về núi Tuyết Sơn.
Lúc ấy Đế Thích Thiên chủ, chú tâm đến Đại sự Xuất thế của ngài, liền bảo Vissakamma:
- Này hiền hữu Vissakamma, vua Sutasoma đã từ bỏ thế tục. Ngài phải có nơi ẩn cư, vì dân chúng tụ tập quanh ngài đông lắm.
Ngài lại triệu vị này đến bảo:
- Hãy đi dựng am thất ẩn sĩ dài mười ba dặm, rộng năm dặm trên bờ sông Hằng ở vùng núi Tuyết Sơn.
Vị này tuân lệnh, cung cấp các lều ẩn sĩ đầy đủ mọi vật dụng cần thiết và lại làm một con đường dẫn đến đó, rồi trở về thiên giới.
Bậc ĐạI sĩ theo đường này đến vùng am tranh, sau khi ngài thọ đại giới, ngài lại truyền giới cho đám dân chúng, dần dần đa số được thọ giới nên khu vực mười ba dặm này đông đảo người tu. Lúc bấy gờ, việc Vissakamma xây am ẩn sĩ ra sao, đại chúng được truyền giới như thế nào, vùng am thất của Bồ-tát được sắp đặt ra sao, đều được hiểu theo như kiểu trong Tiền thân Hatthipàla số 509, Tập V. Ở đây, nếu có một dục tưởng hay tà kiến nào khởi lên trong tâm bất cứ người nào, bậc Đại Sĩ liền đến gần người đó ở trên không, ngồi kiết già giữa không gian và thuyết pháp qua hai vần kệ :
38. Quên đi chuyện ái dục ngày xưa
Khi vẻ mặt người vẫn cợt đùa,
Kẻo sợ kinh thành hoan lạc ấy
Làm bừng dục vọng, phải tiêu ma.
39. Thoát người tham đắm, tự điều thân,
Thiện ý ngày, đêm với thế nhân,
Ngươi sẽ hưởng ngôi nhà thượng giới,
Nơi người hành thiện đến chung phần.
Hội chúng Thánh nhân này hành trì lời giáo huấn của ngài, nên được tái sinh lên Phạm thiên giới, câu chuyện được kể giống hệt như trong Tiền thân Hatthipàla.
*
Sau khi bậc Đạo Sư chấm dứt thời Pháp thọai, Ngài bảo:
- Này các Tỷ kheo, không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa, Như Lai đã làm Đại sự Xuất thế.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, song thân là vương phụ và mẫu hậu trong triều đình, Candà là mẹ Ràhula (La-hầu-la), Thái tử là Sàriputta (Xá-lợi-phất), tiểu vương tử là Ràhula, nhũ mẫu là Khujjutarà, vị phú thương Kulavaddhana là Kassapa (Ca-diếp), vị đại tướng là Moggallàna (Mục-kiền-liên), hoàng đệ Somadatta là Ànanda (A-nan) và vua Surasoma chính là Ta.
-ooOoo-
Đầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06
Chân thành cám ơn đạo hữu HT đã
giúp đánh máy bản vi tính,
và đạo hữu PCC đã giúp dò soát (Bình Anson, 09-2005).
last updated: 07-10-2005