BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Tương
Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
[12] Chương I
-ooOoo-
VII. Ðại Phẩm Thứ Bảy
I. Hạng Người Ít Nghe (Tạp 12.7 Vô Văn, Ðại 2, 81c)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát thân do bốn đại tạo thành này.
3) Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì họ thấy được cái thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả.
Do vậy, ở đây kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.
4) Và này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
5) Vì sao? Ðã lâu ngày, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
Do vậy, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
6) Này các Tỷ-kheo, thật tốt hơn cho kẻ vô văn phàm phu đi đến với thân do bốn đại tạo thành này xem như là tự ngã, hơn là đối với tâm.
7) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỷ-kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.
8) Này các Tỷ-kheo, ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng núi, nắm lấy một nhành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một nhành khác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức này cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.
9) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy định lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt". Ví như do duyên vô minh, các hành sanh khởi. Do duyên hành, thức sanh khởi... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
10) Do đoạn diệt, ly tham vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
11) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly; do viễn ly nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết được: "Ta giải thoát", vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
II. Hạng Người Ít Nghe (Tạp 12,8 Vô Văn, Ðại 2, 82a) (S.ii,95)
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, có thể viễn ly, có thể giải thoát đối với cái thân do bốn đại tạo thành này.
3) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì họ thấy thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả. Do vậy, ở đây, kể vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.
4) Và này các Tỷ-kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
5) Vì sao? Ðã lâu ngày, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Do vậy, ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.
6) Này các Tỷ-kheo, thật tốt hơn cho kẻ vô văn phàm phu đi đến với thân do bốn đại tạo thành này, xem như là tự ngã, hơn là đối với tâm.
7) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỷ-kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử khéo chơn chánh tư duy lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt".
9) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ, nên lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy được chấm dứt.
10) Này các Tỷ-kheo do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ, nên khổ thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ ấy diệt, nên khổ thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến khổ thọ ấy diệt, khổ thọ ấy chấm dứt.
11) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do hai khúc cây cọ xát hòa hợp nên sức nóng được sanh, lửa được khởi lên. Do hai khúc cây ấy xa lìa tách biệt, nên sức nóng ấy đoạn diệt, sức nóng ấy chấm dứt.
13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ nên lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy chấm dứt.
14) Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ...
15) Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ ấy được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.
16) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với xúc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly; do viễn ly nên giải thoát. Trong sự giải thoát trí khởi lên, biết rằng: "Ta đã giải thoát", vị ấy biết rõ : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa".
III. Thịt Ðứa Con (Tạp 15.11 Tử Nhục, Ðại 2, 102b) (S.ii,97)
1) ...Ở Sàvatthi.
2) ...Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại, hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay chúng sanh.
3) Thế nào là bốn? Ðoàn thực hoặc thô, hoặc tế; thứ hai là xúc thực; thứ ba là tư niệm thực; thứ tư là thức thực.
Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại, hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay các loài chúng sanh.
4) Và này các Tỷ-kheo, đoàn thực cần phải nhận xét như thế nào?
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, hai vợ chồng đem theo một ít lương thực đi qua một quãng đường hoang dã, với một đứa con khả ái, thương mến.
6) Rồi này các Tỷ-kheo, trong khi hai vợ chồng ấy đang đi trên con đường hoang vu, số lương thực ít ỏi ấy đi đến hao mòn, khánh tận. Và một vùng hoang vu còn lại chưa được họ vượt qua.
7) Rồi này các Tỷ-kheo, hai vợ chồng người ấy suy nghĩ: "Ðồ lương thực ít ỏi của chúng ta đã bị hao mòn, khánh tận; còn lại vùng hoang vu này chưa được vượt qua; vậy chúng ta hãy giết đứa con một, khả ái, dễ thương này, làm thành thịt khô và thịt ướp, ăn thịt đứa con và vượt qua vùng hoang vu còn lại này, chớ để tất cả ba chúng ta đều bị chết hại".
8) Rồi hai vợ chồng ấy giết đứa con một, khả ái, dễ thương ấy, làm thịt khô và thịt ướp, ăn thịt người con và vượt qua vùng hoang vu còn lại ấy. Họ vừa ăn thịt con, vừa đập ngực, than khóc: "Ðứa con một ở đâu? Ðứa con một ở đâu?"
9) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Họ ăn món ăn có phải để vui chơi? Hay họ ăn món ăn để tham đắm? Hay họ ăn món ăn để trang sức? Hay họ ăn món ăn để béo tốt?
-- Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn.
10) -- Có phải họ ăn các món ăn chỉ với mục đích vượt qua vùng hoang vu?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
11) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói đoàn thực cần phải nhận xét như vậy. Này các Tỷ-kheo, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử, do kiết sử này, một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sanh lại đời này.
12) Và này các Tỷ-kheo, xúc thực cần phải nhận xét như thế nào?
13) Này các Tỷ-kheo, ví như một con bò cái bị lở da, nếu nó đứng dựa vào tường, thời các sanh vật sống ở tường cắn nó. Nếu nó đứng dựa vào cây, thời các sanh vật sống ở cây cắn nó. Nếu nó đứng ở trong nước, thời các sanh vật sống ở trong nước cắn nó. Nếu nó đứng giữa hư không, thời các sanh vật giữa hư không cắn nó. Này các Tỷ-kheo, con bò cái ấy đứng dựa vào chỗ nào, thời các sanh vật trong các chỗ ấy cắn nó. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói xúc thực cần phải được nhận xét.
14) Này các Tỷ-kheo, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.
15) Và này các Tỷ-kheo, tư niệm thực cần phải nhận xét như thế nào?
16) Này các Tỷ-kheo, ví như một hố than hừng, sâu hơn một thân người, chứa đầy than cháy đỏ rực, hừng cháy không có khói. Rồi một người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, chán ghét khổ. Rồi hai người lực sĩ đi đến, nắm chặt hai cánh tay người ấy, kéo người ấy đến hố than hừng ấy. Này các Tỷ-kheo, người ấy quyết chí muốn lánh xa, tinh cần muốn lánh xa, phát nguyện muốn lánh xa hố than hừng ấy.
17) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ấy chỉ nghĩ như sau: "Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên ấy, ta đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết". Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng tư niệm thực cần phải nhận xét.
18) Này các Tỷ-kheo, khi tư niệm thực được hiểu biết, thời ba ái được hiểu biết. Khi ba ái được hiểu biết, Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.
19) Và này các Tỷ-kheo, thức thực cần phải nhận xét như thế nào?
20) Ví như, này các Tỷ-kheo, người ta bắt một người ăn trộm, một người phạm tội, dẫn đến vua và thưa: "Thưa Ðại vương, người này là người ăn trộm, một người phạm tội. Hãy trừng phạt người ấy nếu như Ngài muốn". Vị vua nói như sau về người ấy: "Các Ông hãy đi và đánh người này với một trăm hèo vào buổi sáng". Và họ đánh người ấy với một trăm hèo vào buổi sáng.
21) Rồi vị vua vào buổi trưa nói: "Này các Ông, người ấy như thế nào?" -- "Thưa Ðại vương, người ấy vẫn còn sống". Rồi vua nói về người ấy: "Này các Ông, các Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi trưa". Và họ đánh người ấy một trăm hèo vào buổi trưa.
22) Rồi vị vua vào buổi chiều nói: "Này các Ông, người ấy như thế nào?" -- "Thưa Ðại vương, người ấy vẫn còn sống". Rồi vua nói về người ấy: "Này các Ông, các Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi chiều".
23) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy trong ngày bị đánh đến ba trăm hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu không?
-- Bạch Thế Tôn, chỉ bị đánh một hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu, còn nói gì bị đánh đến ba trăm hèo!
24) -- Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói thức thực cần phải nhận xét.
25) Này các Tỷ-kheo, khi thức thực đựơc hiểu rõ, thời danh sắc được hiểu rõ. Khi danh sắc được hiểu rõ, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không làm gì thêm nữa.
IV. Có Tham (Tạp 15.12-4. Ðại 2,102c) (S.ii,101)
1) ...Trú ở Sàvatthi.
2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn đưa đến sự tồn tại hay sự chấp thủ tái sanh của các loài hữu tình hay các loài chúng sanh.
3) Thế nào là bốn? Ðoàn thực thô hoặc tế, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư.
Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay các loài chúng sanh.
4) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sanh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
5) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực... (như trên)...
6) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với tư niệm thực...
7) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào có thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sanh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ nhuộm hay một người thợ vẽ. Nếu có thuốc nhuộm hay sơn màu nghệ, màu xanh, hay màu đỏ, có một tấm bảng khéo đánh bóng, một bức tường hay tấm vải, có thể phác họa hình người đàn bà hay người đàn ông có đầy đủ chân tay.
9) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào có thức an trú, tăng trưởng chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
10) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực...
11) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với niệm thực...
12) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già, chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.
13) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào không có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già, chết trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già, chết trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não.
14) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực...
15) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với tư niệm thực ...
16) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào không có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não.
17) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngôi nhà có mái hay một dãy hành lang có mái, có cửa sổ phía Bắc, phía Nam, hay phía Ðông. Khi mặt trời mọc lên, ánh sáng ngang qua cửa sổ chiếu vào, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, chiếu vào tường phía Tây.
18) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có tường phía Tây, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, chiếu trên đất.
19) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có đất, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, chiếu trên nước.
20) -- Này các Tỷ-kheo, nếu không có nước, thời chiếu vào chỗ nào?
-- Bạch Thế Tôn, không có chiếu ở đâu cả.
21) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực không có tham, không có hỷ, không có ái...
22) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với xúc thực...
23) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với tư niệm thực...
24) Này các Tỷ-kheo, nếu đối với thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú. Chỗ nào không có thức an trú, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não.
V. Thành Ấp (Tạp 12.5, Ðại 2,80b) (Tăng 384, Ðại 2) (S.ii,104)
1) ...Tại Sàvatthi.
2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: "Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly khỏi già và chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến xuất ly khỏi già và chết".
3) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: " Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì, già chết sanh khởi?"
4) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh có mặt nên già chết hiện hữu. Do duyên sanh, nên già chết sanh khởi".
5) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, hữu hiện hữu? Thủ hiện hữu ? Ái hiện hữu ? Thọ hiện hữu? Xúc hiện hữu? Sáu xứ hiện hữu? Danh sắc hiện hữu? Do duyên cái gì, danh sắc sanh khởi?"
6) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thức có mặt nên danh sắc hiện hữu. Do duyên thức nên danh sắc sanh khởi".
7) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì có mặt, thức hiện hữu. Do duyên cái gì, thức sanh khởi?"
8) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau : "Do danh sắc có mặt nên thức hiện hữu. Do duyên danh sắc nên thức sanh khởi".
9) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Thức này trở lui, không đi xa hơn danh sắc. Xa đến như vậy, chúng ta bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, bị tái sanh, nghĩa là do duyên danh sắc, thức sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi..". Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
10) "Tập khởi, tập khởi". Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
11) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu? Do cái gì diệt, già chết diệt?"
12) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do sanh không có mặt, nên già chết không hiện hữu. Do sanh diệt, nên già chết diệt".
13) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: " Do cái gì không có mặt, sanh không hiện hữu? Hữu không hiện hữu? Thủ không hiện hữu? Ái không hiện hữu? Thọ không hiện hữu? Xúc không hiện hữu? Sáu xứ không hiện hữu? Danh sắc không hiện hữu? Do cái gì diệt, danh sắc diệt?"
14) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do thức không có mặt, danh sắc không hiện hữu. Do thức diệt nên danh sắc diệt".
15) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Do cái gì không có mặt, thức không hiện hữu? Do cái gì diệt, nên thức diệt ?"
16) Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi Ta như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: "Do danh sắc không có mặt, thức không hiện hữu. Do danh sắc diệt nên thức diệt".
17) Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: "Ta đã chứng đắc con đường này đưa đến giác ngộ, tức là do danh sắc diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. ..(như trên)...Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt".
18) "Ðoạn diệt, đoạn diệt". Này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
19) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người khi đi qua một khu rừng, một chặng núi, thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ do những người xưa đã từng đi qua. Người ấy đi theo con đường ấy, trong khi đi theo con đường ấy, người ấy thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao với thành lũy đẹp đẽ.
20) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy báo cáo với vua hay vị đại thần: "Chư tôn hãy biết, trong khi đi ngang một khu rừng, một chặng núi, tôi thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ do những người xưa đã từng đi qua. Tôi đã đi theo con đường ấy và thấy được một cổ thành, một cố đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao, với thành lũy đẹp đẽ. Thưa các Tôn giả, hãy xây dựng lại ngôi thành ấy".
21) Rồi này các Tỷ-kheo, vị vua hay vị đại thần cho xây dựng lại ngôi thành ấy. Và ngôi thành ấy, sau một thời gian lớn lên và trở thành một thành phố phồn vinh, thịnh vượng, đông đúc, tràn đầy người ở.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy một con đường cũ, một đạo lộ cũ do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua.
22) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Ðây chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định. Con đường ấy, này các Tỷ-kheo, là con đường cũ, đạo lộ cũ do các bậc Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua. Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ già chết; Ta thấy rõ già, chết tập khởi; Ta thấy rõ già chết đoạn diệt; Ta thấy rõ con đường đưa đến già chết đoạn diệt.
23-31) Ta đã đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy; Ta thấy rõ sanh... Ta thấy rõ hữu... Ta thấy rõ thủ... Ta thấy rõ ái... Ta thấy rõ thọ... Ta thấy rõ xúc... Ta thấy rõ sáu xứ... Ta thấy rõ danh sắc... Ta thấy rõ thức...
32) Ta đi theo con đường ấy. Ði theo con đường ấy, Ta thấy rõ các hành; Ta thấy rõ các hành tập khởi; Ta thấy rõ các hành đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt.
33) Cái được Ta biết rõ, Ta đã tuyên bố cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ được biết. Này các Tỷ-kheo, tức là Phạm hạnh này, phồn vinh, thịnh vượng, quảng đại, chúng đa, người nhiều và được chư Thiên, loài Người khéo léo trình bày.
VI. Xúc Chạm, Biết Rõ (Tạp 12.9, Xúc Pháp. Ðại 2.82a) (S.ii,107)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kuru, tại thị trấn dân chúng Kuru tên là Kammàsadhamma.
2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: -- "Này các Tỷ-kheo". -- "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có nắm giữ với nội xúc hay không?
4) Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con có nắm giữ, với nội xúc.
5) -- Này các Tỷ-kheo, nhưng Ông nắm giữ nội xúc như thế nào?
6) Tỷ-kheo ấy trả lời. Với câu trả lời, Tỷ-kheo ấy không làm tâm Thế Tôn thỏa mãn.
7) Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời. Bạch Thiện Thệ, nay đã đến thời Thế Tôn nói về nội xúc. Sau khi nghe, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
8) -- Vậy này Ananda, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
9) Thế Tôn nói như sau:
-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi nắm giữ nội xúc, nắm giữ nội xúc như sau: "Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết; sự đau khổ này lấy cái gì làm nhân, hay lấy cái gì làm tập khởi, lấy cái gì làm tác sanh, lấy cái gì làm hiện hữu? Cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?". Vị ấy nắm giữ nội xúc, biết như sau: "Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết. Sự đau khổ này lấy sanh y làm nhân, lấy sanh y làm tập khởi, lấy sanh y làm tác sanh, lấy sanh y làm hiện hữu. Do sanh y có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh y không có mặt, già chết không hiện hữu". Vị ấy biết già chết. Vị ấy biết già chết tập khởi. Vị ấy biết già chết đoạn diệt. Vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Và nhờ thực hành như vậy, vị ấy trở thành một vị tùy pháp hành.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã thực hành để diệt tận khổ đau, để đoạn diệt già chết một cách hoàn toàn.
10) Vị ấy lại nắm giữ thêm nội xúc và nắm giữ như sau: "Sanh y này lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì làm tác sanh, lấy gì làm hiện hữu? Cái gì có mặt, sanh y hiện hữu? Cái gì không có mặt, sanh y không hiện hữu?". Vị ấy nắm giữ nội xúc, biết được như sau: "Sanh y lấy ái làm nhân, lấy ái làm tập khởi, lấy ái làm tác sanh, lấy ái làm hiện hữu. Do ái có mặt, sanh y hiện hữu. Do ái không có mặt, sanh y không hiện hữu". Vị ấy biết sanh y, biết sanh y tập khởi, biết sanh y đoạn diệt, và biết con đường thích ứng đưa đến sanh y đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy được gọi là tùy pháp hành.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo đã chơn chánh thực hành để tận diệt đau khổ và đoạn diệt sanh y một cách hoàn toàn.
11) Vị ấy lại nắm giữ thêm nội xúc và nắm giữ như sau: "Nhưng ái này, khởi lên tại chỗ nào được khởi lên, an trú tại chỗ nào được an trú?". Vị ấy nắm giữ nội xúc, biết được như sau: "Tất cả những gì ở đời khả ái, hấp dẫn, khởi lên; tại chỗ ấy, ái được sanh khởi; tại chỗ ấy, ái được an trú. Và cái gì ở đời khả ái, hấp dẫn? Con mắt ở đời là khả ái, hấp dẫn khởi lên; tại chỗ ấy, ái được sanh khởi; tại chỗ ấy ái được an trú".
12) ... Lỗ tai ở đời là khả ái, hấp dẫn...
13) ... Lỗ mũi ở đời là khả ái, hấp dẫn...
14) ... Lưỡi ở đời là khả ái, hấp dẫn...
15) ... Thân ở đời là khả ái, hấp dẫn...
16) ... Ý ở đời là khả ái, hấp dẫn khởi lên; tại chỗ ấy, ái được sanh khởi; tại chỗ ấy, ái được an trú.
17) Này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ, là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, thấy là tự ngã, những người ấy làm ái tăng trưởng.
18) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ không thể giải thoát khỏi đau khổ.
19) Này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai là Sa-môn hay Bà-la-môn thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là tự ngã, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, những người ấy sẽ làm ái tăng trưởng.
20) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy sẽ làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy sẽ làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ không có thể giải thoát khỏi đau khổ.
21) Này các Tỷ-kheo, những ai trong hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là tự ngã, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, những người ấy làm ái tăng trưởng.
22) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ không thể giải thoát khỏi đau khổ.
23) Này các Tỷ-kheo, ví như một bình bằng đồng, đựng nước uống có sắc, có hương, có vị và nước uống ấy có pha thuốc độc. Rồi một người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước và có những người nói với người ấy như sau: "Này Bạn, bình đồng đựng nước uống này, có sắc, có hương, có vị, và bình nước uống ấy có pha thuốc độc. Nếu Bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, Bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, do nhân duyên ấy, Bạn có thể đi đến chết, hay đau khổ gần như chết". Người kia có thể uống bình nước bằng đồng ấy một cách hấp tấp không suy nghĩ, không từ bỏ. Người kia do nhân duyên ấy, có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết.
24) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ, là Sa-môn hay Bà-la-môn, phàm vật gì khả ái hấp dẫn ở đời...
25) ... Những ai trong tương lai...
26) Này các Tỷ-kheo, những ai trong hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là tự ngã, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, những người ấy làm ái tăng trưởng.
27) Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ không thể giải thoát khỏi đau khổ.
28) Và này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ là Sa-môn hay Bà-la-môn thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, những người ấy từ bỏ ái.
Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y. Những ai từ bỏ sanh y, những người ấy từ bỏ đau khổ. Những ai từ bỏ đau khổ, những người ấy đã được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ đã giải thoát khỏi đau khổ.
29) Và này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, những người ấy sẽ từ bỏ ái.
30) Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y... Ta nói họ có thể giải thoát khỏi đau khổ.
31) Còn những ai, này các Tỷ-kheo, trong hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, họ từ bỏ ái.
32) Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y. Những ai từ bỏ sanh y, những người ấy từ bỏ đau khổ. Những ai từ bỏ đau khổ, những người ấy sẽ giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ sẽ giải thoát khỏi đau khổ.
33) Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình nước bằng đồng có sắc, có hương, có vị, nhưng bị pha thuốc độc. Rồi có người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước. Có những người nói với người ấy : "Này Bạn, bình nước bằng đồng này có sắc, có hương, có vị, nhưng bình nước uống ấy bị pha thuốc độc. Nếu Bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, Bạn sẽ thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, do nhân duyên ấy Bạn có thể đi đến chết, hay đau khổ gần như chết".
34) Và này các Tỷ-kheo, người ấy có thể suy nghĩ như sau: "Ở đây, ta có thể nhiếp phục khát nước này với uống rượu, hay nhiếp phục với ăn sữa đông (sanh tô), hay nhiếp phục với ngậm muối, hay nhiếp phục với cháo chua. Nhưng ta không có thể uống thứ này, nó khiến ta phải bất hạnh, đau khổ lâu dài". Người ấy sau khi suy nghĩ, không uống và từ bỏ thứ nước uống ấy. Do nhân duyên này, người ấy không đi đến chết, hay sự đau khổ gần như chết.
35) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những ai trong thời quá khứ là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là đau khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, họ đoạn trừ ái.
36) Những ai đoạn trừ ái, những người ấy đoạn trừ sanh y. Những ai đoạn trừ sanh y, những người ấy đoạn trừ đau khổ. Những ai đoạn trừ đau khổ, những người ấy được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói họ được giải thoát khỏi đau khổ.
37-38) Này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai...
39) Những ai trong thời hiện tại là Sa-môn hay Bà-la-môn, thấy những gì khả ái, hấp dẫn ở đời là vô thường, thấy là khổ, thấy là vô ngã, thấy là bệnh, thấy là đáng sợ hãi, họ từ bỏ ái.
40) Những ai từ bỏ ái, những người ấy từ bỏ sanh y. Những ai từ bỏ sanh y, những người ấy từ bỏ đau khổ. Những ai từ bỏ đau khổ, những người ấy được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ được giải thoát khỏi đau khổ.
VII. Bó Lau (Tạp 12.6 Lô, Ðại 2,81a) (S.ii,112)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahàkotthita trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ) ở Migàdàya (rừng nai).
2) Rồi Tôn giả Mahàkotthita, vào buổi chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàkotthita nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Này Hiền giả Sàriputta, già chết do tự mình tạo ra, già chết do người khác tạo ra, già chết do tự mình và do người khác tạo ra, hay già chết không do tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, do tự nhiên sanh?
4) -- Này Hiền giả Kotthita, già chết không do tự mình tạo ra, già chết không do người khác tạo ra, già chết không do tự mình tạo ra và người khác tạo ra, già chết cũng không phải không do tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, không do tự nhiên sanh. Già chết do duyên sanh.
5) -- Này Hiền giả Sàriputta, có phải sanh do tự mình làm ra, sanh do người khác làm ra, sanh do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay sanh không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?
6) -- Này Hiền giả Kotthita, sanh không do tự mình làm ra, sanh không do người khác làm ra, sanh không do tự mình làm ra và người khác làm ra, hay sanh cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, cũng không do tự nhiên sanh. Sanh do duyên hữu.
7-18) -- Này Hiền giả Sàriputta, hữu có phải do tự mình làm ra... thủ có phải do tự mình làm ra... ái có phải do tự mình làm ra... thọ có phải do tự mình làm ra... xúc có phải do tự mình làm ra... sáu xứ có phải do tự mình làm ra...
19) ... Danh sắc có phải do tự mình làm ra, danh sắc có phải do người khác làm ra, danh sắc có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay danh sắc có phải không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?
20) -- Này Hiền giả Kotthita, danh sắc không phải do tự mình làm ra, danh sắc không phải do người khác làm ra, danh sắc không phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay danh sắc cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Danh sắc do duyên thức.
21) -- Này Hiền giả Sàriputta, có phải thức do tự mình làm ra, thức do người khác làm ra, thức do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay có phải thức không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?
22) -- Này Hiền giả Kotthita, thức không do tự mình làm ra, thức không do người khác làm ra, thức không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, hay thức cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Thức do duyên danh sắc.
23) -- Nay chúng tôi hiểu lời nói của Hiền giả Sàriputta như sau: "Này Hiền giả Kotthita, danh sắc không do tự mình làm ra, danh sắc không do người khác làm ra, danh sắc không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, danh sắc cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Danh sắc do duyên thức".
24) Và nay chúng tôi hiểu lời nói của Hiền giả Sàriputta như sau: "Này Hiền giả Kotthita, thức không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, không do tự mình làm ra và người khác làm ra, cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Thức do duyên danh sắc".
25) Này Hiền giả Sàriputta, cần phải hiểu như thế nào ý nghĩa lời nói này?
-- Vậy này Hiền giả, tôi sẽ nêu một ví dụ. Nhờ có ví dụ, người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói.
26) Ví như hai bó lau dựa vào nhau mà đứng. Cũng vậy, này Hiền giả, do duyên danh sắc, thức sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này Hiền giả, nếu một bó lau được kéo qua một bên, bó lau kia liền rơi xuống. Nếu bó lau kia được kéo qua một bên, bó lau này được rơi xuống. Cũng vậy, này Hiền giả, do danh sắc diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt... (như trên)... như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
27) -- Thật vi diệu thay, Hiền giả Sàriputta! Thật hy hữu thay, Hiền giả Sàriputta! Lời nói khéo nói này của Hiền giả Sàriputta và lời nói với ba mươi sáu sự này của Hiền giả Sàriputta, chúng tôi xin tùy hỷ.
28) -- Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo thuyết pháp để nhàm chán, ly tham, đoạn diệt già chết, thời đủ để được gọi là vị Tỷ-kheo thuyết pháp. Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo thực hành để nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, già chết, thời đủ để được gọi là Tỷ-kheo tùy pháp hành. Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, vô minh được giải thoát, không có chấp thủ, thời đủ để được gọi vị Tỷ-kheo đã đạt được hiện tại Niết-bàn.
VIII. Kosambi (Tạp 14.9, Miệt-sư-la. Ðại 2,98c) (S.ii,115)
1) Một thời Tôn giả Musìla, Tôn giả Sàvittha, Tôn giả Nàrada, Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, vườn Ghosità.
I
2) Rồi Tôn giả Sàvittha nói với Tôn giả Musìla:
-- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự hành tướng (àkàraparivitakkà), ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm (ditthinijjhànakhanti), Tôn giả Musìla tự mình có trí biết được: "Do duyên sanh, già chết sanh khởi"?
3) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự hành tướng, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi có biết được, tôi có thấy được: "Do duyên sanh, già chết sanh khởi".
4) -- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết được: "Do duyên hữu, nên sanh sinh khởi... (như trên)...
5) ... "Do duyên thủ nên hữu sanh khởi".
6) ... "Do duyên ái nên thủ sanh khởi".
7) ... "Do duyên thọ nên ái sanh khởi".
8) ... "Do duyên xúc nên thọ sanh khởi".
9) ... "Do duyên sáu xứ nên xúc sanh khởi".
10) ... "Do duyên danh sắc nên sáu xứ sanh khởi".
11) ... "Do duyên thức nên danh sắc sanh khởi".
12) ... "Do duyên hành nên thức sanh khởi".
13) ... "Do duyên vô minh nên hành sanh khởi".
14) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết được, tôi thấy được: "Do duyên vô minh, các hành sanh khởi".
15) -- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài sự thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết như sau: "Do sanh diệt, nên già chết diệt"?
16) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do sanh diệt, nên già chết diệt".
17) -- Này Hiền giả Musàa, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết như sau: "Do hữu diệt, nên sanh diệt".
18-24)... "Do thủ diệt, nên hữu diệt... Do ái diệt, nên thủ diệt... Do thọ diệt, nên ái diệt... Do xúc diệt nên thọ diệt... Do sáu xứ diệt, nên xúc diệt... Do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt... Do thức diệt, nên danh sắc diệt... Do hành diệt, nên thức diệt... Do vô minh diệt, nên hành diệt".
25) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do vô minh diệt, nên hành diệt"
26) -- Này Hiền giả Musìla, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, Tôn giả Musìla tự mình có trí biết như sau: " Do hữu diệt là Niết-bàn"?
27) -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài truyền thuyết, ngoài thẩm lự các điều kiện, ngoài thẩm định và chấp nhận quan điểm, tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do hữu diệt là Niết-bàn".
28) -- Như vậy, Tôn giả Musìla là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc?.
29) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Musìla giữ im lặng.
II
30) Rồi Tôn giả Nàrada nói với Tôn giả Sàvittha:
-- Này Hiền giả Sàvittha, lành thay nếu tôi được hỏi câu này. Hãy hỏi tôi câu hỏi này, và tôi sẽ trả lời cho Hiền giả câu hỏi này.
31) -- Tôn giả Nàrada hãy lấy câu hỏi này. Tôi sẽ hỏi Tôn giả Nàrada câu hỏi này. Và Tôn giả Nàrada hãy trả lời cho tôi câu hỏi này.
32-57)... -- Này Hiền giả Sàvittha, ngoài lòng tin... tôi biết như sau, tôi thấy như sau: "Do hữu diệt là Niết-bàn".
58) -- Như vậy, Tôn giả Nàrada là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc?
59) -- Này Hiền giả, "Do hữu diệt là Niết-bàn", tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ. Nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc.
60) Ví như trên một con đường hoang vắng có một giếng nước. Tại đấy không có dây, không có gàu nước. Rồi có người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mỏi, run rẩy, khát nước. Người ấy ngó xuống giếng và biết được: "Giếng này có nước", nhưng đứng chịu, thân thể không chạm nước.
61) Cũng vậy, này Hiền giả, "Hữu diệt là Niết-bàn", tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ, nhưng tôi không phải là vị A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc.
III
62) Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Sàvittha:
-- Này Hiền giả Sàvittha, nói như vậy thời Hiền giả nói gì về Tôn giả Nàrada?
63) -- Này Hiền giả Ananda, nói như vậy, tôi không nói gì về Tôn giả Nàrada, ngoài sự tốt lành, ngoài sự tốt đẹp.
IX. Nước Thủy Triều Dâng (S.ii,118)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong vườn ông Anàthapindika.
2) Tại đây...
3) -- Này các Tỷ-kheo, khi nào biển lớn dâng lên thời các sông lớn dâng lên; khi nào các sông lớn dâng lên thời các sông nhỏ dâng lên; khi nào các sông nhỏ dâng lên thời các hồ lớn dâng lên; khi nào các hồ lớn dâng lên thời các hồ nhỏ dâng lên.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi nào vô minh dâng lên thời các hành dâng lên; khi nào các hành dâng lên thời thức dâng lên; khi nào thức dâng lên thời danh sắc dâng lên; khi nào danh sắc dâng lên thời sáu xứ dâng lên; khi nào sáu xứ dâng lên thời xúc dâng lên; khi nào xúc dâng lên thời thọ dâng lên; khi nào thọ dâng lên thời ái dâng lên; khi nào ái dâng lên thời thủ dâng lên; khi nào thủ dâng lên thời hữu dâng lên; khi nào hữu dâng lên thời sanh dâng lên; khi nào sanh dâng lên thời già chết dâng lên.
5) Này các Tỷ-kheo, biển lớn không dâng lên thời sông lớn không dâng lên; sông lớn không dâng lên thời sông nhỏ không dâng lên; sông nhỏ không dâng lên thời hồ lớn không dâng lên; hồ lớn không dâng lên thời hồ nhỏ không dâng lên.
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vô minh không dâng lên thời các hành không dâng lên; các hành không dâng lên thời thức không dâng lên; thức không dâng lên thời danh sắc không dâng lên; danh sắc không dâng lên thời sáu xứ không dâng lên; sáu xứ không dâng lên thời xúc không dâng lên; xúc không dâng lên thời thọ không dâng lên; thọ không dâng lên thời ái không dâng lên; ái không dâng lên thời thủ không dâng lên; thủ không dâng lên thời hữu không dâng lên; hữu không dâng lên thời sanh không dâng lên; sanh không dâng lên thời già chết không dâng lên.
X. Susìma (Tạp 14.5 Ðại 2,96b) (S.ii,119)
1) Như vậy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng con sóc.
I
2) Lúc bấy giờ Thế Tôn được cung kính, được tôn trọng, được kính lễ, được cúng dường, được tôn sùng và Ngài nhận được các vật dụng cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
3) Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính, được tôn trọng, được kính lễ, được cúng dường, được tôn sùng và cũng nhận được các vật cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
4) Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính, không được tôn trọng, không được kính lễ, không được cúng dường, không được tôn sùng và cũng không nhận được các vật dụng cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
II
5) Lúc bấy giờ du sĩ Susìma trú ở Ràjagaha cùng với đại chúng du sĩ.
6) Rồi hội chúng du sĩ của Susìma nói với du sĩ Susìma:
-- Thưa Hiền giả Susìma, ngài hãy đi đến và sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama. Sau khi ngài học Chánh pháp xong hãy nói lại cho chúng tôi. Sau khi chúng tôi học pháp ấy chúng tôi sẽ nói lại với các gia chủ. Như vậy chúng tôi sẽ được cung kính, được tôn trọng, được kính lễ, được cúng dường, được tôn sùng và chúng tôi sẽ nhận được các vật dụng cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.
7) -- Thưa vâng, các Hiền giả.
Du sĩ Susìma nghe theo hội chúng của mình, liền đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Ananda; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
III
8) Ngồi xuống một bên, du sĩ Susìma nói với Tôn giả Ananda:
-- Này Hiền giả Ananda, tôi muốn sống Phạm hạnh trong Pháp và Luật này.
9) Rồi Tôn giả Ananda đưa du sĩ Susìma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
10) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, du sĩ Susìma này nói như sau: "Này Hiền giả Ananda, tôi muốn sống Phạm hạnh trong Pháp và Luật này".
11) -- Vậy Ananda, hãy cho Susìma xuất gia.
12) Và du sĩ Susìma được xuất gia dưới sự chỉ đạo của Thế Tôn và được thọ đại giới.
13) Lúc bấy giờ nhiều vị Tỷ-kheo ở trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: "Chúng tôi biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.' "
IV
14) Tôn giả Susìma được nghe: Nhiều Tỷ-kheo trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: "Chúng tôi biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.'"
15) Rồi Tôn giả Susìma đi đến các Tỷ-kheo; sau khi đến nói lên với những Tỷ-kheo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
16) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Susìma nói với các Tỷ-kheo ấy:
-- Có đúng sự thật chăng, chư Tôn giả ở trước mặt Thế Tôn đã tuyên bố chánh trí như sau: "Chúng con biết rõ rằng: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'"?
-- Thưa có vậy, này Hiền giả.
17) -- Nhưng, chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy chắc chứng được nhiều loại thần thông khác nhau: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ vào mặt trăng và mặt trời, những vật có oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể sử dụng thân một cách tự tại cho đến cõi Phạm thiên?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
18) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, chứng được thiên nhĩ thông thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng: chư Thiên và loài Người, xa và gần?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
19) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, với tâm của mình biết được tâm của các chúng sanh khác, các loài Người khác: Tâm có tham biết là tâm có tham; tâm không tham biết là tâm không tham; tâm có sân biết là tâm có sân; tâm không sân biết là tâm không sân; tâm có si biết là tâm có si; tâm không si biết là tâm không si; tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú; tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm biết là đại hành tâm; không phải đại hành tâm biết không phải là đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
20) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, nhớ được nhiều đời quá khứ. Như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, chư Tôn giả nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
21) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Chư Tôn giả biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, làm những ác hạnh về lời nói, những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, làm những thiện hạnh về lời nói, làm những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, các vị thấy sự sống chết của chúng sanh. Các vị biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
22) -- Vậy có phải chư Tôn giả biết như vậy, thấy như vậy, sau khi vượt khỏi Sắc giới, thân cảm xúc Vô sắc giới, an trú vào tịch tịnh giải thoát?
-- Thưa không phải vậy, này Hiền giả.
23) -- Hay ở đây, có phải chư Tôn giả vừa trả lời như vậy, vừa không chứng được các pháp này?
24) --Này Hiền giả, không có chứng được gì.
25) -- Như thế nào?
-- Thưa Hiền giả Susìma, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.
26) -- Tôi không biết được ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của chư Tôn giả. Lành thay nếu được chư Tôn giả nói lên cho tôi, để tôi có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của chư Tôn giả!
27) -- Này Hiền giả Susìma, dù cho Ông có biết hay Ông không biết, chúng tôi chứng được tuệ giải thoát.
V
28) Rồi Tôn giả Susìma từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
29) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Susìma trình bày lên Thế Tôn tất cả câu chuyện với các Tỷ-kheo ấy.
30) -- Này Susìma, trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn.
31) -- Bạch Thế Tôn, con không hiểu được ý nghĩa một cách rộng rãi lời nói vắn tắt này của Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn!
32) -- Này Susìma, dù cho Ông có biết hay Ông không có biết, trước hết là trí về pháp trú, sau là trí về Niết-bàn. Này Susìma, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn?
33) -- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi chúng ta quán vật ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
34) -- Thọ là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
35) -- Tưởng là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
36) -- Các hành là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
37) -- Thức là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu chúng ta quán vật ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
38) -- Do vậy, này Susìma, cái gì thuộc sắc pháp quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp cần phải được quán như chơn như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
39) Cái gì thuộc thọ quá khứ, vị lai hay hiện tại... (như trên)...
40) Cái gì thuộc tưởng quá khứ, vị lai hay hiện tại... (như trên)...
41) Cái gì thuộc hành quá khứ, vị lai hay hiện tại... (như trên)...
42) Cái gì thuộc thức quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức cần phải quán như chơn với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
43) Này Susìma, thấy như vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Này Susìma, Ông có thấy chăng: "Do duyên sanh, già chết sanh khởi"?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
44) ...
45) -- "Do duyên thủ, hữu sanh khởi?" Này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
46) -- Này Susìma, Ông có thấy chăng: "Do duyên ái, thủ sanh khởi"?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
47) -- "Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, thọ sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên hành thức sanh khởi. Do duyên vô minh, hành sanh khởi". Này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
48) -- "Do sanh diệt, già chết diệt", này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
49) -- "Do hữu diệt, nên sanh diệt", này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
50) -- "Do thủ diệt, nên hữu diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do danh sắc diệt, nên sáu xứ diệt. Do thức diệt, nên danh sắc diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do vô minh diệt, nên hành diệt!". Này Susìma, Ông có thấy chăng?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
51) -- Nhưng này, biết như vậy, thấy như vậy, Ông có chứng được các thần thông nhiều loại sai khác: Một thân hiện ra nhiều thân; nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể sử dụng thân một cách tự tại cho đến cõi Phạm thiên?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
52) -- Này Susìma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, Ông có thể nghe hai loại tiếng, tiếng chư Thiên và tiếng loài Người, tiếng xa và tiếng gần?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
53) -- Này Susìma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, với tâm của mình biết được tâm của chúng sanh sai khác, của loài Người sai khác. Với tâm có tham, Ông biết được tâm có tham... với tâm không giải thoát, Ông biết được là tâm không giải thoát; với tâm giải thoát, Ông biết được là tâm giải thoát?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
54) -- Này Susìma, có phải biết như vậy, thấy như vậy, Ông có thể nhớ được nhiều đời quá khứ sai khác. Như một đời... (như trên)... Ông có thể nhớ được nhiều đời quá khứ sai khác cùng với các nét đại cương và các chi tiết?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
55) -- Này Susìma, nhưng biết như vậy, thấy như vậy, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ông có thể thấy các chúng sanh chết đi sanh lại... Ông có thể biết các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
56) -- Này Susìma, nhưng biết như vậy, thấy như vậy, có phải sau khi vượt khỏi các sắc pháp, với thân cảm thọ vô sắc pháp Ông an trú với tịch tịnh giải thoát?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
57) -- Nay ở đây, này Susìma, với câu trả lời như vậy, với những pháp này không chứng được, này Susìma, có phải Ông không làm được điều này?
VI
58) Rồi Tôn giả Susìma cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-- Một tội lỗi con đã vi phạm, bạch Thế Tôn, vì ngu đần, vì si mê, vì bất thiện. Con đã xuất gia như một người ăn trộm pháp trong Pháp và Luật khéo giảng này. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận con tội lỗi này là một tội lỗi để con ngăn ngừa trong tương lai!
59) -- Này Susìma, thật sự Ông đã phạm tội, vì ngu đần, vì si mê, vì bất thiện, Ông đã xuất gia như người ăn trộm pháp trong Pháp và Luật khéo giảng này.
60) Ví như, này Susìma, người ta bắt được một người ăn trộm, một người phạm tội, dắt đến cho vua và thưa: "Thưa Ðại vương, đây là người ăn trộm, người phạm tội. Ðại vương hãy gia phạt người ấy theo hình phạt nào như Ðại vương muốn". Vua ấy nói như sau: "Các Ông hãy đem người này, lấy dây thật chắc trói cánh tay người này thật chặt về phía sau, cạo đầu người ấy đi, dắt người ấy đi xung quanh trên một xe nhỏ với một cái trống, đi từ đường này tới đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và hãy chặt đầu người ấy tại thành phía Nam".
Những người kia vâng theo lời vua dạy, lấy dây thật chắc trói cánh tay người ấy thật chặt về phía sau, cạo trọc đầu, dắt người ấy đi xung quanh trên một xe nhỏ với một cái trống, đi từ đường này tới đường khác, từ ngã ba này tới ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cửa thành phía Nam, và chặt đầu người ấy tại thành phía Nam.
61) Này Susìma, Ông nghĩ thế nào? Người ấy do nhân duyên như vậy có cảm thọ khổ ưu hay không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
62) -- Này Susìma, dù cho người ấy do nhân duyên như vậy cảm thọ khổ ưu, hay không cảm thọ khổ ưu, thời sự xuất gia với tư cách ăn trộm pháp trong Pháp và Luật khéo thuyết này, do nhân duyên ấy phải rơi vào và chịu đựng khổ báo còn kịch liệt hơn và quả báo còn đau đớn hơn.
63) Này Susìma, Ông thấy phạm tội là phạm tội và như pháp phát lộ, nên Ta chấp nhận tội ấy cho Ông. Này Susìma, như vậy Luật của bậc Thánh được tăng trưởng, khi thấy được phạm tội là phạm tội và như pháp phát lộ để ngăn giữ trong tương lai.
VIII. Sa Môn, Bà La Môn: Phẩm Thứ Tám
71. I. Sa Môn, Bà La Môn (Tạp 14.12-3, Sa-môn, Bà-la-môn, Ðại 2,99b) (S.ii,129)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ở vườn ông Anàthapindika.
2) Ở đây Thế Tôn...
3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không biết già chết, không biết già chết tập khởi, không biết già chết đoạn diệt, không biết con đường đưa đến già chết đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, giữa các Sa-môn không được chấp nhận là Sa-môn, hay giữa các Bà-la-môn không được chấp nhận là Bà-la-môn; và những Tôn giả ấy không tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú trong hiện tại mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
4) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết già chết... (như trên)... biết con đường đưa đến già chết đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, giữa các Sa-môn được chấp nhận là Sa-môn, hay giữa các Bà-la-môn được chấp nhận là Bà-la-môn; và những Tôn giả ấy tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú ngay trong hiện tại mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
72-80. (II-X).
... Trú ở Sàvatthi.
Họ không biết sanh...
Họ không biết hữu...
Họ không biết thủ...
Họ không biết ái...
Họ không biết thọ...
Họ không biết xúc...
Họ không biết sáu xứ...
Họ không biết danh sắc...
Họ không biết thức...
XI. (S.ii,130)
Họ không biết hành... Họ không biết hành tập khởi, họ không biết hành đoạn diệt, họ không biết con đường đưa đến hành đoạn diệt.... .. tự mình với thắng trí đạt được, chứng được và an trú ngay trong hiện tại mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
IX. Trung Lược Phẩm
...Trú ở Sàvatthi.
I. Ðạo Sư... (S.ii,130)
1) -- Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy già chết, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với già chết. Ðối với ai không như thật biết và thấy già chết tập khởi, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với già chết tập khởi. Ðối với ai không như thật biết và thấy già chết đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với già chết đoạn diệt. Ðối với ai không như thật biết và thấy con đường đưa đến già chết đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với con đường đưa đến già chết đoạn diệt.
2) Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy sanh...
3) Này các Tỷ-kheo,. .. không như thật biết và thấy hữu...
4) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy thủ...
5) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy ái...
6) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy thọ...
7) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy xúc...
8) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy sáu xứ...
9) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy danh sắc...
10) Này các Tỷ-kheo... không như thật biết và thấy thức...
11) Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy hành, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với các hành. Ðối với ai không như thật biết và thấy các hành tập khởi, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với các hành tập khởi. Ðối với ai không như thật biết và thấy các hành đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với các hành đoạn diệt. Ðối với ai không như thật biết và thấy con đường đưa đến hành đoạn diệt, người ấy cần phải tìm đến bậc Ðạo Sư để có như thật trí đối với con đường đưa đến các hành đoạn diệt.
II. Học Tập (Tạp 15.4 Tu Tập, Ðại 2,101b) (S.ii,131)
... Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy già chết, người ấy cần phải học tập để có như thật trí đối với già chết...(I.11)
III. Tu Tập (Yoga) (Tạp 15.5, Tam-ma-đề, Ðại 2,101b) (S.ii,131)
... Này các Tỷ-kheo, đối với ai không như thật biết và thấy già chết, người ấy cần phải tu tập để có như thật trí đối với già chết...(I.11)
IV. Dục (S.ii,132)
... Dục cần phải thực hành...(I.11)
V. Nỗ Lực (S.ii,132)
... Nỗ lực cần phải thực hành...(I.11)
VI. Bất Thối Chuyển (S.ii,132)
... Bất thối chuyển cần phải thực hành...(I.11)
VII. Nhiệt Tâm (S.ii,132)
... Nhiệt tâm cần phải thực hành...(I.11)
VIII. Tinh Tấn (S.ii,132)
... Tinh tấn cần phải thực hành...(I.11)
IX. Kiên Trì (S.ii,132)
... Kiên trì cần phải thực hành...(I.11)
X. Chánh Niệm (S.ii,132)
... Chánh niệm cần phải thực hành...(I.11)
XI. Chánh Tri (S.ii,132)
... Chánh tri cần phải thực hành...(I.11)
XII. Không Phóng Dật (S.ii,132)
... Không phóng dật cần phải thực hành... (I.11)
-ooOoo-
Mục Lục các Tập (Thiên):
Revised: 15-05-2004