Tạng Luật
Vinaya Pitaka
Đại Phẩm
Mahāvagga
Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
VI. CHƯƠNG
DƯỢC PHẨM
(BHESAJJAKKHANDHAKAṂ)
[25] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, điều gì khiến các vị tỳ khưu trong lúc này lại ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân vậy?
- Bạch ngài, trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.
Sau đó, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Vậy ta nên cho phép các vị tỳ khưu loại dược phẩm gì mà chính loại dược phẩm ấy tuy đã được quy định là dược phẩm lại có thể được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường?”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇitaṃ) là các loại dược phẩm, tuy đã được quy định là dược phẩm và được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường; có lẽ ta nên cho phép các tỳ khưu được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời?”
Sau đó vào lúc chiều tối, đức Thế Tôn xuất khỏi thiền tịnh rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ở đây ta trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Vậy ta nên cho phép loại dược phẩm gì cho các tỳ khưu mà chính loại dược phẩm ấy tuy đã được quy định là dược phẩm lại có thể được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường?” Này các tỳ khưu, ta đây đã khởi ý điều này: “Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇitaṃ) là các loại dược phẩm tuy đã được quy định là dược phẩm và được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường; có lẽ ta nên cho phép các tỳ khưu được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời?” Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. [1]
[26] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi nhận lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. Các vị đã không ăn các loại thức ăn thô thông thường và (ăn) các loại (thức ăn) có dầu mỡ còn ít hơn nữa. Các vị không những đã bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu ấy lại thêm vào việc không chịu thu nạp thức ăn này nữa, vì hai điều ấy vóc dáng (của các vị) càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa. Và đức Thế Tôn đã nhận thấy các vị tỳ khưu ấy có vóc dáng càng ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, trong lúc này điều gì khiến các vị tỳ khưu có vóc dáng càng ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa?
- Bạch ngài, trong lúc này các vị tỳ khưu sau khi nhận lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. Các vị đã không ăn các loại thức ăn thô thông thường và (ăn) các loại (thức ăn) có dầu mỡ còn ít hơn nữa. Các vị không những đã bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu ấy lại thêm vào việc không chịu thu nạp thức ăn này nữa, vì hai điều ấy vóc dáng (của các vị) càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh năm loại dược phẩm này và thọ dụng đúng thời luôn cả phi thời.
[27] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại mỡ (thú vật). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng chung với dầu ăn các loại dược phẩm là các loại mỡ (thú vật) như mỡ gấu, mỡ cá, mỡ cá sấu, mỡ heo rừng, mỡ lừa đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung đúng thời. Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh phi thời, đã được nấu phi thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm ba tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu phi thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung đúng thời, vị thọ dụng (vật ấy) vô tội.
[28] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại rễ cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại rễ cây như củ nghệ, củ gừng, rễ cây vacaṃ (?),[2] rễ cây vaca trắng (?), rễ cây ngải cứu, rễ cây kaṭukarohiṇī (?), rễ loại cây có mùi thơm usīra (?), rễ loại cỏ có mùi thơm bhaddamuttaka (?), hoặc có các loại dược phẩm là các rễ cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm dạng bột là các loại rễ cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cối đá xay và cối đá xay loại nhỏ.
[29] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại nước sắc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại nước sắc như nước sắc của cây nimba (?), nước sắc của cây kuṭaja (?), nước sắc của loại dưa dài paṭola (?), nước sắc của loại dây leo phaggava (?), nước sắc của cây nattamāla (?), hoặc có các loại dược phẩm là các loại nước sắc khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[30] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại lá cây làm dược phẩm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại lá cây làm dược phẩm như lá cây nimba (?), lá cây kuṭaja (?), lá cây của loại dưa dài paṭola (?), lá cây húng quế, lá cây bông vải, hoặc có các loại dược phẩm là các loại lá cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[31] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại trái cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại trái cây như trái cây vilaṅga (?), hạt tiêu dài (pipphali), hạt tiêu đen (marica), trái cây harītaka (?), trái cây vibhītaka (?), trái cây āmalaka (?), trái cây goṭha (?) hoặc có các loại dược phẩm là các loại trái cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[32] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại nhựa cây làm dược phẩm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại nhựa cây làm dược phẩm như hiṅgu (?), nhựa cây hiṅgu (hiṅgujatu), mủ cây hiṅgu (hiṅgusipātika), các loại sản phẩm từ mủ cây là taka (?), takapatti (?), takapaṇṇi (?), nhựa thông (sajjulasa), hoặc có các loại dược phẩm là các loại nhựa cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[33] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại muối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại muối (loṇa) như muối biển (sāmudda), muối đen (kāḷaloṇa), muối ở đá (sindhava), muối nấu ăn (ubbhida), muối mỏ (bila), hoặc có các loại dược phẩm là các loại muối khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[34] Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Ānanda là đại đức Velaṭṭhasīsa có bệnh ghẻ sần sùi (thullakacchābādho). Các y của vị ấy bị dính vào thân vì chất máu mủ. Các vị tỳ khưu liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:
- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này bị bệnh gì vậy?
- Bạch ngài, đại đức này bị bệnh ghẻ sần sùi, các y bị dính vào thân vì chất máu mủ, chúng con liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại bột tắm đến vị bị ghẻ ngứa, hoặc bị nhọt, hoặc có vết thương chảy mủ, hoặc bị ghẻ sần sùi, hoặc cơ thể có mùi hôi, và phân bò (chakana), đất sét (mattika), chất màu đã được nấu (rajananipakka) đến vị không bị bệnh. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cối giã và chày.
[35] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại bột tắm đã được rây mịn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái rây bột tắm.
Có nhu cầu về hạt rất mịn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái rây bằng vải.
[36] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh liên quan đến phi nhân. Các vị thầy dạy học và thầy tế độ thường xuyên chăm sóc vị ấy nhưng không thể làm cho khỏi bệnh. Vị ấy đã đi đến lò mổ heo ăn thịt sống và uống máu tươi. Bệnh liên quan đến phi nhân của vị ấy giảm bớt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thịt sống và máu tươi trong khi bị bệnh liên quan đến phi nhân.
[37] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh ở mắt. Các tỳ khưu đã khiêng vị ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy đang khiêng vị tỳ khưu ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:
- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có bệnh gì vậy?
- Bạch ngài, đại đức này có bệnh ở mắt. Chúng con khiêng vị này đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc bôi, thuốc bôi màu đen, thuốc bôi loại tinh chất, thuốc bôi vào tai, bột phấn đỏ, muội đèn.
Có nhu cầu về bột mịn để làm thuốc bôi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) gỗ đàn hương, loại cây có mùi hương tagara (?), gỗ trầm (kāḷānusāri), gỗ cây tālīsa (?), loại cỏ có mùi thơm bhaddamuttaka (?).
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu để các loại thuốc bôi được nghiền nát ở trong các tô nhỏ và trong các chén. Chúng đã bị rác cỏ, bụi bặm rơi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hộp chứa thuốc bôi.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các hộp chứa thuốc bôi loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các hộp chứa thuốc bôi loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (hộp chứa thuốc bôi) làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, làm bằng ống sậy, làm bằng tre, làm bằng gỗ, làm bằng nhựa cây, làm bằng trái cây, làm bằng đồng, làm bằng vỏ sò.
Vào lúc bấy giờ, các hộp chứa thuốc bôi không được đậy lại. Chúng đã bị rác cỏ, bụi bặm rơi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nắp đậy.
Nắp đậy bị rơi xuống.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (nắp đậy) với sợi chỉ rồi buộc vào hộp chứa thuốc bôi.
Hộp chứa thuốc bôi bị bung ra.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép khâu lại bằng sợi chỉ.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu dùng ngón tay bôi thuốc. Các con mắt bị đau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) que bôi thuốc.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các que bôi thuốc loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các que bôi thuốc loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, ...(như trên)..., làm bằng vỏ sò.
Vào lúc bấy giờ, que bôi thuốc bị rơi trên mặt đất và trở nên sần sùi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hộp đựng que bôi thuốc.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu mang theo hộp chứa thuốc bôi và các que bôi thuốc bằng tay. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đựng các hộp chứa thuốc bôi.
Dây mang vai không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dây mang vai là chỉ thắt lại.
[38] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị nóng ở đầu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (bôi) dầu ở trên đầu.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) việc chữa trị ở mũi.
Mũi bị chảy nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái muỗng đặt ở mũi (natthukaraṇī).
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các muỗng đặt ở mũi loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các muỗng đặt ở mũi loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, ...(như trên)..., làm bằng vỏ sò.
(Hai lỗ) mũi đã không được nhỏ đồng đều. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái muỗng đặt ở mũi loại kép.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép hít khói.
Các vị sau khi đốt cháy sợi bấc rồi hít khói vào. Cổ họng bị (lửa) đốt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ống dẫn khói.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các ống dẫn khói loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các ống dẫn khói loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, ...(như trên)..., làm bằng vỏ sò.
Vào lúc bấy giờ, các ống dẫn khói không có nắp đậy, các sinh vật nhỏ đã đi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nắp đậy.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu mang theo các ống dẫn khói bằng tay. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đựng các ống dẫn khói.
Chúng bị cọ xát với nhau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đôi.
Dây mang vai không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dây mang vai là chỉ thắt lại.
[39] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị bệnh gió. Các thầy thuốc đã nói như vầy:
- Dầu cần được nấu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, ta cho phép việc nấu dầu.
Rượu mạnh cần được thêm vào trong dầu nấu ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, ta cho phép thêm rượu mạnh vào trong dầu nấu.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nấu các loại dầu được thêm vào quá nhiều rượu mạnh. Các vị uống các thứ ấy và bị say. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, không nên uống dầu được thêm vào quá nhiều rượu mạnh; vị nào uống thì nên được hành xử theo Pháp.[3] Này các tỳ khưu, trong loại dầu nấu nào (được thêm vào rượu mạnh) mà màu sắc, mùi, vị của rượu mạnh không nhận ra được, ta cho phép uống dầu được thêm vào rượu mạnh loại như thế.
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu có nhiều dầu nấu được thêm vào quá nhiều rượu mạnh. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên thực hành như thế nào với các thứ dầu đã được thêm vào quá nhiều rượu mạnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, ta cho phép quy định làm thuốc thoa.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha có nhiều dầu đã được nấu. Vị ấy không có đồ chứa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại bình chứa: bình chứa bằng đồng, bình chứa bằng gỗ, bình chứa làm bằng trái cây.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị phong thấp (aṅgavāta). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, ta cho phép việc điều trị bằng hơi nóng.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hơi nóng của nhiều loại lá cây.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nhiều hơi nóng.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước nấu của nhiều loại lá cây.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) bể nước lớn (để ngâm mình).
[40] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị thấp khớp (pabbavāta). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, ta cho phép trích máu.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép trích máu rồi lấy ra bằng ống sừng.
[41] Vào lúc bấy giờ, các bàn chân của đại đức Pilindavaccha bị nứt nẻ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
-Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc bôi chân.
(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép áp dụng phương pháp phòng ngừa.
[42] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị mụt nhọt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép việc mổ xẻ.
Có nhu cầu về nước làm đông máu.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước làm đông máu.
Có nhu cầu về thuốc cao làm từ mè.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc cao làm từ mè.
Có nhu cầu về vải cầm máu.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vải cầm máu.
Có nhu cầu về vải băng vết thương.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vải băng vết thương.
Vết thương gây ngứa.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép rửa với bột mù-tạt (sāsapakuḍḍa).
Vết thương bị làm mủ.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc xông khói.
Thịt ở vết thương bị lồi lên (như cây gai).
- Này các tỳ khưu, ta cho phép cắt bằng mảnh sứ tẩm muối.
Vết thương không liền lại.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dầu xức vết thương.
Dầu bị chảy.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) băng vải và tất cả các cách chữa trị vết thương.
[43] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị rắn cắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép bố thí bốn loại vật dơ có tính quan trọng là: phân, nước tiểu, tro, và đất sét.
Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “(Có thể sử dụng bốn vật này) khi chưa được thọ lãnh hay cần phải được thọ lãnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh nếu có người làm cho đúng phép, nếu không có người làm cho đúng phép thì tự mình thu nhặt và thọ dụng .
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị uống nhằm thuốc độc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống phân.
Khi ấy, các vị tỳ khưu khởi ý điều này: “(Có thể sử dụng vật ấy) khi chưa được thọ lãnh hay cần phải được thọ lãnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị ấy thọ lãnh trong khi thực hiện vật ấy, khi vật ấy đã thọ lãnh và đã được thực hiện xong không cần phải thọ lãnh lại lần nữa.
[44] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh yểm bùa (gharadinnakābādho).[4] Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống nước bùn lấy từ đất ở lưỡi cày vừa mới cày đất lên.
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh trĩ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống nước tro của cơm khô.
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh vàng da. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống (hợp chất) nước tiểu và harīṭaka.
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh ngoài da. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) mỡ có mùi thơm.
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có cơ thể bốc mùi hôi khủng khiếp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống thuốc xổ.
Có nhu cầu về nước cháo trắng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước cháo trắng.
Có nhu cầu về nước xúp không có chất béo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước xúp không có chất béo.
Có nhu cầu về nước xúp đã thêm chút ít chất béo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước xúp đã thêm chút ít chất béo.
Có nhu cầu về mùi vị của thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) mùi vị của thịt.
[45] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha có ý muốn làm chỗ trú ngụ nên cho người dọn sạch sẽ hang núi ở thành Rājagaha (Vương Xá). Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra (Bình Sa Vương) xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) đã đi đến gặp đại đức Pilindavaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindavaccha rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đại đức Pilindavaccha điều này:
- Thưa ngài, ngài trưởng lão cho làm cái gì vậy?
- Tâu đại vương, tôi có ý muốn làm chỗ trú ngụ nên cho người dọn sạch sẽ hang núi.
- Thưa ngài, ngài có nhu cầu về người giúp việc tu viện (ārāmika) không?
- Tâu đại vương, đức Thế Tôn chưa cho phép về người giúp việc tu viện.
- Thưa ngài, chính vì việc đó ngài hãy hỏi đức Thế Tôn rồi báo cho trẫm biết.
- Tâu đại vương, xin vâng. Đại đức Pilindavaccha đã đáp lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.
Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đại đức Pilindavaccha chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Pilindavaccha, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đại đức Pilindavaccha đã phái sứ giả đi đến gặp đức Thế Tôn (thưa rằng):
- Bạch ngài, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha có ý muốn ban cho người giúp việc tu viện. Bạch ngài, vậy nên thực hành như thế nào?
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép người giúp việc tu viện.
Đến lần thứ nhì, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đại đức Pilindavaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindavaccha rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đại đức Pilindavaccha điều này:
- Thưa ngài, người giúp việc tu viện có được đức Thế Tôn cho phép không?
- Tâu đại vương, đã được rồi.
- Thưa ngài, như vậy thì trẫm ban cho ngài người giúp việc tu viện.
Sau đó, khi đã hứa với đại đức Pilindavaccha về người giúp việc tu viện, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã không ghi nhớ. Một thời gian sau, khi đã phục hồi lại ký ức đức vua đã bảo viên quan đại thần nọ là vị tổng quản rằng:
- Này khanh, người giúp việc tu viện đã được trẫm hứa với ngài đại đức, người giúp việc tu viện ấy đã được ban cho chưa?
- Tâu bệ hạ, người giúp việc tu viện chưa được ban đến ngài đại đức.
- Này khanh, tính đến đêm nay là đã bao lâu rồi vậy?
Khi ấy, viên quan đại thần ấy sau khi tính đếm số lượng đêm rồi đã tâu với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:
- Tâu bệ hạ, năm trăm đêm.
- Này khanh, như vậy thì hãy ban cho ngài đại đức năm trăm người giúp việc tu viện.
- Tâu bệ hạ, xin vâng.
Rồi vị quan đại thần ấy đã vâng lệnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha và dâng đến đại đức Pilindavaccha năm trăm người giúp việc tu viện. Một ngôi làng riêng biệt đã được thiết lập. Họ đã gọi ngôi làng ấy là “Ngôi làng của những người giúp việc tu viện.” Họ cũng đã gọi ngôi làng ấy là “Ngôi làng Pilindavaccha.”
[46] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha là vị thường hay lui tới trong ngôi làng ấy. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Pilindavaccha đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào ngôi làng Pilindavaccha để khất thực. Vào lúc bấy giờ, trong ngôi làng ấy có lễ hội. Những đứa trẻ nhỏ được trang điểm, đeo vòng hoa, và chơi đùa. Khi ấy, trong khi đi khất thực tuần tự từng nhà ở ngôi làng Pilindavaccha, đại đức Pilindavaccha đã đi đến căn nhà của người giúp việc tu viện nọ, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Vào lúc bấy giờ, đứa bé gái con của người đàn bà giúp việc tu viện ấy nhìn thấy những đứa trẻ con khác được trang điểm, đeo vòng hoa, nên đã oà khóc:
- Cho con vòng hoa, cho con đồ trang sức.
Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã nói với người đàn bà giúp việc tu viện ấy điều này:
- Vì sao đứa bé gái này khóc vậy?
- Thưa ngài, đứa bé gái này nhìn thấy những đứa trẻ con khác được trang điểm, đeo vòng hoa, nên đã oà khóc: “Cho con vòng hoa, cho con đồ trang sức.” Chúng tôi lâm cảnh khó khăn, lấy đâu ra vòng hoa, lấy đâu ra đồ trang sức?
Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã nhặt lấy một nắm cỏ nọ rồi nói với người đàn bà giúp việc tu viện ấy điều này:
- Vậy hãy đội nắm cỏ này lên đầu của đứa bé gái kia đi.
Khi ấy, người đàn bà giúp việc tu viện ấy đã cầm lấy nắm cỏ ấy rồi đội lên đầu của đứa bé gái ấy. Vòng cỏ ấy đã trở thành vòng hoa bằng vàng, đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của đức vua cũng không có được vòng hoa bằng vàng như thế ấy. Dân chúng đã trình báo lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha rằng:
- Tâu bệ hạ, trong nhà của người giúp việc tu viện kia có vòng hoa bằng vàng đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của bệ hạ cũng không có được vòng hoa bằng vàng như thế ấy. Đối với kẻ lâm cảnh khó khăn ấy thì lấy đâu ra? Chắc chắn là có được do trộm cắp.
Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cho lệnh bắt giữ gia đình của người giúp việc tu viện ấy.
Đến lần thứ nhì, vào buổi sáng đại đức Pilindavaccha đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào ngôi làng Pilindavaccha để khất thực. Trong khi đi khất thực tuần tự từng nhà ở ngôi làng Pilindavaccha, đại đức Pilindavaccha đã đi đến căn nhà của người giúp việc tu viện nọ, sau khi đến đã hỏi những người hàng xóm rằng:
- Gia đình của người giúp việc tu viện này đã đi đâu?
- Thưa ngài, bọn họ đã bị đức vua ra lệnh bắt giữ vì nguyên nhân vòng hoa bằng vàng ấy.
Sau đó, đại đức Pilindavaccha đã đi đến ngự viện của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đại đức Pilindavaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindavaccha rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Pilindavaccha đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đang ngồi một bên điều này:
- Tâu đại vương, vì sao gia đình của người giúp việc tu viện lại bị ra lệnh bắt giữ?
- Thưa ngài, trong nhà của người giúp việc tu viện ấy có vòng hoa bằng vàng đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của trẫm cũng không có được vòng hoa bằng vàng như thế ấy. Đối với kẻ lâm cảnh khó khăn ấy thì lấy đâu ra? Chắc chắn là có được do trộm cắp.
Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã chú nguyện rằng: “Cung điện của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha là vàng;” cung điện ấy đã trở thành hoàn toàn làm bằng vàng.
- Tâu đại vương, do đâu đại vương lại có nhiều vàng đến thế này?
- Thưa ngài, trẫm đã hiểu rồi. Chính việc ấy là năng lực thần thông của ngài đại đức.
Rồi đức vua đã ra lệnh thả gia đình của người giúp việc tu viện ấy.
[47] Dân chúng (đồn rằng): “Nghe nói ngài đại đức Pilindavaccha đã phô bày điều kỳ diệu của thần thông là pháp thượng nhân trước triều thần có cả đức vua nữa!” nên đã hoan hỷ, có niềm tin cao độ, rồi đã đem đến dâng đại đức Pilindavaccha năm loại dược phẩm như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía. Và đại đức Pilindavaccha trở thành người thường xuyên thọ lãnh năm loại dược phẩm và phân phát cho hội chúng mỗi khi được thọ lãnh. Rồi tiếp tục được thọ lãnh và hội chúng của vị ấy trở nên dư dã. Sau khi chứa đầy các hũ và các chum, các vị xếp chúng một bên; sau khi chứa đầy các túi lọc nước và các túi xách, các vị treo lên ở các cửa sổ. Các loại dược phẩm ấy đã bị rỉ xuống chảy ra và vẫn ở nguyên chỗ. Các trú xá đã có các con chuột xuất hiện rải rác rồi tràn ngập. Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Các sa-môn Thích tử này là những người tích trữ đồ đạc trong nhà giống như là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha vậy.
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu lại chấp nhận sự thặng dư như thế này?
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu chấp nhận sự thặng dư như thế ấy, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, các loại dược phẩm thích hợp cho các tỳ khưu bị bệnh như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía, sau khi thọ lãnh chúng rồi nên được thọ dụng và thời hạn tối đa bảy ngày là thời hạn tích trữ; nếu vượt quá thời hạn ấy thì nên được hành xử theo Pháp.[5]
Tụng phẩm “Dược Phẩm Được Cho Phép” là phần thứ nhất.
[48] Sau đó, khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha. Trên đường đi, đại đức Kaṅkhārevata[6] đã nhìn thấy lò nấu đường nên đã bước sang một bên. Sau khi nhìn thấy (những người thợ) bỏ bột mì và tro vào trong mật đường, vị ấy (nghĩ rằng): “Mật đường trộn với vật thực là không được phép, (vì thế) đường không được thọ dụng lúc phi thời” nên ngần ngại rồi cùng với tập thể không thọ dụng đường. Thậm chí nhiều vị nghĩ rằng nên nghe theo vị ấy rồi cũng không thọ dụng đường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, vì mục đích gì mà họ bỏ bột mì và tro vào trong mật đường vậy?
- Bạch Thế Tôn, vì mục đích kết tinh.
- Này các tỳ khưu, nếu vì mục đích kết tinh mà họ bỏ bột mì và tro vào trong mật đường, (hỗn hợp) ấy kết thành khối vẫn gọi là “Đường” vậy. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng đường một cách thoải mái.
Trên đường đi, đại đức Kaṅkhārevata đã nhìn thấy cây đậu tây (mugga)[7] sinh trưởng ở bãi phân. Sau khi nhìn thấy, vị ấy (nghĩ rằng): “Các hạt đậu tây là không được phép, mặc dầu đã được nấu chín các hạt đậu tây vẫn sinh trưởng” nên ngần ngại rồi cùng với tập thể không thọ dụng đậu tây. Thậm chí nhiều vị nghĩ rằng nên nghe theo vị ấy rồi cũng không thọ dụng đậu tây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, mặc dù đã được nấu chín đậu tây vẫn sinh trưởng. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng đậu tây một cách thoải mái.
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh đau bụng bão (udaravātābādha). Vị ấy đã húp cháo chua có bỏ muối. Bệnh đau bụng bão ấy của vị ấy đã được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng cháo chua có bỏ muối một cách thoải mái đối với vị bị bệnh, đối với vị không bệnh (ta cho phép thọ dụng cháo chua có bỏ muối) đã được pha trộn với nước như là thức uống.
[49] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bị bệnh đau bụng bão. Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): “Trước đây, bệnh đau bụng bão của đức Thế Tôn được dịu đi nhờ cháo gồm có ba thứ” nên đã đích thân đi xin mè, gạo lức, và đậu tây rồi chuẩn bị ở trong khuôn viên (anto),[8] đích thân nấu ở trong khuôn viên, và đã đem đến dâng lên đức Thế Tôn:
- Xin Thế Tôn hãy húp cháo gồm có ba thứ.
Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu vì hai lý do: “Hoặc là chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, cháo này từ đâu vậy?
Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này Ānanda, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này Ānanda, vì sao ngươi lại nghĩ đến việc đa đoan như thế này? Này Ānanda, vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên là không được phép, vật đã được nấu ở trong khuôn viên là không được phép, vật đã được tự mình nấu là không được phép. Này Ānanda, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu thì phạm ba tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được những người khác nấu thì phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên (bahi),[9] đã được tự mình nấu thì phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu thì phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên, đã được những người khác nấu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được những người khác nấu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên, đã được tự mình nấu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên, đã được những người khác nấu thì vô tội.
[50] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Việc tự mình nấu đã được đức Thế Tôn cấm đoán” nên đã ngần ngại trong việc nấu lại lần nữa (hâm nóng thức ăn). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép nấu (lại) vật đã được nấu.
[51] Vào lúc bấy giờ, thành Rājagaha bị khó khăn về vật thực. Dân chúng đã đem đến tu viện muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực cứng. Các vị tỳ khưu đã chuẩn bị các thức ấy ở ngoài khuôn viên và các con thú hoang ăn đi, những kẻ trộm lấy đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép chuẩn bị ở trong khuôn viên.
Sau khi chuẩn bị ở trong khuôn viên, các vị nấu ở ngoài khuôn viên. Những người chuyên ăn vật thực thừa vây quanh. Các vị tỳ khưu thọ dụng không được thoải mái. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép nấu ở trong khuôn viên.
Trong thời gian khó khăn về vật thực, những người làm các vật trở thành đúng phép (cho các vị tỳ khưu sử dụng) đã mang đi nhiều nhưng dâng cho các vị tỳ khưu ít hơn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép tự mình nấu. Này các tỳ khưu, ta cho phép (vật) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu.[10]
[52] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu khi đã trải mùa (an cư) mưa ở xứ Kāsī đang đi đến thành Rājagaha để diện kiến đức Thế Tôn. Trên đường đi, các vị đã không đạt được sự đầy đủ về vật thực dầu tầm thường hay hảo hạng theo như nhu cầu và có nhiều vật ăn được là trái cây nhưng lại không có người làm (các trái cây ấy) trở thành đúng phép. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy với vóc dáng mệt mỏi đã đi đến thành Rājagaha, Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.
Điều này đã trở thành thông lệ đối với chư Phật Thế Tôn là niềm nở đối với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:
- Này các tỷ-kheo, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không? Và này các tỳ khưu, các ngươi từ đâu đến vậy?
- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc đều tốt đẹp. Bạch ngài, trường hợp chúng con khi đã trải mùa (an cư) mưa ở xứ Kāsī và đang đi đến Rājagaha để diện kiến đức Thế Tôn. Trên đường đi, chúng con đã không đạt được sự đầy đủ về vật thực dầu tầm thường hay hảo hạng theo như nhu cầu và có nhiều vật ăn được là trái cây nhưng lại không có người làm (các trái cây ấy) trở thành đúng phép; vì thế, chúng con đã đi đến đường xa đến với vóc dáng mệt mỏi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép ở nơi nào thấy trái cây có thể ăn được và không có người làm (trái cây) trở thành đúng phép thì tự mình nhặt lấy, mang đi, đến khi gặp được người làm (trái cây) trở thành đúng phép thì đặt (trái cây) trên mặt đất, bảo (người ấy) trao lại, rồi thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên.
[53] Vào lúc bấy giờ, có người bà-la-môn nọ thâu hoạch mè mới và mật đường mới. Khi ấy, người bà-la-môn ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên dâng mè mới và mật đường mới đến hội chúng có đức Phật đứng đầu?” Sau đó, người bà-la-môn ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, người bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người bà-la-môn ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã ra đi. Sau đó, khi trải qua đêm ấy người bà-la-môn ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của người bà-la-môn ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, người bà-la-môn ấy đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng cứng mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, người bà-la-môn ấy đã ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bà-la-môn ấy đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, người bà-la-môn ấy đã khởi ý điều này: “Hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được ta thỉnh mời vì mục đích của những thứ này: ‘Ta sẽ dâng mè mới và mật đường mới,’ nhưng ta đã quên dâng chúng rồi. Hay là ta sẽ cho người mang mè mới và mật đường mới bằng các vại và hũ đến tu viện vậy?” Sau đó, người bà-la-môn ấy đã cho người mang mè mới và mật đường mới bằng các vại và hũ đến tu viện rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, người bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài Gotama, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được tôi thỉnh mời vì mục đích của những thứ này: ‘Ta sẽ dâng mè mới và mật đường mới,’ nhưng tôi đã quên dâng chúng rồi. Bạch ngài Gotama, xin hãy thọ lãnh mè mới và mật đường mới của tôi.
- Này bà-la-môn, như vậy thì ngươi hãy dâng đến các vị tỳ khưu đi.
Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu chỉ được thỉnh cầu những khẩu phần ít ỏi nên có sự suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu, nhưng các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.
- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong khi được yêu cầu thì được thọ dụng vật không phải còn thừa và đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong.
[54] Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của tỳ khưu Upananda con trai dòng Sākya đã cho người đem lại vật thực loại cứng nhằm dâng đến hội chúng (dặn dò) rằng: “Nên trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.” Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã đi vào làng để khất thực. Khi ấy, những người ấy sau khi đi đến tu viện đã hỏi các vị tỳ khưu rằng:
- Thưa các ngài, ngài đại đức Upananda ở đâu vậy?
- Này các đạo hữu, đại đức Upananda con trai dòng Sākya này đã đi vào làng để khất thực.
- Thưa các ngài, vật thực loại cứng này nên được trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, như vậy thì sau khi thọ lãnh các ngươi hãy để riêng ra đến khi Upananda trở về.
Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sākya trước bữa ăn đã đi giao thiệp với các gia đình rồi về lại trong ngày. Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu chỉ được thỉnh cầu những khẩu phần ít ỏi nên có sự suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu, nhưng các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.
- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong khi được yêu cầu thì được thọ dụng vật không phải còn thừa đã được thọ lãnh trước bữa ăn.
[55] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) bị bệnh sốt toàn thân. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna (Mục Kiền Liên) đã đi đến gặp đại đức Sāriputta, sau khi đến đã nói với đại đức Sāriputta điều này:
- Này đại đức Sāriputta, trước đây bịnh sốt toàn thân của đại đức được dịu đi nhờ vào thứ gì?
- Này đại đức, tôi nhờ vào các cọng súng và cọng sen.
Sau đó, giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đại đức Mahāmoggallāna đã biến mất tại Jetavana rồi hiện ra ở bờ hồ sen Mandākinī. Có con long tượng nọ đã nhìn thấy đại đức Mahāmoggallāna từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Mahāmoggallāna điều này:
- Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahāmoggallāna hãy đến. Thưa ngài, xin hoan nghênh ngài đại đức Mahāmoggallāna. Thưa ngài, ngài đại đức có nhu cầu gì? Tôi có thể dâng vật gì?
- Này đạo hữu, ta có nhu cầu về các cọng súng và cọng sen.
Khi ấy, con long tượng ấy đã ra lệnh cho con long tượng khác.
- Này bạn, như vậy bạn hãy dâng đến ngài đại đức các cọng súng và cọng sen theo như nhu cầu.
Sau đó, con long tượng ấy đã lội xuống hồ sen Mandākinī dùng vòi nhổ các cọng súng và cọng sen rồi rửa sạch sẽ, sau khi rửa xong đã buộc lại thành bó rồi đi đến gặp đại đức Mahāmoggallāna. Khi ấy, giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đại đức Mahāmoggallāna đã biến mất tại bờ hồ sen Mandākinī rồi hiện ra ở Jetavana. Con long tượng ấy cũng đã biến mất tại bờ hồ sen Mandākinī và hiện ra ở Jetavana. Khi ấy, con long tượng ấy sau khi đã dâng đến đại đức Mahāmoggallāna các cọng súng và cọng sen rồi đã biến mất tại Jetavana và hiện ra ở bờ hồ sen Mandākinī. Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã đem lại các cọng súng và cọng sen cho đại đức Sāriputta. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã thọ dụng các cọng súng và cọng sen, bệnh sốt toàn thân đã được thuyên giảm. Nhiều cọng súng và cọng sen còn thừa lại. Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu chỉ được thỉnh cầu những khẩu phần ít ỏi nên có sự suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu, nhưng các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.
- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong khi được yêu cầu thì được thọ dụng vật không phải còn thừa đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước.
[56] Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi có vô số trái cây có thể ăn được nhưng lại không có người làm (các trái cây ấy) trở thành đúng phép. Các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ dụng trái cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng trái cây không có hột, hoặc không còn hột, (cho dù) chưa được làm trở thành đúng phép.
[57] Sau đó, khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc.
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh lở loét. Thầy thuốc Ākāsagotta đã thực hiện việc mổ xẻ. Sau đó, đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu nọ. Thầy thuốc Ākāsagotta đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài Gotama, xin hãy lại đây. Xin hãy nhìn xem hậu môn của vị tỳ khưu này, giống như là miệng của con kỳ nhông vậy.
Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Kẻ rồ dại này (muốn) đùa cợt ta!” rồi đã từ nơi ấy quay trở về và nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, có phải trong trú xá ở đàng kia có vị tỳ khưu bị bệnh?
- Bạch Thế Tôn, thưa có.
- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy bị bệnh gì?
- Bạch ngài, đại đức ấy bị bệnh lở loét. Thầy thuốc Ākāsagotta đã thực hiện việc mổ xẻ.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này các tỳ khưu, vì sao kẻ rồ dại ấy lại cho người thực hiện việc mổ xẻ ở chỗ kín (của cơ thể)? Này các tỳ khưu, da ở chỗ kín (của cơ thể) thì mỏng, vết thương khó liền da, dao khó điều khiển. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên cho người thực hiện việc mổ xẻ ở chỗ kín (của cơ thể); vị nào cho người thực hiện thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán việc mổ xẻ” nên đã cho người thực hiện việc bơm thụt. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại cho người thực hiện việc bơm thụt?
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư cho người thực hiện việc bơm thụt, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên cho người thực hiện việc mổ xẻ hoặc việc bơm thụt xung quanh chỗ kín (của cơ thể) hai lóng tay; vị nào cho người thực hiện thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).
[58] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī (Ba La Nại). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī. Tại nơi đó trong thành Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, ở vườn nai.
Vào lúc bấy giờ, trong thành Bārāṇasī có nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā. Cả hai đều ngưỡng mộ, là thí chủ, là người phục vụ, là người hộ độ cho hội chúng. Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đi đến tu viện rồi đi từ trú xá này đến trú xá khác, từ phòng này đến phòng khác và hỏi các vị tỳ khưu rằng:
- Thưa các ngài, vị nào bị bệnh? Vật gì cần được mang lại? Cho vị nào?
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã uống thuốc xổ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:
- Này chị gái, tôi đã uống thuốc xổ. Tôi có nhu cầu về mùi vị của thịt.
- Thưa ngài, tốt lắm. (Vật ấy) sẽ được mang lại.
Sau khi về nhà, nữ cư sĩ Suppiyā đã bảo người giúp việc rằng:
- Này chú em, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).
- Thưa cô chủ, xin vâng.
Rồi người đàn ông ấy nghe theo nữ cư sĩ Suppiyā đã đi rảo khắp cả thành Bārāṇasī nhưng vẫn không thấy loại thịt đã được làm sẵn. Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:
- Thưa cô chủ, không có thịt đã được làm sẵn. Hôm nay là ngày kiêng sát sanh.
Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đã khởi ý điều này: “Vị tỳ khưu bị bệnh ấy mà không có được mùi vị của thịt thì bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ chết. Đối với ta, việc ta đã hứa mà không cho người đem lại là việc không đúng đắn” nên đã lấy con dao găm cắt miếng thịt ở đùi rồi trao cho người tớ gái (nói rằng):
- Này em, hãy chuẩn bị miếng thịt này rồi dâng đến vị tỳ khưu bị bệnh ấy ở trong trú xá kia. Và ai hỏi ta thì hãy báo cho biết là: “Cô chủ bị bệnh.”
Rồi nàng đã lấy thượng y quấn quanh đùi, đi vào phòng trong, và nằm xuống trên giường. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã trở về nhà và hỏi người tớ gái rằng:
- Suppiyā đâu rồi?
- Thưa ông chủ, bà nằm ở phòng trong.
Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:
- Vì sao nàng lại nằm vậy?
- Thiếp bị bệnh.
- Nàng bị bệnh gì vậy?
Sau đó, nữ cư sĩ Suppiyā đã kể lại sự việc ấy cho nam cư sĩ Suppiya. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Nàng Suppiyā đã được an trú vào niềm tin đến thế. Bởi vì ngay cả thịt của chính bản thân còn được dứt bỏ thì còn có gì khác nữa mà nàng không thể bố thí?” nên mừng rỡ, phấn chấn đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Suppiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy nam cư sĩ Suppiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của nam cư sĩ Suppiya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ Suppiya đang đứng một bên điều này:
- Suppiyā đâu rồi?
- Bạch Thế Tôn, nàng bị bệnh.
- Như vậy thì (nàng) hãy đi đến đây.
- Bạch Thế Tôn, nàng không đủ sức.
- Như vậy thì hãy ẵm rồi đưa (nàng) lại đây.
Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã ẵm và đưa nữ cư sĩ Suppiyā lại. Khi đức Thế Tôn nhìn thấy nàng, ngay khi ấy vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì ở đây chỉ với ánh nhìn của đức Thế Tôn, vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, họ đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
[59] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, vị nào đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt?
Khi được nói như thế, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, chính con đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt.
- Này tỳ khưu, có phải (thịt) đã được đem đến đây?
- Bạch Thế Tôn, (thịt) đã được đem đến đây.
- Này tỳ khưu, có phải ngươi đã thọ dụng?
- Bạch Thế Tôn, con đã thọ dụng.
- Này tỳ khưu, ngươi có quán xét (là thịt gì) hay không?
- Bạch Thế Tôn, con đã không quán xét (là thịt gì).
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi chưa quán xét mà lại thọ dụng thịt? Này kẻ rồ dại, ngươi đã thọ dụng thịt người. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, có những người có niềm tin đã được an trú, ngay thịt của chính bản thân còn được những người này dứt bỏ. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt người; vị nào thọ dụng thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt khi chưa quán xét; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[60] Vào lúc bấy giờ, các con voi của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt voi và bố thí thịt voi đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt voi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt voi? Các con voi là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt voi; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, các con ngựa của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt ngựa và bố thí thịt ngựa đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt ngựa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt ngựa? Các con ngựa là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt ngựa; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt chó và bố thí thịt chó đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt chó. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt chó? Loài chó thì ghê tởm và đáng ghét.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt rắn và bố thí thịt rắn đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt rắn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt rắn? Loài rắn thì ghê tởm và đáng ghét.
Vua của loài rắn là Supassa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, Supassa vua của loài rắn đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, có những loài rắn không có đức tin, không có ngưỡng mộ, chúng có thể hãm hại các vị tỳ khưu dầu là việc không đáng. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay các ngài đại đức chớ nên thọ dụng thịt rắn.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Supassa vua của loài rắn bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Supassa vua của loài rắn đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt rắn; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con sư tử rồi ăn thịt sư tử và bố thí thịt sư tử đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt sư tử rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con sư tử (nhận biết được) mùi thịt sư tử nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt sư tử; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con hổ rồi ăn thịt hổ và bố thí thịt hổ đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt hổ rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con hổ (nhận biết được) mùi thịt hổ nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt hổ; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con beo rồi ăn thịt beo và bố thí thịt beo đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt beo rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con beo (nhận biết được) mùi thịt beo nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt beo; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con gấu rồi ăn thịt gấu và bố thí thịt gấu đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt gấu rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con gấu (nhận biết được) mùi thịt gấu nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt gấu; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con chó sói rồi ăn thịt chó sói và bố thí thịt chó sói đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt chó sói rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con chó sói (nhận biết được) mùi thịt chó sói nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó sói; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Dứt tụng phẩm “Suppiya” là phần thứ nhì.
[61] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Andhakavindaṃ cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, dân chúng trong xứ sở cho người chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi lần lượt nối đuôi theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): “Khi nào chúng tôi đến phiên, khi ấy chúng tôi sẽ thực hiện bữa trai phạn” và có số lượng là năm trăm người ăn thức ăn còn thừa. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Andhakavindaṃ. Khi ấy, có người bà-la-môn nọ không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hơn hai tháng nay, ta đã theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): ‘Khi nào ta đến phiên, khi ấy ta sẽ thực hiện bữa trai phạn,’ và ta không nhận được phiên. Mà ta thì đơn chiếc, nhiều công việc gia đình đã bị ta bỏ bê. Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn và ta nên chuẩn bị sẵn sàng món gì ở nhà ăn không có?” Sau đó, người bà-la-môn ấy trong khi nhìn xem ở nhà ăn đã không thấy hai món là cháo và mật viên. Khi ấy, người bà-la-môn ấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:
- Thưa ngài Ānanda, ở đây tôi không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hơn hai tháng nay, ta đã theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): ‘Khi nào ta đến phiên, khi ấy ta sẽ thực hiện bữa trai phạn,’ và ta không nhận được phiên. Mà ta thì đơn chiếc, nhiều công việc gia đình đã bị ta bỏ bê. Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn và ta nên chuẩn bị sẵn sàng món gì ở nhà ăn không có?” Thưa ngài Ānanda, trong khi nhìn xem ở nhà ăn tôi đây đã không thấy hai món là cháo và mật viên. Thưa ngài Ānanda, nếu tôi chuẩn bị sẵn sàng thì Ngài Gotama có thọ nhận cháo và mật viên của tôi hay không?
- Này ông bà-la-môn, như thế thì tôi sẽ hỏi đức Thế Tôn.
Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn.
- Này Ānanda, như vậy thì bảo ông ta hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.
(Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với người bà-la-môn như vầy):
- Này ông bà-la-môn, như vậy thì ông hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy người bà-la-môn ấy đã cho người chuẩn bị sẵn sàng nhiều cháo và mật viên rồi đem dâng đến đức Thế Tôn:
- Bạch Ngài Gotama, xin hãy thọ lãnh cháo và mật viên của tôi.
- Này bà-la-môn, như thế thì hãy dâng đến các vị tỳ khưu.
Các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.
- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.
Khi ấy, người bà-la-môn ấy đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với nhiều cháo và mật viên. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có cánh tay đã được rửa và bàn tay đã rời khỏi bình bát, người bà-la-môn ấy đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với người bà-la-môn ấy đang ngồi một bên điều này:
- Này bà-la-môn, đây là mười điều lợi ích của cháo. Mười điều ấy là gì? Trong khi bố thí cháo (người ấy) bố thí tuổi thọ, bố thí sắc đẹp, bố thí sự an lạc, bố thí sức mạnh, bố thí trí tuệ, người đã húp cháo dứt hẳn cơn đói, chận đứng cơn khát, điều hòa gió, làm sạch bàng quang, và làm tiêu hóa phần (vật thực) thô còn lại chưa được tiêu hóa. Này bà-la-môn, đây là mười điều lợi ích của cháo.
[62]
Người nào bố
thí cháo
cung kính và hợp thời
đến những ai thu thúc
ăn vật kẻ khác cho
là đã cho vị ấy
được mười điều lợi ích:
tuổi thọ, và sắc đẹp,
an vui, và sức mạnh,
nhờ đó được sanh khởi
trí tuệ cho vị ấy,
xua đi được cơn đói
cơn khát, gió (điều hòa),
làm trong sạch bàng quang,
tiêu hóa vật ăn vào.
Vật ấy là dược phẩm
đấng Thiện Thệ ngợi khen.
Bởi thế, người khao khát
an lạc chốn thiên đường
hoặc là đang mong muốn
sự phồn vinh nhân loại
nên thường xuyên bố thí
cháo đầy đủ đến vị
có nhu cầu an lạc.
[63] Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi tùy hỷ công đức của người bà-la-môn bằng những lời kệ này rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thọ dụng) cháo và mật viên.
[64] Dân chúng đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn cho phép cháo và mật viên.” Vào buổi sáng sớm, họ đã cho chuẩn bị sẵn sàng cháo đặc và mật viên. Các tỳ khưu vào buổi sáng sớm được thỏa mãn với cháo đặc và mật viên nên không thọ thực được như ý ở chỗ thọ thực.
Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được vị quan đại thần nọ mới có đức tin thỉnh mời vào ngày hôm sau. Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên chuẩn bị sẵn sàng một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt cho một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu rồi sẽ dâng đến cứ mỗi một vị tỳ khưu là một đĩa thịt?” Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm và một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của vị quan đại thần mới có đức tin ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy phục vụ các vị tỳ khưu ở trong nhà ăn. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:
- Này đạo hữu, chỉ dâng chút ít thôi. Này đạo hữu, chỉ dâng chút ít thôi.
- Thưa các ngài, chớ có thọ lãnh chỉ chút ít (vì nghĩ rằng): “Vị quan đại thần này mới có đức tin.” Tôi đã cho chuẩn bị nhiều vật thực loại cứng loại mềm và một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt, tôi sẽ dâng đến mỗi một vị tỳ khưu là một đĩa thịt. Thưa các ngài, hãy thọ lãnh theo như ước muốn.
- Này đạo hữu, không phải vì lý do ấy mà chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít; tuy nhiên vì vào sáng sớm chúng tôi đã được thỏa mãn với cháo đặc và mật viên rồi, cho nên chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít.
Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các đại đức đã được tôi thỉnh mời lại thọ dụng cháo đặc của người khác? Không lẽ tôi không đủ khả năng để bố thí theo như ước muốn hay sao?
Rồi trở nên giận dữ, không còn hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng):
- Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.
Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị quan đại thần mới có đức tin ấy đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã khởi lên sự ăn năn, đã khởi lên nỗi ân hận: “Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Là việc ta đã trở nên giận dữ, không còn hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.’ Ta đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là tội lỗi?”
Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, ở đây khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, con đã khởi lên sự ăn năn, đã khởi lên nỗi ân hận: “Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Là việc ta đã trở nên giận dữ, không còn hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.’ Ta đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là tội lỗi?” Bạch ngài, con đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là tội lỗi?
- Này đạo hữu, kể từ lúc ngươi thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu cho ngày hôm sau, từ lúc ấy ngươi đã tạo ra được nhiều phước báu. Kể từ lúc mỗi một phần cơm của ngươi được mỗi một vị tỳ khưu thọ lãnh, từ lúc ấy ngươi đã tạo ra được nhiều phước báu. Các cõi trời đã được thành tựu cho ngươi rồi.
Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy (nghĩ rằng): “Nghe nói ta có được điều lợi ích! Nghe nói ta đã đạt được điều tốt! Nghe nói ta đã tạo ra được nhiều phước báu! Nghe nói các cõi trời đã được thành tựu cho ta!” nên mừng rỡ phấn chấn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác; vị nào thọ dụng thì nên được hành xử theo Pháp.[11]
[65] Sau đó, khi đã ngự tại Andhakavinda theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, Velaṭṭha Kaccāna đang trên đường xa từ thành Rājagaha đi Andhakavinda cùng với năm trăm xe hàng toàn bộ đều chất đầy các hũ mật đường. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy Velaṭṭha Kaccāna từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã rời đường lộ và ngồi xuống ở gốc cây nọ. Sau đó, Velaṭṭha Kaccāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, Velaṭṭha Kaccāna đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, con muốn dâng đến mỗi một vị tỳ khưu một hũ mật đường
- Này Kaccāna, như vậy thì ngươi hãy mang lại chỉ một hũ mật đường thôi.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy chỉ một hũ mật đường rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đứcThế Tôn điều này:
- Bạch ngài, hũ mật đường đã được mang lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?
- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy dâng mật đường đến các vị tỳ khưu.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi dâng mật đường đến các vị tỳ khưu rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, mật đường đã được dâng đến các vị tỳ khưu, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?
- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy dâng mật đường đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi dâng mật đường đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, mật đường đã được dâng đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?
- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường. Một số các vị tỳ khưu đã chứa đầy các bình bát, (một số) đã chứa đầy các túi lọc nước và các túi xách. Rồi Velaṭṭha Kaccāna sau khi đã làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, các vị tỳ khưu đã được thỏa mãn với nhiều mật đường, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?
- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi đã cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, mật đường đã được cho đến những người ăn thức ăn còn thừa, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?
- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi đã cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, mật đường đã được cho đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?
- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường. Một số người ăn thức ăn còn thừa đã chứa đầy các lọ, các bình, (một số) đã chứa đầy các giỏ, và dùng luôn cả phần y ở phía trước (túm lại để chứa đường). Rồi Velaṭṭha Kaccāna sau khi đã làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, những người ăn thức ăn còn thừa đã được thỏa mãn với nhiều mật đường, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?
- Này Kaccāna, ta không thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người mà đường này khi được người ấy ăn vào có thể đem lại sự tiêu hóa đúng đắn, ngoại trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Này Kaccāna, chính vì điều ấy ngươi hãy đổ bỏ đường ấy ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã đổ mật đường ấy xuống nước không có sinh vật. Khi ấy, mật đường ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói. Cũng giống như lưỡi cày đã được nung đỏ trọn ngày khi được bỏ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói; tương tợ như thế, mật đường ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói.
Khi ấy, Velaṭṭha Kaccāna trở nên hoảng hốt, lông dựng đứng lên, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Rồi đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến Velaṭṭha Kaccāna đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của Velaṭṭha Kaccāna đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến Velaṭṭha Kaccāna: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, Velaṭṭha Kaccāna đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
[66] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Rājagaha mật đường được dồi dào. Các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Mật đường đã được đức Thế Tôn cho phép đến chính vị bị bệnh, còn chúng ta thì không bị bệnh” nên ngần ngại không thọ dụng mật đường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép mật đường (guḷa) đối với vị bị bệnh và nước (có pha) mật đường (guḷodaka) đối với vị không bị bệnh
[67] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Pāṭaligàma[12] cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Pāṭaligàma. Các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Pāṭaligàma.” Sau đó, các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời (trú tại) nhà nghỉ trọ cùng với hội chúng Tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã trải ra tất cả thảm trải ở nhà nghỉ trọ, cho sắp đặt các chỗ ngồi, cho bố trí lu nước, chuẩn bị cây đèn dầu, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, tất cả thảm trải ở nhà nghỉ trọ đã được trải ra, các chỗ ngồi đã được cho sắp đặt, lu nước đã được cho bố trí, cây đèn dầu đã được chuẩn bị. Bạch ngài, bây giờ là thời điểm của việc gì xin đức Thế Tôn hãy suy tính về việc ấy.
Sau đó, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã rửa sạch hai bàn chân rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ cột nhà ở chính giữa, mặt nhìn về hướng đông. Hội chúng tỳ khưu cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía tây, mặt nhìn về hướng đông, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn. Các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía đông, mặt nhìn về hướng tây, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma rằng:
[68] - Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Năm điều ấy là gì?
Này các cư sĩ, ở đây kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới gánh chịu sự mất mát lớn về tài sản do nguyên nhân xao lãng. Đây là điều tai hại thứ nhất của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn xấu xa của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới lan rộng. Đây là điều tai hại thứ nhì của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người sát-đế-lỵ (khattiya), dầu là tập thể những người bà-la-môn (brāhmaṇa), dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các sa-môn, kẻ ấy đi vào thiếu sự tự chủ và trở nên bối rối. Đây là điều tai hại thứ ba của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới có sự mê mờ khi từ trần. Đây là điều tai hại thứ tư của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Đây là điều tai hại thứ năm của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới.
[69] Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Năm điều ấy là gì?
Này các cư sĩ, người giữ giới có sự thành tựu về giới thành tựu số lượng lớn về tài sản do nguyên nhân không xao lãng. Đây là điều lợi ích thứ nhất của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn tốt đẹp của người giữ giới có sự thành tựu về giới lan rộng. Đây là điều lợi ích thứ nhì của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người sát-đế-lỵ (khattiya), dầu là tập thể những người bà-la-môn (brāhmaṇa), dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các sa-môn, người ấy đi vào có sự tự chủ và không có bối rối. Đây là điều lợi ích thứ ba của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới có sự không mê mờ khi từ trần. Đây là điều lợi ích thứ tư của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn an vui, cõi trời, cõi người. Đây là điều lợi ích thứ năm của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
[70] Sau đó, khi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma bằng bài Pháp thoại đến tận đêm khuya, đức Thế Tôn đã giải tán (bảo rằng):
- Này các cư sĩ, đêm đã khuya. Bây giờ là thời điểm của việc gì thì các ngươi hãy suy tính về việc ấy.
- Bạch ngài, xin vâng.
Các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma ra đi không lâu, đức Thế Tôn đã đi vào ngôi nhà trống vắng.
[71] Vào lúc bấy giờ, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra cho xây thành lũy ở trong Pāṭaligàma để ngăn cản người Vajjī. Và đức Thế Tôn, sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đã nhìn thấy bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt xa loài người nhiều vị trời đang chiếm giữ các khu vực ở trong Pāṭaligàma. Các vị trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực lớn ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực trung bình ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực kém ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, những ai là người cho xây thành lũy ở Pāṭaligàma vậy?
- Bạch ngài, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra là người cho xây thành lũy ở Pāṭaligàma để ngăn cản người Vajjī.
- Này Ānanda, cũng giống như là đã thỉnh ý với chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa (Tam Thập Tam Thiên), này Ānanda, tương tợ như thế hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã cho xây thành lũy ở Pāṭaligàma để ngăn cản người Vajjī. Này Ānanda, ở đây sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, ta đã nhìn thấy bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt trên loài người nhiều vị trời đang chiếm giữ các khu vực ở trong Pāṭaligàma. Các vị trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực lớn ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực trung bình ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực kém ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Này Ānanda, cho đến tận lãnh thổ của những người Ariyan và đến tận con đường của những nhà thương buôn, Pāṭaliputta này sẽ trở thành thành phố hàng đầu, là nơi phân phối các loại hàng hóa. Này Ānanada, thành Pāṭaliputta sẽ xảy ra ba tai họa hoặc do lửa, hoặc do nước, hoặc do sự chia hai từ trong nội bộ.
[72] Sau đó, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Xin ngài Gotama hãy nhận lời chúng tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã ra đi.
Sau đó, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến nơi phân phối thức ăn của hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, hai vị quan đại thần đã ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã tùy hỷ công đức cho hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đang ngồi một bên bằng những lời kệ này:
[72]
Ở tại xứ sở
nào,
khi đã dâng thức ăn
đến những người có giới,
thu thúc, hành Phạm hạnh,
người ấy sắp trú xứ
cho các bậc trí thức.
Chỗ ấy, chư thiên ngụ
người ấy trọng chư thiên,
chư thiên được cúng dường
sẽ cúng dường người ấy,
chư thiên được cung kỉnh
sẽ cung kỉnh người ấy.
Nhờ vậy, chư thiên ấy
thương mến đến người ấy,
như người mẹ thương xót
con trai ruột của mình,
được chư thiên thương mến
người ấy sẽ thấy được
điều tốt lành luôn luôn.
Sau đó, đức Thế Tôn khi đã tùy hỷ công đức cho hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đang ngồi một bên bằng những lời kệ ấy rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Vào lúc bấy giờ, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã đi theo phía sau đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra bằng cửa thành nào thì cửa thành ấy sẽ có tên là Cửa thành Gotama, và băng qua sông Gaṅgā (Hằng-hà) bằng bến tàu nào thì bến tàu ấy sẽ có tên là Bến tàu Gotama.” Sau đó, cửa thành nào mà đức Thế Tôn đã đi ra, cửa thành ấy đã có tên là Cửa thành Gotama. Rồi đức Thế Tôn đã đi đến sông Gaṅgā.
Vào lúc bấy giờ, sông Gaṅgā luôn tràn đầy, mấp mé bờ khiến chim quạ có thể uống nước. Một số dân chúng đi kiếm thuyền, một số đi kiếm xuồng, một số buộc thành chiếc bè với ước muốn đi sang bờ bên kia. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy những người ấy, một số đang đi kiếm thuyền, một số đang đi kiếm xuồng, một số đang buộc thành chiếc bè với ước muốn đi sang bờ bên kia. Sau khi nhìn thấy, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra; tương tợ như thế, đức Thế Tôn đã biến mất tại bờ bên này của sông Gaṅgā và hiện ra đứng ở bờ bên kia cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
Sau khi dựng
cây cầu,
vượt qua các hồ nhỏ,
những người nào băng qua
biển cả hoặc ao hồ
người bởi vì loay hoay
buộc thành chiếc bè nhỏ
trong khi các bậc trí
đã vượt đến bờ kia.
[75] Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến Koṭigāma. Tại nơi ấy, đức Thế Tôn ngự tại Koṭigāma. Ở đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, do sự không giác ngộ, không thấu triệt được bốn Chân Lý Cao Thượng, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm. Bốn điều ấy là gì? Này các tỳ khưu, do sự không giác ngộ, không thấu triệt được Chân Lý Cao Thượng của Khổ, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm. ...(như trên)... Chân Lý Cao Thượng của Nguồn Gốc Sanh Khởi của Khổ, ...(như trên)... Chân Lý Cao Thượng của Sự Chấm Dứt của Khổ, ...(như trên)... Chân Lý Cao Thượng của Sự Thực Hành đưa đến Sự Chấm Dứt của Khổ, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm.
Này các tỳ khưu, khi Chân Lý Cao Thượng của Khổ này đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Nguồn Gốc Sanh Khởi của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Sự Chấm Dứt của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Sự Thực Hành đưa đến Sự Chấm Dứt của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, sự khao khát về sự tái sanh đã được cắt đứt, lối đưa đến sự tái sanh đã cạn kiệt, giờ đây không còn sự tái sanh lần nữa.
[76]
Không thấy được
như thật
bốn Chân Lý Cao Thượng
luân hồi dài thăm thẳm
sanh kiếp này kiếp khác.
Những điều ấy thấy được
lối tái sanh không còn,
nguồn sanh khổ đã đoạn
sanh lại nay hết rồi.
[77] Nàng kỷ nữ Ambapālī đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Koṭigāma.” Sau đó, nàng kỷ nữ Ambapālī đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe vô cùng lộng lẫy, sau đó rời khỏi thành Vesālī (Vệ Xá) bằng những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Sau khi đã đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, nàng đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nàng kỷ nữ Ambapālī đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, nàng kỷ nữ Ambapālī đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng Tỳ khưu nhận lời bữa thọ trai vào ngày mai của con.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nàng kỷ nữ Ambapālī hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Các vương tử dòng Licchavi ở Vesālī đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Koṭigāma.” Sau đó, các vương tử dòng Licchavi ở Vesālī đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe vô cùng lộng lẫy, sau đó rời khỏi thành Vesālī bằng những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu xanh, có vẻ bên ngoài màu xanh, y phục màu xanh, đồ trang sức màu xanh. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu vàng, có vẻ bên ngoài màu vàng, y phục màu vàng, đồ trang sức màu vàng. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu đỏ, có vẻ bên ngoài màu đỏ, y phục màu đỏ, đồ trang sức màu đỏ. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu trắng, có vẻ bên ngoài màu trắng, y phục màu trắng, đồ trang sức màu trắng. Khi ấy, nàng kỷ nữ Ambapālī di chuyển song song gọng xe với gọng xe, càng xe với càng xe, bánh xe với bánh xe, trục bánh xe với trục bánh xe của các vương tử rất trẻ tuổi dòng Licchavi. Khi ấy, các vương tử dòng Licchavi ấy đã nói với nàng kỷ nữ Ambapālī điều này:
- Này nàng Ambapālī, vì sao nàng lại di chuyển song song gọng xe với gọng xe, càng xe với càng xe, bánh xe với bánh xe, trục bánh xe với trục bánh xe của các vương tử rất trẻ tuổi dòng Licchavi của chúng tôi vậy?
- Này các cậu công tử, chính là vì tôi đã thỉnh mời được hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.
- Này nàng Ambapālī, hãy nhường lại cho chúng tôi bữa thọ trai ấy với giá một trăm ngàn.
- Này các cậu công tử, cho dù các cậu chịu nhường lại thành Vesālī luôn cả dân cư cho tôi, tôi cũng không chịu nhường lại bữa thọ trai ấy.
Khi ấy, các vương tử dòng Licchavi ấy đã búng ngón tay (nói rằng):
- Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi! Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi!
Sau đó, các vương tử dòng Licchavi ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vương tử dòng Licchavi ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa chưa được các tỳ khưu nhìn thấy trước đây. Này các tỳ khưu, hãy nhìn tập thể các vương tử dòng Licchavi. Này các tỳ khưu, hãy nhìn tập thể các vương tử dòng Licchavi. Này các tỳ khưu, hãy so sánh tập thể các vương tử dòng Licchavi với tập thể chư thiên cõi Tāvatiṃsa.
Khi ấy, sau khi đã đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, các vương tử dòng Licchavi ấy đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vương tử dòng Licchavi ấy đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, các vương tử dòng Licchavi ấy đã nói đã với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng Tỳ khưu nhận lời bữa thọ trai vào ngày mai của chúng con.
- Này các vị Licchavi, ta đã nhận lời nàng kỷ nữ Ambapālī về bữa thọ trai vào ngày mai rồi.
Khi ấy, các vương tử dòng Licchavi ấy đã búng ngón tay (nói rằng):
- Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi! Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi!
Sau đó, khi đã được hoan hỷ và thỏa mãn với lời nói của đức Thế Tôn, các vương tử dòng Licchavi ấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi đã ngự tại Koṭigāma như ý thích, đức Thế Tôn đã đi đến Nādikā. Tại nơi ấy ở Nākikā, đức Thế Tôn ngự trong căn nhà bằng gạch.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy nàng kỷ nữ Ambapālī đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm trong khu vườn của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến chỗ dâng cúng vật thực của nàng kỷ nữ Ambapālī, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, nàng kỷ nữ Ambapālī đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, nàng đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nàng kỷ nữ Ambapālī đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, con xin dâng khu vườn Ambapāli này đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu.
Đức Thế Tôn đã thọ nhận khu vườn. Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nàng kỷ nữ Ambapālī bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến Mahāvana (Đại Lâm). Tại nơi ấy ở Vesālī, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra.
Dứt tụng phẩm “Licchavi.”
[78] Vào lúc bấy giờ, các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Vào lúc bấy giờ, tướng quân Sīha là đệ tử của Nigaṇṭha đang ngồi trong tập thể ấy. Khi ấy, tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức; có lẽ ta nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy?” Sau đó, tướng quân Sīha đã đi đến gặp Nigaṇṭha Nāṭaputta,[13] sau khi đến đã đảnh lễ Nigaṇṭha Nāṭaputta rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta điều này:
- Thưa ngài, tôi muốn đi đến để diện kiến Sa-môn Gotama.
- Này Sīha, ngươi là người theo thuyết hành động, sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động? Này Sīha, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.
Khi ấy, ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn của tướng quân Sīha đã được lắng dịu đi.
Đến lần thứ nhì, ...(như trên)...
Đến lần thứ ba, các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Đến lần thứ ba tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Những người Nigaṇṭha dầu có được hỏi ý kiến hay không được hỏi ý kiến thì sẽ làm được điều gì đối với ta? Có lẽ ta không cần hỏi ý kiến các Nigaṇṭha và nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy?”
Sau đó, tướng quân Sīha cùng với năm trăm cỗ xe đã rời thành Vesālī vào ban ngày để diện kiến đức Thế Tôn. Sau khi đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, tướng quân Sīha đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, tôi được nghe rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.” Bạch ngài, những người nào đã nói như vầy: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy,” bạch ngài, phải chăng những người ấy nói đúng về đức Thế Tôn, không gièm pha đức Thế Tôn với sự sai trái, và tuyên bố về pháp phù hợp với Pháp (của ngài) không? Và có phải bất cứ người nào sống theo pháp có lời nói hợp với giáo lý đều không có cơ sở để chê bai? Bạch ngài, chúng tôi thật tình không có ý lên án đức Thế Tôn.
[79] - Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về không hành động của thân làm ác, của miệng nói ác, của ý nghĩ ác; ta giảng về không hành động của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về hành động của thân làm thiện, của miệng nói thiện, của ý nghĩ thiện; ta giảng về hành động của các thiện pháp dưới nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về sự đoạn diệt của luyến ái, của sân, của si; ta giảng về sự đoạn diệt của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta ghê tởm với việc làm ác của thân, với lờì nói ác của miệng, với suy nghĩ ác của ý; ta giảng pháp về điều ghê tởm trong sự tạo thành các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng pháp về sự từ bỏ luyến ái, sân, si; ta giảng pháp về sự từ bỏ các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, ta giảng về các pháp ác và bất thiện là việc làm ác của thân, lờì nói ác của miệng, suy nghĩ ác của ý cần được thiêu đốt. Này Sīha, người nào có các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: “Người thiêu đốt.” Này Sīha, các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt của Như Lai đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của người nào, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: “Người thoát khỏi thai bào.” Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của Như Lai, tức là sự hiện hữu lần nữa và là sự tái sanh đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta là người tự tin, ta giảng về sự tự tin với sự tự tin tối thượng, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
[80] Khi được nói như thế, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
- Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.
- Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.” Bạch ngài, bởi vì các ngoại đạo sau khi thâu nhận con làm đệ tử có thể vác cờ đi khắp cả Vesālī (rêu rao) rằng: “Tướng quân Sīha đã tự nguyện trở thành đệ tử của chúng tôi!” thế mà đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.” Bạch ngài, lần thứ nhì con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
- Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người đã đi đến ấy.
- Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người đã đi đến ấy.” Bạch ngài, con đã được nghe điều này: “Sa-môn Gotama nói như vầy: ‘Vật cúng dường chỉ nên dâng đến ta thôi, vật cúng dường không nên dâng đến những người khác. Vật cúng dường chỉ nên dâng đến các đệ tử của ta thôi, vật cúng dường không nên dâng đến các đệ tử của những người khác. Đã dâng đến riêng ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến những người khác thì không có quả báu lớn. Đã dâng đến các đệ tử của riêng ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến các đệ tử của những người khác thì không có quả báu lớn,’” thế mà đức Thế Tôn lại khuyến khích con việc bố thí cho những người Nigaṇṭha. Bạch ngài, vả lại trong trường hợp này chúng con sẽ biết thời điểm. Bạch ngài, lần thứ ba con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến tướng quân Sīha. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của tướng quân Sīha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tướng quân Sīha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, tướng quân Sīha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, tướng quân Sīha đã ra lệnh cho người đàn ông nọ rằng:
- Này khanh, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).
Sau đó, khi trải qua đêm ấy tướng quân Sīha đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của tướng quân Sīha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, có nhiều người Nigaṇṭha, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama tuy biết được điều ấy, vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.” Sau đó, có người đàn ông nọ đã đi đến gặp tướng quân Sīha, sau khi đến đã thì thầm vào tai của tướng quân Sīha rằng:
- Thưa tướng quân, ngài cần biết điều này. Những người Nigaṇṭha ấy, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và đã làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.”
- Ông bạn ơi, thôi đi! Đã từ lâu nay, các ngài đại đức ấy có ý muốn phỉ báng đức Phật, có ý muốn phỉ báng đức Pháp, có ý muốn phỉ báng đức Tăng nhưng các ngài đại đức ấy không lượng sức, phí công, láo khoét, đã vu khống với điều không thật mà vẫn không làm tổn hại được đức Thế Tôn ấy. Và cho dầu vì lý do sống còn, chúng tôi cũng không cố ý tước đoạt mạng sống của chúng sanh.
Sau đó, tướng quân Sīha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, tướng quân Sīha đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho tướng quân Sīha đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, khi biết thịt được làm (giết) có liên quan (đến bản thân) không nên thọ dụng; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (thọ dụng) cá và thịt có được ba điều tuyệt đối thanh tịnh: không được thấy, không được nghe, không nghi ngờ.[14]
[81] Vào lúc bấy giờ, thành Vesālī có sự sung túc về vật thực, các vụ mùa tốt đẹp, vật thực kiếm được dễ dàng, sự sinh sống được dễ dàng bằng sự mót nhặt hoặc sự tốt bụng (của người khác). Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước, và phải chăng ngay cả hôm nay các tỳ khưu vẫn còn thọ dụng những thứ ấy?”
Sau đó vào lúc chiều tối, khi xuất khỏi thiền tịnh đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước, và phải chăng ngay cả hôm nay các tỳ khưu vẫn còn thọ dụng những thứ ấy?
- Bạch đức Thế Tôn, các vị vẫn thọ dụng.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước, kể từ hôm nay ta hủy bỏ những điều ấy. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước; vị nào thọ dụng thì nên được hành xử theo Pháp.[15]
[82] Vào lúc bấy giờ, dân chúng trong xứ sở cho người chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi đánh xe quây thành vòng tròn ở phía bên ngoài cổng lớn của tu viện và chờ đợi (nghĩ rằng): “Khi nào chúng tôi nhận được phiên, chúng tôi sẽ thực hiện bữa trai phạn.” Và có đám mây đen lớn kéo đến. Khi ấy, những người ấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:
- Thưa ngài Ānanda, ở đây nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng đã được chất trong các xe hàng và chúng đang còn đó. Giờ có đám mây đen lớn kéo đến. Thưa ngài Ānanda, vậy chúng tôi nên thực hành như thế nào?
Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này Ānanda, như thế thì hội chúng hãy chỉ định trú xá ở ven rào là khu vực làm thành được phép (kappiyabhūmi); hãy tích trữ (vāsetu) vật mà hội chúng mong muốn ở nơi ấy, (có thể) là trú xá (vihāraṃ), hoặc nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), hoặc tòa nhà dài (pāsādaṃ), hoặc khu nhà lớn (hammiyaṃ), hoặc hang động (guhaṃ). Và này các tỳ khưu, nên được chỉ định như vầy:
Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là khu vực làm thành được phép. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, ngay tại chỗ đã được chỉ định là khu vực làm thành được phép, dân chúng nấu các loại cháo, nấu các món thức ăn, chuẩn bị các món xúp, băm các thứ thịt, chẻ những thanh củi. Sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã nghe tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ, tiếng kêu của những con quạ, sau khi nghe đã hỏi đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ ấy, tiếng kêu của những con quạ là gì vậy?
- Bạch ngài, hiện nay dân chúng nấu các loại cháo, nấu các món thức ăn, chuẩn bị các món xúp, băm các thứ thịt, chẻ những thanh củi ngay tại chỗ đã được chỉ định là khu vực làm thành được phép; bạch Thế Tôn, đó chính là tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ, tiếng kêu của những con quạ.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng khu vực làm thành được phép đã được chỉ định; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại khu vực làm thành được phép là loại do sự công bố (ussāvanantikaṃ), loại do sự ngẫu nhiên (gonisādikaṃ), và loại có liên quan gia chủ (gahapatikaṃ).
Vào lúc bấy giờ, đại đức Yasoja bị bệnh. Các dược phẩm thuộc về nhu cầu của vị ấy được mang đến. Các vị tỳ khưu đã tích trữ chúng ở ngoài khuôn viên. Các con thú hoang đã ăn đi. Những kẻ trộm đã lấy đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép sử dụng khu vực làm thành được phép đã được chỉ định. Này các tỳ khưu, ta cho phép bốn loại khu vực làm thành được phép là loại do sự công bố (ussāvanantikaṃ), loại do sự ngẫu nhiên (gonisādikaṃ), loại có liên quan đến gia chủ (gahapatikaṃ), và loại đã được chỉ định (sammatikaṃ).
[83] Vào lúc bấy giờ, gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. Người vợ có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, nàng phân phát thức ăn cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết. Cậu con trai có năng lực thần thông như vầy: Sau khi cầm cái túi chỉ chứa một ngàn đồng, cậu ta trả lương sáu tháng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào tay của cậu ta chưa rời khỏi thì cái túi vẫn không cạn (tiền). Cô con dâu có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh chỉ một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, nàng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu thức ăn sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn. Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện.
Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nghe rằng: “Nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. Người vợ có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, nàng phân phát thức ăn cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết. Cậu con trai có năng lực thần thông như vầy: Sau khi cầm cái túi chỉ chứa một ngàn đồng, cậu ta trả lương sáu tháng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào tay của cậu ta chưa rời khỏi thì cái túi vẫn không cạn (tiền). Cô con dâu có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh chỉ một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, nàng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu thức ăn sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn. Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã bảo viên quan đại thần nọ là vị tổng quản rằng:
- Này khanh, nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. ...(như trên)... Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện. Này khanh, hãy đi và tìm hiểu, ngươi sẽ nhìn thấy như thế nào thì cũng như đích thân ta nhìn thấy vậy.
- Tâu đại vương, xin tuân lệnh.
Rồi viên quan đại thần ấy nghe theo đức vua Seniya Bimbisāsa xứ Magadha cùng với đội quân gồm bốn loại binh chủng đã khởi hành đi thành phố Bhaddiya, tuần tự đã đến thành phố Bhaddiya gặp gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã nói với gia chủ Meṇḍaka điều này:
- Này gia chủ, bởi vì ta được lệnh của đức vua rằng: “Này khanh, nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. ...(như trên)... Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện. Này khanh, hãy đi và tìm hiểu, ngươi sẽ nhìn thấy như thế nào thì cũng như đích thân ta nhìn thấy vậy.” Này gia chủ, hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của ngươi.
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa.
- Này gia chủ, năng lực thần thông của ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của vợ ngươi.
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người vợ rằng:
- Như vậy thì nàng hãy phân phát thức ăn cho đội quân gồm bốn loại binh chủng đi.
Khi ấy, sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, người vợ của gia chủ Meṇḍaka đã phân phát thức ăn cho đội quân gồm bốn loại binh chủng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết.
- Này gia chủ, năng lực thần thông của vợ ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của con trai ngươi.
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người con trai rằng:
- Như vậy thì con hãy trả lương sáu tháng cho đội quân gồm bốn loại binh chủng đi.
Khi ấy, sau khi cầm một cái túi chỉ chứa một ngàn đồng, người con trai của gia chủ Meṇḍaka đã trả lương sáu tháng cho đội quân gồm bốn loại binh chủng; cho đến khi nào tay của cậu ta chưa rời khỏi thì cái túi vẫn không cạn (tiền).
- Này gia chủ, năng lực thần thông của con trai ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của con dâu ngươi.
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người con dâu rằng:
- Như vậy thì con hãy cho đội quân gồm bốn loại binh chủng thức ăn sáu tháng đi.
Khi ấy, sau khi ngồi xuống bên cạnh một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, người con dâu của gia chủ Meṇḍakanàng đã cho đội quân gồm bốn loại binh chủng thức ăn sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn.
- Này gia chủ, năng lực thần thông của con dâu ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của người tớ trai của ngươi.
- Thưa ngài, năng lực thần thông của người tớ trai của tôi sẽ được nhìn thấy ở ngoài ruộng.
- Này gia chủ, đủ rồi. Năng lực thần thông của người tớ trai của ngươi cũng đã được nhìn thấy rồi.
Sau đó, viên quan đại thần ấy cùng với đội quân gồm bốn loại binh chủng đã quay trở về lại thành Rājagaha rồi đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.
[84] Sau đó, khi đã ngự tại thành Vesālī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Bhaddiya cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Bhaddiya. Tại nơi đó ở Bhaddiya, đức Thế Tôn ngự tại khu rừng Jātiyā.
Gia chủ Meṇḍaka đã nghe rằng: “Quả thật ngài Sa-môn Gotama con trai dòng Sākya (Thích Ca), từ dòng dõi Sākya đã xuất gia, nay đã ngự đến Bhaddiya và ngụ tại khu rừng Jātiyā. Tiếng đồn tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy sau khi tự mình chứng ngộ thắng trí đã thấu suốt thế gian này tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.”
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe vô cùng lộng lẫy, sau đó rời khỏi Bhaddiya bằng những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Nhiều du sĩ ngoại đạo đã nhìn thấy gia chủ Meṇḍaka từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với gia chủ Meṇḍaka điều này:
- Này gia chủ, ngươi đi đâu vậy?
- Thưa các ngài, tôi đi để diện kiến Sa-môn Gotama.
- Này gia chủ, ngươi là người theo thuyết hành động, sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động? Này gia chủ, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về Pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã khởi ý điều này: “Những người du sĩ ngoại đạo ganh tị như thế này thì không còn nghi ngờ gì về đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nữa.” Sau khi đã đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, gia chủ Meṇḍaka đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến gia chủ Meṇḍaka đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của Gia chủ Meṇḍaka đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gia chủ Meṇḍaka: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Meṇḍaka đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, người vợ của gia chủ Meṇḍaka cùng với con trai, con dâu, và người tớ trai đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến những người ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là những cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Meṇḍaka đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, cho đến khi nào đức Thế Tôn còn ngụ tại Bhaddiya thì con xin dâng vật thực thường xuyên đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu cho đến khi ấy.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Meṇḍaka bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
[85] Sau đó, khi đã ngự tại Bhaddiya theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu mà không thông báo cho gia chủ Meṇḍaka. Gia chủ Meṇḍaka đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.” Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho những người nô lệ và những người làm công rằng:
- Này các người, như thế thì sau khi chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi hãy ra đi. Và một ngàn hai trăm năm mươi người chăn bò sau khi lấy ra một ngàn hai trăm năm mươi con bò cái rồi hãy ra đi. Nơi nào chúng ta gặp được đức Thế Tôn, ở nơi ấy chúng ta sẽ dâng sữa tươi để (ngài) thọ dụng.
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã gặp được đức Thế Tôn ở khu rừng vắng trên đường đi. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Meṇḍaka đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến chỗ cúng dường thức ăn của gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho một ngàn hai trăm năm mươi người chăn bò rằng:
- Này các người, như vậy thì hãy dắt mỗi một con bò cái đến đứng gần mỗi một vị tỳ khưu rồi dâng sữa tươi để (các vị) thọ dụng.
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm và sữa tươi. Các vị tỳ khưu ngần ngại không thọ lãnh sữa.
- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm và sữa tươi. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Meṇḍaka đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, có những con đường, những khu rừng vắng, ít nước, ít vật thực, công việc không được thuận tiện nếu đi đường không tiên liệu trước. Bạch ngài, tốt thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép sự tiên liệu (về hành trình đường xa) đến các vị tỳ khưu.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Meṇḍaka bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép năm sản phẩm từ bò là sữa tươi (khīraṃ), sữa đông (dadhi), sữa bơ (takkaṃ), bơ đặc (navanītaṃ), bơ lỏng (sappi). Này các tỳ khưu, có những con đường, những khu rừng vắng, ít nước, ít vật thực, sẽ không được thuận tiện khi đi đường nếu không tiên liệu trước. Này các tỳ khưu, vì sự tiên liệu (về hành trình đường xa) ta cho phép tầm cầu về gạo lức với vị có nhu cầu về gạo lức, đậu xanh với vị có nhu cầu về đậu xanh, đậu māsa (?) với vị có nhu cầu về đậu māsa, muối với vị có nhu cầu về muối, đường với vị có nhu cầu về đường, dầu ăn với vị có nhu cầu về dầu ăn, bơ lỏng với vị có nhu cầu về bơ lỏng. Này các tỳ khưu, có những người dân có niềm tin đã được an trú, những người này để tiền vàng ở tay của những người làm các vật trở thành đúng phép (kappiyakāraka) (nói rằng): “Hãy dâng đến ngài đại đức vật đã làm trở thành đúng phép từ (số tiền) này.” Này các tỳ khưu, ta cho phép chấp nhận vật đã làm trở thành đúng phép từ điều ấy, nhưng này các tỳ khưu ta không nói rằng: “Vàng và bạc có thể được chấp nhận, có thể được tầm cầu bởi bất cứ cách thức nào.”
[86] Sau đó, đức Thế Tôn trong khi tuần tự du hành đã ngự đến Āpaṇa. Đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nghe rằng: “Quả thật ngài Sa-môn Gotama con trai dòng Sākya, từ dòng dõi Sākya đã xuất gia, nay đã ngự đến Bhaddiya và ngụ tại khu rừng Jātiyā. Tiếng đồn tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy sau khi tự mình chứng ngộ thắng trí đã thấu suốt thế gian này tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã khởi ý điều này: “Ta nên cho người đem đến cho Sa-môn Gotama vật gì đây?” Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã khởi ý điều này: “Những người ẩn sĩ trước đây là bà-la-môn, là những người làm ra chú thuật, là những người sử dụng chú thuật, những người ấy có hình thức chú thuật cổ điển đã được ca, đã được nói ra, đã được thực hiện mà những người bà-la-môn hiện nay cũng ca theo hình thức ấy, nói ra theo hình thức ấy, giảng giải theo điều đã được giảng giải, nói lại điều đã được nói, (các vị ấy) như là: Aṭṭhako, Vāmako, Vāmadevo, Vessāmitto, Yamataggi, Aṅgiraso, Bhāradvājo, Vāseṭṭho, Kassapo, Bhagu đã không ăn vào buổi tối, đã cử kiêng việc ăn sau ngọ, các vị ấy chấp nhận các thức uống có hình thức như vầy. Sa-môn Gotama cũng không ăn vào buổi tối và kiêng cử việc ăn sau ngọ nên Sa-môn Gotama cũng xứng đáng được chấp nhận các thức uống có hình thức như vầy” nên đã cho người chuẩn bị sẵn sàng rất nhiều thức uống và cho người đem đi bằng những giỏ mang sau vai rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Xin ngài Gotama hãy thọ lãnh thức uống của tôi.
- Này Keṇiya, như vậy thì hãy dâng cho các vị tỳ khưu.
Các vị tỳ khưu ngần ngại không thọ lãnh.
- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.
Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với rất nhiều thức uống. Đến khi đức Thế Tôn có cánh tay đã được rửa bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
- Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn.
Đến lần thứ nhì, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
- Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn.
Đến lần thứ ba, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép tám loại thức uống: nước xoài (amba), nước táo hồng (jambu), nước chuối hột (coca), nước chuối không hột (moca), nước mật ong (madhu), nước nho (muddika), nước ngó sen (sāluka), nước dâu (phārusaka). Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt trái cây (phalarasaṃ) ngoại trừ nước cốt của ngũ cốc. Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt của lá cây (pattarasaṃ) ngoại trừ nước cốt của loại rau cải nấu chín. Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt của bông hoa (puppharasaṃ) ngoại trừ nước cốt của bông cây cam thảo (madhukapuppharasaṃ). Này các tỳ khưu, ta cho phép nước cốt của cây mía.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm tại khu ẩn dật của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến khu ẩn dật của đạo sĩ bện tóc Keṇiya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã tùy hỷ công đức cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya đang ngồi một bên bằng những lời kệ này:
[87]
Trong các loại
cúng tế
cúng dường lửa hạng nhất,
kinh cổ Sāvittī
đứng đầu về niêm luật.
vua đứng đầu loài người
biển đứng đầu các sông,
trăng đứng đầu các sao
mặt trời nóng nhất hạng.
Những người mong mỏi phước
cúng dường Tăng nhất hạng.
Sau khi tùy hỷ công đức cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya đang ngồi một bên bằng những lời kệ ấy, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
[88] Sau đó, khi đã ngự tại Bhaddiya theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Những người dân Malla ở Kusinārā đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.” Họ đã ra quy định là: “Ai không đi ra đón đức Thế Tôn sẽ bị hành phạt là năm trăm.”
Vào lúc bấy giờ, Roja người Malla là bạn của đại đức Ānanda. Khi ấy, đức Thế Tôn trong khi tuần tự du hành đã ngự đến Kusinārā. Những người dân Malla ở Kusinārā đã đi ra đón đức Thế Tôn. Khi ấy, Roja người Malla đã đi ra đón đức Thế Tôn rồi đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng ở một bên. Đại đức Ānanda đã nói với Roja người Malla đang đứng một bên điều này:
- Này bạn Roja, thật là tuyệt vời khi bạn đã đi ra đón đức Thế Tôn.
- Thưa ngài Ānanda, tôi không có nhiều niềm tin đối với đức Phật, đức Pháp, hay đức Tăng, chỉ vì thân quyến đã ra quy định là: “Ai không đi ra đón đức Thế Tôn sẽ bị hành phạt là năm trăm.” Thưa ngài Ānanda, tôi vì sợ hành phạt như thế của thân quyến nên đã đi ra để đón đức Thế Tôn.
Khi ấy, đại đức Ānanda đã không được hoan hỷ (nghĩ rằng): “Vì sao Roja người Malla lại nói như thế?” Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồì xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, Roja này người Malla được nổi tiếng, là người có danh tiếng, những người có danh tiếng như thế nếu có được niềm tin trong Pháp và Luật này sẽ là người có nhiều sự lợi ích. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy làm như thế nào đó để Roja người Malla có thể an trú niềm tin vào Pháp và Luật này.
- Này Ānanda, điều ấy không phải là việc khó làm đối với đức Như Lai như là việc Roja người Malla có thể an trú niềm tin vào Pháp và Luật này.
Sau đó, đức Thế Tôn đã phát ra luồng tâm bác ái đến Roja người Malla rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào trú xá.
Khi ấy, Roja người Malla bị tràn ngập bởi luồng tâm bác ái của đức Thế Tôn. Cũng giống như con bê con (đi tìm) bò mẹ, tương tợ như thế (Roja người Malla )đi đến trú xá này đến trú xá khác, phòng này đến phòng khác và hỏi các vị tỳ khưu rằng:
- Thưa ngài, bây giờ đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy đang ngụ ở đâu vậy, bởi vì chúng tôi có ý muốn diện kiến đức Thế Tôn bậc A-la-hán đấng Chánh Đẳng Giác ấy?
- Này đạo hữu Roja, hãy đi đến trú xá có cánh cửa đóng lại kia với sự nhẹ nhàng và chớ có vượt qua (cánh cửa), hãy bước vào hành lang, đằng hắng, và gõ vào thanh cài cửa, rồi đức Thế Tôn sẽ mở cửa cho đạo hữu.
Sau đó, Roja người Malla đã đi đến trú xá có cánh cửa đóng lại kia với sự nhẹ nhàng, không có vượt qua (cánh cửa), rồi bước vào hành lang, đằng hắng, và gõ vào thanh cài cửa. Đức Thế Tôn đã mở cánh cửa ra. Khi ấy, Roja người Malla đã bước vào trú xá, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến Roja người Malla. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của Roja người Malla đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến Roja người Malla: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, Roja người Malla đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu các ngài đại đức có thể thọ lãnh vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men trị bịnh của riêng mình con thôi, không phải của người khác.
- Này Roja, nếu những người đã thấy được Pháp với trí tuệ của vị hữu học, với tầm nhìn của vị hữu học như là ngươi đây thì những người ấy cũng khởi ý như vầy: “Đương nhiên các ngài đại đức có thể thọ lãnh vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men trị bịnh của riêng mình chúng ta thôi, không phải của người khác.” Này Roja, như thế thì các vị (tỳ khưu) sẽ thọ lãnh của chính ngươi và của những người khác nữa.
Vào lúc bấy giờ, ở Kusinārā sự dâng vật thực theo tuần tự của các bữa ăn hảo hạng đã được quy định. Khi ấy, Roja người Malla đã không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên nhìn vào nhà ăn, trong nhà ăn không có món gì thì ta nên cho chuẩn bị sẵn sàng món đó?” Sau đó, Roja người Malla trong khi nhìn vào nhà ăn đã thấy không có hai món là rau xanh và bánh bột. Khi ấy, Roja người Malla đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:
- Thưa ngài Ānanda, ở đây trong khi tôi không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên nhìn vào nhà ăn, trong nhà ăn không có món gì thì ta nên cho chuẩn bị sẵn sàng món đó?” Thưa ngài Ānanda, rồi trong khi nhìn vào nhà ăn tôi đây đã thấy không có hai món là rau xanh và bánh bột. Thưa ngài Ānanda, nếu tôi cho chuẩn bị sẵn sàng đức Thế Tôn có thể nhận lãnh rau xanh và bánh bột của tôi không?
- Này Roja, như thế thì tôi sẽ hỏi đức Thế Tôn.
Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này Ānanda, như thế thì (Roja) hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.
- Này Roja, như thế thì bạn hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy Roja người Malla đã cho chuẩn bị sẵn sàng rau cải và bánh bột rồi đã đem dâng đến đức Thế Tôn.
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhận lãnh rau cải và bánh bột.
- Này Roja, như vậy thì hãy dâng cho các vị tỳ khưu.
Các vị tỳ khưu ngần ngại không thọ lãnh.
- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.
Sau đó, Roja người Malla đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với rất nhiều rau cải và bánh bột. Đến khi đức Thế Tôn có cánh tay đã được rửa bàn tay đã rời khỏi bình bát, Roja người Malla đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Roja người Malla bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại rau xanh và tất cả các loại bánh bột.
[89] Sau đó, khi đã ngự tại Kusināra theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.
Vào lúc bấy giờ, có vị nọ trước đây là người thợ cạo và đã xuất gia lúc tuổi già đang ngụ tại Ātumā. Vị ấy có hai người con trai dễ mến, khôn ngoan, khéo léo, thiện nghệ trong nghề thợ cạo từ thầy của họ. Vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.” Khi ấy, vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã nói với hai người con trai ấy rằng:
- Này hai con thương, nghe nói đức Thế Tôn đi đến Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Này hai con thương, hai con hãy mang theo thùng dao cạo đi từ nhà này qua nhà khác với sự thưởng công và hãy gom góp muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng; khi đức Thế Tôn đến chúng ta sẽ làm món nước cháo.
- Thưa cha, xin vâng.
Rồi hai người con trai ấy nghe theo lời vị xuất gia lúc tuổi già ấy mang theo thùng dao cạo đi từ nhà này qua nhà khác với sự thưởng công đồng thời gom góp muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng. Dân chúng sau khi nhìn thấy hai người con trai ấy dễ mến, khôn ngoan, dầu không có ý muốn thuê làm cũng đã bảo chúng làm, và sau khi bảo chúng làm xong đã thưởng rất nhiều. Khi ấy, hai người con trai ấy đã gom góp nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng.
Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Ātumā. Tại nơi ấy ở Ātumā, đức Thế Tôn ngự tại Bhūsāgāra. Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng rất nhiều cháo rồi đã đem dâng đến đức Thế Tôn.
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh cháo của con.
Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu vì hai lý do: “Hoặc là chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị xuất gia lúc tuổi già ấy điều này:
- Này tỳ khưu, cháo này từ đâu vậy?
Khi ấy, vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi là vị xuất gia lại bảo người khác làm việc không được phép? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, vị xuất gia không nên bảo người khác làm việc không được phép; vị nào bảo làm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, vị trước đây là thợ cạo không nên mang theo thùng dao cạo; vị nào mang theo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Sau đó, khi đã ngự tại Ātumā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi ấy ở thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngụ tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Sāvatthi loại vật thực cứng là trái cây được dồi dào. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Loại vật thực cứng là trái cây nào đã được cho phép, loại nào không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại vật thực cứng là trái cây.
[91] Vào lúc bấy giờ, các hạt giống của hội chúng được gieo trồng trên vùng đất của cá nhân, các hạt giống của các cá nhân được gieo trồng trên vùng đất của hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, các hạt giống của hội chúng đã được gieo trồng trên vùng đất của cá nhân nên được thọ dụng sau khi đã cho chia phần. Các hạt giống của các cá nhân đã được gieo trồng trên vùng đất của hội chúng nên được thọ dụng sau khi đã cho chia phần.
[92] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu khởi lên sự ngần ngại về vấn đề này về vấn đề nọ: “Điều nào đã được đức Thế Tôn cho phép, điều nào đã không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cấm rằng: “Điều này không được phép,” và điều ấy phù hợp với điều không được phép và trái nghịch với điều được phép, đối với các ngươi điều ấy là không được phép.
Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cấm rằng: “Điều này không được phép,” và điều ấy phù hợp với điều được phép và trái nghịch với điều không được phép, đối với các ngươi điều ấy là được phép.
Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cho phép rằng: “Điều này được phép,” và điều ấy phù hợp với điều không được phép và trái nghịch với điều được phép, đối với các ngươi điều ấy là không được phép.
Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cho phép rằng: “Điều này được phép,” và điều ấy phù hợp với điều được phép và trái nghịch với điều không được phép, đối với các ngươi điều ấy là được phép.
[93] Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vật dùng đến hết đêm (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép? Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép? Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép?[16]
Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm là được phép, hay là không được phép? Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm là được phép, hay là không được phép?
Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng trong bảy ngày là được phép, hay là không được phép?”
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, vật dùng đến hết đêm (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc hợp thời, phi thời không được phép. Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc hợp thời, phi thời không được phép. Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc hợp thời, phi thời không được phép.
Này các tỳ khưu, vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong đêm, không được phép khi đêm đã trôi qua. Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong đêm, không được phép khi đêm đã trôi qua.
Này các tỳ khưu, vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng trong bảy ngày (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong bảy ngày, không được phép khi bảy ngày đã trôi qua.
Dứt Chương Dược Phẩm là chương thứ sáu.
Trong chương này có một trăm lẻ sáu sự việc.
******
Tóm lược chương này:
[94]
Vào mùa thu, sái giờ,
mỡ thú, trong rễ cây,
với các loại bột nghiền,
các nước sắc, lá cây,
trái cây, nhựa thân cây,
và muối gồm sáu loại.
bột tắm, rây, thịt sống,
thuốc bôi, bột nghiền nát,
hộp thuốc bôi các loại,
không đậy, que bôi thuốc,
hộp đựng que bôi thuốc,
túi mang vai, thắt lại,
sợi chỉ, dầu xoa đầu,
lỗ mũi, muỗng ở mũi,
hít khói, và ống dẫn,
nắp đậy, và túi đựng.
Và rượu trong dầu nấu,
đổ nhiều, làm thuốc thoa
bình chứa, dùng hơi nóng,
của nhiều loại lá cây,
nhiều hơi, nước lá cây,
bể nước ngâm, trích máu,
ống sừng, cao bôi chân,
sự phòng ngừa, dao mổ,
nước đông máu, cao mè,
vải cầm máu, băng vải,
bột mù-tạt, xông khói,
thịt lồi, dầu vết thương,
băng vải, các lối chữa,
được thọ lãnh, phân dơ,
đang thực hiện, đất cày,
tro, nước tiểu, da vàng,
mùi thơm, và thuốc xổ,
nước xúp không chất béo,
thêm chút ít chất béo,
mùi vị thịt, hang núi,
tu viện, và bảy ngày,
đường, đậu tây, cháo chua,
tự mình nấu, nấu lại,
lại cho phép, thiếu ăn,
trái cây, mè, vật nhai,
trước bữa, sốt toàn thân
lấy hết hột, lở loét,
và công việc bơm thụt.
Chuyện nàng Suppiyā
lại thêm chuyện thịt người,
voi, ngựa, và chó nhà,
rắn, sư tử, và beo,
thịt gấu rừng, chó sói.
Chờ đến phiên, và cháo,
(đức tin) còn non trẻ,
thêm chuyện nữa về đường.
Sunīdha, nhà nghỉ,
sông Hằng, làng Koṭi,
thuyết giảng về Chân Lý
nàng Ambapālī,
các vị Licchavi,
đã làm được chỉ định,
lúc vật thực dễ dàng,
ngài đã cấm trở lại.
Mây đen, Yasoja,
và chuyện Meṇḍaka,
sản phẩm từ loài bò,
tiên liệu cho đường xa.
Đạo sĩ Keṇiya,
nước xoài, nước táo hồng
chuối có hột, không hột,
nước mật, nước trái nho,
nước ngó sen, nước dâu,
rau xanh và bánh bột,
thợ cạo Ātumā.
(Về lại) Sāvatthi,
trái cây, hột giống trồng.
Thuộc về trường hợp nào?
và thời gian quy định.
[1] Trong trường hợp liên quan đến vật thực, đúng thời là trước ngọ, phi thời là sau ngọ cho đến rạng đông của ngày kế.
[2] Các từ điển và lời giải thích của ngài Buddhaghosa không được hữu dụng lắm để tìm ra ý nghĩa rõ ràng của các loại thảo mộc.
[3] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 51.
[4] Được ghi lại nghĩa theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa. Một số trường hợp khác cũng được dịch theo cách như vậy, trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có đính kèm từ Pāli.
[5] Liên quan đến tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) 23.
[6] Kaṅkhā có nghĩa là sự hoài nghi, sự nghi ngờ, sự không chắc chắn. Sau khi dịch tiếp phần dưới, chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là biệt hiệu của vị tỳ khưu tên Revata; như thế tên vị ấy có thể dịch là “Revata đa nghi.”
[7] Không rõ loại đậu này là loại đậu gì? Ngài Buddhaghosa giải thích: “Chúng được phép vì đã được nấu chín.” Theo mạch văn, chúng tôi nghĩ rằng loại hạt này dầu đã được nấu chín, và trải qua quá trình tiêu hóa, rồi được thải ra theo đường phân vẫn có thể nẩy mầm và mọc thành cây; nhưng vẫn không nghĩ ra được loại hạt gì có khả năng ấy.
[8] Ngài Buddhaghosa giải thích anto là akappiyakuṭiyaṃ nghĩa là không phải ở nhà làm thành được phép. Xem thêm kappiyabhūmi là khu vực làm thành được phép ở bên dưới [82].
[9] Dựa vào lời giải thích ở phần trên của ngài Buddhaghosa thì bên ngoài (bahi) là ở nhà làm thành được phép.
[10] Nên lưu ý rằng một số điều được đức Thế Tôn cho phép như điều này và các điều kế tiếp chỉ được áp dụng trong thời kỳ vật thực khó khăn.
[11] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 33.
[12] Pāṭaligāma là một làng (gāma) và Pāṭaliputta thuộc xứ Magadha, nay là thành phố Patna, Ấn Độ.
[13] Một trong sáu vị đứng đầu sáu nhóm ngoại đạo thời đó.
[14] Nếu cá và thú ấy bị giết với sự xác định là sẽ làm thức ăn cho một cá nhân nào đó thọ dụng thì cá nhân người ấy không nên ăn.
[15] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 35.
[16] Vật dùng đến hết ngọ: Yāvakālika. Vật dùng đến hết đêm: Yāmakālika.Vật dùng trong bảy ngày: Sattāhakālika. Vật dùng suốt đời: Yāvajīvika.
-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 04-06-2005