Tạng Luật - Bộ Phân Tích Giới Bổn
Vinaya Pitaka - Suttavibhanga

Phân Tích Giới Tỳ-khưu - I
(Bhikkhuvibhanga I)

Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch


VI. CHƯƠNG ANIYATA (BẤT ĐỊNH)

Bạch chư đại đức, hai điều aniyata (bất định) này được đưa ra đọc tụng.

ĐIỀU ANIYATA (BẤT ĐỊNH) THỨ NHẤT:

[633] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi là vị thường tới lui với các gia đình và đi đến nhiều gia đình ở thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, người con gái của gia đình hộ độ đại đức Udāyi đã được gả cho người con trai của gia đình nọ. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Udāyi đã mặc y, cầm y bát, đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã hỏi mọi người rằng:

- Cô gái tên (như vầy) ở đâu?

Những người ấy đã nói như vầy:

- Thưa ngài, cô ấy đã được gả cho người con trai của gia đình kia rồi.

Và gia đình ấy cũng là người hộ độ của đại đức Udāyi. Sau đó, đại đức Udāyi đã đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã hỏi mọi người rằng:

- Cô gái tên (như vầy) ở đâu?

- Thưa ngài, cô ấy ngồi ở phòng trong.

Khi ấy, đại đức Udāyi đã đi đến gặp người con gái ấy, sau khi đến đã cùng với người con gái ấy một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, tùy lúc thì tâm sự, tùy lúc thì nói Pháp. [1]

[634] Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā mẹ của Migāra có nhiều con trai, có nhiều cháu trai,[2] có các con trai không bệnh tật, có các cháu trai không bệnh tật, được xem là điều đại kiết tường. Trong những dịp tế lễ, hội hè, đình đám, dân chúng thường ưu tiên thỉnh mời bà Visākhā mẹ của Migāra đến dự tiệc. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra được gia đình ấy thỉnh mời đã đi đến. Rồi bà Visākhā mẹ của Migāra đã nhìn thấy đại đức Udāyi cùng với người con gái ấy một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Udāyi điều này:

- Thưa ngài, điều này là không thích hợp, là không đúng đắn. Là việc ngài đại đức cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động. Thưa ngài, mặc dầu ngài đại đức không có ước muốn gì đến chuyện ấy, tuy nhiên những người không có niềm tin thì khó mà thuyết phục lắm.

Tuy được bà Visākhā mẹ của Migāra nói như thế, đại đức Udāyi đã không lưu tâm đến. Sau đó, bà Visākhā mẹ của Migāra đã ra về và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Udāyi lại cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này Udāyi, nghe nói ngươi cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, … (như trên) … Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, có nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy sau khi thấy rồi tố cáo vị ấy với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika (bất cộng trụ), hoặc là với tội saṅghādisesa (tăng tàng), hoặc là với tội pācittiya (ưng đối trị). (Nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên được hành xử với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika, hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy. Đây là điều aniyata (bất định).

[635] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, ngay cả đứa bé gái mới sanh ngày hôm ấy cho đến bà lão.

Với: cùng chung.

Một nam một nữ: chỉ có vị tỳ khưu và người nữ.

Kín đáo: nghĩa là kín đáo đối với mắt, kín đáo đối với tai.

Kín đáo đối với mắt nghĩa là không thể nhìn thấy trong khi bị che mắt lại, trong khi nhướng mày, trong khi ngẩng đầu lên.

Kín đáo đối với tai nghĩa là không thể nghe lời nói (với giọng) bình thường.

Chỗ ngồi được che khuất nghĩa là được che khuất bởi bức tường, hoặc bởi cánh cửa, hoặc bởi tấm màn, hoặc bởi khung chắn, hoặc bởi cội cây, hoặc bởi cột nhà, hoặc bởi nhà kho, hoặc bởi bất cứ vật gì.

Thuận tiện cho hành động: là có thể thực hiện việc đôi lứa.

Ngồi: Khi người nữ đang ngồi thì vị tỳ khưu ngồi gần hoặc nằm gần, khi vị tỳ khưu đang ngồi thì người nữ ngồi gần hoặc nằm gần, hoặc cả hai đang ngồi, hoặc cả hai đang nằm.

[636] Có lời nói đáng tin cậy nghĩa là người nữ đã chứng Thánh Quả, đã thông suốt Tứ Diệu Đế (abhisametāvinī), đã hiểu rõ Tam Học: Giới, Định, Tuệ (viññātasāsanā).[3]

Nữ cư sĩ nghĩa là người nữ đã quy y đức Phật, đã quy y đức Pháp, đã quy y đức Tăng.

Sau khi thấy: sau khi đã nhìn thấy.

[637] (Cô ấy) có thể tố cáo với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika, hoặc là với tội saṅghādisesa (tăng tàng), hoặc là với tội pācittiya (ưng đối trị). (Nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên được hành xử với một tội nào đó trong ba tội: hoặc là với tội pārājika, hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy.

[638] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không thực hiện việc đôi lứa” thì nên hành xử theo việc ngồi.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[639] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không thực hiện việc đôi lứa” thì nên hành xử theo việc nằm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc đôi lứa với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[640] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc ngồi.

...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm.

...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[641] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc nằm.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[642] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ một nam một nữ đã ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc ngồi.

 ...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm.

...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[643] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ một nam một nữ đã nằm xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động, nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc nằm.

 ...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[644] Tội aniyata (bất định): không chắc chắn là tội pārājika (bất cộng trụ), hay là tội saṅghādisesa (tăng tàng), hay là tội pācittiya (ưng đối trị).

[645] Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi.

Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.

Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi.

Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.

Dứt điều aniyata (bất định) thứ nhất.

*******

ĐIỀU ANIYATA (BẤT ĐỊNH) THỨ NHÌ:

[646] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán việc cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, thuận tiện cho hành động” nên đã cùng với chính người con gái ấy một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, tùy lúc thì tâm sự, tùy lúc thì nói Pháp.

Đến lần thứ nhì, bà Visākhā mẹ của Migāra được gia đình ấy thỉnh mời đã đi đến. Rồi bà Visākhā mẹ của Migāra đã nhìn thấy đại đức Udāyi cùng với chính người con gái ấy một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Udāyi điều này:

- Thưa ngài, điều này là không thích hợp, là không đúng đắn. Là việc ngài đại đức cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo. Thưa ngài, mặc dầu ngài đại đức không có ước muốn gì đến chuyện ấy, tuy nhiên những người không có niềm tin thì khó mà thuyết phục lắm.

Tuy được bà Visākhā mẹ của Migāra nói như thế, đại đức Udāyi đã không lưu tâm đến. Sau đó, bà Visākhā mẹ của Migāra đã ra về và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Udāyi lại cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này Udāyi, nghe nói ngươi cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- … (như trên) … Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Hơn nữa, khi chỗ ngồi là không được che khuất, không thuận tiện cho hành động, nhưng thích hợp để nói với người nữ bằng những lời dâm dục. Vị tỳ khưu nào ở chỗ ngồi có hình thức như thế cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, có nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy sau khi thấy rồi tố cáo vị ấy với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa (tăng tàng), hoặc là với tội pācittiya (ưng đối trị). (Nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên hành xử với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy. Đây cũng là điều aniyata (bất định).

[647] Hơn nữa, khi chỗ ngồi là không được che khuất: là không được che khuất bởi bức tường, hoặc bởi cánh cửa, hoặc bởi tấm màn, hoặc bởi khung chắn, hoặc bởi cội cây, hoặc bởi cột nhà, hoặc bởi nhà kho, hoặc bởi bất cứ vật gì.

Không thuận tiện cho hành động: là không thể thực hiện việc đôi lứa.

Nhưng thích hợp để thốt ra với người nữ bằng những lời dâm dục: là có thể nói với người nữ bằng những lời dâm dục

[648] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Ở chỗ ngồi có hình thức như thế: ở chỗ ngồi y như thế ấy.

Người nữ nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, có hiểu biết, có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là dâm dật và không dâm dật.

Với: cùng chung.

Một nam một nữ: chỉ có vị tỳ khưu và người nữ.

Kín đáo: nghĩa là kín đáo đối với mắt, kín đáo đối với tai.

Kín đáo đối với mắt nghĩa là không thể nhìn thấy trong khi bị che mắt lại, trong khi nhướng mày, trong khi ngẩng đầu lên.

Kín đáo đối với tai nghĩa là không thể nghe lời nói (với giọng) bình thường.

Ngồi: Khi người nữ đang ngồi thì vị tỳ khưu ngồi gần hoặc nằm gần, khi vị tỳ khưu đang ngồi thì người nữ ngồi gần hoặc nằm gần, hoặc cả hai đang ngồi, hoặc cả hai đang nằm.

[649] Có lời nói đáng tin cậy: nghĩa là người nữ đã chứng Thánh Quả, đã thông suốt Tứ Diệu Đế (abhisametāvinī), đã hiểu rõ Tam Học: Giới, Định, Tuệ (viññātasāsanā).

Nữ cư sĩ nghĩa là người nữ đã quy y đức Phật, đã quy y đức Pháp, đã quy y đức Tăng.

Sau khi thấy: sau khi đã nhìn thấy.

[650] (Cô ấy) có thể tố cáo với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa (tăng tàng), hoặc là với tội pācittiya (ưng đối trị), (nếu) vị tỳ khưu thú nhận việc ngồi thì nên được hành xử với một tội nào đó trong hai tội: hoặc là với tội saṅghādisesa, hoặc là với tội pācittiya; hoặc là nữ cư sĩ có lời nói đáng tin cậy ấy tố cáo với tội nào thì nên hành xử vị tỳ khưu ấy theo tội ấy.

[651] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc ngồi.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã ngồi và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[652] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức đã nằm và đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với người nữ,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

...(như trên)... “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không thực hiện việc xúc chạm cơ thể” thì nên hành xử theo việc nằm.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[653] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã nghe được rằng ngài đại đức đã ngồi và đang nói với người nữ bằng những lời dâm dục,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã nghe được rằng ngài đại đức đã ngồi và đang nói với người nữ bằng những lời dâm dục,” nếu vị ấy nói như vầy: “Sự thật là tôi đã ngồi nhưng tôi đã không nói với người nữ bằng những lời dâm dục” thì nên hành xử theo việc ngồi.

...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm.

...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[654] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã nghe được rằng ngài đại đức đã nằm và đang nói với người nữ bằng những lời dâm dục,” nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo tội vi phạm.

...(như trên)... “Sự thật là tôi đã nằm nhưng tôi đã không nói bằng những lời dâm dục” thì nên hành xử theo việc nằm.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[655] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ một nam một nữ đã ngồi ở chỗ kín đáo, nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc ngồi.

 ...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã nằm” thì nên hành xử theo việc nằm.

...(như trên)... “Tôi đã không ngồi nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[656] Nếu cô ấy tố cáo như vầy: “Tôi đã thấy ngài đại đức cùng với người nữ một nam một nữ đã nằm ở chỗ kín đáo, nếu vị ấy thú nhận điều ấy thì nên hành xử theo việc nằm.

 ...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã ngồi” thì nên hành xử theo việc ngồi.

...(như trên)... “Tôi đã không nằm nhưng đã đứng” thì không nên hành xử.

[657] Đây cũng là: được gọi như thế vì có liên quan đến điều trước.

Tội aniyata (bất định): không chắc chắn là tội saṅghādisesa (tăng tàng), hay là tội pācittiya (ưng đối trị).

[658] Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi.

Vị thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.

Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, thú nhận tội thì nên hành xử theo tội vi phạm.

Vị không thú nhận việc đi đến, thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì nên hành xử theo việc ngồi.

Vị không thú nhận việc đi đến, không thú nhận việc ngồi xuống, không thú nhận tội thì không nên hành xử.

Dứt điều aniyata (bất định) thứ nhì.

*******

[659] Bạch chư đại đức, hai điều aniyata (bất định) đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Các đại đức được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Dứt Chương Aniyata (Bất Định).

*******

Tóm lược chương này:

Thuận tiện cho hành động,
như thế, không như thế,
đức Phật khéo xếp đặt
điều bất định như thế.

*******


[1] Xem xét khi nào không có ai qua lại thì hỏi han chuyện gia đình: “Chắc là cô hạnh phúc? Chắc là cô không bị mệt nhọc? Chắc là cô không bị đói?” v.v... Khi nào có ai đi lại gần thì nói Pháp: “Nên thọ bát quan trai giới. Nên dâng thức ăn theo thẻ.” v.v... (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).

[2] Bà có 10 người con trai và 10 người con gái. Mỗi người con trai hoặc gái có 20 người con. Tổng cọng bà có 420 người con cháu cả thảy (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).

[3] Hai từ trong ngoặc đơn được ghi nghĩa theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05a | 05b | 05c | 05d | 06
Phân tích Giới Tỳ-khưu II | Phân tích Giới Tỳ-khưu Ni | Giới thiệu

Chân thành cám ơn Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 03-06-2005