Tạng Luật
- Bộ Phân Tích Giới Bổn
Vinaya Pitaka - Suttavibhanga
Phân Tích Giới Tỳ-khưu - II
(Bhikkhuvibhanga
II)
Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
VIII. CHƯƠNG PĀCITTIYA (ƯNG ĐỐI TRỊ) (tt)
PHẦN ĐẠO SĨ LÕA THỂ - ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT:
[527] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, có vật thực cứng phát sanh đến hội chúng. Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này Ānanda, như thế thì hãy cho bánh ngọt đến những người dùng vật thực thừa.
- Bạch ngài, xin vâng.
Nghe theo lời đức Thế Tôn, đại đức Ānanda đã bảo những người dùng vật thực thừa ngồi xuống theo thứ tự rồi trong lúc cho mỗi người một cái bánh ngọt đã cho người nữ du sĩ ngoại đạo nọ hai cái bánh ngọt nghĩ rằng một cái. Các nữ du sĩ ngoại đạo xung quanh đã nói với nữ du sĩ ngoại đạo ấy điều này:
- Vị sa-môn ấy là tình nhân của cô.
- Vị sa-môn ấy không phải là tình nhân của tôi. Vị ấy đã cho hai cái bánh ngọt nghĩ rằng một cái.
Đến lần thứ nhì, đại đức Ānanda trong lúc cho mỗi người một cái bánh ngọt đã cho chính nữ du sĩ ngoại đạo ấy hai cái bánh ngọt nghĩ rằng một cái. Các nữ du sĩ ngoại đạo xung quanh đã nói với nữ du sĩ ngoại đạo ấy điều này:
- Vị sa-môn ấy là tình nhân của cô.
- Vị sa-môn ấy không phải là tình nhân của tôi. Vị ấy đã cho hai cái bánh ngọt nghĩ rằng một cái.
Đến lần thứ ba, đại đức Ānanda trong lúc cho mỗi người một cái bánh ngọt đã cho chính nữ du sĩ ngoại đạo ấy hai cái bánh ngọt nghĩ rằng một cái. Các nữ du sĩ ngoại đạo xung quanh đã nói với nữ du sĩ ngoại đạo ấy điều này:
- Vị sa-môn ấy là tình nhân của cô.
- Vị sa-môn ấy không phải là tình nhân của tôi. Vị ấy đã cho hai cái bánh ngọt nghĩ rằng một cái.
- Tình nhân! Không phải là tình nhân! Các cô ấy đã cãi vả nhau.
Có đạo sĩ lõa thể nọ đã đi đến nơi phân phát thực phẩm. Có vị tỳ khưu nọ sau khi nghiền cơm với nhiều bơ lỏng rồi đã cho người đạo sĩ lõa thể ấy một khối cơm lớn. Khi ấy, người đạo sĩ lõa thể ấy đã cầm lấy khối cơm ấy rồi ra đi. Một đạo sĩ lõa thể khác đã nói với người đạo sĩ lõa thể ấy điều này:
- Này huynh đệ, từ đâu ngươi đã có được khối cơm vậy?
- Này huynh đệ, đã có được từ nơi phân phát thực phẩm của gia chủ đầu trọc tức là Sa-môn Gotama ấy.
Các nam cư sĩ đã nghe được cuộc nói chuyện này của những người đạo sĩ lõa thể ấy. Sau đó, các nam cư sĩ ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các nam cư sĩ ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, những tu sĩ ngoại đạo này có ý muốn bôi nhọ đức Phật, có ý muốn bôi nhọ Giáo Pháp, có ý muốn bôi nhọ Hội chúng. Bạch ngài, tốt thay các ngài đại đức không nên tự tay cho đến các tu sĩ ngoại đạo.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các nam cư sĩ ấy bằng bài Pháp thoại. Sau đó, các nam cư sĩ ấy khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy sau khi triệu tập hội chúng tỳ khưu lại đã thuyết Pháp thoại thích đáng và phù hợp cho các tỳ khưu rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, như thế thì ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích: Nhằm đem lại sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm đem lại sự an lạc cho hội chúng, ...(như trên)... nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào tự tay cho vật thực cứng hoặc vật thực mềm đến đạo sĩ lõa thể, hoặc nam du sĩ ngoại đạo, hoặc nữ du sĩ ngoại đạo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[528] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Đạo sĩ lõa thể nghĩa là bất cứ người lõa thể nào thành tựu pháp du sĩ.
Nam du sĩ ngoại đạo nghĩa là bất cứ người nam thành tựu pháp du sĩ trừ ra tỳ khưu và sa di.
Nữ du sĩ ngoại đạo nghĩa là bất cứ người nữ nào thành tựu pháp du sĩ trừ ra tỳ khưu ni, vị ni tu tập sự, và sa di ni.
Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, nước và tăm xỉa răng; phần còn lại gọi là vật thực cứng.
Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, xúp, bánh, cá, thịt.
Cho: Vị cho bằng thân, hoặc bằng vật được gắn liền với thân, hoặc bằng cách buông ra thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[529] Tu sĩ ngoại đạo, nhận biết là tu sĩ ngoại đạo, vị tự tay cho vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Tu sĩ ngoại đạo, có sự hoài nghi, vị tự tay cho vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Tu sĩ ngoại đạo, (lầm) tưởng không phải là tu sĩ ngoại đạo, vị tự tay cho vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị cho nước và tăm xỉa răng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là tu sĩ ngoại đạo, (lầm) tưởng là tu sĩ ngoại đạo, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là tu sĩ ngoại đạo, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là tu sĩ ngoại đạo, nhận biết không phải là tu sĩ ngoại đạo thì vô tội.
[530] Vị bảo (người khác) cho và không (tự mình) cho, vị cho sau khi đã để gần bên, vị cho vật thoa bên ngoài, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ nhất.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ NHÌ:
[531] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã nói với vị tỳ khưu là đệ tử của người anh điều này:
- Này đại đức, hãy đến. Chúng ta sẽ đi vào làng để khất thực.
Sau khi bảo đừng bố thí cho vị ấy rồi đã đuổi đi (nói rằng):
- Này đại đức, hãy đi đi. Nói chuyện hoặc ngồi với ngươi ta không được thoải mái. Nói chuyện hoặc ngồi mỗi một mình ta còn có sự an lạc.
Khi ấy thời giờ đã cận, vị tỳ khưu ấy đã không thể đi khất thực. Khi đi trở về, vị ấy đã không có được phần phân chia về vật thực nên bữa ăn đã bị lỡ. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến tu viện và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya nói với vị tỳ khưu rằng: “Này đại đức, hãy đến. Chúng ta sẽ đi vào làng để khất thực,” sau khi bảo đừng bố thí cho vị ấy rồi lại đuổi đi?
…(như trên)…
- Này Upananda, nghe nói ngươi nói với vị tỳ khưu rằng: “Này đại đức, hãy đến. Chúng ta sẽ đi vào làng để khất thực,” sau khi bảo đừng bố thí cho vị ấy rồi đuổi đi, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi nói với vị tỳ khưu rằng: “Này đại đức, hãy đến. Chúng ta sẽ đi vào làng để khất thực,” sau khi bảo đừng bố thí cho vị ấy rồi lại đuổi đi vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào nói với vị tỳ khưu như vầy: ‘Này đại đức, hãy đến. Chúng ta sẽ đi vào làng hoặc thị trấn để khất thực,’ sau khi bảo bố thí hoặc bảo đừng bố thí cho vị ấy rồi đuổi đi (nói rằng): ‘Này đại đức, hãy đi đi. Nói chuyện hoặc ngồi với ngươi ta không được thoải mái. Nói chuyện hoặc ngồi mỗi một mình ta còn có sự an lạc.’ Sau khi thực hiện chỉ nguyên nhân ấy không điều nào khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[532] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Vị tỳ khưu: là vị tỳ khưu khác.
Này đại đức, hãy đến. (Chúng ta sẽ đi vào) làng hoặc thị trấn: Làng, thị trấn, thành phố, làng luôn cả thị trấn.
Sau khi bảo bố thí cho vị ấy: Sau khi bảo bố thí xúp, hoặc bữa ăn, hoặc vật thực cứng, hoặc vật thực mềm.
Bảo đừng bố thí: bảo đừng bố thí bất cứ vật gì.
Đuổi đi: Vị có ý định cười, có ý định đùa giỡn, có ý định ngồi ở chỗ kín đáo, có ý định hành xử sai nguyên tắc với người nữ rồi nói như vầy: “Này đại đức, hãy đi đi. Nói chuyện hoặc ngồi với ngươi ta không được thoải mái. Nói chuyện hoặc ngồi mỗi một mình ta còn có sự an lạc” vị đuổi đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Khi (vị kia) đang lìa khỏi tầm nhìn hoặc tầm nghe, (vị đuổi đi) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Khi (vị kia) đã lìa khỏi, (vị đuổi đi) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Sau khi thực hiện chỉ nguyên nhân ấy không điều nào khác: không phải bất cứ nguyên nhân nào khác để đuổi đi.
[533] Vị đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị đuổi đi thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị đuổi đi thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị đuổi đi thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị đưa ra lời ám chỉ về tật xấu (của vị kia) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vị đuổi đi người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị đưa ra lời ám chỉ về tật xấu (của người chưa tu lên bậc trên) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Người chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Người chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Người chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[534] Vị đuổi đi (nói rằng): “Cả hai đi chung sẽ không có vật thực,” sau khi nhìn thấy vật có giá trị cao (nghĩ rằng): “Vị ấy sẽ sanh khởi tâm tham” rồi đuổi đi, sau khi nhìn thấy người nữ (nghĩ rằng): “Vị ấy sẽ sanh khởi sự không phấn chấn” rồi đuổi đi, vị đuổi đi (nói rằng): “Hãy mang về cháo hoặc bữa ăn hoặc vật thực cứng hoặc vật thực mềm cho vị bị bệnh hoặc vị ở lại hoặc vị canh giữ tu viện,” không có ý định hành xử sai nguyên tắc, vị đuổi đi khi có việc cần phải làm, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ nhì.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ BA:
[535] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya sau khi di đến nhà của người bạn đã ngồi trong phòng ngủ với vợ của người ấy. Khi ấy, người đàn ông ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Upananda con trai dòng Sākya rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, người đàn ông ấy đã nói với người vợ điều này:
- Hãy dâng đồ khất thực đến ngài đại đức.
Khi ấy, người đàn bà ấy đã dâng đồ khất thực đến đại đức Upananda con trai dòng Sākya. Sau đó, người đàn ông ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:
- Thưa ngài, xin hãy đi bởi vì đồ khất thực đã được dâng đến ngài đại đức.
Khi ấy, người đàn bà ấy biết được rằng: “Người đàn ông này đã bị ám ảnh (bởi dục)!” nên đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:
- Thưa ngài, xin hãy ngồi lại, chớ có đi.
Đến lần thứ nhì, người đàn ông ấy …(như trên)…
Đến lần thứ ba, người đàn ông ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:
- Thưa ngài, xin hãy đi bởi vì đồ khất thực đã được dâng đến ngài đại đức.
Đến lần thứ ba, người đàn bà ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:
- Thưa ngài, xin hãy ngồi lại, chớ có đi.
Khi ấy, người đàn ông ấy đã đi ra ngoài và phàn nàn với các tỳ khưu rằng:
- Thưa các ngài, ngài đại đức Upananda này đã ngồi trong phòng ngủ với vợ của tôi. Vị ấy khi được tôi mời đi lại không chịu đi. Chúng tôi có nhiều phận sự có nhiều công việc phải làm.
Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya sau khi đi vào gia đình chỉ có cặp vợ chồng lại ngồi xuống?
…(như trên)…
- Này Upananda, nghe nói ngươi sau khi đi vào gia đình chỉ có cặp vợ chồng rồi ngồi xuống, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi sau khi đi vào gia đình chỉ có cặp vợ chồng lại ngồi xuống vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào sau khi đi vào gia đình chỉ có cặp vợ chồng rồi ngồi xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[536] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Gia đình chỉ có cặp vợ chồng nghĩa là chỉ có người đàn bà và người đàn ông. Cả hai chưa đi ra, cả hai chưa đoạn tận ái dục.
Sau khi đi vào: sau khi đi vào bên trong.
Ngồi xuống: Trong ngôi nhà lớn, vị đi qua khỏi khung cửa lớn một tầm tay (1 mét 25) rồi ngồi xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Trong ngôi nhà nhỏ, vị vượt qua khỏi trung tâm của nhà rồi ngồi xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[537] Trong phòng ngủ, nhận biết là phòng ngủ, vị đi vào gia đình chỉ có cặp vợ chồng rồi ngồi xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Trong phòng ngủ, có sự hoài nghi, vị đi vào gia đình chỉ có cặp vợ chồng rồi ngồi xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Trong phòng ngủ, (lầm) tưởng không phải là phòng ngủ, vị đi vào gia đình chỉ có cặp vợ chồng rồi ngồi xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Không phải là phòng ngủ, (lầm) tưởng là phòng ngủ, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là phòng ngủ, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là phòng ngủ, nhận biết không phải là phòng ngủ thì vô tội.
[538] Trong ngôi nhà lớn vị không đi qua khỏi khung cửa lớn một tầm tay rồi ngồi xuống, trong ngôi nhà nhỏ vị không vượt qua khỏi trung tâm của nhà rồi ngồi xuống, có vị tỳ khưu thứ hai, cả hai (vợ chồng) đã đi ra khỏi, cả hai đã đoạn tận ái dục, không phải ở trong phòng ngủ, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ ba.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ TƯ:
[539] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya sau khi di đến nhà của người bạn đã cùng với vợ của người ấy ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất. Khi ấy, người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao ngài đại đức Upananda lại cùng với vợ tôi ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất?
Các tỳ khưu đã nghe được người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại cùng với người nữ ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất?
…(như trên)…
- Này Upananda, nghe nói ngươi cùng với người nữ ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cùng với người nữ ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào cùng với người nữ ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[540] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Người nữ: nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, ngay cả đứa bé gái mới sanh ngày hôm ấy cho đến bà lão.
Với: cùng chung.
Kín đáo: nghĩa là kín đáo đối với mắt, kín đáo đối với tai.
Kín đáo đối với mắt: nghĩa là không thể nhìn thấy trong khi bị che mắt lại, trong khi nhướng mày, trong khi ngẩng đầu lên.
Kín đáo đối với tai: nghĩa là không thể nghe lời nói (với giọng) bình thường.
Được che khuất: nghĩa là chỗ ngồi được che khuất bởi bức tường, bởi cánh cửa, bởi tấm màn, bởi khung chắn, bởi cội cây, bởi cột nhà, bởi nhà kho, hoặc bởi bất cứ vật gì.
Ngồi: Khi người nữ đang ngồi, vị tỳ khưu ngồi gần hoặc nằm gần thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Trong lúc vị tỳ khưu đang ngồi, người nữ ngồi gần hoặc nằm gần thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Hoặc cả hai đang ngồi, hoặc cả hai đang nằm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[541] Là người nữ, nhận biết là người nữ, vị ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Là người nữ, có sự nghi ngờ, vị ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Là người nữ, (lầm) tưởng không phải là người nữ, vị ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị cùng với nữ dạ-xoa, hoặc ma nữ, hoặc người vô căn, hoặc loài thú cái dạng người ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo, được che khuất thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là người nữ, (lầm) tưởng là người nữ, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là người nữ, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là người nữ, nhận biết không phải là người nữ thì vô tội.
[542] Có bất cứ người nam nào có trí suy xét là người thứ nhì, vị đứng không ngồi, không mong mỏi chỗ kín đáo, đang bận tâm chuyện khác rồi ngồi xuống, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ tư.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ NĂM:
[543] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya sau khi di đến nhà của người bạn đã cùng với vợ của người ấy một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo. Khi ấy, người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao ngài đại đức Upananda lại cùng với vợ tôi một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo?
Các tỳ khưu đã nghe được người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo?
…(như trên)…
- Này Upananda, nghe nói ngươi cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào cùng với người nữ một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[544] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Người nữ: nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, có hiểu biết, có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là dâm dật và không dâm dật.
Với: cùng chung.
Một nam một nữ: chỉ có vị tỳ khưu và người nữ.
Kín đáo: nghĩa là kín đáo đối với mắt, kín đáo đối với tai.
Kín đáo đối với mắt: nghĩa là không thể nhìn thấy trong khi bị che mắt lại, trong khi nhướng mày, trong khi ngẩng đầu lên.
Kín đáo đối với tai: nghĩa là không thể nghe lời nói (với giọng) bình thường.
Ngồi: Khi người nữ đang ngồi, vị tỳ khưu ngồi gần hoặc nằm gần thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Trong lúc vị tỳ khưu đang ngồi, người nữ ngồi gần hoặc nằm gần thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Hoặc cả hai đang ngồi, hoặc cả hai đang nằm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[545] Là người nữ, nhận biết là người nữ, vị ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo một nam một nữ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Là người nữ, có sự nghi ngờ, vị ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo một nam một nữ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Là người nữ, (lầm) tưởng không phải là người nữ, vị ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo một nam một nữ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị cùng với nữ dạ-xoa, hoặc ma nữ, hoặc người vô căn, hoặc loài thú cái dạng người ngồi xuống ở chỗ ngồi kín đáo một nam một nữ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là người nữ, (lầm) tưởng là người nữ, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là người nữ, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là người nữ, nhận biết không phải là người nữ thì vô tội.
[546] Có bất cứ người nam nào có trí suy xét là người thứ nhì, vị đứng không ngồi, không mong mỏi chỗ kín đáo, đang bận tâm chuyện khác rồi ngồi xuống, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ năm.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ SÁU:
[547] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã thỉnh mời đại đức Upananda con trai dòng Sākya với bữa trai phạn và cũng đã thỉnh mời các vị tỳ khưu khác với bữa trai phạn. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya thường đi giao thiệp với các gia đình trước bữa ăn. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với những người ấy điều này:
- Này các đạo hữu, hãy dâng bữa trai phạn.
- Thưa các ngài, xin hãy chờ đến khi ngài đại đức Upananda đến.
Đến lần thứ nhì, các vị tỳ khưu ấy đã nói với những người ấy điều này:
- Này các đạo hữu, hãy dâng bữa trai phạn.
- Thưa các ngài, xin hãy chờ đến khi ngài đại đức Upananda đến.
Đến lần thứ ba, các vị tỳ khưu ấy đã nói với những người ấy điều này:
- Này các đạo hữu, hãy dâng bữa trai phạn trước khi thời giờ đi quá.
- Thưa các ngài, chúng tôi đã làm bữa trai phạn vì nguyên nhân là ngài đại đức Upananda. Thưa các ngài, xin hãy chờ đến khi ngài đại đức Upananda đến.
Sau đó, đại đức Upananda con trai dòng Sākya sau khi đi giao thiệp với các gia đình trước bữa ăn đã đi đến kịp giờ ngọ. Các tỳ khưu đã không thọ thực được như ý. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi đến các gia đình trước bữa ăn?
…(như trên)…
- Này Upananda, nghe nói ngươi khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi đến các gia đình trước bữa ăn, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi đến các gia đình trước bữa ăn vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi đến các gia đình trước bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
[548] Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của tỳ khưu Upananda con trai dòng Sākya đã cho người đem lại vật thực loại cứng nhằm dâng đến hội chúng (dặn dò) rằng: “Nên trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.” Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đi vào làng để khất thực. Khi ấy, những người ấy sau khi đi đến tu viện đã hỏi các vị tỳ khưu rằng:
- Thưa các ngài, ngài đại đức Upananda ở đâu vậy?
- Này các đạo hữu, đại đức Upananda con trai dòng Sākya này đã đi vào làng để khất thực.
- Thưa các ngài, vật thực loại cứng này (được dặn dò rằng): “Nên trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.”
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, như vậy thì sau khi thọ lãnh các ngươi hãy để riêng ra cho đến khi Upananda trở về.
Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sākya (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đi đến các gia đình trước bữa ăn” nên đã đi giao thiệp với các gia đình sau bữa ăn rồi về lại trong ngày. Món vật thực cứng đã bị bỏ đi.
Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại đi đến các gia đình sau bữa ăn?
…(như trên)…
- Này Upananda, nghe nói ngươi đi đến các gia đình sau bữa ăn, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại đi đến các gia đình sau bữa ăn vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi đến các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
[549] Vào lúc bấy giờ, nhằm thời hạn dâng y các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không đi giao thiệp với các gia đình. Y được phát sanh ít ỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi giao thiệp với các gia đình trong thời hạn dâng y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi đến các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trong thời hạn dâng y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
[550] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu làm công việc may y có nhu cầu về kim, chỉ, dao nhỏ. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không đi giao thiệp với các gia đình. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi giao thiệp với các gia đình trong lúc may y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn còn đi đến các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trong thời hạn dâng y, trong lúc may y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
[551] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các dược phẩm. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không đi giao thiệp với các gia đình. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép (vị tỳ khưu) có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện được đi giao thiệp với các gia đình. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào khi đã được thỉnh mời, khi đã có bữa trai phạn, chưa có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi đến các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trong thời hạn dâng y, trong lúc may y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”
[552] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Đã được thỉnh mời nghĩa là đã được thỉnh mời với bất cứ loại vật thực nào thuộc về năm loại vật thực.
Có bữa trai phạn nghĩa là đã được thỉnh mời với món gì thì bữa trai phạn là với món đó.
Vị tỳ khưu hiện diện nghĩa là có thể có sự thông báo để đi vào (làng).
Vị tỳ khưu không hiện diện nghĩa là không thể có sự thông báo để đi vào (làng).
Trước bữa ăn nghĩa là đã được thỉnh mời với món gì thì chưa được ăn món đó.
Sau bữa ăn nghĩa là đã được thỉnh mời với món gì thì món đó đã được ăn, dầu chỉ với (một chút ở) đầu cọng cỏ kusa.
Gia đình nghĩa là có bốn loại gia đình: gia đình sát-đế-lỵ, gia đình bà-la-môn, gia đình thương buôn, và gia đình hạng cùng đinh.
Đi đến các gia đình: Vị đang bước vào khu vực lân cận ngôi nhà của người khác thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị vượt qua ngưỡng cửa bước thứ nhất thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị vượt qua ngưỡng cửa bước thứ nhì thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có nguyên cớ.
Trong thời hạn dâng y nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì tháng cuối cùng của mùa mưa, khi Kaṭhina được thành tựu thì năm tháng.
Trong lúc may y nghĩa là trong lúc y đang được may.
[553] Đã được thỉnh mời, nhận biết là đã được thỉnh mời, vị chưa có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi đến các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.
Đã được thỉnh mời, có sự nghi ngờ, vị chưa có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi đến các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.
Đã được thỉnh mời, (lầm) tưởng là không được thỉnh mời, vị chưa có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện lại đi đến các gia đình trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.
Không được thỉnh mời, (lầm) tưởng là đã được thỉnh mời, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không được thỉnh mời, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không được thỉnh mời, nhận biết là không được thỉnh mời thì vô tội.
[554] Khi có duyên cớ, có sự thông báo đến vị tỳ khưu hiện diện rồi đi vào (làng), không có vị tỳ khưu hiện diện rồi đi vào (làng) không có sự thông báo, đường đi ngang qua ngôi nhà của người khác, đường đi ngang qua khu vực lân cận ngôi nhà (của người khác), vị đi đến tu viện ở giữa làng, vị đi đến tu viện của các tỳ khưu ni, vị đi đến chỗ ngụ của các tu sĩ ngoại đạo, vị đi trở về, vị đi đến nhà của thí chủ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ sáu.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ BẢY:
[555] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sākya, trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, Mahānāma dòng Sākya có nhiều dược phẩm. Khi ấy, Mahānāma dòng Sākya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Mahānāma dòng Sākya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, tôi muốn thỉnh cầu hội chúng về dược phẩm trong bốn tháng.
- Này Mahānāma, tốt lắm, tốt lắm! Này Mahānāma, như thế ngươi hãy thỉnh cầu hội chúng về dược phẩm trong bốn tháng.
Các tỳ khưu ngần ngại không nhận lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép chấp nhận sự thỉnh cầu về vật dụng trong bốn tháng.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu yêu cầu dược phẩm (một số lượng) rất ít ỏi ở Mahānāma dòng Sākya. Giống như trước đây, dược phẩm của Mahānāma dòng Sākya vẫn dồi dào. Đến lần thứ nhì, Mahānāma dòng Sākya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Mahānāma dòng Sākya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, tôi muốn thỉnh cầu hội chúng về dược phẩm trong bốn tháng kế tiếp.
- Này Mahānāma, tốt lắm, tốt lắm! Này Mahānāma, như thế ngươi hãy thỉnh cầu hội chúng về dược phẩm trong bốn tháng kế tiếp.
Các tỳ khưu ngần ngại không nhận lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép chấp nhận sự thỉnh cầu tiếp tục.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu yêu cầu dược phẩm (một số lượng) rất ít ỏi ở Mahānāma dòng Sākya. Giống như trước đây, dược phẩm của Mahānāma dòng Sākya vẫn dồi dào. Đến lần thứ ba, Mahānāma dòng Sākya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Mahānāma dòng Sākya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, tôi muốn thỉnh cầu hội chúng về dược phẩm đến trọn đời.
- Này Mahānāma, tốt lắm, tốt lắm! Này Mahānāma, như thế ngươi hãy thỉnh cầu hội chúng về dược phẩm đến trọn đời.
Các tỳ khưu ngần ngại không nhận lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép chấp nhận sự thỉnh cầu vĩnh viễn.
[556] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư quấn y bê bối, trùm y luộm thuộm, không được chỉnh tề nên bị Mahānāma dòng Sākya nói rằng:
- Thưa các ngài, tại sao các ngài lại quấn y bê bối, trùm y luộm thuộm, không được chỉnh tề? Chẳng phải vị xuất gia nên quấn y đàng hoàng, trùm y gọn gàng, có sự chỉnh tề hay sao?
Các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã kết oan trái với Mahānāma dòng Sākya. Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã khởi ý điều này: “Có phương kế gì chúng ta có thể làm cho Mahānāma dòng Sākya bị xấu hổ?” Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã khởi ý điều này: “Này các đại đức, hội chúng đã được Mahānāma dòng Sākya thỉnh cầu về dược phẩm. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy yêu cầu Mahānāma dòng Sākya về bơ lỏng đi.” Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã đi đến gặp Mahānāma dòng Sākya, sau khi đến đã nói với Mahānāma dòng Sākya điều này:
- Này đạo hữu, có nhu cầu về một chum (doṇa [1]) bơ lỏng.
- Thưa các ngài, xin hãy chờ đợi đến ngày mai. Nhiều người đã đi đến trại bò để lấy bơ lỏng; các ngài sẽ mang đi đúng hẹn.
Đến lần thứ nhì, …(như trên)…
Đến lần thứ ba, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nói với Mahānāma dòng Sākya điều này:
- Này đạo hữu, có nhu cầu về một chum bơ lỏng.
- Thưa các ngài, xin hãy chờ đợi đến ngày mai. Nhiều người đã đi đến trại bò để lấy bơ lỏng; các ngài sẽ mang đi đúng hẹn.
- Này đạo hữu, đạo hữu không chịu bố thí khi được yêu cầu, việc gì khiến đạo hữu nói lời thỉnh cầu khi không có ý định bố thí vậy?
Khi ấy, Mahānāma dòng Sākya phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao khi được nói rằng: “Thưa các ngài, xin hãy chờ đợi đến ngày mai” các đại đức lại không chịu chờ đợi?
Các tỳ khưu đã nghe được Mahānāma dòng Sākya phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư khi được Mahānāma dòng Sākya nói rằng: “Thưa các ngài, xin hãy chờ đợi đến ngày mai” lại không chịu chờ đợi?
…(như trên)…
- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi khi được Mahānāma dòng Sākya nói rằng: “Thưa các ngài, xin hãy chờ đợi đến ngày mai” lại không chịu chờ đợi, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi khi được Mahānāma dòng Sākya nói rằng: “Thưa các ngài, xin hãy chờ đợi đến ngày mai” lại không chịu chờ đợi vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu không bị bệnh nên chấp nhận sự thỉnh cầu về vật dụng trong bốn tháng ngoại trừ có sự thỉnh cầu tiếp tục, ngoại trừ có sự thỉnh cầu đến trọn đời. Nếu chấp nhận vượt quá hạn ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[557] Vị tỳ khưu không bị bệnh nên chấp nhận sự thỉnh cầu về vật dụng trong bốn tháng: sự thỉnh cầu trong trường hợp bị bệnh nên được chấp nhận, lời thỉnh cầu tiếp tục cũng nên được chấp nhận (nói rằng): “Khi nào tôi bị bệnh, khi ấy tôi sẽ yêu cầu.” Lời thỉnh cầu đến trọn đời cũng nên được chấp nhận (nói rằng): “Khi nào tôi bị bệnh, khi ấy tôi sẽ yêu cầu.”
[558] Nếu chấp nhận vượt quá hạn ấy: Có sự thỉnh cầu có sự giới hạn về dược phẩm không có sự giới hạn về đêm. Có sự thỉnh cầu có sự giới hạn về đêm không có sự giới hạn về dược phẩm. Có sự thỉnh cầu có sự giới hạn về dược phẩm và có sự giới hạn về đêm. Có sự thỉnh cầu không có sự giới hạn về dược phẩm và không có sự giới hạn về đêm.
Có sự giới hạn về dược phẩm nghĩa là các dược phẩm được xét đến rồi (nói rằng): “Tôi nói lời thỉnh cầu với chừng này dược phẩm.”
Có sự giới hạn về đêm nghĩa là các đêm được xét đến rồi (nói rằng): “Tôi nói lời thỉnh cầu trong (thời hạn) chừng này đêm.”
Có sự giới hạn về dược phẩm và có sự giới hạn về đêm nghĩa là các dược phẩm được xét đến và các đêm được xét đến rồi (nói rằng): “Tôi nói lời thỉnh cầu với chừng này dược phẩm trong (thời hạn) chừng này đêm.”
Không có sự giới hạn về dược phẩm và không có sự giới hạn về đêm nghĩa là các dược phẩm không được xét đến và các đêm không được xét đến.
[559] Khi có sự giới hạn về dược phẩm, trừ ra các dược phẩm đã được thỉnh cầu, vị yêu cầu các loại dược phẩm khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi có sự giới hạn về đêm, trừ ra các đêm đã được thỉnh cầu, vị yêu cầu trong các đêm khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi có sự giới hạn về sự thỉnh cầu và có sự giới hạn về đêm, trừ ra các dược phẩm đã được thỉnh cầu và trừ ra các đêm đã được thỉnh cầu, vị yêu cầu các loại dược phẩm khác trong các đêm khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi không có sự giới hạn về sự thỉnh cầu và không có sự giới hạn về đêm thì vô tội.
[560] Khi không cần dùng dược phẩm, vị yêu cầu dược phẩm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi cần dùng dược phẩm này, vị yêu cầu dược phẩm khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi đã quá hạn ấy, nhận biết là đã quá hạn ấy, vị yêu cầu dược phẩm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi đã quá hạn ấy, có sự hoài nghi, vị yêu cầu dược phẩm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi đã quá hạn ấy, (lầm) tưởng là chưa quá hạn ấy, vị yêu cầu dược phẩm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi chưa quá hạn ấy, (lầm) tưởng là đã quá hạn ấy, phạm tội dukkaṭa.
Khi chưa quá hạn ấy, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa.
Khi chưa quá hạn ấy, nhận biết là chưa quá hạn ấy thì vô tội.
[561] Vị yêu cầu các loại dược phẩm đã được thỉnh cầu, vị yêu cầu trong (thời hạn) các đêm đã được thỉnh cầu, sau khi nói rõ rồi yêu cầu: “Chúng tôi đã được quý vị thỉnh cầu các loại dược phẩm này, giờ chúng tôi có nhu cầu về dược phẩm loại này và loại này,” sau khi nói rõ rồi yêu cầu: “(Thời hạn) các đêm chúng tôi được quý vị thỉnh cầu đã trôi qua, giờ chúng tôi có nhu cầu về dược phẩm,” của các thân quyến, của những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ bảy.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ TÁM:
[562] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala cùng với quân đội đi đánh trận. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã đi để xem quân đội động binh. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm Lục Sư đang đi lại từ đàng xa, sau khi nhìn thấy đã cho người gọi đến rồi đã nói điều này:
- Thưa các ngài, vì sao các ngài lại đi đến nơi này?
- Tâu đại vương, chúng tôi có ý muốn xem.
- Thưa các ngài, việc gì lại nhìn trẫm đang say sưa chiến trận? Sao không chiêm ngưỡng đức Thế Tôn?
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi đến để xem quân đội động binh? Chúng tôi không có lợi nhuận, chúng tôi thu nhập khó khăn, chúng tôi vì lý do nuôi mạng, vì nguyên nhân vợ con mà phải đi vào quân đội.
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi để xem quân đội động binh?
…(như trên)…
- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi đi để xem quân đội động binh, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại đi để xem quân đội động binh vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào đi để xem quân đội động binh thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
[563] Vào lúc bấy giờ, có người cậu của vị tỳ khưu nọ bị bệnh ở trong binh đội. Người ấy đã phái sứ giả đi đến gặp vị tỳ khưu ấy (nhắn rằng): “Bởi vì cậu bị bệnh ở trong binh đội. Đại đức hãy đi đến. Cậu mong sự đi đến của đại đức.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Đức Thế Tôn đã quy định điều học cho các tỳ khưu rằng: “Không được đi để xem quân đội động binh, và người cậu này của ta thì bị bệnh ở trong binh đội, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi đến binh đội khi có nhân duyên như thế. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào đi để xem quân đội động binh thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có nhân duyên như thế.”
[564] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Động binh nghĩa là quân đội sau khi đi ra từ làng thì đóng trại hoặc là tiến tới.
Quân đội nghĩa là các tượng binh, các kỵ binh, các xa binh, các bộ binh. Tượng binh thì có mười hai người đàn ông (một con voi). Kỵ binh thì có ba người đàn ông (một con ngựa). Xa binh thì có bốn người đàn ông (một chiếc xe). Bốn người đàn ông có vũ khí ở tay là bộ binh. Vị đi để xem thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Đứng ở nơi ấy nhìn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Sau khi rời khỏi khu vực lân cận của quang cảnh, vị lại nhìn nữa thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Ngoại trừ có nhân duyên như thế: trừ ra có nhân duyên như thế.
[565] Khi động binh, nhận biết là động binh, vị đi để xem thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có nhân duyên như thế.
Khi động binh, có sự hoài nghi, vị đi để xem thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có nhân duyên như thế.
Khi động binh, (lầm) tưởng không phải là động binh, vị đi để xem thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có nhân duyên như thế.
Vị đi để xem mỗi một (loại binh chủng) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Đứng ở nơi ấy nhìn thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Sau khi rời khỏi khu vực lân cận của quang cảnh, vị lại nhìn nữa thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Không phải là động binh, (lầm) tưởng là động binh, phạm tội dukkaṭa.
Không phải là động binh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa.
Không phải là động binh, nhận biết không phải là động binh thì vô tội.
[566] Vị đứng ở trong tu viện nhìn thấy, (việc động binh) di chuyển đến chỗ đứng hoặc chỗ ngồi hoặc chỗ nằm của vị tỳ khưu, vị nhìn thấy khi đi ngược chiều, ngoại trừ có nhân duyên như thế, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ tám.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN:
[567] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, khi có công việc cần thiết các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi đi đến nơi binh đội rồi cư ngụ trong binh đội hơn hai ba đêm.
Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại cư ngụ trong binh đội? Chúng tôi không có lợi nhuận, chúng tôi thu nhập khó khăn, chúng tôi vì lý do nuôi mạng, vì nguyên nhân vợ con mà phải sống trong binh đội.
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại cư ngụ trong binh đội hơn hai ba đêm?
…(như trên)…
- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi cư ngụ trong binh đội hơn hai ba đêm, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại cư ngụ trong binh đội hơn hai ba đêm vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Nếu có nhân duyên nào đó khiến vị tỳ khưu ấy đi đến nơi binh đội, vị tỳ khưu ấy nên cư ngụ trong binh đội hai ba đêm; nếu vượt hơn số ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[568] Nếu có nhân duyên nào đó khiến vị tỳ khưu ấy đi đến nơi binh đội: nếu có duyên cớ, nếu có việc cần làm.
Vị tỳ khưu ấy nên cư ngụ trong binh đội hai ba đêm: nên trú hai ba đêm.
Nếu vượt hơn số ấy: khi mặt trời lặn vào ngày thứ tư, vị cư ngụ trong binh đội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[569] Khi hơn hai ba đêm, nhận biết là đã hơn, vị cư ngụ trong binh đội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi hơn hai ba đêm, có sự hoài nghi, vị cư ngụ trong binh đội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi hơn hai ba đêm, (lầm) tưởng là còn kém, vị cư ngụ trong binh đội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi còn kém hai ba đêm, (lầm) tưởng là đã hơn, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Khi còn kém hai ba đêm, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa.
Khi còn kém hai ba đêm, nhận biết còn kém thì vô tội.
[570] Vị cư ngụ hai ba đêm, vị cư ngụ còn kém hai ba đêm, sau khi cư ngụ hai đêm vào đêm thứ ba sau khi đi ra khỏi trước rạng đông rồi cư ngụ trở lại, vị bị bệnh rồi cư ngụ, vị cư ngụ vì có việc cần làm đối với người bệnh, binh đội bị bao vây bởi quân địch, vị bị cản trở bởi điều gì đó, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ chín.
*******
ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI:
[571] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong khi cư ngụ hai ba đêm trong binh đội các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi đến nơi tập trận, nơi đóng quân, nơi dàn binh, đội chủ lực. Có vị tỳ khưu nọ thuộc nhóm Lục Sư sau khi đi đến nơi tập trận đã bị trúng mũi tên. Dân chúng đã chế giễu vị tỳ khưu ấy rằng:
- Thưa ngài, chắc hẳn đã là trận chiến cừ khôi? Ngài chiếm được bao nhiêu mục tiêu?
Trong khi bị những người ấy chế giễu, vị tỳ khưu ấy đã xấu hổ. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi đến để xem nơi tập trận? Chúng tôi không có lợi nhuận, chúng tôi thu nhập khó khăn, chúng tôi vì lý do nuôi mạng, vì nguyên nhân vợ con mà phải đi đến nơi tập trận.
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi để xem nơi tập trận?
…(như trên)…
- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi đi để xem nơi tập trận, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại đi để xem nơi tập trận vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Nếu trong khi cư ngụ ở binh đội hai ba đêm vị tỳ khưu đi đến nơi tập trận, hoặc nơi đóng quân, hoặc nơi dàn binh, hoặc đội chủ lực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[572] Nếu vị tỳ khưu trong khi cư ngụ ở binh đội hai ba đêm: trong khi cư ngụ hai ba đêm.
Nơi tập trận nghĩa là nơi nào chiến trận được nhìn thấy.
Nơi đóng quân nghĩa là chừng này tượng binh, chừng này kỵ binh, chừng này xa binh, chừng này bộ binh.
Nơi dàn binh nghĩa là các tượng binh hãy từ nơi này; các kỵ binh hãy từ nơi này; các xa binh hãy từ nơi này; các bộ binh hãy từ nơi này.
Đội chủ lực nghĩa là đội tượng binh chủ lực, đội kỵ binh chủ lực, đội xa binh chủ lực, đội bộ binh chủ lực. Đội tượng binh chủ lực ít nhất là ba con voi, đội kỵ binh chủ lực ít nhất là ba con ngựa, đội xa binh chủ lực ít nhất là ba xe, đội bộ binh chủ lực ít nhất là bốn người đàn ông có vũ khí ở tay.
[573] Vị đi để xem thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Đứng ở nơi ấy nhìn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Sau khi rời khỏi khu vực lân cận của quang cảnh, vị lại nhìn nữa thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị đi để xem mỗi một (loại binh chủng) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Đứng ở nơi ấy nhìn thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Sau khi rời khỏi khu vực lân cận của quang cảnh, vị lại nhìn nữa thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[574] Vị đứng ở trong tu viện nhìn thấy, sự tập trận xảy đến và được nhìn thấy ở chỗ đứng hoặc ở chỗ ngồi hoặc ở chỗ nằm của vị tỳ khưu, vị nhìn thấy khi đi ngược chiều, khi có việc cần phải làm vị đi rồi nhìn thấy, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều học thứ mười.
Phần Đạo Sĩ Lõa Thể là phần thứ năm.
*******
Tóm lược phần này:
Vị đạo sĩ lõa
thể,
đuổi đi, hai vợ chồng,
hai chuyện nơi kín đáo,
bữa trai phạn, dược phẩm,
động binh, trú binh đội,
đi xem nơi tập trận.
*******
[1] Từ điển của Childers cho biết doṇa là đơn vị đo dung tích, 1 doṇa = 4 āḷhaka. Để dễ hình dung, sức chứa của bình bát cỡ lớn là ½ āḷhaka, vậy số lượng bơ lỏng được yêu cầu là 8 lần bình bát cỡ lớn.
-ooOoo-
Ðầu trang | Mục
lục | 07a | 07b |
07c | 08a |
08b | 08c |
08d | 08e | 08f |
08g | 08h |
08i | 09 | 10 |
Phân tích Giới
Tỳ-khưu I | Phân tích Giới Tỳ-khưu Ni | Giới thiệu
Chân thành cám ơn Tỳ-khưu
Indacanda Nguyệt Thiên đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2005)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005