TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 103 - PHẬT NÓI KINH THÁNH PHÁP ẤN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi.


Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tạ khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe.

Các Tỳ-kheo vâng đáp lời của Thế Tôn.

Đức Phật dạy:

–Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ông về Thánh pháp ấn, thích ứng với uy nghi, đưa đến thanh tịnh trong hiện tại. Hãy lắng nghe và ghi nhớ rõ.

Này các Tỳ-kheo, giả sử có người phát biểu không cầu Không, không dụng Vô tưởng, nếu muốn thì phát sanh thiền định Vô sở hữu vô tưởng, cho đến không tự đại, kiêu mạn; việc này chưa từng có. Giả như có người ưa thích pháp Không, chí an trú trong Vô tưởng, hưng khởi đạt đến tâm thiền định tối yếu, tiêu trừ tâm tự đại, kiêu mạn; điều này có thể đạt được, đúng như ý nguyện, có thật như vậy. Vì sao? Ưa thích pháp Không, muốn đắc Vô tưởng, không còn tà kiến kiêu mạn, tự đại thì có thể thành tựu sự nghiệp trí tuệ.

Này các Tỳ-kheo, thế nào là Thánh pháp ấn? Thánh pháp ấn này được tu tập đưa đến tri kiến thanh tịnh. Tỳ-kheo nào ở nơi yên lặng, hoặc ngồi bên gốc cây, nơi vắng vẻ quán sát sắc là vô thường, thấy sắc vốn là không, đã ngộ sắc là vô thường, nếu thấu đạt lý không, đều không bền chắc biến đổi, vô ngã, vô dục, tâm được yên tịnh, tự tại thanh tịnh, được giải thoát; đấy gọi là không. Như vậy nhưng vẫn chưa xả ly được kiêu mạn, tự đại.

Lại có thiền định với nhận thức thanh tịnh, tuy đắc định đến nhuần nhuyễn, ngay khi với tri kiến đó trừ các sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, thế nên nói rằng đạt đến vô tưởng, gọi là vô dục, nhưng vẫn chưa tiêu trừ được tự đại, kiêu mạn.

Lại có thiền định với tri kiến thanh tịnh, tâm luôn trú tương tục trong trạng thái nhu nhuyễn của định. Với tri kiến ấy, vị ấy trừ được tham dục, sân nhuế, ngu si đang hiện hữu, nên gọi là định Vô dục, nhưng vẫn chưa trừ được tự đại, kiêu mạn.

Lại có thiền định với tri kiến thanh tịnh, tự tâm quán sát: “Sự sanh diệt của ngã, ngã sở có từ đâu?” Do tư duy nên hiểu biết được ngã và ngã sở ấy tập khởi từ nguyên nhân vị ngọt, sự phân biệt của các thức, đều từ nhân duyên mà có nghiệp này, từ nhân duyên đó mà có thần thức. Lại tự suy nghĩ: “Các nhân duyên này là thường hay vô thường?” và tư duy: “Do sự hòa hợp của nhân duyên đưa đến thần thức; chúng đều là vô thường, không có căn bản. Thần thức này dựa vào vô thường mà có vọng tưởng, nên có mười hai nhân duyên khởi lên, tất cả đều trở về vô thường, khổ, không, hủy hoại, biệt ly, ly dục, diệt tận”. Hiểu rõ như vậy, mới biết không có nguồn gốc, đạt đến tâm hàng phục, tiêu diệt tất cả sanh khởi, được nhập thánh đạo. Đây mới chính là đạt đến chỗ trừ diệt tự đại, không còn mạn, phóng dật; tác ya theo thiền định, hiện hạnh thanh tịnh. Đây được gọi là Thánh pháp ấn, tri kiến thanh tịnh hoàn toàn từ đầu đến cuối.

Phật dạy như vậy. Các Tỳ-kheo đều hoan hỷ, đảnh lễ từ giã.

Ngày 25, tháng 12, năm Nguyên Khang thứ tư (249). Nguyệt Chi Bồ-tát Sa-môn Đàm Pháp Hộ dịch kinh này bằng miệng tại Tửu tuyền. Đệ tử Trúc Pháp Thủ ghi chép, làm cho diệu pháp sâu xa ấy phổ biến rực rỡ khắp mười phương.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]