TẠNG KINH
SỐ 104 - PHẬT NÓI KINH PHÁP ẤN
Hán dịch: Đời Tống, Pháp sư Thi Hộ.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ, cùng với chúng Bí-sô. Khi ấy Phật bảo chúng Bí-sô:
–Các thầy nên biết có Thánh pháp ấn, Ta sẽ giảng giải cho các thầy, hãy phát khởi tri kiến thanh tịnh, lắng nghe ghi nhận, tập trung tâm ý, chánh niệm tư duy.
Các Bí-sô bạch Phật: –Lành thay Thế Tôn! Xin Ngài giảng giải, chúng con muốn nghe.
Phật dạy:
–Này các Bí-sô, tánh Không là thật không, không vọng tưởng, không chỗ sanh, không chỗ diệt, vượt ngoài các tri kiến. Vì sao vậy? Tánh Không không xứ sở, không sắc tướng, chẳng có tưởng, vốn không có chỗ sanh, không thể nhận thức bằng tri kiến, xa lìa các chấp trước về hữu. Do xa lìa chấp trước nên thu nhiếp tất cả các pháp, trú nơi bình đẳng kiến, là chân thật kiến. Bí-sô nên biết, tánh Không nơi các pháp là như vậy. Đây gọi là pháp ấn.
Lại nữa, này các Bí-sô, pháp ấn này là ba cửa giải thoát, là pháp căn bản của chư Phật, là mắt của chư Phật, là nơi hướng tới, quay về của chư Phật. Thế nên, này các thầy, hãy lắng nghe thọ trì, ghi nhớ tư duy, quán sát như thật.
Này Bí-sô, có vị tu hành vào trong rừng, hoặc bên gốc cây, các nơi thanh tịnh, như thật quán sát sắc là khổ, là không, là vô thường, nên sanh nhàm chán, trú nơi bình đẳng kiến; quán sát như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức là khổ, là không, là vô thường, nên sanh nhàm chán, trú nơi bình đẳng kiến. Này các Bí-sô, các uẩn vốn là không, do tâm sanh; tâm pháp diệt rồi, các uẩn không còn tác dụng. Thấu rõ như vậy là chánh giải thoát; đã giải thoát rồi, thì lìa bỏ các tri kiến, gọi là Không giải thoát môn.
Lại nữa, trú vào Chánh định, quán sát các sắc cảnh đều diệt tận, xa lìa các tưởng về hữu. Cũng vậy đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp, đều diệt tận, xa lìa các tưởng về hữu. Quán sát như vậy gọi là Vô tưởng giải thoát môn. Vào cửa giải thoát này rồi thì được tri kiến thanh tịnh. Do thanh tịnh như vậy nên tham, sân, si đều bị diệt tận. Chúng bị diệt tận rồi thì trú nơi bình đẳng kiến. Trú ở kiến này là xa lìa ngã kiến và ngã sở kiến, tiêu diệt các kiến, không còn sanh khởi, không còn chỗ nương tựa.
Lại nữa đoạn trừ ngã kiến rồi thì không còn phân biệt bằng thấy, nghe, hay biết nữa. Vì sao? Do nhân duyên sanh ra các thức, nhân duyên kia và thức được sanh ra, đều là vô thường; vì vô thường nên không thể giữ được thức. Thức uẩn đã là không, không có chỗ tạo tác. Đây gọi là Vô tác giải thoát môn. Vào cửa giải thoát này rồi, biết rõ tận cùng các pháp, không bị pháp làm trở ngại, chứng pháp tịch diệt.
Này các Bí-sô, đây gọi là Thánh pháp ấn, tức ba cánh cửa của giải thoát. Này các Bí-sô, ai tu tập như vậy thì được tri kiến thanh tịnh.
Khi các Bí-sô nghe pháp này rồi, đều rất hoan hỷ, đảnh lễ tín thọ phụng hành.
❑