TẠNG KINH
SỐ 108 - PHẬT NÓI KINH MÃN NGUYỆN TỬ
Hán dịch: Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn.
Nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa ở Ma-cưu-la, trong núi Vô chủng, cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị.
Vào buổi xế chiều, Tôn giả Bân-nậu xuất thiền, đi đến gặp Thế Tôn, đắp y kín vai trái, quỳ gối phải xuống đất, đảnh lễ sát chân Phật, chắp tay thưa:
–Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin giảng giáo pháp cho con, con sẽ theo lời dạy tu tập để được an lạc lâu dài.
Phật dạy:
–Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ!
Tôn giả Bân-nậu vâng lời Thế Tôn chăm chú lắng nghe.
Phật dạy Bân-nậu:
–Mắt ưa thích nhìn sắc đẹp vừa ý, sanh ra yêu thích tham dục; tai tham ưa nghe tiếng hay, mũi thích ngửi mùi thơm, lưỡi thích nếm vị ngon, thân ưa tiếp xúc mềm mại trơn láng, ý yêu mến chỗ ham muốn, ái mộ chỗ tham cầu. Tỳ-kheo nào tâm tham đắm vào chỗ ái lạc thì bị mê hoặc trong ưa thích; từ đó đưa đến lo buồn, khổ não.
Này Tỳ-kheo Bân-nậu, nếu như mắt thấy sắc thích hợp với mắt, nhưng không hoan lạc, tâm không bị lôi cuốn theo, thì không bị khổ não. Tai, mũi, miệng, thân, ý cũng như vậy. Đây là lược nói giáo pháp của Ta để chỉ dạy cho ông. Nay ông muốn du hóa ở đâu?
Bân-nậu bạch Phật:
–Thưa Thế Tôn, có một nước tên Thủ-na-hòA-lan (đời Tấn dịch là Sở Văn Dục Thắng). Con muốn đến nước ấy.
Phật dạy:
–Người nước ấy hung ác, tánh tình thô bạo, không nhu hòa, ưa đánh nhau. Giả sử ở nước ấy, có người với tâm hung ác, mắng chửi hủy nhục ông, thì phải thế nào?
Đáp:
–Giả sử ở nước ấy, có người với tâm hung ác mắng chửi hủy nhục con, con sẽ tự nghĩ: “Họ vẫn còn yêu con, kính con, tha cho con vì không dùng tay đánh con”.
Phật nói: –Giả sử họ đánh ông thì sao? Bân-nậu đáp:
–Khi ấy con sẽ nghĩ: “Họ vẫn còn yêu con, kính con, hiền thiện nhu hòa với con, vì không dùng gạch đá, ném đánh con”.
Phật nói:
–Giả sử họ dùng đá, gạch ném đánh ông, thì ông sẽ làm thế nào?
Bân-nậu bạch Phật:
–Người nước ấy vẫn còn nhân từ hòa nhã, vì không dùng dao, gậy đả thương con.
Phật dạy:
–Giả sử họ dùng dao, gậy đả thương thân ông thì phải thế nào?
Bân-nậu thưa:
–Con sẽ tâm niệm, người nước ấy vẫn còn nhu hòa, nhã nhặn, vì họ không dùng dao bén để giết chết con.
Phật dạy:
–Giả sử họ dùng dao bén giết chết ông thì làm sao? Bân-nậu thưa:
–Con tâm niệm, thân có sáu căn, là sự nguy hiểm, thân đáng chán này tích lũy khổ não, tạo ra bao thứ bất tịnh, có người cầu mong được con dao làm thức ăn với tâm ý chánh niệm, nay con được vào nẻo tịch tịnh với thức ăn là con dao.
Phật dạy:
–Lành thay Bân-nậu! Ông có khả năng điều thuận, an tịch nhiên, nhẫn nhục theo bậc nhân hiền như vậy thì có thể tùy ý đến giáo hóa nước ấy theo ý muốn.
Tôn giả Bân-nậu đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, đi nhiễu ba vòng, trở về phòng mình, ngay đêm ấy thu xếp ngọa cụ, y bát. Sáng sớm hôm sau, Tôn giả mặc y, mang bát đi đến nước kia.
Tại nước ấy, trong một mùa hạ, Tôn giả giáo hóa tiếp độ được năm trăm thanh tín sĩ, năm trăm thanh tín nữ, lập năm trăm tinh xá, năm trăm am thất với giường tòa, với đầy đủ năm trăm tọa cụ, gối mền, giáo hóa năm trăm người làm Sa-môn. Ngay trong tuổi hạ này, Tôn giả chứng Tam đạt và diệt độ.
Sau khi Tôn giả diệt độ chưa bao lâu, có chúng Tỳ-kheo đến số ngàn tới gặp Đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên, cùng nhau bạch Phật:
–Có một Tỳ-kheo tên Bân-nậu, chỉ được Phật dạy sơ qua pháp cốt yếu, vừa rồi đã diệt độ. Vị ấy đã đạt được gì và chứng được gì?
Phật dạy:
–Này các Tỳ-kheo, vị Tộc tánh tử ấy đã chứng Tam đạt, đắc Lục thông, quán sát như thật tùy thuận theo pháp, không tranh với ai, chỉ giảng dạy giáo pháp, không quan tâm việc khác, các lậu đã tận, không còn trần cấu nữa, vượt qua các tưởng, chứng đắc trí tuệ, hiện tại thông đạt các pháp, chứng cụ túc, cắt đứt sanh tử, phạm hạnh thành tựu, đã làm xong việc, đoạn tận danh sắc, chứng trí tuệ vô sanh, đầy đủ thánh trí, đã chứng A-lahán.
Khi ấy Thế Tôn hết sức xưng tán Tôn giả Bânnậu Văn-đà-ni.
Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo đều rất hoan hỷ.
❑