TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 110 - PHẬT NÓI KINH TAM CHUYỂN PHÁP LUÂN

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh.


Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ở vườn Lộc dã, Tiên nhân đọa xứ, thuộc Ba-la-ni-tư.

Thế Tôn bảo năm vị Bí-sô:

–Này các Bí-sô, đây là chân lý về Khổ, đối với pháp được nghe này theo đúng diệu lý mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt. Này các Bí-sô, đây là nguyên nhân của Khổ, là sự đoạn diệt Khổ, là con đường diệt trừ khổ, đối với pháp được nghe này, theo đúng diệu nghĩa mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về Khổ này là pháp đã được thông tỏ, như vậy các ông phải biết, đối với pháp được nghe, theo đúng diệu lý mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về nguyên nhân của Khổ này là pháp đã được thông tỏ, như vậy các ông phải đoạn, đối với pháp được nghe, theo đúng diệu lý mà lãnh hội, thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về sự Khổ đã diệt trừ này là pháp đã được thông tỏ, như vậy các ông phải chứng, đối với pháp được nghe, theo đúng diệu lý mà lãnh hội, thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về con đường diệt Khổ này là pháp đã được thông tỏ, như vậy các ông cần phải tu, đối với pháp được nghe, theo đúng diệu lý mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về sự Khổ này là pháp đã được thấu đạt, như vậy Ta đã biết, đối với pháp được nghe theo đúng diệu lý mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về nguyên nhân của Khổ này là pháp đã được thông tỏ, như vậy Ta đã đoạn, đối với pháp được nghe theo đúng diệu lý mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về Khổ đã diệt này là pháp đã được thấu đạt, như vậy Ta đã chứng, đối với pháp được nghe theo đúng diệu lý mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, chân lý về con đường diệt Khổ này là pháp đã được thấu đạt, như vậy Ta đã tu, đối với pháp được nghe theo đúng diệu lý mà lãnh hội thì phát sanh trí tuệ giác ngộ sáng suốt.

Này các Bí-sô, nếu đối với pháp bốn Thánh đế này, Ta chưa hiểu rõ về ba chuyển, mười hai hành tướng, thì trí tuệ giác ngộ sáng suốt đều không thể phát sanh. Ta cũng không thể đối với chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian, mà dứt bỏ phiền não, tâm đắc giải thoát, không thể chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.

Này các Bí-sô, do Ta đối với pháp bốn Thánh đế này, đã thấu rõ ba chuyển, mười hai hành tướng, nên phát sanh tất cả trí tuệ giác ngộ sáng suốt, cho đến Ta đối với chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian, đã dứt bỏ phiền não, tâm được giải thoát, mới chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.

Khi Thế Tôn thuyết pháp này, Cụ thọ (Tôn giả) Kiều-trần-như và tám vạn chư Thiên đều xa lìa mọi trần cấu đắc pháp nhãn tịnh.

Đức Phật bảo Kiều-trần-như:

–Ông đã thông tỏ pháp này chưa?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, con đã thấu đạt.

–Ông đã thông tỏ pháp này chưa?

Đáp:

–Bạch Thiện Thệ, con đã thấu đạt.

Do Kiều-trần-như đã lãnh hội thấu đạt pháp ấy nên có tên là A-nhã Kiều-trần-như (A-nhã có nghĩa là lãnh hội thấu đạt).

Khi ấy vị thần Dược-xoa cư trú ở đất ấy nghe Đức Phật thuyết pháp xong, liền lớn tiếng gọi to, bảo với chư Thiên:

–Quý vị nên biết, Đức Phật ở trong rừng Thi lộc, Tiên nhân đọa xứ, thuộc Ba-la-ni-tư, đang giảng thuyết rộng ba chuyển mười hai hành tướng pháp luân. Pháp này có thể làm cho Thiên, Nhân, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian đều được lợi ích lớn, làm cho những vị đồng phạm hạnh mau đạt đến Niết-bàn an ổn, Trời, Người phồn thịnh, A-tu-la suy giảm.

Do thần Dược-xoa ấy bày tỏ như vậy, nên trên hư không chúng chư Thiên, Tứ đại thiên vương đều nghe biết. Như thế, chỉ trong khoảng sát-na, tin này cũng được truyền đến Lục dục thiên; trong khoảnh khắc tin này truyền lên khắp cõi Phạm thiên. Phạm chúng được nghe rồi lại truyền rộng ra như trước. Nhân đó kinh này tên là Ba lần chuyển pháp luân.

Bấy giờ năm vị Bí-sô và chư Thiên, loài người nghe lời Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]