TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 121 - PHẬT NÓI KINH NGUYỆT DỤ

Hán dịch: Đời Tống, Pháp sư Thi Hộ.


Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ở tại tinh xá Trúc lâm trong vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng Bí-sô.

Khi ấy Thế Tôn bảo các Bí-sô:

–Như mọi người thấy, trăng tròn sáng đi trên không trung, rực rỡ không bị che. Các Bí-sô không phá uy nghi, thường như hạ đầu tiên, đầy đủ sự hổ thẹn, cả thân tâm đều không tán loạn, theo đúng pháp nghi, đi vào nhà thế tục, thanh tịnh không nhiễm, cũng như vậy. Này các Bí-sô, như người có mắt sáng, đi vào chỗ nước lớn sâu rộng, hoặc lội qua nơi hiểm nạn ở sông suối, hoặc đi qua chốn cao thấp ở núi ghềnh, nhờ mắt sáng nên thấy rõ hết, không nghi ngại sợ hãi, các Bí-sô cũng vậy, như nói ở trên. Này các Bí-sô, Ta sẽ dạy, hãy như mặt trăng đi trên không trung, trong sáng không trở ngại, ví như người có mắt sáng vượt qua các hiểm nạn, không nghi ngại sợ hãi; hãy như Bí-sô Ca-diếp không phá uy nghi, thường như người một hạ, đầy đủ sự hổ thẹn, cả thân tâm đều không tán loạn, sống đúng pháp nghi, đi vào nhà thế tục, thanh tịnh không nhiễm, không có khiếp sợ.

Thế Tôn lại bảo các Bí-sô:

–Này các Bí-sô, khi vào nhà thế tục, nên vận dụng tâm nào, với cử chỉ thế nào?

Các Bí-sô bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, Phật là nơi quy hướng, Ngài là gốc các pháp, là mắt thanh tịnh. Chúng con không biết ý nghĩa ấy như thế nào, cầu mong Thế Tôn dạy rõ, làm cho các Bí-sô sau khi nghe, được hiểu biết thấu đáo.

Phật dạy:

–Này các Bí-sô, các ông hãy lắng nghe, chú ý kỹ, Ta sẽ giảng cho các ông. Các Bí-sô nào khi đi vào nhà thế tục, nên vận dụng tâm không tham đắm, không trói buộc, không chấp thủ, theo đúng luật nghi mà đi vào nhà người, tuy thọ lợi dưỡng chỉ vì muốn tạo phước cho họ, thọ nhận vừa phải tùy theo phần của mình, lại khéo tác ý, không tự cao ngạo, không tự hèn hạ; vận dụng tâm này với cử chỉ như vậy, mới được đi vào nhà thế tục.

Khi ấy Thế Tôn cử động tay trong không gian, bảo các Bí-sô:

–Ý các ông thế nào, hư không có tham đắm, có trói buộc, có chấp thủ không?

Các Bí-sô thưa:

–Bạch Thế Tôn, không!

Phật dạy:

–Bí-sô nào đi vào nhà thế tục với tâm không tham đắm, không trói buộc, không chấp thủ, cũng như vậy. Thế Tôn lại cử động tay trong không gian, bảo các Bí-sô:

–Này các Bí-sô, ý các ông thế nào, hư không có tham đắm, có trói buộc, có chấp thủ không?

Các Bí-sô đáp:

–Bạch Thế Tôn, không!

Phật nói:

–Bí-sô Ca-diếp cũng vậy, vào nhà thế tục với tâm không tham vướng, không trói buộc, không chấp thủ, tuy nhận lợi dưỡng, chỉ vì muốn tạo phước cho họ, thọ nhận vừa phải theo phần của mình, lại khéo tác ý, không tự cao ngạo, không hèn hạ. Này các Bí-sô, vì ý nghĩa này, cho nên phải như Bí-sô Ca-diếp thì mới đi vào nhà thế tục để nhận lợi dưỡng.

Các Bí-sô lại thưa với Phật:

–Thế Tôn, các Bí-sô khi thuyết pháp cho người thế tục, khi nào thanh tịnh, khi nào không thanh tịnh, việc này như thế nào, xin Ngài giảng thuyết.

Phật dạy:

–Này các Bí-sô, các ông hãy chú ý lắng nghe,

Ta sẽ giảng cho các ông. Bí-sô nào muốn làm cho người khác phát sanh tín tâm để với tín tâm đó, họ cung cấp y phục, thức ăn, vật để nằm, thuốc trị bệnh, vì cầu lợi nên thuyết pháp cho người, đây là không thanh tịnh. Bí-sô nào, học tập lời dạy của Phật, an trú trong Chánh kiến, xa lìa nhiễm ô, như luyện vàng ròng lọc bỏ chất tạp, thấy đúng như pháp, chứng đúng như pháp, như Phật thuyết giảng, pháp này viễn ly sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ não, đem pháp như vậy chỉ dạy cho người, làm cho họ được nghe pháp này rồi, tùy thuận tu hành, ngay trong đêm dài sanh tử được lợi lạc lớn, nhờ duyên này, phát sanh các tâm Từ, Bi; do nhân này làm cho chánh pháp được trường tồn ở thế gian. Này các Bí-sô, ai phát tâm như vậy để thuyết pháp cho người, đây là thanh tịnh.

Lại nữa, này các Bí-sô, các ông nên biết, Bí-sô Ca-diếp thường phát tâm thanh tịnh, thuyết pháp cho người, vì thanh tịnh nên làm cho chánh pháp của Phật được trường tồn ở thế gian. Thế nên, chúng Bí-sô các ông cần phải tu học đúng lý như vậy. Lại nữa, này các Bí-sô, ai phát tâm như thế, để thuyết pháp cho người, Ta gọi là tối thượng thanh tịnh chân thật, làm cho chánh pháp của Như Lai trường tồn ở thế gian.

Phật dạy kinh này, các Bí-sô đều hoan hỷ tín thọ.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]