TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 123 - PHẬT NÓI KINH PHÓNG NGƯU

Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-lathập, người nước Quy tư.


Nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn ở tại khu lâm viên Kỳđà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có mười một pháp mà mục đồng không biết để chăn trâu cho thuận tiện và nuôi dưỡng phát triển trâu. Mười một pháp ấy là:

1. Mục đồng không biết sắc.

2. Không biết tướng.

3. Không biết chà xát cho sạch.

4. Không biết trị vết thương.

5. Không biết xông khói.

6. Không biết chọn đường đi.

7. Không biết thương trâu.

8. Không đường lội qua nước.

9. Không biết tìm chỗ có cỏ nước tốt.

10. Vắt sữa đến khô kiệt.

11. Không biết phân biệt nên nuôi con nào, không nên nuôi con nào.

Như vậy, mục đồng không biết nuôi dưỡng đàn trâu bằng mười một pháp này, thì đàn trâu không phát triển và ngày càng giảm sút.

Tỳ-kheo không biết làm mười một việc như mục đồng, chắc chắn không bao giờ thành tựu Samôn cả. Tuy sống trong pháp luật này, nhưng không vun trồng được gốc pháp luật, không có cành lá che phủ. Người không hành mười một pháp này, vẫn cố làm Sa-môn thì khi chết bị đọa ba đường ác. Thế nào là Tỳ-kheo không biết hành mười một pháp?

Tỳ-kheo không biết sắc, không biết tướng trạng, cần phải chà xát mà không biết chà xát, cần phải trị vết thương mà không biết trị vết thương bằng cách xông khói, không biết chọn đường đi, không biết yêu thương trâu, không biết đường nào lội qua nước, không biết chỗ ăn, không biết kính lễ Trưởng lão.

Này Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo không biết sắc? Tỳ-kheo không biết Bốn đại chủng và sắc do Bốn đại chủng tạo thành.

Thế nào là Tỳ-kheo không biết tướng? Tỳ-kheo không biết tướng của nhân duyên si mê, không biết tướng của nhân duyên sáng suốt. Thế nào là không biết tướng của nhân duyên si mê? Tỳ-kheo không biết nhân duyên đen, không biết nhân duyên trắng, không biết nhân duyên đen trắng. Tỳ-kheo như vậy là không biết tướng.

Thế nào là Tỳ-kheo nên chà rửa sạch mà không biết chà rửa? Này Tỳ-kheo, giả như có tâm dục phát sanh liền thích thú tham đắm, không xả bỏ, không quên đi, không đoạn tuyệt. Phát sanh ngu si, tham lam và các tâm ác khác thì ôm giữ hết, không xả bỏ. Tỳ-kheo như vậy là nên chà xát mà không chịu chà xát.

Thế nào là Tỳ-kheo cần phải băng bó vết thương mà không chịu băng bó? Tỳ-kheo thấy sắc phát sanh vọng tưởng, nghe âm thanh sanh tham ái, tưởng nhớ đến hình thể không biết là ác. Không giữ gìn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tận lực chạy theo ngoại trần, không chịu phòng hộ. Tỳ-kheo như vậy là cần phải băng bó vết thương mà không chịu băng bó.

Thế nào là Tỳ-kheo cần phải xông khói mà không chịu xông khói? Tỳ-kheo học vấn chưa thông suốt, lại giảng thuyết cho người. Tỳ-kheo như vậy, cần phải xông khói mà không chịu xông khói.

Thế nào là Tỳ-kheo không biết chọn đường đi? Tỳ-kheo không biết đi đường chánh, đi vào đường tà. Thế nào đi đường tà? Tỳ-kheo đi vào xóm dâm nữ, quán rượu, nơi cờ bạc vui chơi. Tỳ-kheo như vậy là không biết đường đi.

Thế nào là Tỳ-kheo không biết thân ái? Khi Tỳ-kheo nghe giảng pháp bảo, không chí tâm ưa thích lắng nghe. Tỳ-kheo như vậy là không biết thân ái.

Thế nào là Tỳ-kheo không biết chỗ lội qua nước? Tỳ-kheo không biết bốn Thánh đế. Bốn Thánh đế là gì? Tỳ-kheo không biết Khổ đế, Khổ tập đế, Khổ tận đế, Khổ tận đạo đế. Như vậy là Tỳ-kheo không biết đường lội qua nước. Thế nào là Tỳ-kheo không biết chỗ ăn? Tỳ-kheo không biết Bốn ý chỉ. Bốn ý chỉ là những gì? Tỳ-kheo không biết quán nội thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân; không biết quán nội thọ, không biết quán ngoại thọ, không biết quán nội ngoại thọ; không biết quán nội ý, không biết quán ngoại ý, không biết quán nội ngoại ý; không biết quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp. Tỳ-kheo như vậy là không biết chỗ ăn.

Thế nào là Tỳ-kheo không biết ăn không được dùng tận cùng? Tỳ-kheo nào, giả như được vua chúa, trưởng giả, thanh tín sĩ nữ mời thọ trai, dọn các món thơm ngon, chí tâm dâng lên. Tỳ-kheo không tiết độ, ăn xong còn dư, lại mang về. Tỳ-kheo như vậy là không biết ăn không được dùng tận cùng.

Thế nào là Tỳ-kheo không biết kính trọng bậc Trưởng lão? Tỳ-kheo không biết cung kính cúng dường họ như thế nào? Giả như có Trưởng lão Tỳ-kheo tu tập lâu, đạo đức lớn, học vấn uyên bác. Tỳ-kheo nhỏ không chí tâm cung kính, thấy họ không cung kính, không nhường chỗ ngồi, khinh mạn đùa cợt, không giao tiếp bằng tâm thiện. Tỳ-kheo như vậy là không biết cung kính Trưởng lão. Tỳ-kheo nào không biết hành mười một pháp này, không được làm Sa-môn trong giáo pháp của Ta, không vun trồng gốc cây pháp luật, nên không có nhánh lá che chở, tự mình hư hoại, không bằng hoàn tục. Ai cố gượng làm Sa-môn chắc chắn bị đọa ba đường ác. Tỳ-kheo nên biết mười một pháp nuôi trâu của mục đồng làm cho đàn trâu phát triển. Thế nào là mười một? Mục đồng biết sắc, biết tướng, chà tẩy, băng vết thương, xông khói, chọn đường đi, qua nước, thương trâu, chọn cỏ nước, vắt sữa biết vừa phải không lấy khô kiệt, phân biệt trâu tốt xấu, trông nom đúng cách. Người chăn trâu như vậy mới có thể nuôi dưỡng làm cho đàn trâu phát triển.

Đức Phật nói kệ:

Người chăn trâu đúng cách
Chủ trâu có phước đức
Sáu trâu trong sáu năm
Thành sáu mươi không giảm
Người chăn trâu thông minh
Biết phân biệt các tướng
Người chăn trâu như vậy
Được Đức Phật ngợi khen.

Có mười một pháp này, Tỳ-kheo phải làm, thì ngay trong pháp ấy trồng gốc cây pháp luật, cành lá sum suê, che khắp mặt đất, không bị hư hoại. Mười một pháp là gì? Tỳ-kheo biết sắc, biết tướng, biết chà xát, biết băng vết thương, biết khi xông khói, biết đường đi, biết thân ái, biết qua nước, biết chỗ ăn, biết không dùng hết, biết cung kính bậc Trưởng lão kỳ cựu có học, cung kính cúng dường.

Thế nào là Tỳ-kheo biết sắc? Tỳ-kheo biết tứ đại và biết sắc do Tứ đại tạo. Đó là Tỳ-kheo biết sắc. Thế nào là Tỳ-kheo biết tướng? Tỳ-kheo biết phân biệt ngu si và hiểu biết. Thế nào là si? Suy nghĩ sự không nên suy nghĩ, hành động việc không nên hành động, nói điều không nên nói, đây gọi là si. Thế nào là hiểu biết? Nghĩ điều đáng suy nghĩ, làm điều nên làm, nói lời nên nói, đây gọi là hiểu biết. Biết phân biệt ngu si và hiểu biết gọi là biết tướng. Thế nào là Tỳ-kheo biết chà xát chỗ nên chà xát? Tỳ-kheo, giả như sanh tâm dục liền chế ngự, lánh xa như thấy điều xấu ác; giả như phát sanh sân hận, tham lam, keo kiệt và các ác khác, đều chế ngự lánh xa như thấy điều xấu ác. Tỳ-kheo như vậy là biết chà xát nơi nên chà xát. Thế nào là Tỳ-kheo biết băng bó vết thương? Tỳ-kheo mắt thấy sắc không phân biệt tốt xấu, giữ gìn nhãn căn không cho tham đắm ngoại sắc, xa lìa các ác, phòng hộ nhãn căn. Tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân tham mềm mại, ý suy nghĩ, đều chế ngự không cho tham đắm, giữ gìn các căn không nhiễm ngoại trần, như vứt bỏ điều thấy xấu ác. Tỳ-kheo như vậy là biết băng bó vết thương. Thế nào là Tỳ-kheo luôn luôn xông khói?

Tỳ-kheo theo như điều đã học, đã nghe, đã biết, đem giảng rộng rãi. Tỳ-kheo như vậy là biết hun khói. Thế nào là Tỳ-kheo biết đường đi? Tỳ-kheo hành động theo Bát chánh đạo, biết chỗ không nên đi đến như xóm dâm nữ, quán rượu, nơi cờ bạc vui chơi, không bao giờ đến tùy tiện. Tỳ-kheo như vậy là biết đường đi. Thế nào là Tỳ-kheo biết thân ái? Tỳ-kheo khi nghe thuyết pháp chí tâm thọ trì, phấn khởi ưa thích. Tỳ-kheo như vậy là biết thân ái. Thế nào là Tỳ-kheo biết chỗ lội qua nước? Tỳ-kheo biết bốn Thánh đế. Bốn Thánh đế là gì? Là Khổ đế, Khổ tập đế, Khổ tận đế, Khổ tận đạo đế. Tỳ-kheo như vậy là biết chỗ lội qua nước. Thế nào là Tỳ-kheo biết chỗ ăn? Tỳ-kheo biết Bốn ý chỉ. Bốn ý chỉ là gì? Tỳ-kheo quán nội thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân; quán nội thọ, quán ngoại thọ, quán nội ngoại thọ; quán nội tâm, quán ngoại tâm, quán nội ngoại tâm; quán nội pháp, quán ngoại pháp, quán nội ngoại pháp. Tỳ-kheo như vậy là biết chỗ ăn. Thế nào là Tỳ-kheo biết không được ăn đến cùng tận? Tỳ-kheo nào được Vua chúa, Trưởng giả, Thanh tín sĩ nữ với tín tâm vui mừng thỉnh Tỳ-kheo cúng dường các món ăn uống thơm ngon, cung kính dâng mời. Tỳ-kheo biết tri túc nhận vừa đủ nuôi thân, tư duy lời Phật dạy, người bố thí tuy sung túc, nên tự biết giới hạn, không thọ nhận đến cùng tận. Như vậy là Tỳ-kheo biết không được ăn đến cùng tận. Thế nào là Tỳ-kheo biết cung kính Trưởng lão cựu học, cung kính cúng dường. Tỳ-kheo thân cận các vị ấy, lễ kính cúng dường, ra vào nghinh tiếp, thấy đến nhường chỗ ngồi, tùy sức hướng thượng không có kiêu mạn lười biếng. Tỳ-kheo như vậy là biết cung kính Trưởng lão.

Tỳ-kheo nào thường hành mười một pháp này, trong pháp ấy vun trồng gốc cây pháp luật cành là sum suê, che rợp nhiều nơi, thanh tịnh không cấu uế.

Thế Tôn nói kệ tán thán:

Có tín tinh tấn học
Thọ thực biết tiết độ
Cung kính với Trưởng lão
Hạnh này Phật khen ngợi.
Với mười một pháp này
Tỳ-kheo cần phải học
Ngày đêm định tâm ý
Sáu năm chứng La-hán.

Các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]