TẠNG KINH
SỐ 124 - KINH DUYÊN KHỞI
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Tráng.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Thất-la-phiệt, cùng với vô số Thanh văn, Bồ-tát, Trời, Người.
Thế Tôn bảo chúng Bí-sô:
–Ta sẽ giảng cho các ông về ý nghĩa nguyên lý và sự khác nhau của duyên khởi. Các ông hãy hết sức chú ý lắng nghe, suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt giảng giải cho các ông.
Các Bí-sô thưa:
–Xin Ngài giảng thuyết, chúng con muốn nghe.
Phật dạy:
–Thế nào gọi là ý nghĩa của nguyên lý duyên khởi? Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh; đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, phát sanh sầu đau, khổ, ưu, não. Đó là toàn bộ tập hợp khổ. Như vậy gọi là ý nghĩa của nguyên lý duyên khởi.
Thế nào là ý nghĩa sai biệt của duyên khởi? Nghĩa là vô minh duyên hành. Vô minh là gì? Nghĩa là không biết về cõi trước, cũng không biết về cõi sau, không biết về cả cõi trước sau; không biết trong, không biết ngoài, không biết cả trong ngoài; không biết về nghiệp, không biết về dị thục, không biết về nghiệp dị thục; không biết về Phật, Pháp, Tăng; không biết về Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không biết về nhân và quả, không biết về nhân đã sanh ra các pháp, không biết về thiện và bất thiện, không biết có tội hay không có tội, không biết về nên tu tập hay không nên tu tập, không biết về hạ liệt, không biết về thượng diệu, không biết về trắng, không biết về đen, không biết có phần khác, không biết về duyên đã sanh sáu xúc xứ, thông đạt như thật; như vậy đối với các chỗ ấy hoàn toàn không biết, không thấy, không hiện quán, ngu si vô minh hắc ám; đây gọi là vô minh.
Thế nào là hành? Hành có ba là thân hành, khẩu hành, ý hành.
Hành duyên thức. Thức là gì? Là sáu thức thuộc thân: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức.
Thức duyên danh sắc. Danh là gì? Bốn uẩn ngoài sắc là thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Sắc là gì? Là sắc của tứ đại chủng và sắc do tứ đại chủng tạo thành. Sắc này và danh tổng hợp lại làm một, nên gọi danh sắc.
Danh sắc duyên sáu xứ. Sáu xứ là gì? Là sáu nội xứ: Nhãn nội xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nội xứ.
Sáu xứ duyên xúc. Xúc là gì? Là sáu xúc thuộc thân: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc.
Xúc duyên thọ. Thọ là gì? Thọ có ba là khổ, lạc và xả thọ.
Thọ duyên ái. Ái là gì? Ái có ba là dục ái, sắc ái, vô sắc ái.
Ái duyên thủ. Thủ là gì? Có bốn thủ: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ.
Thủ duyên hữu. Hữu là gì? Hữu có ba: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.
Hữu duyên sanh. Sanh là gì? Nghĩa là các hữu tình, trong các loại hữu tình kia sanh bằng nhiều cách, nhiều đường khác nhau, sự xuất hiện uẩn, hình thành giới, xứ, các uẩn, xuất hiện mạng căn.
Sanh duyên lão tử. Lão là gì? Là tóc bạc, da nhăn, khí lực suy tàn, thân thể gầy còm, đen đúa, hơi thở mệt nhọc, khòm về phía trước, phải chống gậy, không minh mẫn suy nhược, tổn giảm, suy thoái, các căn hư rã, công năng bị hư hoại, các hành hư hoại, thân hình suy bại.
Tử là gì? Các hữu tình này cho đến các loại hữu tình khác đời sống chấm dứt không còn hơi thở, mạng căn bị diệt, các uẩn tan rã, khi chết không còn gì. Lão và tử hợp lại gọi là già chết.
Như vậy là ý nghĩa sai biệt của duyên khởi.
Này các Bí-sô, Ta đã giảng cho các ông về ý nghĩa nguyên lý và sự khác nhau của duyên khởi.
Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh này, các chúng Thanh văn, Bồ-tát, Trời, Người nghe lời Phật dạy đều rất hoan hỷ chưa từng có, tín thọ phụng hành.
❑