TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 129 - PHẬT NÓI KINH TAM - MA - KIỆT

Hán dịch: Đời Ngô, Sa - môn Trúc Luật Viêm, người Thiên Trúc.


Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở nơi vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá - vệ cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ - kheo và năm trăm vị Bồ - tát đông đủ; vua chúa, nhân dân và các chúng Trời, rồng, quỷ, thần thì số lượng nhiều vô kể.

Thuở ấy, có vị vua nước Nan tên là Phân - ba - đàn, không tin Phật Pháp, chỉ ưa thích ngoại đạo, thường ngày trong cung thiết đãi cho hơn vạn người Ni - kiền. Vị quốc vương ấy tánh thường kiêu mạn, tự cho mình có trí tuệ vô song, dùng lá sắt quấn ngang bụng vì sợ trí tuệ theo bụng thoát ra ngoài. Nhà vua muốn cưới vợ cho thái tử, bèn hỏi các quan thân cận:

–Trong thiên hạ có ai trí tuệ bằng ta không? Nếu có, ta muốn cưới con gái người ấy cho Thái tử.

Vị đại thần vâng lệnh vua, đi khắp trong nước tìm kiếm, cuối cùng không tìm ra người có trí tuệ bằng vua. Khi biết rõ trong nước không có, vua bèn sai sứ giả đến nước khác, tìm cầu con gái của các bậc trí tuệ. Sứ giả tuân lệnh đi đến nước Xá - vệ, hỏi nhân dân trong nước:

–Ở nước này, có vị Hiền giả nào được đức tốt đẹp không?

Đáp:

–Có.

Vị sứ giả hỏi:

–Tên họ là gì? Đáp:

–Hiệu là Phật.

Hỏi:

–Phật có con gái không?

Mọi người đáp:

–Đức Phật là bậc tu hành đạo đức, không có con gái.

Sứ giả hỏi:

–Sau Phật thì còn có ai?

Đáp:

–Có người hiệu A - nan - bân - trì là bậc đại hiền thiện, ưa thích đạo đức, có người con gái xinh đẹp vào bậc nhất trong nước.

Vị sứ giả hỏi:

–Ông ấy đã làm việc gì nên được gọi là bậc hiền thiện đệ nhất?

Người trong nước nói:

–Vị ấy từng đến gặp thái tử Kỳ - đà đề nghị mua khu vườn rộng tám ngàn mẫu, dâng lên Phật. Ông ta lại dùng voi chuyên chở hàng ngàn vạn ức lượng vàng đến để trao đổi mua xong khu vườn ấy. Ông ta vốn không tham lam xem trọng các thứ châu báu, chỉ nghĩ đến việc làm thiện. Vị sứ giả nghe người trong nước nói thế, biết được tin ấy, nên rất vui mừng, liền trở về nước, tâu với Quốc vương:

–Trong nước Xá - vệ, có bậc hiền thiện rất ưa thích đạo, hiệu là A - nan - bân - trì.

Vua nghe sứ giả tâu xong, liền viết thư, sai thái tử, cùng bá quan quần thần trang bị xe cộ bằng vật báu, cùng đi đến thành Xá - vệ. Thái tử và phái đoàn tạm ở ngoài thành, sai sứ giả vào trong, đến nhà A - nan - bântrì. Khi ấy, người giữ cửa vô thưa với A - nan - bân - trì:

–Bên ngoài có sứ giả đến.

A - nan - bân - trì ra cửa đón tiếp, thấy vị sứ giả người đen xấu như quỷ, nên rất kinh hoàng, hỏi:

–Ông là ai?

Đáp:

–Tôi là sứ giả của vua nước Nan.

A - nan - bân - trì hỏi:

–Ngài đến đây làm gì?

Sứ giả đáp:

–Tôi đến đây theo lệnh của vua nước tôi. Vua nước Nan tuy ở xa, chưa được gặp ngài, nhưng rất kính trọng, mến chuộng. Mọi người khi vãng lai đều vô cùng ca ngợi công đức của ngài. Nghe ngài hiền thiện, rất ưa thích đạo đức, có cô con gái xinh đẹp, nên vua sai chúng tôi đến đây muốn cầu hôn con gái ngài cho thái tử. Nhà vua có gửi thư, xin ngài vui lòng nhận cho.

A - nan - bân - trì muốn mắng cho một trận, nhưng nén giận, không nói, liền mời cùng ngồi, thăm hỏi chuyện trò. Sứ giả lấy thư đưa ra, A - nan - bân - trì sau khi đọc thư, nói với sứ giả:

–Tôi có vị Đại nhân phải đến thưa trình về việc này. Nếu vị Đại nhân của tôi đồng ý, tôi sẽ trở lại báo tin cho các vị.

Trưởng giả bèn mời sứ giả ngồi lại, còn ông ta thì đi ngay đến gặp Đức Phật, cúi lạy, quỳ gối chắp tay bạch:

–Kính thưa Thế Tôn, hiện nay, vua nước Nan sai sứ giả đến nhà con, hình dạng người ấy vô cùng đen xấu. Trong thư nói muốn cầu hôn Tam - ma - kiệt, con gái của con cho thái tử con vua ấy, vậy con phải làm sao?

Phật dạy:

–Hãy gả cho họ.

A - nan - bân - trì nói:

–Sứ giả đen xấu như vậy, chẳng biết vua và thái tử của ông ta thuộc loại nào? Con lại từng nghe Phật dạy: “Vua nước Nan phụng sự các hàng Ni - kiền, lõa hình không mặc áo”. Hình dáng sứ giả thì đen xấu, chẳng rõ có làm kinh sợ cho con gái con không?

Phật dạy:

–Không sao cả, nên gả cho họ, phải biết rằng nhờ nhân duyên này, tại nước lõa hình ấy, Tam - ma - kiệt sẽ độ thoát được tám vạn người.

A - nan - bân - trì không dám hỏi lại Phật, nhưng trong tâm không vừa ý, liền trở về nói với sứ giả:

–Ngài phụng hành mệnh lệnh của vua, từ xa đến đây cầu hôn con gái tôi là điều rất tốt đẹp. Tôi đồng ý gả con gái tôi cho thái tử.

Nghe A - nan - bân - trì nói thế, vị sứ giả liền trở ra ngoài thành, đến chỗ thái tử, rồi cùng thái tử trở vào, đến nhà A - nan - bân - trì. Tới nơi, họ xuống xe, mang bạc sính lễ vào dâng cho trưởng giả. Họ mời khách cùng ăn uống vui chơi trong bảy ngày mới xong. A - nan - bân - trì tiễn đưa Tam - ma - kiệt với y phục, nô tỳ, vàng ngọc châu báu nhiều vô số. Thái tử cùng đoàn tùy tùng đưa nàng Tamma - kiệt về nước mình.

Vua nước Nan thấy con trai đem nàng dâu trở về, nên rất vui mừng, liền thỉnh thầy mình là Ni - kiền Nhãđà - phất cùng một vạn hai ngàn đệ tử, đều vào cung ăn uống. Vua nước Nan, phu nhân, thái tử đều tự hạ mình lo việc đãi đẳng. Khi ấy Tam - ma - kiệt được vua Nan gọi ra, vì muốn nàng trông coi việc ăn uống và làm lễ cho các vị thầy Ni - kiền của mình. Tam - ma - kiệt vừa ra đến giữa cửa thứ ba, từ xa thấy các Ni - kiền đều ngồi la liệt, lõa hình không mặc y phục, nên rất kinh hãi, cho rằng họ không khác gì đám súc sinh, vội vàng dùng hai tay che mặt, hướng về họ nhổ nước bọt, đi ngay về phòng không chịu trở ra nữa. Các Ni - kiền đều rất tức giận về thái độ của Tam - ma - kiệt, nên nói với vua:

–Từ đâu lại có kẻ xui xẻo như là hỏa tinh xuất hiện tại vương cung này vậy? Hãy đuổi đi.

Các Ni - kiền không chịu ăn uống, muốn đứng dậy ra về. Nhà vua vội vàng tạ lỗi với các bậc thầy và thưa:

–Con sẽ vì các đại sư mà đuổi nó đi. Sáng mai sẽ không còn thấy nó trong cung này.

Các Ni - kiền ăn uống xong rồi cùng ra về. Ngay hôm ấy, thái tử tự đi đến gặp Tam - ma - kiệt. Lúc ấy Tam - makiệt rất tức giận, nên ra lệnh nô tỳ đóng cửa đến bốn năm ngày, vì thế thái tử không dám tìm tới nữa. Phu nhân hỏi thái tử:

–Tại sao con không đến gặp vợ?

Thái tử im lặng không trả lời. Sau khi biết việc, phu nhân liền tự thân đi đến gặp Tam - ma - kiệt hỏi:

–Ta cưới nàng làm vợ cho thái tử, vậy nàng phải hết lòng chiều chuộng chồng, tại sao lại coi thường nó?

Tam - ma - kiệt thưa:

–Những ông thầy mà con trai của phu nhân và dân chúng phụng sự đều chẳng khác nào đám súc sinh.

Phu nhân nghe nói thế, cảm thấy rất xấu hổ, nên vội vàng hồi cung, tâu vua:

–Đại vương, ngài tự cho mình là bậc đạo đức trí tuệ vô song; trong nước này không có ai vừa ý ngài. Ngài làm cho quần thần mệt nhọc đi hàng tám ngàn dặm để cầu tìm con dâu. Nay con dâu không biết sợ tai họa, coi thường thái tử, lại còn mắng ngay vào mặt thần thiếp cho như là đám súc sinh!

Nhà vua nghe phu nhân nói, liền thân hành đến chỗ Tam - ma - kiệt. Bấy giờ Tam - ma - kiệt hết sức kiêu mạn nên không chịu ra ngoài làm lễ nhà vua. Vua hỏi vọng vào trong:

–Ta đi tám ngàn dặm để cưới dâu, chọn lấy người hiền thiện, trong khi đó ngươi lại hủy nhục thầy ta, rồi còn mắng vào mặt phu nhân và thái tử của ta. Đâu có được như vậy?!

Tam - ma - kiệt vẫn trả lời như cũ:

–Thầy của Đại vương và phu nhân, thái tử, cùng chúng dân trong nước đều như đám súc sinh không khác.

Vua kinh hoàng nói:

–Cô gái nhỏ này, nay còn hạ nhục ta như vậy sao? Ta sợ trí tuệ từ trong bụng xuất ra nên phải dùng sắt lá buộc che lại. Ngày ngày ta dọn ăn cho hơn vạn đạo sĩ, chẳng ai có thể so sánh bằng ta. Nay, ngươi lại dám nhục mạ ta!

Tam - ma - kiệt nói:

–Hạng thầy mà vua cùng dân chúng trong nước phụng sự, thường không mặc y phục, lõa hình nhìn nhau. Họ có những đạo lý gì? Giả như họ có đạo lý gì đi nữa, thì cũng không đáng quý trọng, huống chi họ chẳng có đạo lý gì cả. Hàng ngày tuy Đại vương cung phụng cơm nước cho đám này tới hàng vạn người, nhưng đều là kẻ con không thể cung kính, mà con xem thường nữa.

Bấy giờ vua nước Nan không biết ăn nói ra sao, tự nghĩ: “Ta nên cùng ai bàn luận về việc này?” Vua bèn đến ngay nơi Ni - kiền Nhã - đà - phất, làm lễ trước thầy, thưa:

–Con đã cưới dâu ở thành Xá - vệ, nhưng công việc này chẳng ra gì cả, nó đã hạ nhục đại sư, nay lại kiêu mạn mắng ngay mặt con cùng phu nhân và thái tử, ăn nói lung tung không ra thể thống gì cả. Tuy là dâu, nhưng nó không theo phép tắc gia đình để lo phụng sự con. Vậy giờ con phải làm sao?

Vị ấy bảo nhà vua:

–Ngài nên trở lại hỏi cô ta: “Những pháp mà dân chúng trong nước ngươi phụng thờ, so với những pháp mà chúng dân ở nước này tôn kính khác ra sao mà ngươi dám buông những lời ấy? Khi nhà vua đến hỏi chớ nên giận dữ, phải từ tốn hỏi cô ta, tự ngài sẽ có được câu trả lời.

Nhà vua vâng lời thầy dạy, đến chỗ Tam - ma - kiệt hỏi:

–Những pháp mà dân chúng trong nước của con phụng thờ có gì hơn những điều mà nhân dân nước ta tôn kính?

Tam - ma - kiệt thưa:

–Những pháp mà dân chúng trong nước con phụng thờ rất tôn quý, nam nữ đều mặc y phục, biểu lộ sự tôn ti thứ bậc, không nhìn thấy thân thể nhau. Hiện nay, có Bậc Đại Nhân hiệu là Phật, giáo hóa số người đến hàng ngàn vạn ức, đều làm cho họ thoát khỏi thế gian, và đạo Nê - hoàn tịch tĩnh. Bậc ấy thần thông diệu dụng, đi vào lửa không cháy, bước vào nước không chìm, có khả năng sờ nắm được mặt trời, mặt trăng trong tam thiên đại thiên với một vạn hai ngàn ức trời đất, biến hóa ra vào lui tới hoàn toàn tự tại không chút trở ngại, biết việc tương lai, quá khứ và hiện tại. Thân Ngài có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đạo đức thông đạt. Các vị Thiên vương, Quốc vương, người, nhân dân, chúng hội đều đến đảnh lễ yết kiến.

Nhà vua nghe Tam - ma - kiệt nói xong thì trong lòng hớn hở vui mừng, bèn hỏi Tam - ma - kiệt:

–Đức Phật mà con thờ phụng, ta có thể gặp được Ngài không?

Tam - ma - kiệt đáp:

–Con sẽ hết sức vì Đại vương. Ở từ xa có thể cầu thỉnh Ngài được.

Vua nói:

–Rất tốt! Nhưng ở cách xa tám ngàn dặm, làm sao thỉnh được Phật?

Tam - ma - kiệt đáp:

–Không cần Đại vương sai người đi mời, chỉ cần chí thành ở từ xa đốt hương thỉnh cầu Ngài. Đức Phật có thần thông nên biết rõ tâm niệm nơi lòng người. Nhà vua, phu nhân và thái tử nên đi theo con.

Tam - ma - kiệt liền lên đài cao, y phục chỉnh tề, quỳ thẳng, đốt hương hướng về thành Xá - vệ, đầu mặt lạy sát đất làm lễ, bạch:

–Ngày nay vua nước Nan không biết trong thiên hạ có Phật, Ngài nên vì tất cả nhân dân, thương xót đến những khổ nhọc của họ. Ngưỡng mong Đức Phật sáng mai cùng các Tỳ - kheo Tăng, chẳng nệ khó nhọc, đến thọ trai tại cung vua nước Nan.

Lời bạch vừa xong, khói hương lan tỏa đến chỗ Phật, bay quanh Phật ba vòng, rồi hóa thành chút lọng hương ở ngay trên đầu Đức Phật. Lúc ấy Đức Phật đang thuyết pháp cho hàng ngàn người, Hiền giả A - nan bước ra trước, quỳ gối chắp tay, bạch Phật:

–Đây là do những cảm ứng gì mà có hiện tượng như vậy? Xin Đức Phật giải thích về ý nghĩa ấy.

Phật dạy A - nan:

–Vua nước Nan cùng Tam - ma - kiệt đang thỉnh Phật và các Tỳ - kheo Tăng vào ngày mai tới cung vua thọ trai. Tam - ma - kiệt có tâm thành muốn khiến cho nhân dân nước Nan ấy đều bỏ nẻo tà kiến hướng về chánh đạo, nên hương bay đến đây thỉnh Phật.

Bấy giờ Đức Phật bảo Ma - ha Mục - kiền - liên nói rõ với các Tỳ - kheo Tăng rằng sáng mai sẽ cùng đến chỗ Tam - ma - kiệt ở nước Nan thọ trai.

Ma - ha Mục - kiền - liên vâng lời Phật dạy, thông báo với các Tỳ - kheo:

–Sáng mai đến chỗ thỉnh để thọ trai, đừng đi việc khác.

Khi đó, về phần Tam - ma - kiệt thì lo đôn đốc vua, phu nhân, thái tử và các cung nữ trai giới, đốt hương bố trí chỗ ngồi, sửa soạn các món ăn đầy đủ. Tam - ma - kiệt biết Phật sẽ đến, nên cùng với vua, phu nhân, thái tử, đám cung nữ và các Ni - kiền đều ở trong tòa nhà lớn. Tamma - kiệt tâu với vua, phu nhân và thái tử:

–Hãy theo sau tôi, nay các vị La - hán sẽ đến đây trước. Đức Phật đi sau cùng. Các vị cẩn thận chớ nên sợ hãi, hãy làm theo tôi.

Tam - ma - kiệt lại quỳ gối đốt hương bạch Phật:

–Thức ăn đã dọn đầy đủ xong, ngưỡng mong Đức Phật biết là đã tới giờ.

Đức Phật biết ý nghĩ của Tam - ma - kiệt, liền bảo các Tỳ - kheo:

–Hôm nay đến thọ trai tại nước Nan, các ông hãy với đạo quả đã chứng đắc của mình biến hóa theo những hành động tự tại.

Các Tỳ - kheo vâng lời Phật dạy, trong số ấy có vị hóa ra bồ câu và hằng trăm loại chim thú, trước sau lần lượt xen kẽ nhau như những bức màn. Chư Tăng ngồi trên mình chúng, mỗi vị đều khác nhau. Bấy giờ, Đức Phật ngồi nơi tòa sư tử có màn che xen kẽ nhau cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ - kheo, năm trăm vị Bồ - tát và các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần đầy đủ, dùng thần túc bay lên hư không tiến đến nước Nan. Phật phóng hào quang tỏa chiếu khắp nơi, trời đất chấn động lớn. Các vị La - hán, Bồ - tát đều thể hiện những thần biến trước khi hạ xuống đất. Dân chúng trong nước Nan thấy sự biến hóa này đều rất kinh sợ. Nhà vua hỏi Tam - ma - kiệt:

–Đây là Phật phải không?

Đáp:

–Không phải Phật.

Tam - ma - kiệt thưa tiếp với vua:

–Bệ hạ đừng sợ, đây là các vị đệ tử, Phật đi đến sau cùng. Thân Ngài có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.

Không bao lâu sau, Đức Phật cùng các vị khác từ không trung hạ xuống. Thích, Phạm Tứ thiên vương đi trước dẫn đường. Chư Thiên đánh trống, dạo đàn, xướng ca các loại nhạc để cúng dường Phật. Tam - ma - kiệt cùng với nhà vua, phu nhân, thái tử cầm hoa hương nghênh đón Đức Phật, cung kính làm lễ rồi thỉnh mời Phật vào, cùng ngồi vào chỗ. Các vị Bồ - tát, A - la - hán đều ngồi ở trước theo thứ tự lớn nhỏ. Tam - ma - kiệt bảo vua, phu nhân và thái tử tự tay dâng nước rửa, sau đó dùng thìa dâng thức ăn đầy đủ. Dân chúng trong nước đều đến xem rất đông đảo. Nhà vua ra lệnh cho đại thần đóng cửa cung. Dân chúng thấy nhà vua cho đóng cửa cung, nên rất tức giận, cùng nhau cầm búa, gậy muốn đập phá cửa cung. Từ xa, Phật biết việc này, nên nói:

–Sự giáo hóa của Ta là muốn cho mọi người đều làm thiện. Nay, dân chúng trong nước Nan đều muốn đến xem, thế mà vua lại đóng cửa cung thì không nên.

Bấy giờ, Đức Phật muốn làm cho tất cả mọi người cùng được thấy Ngài, liền khiến cho cửa cung, tường vách đều hóa thành thủy tinh, trong ngoài đều thấy nhau. Dân chúng nước Nan được thấy Phật và các vị Bồ - tát, La - hán, nên rất vui mừng.

Trong khi ấy, Đức Phật có một vị đệ tử La - hán tên Tân - đầu - lư, đang ngồi trên núi, vì quên mất chuyện đến nước Nan, nên lấy kim chỉ ra vá tấm y rách. Sau đó, cầm kim cấm vào đất, sợi chỉ còn dính từ kim sang tấm y. Vừa lúc Phật đã an tọa trong cung vua nước Nan, Tânđầu - lư mới nhớ ra việc đi thọ trai nên dùng thần túc bay đến nước Nan khiến ngọn núi cũng bay dính theo sau mình. Khi đó, trong nước, có một người nữ tên Hoài Khu, trông thấy núi bay tới che tối tăm trước mặt sợ rớt trên người mình, vì quá kinh sợ nên ngã nhào xuống đất. Phật ở xa, biết việc này, liền sai Ma - ha Mục - kiền - liên dùng thần túc bay đến đón, hỏi:

–Này Tân - đầu - lư, cái gì theo sau thầy vậy?

Tân - đầu - lư nhìn lại, thấy hòn núi, liền đưa tay đẩy núi trở về chỗ cũ cách tám ngàn dặm. Sau đó, Tân - đầulư đến trước Phật làm lễ, rồi cùng ngồi xuống.

Đức Phật bảo Tân - đầu - lư:

–Ta nay muốn chỉ dạy mọi người trong thiên hạ, khiến cho họ thoát khỏi mọi sự khổ ở thế gian. Ông đã trể hẹn, lại làm hại một người, mạng người rất trọng, đấy là điều không vui trong đạo pháp của Ta. Từ đây về sau, ông không được theo Ta thọ thực và hội họp với chúng. Ông nên ở lại đây, đến sau này khi Phật Di - lặc ra đời, mới được nhập Niết - bàn.

Tân - đầu - lư nghe Phật dạy như vậy thì im lặng buồn rầu, tự hối trách. Sau khi thọ trai xong, ông ta ra phía trước làm lễ Phật, cùng các Bồ - tát, La - hán, từ giã tất cả rồi đi vào trong núi.

Bấy giờ thầy của vua nước Nan là Ni - kiền Nhã - đàphất thưa Phật:

–Ngài có thể cùng tôi tranh luận về đạo lý không?

Ai thua thì phải tự nhảy xuống giếng.

Đức Phật nói:

–Rất hay, không cần nói nhiều, chỉ hỏi ba câu nếu không nói được, phải nhảy xuống giếng.

Ni - kiền Nhã - đà - phất nói:

–Rất tốt.

Đức Phật hỏi:

–Khi tụng kinh thì ông thực hiện như thế nào?

Ni - kiền Nhã - đà - phất đáp:

–Khi tụng kinh thì tôi quỳ mẹp cả hai chân và hai tay.

Phật nói:

–Nếu làm thế thì con người có khác gì so với thú vật?

Ni - kiền Nhã - đà - phất không trả lời được. Các đệ tử của ông đều tức giận, mọi người cũng góp lời bằng nhiều cách, nhưng không giải quyết được việc này, nên họ trở lại tức giận thầy mình, ôm thầy muốn ném xuống giếng. Vị thầy rất sợ hãi, hai tay bám chặt lấy mặt đất không chịu nhảy xuống giếng. Phật bảo:

–Hãy tha cho ông ta.

Bấy giờ, giữa sân nơi cung vua bỗng nhiên có đám lửa lớn phát ra, ngọn lửa cháy cao đến trời Phạm thiên thứ bảy. Trong ngọn lửa này, tự nhiên hiện ra hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có năm trăm vị Phạm thiên, đều quỳ gối chắp tay, hỏi Phật:

–Cúng dường việc ăn uống cho những hạng người nào thì đạt được phước đức nhiều, còn cho những hạng người nào thì được phước đức ít?

Đức Phật trả lời Phạm thiên:

–Thí như đem hạt giống của ngũ cốc ném rãi vào lửa, thì nó có mọc lên không?

Đáp:

–Không thể mọc được.

Đức Phật dạy:

–Vua nước Nan dâng thức ăn cho các Ni - kiền từ lúc đầu đến cuối, cũng như đem ngũ cốc tung vãi vào lửa, không thể nào mọc được. Hôm nay ông ta cúng dường Phật, Bồ - tát, La - hán thì sẽ đạt được phước đức nhiều vô lượng. Ví như người có đất tốt, hạt giống tốt, trời lại mưa gió thuận hòa, lo gì hạt gieo không mọc. Nay Phật là phước điền của tất cả chúng sinh, tùy theo sự gieo trồng của từng người mà đều được như nguyện. Người ngu si thì ưa thích dạy người làm việc theo đám ngoại đạo.

Người này khi qua đời, ắt sẽ bị đọa vào địa ngục Thái sơn chịu nhiều đau khổ, hối hận không kịp. Người trước ở trong địa ngục chưa ra khỏi thì người sau lại tiếp tục dạy người làm điều ác để bị đọa vào đấy. Kẻ ngu si trong thế gian, dùng nhiều luận điệu lừa dối nhau, nên không biết chánh đạo. Đạo ấy không sinh, không già, không bệnh, không chết, đấy là đại đạo Nê - hoàn giải thoát. Trong thế gian hiện có chín mươi sáu thứ ngoại đạo đều không bằng Phật đạo. Dù dùng hết nhánh cây và lông chim trong thiên hạ để làm bút ghi chép kinh Phật, nhánh cây và lông chim có thể hết, nhưng trí tuệ của Phật thì không thể cạn. Nếu nghiền núi Đại Tu - di ra làm mực đen, hòa với nước bốn biển, dùng bút để viết kinh Phật, mực bốn biển ấy có thể hết, nhưng trí tuệ của Phật thì không hề cạn.

Năm trăm vị Phạm thiên nghe lời Phật dạy, thảy đồng lên tiếng:

–Lành thay! Thật đúng như lời Phật dạy.

Ngay lúc ấy năm trăm vị Phạm thiên liền biến mất.

Bấy giờ ba trăm người quyến thuộc của vua nước Nan, một ngàn hai trăm cung nữ, năm trăm vị đại thần thấy Phật biến hóa như thế nên đều vui mừng hớn hở, cùng nhau phát tâm cầu đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cùng lúc ấy, có hai ngàn vị Bà - la - môn đều cạo bỏ râu tóc, trở thành Tỳ - kheo, tức thì đều chứng đắc đạo quả A - la - hán. Một vạn hai ngàn người Ni - kiền cũng đều được giải thoát. Trong đó, có người đắc quả Tu - đàhoàn, có người đắc quả Tư - đà - hàm, có người đắc quả Ana - hàm. Còn dân chúng trong nước ấy thì có sáu vạn bốn ngàn người đều tin tưởng hướng về Phật pháp, thọ trì năm giới, trở thành Ưu - bà - tắc.

Phật thuyết kinh này xong, liền cùng với các vị Bồtát, La - hán đều hiện thần túc bay đi. Bấy giờ vua nước Nan cùng phu nhân, thái tử và quần thần, dân chúng rất hoan hỷ, cùng nhau hướng về Phật đảnh lễ cung kính.


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]