TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 10: Hộ TÂM

Kinh số 1

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy tu hành một pháp. Hãy truyền rộng một pháp. Khi đã tu hành một pháp, truyền rộng một pháp rồi, liền được thần thông, các hành tịch tĩnh, được quả Sa-môn, đến Niết-bàn giới. Một pháp đó là gì? Đó là hành không phóng dật.

Thế nào là hành không phóng dật? Là phòng hộ tâm.

Thế nào là phòng hộ tâm? Ở đây, Tỳ-kheo thường thủ hộ tâm khỏi pháp hữu lậu. Khi Tỳ-kheo thủ hộ tâm khỏi pháp hữu lậu, vị ấy liền ở nơi pháp hữu lậu mà được an vui, cũng có tín lạc, an trụ không di dịch, hằng chuyên tâm ý, luôn tự lực cố gắng. Như vậy, này Tỳ-kheo, vị kia hành không phóng dật, hằng tư cẩn thận, nếu dục lậu chưa sinh thì khiến không sinh; dục lậu đã sinh, thì có thể khiến nó diệt. Hữu lậu chưa sinh thì khiến không sinh, hữu lậu đã sinh, thì có thể khiến nó diệt. Vô minh lậu chưa sinh thì khiến không sinh; vô minh lậu đã sinh, thì có thể khiến nó diệt. Tỳ-kheo ở đó hành không phóng dật, ở một nơi vắng vẻ, thường tự giác tri, an trú, liền được giải thoát khỏi tâm dục lậu; liền được giải thoát khỏi tâm hữu lậu, vô minh lậu. Khi đã được giải thoát, liền được giải thoát trí, biết rằng: “Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Không mạn[1], vết cam lồ
Phóng dật, con đường chết
Không mạn, thì không chết
Ai mạn, tức là chết[2].

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tu hành hạnh không phóng dật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các ông hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 2

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy tu hành một pháp. Hãy truyền rộng một pháp. Khi đã tu hành một pháp, truyền rộng một pháp rồi, liền được thần thông, các hạnh tịch tĩnh, được quả Sa-môn, đến Niết-bàn giới. Một pháp đó là gì? Đó là hành không phóng dật đối với các thiện pháp. Thế nào là hành không phóng dật? Không gây nhiễu tất cả chúng sinh, không gây hại tất cả chúng sinh, không não hại tất cả chúng sinh. Đó là hành không phóng dật. Kia sao gọi là thiện pháp? Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh: Đẳng kiến[3], đẳng phương tiện[4], đẳng ngữ, đẳng hạnh[5], đẳng mạng, đẳng trị[6], đẳng niệm, đẳng định. Đó gọi là thiện pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Thí tất cả chúng sinh
Không bằng người thí pháp
Thí chúng sinh tuy phước
Pháp thí một người hơn.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành thiện pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các ông hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 3

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Các ngươi quán Đàn-việt thí chủ như thế nào? Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

–Thế Tôn là chủ[7] các pháp. Nguyện xin Thế Tôn nói nghĩa này cho các Tỳ-kheo. Sau khi nghe, chúng con sẽ thọ trì.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Hãy lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt nghĩa nay cho các ông.

Các Tỳ-kheo bạch:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

–Đối với Đàn-việt thí chủ, nên cung kính như là con hiếu thuận mẹ cha, nuôi dưỡng, hầu hạ, khiến cho năm ấm được tăng ích, để ở nơi cõi Diêm-phù-lợi hiện mà hiện các thứ nghĩa. Quán Đàn-việt thí chủ hay thành tựu giới, văn, Tammuội, trí tuệ cho người; các Tỳ-kheo được nhiều lợi ích, ở trong Tam bảo không có điều gì quái ngại.

Thí chủ hay cho các ông áo chăn, ẩm thực, khăn trải giường chõng, thuốc thang cho bệnh tật. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy có tâm Từ đối với Đàn-việt. Ân nhỏ thường không quên, huống chi ân lớn. Hằng đem tâm Từ hướng về Đàn-việt kia mà nói hành thanh tịnh của thân, khẩu, ý. Thân hành Từ, khẩu hành Từ, ý hành Từ, không thể tính đếm, không thể hạn lượng, khiến cho vật sở thí của Đàn-việt kia trọn không bị phế bỏ, được quả lớn, thành tựu phước hựu lớn, có danh xưng lớn, truyền khắp thế gian, pháp vị cam lồ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Thí, để thành của lớn
Sở nguyện cũng thành tựu
Vua cùng các đạo tặc
Không thể đoạt vật này.
Thí, để được vương vị
Nối tiếp ngôi chuyển luân
Thành bảy báu đầy đủ
Đạt được nhờ bố thí.
Bố thí, thành thân trời
Đầu đội mũ đa bảo
Cùng kỹ nữ dạo chơi
Báo này nhờ bố thí.
Thí, được Thiên đế Thích
Vua trời oai lực thạnh
Ngàn mắt thân trang nghiêm
Báo này nhờ bố thí.
Bố thí thành Phật đạo
Đủ ba mươi hai tướng
Chuyển pháp luân vô thường
Báo này cũng nhờ thí.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 4

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Đàn-việt thí chủ làm sao để thừa sự, cúng dường các bậc Hiền thánh tinh tấn trì giới?

Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

–Thế Tôn là chủ* các pháp. Xin nguyện Thế Tôn nói nghĩa này cho các Tỳ-kheo. Nghe rồi, chúng con sẽ thọ trì.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta phân biệt nghĩa này cho các ông.

Các Tỳ-kheo bạch:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo vâng nghe những lời Phật dạy như vậy. Thế Tôn bảo:

–Đàn-việt thí chủ mà thừa sự, cúng dường các bậc đa văn, tinh tấn trì giới, cũng giống như chỉ bảo đường cho người mê, cung cấp thức ăn cho người thiếu thốn lương thực, khiến người sợ hãi không lo phiền, dạy bảo người kinh sợ chớ sợ hãi, che chở giúp cho người không nhà cửa, làm con mắt cho người mù, làm y vương cho người bệnh; giống như nông phu nhà ruộng sửa sang nghiệp ruộng trừ khử cỏ dại để có thể thành tựu lúa ăn. Còn Tỳ-kheo thì thường nên trừ bỏ bệnh năm thạnh ấm[8], cầu mong vào thành Niết-bàn, chỗ không có sợ hãi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, Đànviệt thí chủ thừa sự cúng dường các bậc đa văn tinh tấn trì giới là như vậy.

Lúc bấy giờ, gia chủ A-na-bân-trì[9] đang ở trong chúng. Bấy giờ, gia chủ A-na-bân-trì bạch Thế Tôn:

–Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch Như Lai! Tất cả thí chủ đến với người nhận, giống như bình cát tường. Những vị nhận bố thí như Tỳsa vương. Khuyên người hành bố thí như cha mẹ thân; người nhận thí là phước lành đời sau. Tất cả mọi thí chủ đến với người nhận giống như cư sĩ.

Thế Tôn bảo:

–Đúng vậy, gia chủ. Như những gì ông đã nói. Gia chủ A-na-bân-trì bạch Thế Tôn:

–Từ nay về sau, cửa nhà con không đóng kín, cũng không cự tuyệt Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bàtắc, Ưu-ba-di, cùng những người đi đường thiếu lương thực.

Bấy giờ, gia chủ A-na-bân-trì bạch Thế Tôn:

–Nguyện xin Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo nhận lời thỉnh của đệ tử.

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của gia chủ. Gia chủ thấy Thế Tôn im lặng nhận lời, liền lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng trở về chỗ ở. Đến nhà rồi, ngay trong đêm đó bày biện thịnh soạn đủ các loại đồ ăn, thức uống ngon ngọt, trải tọa cụ rộng rãi xong, tự đến bạch:

–Đồ ăn đã dọn xong. Cúi xin Thế Tôn kịp thời quang lâm chiếu cố.

Bấy giờ, Thế Tôn dẫn chúng Tỳ-kheo, đắp y ôm bát đến nhà gia chủ tại thành Xá-vệ. Đến xong, mọi người tự tìm chỗ ngồi và các Tỳ-kheo Tăng cũng theo thứ tự mà ngồi.

Bấy giờ, gia chủ thấy Phật và chúng Tỳ-kheo ngồi đã an định rồi, tự tay đi dâng các thứ đồ ăn thức uống. Sau khi đi dâng các thứ đồ ăn thức uống xong, thu dọn bát, rồi đến ngồi chỗ thấp trước Như Lai, muốn nghe pháp. Gia chủ bấy giờ bạch Thế Tôn:

–Lành thay, Như Lai. Cho phép các Tỳ-kheo tùy theo những vật cần như ba y, bình bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn, giải buộc y[10], bồn tắm[11], cùng tất cả những vật khác của Sa-môn, được phép nhận hết tại nhà đệ tử.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu các người cần y áo, bình bát, ni-sư-đàn, bồn tắm cùng tất cả những vật tạp của Sa-môn thì cho phép đến đó nhận, chớ có nghi nan mà khởi tưởng tâm đắm trước.

Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho gia chủ A-na-bân-trì. Nói pháp vi diệu xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Lúc bấy giờ, A-na-bân-trì nơi bốn cửa thành lại bố thí rộng rãi. Lần thứ năm ở trong chợ, lần thứ sáu ở tại nhà. Ai cần đồ ăn thì cho đồ ăn, cần thức uống thì cho thức uống, cần xe cộ, kỹ nhạc, hương xông, anh lạc thì cho tất cả.

Bấy giờ, Thế Tôn nghe gia chủ A-na-bân-trì bố thí rộng rãi trong bốn cửa thành và nơi chợ lớn; bố thí cho kẻ nghèo thiếu. Nơi nhà lại bố thí vô lượng. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Trong hàng đệ tử của Ta, Ưu-bà-tắc ưa thích bố thí bậc nhất đó là gia chủ Tu-đạt.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 5

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, gia chủ A-na-bân-trì đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Thế Tôn bảo:

–Thế nào gia chủ, quý gia chủ thường bố thí cho những người nghèo thiếu phải không?

Gia chủ thưa:

–Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Con thường bố thí cho những người nghèo thiếu. Nơi bốn cửa thành thì bố thí rộng rãi. Tại nhà thì cung cấp những gì cần dùng. Bạch Thế Tôn, có lúc con tự nghĩ muốn bố thí cho các loại cầm thú như chim chóc, heo, chó. Con cũng không nghĩ là đây nên cho, đây không nên cho; cũng lại không nghĩ là đây nên cho nhiều, đây nên cho ít. Con thường tự nghĩ tất cả chúng sinh đều do ăn uống mà sinh mạng tồn tại; có ăn thì sống, không ăn thì chết.

Thế Tôn bảo:

–Lành thay, lành thay, gia chủ! Ông đã bằng tâm Bồ-tát, chuyên tinh nhất ý mà huệ thí rộng rãi. Đúng vậy, chúng sinh nhờ ăn uống mà được cứu sống, không ăn uống thì liền chết. Nay gia chủ, ông sẽ được quả lớn, được tiếng tăm nhiều; được quả báo lớn mà tiếng đồn thấu mười phương; được pháp vị cam lồ. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát thường đem tâm bình đẳng để bố thí, lúc nào cũng một lòng mà nhớ đến các loài chúng sinh, nhờ ăn uống mà tồn tại, có ăn uống tức được cứu sống, không ăn uống tức chết. Nay gia chủ, đó là tâm Bồ-tát ở tại chỗ yên ổn mà bố thí rộng rãi.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nên bố thí khắp cả
Quyết không lòng hối tiếc
Ắt sẽ gặp bạn lành
Được giúp đến bờ kia.

Cho nên, gia chủ, hãy dùng tâm bình đẳng mà bố thí rộng rãi. Như vậy, gia chủ hãy học điều này.

Gia chủ sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Như Ta ngay nay biết rõ căn nguyên chỗ đến của chúng sinh, cũng biết quả báo của việc bố thí một nắm cơm dư cuối cùng, mình đã không ăn mà đem bố thí cho người khác. Lúc ấy, tuy không khởi tâm ghen ghét dù bằng lông tóc, nhưng vì chúng sinh này không biết quả báo của việc bố thí. Con như Ta thì biết rõ điều đó. Quả báo của bố thí, báo của sự bình đẳng, tâm không có gì khác. Cho nên, chúng sinh vì không thể bố thí bình đẳng mà tự thân đọa lạc, hằng bị tâm keo kiệt, ganh tỵ trói buộc tâm ý.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Chúng sinh không tự giác
Lời dạy của Như Lai:
Thường nên bố thí khắp
Chuyên hướng chỗ chân nhân.
Chí tánh đã thanh tịnh
Được phước nhiều gấp bội
Cùng cộng phần phước đó
Sau được quả báo lớn.
Nay lành thay bố thí
Tâm hướng ruộng phước rộng
Chết ở cõi người này
Ắt sinh lên trên trời.
Cho đến xứ lành kia
Khoái lạc tự vui sướng
Cát tường rất hoan vui
Tất cả không thiếu thốn.
Do nghiệp trời oai đức
Ngọc nữ theo chung quanh
Báo bố thí bình đẳng
Nên được phước đức này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 7

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các ông chớ sợ phước báo. Vì sao? Vì đây là sự báo ứng của việc thọ lạc rất đáng yêu kính. Sở dĩ gọi là phước vì có báo lớn này. Các ông nên sợ vô phước. Vì sao? Vì đây là nguồn gốc của khổ, sầu lo, khổ não, không thể kể hết, không có yêu thích. Đây gọi là vô phước. Này Tỳ-kheo, Ta tự nhớ xưa kia bảy năm hành Từ tâm. Lại trải qua bảy kiếp Ta không đến cõi này. Lại trong bảy kiếp Ta sinh về trời Quang âm, bảy kiếp sinh vào chốn Không Phạm thiên[12] làm Đại Phạm thiên không ai sánh bằng, thống lãnh trăm ngàn thế giới. Ba mươi sáu lần Ta làm thân Thiên đế Thích, vô số đời làm vua Chuyển luân.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tạo phước chớ mệt mỏi. Vì sao? Vì đây gọi là sự báo ứng của thọ lạc rất đáng yêu kính, đó gọi là phước. Các ông nên sợ vô phước. Vì sao? Vì là nguồn gốc của khổ, sầu lo, khổ não, không thể kể hết, đó gọi là vô phước.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Vui thay, phước báo
Sở nguyện tựu thành
Mau đến diệt tận
Đến chỗ vô vi.
Ví dù số ức
Thiên ma Ba-tuần
Cũng không thể quấy
Người tạo nghiệp phước.
Kia thường tự cầu
Đạo của Hiền thánh
Liền trừ hết khổ
Sau cùng không lo.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tạo phước chớ chán nản. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 8

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu có người thuận theo một pháp, không lìa một pháp, thì Thiên ma Ba-tuần không thể có được cơ hội, cũng không thể đến để quấy nhiễu người. Những gì là một pháp? Là công đức phước nghiệp. Vì sao? Vì Ta nhớ xưa kia, dưới bóng đạo thọ, cùng các Bồ-tát hội họp về một chỗ. Ác ma BA-tuần đem hàng ngàn vạn ức binh chủng, đủ các loại tướng mạo, hình người đầu thú không thể kể hết: Trời, Rồng, Quỷ thần, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Ma-hưu-lặc v.v... đều đến tụ hội. Lúc ấy ma Ba-tuần nói với Ta rằng:

–Sa-môn, mau gọp mình sát đất.

Phật dùng sức lớn phước đức hàng phục ma oán, mọi trần cấu đều tiêu, không uế nhiễm, liền thành đạo Vô thượng chánh chân.

Các Tỳ-kheo nên quán sát nghĩa này. Nếu có Tỳ-kheo nào đầy đủ công đức, ác ma Ba-tuần không thể có được cơ hội để phá hoại công đức kia.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Có phước khoái lạc
Vô phước thì khổ
Đời này, đời sau
Tạo phước thọ lạc.

Cho nên các Tỳ-kheo, tạo phước chớ mệt mỏi. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 9

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu có Tỳ-kheo nào tu hành một pháp thì không thể làm bại hoại các nẻo dữ. Một pháp thì hướng đến các nẻo lành. Một pháp thì hướng đến Niết-bàn. Thế nào là tu hành một pháp, thì không thể làm bại hoại các nẻo dữ? Là tâm không chí tín. Đó gọi là tu một pháp này thì không thể làm hoại các nẻo ác.

Thế nào là tu hành một pháp thì hướng đến các nẻo thiện? Là tâm hành chí tín. Đó gọi là tu một pháp thì hướng đến các nẻo lành.

Thế nào là tu hành một pháp thì hướng đến Niết-bàn? Là thường chuyên tâm niệm. Đó gọi là tu hành pháp này được đến Niết-bàn.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy chuyên tinh tâm ý niệm tưởng đến các gốc lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 10

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu có một người mà xuất hiện ở thế gian, thì chúng sinh ở đây liền tăng ích tuổi thọ, nhan sắc tươi nhuận, khí lực sung mãn, khoái lạc vô cùng, âm thanh hòa nhã. Một người ấy là ai? Là Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác. Đây gọi là một người mà xuất hiện ở thế gian, khiến chúng sinh ở đây liền tăng ích tuổi thọ, nhan sắc tươi nhuần, khí lực sung mãn, khoái lạc vô cùng, âm thanh hòa nhã.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường chuyên tinh nhất tâm niệm Phật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Không mạn, hai niệm, đàn
Hai thí, keo[13] không chán
Thí phước, ma Ba-tuần
Nẻo ác và một người.



[1] . Để bản: Kiêu 憍。TNM: Mạn.

[2] . Tham chiếu, Dhp. 21: Appamādo amatapadaṃ pamādo maccuno padaṃ, appamattā na mīyanti, ye pamattā yathā matā, “Không phóng dật, con đường dẫn đến bất tử. Phóng dật, con đường dẫn đến cõi chết. Những ai không phóng dật thì không chết. Những ai phóng dật, chúng như đã chết.”

[3] . Đẳng kiến 等 見 phổ thông nói là chánh kiến. Xem đoạn sau, kinh 1 phẩm 12.

[4] . Đẳng phương tiện 等 方 便。Phổ thông: Chánh tinh tấn. Thứ tự có đảo lộn.

[5] . Đẳng hành 等 行。Phổ thông: Chánh nghiệp.

[6] . Đẳng trị 等 治。Phổ thông: Chánh tư duy. Thứ tự có đảo lộn.

[7] . Để bản: Vương 王 。TNM: Chủ 主。

[8] Năm thạnh ấm: Năm thủ uẩn.

[9] A-na-bân-trì 阿 那 邠 持。 (Pāli: Anāthapiṇḍika): Phiên âm của Cấp Cô Độc.

[10] . Để bản: Y đái 衣 帶。TNM: Y thường, áo xiêm, chỉ nội y.

[11] Bình đựng nước để tắm.

[12] . Không Phạm thiên xứ 空 梵 天 處 , hay Không Phạm thiên cung, thiên cung trống không của Phạm thiên. Xem, Trường 14, T1n1, tr. 90b10. Cf. Brahmajālasutta, D.i. 16: Suññaṃ brahmavimānaṃ.

[13] . Để bản: Kiên 堅。TNM: Khan 慳。


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]