TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 11: BẤT ĐÃI

Kinh số 1

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ông thành A-na-hàm. Một pháp gì? Đó là tham dục.

Này các Tỳ-kheo, hãy diệt tham dục, Ta sẽ xác chứng các ông đắc A-na-hàm.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Bị nhiễm vào tham dâm
Chúng sinh rơi đường dữ
Siêng từ bỏ tham dục
Liền thành A-na-hàm.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 2

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ông thành A-na-hàm. Một pháp gì? Đó là sân nhuế.

Này các Tỳ-kheo, hãy diệt sân nhuế, Ta sẽ xác chứng các ông đắc A-na-hàm.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Bị nhiễm vào sân nhuế
Chúng sinh rơi đường dữ
Siêng tu bỏ sân nhuế
Liền thành A-na-hàm.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 3

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp, Ta sẽ xác chứng các ông thành A-na-hàm. Một pháp gì? Đó là ngu si.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hay diệt ngu si, Ta sẽ xác chứng các ông đắc A-na-hàm.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Bị nhiễm vào ngu si
Chúng sinh rơi đường dữ
Siêng từ bỏ ngu si
Liền thành A-na-hàm.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 4

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp, Ta sẽ xác chứng các ông thành A-na-hàm. Một pháp gì? Đó là xan tham.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hay diệt xan tham, Ta sẽ xác chứng các ông đắc A-na-hàm.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Bị nhiễm vào xan tham
Chúng sinh rơi đường dữ
Siêng từ bỏ xan tham
Liền thành A-na-hàm.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 5

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ, như là tâm.

Này các Tỳ-kheo, tâm này không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các báo khổ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm; hãy khéo niệm tưởng các gốc rễ thiện. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp dễ hàng phục, dễ có được thời cơ thích nghi, nhận các báo thiện, như là tâm. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm; hãy khéo niệm tưởng các gốc rễ thiện. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 7

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Ở trong chúng này, nếu có một người nào nghĩ điều gì, Ta tất biết rõ. Sau đó người này ở trong chúng không vì sự ăn uống mà nói lời hư dối. Nhưng vào một lúc khác, Ta xem thấy người này sinh tâm đắm nhiễm, niệm tưởng tài vật, nên ở trong đại chúng nói hư dối. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, sự đắm nhiễm tài vật thật là khó bỏ, khiến người rơi vào trong ba đường dữ, không đến được chỗ vô vi. Cho nên, này các Tỳ-kheo, đã sinh tâm này rồi, thì hãy xả ly. Giả sử chưa sinh, chớ để khởi tâm nhiễm đắm tài vật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 8

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Ở trong chúng này, có người tự nghĩ, thà bị đoạn mạng chứ không nói dối ở trong chúng. Nhưng vào một lúc khác, Ta xem thấy người này sinh tâm đắm nhiễm niệm tưởng tài vật, nên ở trong đại chúng nói lời hư dối. Sở dĩ như vậy, này các Tỳ-kheo, sự đắm nhiễm vào tài vật thật là khó bỏ, khiến người rơi vào trong ba đường dữ, không đến được chỗ vô vi. Cho nên, này các Tỳ-kheo, đã sinh tâm này rồi thì hãy xả ly. Giả sử chưa sinh, chớ để khởi tâm nhiễm đắm tài vật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 9

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành La-duyệt-kỳ, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Thế nào, các Tỳ-kheo, có ai thấy pháp Đề-bàđạt-đâu[1] thanh bạch không? Nhưng Đề-bà-đạt-đâu lại tạo ác sâu nặng, sẽ trải qua một kiếp chịu tội, không thể chữa trị. Ở trong pháp của ta thì không thấy một mảy may điều lành nào để có thể ghi ra. Vì vậy cho nên, nay Ta nói đầu mối các tội của Đề-bà-đạt-đâu là không thể chữa trị được. Giống như có người rơi vào hố phẩn sâu, thân thể chìm ngập, không có chỗ nào là sạch. Có người muốn đến cứu mạng nó đặt lên chỗ sạch, nhìn quanh hố phẩn và thân người kia, có chỗ nào sạch, để dùng tay kéo vớt lên; nhưng nhìn kỹ không một chỗ nào sạch để mà nắm, nên bỏ mà đi.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta xem nơi kẻ ngu si Đề-bà-đạt-đâu không thấy mảy may pháp thiện[2] nào đáng ghi nhớ và sẽ trải qua một kiếp chịu tội, không thể chữa trị. Sở dĩ như vậy, vì Đề-bà-đạtđâu chỉ có ngu si, chuyên đắm lợi dưỡng; sau khi tạo tội ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào đường dữ.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, sâu nặng về lợi dưỡng khiến người không đến được nơi an ổn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, đã sinh tâm lợi dưỡng thì hãy lìa bỏ. Nếu nó chưa sinh thì chớ để khởi tâm đắm nhiễm. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 10

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo nghe Như Lai đã có thọ ký về Điều-đạt[3], là sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Lúc ấy Tỳ-kheo kia đến chỗ Tôn giả A-nan, sau khi thăm hỏi xong, ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia hỏi A-nan rằng:

–Thế nào, Tôn giả A-nan, Như Lai đã quán sát tận cùng căn nguyên của Đề-bà-đạt-đâu rồi, sau đó mới thọ ký là sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa liệu chăng? Có nguyên do để có thể được thọ ký chăng?

Lúc ấy, A-nan bảo:

–Những gì Như Lai nói ra không bao giờ hư dối. Những gì được hành bởi thân, khẩu của ngài không có đổi khác. Như Lai đã chắc thật thọ ký Đề-bà-đạt-đâu sẽ chịu tội sâu nặng trải qua một kiếp không thể chữa trị.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan rời chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, bạch Thế Tôn:

–Có một Tỳ-kheo đi đến chỗ con nói: “Thế nào, Tôn giả A-nan, Như Lai đã quán sát tận cùng căn nguyên của Đề-bà-đạt-đâu rồi, sau đó mới thọ ký là sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa liệu chăng? Có nguyên do để có thể được thọ ký chăng?” Nói xong những lời này rồi từ bỏ đi.

Thế Tôn bảo:

–Tỳ-kheo kia chắc là người xuất gia tu học trễ muộn, hay mới đi đến trong pháp của ta chưa bao lâu chăng? Những gì Như Lai đã nói ra không bao giờ hư dối, sao lại ở trong đó mà khởi lên do dự?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:

–Ông hãy đến đó, bảo Tỳ-kheo kia rằng: “Như Lai cho gọi thầy.” A-nan đáp:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn.

Sau khi vâng lời Thế Tôn dạy, A-nan liền đến chỗ Tỳ-kheo kia; đến rồi bảo Tỳ-kheo kia rằng:

–Như Lai cho gọi thầy.

Tỳ-kheo kia đáp:

–Xin vâng, Tôn giả.

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia sửa lại y phục, cùng Anan đến chỗ Thế Tôn. Đến rồi, lễ sát chân Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

–Này kẻ ngu kia, sao ông không tin những gì Như Lai đã nói ra? Những gì Như Lai dạy là không hư vọng. Nay thầy muốn tìm hư vọng nơi Như Lai?

Lúc ấy Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:

–Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đâu có thần lực lớn, có oai thế lớn, vì sao Thế Tôn lại thọ ký thầy ấy chịu tội sâu nặng một kiếp?

Phật bảo Tỳ-kheo:

–Hãy giữ gìn lời nói của ông, chớ để phải lâu dài chịu khổ vô lượng.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Trụ thiền, thần thông tục[4]
Rốt lại, không giải thoát
Không tạo đường diệt tận
Lại trở vào địa ngục.

Giả sử nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đâu tự thân có chút ít pháp thiện nào, Ta không bao giờ thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia phải chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Cho nên, nay kẻ ngu kia, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thiện nào cho nên mới thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Sở dĩ như vậy, vì Đề-bàđạt-đâu ngu si tham đắm vào lợi dưỡng, khởi tâm nhiễm trước, tạo ác ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong địa ngục. Vì sao? Vì tâm lợi dưỡng nặng thì sẽ làm bại hoại gốc rễ thiện của con người, khiến con người không đến được nơi an ổn.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có tâm lợi dưỡng khởi lên thì hãy tìm cách diệt, nếu không có tâm thì chớ khởi tưởng đắm vào. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ sát chân Thế Tôn, bạch Thế Tôn:

–Nay con tự hối lỗi, nguyện xin Thế Tôn rủ lòng tha thứ, vì ngu si nên con đã tạo hành bất thiện. Những gì Như Lai đã nói ra không có hai lời, nhưng vì con ngu si nên khởi tưởng do dự. Nguyện xin Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con, sửa đổi cái đã qua, tu tập cái sẽ đến.

Tác bạch cho đến ba lần như vậy.

Thế Tôn bảo:

–Lành thay, Tỳ-kheo! Đã biết hối những điều mình đã nghĩ. Ta tha thứ cho những bất cập của ông. Chớ đối với Như Lai mà khởi tưởng do dự. Nay Ta nhận sự hối lỗi của ông, sau này chớ gây nữa.

Cho đến ba bốn lần như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Dù có tạo tội nặng
Hối lỗi, không tái phạm
Người này hợp giới cấm
Nhổ căn nguyên tội này.

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia cùng bốn bộ chúng nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Bốn loại A-na-hàm
Hai tâm và hai thực
Bà-đạt, hai Khế kinh
Người trí nên biết rõ.



[1] . Đề-bà-đạt-đâu 提 婆 達 兜 , thường biết là Đề-bà-đạt-đa. Pāli: Devadatta.

[2] . Để bản nhảy chữ thiện có trong TNM.

[3] . Điều-đạt 調 達 , trên kia nói là Đề-bà-đạt-đâu. Xem cht. 1 trên.

[4] . Đề-bà-đạt-đa đắc Tứ thiền và có thần thông.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]