TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ[2], Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có con đường chỉ một lối vào[3], làm thanh tịnh các hành của chúng sinh, trừ bỏ sầu ưu, không còn mọi bức não, được trí tuệ lớn, thành tựu sự chứng đắc Niết-bàn. Đó là hãy diệt trừ năm triền cái, tư duy bốn Ý chỉ[4].
Thế nào là một lối vào? Tâm chuyên nhất, đó là một lối vào. Thế nào là đạo? Tám phẩm đạo Hiền thánh:
1. Chánh kiến.
2. Chánh trị[5].
3. Chánh nghiệp.
4. Chánh mạng.
5. Chánh phương tiện.
6. Chánh ngữ[6].
7. Chánh niệm.
8. Chánh định.
Đó gọi là đạo. Đó gọi là con đường chỉ một lối vào.
Thế nào là hãy diệt trừ năm triền cái? Tham dục cái, sân nhuế cái, điệu hý[7] cái, thùy miên cái, nghi cái. Đó gọi là năm triền cái phải diệt. Thế nào là tư duy bốn Ý chỉ? Ở đây, này Tỳ-kheo, bên trong tự quán thân[8] trừ bỏ niệm ác, không có sầu ưu; bên ngoài tự quán thân trừ bỏ ác niệm, không có sầu ưu; trong ngoài quán thân trừ bỏ ác niệm, không có sầu ưu. Trong quán thọ nơi thọ[9], ngoài quán thọ nơi thọ, trong ngoài quán thọ trên thọ mà tự vui thú[10]. Trong quán tâm, ngoài quán tâm, trong ngoài quán tâm mà tự vui thú.
Trong quán pháp, ngoài quán pháp, trong ngoài quán pháp mà tự vui thú.
Thế nào là Tỳ-kheo bên trong quán thân mà tự vui thú*? Ở đây, Tỳ-kheo quán thân này tùy theo tánh hạnh của nó: Từ đầu đến chân, từ chân đến đầu; quán trong thân này tất cả đều bất tịnh, không có gì đáng tham.
Lại quán thân này có các thứ lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, mỡ cao[11], ruột, bao tử, tim, gan, tỳ, thân; thảy đều quán biết hết. Phẩn, tiểu, sinh tạng, thục tạng, nước mắt, đờm dải, huyết mạch, mỡ16, mật; đều nên quán biết, không có gì đáng tham đắm.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy quán thân mà tự vui thú, trừ bỏ niệm ác, không có sầu ưu.
Lại nữa, Tỳ-kheo lại quán thân này có đại chủng đất chăng? Có đại chủng nước, lửa, gió chăng? Tỳ-kheo quán sát thân này như vậy.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân này, phân biệt các giới; thân này có bốn đại chủng. Giống như người khéo mổ bò, hoặc học trò người mổ bò, xẻ con bò từng phần để tự xem xét: Đây là chân, đây là tim, đây là đốt xương, đây là đầu. Cũng vậy, Tỳ-kheo kia phân biệt giới này mà tự quán sát: Thân này có các đại chủng đất, nước, lửa, gió. Tỳ-kheo quán sát thân như vậy mà tự vui thú.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân này có các lỗ rỉ chảy không sạch. Giống như người kia quán sát vườn trúc hay quán sát bụi lau. Cũng vậy Tỳ-kheo quán thân này có các lỗ chảy ra các thứ bất tịnh.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, hoặc chết đã một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, sáu ngày, bảy ngày; thân thể sình trướng, hôi thối không sạch. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng với thân kia không khác, thân ta không thoát khỏi hoàn này.
Hoặc Tỳ-kheo quán tử thi bị quả, se sẻ, kên kên ăn nuốt, hoặc bị hổ lang, chó sói, các loài trùng thú trông thấy ăn thịt. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta không tránh khỏi hoạn này. Đó là Tỳ-kheo tự quán thân mà vui thú.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi hoặc bị ăn một nửa, rơi vãi trên đất, hôi thối không sạch. Tỳ-kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta không tránh khỏi pháp này.
Lại nữa, quán tử thi đã hết thịt, chỉ còn có xương bê bết máu. Tỳ-kheo lại đem thân mình quan sát như thân kia cũng không khác. Tỳ-kheo quán thân này như vậy.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, gân ràng rịt như bó củi. Tỳ-kheo lại quán thân mình cùng kia không khác. Tỳ-kheo quán thân này như vậy.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi, từng đốt xương phân tán rơi vãi khắp nơi. Hoặc xương tay, xương chân mỗi thứ một nơi, hoặc xương đùi, xương hông, hoặc xương cùng, hoặc xương tay, hoặc xương vai, hoặc xương sườn, hoặc xương sống, hoặc xương cổ, hoặc đầu lâu. Lại nữa, thân này cùng kia không khác. Ta không thoát khỏi pháp này. Thân ta cũng sẽ bại hoại. Như vậy Tỳ-kheo quán thân này mà tự vui thú.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán tử thi màu trắng, màu ngọc trắng[12]. Tỳ-kheo lại tự quán thân cùng kia không khác, ta không lìa khỏi pháp này. Đó là Tỳ-kheo tự quán thân.
Lại nữa, nếu Tỳ-kheo thấy tử thi, tưởng xương xanh bầm, không có gì đáng tham đắm, hoặc cùng màu tro đất không thể phân biệt. Như vậy, Tỳ-kheo tự quán thân, trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo. Thân này vô thường, là pháp phân tán. Như vậy Tỳ-kheo nội tự quán thân, ngoại quán thân, nội ngoại quán thân, phân rã, không có gì.
Thế nào là Tỳ-kheo nội quán thọ nơi thọ? Ở đây, Tỳ-kheo khi có cảm thọ lạc, tức thì tự giác tri rằng ta có cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, tức thì tự giác tri rằng ta có cảm thọ khổ. Khi có cảm thọ không lạc không khổ, tự giác tri rằng ta có cảm thọ không lạc không khổ. Nếu khi được cảm thọ lạc bởi ăn[13], liền tự giác tri ta được cảm thọ lạc bởi ăn*. Nếu khi được cảm thọ khổ bởi ăn*, liền tự giác tri ta được cảm thọ khổ bởi ăn*. Nếu khi được cảm thọ không lạc không khổ bởi ăn*, liền tự giác tri ta được cảm thọ không lạc không khổ bởi ăn*. Nếu khi được cảm thọ lạc không bởi ăn[14], liền tự giác tri ta được cảm thọ lạc không bởi ăn. Nếu được cảm thọ khổ không bởi ăn, liền tự giác tri ta được cảm thọ khổ không bởi ăn. Nếu khi được cảm thọ không lạc không khổ không bởi ăn, liền tự giác tri ta được cảm thọ không lạc không khổ không bởi ăn. Tỳ-kheo bên trong tự quán thọ như vậy.
Lại nữa, nếu Tỳ-kheo lúc được cảm thọ lạc, lúc ấy không có cảm thọ khổ, bấy giờ tự giác tri ta đang cảm thọ lạc. Nếu lúc được cảm thọ khổ, lúc ấy không có cảm thọ lạc, bấy giờ tự giác tri ta đang cảm thọ khổ. Nếu khi được cảm thọ không lạc không khổ, lúc đó không có lạc, không có khổ thì tự giác tri ta đang cảm thọ không lạc không khổ.
Vị đó pháp tập khởi[15] mà tự vui thú*, cũng quán pháp diệt tận[16], lại quán pháp tập diệt[17]. Hoặc lại có thọ hiện ở trước mà có thể biết, có thể thấy; vị ấy tư duy nguồn gốc của nó, không nương tựa vào đâu mà tự vui thú, không khởi niệm tưởng về thế gian[18]. Ở trong đó cũng không kinh sợ. Do không kinh sợ mà đạt đến Niết-bàn, như thật biết rằng: “Sinh[19] đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc phải làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.” Tỳ-kheo bên trong tự quán thọ như vậy, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo. Bên ngoài tự quán thọ[20], nội ngoại quán thọ, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo. Như vậy Tỳ-kheo nội ngoại quán thọ.
Thế nào là quán tâm, tâm pháp[21] mà tự vui thú*? Ở đây, Tỳ-kheo có tâm ái dục, liền tự giác tri có tâm ái dục; không có tâm ái dục cũng thì tự giác tri không có tâm ái dục. Có tâm sân nhuế, liền tự giác tri có tâm sân nhuế; không có tâm sân nhuế, cũng tự giác tri không có tâm sân nhuế. Nếu có tâm ngu si, liền tự giác tri có tâm ngu si; không có tâm ngu si, liền tự giác tri ta không có tâm ngu si. Nếu có tâm ái niệm, liền tự giác tri có tâm ái niệm; không có tâm ái niệm, cũng tự giác tri không có tâm ái niệm. Có tâm thọ nhập[22], thì tự giác tri có tâm thọ nhập; không tâm thọ nhập, thì tự giác tri không có tâm thọ nhập. Nếu có tâm loạn[23], thì tự giác tri có tâm loạn; không có tâm loạn niệm, cũng tự giác tri không có tâm loạn niệm. Có tâm tán lạc[24], liền tự giác tri có tâm tán lạc; không có tâm tán lạc, liền tự giác tri không có tâm tán lạc. Có tâm phổ biến, liền tự giác tri có tâm phổ biến; không có tâm phổ biến, cũng tự giác tri không có tâm phổ biến. Có tâm lớn, liền tự giác tri có tâm lớn; không có tâm lớn cũng tự giác tri không có tâm lớn. Có tâm vô lượng, liền tự giác tri có tâm vô lượng; không có tâm vô lượng, cũng tự giác tri không có tâm vô lượng. Có tâm Tam-muội, liền giác tri có tâm Tam-muội30; không có tâm Tammuội, cũng giác tri không có tâm Tam-muội. Tâm chưa giải thoát, liền tự giác tri tâm chưa giải thoát; tâm đã giải thoát, cũng tự giác tri tâm đã giải thoát. Như vậy, Tỳ-kheo tu ý chỉ với sự quán sát tướng của tâm nơi[25]; quán tập pháp, quán diệt pháp, cùng quán pháp tập diệt*; tư duy quán pháp mà tự vui thú. Những gì mà[26] có thể biết, có thể thấy, có thể tư duy, không thể tư duy, không nương tựa cái gì, không khởi lên niệm tưởng thế gian[27]. Đã không khởi tưởng liền không sợ hãi. Đã không sợ hãi liền được vô dư. Đã được vô dư liền được Niết-bàn, như thật biết rằng: “Sinh* đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân đời sau nữa.”
Như vậy, Tỳ-kheo tu tập ý chỉ, bên trong tự quán tự tâm, trừ bỏ loạn tưởng, không có sầu lo; tu tập ý chỉ, bên ngoài tự quán tâm, nội ngoại quán tâm, trừ bỏ loạn niệm, không có sầu lo. Như vậy, Tỳ-kheo tu tập ý chỉ quán tướng của tâm nơi tâm*. Thế nào là Tỳ-kheo tu ý chỉ, quán tướng của pháp nơi pháp? Ở đây, Tỳ-kheo tu Niệm giác ý[28], y quán, y vô dục, y diệt tận, trừ bỏ các pháp ác. Tu Pháp giác ý[29], tu Tinh tấn giác ý, tu Niệm giác ý[30], tu Ỷ giác ý[31], tu Tam-muội giác ý, tu Hộ giác ý,[32] y quán, y vô dục, y diệt tận, trừ bỏ các pháp ác. Như vậy, Tỳ-kheo tu ý chỉ, quán tướng của pháp nơi pháp.
Lại nữa, Tỳ-kheo đã giải thoát khỏi ái dục[33], trừ pháp ác bất thiện, có giác, có quán[34], có ỷ niệm và lạc[35], ở nơi Sơ thiền mà tự vui thú. Như vậy, Tỳ-kheo tu ý chỉ, quán tướng của pháp nơi pháp.
Lại nữa, Tỳ-kheo xả hữu giác, xả hữu quán, bên trong phát hoan hỷ[36], chuyên nhất ý[37], thành không giác, không quán, niệm ỷ hỷ an[38]; vào Nhị thiền mà tự vui thú. Như vậy, Tỳ-kheo tu ý chỉ, quán tướng của pháp nơi pháp.
Lại nữa, Tỳ-kheo xả niệm, tu nơi hộ,[39] hằng tự giác tri[40], thân có tri giác lạc, điều mà các Hiền thánh mong cầu, hộ và niệm thanh tịnh[41] hành nơi Tam thiền. Như vậy, Tỳ-kheo tu ý chỉ, quán tướng của pháp nơi pháp.
Lại nữa, Tỳ-kheo xả tâm lạc khổ, không còn có ưu và hỷ, không lạc không khổ, hộ niệm thanh tịnh[42], vui thú nơi Tứ thiền. Như vậy, Tỳ-kheo tu ý chỉ, quán tướng của pháp nơi pháp.
Vị ấy, hành pháp tập, hành pháp diệt tận, cùng hành pháp tập diệt mà tự vui thú, liền được ý chỉ nơi pháp mà hiện ra trước, có thể biết, có thể thấy, trừ bỏ loạn tưởng, không nương tựa cái gì, không khởi tưởng thế gian. Đã không khởi tưởng liền không sợ hãi. Đã không sợ hãi thì như thật biết rằng: “Sinh* đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa.”
Nay các Tỳ-kheo, y chỉ trên con đường một lối vào mà chúng sinh được thanh tịnh, xa lìa sầu ưu, lại không có tưởng ưu[43] hỷ, đạt được trí tuệ, chứng ngộ Niết-bàn[44]. Đó là diệt năm triền cái, tu bốn Ý chỉ.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta ở trong đây không thấy một pháp nào đưa đến hoại diệt nhanh như ganh ghét, đố kỵ đối với người phạm hạnh. Cho nên, các Tỳ-kheo nên tu hành từ nhẫn, thân hành Từ, khẩu hành Từ, ý hành Từ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có một người mà khi xuất hiện ở thế gian thì tối tôn, tối thượng trên cả chư Thiên, loài người, ma, cùng Thiên ma, Sa-môn, Bà-la-môn tối tôn, ai sánh bằng; đó là ruộng phước, bậc nhất đáng thừa sự, đáng tôn kính. Thế một người ấy là ai? Là Như Lai, Bậc A-la-ha Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó gọi là một người mà khi xuất hiện ở thế gian, thì tối tôn, tối thượng, vượt qua chư Thiên, loài người, A-tu-luân, ma cùng Thiên ma, Samôn, Bà-la-môn không ai sánh bằng; đó là ruộng phước bậc nhất, đáng thừa sự, đáng tôn kính. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên thường cúng dường Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ai chăm sóc bệnh nhân, là người ấy đã chăm sóc Ta. Ai khán hộ bệnh nhân, là người ấy đã khán hộ Ta. Vì sao? Ta nay muốn đích thân khán hộ người tật bệnh.
Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một người nào mà bố thí cho vị ấy thì sự bố thí này không gì vượt qua, tối thượng trên cả sự bố thí cho chư Thiên, thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn. Hành thí này mới đích thật là thí, được quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng đồn vang khắp, được pháp vị cam lồ. Nghĩa là bố thí đến Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác. Nên biết, đó là bố thí tối thượng trong sự bố thí, không có gì vượt qua. Hành thí này mới đích thật là thí, được quả báo lớn, được công đức lớn. Nay Ta vì nhân duyên này mà nói ra như vầy: Chăm sóc bệnh nhân, tức là đã chăm sóc Ta không khác. Các ông lâu dài được phước lợi lớn. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ai tán thán A-luyện-nhã tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì hiện tại lúc nào Ta cũng tự tán thán hạnh A-luyện-nhã. Ai bài báng A-luyện-nhã tức là đã bài báng Ta.
Ai tán thán khất thực tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì lúc nào Ta cũng tán thán người hay khất thực. Ai hủy báng khất thực tức là đã hủy báng Ta. Ai tán thán người ngồi một mình tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người hay ngồi một mình. Ai hủy báng người ngồi một mình tức là đã hủy báng Ta.
Ai tán thán người một lần ngồi một lần ăn tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người một lần ngồi một lần ăn. Ai hủy báng người một lần ngồi một lần ăn tức là đã hủy báng Ta.
Ai tán thán người ngồi dưới bóng cây, tức là đã tán thán thân Ta không khác. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người ngồi dưới bóng cây. Ai hủy báng người ngồi dưới bóng cây, tức là đã hủy báng Ta.
Ai tán thán người ngồi ngoài trời tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người ngồi ngoài trời. Ai hủy nhục người ngồi ngoài trời, tức là đã hủy nhục Ta.
Ai tán thán người ở nơi trống vắng, tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người ở nơi trống vắng. Ai hủy nhục ngươi ở nơi trống vắng, tức là đã hủy nhục Ta.
Ai tán thán người khoác y năm mảnh, tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người khoác y năm mảnh. Ai hủy nhục ngươi khoác y năm mảnh tức là đã hủy nhục Ta.
Ai tán thán người trì ba y tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì lúc nào Ta cũng tán thán người trì ba y. Ai hủy nhục người trì ba y tức là đã hủy nhục Ta.
Ai tán thán người ngồi nơi gò mả tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người ngồi nơi gò mả. Ai hủy nhục người ngồi nơi gò mả tức là đã hủy nhục Ta.
Ai tán thán người ăn một lần tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người ăn một lần. Ai hủy nhục người ăn một lần tức là đã hủy nhục Ta.
Ai tán thán người ăn đúng giữa ngày, tức là đã tán thán thân Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán người ăn đúng giữa ngày. Ai hủy nhục người ăn đúng giữa ngày, tức là đã hủy nhục Ta.
Ai tán thán hạnh Đầu-đà tức là đã tán thán Ta. Vì sao? Vì Ta thường tán thán các hạnh Đầu-đà. Ai hủy nhục hạnh Đầu-đà, tức là đã hủy nhục Ta[45].
Nay Ta dạy các Tỳ-kheo nên như sở hành của Đại Ca-diếp, không để có điều rơi rớt mất. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Ca-diếp có các hạnh này. Cho nên sở học của các Tỳ-kheo thường nên như Ca-diếp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt, cùng câu hội với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp sống ở A-luyệnnhã, đến giờ khất thực thì không phân biệt giàu nghèo. Ở một nơi ngồi một chỗ không bao giờ di dịch. Ngồi dưới bóng cây, hay ngoài trời, hoặc nơi trống vắng. Khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hạnh Đầu-đà dù tuổi cao già cả.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp sau khi ăn xong, liền đến dưới bóng cây thiền định. Thiền định xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, đến chỗ Thế Tôn. Lúc ấy, Thế Tôn từ xa nhìn thấy Ca-diếp lại. Thế Tôn bảo rằng:
–Thiện lai, Ca-diếp!
Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên.
Thế Tôn bảo:
–Ca-diếp, nay ông tuổi đã cao già cả, chí kém, suy nhược. Nay ông nên bỏ khất thực, cho đến các hạnh Đầu-đà; cũng nên nhận lời mời của các gia chủ và nhận xiêm y.
Ca-diếp thưa:
–Hôm nay, con không dám theo lời dạy của Như Lai. Vì sao? Vì nếu Như Lai không thành tựu đạo Vô thượng chánh chân thì con sẽ thành Bíchchi-phật. Nhưng Bích-chi-phật kia lúc nào cũng hành A-luyện-nhã hết, đến giờ khất thực thì không phân biệt giàu nghèo. Ở một nơi ngồi một chỗ không bao giờ di dịch. Ngồi dưới bóng cây, hay ngoài trời, hoặc nơi trống vắng. Khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hạnh Đầu-đà. Thật hôm nay, con không dám bỏ thói quen gốc cũ, mà học hạnh khác.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay, Ca-diếp! Đã làm nhiều lợi ích và độ người vô lượng; rộng đến tất cả trời người được độ. Vì sao? Vì này Ca-diếp, nếu hạnh Đầu-đà này còn ở thế gian thì pháp của Ta cũng sẽ tồn tại lâu ở thế gian. Nếu pháp mà tồn tại ở đời thì Thiên đạo sẽ tăng, ba đường dữ liền giảm, cũng thành tựu Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và đạo ba thừa đều còn ở đời.
Này các Tỳ-kheo, phải học như những gì Cadiếp đã tu tập. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Lợi dưỡng rất nặng, làm cho con người không đến được đạo Vô thượng chánh chân. Vì sao?
Này các Tỳ-kheo, vì Đề-bà-đạt-đâu ngu si kia nhận lấy năm trăm chỗ thức ăn cúng dường của vương tử Bà-la-lưu-chi kia. Nếu ông ta không cúng dường thì Đề-bà-đạt-đâu ngu si không bao giờ làm việc ác này. Vì vương tử Bà-la-lưu-chi ngày nào cũng đem năm trăm chõ thức ăn đến cúng dường, nên Đề-bà-đạt-đâu mới khởi lên ác ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào trong địa ngục Ma-ha A-tỳ. Vì phương tiện này, nên biết, lợi dưỡng là rất nặng sẽ làm cho con người không đến được đạo Vô thượng chánh chân. Nếu tâm chưa sinh lợi dưỡng thì chớ để nó sinh, đã sinh thì hãy diệt nó. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá, cùng câu hội với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đâu loạn phá Tăng, đả thương chân Như Lai, xúi A-xà-thế sát hại phụ vương, lại giết Tỳ-kheo-ni A-la-hán. Ở trong chúng, ông lại nói như vầy:
–Chỗ nào có ác? Ác sinh ra từ đâu? Ai làm ác này, phải chịu báo đó. Ta cũng không làm ác này, mà chịu báo đó.
Bấy giờ, có các Tỳ-kheo vào thành La-duyệt khất thực mà nghe những lời này:
–Kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu, ở trong đại chúng tuyên bố rằng: “Chỗ nào có ác? Ác sinh ra từ đâu? Ai làm ác này, phải chịu báo đó. Ta cũng không làm ác này, mà chịu báo đó.”
Sau khi các Tỳ-kheo ăn xong, cầm lấy y bát, vắt ni-sư-đàn lên vai phải, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
–Kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu ở trong đại chúng tuyên bố rằng: “Tại sao làm ác không có tai ương, làm phước không có báo? Không có ai nhận báo thiện ác cả.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ác thì có tội. Thiện hành, ác hành đều có báo ứng cả. Nếu kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu kia biết có báo thiện ác thì sẽ sầu lo khô héo không vui, sẽ ói ra máu sôi. Vì kẻ ngu Đề-bà-đạt-đâu kia không biết có báo thiện ác, cho nên ở trong đại chúng mới tuyên bố là không có báo thiện ác; làm ác không tai ương, làm phước không có phước.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người ngu xét tự rõ
Làm ác không có báo
Nay Ta biết rõ trước
Báo ứng của thiện ác.
Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy lìa xa ác, làm phước chớ mệt mỏi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nhận lợi dưỡng người rất nặng, không dễ; nó khiến con người không đến được nơi vô vi. Vì sao? Vì báo lợi dưỡng cắt vào da người. Đã cắt da rồi cắt thịt. Đã cắt thịt rồi cắt xương. Đã cắt xương liền thấu tủy.
Cho nên các Tỳ-kheo, nhờ phương tiện này mà biết lợi dưỡng rất là nặng. Nếu tâm lợi dưỡng chưa sinh thì chớ để nó sinh, đã sinh thì tìm cách diệt nó. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nhận lợi dưỡng người thật là không dễ; nó khiến con người không đến được nơi vô vi. Vì sao? Vì nếu Tỳ-kheo Sư-lợi-la[46] kia không tham lợi dưỡng thì sẽ không tạo ra việc sát sinh vô lượng như vậy, để thân hoại mạng chung sinh vào trong địa ngục.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Nhận nhiều lợi dưỡng người
Phá hạnh thanh bạch người
Cho nên phải giữ tâm
Chớ tham đắm vào vị.
Sư-lợi nhờ đắc định
Cho đến cung Thiên đế
Liền sút giảm thần thông
Rơi vào lò sát sinh.
Cho nên các Tỳ-kheo, nhờ vào phương tiện này mà biết việc nhận lợi dưỡng người thật là không dễ. Tâm lợi dưỡng chưa sinh, chế ngự nó đừng cho sinh. Tâm nay đã sinh tìm cách diệt. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
❑
[1] . Tham chiếu, Pāli, M. 10 Mahāsatipaṭṭhāna (R i. 55 ff).
[2] . Pāli: Phật trú tại thôn Kammāsadhamma, xứ Kuru.
[3] . Hán: Nhất nhập đạo. Pāli: Ekāyano maggo, con đường có một lối đi duy nhất.
[4] . Tứ Ý chỉ: Bốn chỗ y chỉ của ý. Thường nói là bốn Niệm xứ, hay bốn Niệm trụ. Pāli: Cattāro satipaṭṭhānā.
[5] . Xem kinh số 3, phẩm 10.
[6] . Thứ tự có đảo lộn.
[7] . Điệu hý, thường nói là trạo cử: Cử động bồn chồn, bức rức không yên.
[8] . Hán: Nội tự quán thân. Pāli: Bhikkhu kāye àyānupassī vaharti, Tỳ-kheo an trú (sống) với sự quán thân trên (trong, nơi) thân.
[9] . Nguyên Hán: Quán thống thống. Pāli: Vedanāsu vedanānupassī, quán thọ trên (nơi) các thọ.
[10] . Hán: Tự ngu lạc 自 娛 樂。Pāli: Viharati, (vị ấy) an trú.
[11] . Hán: Chi cao 脂 膏 , phân biệt với phương 肪 , cũng là mỡ, kể sau. 16 Hán: Phương 肪 , phân biệt với chi cao 脂 膏 kể trên; đều chỉ mỡ.
[12] Hán: Bạch kha 白 珂 , trắng như mã não.
[13] . Hán: Thực lạc thống 食 樂 痛 , cảm thọ lạc thuộc vật chất, nhục thể. Pāli: Sāmisaṃ và sukhaṃ vedanaṃ.
[14] . Hán: Bất thực lạc thống 不 食 樂 痛 , cảm thọ lạc không thuộc vật chất, phi nhục thể. Pāli: Nirāmisaṃ vedanaṃ.
[15] Để bản: Tập (tu tập) pháp 習 法 ; không có chữ quán 觀。Theo văn mạch dưới, nên hiểu là quán pháp tập khởi nơi các thọ, tức quán tập khởi hay nguyên nhân sinh khởi của các thọ. Pāli: Samudayadhammānupassī vā vedanāsu vi harati, (Tỳ-kheo ấy) an trú (sống), quán sát pháp tập khởi nơi các thọ.
[16] . Hán: Quán tận pháp 觀 盡 法。Pāli: Vayadhammānupassī và vedanāsu viharati, vị ấy an trú, quán sát pháp bại hoại nơi các thọ.
[17] . Hán: Quán tập tận chi pháp 觀習盡之法。Pāli: Samudayavayadhammānupassī và vedanāsu viharati, vị ấy an trú, quán sát pháp khởi diệt nơi các thọ.
[18] . Pāli: Yāvadeva ĩàṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati na ca kiñci loke upādayati, cho đến như vậy, vị ấy an trú (sống) không nương tựa cái gì, không chấp thủ bất cứ cái gì trên đời, chỉ hướng đến tuệ, chỉ hướng đến niệm.
[19] Để bản: Sinh tử 生 死 ; có thể chép dư chữ tử 生。
[20] Ý nghĩa: Quán thọ nới người khác.
[21] Hán: Quán tâm tâm pháp. Pāli: Citte cittānupassī, quán tâm nơi tâm.
[22] . Hán: Thọ nhập tâm 受 入 心 , chỉ tâm được thâu rút lại (Pāli: Saṃkhittaṃ và cittaṃ); đối lại với tâm loạn và tâm tán lạc kể sau (Pāli: Vikhittaṃ và cittaṃ).
[23] . Để bản: Loạn niệm tâm 亂 念 心 ; tiếp theo dưới: Loạn tâm 亂 心. TNM: Loạn tâm 亂 心。
[24] . Hán: Tán lạc tâm 散 落 心 , “tâm rơi vãi” đồng nghĩa với tâm loạn kể trên. Pāli: (Vikkhittaṃ cittaṃ). 30 Hán: Tam-muội tâm 三 昧 心。Pāli: Samāhitaṃ cittaṃ, tâm định, tập trung.
[25] Để bản: Tâm tướng quán ý chỉ 心 相 觀 意 止。Y theo đoạn dưới thêm một chữ tâm: Tâm tâm tướng quán ý chỉ 心 心 相 觀 意 止。
[26] . Theo ngữ cảnh, ở đây hình như thiếu một đoạn nói trong quán về các thọ ở trên, và quán pháp ở sau:
“(những cái đó, các thọ hay các trạng thái của tâm) mà đang hiện tại trước mắt, có thể biết…”
[27] . Văn mạch, như đoạn trên về quán thọ. Văn dịch ở đây có chỗ thêm bớt. Xem cht. 23 trên.
[28] . Niệm giác ý 念 覺 意 , hay Niệm giác chi (Pāli: Satisambojjhaṅga). Tham chiếu Pāli: Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu dhammesu dhammānupassī viharati sattasu bojjhaịgesu, “Lại nữa, Tỳ-kheo sống quán pháp trong các pháp trong bảy Giác chi.”
[29] . Pháp giác y 法 覺 意 , hay Trạch pháp giác chi. Pāli: Dhammavicayasambojjhaṅga.
[30] . Niệm giác ý 念 覺 意 ; đây phải kể là Hỷ giác chi, không đồng nhất với niệm đã kể trên. Pāli: Pītisambojjhaṅga.
[31] Ỷ giác ý, hay Khinh an giác chi. Pāli: Passaddhisambojjhaịga.
[32] Hộ giác ý, tức Xả giác chi. Pāli: Upekkhāsambojjhaṅga.
[33] . Hán: Ư ái dục giải thoát 於 愛 欲 解 脫 , chỉ trạng thái ly dục, không còn ham muốn nơi ngũ dục, của người nhập Sơ thiền.
[34] . Hữu giác hữu quán 有 覺 有 觀 tức có tầm, có tứ. Pāli: Savitakkaṃ savicāraṃ.
[35] . Hữu ỷ niệm lạc 有 猗 念 樂 , tức có hỷ và lạc do viễn ly sinh (Pāli: Vivekajaṃ pītisukhaṃ).
[36] . Xem Huyền Trang, Pháp Uẩn 5 (T26n1537, tr. 482b3, 484a18): Nội đẳng tịnh 內 等 淨。Trạng thái trừng tịnh và quân bình nội tâm. Skt. Adhyātma-saṃpasāda (Pāli không có).
[37] . Huyền Trang, ibid. (482b03, 484a20): Tâm nhất thú tính 心 一 趣 性 , tâm tập trung trên một điểm. Skt. Cittasyaikāgratā (Pāli: Cittaggatā).
[38] . Hán: Niệm ỷ hỷ an 念 猗 喜 安。Cf. Huyền Trang, ibid. (482b03): Định sinh hỷ lạc 定生喜樂, có hỷ lạc phát sinh do định. Pāli: Samādhijaṃ pītisukhaṃ.
[39] . Hán: Xả ư niệm, tu ư hộ 捨 於 念。修 於 護。Cf. Huyền Trang, ibid. (482b04): Ly hỷ, trụ xả 離 喜 住捨。
[40] . Cf. Huyền Trang, ibid. (482b05): Chánh niệm chánh tri 正 念 正 知。
[41] . Hán: Hộ niệm thanh tịnh 護 念 清 淨 , hai chữ thanh tịnh 清 淨 , nghi dư. Vì nó chỉ trạng thái thiền thứ tư, được nói sau đó. Cf. Pāli: Yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti upekkhako satimā sukhavihārī, điều mà các Thánh mong cầu là xả, vị ấy an trú lạc cùng với niệm.
[42] . Hán: Hộ niệm thanh tịnh 護 念 清 淨。Pāli: Upekkhā sati parisuddhaṃ catutthajjhānaṃ, thiền thứ tư thanh tịnh với xả và niệm.
[43] . Để bản: Phục hỷ 復 喜。TNM: Ưu hỷ 憂 喜。
[44] Hán: Niết-bàn chứng. Pāli: Nibbānassa sacchikiriyā.
[45] . Đoạn trên, mười hai Đầu-đà hành, theo các kinh luận Đại thừa. Hữu bộ Tỳ-nại-da, Giải thoát đạo luận và Luật tạng Pāli, liệt kê mười ba hành. Liệt kê theo Pāli, Vin. v. 131, 193: 1. Āraññika, lâm trụ, chỉ sống trong rừng. 2. Piṇḍapātika, thường hành khất thực. 3. Paṃsukūlika, phấn tảo y. 4. Rukkhamūlika, chỉ ngồi dưới gốc cây. 5. Sosānika, chỉ nghỉ tại các bãi tha ma. 6. Abbhokāsika, chỉ ngồi giữa trời trống. 7. Tecīvarika, chỉ thọ trì ba y. 8. Sapadānacrika, khất thực tuần tự. 9. Nesajjika, thường ngồi không nằm. 10. Yathāsanthatika, tùy ngọa cụ, không chọn lựa. 11. Ekāsanika, nhất tọa thực, ăn một bữa, nếu đứng dậy, không ngồi ăn trở lại. 12. Khalupacchābhattika, sau khi đã ăn, không ăn thêm (dù chưa quá trưa). 13. Pattapiṇḍika, nhất bát thực.
[46] . Để bản: Sư-lợi-la 師 利 羅。NTM: Lợi-sư-la.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]