TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nhận lợi dưỡng người thật là không dễ. Nó làm con người không đến được nơi vô vi. Vì sao? Nếu Tỳ-kheo Tu-la-đà không tham lợi dưỡng, thì không bao giờ ở trong pháp của Ta mà bỏ ba pháp y làm người cư sĩ tại gia. Tỳ-kheo Tu-la-đà vốn tu hạnh A-luyện-nhã, đến giờ thì khất thực[1], tại một nơi ngồi một chỗ[2], hoặc ăn đúng ngọ, ngồi dưới bóng cây, ngoài trời, thích nơi trống vắng, khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc thích nơi gò mả, cần thân khổ hạnh, hành hạnh Đầu-đà này. Rồi khi ấy, Tỳ-kheo Tu-la-đà thường nhận sự cúng dường thức ăn trăm vị cung cấp hằng ngày của quốc vương Bồ-hô.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nhiễm ý nơi thức ăn này, dần dần bỏ hạnh A-luyện-nhã, như đến giờ thì khất thực, tại một nơi ngồi một chỗ, hoặc ăn đúng ngọ, ngồi dưới bóng cây, ngoài trời, thích nơi trống vắng, khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y, hoặc thích nơi gò mả, cần thân khổ hạnh. Đã bỏ hết hạnh này rồi, bỏ ba y, trở về làm bạch y, giết bò, sát sinh không thể kể hết; khi thân hoại mạng chung, sinh vào địa ngục.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, nhờ phương tiện này mà biết lợi dưỡng thật là nặng, làm cho con người không đến được đạo Vô thượng chánh chân. Nếu lợi dưỡng chưa sinh, hãy chế ngự chớ để nó sinh; đã sinh rồi tìm cách khiến diệt. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Hãy diệt một pháp. Ta xác chứng các ông thành quả thần thông, các lậu diệt tận. Một pháp gì? Đó là nếm vị dục.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy diệt vị ngọt của dục này. Ta xác chứng các ông thành quả thần thông, các lậu diệt tận.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Chúng sinh đắm vị này
Chết đọa vào đường ác
Nay nên bỏ dục này
Liền thành A-la-hán.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, thường nên bỏ tưởng đắm vị này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một gia chủ vừa mất một người con trai mà ông rất yêu mến, thương nhớ, chưa từng lìa xa. Ông thấy con chết, liền phát cuồng điên; đi lang thang qua lại khắp nơi. Nếu gặp ai thì cũng hỏi: “Có gặp con tôi không?[3]”
Rồi thì, người kia đi lần đến tinh xá Kỳ hoàn, đến chỗ Thế Tôn, đứng qua một bên, người kia bạch Thế Tôn rằng:
–Sa-môn Cù-đàm, thấy con tôi không? Thế Tôn hỏi gia chủ:
–Tại sao mặt mũi không vui, các căn thác loạn vậy?
Lúc ấy gia chủ thưa Cù-đàm rằng:
–Không vậy sao được? Vì sao? Hiện tại tôi chỉ có một đứa con trai, vì vô thường nó đã bỏ tôi. Tôi rất yêu mến thương nhớ chưa từng rời khỏi mắt; vì thương mến đứa con kia nên khiến tôi phát cuồng. Nay tôi hỏi Sa-môn, thấy con tôi không?
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, gia chủ, như những gì ông đã hỏi. Sinh, già, bệnh, chết là thường pháp của thế gian. Ân ái biệt ly là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ. Người con vì vô thường bỏ ông, há không nhớ nghĩ được sao?
Lúc đó, người kia nghe những gì Thế Tôn nói mà không để vào lòng, liền bỏ đi. Trên đường gặp người, lại nói như vầy:
–Sa-môn Cù-đàm nói rằng: “Ân ái mà biệt ly liền có khoái lạc.[4]” Như những gì Sa-môn đã nói, xét thật ra có đúng không?
Người trên đường đáp:
–Ân ái biệt ly, có gì là khoái lạc?
Lúc đó, cách thành Xá-vệ không xa, có nhiều người đang cùng nhau chơi bạc. Người kia tự nghĩ: “Những người nam này, thông minh trí tuệ, không việc gì không biết. Bấy giờ ta đem nghĩa này hỏi những người kia.” Nghĩ xong liền đến chỗ chơi cờ bạc, hỏi mọi người rằng:
–Sa-môn Cù-đàm nói với tôi rằng: “Ân ái biệt ly khổ[5], oán ghét gặp nhau khổ*, đó là khoái lạc.” Nay theo ý mọi người thế nào?
Lúc đó những người chơi bạc đáp người này rằng:
–Ân ái biệt ly có gì khoái lạc? Nói khoái lạc, nghĩa này không đúng[6].
Lúc đó, người kia liền tự nghĩ: “Xét lời Như Lai thì không bao giờ hư vong. Sao ân ái biệt ly mà sẽ có khoái lạc? Nghĩa này không đúng.” Bấy giờ, người kia vào thành Xá-vệ; đến bên ngoài cửa cung nói lên:
–Sa-môn Cù-đàm dạy như vầy: “Ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau, đó là khoái lạc.”
Bấy giờ, cả thành Xá-vệ và trong cung đều rao truyền lời này; khắp mọi nơi không đâu là không tới. Ngay lúc đó, đại vương Ba-tư-nặc cùng Malợi phu nhân ở trên lầu cao đang vui đùa với nhau. Khi ấy vua Ba-tư-nặc bảo Ma-lợi phu nhân rằng:
–Chắc là Sa-môn Cù-đàm có nói những lời này chăng: “Ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau, chúng đều khoái lạc?”
Phu nhân đáp:
–Tôi không được nghe những lời dạy này từ nơi Như Lai. Nhưng nếu Như Lai có dạy những lời này thì điều này cũng không phải là hư dối. Vua Ba-tư-nặc bảo rằng:
–Giống như thầy dạy đệ tử: “Nên làm điều này, nên bỏ điều này.” Thì đệ tử thưa rằng: “Xin vâng, Đại sư.” Này Ma-lợi, bà cũng lại như vậy. Sa-môn Cù-đàm kia tuy có như vậy, nhưng bà ưng theo nên bảo rằng đúng vậy không khác, không có hư vọng. Bà hãy đi nhanh đi, không cần đứng trước mặt ta nữa.
Bấy giờ, Ma-lợi phu nhân bảo Bà-la-môn Trúc Bác[7] rằng:
–Bây giờ, ông đến tinh xá Kỳ hoàn, đến chỗ Như Lai, nhân danh ta, quỳ gối sát chân Như Lai, lại đem nghĩa này bạch đầy đủ lên Thế Tôn rằng: “Người trong thành Xá-vệ và trong cung đang bàn luận về những lời mà Sa-môn Cù-đàm đã nói: ‘Ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau, đây là điều khoái lạc.’ Không rõ Thế Tôn có dạy điều này không?” Nếu Thế Tôn có dạy điều gì, thì ông hãy khéo ghi nhận trở về nói lại cho ta.
Lúc đó, Bà-la-môn Trúc Bác vâng theo lời dạy của phu nhân, tìm đến tinh xá Kỳ hoàn, đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi nhau. Sau khi chào hỏi nhau xong, ngồi lui qua một bên, Phạm chí kia bạch Thế Tôn:
–Ma-lợi phu nhân xin lễ sát chân Thế Tôn, thăm hỏi Như Lai đi đứng có nhẹ nhàng, thoải mái, khí lực có mạnh khỏe không? Giáo hóa kẻ mê mờ ngu muội có mệt lắm không? Lại thưa như vầy: “Khắp nơi trong thành Xá-vệ này rao truyền về những lời dạy của Sa-môn Cù-đàm như vầy:
‘Ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau, đó là điều khoái lạc.’ Không rõ Thế Tôn có dạy những lời này không?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bà-la-môn Trúc Bác rằng:
–Ở trong thành Xá-vệ này, có một gia chủ mất một người con trai. Ông ta nhớ người con này đến độ cuồng điên mất tánh, chạy lang thang khắp nơi, gặp người liền hỏi: “Ai thấy con tôi?” Như vậy, thì này Bà-la-môn, ân ái biệt ly khổ, oán ghét gặp nhau khổ. Đó là điều không có hoan lạc.
Ngày xưa trong thành Xá-vệ này, lại có một người vì vô thường mất mẹ già, cũng lại cuồng điên không biết Đông, Tây là gì. Lại có một người vì vô thường mất cha già, cũng lại vì vô thường anh em, chị em đều mất cả. Họ nhân thấy sự biến đổi của vô thường này nên phát cuồng điên, mất tánh, không còn biết Đông, Tây là gì.
Này Bà-la-môn, ngày xưa trong thành Xá-vệ này có một người, mới rước về một người vợ đoan chánh vô song. Sau đó một thời gian không lâu, người kia tự nhiên nghèo túng. Lúc ấy cha mẹ của người vợ thấy người này nghèo, liền nảy sinh ý nghĩ này: “Ta hãy đoạt con gái lại gả cho người khác.”
Người kia, sau đó rình nghe được chuyện cha mẹ nhà vợ muốn đoạt lại vợ mình để gả cho người khác.
Một hôm, người kia dắt dao bén trong áo, đến nhà vợ. Trong lúc đó, vợ ông ta đang dệt ở ngoài vách. Lúc này ông ta bước đến chỗ cha mẹ vợ hỏi: “Hiện tại vợ con đang ở đâu?
Mẹ vợ đáp: “Vợ con đang dệt dưới bóng mát ngoài vách.”
Lúc này, người kia liền đến chỗ vợ, đến rồi hỏi vợ rằng: “Rằng cha mẹ nàng muốn đoạt nàng để gả cho người khác phải không?” Vợ đáp: “Không sai, có lời này. Nhưng tôi không thích nghe lời này vậy.”
Bấy giờ, người kia liền rút dao bén đâm chết vợ, rồi lấy dao bén tự đâm vào bụng mình và nói lời này: “Cả hai ta cùng chọn lấy cái chết.”
Này Bà-la-môn, hãy bằng phương tiện này để biết, ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau khổ. Đó là điều sầu lo, thật không thể nào nói được.
Bấy giờ, Bà-la-môn Trúc Bác bạch Thế Tôn:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn. Có những điều bức não này thật khổ, không vui. Vì sao? Xưa con có một đứa con cũng vì vô thường bỏ con, ngày đêm thương nhớ canh cánh bên lòng. Vì nhớ con nên tâm ý cuồng điên, giong ruổi khắp nơi, gặp người liền hỏi: “Ai thấy con tôi?” Nay những gì Sa-môn Cù-đàm đã nói thật đúng như vậy. Vì việc nước bận rộn đa đoan, con muốn trở về chỗ mình.
Thế Tôn bảo:
–Hiện tại đã đúng lúc.
Bà-la-môn Trúc Bác từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi ra đi. Về chỗ Malợi phu nhân, đem nhân duyên này tâu lại đầy đủ cho phu nhân. Lúc ấy, Ma-lợi phu nhân lại đến chỗ vua Ba-tư-nặc, đến rồi, tâu đại vương rằng: –Hôm nay tôi có điều muốn hỏi, nguyện xin đại vương nghe qua rồi trả lời cho từng việc. Thế nào đại vương, có tưởng đến vương tử Lưu-ly[8] không? Vua trả lời:
–Rất nhớ, thương yêu canh cánh bên lòng.
Phu nhân hỏi:
–Nếu vương tử có biến đổi gì, đại vương có lo không?
Vua lại trả lời:
–Đúng vậy, phu nhân. Như những gì bà nói.
Phu nhân hỏi:
–Đại vương nên biết, ân ái biệt ly đều dẫn đến sầu khổ. Thế nào, tâu đại vương, có tưởng đến vương tử Y-la[9] không? Vua trả lời:
–Ta rất yêu quý.
Phu nhân hỏi:
–Đại vương. Nếu vương tử có biến đổi gì, đại vương có sầu ưu không?
Vua trả lời:
–Rất là sầu ưu.
Phu nhân bảo:
–Nên bằng phương tiện này để biết ân ái biệt ly không mang lại hoan lạc. Thế nào, đại vương có tưởng đến bà Tát-la-đà dòng Sát-lợi[10] không?
Vua trả lời: –Thật là yêu quý thương nhớ. Phu nhân nói:
–Thế nào, tâu đại vương, giả sử nếu phu nhân Tát-la có biến đổi gì, đại vương có sầu lo không?
Vua trả lời: –Ta có sầu lo. Phu nhân nói:
–Đại vương nên biết, ân ái biệt ly, điều này là khổ.
Phu nhân nói: –Vua nhớ thiếp không? Vua nói: –Yêu nhớ khanh. Phu nhân nói:
–Giả sử thân thiếp có biến đổi gì, đại vương có sầu ưu không?
Vua nói:
–Giả sử thân khanh có mất đi thì ta rất sầu ưu.
–Đại vương, nên bằng phương tiện này để biết ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau, không có gì hoan lạc.
Phu nhân nói:
–Thế nào, đại vương có tưởng đến dân chúng Ca-thi và Câu-tát-la không? Vua nói:
–Ta rất yêu nhớ nhân dân Ca-thi và Câu-tát-la. Phu nhân nói:
–Giả sử nhân dân Ca-thi và Câu-tát-la có biến đổi gì, đại vương có sầu ưu không?
Vua nói:
–Nếu nhân dân Ca-thi và Câu-tát-la có biến đổi gì thì mạng ta cũng không còn; huống chi nói đến sầu ưu. Vì sao? Vì ta nhờ vào sức nhân dân nước Ca-thi và Câu-tát-la nên được tồn tại. Bằng phương tiện này mà biết mạng cũng không còn, huống chi là không sinh sầu ưu.
Phu nhân nói:
–Do đây để biết, ân ái biệt ly đều có khổ này, mà không có hoan lạc.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Thế Tôn, nói như vầy:
–Thật là kỳ lạ. Thật là kỳ lạ. Thế Tôn kia đã nói pháp này. Nếu Sa-môn Cù-đàm kia đến, tôi sẽ cùng bàn luận.
Vua lại bảo phu nhân:
–Từ nay về sau ta sẽ xem trọng khanh hơn thường ngày, cho phép phục sức không khác ta. Bấy giờ, Thế Tôn nghe Ma-lợi phu nhân lập ra luận cứ này cho đại vương, liền bảo các Tỳ-kheo: –Ma-lợi phu nhân thật rất là thông minh. Giả sử nếu vua Ba-tư-nặc hỏi Ta những lời này, thì Ta cũng dùng nghĩa này để nói cho vua kia, như những gì phu nhân đã nói cho vua không có khác. Lại bảo các Tỳ-kheo:
–Trong hàng Thanh văn của Ta, Ưu-bà-tư chứng chí tín kiên cố bậc nhất, chính là Ma-lợi phu nhân.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Nai trong rừng Quỷ,[12] núi Thi-mục-ma-la[13], nước Bạt-kỳ[14].
Bấy giờ, gia chủ, ông của Na-ưu-la[15], đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, giây lát lui khỏi chỗ ngồi, bạch Thế Tôn rằng:
–Tuổi con ngày đã suy yếu, lại mang tật bệnh, có nhiều điều ưu não. Nguyện xin Thế Tôn tùy thời dạy dỗ khiến cho chúng sinh được lâu dài an ổn.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo gia chủ rằng:
–Như những gì ông đã nói, thân có nhiều lo sợ, đau đớn, nào đáng để cậy nương. Nó chỉ có lớp da mỏng bao phủ lên. Trưởng giả nên biết, ai ỷ tựa vào thân này, để có thể thấy được cái vui trong chốc lát, đó là tâm niệm của kẻ ngu, chứ không phải là điều quý của người trí. Cho nên, này trưởng giả, dù thân[16] có bệnh, nhưng không để tâm bệnh. Như vậy, này trưởng giả, hãy học điều này.
Trưởng giả sau khi nghe Phật nói những điều này, từ chỗ ngồi đứng dậy, làm lễ sát chân Thế Tôn, rồi ra về.
Bấy giờ, trưởng giả lại tự nghĩ: “Nay ta có thể đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất để hỏi nghĩa này.” Lúc đó, Xá-lợi-phất đang ngồi dưới bóng cây cách đó không xa. Ông của Na-ưu-la đến chỗ Xálợi-phất, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Xá-lợi-phất hỏi trưởng giả:
–Hôm nay, trưởng giả nhan sắc tươi vui, các căn tịch tĩnh, ắt có lý do. Này trưởng giả, chắc ông đã nghe pháp từ Phật phải không?
Lúc đó, trưởng giả bạch Xá-lợi-phất rằng:
–Thế nào, Tôn giả Xá-lợi-phất, làm sao mặt mày không tươi vui được? Vì sao? Vì con đã được Thế Tôn đem pháp cam lồ tưới rót vào lòng.
Trưởng giả thưa tiếp:
–Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, con đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy con bạch Thế Tôn rằng: “Tuổi con đã lớn, suy yếu, thường mang tật bệnh, khổ đau nhiều điều, không thể kể xiết. Nguyện xin Thế Tôn phân biệt thân này khiến tất cả chúng sinh đều được sự an ổn này.”
Lúc ấy Thế Tôn liền bảo con rằng: “Đúng vậy, trưởng giả! Thân này nhiều sợ hãi, khổ đau, chỉ có lớp da mỏng bao phủ. Trưởng giả nên biết, ai ỷ tựa vào thân này để có thể thấy được cái vui trong chốc lát, không biết lâu dài phải chịu vô lượng khổ. Cho nên, này trưởng giả, ở đây dù thân có hoạn, nhưng không để tâm tai hoạn. Như vậy, này trưởng giả, hãy học điều này.”
Thế Tôn đem pháp cam lồ này tưới rót vào lòng con. Xá-lợi-phất nói:
–Thế nào, trưởng giả, sao không hỏi thêm Như Lai nghĩa này? Thế nào là thân có hoạn, tâm không hoạn? Thế nào là thân có bệnh, tâm không bệnh?
Trưởng giả bạch Xá-lợi-phất rằng:
–Đúng là con đã không đem việc này hỏi thêm Thế Tôn, thân có hoạn, tâm có hoạn; thân có hoạn, tâm không hoạn.
Tôn giả Xá-lợi-phất, chắc ngài biết việc này, mong phân biệt đầy đủ.
Xá-lợi-phất nói:
–Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Tôi sẽ vì ông mà diễn rộng nghĩa này. Đáp:
–Xin vâng. Xá-lợi-phất bảo trưởng giả:
–Này gia chủ, người phàm phu không gặp Thánh nhân, không lãnh thọ Thánh giáo, không theo lời giáo huấn, cũng không gặp Thiện tri thức, không theo hầu Thiện tri thức; nên chúng chấp sắc là ngã, sắc là của ngã, ngã là của sắc; trong sắc có ngã, trong ngã có sắc; sắc kia, sắc ta cùng hòa hợp một chỗ. Sắc kia sắc ta vì đã tập họp một chỗ; bấy giờ sắc bị bại hoại, di chuyển không dừng, ở đó lại sinh khởi sầu lo, khổ não. Đối với thọ*, tưởng, hành, thức đều nhận thấy ngã có... thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức; thức kia, thức ta hòa họp một chỗ. Thức kia, thức ta vì đã hòa hợp một chỗ; nên khi thức bị bại hoại, di chuyển không dừng, ở đó lại sinh khởi sầu lo, khổ não. Như vậy, này trưởng giả, thân cũng có hoạn, tâm cũng có hoạn.
Trưởng giả hỏi Xá-lợi-phất:
–Thế nào là thân có hoạn, tâm không hoạn? Xá-lợi-phất nói:
–Trưởng giả, ở đây đệ tử Hiền thánh thừa sự Thánh hiền, tu hành cấm pháp, cùng theo hầu Thiện tri thức, gần gũi Thiện tri thức. Họ cũng không quán ngã có sắc, không thấy trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, không thấy sắc là của ngã, ngã là của sắc; mà sắc kia di chuyển không dừng. Khi sắc kia chuyển dịch, vị ấy không sinh ra sầu lo khổ não đối với tai hoạn của sắc. Cũng lại không thấy thọ*, tưởng, hành, thức; không thấy trong thức có ngã, trong ngã có thức; cũng không thấy thức là của ngã, cũng không thấy ngã là của thức. Thức kia, thức ta hội họp một chỗ mà khi thức bị bại hoại, ở đây không sinh khởi sầu lo, khổ não. Như vậy, này trưởng giả, thân có hoạn mà tâm không hoạn.
Như vậy, này trưởng giả, nên tu tập điều này, quên thân, trừ tâm, cũng không nhiễm đắm. Này trưởng giả, hãy học điều đó.
Ông của Na-Ưu-la sau khi nghe những gì Xálợi-phất nói, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho hàng vạn người đang vây quanh trước sau.
Lúc ấy, có Bà-la-môn Giang Trắc[18] vai gánh một gánh nặng đến chỗ Thế Tôn. Đến rồi, đặt gánh một bên chỗ Thế Tôn, đứng im lặng. Bấy giờ, Bàla-môn suy nghĩ như vầy: “Hôm nay Sa-môn Cùđàm thuyết pháp cho hàng vạn ngàn người vây quanh trước sau. Hiện tại ta thanh tịnh không khác gì Sa-môn Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm ăn lúa gạo cùng các loại thức ăn tốt, hiện tại ta chỉ ăn trái cây để tự nuôi mạng sống.”
Bấy giờ, Thế Tôn đã biết những ý nghĩ trong tâm Bà-la-môn, nên bảo các Tỳ-kheo:
–Nếu có chúng sinh nào mà tâm bị nhuộm dính với hai mươi mốt kết, thì nên quán sát rằng người đó chắc chắn sẽ đọa đường dữ, không sinh về cõi lành. Những gì là hai mươi mốt kết? Sân tâm kết, nhuế hại tâm kết, thùy miên tâm kết, điệu hý tâm kết, nghi tâm kết, nộ tâm kết, kỵ tâm kết, não tâm kết, tật tâm kết, tắng tâm kết, vô tàm tâm kết, vô quý tâm kết, huyễn tâm kết, gian tâm kết, ngụy tâm kết, tránh tâm kết, kiêu tâm kết, mạn tâm kết, đố tâm kết, tăng thượng mạn tâm kết, tham tâm kết.
Này các Tỳ-kheo, nếu người nào mà tâm bị nhuộm dính với hai mươi mốt kết, thì nên quán sát rằng người đó chắc chắn sẽ đọa đường dữ, không sinh về cõi lành.
Giống như tấm giạ trắng mới, để lâu ngày nên mục nát, có nhiều bụi bặm. Dù có muốn nhuộm thành màu xanh, vàng, đỏ, đen, rốt cuộc cũng không thành được. Vì sao? Vì có bụi bặm. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có người mà tâm bị nhuộm dính với hai mươi mốt kết, thì nên quán sát rằng người đó chắc chắn sẽ đọa đường dữ, không sinh về cõi lành.
Giả sử lại có người nào mà tâm không bị nhuộm bởi hai mươi mốt kết này, thì nên biết, người này chắc sẽ sinh lên cõi trời, không đọa vào trong địa ngục. Giống như giạ mới, trắng sạch, tùy theo ý muốn thành gì, màu xanh, vàng, đỏ, đen, thì chắc sẽ thành những màu này, không hề hư hại. Vì sao? Vì sự tinh sạch của nó. Ở đây, cũng như vậy, người nào mà tâm không bị nhuộm bởi hai mươi mốt kết này, thì nên biết, người đó chắc chắn sinh lên cõi trời, không đọa vào đường ác.
Nếu đệ tử Hiền thánh kia khởi sân tâm kết; quán sát biết rồi, liền dứt trừ chúng. Hoặc khởi nhuế hại tâm kết, khởi thùy miên tâm kết, khởi điệu hý tâm kết, khởi nghi tâm kết, khởi nộ tâm kết, khởi kỵ tâm kết, khởi não tâm kết, khởi tật tâm kết, khởi tắng tâm kết, khởi vô tàm tâm kết, khởi vô quý tâm kết, khởi huyễn tâm kết, khởi gian tâm kết, khởi ngụy tâm kết, khởi tránh tâm kết, khởi kiêu tâm kết, khởi mạn tâm kết, khởi đố tâm kết, khởi tăng thượng mạn tâm kết, khởi tham tâm kết; quán biết rồi liền có thể dứt trừ chúng.
Nếu đệ tử Hiền thánh kia không sân, không nhuế, không có ngu si, tâm ý hòa vui, đem tâm Từ trải khắp một phương mà tự vui thú*; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết mà tự vui thú, đem tâm Từ này rải khắp tràn đầy, ở trong đó được hoan hỷ rồi, tâm ý liền chánh.
Lại đem tâm Bi trải khắp một phương mà tự vui thú*; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết mà tự vui thú, đem tâm Bi này trang trải đầy khắp, ở trong đó được hoan hỷ rồi, thì tâm ý liền chánh. Lại đem tâm Hỷ trải khắp một phương mà tự vui thú*; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết mà tự vui thú, đem tâm Hỷ này rải khắp tràn đầy, ở trong đó được hoan hỷ rồi, tâm ý liền chánh.
Lại đem tâm Hộ trải khắp một phương mà tự vui thú*; hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; bốn góc, trên dưới, ở trong tất cả cũng như tất cả thế gian, với tâm không oán, không hận, vô lượng, vô hạn, không thể tính biết mà tự vui thú, đem tâm Hộ này trang trải đầy khắp, ở trong đó được hoan hỷ rồi, thì tâm ý liền chánh. Bấy giờ, đối với Như Lai thành tựu tín căn, gốc rễ di dời, dựng cờ cao hiển không bị lay động. Chư Thiên, Long thần, A-tu-luân, Sa-môn, Bà-la-môn, hay Người đời, ở trong đó được hoan hỷ rồi, thì tâm ý liền chính. Đó là Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc[19], Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu, ở trong đó được hoan hỷ rồi, tâm ý liền chánh.
Đối với pháp cũng lại thành tựu. Pháp của Như Lai thật là thanh tịnh, không thể đổi dời, được mọi người người yêu kính. Người trí nên quán như vậy, thì ngay trong đó được hoan hỷ.
Đối với Chúng cũng lại thành tựu. Thánh chúng của Như Lai rất là thanh tịnh, tánh hạnh thuần hòa, thành tựu pháp pháp[20], thành tựu mọi giới, thành tựu Tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát kiến tuệ. Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi tám bậc. Đó là Thánh chúng của Như Lai, đáng yêu đáng quý, thật đáng thừa sự, ở trong đó được hoan hỷ, tâm ý liền chánh.
Vị ấy lại bằng tâm Tam-muội, thanh tịnh không vết nhơ, các kết liền dứt sạch, cũng không còn cáu bẩn, tánh hạnh nhu nhuyến, chứng đắc thần thông, liền tự biết mọi việc trong vô lượng đời trước. Từ nơi nào đến, không đâu là không biết; hoặc là một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, trăm ngàn đời; kiếp thành, kiếp bại, kiếp không thành bại, kiếp thành bại, không thành bại; vô số kiếp thành bại, vô số kiếp không thành bại; ta đã từng ở nơi kia chữ gì, tên gì, họ gì, sống như vậy, ăn như vậy, chịu khổ vui như vậy, thọ mạng có ngắn dài; chết từ chỗ kia sinh chỗ nọ, chết từ chỗ kia sinh chỗ này. Tự biết mọi việc trong vô lượng đời trước.
Vị ấy lại bằng tâm Tam-muội này, thanh tịnh không vết nhơ, biết mọi suy nghĩ trong tâm của chúng sinh. Vị ấy lại dùng Thiên nhãn quán sát các loài chúng sinh, kẻ này sinh, kẻ kia chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ; hoặc tốt, hoặc xấu tùy hành vi chúng sinh đã tạo đưa đến quả báo; thảy đều biết tất cả. Hoặc có chúng sinh thân hành ác, khẩu hành ác, tâm hành ác, phỉ báng Thánh hiền, tạo ra hành tà kiến, thân hoại mạng chung sinh trong địa ngục, ba đường dữ. Hoặc lại có chúng sinh thân hành thiện, khẩu hành thiện, tâm hành thiện, không phỉ báng Thánh hiền, chánh kiến, không có tà kiến, thân hoại mạng chung, sinh về cõi lành trên trời. Đó gọi là Thiên nhãn thanh tịnh quán sát các loài chúng sinh, kẻ này sinh, kẻ kia chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ; hoặc tốt, hoặc xấu tùy hành vi chúng sinh đã tạo đưa đến quả báo; thảy đều biết tất cả.
Vị ấy lại bằng tâm Tam-muội này, thanh tịnh không vết nhơ, không có kết sử, tâm tánh nhu nhuyến, chứng đắc thần thông. Lại dùng lậu tận thông mà tự vui thú*. Vị ấy quán biết như thật đây là khổ. Lại quán tập khởi khổ. Lại quán diệt tận khổ. Lại quán xuất yếu của khổ. Vị ấy quán biết như thật rồi, tâm dục lậu được giải thoát; tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát. Đã được giải thoát rồi, liền được trí giải thoát, biết rằng: “Sinh* đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.”
Như vậy, Tỳ-kheo, đệ tử Hiền thánh tâm được giải thoát, dù có ăn lúa gạo tốt nhất, các loại thức ăn ngon lành nhiều như Tu-di, thì rốt cuộc cũng không có tội. Vì sao? Vì không dục, ái diệt tận, không sân hết nhuế, không ngu si, ngu si đã diệt tận. Đó gọi là Tỳ-kheo trong Tỳ-kheo, bên trong đã tắm rửa sạch sẽ rồi.
Bấy giờ, Bà-la-môn Giang Trắc bạch Thế Tôn:
–Thưa Sa-môn Cù-đàm, Ngài nên đến bên sông Tôn-đà-la tắm rửa. Thế Tôn bảo:
–Bà-la-môn, thế nào gọi là nước sông Tôn-đàla? Bà-la-môn thưa:
–Nước sông Tôn-đà-la, đó là vực sâu của phước, là ánh sáng của đời. Nếu có nhân vật nào tắm nước sông này, thì tất cả các ác đều được trừ hết.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Thân này vô số kiếp
Đã từng tắm sông này
Cùng các vũng hồ nhỏ
Không đâu không trải qua.
Người ngu thường thích chúng
Hạnh tối không thanh tịnh
Trong thân đầy tội cũ
Sông kia sao rửa được.
Người tịnh luôn vui sướng
Vui sướng vì giới tịnh
Người sạch tạo hạnh sạch
Nguyện kia chắc quả thành.
Cẩn thận, chớ lấy cắp
Hành từ, không sát sinh
Thành thật, không nói dối
Tâm bình không tăng giảm.
Nay ngươi tắm ở đây
Chắc được nơi an ổn
Sông kia đưa đến đâu
Như mù đi vào tối.
Bấy giờ, Bà-la-môn bạch Thế Tôn:
–Bạch Cù-đàm, đã đủ, đã đủ rồi! Giống như người lưng còng được thẳng, người tối thấy được sáng, chỉ đường cho người mê, thắp đèn soi nhà tối, làm mắt cho người không mắt. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện nói diệu pháp này. Xin cho phép con hành đạo.
Lúc này, Bà-la-môn ở cạnh sông liền được hành đạo, lãnh thọ giới Cụ túc, vì mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, cho đến như thật biết rằng: “Sinh* đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.” Lúc này, Tôn giả Tôn-đà-la-đế-lợi[21] liền đắc A-la-hán.
Sau khi Tôn giả Tôn-đà-la-đế-lợi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo. Bấy giờ, ngày đã tàn, đêm đang đến, Thích Đềhoàn Nhân đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân liền dùng kệ tụng hỏi nghĩa Như Lai:
Thường thuyết thường tuyên bố
Qua dòng, thành vô lậu
Qua vực sâu sinh tử
Nay hỏi nghĩa Cù-đàm.
Con quán chúng sinh này
Nghiệp phước đức đã tạo
Tạo hành bao nhiêu thứ
Thí ai, phước tối tôn?
Thế Tôn, trên Linh-thứu
Nguyện xin diễn nghĩa này
Biết ý hướng Đế Thích
Cũng vì người thí nói.
Bấy giờ Thế Tôn dùng kệ đáp:
Bốn đường[23]
không tạo phước
Bốn quả thành đầy đủ
Hữu học, hàng kiến đạo
Chân thật tin pháp này.
Không dục cũng không sân
Ngu hết, thành vô lậu
Qua hết tất cả vực
Thí kia thành quả lớn.
Những loại chúng sinh này
Nghiệp phước đức đã tạo
Tạo hành bao nhiêu thứ
Thí Tăng phước được nhiều.
Chúng này độ vô lượng
Như biển cho trân bảo
Thánh chúng cũng như vậy
Nói pháp tuệ quang minh.
Cù-đàm chỗ thiện kia
Người thường thí chúng Tăng
Được phước không thể kể
Điều bậc Tối thắng nói.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân sau khi nghe những gì Phật dạy rồi, làm lễ sát chân Phật, liền lui đi.
Thích Đề-hoàn Nhân sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo. Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề cũng ở sườn núi Kỳxà-quật, thành Vương xá làm riêng một chòi tranh để tự thiền tứ.
Bấy giờ Tôn giả Tu-bồ-đề thân bị bệnh khổ rất là trầm trọng, liền tự nghĩ: “Khổ đau này của ta từ đâu sinh, từ đâu mất và sẽ đi về đâu?” Rồi Tôn giả Tu-bồ-đề liền trải tọa cụ nơi đất trống, chánh thân chánh ý, chuyên tinh nhất tâm, ngồi kiết già, tư duy về các nhập[24], muốn trấn áp khổ đau. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân biết ý nghĩ của Tôn giả Tu-bồ-đề, liền ra lệnh Ba-giá-tuần[25] bằng bài kệ rằng:
Thiện Nghiệp[26],
thoát trói buộc
Ở nơi núi Linh thứu
Nay bị bệnh rất nặng
Quán Không, các căn định.
Hãy nhanh đi thăm bệnh
Chăm sóc bậc Thượng tôn
Sẽ thu hoạch phước lớn
Trồng phước không đâu hơn.
Ba-giá-tuần thưa rằng:
–Xin vâng, Tôn giả!
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân dẫn năm trăm chư Thiên cùng Ba-giá-tuần, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất từ trời Tam thập tam, hiện đến núi Linh thứu, cách Tôn giả Tubồ-đề không xa, lại dùng kệ này bảo Ba-giá-tuần rằng:
Nay ngươi biết Thiện Nghiệp
Đang vui Thiền, Tam-muội
Hãy dùng âm du dương
Khiến ngài xuất thiền tọa.
Ba-giá-tuần thưa rằng: –Xin vâng!
Bấy giờ, Ba-giá-tuần vâng theo lời Thích Đềhoàn Nhân, chỉnh dây đàn lưu-ly, đến trước Tubồ-đề, dùng kệ này tán thán Tu-bồ-đề rằng:
Kết sử đã diệt tận
Các niệm không thác loạn
Mọi trần cấu đều sạch
Nguyện mau tỉnh giấc thiền!
Tâm tịch, vượt sông hữu
Hàng ma, vượt kết sử
Công đức như biển cả
Nguyện mau rời khỏi định!
Mắt tịnh như hoa sen
Uế trược không còn dính
Chỗ tựa cho bơ vơ
Xin rời Không Tam-muội!
Vượt bốn dòng[27],
vô vi
Khéo tỏ không già, bệnh
Vì thoát nạn hữu vi
Nguyện Tôn rời giấc định.
Năm trăm trời ở trên
Thích chủ, tự thân đến
Muốn hầu tôn nhan Thánh
Bậc Giải không, xin dậy!
Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi khen Ba-giá-tuần rằng:
–Lành thay, Ba-giá-tuần! Nay tiếng ông cùng tiếng đàn giao hòa với nhau không khác. Nhưng vì tiến đàn không rời tiếng ca, tiếng ca không lìa tiếng đàn, cả hai cùng hòa hợp nên mới thành tiếng hay.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân mới đi đến chỗ Tôn giả Tu-bồ-đề, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Thích-Đề-hoàn Nhân bạch Tu-bồ-đề rằng:
–Thế nào, bạch Thiện Nghiệp, bệnh mà ngài đang mang có thêm bớt gì chăng? Nay thân bệnh này từ đâu sinh? Từ thân sinh chăng? Từ ý sinh chăng?
Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bảo Thích Đề-hoàn Nhân rằng:
–Lành thay, Câu-dực! Pháp pháp tự sinh, pháp pháp tự diệt, pháp pháp động nhau, pháp pháp tự dừng.
Này Câu-dực, giống như có thuốc độc, lại có thuốc giải độc. Thiên đế Thích, ở đây cũng vậy, pháp pháp loạn nhau, pháp pháp tự dừng. Pháp có thể sinh pháp, pháp đen dùng pháp trắng để trị, pháp trắng dùng pháp đen để trị.
Này Thiên đế Thích, bệnh tham dục dùng bất tịnh để trị. Bệnh sân nhuế dùng tâm Từ để trị. Bệnh ngu si dùng trí tuệ để trị. Như vậy, Thích Đề-hoàn Nhân, tất cả mọi sở hữu đều quy về không, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, không sĩ, không phu, không hình, không tượng, không nam, không nữ.
Này Thích Đề-hoàn Nhân, giống như gió thì hại đến cây cối, cành, lá, gãy đổ. Mưa đá thì hại đến mầm non, hoa quả. Hoa quả vừa ra tốt, mà không nước, sẽ bị héo. Nhờ lúc trời mưa xuống, sinh mầm non sống trở lại.
Cũng vậy, Thiên đế Thích, pháp pháp loạn nhau, pháp pháp tự định. Những bệnh hoạn, đau nhức, khổ não của tôi trước đây, nay đã trừ hết, không còn bệnh khổ nữa.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Tu-bồ-đề:
–Tôi cũng có sầu lo, khổ não. Nay nghe pháp này, không còn sầu lo nữa. Nay tôi muốn trở về trời lại, vì bận việc đa đoan, việc mình cũng có và cả các việc trời, tất cả đều nhiều.
Tôn giả Tu-bồ-đề nói:
–Bấy giờ là lúc thích hợp.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Tu-bồ-đề, nhiễu quanh ba vòng rồi đi.
Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề liền nói kệ này:
Năng Nhân nói lời này
Căn bản đều đầy đủ
Người trí được an ổn
Nghe pháp dứt các bệnh.
Thích Đề-hoàn Nhân sau khi nghe những gì Tôn giả Tu-bồ-đề nói, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Điều-đạt và hai kinh
Da và Lợi-sư-la
Trúc Bác, Tôn-đà-lợi
Thiện Nghiệp, Thích Đề-hoàn.
❑
[1] . Đáo thời khất thực, chỉ thường hành khất thực. Pāli: Piṇḍapātika. Xem cht. kinh số 5, phẩm 12 trên.
[2] . Hán: Nhất xứ nhất tọa 一 處 一 坐 , tức nhất tọa thực, ngày chỉ ăn một lần ngồi; một trong các hạnh Đầuđa。Pāli: Ekāsanika. Xem cht. kinh số 5, phẩm 12.
[3] . Nội dung liên hệ, xem Trung 60, Ái Sinh kinh, T1n26,tr. 800c21. Cf. M. ii. 106.
[4] . Có sự nhầm lẫn trong bản dịch Hán.
[5] . Theo ngữ cảnh, như các đoạn trước và có lẽ để bản chép dư chữ khổ 苦。
[6] . Có sự nhầm lẫn trong bản dịch Hán. T26 ibid. : Phật nói ái sinh là khổ. Những con bạc này nói: Ái thì sung sướng. Pāli: Piyajātikasuttaṃ (M.ii. 107), như T26.
[7] . Trúc Bác 竹 膊 ; T26: Na-lợi-ương-già 那 利 鴦 伽。Pāli: Nāḷijaṅgha.
[8] . Lưu-ly vương tử 琉 璃 王 子。T26: Tỳ-lưu-la Đại tướng 鞞 留 羅 羅 大 將。Pāli: Viḍūḍabha-senāpati.
[9] . Theo sử liệu Pāli, Pasenadi có hai con trai, một là Viḍūḍabha sau này cướp ngôi và một nữa là Brahmadatta, xuất gia, thành A-la-hán. Không rõ Y-la 伊 羅 đồng nhất với ai.
[10] . Tát-la-đà sát-lợi chủng 薩 羅 陀 剎 利 種。T26: Vũ Nhật Cái 雨 日 蓋。Pāli: Vāsabhā-khattiyā, một phu nhân khác của Pasenadi, gốc họ Thích.
[11] . Tham chiếu, Pāli, S. 22. 1. Nakula (R iii. 1); Hán, Tạp 5 T99(107, tr. 33a6).
[12] . Quỷ lâm Lộc viên 鬼 林 鹿 園。T99: Lộc dã thâm lâm 鹿 野 深 林。Pāli: Bhesakaḷāvane migadāya.
[13] . Thi-mục-ma-la 尸 牧 摩 羅。T99:Thiết-thủ-bà-la 設 首 婆 羅。Pāli: Suṃsumāragira.
[14] . Bạt-kỳ 拔 祇 ; T99: Bà-kỳ 婆 祇。Pāli: Bhagga.
[15] . Na-ưu-la Công 那 憂 羅 公。T99: Na-câu-la 那 拘 羅。Pāli: Nakulapitā.
[16] . Để bản: Tâm 心。Nên sửa lại là thân.
[17] . Tham chiếu, Pāli: M. 7 Vatthūpama (R. i. 36); Hán: Trung 23 (T1n26, tr.575a19); T51, T99(1185), T100(99).
[18] . Giang Trắc 江 側。Cuối kinh, tên ông được gọi là Tôn-đà-la-đế-lợi. T26: Thủy Tịnh 水淨.
[19] . Để bản: Túc 足。TNM: Thành 成。
[20] . Pháp pháp thành tựu 法 法 成 就 ; tức pháp tùy pháp hành, hành pháp theo thuận tự của pháp. Pāli:
Dhammānudhammapaṭipanna.
[21] Tôn-đà-la-đế-lợi 孫 陀 羅 諦 利。Pāli: Sundarikabhāradvāja.
[22] Pāli, S.11.2.6 Yajamāna (R i.233).
[23] Bốn đường: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và A-tu-la.
[24] Nhập 入 , hay xứ. Pāli: Āyatana.
[25] Ba-giá-tuần 波 遮 旬。Pāli: Pañcasikha, Ngũ Kế Càn-thát-bà, vị thần âm nhạc của Thiên đế Thích.
[26] Thiện Nghiệp 善 業 , chỉ ngài Tu-bồ-đề.
[27] Tứ lưu, chỉ bốn bộc lưu: Dục, hữu, kiến và vô minh. Pāli, Cattāro oghā: Kāmogho, bhavogho, diṭṭhogho, avijjogho.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]