TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 15: HỮU VÔ

Kinh số 1

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Nên biết, có hai kiến này. Thế nào là hai? Đó là hữu kiến, vô kiến.[1] Các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã học tập, đã đọc tụng ở nơi hai kiến chấp này mà trọn không hề theo pháp đó, không như thật biết; thì nên biết đó không phải là Sa-môn, Bà-la-môn. Với Sa-môn thì phạm pháp Sa-môn, với Bà-lamôn thì phạm pháp Bà-la-môn. Các Sa-môn, Bàla-môn này không bao giờ tự thân tác chứng mà tự vui thú[2].

Các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã học tập, đã đọc tụng ở nơi hai kiến chấp này, mà đáng xả thì biết xả, như thật biết, thì đó là Sa-môn trì hạnh Samôn; là Bà-la-môn biết hạnh Sa-môn, tự thân tác chứng mà tự vui thú và biết như thật rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh đời sau nữa.”

Cho nên, này các Tỳ-kheo, đối với hai kiến này không nên tập hành, không nên đọc tụng, nên lìa bỏ tất cả. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 2

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai kiến này. Thế nào là hai kiến? Đó là hữu kiến, vô kiến. Thế nào là hữu kiến? Thấy dục có thật; thấy sắc có thật; thấy vô sắc có thật[3]. Thế nào là thấy dục có thật? Đó là năm dục. Năm dục là những gì? Sắc được thấy bởi mắt, rất khả ái, rất khả niệm mà người đời tôn thờ chưa từng lìa bỏ. Thanh được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mượt láng được xúc chạm bởi thân, pháp được nhận biết bởi ý. Đó là hữu kiến.

Thế nào là vô kiến? Thấy có thường, thấy vô thường; thấy có đoạn diệt, thấy không đoạn diệt; thấy có biên, thấy không biên; thấy có thân, thấy không thân; thấy có mạng, thấy không mạng; thấy thân khác, thấy mạng khác. Sáu mươi hai kiến này gọi là vô kiến và cũng chẳng phải là chân kiến. Đó gọi là vô kiến.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy xả bỏ hai kiến này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 3[4]

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai thí này. Những gì là hai? Pháp thí, tài thí. Trên hết trong bố thí, không gì hơn pháp thí.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, thường nên học pháp thí. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 4[5]

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai nghiệp này. Thế nào là hai nghiệp? Có pháp nghiệp, có tài nghiệp.[6] Trên hết trong nghiệp, không gì hơn pháp nghiệp.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên học pháp nghiệp, không học tài nghiệp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 5[7]

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai ân này. Thế nào là hai? Pháp ân, tài ân[8]. Trên hết trong ân, không gì hơn pháp ân.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên tu hành pháp ân. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Người ngu có hai tướng để nhận diện mạo. Những gì là hai? Ở đây, với người ngu những việc không thể làm xong mà vẫn làm, những việc làm sắp xong thì chán bỏ[9]. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người ngu có hai thứ tướng mạo. Lại nữa, Tỳ-kheo! Người trí có hai tướng đến nhận diện mạo. Những gì là hai?

Ở đây, với người trí những việc không thể làm xong được thì không làm, những việc làm sắp xong, cũng không chán bỏ.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy gạt bỏ hai tướng của người ngu; hãy nương tu hành hai tướng của người trí mà tu hành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 7

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai pháp này, mà bên trong tự tư duy và chuyên tinh nhất ý lễ kính Như Lai. Thế nào là hai pháp? Một là trí tuệ; hai là diệt tận. Tỳ-kheo, đó gọi là bên trong tự tư duy và chuyên tinh nhất ý lễ kính Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 8

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai pháp này, bên trong tự tư duy và chuyên tinh nhất ý kính lễ Pháp bảo, hay kính lễ thần miếu Như Lai. Thế nào là hai pháp? Có Lực, có Vô úy. Tỳ-kheo, đó gọi là có hai pháp này, bên trong tự tư duy và chuyên tinh nhất ý lễ kính Pháp bảo, hay thần miếu Như Lai[10].

Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 9

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai pháp này, bên trong tự tư duy và chuyên tinh nhất ý kính lễ chùa Như Lai. Thế nào là hai pháp? Như Lai cùng người thế gian không ai bằng. Như Lai có đại Từ, đại Bi, thương tưởng mười phương. Tỳ-kheo, đó gọi là có hai pháp này, bên trong tự tư duy và chuyên tinh một ý lễ kính chùa Như Lai[11]. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 10

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có hai nhân, hai duyên khởi lên chánh kiến. Những gì là hai? Nhận pháp giáo hóa, bên trong tư duy về chỉ quán[12]. Tỳ-kheo, đó gọi là có hai nhân, hai duyên này khởi lên chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Hai kiến và hai thí
Kẻ ngu có hai tướng
Lễ pháp, miếu Như Lai
Chánh kiến, kinh sau cùng.



[1] . Tham chiếu Pāli, A. II. 9. 5 (R i. 83): Bhavadiṭṭhi ca vibhavadiṭṭhi ca.

[2] . Hán: thân tác chứng nhi tự du hý 身 作 證 而 自 遊 戲 , tức là, tự thân chứng ngộ (chứng tri) và an trú (trong pháp đó). Ở trên kia, Hán dịch: nhi tự ngu lạc 而 自 娛 樂 ; xem cht. kinh số 1, phẩm 12. Pāli: Kāyena sacchikaraṇīyā, cf. A. ii. 182.

[3] . Hán: Dục hữu kiến, sắc hữu kiến, vô sắc hữu kiến 欲有見.色有見.無色有見。

[4] . Tham chiếu Pāli. A. II. 13. 1 (R i. 91).

[5] . Tham chiếu Pāli, như trên.

[6] . Pháp nghiệp 法 業 , tài nghiệp 財 業。Pāli, ibid. : Àmisayāgo ca dhammayāgo, hiến tế tài vật, và hiến tế pháp.

[7] . Tham chiếu Pāli, như trên.

[8] . Pháp ân 法 恩 , tài ân 財 恩。Pāli: Àmisacāgo ca dhammacāgo ca, thi ân (huệ thí) bằng tài vật và thi ân bằng pháp.

[9] . Tham chiếu Pāli, A. ii. 10.1 (R i. 84).: Yo ca anāgataṃ bhāraṃ vahati, yo ca āgataṃ bhāraṃ na vahati, gánh nặng chưa đến thì mang, gánh nặng đã đến lại không mang.

[10] . Như Lai thần miếu 如 來 神 廟。Skt. Caitya (Pāli: Cetiya), thường âm là chi-đề, chế-để, chế-đa. Dịch là miếu hay linh miếu. Luật Tăng-kỳ 33 (T22n1425, tr. 498b20): “Có xá-lợi, gọi là tháp. Không có xá-lợi, gọi là chi-đề 枝 提。

[11] . Như Lai tự 如 來 寺。

[12] . Tham chiếu Pāli, A. II. 15. 10 (R i. 95): Samatho vā vipassanā.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]