TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 17: AN-BAN (1)

Kinh số 1[1]

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đã đến giờ, Thế Tôn đắp y ôm bát, dẫn La-vân[2] vào thành Xá-vệ để khất thực[3]. Khi ấy, Thế Tôn quay qua bên phải bảo La-vân:

–Ông nay hãy quán sắc là vô thường.

La-vân thưa:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn, sắc là vô thường.

Thế Tôn bảo:

–Này La-vân, thọ*, tưởng, hành, thức đều là vô thường.

La-vân thưa:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường.

Khi ấy, Tôn giả La-vân lại tự nghĩ: “Ở đây có nhân duyên gì, hôm nay mới đi vào thành để khất thực, đang trên đường đi, cớ sao Thế Tôn trực tiếp dạy dỗ ta? Bấy giờ ta hãy trở về trú xứ, không nên vào thành khất thực.”

Bấy giờ, Tôn giả La-vân, đang giữa đường liền trở về tinh xá Kỳ hoàn, cầm y bát đến dưới một bóng cây, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết già, chuyên tinh nhất tâm suy niệm sắc vô thường; suy niệm thọ*, tưởng, hành, thức vô thường.

Bấy giờ, Thế Tôn khất thực ở thành Vương xá xong. Sau khi ăn rồi, một mình kinh hành tại tinh xá Kỳ hoàn, lần hồi đến chỗ La-Vân. Đến đó rồi, bảo La-vân rằng:

–Ông hãy tu hành pháp An-ban[4]. Tu hành pháp này, có tâm tưởng sầu ưu đều sẽ trừ diệt hết.

Nay ông lại nên tu hành tưởng bất tịnh ghê tởm, nếu có tham dục, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-vân, nay ông phải tu hành Từ tâm. Đã hành Từ tâm rồi, nếu có sân nhuế, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-vân, nay ông phải tu, hành Bi tâm. Đã hành Bi tâm rồi, nếu có tâm hại, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-vân, nay ông phải tu hành Hỷ tâm. Đã hành Hỷ tâm rồi, nếu có tâm tật đố, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-vân, nay ông phải tu hành tâm Xả[5]. Đã hành tâm Xả* rồi, nếu có kiêu mạn, thì sẽ trừ diệt hết.

Bấy giờ, Thế Tôn hướng về La-vân, liền nói kệ này:

Chớ luôn khởi tưởng đắm
Thường phải y thuận pháp
Người hiền trí như vậy
Danh đồn vang khắp nơi.
Cầm đuốc sáng cho người
Phá màng vô minh lớn
Trời, rồng thảy phụng kính
Tôn thờ bậc Sư trưởng.

Lúc ấy Tỳ-kheo La-vân dùng kệ này thưa Thế Tôn rằng:

Con không khởi tưởng đắm
Hằng tùy thuận theo pháp
Người hiền trí như vậy
Kính thờ là sư trưởng.

Sau khi Thế Tôn dạy bảo xong, trở về tịnh thất. Lúc ấy, Tôn giả La-vân lại tự nghĩ: “Tu hành Anban như thế nào để trừ bỏ sầu ưu, không có các tưởng?” Bấy giờ, La-vân từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi rồi, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Ngay sau đó, ngồi lui, bạch Thế Tôn rằng:

–Tu hành An-ban như thế nào để trừ bỏ sầu ưu, không có các tưởng, được quả báo lớn, được vị cam lồ?

Thế Tôn bảo:

–Lành thay, lành thay, La-vân! Ông có thể ở trước Như Lai rống tiếng rống sư tử hỏi mà hỏi nghĩa này: “Tu hành An-ban như thế nào để trừ bỏ sầu ưu, không có các tưởng, được quả báo lớn, được vị cam lồ? Này La-vân, nay ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt nói đầy đủ cho ông.” Thưa:

–Kính vâng, Thế Tôn!

Bấy giờ, Tôn giả La-vân vâng lời dạy từ Thế Tôn. Thế Tôn bảo:

–Này La-vân, ở đây nếu có Tỳ-kheo nào ưa thích ở nơi vắng vẻ không người, chánh thân chánh ý, ngồi kiết già, không có niệm khác, cột ý trên chóp mũi. Thở ra dài, biết hơi thở dài. Thở vào dài, cũng biết hơi thở dài. Thở ra ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Thở vào ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Hơi thở ra lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. Hơi thở vào lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. Hơi thở ra ấm, cũng biết hơi thở ấm. Hơi thở vào ấm, cũng biết hơi thở ấm. Quán toàn thân, hơi thở vào, hơi thở ra; thảy đều biết rõ. Có lúc có hơi thở, cũng lại biết là có. Có lúc không có hơi thở, cũng lại biết là không. Hoặc hơi thở từ tâm ra[6], cũng lại biết từ tâm ra; hoặc hơi thở từ tâm vào*, cũng lại biết từ tâm vào.

Như vậy, La-vân, ai tu hành An-ban, sẽ không có tưởng sầu ưu, não loạn, được quả báo lớn, được vị cam lồ.

Sau khi nghe Thế Tôn nói pháp vi diệu đầy đủ xong, La-vân từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi rồi đi. Đến dưới một bóng cây nơi vườn An-đà[7], chánh thân, chánh ý ngồi kiết già, không có một niệm nào khác, cột tâm trên chóp mũi. Thở ra dài, biết hơi thở dài. Thở vào dài, cũng biết hơi thở dài. Thở ra ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Thở vào ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Hơi thở ra lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. Hơi thở vào lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. Hơi thở ra ấm, cũng biết hơi thở ấm. Hơi thở vào ấm, cũng biết hơi thở ấm. Quán toàn thân, hơi thở vào, hơi thở ra; thảy đều biết rõ. Có lúc có hơi thở, cũng lại biết là có. Có lúc không có hơi thở, cũng lại biết là không. Hoặc hơi thở từ tâm ra, cũng lại biết từ tâm ra; hoặc hơi thở từ tâm vào*, cũng lại biết từ tâm vào.

Bấy giờ, La-vân tư duy như vậy tâm được giải thoát khỏi dục[8], không còn các thứ ác, có giác, có quán, niệm trì hỷ an[9], vui thú[10] nơi sơ thiền. Hữu giác, hữu quán đã dứt[11], bên trong tự hoan hỷ[12], chuyên tinh nhất tâm[13]; không giác, không quán, nhập Tam-muội niệm hỷ[14], vui thú* nơi Nhị thiền. Không còn niệm hỷ, tự thủ[15], giác tri thân lạc, điều mà các Hiền thánh thường cầu, hộ niệm hỷ[16], vui thú* nơi tam thiền. Khổ và lạc kia đã diệt, không còn sầu ưu, không khổ không lạc, hộ niệm thanh tịnh[17], vui thú* nơi Tứ thiền.

Với tâm Tam-muội[18] này, thanh tịnh không bụi nhơ, thân thể nhu nhuyến[19], La-vân biết mình từ đâu đến, nhớ những việc đã làm trước kia, tự biết đời trước, những việc trong vô số kiếp trước; cũng biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, ngàn đời, vạn đời, hàng ngàn vạn đời, kiếp thành, kiếp bại, vô số kiếp thành, vô số kiếp bại, ức nam không thể kể xiết: Ta đã từng sinh nơi kia, tên gì, họ gì, ăn thức ăn như vậy, hưởng khổ vui như vậy, thọ mạng dài ngắn, chết kia sinh đây, chết đây sinh kia.

Với tâm Tam-muội này*, thanh tịnh không tỳ vết, La-vân cũng không còn các kết, cũng biết chỗ khởi của tâm chúng sinh. Bằng Thiên nhãn thanh tịnh không tì vết, La-vân quán biết như thật các loài chúng sinh, người sống, kẻ chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, điều đã làm, điều đã tạo. Hoặc có chúng sinh thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, phỉ báng Hiền thánh, thường hành tà kiến, tạo hạnh tà kiến, thân hoại mạng chung. sinh vào địa ngục. Hoặc lại có chúng sinh thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền thánh, thường hành chánh kiến, tạo hạnh chánh kiến, thân hoại mạng chung sinh lên trời cõi thiện. Đó gọi là Thiên nhãn thanh tịnh không tỳ vết, quán biết như thật các loài chúng sinh, người sống, kẻ chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, điều đã làm, điều đã tạo.

Rồi lai vận dụng ý, thành tâm vô lậu. La-vân lại quán biết như thật đây là khổ; lại quán biết như thật đây là tập khởi của khổ, cũng quán biết như thật đây là sự diệt tận khổ, cũng quán biết như thật đây là xuất yếu của khổ. La-vân quán biết như thật như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu; được giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoát, nên liền được trí giải thoát, biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Tôn giả La-vân liền thành A-la-hán.

Sau khi Tôn giả La-vân thành A-la-hán rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Thế Tôn rằng:

–Sở cầu của con đã được, các lậu đã tận trừ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Trong những vị đắc A-la-hán, không có ai bằng La-vân. Luận về người các hữu lậu đã dứt cũng là Tỳ-kheo La-vân. Luận về người trì giới cấm cũng là Tỳ-kheo La-vân. Vì sao? Vì chư Như Lai Đẳng Chánh Giác đời quá khứ cũng có Tỳ-kheo La-vân này. Muốn nói con Phật cũng là Tỳ-kheo La-vân, đích thân từ Phật sinh, là người thừa tự pháp.

Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Trong hành Thanh văn của ta, đệ tử bậc nhất trì giới cấm chính là Tỳ-kheo La-vân.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Pháp cấm giới đầy đủ
Các căn cũng thành tựu
Dần dần sẽ cũng được
Sạch tất cả kết sử.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



[1] . Tham chiếu Pāli, M. 62. Rāhulovāda (R i. 421).

[2] . La-vân 羅 雲。Pāli: Rāhula.

[3] Phân-vệ 分 衛 。Pāli: Piṇḍapāta.

[4] An-ban 安 般。Pāli: ĀnāPāṇa, hơi thở ra vào.

[5] Nguyên Hán: Hộ tâm 護 心。

[6] . Tức tùng tâm xuất 息 從 心 出。Hán dịch mơ hồ. Tham chiếu Pāli: Cittapaṭisaṃvedì assasissāmi, với cảm giác nhận biết tâm, tôi sẽ thở ra.

[7] . An-đà viên 安 陀 園。Pāli: Andhavana. Cf. M. 147 Cūla-Rāhulovāda-sutta.

[8] . Xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.

[9] . Hán: Niệm trì hỷ an 念 持 喜 安。Trên kia, kinh số 1 phẩm 12, Hán dịch: Hữu ỷ niệm lạc.

[10] . Hán: Du 遊。Nơi khác dịch: Tự ngu lạc; hiểu là an trú. Pāli: Vihārati.

[11] . Trạng thái không tầm (giác) không tứ (quán) của thiền thứ hai.

[12] . Nên hiểu là nội đẳng tịnh. Xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.

[13] . Nên hiểu là tâm nhất cảnh tính. Xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.

[14] . Nên hiểu là định sinh hỷ lạc, tức trạng thái hỷ lạc phát sinh bởi định.

[15] . Trên kia, ibid., Hán dịch: Xả ư niệm, tu ư hộ 捨 於 念。修 於 護。Nên hiểu là “ly hỷ, trụ xả.” Vì thiền thứ ba được nói là “ly hỷ diệu lạc địa. Xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.

[16] . Hán: Hộ niệm hỷ 護 念 喜。Nên hiểu là an trú lạc với niệm và xả.

[17] . Nên hiểu là xả và niệm thanh tịnh. Xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.

[18] . Hán: Tam-muội tâm 三 昧 心 ; chỉ tâm định tĩnh do chứng tứ thiền; y tâm này mà chứng tam minh. Lưu ý ngắt chữ không đúng trong để bản. Pāli, định cú: So evaṃ samāhite citte parisuddhe…

[19] . Bản Hán có thể nhầm do gán hình dung từ không đúng với chủ từ. Nên hiểu, với tâm định tĩnh, thanh tịnh…, (và) nhu nhuyến. Pāli: So evaṃ samāhite citte parisuddhe…mudubhūte…


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]