TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Tự quy có ba đức. Những gì là ba? Đó là quy y Phật là đức thứ nhất; quy y Pháp là đức thứ hai; quy y Tăng là đức thứ ba[1].
Sao gọi là đức quy y Phật? Có những chúng sinh hai chân, bốn chân, nhiều chân; hoặc có sắc, không sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến trên trời Nê-duy-tiên[2], trong đó, Như Lai là bậc tối tôn, tối thượng không ai có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa, từ sữa được lạc, từ lạc được tô, từ tô được đề hồ. Song ở trong đó đề hồ lại tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, có những chúng sinh thuộc loài hai chân, bốn chân, nhiều chân; hoặc có sắc, không sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến trên Nê-duy-tiên thiên, trong đó, Như Lai là bậc tối tôn, tối thượng, không ai có thể sánh bằng. Có những chúng sinh phụng thờ Phật, đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời ngay trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất.
Sao gọi là đức tự quy y Pháp? Các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, vô dục, vô nhiễm, diệt tận, Niết-bàn; trong các pháp đó, pháp Niết-bàn là tối tôn, tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa, từ sữa được lạc, từ lạc được tô, từ tô được đề hồ. Song trong đó đề hồ lại tối tôn, tối thượng, không gi có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, vô dục, vô nhiễm, diệt tận, Niết-bàn. Song ở trong các pháp đó, pháp Niết-bàn là tối tôn tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Chúng sinh nào phụng thờ pháp, đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời ở ngay trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất.
Sao gọi là đức tự quy y Thánh chúng? Trong các đại chúng, đại tụ tập, trong các loại hữu hình, trong các chúng sinh trong các chúng ấy, chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không chúng nào có thể sánh bằng. Như từ bò được sữa, từ sữa được lạc, từ lạc được tô, từ tô được đề hồ. Song trong đó đề hồ lại tối tôn, tối thượng, không gì có thể sánh bằng. Đây cũng như vậy, trong các đại chúng, đại tụ tập, trong các loại hữu hình, trong các chúng sinh trong các chúng ấy, chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không chúng nào có thể sánh bằng. Đó gọi là phụng thờ đức thứ nhất. Đã được đức thứ nhất, liền hưởng phước trời trong loài người. Đây gọi là đức thứ nhất.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Thứ nhất tôn thờ Phật
Tối tôn không gì hơn
Kế lại tôn thờ Pháp
Vô dục, không dính trước.
Kính phụng chúng Hiền thánh
Là ruộng phước tốt nhất
Người đó trí bậc nhất
Thọ phước ở trước hết[3].
Nếu ở trong trời người
Thủ lãnh trong các chúng
Ngồi trên chỗ vi diệu
Tự nhiên thọ cam lồ;
Thân mặc y bảy báu
Được người đời tôn kính
Giới thành tựu bậc nhất
Các căn không khuyết mất;
Cũng được biển trí tuệ
Dần đến Niết-bàn giới
Ai có ba quy này
Đến đạo cũng không khó.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba phước nghiệp này [4]. Sao gọi là ba? Thí là phước nghiệp, bình đẳng là phước nghiệp, tư duy là phước nghiệp.
Sao gọi thí là phước nghiệp? Nếu có một người mở lòng bố thí Sa-môn, Bà-la-môn, người bần cùng, người cô độc, người lang thang; ai cần thức ăn cho thức ăn, cần nước uống cho nước uống, quần áo, đồ ăn thức uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc trị bệnh, hương hoa, ngủ nghỉ, tùy theo nhu cầu không gì luyến tiếc. Đây gọi là nghiệp phước bố thí.
Sao gọi là bình đẳng là phước nghiệp? Nếu có một người không sát sinh, không trộm cắp, thường biết tàm quý, không nảy tưởng ác. Cũng không trộm cắp, ưa ban thí cho người, không có tâm tham lam keo kiết, lời nói hòa nhã không tổn thương lòng người. Cũng không gian dâm vợ người, tự tu phạm hạnh, tự đủ với sắc mình. Cũng không vọng ngữ, thường nghĩ chí thành, không lời dối trá, được người đời tôn kính, không có thêm bớt. Cũng không uống rượu, luôn biết tránh xa loạn động.
Lại rải tâm Từ trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; tám phương trên dưới, trải khắp trong đó, vô lượng, vô hạn, không thể cùng, không thể tính kể; rải tâm Từ này phủ khắp tất cả, mong cho được an ổn.
Lại rải tâm Bi, Hỷ, Xả[5] trải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; tám phương trên dưới, tất khắp trong đó, vô lượng, vô hạn, không thể tính kể; rải tâm Bi, Hỷ, Xả này tất khắp trong đó. Đó gọi là bình đẳng là phước nghiệp.
Sao gọi tư duy là phước nghiệp? Ở đây, Tỳ-kheo tu hành niệm giác ý, y vô dục, y vô quán, y diệt tận, y xuất yếu; tu trạch pháp giác ý, tu niệm giác ý, tu ỷ giác ý, tu định giác ý, tu xả* giác ý; y vô dục, y vô quán, y diệt tận, y xuất yếu. Đó gọi tư duy là phước nghiệp. Như vậy Tỳ-kheo, có ba phước nghiệp này.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Bố thí và bình đẳng
Từ tâm, xả*, tư duy
Có ba xứ sở [6]
này
Được người trí gần gũi.
Đời này thọ báo kia
Trên trời cũng như vậy
Duyên có ba xứ này
Sinh Thiên ắt không nghi.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện cầu ba xứ* này. Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba nhân duyên thức đến thọ thai[7]. Những gì là ba? Ở đây, Tỳ-kheo, mẹ có dục ý, cha mẹ hội hợp ở một chỗ và cùng ngủ chung, nhưng thức bên ngoài chưa đến kịp lúc thì chẳng thành thai. Nếu thức muốn đến, nhưng cha mẹ không hội hợp một chỗ, chẳng thành thai. Nếu người mẹ không dục, dù cha mẹ hội hợp một chỗ, nhưng lúc đó dục ý của cha thạnh mà mẹ thật không ân cần, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ cùng hợp một chỗ, dục ý của mẹ thạnh mà cha thật không ân cần, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ cùng hợp một chỗ, cha mắc bệnh phong, mẹ mắc bệnh lãnh, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, mẹ bị bệnh phong, cha bị bệnh lãnh, chẳng thành thai. Nếu có khi cha mẹ hợp một chỗ, nhưng chỉ riêng thân cha thủy khí nhiều, mẹ không có chứng này, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, tướng cha có con, tướng mẹ không con, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ cùng hợp một chỗ, tướng mẹ có con, tướng cha không con, chẳng thành thai. Nếu khi tướng cha mẹ đều không con, chẳng thành thai. Nếu có khi thần thức đến thai, mà cha đi vắng, chẳng thành thai. Nếu khi cha mẹ đáng hợp một chỗ, nhưng mẹ đi xa, không có mặt, không có thai. Nếu có lúc cha mẹ đáng hợp một chỗ, nhưng người cha gặp bệnh nặng, khi thần thức đến, chẳng thành thai. Nếu cha mẹ đáng hợp một chỗ, thần thức có đến, song người mẹ mắc bệnh nặng, chẳng thành thai. Nếu có lúc cha mẹ nên hợp một chỗ, thần thức đến, nhưng cha mẹ đều mắc bệnh, chẳng thành thai.
Lại nữa Tỳ-kheo, nếu cha mẹ hợp ở một chỗ, cha mẹ không chứng tật gì, thần thức đến, tướng cha mẹ đều có con, đây thành thai. Đó gọi là có ba nhân duyên thức đến thọ thai. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm phương tiện đoạn dứt ba nhân duyên. Này các Tỳ-kheo, hãy học tập điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nếu có chúng sinh muốn khởi Từ tâm, có ý chí tín, vâng phục phụng sự cha mẹ, anh em, tông tộc, gia thất, bè bạn tri thức, nên an lập những người này trên ba xứ khiến không di động[8]. Những gì là ba?
1. Khiến họ phát tâm hoan hỷ đối với Như Lai[9], tâm không di động rằng: “Ngài là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc[10], Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự[11],
Thiên Nhân Sư, hiệu Phật Thế Tôn.”
2. Lại khiến họ phát tâm hoan hỷ nơi Chánh pháp[12] rằng: “Pháp được Như Lai khéo nói, vô ngại, cực kỳ vi diệu, do đây mà thành quả; pháp như vậy được học và biết bởi người trí.”
3. Cũng khiến họ phát tâm hoan hỷ nơi Thánh chúng này[13] rằng: “Thánh chúng của Như Lai tất cả đều hòa hợp, không có lẫn lộn, thành tựu pháp, thành tựu giới, thành tựu Tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến tuệ. Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi, tám hạng, mười hai Hiền thánh. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quý. Đây là ruộng phước vô lượng thế gian.”
Các Tỳ-kheo nào học ba xứ này sẽ thành tựu quả báo lớn.
Này các Tỳ-kheo, hãy học tập điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tỳ-kheo Cù-ba-ly[15] đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Lúc đó vị Tỳ-kheo kia bạch Phật:
–Những việc mà Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mụckiền-liên này làm, thật là xấu xa, làm các ác hành. Thế Tôn bảo rằng:
–Chớ nói những lời như vậy. Ông hãy phát tâm hoan hỷ đối Như Lai. Những việc mà Tỳ-kheo Xálợi-phất và Mục-kiền-liên làm đều là thuần thiện, không có việc nào xấu ác.
Khi đó, Tỳ-kheo Cù-ba-ly hai ba lần bạch Thế Tôn:
–Những điều Đức Như Lai nói thật không hư vọng. Song những việc Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm đều thật xấu ác, không có gốc rễ thiện.
Đức Thế Tôn bảo:
–Này kẻ ngu si kia, ông há không tin những gì Như Lai đã nói sao? Vì vậy mà ông nói những việc Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên làm đều rất xấu ác. Nay ông tạo hành vi xấu ác này, sau không lâu sẽ nhận quả báo.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia ngay trên chỗ ngồi, thân mọc nhọt độc lớn bằng hạt cải, chuyển như hạt đậu lớn, dần dần bằng trái A-ma-lặc, gần bằng hồ đào, rồi bằng nắm tay, máu mủ tuôn ra, thân hoại mạng chung, sinh trong địa ngục Hoa sen[16].
Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe Cùba-li mạng chung, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Một lát sau, rời khỏi chỗ ngồi, bạch Thế Tôn:
–Tỳ-kheo Cù-ba-ly bị sinh nơi nào? Thế Tôn bảo:
–Người đó mạng chung, sinh trong địa ngục Hoa sen. Mục-liên bạch Đức Thế Tôn:
–Nay con muốn đi đến địa ngục kia giáo hóa người này.
Thế Tôn bảo:
–Mục-liên, không cần đến đó.
Mục-liên lặp lại bạch Thế Tôn lần nữa:
–Con muốn đến địa ngục kia giáo hóa người đó.
Bấy giờ, Thế Tôn cũng im lặng không đáp. Khi đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Xá-vệ biến mất, hiện đến trong địa ngục lớn Hoa sen. Ngay lúc đó, Tỳ-kheo Cù-ba-ly thân thể bị lửa đốt, lại có hàng trăm con trâu cày trên lưỡi ông.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ngồi kiết già ở giữa không trung, búng ngón tay gọi Tỳ-kheo kia. Tỳ-kheo kia liền ngửa mặt hỏi:
–Ông là người nào?
Mục-kiền-liên đáp:
–Cù-ba-ly, ta là đệ tử của Đức Phật Thích-ca Văn, tên Mục-kiền-liên, họ Câu-lị-đà.
Khi Tỳ-kheo thấy Mục-liên, liền buông lời hung dữ như vầy:
–Nay ta đọa ác thú này, còn không tránh khỏi ông ở trước mặt sao?
Nói như vậy rồi, ngay lúc đó có ngàn con trâu cày lên lưỡi ông. Mục-liên thấy vậy càng thêm sầu não, trong lòng hối tiếc, biến mất ở nơi đó, trở về Xá-vệ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Mục-liên đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Trước Ta đã nói với ông, không cần đến đó gặp người ác này.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ thế này:
Phàm người sinh ra
Búa ở trong miệng
Sở dĩ chém thân
Do lời ác kia.
Người dứt ta dứt
Cả hai đều thiện
Đã tạo hành ác
Tất đọa đường ác.
Đó là cực ác
Có hết, không hết
Ác đối Như Lai
Tội này rất nặng.
Một vạn ba ngàn
Sáu mốt ngục Tro
Chê Thánh rơi vào
Do thân, khẩu tạo.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nên học ba pháp, thành tựu hạnh mình. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện và ý nghĩ thiện.
Các Tỳ-kheo, hãy học tập những điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu ba pháp, ở trong hiện pháp khéo được khoái lạc, dũng mãnh tinh tấn hữu lậu dứt sạch[18]. Thế nào là ba? Ở đây, Tỳ-kheo, các căn tịch tĩnh[19], ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành[20].
Tỳ-kheo, thế nào các căn tịch tĩnh? Ở đây, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm[21], được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy[22] nên luôn thủ hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi biết vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ ý căn. Như vậy là Tỳ-kheo có các căn tịch tĩnh.
Sao gọi là Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độ? Ở đây, Tỳ-kheo suy xét những đồ ăn thức uống từ đâu mà đến; ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì thân hình, tứ đại được nguyên vẹn: “Nay tôi phải trừ cảm thọ cũ[23], khiến cảm thọ* mới không sinh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.” Cũng như thân nam, nữ nổi lên nhọt độc, phải dùng cao mỡ bôi nhọt. Sở dĩ bôi nhọt là muốn chóng khỏi.
Đây cũng như vậy, các Tỳ-kheo, ăn uống biết tiết độ. Ở đây, Tỳ-kheo suy xét đồ ăn thức uống từ đâu mà đến; ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì thân hình, tứ đại được nguyên vẹn: “Nay tôi phải trừ cảm thọ* cũ, khiến cảm thọ* mới không sinh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.” Cũng như xe cộ chở nặng, sở dĩ bôi mỡ trục là muốn đem vật nặng đến nơi. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, ăn uống biết tiết độ, suy xét những đồ ăn thức uống từ đâu đến, ăn không vì để mập trắng, mà chỉ muốn duy trì thân hình, tứ đại được nguyên vẹn: “Nay tôi phải trừ cảm thọ* cũ, khiến cảm thọ* mới không sinh, để thân đủ sức, được tu hành đạo, khiến cho phạm hạnh không dứt.” Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độ là như vậy.
Sao gọi là Tỳ-kheo không bỏ kinh hành? Ở đây, Tỳ-kheo, đầu hôm cuối hôm luôn nhớ kinh hành không sai thời khóa, thường niệm tưởng buộc ý vào trong đạo phẩm. Nếu là ban ngày, hoặc đi hoặc ngồi, tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái[24]. Rồi lúc đầu hôm, hoặc đi hoặc ngồi, tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái. Rồi vào giữa đêm nằm nghiêng bên phải, tư duy buộc ý vào nơi ánh sáng. Rồi đến cuối hôm thức dậy, hoặc đi, hoặc tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái. Như vậy là Tỳ-kheo không bỏ kinh hành.
Nếu có Tỳ-kheo nào mà các căn tịch tĩnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý vào trong đạo phẩm, Tỳ-kheo này liền thành nhị quả, ở trong hiện pháp đắc A-nahàm. Cũng như người đánh xe giỏi, ở trên đường bằng thẳng, đánh xe tứ mã không bị ngưng trệ, muốn đến nơi nào, chắc chắn được không nghi ngờ. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, các căn tịch tĩnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý ở trong đạo phẩm, Tỳ-kheo này liền thành nhị quả, ở trong hiện pháp dứt sạch các lậu, đắc A-na-hàm[25].
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba bệnh lớn. Những gì là ba?
1. Phong là bệnh lớn.
2. Đàm là bệnh lớn.
3. Lãnh là bệnh lớn.
Các Tỳ-kheo, đó gọi là ba bệnh lớn. Lại có ba thứ thuốc hay. Những gì là ba?
1. Nếu bệnh phong, tô[26] là thuốc hay và tô dùng làm thức ăn. 2. Nếu bệnh đờm, mật làm thuốc hay và mật dùng làm thức ăn.
3. Nếu bệnh lãnh, dầu[27] là thuốc hay và dầu dùng làm thức ăn.
Tỳ-kheo, đó gọi là ba loại bệnh lớn này, có ba thứ thuốc này.
Cũng vậy, Tỳ-kheo cũng có ba loại bệnh lớn. Những gì là ba? Đó là tham dục, sân nhuế, ngu si.
Tỳ-kheo, đó gọi là có ba loại bệnh lớn này. Song, ba loại bệnh lớn này, lại có ba thứ thuốc hay. Những gì là ba?
1. Nếu lúc tham dục khởi, thường trị bằng bất tịnh và tư duy bất tịnh đạo. 2. Nếu bệnh lớn là sân nhuế, thường trị bằng Từ tâm và tư duy từ tâm đạo.
3. Nếu bệnh lớn là ngu si, thường trị bằng trí tuệ và duyên khởi đạo.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là ba loại bệnh lớn này, có ba thứ thuốc này. Cho nên Tỳ-kheo phải cầu phương tiện tìm ba loại thuốc này.
Này các Tỳ-kheo, hãy học tập điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba hành vi ác. Những gì là ba? Đó là thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba hành vi ác này, phải tìm cầu phương tiện tu ba hành vi thiện. Những gì là ba?
1. Nếu thân làm ác, phải tu hành vi thiện nơi thân.
2. Miệng nói ác, phải tu hành vi thiện nơi miệng.
3. Ý nghĩ ác, phải tu hành vi thiện nơi ý. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Giữ thân không hành ác
Tu tập thân thiện hành
Niệm xả thân ác hành
Hãy học thân thiện hành.
Giữ miệng không hành ác
Tu tập miệng hành thiện
Niệm xả miệng nói ác
Hãy học miệng nói thiện.
Giữ ý không hành ác
Tu tập ý nghĩ thiện
Niệm xả ý hành ác
Hãy học ý nghĩ thiện.
Lành thay, thân hành thiện
Khẩu hành cũng như vậy
Lành thay ý hành thiện
Tất cả cũng như vậy[28]
Giữ khẩu, ý thanh tịnh
Thân không hành vi ác
Ba hành tích[29]
thanh tịnh,
Đường vô vi của Tiên[30].
Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy xả bỏ ba hành vi ác, tu ba hành vi thiện.
Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo, đến giờ, khoác y, cầm bát, vào thành khất thực. Lúc đó, các Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Chúng ta vào thành khất thực giờ này còn sớm. Giờ nên dẫn nhau đến chỗ của Phạm chí ngoại đạo[32].” Rồi số đông các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phạm chí dị học[33]. Sau khi chào hỏi nhau xong, họ ngồi xuống một bên. Lúc đó ngoại đạo Phạm chí hỏi Sa-môn:
–Đạo sĩ Cù-đàm thường nói về dục luận[34], sắc luận, thọ* luận, tưởng luận. Những luận như vậy có gì sai khác? Những gì chúng tôi luận cũng là những gì Sa-môn nói. Những gì Sa-môn nói cũng là những gì chúng tôi luận. Thuyết pháp giống như tôi thuyết pháp. Dạy dỗ giống như tôi dạy dỗ.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những lời này xong, không nói đúng, cũng không nói sai, rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, vừa suy nghĩ, như vầy: “Chúng ta nên đem nghĩa này đến hỏi Đức Thế Tôn.”
Các Tỳ-kheo sau khi ăn xong, đi đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó, các Tỳ-kheo đem nhân duyên đầu đuôi câu chuyện đã nghe từ chỗ Phạm chí, bạch hết lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nếu Phạm chí kia hỏi như vậy, các ông nên đem nghĩa này hỏi lại họ: “Dục có vị gì, lại có lỗi gì phải lìa bỏ dục[35]? Sắc có vị gì, lại có lỗi gì phải lìa bỏ sắc? Thọ có vị gì, lại có lỗi gì phải lìa bỏ thọ?” Nếu các ông đem những lời này đáp lại câu hỏi của họ, các Phạm chí sẽ lặng im không trả lời được. Giả sử có nói, cũng không thể giải thích nghĩa sâu xa này, mà còn tăng thêm ngu hoặc, rơi vào ngõ cụt. Vì sao? Vì chẳng phải cảnh giới của họ. các dục.
Lại nữa, này Tỳ-kheo, Ma cùng Thiên ma, Thích, Phạm, Tứ Thiên vương, Sa-môn, Bà-lamôn, người và phi nhân, ai mà có thể hiểu nghĩa sâu này, trừ Như Lai Đẳng Chánh Giác và Thánh chúng của Như Lai, hay những người thọ giáo của ta, những người này thì không luận đến[36].
Dục có vị gì? Đó chính là năm dục[37]. Những gì là năm? Sắc được thấy bởi mắt làm khởi nhãn thức, rất đáng yêu, đáng nhớ, được người đời ưa thích; tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mịn láng được xúc chạm bởi thân, rất đáng yêu, đáng nhớ, được người đời ưa thích. Khổ, lạc phát sinh từ trong năm dục này, đó gọi là vị của dục.
Dục có lỗi gì? Ở đây, một thiện gia nam tử học các kỹ thuật để tự kinh doanh cho mình; hoặc học làm ruộng, hoặc học thư sớ, hoặc học làm thuê, hoặc học toán số, hoặc học cân dối, hoặc học chạm khắc, hoặc học thông tin qua lại, hoặc học hầu hạ vua, thân không lánh nắng mưa, mệt nhọc cần khổ, không được tự do. Làm những việc khổ cay này để thu hoạch sản nghiệp. Đó là lỗi lớn của dục. Khổ não trong đời này do ân ái này, đều do tham dục. Nhưng thiện gia nam tử kia lại làm việc cực khổ vậy mà không được của cải, trong lòng sầu lo khổ não không thể tính kể, tự suy nghĩ rằng: “Ta làm công lao này, bày các phương kế, mà không được tiền của.” Các trường họp như vậy, nên nghĩ đến lìa bỏ. Đó là nên lìa bỏ dục.
Lại nữa, khi thiện gia nam tử kia, hoặc khi bày phương kế vậy mà được tiền của. Do được tiền của nên tìm đủ mọi cách thích hợp để luôn tự giữ gìn, sợ vua chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt. Lại nghĩ như vầy: “Ta muốn chôn giấu, nhưng sợ sau quên mất. Ta muốn xuất ra sinh lời lại sợ không thể giữ. Hay nhà sinh con xấu, tiêu phá tài sản của ta.” Đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này đưa đến tai biến này.
Lại nữa, thiện gia nam tử kia thường sinh tâm này, là muốn gìn giữ tài sản, sau đó vẫn bị quốc vương chiếm đoạt, bị giặc cướp giật, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu đốt; những thứ chôn giấu cũng lại không thể giữ. Ngay khi muốn xuất vốn kiếm lời cũng thu không được. Ở nhà sinh con xấu, tiêu phá tài sản. Tiền vạn không thu được một. Trong lòng sầu ưu, khổ não, đấm ngực kêu la: “Tiền của ta có trước kia nay mất tất cả.” Người ấy trở nên ngu hoặc, tâm ý thác loạn. Cho nên, gọi dục là tai hoạn lớn, do bởi gốc dục này không đến vô vi được.
Lại nữa, do bởi gốc dục này, mà con người mặc giáp, cầm dao gậy, công phạt lẫn nhau. Chúng đánh nhau, hoặc ở trước bầy voi, hoặc ở trước bầy ngựa, hoặc ở trước bộ binh, hoặc ở trước xa binh; cho ngựa đấu ngựa, cho voi đấu voi, cho xe đấu xe, cho bộ binh đấu bộ binh; hoặc chém nhau, bắn nhau, hoặc đâm nhau. Đại loại như vậy, dục là tai hoạn lớn, vì dục là nguồn gốc đưa đến tai biến này. Lại nữa, do bởi gốc dục này, mà con người mặc giáp, cầm gậy, hoặc ở cửa thành, hoặc ở trên thành, chém nhau, bắn nhau, hoặc dùng giáo đâm, hoặc dùng bánh xe sắt nghiến đầu, hoặc tưới sắt nấu chảy, chịu đau đớn như vậy mà chết rất nhiều. Lại nữa, dục cũng không có thường, tất cả thay nhau biến đổi không ngừng. Không hiểu rõ dục này biến đổi vô thường, thì đây gọi dục là tai hoạn lớn.
Sao phải lìa bỏ dục? Nếu ai hay tu hành trừ tham dục[38]; đó gọi là bỏ dục.
Các Sa-môn, Bà-la-môn mà không như thật biết tai hoạn lớn của dục, cũng lại không biết nguyên do xả ly dục; không biết Sa-môn, oai nghi của Sa-môn, không biết Bà-la-môn, oai nghi của Bà-la-môn, những người ấy chẳng phải là Sa-môn, chẳng phải Bà-la-môn, cũng lại không thể tự thân tác chứng mà tự vui thú[39]. Nghĩa là các Sa-môn, Bà-la-môn mà xét biết dục là tai hoạn lớn, xa lìa dục, như thật không hư dối, biết Sa-môn có oai nghi của Sa-môn, biết Bà-la-môn có oai nghi của Bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự vui thú*. Đó là lìa bỏ dục.
Sao gọi là vị sắc? Khi nó thấy con gái dòng Sát-lợi, con gái dòng Bà-la-môn, con gái dòng trưởng giả, tuổi mười bốn, mười lăm, mười sáu, không cao, không thấp, không mập, không ốm, không trắng, không đen, xinh đẹp vô song, hiếm có ở đời. Vừa mới thấy nhan sắc ấy, nó liền khởi tưởng yêu thích. Đó gọi là vị của sắc.
Sao gọi sắc là tai hoạn lớn? Lại nữa, sau nếu lại thấy người con gái kia, tuổi đã tám mươi, chín mươi, cho đến trăm tuổi, nhan sắc đổi khác, qua tuổi thiếu, tráng niên, răng rụng, tóc bạc, thân thể cáu ghét, da dùn, mặt nhăn, lưng khòm, rên rỉ, thân như xe cũ, hình dáng run rẩy, chống gậy mà đi. Thế nào, các Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy ban đầu, sau lại thấy đổi khác, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp: –Kính vâng, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, ở đây nếu thấy người con gái kia thân mang trọng bệnh, nằm trên giường, đại tiểu tiện không thể đứng dậy. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp được thấy trước kia, nay trở nên bệnh này; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
–Các Tỳ-kheo! Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa Tỳ-kheo, nếu lại thấy người con gái kia, thân hoại mạng chung, được đem đến gò mả. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp trước kia đã thấy, nay đã biến đổi; ở trong đó mà tưởng khổ lạc; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp rằng:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy người con gái kia, chết qua một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, cho đến bảy ngày; thân thể sình chướng, rữa thối, tan rã, rơi vãi một nơi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp có trước kia, đến nay thay đổi đến như vậy; há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy người con gái kia, bị quạ, chim khách, kên kên, tranh nhau đến ăn thịt; hoặc bị beo, chó, sói, hổ, thấy mà ăn thịt; hoặc các loài trùng ngọ ngoạy rất nhỏ, biết bò, bay, động đậy, thấy mà ăn thịt. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia vốn có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, thân bị trùng quạ đã ăn một nửa, ruột, dạ dày, thịt, máu, ô uế bất tịnh. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp mà trước kia cô ấy có, nay biến đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ còn hài cốt liền nhau. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, máu thịt đã hết, chỉ có gân quấn ràng như bó củi. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến nỗi như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo: –Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt tan rã mỗi nơi, hoặc xương chân một chỗ, hoặc xương tay một chỗ, hoặc xương đùi một chỗ, hoặc xương hông một chỗ, hoặc xương sườn một chỗ, hoặc xương bả vai một chỗ, hoặc xương cổ một chỗ, hoặc đầu lâu một chỗ. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, xương cốt bạc trắng, hoặc giống sắc bồ câu. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, nếu thấy thân người con gái kia, hài cốt trải qua nhiều năm, hoặc bị mục nát, tan rã, giống như màu đất. Thế nào, Tỳ-kheo, sắc đẹp người kia từng có nay thay đổi đến như vậy; ở trong đó mà khởi ý tưởng khổ lạc, há chẳng phải là tai hoạn lớn sao?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
–Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Lại nữa, sắc này vô thường biến đổi, không được lâu dài, không được bền vững[40]. Đó gọi sắc là tai hoạn lớn.
Sao gọi sắc là xuất yếu[41]? Nếu hay lìa nơi bỏ sắc, trừ các loạn tưởng. Đó là lìa bỏ nơi sắc.[42] Những Sa-môn, Bà-la-môn mà đắm trước sắc nơi sắc, không như thật biết tai hoạn lớn, cũng không biết xả ly, đó không phải là Sa-môn, Bà-la-môn; đối với Sa-môn mà không biết oai nghi của Samôn, đối với Bà-la-môn mà không biết oai nghi của Bà-la-môn, không thể tự thân tác chứng mà tự vui thú*. Nghĩa là các Sa-môn, Bà-la-môn mà không đắm trước sắc ở nơi sắc; biết rõ sâu xa đại hoạn, biết xả ly, những người ấy ở nơi Sa-môn mà biết oai nghi của Sa-môn, ở nơi Bà-la-môn biết oai nghi của Bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự vui thú*. Đó gọi là lìa bỏ đối sắc.
Sao gọi là vị của thọ*? Ở đây, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ lạc, biết rằng ta có cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, biết rằng ta có cảm thọ khổ. Khi có cảm thọ không khổ không lạc, biết rằng ta có cảm thọ không khổ không lạc. Khi có cảm thọ lạc do ăn[43], biết rằng ta có cảm thọ lạc do ăn. Khi có cảm thọ khổ do ăn,* biết rằng ta có cảm thọ khổ do ăn. Khi có cảm thọ không khổ không lạc do ăn,* biết rằng ta có cảm thọ không khổ không lạc do ăn. Khi có cảm thọ khổ không do ăn[44], biết rằng ta có cảm thọ khổ không do ăn*. Khi có cảm thọ lạc không do ăn,* biết rằng ta có cảm thọ lạc không do ăn. Khi có cảm thọ không khổ không lạc không do ăn,* biết rằng ta có cảm thọ không khổ không lạc không do ăn*.
Lại nữa Tỳ-kheo, khi có cảm thọ lạc, khi ấy không có cảm thọ khổ, cũng lại không có cảm thọ không khổ không lạc; bấy giờ ta chỉ có cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, khi ấy không có cảm thọ lạc, cũng lại không có cảm thọ không khổ không lạc, chỉ có cảm thọ khổ.
Lại nữa, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ không khổ không lạc, khi ấy không có cảm thọ lạc và cảm thọ khổ, mà chỉ có cảm thọ không khổ không lạc.
Lại nữa, thọ* là pháp vô thường biến đổi. Vì biết thọ* là pháp vô thường biến đổi, cho nên gọi thọ là tai hoạn lớn.
Sao gọi thọ là xuất yếu? Nếu hay xả ly thọ nơi thọ, trừ các loạn tưởng[45]. Đó gọi là lìa bỏ đối cảm giác. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào mà đắm trước thọ nơi thọ, không biết tai hoạn lớn, cũng không lìa bỏ, không như thật biết; những người ấy chẳng phải Sa-môn, Bà-la-môn. Ở nơi Sa-môn không biết oai nghi của Sa-môn. Ở nơi Bà-la-môn không biết oai nghi của Bà-la-môn. Không thể tự thân chứng, mà tự vui thú*. Những Sa-môn, Bàla-môn nào mà không đắm trước thọ nơi thọ, biết rõ sâu xa là tai hoạn lớn, hay biết xả ly, những người ấy ở nơi Sa-môn mà biết oai nghi của Samôn; ở nơi Bà-la-môn mà biết oai nghi của Bà-lamôn, tự thân tác chứng mà tự vui thú*. Đó gọi là xả ly thọ.
Lại nữa Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc; không như thật biết, nhưng lại giảng dạy người khác khiến thực hành. Điều này không xảy ra. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể xả ly thọ, như thật biết, lại khuyên dạy người xả ly. Điều này có xảy ra. Đó gọi là xả ly nơi thọ.
Các Tỳ-kheo, nay Ta đã nói về sự đắm trước dục, vị của dục, dục là tai hoạn lớn, lại có thể xả ly; cũng nói về đắm trước sắc, vị của sắc, sắc là tai hoạn lớn, có thể xả ly sắc. Đã nói về sự đắm trước thọ, vị của thọ, thọ là tai hoạn lớn, có thể xả ly thọ.
Những gì các Như Lai cần làm, những gì cần thi thiết, nay Ta đều đã chu tất. Các ông hãy thường suy niệm ở dưới bóng cây, nơi hoang vắng, thiền tọa tư duy, chớ có giải đãi. Đó là giáo sắc của Ta.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba thứ không chắc thật. Những gì là ba?
1. Thân không chắc thật.
2. Mạng không chắc thật.
3. Tài không chắc thật.
Này các Tỳ-kheo, đó gọi là ba thứ không chắc thật.
Ở đây, Tỳ-kheo, trong ba thứ không chắc thật, hãy phương tiện tìm cầu làm thành ba thứ chắc thật. Những gì là ba?
1. Thân không chắc thật, tìm cầu nơi cái chắc thật.
2. Mạng không chắc thật, tìm cầu nơi cái chắc thật.
3. Tài không chắc thật, tìm cầu nơi cái chắc thật.
Sao gọi là thân không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Nghĩa là khiêm nhường, cung kính, lễ bái, tùy lúc thăm hỏi. Đây là thân không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật.
Sao gọi là mạng không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Ở đây, nếu có thiện nam, thiện nữ nào, suốt đời không sát sinh, không dùng dao gậy, thường biết tàm quý, có tâm Từ bi, nghĩ khắp tất cả chúng sinh; suốt đời không trộm cắp, thường niệm bố thí, tâm không ý tưởng keo lẫn; suốt đời không dâm dục, cũng không thông dâm vợ người; suốt đời không vọng ngữ, thường nghĩ đến chí thành không khi dối người đời; suốt đời không uống rượu, ý không tán loạn, giữ giới cấm của Phật. Đó gọi là mạng không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật.
Sao gọi là tài không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật? Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thường niệm bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, các hàng nghèo khó. Người cần ăn thì cho ăn, cần nước uống cho nước uống, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men chữa bệnh, nhà cửa thành quách, những thứ gì cần đều đem cho hết; tài sản không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật là như vậy.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là có ba thứ không chắc thật này, tìm cầu nơi ba thứ chắc này.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Biết thân không chắc thật
Mạng cũng không kiên cố
Tài sản, pháp suy mòn
Người nên cầu chắc thật.
Thân người thật khó được
Mạng cũng chẳng dài lâu
Hoan hỷ niệm bố thí.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Thứ nhất đức, phước nghiệp
Ba nhân, ba an, sợ
Ba đêm, bệnh, ác hành
Trừ khổ, không chắc thật.
[1] . Tham chiếu Pāli, A IV 34 Aggappasadā (R ii. 34): Bốn đức (tịnh tín) tối tượng: tịnh tín Phật (buddhe pasannā), tịnh tín Pháp là Thánh đạo tám chi (ariye aṭṭhaịgike magge pasannā), tịnh tín Pháp ly dục (virāge dhamme pasannā), tịnh tín Tăng (saṅghe pasannā).
[2] . Nê-duy-tiên 尼 維 先 : Phi tưởng phi phi tưởng. Pāli: Nevasaññināsaññino, cf. A. ibid.
[3] Pāli, ibid., hưởng năm phước: Tuổi thọ (àyu), nhan sắc (vaṇṇa), danh tiếng (yaso kitti), an lạc (sukkha), sức lực (bala).
[4] . Cf. Trường 8 (T1n1, tr. 50a19); Tập Dị 5 (T26n1536, tr. 385c12), ba phước nghiệp sự: Thí loại phước nghiệp sự 施 類₫ 福 業 事 , giới loại phước nghiệp sự 戒 類₫ 福 業 事 , tu loại phước nghiệp sự 修 類₫ 福業 事。Pāli: Tìṇi punnakiriyavatthūni– dānamayaṃ punnakiriyavatthu, sīlamayaṃ punnakiriyavatthu, bhāvanāmayaṃ punnakiriyavatthu (D 10, R. iii. 218).
[5] . Để bản: Hộ 護。
[6] . Xứ sở 處 所 , hay xứ 處。Tập Dị, ibid.: Sự; Pāli, ibid. vatthu, căn cứ, cơ sở.
[7] . Tham chiếu Pāli, M 38 Mahā-taṇhāsaṅkhaya (R.i. 266), do ba sự hòa hợp mà có nhập thai (tiṇṇaṃ sannipātā gabbhassāvakkanti hoti): Cha mẹ giao hội (mātāpitaro sannipatitā), mẹ có kinh nguyệt (mātā utunì hoti), hương ấm hiện diện (gandhabbo paccupaṭṭhito hoti).
[8] . Tham chiếu, A III 75 Nivesaka (R. i. 222): Khuyên khích (samādapetabbā), xác lập (nivesetabbā), an lập (patiṭṭhāpetabbā) những người mình yêu thương (ye anukampeyyātha) trong ba xứ (tīsu ṭhānesu).
[9] . Pāli, ibid., buddhe aveccappasāde, Phật chứng tịnh, tín tâm bất hoại (bất động) ở nơi Phật.
[10] . Nguyên Hán: Minh hành thành vi 明 行 成 為。
[11] . Nguyên Hán: Đạo pháp ngự 道 法 御。
[12] . Pāli, ibid., Dhamme aveccappasāde, Pháp chứng tịnh, tín tâm bất hoại (bất động) nơi Pháp.
[13] Pāli, ibid., Saṅghe aveccappasāde, Tăng chứng tịnh, tín tâm bất hoại (bất động) nơi Tăng.
[14] . Pāli, S. 6. 10 Kokālika (R. i. 149).
[15] Cù-ba-li 瞿 波 離。Pāli: Kokālika. Xem kinh số 5 phẩm 50 đoạn sau.
[16] Liên hoa địa ngục 蓮 華 地 獄。Pāli: Paduma-niraya.
[17] . Pāli, A III 16 Apaṇṇaka (R.i. 113).
[18] . Pāli, ibid., bhikkhu apaṇṇakapaṭipadaṃ paṭipanno hoti, yoni cassa āraddhā hoti āsavānaṃ khayāya, Tỳ-kheo hành đạo vô hý luận, đó là căn nguyên dẫn đến diệt tận các lậu.
[19] . Pāli, ibid., indriyesu guttadvāro, thủ hộ căn môn.
[20] . Hán: Bất thất kinh hành 不失經行。Pāli: Jāgariyaṃ anuyutto, tinh cần tỉnh giác.
[21] . Pāli: Na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī, không nắm bắt tướng chung, không nắm bắt tướng riêng.
[22] . Pāli: ibid., Yatvādhikaraṇamenaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati
cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati. Do những nhân tố nào mà tham ưu, và pháp ác, bất thiện, do nhãn căn không được thủ hộ, nên chảy lọt vào; để phòng hộ nhân tố ấy, nên thủ hộ nhãn căn.
[23] Hán: Cố thống 故 痛。Pāli: Purāṇañca vedanaṃ.
[24] . Hán: Ấm cái 陰 蓋 , hay triền cái. Pāli: Āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti, làm thanh tịnh khỏi các pháp phú chướng.
[25] A-na-hàm lậu tận, chưa thấy nơi nào nói điều này. Cf. Pāli: Khīịāsava.
[26] . Tô 酥 ; gồm sinh tô (Pāli: Takka) và thục tô (Pāli: Navanīta).
[27] Du 油 ; thường là dầu mè (Pāli: Tela).
[28] . Cf. Pāli, Dhp. 361. Kāyena saṃvaro sādhu, sādhu vācāya saṃvaro; manasā saṃvaro sādhu, sādhu sabbattha saṃvaro; sabbattha saṃvuto bhikkhu, sabbadukkhā pamuccati, Lành thay, thân phòng hộ! Lành thay, ngữ phòng hộ! Lành thay, ý phòng hộ! Tỳ-kheo tất cả phòng hộ, giải thoát tất cả khổ.
[29] . Tam hành tích; chỉ ba nghiệp đạo (Pāli: Kammapatha).
[30] . Xem, kệ Thất Phật, Tứ Phần Tỳ-kheo Giới Bản (T22n1429, tr. 1022c5). Cf. Pāli, Dhp. 281 Vācānurakkhī manasā susaṃvuto, kāyena ca nākusalaṃ kayirā ete tayo kammapathe visodhaye, ārādhaye maggam isippaveditaṃ, thủ hộ ngôn ngữ, chế ngự ý; thân không hành bất thiện, ba nghiệp đạo này tịnh, đạt đến con đường mà Đấng Đại Tiên (Phật) đã chỉ.
[31] . Pāli, M 13 Mahādukkhakkhandhasuttaṃ (R.i. 83). Hán, Trung 99 (T1n26, tr. 584c8).
[32] . Ngoại đạo Phạm chí 外 道 梵 志。Pāli: Aññatitthiya-paribbājaka, ngoại đạo xuất gia, phổ hành (du sĩ) dị học.
[33] . Dị học Phạm chí 異 學 梵 志 , như ngoại đạo Phạm chí.
[34] Pāli, ibid., Kāmānaṃ pariññaṃ kāmānaṃ pariññaṃ, thi thiết dục biến tri, chủ trương nhận thức về
[35] . Pāli, ibid., Kāmānaṃ assādo, ko ādānavo, kiṃ nissaraṇaṃ? Dục có vị ngọt gì? Nguy hiểm gì? Xuất yếu gì?
[36] . Hán: thử tức bất luận 此即不論; nghĩa không rõ, hoặc Hán đọc nhầm từ nguyên bản. Tham chiếu Pāli, ibid.: Ito và pana sutvà, hay những người đã nghe từ đây. Hình như Hán đọc là: Ito và na sutvà.
[37] Ngũ dục. Pāli: Pañca kāmaguṇā, năm dục công đức, năm thành tố của dục vọng,
[38] . Pāli, ibid., Kiñca kāmānaṃ nissaraṇaṃ? Yo kāmesu chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ–, sự xuất yếu (thoát ly) của dục là gì? Chế ngự ham muốn, đoạn trừ ham muốn trong các dục vọng.
[39] Hán: Tự du hý 自 遊 戲 , hiểu là tự an trú (sống với).
[40] . Để bản: Vô hữu lão ấu 無 有 老 幼。
[41] . Xuất yếu 出 要 ; đoạn trên nói là xả ly. Cùng nghĩa. Pāli: Nisssara.
[42] . Xem cht. 38 trên.
[43] . Hán: Thực lạc thống 食 樂 痛 ; xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.
[44] . Hán: Bất thực khổ thống 不 食 苦 痛 ; xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.
[45] . Pāli, ibid., Yo vedanāsu chandarāgavinayo, chandarāgappahānaṃ, chế ngự ham muốn, đoạn trừ ham muốn nơi các thọ.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]