TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 22: BA CÚNG DƯỜNG

Kinh số 1

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba người, xứng đáng được người đời cúng dường. Ba người ấy là ai?

1. Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, xứng đáng được người đời cúng dường.

2. Đệ tử của Đức Như Lai, A-la-hán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường.

3. Chuyển luân thánh vương, xứng đáng được người đời cúng dường.

Có nhân duyên gì mà Như Lai xứng đáng được người đời cúng dường? Như Lai điều phục những ai chưa được điều phục, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, giải thoát những ai chưa được giải thoát, khiến thành Niết-bàn những ai chưa Bát-niết-bàn, cứu hộ những ai chưa được cứu hộ, làm con mắt cho những ai mù mắt. Như Lai là tối tôn đệ nhất, là ruộng phước tối tôn, đáng kính, đáng quý giữa ma, hoặc Thiên ma, trời và người, làm Đạo sư hướng dẫn loài người biết con đường chánh, thuyết đạo giáo cho những ai chưa biết đạo. Do nhân duyên này, Như Lai là xứng đáng được người đời cúng dường.

Có nhân duyên gì mà đệ tử của Như Lai, A-lahán lậu tận, xứng đáng được người đời cúng dường? Tỳ-kheo nên biết, A-la-hán lậu tận đã vượt qua được dòng sinh tử, không còn tái sinh, đã đắc pháp vô thượng; dâm, nộ, si vĩnh viễn diệt tận không còn, là ruộng phước của đời. Do nhân duyên này, A-la-hán lậu tận xứng đáng được người đời cúng dường.

Lại nữa, do nhân duyên gì mà Chuyển luân thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường? Các Tỳ-kheo nên biết, Chuyển luân thánh vương dùng pháp để trị hóa, trọn không sát sinh, lại dạy dỗ người khiến không sát sinh; tự mình không trộm cắp và cũng dạy người khác không trộm cắp; tự mình không dâm dật và dạy người khác không dâm dật; tự mình không nói vọng ngữ và dạy người khác không vọng ngữ; tự mình không nói hai lưỡi đấu loạn kia đây, lại cũng dạy người khác khiến không nói hai lưỡi; tự mình không ganh ghét, sân, si, lại dạy người khác cũng không tập pháp này; tự hành theo chánh kiến và dạy người khác không hành theo tà kiến. Do nhân duyên này, Chuyển luân thánh vương xứng đáng được người đời cúng dường.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 2

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A-nan: –Có ba thiện căn không thể cùng tận, đưa dần đến Niết-bàn giới. Những gì là ba?

1. Gieo trồng công đức ở nơi Như Lai, thiện căn này không thể cùng tận.

2. Gieo trồng công đức ở nơi Chánh pháp, thiện căn này không thể cùng tận. 3. Gieo trồng công đức ở nơi Thánh chúng, thiện căn này không thể cùng tận.

Này A-nan, đó gọi là có ba thiện căn không cùng tận này, đưa đến Niết-bàn giới. Cho nên Anan, hãy tìm cầu phương tiện để đạt được phước không thể cùng tận này.

A-nan, hãy học tập điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 3

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba thọ* này. Những gì là ba? Đó là:

1. Cảm thọ lạc.

2. Cảm thọ khổ.

3. Cảm thọ không khổ không lạc.[1]

Này các Tỳ-kheo nên biết, cảm thọ lạc kia là sứ giả của ái dục. Cảm thọ khổ kia là sứ giả của sân nhuế sai khiến. Cảm thọ không khổ không lạc kia là sứ giả của si. Cho nên, này Tỳ-kheo, hãy học phương tiện tìm cầu diệt các sứ giả này. Vì vậy, các ông hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Các Tỳ-kheo nên biết, sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ-kheo nào tự niệm nhiệt hành tu hành pháp này, đắc pháp vô tỷ, người ấy chính là đệ nhất Thanh văn.

Thế nào, Tỳ-kheo, hãy tự nhiệt hành, tự tu hành pháp cần phải tu hành, đắc pháp vô tỷ. Ở đây, Tỳ-kheo bên trong tự quán thân nơi thân, ngoài tự quán thân nơi thân, trong ngoài tự quán thân mà tự vui thú*; trong quán thọ ngoài quán thọ, trong ngoài quán thọ; trong quán ý ngoài quán ý, trong ngoài quán ý; trong quán pháp, ngoài quán pháp, trong ngoài quán pháp tự vui thú*.

Như vậy Tỳ-kheo, hãy tự nỗ lực tu hành pháp ấy, đắc pháp vô tỷ. Những Tỳ-kheo nào thực hành pháp này, người ấy là đệ tử bậc nhất ở trong hàng Thanh văn.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 4

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo:

–Có ba sự, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt[2]. Những gì là ba?

1. Nữ nhân, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.

2.Chú thuật Bà-la-môn, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.

3. Nghiệp của tà kiến, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.

Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này, che khuất thì tốt, hiển lộ thì không tốt.

Lại có ba sự mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt[3]. Những gì là ba?

1. Mặt trời hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.

2. Mặt trăng hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.

3. Pháp ngữ của Như Lai, hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.

Tỳ-kheo, đó gọi là có ba sự này mà hiển lộ thì tốt, che khuất thì không tốt.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Nữ nhân cùng chú thuật
Tà kiến hành bất thiện
Đây ba pháp ở đời
Che giấu thì rất tốt.
Nhật, nguyệt chiếu khắp nơi
Lời chánh pháp Như Lai
Đây ba pháp ở đời
Hiện bày là đẹp nhất.

Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy hiển bày pháp Như Lai, chớ để che khuất.

Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 5

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba tướng hữu vi của hữu vi. Những là ba?

1. Biết nó sinh khởi.

2. Biết nó biến thiên.

3. Biết nó diệt tận[4].

Sao gọi đó là biết nó sinh khởi? Biết nó sinh, nó lớn, thành hình năm ấm, đến các giới và xứ[5]. Đó gọi là biết nó sinh khởi.

Sao gọi là nó diệt tận? Nó chết, mạng đã qua, không tồn tại, vô thường, các ấm tan hoại, dòng họ chia lìa, mạng căn cắt dứt. Đó gọi là biết diệt tận.

Sao gọi là nó biến dịch? Răng rụng, tóc bạc, khí lực hao mòn, tuổi cao sức yếu, thân thể rã rời. Đó gọi là biệt pháp biết pháp biến dịch.

Tỳ-kheo, đó là ba tướng hữu vi của hữu vi. Nên biết ba tướng hữu vi của hữu vi này. Hãy khéo phân biệt.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Người ngu có ba tướng, ba pháp không thể trông cậy[6]. Ba pháp gì? Ở đây, điều mà người ngu không nên tư duy mà cứ tư duy; điều không nên luận nói mà cứ luận thuyết; điều không nên hành mà cứ tu tập.

Thế nào là người ngu tư niệm điều không nên tư duy? Ở đây, người ngu khởi ba hành của ý, rồi tư duy, ức niệm. Những gì là ba? Ở đây, người ngu khởi tâm ganh tị tài sản và nữ sắc nơi người khác, tâm nghĩ lời ác làm trổi dậy tâm ganh ghét, rằng:

“Mong những cái mà người ấy thuộc về ta.” Như vậy người ngu tư duy điều không nên tư duy.

Thế nào là người ngu luận thuyết điều không nên luận thuyết? Ở đây, người ngu gây bốn tội lỗi nơi miệng. Những gì là bốn? Ở đây, người ngu thường thích vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Người ngu bốn tội lỗi nơi miệng như vậy.

Thế là người ngu tạo các hành vi ác? Ở đây, người ngu tạo hành vi ác bởi thân, thường nghĩ đến sát sinh, trộm cắp, dâm dật. Người ngu tạo các ác hành như vậy.

Như vậy, Tỳ-kheo, người ngu có ba hành tích này, người ngu si tập hành ba sự này.

Lại nữa Tỳ-kheo, người trí có ba sự cần được niệm tưởng tu hành. Những gì là ba? Ở đây, người trí tư duy điều đáng tư duy; luận thuyết điều đáng luận thuyết; hành thiện điều đáng tu hành thiện.

Thế nào là người trí tư duy điều đáng tư duy? Ở đây, người trí tư duy ba hành vi của ý. Những gì là ba? Ở đây, người trí không ganh ghét, oán giận, si mê; thường hành chánh kiến, thấy tài sản của người khác không sinh tưởng niệm. Như vậy, người trí tư duy điều đáng tư duy.

Thế nào là người trí luận thuyết điều đáng luận thuyết? Ở đây, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng. Những gì là bốn? Ở đây, người trí không nối dối, cũng không dạy người khác nói dối, thấy người nói dối, ý không hoan hỷ. Đó gọi là người trí giữ gìn miệng mình. Lại nữa, người trí không nói thêu dệt, ác khẩu, tranh loạn kia đây, cũng không dạy người khiến nói thêu dệt, ác khẩu, gây đấu loạn giữa người này người kia. Như vậy, người trí thành tựu bốn hành vi bởi miệng.

Thế nào là người trí thành tựu ba hành vi của thân? Ở đây, người trí tư duy thân hành không có điều gì xúc phạm; song người trí lại tự mình không sát sinh, cũng không dạy người sát sinh, thấy người khác giết hại, tâm không hoan hỷ; tự mình không trộm cắp, không dạy người trộm cắp, thấy người khác trộm cắp tâm không hoan hỷ; cũng không dâm dật, thấy nữ sắc của kẻ khác tâm không khởi tưởng, cũng không dạy người khiến hành dâm dật. Nếu thấy người già thì xem như mẹ, người vừa như chị, người nhỏ như em, ý không cao thấp. Người trí đã thành tựu ba hành của thân như vậy.

Đó gọi là những hành tích của người trí.

Như vậy, này Tỳ-kheo, có ba tướng hữu vi này của hữu vi. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường xả ly ba tướng của người ngu. Chớ nên phế bỏ ba điều sở hành của người trí.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 7

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba pháp này, vì không được giác tri, không được thấy, không được nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ông trước đây chưa từng thấy nghe. Những gì là ba? Đó là giới Hiền thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe, nên trải qua sinh tử mà chưa từng nhìn ngắm; Ta và các ông trước đây chưa từng thấy nghe. Tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh, không thể giác tri, không thấy, không nghe. Nay, như thân Ta, cùng với các ông, thảy đều giác tri cấm giới Hiền thánh, Tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh, thảy đều thành tựu, nên không còn tái sinh nữa, đã đoạn nguồn gốc sinh tử. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tu hành ba pháp này. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 8

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Có ba pháp rất đáng mến yêu mà người đời tham muốn. Ba pháp gì?

1. Trẻ khỏe là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn. 2. Không bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.

3. Tuổi thọ bệnh là pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.

Tỳ-kheo, đó gọi là có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham muốn.

Lại nữa Tỳ-kheo, tuy có ba pháp đáng mến yêu mà người đời tham đắm này, nhưng lại có ba pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn. Ba pháp gì?

1. Tỳ-kheo nên biết, tuy có trẻ khỏe, nhưng ắt sẽ già, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn.

2. Tỳ-kheo nên biết, tuy có không bệnh, song tất sẽ bệnh, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn.

3. Tỳ-kheo nên biết, tuy có sống lâu, song tất sẽ chết, pháp không đáng mến yêu mà người đời không tham muốn.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, tuy có trẻ khỏe, nhưng phải tìm cầu cái không già, đến Niết-bàn giới. Tuy có không bệnh, như phải tìm cầu phương tiện để không có cái bệnh. Tuy có sống lâu, nhưng hãy tìm cầu phương tiện để không bị chết.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 9

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Giống như mùa Xuân. Trời mưa đá lớn. Cũng lại như vậy, nếu Như Lai không xuất hiện ở đời, chúng sinh sẽ rơi vào địa ngục. Bấy giờ người nữ vào địa ngục nhiều hơn đối người nam. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết, do ba sự nên các loài chúng sinh thân hoại mạng chung rơi vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là tham dục, ngủ nghỉ, điệu hý[7]. Bị ba sự này quấn chặt tâm ý, thân hoại mạng chung rơi vào ba đường ác.

Người nữ cả ngày tập hành ba pháp mà tự vui thú*.[8] Ba pháp gì? Sáng sớm để cho tâm ganh tị quấn chặt mình. Buổi trưa lại để cho ngủ nghỉ quấn chặt mình. Buổi chiều để cho tâm tham dục quấn chặt mình. Do nhân duyên này khiến người nữ kia thân hoại mạng chung sinh vào ba đường dữ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng tránh xa ba pháp này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Ganh tị, ngủ, điệu hý
Tham dục là pháp ác
Lôi người vào địa ngục
Cuối cùng không giải thoát.
Vì vậy phải lìa bỏ
Ganh tị, ngủ, điệu hý
Và cũng xả bỏ dục
Đừng tạo hành ác kia.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tránh xa sự ganh tị, không có tâm keo kiệt, thường hành huệ thí, không ham ngủ nghỉ, thường hành không nhiễm[9], không đắm tham dục.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 10

Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có ba pháp này, tập hành chúng, thân cận chúng, không hề biết chán đủ, lại cũng không thể đến chỗ tĩnh chỉ. Những gì là ba? Đó là tham dục, nếu có người nào tập pháp này, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập uống rượu, ban đầu không chán đủ. Hoặc lại có người tập ngủ nghỉ, ban đầu không chán đủ.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là có người tập ba pháp này, ban đầu không chán đủ, lại cũng không thể đến nơi diệt tận.

Cho nên, Tỳ-kheo, thường phải lìa bỏ ba pháp này, không gần gũi nó.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Cúng dường, ba thiện căn
Ba thọ, ba khuất lộ
Tướng, pháp, ba bất giác
Mến yêu, xuân, không đủ.



[1] Hán: Tam thống 三 痛 , ba thọ hay cảm thọ. Cf. D 10 Sagti (R.iii. 216): Tisso vedanā–sukhā vedanā, dukkhā vedanā, adukkhamasukhā vedanā.

[2] Cf. A III 129 Paṭicchannasuttaṃ (R i. 182): Tìṇimāni paṭicchannāni āvahanti no vivaṭāni, ba sự kiện này được che giấu thì có hiệu quả, chứ không phải hiển lộ.

[3] Cf. Pāli, ibid., Tìṇimāni vivaṭāni virocanti, no paṭicchannāni, ba sự kiện này được hiển lộ thì chiếu sáng, chứ không phải bị che giấu.

[4] . Cf. A III 47 Saṅkhatalakkhaṇa (R i. 152): Tìṇimāni, saṅkhatassa saṅkhatalakkhaịāni. Katamāni tìṇi? Uppādo paññāyati, vayo paññāyati, ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati. Cf. Dẫn bởi Câu-xá 5 (T29n1558_p0027a17); Tỳ-bà-sa 38 (T27n1545_p0198a11): Hữu vi chi khởi diệc khả liễu tri, tận cập trú dị diệc khả liễu tri 有 為 之 起 亦 可 了 知。盡 及 住 異 亦 可 了 知 , sinh khởi của hữu vi cũng đã được biết; tận và trú dị cũng đã được biết.

[5] . Hán: Trì nhập 持 入。Pāli: dhātu, āyatana.

[6] . Cf. A III 3 Cintsutta (R.i. 102): Tìṇimāni bālassa bālalakkhaịāni bālanimittāni bālāpadānāni, có ba đặc tính ngu, ba dấu hiệu ngu, ba hành tích ngu của người ngu.

[7] . Điệu hý, hay trạo cử, vọng động.

[8] . Cf. A III 127 (R.i. 281).

[9] . TNM: Thường hành bất tịnh quán.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]