TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bảo các quần thần:
–Các ngươi hãy mau chỉnh bị xe có gắn lông chim[1]. Ta muốn đến chỗ Đức Thế Tôn, lễ bái thăm hỏi.
Tả hữu vâng lệnh vua, chỉnh bị xe có gắn lông chim* xong, liền tâu vua:
–Đã chuẩn bị xong, nay đã đến lúc.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc liền lên xe có gắn lông chim*, có vài ngàn người đi bộ và cỡi ngựa, vây quanh trước sau, ra khỏi nước Xá-vệ, đến tinh xá Kỳ hoàn, đến chỗ Đức Thế Tôn. Như phép của các vua, cởi bỏ năm món nghi trượng, đó là lọng, mũ, kiếm, giày và quạt vàng[2], để hết một bên, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn thuyết cho pháp thâm diệu cho vua, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Vua Ba-tưnặc sau khi nghe thuyết pháp, bạch Thế Tôn: –Cúi mong Đức Thế Tôn nhận thỉnh cầu ba tháng[3] của con, cùng Tỳ-kheo Tăng không ở nơi khác.
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của vua Ba-tư-nặc. Khi vua Ba-tự-nặc thấy Đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui đi.
Về đến thành Xá-vệ, vua ra lệnh các quần thần: –Ta muốn cúng dường phạn thực cho Phật và Tỳ-kheo Tăng ba tháng, cung cấp những vật cần dùng, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, các khanh cũng nên phát tâm hoan hỷ. Quần thần đáp: –Xin vâng.
Vua Ba-tư-nặc cho xây dựng đại giảng đường ở ngoài cửa cung, cực kỳ đẹp đẽ, treo lụa là, tràng phan, dù lọng, trổi nhạc hát múa, không thể kể.
Lập các hồ tắm, bày biện nhiều đèn dầu, dọn nhiều thức ăn, có đến trăm vị. Rồi vua Ba-tư-nặc liền đến bạch:
–Đã đến giờ, cúi xin Đức Thế Tôn quang lâm đến nơi này.
Bấy giờ Thế Tôn thấy đã đến giờ, đắp y cầm bát, dẫn các Tỳ-kheo Tăng, vây quanh trước sau, vào thành Xá-vệ, đến chỗ giảng đường kia. Đến rồi, vào chỗ ngồi mà ngồi và các Tỳ-kheo Tăng theo thứ tự cũng ngồi.
Khi đó, vua Ba-tư-nặc hướng dẫn các cung nhân, tự tay mang thức ăn và cung cấp những thứ cần dùng, cho đến ba tháng không mà không có gì thiếu hụt; cung cấp các thứ áo chăn, cơm nước, giường chiếu, thuốc trị bệnh.
Thấy Thế Tôn ăn xong, vua đem các thứ hoa rải lên Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng, rồi lấy ghế nhỏ ngồi ở trước Như Lai, bạch Thế Tôn:
–Con đã từng nghe từ Phật, do nhờ nhân duyên bố thí cho súc sinh ăn mà được phước gấp trăm; cho người phạm giới ăn được phước gấp ngàn; cho người trì giới ăn được phước gấp vạn; cho Tiên nhân đoạn dục ăn được phước gấp ức; cho vị Tuđà-hoàn hướng ăn được phước không thể tính kể, huống lại là vị thành Tu-đà-hoàn ư? Huống chi là vị hướng Tư-đà-hàm đắc quả Tư-đà-hàm, huống chi vị hướng A-na-hàm đắc quả A-na-hàm, huống chi vị A-la-hán hướng, đắc A-la-hán quả, huống chi vị Bích-chi-phật hướng, đắc Bích-chi-phật quả, huống chi bậc hướng Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, huống chi bậc thành Phật và Tỳ-kheo Tăng, công đức phước báu đó không thể tính kể.
Những việc làm công đức hiện tại của con, hôm nay đã xong.
Thế Tôn bảo:
–Đại vương, chớ nói như vậy! Làm phước không nhàm chán, sao hôm nay lại nói đã làm xong? Vì sao như vậy? Vì sinh tử lâu dài không thể kể.
Quá khứ lâu xa có vua tên là Địa Chủ, thống lãnh cõi Diêm-phù này. Vua đó có vị đại thần tên là Thiện Minh, ngay từ thiếu thời đã quanh quẩn bên vua không hề sợ khó. Sau đó, vua kia chia nửa cõi Diêm-phù cho vị đại thần đó trị. Khi đó, tiểu vương Thiện Minh tự xây thành quách, dọc mười hai do-tuần, ngang bảy do-tuần, đất đai phì nhiêu, nhân dân đông đúc.
Bấy giờ, thành đó tên là Viễn chiếu. Đệ nhất phu nhân của vua Thiện Minh tên là Nhật Nguyệt Quang, không cao, không thấp, không mập, không gầy, không trắng, không đen, nhan sắc xinh đẹp, hiếm có trên đời, miệng tỏa mùi hương hoa ưubát, thân thơm hương chiên-đàn. Một thời gian sau, bà mang thai. Vị phu nhân đó liền đến tâu vua rằng: “Nay thần thiếp có thai.”
Vua nghe lời này, vui mừng hớn hở, không thể kiềm được, liền sai kẻ hầu cận, bày biện giường chiếu cực kỳ khoái lạc. Phu nhân mang thai đủ ngày, sinh một nam nhi. Lúc đương sinh, đất cõi Diêm-phù hiện rực sáng màu vàng, tướng mạo đoan chánh, đủ ba mươi hai tướng tốt, thân thể sắc vàng. Đại vương Thiện Minh thấy thái tử này, hoan hỷ phấn khởi, mừng rỡ khôn lường, liền triệu các thầy đạo sĩ Bà-la-môn, tự bồng thái tử để họ xem tướng: “Nay ta đã sinh thái tử. Các khanh hãy xem tướng giúp ta, rồi đặt cho tên.”
Khi đó, các thầy tướng vâng lệnh vua. Họ cùng bồng, xem xét tướng mạo, rồi cùng nhau tâu vua: “Thánh vương thái tử đoan chánh vô song. Các căn đầy đủ. Có ba mươi hai tướng tốt. Nay vương tử này, sẽ có hai đường hướng: Nếu ở nhà sẽ làm Chuyển luân thánh vương, đầy đủ bảy báu. Bảy báu gồm có: Bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Đó là bảy báu. Vua sẽ có một ngàn người con, dũng mãnh cang cường, có thể dẹp quân địch, ở trong bốn biển này, không cần đao trượng mà tự nhiên khuất phục. Hoặc vương tử này sẽ xuất gia học đạo, thành Vô thượng Chánh giác, danh đức vang xa, khắp cả thế giới. Ngay ngày sinh vương tử này, ánh sáng chiếu xa, nay đặt tên vương tử là Đăng Quang.”
Các thầy tướng sau khi đặt tên xong, họ rời chỗ ngồi mà đi.
Nhà vua suốt ngày bồng thái tử, không hề rời mắt. Lúc này, vua xây cho vương tử này ba giảng đường thích hợp với ba mùa Thu, Đông và Hạ.
Cung nhân thể nữ đầy cả trong cung. Rồi để cho thái tử của ông ở đó vui chơi.
Khi vương thái tử được hai mươi chín tuổi, bằng tín tâm kiên cố, xuất gia học đạo. Ngày xuất gia, ngay đêm đó thành Phật.
Bấy giờ, khắp cõi Diêm-phù-đề đều nghe biết, thái tử của vua kia xuất gia học đạo, ngay ngày ấy thành Phật. Sáng sớm phụ vương nghe vương thái tử xuất gia học đạo, ngay đêm đó thành Phật. Vua liền nghĩ rằng: “Đêm qua ta nghe chư Thiên trên không thảy đều ca tụng tốt lành. Đây tất là điềm lành, chứ không phải là tiếng vang xấu. Nay ta hãy đi gặp gỡ.”
Rồi vua dẫn bốn mươi ức nam nữ vây quanh, đi đến chỗ Như Lai Đăng Quang. Đến nơi, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bốn mươi ức người cũng làm lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó Như Lai lần lượt thuyết các đề tài vi diệu cho phụ vương và bốn mươi ức người. Các đề tài đó là luận về thí, luận về giới, luận về sinh Thiên, dục là ô uế, là hữu lậu, là hạnh bất tịnh, xuất gia là con đường xuất yếu, đạt được quả báo thanh tịnh.
Bấy giờ, Như Lai quán sát tâm ý của chúng sinh này, tâm tánh đã hòa dịu, bèn như pháp mà chư Phật Như Lai thường thuyết, nói về Khổ, Tập, Diệt, Đạo; Ngài cũng vì bốn mươi ức người mà nói rộng hết nghĩa này. Ngay trên chỗ ngồi, họ sạch hết các trần cấu, được Pháp nhãn tịnh. Khi đó, bốn mươi ức người bạch Đức Đăng Quang Như Lai: “Chúng con muốn cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo.”
Đại vương nên biết, bấy giờ, hết thảy bốn mươi ức người được xuất gia học đạo, ngay trong ngày đó thảy đều thành A-la-hán.
Bấy giờ, Đức Như Lai Đăng Quang dẫn bốn mươi ức người đều là bậc Vô trước[4], du hành trong nước này. Nhân dân trong nước cúng dường tứ sự, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, không thiếu hụt một thứ gì.
Khi đó, Đại vương Địa Chủ nghe Đăng Quang thành Vô thượng Chánh chân, Đẳng chánh giác, đang dẫn bốn mươi ức người đều là bậc Vô trước, du hành trong nước kia. Vua nghĩ: “Nay ta sai tín sứ đến thỉnh Như Lai sang du hóa ở đây. Nếu ngài đến, bản nguyện của ta thỏa mãn. Nếu không đến, ta đích thân đến lễ lạy, thăm hỏi.”
Vua liền sai một vị đại thần: “Ngươi đến đó, nhân danh ta đảnh lễ sát chân, thăm hỏi Như Lai, đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có mạnh khỏe không? Hãy thưa: Vua Địa Chủ thăm hỏi Như Lai, đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có mạnh khỏe không? Cúi xin Thế Tôn chiếu cố chốn này.”
Bấy giờ, người đó vâng lệnh vua đi đến đất nước kia. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa như vầy: “Đại vương Địa Chủ lễ sát chân Như Lai. Lễ xong thăm hỏi đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có mạnh khỏe không? Cúi xin Thế Tôn chiếu cố nước này.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu ấy. Rồi Như Lai Đăng Quang dẫn đại chúng, lần lượt du hành trong dân gian, cùng với bốn mươi ức đại Tỳ-kheo, ở bất kỳ nơi nào cũng đều được cung kính, cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, tọa cụ, thuốc men trị bệnh. Như Lai và đại chúng đi lần đến nước Địa Chủ. Đại vương Địa Chủ nghe Đăng Quang Như Lai đến nước mình, hiện đang ở trong vườn Bà-la phía Bắc, dẫn bốn mươi ức đại Tỳ-kheo. Vua nghĩ:
“Nay ta nên đích thân đến nghênh đón.”
Khi đó, Đại vương Địa Chủ cũng lại dẫn bốn mươi ức người đến chỗ Đức Như Lai Đăng Quang. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bốn mươi ức người lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Như Lai Đăng Quang lần lượt trực tiếp nói các đề tài vi diệu cho vua cùng với bốn mươi ức người nghe. Ngài nói về thí, về giới, về sinh Thiên, về dục là ô uế, là hữu lậu, là hạnh bất tịnh, xuất gia là con đường xuất yếu, đạt được quả báo thanh tịnh.
Như Lai quán sát tâm ý của chúng sinh này, tâm tánh đã hòa dịu, bèn như pháp mà chư Phật Như Lai thường thuyết, nói về Khổ, Tập, Diệt, Đạo; Ngài cũng vì bốn mươi ức người mà nói rộng hết nghĩa này. Ngay trên chỗ ngồi, họ sạch hết các trần cấu, được Pháp nhãn tịnh. Khi đó bốn mươi ức người bạch Như Lai Đăng Quang rằng: “Chúng con có ý muốn cạo bảo râu tóc, xuất gia học đạo.”
Đại vương nên biết, bấy giờ cả thảy bốn mươi ức người đều được xuất gia học đạo. Ngay ngày hôm ấy, họ thảy đều đắc đạo, thành A-la-hán. Khi đó quốc vương Địa Chủ từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ sát chân Phật rồi lui ra.
Bấy giờ, Như Lai Đăng Quang dẫn tám mươi vạn ức người đều là A-la-hán, du hành trong nước. Nhân dân trong nước cúng dường tứ sự, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men chữa bệnh, cung cấp mọi thứ, không gì thiếu hụt. Thời gian sau, quốc vương Địa Chủ lại dẫn các quần thần đến chỗ Đức Như Lai đó, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi đó, Đức Như Lai Đăng Quang vì quốc vương kia thuyết pháp vi diệu. Quốc vương Địa Chủ bạch Đức Như Lai rằng: “Cúi xin Đức Thế Tôn cho con được suốt đời cúng dường Ngài và Tỳ-kheo Tăng, cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, sẽ không có gì thiếu hụt.”
Bấy giờ, Như Lai Đăng Quang im lặng nhận lời thỉnh cầu của vua kia. Khi vua thấy Đức Phật im lặng nhận thỉnh, lại tiếp bạch Thế Tôn: “Nay con có điều cầu nguyện từ Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn chấp nhận.”
Thế Tôn bảo: “Pháp của Như Lai siêu quá nguyện này[5].”
Vua bạch Thế Tôn: “Nguyện cầu của con hôm nay rất là tịnh diệu.”
Thế Tôn bảo: “Những điều nguyện cầu tịnh diệu ấy là gì?”
Vua bạch Thế Tôn: “Như ý của con, hôm nay chúng Tăng ăn bằng bát này, ngày mai ăn dùng bát khác; hôm nay chúng Tăng mặc y phục này, ngày mai mặc y phục khác; hôm nay chúng Tăng ngồi tòa này, ngày mai ngồi tòa khác; hôm nay sai người này đến hầu chúng Tăng, ngày mai thay đổi người khác đến hầu chúng Tăng. Những điều mà con cầu mong chính là như vậy.”
Như Lai Đăng Quang bảo: “Tùy ý nguyện của vua. Nay là lúc thích hợp.”
Đại vương Địa Chủ vui mừng hớn hở không thể tự kiềm chế, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui trở về cung.
Về đến nơi, vua bảo các quần thần: “Nay ta phát tâm trọn đời cúng dường Như Lai Đăng Quang, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác và chúng Tỳ-kheo, y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Ta khuyên các khanh cũng nên giúp ta lo việc cúng dường.”
Các đại thần đáp: “Như lời đại vương dạy.” Cách thành không bao xa, trong vòng một dotuần, vua cho xây dựng giảng đường chạm trổ điêu khắc, năm màu rực rỡ, treo màn, tràng phan, dù lọng, trổi nhạc hát múa, rưới hương trên đất, sửa sang hồ tắm, bày đủ thứ đèn đuốc, sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống ngon ngọt, bày biện chỗ ngồi. Rồi đến cho biết đã đến giờ, bạch: “Bấy giờ, đã đúng giờ, xin Thế Tôn chiếu cố.”
Như Lai biết đã đến giờ, mặc y cầm bát, dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh, đi đến chỗ giảng đường. Mọi người ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Khi đại vương Địa Chủ thấy Đức Phật và các Tỳ-kheo Tăng ngồi xong, dẫn cung nhân thể nữ và các quan đại thần, tự tay rót nước, bưng sớt nhiều đồ ăn thức uống, có đến trăm vị.
Đại vương nên biết, khi ấy quốc vương Địa Chủ cúng dường Như Lai Đăng Quang và tám mươi ức vị A-la-hán trong vòng bảy vạn năm, chưa từng lười bỏ. Khi Đức Như Lai đó giáo hóa khắp tất cả xong, bèn nhập Niết-bàn ở trong Vô dư Niết-bàn giới.
Khi đó, đại vương Địa Chủ dùng hàng trăm thứ hoa thơm cúng dường. Rồi ở các ngã tư đường dựng bốn tháp lớn. Mỗi tháp được làm bằng bảy báu, vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh; treo lụa, phướn, dù lọng. Tám mươi ức A-la-hán cũng lần lượt nhập Niết-bàn ở trong Vô dư Niết-bàn giới. Bấy giờ đại vương thâu lấy xá-lợi của tám mươi ức vị đó, thảy đều xây tháp, treo lụa, phướn, dù lọng, cúng dường hoa thơm.
Đại vương nên biết, bấy giờ đại vương Địa Chủ lại cúng dường tháp Như Lai Đăng Quang và tám mươi ức A-la-hán. Rồi trải qua bảy vạn năm, tùy thời cúng dường, đốt đèn, rải hoa, treo lụa, phan, cái.
Đại vương nên biết, giáo pháp Như Lai Đăng Quang truyền lại bị diệt tận, sau đó vị vua này mới diệt độ.
Đại vương Địa Chủ lúc bấy giờ há là ai khác chăng? Đừng nghĩ vậy, Vì sao? Đại vương Địa Chủ lúc bấy giờ chính là thân ta. Ta lúc bấy giờ, trong bảy vạn năm, đem các thứ y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, cúng dường Phật đó, không để giảm thiếu. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, lại trong bảy vạn năm cúng dường hình tượng xá-lợi, thắp hương, đốt đèn, treo lụa, phướn, dù lọng, không thứ gì thiết hụt. Vào lúc bấy giờ, Ta đem công đức này cầu hưởng phước lành trong sinh tử, không cầu giải thoát.
Đại vương nên biết, phước lành có được lúc bấy giờ, nay có còn lại gì chăng? Đừng nghĩ vậy!
Như hôm nay Ta xem thấy sự giàu có kia không còn mảy may nào như lông tóc. Vì sao? Sinh tử triền miên không thể kể được, ở trong đó tất đã hưởng hết phước, không còn mảy may nào như sợi tóc. Cho nên Đại vương đừng nói như vầy: “Phước lành mà ta làm hôm nay đã xong.” Đại vương nên nói như vầy: “Những gì tôi đã làm bằng thân, miệng, ý hôm nay, hết thảy để cầu giải thoát, chứ không cầu hưởng phước nghiệp kia ở trong sinh tử. Như thế sẽ lâu dài được an ổn vô lượng.”
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc trong lòng kinh sợ, áo lông dựng đứng, thương khóc lẫn lộn, lấy tay gạt nước mắt, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, tự trình bày tội trạng:
–Con như ngu si, như khờ dại, không hiểu biết gì hết. Cúi xin Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Nay con năm vóc gieo sát đất, sửa đổi những lỗi lầm đã qua, không tái phạm những lời này nữa.
Cúi mong Đức Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con.
Ba lần như vậy.
Đức Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay, Đại vương! Nay ở trước Như Lai sám hối sự phi pháp của mình, đổi lỗi qua, tu sửa về sau. Nay Ta nhận sự sám hối lỗi của vua. Chớ có tái phạm nữa.
Bấy giờ ở trong đại chúng, có Tỳ-kheo-ni tên là Ca-chiên-diên, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, bạch Đức Thế Tôn:
–Những gì Thế Tôn dạy hôm nay rất là vi diệu. Lại nữa, Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc rằng: “Đại vương nên biết, những hành vi gì đã làm bằng thân, khẩu, ý là để cầu giải thoát, chớ đừng cầu hưởng phước nghiệp ở trong vòng sinh tử, như vậy sẽ lâu dài được an ổn vô lượng.” Sự thật là như vậy. Vì con[6] nhớ lại ba mươi mốt kiếp về trước đã từng dâng cơm cho Như Lai Thí-cật[7], Chí Chân,
Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Minh Hạnh Túc[8], Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật Chúng hựu, bấy giờ du hóa ở thế giới Dã mã[9].
Bấy giờ, Đức Phật đó, đến giờ, đắp y cầm bát vào thành Dã mã khất thực. Trong thành có một người làm thuê tên là Thuần Hắc. Khi người làm thuê kia thấy Đức Như Lai cầm bát vào thành khất thực, liền tự nghĩ: “Nay Đức Như Lai vào thành, ắt cần ăn uống.” Liền chạy vào nhà lấy thức ăn ra cúng cho Như Lai và phát lời nguyện này: “Bằng công đức này, tôi sẽ khỏi đọa trong ba đường dữ. Mong cho tôi đời sau cũng gặp vị như Thánh tôn này, cũng sẽ mong Thánh tôn kia thuyết pháp cho tôi, để được giải thoát.”
Thế Tôn và vua Ba-tư-nặc cũng biết điều này. Người làm thuê Thuần Hắc lúc bấy giờ há là ai khác chăng? Chớ có xem vậy! Vì sao? Người làm thuê Thuần Hắc lúc bấy giờ, chính là thân con. Con lúc đó cúng cơm cho Như Lai Thí-cật, phát thệ nguyện này: “Bằng công đức này, tôi sẽ khỏi đọa trong ba đường dữ. Mong cho tôi đời sau cũng gặp vị như Thánh tôn này, cũng sẽ mong Thánh tôn kia thuyết pháp cho tôi, để được giải thoát.” Con trong ba mươi mốt kiếp không đọa vào ba đường dữ, sinh trong trời người, cuối cùng hôm nay nhận thân phần này, gặp gỡ Thánh tôn được xuất gia học đạo, tận trừ hữu lậu, thành A-la-hán.
Như những gì Thế Tôn thuyết rất là vi diệu.
Rồi cô nói với vua Ba-tư-nặc:
–Những gì được làm bởi thân, khẩu, ý đều để cầu giải thoát, chẳng cầu hưởng phước nghiệp ở trong vòng sinh tử. Nếu khi tôi gặp Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào tỏ tâm ý hoan hỷ hướng đến Như Lai, tôi liền nghĩ như vầy: “Các Hiền sĩ này dụng ý như không ái kính cung phụng Như Lai.” Nếu tôi gặp bốn bộ chúng, liền đến bảo: “Này các bạn, cần vật gì? Y bát chăng? Ni-sư-đàn chăng? Ống kim chăng? Chậu rửa chăng? Và những thứ đồ dùng khác của Sa-môn, tôi sẽ cung cấp hết.” Tôi đã hứa vậy rồi, khất cầu khắp nơi. Nếu tôi được, thì đó là đại hạnh. Nếu không được, tôi đến Uất-đơn-việt, Cù-da-ni, Phất-vu-đệ tìm kiếm cầu cho. Vì sao? Vì đều do bốn bộ chúng này mà được đạo Niết-bàn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát tâm Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên này, liền bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông có thấy ai có tín tâm giải thoát như Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên này không? Các Tỳ-kheo thưa:
–Không thấy, bạch Thế Tôn.
Đức Thế Tôn bảo:
–Trong số Thanh văn của Ta, người có tín giải thoát đệ nhất trong các Tỳ-kheo-ni chính là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên.
Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên và vua Ba-tư-nặc sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Tôn giả Bà-câu-lư ở tại một eo núi chắp vá y cũ. Khi đó Thích Đề-hoàn Nhân từ xa thấy Tôn giả Bà-câu-lưu[10] ở tại một eo núi, đang vá y cũ. Thấy vậy, ông nghĩ thầm: “Tôn giả Bàcâu-lưu này đã thành A-la-hán, các trói buộc đã mở, sống lâu vô lượng, hằng tự hàng phục, tư duy vô thường, khổ, không, vô ngã, không vướng việc đời, lại cũng không thuyết pháp cho người khác, tịch lặng tự tu giống như dị học ngoại đạo. Không rõ Tôn giả này có thể vì người khác thuyết pháp cho người khác hay là không kham nổi? Nay ta nên thử xem.”
Bấy giờ, Thiên đế Thích biến mất khỏi trời Tam thập tam, hiện đến núi Kỳ-xà-quật, đứng ở trước Tôn giả Bà-câu-lư. Sau khi đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ này:
Thuyết được người trí khen
Vì sao không thuyết pháp
Phá kết, được hạnh Thánh
Sao lại trụ lặng im.
Tôn giả Bà-câu-lư đáp Thích Đề-hoàn Nhân bằng bài kệ này:
Có Phật, Xá-lợi-phất
A-nan, Quân-đầu[11],
Bàn[12]
Và cùng các Tôn trưởng
Khéo hay nói pháp mầu.
Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân bạch Tôn giả Bà-câu-lư:
–Căn của chúng sinh có nhiều loại khác nhau. Song ngài nên biết, Thế Tôn cũng nói chủng loại chúng sinh nhiều hơn bụi đất, vì sao Tôn giả Bàcâu-lư không vì người khác mà thuyết pháp?
Bà-câu-lư đáp:
–Chủng loại chúng sinh khó có thể hiểu biết. Thế giới có nhiều quốc độ không giống nhau, thảy đều chấp trước ngã sở, phi ngã sở. Nay tôi sau khi quán sát nghĩa này, không thuyết pháp cho mọi người.
Thích Đề-hoàn Nhân nói:
–Xin ngài nói cho tôi nghe nghĩa của ngã sở, phi ngã sở.
Tôn giả Bà-câu-lư nói:
–Ta, người, thọ mạng[13], hoặc nam, hoặc nữ, con người[14], các loại ấy thảy đều y nơi mạng này mà tồn tại. Nhưng, lại nữa, này Câu-dực, Thế Tôn cũng nói: “Tỳ-kheo nên biết, nên tự nỗ lực, không khởi tà pháp, cũng nên im lặng như Thánh hiền. Tôi sau khi quán sát nghĩa này, bèn im lặng.” Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân từ xa hướng về Thế Tôn chắp tay, nói kệ này:
Quy mạng Đấng Mười Lực
Sáng tròn không mù che
Vì khắp cả mọi người
Người này thật kỳ lạ.
Tôn giả Bà-câu-lư đáp:
–Tại sao Đế Thích nói như vầy: “Người này thật kỳ lạ?”
Thích Đề-hoàn Nhân đáp:
–Tôi nhớ ngày xưa đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi lễ sát chân Thế Tôn rồi hỏi nghĩa này: “Loài trời, người, có tưởng niệm gì?” Bấy giờ Thế Tôn bảo tôi: “Thế giới này ngần ấy loại, tất cả đều sai khác nhau, nguồn gốc không đồng.” Tôi nghe những lời này rồi, liền đáp: “Đúng vậy, Thế Tôn! Đúng như những lời Thế Tôn đã nói. Thế giới ngần ấy loại, mỗi mỗi đều không đồng. Có thể chăng, nếu thuyết pháp cho chúng sinh kia, thảy đều thọ trì và có người thành quả Thánh! Vì vậy nên tôi nói: “Người này thật lạ kỳ!” Song những gì Tôn giả Bà-câu-lư nói đã nói, cũng lại như vậy: “Thế giới ngần ấy loại, mỗi mỗi không đồng.”
Rồi Thích Đề-hoàn Nhân nghĩ thầm: “Tôn giả này có khả năng thuyết pháp cho người, chứ không phải không thể.” Rồi Thích Đề-hoàn Nhân từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Thích Đề-hoàn Nhân sau khi nghe những gì Tôn giả Bà-câu-lư thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở cạnh hồ Lôi thanh[16], nước Chiêm-bà[17].
Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ[18] sống một nơi vắng, tự tu gốc pháp, không bỏ mười hai pháp hạnh Đầu-đà, đêm ngày kinh hành, không lìa giáo lý ba mươi bảy Phẩm trợ đạo. Hoặc ngồi, hoặc đi, thường tu chánh pháp. Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm, thường tự cố gắng không bỏ một giây. Song tâm vẫn không được giải thoát khỏi dục, các pháp hữu lậu.
Lúc bấy giờ, chỗ mà Tôn giả Thập Nhị Ức Nhĩ kinh hành, máu từ bàn chân bị nát chảy đầy tràn cả lề đường, giống như chỗ mổ trâu. Quạ, diều đến ăn máu. Song tâm vẫn không được giải thoát khỏi dục, các pháp hữu lậu. Rồi Tôn giả Nhị Thập Ức tự nghĩ: “Trong những người đệ tử khổ hành tinh tấn của Đức Phật Thích-ca, ta là người đứng đầu. Song nay tâm của ta vẫn không được giải thoát khỏi các lậu. Vả lại, gia nghiệp ta nhiều tiền của. Ta nên xả bỏ pháp phục, trở về làm bạch y, đem tiền của bố thí rộng rãi. Chứ làm Sa-môn như hiện nay thật khó, không dễ.”
Bấy giờ, Thế Tôn từ xa biết được những gì Nhị Thập Ức Nhĩ suy nghĩ, liền lướt qua hư không mà đi, đến chỗ Tôn giả kinh hành, trải tọa cụ mà ngồi. Khi đó, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đến trước chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Thế Tôn hỏi Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ:
–Vừa rồi ông vì cớ gì mà nghĩ rằng: “Trong những người đệ tử khổ hành tinh tấn của Đức Phật Thích-ca, ta là người đứng đầu. Song nay tâm của ta vẫn không được giải thoát khỏi các lậu. Vả lại, gia nghiệp ta nhiều tiền của. Ta nên xả bỏ pháp phục, trở về làm bạch y, đem tiền của bố thí rộng rãi. Chứ làm Sa-môn như hiện nay thật khó, không dễ”?
Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Nay Ta hỏi lại ông, ông tùy đó trả lời Ta. Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, trước kia khi còn tại gia ông giỏi khảy đàn chăng?
Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn. Trước kia khi còn tại gia con khảy đàn rất giỏi.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn căng quá thì âm hưởng không đều. Khi đó tiếng đàn nghe có hay không?
Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:
–Thưa không, Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn lại chùng, khi đó tiếng đàn nghe có hay không?
Nhị thập Ức Nhĩ đáp:
–Thưa không, Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn không căng không chùng, khi đó âm đàn nghe có hay không? Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:
–Thưa vâng, Thế Tôn. Nếu dây đàn không chùng, không căng, lúc ấy âm đàn nghe rất hay.
Thế Tôn bảo:
–Ở đây cũng như vậy. Quá tinh tấn, cũng bằng như trạo cử[19]. Nếu lười biếng, đây sẽ rơi vào tà kiến. Nếu có thể ở giữa, đó là hành bậc thượng.
Như vậy không lâu sẽ thành người vô lậu.
Thế Tôn sau khi thuyết pháp vi diệu cho Tỳ-kheo Nhị Thập Ức Nhĩ xong, trở về bên bờ hồ Lôi âm[20].
Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ suy nghĩ những gì Thế Tôn đã dạy bảo, ở nơi nhàn tịnh, liên tục không ngừng tu hành pháp đó, vì mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu phạm hạnh vô thượng, cho đến như thật biết rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.” Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đã thành A-la-hán.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Đệ tử siêng năng, đệ nhất khổ hành trong hàng Thanh văn của Ta chính là Nhị Thập Ức Nhĩ[21].
Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, ở trong thành Xá-vệ, trưởng giả Sađề[23] mắc bệnh, mạng chung. Nhưng trưởng giả đó không có con cái, nên mọi tài bảo đều nhập hết vào cung.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc người dính đầy bụi bặm, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Thế Tôn hỏi vua:
–Đại vương, vì sao đi đến Ta với thân hình đầy bụi bặm?
Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
–Trong thành Xá-vệ này có trưởng giả tên là Bà-đề, hôm nay mạng chung. Ông không có con cái. Con tự thân đến trừng thâu tài sản, xử lý nhập cung. Riêng vàng ròng tám vạn cân, huống chi những tạp vật khác. Nhưng trưởng giả kia ngày còn sống, ăn những đồ ăn rất là tệ dở, không ăn thứ ngon. Những y phục ông mặc thì cáu bẩn, không sạch. Con ngựa kéo xe cho ông thật gầy yếu.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, đại vương! Như vua vừa nói. Phàm người tham lam keo kiết được tiền của này không dám ăn, không cho cha mẹ, vợ con, tớ hầu, nô tỳ. Cũng lại không cho bằng hữu quen biết. Cũng không cho Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng. Nếu người có trí có được tàng bảo này, thì hay huệ thí, cứu giúp rộng rãi, tất cả không chút gì luyến tiếc, cung cấp Sa-môn Bà-la-môn và các vị cao đức.
Khi đó vua Ba-tư-nặc hỏi:
–Trưởng giả Bà-đề này, mạng chung bị sinh vào chốn nào?
Thế Tôn bảo:
–Trưởng giả Bà-đề này, mạng chung sẽ sinh vào trong đại địa ngục Thế khốc[24]. Vì sao? Vì người này đoạn mất thiện căn, nên thân hoại mạng chung sinh vào trong địa ngục Thế khốc. Vua Ba-tư-nặc hỏi:
–Trưởng giả Bà-đề đoạn thiện căn sao?
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, đại vương! Như vua đã nói, trưởng giả kia đã đoạn mất thiện căn. Song trưởng giả kia phước cũ đã hết không tạo lại cái mới.
Vua Ba-tư-nặc hỏi:
–Trưởng giả kia còn sót lại phước nào không? Thế Tôn bảo:
–Không, đại vương! Không còn sót mảy may nào tồn tại. Như người nhà nông kia chỉ thu mà không trồng, nên sau lại bị khốn cùng, dần dà cho đến chết. Vì sao? Vì chỉ tiêu sài sản nghiệp cũ mà không tạo mới. Trưởng giả này cũng như thế, chỉ hưởng phước cũ lại không tạo của mới. Đêm nay, trưởng giả này sẽ vào trong địa ngục Thế khốc.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, trong lòng lo sợ, lau nước mắt mà thưa:
–Trưởng giả này ngày trước đã tạo ra công đức phước nghiệp gì mà được sinh vào nhà giàu có, lại đã tạo ra gốc rễ bất thiện nào mà không hưởng được của cải cực giàu này, cũng không vui thú trong ngũ dục?
Bấy giờ, Thế Tôn bảo vua Ba-tư-nặc:
–Vào quá khứ xa xưa, thời Phật Ca-diếp, trưởng giả này ở trong thành Xá-vệ, là con nhà nông. Sau khi Đức Phật nhập diệt, có Bích-chiphật xuất hiện ở đời, đến nhà của trưởng giả này. Khi trưởng giả này thấy Bích-chi-phật đứng ở trước cửa, liền tự nghĩ: “Như Tôn giả này xuất hiện ở đời rất khó. Nay ta hãy đem đồ ăn thức uống đến bố thí người này.”
Bấy giờ trưởng giả bố thí cho vị Bích-chi-phật kia. Vị Bích-chi-phật này ăn xong, liền bay lên hư không mà đi.
Khi trưởng giả đó thấy vị Bích-chi-phật hiện thần túc, liền phát thệ nguyện như vầy: “Nguyện đem gốc thiện này, khiến cho đời đời sinh ở chỗ nào cũng không đọa vào ba đường dữ, thường nhiều của báu.” Sau đó lại có tâm hối tiếc: “Những thức ăn vừa rồi đáng lẽ cho nô bộc chứ không cho đạo nhân đầu trọc này ăn.” Trưởng giả nhà nông lúc đó há là người nào khác chăng? Chớ có nghĩ vậy. Trưởng giả nhà nông lúc đó, nay chính là trưởng giả Bà-đề này.
Khi đó thí xong, phát thệ nguyện này, do công đức này, ông sinh ra nơi cũng không đọa đường dữ, thường nhiều của, lắm báu, sinh nhà phú quý, không thiếu thốn một thứ gì. Nhưng sau khi đã bố thí, lại sinh tâm hối: “Đáng lẽ ta cho nô bộc ăn, chứ không cho đạo nhân trọc đầu này ăn.”
Vì do nguyên nhân này, nên ông không hưởng được của cực giàu này, cũng không thích sống trong năm dục. Tự mình không cúng dường, lại không cho cha mẹ, anh em, vợ con, tớ hầu, bạn bè quen biết; không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, các vị tôn trưởng. Chỉ hưởng nghiệp cũ mà không tạo cái mới. Đại vương, cho nên kẻ có trí được của cải này nên ban thí khắp, đừng có tiếc nuối, rồi sẽ được của cải vô số. Đại vương, hãy học điều này như vậy.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn: –Từ nay về sau, con sẽ bố thí khắp cho Samôn, Bà-la-môn, chúng bốn bộ. Nhưng các dị học ngoại đạo đến cầu thực, con không thể cho.
Thế Tôn bảo:
–Đại vương, chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh đều do thức ăn mà tồn tại. Nếu không ăn thì sẽ bị chết.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ như vầy:
Nên niệm bố thí khắp
Mãi chẳng dứt tâm thí
Ắt sẽ gặp Hiền thánh
Độ nguồn sinh tử này.
Bấy giờ vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
–Nay con lại càng rất hoan hỷ hướng về Như Lai. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh đều do thức ăn mà tồn tại, không ăn thì không tồn tại.
Khi đó, vua Ba-tư-nặc nói:
–Từ nay về sau con sẽ bố thí khắp, không có gì hối tiếc.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho vua Ba-tư-nặc xong, vua từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui về.
Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ Tôn giả A-nan ở nơi nhàn tịnh, tự nghĩ như vầy: “Thế gian có hương này chăng, hương ngược gió, hương xuôi gió, hương vừa ngược vừa xuôi gió[26]?”
Bấy giờ Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn rằng:
–Con ở nơi nhàn tịnh tự nghĩ: “Thế gian có hương này chăng, hương ngược gió, hương xuôi gió, hương vừa ngược vừa xuôi gió?” Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A-nan:
–Có diệu hương này, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió. A-nan bạch Thế Tôn:
–Đấy là loại hương nào, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió? Thế Tôn bảo:
–Có loại hương này, mà hơi của nó là hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió.
A-nan bạch Phật:
–Đó là những hương nào, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió? Thế Tôn bảo:
–Có ba loại hương này, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió. A-nan bạch:
–Ba loại đó là những gì?
Thế Tôn bảo:
–Hương giới, hương văn, hương thí. Này Anan, đó là có ba loại hương này, là hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió. Trong các loại hương thơm có được trong thế gian, ba loại hương này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp. Cũng như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có tô, từ tô có đề hồ, nhưng đề hồ này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp. Ở đây cũng vậy, trong các loại hương thơm có được trong thế gian, ba loại hương này là tối thắng, tối thượng, không thứ gì sánh bằng, không thứ gì bì kịp.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Mộc mật và chiên-đàn
Ưu-bát và các hương
Trong hết thảy hương này
Hương giới là tối thắng.
Thành tựu được giới này
Không dục, không bị nhiễm
Chánh trí mà giải thoát
Chỗ đi, ma chẳng biết.
Hương này tuy tuyệt diệu
Là các hương đàn, mật
Nhưng hương giới tối diệu
Mười phương đều nghe biết.
Chiên-đàn tuy có hương
Ưu-bát và các hương
Ở trong các hương này
Hương văn là đệ nhất.
Chiên-đàn tuy có hương
Ưu-bát và các hương
Ở trong các hương này
Hương thí là đệ nhất.
Đó gọi là có ba loại hương này, hương vừa ngược gió, hương vừa xuôi gió và hương vừa ngược vừa xuôi theo gió. Cho nên, này A-nan, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu ba hương này.
Này A-nan, hãy học điều này như vậy.
A-nan sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt, cùng với năm trăm đại Tỳ-kheo. Đến giờ, Thế Tôn khoác y, cầm bát, vào thành La-duyệt khất thực. Khi đó, Đề-bà-đạt-đâu cũng vào thành khất thực. Khi Đề-bà-đạt-đâu vào ngõ hẻm, Phật cũng đến đó. Nhưng Phật từ xa thấy Đềbà-đạt-đâu tới, liền muốn đi lui lại. A-nan bạch Thế Tôn:
–Vì sao Thế Tôn muốn tránh đi hẻm này?
Thế Tôn bảo:
–Đề-bà-đạt-đâu đang ở hẻm này, cho nên phải tránh đi.
A-nan bạch Phật:
–Thế Tôn há sợ Đề-bà-đạt-đâu sao?
Thế Tôn bảo:
–Ta không sợ Đề-bà-đạt-đâu, nhưng người xấu này không nên gặp gỡ.
A-nan bạch rằng:
–Nhưng, Thế Tôn có thể khiến Đề-bà-đạt-đâu này đi phương khác.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Ta trọn không tâm này
Khiến kia đi phương khác
Nơi đó y gây nghiệp
Tự tại theo ý mình.
A-nan bạch Thế Tôn:
–Nhưng Đề-bà-đạt-đâu có lỗi đối với Như Lai.
Thế Tôn bảo:
–Không nên gặp người ngu hoặc.
Khi đó Đức Thế Tôn quay sang A-nan mà nói kệ này:
Không nên gặp người ngu
Đừng a tòng người ngu
Cũng đừng cùng thảo luận
Tranh luận chuyện thị phi.
Khi đó, A-nan lại dùng kệ hỏi Thế Tôn:
Người ngu khả năng gì?
Người ngu có lỗi gì?
Giả sử cùng ngôn luận,
Kết cuộc thất thố gì?
Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ này đáp:
Người ngu tự gây nghiệp
Việc làm đều phi pháp
Chánh kiến phản luật thường
Tà kiến ngày càng thêm.
Cho nên, này A-nan, chớ tùng sự với ác tri thức. Vì sao? Vì tùng sự với người ngu, sẽ không có tín, không giới, không văn, không trí. Tùng sự Thiện tri thức càng tăng thêm công đức, giới được thành tựu đầy đủ.
Này A-nan, hãy học điều này như vậy.
A-nan sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt, cùng với năm trăm Tỳ-kheo.
Bấy giờ vua A-xà-thế thường xuyên cung cấp cho Đề-bà-đạt-đâu năm trăm chõ cơm. Lúc đó, Đề-bà-đạt-đâu danh vang bốn phương, giới đức trọn vẹn, danh xưng đầy đủ, mới có thể khiến cho vua hằng ngày đến cúng dường.
Khi các Tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đâu đã được lợi dưỡng này, họ đến bạch Thế Tôn:
–Nhân dân trong nước ca ngợi Đề-bà-đạt-đâu nổi tiếng khắp nơi, mới khiến cho vua A-xà-thế thường xuyên đến cúng dường.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Tỳ-kheo các ông chớ ôm lòng ham muốn lợi dưỡng của Đề-bà-đạt-đâu này. Vì sao? Vì Đề-bàđạt-đâu là người ngu gây ra ba sự này, các hành vi của thân, miệng, ý, nhưng không hề kinh sợ, cũng không sợ hãi. Như Đề-bà-đạt-đa hiện nay là người ngu nên tiêu hết các công đức thiện. Như bắt chó dữ mà đánh vào mũi nó, càng làm nó hung dữ thêm. Người ngu Đề-bà-đạt-đâu cũng như vậy, nhận lợi dưỡng này liền nổi lên cống cao. Cho nên, này các Tỳ-kheo, cũng đừng khởi lên ý tưởng đắm trước lợi dưỡng. Tỳ-kheo nào đắm trước lợi dưỡng thì không được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là không thành tựu giới Hiền thánh, Tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh. Tỳ-kheo nào không đắm vào lợi dưỡng thì sẽ được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là thành tựu giới Hiền thánh, Tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh. Nếu thành tựu được ba pháp này sẽ phát thiện tâm, không đắm vào lợi dưỡng.
Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba bất thiện căn này. Những gì là ba? Tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn[27]. Tỳ-kheo nào có ba gốc rễ bất thiện này sẽ bị đọa vào ba đường dữ. Những gì là ba? Đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Như vậy, Tỳ-kheo, nếu người nào có ba gốc rễ bất thiện này thì sẽ có ba đường dữ.
Tỳ-kheo nên biết, có thiện căn này. Những gì là ba? Vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn[28]. Tỳ-kheo, đó gọi là có thiện căn. Người nào có ba gốc thiện này, liền có hai nẻo lành và Niết-bàn là ba. Những gì là hai nẻo lành? Đó là người và trời. Tỳ-kheo, đó gọi là ai có ba thiện này, sẽ sinh vào chỗ lành này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy lìa ba gốc rễ bất thiện, tu ba gốc rễ thiện.
Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba tụ này. Những gì là ba? Đó là chánh tụ[29], tà tụ, bất định tụ.[30]
Sao gọi là chánh tụ*? Có đẳng kiến[31], đẳng trị, đẳng ngữ, đẳng nghiệp, đẳng mạng, đẳng phương tiện, đẳng niệm, đẳng định. Đó gọi là chánh tụ.
Sao gọi là tà tụ? Nghĩa là có tà kiến, tà trị, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định. Đó gọi là tà tụ.
Sao gọi là bất định tụ? Nghĩa là có chẳng biết Khổ, chẳng biết Tập, chẳng biết Tận, chẳng biết Đạo, chẳng biết đẳng tụ, chẳng biết tà tụ. Đó gọi là bất định tụ.
Các Tỳ-kheo nên biết, lại có ba tụ. Những gì là ba? Nghĩa là có thiện tụ, đẳng tụ, định tụ.
Sao gọi là thiện tụ? Chính là ba thiện căn. Những thiện căn nào? Vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn. Đó gọi là thiện tụ.
Sao gọi là đẳng tụ? Chính là tám Đạo phẩm của Hiền thánh gồm: Đẳng kiến, đẳng trị, đẳng ngữ, đẳng nghiệp, đẳng mạng, đẳng phương tiện, đẳng Tam-muội. Đó gọi là đẳng tụ.
Sao gọi là định tụ? Nghĩa là có biết Khổ, biết Tập, biết Tận, biết Đạo, biết thiện tụ, biết ác tụ[32], biết định tụ. Đó gọi là định tụ.
Cho nên, các Tỳ-kheo, ở trong ba tụ này, hãy tránh tà tụ và bất định tụ. Hãy phụng hành chánh tụ này.
Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có ba quán tưởng này. Những gì là ba? Quán dục tưởng, sân nhuế tưởng, sát hại tưởng[33]. Tỳ-kheo đó gọi là ba tưởng.
Tỳ-kheo nên biết, nếu người quán dục tưởng, khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục. Nếu quán sân nhuế tưởng, khi mạng chung sẽ sinh trong loài súc sinh, thuộc vào các loài gà, chó; sinh trong các loài rắn, trùng. Nếu quán hại tưởng, khi mạng chung sẽ sinh trong loài ngạ quỷ, thân hình bị thiêu đốt, đau khổ không thể kể được. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba tưởng này, sẽ sinh vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Lại có ba tưởng. Những gì là ba? Đó là tưởng xuất ly, tưởng không sát hại, tưởng không sân nhuế[34]. Nếu người nào có tưởng xuất ly, khi mạng chung sẽ sinh trong loài người. Nếu người nào có tưởng không sát hại, khi mạng chung sẽ sinh lên trời một cách tự nhiên. Nếu người nào có tưởng không sân nhuế, khi mạng chung, đoạn trừ năm kết sử, ở nơi kia[35] nhập Bát-niết-bàn. Tỳ-kheo đó gọi là ba tưởng, hãy thường niệm tu hành. Hãy xa lìa ba ác tưởng này.
Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Địa chủ, Bà-câu, Nhĩ,
Bà-đề, hương thuận nghịch
Ngu, thế, ba bất thiện,
Ba tụ, quán sau cùng.
❑
[1] . Vua bảo chi xa 羽 寶 之 車 , xem cht. kinh số 11, phẩm 19 trên.
[2] . Hán: Kim phất 金 拂 , quạt lông cán bằng vàng.
[3] . Tam nguyệt thỉnh 三 月 請 , thỉnh cầu ba tháng an cư mùa mưa.
[4] . Vô trước 無 著 , dịch nghĩa từ A-la-hán.
[5] . Thành ngữ, định cú, trước khi Phật hứa khả điều thỉnh nguyện. Xem Tứ Phần 10 (T22n1428, tr. 629b1); Thập Tụng 27, (tr. 195c17). Pāli, Vin. i. 292 atikkantavārā kho… thāgatā, các Đức Như Lai siêu quá các ước nguyện.
[6] . Tự xưng của Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên.
[7] . Để bản: Phạn thức cật 飯 式 詰。TNM: Hữu thức khí 有 式 詰。Thường nói là Phật Thi-khí. Pāli: Sikhibuddha. Nhưng có thể không hoàn toàn đồng nhất.
[8] . Nguyên Hán: Minh hạnh thành.
[9] Dã mã thế giới 野 馬 世 界。Skt. Marīcika-lokadhātu; cf. Div. 52.5.
[10] Bà-câu-lư 婆 拘 盧 ; xem kinh số 5 phẩm 4: Bà-câu-la 婆 拘 羅。Pāli: Bakkula (Bākula).
[11] . Quân-đầu 均 頭 , có lẽ Quân-đầu-bà-mạc; xem kinh số 3 phẩm 4. Pāli: Kuṇḍadhāna.
[12] Bàn, có lẽ chỉ Bàn-đặc 槃 特。Xem kinh số 6 phẩm 4. Pāli: Mahā-Panthaka.
[13] . Ngã, nhân, thọ mạng 我 人 壽 命 : Các từ chỉ tự ngã, tương đương Pāli: Attā (tự ngã), puggala (nhân cách), jīva (sinh hồn).
[14] Hán: Sĩ phu 士 夫 。Pāli: Purusa, khái niệm phổ quát về con người.
[15] . Tham chiếu, Pāli, A IV 55 Soṇa (R. iii. 375). Hán, Trung 29 (T1n26, tr. 611c28); Tạp 9 (T2n99, tr.
62b22).
[16] . Lôi thanh trì. Pāli: Gaggarā-pokkharaṇī, một ao sen ở CamPā.
[17] . Chiêm-ba 占 波。Pāli: CamPā. Cf. Pāli, ibid. Phật trú tại Rājagaha, trên Gijjhakūṭa. Trung 29, Phật tại Xá-vệ.
[18] . Nhị Thập Ức Nhĩ 二 十 億 耳 。Truyện kể chi tiết, xem Tứ Phần 38 (T22n1428, 843b12 tt), Nhân Duyên Thủ-lung-na 守 籠 那。Pāli: Soịa Koḷivīsa.
[19] . Nguyên Hán: Điệu hý 調 戲。
[20] . Lôi âm 雷 音, đầu kinh nói Lôi thanh.
[21] . Xem trên, kinh số 2, phẩm 4. Pāli, A I 14.2 (R. i. 23): Āraddhavīriyānaṃ yadidaṃ soṇo Koḷivīso.
[22] . Tham chiếu Pāli, S. 3. 20 Aputtaka (R. i. 91). Hán, Tạp 46 (T2n99, tr. 337b24).
[23] . Để bản: Bà-đề trưởng giả 婆 提 長 者 , phiên âm, nên đọc là sa. Pāli: Seṭṭhi-gahapati. Tạp 44: Trưởng giả tên Ma-ha-nam 摩 訶 男。
[24] . Thế khốc địa ngục 涕 哭 地 獄 ; cũng gọi là Đề khốc hay Khiếu hoán 叫 喚。 Xem Trường 19 (T1n1, tr. 121c6, 123c29). Pāli: Roruva, cf. S. i. 30.
[25] . Tham chiếu Pāli, A iii 79 Gandha (R. i. 225).
[26] . Pāli, ibid., ba loại hương này: Hương của rễ (mūlagandho), hương của lõi (sāragandho), hương của hoa (pupphagandho), chỉ thơm theo chiều. Có hương nào ngược gió cũng thơm, vừa ngược vừa xuôi gió cũng thơm?
[27] . Cf. Tập Dị 3 (T26n1536, tr. 376b12). Pāli, A III 69 (R. i. 201): Tīṇimāni akusalamūlāni: Lobho akusalamūlaṃ, doso akusalamūlaṃ, moho aku-salamūlaṃ.
[28] . Cf. Tạp Dị 3 (T26n1536, tr. 376c21) Pāli, Ibid. (R.i. 203): Tìṇimāni, bhikkhave, kusalamūlāni: Alobho kusalamūlaṃ, adoso kusalamūlaṃ, a-moho kusalamūlaṃ.
[29] . Nguyên Hán: Đẳng tụ 等 聚。
[30] Cf. Trường 8 (T1n1, tr. 50b18): Ba tụ: Chánh định tụ 正 定 聚 , tà định tụ 邪定聚, bất định tụ 不 定 聚 ; Tập Dị 4 (T26n1536, tr. 381a1). Cf. D 27 Saṅgīti (R.iii. 217): Tayo rāsī–micchattaniyato rāsi, sammattaniyato rāsi, aniyato rāsi.
[31] Đẳng kiến 等 見。Trên kia, có chỗ nói là chánh kiến.
[32] Để bản: Ác thú 惡 趣 .
[33] . Cf. Tập Dị 3 (T26n1536, tr. 377a26): Ba bất thiện tầm 三 不 善 尋 : Dục tầm 欲 尋 , nhuế tầm 恚 尋 , hại tầm 害 尋。Cf. D 27 Saṅgīti (R.iii. 215): Tayo akusalavitakkā–kāmavitakko, byāpādavitakko, vihiṃsā-vitakko.
[34] Cf. Tập Dị 3 (T26n1536, tr. 377b8): Ba thiện tầm 三 善 尋 : Xuất ly tầm 出 離 尋, vô nhuế tầm 無 恚 尋, vô hại tầm 無 害 尋。Pāli, ibid., Tayo kusalavitakkā–nekkhammavitakko, abyāpādavitakko, avihiṃsā-vitakko.
[35] Trong năm Tịnh cư thiên.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]