TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 24: CAO TRÀNG (2)

Kinh số 5 (tt)

Bấy giờ, con rồng dữ kia thè lưỡi liếm tay Như Lai và nhìn kỹ mặt Như Lai. Sáng hôm sau, Thế Tôn mang rồng dữ đó đến gặp Ca-diếp và nói với Ca-diếp:

–Đây là rồng dữ, thật hung bạo. Nay đã bị hàng phục.

Bấy giờ Ca-diếp thấy được rồng dữ rồi, thì trong lòng hoảng sợ, bạch Thế Tôn:

–Thôi! Thôi! Sa-môn! Đừng bước tới, rồng sẽ gây hại!

Thế Tôn bảo:

–Ca-diếp, đừng sợ! Nay Ta đã hàng phục nó rồi, sau này sẽ không gây hại nữa. Vì sao? Vì rồng này đã được giáo hóa rồi.

Bấy giờ, Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử khen ngợi:

–Việc chưa từng có! Thật là kỳ đặc! Sa-môn Cù-đàm này oai thần thật lớn, có thể hàng phục rồng dữ này, khiến không làm ác. Tuy vậy, vẫn không bằng ta đắc chân đạo.

Bấy giờ Ca-diếp bạch Phật:

–Đại Sa-môn, hãy nhận lời thỉnh cầu chín mươi ngày của tôi. Những thứ cần dùng như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, tôi sẽ cung cấp hết thảy.

Bấy giờ Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Ca-diếp. Thế Tôn đem rồng thần này thả vào trong biển lớn. Rồng dữ kia tùy theo mạng sống dài ngắn, sau khi mạng chúng sinh lên trời Tứ Thiên vương. Sau đó Như Lai trở về nghỉ tại thạch thất. Ca-diếp sắp đặt nhiều đồ ăn uống xong, đến bạch Thế Tôn: –Đồ ăn thức uống đã chuẩn bị xong, xin mời đến thọ thực.

Thế Tôn bảo:

–Ca-diếp về trước. Tôi sẽ đi ngay vậy.

Sau khi Ca-diếp đi khỏi, Ngài liền đến trên cõi Diêm-phù-đề, bên dưới cây Diêm-phù, nhặt quả Diêm-phù rồi, trở về trước, ngồi trong thạch thất Ca-diếp.

Khi Ca-diếp về đã thấy Thế Tôn ở trong thạch thất, liền bạch Thế Tôn:

–Sa-môn từ đường nào đến thạch thất?

Phật bảo Ca-diếp:

–Sau khi ông đi, tôi đến trên cõi Diêm-phù-đề, bên dưới cây diêm-phù, nhặt quả diêm-phù rồi trở về ngồi đây. Ca-diếp nên biết, quả này rất thơm ngon, hãy cầm lấy mà ăn.

Ca-diếp đáp:

–Tôi không cần cái này. Sa-môn tự lấy ăn.

Bấy giờ Ca-diếp lại tự nghĩ như vầy: “Sa-môn này có thần túc siêu việt, có oai lực lớn, mới có thể đến trên cõi Diêm-phù nhặt trái ngon này. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Sau khi Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi. Sáng sớm Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:

–Đã đến giờ ăn, mời đến thọ thực.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.

Ca-diếp vừa đi khỏi, Ngài liền đến trên cõi Diêm-phù, nhặt trái a-ma-lặc rồi trở về trước, ngồi trong thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Thế Tôn:

–Sa-môn từ đường nào đến chốn này?

Phật trả bảo:

–Sau khi ông đi, tôi đến trên cõi Diêm-phù, nhặt trái này lại, nó rất là thơm ngon, nếu cần thì lấy ăn!

Ca-diếp đáp:

–Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy ăn.

Khi đó Ca-diếp lại tự nghĩ: “Sa-môn này rất có thần lực, có oai thần lớn. sau khi ta đi, đi lấy quả này về. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Sau khi Thế Tôn ăn xong liền trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn mà nói rằng:

–Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực.

Phật bảo Ca-diếp: –Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.

Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Bắc Uất-đanviết lấy lúa chín muộn tự nhiên lại, trở về trước thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Phật:

–Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?

Thế Tôn bảo:

–Sau khi ông đi, tôi đến Uất-đan-viết gặt lấy lúa chín muộn tự nhiên rất là thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn. Ca-diếp đáp:

–Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn. Ca-diếp lại tự nghĩ: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Sau khi, Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn nói:

–Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực.

Phật bảo Ca-diếp: –Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.

Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Cù-da-ni nhặt quả A-lê-lặc, về trước vào thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Phật:

–Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?

Phật bảo Ca-diếp:

–Sau khi ông đi, tôi đến Cù-da-ni nhặt quả này lại rất thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn. Ca-diếp đáp rằng:

–Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn. Ca-diếp lại tự nghĩ: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Sau khi, Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn bạch:

–Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực!

Phật bảo Ca-diếp: –Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.

Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Phất-vu-đãi nhặt trái Tỳ-ê-lặc rồi, về trước ngồi trong thạch thất Ca-diếp.

Ca-diếp hỏi Phật:

–Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?

Phật bảo Ca-diếp:

–Sau khi ông đi, tôi đến Phất-vu-đãi nhặt quả này rất thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn. Ca-diếp đáp:

–Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn. Ca-diếp lại tự nghĩ: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Sau khi, Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi.

Lúc này, Ca-diếp sắp có đại tế đàn. Năm trăm đệ tử cầm búa bửa củi. Tay nhấc búa lên nhưng búa không xuống. Lúc đó, Ca-diếp tự nghĩ như vầy: “Đây chắc Sa-môn làm.” Khi đó Ca-diếp hỏi Thế Tôn:

–Nay muốn bửa củi, vì sao búa không hạ xuống được?

Thế Tôn bảo:

–Muốn cho búa hạ xuống được phải không?

Đáp:

–Muốn hạ xuống.

Búa liền hạ xuống. Lúc búa kia đã hạ xuống, lại không nhấc lên được. Ca-diếp lại bạch Phật:

–Búa sao không nhấc lên được?

Thế Tôn bảo:

–Muốn cho búa lên chăng?

Đáp:

–Muốn nhấc lên.

Búa liền nhấc lên.

Bấy giờ, đệ tử của Ca-diếp muốn nhen lửa, nhưng nhen không cháy. Lúc đó, Ca-diếp lại tự nghĩ như vầy: “Đây chắc Sa-môn Cù-đàm gây ra.” Ca-diếp bạch Phật:

–Vì sao nhen lửa không cháy?

Phật bảo Ca-diếp:

–Muốn lửa cháy phải không? Đáp:

–Muốn cho cháy.

Lửa liền cháy. Sau đó muốn dập tắt, lửa lại không tắt. Ca-diếp bạch Phật:

–Sao lửa dập không tắt?

Phật bảo Ca-diếp:

–Muốn cho lửa tắt phải không?

Đáp:

–Muốn cho tắt.

Lửa liền tắt ngay. Ca-diếp liền tự nghĩ như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có tế lễ lớn. Quốc vương, nhân dân tất cả đều tụ tập. Nếu họ thấy Samôn này, ta sẽ không còn được cúng dường. Samôn này ngày mai không đến sẽ là đại phúc.” Bấy giờ, Thế Tôn biết những suy nghĩ trong lòng Ca-diếp. Sáng hôm sau, Ngài đến Uất-đanviết, lấy lúa chín muộn tự nhiên; đến Cù-da-ni lấy sữa; rồi đến ao A-nậu-đạt mà dùng. Trọn ngày ở chỗ đó, chiều tối về thạch thất nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn hỏi: –Sa-môn, hôm qua sao không đến?

Phật bảo Ca-diếp:

–Hôm qua ông đã nghĩ như vầy: “Sa-môn Cùđàm này diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có tế lễ lớn. Nếu quốc vương, nhân dân thấy được Sa-môn này, sẽ cắt đứt cúng dường cho ta. Nếu ông ta không đến sẽ là đại phúc.” Tôi biết được những suy nghĩ trong lòng của ông, mới đến Uất-đan-viết gặt lấy lúa chín muộn tự nhiên, đến Cù-da-ni lấy sữa; rồi đến bên ao A-nậu-đạt mà ăn. Trọn ngày ở chỗ đó, chiều tối về thạch thất nghỉ ngơi.

Lúc đó, Ca-diếp lại tự nghĩ như vầy: “Đại Samôn này, có thần túc lớn, có thật oai thần. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Thế Tôn ăn xong, trở về thạch thất nghỉ ngơi. Ngay đêm đó, Tứ Thiên vương đến chỗ Thế Tôn nghe kinh pháp. Tứ Thiên vương cũng có ánh sáng, Phật cũng phóng ánh sáng lớn, chiếu cả sơn động hoang dã kia tỏa sáng một màu. Đêm hôm đó Ca-diếp thấy được ánh sáng. Sáng hôm sau đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:

–Đêm qua, ánh sáng gì chiếu sáng núi non hoang dã này?

Thế Tôn bảo:

–Đêm qua Tứ Thiên vương đến chỗ tôi nghe pháp. Đó là ánh sáng của Tứ Thiên vương kia.

Lúc đó Ca-diếp lại tự nghĩ: “Sa-môn này rất có thần lực, mới khiến cho Tứ Thiên vương đến nghe kinh pháp. Tuy nhiên, thần lực này vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm, Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ Thế Tôn nghe pháp. Ánh sáng của Thiên đế lại chiếu sáng núi đó. Ca-diếp kia đêm dậy ngắm sao, thấy ánh sáng này.

Sáng hôm sau, Ca-diếp tới chỗ Thế Tôn, hỏi:

–Cù-đàm, đêm qua có ánh sáng thật là đặc biệt.

Vì sao có ánh sáng như vậy?

Thế Tôn bảo: –Đêm qua, Thiên đế Thích đến đây nghe kinh. Cho nên có ánh sáng như vậy.

Ca-diếp lại tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này thật có thần lực, có oai thần lớn, mới có thể khiến cho Thiên đế Thích đến nghe kinh pháp. Tuy vậy vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm Phạm Thiên vương phóng ánh sáng lớn chiếu xuống núi này, đến chỗ Thế Tôn nghe kinh pháp. Đêm đó Ca-diếp thức dậy, thấy ánh sáng. Sáng hôm sau đến chỗ Thế Tôn, hỏi:

–Đêm qua, ánh sáng chiếu sáng hơn ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Có những nhân duyên gì mà có thứ ánh sáng này?

Thế Tôn bảo:

–Ca-diếp nên biết, đêm qua, Đại phạm Thiên vương đến chỗ Ta nghe kinh pháp.

Lúc đó Ca-diếp lại tự nghĩ như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này rất có thần lực, mới khiến Tổ phụ của ta đến chỗ Sa-môn này mà nghe kinh pháp. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Bấy giờ, Thế Tôn được y năm mảnh cũ rách[1], muốn giặt giũ, tự nghĩ: “Ta sẽ giặt y này ở chỗ nào?”

Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền biến ra một hồ tắm, rồi bạch Thế Tôn:

–Xin hãy đến đây giặt y!

Lúc đó Thế Tôn lại tự nghĩ: “Ta phải đứng chỗ nào để đạp giặt y này?”

Lúc đó, Tứ Thiên vương biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền nhấc một tảng đá vuông lớn đặt mé nước, rồi bạch Thế Tôn: “Xin hãy đứng chỗ này mà đạp y!”

Lúc đó, Thế Tôn lại nghĩ: “Ta phơi y này ở chỗ nào?”

Lúc đó, Thần cây biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền làm oằn nhánh cây xuống, rồi bạch Thế Tôn: –Cúi xin Thế Tôn phơi y chỗ này!

Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:

–Chỗ này trước đây không có ao, nay có ao này? Trước không có cây, nay có cây này? Trước không có đá, nay có tảng đá này. Nguyên nhân gì mà có sự thay đổi này?

Thế Tôn bảo:

–Đây là hôm qua Thiên đế Thích biết tôi muốn giặt y cho nên làm hồ tắm này. Tôi lại nghĩ: “Đứng chỗ nào để đạp giặt y này?” Tứ Thiên vương biết tôi đang nghĩ gì, liền mang đá này đến. Tôi lại nghĩ: “Phơi y này ở chỗ nào?” Thần cây biết tôi đang nghĩ gì, liền oằn nhánh cây này vậy.

Lúc đó, Ca-diếp nghĩ như vầy: “Sa-môn Cùđàm này tuy có thần lực những vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm, có nhiều mây đen nổi lên, rồi đổ mưa lớn. Sông lớn Liên-nhã bị nước lũ ngập tràn. Lúc đó, Ca-diếp tự nghĩ: “Nước lũ tràn sông này, Sa-môn nhất định sẽ bị nước cuốn trôi. Nay ta ra xem thử.”

Lúc đó, Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử ra sông. Bấy giờ Thế Tôn đang đi trên nước, chân không bị dính nước. Khi đó Ca-diếp từ xa thấy Thế Tôn đi trên mặt nước. Ca-diếp thấy vậy, liền nghĩ: “Thật là kỳ đặc! Sa-môn Cù-đàm lại có thể đi trên mặt nước. Ta cũng có thể đi trên mặt nước, nhưng không thể khiến cho chân không dính nước mà thôi. Sa-môn này tuy thật có thần lực. Nhưng vẫn không bằng ta đắc chân đạo.”

Khi đó Thế Tôn bảo Ca-diếp:

–Ông không phải là A-la-hán, cũng không biết đạo A-la-hán. Ông còn chưa biết tên A-la-hán, huống chi là đắc đạo sao? Ông là người mù. Mắt không trông thấy gì hết. Như Lai đã biến hóa ngần ấy sự, mà ông vẫn cứ nói: “Không bằng ta đắc chân đạo.” Ông vừa nói rằng: “Ta có thể đi trên mặt nước.” Bấy giờ là lúc thích hợp. Có thể cùng đi trên mặt nước chăng? Ông nay hãy bỏ tâm tà kiến, đừng để phải chịu khổ não lâu dài như vậy. Lúc đó, Ca-diếp nghe Thế Tôn nói như vậy, liền đến trước, mặt đảnh lễ sát chân:

–Con xin hối lỗi, biết rõ sai trái xúc phạm Như Lai. Cúi xin nhận sự sám hối này.

Như vậy ba lần.

Thế Tôn bảo: –Chấp nhận sự hối lỗi của ông, đã biết tội quấy nhiễu Như Lai.

Lúc đó, Ca-diếp bảo năm trăm đệ tử:

–Các vị, mỗi người hãy làm theo những gì mình thích. Ta nay tự quy y Sa-môn Cù-đàm.

Lúc đó, năm trăm đệ tử bạch Ca-diếp: –Chúng con trước đây, lúc hàng phục rồng cũng có ý muốn quy Sa-môn Cù-đàm. Nếu thầy tự quy y Cù-đàm thì năm trăm đệ tử chúng con thảy đều tự quy y với Cù-đàm.

Ca-diếp nói:

–Nay thật là thích hợp. Nhưng tâm ta lại chấp vào sự ngu si này, thấy ngần ấy sự biến hóa mà tâm ý vần còn không tỏ, vẫn tự xưng ta được đạo chân chánh.

Rồi Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử vây quanh trước sau đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn: –Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng con được làm Sa-môn, tu hạnh thanh tịnh.

Theo pháp thường của chư Phật, nếu Phật nói:

–Thiện lai, Tỳ-kheo!

Người ấy liền thành Sa-môn.

Lúc này, Thế Tôn bảo Ca-diếp:

–Thiện lai, Tỳ-kheo! Pháp này vi diệu. Hãy khéo tu phạm hạnh[2].

Bấy giờ, y phục đang mặc của Ca-diếp và năm trăm đệ tử thảy đều biến thành ca-sa, tóc trên đầu tự rụng, giống như cạo tóc được bảy ngày. Rồi những dụng cụ học thuật và liên hệ đến chú thuật của Ca-diếp đều được ném xuống sông. Khi đó, năm trăm đệ tử bạch Thế Tôn:

–Cúi xin Thế Tôn cho chúng con được làm Samôn!

Thế Tôn bảo:

–Thiện lai, Tỳ-kheo!

Tức thì, năm trăm đệ tử liền thành Sa-môn, thân mặc ca-sa, tóc trên đầu tự rụng.

Lúc bấy giờ, thuận dòng nước về hạ lưu có Phạm chí[3] tên là Giang Ca-diếp[4] sống ở bên sông. Khi Giang Ca-diếp thấy những dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, bèn nghĩ: “Ối! Đại huynh của ta bị nước nhận chìm rồi!”

Giang Ca-diếp liền dẫn ba trăm đệ tử theo dòng sông lên thượng lưu, tìm thi hài của đại huynh. Từ xa, thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, thuyết pháp cho Đại Ca-diếp và năm trăm đệ tử, trước sau vây quanh. Thấy vậy, ông đến trước Cadiếp mà nói: “Việc này há tốt đẹp sao? Trước kia làm thầy người. Nay làm đệ tử. Vì sao đại huynh làm đệ tử của Sa-môn?” Ca-diếp đáp: –Nơi này tuyệt diệu. Không nơi nào hơn.

Lúc đó Ưu-tỳ Ca-diếp[5] quay sang Giang Ca-diếp mà nói kệ này:

Thầy này trời người quý
Nay ta thờ làm thầy
Chư Phật hiện thế gian
Gặp được thật là khó.

Lúc đó Giang Ca-diếp nghe danh hiệu Phật, lòng rất vui mừng hớn hở khôn xiết, đến trước bạch Thế Tôn:

–Xin cho phép tu đạo!

Thế Tôn bảo: –Thiện lai, Tỳ-kheo! Hãy khéo tu phạm hạnh để diệt tận khổ.

Khi đó Giang Ca-diếp cùng ba trăm đệ tử liền thành Sa-môn, thân mặc ca-sa, tóc trên đầu tự rụng. Rồi Giang Ca-diếp cùng ba trăm đệ tử ném hết dụng cụ chú thuật xuống nước.

Bấy giờ thuận theo dòng nước cuối sông, có Phạm chí* tên là Già-di Ca-diếp[6] sống ở bên sông. Từ xa, trông thấy dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, liền nghĩ: “Ta có hai người anh học đạo ở trên đó. Nay dụng cụ chú thuật bị nước cuốn hết. Hai đại Ca-diếp chắc bị nước hại.” Nghĩ rồi, liền dẫn hai trăm đệ tử theo sông lên thượng lưu, đến chỗ học thuật. Từ xa thấy hai anh đang làm Sa-môn, liền nói:

–Nơi này tốt chăng? Xưa là bậc tôn kính của người, nay làm đệ tử Sa-môn!

Ca-diếp đáp:

–Nơi này rất tốt. Không nơi nào hơn.

Già-di Ca-diếp suy nghĩ: “Hai anh của ta biết nhiều, học rộng. Nơi này chắc là mảnh đất tốt, mới khiến cho hai anh của ta vào học đạo. Nay ta cũng nên xin vào học đạo.”

Già-di Ca-diếp bèn đến trước, bạch Thế Tôn: –Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.

Thế Tôn bảo: –Thiện lai, Tỳ-kheo! Hãy khéo tu phạm hạnh để diệt tận khổ.

Già-di Ca-diếp tức thì trở thành Sa-môn, thân mặc ca-sa, tóc trên đầu tự rụng giống như cạo đầu được bảy ngày.

Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ở dưới cây Ni-câuloại bên sông kia, sau khi thành Phật chưa bao lâu, đã có một ngàn đệ tử, đều là các bậc bậc kỳ túc trưởng lão.

Lúc đó, Thế Tôn giáo hóa bằng ba sự. Thế nào là ba? Đó là thần túc giáo hóa, ngôn giáo giáo hóa, huấn hối giáo hóa[7].

Sao gọi là thần túc giáo hóa? Bấy giờ Thế Tôn hoặc biến ra nhiều hình rồi hợp lại một, hoặc hiện hoặc ẩn. Đi qua vách đá mà không gì chướng ngại. Hoặc ra khỏi mặt đất, hoặc nhập vào đất giống như xuống nước mà không bị trở ngại. Hoặc ngồi kiết già đầy khắp giữa hư không như chim bay trên không chẳng bị ngăn cản. Cũng như núi lửa lớn, phun khói vô lượng. Như mặt trời, mặt trăng kia có đại thần lực, có thần lực lớn không thể hạn lượng, mà có thể dùng tay với đến. Thân cao cho đến Phạm thiên. Thế Tôn hiện thần túc như vậy.

Sao gọi là ngôn giáo giáo hóa[8]? Bấy giờ Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo nên xả điều này, nên giữ điều này; nên gần điều này, nên xa điều này; nên nhớ điều này, nên trừ điều này; nên quán điều này, nên không quán điều này[9][10].

Sao gọi là nên tu điều này, không tu điều này? Hãy tu bảy Giác ý, diệt ba kết. Sao là nên quán, không nên quán? Hãy quán ba kết và ba thiện của Sa-môn, đó là lạc do xuất yếu, lạc do không nhuế,

10 lạc do không nộ. Sao gọi là không quán? Đó là ba khổ của Sa-môn. Những gì là ba? Dục quán, nhuế quán, nộ quán[11]. Sao gọi là niệm, sao gọi là không niệm? Bấy giờ, nên niệm Khổ đế, nên niệm Tập đế, nên niệm Tận đế, nên niệm Đạo đế; chớ niệm tà đế, thường kiến[12], vô thường kiến; biên kiến, vô biên kiến; mạng khác thân khác[13]; chẳng phải mạng chẳng phải thân[14]; Như Lai mạng chung, Như Lai không mạng chung, vừa hữu chung vừa vô chung; cũng chẳng hữu chung cũng chẳng vô chung[15]. Đừng niệm như vậy.

Sao gọi là huấn hối giáo hóa? Lại nữa, hãy đi như vầy, không nên đi như vầy; nên đến như vậy, không nên đến như vậy; nên im lặng như vậy, nên nói năng như vậy; phải thọ trì y như vậy, không được thọ trì y như vầy; nên vào thôn như vầy, không nên vào thôn như vầy. Đây gọi là huấn hối giáo giới.

Lúc Đức Thế Tôn bằng ba sự này giáo hóa một ngàn Tỳ-kheo, những Tỳ-kheo đó nhận được sự giáo hóa của Phật xong, trở thành một ngàn A-lahán.

Khi ấy Thế Tôn thấy một ngàn Tỳ-kheo đã đắc A-la-hán. Bấy giờ cõi Diêm-phù-đề có một ngàn A-la-hán cùng năm Tỳ-kheo và Phật là sáu, Ngài quay ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ.

Lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp suy nghĩ như vầy: “Vì sao Thế Tôn ngồi quay lại hướng về Ca-tỳ-la-vệ?” Rồi Ưu-tỳ Ca-diếp liền đến trước, quỳ thẳng bạch Thế Tôn:

–Chẳng hiểu tại sao Như Lai ngồi quay hướng về Ca-tỳ-la-vệ? Thế Tôn bảo:

–Như Lai ở đời cần làm năm việc. Sao gọi là năm? Một là chuyển pháp luân; hai là thuyết pháp cho cha; ba là thuyết pháp cho mẹ; bốn là dẫn dắt phàm phu lập hạnh Bồ-tát; năm là thọ ký riêng cho Bồ-tát. Này Ca-diếp, đó gọi là Như Lai xuất hiện ở đời cần làm năm việc như vậy.

Ưu-tỳ Ca-diếp bèn nghĩ: “Như Lai vì nhớ thân tộc xứ sở nên quay hướng đó ngồi vậy.”

Khi đó năm Tỳ-kheo lần hồi đi đến bờ sông Ni-liên[16]. Đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Lúc đó Tôn giả Ưu-đà-da[17] xa thấy Thế Tôn ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ. Thấy vậy liền nghĩ rằng: “Nhất định Thế Tôn muốn trở về Ca-tỳ-lavệ để thăm thân quyến.” Ưu-đà-da liền tới trước quỳ thẳng bạch Thế Tôn:

–Nay con kham nhậm có điều muốn hỏi, xin được giải bày.

Thế Tôn bảo:

–Muốn hỏi gì thì cứ hỏi.

Ưu-đà-da bạch Thế Tôn:

–Xem ý Như Lai muốn trở về Ca-tỳ-la-vệ?

Đúng vậy, như lời ông nói. Ưu-đà-da, nên biết, ông hãy tới chỗ Bạch Tịnh vương[18] trước. Ta sẽ đến sau. Vì sao? Vì phải báo cho chủng tộc Sátlợi biết tin trước, rồi sau Như Lai mới tới. Ngươi đến bẩm với vua rằng, bảy ngày sau Như Lai sẽ về thăm vua.

Ưu-đà-da đáp:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ Ưu-đà-da từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục lễ sát chân Thế Tôn, rồi biến mất khỏi Thế Tôn, hiện đến Ca-tỳ-la-vệ, tới chỗ của Chân Tịnh vương[19], đến rồi đứng ở phía trước vua.

Khi Chân Tịnh vương đang ở trên đại điện, ngồi cùng với các thể nữ, lúc ấy Ưu-đà-da đang bay ở trên không. Rồi Chân Tịnh vương thấy Ưuđà-da tay mang bình bát, cầm trượng, đang đứng trước mặt. Thấy vậy, trong lòng lo sợ mà nói rằng: –Đây là người nào? Là Người, hay Phi nhân; Trời, hay Quỷ, Duyệt-xoa, La-sát, Thiên long, Quỷ thần?

Lúc đó Chân Tịnh vương hỏi Ưu-đà-da:

–Ngươi là người nào?

Lại nói với Ưu-đà-da bằng bài kệ này:

Là Trời, hay là Quỷ,
Hay Càn-đạp-hòa chăng?
Ông nay tên là gì?
Hiện tại ta muốn biết.

Lúc bấy giờ Ưu-đà-da lại dùng kệ này đáp vua:

Tôi cũng chẳng là Trời,
Chẳng phải Càn-đạp-hòa.
Ở nước Ca-tỳ này,
Người đất nước Đại vương.
Xưa phá mười tám ức
Quân Ba-tuần xấu ác:
Thích-ca Văn, Thầy tôi.
Tôi đệ tử của Ngài.

Chân Tịnh vương lại dùng kệ này hỏi Ưu-đàda:

Ai phá mười tám ức
Quân Ba-tuần xấu ác?
Thích-ca Văn là ai
Nay ông lại ca ngợi?

Ưu-đà-da lại nói kệ này:

Lúc Như Lai mới sinh
Trời đất rung động khắp.
Thệ nguyện quyết làm xong,
Nên gọi hiệu Tất-đạt.
Người thắng mười tám ức
Quân Ba-tuần xấu ác,
Người tên Thích-ca Văn.
Ngày nay thành Phật đạo.
Người kia con họ Thích,
Đệ tử thứ Cù-đàm;
Hôm nay làm Sa-môn,
Vốn tên Ưu-đà-da.

Chân Tịnh vương nghe những lời này rồi, trong lòng vui mừng không thể tự kiềm được, hỏi Ưu-đà-da rằng: –Thế nào Ưu-đà-da, Thái tử Tất-đạt nay vẫn còn sống sao?

Ưu-đà-da đáp:

–Thích-ca Văn Phật nay đang hiện tại.

Vua hỏi:

–Nay đã thành Phật rồi sao?

Ưu-đà-da đáp:

–Nay đã thành Phật.

Vua lại hỏi:

–Hôm nay Như Lai đang ở đâu?

Ưu-đà-da đáp rằng:

–Như Lai hiện đang ở dưới cây Ni-câu-loại tại nước Ma-kiệt.

Rồi vua lại hỏi:

–Những người đệ tử theo hầu là những ai?

Ưu-đà-da đáp:

–Hàng ức chư Thiên cùng một ngàn Tỳ-kheo và Tứ Thiên vương thường ở hai bên. Lúc đó vua hỏi:

–Mặc những loại y phục như nào?

Ưu-đà-da đáp:

–Y Như Lai mặc được gọi là ca-sa.

Rồi vua hỏi:

–Ăn những loại thức ăn nào?

Ưu-đà-da đáp:

–Thân Như Lai dùng pháp làm thức ăn.

Vua lại hỏi:

–Thế nào Ưu-đà-da, có thể gặp Như Lai được không? Ưu-đà-da đáp:

–Vua đừng sầu lo, sau bảy ngày Như Lai sẽ vào thành.

Bấy giờ vua rất vui mừng không kiềm chế được, tự tay rót nước cúng dường Ưu-đà-da. Rồi Chân Tịnh vương đánh trống lớn, lệnh cho nhân dân cả nước sửa bằng đường lộ, dọn dẹp sạch sẽ, rưới dầu thơm trên đất, treo lụa tràng phan, bảo cái, trổi các kỹ nhạc không thể tính kể. Lại ra lệnh trong nước những người đui, điếc, ngọng, câm đều không được xuất hiện, bảy ngày sau Tất-đạt sẽ vào thành. Sau khi Chân Tịnh vương nghe Phật sẽ vào thành, trong bảy ngày cũng không ngủ nghỉ.

Bấy giờ đã đến ngày thứ bảy, Thế Tôn tự nghĩ: “Nay Ta nên dùng sức thần túc đi đến nước Ca-tỳla-vệ.” Rồi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh đi đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Đến nơi, Ngài vào vườn Tát-lư[20] ở phía Bắc thành.

Bấy giờ đó vua Chân Tịnh nghe Thế Tôn đã đến Ca-tỳ-la-vệ, ở trong vườn Tát-lư phía bắc thành. Vua bèn dẫn những người họ Thích đến chỗ Thế Tôn. Lúc đó Thế Tôn tự nghĩ: “Nếu vua Chân Tịnh tự thân hành đến đây, điều này không thích hợp cho Ta. Nay Ta phải đi gặp vua. Vì sao? Ân cha mẹ rất nặng, tình dưỡng dục sâu dày. Rồi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến cửa thành, bay lên hư không, cách đất bảy nhẫn. Vua Chân Tịnh thấy Thế Tôn đoan chánh không gì bằng, hiếm có trên đời, các căn tịch tĩnh, không có các vọng niệm, thân có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tự trang nghiêm, liền phát tâm hoan hỷ, tức liền đảnh lễ sát chân mà nói:

–Tôi vua dòng Sát-lợi, tên là Chân Tịnh vương.

Thế Tôn bảo:

–Chúc Đại vương hưởng thọ vô cùng. Đại vương hãy dùng Chánh pháp cai trị giáo hóa, đừng dùng tà pháp. Đại vương nên biết, những ai dùng Chánh pháp để cai trị giáo hóa, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh lên cõi thiện, ở trên trời.

Rồi Thế Tôn từ trên không trung đi vào trong cung vua Chân Tịnh. Đến nơi, ngồi lên chỗ dọn sẵn.

Khi vua thấy Thế Tôn ngồi yên ổn, tự tay châm nước, phục vụ vô số đồ ăn uống. Khi Thế Tôn ăn xong, đã dùng nước rửa rồi, vua lấy một cái ghế nhỏ, ngồi nghe pháp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thuận tự thuyết nghĩa vi diệu cho vua Chân Tịnh; luận về thí, luận về giới, luận về sinh Thiên, dục là hạnh bất tịnh, xuất yếu là an lạc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy tâm ý vua đã giải khai. Như pháp mà chư Phật thường thuyết; Ngài nói giảng thuyết tường tận cho vua nghe, về Khổ, Tập, Tận, Đạo. Khi đó vua Chân Tịnh liền ngay trên chỗ ngồi, sạch hết các trần cấu, được mắt pháp trong sạch.

Thế Tôn sau khi thuyết pháp cho vua nghe xong, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Lúc đó vua Chân Tịnh tập họp toàn bộ dòng họ Thích lại và nói:

–Các Sa-môn đều có mặt mày xấu xí. Dòng Sát-lợi mà dẫn theo chúng Phạm chí, như vậy là không thích hợp. Dòng họ Thích Sát-lợi phải có chúng Sát-lợi, vậy thì mới tốt đẹp.

Các người họ Thích đáp:

–Đúng vậy, Đại vương! Như Đại vương dạy, dòng Sát-lợi phải có chúng Sát-lợi, như vậy mới tuyệt.

Bấy giờ vua bố cáo trong nước, những gia đình có anh em hai người thì bắt một người phải hành đạo. Ai không như vậy thì sẽ bị xử phạt nặng. Khi trong dòng họ Thích nghe vua ra lệnh: “Gia đình có hai người là anh em thì bắt một người phải hành đạo, ai không theo mệnh lệnh sẽ xử phạt nặng”, bấy giờ Thích Đề-bà-đạt-đâu nói với Thích A-nan rằng:

–Nay vua Chân Tịnh ra lệnh, ai có hai người anh em, thì phải phân một người hành đạo. Nay ngươi nên xuất gia học đạo. Ta phải ở nhà giữ gìn gia nghiệp.

Lúc đó Thích A-nan vui mừng hớn hở nói:

–Như lời anh dạy.

Lúc đó Thích Nan-đà nói với Thích A-na-luật rằng:

–Vua Chân Tịnh ra lệnh rằng ai có hai người anh em, thì phải phân một người hành đạo, ai không như vậy thì sẽ bị xử phạt nặng. Nay ngươi xuất gia, ta sẽ ở nhà.

Thích A-na-luật nghe được những lời như vậy rồi, vui mừng hớn hở, không thể kiềm chế, đáp lại: –Đúng vậy, như lời anh nói.

Lúc đó vua Chân Tịnh dẫn Thích Hộc Tịnh, Thích Thúc Tịnh, Thích-cam Lộ[21] đến chỗ Thế Tôn. Vua ngự giá bằng xe tứ mã, xe màu trắng, lọng màu trắng, ngựa kéo xe màu trắng. Vị họ Thích thứ hai đi bằng xe màu xanh, lọng màu xanh, ngựa kéo xe màu xanh. Vị họ Thích thứ ba đi bằng xe màu vàng, lọng màu vàng, ngựa kéo xe màu vàng. Vị họ Thích thứ tư đi bằng xe màu đỏ, lọng màu đỏ, ngựa kéo xe màu đỏ. Cũng có những người họ Thích khác đi bằng voi, bằng ngựa, thảy đều tập họp đến.

Thế Tôn từ xa thấy vua Chân Tịnh dẫn dòng họ Thích đến, bảo các Tỳ-kheo:

–Các ông xem chúng họ Thích này và xem những người theo vua Chân Tịnh. Tỳ-kheo nên biết, trời Tam thập tam khi ra dạo vườn cảnh cũng như vậy, không có gì khác.

Khi đó A-nan đi voi lớn màu trắng, áo màu trắng, lọng màu trắng. Thấy vậy, Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các ông thấy Thích A-nan này, đi voi trắng, áo trắng chưa?

Các Tỳ-kheo đáp: –Dạ vâng, Thế Tôn, chúng con đã thấy. Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành Đa văn đệ nhất, chịu hầu hạ gần gũi Ta. Các ông thấy A-na-luật này không?

Các Tỳ-kheo đáp: –Dạ vâng, chúng con thấy. Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành Thiên nhãn đệ nhất.

Khi ấy vua Chân Tịnh, bốn anh em cả thảy, cùng A-nan-đà, đều đi bộ tới trước, cởi bỏ năm loại nghi trượng, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:

–Đêm hôm qua tôi sinh ý niệm như vầy: “Chúng Sát-lợi không nên dẫn chúng Phạm chí, mà dẫn chúng Sát-lợi, như vậy là thích hợp. Tôi liền ra lệnh trong nước, nhà nào có hai người anh em, một người phải xuất gia học đạo. Cúi xin Thế Tôn cho phép họ xuất gia học đạo.” Thế Tôn đáp:

–Lành thay, đại vương! Trời người được nhiều lợi ích, được an vui. Vì sao? Thiện tri thức này là ruộng phước tốt. Ta cũng nhờ Thiện tri thức mà thoát được sinh, lão, bệnh, tử này.

Khi đó chúng họ Thích được xuất gia. Rồi vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:

–Cúi xin Thế Tôn dạy dỗ những vị tân Tỳ-kheo này cũng như dạy dỗ Ưu-đà-da. Vì sao? Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực. Xin Tỳ-kheo Ưu-đàda được ở lại trong cung giáo hóa, khiến cho các loài chúng sinh được an ổn lâu dài. Vì sao? Vì Tỳ-kheo này rất có thần lực. Lần đầu tôi gặp Tỳ-kheo Ưu-đà-da liền phát tâm hoan hỷ, tôi liền khởi nghĩ như vầy: “Đệ tử còn có thần lực huống chi Như Lai kia lại không có thần lực này?” Thế Tôn đáp:

–Đúng vậy, đại vương! Như lời đại vương dạy, Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực, có oai đức lớn.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Các Tỳ-kheo, đệ tử đứng đầu việc hiểu rộng biết nhiều mà quốc vương nghĩ đến chính là Tỳ-kheo A-nhã Câu-lân. Có thể khuyến hóa nhân dân chính là Tỳ-kheo Ưu-đà-da. Có trí mau lẹ chính là Tỳ-kheo Ma-ha-nam. thường thích phi hành chính là Tỳ-kheo Tu-bà-hưu. Đi lại trên không chính là Tỳ-kheo Bà-phá. Có nhiều đệ tử, là Tỳ-kheo Ưutỳ Ca-diếp. Ý đắc quán Không, là Tỳ-kheo Giang Ca-diếp. Ý đắc Chỉ quán chính, Tỳ-kheo Tượng Ca-diếp[22].

Bấy giờ Thế Tôn giảng rộng pháp vi diệu cho vua Chân Tịnh nghe. Vua nghe pháp rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ra về. Các Tỳ-kheo cùng vua Chân Tịnh sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Trong mười lăm ngày, có ba pháp trai[23]. Những gì là ba? Ngày mồng tám, ngày mười bốn và ngày mười lăm[24]. Tỳ-kheo nên biết, hoặc có khi vào ngày trai ngày mồng tám, Tứ Thiên vương sai các vị phụ thần xem xét thế gian, có những ai làm lành, làm ác; những chúng sinh nào từ hiếu với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng; những chúng sinh nào vui thích bố thí, tu giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, diễn rộng nghĩa kinh, trì bát quan trai; thảy đều phân biệt đầy đủ. Hay nếu không có chúng sinh nào hiếu thuận cha mẹ, Samôn, Bà-la-môn, cùng sư trưởng, lúc đó phụ thần bạch Tứ Thiên vương: “Hiện tại thế gian này không có chúng sinh hiếu thuận với cha mẹ, Samôn, Đạo sĩ, hành Tứ đẳng tâm, thương xót chúng sinh.” Tứ Thiên vương sau khi nghe rồi, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui. Bấy giờ, Tứ Thiên vương đi đến giảng đường Tập thiện pháp[25] trên trời Đao-lợi[26], đem nhân duyên này trình bày hết cho Đế Thích: “Thiên đế nên biết, hiện nay thế gian này không có chúng sinh nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng.” Bấy giờ, Đế Thích, trời Tam thập tam, nghe những lời này rồi, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-luân sẽ tăng.

Hoặc giả, lại có khi, chúng sinh thế gian có người hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng; thọ trì bát quan trai, tu đức thanh tịnh, không phạm mảy may vào giới cấm lớn. Bấy giờ sứ giả sẽ vui mừng phấn khởi, không tự kiềm chế được, bạch Tứ Thiên vương: “Hiện nay, thế gian này, có nhiều chúng sinh hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng.” Thiên vương nghe rồi rất lấy làm vui mừng, liền đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đen nhân duyên này bạch Đế Thích: “Thiên đế nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sinh hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng.” Bấy giờ, Đế Thích, trời Tam thập tam, thảy đều vui mừng, không tự kiềm chế được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng ích, chúng A-tu-luân sẽ tổn giảm. Mọi đánh khảo địa ngục tự nhiên đình chỉ, khổ độc không thi hành.

Nếu là ngày mười bốn, ngày trai. Thái tử được sai xuống quan sát thiên hạ, dò xét nhân dân thi hành thiện ác; có chúng sinh tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-lamôn, cùng tôn trưởng; có ưa thích bố thí thọ trì bát quan trai, đóng bít lục tình, phòng chế ngũ dục hay không? Nếu không có chúng sinh nào tu theo chánh pháp, hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-lamôn, bấy giờ Thái tử bạch Tứ Thiên vương. Tứ Thiên vương nghe rồi, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui; đi đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ Thiên đế: “Đại vương nên biết, hiện nay thế gian này không có chúng sinh nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng.” Bấy giờ, Thiên đế, Tam thập tam, thảy đều trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-luân sẽ tăng.

Hoặc giả, lại có khi, có chúng sinh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng, thọ trì bát quan trai, bấy giờ, thái tử vui mừng phấn khởi, không thể tự kiềm được liền đến bạch Tứ Thiên vương: “Đại vương nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sinh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.” Tứ Thiên vương sau khi nghe những lời này rất lấy làm vui mừng, liền đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ cho Thiên đế: “Thánh vương nên biết, hiện nay thế gian này có nhiều chúng sinh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bàla-môn, cùng các tôn trưởng, thọ trì tam tự quy, từ tâm, can gián, thành tín, không dối trá.” Lúc bấy giờ, Thiên đế, Tứ Thiên vương cùng trời Tam thập tam đều mừng vui, không thể tự kiềm được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng ích, chúng A-tu-luân sẽ tổn giảm.

Tỳ-kheo nên biết, ngày mười lăm, thời thuyết giới[27], đích thân Tứ Thiên vương xuống xem xét khắp thiên hạ, dò xét người dân, những chúng sinh nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các tôn trưởng, ưa thích bố thí, trì bát quan trai, trai pháp của Như Lai. Nếu không có chúng sinh nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng tôn trưởng, bấy giờ Tứ Thiên vương, trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, đến chỗ Đế Thích, đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Thiên đế: “Đại vương nên biết, hiện nay trong thế gian này, không có chúng sinh nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.” Thích Đề-hoàn Nhân, trời Tam thập tam, thảy đều trong lòng sầu ưu, buồn bã, không vui, vì chúng chư Thiên sẽ giảm, chúng A-tu-luân sẽ tăng thêm.

Hoặc giả, vào lúc ấy nếu có chúng sinh hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng các tôn trưởng, thọ trì bát quan trai, bấy giờ Tứ Thiên vương lại vui mừng phấn khởi, không thể tự kiềm chế được, liền đến chỗ Đế Thích đem nhân duyên này bạch đầy đủ với Thiên đế: “Đại vương nên biết, hiện nay trong thế gian này có nhiều chúng sinh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng các tôn trưởng.” Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân, trời Tam thập tam, cùng Tứ Thiên vương đều mừng vui, phấn khởi, không thể tự kiềm được, vì chúng chư Thiên sẽ tăng ích, chúng A-tu-luân sẽ tổn giảm.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Ngày mười lăm, trì pháp bát quan trai như thế nào? Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

–Như Lai là vua các pháp, là ấn của các pháp. Nguyện xin Thế Tôn nên vì các Tỳ-kheo mà giảng rộng nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ phụng hành. Thế Tôn bảo rằng: –Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân biệt nói đầy đủ cho các ngươi nghe.

Ở đây, này Tỳ-kheo, nếu có thiện nam, thiện nữ nào vào ngày mười bốn, mười lăm trong tháng, là ngày trì trai thuyết giới, đến giữa bốn bộ chúng mà nói như vầy: “Hôm nay là ngày trai, tôi muốn trì pháp bát quan trai[28]. Nguyện xin Tôn giả vì con mà thuyết giới.” Bấy giờ chúng bốn bộ nên dạy cho người đó pháp bát quan trai. Trước hết nên bảo người đó nói như vầy, “Này thiện nam, hãy tự xưng tên họ.” Người kia đã xưng tên họ rồi, nên trao cho pháp bát quan trai. Bấy giờ, vị giáo thọ nên dạy người trước đó nói như vầy: “Nay tôi con vâng giữ trai pháp của Như Lai cho đến sáng sớm ngày mai, tu giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng thốt ra lời ác, ý sinh niệm ác; thân ba, miệng bốn, ý ba; các điều ác đã làm, sẽ làm, hoặc vì tham dục mà tạo, hoặc vì sân nhuế mà tạo, hoặc vì ngu si mà tạo, hoặc vì hào tộc mà tạo, hoặc vì nhân ác tri thức mà tạo, hoặc thân này, thân sau vô số thân, hoặc không hiểu Phật, không hiểu pháp, hoặc gây đấu loạn giữa các Tỳ-kheo Tăng, hoặc sát hại cha mẹ, chư tôn sư trưởng; nay con sám hối, không tự che giấu. Nương giới, nương pháp mà thành tựu giới hạnh của mình, thọ trì pháp bát quan trai của Như Lai.”

Những gì là pháp bát quan trai? Thọ trì tâm, như Chân nhân[29], trọn đời không sát[30], không có tâm hại, có tâm Từ đối với chúng sinh; nay con tên là... trì trai cho đến sáng sớm ngày mai không sát, không có tâm hại, có tâm Từ đối với tất cả chúng sinh.

Như A-la-hán không có tà niệm[31], trọn đời không trộm cắp, ham thích bố thí. Nay con tên là... trì trai cho đến sáng sớm ngày mai[32] không trộm cắp, từ nay đến ngày mai.

Thọ trì tâm, như Chân nhân trọn đời[33] không dâm dật[34], không có tà niệm, thường tu phạm hạnh, thân thể thơm khiết; con[35] hôm nay trì giới không dâm, cũng không nghĩ đến vợ mình, lại cũng không nghĩ tưởng đến người nữ khác, cho đến sáng sớm ngày mai, không xúc phạm.

Như A-la-hán suốt đời không nói dối, luôn biết thành thật, không dối người; tôi* từ nay đến ngày mai không nói dối. Con từ nay trở về sau[36] không nói dối nữa.

Như A-la-hán trọn đời[37] không uống rượu, tâm ý không loạn, thọ trì cấm giới của Phật không điều nào xúc phạm; nay con cũng như vậy, từ nay cho đến sáng mai không uống rượu, thọ trì giới cấm của Phật không xúc phạm.

Như A-la-hán trọn đời không hoại trai pháp[38], hằng ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị, nay con cũng như vậy, nguyện (trọn đời)[39] không hoại trai pháp, hằng ăn đúng thời, ăn ít biết đủ, không đắm trước mùi vị. Từ ngày nay đến sáng mai không xúc phạm.

Như A-la-hán (trọn đời)* hằng không ngồi trên giường cao rộng. (Giường cao rộng là giường vàng, bạc, ngà voi, hoặc giường sừng tòa của Phật, tòa của Bích-chi-phật, tòa của A-la-hán, tòa của các tông sư. A-la-hán không ngồi trên tám loại tòa này)[40], con cũng không phạm ngồi vào chỗ ngồi này[41].

Như A-la-hán (trọn đời) không đeo hương hoa, trang điểm phấn sáp; nay con cũng như vậy, nguyện một ngày một đêm[42] không đeo hương hoa, phấn sáp tốt đẹp[43].

Nay con tên là... lìa tám việc này, nguyện trì pháp bát quan trai không, đọa vào ba đường dữ; nhờ công đức này mà không vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và tám nạn; thường được Thiện tri thức, không tùng sự ác tri thức; thường được sinh vào nhà cha mẹ tốt lành, không sinh vào nơi biên địa không Phật pháp, không sinh lên trời Trường thọ, không làm nô tỳ cho người, không làm Phạm thiên, không làm thân Đế Thích, cũng không làm Chuyển luân thánh vương; thường sinh trước Phật, tự mình thấy Phật, tự mình nghe pháp khiến các căn không loạn. Nếu con thề nguyện hướng đến ba thừa tu hành, thì sẽ chóng thành đạo quả.

Tỳ-kheo nên biết, nếu có Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào trì pháp bát quan trai này, thiện nam, thiện nữ đó sẽ hướng đến ba đường, hoặc sinh vào cõi người, hoặc sinh lên trời, hoặc Bát-niết-bàn. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Không sát, cũng không trộm
Không dâm, không nói dối
Tránh rượu, xa hương hoa
Người đắm vị phạm trai,
Ca múa cùng xướng hát
Học La-hán, tránh xa
Nay trì bát quan trai
Ngày đêm không quên mất,
Không có khổ sinh tử
Không có hạn luân hồi
Chớ tập cùng ân ái
Cũng chớ hội oán tắng.
Nguyện diệt khổ năm ấm
Các bệnh não sinh tử
Niết-bàn không các hoạn
Nay Ta tự quay về.

Cho nên, này Tỳ-kheo, nếu có thiện nam, thiện nữ nào, muốn trì bát quan trai, lìa các khổ, được chỗ lành; muốn diệt tận các lậu, vào thành Niếtbàn, phải tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bát quan trai này. Vì sao? Vinh vị ở cõi người không đủ làm cao quý, mà khoái lạc trên trời thì không thể kể xiết. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu phước vô thượng, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bát quan trai này. Nay Ta răn dạy lại các ông, nếu có thiện nam, thiện nữ nào thành tựu bát quan trai, mà muốn cầu sinh lên cõi trời Tứ Thiên vương, cũng sẽ đạt được nguyện này. Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện. Vì vậy nên Ta nói nghĩa này. Vinh vị cõi người không đủ làm cao quý. Nếu thiện nam, thiện nữ nào, trì bát quan trai, thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi lành, trên trời, hoặc sinh Diễm thiên, Đâuthuật thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, trọn không hư dối. Vì sao? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.

Các Tỳ-kheo, nay Ta nhắc lại cho các ông, nếu có thiện nam, thiện nữ nào trì bát quan trai, cũng thành tựu sở nguyện của mình sẽ sinh về các cõi trời Dục giới, sinh về các cõi trời Sắc giới. Vì sao như vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.

Lại nữa, nếu có thiện nam, thiện nữ nào trì bát quan trai mà muốn sinh về các cõi trời Vô sắc, cũng được kết quả như sở nguyện kia.

Tỳ-kheo nên biết, nếu thiện nam, thiện nữ nào trì bát quan trai, muốn sinh vào nhà bốn chủng tánh, lại cũng được sinh.

Lại, thiện nam, thiện nữ nào trì bát quan trai, muốn cầu làm Thiên tử một phương, Thiên tử hai phương, ba phương, bốn phương thì cũng được như sở nguyện kia. Muốn cầu làm Chuyển luân thánh vương cũng được như sở nguyện kia. Vì sao? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.

Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu thành Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa, ắt sẽ thành tựu sở nguyện. Nay Ta thành Phật là nhờ trì giới kia. Năm giới, mười thiện, không nguyện nào là không được.

Các Tỳ-kheo, nếu muốn thành đạo kia, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



[1] . Pāli, ibid. Thế Tôn lượm được y phấn tảo (samayena bhagavato paṃsukūlaṃ uppannaṃ hoti).

[2] . Pāli, inid., Etha bhikkhavo, svākkhāto dhammo, caratha brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāyā, “Hãy đến đây, các Tỳ-kheo! Pháp đã được giảng thuyết hoàn hảo. Hãy tu hành Phạm hạnh để chân chánh diệt tận khổ.”

[3] . Cũng đạo sĩ bện tóc (jaṭila), không phải Bà-la-môn.

[4] . Giang Ca-diếp 江 迦 葉 , hay Na-đề Ca-diếp. Pāli: Nadākassapa.

[5] . Ưu-tỳ Ca-diếp, tức Ưu-tỳ-la Ca-diếp.

[6] . Già-di Ca-diếp. Pāli: Gayākassapa.

[7] . Tam sự giáo hóa 三 事 教 化 ; cf. Tứ Phần 33 (T22n1428, tr. 797a13): Thần túc giáo hóa 神 足 教 化 , ức niệm giáo hóa 憶 念 教 化 , thuyết pháp giáo hóa 說 法 教 化。Đây chỉ ba thị đạo; Cf. Tập Dị 6

(T26n1536, tr. 389b17), ba thị đạo 三 示 導 : Thần biến thị đạo 神 變 示 導 , ký tâm thị đạo 記 心 示 導 , giáo giới thị đạo 教 誡 示 導。Xem Trường A-hàm 16, kinh 24 Kiên cố (Đại 1, tr. 101c8), có ba thần túc: Thần túc thần túc, quán sát tha tâm thần túc, giáo giới thần túc. Pāli: Tìṇi Pāṭihāriyāni– iddhiPāṭihāriyaṃ, ādesanāPāṭihāriyaṃ, anusāsanìPāṭihāriyaṃ.

[8] . Ngôn giáo giáo hóa 言 教 教 化。Huyền Trang, ibid., : Ký tâm thị đạo. Pāli, ibid., ādesanā-Pāṭihāriya. Có thể Hán dịch hiểu Pl. Ādesana (Skt. Ādezana) là “thuyết giáo” thay vì “ký thuyết” từ đó có nghĩa “ký tâm” tức nói lên ý nghĩ của người khác đang nghĩ.

[9] . Đoạn Hán dịch này có thể sai. Đây là đọc được ý người khác đang nghĩ như vậy, chứ không phải bảo họ nên làm hay nên nghĩ như vậy.

[10] . Đây muốn nói ba thiện tầm (Pāli: Tayo kusalavitakkā): Xuất ly, vô nhuế, vô hại. Cf. Tập Dị 3 (T26n1536, tr. 377a26).

[11] . Đây muốn nói ba bất thiện tầm (Pāli: Tayo akusalavitakkā): Tham dục, sân nhuế, não hại; Cf. Tập Dị 3 (T26n1536, tr. 377a26).

[12] . Thường, vô thường, v.v...: từ đây xuống, là mười bốn vấn đề thuộc trí vấn, hay vô ký thuyết; nhưng câu hỏi Phật không trả lời. Hán dịch đưa vào đây, có gượng ép, không phù hợp.

[13] . Bĩ mạng bĩ thân 彼 命 彼 身 , nên hiểu mạng (ngã hay linh hồn) và thân là dị biệt.

[14] . Phi mạng phi thân 非 命 非 身 , nên hiểu: mạng và thân không phải là một.

[15] . Như Lai mạng chung 如 來 命 終 ; Hán dịch không chính xác. Nên hiểu: Như Lai sau khi chết tồn tại hay không tồn tại. Xem Trung 60 kinh 221 Tiễn dụ (T1n26, tr. 804b4). Pāli, M 63 Cūḷa-Mālukyasuttaṃ (R. i.

1426): Hoti tathāgato paraṃ maraṇā’tipi, na hoti tathāgato paraṃ maraị’tipi,…

[16] . Ni-liên 尼連, tức trên kia âm là Liên-nhã.

[17] . Ưu-đà-da 優陀耶. Hán dịch có nhảy sót nên truyện kể thiếu mạch lạc. Phật Bản Hạnh 51 (T3n190, tr. 889c18): Khi hay tin Thái tử thành Phật, vua Tịnh Phạn sai Ưu-đà-di 憂陀夷, con trai của Quốc sư đi thỉnh Phật về thăm quê. Pāli: Kāḷudāyī, AA. i. 302 ff.

[18] . Bạch Tịnh vương 白 淨王 ; đoạn dưới dịch là Chân Tịnh vương 真淨王 . Quen gọi là Tịnh Phạn vương.

Pāli: Suddhodana.

[19] . Xem cht. trên.

[20] . Tát-lư viên 薩 盧 園。

[21] . Những người em của vua Tịnh Phạn (Pl. Suddhodana): Hộc Tịnh 斛淨 (Pl. Dhotodana), Thúc Tịnh 叔淨 (Sukkodana), Cam Lộ 甘 露 (Pl. Amitodana).

[22] Tượng Ca-diếp 象 迦 葉 , tức trên kia dịch âm là Già-di Ca-diếp.

[23] . Trai pháp. Pāli: Uposatha. Tham chiếu, A iii 36, 70 (R. 142, 207).

[24] Nếu tính tháng ba mươi ngày, phải kể thêm: ngày 23, 29 và 30.

[25] . Tập thiện pháp giảng đường 集善法講堂. Pāli, Sudhamma-sabhā, hội trường của chư Thiên Tam thập tam.

[26] Đao-lợi, dịch âm mà tiếp theo dưới dịch nghĩa là Tam thập tam.

[27] . Ngày Bố tát, Tăng thuyết giới, tức tụng giới Ba-la-đề-mộc-xoa.

[28] . Bát quan trai pháp 八 關 齋 法 ; hay bát chi trai, bát chi cận trụ. Cf. Trung 55, kinh 202 (T1n26, tr.

770b24): Thánh bát chi trai 聖 八 支 齋。Pāli: Aṭṭhaṅga-samannāgata-uposatha.

[29] . Chân nhân 真 人 , đây chỉ A-la-hán. Văn thọ tám chi trai, xem Trung 55, dẫn trên.

[30] . Văn thọ trai giới tám chi, Pāli, cf. A III 70 (R.i. 211): Yāvajīvaṃ arahanto Pāṇātipātaṃ pahāya (…) ahampajja imañca rattiṃ imañca divasaṃ Pāṇātipātaṃ pahāya (…), như A-la-hán trọn đời đoạn trừ sát sinh (…) tôi nay cũng một ngày một đêm đoạn trừ sát sinh (…).

[31] . Hán: Vô hữu tà niệm 無 有 邪 念 , nghi chép dư.

[32] . Bản Hán: Tận hình thọ 盡 形 壽 , trọn đời. Hán chép nhầm. Theo văn chuẩn, nên sửa lại.

[33] . Bản Hán: Ngã kim tận hình thọ 我 今 盡 形 壽 ; chép dư hai chữ ngã kim. Thơ văn chuẩn, nên lược bỏ.

[34] . Văn chuẩn Pāli: Yāvajīvaṃ arahanto abrahmacariyaṃ pahāya brahmacārī ārācārī (…), như A-lahán trọn đời đoạn trừ phi phạm hạnh, hành phạm hạnh (…).

[35] . Hán không có; nên thêm vào cho đúng quy tắc văn thọ giới.

[36] . Ý tưởng này không chuẩn xác đối với văn thọ giới tám chi. Đề nghị lược bỏ.

[37] . Hán không có, theo văn chuẩn nên thêm vào.

[38] . Ý nói: Không ăn sau ngọ. Văn chuẩn Pāli: Yāvajīvaṃ arahanto ekabhattikā rattìparatā viratā vikālabhojanā (…), Như A-la-hán trọn đời chỉ ăn một bữa, không ăn đêm, không ăn phi thời (…)

[39] . Hán: Tận hình thọ 盡 形 壽 ; Hán dịch hoàn toàn sai, nên cho vào ngoặc). Trai giới tám chi chỉ thọ trì một ngày một đêm.

[40] . Đoạn này nghi là phụ chú giải thích giới điều của người dịch, hay người truyền tụng, chứ không phải chính văn thọ giới, nên cho vào ngoặc. Văn đoạn này cũng thiếu lời nguyện “một ngày một đêm.” Đề nghị thêm vào. Tham chiếu văn thọ Hán, Trung 55, đã dẫn.

[41] . Dịch ý. Để bản: Ngã diệc thượng tọa bất phạm thử tọa 我 亦 上 坐 不 犯 此 坐 : “Tôi cũng thượng tọa không phạn chỗ ngồi này” (?). Có sai sót trong tả bản này, nên các bản khác có sửa lại. TNM: bỏ 2 chữ “ngã diệc 我 亦 ”. Bản Thánh: Thượng tọa ngã diệc 上 坐 我 亦 . Nhưng cũng không làm cho văn sáng rõ hơn.

[42] . Nguyên Hán: Tận hình thọ; không đúng văn chuẩn, đề sửa lại như trên.

[43] . Điều học này còn thiếu phân nữa: Không ca, múa, xướng hát, và cố ý đi xem nghe. Xem thêm Pāli, và Trung 55 đã dẫn trên.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]