TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Giống như núi sông, vách đá, trăm cỏ, ngũ cốc, đều nương trên đất mà được tăng trưởng lớn mạnh. Vì vậy, đất này là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, các pháp đạo phẩm thiện, trụ trên đất không phóng dật, khiến các pháp thiện được tăng trưởng lớn mạnh. Tỳ-kheo không phóng dật tu bốn Ý đoạn[1], tu tập nhiều bốn Ý đoạn. Những gì là bốn?
1. Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sinh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sinh[2].
Pháp tệ ác đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến diệt[3], tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt.
2. Pháp thiện chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến sinh.
3. Pháp thiện đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên.
Tỳ-kheo, tu bốn Ý đoạn như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bốn Ý đoạn. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Tỳ-kheo nên biết, có nhiều Túc tán quốc vương[4] và các Đại vương cùng đến phụ cận Chuyển luân thánh vương. Đối với họ, Chuyển luân thánh vương là tối tôn tối thượng. Ở đây cũng vậy, trong các thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, pháp không phóng dật là tối đệ nhất. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn Ý đoạn, tu nhiều bốn Ý đoạn?
1. Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sinh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sinh*.
2. Pháp tệ ác đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt.
3. Pháp thiện chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến sinh.
4. Pháp thiện đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn Ý đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Trong những ánh sáng tinh tú, ánh sáng mặt trăng là tối thượng đệ nhất. Ở đây cũng như vậy, trong những công đức thiện của ba mươi bảy pháp đạo phẩm, hành không phóng dật là đệ nhất tối tôn tối quý. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn Ý đoạn, tu nhiều bốn Ý đoạn?
1. Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sinh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sinh*.
2. Pháp tệ ác đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt.
3. Pháp thiện chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến sinh.
4. Pháp thiện đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn Ý đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Trong các loại hoa như hoa chiêm-bặc, hoa tu-ma-na trên chư Thiên giữa loài người, hoa bàsư là tối đệ nhất. Ở đây cũng lại như vậy, trong những công đức thiện của ba mươi bảy Pháp đạo phẩm, hành không phóng dật là đệ nhất tối tôn tối quý. Không phóng dật, Tỳ-kheo tu bốn Ý đoạn, tu nhiều bốn Ý đoạn?
1. Ở đây, Tỳ-kheo, pháp tệ ác chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến không cho sinh, tâm không rời xa, hằng muốn khiến nó không sinh*.
2. Pháp tệ ác đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến diệt*, tâm không xa lìa, hằng muốn khiến diệt.
3. Pháp thiện chưa sinh, tìm cầu phương tiện khiến sinh.
4. Pháp thiện đã sinh, tìm cầu phương tiện khiến tăng nhiều, không để thoái thất, tu hành đầy đủ, tâm ý không quên. Như vậy, các Tỳ-kheo tu bốn Ý đoạn như vậy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc thắng xe lông chim ra khỏi thành Xá-vệ đến tinh xá Kỳ hoàn muốn hầu Thế Tôn. Theo pháp thường, các vua có năm thứ nghi trượng. Vua bỏ hết sang một bên, đến trước Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ Thế Tôn bảo vua:
–Đại vương nên biết, thế gian có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Những gì là bốn?
1. Hoặc có người trước tối sau sáng.
2. Hoặc có người trước sáng sau tối.
3. Hoặc có người trước tối sau tối.
4. Hoặc có người trước sáng sau sáng.[6]
Thế nào là người trước tối sau sáng? Ở đây, hoặc có người sinh vào nhà ti tiện, như dòng Chiên-đà-la, dòng đạm nhân[7], dòng thợ thuyền, hoặc sinh nhà dâm dật, hoặc không mắt, hoặc không chân tay, hoặc thường gót chân trần[8], hoặc các căn thác loạn. Nhưng thân, miệng hành pháp thiện, ý nghĩ pháp thiện. Người này gặp Sa-môn, Bà-la-môn, các bậc trưởng giả, thường niệm lễ bái, không mất thời tiết, đứng dậy nghênh đón, đứng dậy tiễn đưa, trước cười sau nói, tùy thời cung cấp. Hoặc có lúc, gặp người ăn xin, hay Samôn, Bà-la-môn, người đi đường, người nghèo thiếu, nếu có tiền của thì đem giúp cho họ. Nếu không có của cải, người đó đến nhà trưởng giả cầu xin giúp đỡ cho. Hoặc gặp người khác giúp đỡ liền sinh lòng hoan hỷ hớn hở không tự kiềm chế. Người thân hành pháp thiện, miệng tu pháp thiện, ý nghĩ pháp thiện, thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi thiện, trên trời. Giống như có người từ đất lên giường, từ giường lên ngựa, từ ngựa cỡi voi, từ voi vào giảng đường. Do vậy, nay Ta nói, người này trước tối sau sáng. Đại vương, như vậy, người này gọi là trước tối sau sáng.
Thế nào là người trước sáng sau tối? Ở đây, hoặc có người sinh vào gia tộc lớn, hoặc dòng Sát-lợi, dòng trưởng giả, dòng Bà-la-môn, nhiều của, nhiều báu vật vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, thủy tinh, lưu ly, tôi tớ, nô tì không thể kể hết; voi, ngựa, heo, dê, tất cả đầy đủ. Tướng mạo người này xinh đẹp như màu hoa đào, nhưng người này lại thường ôm lòng tà kiến, tương ưng với biên kiến, có kiến chấp như vầy: “Không có bố thí, không có thọ nhận, không có chỗ nào nơi người đi trước bố thí vật gì, cũng không có báo thiện ác, cũng không có đời này đời sau, cũng không có người đắc đạo, đời không A-la-hán đáng thờ kính, đời này đời sau có thể tác chứng[9].” Nếu gặp Sa-môn, Bà-la-môn, họ liền nổi sân hận, không lòng cung kính. Nếu thấy người khác bố thí, lòng họ không vui vẻ; những tạo tác của thân, miệng, ý không quân bình[10]. Do tạo các hành vi phi pháp, người này thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Giống như có người từ giảng đường xuống voi, từ voi xuống ngựa, từ ngựa xuống giường, từ giường xuống đất. Vì thế nên Ta nói người này như vậy Đại vương, nghĩa là người này trước sáng sau tối.
Thế nào là người từ tối đến tối? Nếu có người sinh nhà ti tiện, hoặc nhà Chiên-đà-la, hoặc nhà đạm nhân, hoặc nhà cùng cực thấp hèn. Người này đã sinh vào đây, có khi các căn ắt không đủ, tướng mạo xấu xí, mà người này lại thường ôm tà kiến, có kiến chấp như vầy: “Không có đời này, đời sau, không Sa-môn, Bà-la-môn, cũng không người đắc đạo, cũng không A-la-hán đáng thờ kính, cũng không đời này đời sau có tác chứng.” Nếu gặp Samôn, Bà-la-môn, họ liền nổi sân hân, không lòng cung kính. Nếu thấy người đến bố thí, lòng không vui vẻ, những tác hành của thân, miệng, ý không bình đẳng, phỉ báng Thánh nhân, hủy nhục Tam tôn[11]. Người đó đã không giúp tự mình bố thí, thấy người khác bố thí, lòng rất sân hận. Vì đã tạo hạnh sân nhuế, nên thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Giống như người từ tối đến tối, từ lửa bừng đến lửa bừng, bỏ trí tới ngu. Do vậy mà nói, người này có thể gọi là trước tối sau tối. Đại vương nên biết, cho nên gọi người này là từ tối đến tối.
Thế nào là người từ sáng đến sáng? Hoặc có người sinh vào nhà vọng tộc, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc nhà quốc vương, hoặc nhà đại thần, nhiều của, lắm vật báu không thế kể hết, mà người kia tướng mạo lại xinh đẹp như màu hoa đào, người này thường có chánh kiến, tâm không thác loạn. Người ấy có những chánh kiến này: “Có thí, có phước, có người nhận, có báo thiện ác, có đời này đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn.” Vả lại người này, nếu gặp Sa-môn, Bà-la-môn khởi lòng cung kính, vui hiện nhan sắc. Tự thân thường thích bố thí, lại cũng khuyên người khiến thực hành bố thí. Nếu ngày nào bố thí thì lòng thường hớn hở không kiềm chế được. Họ thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, nên thân hoại mạng chung sinh về cõi thiện. Giống như có người từ giảng đường đến giảng đường, từ cung đến cung. Do vậy mà nói, nay Ta nói người này từ sáng đến sáng. Đại vương, đó là thế gian có bốn hạng người này.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Vua nên biết, người nghèo
Có tín, thích bố thí
Gặp Sa-môn, Bà-la
Cùng những người đáng thí;
Thường đứng dậy đón, tiếp
Lại khuyên bảo chánh kiến
Lúc thí, thật vui mừng
Không trái người điều người xin.
Người kia là bạn tốt
Quyết không làm hạnh ác
Thường thích hành chánh kiến
Hay nghĩ cầu pháp thiện.
Đại vương như người kia
Lúc chết, nơi sinh về
Quyết sinh trời Đâu thuật
Trước tối mà sau sáng.
Như người hết sức giàu
Không tín, hay sân hận
Lòng tham lam, khiếp nhược
Tà kiến mà không đổi;
Gặp Sa-môn, Phạm chí
Cùng những người ăn xin
Thường chửi mắng, nhiếc móc
Tà kiến, nói không có;
Thấy thí, nổi sân giận
Không muốn có người thí
Người kia hành rất tệ
Tạo mọi nguồn gốc ác.
Những người kia như vậy
Đến khi mạng sắp chết
Sẽ sinh vào địa ngục
Trước sáng mà sau tối.
Như có người bần tiện
Không tín, hay sân hận
Tạo mọi hành bất thiện
Tà kiến không chánh tín;
Nếu gặp vị Sa môn
Cùng người đáng thừa sự
Mà luôn khinh hủy họ
Xan tham không tín tâm;
Lúc cho mà không vui
Thấy người cho cũng vậy
Hành vi người kia làm
Không dẫn đến an vui.
Những hạng người như vậy
Cho đến khi mạng chung
Sinh vào trong địa ngục
Trước tối sau cũng tối.
Như người rất có của
Có tín, thích bố thí
Chánh kiến, không niệm quấy
Thường thích cầu pháp thiện.
Nếu thấy các Đạo sĩ
Những người đáng bố thí
Đứng dậy cung kính đón
Học tập theo chánh kiến,
Khi cho thật hòa vui
Thường niệm tưởng bình đẳng
Bố thí không tiếc lẫn
Không trái với lòng người.
Người ấy sống[12]
lương thiện
Không tạo mọi phi pháp
Nên biết người như vậy
Đến khi mạng sắp chết.
Quyết sinh chỗ tốt lành
Trước sáng mà sau sáng.
Cho nên Đại vương, hãy học trước sáng mà sau sáng, chớ nên học trước sáng mà sau tối. Đại vương, nên học điều này như vậy.
Sau khi vua Ba-tư-nặc đã nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Sau đó không lâu lại lấy hai tay sờ chân Như Lai, rồi dùng miệng hôn lên chân Như Lai, mà nói như vầy: –Thân thể của Đấng Thiên Tôn vì sao thế này? Thân nhăn quá vậy! Thân Như Lai không như xưa. Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, A-nan, như những gì ông nói. Nay thân Như Lai, da thịt đã nhăn, thân thể hiện tại không như xưa. Sở dĩ như vậy là vì, phàm có thân thể là bị bệnh thúc ép. Đáng bệnh, chúng sinh bị bệnh vây khốn; đáng chết, chúng sinh bị chết bức bách. Nay Như Lai tuổi đã suy vi, đã hơn tám mươi.
A-nan nghe những lời này, buồn khóc nghẹn ngào không tự nén được lời liền nói lời này:
–Than ôi! Sự già đã đến đây rồi!
Bấy giờ, đã đến giờ, Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thế Tôn đi khất thực, lần hồi đến cung vua Ba-tư-nặc. Trong lúc đó trước cửa của vua Ba-tư-nặc có vài mươi chiếc xe hư cũ bị bỏ một bên. Tôn giả A-nan thấy những cỗ xe bị vất ở một bên như vậy, liền bạch Thế Tôn:
–Đây là những chiếc xe của vua Ba-tư-nặc. Ngày xưa, lúc mới làm thật là tinh xảo, nhưng ngày nay trông chúng cũng như màu gạch đá.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, A-nan, như những gì ông đã nói. Những chiếc xe như đang được thấy đây, xưa kia thật là tinh xảo, làm bằng vàng bạc. Ngày nay đã hư hỏng, không thể dùng được nữa. Vật bên ngoài còn hư hoại như vậy, huống chi là bên trong. Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Ôi! Già, bệnh, chết này
Hoại người sắc cực thịnh
Lúc đầu ý rất vui
Nay bị chết sai bức.
Dù tuổi thọ trăm năm
Đều quy về cái chết
Không ai thoát khổ này
Hết thảy về đường này.
Những gì có trong thân
Bị chết rượt đuổi đi
Bốn đại ở bên ngoài
Đều quay về gốc không.
Cho nên cầu không chết
Chỉ có về Niết-bàn
Nơi không chết không sinh
Đều không các hành này.
Bấy giờ, Thế Tôn liền tới chỗ vua Ba-tư-nặc. Vua Ba-tư-nặc bày biện đồ ăn thức uống cúng dường Thế Tôn. Thấy Thế Tôn đã ăn xong, vua liền lấy một ghế nhỏ ngồi trước Như Lai, bạch Thế Tôn:
–Sao vậy, Thế Tôn, hình thể của chư Phật đều là kim cang, mà cũng phải chịu già, bệnh, chết sao?
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, đại vương! Như lời đại vương. Như Lai cũng phải có sinh, già, bệnh, chết. Nay Ta cũng là người, cha tên Chân Tịnh, mẹ tên Mada, thuộc dòng Chuyển luân thánh vương.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Phật hiện giữa loài người
Cha tên là Chân Tịnh
Mẹ tên Cực Thanh Diệu
Dòng Sát-lợi quyền quý.
Đường chết thật là khốn
Đều không xét tôn ti
Chư Phật còn không khỏi
Huống chi lại phàm phu.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này cho vua Ba-tưnặc:
Tế tự: Tế lửa nhất
Thi thơ: Tụng tối tôn
Nhân gian: Vua là quý
Các sông: Biển là đầu;
Các sao: Trăng trên hết
Ánh sáng: Mặt trời nhất
Tám phương, trên, dưới, giữa
Nơi thế giới vận hành,
Trời cùng người thế gian
Như Lai là tối tôn
Muốn cầu phước lộc kia
Hãy cúng dường Tam-phật[13].
Thế Tôn nói kệ này rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi, trở về tinh xá Kỳ hoàn, đến chỗ ngồi mà ngồi.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có bốn pháp được người thế gian ái kính. Thế nào là bốn?
1. Tuổi trẻ tráng niên được người thế gian ái kính.
2. Không có bệnh đau được người ái kính.
3. Tuổi thọ được người ái kính.
4. Ân ái tụ hợp được người ái kính.
Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp được mọi người thế gian ái kính.
Lại nữa, Tỳ-kheo, lại có bốn pháp không được người thế gian ái kinh. Thế nào là bốn?
1. Tỳ-kheo nên biết, tuổi trẻ tráng niên đến lúc già bệnh, người đời không thích.
2. Người không bệnh sau lại mắc bệnh, người đời không thích. 3. Được tuổi thọ mà sau lại mạng chung, người đời không thích.
4. Ân ái hội hợp sau lại chia lìa.
Đó là những điều người đời không thích. Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp cùng đời xoay chuyển.
Chư Thiên, người đời cho đến Chuyển luân thánh vương, chư Phật, Thế Tôn cùng có pháp này. Tỳ-kheo, đó là thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu không biết bốn pháp này, phải chịu lưu chuyển trong sinh tử, xoay tròn trong năm đường. Thế nào là bốn? Giới Thánh hiền, Tammuội Thánh hiền, trí tuệ Thánh hiền, giải thoát Thánh hiền. Tỳ-kheo, đó là có bốn pháp này mà ai không giác tri, thì phải thụ nhận bốn pháp trên. Nay Ta cùng các ông nhờ giác tri bốn pháp Thánh hiền này mà đoạn gốc sinh tử không còn tái sinh đời sau. Như nay thân thể Như Lai suy già, phải chịu báo suy hao này. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu Niết-bàn vĩnh tịch này, không sinh, không già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly, thường niệm tưởng biến dịch vô thường. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh quan phụ tá sửa soạn xe lông chim. Vua muốn ra xem đất, giảng đường, ngoài thành Xávệ. Trong lúc đó mẹ vua[14] Ba-tư-nặc vừa qua đời. Bà sống đến một trăm tuổi, rất là suy yếu, vua rất tôn kính nhớ thương chưa từ rời mắt. Lúc đó bên cạnh vua Ba-tư-nặc có đại thần tên Bất-xà-mật, tài cao cái thế, được mọi người tôn trọng. Đại thần suy nghĩ: “Mẹ của vua Ba-tư-nặc này vừa đúng tuổi trăm, hôm nay mạng chung. Nếu nghe được vua rất lo sầu, quên ăn bỏ uống mà bị bệnh nặng. Nay ta phải tìm cách nào khiến vua không lo sầu cũng không bị bệnh.”
Bấy giờ, đại thần chuẩn bị năm trăm voi trắng, năm trăm ngựa tốt; lại cách đặt năm trăm lính bộ, năm trăm kỹ nữ, năm trăm lão mẫu, năm trăm Bàla-môn và có năm trăm Sa-môn; lại chuẩn bị năm trăm bộ y phục, năm trăm thứ trân bảo làm cỗ quan tài lớn đẹp cho người chết, vẽ vời thật là tinh xảo; treo phướn lọng, trổi kỹ nhạc, không thể kể hết được, rồi đưa ra khỏi thành Xá-vệ. Lúc đó, vì có chút việc vua Ba-tư-nặc trở vào lại trong thành.
Từ xa, vua nhìn thấy có người chết, hỏi tả hữu:
–Đây là ai mà cúng dường đến thế?
Bất-xà-mật tâu:
–Trong thành Xá-vệ này có mẹ trưởng giả vô thường. Đó là vật dụng của họ.
Vua lại hỏi:
–Những voi, ngựa, xe cộ này lại dùng để làm gì? Đại thần tâu:
–Năm trăm lão mẫu này, dùng để dâng lên vua Diêm-la để chuộc mạng. Vua liền cười và nói:
–Đây là cách của người ngu. Mạng cũng khó mà giữ, làm sao có thể đổi được? Như có người rơi vào miệng cá Ma-kiệt, muốn mong thoát ra lại thật khó được. Ở đây cũng vậy, đã rơi vào chỗ vua Diêm-la, muốn cầu ra khỏi thì thật khó có thể được. Năm trăm kỹ nữ này cũng dùng để chuộc mạng.
Vua bảo:
–Điều này cũng khó được.
Đại thần tâu:
–Nếu những kỹ nữ này không thể được, thì sẽ dùng cách khác để chuộc.
Vua bảo:
–Điều này cũng khó được.
Đại thần tâu:
–Nếu điều này không thể được, thì phải dùng năm trăm trân bảo để chuộc.
Vua bảo:
–Điều này cũng khó được.
Đại thần tâu:
–Nếu điều này không thể được, thì dùng năm trăm y phục để chuộc.
Vua bảo:
–Điều này cũng khó được.
Đại thần tâu:
–Nếu y phục này không thể được, thì phải dùng năm trăm Phạm chí này chú thuật, làm chú thuật để lấy lại.
Vua bảo:
–Điều này cũng khó được.
Đại thần tâu:
–Nếu năm trăm Phạm chí này không thể được, thì lại phải đem những vị Sa-môn tài cao thuyết pháp này để chuộc.
Vua bảo:
–Điều này cũng không thể được.
Đại thần tâu:
–Nếu thuyết pháp không thể được, thì sẽ tập họp binh chúng gây trận đánh lớn để chiếm lại. Lúc này vua Ba-tư-nặc cười lớn mà nói: –Đây là cách của người ngu, vì đã rơi vào miệng cá Ma-kiệt, thì quyết không thoát được.
Vua nói tiếp:
–Ngươi nên biết, có gì sinh mà không chết ư?
Đại thần tâu:
–Điều này thật không thể được.
Vua bảo:
–Thật không thể được, chư Phật cũng dạy:
“Phàm có sinh thì có chết, mạng cũng khó được.” Lúc đó, Bất-xà-mật quỳ tâu vua:
–Cho nên, Đại vương chớ quá sầu lo. Tất cả chúng sinh đều quy về cái chết.
Vua bảo:
–Sao ta phải sầu lo?
Đại thần tâu vua: –Vua nên biết, hôm nay mẹ Đại vương đã mất.
Cho nên, vua Ba-tư-nặc nghe những lời này xong, thở dài tám chín lần, rồi bảo đại thần:
–Lành thay, như những gì ông nói, là hay biết dùng phương tiện khéo léo.
Sau đó vua Ba-tư-nặc trở vào thành, sắm sửa các thứ hương hoa cúng dường vong mẫu. Cúng dường vong mẫu xong, liền trở lại xe, đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi:
–Đại vương, vì sao người dính đầy bụi bặm?
Vua bạch Thế Tôn:
–Mẹ con qua đời[15], vừa đưa ra ngoài thành. Nay con đến chỗ Thế Tôn để hỏi lý do ấy. Lúc còn sống, mẹ con trì giới tinh tấn, thường tu pháp thiện, tuổi vừa một trăm, nay đã qua đời, nên đến chỗ Thế Tôn. Nếu con phải đem voi để mua mạng được, con cũng sẽ dùng voi để mua. Nếu phải dùng ngựa để chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng ngựa để chuộc. Nếu phải dùng xe cộ để chuộc mạng được, con sẽ dùng xe cộ để chuộc. Nếu phải dùng vàng bạc trân bảo để chuộc được, con cũng sẽ dùng vàng bạc trân bảo để chuộc. Nếu phải dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để chuộc mạng được, thì con cũng sẽ dùng nô bộc, tôi tớ, thành quách, đất nước để mua. Nếu phải dùng nhân dân đất nước Ca-thi[16] để chuộc mạng được, con cũng sẽ dùng nhân dân đất nước Ca-thi để chuộc, không để cho mạng mẹ con mất.
Thế Tôn bảo:
–Đại vương, chớ quá lo sầu, vì tất cả chúng sinh đều quy về cái chết. Tất cả mọi pháp đều biến dịch. Cho nên, nếu muốn không biến dịch, quyết không có việc này.
Đại vương nên biết, pháp của thân người giống như nắm tuyết, tất sẽ tan chảy. Cũng như nắm đất, rồi cũng vỡ vụn, không thể giữ lâu; cũng như quáng nắng[17], huyễn hóa, hư ngụy không thật; cũng như nắm tay không, dùng để gạt con nít. Cho nên, Đại vương, chớ mang sầu lo, trông cậy vào thân này. Đại vương nên biết, có bốn điều rất sợ hãi này, sẽ mang đến thân này không thể ngăn che được, cũng không thể dùng ngôn ngữ, chú thuật, thuốc men, phù thư để có thể trừ khử. Những gì là bốn?
1. Già làm bại hoại tráng niên khiến không nhan sắc.
2. Bệnh làm bại hoại hết người không bệnh.
3. Chết làm bại hoại hết mạng căn.
4. Vật hữu thường trở về vô thường.
Đại vương, có bốn pháp này không thể ngăn che được, không dùng sức để hàng phục. Đại vương nên biết, giống như bốn hướng có bốn núi lớn, từ bốn hướng dồn ép đến chúng sinh, chẳng phải sức để loại bỏ. Cho nên, này đại vương, chẳng phải vật kiên cố, không thể nương tựa. Do đó, đại vương nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Vua cũng không còn bao lâu sẽ đến biển sinh tử. Vua cũng nên biết những người dùng pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh về nơi thiện, trên trời. Nếu người nào dùng phi pháp để cai trị, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục. Cho nên, này đại vương, nên dùng pháp để cai trị, chớ nên dùng phi pháp. Đại vương, hãy học điều này như vậy.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, bạch Thế Tôn: –Pháp này có tên là gì? Nên phụng hành thế nào? Thế Tôn bảo:
–Pháp này tên là trừ sầu ưu.
Vua bạch Phật:
–Thật vậy, Thế Tôn, sở dĩ như vậy, vì con nghe pháp này rồi, mọi sầu lo có được hôm nay đã trừ. Thế Tôn, việc đất nước bề bộn, con muốn trở về cung. Thế Tôn bảo:
–Nên biết đúng thời.
Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui đi.
Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nay Ta không những chỉ tối tôn trong hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ, mà còn tối tôn đến cả trong loài người. Nay có bốn pháp mà Ta, ở giữa bốn bộ chúng, chư Thiên và loài người, tự mình biết, tự thân tác chứng.
Những gì là bốn?
1. Tất cả các hành đều vô thường, mà Ta, ở giữa bốn bộ chúng, chư Thiên và loài người, tự mình biết, tự thân tác chứng.
2. Tất cả các hành khổ.
3. Tất cả các hành vô ngã.
4. Niết-bàn tịch tĩnh, mà Ta, ở giữa bốn bộ chúng, chư Thiên và loài người, tự mình biết, tự thân tác chứng.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là bốn pháp mà Ta, ở giữa chúng bốn bộ, chư Thiên và loài người, tự mình biết, tự thân tác chứng.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm theo.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn cùng với năm trăm chúng đại Tỳ-kheo. Lúc ấy, Thế Tôn muốn đến thành Laduyệt hạ an cư. Xá-lợi-phất cũng muốn đến thành La-duyệt hạ an cư và một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử đều muốn thành La-duyệt hạ an cư. Nhưng Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên hạ an cư xong sẽ nhập Niết-bàn.
Sau khi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên... đến vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt, hạ an cư xong. Bấy giờ Thế Tôn bảo Xálợi-phất:
–Nay một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử vì các ông mà hạ an cư nơi này. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợiphất, Mục-kiền-liên sắp diệt độ. Thế nào, Xá-lợiphất, ông có thể vì các Tỳ-kheo nói diệu pháp không? Ta nay đau lưng, muốn nghỉ một chút.
Xá-lợi-phất thưa:
–Kính vâng, Thế Tôn!
Bấy giờ, Thế Tôn tự mình gấp Tăng-ca-lợi[18], nằm nghiêng hông phải, hai bàn chân chồng lên nhau, để tâm nơi ánh sáng. Khi ấy, Tôn giả Xálợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
–Lúc tôi mới thọ giới, trải qua nửa tháng, chứng đắc bốn biện tài, tự thân tác chứng, đầy đủ nghĩa lý[19]. Nay tôi sẽ phân biệt nói rõ ý nghĩa cho các vị biết, phân biệt rõ ràng. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!
Các Tỳ-kheo thưa:
–Thưa vâng!
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng theo lời của Xá-lợiphất. Xá-lợi-phất hỏi:
–Những gì là bốn biện tài tôi đã chứng được? Đó là nghĩa biện, tôi do đây mà chứng được[20]; là pháp biện[21], tôi do đây mà chứng được; là ứng biện[22], tôi do đây mà chứng được; là tự biện[23], (tôi do đây mà chứng được)[24].
Nay tôi sẽ phân biệt rộng nghĩa của chúng. Nếu chúng bốn bộ có ai hồ nghi, bấy giờ có thể hỏi tôi nghĩa của chúng. Nếu các Hiền giả đối với bốn Thiền mà có ai hồ nghi, hoặc các Hiền giả đối với bốn Đẳng tâm mà có ai hồ nghi có thể hỏi, nay tôi sẽ nói. Nếu các Hiền giả đối với bốn Ý đoạn mà có ai hồ nghi có thể hỏi tôi về nghĩa, nay tôi sẽ nói; hoặc đối với bốn Thần túc, bốn Ý chỉ, bốn Đế mà có ai hồ nghi, nên đến hỏi tôi về nghĩa, nay tôi sẽ nói. Nay nếu không ai hỏi, sau có hối cũng vô ích. Nay cũng nên hỏi tôi về những pháp sâu xa, cùng những sở hành của Thế Tôn Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tôi sẽ nói cho. Nếu không hỏi, sau chớ có hối.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đã đến giờ, đắp y, cầm bát vào thành La-duyệt khất thực. Các Phạm chí chấp trượng[25] từ xa trông thấy Mụcliên đến, bảo nhau rằng:
–Đây là một trong những đệ tử Sa-môn Cùđàm, không ai hơn người này. Chúng ta cùng nhau bao vây đánh chết đi.
Các Phạm chí kia liền bao vây, dùng gạch đá đánh chết rồi bỏ đi. Thịt xương thân thể không nơi nào không nát hết, đau đớn khổ não quá không thể kể được. Khi Đại Mục-kiền-liên tự nghĩ: “Các Phạm chí này vây ta, đánh xương thịt nát nhừ rồi bỏ ta mà đi. Nay thân thể ta không nơi nào không bị đánh, vô cùng đau nhức, lại không còn khí lực sao trở về Trúc viên được. Nay ta có thể dùng thần túc trở về tinh xá.”
Rồi Mục-liên liền dùng thần túc trở về tinh xá, đến chỗ Xá-lợi-phất, ngồi xuống một bên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Xá-lợi-phất:
–Các Phạm chí chấp trượng này vây tôi đánh xương thịt nát hết, thân thể đau nhức thật không thể chịu được. Nay tôi muốn vào Niết-bàn nên đến từ giã thầy.
Xá-lợi-phất nói:
–Trong đệ tử Thế Tôn, thầy thần túc đệ nhất, có đại oai lực. Sao không dùng thần túc mà tránh? Mục-liên đáp:
–Hành vi mà tôi đã làm trước kia thật là sâu nặng, khi đòi hỏi phải thọ báo thì quyết không thể tránh. Không phải ẩn trong hư không mà có thể tránh được báo ứng này. Hôm nay thân thể tôi thật là đau nhức, nên đến từ giã thầy để nhập Niết-bàn. Xá-lợi-phất nói:
–Những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào mà tu bốn Thần túc, phần nhiều diễn rộng nghĩa của nó, theo ý người đó muốn, trụ lại một kiếp hay hơn một kiếp, cho đến không diệt độ. Vì sao thầy không trụ, mà diệt độ?
Mục-kiền-liên nói:
–Đúng vậy, Xá-lợi-phất, Như Lai dạy, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào tu bốn Thần túc, muốn sống thọ trải qua nhiều kiếp, cũng có thể được. Nếu Như Lai chỉ trụ một kiếp, tôi cũng trụ vậy. Nhưng hiện tại Thế Tôn không còn bao lâu sẽ nhập Bátniết-bàn. Thọ mạng các loài chúng sinh rất ngắn. Hơn nữa, tôi không nỡ khi nhìn Thế Tôn vào Bátniết-bàn. Bấy giờ thân thể tôi thật là đau đớn, nên tôi muốn nhập Bát-niết-bàn.
Bấy giờ Xá-lợi-phất nói Mục-liên:
–Nay thầy chờ một chút, tôi sẽ diệt độ trước.
Mục-liên im lặng không đáp. Lúc đó Xá-lợiphất đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:
–Nay con muốn diệt độ. Cúi xin cho phép.
Lúc đó, Thế Tôn im lặng không đáp. Xá-lợiphất ba lần bạch Thế Tôn:
–Nay là lúc thích hợp, con muốn nhập Bátniết-bàn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:
–Tại sao, nay ông không trụ một kiếp hay hơn một kiếp?
Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:
–Tự thân con nghe, tự thân vâng lãnh lời của Thế Tôn, rằng thọ mạng các loài chúng sinh rất ngắn, thọ nhất bất quá trăm năm. Vì thọ mạng chúng sinh ngắn nên tuổi thọ Như Lai cũng ngắn. Nếu tuổi thọ Như Lai sẽ một kiếp, tuổi thọ của con cũng sẽ một kiếp.
Thế Tôn bảo:
–Như lời Xá-lợi-phất, vì mạng chúng sinh ngắn, nên thọ mạng của Như Lai cũng ngắn. Nhưng điều này cũng lại không thể luận bàn. Sở dĩ như vậy là vì, a-tăng-kỳ kiếp lâu xa về trước, có Phật tên Thiện Niệm Thệ Nguyện Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Tuổi thọ con người vào lúc bấy giờ là tám vạn năm, không có ai chết yểu giữa chừng. Đức Như Lai Thiện Niệm Thệ Nguyện kia ngay lúc thành Phật, liền hôm đó hóa làm vô lượng Phật, an lập vô lượng chúng sinh hành theo ba thừa, có người trụ vào địa vị không thoái chuyển; lại an lập vô lượng chúng sinh nơi bốn chủng tánh; lại an lập vô lượng chúng sinh vào cung Tứ Thiên vương, Diễm thiên, Đâusuất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên, Phạm-ca-di thiên, Dục thiên, Sắc thiên, Vô sắc thiên và cũng ngày hôm đó ở trong Vô dư Niếtbàn giới mà nhập Bát-niết-bàn. Nhưng nay Xá-lợiphất nói vì tuổi chúng sinh ngắn nên thọ mạng Như Lai cũng ngắn.
Thế nào, Xá-lợi-phất, ông nói rằng: “Như Lai trụ một kiếp hay hơn một kiếp, con cũng trụ một kiếp hay hơn một kiếp.” Nhưng chúng sinh lại không thể biết thọ mạng Như Lai ngắn hay dài.
Xá-lợi-phất nên biết, Như Lai có bốn sự không thể nghĩ bàn, chẳng phải điều mà Tiểu thừa có thể biết. Thế nào là bốn? Thế giới không thể nghĩ bàn; chúng sinh không thể nghĩ bàn; long cung không thể nghĩ bàn; cảnh giới Phật độ không thể nghĩ bàn. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là có bốn việc không thể nghĩ bàn.
Xá-lợi-phất thưa:
–Đúng vậy, Thế Tôn! Có bốn sự không thể nghĩ bàn: Thế giới, chúng sinh, long cung, Phật độ, thật không thể nghĩ bàn. Nhưng trong một thời gian dài con nghĩ rằng Phật Thích-ca Văn cuối cùng không trụ một kiếp. Lại nữa, chư Thiên đến chỗ con, bảo con rằng: “Phật Thích-ca Văn không ở đời lâu dài, khi tuổi vào tám mươi.” Vậy nay Thế Tôn không còn bao lâu sẽ nhập Niết-bàn. Nay con không cam nhìn Thế Tôn nhập Bát-niết-bàn. Vả lại, chính con nghe từ Như Lai dạy rằng: “Các đệ tử thượng túc của chư Phật quá khứ, tương lai, hiện tại đều nhập Bát-niết-bàn trước, sau đó Phật mới nhập Bát-niết-bàn và đệ tử cuối cùng cũng nhập Bát-niết-bàn trước, sau đó không lâu Thế Tôn sẽ diệt độ.” Nguyện xin Thế Tôn cho phép con diệt độ.
Thế Tôn bảo:
–Nếu thời gian thích hợp.
Xá-lợi-phất liền ngồi trước Như Lai, chánh thân, chánh ý, cột niệm ở trước mà vào Sơ thiền. Từ Sơ thiền khởi, lại vào Nhị thiền. Từ Nhị thiền khởi, lại vào Tam thiền. Từ Tam thiền khởi, lại vào Tứ thiền. Từ Tứ thiền khởi, lại vào không xứ, thức xứ, bất dụng xứ, hữu tưởng vô tưởng xứ. Từ hữu tưởng vô tưởng khởi, vào diệt tận định. Từ diệt tận định khởi, vào hữu tưởng vô tưởng xứ. Từ hữu tưởng vô tưởng xứ khởi, vào bất dụng xứ, thức xứ, không xứ. Từ không xứ khởi, vào đệ Tứ thiền. Từ đệ Tứ thiền khởi, vào đệ Tam thiền. Từ đệ Tam thiền khởi, vào đệ Nhị thiền. Từ đệ Nhị thiền khởi, vào Sơ thiền. Từ Sơ thiền khởi, vào đệ Nhị thiền. Từ đệ Nhị thiền khởi, vào đệ Tam thiền. Từ đệ Tam thiền khởi, vào đệ Tứ thiền. Khi Tôn giả Xá-lợi-phất từ Tứ thiền khởi, bảo các Tỳ-kheo:
–Đây gọi là định Sư tử phấn tấn.
Lúc này các Tỳ-kheo khen ngợi rằng: –Chưa từng có, thật là kỳ đặc. Tôn giả Xá-lợiphất nhập định nhanh chóng như vậy!
Bấy giờ, Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi lui đi. Khi ấy có số đông Tỳ-kheo đi theo sau Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất quay lại bảo:
–Chư hiền, các vị muốn đi đâu?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Chúng tôi muốn được cúng dường xá-lợi Tôn giả.
Xá-lợi-phất bảo:
–Thôi, thôi, các Hiền giả! Vậy gọi là cúng dường rồi. Tôi đã có Sa-di đủ để cúng dường rồi. Các vị hãy về lại chỗ mình, tư duy hóa đạo, khéo tu phạm hạnh, hết sạch khổ nạn. Như Lai ra đời rất khó gặp được. Thật lâu mới hiện, giống như hoa Ưu-đàm-bát thật lâu mới nở. Như Lai cũng lại như vậy, ức kiếp mới hiện ra. Thân người cũng lại khó được. Có tín thành tựu lại cũng khó được. Muốn mong xuất gia học pháp Như Lai cũng lại khó được. Muốn cho tất cả các hành không diệt tận, điều này cũng khó được. Hãy diệt tận ái dục, không còn dư tàn, Niết-bàn diệt tận.
Nay có bốn pháp mà Như Lai đã nói. Những gì là bốn? Tất cả các hành vô thường, đó gọi là pháp thứ nhất mà Như Lai đã nói. Tất cả các hành là khổ, đó gọi là pháp thứ hai mà Như Lai đã nói. Tất cả các hành vô ngã, đó gọi là pháp thứ ba mà Như Lai đã nói. Niết-bàn là vĩnh tịch, đó gọi là pháp thứ tư mà Như Lai đã nói.
Này các Hiền giả, đó gọi là bốn pháp mà Như Lai đã nói.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đều cùng rơi lệ:
–Xá-lợi-phất, nay sao diệt độ nhanh như vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
–Thôi, thôi, các Hiền giả chớ lo sầu. Pháp biến dịch mà muốn khiến không biến dịch, thì việc này không đúng. Núi Tu-di còn có biến đổi vô thường, huống là cái thân hạt cải. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất mà thoát khỏi tai hoạn này sao? Thân kim cang của Như Lai không bao lâu cũng sẽ nhập Bát-niết-bàn, huống chi là thân tôi. Vậy các vị hãy tu hành pháp này thì sẽ được hết khổ.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất về đến tinh xá, đến rồi thu cất y bát, ra khỏi Trúc viên trở về nơi sinh quán. Tôn giả Xá-lợi-phất khất thực lần hồi đến nước Ma-sấu[26]. Lúc này Tôn giả Xá-lợi-phất về sống tại Ma-sấu nơi ngài đã sinh ra, thân mang bệnh tật thật là đau nhức. Khi ấy chỉ có Sa-di Quân-đầu[27] hầu hạ, trông nom dọn dẹp các thứ bất tịnh, đem lại sạch sẽ. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân biết tâm niệm Xá-lợi-phất, khoảnh khắc giống như co duỗi cánh tay của lực sĩ, biến mất khỏi trời Tam thập tam, xuất hiện trong tinh xá Xá-lợi-phất. Đến nơi, đảnh lễ sát chân, rồi dùng hai tay sờ chân Xá-lợi-phất, tự xưng tên họ mà nói rằng: –Tôi là Đế Thích, vua của trời.
Xá-lợi-phất nói:
–Vui sướng thay, cầu mong Thiên đế thọ mạng vô cùng! Thích Đề-hoàn Nhân đáp:
–Nay tôi muốn cúng dường Xá-lợi Tôn giả[28]. Xá-lợi-phất nói: –Thôi, thôi, Thiên đế! Vậy là cúng dường rồi.
Cầu mong chư Thiên thanh tịnh, A-tu-luân, Rồng, Quỷ cùng chúng chư Thiên cũng vậy[29]. Nay tôi đã có Sa-di, đủ để sai khiến.
Thích Đề-hoàn Nhân lần thứ ba bạch Xá-lợiphất:
–Nay tôi muốn tạo phước nghiệp, chớ làm trái nguyện. Nay muốn cúng dường xá-lợi Tôn giả.
Xá-lợi-phất im lặng không trả lời. Thích Đềhoàn Nhân đích thân đổ phẩn, không từ hiềm khổ. Ngay đêm hôm đó Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bátniết-bàn. Bấy giờ mặt đất này chấn động sáu cách, có âm vang lớn. Chư thiên mưa hoa, trổi lên kỹ nhạc. Chư thiên đầy khắp hư không. Chư thiên thần diệu cũng rải hoa câu-mâu-đầu, hoặc dùng hương bột chiên-đàn rải lên trên. Lúc này Tôn giả Xá-lợi-phất đã diệt độ, chư Thiên ở giữa hư không đều bi thương, khóc lóc không kiềm chế được. Cũng lại như vậy, bấy giờ, Dục thiên, Sắc thiên,
Vô sắc thiên ở giữa hư không, tất cả đều rơi lệ giống như mưa phùn, hòa xướng mùa Xuân: “Nay Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn sao mà chóng thế!”
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân gom góp tất cả các loại hương mà thiêu thân Tôn giả Xá-lợi-phất; cúng dường các thứ xong, thâu nhặt xá-lợi, cùng y bát trao lại Sa-di Quân-đầu và bảo:
–Đây là xá-lợi cùng y bát của thầy ông. Hãy đem dâng Thế Tôn. Đến nơi, đem nhân duyên này bạch đầy đủ Thế Tôn. Nếu Ngài có dạy điều gì thì cứ theo đó mà làm theo. Quân-đầu đáp: –Đúng vậy, Câu-dực.
Lúc này Sa-di Quân-đầu mang y bát cùng xálợi đến chỗ A-nan, bạch A-nan:
Thầy con đã diệt độ. Nay mang y bát cùng xálợi đến dâng lên Thế Tôn. Sau khi thấy, A-nan liền rơi lệ và nói:
–Ông với ta cùng đến chỗ Thế Tôn, đem nhân duyên này cùng bạch lên Thế Tôn. Nếu Thế Tôn dạy điều gì thì chúng ta sẽ làm theo vậy.
Quân-đầu đáp:
–Thưa vâng, Tôn giả.
Rồi A-nan dẫn Sa-di Quân-đầu đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:
–Sa-di Quân-đầu này đến chỗ con, thưa con rằng: “Thầy con đã diệt độ. Nay đem y bát dâng lên Như Lai.” Hôm nay tâm ý con phiền não, tánh chí hoang mang, không còn biết gì. Nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn, thương tâm buồn bã.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào, A-nan! Tỳ-kheo Xá-lợi-phất nhập Bát-niết-bàn với thân giới ư? A-nan thưa:
–Chẳng phải vậy, Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào, A-nan, diệt độ với thân định, thân tuệ, thân giải thoát, thân giải thoát sở kiến sao[30]?
A-nan bạch Phật:
–Tỳ-kheo Xá-lợi-phất không diệt độ với giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát sở kiến thân. Nhưng Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường hay giáo hóa, thuyết pháp không biết chán và giáo giới cho các Tỳ-kheo cũng không biết chán. Nay con nhớ ân sâu quá nhiều này của Xá-lợi-phất, cho nên ưu sầu vậy.
Thế Tôn bảo:
–Thôi, thôi A-nan! Chớ ôm lòng sầu ưu. Vật không thường, muốn còn mãi, việc này không thể. Phàm có sinh thì có chết. Thế nào, A-nan, chư Phật quá khứ đều chẳng phải diệt độ sao? Giống như cây đèn, dầu hết thì tắt. Như từ Bảo Tạng Định Quang đến nay, bảy Phật cùng các đệ tử đều chẳng phải nhập Bát-niết-bàn sao? Cũng vậy,
Bích-chi-phật như Thẩm Đế, Cao Xưng, Viễn Văn, Ni-sa, Ưu-ni-bát-sa, Già-la, Ưu-bát-già-la[31], các Bích-chi-phật nơi đây đều chẳng phải đã diệt độ sao? Thánh vương đầu tiên của đại quốc tên là Thiện Duyệt Ma-ha-đề-bà thuộc hiền kiếp, cũng như Chuyển luân thánh vương hiện tại, há chẳng phải đều nhập Bát-niết-bàn sao? Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Tất cả hành vô thường
Có sinh tất có chết
Không sinh thì không diệt
Diệt này tối đệ nhất.[32]*
❑
[1] . Tứ ý đoạn 四 意 斷。Cf. Tập Dị 6 (T26n1536, tr. 391c06): tứ chánh đoạn 四 正 斷 者 。Pháp Uẩn 3 (T26n1537, tr. 467c24): Tứ chánh thắng 四 正 勝。Đại Trí Độ 19 (T25n1509, tr. 197b20): Tứ chánh cần 四 正 懃。Pāli, D 33 Sagti (R. iii. 221): Cattāro sammappadhānā.
[2] . Nguyên Hán: Linh diệt 令 滅。Có sự nhầm lẫn. Nên sửa lại, vì đấy đối với pháp chưa sinh.
[3] . Nguyên Hán: Linh bất sinh 令 不 生。Có sự chép nhầm. Nên sửa lại.
[4] . Túc tán Quốc vương 粟 散 國 王 。Chỉ các Tiểu vương, chư hầu. Nhưng không rõ từ nguyên Skt. hay Pāli.
Nhân Vương Bát-nhã 1 (T8n245, tr. 827b15): “Trung hạ phẩm thiện là Túc tán vương. Thượng phẩm thiện làm Thiết luân vương.” Không có cơ sở để suy đoán nghĩa chính xác. Pāli, D 17 Mahāsudassana (R.ii.
173), các chư hầu của Cakkavattī là paṭirāja. Từ này có Skt. hỗn chủng là paḍhirāja (?).
[5] . Pāli, S 3. 21 Puggalasutta (R.i. 93). Hán, No 127 Tứ nhân kinh.
[6] . Pāli, ibid., Tamotamaparāyano, tamojotiparāyano, jotitamaparāyano, jotijotiparāyano, từ bóng tối đi đến bóng tối, từ bóng tối đi đến ánh sáng, từ ánh sáng đi đến bóng tối, từ sáng đi đến sáng.
[7] . Đạm nhân 噉 人 , nghĩa đen, “ăn thịt người (?)” Có lẽ chỉ người bán thịt. No 127: Khôi khoái gia 魁 膾家。
[8] . Hán: Lõa tiển 裸 跣。
[9] . Thuyết của Ajitakesakambala, D 2 Samaññaphala (R.i. 55).
[10] . Hán: Bất bình quân 不 平 均 ; đoạn dưới: Bất bình đẳng 不 平 等。Nên hiểu là “Không chân chánh.”
[11] . Tam tôn 三 尊 , tức Tam bảo.
[12] . Hán: Thọ mạng 受 命 ; được hiểu là “chánh mạng”, sống bằng nghề nghiệp lương thiện.
[13] . Tam-phật 三 佛 , phiên âm, Pāli = Skt. Sambuddha.
[14] . Cf. Tạp 46, kinh 1227: Tô mẫu (bà nội). Pāli, S. 3 22: Ayyakā.
[15] . Cf. Pāli, A 3. 22 Ayyikāsuttaṃ (R.i. 197). Hán, Tạp 46 (T2n99, tr. 335b9).
[16] . Gia-thi 加 尸。Pāli: Kāsi, thời Phật, thuộc quyền cai trị của vua Ba-tư-nặc.
[17] . Hán: Dã mã.
[18] . Tăng-ca-lợi 僧 迦 利 , tức y Tăng-già-lê.
[19] . Tứ biện tài 四 辯 才 , cũng nói là bốn Vô ngại biện hay bốn Vô ngại giải. Xem đoạn sau, kinh số 5 phẩm
29. Pāli: Cf. A IV 172 Vibhattisuttaṃ (R. ii. 160).
[20] . Nghĩa biện 義 辯 , hay nghĩa vô ngại giải. Pāli, ibid. Atthapaṭisambhidā sacchikatā odhiso byañjanaso, do từng trường hợp, y theo văn, tôi tác chứng nghĩa vô ngại giải.
[21] . Pháp biện 法 辯。Pāli: Dhammapaṭisambhidā.
[22] . Ứng biện 應 辯 , tức từ vô ngại giải. Pāli: Iruttipaṭisambhidā, giải thích từ nguyên thông suốt.
[23] . Tự biện 自 辯 , hay biện (tài) vô ngại giải. Pāli: Paṭibhānapaṭisambhidā.
[24] . Trong ngoặc, nhảy sót trong để bản, nên thêm vào cho đủ văn.
[25] . Chấp trượng Phạm chí 執 杖 梵 志 , nhóm ngoại đạo cầm gậy. Tỳ-nại-da tạp sự 18 (T24n1451, tr.
287a26): Nhóm ngoại đạo tà mạng, cầm gậy và bện tóc, đón đường đánh chết Mục-kiền-liên. Tỳ-nại-da 2 (T24n1464, tr. 857c27): Nhóm Phạm chí chấp trượng, cầm gậy có hình như đầu người. Truyền thuyết Pāli, ngài bị giết bởi nhóm Nigaṇṭha.
[26] . Ma-sấu 摩 瘦。Cf. Tây Vực Ký 4 (T51n2087, tr. 890a28): Mạt-thố-la 秣菟羅, tại đó có tháp thờ di thân của Xá-lợi-phất. Phiên âm của Mathurā hay Madhurā (Skt., Pāli đồng).
[27] . Quân-đầu Sa-di. Pāli: Cunda Samaṇuddesa. Cf. S. 47. 13 Cundasuttaṃ (R.v. 161).
[28] . Để bản: Cúng dường Tôn giả Xá-lợi 供 養 尊 者 舍 利。Hoặc nói đủ là “Cúng dường Tôn giả Xá-lợiphất.” Ý Đế Thích muốn phục vụ nuôi bệnh ngài Xá-lợi-phất.
[29] . Không thể phục vụ người bệnh, vì dơ bẩn.
[30] . Cf. S 47 ibid. : Xá-lợi-phất y trên giới uẩn (sīlakkhandhaṃ và ādāya), hay y trên định uẩn
(samādhikkhandhaṃ và ādāya), tuệ uẩn (paññākkhandhaṃ), giải thoát uẩn (vimuttikkhandhaṃ), giải thoát tri kiến uẩn (vimuttiĩāṇ adassanakkhandhaṃ) mà nhập Niết-bàn (parinibbuto)?
[31] . Danh sách các Bích-chi-phật, xem phẩm 38 kinh 7 dưới. Pāli, cf. M 116 Isigili (R.iii. 68): Ariṭṭho;
Upariṭṭho; Tagarasikhī; Yasassī; Sudassano; Piyadassī; Gandhāro; Pinđolo; Upāsabho; Nīto; Tatho, Sutavà; Bhāvitatto.
[32] . Tham chiếu Pāli, D 16 Mahāparinibbānasuttaṃ (R.ii. 157): Aniccà vata saịkhārā, uppādavayadhammino; uppajjitvà nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]