TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Thế Tôn bảo A-nan:
–Nay ông mang xá-lợi của Xá-lợi-phất lại phải không? A-nan thưa: –Đúng vậy, Thế Tôn!
Bấy giờ A-nan trao xá-lợi đến tay Thế Tôn. Thế Tôn tay cầm xá-lợi rồi bảo các Tỳ-kheo:
–Đây là xá-lợi của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, bậc trí tuệ, thông minh, tài cao trí lớn, ngần này loại trí: Trí không thể cùng, trí không bờ đáy, có trí nhanh nhạy, có trí nhẹ nhàng, có trí sắc bén, có trí thật sâu, có trí thẩm sát[1]. Đó là người ít muốn, biết đủ, thích nơi nhàn tịnh, ý chí dũng mãnh, việc làm không loạn, tâm không khiếp nhược, thường nhẫn nhục, trừ bỏ pháp ác, thể tánh nhu hòa, không thích tranh tụng, thường tu tinh tấn, hành Tam-muội, tập trí tuệ, niệm giải thoát, tu hành thân tri kiến giải thoát.
Tỳ-kheo nên biết, giống như đại thọ mà không có cành. Nay trong Tăng Tỳ-kheo, Như Lai là đại thọ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã diệt độ, Ta giống như cây không cành. Nếu Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đi đến địa phương nào, địa phương đó gặp được đại hạnh, nói rằng: “Xá-lợi-phất nghỉ lại ở địa phương này.” Sở dĩ như vậy là vì, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường hay luận đàm cùng với các dị học ngoại đạo, không ai mà không bị hàng phục.
Đại Mục-kiền-liên sau khi nghe Xá-lợi-phất diệt độ, liền dùng thần túc đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi Đại Mục-kiềnliên bạch Thế Tôn:
–Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, nay đã diệt độ. Nay con cũng muốn từ giã Thế Tôn để diệt độ.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng không trả lời. Như vậy lại bạch Thế Tôn lần thứ ba:
–Con muốn diệt độ.
Bấy giờ, Thế Tôn cũng lại im lặng không trả lời. Mục-liên thấy Thế Tôn im lặng không trả lời, liền lễ sát chân Thế Tôn rồi lui đi, về đến tinh xá thâu cất y bát, ra khỏi thành La-duyệt, tự về nơi sinh quán. Khi ấy, có số đông Tỳ-kheo theo sau Tôn giả Mục-liên đến thôn Ma-sấu[2]. Khi trú tại đây, Mục-liên mang trọng bệnh.
Bấy giờ, Mục-liên tự thân trải tòa giữa đất trống mà ngồi, nhập Sơ thiền. Từ Sơ thiền khởi, nhập đệ Nhị thiền. Từ đệ Nhị thiền khởi, nhập đệ Tam thiền. Từ đệ Tam thiền khởi, nhập đệ Tứ thiền. Từ Tứ thiền khởi, nhập không xứ. Từ không xứ khởi, nhập thức xứ. Từ thức xứ khởi, nhập bất dụng xứ. Từ bất dụng xứ khởi, nhập hữu tưởng vô tưởng xứ. Từ hữu tưởng vô tưởng xứ khởi, nhập Tam-muội hỏa quang. Từ Tam-muội hỏa quang khởi, nhập Tam-muội thủy quang. Từ Tam-muội thủy quang khởi, nhập định diệt tận. Từ định diệt tận khởi, nhập Tam-muội thủy quang. Từ Tam-muội thủy quang khởi, nhập Tammuội hỏa quang. Từ Tam-muội hỏa quang khởi, nhập định hữu tưởng vô tưởng. Từ định hữu tưởng vô tưởng khởi, nhập bất dụng xứ. Từ bất dụng xứ khởi, nhập thức xứ, không xứ, Tứ thiền, Tam thiền, Nhị thiền, Sơ thiền.
Từ Sơ thiền khởi, bay lên giữa hư không, ngồi nằm, kinh hành. Thân trên ra lửa, thân dưới ra nước; hoặc thân trên ra nước, thân dưới ra lửa, tạo ra mười tám cách biến hóa thần túc. Sau đó Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuống lại chỗ cũ ngồi kiết già, chánh thân chánh ý, cột niệm ở trước. Lại nhập Sơ thiền. Từ Sơ thiền khởi, nhập đệ Nhị thiền. Từ đệ Nhị thiền khởi, nhập đệ Tam thiền. Từ đệ Tam thiền khởi, nhập đệ Tứ thiền. Từ Tứ thiền khởi, nhập không xứ. Từ không xứ khởi, nhập thức xứ. Từ thức xứ khởi, nhập bất dụng xứ. Từ bất dụng xứ khởi, nhập hữu tưởng vô tưởng xứ. Từ hữu tưởng vô tưởng xứ khởi, nhập Tammuội hỏa quang. Từ Tam-muội hỏa quang khởi, nhập Tam-muội thủy quang. Từ Tam-muội thủy quang khởi, nhập định diệt tận.
Từ định diệt tận khởi, nhập thủy quang, hỏa quang, hữu tưởng vô tưởng xứ, bất dụng xứ, thức xứ, không xứ, Tứ thiền, Tam thiền, Nhị thiền, Sơ thiền.
Lại từ Sơ thiền khởi, nhập đệ Nhị thiền. Từ đệ Nhị thiền khởi, nhập đệ Tam thiền. Từ đệ Tam thiền khởi, nhập đệ Tứ thiền. Từ Tứ thiền khởi và diệt độ ngay lúc đó.
Khi Đại Mục-liên diệt độ, lúc này mặt đất chấn động rất mạnh. Chư Thiên cùng bảo nhau hiện xuống, hầu thăm Đại Mục-kiền-liên, mang các thứ đến cúng dường tôn đức, hoặc các loại hương hoa đến cúng dường. Chư Thiên giữa hư không trổi kỹ nhạc, gảy đàn, ca múa để cúng dường lên Tôn giả Mục-kiền-liên.
Sau khi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã diệt độ rồi, lúc này khoảng một do-tuần trong thôn Na-lađà[3] đầy kín chư Thiên trong đó. Khi ấy, lại có nhiều Tỳ-kheo mang các thứ hương hoa rải lên thi thể Tôn giả Mục-kiền-liên.
Bấy giờ, Thế Tôn từ thành La-duyệt tuần tự khất thực, dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hóa nhân gian, đi đến thôn Na-la-đà cùng với năm trăm Tỳ-kheo. Khi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên diệt độ chưa bao lâu, bấy giờ Thế Tôn ngồi im lặng nơi đất trống, quan sát các Tỳ-kheo. Sau khi im lặng quán sát các Tỳ-kheo xong, rồi bảo các Tỳ-kheo: Nay Ta quán sát trong chúng này có sự mất mát quá lớn. Sở dĩ vậy là vì trong chúng này nay không có Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Nếu địa phương nào Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đến, địa phương đó không trở thành trống rỗng, mà nghe rằng: “Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên nay ở địa phương này.” Sở dĩ như vậy là vì Tỳ-kheo Xálợi-phất, Mục-kiền-liên có thể chịu hàng phục ngoại đạo ở đây.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Những gì chư Phật đã làm thì thật là kỳ đặc, có hai đệ tử trí tuệ, thần túc này nhập Bát-niết-bàn; nhưng Như Lai không có sầu ưu. Ngay dù hằng sa Như Lai quá khứ, cũng có đệ tử trí tuệ, thần túc này và ngay đến chư Phật xuất hiện ở tương lai, cũng sẽ có đệ tử trí tuệ, thần túc này. Tỳ-kheo nên biết, thế gian có hai thí nghiệp. Thế nào là hai? Tài thí, pháp thí. Tỳ-kheo, nên biết, nếu luận về tài thí, hãy tìm cầu từ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Nếu muốn cầu pháp, hãy tìm cầu từ nơi Ta. Sở dĩ như vậy là vì, nay Như Lai, Ta không có tài thí. Hôm nay, các ông có thể cúng dường xá-lợi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên. Bấy giờ, A-nan bạch Phật: –Chúng con cúng dường xá-lợi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên như thế nào?
Thế Tôn bảo:
–Nên gom góp các loại hương hoa, ở ngã tư đường dựng lên bốn tháp. Sở dĩ như vậy là vì nếu có dựng chùa tháp[4], phải là bốn hạng người này mới đáng dựng tháp. Thế nào là bốn? là Chuyển luân thánh vương xứng đáng được dựng tháp, A-la-hán lậu tận xứng đáng được tháp, Bích-chi-phật xứng đáng được tháp và Như Lai xứng đáng được tháp.
Lúc này, A-nan bạch Thế Tôn: –Vì nhân duyên gì Như Lai đáng dựng tháp?
Lại vì nhân duyên gì Bích-chi-phật, A-la-hán lậu tận, Chuyển luân thánh vương xứng đáng được dựng tháp?
Thế Tôn bảo:
–Nay các ông nên biết, Chuyển luân thánh vương tự hành thập thiện, tu mười công đức; cũng lại khuyên dạy người hành thập thiện, công đức.
Thế nào là mười? Tự mình không sát sinh, lại khuyên bảo người khác không sát sinh. Tự mình không trộm cắp, lại dạy người khác khiến không trộm cắp. Tự mình không dâm, lại dạy người khác khiến không dâm. Tự mình không nói dối, lại dạy người khác khiến không nói dối. Tự mình không ỷ ngữ, lại dạy người khác khiến không ỷ ngữ. Tự mình không ganh ghét, lại dạy người khác khiến không ganh ghét. Tự mình không tranh tụng, lại dạy người khác khiến không tranh tụng. Tự mình chánh ý, lại dạy người khác khiến ý không loạn. Tự mình chánh kiến, lại dạy người khác khiến hành chánh kiến.
Tỳ-kheo nên biết, Chuyển luân thánh vương có mười công đức này, cho nên đáng cho dựng tháp.
A-nan bạch Thế Tôn:
–Lại vì nhân duyên gì đệ tử Như Lai xứng đáng được dựng tháp?
Thế Tôn bảo:
–A-nan nên biết, A-la-hán lậu tận, không còn tái sinh nữa, sạch như vàng trời, ba độc, năm sử vĩnh viễn không còn hiện khởi nữa. Vì nhân duyên này đệ tử Như Lai đáng được dựng tháp.
A-nan bạch Phật:
–Vì nhân duyên gì Bích-chi-phật đáng được dựng tháp?
Thế Tôn bảo:
–Các Bích-chi-phật không thầy mà tự ngộ, đoạn trừ các kết sử, không còn tái sinh nữa, cho nên đáng được dựng tháp.
A-nan bạch Thế Tôn:
–Lại vì nhân duyên gì Như Lai đáng cho dựng tháp?
Thế Tôn bảo:
–A-nan, ở đây Như Lai có mười Lực, bốn Vô sở úy, hàng phục những ai chưa được hàng phục, độ những ai chưa được độ, khiến chứng đắc những ai chưa đắc đạo, khiến Bát-niết-bàn những ai chưa được Bát-niết-bàn; mọi người khi gặp, trong lòng cực kỳ hoan hỷ.
Đó gọi là, này A-nan, Như Lai đáng được dựng tháp. Đó gọi là Như Lai đáng được dựng tháp.
A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ Tôn giả Bà-ca-lê[5] thân mắc bệnh nặng, nằm trên đại tiểu tiện, ý muốn cầm dao tự sát, nhưng không có sức để có thể tự ngồi dậy. Tôn giả Bà-ca-lê bảo thị giả:
–Ông hãy mang đao đến. Ta muốn tự sát. Sở dĩ như vậy là vì như trong hàng đệ tử của Phật Thích-ca Văn hôm nay, người có tín giải thoát không ai vượt hơn ta. Nhưng hôm nay ta tâm không giải thoát khỏi hữu lậu. Sở dĩ như vậy là vì như đệ tử của Như Lai khi gặp phải khổ não, cũng lại tìm dao tự sát. Nay ta với mạng sống này mà không thể từ bờ này đến bờ kia.
Bấy giờ, đệ tử của Bà-ca-lê vì xuất gia chưa lâu, chưa biết đời này đời sau, không biết từ bờ này đến bờ bên kia, cũng lại không biết chết đây sinh kia, nên liền trao dao cho. Lúc Bà-ca-lê tay cầm đao rồi, với tín kiên cố, cầm dao tự đâm.
Bà-ca-lê cầm dao tự đâm, suy nghĩ: “Trong hàng đệ tử của Phật Thích-ca Văn, ai đã làm những việc phi pháp, sẽ mắc lợi ác, chẳng được lợi thiện. Ở trong pháp Như Lai, đã không được thủ chứng mà lại mạng chung!” Bấy giờ, Tôn giả Ba-ca-lê liền tư duy về năm thạnh ấm: Đây là sắc, đây là tập khởi của sắc; đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ*, tưởng, hành, thức; đây là tập khởi của, tưởng, hành, thức; đây là sự diệt tận của thọ*, tưởng, hành, thức. Ông tư duy thuần thục năm thạnh ấm này. Các pháp có sinh đều là pháp tử. Biết vậy rồi, tâm liền được giải thoát khỏi hữu lậu. Bấy giờ, Tôn giả Bà-ca-lê nhập Niết-bàn trong Vô dư Niết-bàn giới.
Bấy giờ, Thế Tôn bằng Thiên nhĩ, nghe Tôn giả Bà-ca-lê đòi cầm đao tự sát. Thế Tôn bảo Anan:
–Hãy tập họp các Tỳ-kheo tại thành Xá-vệ lại một chỗ. Ta muốn dạy bảo.
Tôn giả A-nan vâng lời Thế Tôn dạy, tập họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ tập[6], rồi trở về bạch lại Thế Tôn:
–Hôm nay Tỳ-kheo đã vân tập về một chỗ. Bấy giờ Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau đến tinh xá Tỳ-kheo Bà-ca-lê kia. Trong lúc đó tệ ma Ba-tuần muốn biết được thần thức Tôn giả Bà-ca-lê đang ở tại chỗ nào: Tại loài Người hay Phi nhân, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Cànđạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Ma-hưu-lặc,
Duyệt-xoa? Nay thần thức này cuối cùng đang ở đâu, sinh nơi nào mà không thấy. Nó tìm kiếm khắp mọi nơi, bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới, đều không biết chỗ của thần thức. Lúc bấy giờ thân thể ma Ba-tuần rất là mỏi mệt, mà vẫn chẳng biết ở đâu.
Khi Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau đến tinh xá kia, bấy giờ, Thế Tôn quan sát, thấy ma Ba-tuần muốn biết thần thức đang ở đâu.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông nghe trong tinh xá này có tiếng lớn không? Lại có ánh sáng quái dị nữa?
Các Tỳ-kheo thưa:
–Thật vậy, Thế Tôn, chúng con đã thấy.
Thế Tôn bảo:
–Đó là tệ ma Ba-tuần này, muốn được biết thần thức của Bà-ca-lê đang ở đâu.
Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
–Cúi xin Thế Tôn cho biết thần thức Tỳ-kheo Bà-ca-lê là đang ở đâu? Thế Tôn bảo:
–Thần thức Tỳ-kheo Bà-ca-lê không còn trụ vào bất cứ đâu. Thiện gia nam tử kia đã Bát-niếtbàn. Hãy ghi nhận như vậy.[7]
Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
–Tỳ-kheo Bà-ca-lê này đã đắc bốn Đế này khi nào? Thế Tôn bảo:
–Đã đắc bốn Đế này trong ngày hôm nay.
A-nan bạch Phật:
–Tỳ-kheo này vốn là người phàm, đã mang bệnh từ lâu.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, A-nan, như những lời ông nói. Nhưng Tỳ-kheo này chịu khổ rất lâu. Trong các đệ tử của Phật Thích-ca Văn có tín giải thoát thì người này là tối thắng, nhưng vì tâm chưa được giải thoát khỏi hữu lậu, nên suy nghĩ: “Nay ta muốn cầm dao tự đâm mình.” Trong lúc Tỳ-kheo này sắp tự đâm mình, liền tư duy đến công đức Như Lai. Ngày bỏ tuổi thọ, tư duy năm thạnh ấm: Đây là sắc tập; đây là sắc diệt tận. Khi Tỳ-kheo này tư duy như vậy, các pháp tập khởi đều được diệt tận, Tỳ-kheo này Bát-niết-bàn.
A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Pháp thuộc bốn Ý đoạn
Bốn ám, pháp già suy
A-di, pháp bản mạt
Xá-lợi, Bà-ca-lê.
[1] . Các loại trí của Xá-lợi-phất, cf. Pāli, S 8.7 Pavāraịāsuttaṃ (R.i. 191): Paṇḍito (bác tuệ), mahāpañño (đại tuệ), puthupañño (quảng tuệ), hāsapañño (tật tuệ), javanapañño (tiệp tuệ), tikkhapañño (lợi tuệ), nibbedhikapañño (quyết trạch tuệ).
[2] . Ma-sấu thôn 摩 瘦 村。Xem cht. kinh số 9, phẩm 26 trên.
[3] . Na-la-đà thôn 那 羅 陀 村。Pāli: Nālaka, một ngôi làng Bà-la-môn gần Vương xá, sinh quán của Xá-lợiphất. Theo truyền thống Pāli, sinh quán Mục-kiền-liên tại Kolita, cũng ngôi làng gần Vương xá.
[4] . Hán: Tự thâu-bà 寺 偷 婆。Skt. Stūpa (Pāli: Thūpa).
[5] . Bà-ca-lê 婆 迦 梨。Pāli: Vakkali. Cf, S.22. 87 Vakkalisuttaṃ (R. iii. 119). Hán. Tạp 47 kinh 1265: Bạtca-lê 跋 迦 梨。
[6] . Phổ tập giảng đường 普 集 講 堂 : Hội trường của các Tỳ-kheo trong mỗi tinh xá. Cũng gọi là cần hành đường, hay thị giả đường. Pāli: Upaṭṭhāna-sālà.
[7] . Pāli, ibid., Appatiṭṭhitena ca viññāṇena vakkali kulaputto parinibbuto, thức của Vakkali vô trụ mà nhập Niết-bàn.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]