TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt, cùng năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ bốn Đại Thanh văn, Tôn giả Đại Mụckiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Tân-đầu-lô, cùng họp một chỗ, nói như vầy:
–Chúng ta cùng xem trong thành La-duyệt này ai là người không tạo công đức cúng dường Phật, Pháp, Thánh chúng? Do bởi không có tín, chúng ta hãy khuyến khích họ tin pháp của Như Lai.
Bấy giờ có trưởng giả tên Bạt-đề, nhiều của báu không thể kể hết, vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, kẻ hầu người hạ đều đầy đủ; nhưng lại xan tham không chịu bố thí. Đối với Phật, Pháp, chúng Tăng không có mảy may điều thiện, không có chí tín; phước cũ đã hết, lại không tạo phước mới.
Thường ôm lòng tà kiến, rằng không có thí, không có phước, cũng không người nhận, cũng không có báo của thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ và người đắc A-la-hán, lại cũng không có người thủ chứng. Nhà trưởng giả kia có bảy lớp cửa. Cửa nào cũng có người giữ không cho ăn xin đến. Lại cũng dùng lưới sắt phủ giữa sân, vì sợ có chim bay vào trong sân.
Trưởng giả có người chị gái[1] tên là Nan-đà, cũng lại keo lẫn không chịu huệ thí, không trồng cội rễ công đức; phước cũ đã hưởng hết, mà phước mới không được tạo thêm. Cũng ôm lòng tà kiến, rằng không có thí, không có phước, cũng không người nhận, cũng không có báo của thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ và người đắc A-la-hán, lại cũng không có người thủ chứng.
Cửa nhà Nan-đà cũng có bảy lớp, cũng có người giữ cửa, không cho những người ăn xin đến; cũng lại dùng lưới sắt phủ lên không cho chim bay vào trong nhà.
Hôm nay chúng ta hãy làm cho mẹ Nan-đà[2] chí tín Phật, Pháp, chúng Tăng. Sáng sớm hôm đó, Trưởng giả Bạt-đề ăn bánh. Tôn giả A-na-luật, bấy giờ đã đến giờ, đắp y, cầm bát, rồi từ dưới đất trong nhà trưởng giả vọt lên, đưa bát cho trưởng giả. Lúc đó trưởng giả lòng rất sầu ưu, trao cho A-na-luật một ít bánh. Khi A-naluật được bánh rồi, trở về chỗ mình. Bấy giờ, trưởng giả liền nổi sân nhuế, nói với người giữ cửa rằng:
–Ta đã có lệnh, không được cho người vào trong cửa. Tại sao lại cho người vào?
Người giữa cửa thưa:
–Cửa nẻo kiên cố, không biết đạo sĩ này từ đâu vào?
Trưởng giả khi ấy im lặng không nói. Khi trưởng giả đã ăn bánh xong, tiếp ăn cá thịt. Tôn giả Đại Ca-diếp đắp y, cầm bát, đến nhà trưởng giả, từ dưới đất vọt lên, đưa bát cho trưởng giả. Trưởng giả lòng rất sầu ưu, trao cho ngài một tí cá thịt. Ca-diếp được thịt, liền biến mất, trở về chỗ mình. Lúc này trưởng giả lại càng sân nhuế, bảo người giữ cửa rằng:
–Trước ta đã ra lệnh, không cho người vào trong nhà. Tại sao lại cho hai Sa-môn vào nhà khất thực?
Người giữ cửa thưa:
–Chúng tôi chẳng thấy Sa-môn này, lại vào từ đâu?
Trưởng giả bảo:
–Sa-môn đầu trọc này giỏi làm trò huyễn thuật, mê hoặc người đời. Không có chánh hạnh gì!
Bấy giờ vợ trưởng giả ngồi cách đó không xa.
Người vợ trưởng giả này là em gái trưởng giả Chất-đa[3], cưới từ Ma-sư-san[4] về. Lúc đó, người vợ bảo trưởng giả:
–Hãy giữ miệng mình, chớ nói những lời này, rằng: “Sa-môn học huyễn thuật.” Sở dĩ như vậy là vì các Sa-môn này có oai thần lớn. Họ mà đến nhà trưởng giả là có nhiều lợi ích. Trưởng giả có biết Tỳ-kheo trước là ai không?
Trưởng giả đáp:
–Tôi không biết.
Người vợ nói:
–Trưởng giả có nghe con vua Hộc Tịnh, nước Ca-tỳ-la-vệ, tên A-na-luật, lúc đang sinh mặt đất chấn động sáu cách. Cách chung quanh nhà trong vòng một do-tuần, mỏ quý tự nhiên xuất hiện không?
Trưởng giả đáp:
–Tôi có nghe A-na-luật, song chưa gặp ông ấy. Người vợ bảo trưởng giả:
–Vị con nhà hào tộc này lìa bỏ gia cư, đã xuất gia học đạo, tu hành phạm hạnh, đắc đạo A-la-hán, là Thiên nhãn đệ nhất không có ai vượt qua. Chính Như Lai cũng nói: “Thiên nhãn đệ nhất trong hàng đệ tử của ta, chính là Tỳ-kheo A-na-luật.” Tiếp đến, ông có biết vị Tỳ-kheo thứ hai vào đây khất thực không?
Trưởng giả đáp:
–Tôi không biết.
Người vợ trưởng giả bảo:
–Trưởng giả có nghe đại Phạm chí tên Ca-tỳla[5] trong thành La-duyệt này, nhiều của báu không thể kể hết, có chín trăm chín mươi chín con bò cày ruộng không?
Trưởng giả đáp:
–Chính tôi đã thấy Phạm chí này.
Người vợ trưởng giả bảo:
–Trưởng giả, ông có nghe con của Phạm chí kia tên là Tỷ-ba-la-da-đàn-na[6], thân màu vàng, vợ tên là Bà-đà[7], là người đặc biệt nhất trong phái nữ. Dù có đem vàng tử ma đến trước cô, thì cũng giống như đen so với trắng không?
Trưởng giả đáp:
–Tôi có nghe có con Phạm chí này, tên là Tỷba-la-da-đàn-na, nhưng lại chưa gặp. Người vợ trưởng giả nói:
–Chính là vị Tỳ-kheo vừa đến sau đó. Bản thân ông đã bỏ báu ngọc nữ này, xuất gia học đạo, nay đắc A-la-hán, thường hành Đầu-đà. Người có đầy đủ các pháp hạnh Đầu-đà, không ai vượt hơn Tôn giả Ca-diếp. Thế Tôn cũng nói: “Tỳ-kheo hạnh Đầu-đà đệ nhất trong hàng đệ tử của ta chính là Đại Ca-diếp.” Hôm nay Trưởng giả được rất nhiều thiện lợi, mới khiến các vị Hiền thánh đến nơi này khất thực. Tôi đã quán sát ý nghĩa này, nên bảo ông khéo giữ miệng mình, chớ hủy báng bậc Hiền thánh cho rằng: “Làm trò huyễn hóa.” Các vị đệ tử Đức Thích-ca này đều có thần đức. Trong lúc đang nói lời này, Tôn giả Đại Mụckiền-liên đắp y, cầm bát, bay qua hư không đến nhà trưởng giả, làm vỡ lồng lưới sắt, rồi ngồi kiết già ở giữa hư không.
Trưởng giả Bạt-đề lúc này thấy Mục-kiền-liên ngồi ở giữa hư không, liền sợ hãi mà nói:
–Ngài là trời chăng?
Mục-liên đáp:
–Ta chẳng phải trời. Trưởng giả hỏi:
–Ngài là Càn-thát-bà chăng? Mục-liên đáp:
–Ta chẳng phải Càn-thát-bà. Trưởng giả hỏi:
–Ngươi là quỷ chăng?
Mục-liên đáp:
–Ta chẳng phải quỷ.
Trưởng giả hỏi:
–Ngươi là quỷ La-sát ăn thịt người chăng?
Mục-liên đáp:
–Ta cũng chẳng phải là quỷ La-sát ăn thịt người.
Bấy giờ Trưởng giả Bạt-đề liền nói kệ này:
Là Trời, Càn-thát-bà
La-sát, Quỷ thần chăng?
Lại nói chẳng phải trời
La-sát, hay Quỷ thần;
Chẳng giống Càn-thát-bà
Chỗ đang sống là đâu?
Hiện ông tên là gì?
Nay tôi muốn được biết.
Bấy giờ, Mục-liên lại dùng kệ đáp:
Chẳng Trời, Càn-thát-bà
Chẳng loài quỷ La-sát
Ba đời được giải thoát
Nay ta là thân người.
Thầy ta Thích-ca Văn
Có thể hàng phục ma
Thành tựu đạo Vô thượng
Ta tên Đại Mục-liên.
Trưởng giả Bạt-đề nói với Mục-liên rằng:
–Tỳ-kheo có dạy bảo điều gì không?
Mục-liên đáp:
–Nay tôi muốn nói pháp cho ông nghe. Hãy khéo suy niệm kỹ.
Khi ấy, trưởng giả lại nghĩ: “Các đạo sĩ này lúc nào cũng dính đến sự ăn uống. Nay mà muốn luận bàn, chính là muốn luận bàn về ăn uống. Nếu đòi ăn nơi ta, ta sẽ nói: Không.” Nhưng lại nghĩ thầm: “Ít nhiều gì nay ta cũng nghe thử người này nói cái gì.”
Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm trưởng giả, liền nói kệ này:
Như Lai nói hai thí
Pháp thí và tài thí
Nay sẽ nói pháp thí
Chuyên tâm nhất ý nghe.
Khi trưởng giả nghe sẽ nói về pháp thí, tâm liền hoan hỷ, nói nới Mục-liên rằng:
–Mong ngài diễn nói. Tôi nghe sẽ hiểu.
Mục-liên đáp:
–Trưởng giả nên biết, Như Lai nói về năm sự đại thí, suốt đời hãy niệm mà tu hành.
Trưởng giả lại nghĩ: “Vừa rồi Mục-liên muốn nói về hành pháp thí, nay lại nói có năm sự đại thí.”
Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm của trưởng giả, lại bảo trưởng giả rằng:
–Như Lai nói có hai đại thí, là pháp thí và tài thí. Nay tôi sẽ nói về pháp thí, không nói tài thí.
Trưởng giả nói:
–Cái gì là năm sự đại thí?
Mục-liên đáp:
–Một là không được sát sinh, đây gọi là đại thí, trưởng giả nên tu hành suốt đời; hai là không trộm cắp, gọi là đại thí, nên tu hành suốt đời. Không dâm, không nói dối, không uống rượu, nên tu hành suốt đời.
Này trưởng giả, đó gọi là có năm đại thí này nên niệm mà tu hành.
Trưởng giả Bạt-đề nghe những lời này xong, lòng rất hoan hỷ mà tự nghĩ: “Những điều Phật Thích-ca Văn nói rất là vi diệu. Nay những điều diễn nói, chẳng cần đến bảo vật. Như hôm nay, ta không kham sát sinh. Điều này có thể phụng hành được. Hơn nữa, trong nhà ta của báu thật nhiều, quyết không trộm cắp và đây cũng là việc làm của ta. Lại, trong nhà ta có đàn bà rất đẹp, quyết không dâm vợ người, đây cũng là việc làm của ta. Vả lại, ta không phải là người thích nói dối, huống chi tự mình nói dối, đây cũng là việc làm của ta. Như hôm nay, ý ta không nghĩ đến rượu, huống chi tự mình uống, đây cũng là việc làm của ta.” Rồi thì, trưởng giả thưa Mục-liên rằng:
–Năm thí này, tôi có thể làm theo.
Khi ấy trong lòng trưởng giả suy nghĩ: “Nay ta có thể mời Mục-liên này dùng cơm.” Trưởng giả ngước đầu lên thưa Mục-liên rằng:
–Mời ngài khuất thần hạ cố xuống đây ngồi!
Mục-liên theo lời, ngồi xuống.
Trưởng giả Bạt-đề tự thân dọn các thứ đồ ăn thức uống cho Mục-liên. Mục-liên ăn xong, uống nước rửa. Trưởng giả nghĩ: “Ta có thể đem một tấm giạ dâng lên Mục-liên.” Sau đó ông vào trong kho lựa lấy thảm trắng; muốn lấy loại xấu, nhưng lại gặp loại tốt. Tìm rồi lại bỏ, mà lựa lại thảm khác, lại vẫn tốt như vậy, bỏ đó rồi lại lấy đó.
Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm trưởng giả, liền nói kệ này:
Thí cùng tâm tranh đấu
Phước này Thánh hiền bỏ
Khi thí thời chẳng tranh
Đúng thời tùy tâm thí.
Bấy giờ trưởng giả liền nghĩ: “Nay Mục-liên biết những ý nghĩ trong tâm ta.” Liền đem đệm trắng dâng lên Mục-liên. Mục-liên liền chú nguyện:
Quán sát thí đệ nhất
Biết có bậc Hiền thánh
Là tối thượng trong thí
Ruộng tốt sinh hạt chắc.
Khi Mục-liên chú nguyện xong, nhận đệm trắng ấy, khiến trưởng giả được phước vô cùng. Lúc này trưởng giả liền ngồi qua một bên. Mụcliên từ từ vì ông nói pháp với các đề tài vi diệu. Các đề tài ấy luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sinh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, giải thoát là an vui. Như pháp mà chư Phật Thế Tôn đã nói, là Khổ, Tập, Tận, Đạo; Mục-liên bấy giờ cũng vì ông nói hết. Từ trên chỗ ngồi ông được mắt pháp thanh tịnh. Như áo trắng tinh dễ nhuộm màu. Ở đây, Trưởng giả Bạt-đề cũng lại như vậy, từ trên chỗ ngồi được mắt pháp thanh tịnh. Ông đã đắc pháp, thấy pháp, không còn hồ nghi nữa. Ông thọ trì năm giới, tự quay về Phật, Pháp và Thánh chúng. Mục-liên sau khi thấy trưởng giả được mắt pháp thanh tịnh, liền nói kệ này:
Kinh mà Như Lai thuyết
Nguồn gốc tất đầy đủ
Mắt tịnh, không tỳ vết
Không nghi, không do dự.
Khi ấy trưởng giả thưa Mục-liên:
–Từ nay về sau, ngài cùng chúng bốn bộ thường nhận lời thỉnh cầu cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men, trị bệnh không chút luyến tiếc của con.
Mục-liên sau khi nói pháp cho trưởng giả xong, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Còn các đại Thanh văn, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả A-naluật nói với Tôn giả Tân-đầu-lô rằng:
–Chúng tôi đã độ Trưởng giả Bạt-đề. Nay thầy có thể đến hàng phục lão bà Nan-đà kia.
Tân-đầu-lô đáp:
Việc này thật hay.
Bấy giờ, lão bà Nan-đà đang tự mình làm bánh sữa. Đã đến giờ, Tôn giả Tân-đầu-lô đắp y, cầm bát, vào thành La-duyệt, khất thực tuần tự đến nhà lão bà Nan-đà. Ngài từ trong lòng đất hiện ra, tay cầm bát đưa đến lão bà Nan-đà xin ăn. Khi lão mẫu thấy Tân-đầu-lô, trong lòng nổi giận, nói những lời hung dữ:
–Tỳ-kheo nên biết, dù mắt ông có lòi ra, tôi cũng không bao giờ cho ông ăn.
Tân-đầu-lô liền nhập định, khiến hai mắt lòi ra.
Khi đó lão bà Nan-đà lại càng nổi giận hơn, lại nói dữ:
–Dù Sa-môn có treo ngược giữa hư không, ta quyết cũng không cho ông ăn!
Tôn giả Tân-đầu-lô lại dùng định lực, treo ngược giữa hư không. Khi đó lão bà Nan-đà lại càng nổi giận hơn lên, nói dữ:
–Dù toàn thân Sa-môn có bốc khói, ta quyết cũng không cho ông ăn!
Tôn giả Tân-đầu-lô, lại dùng định lực, khiến toàn thân bốc khói. Lão bà thấy vậy lại càng thêm phẫn nộ hơn nói:
–Dù toàn thân Sa-môn có bốc cháy, ta quyết cũng không cho ông ăn!
Tân-đầu-lô liền dùng Tam-muội, khiến toàn thân thể bốc cháy. Lão bà thấy vậy lại nói:
Dù toàn thân Sa-môn có ra nước, ta quyết cũng không cho ông ăn!
Tân-đầu-lô lại dùng định lực, khiến toàn thân đều ra nước. Lão bà thấy vậy, lại nói:
Dù Sa-môn chết ở trước ta, ta quyết cũng không cho ông ăn!
Tôn giả Tân-đầu-lô liền nhập diệt tận định không còn hơi thở ra vào, chết trước mặt lão mẫu. Khi đó lão bà vì không thấy hơi thở ra vào nữa nên đâm ra sợ hãi, lông áo dựng đứng, rồi tự nghĩ: “Samôn con dòng họ Thích này, nhiều người biết đến, được Quốc vương kính trọng. Nếu nghe biết ông chết tại nhà ta, chắc sẽ gặp quan sự, sợ rằng không thoát khỏi.” Bà liền nói:
–Sa-môn sống trở lại đi! Ta sẽ cho Sa-môn ăn. Tân-đầu-lô tức thì ra khỏi Tam-muội. Lúc đó lão bà Nan-đà tự nghĩ: “Cái bánh này lớn quá. Hãy làm lại cái nhỏ để cho ông.” Lão bà lấy một ít bột gạo làm bánh, bánh bèn lớn hơn. Lão bà thấy vậy, lại nghĩ: “Bánh này lớn quá! phải làm nhỏ lại.” Nhưng bánh vẫn lớn. “Thôi, lấy cái làm trước tiên đem cho.” Bà liền lấy cái làm trước tiên, nhưng những cái bánh đó đều lại dính vào nhau. Lão bà lúc này nói với Tân-đầu-lô rằng:
–Ông cần ăn thì tự lấy, cớ sao lại quấy nhiễu nhau vậy?
Tân-đầu-lô đáp:
Đại tỷ nên biết, tôi không cần ăn. Chỉ cần muốn nói với lão bà thôi!
Lão bà Nan-đà nói: –Tỳ-kheo, dạy bảo điều gì? Tân-đầu-lô nói:
–Lão bà nên biết, nay đem bánh này đến chỗ Thế Tôn. Nếu Thế Tôn có dạy bảo điều chi, thì chúng ta sẽ cùng làm theo.
Lão bà đáp:
–Việc này thật là thú vị!
Lúc này, lão bà tự mình mang bánh này theo sau Tôn giả Tân-đầu-lô đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân và đứng sang một bên. Bấy giờ, Tân-đầu-lô bạch Thế Tôn:
–Lão bà Nan-đà này, là chị của trưởng giả Nan-đề, tham lam ăn một mình không chịu thí người. Cúi xin Thế Tôn vì bà mà nói pháp để phát khởi chí tín, tâm được khai mở.
Bấy giờ Thế Tôn bảo lão bà Nan-đà:
–Nay bà đem bánh cúng cho Như Lai và Tăng Tỳ-kheo.
Lúc này lão bà Nan-đà liền đem bánh dâng lên Như Lai cùng Tăng Tỳ-kheo khác. Song, bánh vẫn còn dư. Lão bà Nan-đà bạch Thế Tôn:
–Số bánh vẫn còn dư.
Thế Tôn bảo:
–Cúng lần nữa cho Phật và Tỳ-kheo Tăng.
Lão bà Nan-đà vâng theo lời dạy của Phật, đem bánh này cúng lần nữa cho Phật cùng Tỳ-kheo Tăng. Cuối cùng, bánh đó vẫn còn. Phật bảo lão bà Nan-đà:
–Nay, lão bà nên đem bánh này cúng cho chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nhưng số bánh đó vẫn còn. Thế Tôn bảo: –Hãy đem số bánh này bố thí cho những người nghèo khổ.
Song số bánh đó vẫn còn. Thế Tôn bảo:
–Hãy đem số bánh này bỏ nơi đất sạch, hay đặt vào trong nước cực sạch. Sở dĩ như vậy là vì Ta chưa bao giờ thấy Sa-môn, Bà-la-môn, trời cùng con người nào có thể tiêu được bánh này, trừ Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác.
Bà thưa: –Thưa vâng, Thế Tôn.
Lúc này, lão bà Nan-đà đem bánh này thả vào trong nước sạch, tức thì lửa bùng lên. Lão bà Nanđà thấy vậy, lòng đầy sợ hãi. Bà đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn thứ tự nói pháp cho bà nghe. Ngài nói về bố thí, về trì giới, về sinh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là ô uế, xuất gia là giải thoát. Bấy giờ Thế Tôn biết lão bà Nan-đà tâm ý đã khai mở. Như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường nói, là Khổ, Tập, Tận, Đạo; bấy giờ Thế Tôn vì lão bà Nan-đà nói hết. Lão bà ngay trên chỗ ngồi được mắt pháp thanh tịnh. Giống như tấm thảm trắng dễ được nhuộm màu, ở đây lại cũng như vậy. Lão bà bấy giờ đã sạch hết trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bà đã đắc pháp, thành tựu pháp, không còn hồ nghi, đã vượt qua do dự, được vô sở úy, mà thừa sự Tam bảo, thọ trì năm giới.
Bấy giờ, Thế Tôn vì bà nói pháp lại, khiến bà phát lòng hoan hỷ. Nan-đà bấy giờ bạch Thế Tôn:
–Từ nay về sau, bốn bộ chúng hãy đến nhà con nhận cúng dường. Từ nay về sau con sẽ luôn luôn bố thí, tu các công đức, phụng thờ Hiền thánh.
Sau đó liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân, rồi lui đi.
Trưởng giả Bạt-đề và lão mẫu Nan-đà có người em tên Ưu-bà-ca-ni, lúc còn thơ ấu chơi thân với vua A-xà-thế, cả hai rất thương mến nhau. Bấy giờ, trưởng giả Ưu-bà-ca-ni đang làm ruộng, nghe anh Bạt-đề và chị Nan-đà đã được Như Lai giáo hóa. Nghe vậy, vui mừng hớn hở không thể tự kiềm, trong cả bảy ngày không ngủ nghỉ và ăn uống được. Sau khi công việc ruộng đồng đã làm xong, trở về thành La-duyệt giữa đường, ông tự nghĩ: “Nay, trước tiên ta nên đến chỗ Thế Tôn, sau đó mới về nhà.” Trưởng giả đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ trưởng giả bạch Thế Tôn:
–Anh Bạt-đề cùng chị Nan-đà con đã được Như Lai giáo hóa rồi sao?
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, trưởng giả! Nay Bạt-đề và Nan-đà đã thấy bốn Đế, tu các pháp thiện.
Trưởng giả Ưu-bà-ca-ni bạch Thế Tôn:
–Gia đình chúng con rất được đại lợi.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, trưởng giả, như những lời ông nói, cha mẹ ông nay rất được đại lợi, đã gieo phước đời sau. Rồi Thế Tôn nói pháp vi diệu cho trưởng giả. Trưởng giả nghe xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi lui ra. Ông đi về đến chỗ vua A-xàthế, ngồi một bên.
Vua hỏi trưởng giả:
–Anh và chị ông đã được Như Lai giáo hóa rồi chăng?
Tâu:
–Đúng vậy, Đại vương.
Vua nghe lời này vui mừng hớn hở không tự kiềm chế được, liền gióng chuông trống ra lệnh trong thành:
–Từ nay trở về sau, những nhà thờ Phật khỏi phải bị nộp thuế. Những người phụng sự Phật đến thì được nghênh đón, đi thì được đưa tiễn. Sở dĩ như vậy là vì họ là anh em đạo pháp của ta.
Bấy giờ, vua A-xà-thế cho xuất các thứ đồ ăn thức uống đem cho trưởng giả. Trưởng giả liền nghĩ thầm: “Ta chưa bao giờ nghe Thế Tôn dạy phàm pháp Ưu-bà-tắc là nên ăn những thứ đồ ăn nào? Nên uống những thứ nước nào? Nay trước ta nên đến chỗ Thế Tôn, hỏi nghĩa này, sau đó mới ăn.” Trưởng giả bèn bảo một người thân cận:
–Ngươi đi đến chỗ Thế Tôn. Đến rồi đảnh lễ sát chân, đem những lời của ta bạch lên Thế Tôn:
“Trưởng giả Ưu-bà-ni-ca bạch Thế Tôn, phàm pháp của hiền giả trì bao nhiêu giới? Lại phạm bao nhiêu giới chẳng phải là Ưu-bà-tắc? Nên ăn thức ăn nào, uống nước uống nào?”
Người kia vâng lời trưởng giả, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Rồi người kia đem tên trưởng giả bạch Thế Tôn:
–Phàm pháp Ưu-bà-tắc, nên giữ bao nhiêu giới? Phạm bao nhiêu giới chẳng phải là Ưu-bàtắc? Lại nên ăn thức ăn nào? Uống nước uống nào? Thế Tôn bảo:
–Nay ông nên biết, ăn có hai loại, đáng thân cận và không đáng thân cận. Thế nào là hai? Nếu thân cận thức ăn mà pháp bất thiện khởi lên làm pháp thiện tổn giảm, thức ăn này không thể thân cận. Nếu lúc được thức ăn mà pháp thiện tăng ích, pháp bất thiện tổn giảm, thức ăn này đáng thân cận.
Nước cũng có hai loại. Nếu lúc được nước uống mà pháp bất thiện khởi làm pháp thiện tổn giảm, đây chẳng thể thân cận. Nếu lúc được nước uống mà pháp bất thiện bị tổn giảm, pháp thiện có tăng ích, đây có thể thân cận.
Phàm pháp Ưu-bà-tắc, giới cấm có năm. Trong đó có thể giữ một giới, hai giới, ba giới, bốn giới cho đến năm giới; thảy đều phải giữ. Nên hỏi lại ba lần, người có thể giữ thì khiến cho họ giữ. Nếu Ưu-bà-tắc nào phạm vào một giới rồi, thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục. Nếu Ưu-bà-tắc nào vâng giữ chỉ một giới, sẽ được sinh về cõi lành, trên trời, huống chi là giữ hai, ba, bốn, năm giới.
Người kia sau khi nhận lãnh những lời dạy từ Phật rồi, đảnh lễ sát chân Phật và lui đi. Người kia đi chưa xa, bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Từ nay về sau, cho phép trao năm giới và ba tự quy cho Ưu-bà-tắc. Nếu Tỳ-kheo nào khi muốn trao giới cho Thanh tín nam nữ, dạy họ để trống cánh tay, chắp tay, bảo xưng tên họ, nguyện quy y Phật. Pháp, chúng Tăng ba lần. Sau khi bảo xưng tên họ quy y Phật, Pháp, chúng Tăng rồi, lại tự xưng: “Nay con đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng. Như Phật Thích-ca Văn lần đầu tiên đã cho năm trăm khách buôn thọ ba tự quy, con nguyện suốt đời không giết, không trộm, không dâm, không dối, không uống rượu.” Nếu ai giữ một giới thì còn lại bốn giới; nếu giữ hai giới thì còn lại ba giới; nếu giữ ba giới thì còn lại hai giới; nếu giữ bốn giới thì còn lại một giới; nếu giữa năm giới, đó là người giữ đầy đủ.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xa-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Mặt trời, mặt trăng, trời trăng bị bốn sự che khuất[9] khiến không phóng ra được ánh sáng. Thế nào là bốn?
1. Mây. 2. Bụi gió.
3. Khói.
4. A-tu-luân[10], khiến mặt trời, mặt trăng bị che khuất, không phóng ánh sáng được.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là mặt trời, mặt trăng bị bốn sự che khuất này, khiến không phóng ánh sáng lớn được.
Ở đây cũng vậy, Tỳ-kheo có bốn kết sử[11] che kín tâm người không khai mở được. Thế nào là bốn? 1. Dục kết, che lấp tâm người không khai mở được. 2. Sân nhuế.
3. Ngu si.
4. Lợi dưỡng, che khuất tâm người không khai mở được.[12]
Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn kết này che khuất tâm người không khai mở được, hãy tìm cầu phương tiện tiêu diệt liền bốn kết này.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm theo.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở cạnh miếu A-la-tỳ[14]. Bấy giờ trời rất là lạnh, cây cối xác xơ, trơ trụi. Bấy giờ con trai của Thủ trưởng giả, người A-la-bà[15], ra khỏi thị trấn ấy, đi bách bộ bên ngoài, dần dần đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, ông đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên.
Lúc này con trưởng giả kia bạch Thế Tôn: –Trong đêm hôm qua, không rõ Ngài ngủ có được ngon không?
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, đồng tử, Ta ngủ thật ngon.
Con trưởng giả bạch Phật:
–Hôm nay trời lạnh quá, muôn vật xác xơ, trơ trụi. Song Thế Tôn lại dùng đệm cỏ để ngồi, mặc y áo rất là mỏng manh. Sao Thế Tôn nói là: “Ta ngủ thật ngon được?” Thế Tôn bảo:
–Đồng tử lắng nghe! Nay Ta hỏi lại, ngươi cứ theo đó mà trả lời. Giống như nhà trưởng giả được che kín chắc chắn, phòng ốc không có gió bụi. Trong nhà đó có giường được trải thảm, nệm, đệm lông, mọi thứ đầy đủ. Có bốn ngọc nữ nhan sắc xinh đẹp, mặt như hoa đào hiếm có trên đời, nhìn không biết chán. Đèn đốt sáng trừng. Vậy trưởng giả kia lại[16] có ngủ ngon được không?
Con trưởng giả thưa:
–Đúng vậy, Thế Tôn! Có giường tốt thì sẽ ngủ ngon được.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào con trưởng giả? Nếu khi người kia đang ngủ ngon, mà có ý dục nổi lên, duyên bởi ý dục này, có không ngủ được phải không?
Con trưởng giả thưa: –Đúng vậy, Thế Tôn! Nếu người kia ý dục nổi lên sẽ không ngủ được.
Thế Tôn bảo:
–Như ý dục người kia đang mạnh, trong khi Như Lai diệt tận không còn dư tàn, gốc rễ không sinh trở lại, không trổi lên lại nữa. Thế nào, con trai của trưởng giả, nếu người mà tâm sân nhuế, ngu si khởi lên, há ngủ ngon được sao?
Đồng tử thưa:
–Không ngủ ngon được. Sở dĩ như vậy là vì do tâm có ba độc.
Thế Tôn bảo:
–Như Lai nay không còn các tâm này, diệt tận không còn dư tàn, cũng không còn gốc rễ. Đồng tử nên biết, nay Ta sẽ nói về bốn loại chỗ ngồi.
Những gì là bốn?
1. Có chỗ ngồi thấp.
2. Có chỗ ngồi chư Thiên.
3. Có chỗ ngồi Phạm thiên.
4. Có chỗ ngồi Phật.
Đồng tử nên biết, chỗ ngồi thấp là tòa của Chuyển luân thánh vương. Chỗ ngồi Thiên là tòa của Thích Đề-hoàn Nhân. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi của Phạm thiên vương. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn Đế.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi hướng Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi chư Thiên là chỗ ngồi đắc Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi hướng Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn Ý chỉ.
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi đắc Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi chư Thiên là chỗ ngồi hướng A-na-hàm. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi đắc A-na-hàm. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn Đẳng[17].
Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi Dục giới. Chỗ ngồi chư Thiên là chỗ ngồi Sắc giới. Chỗ ngồi Phạm là chỗ ngồi Vô sắc giới. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn Thần túc.
Cho nên, đồng tử nên biết, Như Lai do ngồi chỗ ngồi bốn Thần túc nên được ngủ ngon. Ở đó không khởi dâm, nộ, si. Đã không khởi tâm ba độc này, bèn ở trong Vô dư Niết-bàn giới mà Bátniết-bàn, biết như thật rằng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Cho nên, này con trưởng giả, khi Ta quán sát ý nghĩa này xong, nên nói Như Lai được ngủ ngon.
Bấy giờ con trưởng giả liền nói kệ này:
Gặp nhau đã lâu ngày
Phạm chí Bát-niết-bàn[18]
Nhờ nương sức Như Lai
Mắt sáng[19]
mà diệt độ[20].
Tòa thấp và tòa Thiên
Tòa Phạm, cùng tòa Phật
Như Lai phân biệt rõ
Cho nên được ngủ ngon.
Tự quy Nhân Trung Tôn
Cũng quy Nhân Trung Thượng
Nay con chưa thể biết
Là nương những Thiền nào?
Con trai của trưởng giả đọc những lời này xong, Thế Tôn bằng lòng hứa khả. Bấy giờ con trưởng giả nghĩ thầm: “Thế Tôn đã bằng lòng hứa khả. Ta rất là vui mừng, không thể tự kiềm chế được.” Bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui đi.
Đồng tử kia sau khi nghe những gì Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt, cùng năm trăm chúng đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Thế Tôn từ tịnh thất ra, đi xuống núi Linh thứu, cùng với Phạm chí Lộc Đầu[21], lần hồi du hành đến bãi tha ma đáng sợ[22].
Khi ấy Thế Tôn cầm đầu lâu một người chết trao cho Phạm chí và nói:
–Ông Phạm chí! Ông giỏi xem tinh tú, lại kiêm cả y dược, có thể trị mọi thứ bệnh, hiểu rõ tất cả các định hướng tái sinh và cũng còn có thể biết nhân duyên người chết. Nay Ta hỏi ông, đây là đầu lâu của người nào? Là nam hay là nữ? Do bệnh gì mà qua đời?
Phạm chí liền cầm lấy đầu lâu, xoay qua xoay lại quan sát, lại dùng tay gõ vào nó và bạch Thế Tôn:
–Đây là đầu lâu của người nam, chẳng phải người nữ.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, Phạm chí! Như lời ông đã nói. Đây là người nam, chẳng phải người nữ.
Thế Tôn hỏi:
–Do đâu qua đời?
Phạm chí lại dùng tay gõ vào nó. Bạch Thế Tôn:
–Đây, do nhiều bệnh tập hợp. Trăm đốt xương đau buốt quá mà chết.
Thế Tôn bảo:
–Phải trị bằng phương thuốc nào?
Phạm chí Lộc Đầu bạch Phật:
–Phải dùng quả Ha-lê-lặc[23] hòa chung với mật, sau đó cho uống, bệnh này sẽ lành.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, như những lời ông nói! Nếu người này được thuốc này, đã không qua đời. Nay người này lúc mạng chung, sinh về nơi nào?
Phạm chí nghe rồi, lại cầm đầu lâu gõ và bạch Thế Tôn:
–Người này mạng chung sinh về ba đường dữ, chẳng sinh về nơi lành.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, Phạm chí, như những lời ông nói, sinh vào ba đường dữ, không sinh về nơi lành.
Bấy giờ Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa, trao cho Phạm chí. Hỏi Phạm chí:
–Đây là người nào? Là nam hay nữ?
Lúc này Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
Đầu lâu này là thân người nữ.
Thế Tôn bảo:
–Do bệnh tật gì mà mạng chung?
Lúc này Phạm chí Lộc Đầu lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Người nữ này mạng chung khi còn mang thai.
Thế Tôn bảo:
–Người nữ này do đâu mà mạng chung?
Phạm chí bạch Phật:
–Người nữ này do sinh con chưa đầy tháng nên qua đời.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Phạm chí, như những lời ông đã nói. Vả lại, người nữ mang thai kia nên trị bằng phương thuốc gì?
Phạm chí bạch Phật:
–Như người bệnh này, phải cần tô, đề hồ để uống thì khỏi.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, đúng vậy! Như những gì ông đã nói. Nay người nữ này, sau khi mạng chung, sinh về nơi nào?
Phạm chí bạch Phật:
–Người nữ này sau khi mạng chúng sinh vào trong súc sinh.
Thế Tôn bảo:
Lành thay, lành thay! Phạm chí, như những gì ông đã nói.
Rồi Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa trao cho Phạm chí và hỏi Phạm chí:
–Là nam hay nữ?
Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Đầu lâu này là thân người nam.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những gì ông đã nói. Do tật bệnh gì mà mạng chung?
Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn: –Người này mạng chung do vì ăn uống ngộ độc, bị thổ tả mà mạng chung.
Thế Tôn bảo:
–Bệnh này dùng trị bằng phương thuốc?
Phạm chí bạch Phật:
–Nhịn ăn trong vòng ba ngày, trừ khỏi được liền.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những gì ông đã nói. Người này sau khi mạng chung sinh về nơi nào? Lúc này Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Người này mạng chung sinh vào trong ngạ quỷ. Sở dĩ như vậy là vì ý chỉ tưởng đến nước.
Thế Tôn bảo:
Lành thay, lành thay! Như những gì ông đã nói.
Bấy giờ Thế Tôn lại cầm một đầu lâu nữa, trao cho Phạm chí, hỏi Phạm chí:
–Là nam hay là nữ?
Phạm chí lúc này dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Đầu lâu này là thân của người nữ.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những gì ông đã nói. Người này mạng chung do bệnh tật gì?
Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Lúc đang sinh thì mạng chung.
Thế Tôn bảo:
–Tại sao lúc đang sinh thì mạng chung?
Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn: –Thân người nữ này khí lực hư, cạn kiệt, lại đói quá nên mạng chung.
Thế Tôn bảo:
–Người này mạng chung sinh về nơi nào? Lúc này Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Người này mạng chung sinh vào loài người.
Thế Tôn bảo:
–Phàm người chết đói mà muốn sinh nơi lành, việc này không đúng. Phải sinh vào ba đường dữ mới hợp lý.
Lúc này Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn: –Người nữ này trì giới hoàn hảo mà mạng chung. Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những gì ông đã nói. Thân người nữ kia trì giới hoàn hảo đến khi mạng chung. Sở dĩ như vậy là vì phàm có người nam, người nữ nào mà cấm giới hoàn toàn thì lúc mạng chung sẽ về hai đường, hoặc lên trời hay là loài người.
Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm đầu lâu nữa trao cho Phạm chí, hỏi:
–Nam hay là nữ?
Lúc này Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Đầu lâu này là thân nam.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những gì ông đã nói. Người này do bệnh tật gì khiến phải mạng chung? Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn: –Người này không bệnh, bị người hại khiến mạng chung.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những lời ông đã nói, bị người hại khiến mạng chung.
Thế Tôn bảo:
–Người này mạng chung sẽ sinh nơi nào? Lúc này Phạm chí dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Người này mạng chúng sinh lên trời, xứ thiện.
Thế Tôn bảo:
–Như những lời ông đã nói, lời bàn trước, bàn sau mâu thuẫn nhau.
Phạm chí bạch Phật:
–Căn bản do duyên gì mà mâu thuẫn nhau?
Thế Tôn bảo:
–Những người nam, nữ mà bị người hại khiến mạng chung, đều sinh hết về ba đường dữ. Sao ông nói là sinh về xứ thiện, lên trời?
Phạm chí lại dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Vì người này vâng giữ năm giới kiêm hành thập thiện, nên đến khi mạng chúng sinh lên trời, xứ thiện.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những lời ông đã nói. Người giữ giới, không xúc phạm, sẽ sinh lên trời, xứ thiện.
Thế Tôn lại bảo lại:
–Người này đã trì mấy giới mà mạng chung?
Bấy giờ, Phạm chí một lòng chuyên chú không nghĩ gì khác, dùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Trì một giới chăng? Chẳng phải. Hai, ba, bốn, năm giới chăng? Chẳng phải. Người này trì pháp bát quan trai mà mạng chung.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Như những lời ông đã nói. Trì bát quan trai mà mạng chung.
Bấy giờ, trong cảnh giới phương Đông, tại phía Nam núi Phổ hương, phương Đông, có Tỳ-kheo Ưu-đà-diên nhập Niết-bàn trong Vô dư Niếtbàn giới. Khi ấy, trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, Thế Tôn đến lấy đầu lâu kia, đem về trao cho Phạm chí và hỏi Phạm chí:
–Là nam hay nữ?
Lúc này Phạm chí lại cùng tay gõ và bạch Thế Tôn:
–Tôi xem đầu lâu này, nguồn gốc của nó chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ. Sở dĩ như vậy là vì tôi quán đầu lâu này cũng chẳng thấy sinh, cũng cũng chẳng thấy đoạn, cũng chẳng thấy xoay vần qua lại. Sở dĩ như vậy là vì quan sát tám phương, trên dưới đều không âm vọng. Nay tôi chưa rõ đầu lâu của người này là ai?
Thế Tôn bảo:
–Thôi, thôi, Phạm chí, rốt lại, ông không biết là đầu lâu của ai. Ông nên biết, đầu lâu này không đầu không cuối, cũng không sinh tử, cũng không đi về đâu trong tám phương, trên dưới. Đây chính là đầu lâu của A-la-hán, Tỳ-kheo Ưu-đà-diên đã nhập Niết-bàn trong Vô dư Niết-bàn giới, trong cảnh giới phương Đông, tại phía Nam núi Phổ hương.
Sau khi Phạm chí nghe những lời này xong, khen chưa từng có, liền bạch Thế Tôn:
–Nay tôi quan sát loài trùng kiến này từ nơi nào đến, đều biết tất cả. Nghe tiếng vọng của chim thú màn có thể phân biết rõ ràng: Đây là con đực, đây là con cái. Nhưng tôi quan sát vị A-la-hán này, hoàn toàn không thấy gì, không thấy chỗ đến, cũng không thấy chỗ đi. Chánh pháp Như Lai thật là kỳ diệu. Sở dĩ như vậy là vì gốc của các pháp phát xuất từ cửa miệng của Như Lai, còn A-la-hán phát xuất từ gốc của kinh pháp.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, Phạm chí, như những gì ông đã nói. Gốc của các pháp phát xuất từ miệng Như Lai. Ngay đến chư Thiên, người đời, ma hoặc thiên ma, quyết không biết được chỗ đến của A-la-hán. Bấy giờ, Phạm chí đảnh lễ sát chân và bạch Thế Tôn:
–Con có thể biết hết nơi thú hướng của chín mươi sáu loại đạo. Thảy đều biết tất cả. Nhưng chỗ thú hướng của pháp của Như Lai, không thể phân biệt được. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con được vào đạo.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, Phạm chí, hãy tu phạm hạnh, cũng sẽ không có người nào biết được chỗ thú hướng của ông.
Khi ấy Phạm chí được xuất gia học đạo, ở chỗ vắng vẻ tư duy thuật đạo, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc mặc ba pháp y, cho đến như thật biết rằng: “Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.” Lúc đó, Phạm chí thành A-la-hán.
Bấy giờ, Tôn giả Lộc Đầu bạch Thế Tôn:
–Nay con đã biết pháp tu hành của A-la-hán. Thế Tôn bảo:
–Ông biết thế nào về hành của A-la-hán?
Lộc Đầu bạch Phật:
–Nay có bốn giới. Những là bốn? Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới. Như Lai, đó gọi là có bốn giới này. Khi một người mạng chung, đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về lửa, gió trở về gió.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào, Tỳ-kheo, nay có bao nhiêu giới?
Lộc Đầu bạch Phật:
–Sự thực có bốn giới. Nhưng nghĩa có tám giới.
Thế Tôn bảo:
–Thế nào là bốn giới, mà nghĩa có tám giới?
Lộc Đầu bạch Phật:
–Nay có bốn giới. Những gì là bốn giới? Đất, nước, lửa, gió. Đó gọi là bốn giới. Thế nào là nghĩa có tám giới? Đất có hai loại: Đất trong và đất ngoài. Sao gọi đại chủng đất bên trong? Đó là tóc, lông, móng, răng, thân thể, da bọc ngoài, gân cốt, tủy não, ruột, bao tử, gan, mật, tỳ thận. Đó gọi là đại chủng đất trong. Thế nào là đại chủng đất bên ngoài? Đó là những gì cứng chắc. Đó gọi là đại chủng đất bên ngoài. Đây gọi là hai đại chủng đất. Sao gọi đại chủng nước? Đại chủng nước có hai: Đại chủng nước bên trong, đại chủng nước bên ngoài. Đại chủng nước bên trong là đờm dãi, nước mắt, nước tiểu, máu, tủy. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài. Còn các vật mềm ướt bên ngoài. Đó gọi là đại chủng nước bên ngoài. Đây gọi là hai đại chủng nước. Sao gọi đại chủng lửa? Đại chủng lửa có hai:
Đại chủng lửa bên trong, đại chủng lửa bên ngoài. Sao gọi là lửa trong? Là sự tiêu hóa tất cả những vật được ăn, không còn dư sót. Đó gọi là lửa bên trong. Sao gọi là lửa bên ngoài? Những vật giữ hơi nóng, vật ở bên ngoài. Đó gọi là loại lửa ngoài.
Tại sao gọi là đại chủng gió? Đại chủng gió có hai: Gió trong và gió ngoài. Gió trong là gì? Đó là gió trong môi, gió mắt, gió đầu, gió thở ra, gió thở vào, gió trong tất cả các khớp tay, chân. Đó gọi là gió trong. Sao gọi là gió ngoài? Đó là vật khiến lay động nhẹ, nhanh chóng. Đó gọi là gió ngoài. Bạch Thế Tôn, đó gọi là có hai loại. Sự thật có bốn, mà số có tám.
Như vậy, Thế Tôn, con quán sát nghĩa này, rằng con người khi mạng chung, bốn đại chủng ấy trở về gốc của chúng.
Thế Tôn bảo:
–Pháp vô thường cũng không cùng chung với pháp thường. Sở dĩ như vậy là vì đại chủng đất có hai, hoặc trong hoặc ngoài. Bấy giờ đất trong là pháp vô thường, là pháp biến dịch, còn đại chủng đất ngoài thường trụ không biến đổi.[24] Đó gọi là đất có hai loại không tương ưng với thường và vô thường. Còn ba đại kia cũng lại như vậy, giữa thường và vô thường không tương ưng nhau.
Cho nên, này Lộc Đầu, tuy có tám loại, kỳ thật chỉ có bốn. Lộc Đầu, hãy học điều này như vậy.
Lộc Đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xa-vệ.
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Nay có bốn đại nghĩa được quảng diễn[26]. Những gì là bốn? Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Đó gọi là bốn[27].
Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Đông[28] đến, tụng kinh trì pháp, phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: “Tôi có thể tụng kinh trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều.” Giả sử Tỳ-kheo kia có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng.[29] Hãy cùng Tỳ-kheo kia thảo luận, chiếu theo pháp mà cùng thảo bàn. Thế nào là y chiếu theo cùng thảo bàn? Y chiếu theo pháp mà luận, đó là bốn đại luận được quảng diễn này. Tức là Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nên cùng với Tỳ-kheo kia phân biệt pháp được nói bởi Khế kinh, được hiển hiện trong Luật. Giả sử khi tìm trong Khế kinh được nói, trong Luật được hiển hiện, trong pháp được phân biệt; nếu những điều được hiển hiện ấy tương ưng với Khế kinh, tương ưng với Luật và Pháp, khi ấy bèn thọ trì. Nếu không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, thì nên trả lời người kia như vầy: “Này bạn, nên biết đây chẳng phải là những lời dạy của Như Lai. Mà những lời bạn nói, chẳng phải gốc của chánh kinh. Sở dĩ như vậy là vì nay tôi thấy nó không tương ưng với Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm...” Vì không tương ưng nên phải hỏi về sự hành trì giới. Nếu không tương ưng với giới hạnh, nên nói với người kia: “Đây chẳng phải là tạng của Như Lai!” Hãy lập tức đuổi đi. Đây gọi là gốc của nghĩa đại nghĩa được quảng diễn thứ nhất.
Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Nam đến nói rằng: “Tôi có thể tụng kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều.” Giả sử Tỳ-kheo ấy có nói những gì, cũng không nên thừa nhận khi chưa đủ để dốc lòng tin tưởng. Nên cùng với Tỳ-kheo kia luận nghĩa. Giả sử những điều Tỳ-kheo kia nói mà không tương ưng với nghĩa, thì nên đuổi đi. Nếu tương ưng với nghĩa, thì nên bảo người kia rằng: “Đây là nghĩa được nói, nhưng không phải gốc chánh kinh.” Khi ấy, nên chọn lấy nghĩa đó, chứ đừng nhận gốc chánh kinh. Sở dĩ như vậy là vì nghĩa là căn nguyên để hiểu kinh. Đây gọi là gốc của đại nghĩa được diễn thứ hai.
Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Tây đến (nói rằng: “Tôi tụng kinh, trì pháp, phụng hành giới cấm, học rộng, nghe nhiều.” Nên nói với Tỳ-kheo kia về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm. Nhưng Tỳ-kheo kia chỉ hiểu vị[30], chứ không hiểu nghĩa, nên bảo Tỳ-kheo kia rằng: “Chúng tôi không rõ những lời này là những lời nói của Như Lai không.” Giả sử khi thuyết Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm chỉ hiểu vị, chứ không hiểu nghĩa. Tuy nghe những gì Tỳ-kheo kia nói, nhưng cũng chưa đủ để khen tốt, cũng chưa đủ để nói là dở. Lại phải đem giới hạnh để hỏi. Nếu cùng tương ưng, thì niệm mà chấp nhận. Sở dĩ như vậy là vì giới hạnh cùng tương ưng với vị, nhưng nghĩa thì không thể rõ. Đây gọi là nghĩa diễn giải thứ ba.
Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào từ phương Bắc đến, tụng kinh, trì pháp, phụng hành cấm giới, nói rằng: “Các Hiền giả có nghi vấn, hãy đến hỏi nghĩa, tôi sẽ nói cho.” Nếu Tỳ-kheo kia có nói gì cũng chưa đủ để chấp nhận ngay, chưa đủ để phúng tụng. Nhưng nên hướng về Tỳ-kheo kia hỏi về Khế kinh, Luật, A-tỳ-đàm, Giới. Nếu cùng tương ưng, thì nên hỏi nghĩa. Nếu lại tương ưng cùng nghĩa, thì nên khen ngợi Tỳ-kheo kia rằng: “Lành thay, lành thay! Hiền giả, đây chính là nghĩa Như Lai đã nói, không nhầm lẫn, tất cả đều cùng tương ưng với Khế kinh, Luật, Atỳ-đàm, Giới.”
Hãy theo pháp mà cúng dường, tiếp đãi Tỳ-kheo kia. Sở dĩ như vậy là vì Như Lai cung kính pháp, nên ai cung kính pháp, tức là cung kính Ta. Ai quán thấy pháp, người ấy quán thấy Ta. Ai có pháp, người ấy có Ta. Đã có pháp thì có Tỳ-kheo Tăng. Có pháp thì có bốn bộ chúng. Có pháp thì có bốn chủng tánh ở đời. Sở dĩ như vậy là vì do có pháp ở đời, nên trong Hiền kiếp có Đại Oai Vương ra đời, từ đó về sau có liền bốn chủng tánh ở đời. Nếu pháp có ở đời thì, liền có bốn chủng tánh ở đời: Sát-lợi, Bà-la-môn, công nhân, dòng cư sĩ. Nếu pháp có ở đời thì, liền có ngôi vị Chuyển luân thánh vương không dứt. Nếu pháp có ở đời, liền có Tứ Thiên vương, Đâu-suất thiên, Diễm thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên xuất hiện ở đời. Nếu pháp có ở đời, liền có Dục giới thiên, Sắc giới thiên, Vô sắc giới thiên hiện ở đời. Nếu pháp có ở đời, liền có quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Bích-chi-phật, Phật thừa hiện ở đời. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy khéo cung kính pháp. Hãy tùy thời cúng dường cung cấp mọi thứ cần dùng cho Tỳ-kheo kia. Nên nói với Tỳ-kheo kia rằng: “Lành thay! lành thay! Như những gì thầy đã nói. Những lời nói hôm nay thật là những lời nói của Như Lai.”
Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn đại nghĩa diễn quảng diễn này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy trì tâm nắm giữ ý thực hành bốn sự này, chớ để mất sót.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, vào buổi sáng sớm, tập họp bốn binh chủng, cỡi xe bảo vũ* đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ Thế Tôn hỏi đại vương:
–Đại vương từ đâu đến mà trên người dính đầy bụi bặm vậy? Có duyên sự gì mà tập họp bốn binh chủng?
Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
–Nay, nước nhà này có giặc lớn nổi lên. Nửa đêm qua, con đem binh bắt được, nên thân thể mệt mỏi, muốn trở về cung. Nhưng giữa đường lại tự nghĩ: “Trước tiên ta nên đến chỗ Như Lai, rồi sau đó mới về cung.” Vì sự việc này mà ngủ nghỉ không yên. Nay nhờ có công lao dẹp giặc, lòng vui mừng hớn hở không tự kiềm chế được, cho nên đến đảnh lễ thăm hầu Như Lai. Nếu ngay đêm qua con không hưng binh ngay thì không bắt được giặc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, đại vương, như những gì vua nói. Vua nên biết rằng, có bốn căn duyên sự việc, trước khổ sau vui. Những gì là bốn? Sáng thức dậy sớm; trước khổ sau vui. Hoặc dùng dầu, tô, trước khổ sau vui. Hoặc lúc dùng thuốc, trước khổ mà sau vui. Gia nghiệp, cưới gã, trước khổ sau vui. Đại vương, đó gọi là có bốn căn duyên sự việc này, trước khổ sau vui.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
–Những gì Thế Tôn nói thật là hợp lý, có bốn căn duyên sự việc trước khổ sau vui này. Sở dĩ như vậy là vì như ngày hôm nay con quán sát bốn sự này như nhìn hạt châu trên tay, đều có nghĩa trước khổ sau vui.
Bấy giờ, Thế Tôn vì vua Ba-tư-nặc nói pháp vi diệu, khiến phát lòng hoan hỷ. Sau khi nghe pháp rồi, vua bạch Thế Tôn:
–Việc nước đa đoan, con muốn trở về cung.
Thế Tôn bảo:
–Nên biết đúng lúc.
Vua Ba-tư-nặc từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui đi. Vua đi chưa lâu Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nay có bốn căn duyên sự việc này, trước khổ sau vui. Thế nào là bốn? Tu tập phạm hạnh, trước khổ sau vui. Tập tụng văn kinh, trước khổ sau vui.
Tọa thiền nghĩ niệm định, trước khổ sau vui. Đếm hơi thở ra vào, trước khổ sau vui. Tỳ-kheo, đó gọi là hành bốn sự này trước khổ sau vui.
Nếu có Tỳ-kheo nào hành pháp trước khổ sau vui này, quyết sẽ được ứng quả báo vui Sa-môn sau này. Thế nào là bốn?
Nếu có Tỳ-kheo nào siêng thực hành pháp này, không dục, không pháp ác, có niệm, có hỷ an, tâm nhập Sơ thiền. Đó gọi là được cái vui thứ nhất của Sa-môn.
Lại nữa, có giác, có quán, tĩnh lặng bên trong, tâm hỷ chuyên tinh nhất ý; không giác, không quán, có niệm, có hỷ an, nhập Nhị thiền. Đó gọi là cái vui thứ hai của Sa-môn.
Lại nữa, không niệm, tâm an trú hộ[31], thường tự giác tri, thân có lạc, điều mà các Hiền thánh mong cầu, có hộ (hỷ), niệm, lạc, tâm nhập Tam thiền. Đó gọi là được cái vui thứ ba của Sa-môn.
Lại nữa, khổ lạc trước kia đã diệt, không còn ưu; không khổ không lạc, hộ (hỷ) và niệm thanh tịnh, tâm nhập Tứ thiền. Đó gọi là có bốn cái vui của Sa-môn này.
Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào thực hành trước khổ này, sau được bốn báo vui của Samôn, đoạn ba lưới kết, thành Tu-đà-hoàn, được pháp thoái chuyển, nhất định đến diệt độ.
Lại nữa, Tỳ-kheo, ba kết này đã đoạn; dâm, nộ, si mỏng đi, thành Tư-đà-hàm, trở lại đời này một lần, tất hết bờ khổ.
Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào dứt năm hạ phần kết, thành A-na-hàm, nhập Bát-niết-bàn ở nơi kia,[32] không trở lại thế gian này.
Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào hữu lậu đã diệt tận, thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng, tự du hý, tự biết như thật rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.” Đó là Tỳ-kheo kia tu pháp trước khổ này, sau được vui bốn quả Sa-môn.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu sự trước khổ sau vui này.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
Có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Có hạng Sa-môn tợ hoa hoàng lam[33], có hạng Sa-môn tợ hoa Bân-đà-lợi[34], có hạng Sa-môn tợ nhu nhuyến[35], có hạng Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến[36].
Thế nào gọi Sa-môn kia như hoa hoàng lam?
Ở đây có một hạng người diệt trừ ba kết sử, thành Tu-đà-hoàn, được pháp không thoái chuyển, quyết định đến Niết-bàn[37], nhưng chậm nhất là phải trải qua bảy lần chết, bảy lần tái sinh. Hoặc thành bậc Gia gia[38], nhất chủng[39], giống như hoa hoàng lam sáng ngắt, chiều lớn. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, ba kết diệt tận, thành Tu-đàhoàn, được pháp không thoái chuyển, ắt đến Niếtbàn, chậm nhất cho đến qua bảy lần chết, bảy lần tái sinh. Nếu tìm cầu phương tiện, có ý dũng mãnh, hoặc thành Gia gia, hoặc thành Nhất chủng, rồi vào Đạo tích. Đó gọi là Sa-môn như hoa hoàng lam.
Thế nào gọi Sa-môn kia là như hoa Phân-đàlợi? Ở đây có một hạng người ba kết đã diệt; dâm, nộ, si mỏng, thành Tư-đà-hàm, trở lại đời này, dứt hết bờ khổ. Nếu người hơi chậm, trở lại đời này lần nữa, rồi dứt hết bờ khổ. Nếu dũng mãnh, thì ngay trong đời này dứt hết bờ khổ. Giống như hoa Phân-đà-lợi sớm nở, chiều úa tàn. Đó gọi là Samôn như hoa Phân-đà-lợi.
Thế nào là Sa-môn kia nhu nhuyến? Hoặc có một hạng người đoạn năm hạ phần kết, thành Ana-hàm, rồi nơi trên kia mà nhập Bát-niết-bàn, không trở lại đời này. Đó gọi là Sa-môn nhu nhuyến.
Thế nào là Sa-môn kia nhu nhuyến trong nhu nhuyến? Hoặc có một hạng người diệt tận hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng, tự du hý, biết như thật rằng: “Sinh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.” Đó gọi là Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.
Đây gọi là Tỳ-kheo có bốn hạng người này xuất hiện ở đời. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện làm Sa-môn nhu nhuyến trong nhu nhuyến.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm theo.
Kệ tóm tắt:
Tu-đà, Tu-ma-quân
Tân-đầu-lô, uế, thủ
Lộc Đầu, nghĩa diễn rộng
Sau vui, kinh nhu nhuyến.
❑
[1] . Để bản: Tỷ 姊. TNM: Muội.
[2] . Nan-đà mẫu 難 陀 母 ; xem cht. kinh số 2 phẩm 9 trên.
[3] . Chất-đa Trưởng giả 質 多 長 者 。Pāli: Citta-gahapati, người ở Macchikāsaịda.
[4] . Ma-sư-san 摩 師 山 ; phiên âm. Để bản hiểu nhầm san là tên núi, thay vì từ phiên âm, nên chép “Ma-sư san trung.” Pāli: Macchikāsaịda, một thị trấn ở Kāsi.
[5] . Ca-tỳ-la 迦毘羅. Pāli: Kapila, tên người Bà-la-môn, thân phụ ngài Đại Ca-diếp.
[6] . Tỷ-ba-la-da-đàn-na 比 波 羅 耶 檀 那。Pāli: Pippali, tên của Đại Ca-diếp.
[7] . Bà-đà 婆 陀。Pāli: Bhaddhā Kāpilāni.
[8] . Tham chiếu Pāli, A IV 50 Upakkilesasutta (R. ii. 53).
[9] . Pāli: Cattārome candimasùriyānaṃ upakkilesā, bốn sự che mờ (upakkilesa: Sự làm hoen ố, ô nhiễm, tù phiền não) của mặt trời, mặt trăng.
[10] Pāli: Rāhu asurinda.
[11] . Pāli: Cattāro upakkilesā, bốn tùy phiên não (=sự làm hoen ố. Xem cht. 10 trên.
[12] . Pāli, ibid., bốn ô nhiễm: Uống rượu (suraṃ pivanti), tập hành dâm dục (methunaṃ dhammaṃ paṭisevanti), thọ dụng vàng bạc (jātarūparajataṃ sādiyanti, sống bằng tà mạng (micchājīvena jīvanti).
[13] . Tham chiếu Pāli, A III 24 Hatthakasutta (R.i. 137).
[14] . A-la-tỳ từ 阿 羅 毘 祠。Pāli: Āḷavī, thị trấn cách Xá-vệ ba mươi do-tuần, tại đó có miếu thờ Aggāḷva.
[15] Thủ A-la-bà trưởng giả 手 阿 羅 婆 長 者 。Pāli: Hatthaka Āḷavaka.
[16] Để bản: Khiếp 怯。Có thể khoái 快。bị chép nhầm.
[17] . Bốn đẳng: Bốn Vô lượng tâm.
[18] . Pāli: Sabbadā ve sukhaṃ seti, brāhmaṇo parinibbuto, đấng Bà-la-môn đã hoàn toàn tịch diệt, ngủ an lạc trong mọi thời.
[19] . Để bản: Minh miên 明 眠。Có thể minh nhãn 明 眼 , chép nhầm.
[20] . Cf. Pāli: Upasanto sukhaṃ seti, tịch tĩnh, ngủ an lạc.
[21] . Lộc Đầu Phạm chí; có thể đồng nhất Pāli Migasira, trưởng lão A-la-hán, nguyên người Bà-la-môn, sau xuất gia ngoại đạo (pabbājika), cuối cùng theo Phật. Ông có biệt tài gỗ vào đầu lâu mà biết người chết sinh về đâu.
[22] . Có lẽ Pāli, Sītavana (Hàn lâm), thường được mô tả là bhayabherava-sītavana, khu rừng lạnh đầy sợ hãi kinh khiếp.
[23] . Ha-lê-lặc 呵 梨 勒。Pāli: Harīṭaka, harītakī (Skt. đồng), kha tử 柯 子。
[24] . Câu này nên tồn nghi trong Hán dịch.
[25] . Tham chiếu Pāli, A IV 180 Mahāpadesasutta (R.ii. 167).
[26] . Cf. Pāli: Cattārome mahāpadese, bốn đại xứ (địa phương, khu vực). Hán đọc là desanā (Skt.
Dezanā): Giáo thuyết, pháp thuyết.
[27] . Bốn đại nghĩa: Kinh, Luật, A-tì-đàm, Giới. Hán dịch có sự nhầm lẫn. Theo nội dung đoạn sau, đây là bốn y cứ để thẩm sát trong bốn trường hợp khi nào điều được nói là do chính Phật nói.
[28] . Pāli: Desa (Skt. Deza), trong truyền bản Pāli được hiểu theo nghĩa bóng: 1. Pháp nghe từ chính Thế Tôn nói, 2. Nghe từ một Thượng tọa Trưởng lão trong Tăng nói, 3. Nghe từ nhiều Tỳ-kheo trưởng lão nói, 4. Nghe từ một Tỳ-kheo nào đó. Trong truyền bản Hán dịch này, được hiểu là phương hướng, tức bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.
[29] . Pāli, ibid., “Không hoan hỷ cũng không mạ lỵ (Neva abhinanditabbaṃ nappaṭikkositabbaṃ).
[30] . Vị 味 . Đây chỉ văn từ. Pāli: Vyañjana.
[31] . Hộ: Hỷ. Xem cht. kinh số 1 phẩm 12 trên.
[32] . A-na-hàm nhập Niết-bàn trên một trong năm Tịnh cư thiên.
[33] . Hoàng lam hoa 黃 藍 花。Pāli: Macala (?). Từ diển PTS không thấy từ này. Cf. A IV 88, bản dịch Hoa văn đọc là Samaṇam-acalam, “bất động Sa-môn.”
[34] . Bân-đà-lợi 邠 陀 利。Pāli: Puṇḍrāka, sen trắng.
[35] . Tợ nhu nhuyến Sa-môn 似 柔 軟 沙 門。Pāli: Samaṇapaduma, Sa-môn sen hồng.
[36] . Pāli: Samaṇesu samaṇasukhumālo, Sa-môn nhu hòa trong các Sa-môn.
[37] . Pāli: Niyato sambodhiparāyaịo, quyết định hướng đến Chánh giác.
[38] . Gia gia 家 家; (Skt. Kulaṃkula), hạng Tu-đà-hoàn quả hướng đến Tư-đà-hàm, tái sinh Dục giới tối đa ba lần, rồi nhập Niết-bàn.
[39] . Nhất chủng (Skt. Ekabījika), hoặc nhất gián (Skt. Ekavīcika), hạng Bất hoàn hướng, còn một lần tái sinh Dục giới.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]