TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ Sinh Lậu[2] Bà-la-môn đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi thăm nhau rồi ngồi qua một bên. Khi ấy Bà-la-môn bạch Thế Tôn:
–Sống trong rừng ở trong hang, thật là khổ thay! Sống riêng, đi đứng một mình dụng tâm thật khó! Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, Phạm chí, như những gì ông nói. Sống trong rừng ở trong hang, thật là khổ thay! Sống riêng, đi đứng một mình dụng tâm thật khó! Vì sao? Ngày xưa, lúc Ta chưa thành Phật đạo, hành hạnh Bồ-tát, Ta thường nghĩ: “Sống trong rừng ở trong hang, thật là khổ thay! Sống riêng, đi đứng một mình dụng tâm thật khó!” Bà-la-môn bạch Phật:
–Có thiện gia nam tử, với tín tâm kiên cố, xuất gia học đạo, Sa-môn Cù-đàm là tối thượng thủ, đem lại nhiều lợi ích, làm người dẫn đường cho đám bằng hữu ấy.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, Bà-la-môn, như những gì ông nói.
Có những thiện gia nam tử, với tín tâm kiên cố, Ta là tối thượng thủ, đem lại nhiều lợi ích, làm người dẫn đường cho đám bằng hữu ấy. Nếu thấy Ta, họ đều khởi lòng hổ thẹn, đến trong núi khe, sống trong động vắng vẻ.
Bấy giờ, Ta tự nghĩ, các Sa-môn, Bà-la-môn có thân hành bất tịnh, mà gần gũi, sống chỗ vắng vẻ không người, do thân hành bất tịnh, thì ở đó chỉ luống nhọc công, chẳng phải hành chân thật, mà là pháp ác, bất thiện, sự kinh sợ. Nhưng nay, Ta với thân hành không phải bất tịnh, gần gũi, sống nơi vắng vẻ. Với những gì là thân hành bất tịnh, do gần gũi, sống nơi vắng vẻ, những điều ấy không có nơi Ta. Vì sao? Nay, Ta thân hành thanh tịnh. Trong những vị A-la-hán,[3] do thân hành thanh tịnh, ưa ở nơi hang vắng, Ta là tối thượng thủ. Cũng vậy, Bà-la-môn, Ta tự quán thân, thấy sở hành thanh tịnh nên ưa ở nơi vắng vẻ, lại càng vui thích.
Bấy giờ Ta tự nghĩ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào với ý hành không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh, mà gần gũi, sống nơi vắng vẻ không người; họ tuy có hạnh này nhưng vẫn không phải chân chánh; do đó họ đều đầy đủ pháp ác bất thiện,[4] điều này Ta không có. Vì sao? Vì nay những việc làm của thân, miệng, ý, mạng Ta đều thanh tịnh.
Có những Sa-môn, Bà-la-môn thân, miệng, ý mạng đều thanh tịnh, ưa ở nơi vắng vẻ thanh tịnh, điều này thì Ta có. Vì sao? Vì nay những sở hành bởi thân, miệng, ý, mạng, của ta thanh tịnh. Trong những A-la-hán do thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh, nên ưa ở nơi thanh vắng, Ta là tối thượng thủ. Như vậy, Bà-la-môn, khi Ta có thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh, khi ấy lại càng ưa thích sống nơi vắng vẻ.
Bấy giờ, Ta tự nghĩ, Sa-môn, Bà-la-môn có nhiều điều phải sợ hãi kinh khiếp khi sống ở nơi nhàn vắng; đó là pháp ác bất thiện, sự sợ hãi kinh khiếp. Nhưng nay, Ta không có bất cứ sự sợ hãi nào khi sống nơi vắng vẻ không người. Trong các Sa-môn, Bà-la-môn có tâm sợ hãi kinh khiếp khi sống ở chỗ vắng vẻ, trong số đó không có Ta. Vì sao? Vì nay Ta không có bất sứ sợ hãi nào ở nơi vắng vẻ mà tự du hý. Ta không ở trong số những người có tâm sợ hãi kinh khiếp khi sống ở nơi vắng vẻ. Vì sao? Vì nay Ta đã lìa khổ hoạn, không đồng với họ. Như vậy, Bà-la-môn, Ta quán sát ý nghĩa này rồi, không có sợ hãi, lại càng thêm vui thích.
Những Sa-môn, Bà-la-môn này mà khen mình, chê người, tuy sống ở chỗ vắng vẻ vẫn có tưởng bất tịnh.[5] Nhưng Ta, này Phạm chí, Ta không chê bai người khác, cũng không tự khen mình. Những ai tự khen mình lại chê bai người khác, Ta không phải người đó. Vì sao vậy! Vì nay Ta không có mạn. Trong các Hiền thánh không có mạn, Ta là tối thượng thủ. Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn[6].
Những Sa-môn[7] nào ham cầu lợi dưỡng, không hề biết đủ. Nhưng hôm nay Ta không ham cầu lợi dưỡng. Vì sao? Vì nay Ta không cầu có nhiều hơn người và cũng tự biết đủ. Trong những người biết đủ, Ta là thượng thủ. Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại vui thích hơn.
Những Sa-môn, Bà-la-môn nào ôm lòng biếng nhác, không chuyên cần tinh tấn, mà gần gũi nơi vắng, Ta không phải người đó. Vì sao? Vì nay Ta có tâm dũng mãnh, nên trong đó không lười mệt. Trong các Hiền thánh có tâm dũng mãnh, Ta là tối thượng thủ. Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn.
Bấy giờ, Ta lại nghĩ, những Sa-môn, Bà-lamôn nào hay nhiều quên lãng, mà sống ở nơi vắng vẻ; tuy có hạnh này vẫn có pháp ác bất thiện[8]. Nhưng nay Ta không có những điều quên lãng. Lại này Phạm chí, Ta không có trong số những người hay quên lãng. Trong các Hiền thánh không hay quên lãng, Ta là tối thượng thủ. Nay Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn.
Bấy giờ, Ta lại nghĩ, những Sa-môn, Bà-lamôn nào mà ý loạn, không định; những người ấy liền có pháp ác bất thiện, cùng chung với hành ác. Nhưng nay Ta ý không hề loạn, thường như nhất tâm. Ta không có trong số những người có tâm ý loạn, bất định. Vì sao thế? Vì Ta thường nhất tâm. Trong các Hiền thánh có tâm chuyên nhất, định tĩnh, Ta là tối thượng thủ. Nay Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn khi sống ở nơi vắng vẻ.
Bấy giờ, Ta lại nghĩ, những Sa-môn, Bà-lamôn nào mà ngu si, tăm tối cũng như bầy dê, người ấy liền có pháp ác bất thiện. Ta không phải người đó. Nhưng nay Ta thường có trí tuệ, không có chỗ ngu si, sống ở nơi vắng. Những hành như vậy, có ở nơi Ta. Nay Ta thành tựu trí tuệ. Trong các Hiền thánh thành tựu trí tuệ, Ta là tối thượng thủ. Nay Ta quán sát ý nghĩa này rồi, lại càng vui thích hơn khi sống ở nơi vắng vẻ.
Khi Ta sống ở nơi vắng vẻ, lúc đó, giả sử cây cối gãy đổ, chim thú chạy bay, bấy giờ Ta tự nghĩ: “Đây là khu rừng đáng kinh sợ.” Rồi lại tự nghĩ: “Nếu có điều kinh sợ xảy đến, Ta sẽ tìm cầu phương tiện khiến nó không xảy đến nữa.” Khi Ta đi kinh hành, nếu có sự kinh sợ xảy đến, lúc này, Ta cũng không ngồi, nằm; chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, sau đó mới ngồi, nằm. Khi Ta đứng, nếu sự kinh sợ xảy đến, lúc ấy Ta không kinh hành, cũng không ngồi xuống, chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, sau đó mới ngồi. Khi Ta ngồi, nếu sự kinh sợ xảy đến, lúc ấy Ta không kinh hành, chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, rồi sau mới ngồi. Khi Ta nằm, nếu sự kinh sợ xảy đến, lúc ấy, Ta không kinh hành, cũng không ngồi, chỉ khi nào trừ được sự kinh sợ, sau đó mới ngồi.
Phạm chí nên biết, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu đạo lý ban ngày với ban đêm, nay Ta nói người ấy rất ngu si.[9] Nhưng Ta, này Phạm chí, hiểu đạo lý ở trong ban ngày và ban đêm, thêm có tâm dũng mãnh, cũng không hư vọng, ý không thác loạn, hằng chuyên nhất tâm, không tưởng tham dục, có giác, có quán, có hỷ lạc do niệm[10], nhập Sơ thiền. Đó là, này Phạm chí, tâm thứ nhất Ta sống an lạc trong hiện pháp[11].
Trừ hữu giác, hữu quán, bên trong hoan hỷ, thêm có nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định niệm, nhập Nhị thiền. Đó là, này Phạm chí! Tâm thứ hai Ta sống an lạc trong hiện pháp[12]. Ta tự quán biết, trong không niệm dục, thân có cảm giác lạc, điều mà các Hiền thánh mong cầu, hộ[13], niệm, hoan lạc, nhập Tam thiền. Đó là, này Phạm chí, tâm thứ ba sống an lạc trong hiện pháp[14].
Lại nữa, khổ, lạc đã trừ, không còn ưu, hỷ; không khổ, không lạc, hộ*, niệm thanh tịnh, nhập tứ thiền. Đó là, này Phạm chí, tâm tăng thượng thứ tư mà Ta tự giác tri, tâm ý an trú.
“Khi Ta đang sống ở nơi vắng vẻ, có bốn tâm tăng thượng này, Ta do tâm Tam-muội này, thanh tịnh không tỳ vết, cũng không kết sử, được không sợ hãi, tự biết túc mạng một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, ngàn đời, kiếp thành hoại đều phân biệt hết. Ta từng sinh chỗ nọ, tên gì, họ gì, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui như thế,... Từ đó Ta chết mà sinh nơi này, chết đây sinh kia, nhân duyên gốc ngọn đều rõ ràng hết.
Phạm chí nên biết, vào đầu hôm Ta đắc được minh thứ nhất, trừ vô minh, không u tối nữa, tâm ưa sống nơi vắng vẻ mà tự giác tri.
Lại nữa, với tâm Tam-muội không tỳ vết, không kết sử, tâm ý tại định, được không sợ hãi mà biết chúng sinh người sinh, người chết. Ta lại dùng Thiên nhãn quán chúng sinh người sinh, người chết, sắc lành sắc dữ, cõi lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, tùy hạnh thiện ác đều phân biệt hết. Có các chúng sinh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng Hiền thánh, hằng ôm tà kiến, tương ưng với tà kiến, khi thân hoại mạng chung sinh trong địa ngục. Có các chúng sinh thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, không phỉ báng Hiền thánh, hằng tu chánh kiến, tương ưng với chánh kiến, khi thân hoại mạng chung sinh đường lành lên trời. Ta lại dùng Thiên nhãn thanh tịnh không tỳ vết quán chúng sinh người sinh, người chết, sắc lành, sắc dữ, đường lành, đường ác, hoặc tốt hay xấu, các hạnh bổn Ta đều biết rõ.
Phạm chí nên biết, vào lúc giữa đêm, Ta được minh thứ hai, không còn tăm tối, tự giác tri, vui sống ở nới vắng vẻ.
Ta, lại với Tam-muội thanh tịnh không tỳ vết, cũng không kết sử, tâm ý được định, được không sợ hãi, được tâm diệt tận lậu, cũng biết như thật không hư dối, rằng: “Đây là khổ.” Ngay khi ấy, Ta được tâm này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; sau khi giải thoát, liền được trí giải thoát, biết như thật rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh, như thật mà biết. Đó là, này Phạm chí, Ta cuối đêm được minh thứ ba, không u tối nữa.
Thế nào, này Phạm chí, có tâm này chăng, Như Lai có tâm dục, tâm sân hận, tâm ngu si chưa dứt, khi sống ở nơi vắng vẻ? Này Phạm chí, chớ xem như thế. Vì sao? Vì ngày nay Như Lai vĩnh viễn diệt trừ các lậu, hằng ưa sống nơi thanh vắng, không sống giữa người đời. Hôm nay, Ta au khi quán sát hai ý nghĩa này, thích sống nơi vắng vẻ. Thế nào là hai? Tự mình sống ở nơi vắng vẻ và độ hết chúng sinh không thể tính kể[15].
Bấy giờ, Phạm chí Sinh Lậu bạch Phật: –Ngài đã vì thương xót chúng sinh, độ cho tất cả.
Rồi Phạm chí lại bạch Phật:
–Thôi, thôi, Thế Tôn! Những điều được nói đã quá nhiều. Ví như người gù được thẳng, người mê được đường, người mù được mắt, trong tối thấy sáng. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm dùng vô số phương tiện, vì con mà thuyết pháp. Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay về sau con thọ trì ngũ giới, không sát sinh nữa, làm Ưu-bà-tắc. Bấy giờ Phạm chí Sinh Lậu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Phật ở vườn Cù-sư, ở Câu-thâm, nơi bốn Đức Phật đời quá khứ đã ở.
Bấy giờ vua Ưu-điền[16] cùng phu nhân Xá-di[17] và năm trăm cô gái muốn đến vườn dạo chơi ngắm cảnh. Ngay khi ấy, trong thành Xá-vệ có một Tỳ-kheo nghĩ: “Ta xa Thế Tôn đã lâu, muốn đến lễ bái thăm hỏi.”
Đến giờ, Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Xávệ khất thực; ăn xong thu xếp y bát, tọa cụ. Ông lại dùng thần túc bay lên hư không, đến nước Câu-thâm[18]. Tỳ-kheo ấy xả thần túc, đi vào rừng, đến một chỗ vắng, ngồi kiết già tĩnh tọa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm ở trước. Khi ấy, phu nhân Xá-di dẫn năm trăm cô gái đến rừng này. Phu nhân Xá-di từ xa trông thấy Tỳ-kheo dùng thần túc đến ngồi dưới bóng cây, liền đến trước Tỳ-kheo cúi lạy rồi chắp tay đứng trước, năm trăm cô gái đều cúi lạy và chắp tay đứng vây quanh.
Lúc ấy, vua Ưu-điền từ xa trông thấy năm trăm cô gái chắp tay đứng vây quanh Tỳ-kheo này, liền nghĩ: “Trong đây chắc có bầy nai, hoặc có các loài thú, chắc chắn không nghi.” Vua liền cỡi ngựa chạy mau đến đám phụ nữ. Phu nhân Xá-di xa thấy vua đến liền nghĩ: “Vua Ưu-điền cực kỳ hung ác, có thể hại Tỳ-kheo này.” Phu nhân bèn đưa tay mặt lên tâu vua:
–Đại vương nên biết, đây là Tỳ-kheo, chớ có kinh sợ.
Vua liền xuống ngựa, bỏ cung, đến chỗ Tỳ-kheo, bảo Tỳ-kheo:
–Tỳ-kheo, thuyết pháp cho ta nghe!
Tỳ-kheo ấy đưa mắt trông vua, im lặng không nói.
Vua lại bảo Tỳ-kheo:
–Mau thuyết pháp cho ta!
Tỳ-kheo lại đưa mắt nhìn vua, im lặng không nói.
Vua lại nghĩ: “Nay ta hãy hỏi những sự việc ở trong thiền. Nếu thuyết cho ta, ta sẽ cúng dường, trọn đời thí cho y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc thang trị bệnh. Nếu chẳng thuyết cho ta, ta sẽ giết.” Vua lại bảo Tỳ-kheo:
–Tỳ-kheo, thuyết pháp cho ta!
Tỳ-kheo kia vẫn im lặng không đáp.
Bấy giờ Thần cây biết tâm vua, liền hóa ra một bầy nai ở đàng xa, muốn làm loạn tai mắt của vua khiến khởi nghĩ chuyện khác. Khi ấy vua thấy nai liền nghĩ: “Nay hãy bỏ Sa-môn này. Sa-môn rốt cuộc đi đâu cho khỏi.”
Vua liền cỡi ngựa đi bắn bầy nai. Phu nhân bèn thưa: –Nay Tỳ-kheo đến đâu? Tỳ-kheo nói:
–Tôi muốn đến trú xứ của bốn Phật, đến gặp Thế Tôn.
Phu nhân bạch:
–Tỳ-kheo, nay đã đúng lúc. Ngài mau đi đến đó, đừng ở đây nữa, sẽ bị vua hại thì tội vua rất nặng.
Tỳ-kheo ấy liền đứng lên xếp y bát bay lên hư không đi về phương xa. Phu nhân thấy Tỳ-kheo bay cao trên hư không, bèn gọi vua nói:
–Kính mong Đại vương, xem Tỳ-kheo này có đại thần túc. Ngay ở hư không vọt lên, ẩn mất tự tại. Nay Tỳ-kheo ấy còn có sức này, huống Phật Thích-ca Văn mà có thể bì kịp sao?
Tỳ-kheo ấy đến vườn Cù-sư, xả thần túc, bằng pháp bình thường đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo:
–Thế nào, Tỳ-kheo, nhập hạ ở thành Xá-vệ có nhọc nhằn chăng? Tùy thời khất thực có mệt mỏi không? Tỳ-kheo đáp: –Con ở thành Xá-vệ không có gì mệt mỏi. Phật bảo Tỳ-kheo:
–Hôm nay cớ sao đến đây?
Tỳ-kheo bạch Phật:
–Con cốt đến hầu thăm sức khỏe Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Nay ngươi thấy Ta và trụ xứ của bốn Đức Phật thời quá khứ đây chăng? Nay ngươi thoát khỏi tay vua, rất là đại kỳ! Sao ngươi không thuyết pháp cho vua? Lại nữa, vua Ưu-điền nói: “Nay Tỳ-kheo hãy thuyết pháp cho ta. Nay cớ sao ông không thuyết pháp cho ta?” Nếu Tỳ-kheo thuyết pháp cho vua, vua Ưu-điền sẽ rất hoan hỷ. Đã hoan hỷ, vua sẽ suốt đời cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh.
Tỳ-kheo bạch Phật:
–Vì vua muốn hỏi những sự việc ở trong thiền nên con không đáp nghĩa này. Thế Tôn bảo:
–Tỳ-kheo! Tỳ-kheo sao không nói cho vua nghe những sự việc ở trong thiền?
Tỳ-kheo đáp:
–Vua Ưu-điền dùng thiền này làm gốc; ôm lòng hung bạo, không có tâm Từ, sát hại chúng sinh vô kể, tương ưng với dục, ba độc lừng lẫy, chìm trong vực sâu, không thấy chánh pháp, tập hoặc vô tri, nhóm đủ các ác, hành động kiêu mạn, ỷ thế lực vua, tham đắm tài bảo, khinh mạn người đời, mù không có mắt. Người này dùng thiền làm gì? Phàm pháp thiền định là pháp vi diệu trong các pháp, khó thể giác tri, không có hình tướng, chẳng phải đem tâm lường được. Đây chẳng chỗ người thường đến được, chỉ người trí mới biết. Vì những cớ này nên con không thuyết pháp cho vua.
Bấy giờ Thế Tôn bảo:
–Nếu y cũ rách cần phải giặt mới sạch. Dục tâm cực thịnh cần nên quán tưởng bất tịnh, sau đó bèn trừ được. Nếu sân giận thịnh thì dùng tâm Từ trừ đi. U ám ngu si thì dùng pháp mười hai duyên sau đó trừ hết. Này Tỳ-kheo, cớ sao không thuyết pháp cho vua Ưu-điền? Nếu thuyết pháp, vua sẽ hết sức hoan hỷ. Ngay dù lửa cực mạnh vẫn có thể diệt được, huống nữa là người?
Tỳ-kheo kia im lặng chẳng nói. Bấy giờ, Phật bảo Tỳ-kheo:
–Như Lai xử thế rất đặc biệt. Dù Trời, Rồng,
Quỷ thần, Càn-thát-bà, ai hỏi nghĩa Như Lai, Ta sẽ thuyết cho họ. Giả sử quốc vương đại thần, nhân dân hỏi nghĩa Như Lai, Ta cũng sẽ thuyết cho họ. Nếu dòng Sát-đế-lợi, bốn chủng tánh, đến hỏi nghĩa, Ta cũng sẽ thuyết pháp cho. Vì sao thế? Vì hôm nay, Như Lai được bốn Vô sở úy, thuyết pháp không có khiếp nhược; cũng được bốn Thiền, trong đó tự tại, kiêm đắc bốn Thần túc chẳng thể tính kể, hành bốn Đẳng tâm. Thế nên Như Lai thuyết pháp không có khiếp nhược. Lahán, Bích-chi-phật không có thể kịp được. Thế nên, Như Lai thuyết pháp không khó. Nay, các Tỳ-kheo, các ông hãy tìm phương tiện hành bốn Đẳng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Vì sao? Nếu Tỳ-kheo vì chúng sinh, Thiện tri thức được gặp và tất cả cha mẹ, tri thức, thân thuộc đều nên lấy bốn sự dạy khiến họ biết pháp. Thế nào là bốn? Nên cung kính Phật là Bậc Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu, độ người vô lượng.
Hãy nên cầu pháp, tu hành pháp chánh chân, trừ bỏ hành uế ác. Đây là điều mà bậc trí giả tu hành.
Hãy tìm cầu phương tiện cúng dường chúng Tăng. Chúng của Như Lai thường hòa hợp nhau[19] không có tranh tụng, pháp pháp thành tựu, giới thành tựu, Tam-muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Đó là bốn đôi, tám bậc, mười hai Hiền sĩ. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng tôn đáng quý, là ruộng phước vô thượng của thế gian.
Lại nên khuyến trợ khiến hành pháp luật Hiền thánh, không nhiễm ô, tịch tĩnh vô vi. Nếu có Tỳ-kheo nào muốn hành đạo, nên hành đủ pháp bốn sự[20] này. Vì sao thế? Vì pháp cúng dường Tam bảo, tối tôn, tối thượng không ai sánh kịp. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có bốn hành tích của sự[21]. Thế nào là bốn?
Có hành tích lạc mà sở hành ngu hoặc; đây là hành tích thứ nhất. Có hành tích lạc mà sở hành nhanh chóng; có hành tích khổ mà sở hành ngu hoặc; có hành tích khổ mà sở hành nhanh chóng.
Thế nào gọi là lạc hành tích, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người tham dục, sân giận, ngu si lừng lẫy, sở hành rất khổ không tương ưng với gốc của hạnh. Người ấy năm căn ngu tối không được lanh lợi. Thế nào là năm? Đó là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn. Nếu đem ý ngu để cầu Tam-muội dứt hữu lậu, đấy gọi là lạc hành tích, độn căn đắc đạo.
Thế nào gọi là lạc hành tích, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người không dục, không dâm, hằng tự giảm bớt tham dục không ân cần; sân hận, ngu si rất giảm thiểu. Năm căn lanh lợi, không buông lung. Thế nào là năm? Nghĩa là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn; đó là năm căn. Có được năm căn, thành tựu Tam-muội, diệt tận hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là bằng lợi căn mà hành nơi đạo tích.
Thế nào gọi là khổ hành tích, sở hành ngu hoặc? Hoặc có một người lòng dâm quá nhiều; sân giận, ngu si lừng lẫy. Người ấy sống với pháp này mà dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Đó gọi là khổ hành tích độn căn. chứng trí chậm; hành trì lạc, chứng trí nhanh.
Thế nào gọi là lạc hành tích, sở hành nhanh chóng? Hoặc có một người ít dục, ít dâm, không sân hận, cũng không khởi tưởng hành ba việc này. Lúc ấy, năm căn này không thiếu sót. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn; đó là năm. Người ấy bằng pháp này mà được Tam-muội, dứt hữu lậu thành vô lậu. Đó gọi là khổ hành lợi căn.
Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn hành tích này. Hãy tìm cầu phương tiện bỏ ba hành tích trước, vâng hành một hành sau. Vì cớ sao? Vì với khổ hành tích, khó đắc Tam-muội. Khi đã đắc, liền thành đạo, tồn tại lâu ở đời. Vì sao thế? Chẳng thể đem lạc cầu lạc, do khổ mà sau mới thành đạo. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường dùng phương tiện thành tựu hành tích này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, trong khu CA-lan-đà, Trúc viên, cùng với đại chúng năm trăm Tỳ-kheo.
Bấy giờ, bốn Phạm chí cùng đắc ngũ thông, tu hành pháp lành, ở chung một chỗ, bàn luận với nhau rằng: “Lúc thần chết đến, chẳng tránh người mạnh khỏe. Mỗi người hãy ẩn nấp khiến thần chết không biết chỗ đến.
Lúc ấy, một Phạm chí bay lên không trung, muốn được khỏi chết; nhưng tránh chẳng khỏi, mà chết ở không trung. Vị Phạm chí thứ hai lặn xuống đáy biển lớn, muốn được khỏi chết, nhưng chết ở đó. Phạm chí thứ ba muốn khỏi chết, chui vào lòng núi Tu-di và chết trong đó. Phạm chí thứ tư chui xuống đất, đến mé kim cương, muốn được thoát chết, lại chết ở đó.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên nhãn xem thấy bốn Phạm chí, mỗi người đều tránh chết mà đều cùng chết.
Thế Tôn liền nói kệ:
Không phải hư không, biển
Không phải vào hang đá
Không có địa phương nào
Thoát khỏi không bị chết.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ở đây, này Tỳ-kheo, có bốn vị Phạm chí, tụ tập một nơi, muốn được khỏi chết. Mỗi người quay tìm chỗ chạy mà không khỏi chết. Một người ở hư không, một người vào biển lớn, một người vào lòng núi, một người xuống đất, đồng chết hết. Thế nên, các Tỳ-kheo, muốn được khỏi chết, nên tư duy bốn pháp bổn. Thế nào là bốn?
Tất cả hành vô thường; đó là pháp bổn thứ nhất, hãy niệm tưởng tu hành. Tất cả hành là khổ, đó là pháp bổn thứ hai, hãy nên tư duy. Tất cả pháp vô ngã; đây là pháp bổn thứ ba, hãy nên tư duy. Niết-bàn là diệt tận; đây là pháp bổn thứ tư, hãy nên cùng tư duy. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy cùng tư duy bốn pháp này. Vì sao thế? Vì sẽ thoát sinh, già, bệnh, chết, sầu lo não khổ. Đây là nguồn của khổ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Trời Tam thập tam có bốn vườn cảnh để ngắm. Chư Thiên ở đó vui chơi hưởng vui ngũ dục. Bốn vườn gì?
1. Vườn cảnh Nan-đàn-bàn-na[22].
2. Vườn cảnh Thô sáp[23].
3. Vườn cảnh Trú dạ[24].
4. Vườn cảnh Tạp chủng[25].
Trong bốn vườn có bốn ao tắm, ao tắm rất mát, ao tắm hương thơm, ao tắm nhẹ nhàng, ao tắm trong suốt. Thế nào là bốn? Ao tắm Nan-đà[26], ao tắm Nan-đà đảnh, ao tắm Tô-ma[27]; ao tắm Hoan duyệt[28]. Tỳ-kheo nên biết, trong bốn vườn có bốn ao tắm này khiến người thân thể thơm sạch, không có bụi bặm.
Vì sao gọi là vườn Nan-đà-bàn-na? Nếu trời Tam thập tam vào vườn Nan-đàn-bàn-na, tâm tánh sẽ vui vẻ không kiềm được; ở đó vui chơi, nên gọi là vườn Nan-đàn-bàn-na.
Vì sao gọi là vườn Thô sáp? Nếu trời Tam thập tam vào trong vườn này, thân thể sẽ hết sức thô. Ví như mùa đông lấy hương bôi lên thân, thân hết sức thô, chẳng như lúc thường. Vì thế nên gọi là vườn Thô sáp.
Sao gọi là vườn Trú dạ? Khi trời Tam thập tam vào trong vườn này, nhan sắc chư Thiên sẽ khác nhau, tạo bao nhiêu hình thể, ví như phụ nữ mặc các loại áo xiêm, chẳng giống lúc thường. Đây cũng như thế. Nếu trời Tam thập tam vào trong vườn sẽ trở thành các hình sắc không giống lúc thường. Vì thế nên gọi là vườn Trú dạ.
Vì sao gọi là vườn Tạp chủng? Bấy giờ các vị trời tôn quý nhất và trời bậc trung và trời bậc thấp, khi vào trong vườn này đều trở thành giống nhau. Nếu là trời thấp nhất thì không được vào ba vườn kia. Ví như vườn của Chuyển luân thánh vương vào, các vua khác không được vào vườn tắm rửa. Còn nhân dân chỉ có thể đứng xa nhìn. Đây cũng như thế, nếu chỗ trời thần cao nhất vào tắm rửa, các trời nhỏ khác không được vào. Thế nên, gọi là vườn Tạp chủng[29].
Vì sao gọi là ao tắm Nan-đà? Nếu trời Tam thập tam vào trong vườn này, lòng sẽ rất vui vẻ. Thế nên gọi là ao tắm Nan-đà.
Vì sao gọi là ao tắm Nan-đà đảnh? Nếu trời Tam thập tam vào trong vườn này, từng cặp hai người nắm tay chà trên đỉnh đầu mà tắm. Ngay trong Thiên nữ cũng làm như thế. Do đó gọi là ao tắm Nan-đà đảnh.
Vì sao gọi là ao tắm Tô-ma? Nếu trời Tam thập tam vào trong ao tắm này, bấy giờ, nhan mạo chư Thiên đều giống như người, không có đa dạng. Thế nên gọi ao tắm Tô-ma.
Vì sao gọi là ao tắm Hoan duyệt? Nếu trời Tam thập tam vào trong ao này sẽ đều không có lòng kiêu mạn cao thấp, tâm dâm giảm bớt, bấy giờ đồng nhất tâm mà tắm. Thế nên gọi là ao tắm Hoan duyệt.
Đó là, này Tỳ-kheo, có nhân duyên này, có tên này.
Nay trong chánh pháp của Như Lai cũng lại như thế. Có tên bốn vườn. Thế nào là bốn?
Vườn Từ, vườn Bi, vườn Hỷ, vườn Xả*. Đó là, Tỳ-kheo, trong chánh pháp Như Lai có bốn vườn này.
Tại sao gọi là vườn Từ? Tỳ-kheo nên biết, do vườn Từ này mà sinh lên trời Phạm thiên; từ cõi trời Phạm thiên đó chết đi, sinh trong nhà hào quý, nhiều tiền lắm của, hằng có vui ngũ dục, vui thú chưa từng rời mắt. Thế nên gọi là vườn Từ.
Vì sao gọi là vườn Bi? Tỳ-kheo nên biết, nếu hay thân cận tâm Bi giải thoát thì sinh cõi trời Phạm quang âm. Nếu sinh trở lại trong loài người thì sinh nhà tôn quý, không có sân giận, cũng nhiều tiền lắm của. Vì thế nên gọi là vườn Bi.
Vì sao gọi là vườn Hỷ? Nếu người hay thân cận vườn Hỷ thì sinh trời Quang âm. Nếu sinh trở lại trong loài người thì sinh nhà quốc vương, lòng thường hoan hỷ. Vì thế nên gọi là vườn Hỷ.
Vì sao gọi là vườn Xả*? Nếu người thân cận xả thì sẽ sinh trời Vô tưởng, thọ bốn vạn tám ngàn kiếp. Nếu lại sinh trong loài người thì sinh nhà ở chốn trung ương, cũng không sân hận, hằng bỏ[30] tất cả hành phi pháp. Vì thế nên gọi là vườn Xả.
Tỳ-kheo nên biết, trong chánh pháp Như Lai có bốn vườn này khiến các Thanh văn được dạo chơi trong ấy. Trong bốn vườn này của Như Lai có bốn hồ tắm để hàng Thanh văn của ta tắm rửa, dạo chơi trong ấy, dứt hết hữu lậu thành tựu vô lậu, không còn trần cấu. Những gì là bốn? Hồ có hữu giác, có quán; hồ tắm không giác, không quán; hồ tắm xả* niệm; hồ tắm không khổ, không lạc.
Thế nào là hồ tắm có giác, có quán[31]? Nếu có Tỳ-kheo được Sơ thiền rồi, ở trong các pháp hằng có giác quán, tư duy pháp trừ bỏ kết sử triền cái, vĩnh viễn không còn dư tàn. Thế nên gọi có giác, có quán.
Thế nào là hồ tắm không giác, không quán[32]? Nếu có Tỳ-kheo đắc Nhị thiền rồi, diệt có giác, có quán, lấy thiền làm thức ăn. Vì thế gọi là không giác, không quán.
Thế nào gọi là hồ tắm Xả* niệm? Nếu Tỳ-kheo được Tam thiền rồi, diệt có giác, có quán; không giác, không quán, hằng xả* niệm Tam thiền[33]. Vì thế gọi là hồ tắm xả niệm.
Thế nào gọi là hồ tắm Không khổ không lạc[34]? Nếu Tỳ-kheo được Tứ thiền rồi, cũng không niệm lạc, cũng chẳng niệm khổ; cũng không niệm pháp quá khứ, vị lai, chỉ dụng tâm ở trong pháp hiện tại, thế nên gọi là hồ tắm Không khổ không lạc.
Do vậy, này các Tỳ-kheo, trong chánh pháp của Như Lai có bốn hồ tắm này, để hàng Thanh văn của ta ở trong ấy tắm rửa, diệt hai mươi mốt kết, qua biển sinh tử, vào thành Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu muốn qua biển sinh tử này, hãy tìm cầu phương tiện diệt hai mươi mốt kết, vào thành Niết-bàn. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ví như bốn con rắn độc lớn hết sức hung bạo được bỏ chung trong một cái hộp. Nếu có người từ bốn phương đến, muốn sống, không muốn chết, muốn tìm vui không tìm khổ, chẳng ngu chẳng tối, tâm ý không rối loạn, không bị lệ thuộc gì, khi ấy, nếu vua hay đại thần của vua gọi người này bảo: “Nay có bốn con rắn độc lớn, hết sức hung bạo. Ông nên tùy thời nuôi nấng, tắm rửa chúng cho sạch; tùy thời cho ăn uống, đừng để thiếu thốn. Nay là lúc thích hợp, hãy làm điều thích hợp phải làm!”
Người kia trong lòng sợ hãi không dám tới thẳng trước, bèn bỏ chạy không biết đường nào. Người kia lại được bảo rằng: “Nay ta sai năm người cầm đao kiếm theo sau ông. Nếu họ bắt được sẽ dứt mạng ông. Chớ nên chậm trễ.”
“Người kia sợ bốn con rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, phóng chạy tứ tung, không biết phải làm gì. Người kia lại được bảo rằng: “Nay ta lại sai sáu oan gia theo sau ông. Ai bắt được sẽ dứt mạng ông. Muốn làm gì hãy làm đi!”
Người kia sợ bốn con rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, lại sợ sáu oan gia, liền phóng chạy khắp nơi. Người kia khi thấy trong cái xóm hoang, muốn vào đó núp; hoặc gặp nhà trống, hoặc gặp vách đổ, không có gì chắc chắn; hoặc thấy một cái ghe trống, hoàn toàn không có gì. Khi ấy có người thân hữu với người ấy, muốn giúp đỡ cho khỏi nạn, liền bảo: “Chỗ vắng vẻ này nhiều giặc cướp, muốn làm gì thì cứ tùy ý.”
Người kia đã sợ bốn rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm, lại sợ oan gia, lại sợ trong thôn trống vắng, liền phóng chạy khắp nơi. Người ấy khi thấy phía trước có dòng nước lớn, vừa sâu vừa rộng, cũng không có người và cầu đò để có thể qua được bờ kia, mà chỗ người ấy đứng lại nhiều giặc cướp hung ác. Lúc đó, người ấy nghĩ: “Nước này rất sâu rộng, nhiều giặc cướp, làm sao qua được bờ kia? Nay ta nên gom góp cây cối cỏ rác làm bè, nương vào bè này mà từ bờ bên đây qua đến bờ bên kia.” Người ấy liền gom cây cỏ làm bè, rồi qua được bờ kia, chí không di động. Các Tỳ-kheo nên biết, nay ta lấy ví dụ, nên khéo suy nghĩ. Nói nghĩa này là có nghĩa gì?
Bốn rắn độc là bốn đại. Thế nào là bốn đại? Đó là đất, nước, gió, lửa. Đó là bốn đại.
Năm người cầm kiếm tức năm thạnh ấm. Thế nào là năm? Đó là sắc ấm, thọ* ấm, tưởng, hành ấm, thức ấm.
Sáu oan gia là ái dục.
Thôn trống là sáu nhập bên trong[36]. Thế nào là sáu?
Đó là nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập. Nếu người có trí tuệ, khi quán mắt, thấy thảy đều trống không, không chỗ gì, hư dối, lặng lẽ, không bền chắc. Khi quán tai, mũi, miệng, thân, ý, thấy đều trống không, đều rỗng lặng, cũng không bền chắc.
Nước là bốn dòng. Thế nào là bốn? Tức là dục lưu, hữu lưu, vô minh lưu, kiến lưu[37].
Bè lớn là tám đạo phẩm của Hiền thánh. Thế nào là tám? Chánh kiến, chánh trị, chánh ngữ, chánh phương tiện, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định. Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh.
Muốn vượt qua nước là sức tinh tấn với phương tiện khéo léo. Bờ này là thân tà[38]. Bờ kia là diệt thân tà. Bờ này là quốc giới của vua A-xàthế. Bờ kia là quốc giới của vua Tỳ-sa. Bờ này là quốc giới của Ba-tuần. Bờ kia là quốc giới của Như Lai.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
Lúc ấy trong thành Xá-vệ có một Ưu-bà-tắc vừa mạng chung và lại sinh trong nhà đại trưởng giả tại thành Xá-vệ. Vị phu nhân lớn nhất mang thai. Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh không tỳ vết để xem; thấy Ưu-bà-tắc này sinh trong nhà trưởng giả giàu nhất thành Xá-vệ. Ngay ngày đó lại có Phạm chí thân hoại mạng chung sinh trong địa ngục. Thế Tôn cũng dùng Thiên nhãn xem thấy. Cũng ngay ngày đó, Trưởng giả A-na-bânđể mạng chung, sinh cõi thiện, lên trời. Thế Tôn cũng dùng Thiên nhãn xem thấy. Ngay ngày hôm đó, cũng có một Tỳ-kheo chứng nhập Niết-bàn, Thế Tôn cũng bằng Thiên nhãn mà nhìn thấy.
Bấy giờ, Thế Tôn thấy bốn việc này rồi, liền nói kệ này:
Nếu người thọ bào thai
Hành ác vào địa ngục
Người lành sinh lên trời
Vô lậu nhập Niết-bàn.
Nay người hiền thọ thai
Phạm chí vào địa ngục
Tu-đạt sinh lên trời
Tỳ-kheo thì diệt độ.
Bấy giờ, Thế Tôn rời tĩnh thất, đến giảng đường Phổ tập mà ngồi, rồi Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nay có bốn việc mà nếu người tu hành theo thì khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh trong loài người. Thế nào là bốn? Người mà thân, miệng, ý và mạng thanh tịnh không tỳ vết, lúc mạng chung sẽ được sinh trong loài người.
Này Tỳ-kheo, lại có bốn pháp mà ai tập hành, người đó sẽ vào trong địa ngục. Thế nào là bốn? Thân, miệng, ý và mạng không thanh tịnh. Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn pháp này mà ai thân cận thì khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào trong địa ngục.
Lại nữa, này Tỳ-kheo, lại có bốn pháp mà nếu người tu tập hành theo thì sẽ sinh cõi lành, lên trời. Thế nào là bốn? Bố thí, nhân ái, lợi người, đồng lợi. Đó là, này Tỳ-kheo, ai hành pháp này, khi thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi lành, lên trời.
Lại nữa, này Tỳ-kheo, lại có bốn pháp nếu ai tập hành theo, khi thân hoại mạng chung, diệt tận hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, như thật mà biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa. Thế nào là bốn? Thiền có giác, có quán; thiền không giác, không quán; xả* niệm; thiền khổ lạc diệt. Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn pháp này, nếu ai tu tập thực hành theo đó thì sẽ diệt tận hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, như thật mà biết rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.”
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu thiện gia nam tử trong bốn bộ chúng, muốn sinh trong loài người, hãy tìm cầu phương tiện hành thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh. Nếu muốn được sinh lên cõi trời, cũng hãy tìm cầu phương tiện hành bốn ân huệ. Nếu muốn được hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, cũng hãy tìm cầu phương tiện hành bốn Thiền. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Phật ngoài thành Tỳ-xá-ly, trong một khu rừng. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Xưa, lúc Ta chưa thành đạo, lúc ấy, Ta sống trong núi Đại úy[40]. Nếu ai có lòng dục hay không lòng dục mà vào trong núi này, lông tóc đều dựng ngược. Lại gặp lúc quá nóng nực, sóng nắng tung hoành, Ta cởi trần mà ngồi, ban đêm thì vào rừng sâu. Lúc trời quá lạnh, gió mưa dồn dập thì ban ngày Ta vào trong rừng, ban đêm ngủ ngoài trời. Bấy giờ, Ta hay tụng một bài kệ mà xưa chưa từng nghe, chưa từng thấy:
Lạnh lẽo, đêm nghỉ
Trong núi Đại úy
Thân thể cởi trần
Ta đã thệ nguyện[41].
Hoặc Ta đến gò mả để lấy áo người chết che mình. Bấy giờ, có người xóm Án-trá[42] đến lượm nhánh cây đâm vào tai Ta hay thọc vào mũi Ta. Có người khạc nhổ, có người đi tiểu hoặc lấy đất bôi lên mình Ta. Nhưng Ta trọn không nghĩ gì về họ. Lúc ấy, Ta có tâm xả này.
Bấy giờ, tại chỗ chuồng bò, nếu thấy phân bê, Ta liền lấy ăn. Nếu không có phân bê, Ta liền ăn phân bò. Khi ăn món này, Ta nghĩ: “Nay ăn để làm gì? Hãy nhịn trọn ngày.” Lúc Ta nghĩ vậy, chư Thiên đến chỗ Ta bảo: “Nay Ngài chớ nhịn ăn nữa. Nếu Ngài nhịn, tôi sẽ đem cam lồ, tinh khí giúp Ngài sống.” Ta lại nghĩ: “Đã nhịn ăn sao lại để chư Thiên đem cam lồ cho Ta? Đó là sự dối trá.” Rồi Ta lại nghĩ: “Nay có thể ăn các thứ mè, gạo bỏ dư.” Bấy giờ, mỗi ngày Ta ăn một hạt mè, một hạt gạo, thân hình liệt nhược, xương cốt dính nhau. Trên đỉnh đầu mọc mụt nhọt, da thịt rơi rớt. Ví như trái bầu khô vỡ, không lành lặn, đầu Ta lúc ấy cũng thế, trên đỉnh mọc nhọt, da thịt rơi rớt, do không ăn. Cũng như tinh tú hiện trong giếng sâu; lúc ấy mắt Ta cũng thế, đều vì không ăn. Ví như xe cũ hư nát, thân Ta cũng thế, tất cả đều hư hỏng không thể theo ý mình. Cũng như dấu chân lạc đà, hai xương cùng của ta cũng thế. Nếu khi Ta lấy tay đè bụng, liền đụng xương sống. Nếu lúc đè xương sống, liền đụng da bụng. Thân thể ốm yếu đều vì không ăn. Bấy giờ Ta đã dùng một hạt mè, một hạt gạo làm thức ăn mà trọn vô ích, chẳng được pháp thượng tôn. Nếu muốn đại, tiểu tiện, Ta liền té xuống đất, không tự đứng lên được.
Bấy giờ, chư Thiên trông thấy liền nói: “Samôn Cù-đàm đã diệt độ!” Lại có chư Thiên nói: “Sa-môn này chưa chết, nay ắt phải chết.” Có chư Thiên lại nói: “Sa-môn này không phải chết! Samôn này thực là A-la-hán. Pháp La-hán thường có khổ hành này.”
Bấy giờ, Ta còn thần thức, biết được chuyện bên ngoài. Ta lại nghĩ: “Nay lại nhập vào thiền không hơi thở.” Và Ta liền nhập vào thiền không hơi thở, đếm hơi thở ra vào. Ta do đếm hơi thở ra vào, giác biết có hơi từ lỗ tai ra. Khi ấy tiếng gió như tiếng sấm. Ta lại nghĩ: “Nay Ta ngậm miệng, bịt tai cho hơi thở không ra.” Hơi thở vì không ra được, khi đó hơi thở theo chân và tay mà ra. Giả sử khi hơi không ra từ tai, mũi, miệng, bấy giờ, bên trong như tiếng sấm rền. Ta cũng thế, khi ấy thần thức vẫn còn chuyển theo thân.
Ta lại nghĩ: “Ta hãy nhập lại thiền nín thở.” Khi ấy, Ta phong bế hết các lỗ thở. Ta vì phong bế các hơi thở ra vào, đầu trán liền đau nhức như có người lấy dùi mà dùi đầu. Ta cũng vậy, đầu đau rất khổ sở.
Bấy giờ, Ta vẫn còn thần thức. Ta lại nghĩ: “Nay Ta nên ngồi thiền, dứt hơi thở, không cho hơi thở ra vào.” Khi ấy, Ta liền bít hơi thở ra vào. Các hơi thở dồn xuống bụng. Lúc hơi thở chuyển động hết sức nhỏ nhiệm. Như đồ tể cầm đao giết bò, Ta cũng vậy, hết sức đau đớn. Cũng như một người yếu đuối bị hai người mạnh khỏe nắm lấy đem nướng trên lửa, đau đớn chịu không nổi. Ta cũng vậy, khổ đau này không thể trình bày đầy đủ. Bấy giờ, Ta vẫn có thần thức. Ngày ngày Ta ngồi thiền, thân thể không có màu sắc giống người. Có người trông thấy nói: “Sa-môn này có màu da quá đen.” Có người thấy nói: “Sa-môn này có da như màu chàm.”[43]
Tỳ-kheo, nên biết, trong sáu năm tu hành khổ hạnh này mà chẳng được phép thượng tôn, bấy giờ, Ta nghĩ: “Hôm nay nên ăn một trái cây.” Ta liền ăn một trái. Khi Ta ăn ngày một trái, thân hình yếu đuối, không thể tự đi đứng, như một trăm hai mươi tuổi, đốt xương rời rạc, chẳng thể nâng đỡ. Tỳ-kheo nên biết, một quả khi ấy bằng một trái táo nhỏ bấy giờ. Bấy giờ, Ta lại nghĩ: “Đây chẳng phải căn bản Ta thành đạo. Hẳn phải có con đường khác.”
Ta lại nghĩ: “Ta nhớ lại ngày xưa ở dưới gốc cây của Phụ vương, không dâm, không dục, trừ bỏ pháp ác bất thiện, nhập Sơ thiền. Không giác không quán, nhập Nhị thiền. Niệm thanh tịnh, không có các tưởng, nhập Tam thiền. Không khổ lạc, ý niệm thanh tịnh, nhập Tứ thiền. Có thể đây là đạo. Nay Ta nên tìm đạo này.”
Trong sáu năm, Ta cầu đạo cần khổ mà không thành tựu, hoặc nằm trên gai góc, hoặc nằm trên ván đóng đinh sắc, hoặc treo thân thể cách xa mặt đất, hai chân ở trên, đầu chúc xuống, hoặc tréo chân ngồi xoạc cẳng, hoặc để râu tóc dài không hề cạo hớt, hoặc ngày phơi lửa thiêu đốt, hoặc thời tiết đông lạnh ngồi trên băng, thân thể chìm trong nước, hoặc lặng lẽ không nói, hoặc có lúc một ngày ăn một bữa, hoặc hai ngày ăn một bữa, hoặc ba ngày một bữa, hoặc bốn ngày một bữa, cho đến bảy ngày một bữa, hoặc ăn rau trái, hoặc ăn lúa mè, hoặc ăn rễ cỏ, hoặc ăn trái cây, hoặc ăn hương hoa, hoặc ăn các thứ quả, củ. Có lúc ở trần, có lúc mặc y rách nát, hoặc đắp y bằng cỏ gấu, hay đắp y lông dạ, có lúc lấy tóc người che thân, có lúc để tóc, có lúc lấy tóc người khác đội thêm.
Như thế Tỳ-kheo, khi xưa Ta khổ hành đến như vậy mà chẳng thu hoạch được căn bản của bốn pháp. Thế nào là bốn? Nghĩa là giới luật Hiền thánh khó tỏ, khó biết; trí tuệ Hiền thánh khó tỏ, khó biết; giải thoát Hiền thánh, khó tỏ, khó biết; Tam-muội Hiền thánh khó tỏ, khó biết. Đó là, này Tỳ-kheo, có bốn pháp này. Xưa Ta khổ hạnh chẳng được cốt yếu này.
Bấy giờ, Ta lại nghĩ: “Nay Ta cần phải tìm cầu được đạo Vô thượng. Thế nào là đạo Vô thượng? Đó là hướng về bốn pháp này: “Giới luật Hiền thánh, Tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh, giải thoát Hiền thánh.”
Rồi Ta lại nghĩ: “Chẳng thể đem thân ốm yếu này mà cầu đạo thượng tôn. Nên ăn chút ít để được khí tinh vi, nuôi nấng thân thể, khí lực mạnh mẽ. Sau đó mới tu hành đắc đạo.”
Ngay khi Ta ăn chút ít, được khí tinh vi, năm Tỳ-kheo bỏ Ta mà đi: “Sa-môn Cù-đàm này tánh hạnh thác loạn, bỏ chân pháp theo nghiệp tà.”
Lúc đó Ta từ chỗ ngồi đứng dậy, kinh hành theo hướng Đông. Ta lại nghĩ: “Chỗ thành đạo của hằng sa chư Phật đời quá khứ là ở đâu?” Ngay khi ấy, phía trên Ta, có Thiên thần đứng giữa hư không, nói vói Ta rằng: “Hiền sĩ, nên biết, hằng sa chư Phật quá khứ ngồi dưới bóng mát cây đạo thọ mà thành Phật.” Rồi Ta lại nghĩ: “Ngồi chỗ nào mà được thành Phật?” Chư Thiên lại bảo Ta: “Quá khứ hằng sa chư Phật ngồi trên đệm cỏ, rồi sau đó mới thành Phật.”
Khi ấy, cách Ta không xa, có Phạm chí Cát Tường cắt cỏ một bên. Ta liền đến đó hỏi: “Ông là ai? Tên gì? Có họ gì?” Phạm chí đáp: “Tôi tên Cát Tường, họ Phất Tinh.”
Ta bảo người ấy: “Lành thay, lành thay! Tên họ như thế rất hiếm có. Họ tên không dối mới thành hiệu này, khiến ông hiện đời tốt lành, không bất lợi, trọn vẹn khiến ông trừ sạch sinh, già, bệnh, chết. Ông họ Phất Tinh, cũng đồng với Ta lúc trước. Nay Ta muốn xin ít cỏ.” Cát Tường hỏi: “Nay Cù-đàm dùng cỏ để làm gì?” Ta đáp Cát Tường: “Ta muốn trải dưới cây Thọ vương để cầu bốn pháp. Thế nào là bốn? Đóa là giới luật Hiền thánh, Tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh, giải thoát Hiền thánh.”
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Cát Tường tự thân đem cỏ trải dưới cây thọ vương. Rồi Ta ngồi lên, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết già, buộc niệm ở trước. Bấy giờ Ta cởi bỏ lòng tham dục, trừ các ác pháp, có giác, có quán, nhập Sơ thiền. Trừ diệt có giác, có quán, tâm nhập Nhị thiền, Tam thiền; xả* niệm thanh tịnh, ưu hỷ trừ sạch, tâm nhập Tứ thiền[44].
Bấy giờ, Ta với tâm thanh tịnh, trừ các kết sử, đắc vô sở úy, tự biết túc mạng biến đổi vô số. Ta liền tự nhớ việc vô số đời, hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn, năm đời, mười đời, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn, vạn đời; kiếp thành kiếp hoại, vô số kiếp thành, vô số kiếp hoại, vô số kiếp thành hoại. Ta từng chết đây, sinh kia; từ kia mạng chung đến sinh nơi này; nguồn gốc nhân duyên gốc ngọn đưa đến, nhớ việc vô số đời như thế.
Ta lại bằng Thiên nhãn thanh tịnh, không tỳ vết, quán chúng sinh, kẻ sinh, người chết, cõi lành sắc lành, cõi ác sắc ác, hoặc đẹp hay xấu tùy hành bổn, Ta thảy đều biết rõ. Hoặc có chúng sinh thân, miệng, ý hành ác, phỉ báng Hiền thánh, tạo gốc nghiệp tà, tương ưng với tà kiến, thân hoại mạng chung, sinh trong địa ngục. Hoặc có chúng sinh thân, miệng, ý hành thiện không phỉ báng Hiền thánh, tương ưng với chánh kiến, thân hoại mạng chung sinh ở nhân gian. Đó là chúng sinh thân, miệng, ý không có tà nghiệp.
Ta do tâm Tam-muội thanh tịnh không tỳ vết, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, như thật biết rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh, liền thành Vô thượng Chánh chân.”
Này các Tỳ-kheo, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn rõ biết các nẻo, nhưng những đường này, vốn ngày xưa Ta chưa có đường nào chẳng đi, chỉ trừ chưa hề một lần sinh lên trời Tịnh cư vì không còn trở lại cõi này. Hoặc lại với một số Sa-môn, Bà-lamôn, đó là chỗ đáng tái sinh nhưng Ta chẳng sinh, vì không thích hợp. Vì đã sinh lên trời Tịnh cư thì không còn trở lại thế gian này nữa.
Các ông đã được giới luật Hiền thánh, Ta cũng được. Các ông được Tam-muội Hiền thánh, Ta cũng được. Các ông được giải thoát Hiền thánh, Ta cũng được. Các ông được giải thoát tri kiến Hiền thánh, Ta cũng được. Ta đã cắt dứt gốc rễ bào thai, sinh tử đã hết hẳn, không còn tái sinh. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy cầu phương tiện thành tựu bốn pháp. Vì sao thế? Vì nếu Tỳ-kheo nào được bốn pháp này thì thành đạo không khó. Như ngày nay, Ta thành đạo Vô thượng Chánh chân đều do bốn pháp này mà được thành quả. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Quá khứ lâu xa, trời Tam thập tam là Thích Đề-hoàn Nhân cùng các ngọc nữ đến vườn Nanđàn-bàn-na dạo chơi. Có một Thiên nhân làm kệ:
Không thấy vườn Nan-đàn
Thì chẳng biết có vui
Các chỗ chư Thiên ở
Không đâu hơn nơi này.
Bấy giờ, có vị trời bảo Thiên nhân ấy rằng:
–Ông nay không trí, không biết phân biệt chánh lý. Vật ưu khổ mà ngược lại cho là vui. Vật không bền chắc mà nói là bền. Vật vô thường nói ngược là thường. Vật không lõi chắc lại nói lõi chắc. Vì sao? Vì ông không nghe Như Lai nói kệ sao?
Tất cả hành vô thường
Có sinh tất có chết
Không sinh thì không chết
Diệt này là vui nhất.
Đã có nghĩa này, lại có kệ này. Sao ông nói cõi này vui nhất? Nay ông nên biết, Như Lai cũng nói pháp bốn lưu. Nếu chúng sinh chìm trong những dòng này, trọn chẳng đắc đạo. Những gì là bốn? Nghĩa là dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu.
Thế nào gọi là dục lưu? Dục lưu gồm năm dục. Thế nào là năm? Nghĩa là mắt thấy sắc khởi nhãn thức tưởng, tai nghe tiếng khởi thức tưởng, mũi ngửi mùi khởi thức tưởng, lưỡi nếm vị khởi thức tưởng, thân biết xúc chạm khởi thức tưởng. Đó gọi là dục lưu.
Thế nào là hữu lưu? Hữu lưu tức là ba hữu. Thế nào là ba? Nghĩa là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Đó là hữu lưu.
Thế nào gọi là kiến lưu? Kiến lưu nghĩa là chấp thế gian là thường, vô thường; thế gian là hữu biên, vô biên; có thân, có mạng; chẳng phải thân, chẳng phải mạng; Như Lai có chết, Như Lai không chết, hoặc Như Lai vừa chết Như Lai không chết, không phải Như Lai vừa chết cũng không phải Như Lai không chết. Đó gọi là kiến lưu.
Thế nào là vô minh lưu? Vô minh là không biết, không tin, không thấy; tâm ý tham dục, hằng mong cầu và có năm triền cái: Tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, điệu hý cái, nghi cái. Lại chẳng biết Khổ, chẳng biết Tập, chẳng biết Diệt, chẳng biết Đạo. Đó gọi là vô minh lưu.
Thiên tử nên biết, Như Lai nói bốn dòng này. Nếu có ai chìm vào đây thì chẳng thể đắc đạo.
Bấy giờ, vị trời kia nghe lời này xong, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ trời Tam thập tam biến mất, đi đến chỗ Ta, cúi lạy rồi đứng một bên. Trời ấy bạch với Ta:
–Lành thay, Thế Tôn, khéo nói nghĩa này: Như Lai đã nói bốn dòng. Nếu phàm phu chẳng nghe bốn dòng này thì chẳng được bốn an lạc. Thế nào là bốn? Đó là lạc do phục tức[45], lạc chánh giác, lạc của Sa-môn, lạc Niết-bàn. Nếu phàm phu chẳng biết bốn dòng này thì chẳng được bốn an lạc này.
Nói vậy xong, Ta lại bảo:
–Đúng vậy, Thiên tử, như lời ông nói, nếu không biết được bốn dòng này thì không biết được bốn an lạc này.
Rồi Ta tuần tự nói các đề tài cho Thiên nhân kia, đề tài về thí, đề tài về giới, đề tài về sinh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai hoạn lớn, xuất yếu là an lạc.
Bấy giờ, Thiên nhân đã phát tâm hoan hỷ, Ta liền diễn nói rộng về pháp bốn dòng và nói về bốn an lạc. Khi ấy, vị trời kia chuyên tâm nhất ý tư duy pháp này, sạch các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Nay Ta cũng nói bốn pháp, bốn lạc này, để được pháp bốn Đế. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nên tu tưởng vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường. Đã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái Dục giới, ái Sắc giới, ái Vô sắc giới, đoạn tận vô minh, đoạn tận kiêu mạn. Ví như đốt cháy cây cỏ, tất cả đều dập tắt hết. Đây cũng vậy, nếu tu tưởng vô thường thì đoạn trừ hết tất cả kết sử. Vì sao?
Ngày xưa rất lâu, có một Thiên tử đem năm trăm ngọc nữ, theo nhau kẻ trước người sau, đến dạo chơi trong vườn Nan-đà-bàn-na, chơi đùa dần dần đến dưới cây Ca-ni, tự vui ngũ dục. Rồi Thiên tử kia leo lên cây chơi, hái hoa, tâm ý rối loạn, rơi xuống cây mà chết. Ông sinh trong nhà trưởng giả lớn trong thành Xá-vệ này. Bấy giờ, năm trăm ngọc nữ đấm ngực kêu gào không ngớt. Ta dùng Thiên nhãn trông thấy Thiên tử chết sinh trong nhà đại trưởng giả, trong thành Xá-vệ. Qua tám chín tháng sinh một bé trai xinh đẹp vô song, như màu hoa đào. Con trưởng giả dần dần khôn lớn. Cha mẹ liền tìm vợ cho anh ta. Cưới vợ chưa bao lâu, anh lại chết, sinh trong biển lớn làm thân rồng. Bấy giờ, trong nhà trưởng giả kia, cả nhà đều kêu khóc đau đớn rất thương tâm. Rồng ấy lại bị chim cánh vàng ăn thịt, chết sinh trong địa ngục, Bấy giờ, các long nữ lại thiết tha thương nhớ vô tả. Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Trời kia lúc hái hoa
Tâm ý loạn không an
Như nước trôi thôn xóm
Tất chìm không cứu được.
Bấy giờ chúng ngọc nữ
Vây quanh mà khóc lóc
Mặt mày rất xinh đẹp
Yêu hoa mà mạng chung.
Loài người cũng than khóc
Mất khúc ruột của ta
Vừa bụng lại mạng chung
Bị vô thường tan hoại.
Long nữ theo sau tìm
Các rồng đều tụ tập
Bảy đầu thật dũng mãnh
Bị chim cánh vàng hại.
Chư Thiên cũng ưu sầu
Loài người cũng như thế
Long nữ cũng sầu ưu
Địa ngục chịu đau khổ.
Diệu pháp bốn Đế này
Mà chẳng biết như thật
Có sinh thì có chết
Chẳng thoát biển sông dài.
Thế nên hãy khởi tưởng
Tu các pháp thanh tịnh
Tất sẽ lìa khổ não
Lại chẳng bị tái sinh.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nên tu hành tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường, sẽ đoạn Dục ái, Sắc ái, Vô sắc ái, cũng đoạn kiêu mạn, đoạn tận vô minh không dư tàn. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, đệ tử Tôn giả Mục-liên và đệ tử Tôn giả A-nan, hai người nói chuyện:
–Hai chúng ta đồng tụng kinh xem ai hay hơn! Lúc ấy nhiều Tỳ-kheo nghe hai người thảo luận, bèn đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
–Nay có hai người bàn luận: “Hai chúng ta cùng tụng kinh xem ai hay!”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
–Ông đi gọi hai Tỳ-kheo ấy đến đây.
Tỳ-kheo đáp:
–Kính vâng, bạch Thế Tôn!
Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đến hai người kia bảo họ:
–Thế Tôn cho gọi hai thầy.
Hai người nghe Tỳ-kheo nói, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo hai người:
–Các ông ngu si! Các ông thực có nói: “Chúng ta cùng tụng kinh xem ai hay hơn.” không?
Hai người đáp:
–Đúng vậy, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
–Các ông có nghe Ta nói pháp này: “Hãy cùng cạnh tranh với nhau chăng?” Pháp như thế đâu khác Phạm chí?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Chúng con chẳng nghe Như Lai nói pháp này. Thế Tôn bảo:
–Ta không thuyết pháp này cho Tỳ-kheo, vì vậy mà các ông tranh hơn thua chăng? Nhưng pháp mà Ta thuyết hôm nay là muốn có người được hàng phục, có người được giáo hóa. Tỳ-kheo nào lúc thọ lãnh pháp, hãy nhớ suy nghĩ bốn duyên, xem có tương ưng với Khế kinh, A-tỳđàm, Luật không? Nếu tương ưng, hãy nhớ vâng làm.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Tụng nhiều việc vô ích
Pháp này chẳng phải hay
Như đi đếm số bò
Chẳng thiết yếu Sa-môn.[46]
Nếu tụng tập chút ít
Nhưng thực hành theo pháp
Pháp này là trên hết
Đáng gọi pháp Sa-môn.[47]
Tuy tụng đến ngàn chương
Không nghĩa đâu ích gì
Chẳng bằng tụng một câu
Nghe xong đắc đạo được.[48]
Tuy tụng đến ngàn lời
Không nghĩa đâu ích gì
Chẳng bằng tụng một nghĩa
Nghe xong đắc đạo được.49
Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Chiến thắng thật tối thượng.[49]
Thế nên, này các Tỳ-kheo, từ nay về sau chớ nên tranh tụng, có tâm hơn thua. Vì sao thế? Hãy nghĩ hàng phục tất cả mọi người. Nếu Tỳ-kheo có tâm hơn thua, tâm tranh tụng nhau mà cùng cạnh tranh thì phải lấy pháp luật mà trị. Tỳ-kheo, vì thế hãy tự tu hành.
Hai Tỳ-kheo nghe Phật nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy Thế Tôn sám hối:
–Từ nay về sau, chúng con không làm vậy nữa.
Cúi xin Thế Tôn nhận lời con hối lỗi.
Thế Tôn bảo:
–Trong đại pháp, các ông đã chịu sửa lỗi, tự biết có tâm cạnh tranh. Ta nhận sự hối lỗi của các ông. Các Tỳ-kheo, chớ nên thế nữa. Như thế, các Tỳ-kheo hãy học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Tăng thượng, tọa, hành tích
Vô tình, vườn quán, hồ
Vô lậu, vô tức, thiền
Bốn lạc, không tranh tụng.
❑
[1] . Tham chiếu Pāli, M 4 Bhayabherava (R.i. 16).
[2] . Sinh Lậu 生 漏。Pāli: Jāịussoṇī.
[3] . Pāli, ibid., Ye hi vo ariyā parisuddhakāyakammantā, những vị Thánh mà thân hành thanh tịnh.
[4] . Hán dịch đoạn này thiếu: “sự kinh sợ” được nói ở đoạn trên. Pāli, ibid., : Te bhonto samaṇabrāhmanā akusalaṃ bhayabheravaṃ avhāyanti, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy làm nổi lên sự kinh sợ khiếp đảm, bất thiện.
[5] . Hán lược bỏ, theo văn mạch trên: (…) cho đến, “sợ hãi kinh khiếp.”
[6] . Hán lược bỏ ý: Không sợ hãi khiếp đảm.
[7] . Hán dịch lược bỏ: Sa-môn, Bà la-môn.
[8] . Hán lược bỏ: Sợ hãi khiếp đảm.
[9] . Pāli, ibid., những Sa-môn, Bà-la-môn tưởng ban ngày như là ban đêm (Rattiṃyeva samānaṃ divāti sañjānanti), ta nói họ sống trong si ám (sammohavihārasmiṃ).
[10] . Niệm trì hỷ lạc 念 持 喜 樂。Văn Hán chuẩn về Sơ thiền: Ly sinh hỷ lạc, có hỷ lạc phát sinh do viễn ly (ở đây dịch là niệm?)
[11] . Sơ thiền: Hiện pháp lạc trú thứ nhất.
[12] . Nhị thiền: Hiện pháp lạc trú thứ hai.
[13] . Hộ, nên hiểu là xả.
[14] . Tam thiền: Hiện pháp lạc trú thứ ba.
[15] . Pāli, ibid.: Sống tại núi rừng thanh vắng (araññavanapathāni), vì hai mục đích (dve atthavase): Tự mình sống an lạc ngay trong hiện tại, hiện pháp lạc trú (attano diṭṭhadhammasukhavihāraṃ), và vì thương tưởng chúng sinh trong tương lai (pacchimañca janataṃ anukampamāno).
[16] . Ưu-điền 優填; Pāli: Udena, quốc vương nước Kosambī (Hán dịch: Câu-thâm).
[17] . Xá-di phu nhân 舍 彌 夫 人。Pāli: Sāmāvatī.
[18] . Để bản: Câu-thâm viên 拘 深 園 , chép nhầm. Nên sửa lại là Câu-thâm quốc.
[19] . Để bản nhảy sót một chữ pháp. Đây chỉ thành tựu pháp tùy pháp (Pāli: Dhammānudhammapaṭipanna).
[20] . Bốn sự nói trên, tức bốn bất hoại tín, bất động tín, hay bốn chứng tịnh. Pāli: Avecca-pasāda.
[21] . Bốn sự hành tích 四 事 行 跡; bốn thông hành 四 通 行 , xem Pháp Uẩn 3 (T26n1537, tr. 465a23): Khổ trì thông hành 苦 遲 通 行 , khổ tốc thông hành 苦 速 通 行 , lạc trì thông hành 樂 遲 通 行, lạc tốc thông hành 樂 速 通 行。Pāli, D 33 Saṅgīti (R.iii. 229): Catasso paṭipadā– dukkhā paṭipadā
dandhābhiññā, dukkhā paṭipadā khipPābhiññā, sukhā paṭipadā dandhābhiññā, sukhā paṭipadā khipPābhiññā, bốn sự hành trì: Hành trì khổ, chứng trí chậm; hành trì khổ, chứng trí nhanh; hành trì lạc,
[22] . Nan-đàn-bàn-na 難 檀 槃 那。Skt. (Pāli đồng): Nandana-vana. Xem Trường 20, kinh 30, phẩm Đao-lợi.
[23] . Thô sáp 麤 澀。Skt. Pāruwya. (Pāli: Phārusa, Phārusaka). Xem Trường 20, dẫn trên.
[24] . Trú dạ 晝 夜。Theo giải thích đoạn sau, rõ ràng Hán dịch từ này sai. Skt. Caitrarati (Pāli: Cittalatāvana; Cf. J.i. 204). Xem Trường 20, dẫn trên: Họa lạc viên 畫 樂 園。
[25] . Tạp chủng 雜 種。Skt. Mizraka (Pāli: Missaka). Xem Trường 20, dẫn trên.
[26] . Nan-đà dục trì 難 陀 浴 池。Pāli: Nandā-pokkharaṇī, cf. J. 204. 205.
[27] . Tô-ma 蘇 摩。
[28] . Hoan duyệt 歡 悅。
[29] . Văn Hán dịch đoạn này mâu thuẫn nhau. Nên hiểu, chỉ vườn Tạp chủng, chư Thiên bình đẳng vào được hết. Ba vườn kia, tùy theo bậc lớn nhỏ.
[30] . Hán: Hộ, nghĩa không rõ bằng xả.
[31] . Hữu giác hữu quán 有 覺 有 觀 , chỉ hữu tầm hữu tứ địa, bậc Sơ thiền.
[32] . Vô giác vô quán 無 覺 無 觀 : vô tầm vô tứ địa, bậc Nhị thiền.
[33] . Hán: Hộ niệm 護 念 , chính xác: Xả niệm; ly hỷ trụ xả, an trú lạc với niệm, gọi là ly hỷ diệu lạc địa, bậc Tam thiền.
[34] . Bất khổ bất lạc 不 苦 不 樂 ; xả niệm thanh tịnh địa, xả và niệm thanh tịnh, bậc Tứ thiền trở lên.
[35] . Tham chiếu Pāli, S 55 197 Āsīvisopama (R.iv. 172).
[36] . Nội lục nhập 內 六 入 , tức sáu nội xứ.
[37] . Bốn lưu 四 流 , hay bốn bộc lưu.
[38] . Thân tà 身 邪 , tức hữu thân kiến.
[39] . Tham chiếu Pāli, M 12 Mahāsīhanādasutta (R. i. 68).
[40] . Đại úy sơn. Pāli, ibid. tr. 79: Aññataraṃ bhiṃsanakaṃ vanasaṇḍaṃ, vào một khu rừng rậm hãi hùng; không phải danh từ riêng.
[41] . Pāli, ibid., esanāpasuto munì’ti: Ẩn sĩ (Mâu-ni) với ước nguyện nhiệt thành.
[42] . Án-tra thôn nhân. Pāli, ibid. Gāmaṇḍala, bọn mục đồng. Nhưng Hán đọc là Aṇḍalagāma, đảo âm vận.
[43] . Để bản: Tợ chung 似 終 , như người chết. TNM: Tợ lục, như màu xanh lục.
[44] . Để bản, nhảy sót Tam thiền. Xem các kinh trên.
[45] . Phục tức 休 息 , hay tô tức 蘇 息 , sự phục hồi hơi thở bình thường; chỉ trạng thái an ổn của A-la-hán. Pāli: Assānīya-dhamma.
[46] . Cf. Dhp. 19.
[47] . Cf. Dhp. 20.
[48] . Cf. Dhp. 101. 49. Cf. Dhp. 100.
[49] . Cf. Dhp. 103.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]