TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 33: NĂM VUA

Kinh số 1[1]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vua năm nước lớn, đứng đầu là Batư-nặc, nhóm họp ở trong lạc viên, bàn luận với nhau những điều này. Năm vua gồm những ai?

1. Vua Ba-tư-nặc[2]. 2. Vua Tỳ-sa[3]. 3. Vua Ưu-điền[4]. 4. Vua Ác Sinh[5]. 5. Vua Ưu-đà-diên. Khi ấy, năm vua nhóm họp lại một chỗ bàn luận những điều này:

–Chư hiền nên biết, Như Lai nói về năm dục[6] này. Những gì là năm? Sắc được thấy bởi, khả ái, khả niệm, được người đời mong muốn. Tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mịn láng được xúc chạm bởi thân. Như Lai nói về năm dục này. Trong năm dục này, cái nào tối diệu?

1. Sắc được thấy bởi mắt chăng?

2. Tiếng được nghe bởi tai là tối diệu chăng?

3. Hương được ngửi bởi mũi là tối diệu chăng?

4. Vị được nếm bởi lưỡi là tối diệu chăng?

5. Mịn láng được xúc chạm bởi thân là tối diệu chăng?

Năm sự này, cái nào là tối diệu? Trong đó, hoặc có quốc vương nói, sắc là tối diệu. Hoặc có vị bàn, thanh là tối diệu. Hoặc có vị bàn, hương là tối diệu. Hoặc có vị bàn, vị là tối diệu. Hoặc có vị bàn, mịn trơn là tối diệu.

Lúc ấy, nói sắc tối diệu là thuyết của vua Ưuđà-diên. Nói thanh tối diệu là luận của vua Ưuđiền. Nói hương tối diệu là luận của vua Ác Sinh. Nói vị tối diệu là luận của vua Ba-tư-nặc. Nói mịn trơn tối diệu là luận của vua Tỳ-sa. Bấy giờ, năm vua nói nhau:

–Chúng ta cùng bàn luận về năm dục này, nhưng lại không biết cái nào là tối diệu.

Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc nói với bốn vị vua kia:

–Phật đang ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Chúng ta cùng đến hết chỗ Thế Tôn hỏi nghĩa này. Nếu Thế Tôn có điều chi dạy bảo, chúng ta sẽ cùng phụng hành.

Các vua sau khi nghe vua Ba-tư-nặc nói vậy, liền cùng dẫn nhau đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc đem những điều cùng bàn về năm dục đầy đủ bạch lên Như Lai.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo năm vị vua:

–Những gì các vua bàn, đúng tùy theo trường hợp. Vì sao? Vì tùy vào tánh hạnh mỗi người. Người đắm nhiễm sắc, nhìn sắc không biết chán. Với người này sắc là tối thượng, không gì vượt qua. Bấy giờ, người đó không đắm nhiễm thanh, hương, vị, mịn trơn. Trong năm dục, sắc là tối diệu.

Nếu người có tánh hạnh đắm nhiễm âm thanh, khi nghe thanh, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, thanh là tối diệu tối thượng. Trong năm dục, thanh là tối diệu.

Nếu người có tánh hạnh đắm nhiễm hương, khi ngửi hương, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, hương là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, hương là tối diệu.

Nếu người có tánh hạnh nhiễm đắm vị ngon, khi biết vị rồi, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, vị là tối diệu tối thượng. Trong năm dục, vị là tối diệu.

Nếu người có tánh hạnh nhiễm đắm mịn trơn, khi được mịn trơn rồi lòng rất là hoan hỷ, mà không chán. Với người này, mịn trơn là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, mịn trơn là tối diệu.

Nếu tâm người kia đắm nhiễm sắc, khi ấy người đó sẽ không đắm nhiễm pháp thanh, hương, vị và mịn trơn.

Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm thanh, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, hương, vị và mịn trơn.

Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm hương, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, thanh, vị và mịn trơn.

Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm vị, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, thanh, hương và mịn trơn.

Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm mịn trơn, người đó không còn không đắm nhiễm pháp sắc, thanh, hương, vị.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Khi ý dục bừng cháy
Cái được muốn phải được
Được rồi càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được dục này
Ý tham dục không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi muốn nghe tiếng
Cái được muốn phải được
Nghe xong càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được tiếng này
Tham đó ý không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi lại ngửi hương
Cái được muốn phải được
Ngửi xong càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được hương này
Tham đó ý không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi lại được vị
Cái được muốn phải được
Được rồi thêm hoan hỷ
Sở dục không có nghi.
Kia đã được vị này
Tham đó ý không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Nếu khi được mịn trơn
Cái được muốn phải được
Được rồi thêm hoan hỷ
Sở dục không nghi nan.
Kia đã được mịn trơn
Tham đó ý không mở
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.

Cho nên, này đại vương, nếu nói sắc là diệu, hãy bình đẳng mà luận. Vì sao? Vì nơi sắc có vị ngọt. Nếu sắc không có vị ngọt, chúng sinh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, sắc là tối diệu. Nhưng sắc cũng có tai hại. Nếu sắc không có tai hại, chúng sinh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sinh nhàm chán nó. Nhưng sắc có xuất yếu. Nếu sắc không có xuất yếu, ở đây chúng sinh không ra khỏi biển sinh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sinh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, sắc là tối diệu.

Lại nữa, này đại vương, nếu nói thanh là diệu, hãy bình đẳng mà luận. Vì sao? Vì nơi thanh có vị ngọt. Nếu thanh không có vị ngọt, chúng sinh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, thanh là tối diệu. Nhưng thanh cũng có tai hại. Nếu thanh không có tai hại, chúng sinh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sinh nhàm chán nó. Nhưng thanh có xuất yếu. Nếu thanh không có xuất yếu, ở đây chúng sinh không ra khỏi biển sinh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sinh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, thanh là tối diệu.

Đại vương nên biết, nếu nói hương là diệu, hãy bình đẳng mà bàn. Vì sao? Vì nơi hương có vị ngọt. Nếu hương không có vị ngọt, chúng sinh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, hương là tối diệu. Nhưng hương cũng có tai hại. Nếu hương không có tai hại, chúng sinh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sinh nhàm chán nó. Nhưng hương có xuất yếu. Nếu hương không có xuất yếu, ở đây chúng sinh không ra khỏi biển sinh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sinh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, hương là tối diệu.

Lại nữa, này đại vương, nếu nói vị là diệu, hãy bình đẳng mà bàn. Vì sao? Vì nơi vị có vị ngọt. Nếu vị không có vị ngọt, chúng sinh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, vị là tối diệu. Nhưng vị cũng có tai hại. Nếu vị không có tai hại, chúng sinh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sinh nhàm chán nó. Nhưng vị có xuất yếu. Nếu vị không có xuất yếu, ở đây chúng sinh không ra khỏi biển sinh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sinh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, vị là tối diệu.

Lại nữa, này đại vương, nếu nói mịn trơn là diệu, hãy bình đẳng mà bàn. Vì sao? Vì nơi mịn trơn có vị ngọt. Nếu mịn trơn không có vị ngọt, chúng sinh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có mịn trơn nên trong năm dục, mịn trơn là tối diệu. Nhưng mịn trơn cũng có tai hại. Nếu mịn trơn không có tai hại, chúng sinh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sinh nhàm chán nó. Nhưng mịn trơn có xuất yếu. Nếu mịn trơn không có xuất yếu, ở đây chúng sinh không ra khỏi biển sinh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sinh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, mịn trơn là tối diệu.

Sau khi năm vị vua nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 2

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có Trưởng giả Nguyệt Quang lắm của nhiều tiền, đầy đủ voi ngựa, bảy báu, vàng bạc châu báu không thể tính kể; nhưng Trưởng giả Nguyệt Quang không có con cái. Vì không có con cái nên bấy giờ Trưởng giả Nguyệt Quang cầu đảo trời, thần, thỉnh cầu mặt trời, mặt trăng, Thiên thần, Địa thần, Quỷ tử mẫu, Tứ Thiên vương, hai mươi tám đại thần quỷ vương, Thích Đề-hoàn Nhân và Phạm thiên, thần núi, thần cây, thần ngũ đạo, cây cối, thảo dược; khắp cả mọi nơi, tất cả đều tham lễ, cầu mong ban cho một cậu con trai.

Bấy giờ, vợ Trưởng giả Nguyệt Quang trải qua trong vòng mấy ngày, liền mang thai, bèn nói với trưởng giả:

–Tôi tự biết đã có mang.

Nghe vậy, trưởng giả vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được, liền sắm cho phu nhân giường ghế tốt, ăn uống ngon ngọt, mặc quần áo đẹp.

Trải qua tám chín tháng, phu nhân sinh một cậu bé tướng mạo xinh đẹp, hiếm có trên đời, như màu hoa đào. Bấy giờ, hai tay bé cầm hạt ngọc ma-ni vô giá, ngay đó liền nói kệ này:

Nhà này lắm tài sản
Báu vật cùng thức ăn
Nay tôi muốn bố thí
Để người nghèo không thiếu.
Nếu ở đây không vật
Của báu và thức ăn
Nay có ngọc vô giá
Thường dùng bố thí người.

Lúc đó, cha mẹ cùng người trong nhà nghe lời nói này rồi, mọi người đều bỏ chạy: “Sao lại sinh loài quỷ mỵ này?” Chỉ có cha mẹ vì thương xót con nên không bỏ chạy tán loạn. Người mẹ liền hướng về con nói bài kệ này:

Là Trời, Càn-đạp-hòa
Quỷ mị hay La-sát
Là ai? Tên họ gì
Nay ta muốn biết được!

Lúc ấy, cậu bé dùng kệ đáp lại mẹ:

Chẳng Trời, Càn-đạp-hòa
Chẳng Quỷ mị, La-sát
Nay con, cha mẹ sinh
Là người, không nên nghi.

Khi phu nhân nghe những lời, vui mừng hớn hở không tự kiềm chế được. Bà đem nhân duyên này nói lại hết cho Trưởng giả Nguyệt Quang. Nghe những lời này, Trưởng giả tự nghĩ: “Đây là do duyên gì? Nay ta phải đem việc này nói cho Ni-kiền Tử.” Ông bồng cậu bé này đến chỗ Nikiền Tử, đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Rồi Trưởng giả Nguyệt Quang đem nhân duyên này nói đầy đủ cho Ni-kiền Tử. Ni-kiền Tử sau khi nghe những lời này, bảo trưởng giả:

–Cậu bé này là người bạc phước, đối với thân không có ích, hãy giết đi. Nếu không giết thì nhà cửa tiêu hao suy sụp, thảy đều chết hết.

Lúc này, Trưởng giả Nguyệt Quang tự suy nghĩ: “Trước đây ta không có con cái, Vì nhân duyên này thỉnh cầu trời đất, không nơi nào không đến; trải qua bao nhiêu năm tháng mới sinh được đứa con này. Nay ta không nỡ giết đứa bé này. Cần hỏi lại Sa-môn, Bà-la-môn khác để dứt nghi cho ta.”

Bấy giờ, Như Lai thành Phật chưa lâu. Mọi người xưng hiệu là Đại Sa-môn. Lúc này, Trưởng giả Nguyệt Quang liền tự nghĩ: “Ta nên đem nhân duyên này thuật với Đại Sa-môn ấy.”

Bấy giờ, trưởng giả rời chỗ ngồi đứng dậy, bồng đứa con này đến chỗ Thế Tôn. Giữa đường lại tự nghĩ: “Nay có Phạm chí trưởng lão, tuổi đã quá già, trí tuệ thông minh được mọi người kính trọng, ông còn không biết, không thấy; huống chi là Sa-môn Cù-đàm này, tuổi trẻ, học đạo chưa lâu, há có thể biết việc này sao? Sẽ sợ rằng cũng không giải tỏa được cái nghi của mình. Nay đang giữa đường, ta nên trở về nhà.

Khi ấy, có một Thiên thần xưa là bạn quen biết cũ của trưởng giả, biết được những ý nghĩ trong lòng trưởng giả, ở giữa hư không nói rằng:

–Trưởng giả nên biết, hãy tiến về trước một tí, ắt sẽ được lợi, được quả báo lớn, cũng sẽ đến chỗ cam lộ bất tử. Như Lai ra đời rất là khó gặp. Như Lai mưa cam lồ xuống, thật lâu mới có.

Lại nữa, này trưởng giả, có bốn sự tuy rất nhỏ, không thể xem thường. Sao gọi là bốn?

1. Quốc vương tuy nhỏ, không thể xem thường. 2. Đóm lửa tuy nhỏ, cũng không thể xem thường.

3. Rồng tuy nhỏ, cũng không thể xem thường.

4. Người học đạo tuy nhỏ, cũng không thể xem thường.

Này trưởng giả, đó gọi là bốn sự không thể xem thường.

Lúc ấy, Thiên thần liền nói kệ này:

Quốc vương tuy còn nhỏ
Sát hại do pháp này
Đóm lửa tuy chưa bừng
Sẽ đốt cỏ, cây, núi.
Rồng thần hiện tuy nhỏ
Làm mưa khi đến thời
Người học đạo tuy nhỏ
Độ người vô số lượng.

Bấy giờ, Trưởng giả Nguyệt Quang, tâm ý khai mở, vui mừng hớn hở, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo trưởng giả:

–Hiện cậu bé này rất có phước lớn. Cậu bé này nếu lớn lên, cậu ta sẽ dẫn năm trăm đồ chúng đến chỗ Ta, xuất gia học đạo, đắc A-la-hán. Trong hàng Thanh văn của ta, là người có phước đức lớn nhất không ai có thể sánh kịp.

Lúc ấy, trưởng giả nghe xong, vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được, bạch Thế Tôn: –Đúng như lời Thế Tôn dạy, chẳng phải như Ni-kiền Tử. Bấy giờ, Trưởng giả Nguyệt Quang lại bạch Thế Tôn:

–Cúi xin Ngài hãy thương đứa bé này mà cùng chúng Tăng nhận lời thọ thỉnh.

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh. Sau khi thấy Thế Tôn im lặng nhận lời mời, lông từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi lui đi. Về đến nhà, ông bày biện cỗ bàn các thứ đồ thức uống ngon ngọt, trải tọa cụ tốt. Sáng sớm đích thân đến bạch:

–Đã đến giờ, cúi xin Thế Tôn quang lâm.

Bấy giờ, Thế Tôn biết đã đến giờ, dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh vào thành Xá-vệ, đến nhà trưởng giả, tới chỗ ngồi. Trưởng giả thấy Phật và các Tỳ-kheo đã ngồi ổn định rồi, bèn dọn đồ ăn thức uống, tự tay châm chước, hoan hỷ không loạn. Thấy đã ăn xong, dọn dẹp bình bát, dùng nước rửa, rồi lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước mặt Như Lai, muốn được nghe pháp vi diệu mà Phật thuyết.

Khi ấy, Trưởng giả Nguyệt Quang bạch Thế Tôn:

–Nay con xin đem tất cả nhà cửa, sản nghiệp, ruộng vườn cho đứa bé này, cúi xin Thế Tôn hãy đặt tên cho.

Thế Tôn bảo:

–Lúc đứa bé này sinh, mọi người đều bỏ chạy tán loạn, gọi là quỷ Thi-bà-la[7] nên nay đặt tên là Thi-bà-la[8].

Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự nói các đề tài vi diệu cho trưởng giả và vợ trưởng giả; đề tài về bố thí, về trì giới, về sinh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai họa lớn, xuất yếu là vi diệu.

Bấy giờ, Thế Tôn thấy tâm ý của trưởng giả và vợ trưởng đã khai mở, không còn hồ nghi nữa. Như pháp thường mà chư Phật Thế Tôn thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo; bấy giờ Thế Tôn nói hết cho trưởng giả, khiến cho phát tâm hoan hỷ. Ngay trên chỗ ngồi, vợ chồng trưởng giả sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Giống như vải trắng mới dễ nhuộm màu, vợ chồng trưởng giả lúc này cũng như vậy, ở ngay trên chỗ ngồi, được mắt pháp trong sạch. Họ đã thấy pháp, được pháp và phân biệt các pháp, đã hết do dự, không còn hồ nghi, được không còn sợ hãi, hiểu được pháp sâu xa của Như Lai, liền thọ năm giới.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Tế tự, lửa trên hết
Các luận, kệ đứng đầu
Vua, tôn quý loài người
Biển là nguồn các sông;
Trăng sáng nhất các sao
Nguồn sáng mặt trời nhất
Tám phương và trên dưới
Muôn phẩm vật sản sinh;
Người muốn cầu phước kia
Tam-phật[9] là tối tôn.

Khi Thế Tôn nói bài kệ này xong, liền từ chỗ đứng dậy ra về.

Khi ấy, trưởng giả tìm năm trăm đồng tử sai hầu Thi-bà-la. Khi Thi-bà-la vừa tròn hai mươi tuổi, đến chỗ cha mẹ thưa cha mẹ:

–Cúi xin song thân cho phép con xuất gia học đạo.

Bấy giờ, song thân liền chấp thuận. Vì sao? Vì trước đây Thế Tôn đã thọ ký cho rồi: “Cậu sẽ dẫn năm trăm thiếu niên đến chỗ Thế Tôn xin làm Samôn.”

Lúc này, Thi-bà-la và năm trăm người, lạy sát chân cha mẹ rồi liền lui đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Thi-bà-la bạch Thế Tôn:

–Cúi xin cho phép con được xếp vào đạo.

Bấy giờ, Thế Tôn, liền chấp thuận cho làm Samôn. Chưa qua mấy ngày, liền thành A-la-hán, lục thần thông trong suốt, tám giải thoát đầy đủ. Bấy giờ, năm trăm đồng tử đến trước bạch Phật: –Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng con làm Samôn.

Thế Tôn im lặng hứa khả. Xuất gia chưa kinh qua bao nhiêu ngày liền thành A-la-hán.

Bấy giờ, Tôn giả Thi-bà-la trở về bang cũ nước Xá-vệ, được mọi người kính ngưỡng và được cúng dường bốn thứ: Y áo, thức ăn, tọa cụ ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Lúc ấy, Thi-bà-la tự nghĩ: “Nay ta ở tại bang cũ này rất là ồn ào. Nay có thể du hóa ở trong nhân gian.”

Bấy giờ, đến giờ khất thực, Tôn giả Thi-bà-la đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, trở về chỗ ở, thu xếp tọa cụ, đắp y mang bát, dẫn theo năm trăm Tỳ-kheo ra khỏi tinh xá Kỳ hoàn du hóa trong nhân gian. Đến đâu, họ cũng đều được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, tọa cụ, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Lại có chư Thiên báo các thôn làng:

–Nay có Tôn giả Thi-bà-la đắc A-la-hán, phước đức đệ nhất, dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hóa trong nhân gian, chư Hiền hãy đến cúng dường.

Ai nay không làm sau hối hận vô ích.

Lúc này, Tôn giả Thi-bà-la tự nghĩ: “Nay thật chán ngấy sự cúng dường này, nên lánh chỗ nào cho người không biết chỗ ta.” Rồi Tôn giả bèn đi vào núi sâu. Chư Thiên lại báo với mọi người trong thôn làng: –Hiện Tôn giả Thi-bà-la đang ở trong núi này. Hãy đến cúng dường. Nay ai không làm, sau hối hận vô ích.

Dân làng sau khi nghe chư Thiên nói vậy, liền gánh đồ ăn thức uống đến chỗ Tôn giả Thi-bà-la thưa:

–Cúi xin Tôn giả hãy vì chúng con mà ở đây.

Lúc ấy, Thi-bà-la du hóa trong nhân gian đi dần dần đến chỗ Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo, cũng được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, tọa cụ ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Lúc này, Tôn giả Thibà-la tự nghĩ: “Nay ta nên tìm chỗ nào để hạ an cư, cho mọi người không biết chỗ ta.” Rồi lại nghĩ: “Nên đến phía Tây núi Quảng phổ[10] ở phía Đông núi Kỳ-xà[11], ở đó hạ an cư.” Liền dẫn năm trăm Tỳ-kheo ở trong núi kia mà thọ hạ an cư. Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân biết được những ý nghĩ trong tâm Thi-bà-la, liền ở trong núi hóa hiện Phù-đồ[12], vườn cây ăn trái, đều đầy đủ; chung quanh có ao tắm, hóa ra năm trăm đài cao, lại hóa năm trăm giường nằm, lại hóa năm trăm giường ngồi, lại hóa năm trăm giường dây và dùng cam lồ trời mà ăn.

Lúc ấy, Tôn giả Thi-bà-la nghĩ thầm: “Nay ta đã hạ an cư xong. Lâu quá không gặp Như Lai, nay nên đến hầu cận Thế Tôn.” Liền dẫn năm trăm Tỳ-kheo đến thành Xá-vệ. Lúc ấy, trời nóng bức, chúng Tỳ-kheo đều đổ mồ hôi, dơ bẩn thân thể. Tôn giả Thi-bà-la nghĩ thầm: “Hôm nay, chúng Tỳ-kheo thân thể nóng nực, nếu được chút mây trên trời cùng tạo cơn mưa nhỏ thì thật là việc tốt và gặp được ao tắm nhỏ cùng được ít nước uống.” Vừa khởi lên ý nghĩ này, tức thì trên không trung xuất hiện một đám mây lớn tạo thành cơn mưa bụi. Cũng có ao tắm, có bốn phi nhân gánh nước uống ngon ngọt do Tỳ-sa-môn thiên vương sai khiến, đến thưa:

–Cúi xin Tôn giả nhận nước uống ngọt này và cho Tăng Tỳ-kheo.

Tôn giả nhận nước uống này, rồi cho Tăng Tỳ-kheo uống.

Bấy giờ, Thi-bà-la lại nghĩ: “Nay ta nên nghỉ đêm ở nơi đây.” Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân biết những ý nghĩ trong tâm Thi-bà-la, liền hóa ra năm trăm phòng xá ở cạnh đường, đầy đủ giường nằm, tọa cụ. Lúc ấy, chư Thiên dâng lên đồ ăn thức uống. Thi-bà-la ăn xong, rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

Bấy giờ, chú của Tôn giả Thi-bà-la đang ở trong thành Xá-vệ, lắm tiền nhiều của, không thiếu thứ gì, nhưng lại tham lam không chịu bố thí, không tin Phật, Pháp, Tăng, không tạo công đức. Lúc ấy, những thân tộc nói với người này:

–Trưởng giả dùng của cải này làm gì mà không tạo tư lương cho đời sau?

Sau khi, trưởng giả kia nghe những lời này rồi, trong một ngày, đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho Phạm chí ngoại đạo chớ không hướng về Tam bảo[13].

Lúc đó, Tôn giả Thi-bà-la nghe chú mình đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo mà không cúng dường cho Tam bảo. Tôn giả Thi-bàla đến tinh xá Kỳ hoàn, rồi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn vì Thi-bà-la nói pháp vi diệu. Tôn giả Thi-bà-la sau khi nghe pháp từ Như Lai rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi ra đi.

Ngay ngày hôm ấy, Tôn giả Thi-bà-la đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực, dần dần đến nhà người chú. Đến nơi, đứng im lặng ở ngoài cửa. Khi đó, trưởng giả thấy Tôn giả Thi-bà-la ở ngoài cửa khất thực, liền nói:

–Hôm qua, sao ngươi không lại? Hôm qua ta đem trăm ngàn lượng vàng bố thí. Giờ ta cho ngươi một tấm vải giạ.

Thi-bà-la đáp: –Nay tôi không dùng vải làm gì. Hôm nay đến là để khất thực.

Trưởng giả đáp:

–Hôm qua ta đã dùng trăm ngàn lượng vàng bố thí, nên không thể bố thí trở lại được.

Lúc này, Tôn giả Thi-bà-la muốn độ trưởng giả, nên liền bay lên không trung, thân tuôn ra nước lửa, ngồi, nằm kinh hành tùy ý tạo. Khi trưởng giả thấy biến hóa này, bèn tự nói:

–Hãy xuống trở lại mà ngồi đi! Nay ta sẽ bố thí cho.

Tôn giả Thi-bà-la liền xả thần túc, về lại chỗ ngồi. Khi ấy, trưởng giả kia đem đồ ăn thức uống tệ dở, thật là thô xấu, cho Tôn giả Thi-bà-la dùng. Tôn giả Thi-bà-la vốn sinh trưởng trong gia đình hào phú, đồ ăn uống dư dã, nhưng vì trưởng giả kia nên nhận thức ăn này mà ăn. Tôn giả Thi-bàla ăn xong, trở về chỗ ở. Ngay đêm ấy, giữa hư không Thiên thần đến nói trưởng giả này:

Thiện thí, thí thật lớn
Là cho Thi-bà-la
Vô dục, đã giải thoát
Đoạn ái, không còn nghi.

Giữa đêm và sáng sớm, hai lần nói kệ này:

Thiện thí, thí thật lớn
Là cho Thi-bà-la
Vô dục, đã giải thoát
Đoạn ái, không còn nghi.

Khi trưởng giả nghe chư Thiên nói, bèn suy nghĩ: “Hôm qua ta đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo mà không có cảm ứng này. Hôm nay chỉ dùng thứ ăn tệ dở thí cho Tôn giả Thi-bàla mà đưa đến cảm ứng này. Lúc nào trời sáng, ta sẽ đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho Tôn giả Thi-bà-la.

Rồi trưởng giả ngay ngày ấy, kiểm tính trong nhà có được giá trăm ngàn lạng vàng bố thí Thibà-la, bèn đem đến chỗ Tôn giả Thi-bà-la, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, ông đem trăm ngàn lạng vàng dâng lên Thi-bà-la và nói: –Cúi xin ngài nhận trăm ngàn lượng vàng này. Tôn giả Thi-bà-la nói:

–Chúc trưởng giả hưởng phước vô lượng, sống lâu tự nhiên. Nhưng Như Lai lại không cho phép Tỳ-kheo nhận trăm ngàn lượng vàng.

Lúc ấy, trưởng giả liền đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, trưởng giả kia bạch Thế Tôn:

–Cúi xin Thế Tôn cho Tỳ-kheo Thi-bà-la nhận trăm ngàn lượng vàng này, cho con được phước này.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:

–Ngươi đi đến chỗ Tỳ-kheo Thi-bà-la nói Ta cho gọi ông ấy.

Tỳ-kheo đáp:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn.

Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, tức thì đi đến chỗ Thi-bà-la đem những lời Như Lai mà báo.

Tôn giả Thi-bà-la nghe theo lời Tỳ-kheo kia, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thi-bà-la:

–Nay ngươi hãy nhận trăm ngàn lượng vàng của trưởng giả này, để ông ta được phước này.

Đây là nghiệp duyên kiếp trước, nên hưởng báo này. Tôn giả Thi-bà-la đáp:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn.

Lúc ấy, Tôn giả Thi-bà-la liền nói bài kệ đạtsấn[14]:

Cúng y áo các thứ
Muốn cầu phước đức kia
Sinh làm trời hay người
Vui hưởng năm lạc thú.
Từ trời đến cõi người
Vượt khỏi nghi có không
Chỗ Niết-bàn vô vi
Nơi chư Phật an lạc.
Người huệ thí dễ dàng
Mong đây được phước đức
Hãy phát tâm từ huệ
Làm phước không mệt mỏi.

Khi ấy, Tôn giả Thi-bà-la bảo trưởng giả: –Hãy mang trăm ngàn lượng vàng này để trong phòng ta.

Trưởng giả vâng theo lời dạy này, mang trăm ngàn lượng vàng để trong phòng Tôn giả Thi-bàla rồi ra đi.

Lúc này, Thi-bà-la bảo các Tỳ-kheo:

–Các vị, có ai thiếu gì thì đến đây mà lấy; hoặc nếu cần y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm ngọa cụ, thuốc men trị bệnh đều đến lấy; đừng cầu ở nơi khác, hãy lần lượt báo cho nhau biết điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

–Thi-bà-la xưa kia đã tạo phước gì mà sinh nhà trưởng giả, xinh đẹp vô song như màu hoa đào? Lại tạo phước gì mà hai tay cầm ngọc từ thai mẹ sinh ra? Lại tạo phước gì mà dẫn năm trăm người đến chỗ Như Lai xuất gia, học đạo, được gặp Như Lai ở đời? Lại tạo phước gì mà đến đâu cũng được đầy đủ y phục, đồ ăn thức uống tự nhiên không thiếu thốn, Tỳ-kheo khác không bì kịp?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Quá khứ lâu xa, chín mươi mốt kiếp, có Phật hiệu Tỳ-bà-thi[15] Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Túc*, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu*, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, du hóa tại nước Bàn-đầu cùng với đại chúng gồm sáu mươi vạn tám ngàn người, được cúng dường bốn thứ: Y phục, đồ ăn thức uống, tọa ngọa cụ, thuốc men trị bệnh.

Lúc ấy, có Phạm chí tên Da-nhã-đạt[16] sống ở nơi ấy, nhiều tiền lắm của, vàng bạc, trân báu, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, không thể đếm hết.

Bấy giờ, Da-nhã-đạt ra khỏi nước, đi đến chỗ Như Lai Tỳ-bà-thi. Đến nơi, thăm hỏi nhau, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Như Lai Tỳ-bà-thi lần lượt vì ông nói pháp, khiến ông ta sinh tâm hoan hỷ. Bấy giờ, Da-nhã-đạt bạch Như Lai Tỳ-bà-thi: “Cúi xin Ngài nhận lời thỉnh của con. Con muốn dâng cơm cúng Phật và Tăng Tỳ-kheo.”

Khi ấy Như Lai im lặng nhận lời. Phạm chí Danhã-đạt thấy Thế Tôn im lặng nhận lời mời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi về nhà. Ông chuẩn bị sửa soạn các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt.

Bấy giờ, vào lúc nửa đêm, Da-nhã-đạt suy nghĩ: “Nay ta đã chuẩn bị đầy đủ các món đồ ăn thức uống, chỉ còn thiếu lạc[17]. Sáng sớm mai ta sẽ đến trong cửa thành, nơi đó có ai bán lạc sẽ mua hết.” Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Da-nhã-đạt bày tọa cụ tốt, rồi lại đến trong cửa thành để tìm mua lạc. Vào lúc ấy, có một người chăn bò, tên là Thibà-la muốn, mang lạc đi tế tự[18]. Phạm chí Da-nhãđạt nói với người chăn bò: “Nếu ông bán lạc, tôi sẽ mua.” Thi-bà-la nói: “Nay tôi muốn tế tự.” Bàla-môn nói: “Nay ông tế trời là để cầu điều gì? hãy bán cho tôi, sẽ trả giá tiền cao hơn.” Người chăn bò đáp: “Ông Phạm chí, nay ông dùng lạc để làm gì?” Phạm chí đáp: “Nay tôi thỉnh Như Lai Tỳ-bà-thi và Tăng Tỳ-kheo. Nhưng đồ ăn thức uống đã chuẩn bị xong, chỉ còn thiếu lạc.” Thi-bà-la hỏi Phạm chí nói: “Như Lai Tỳ-bà-thi tướng mạo thế nào?” Phạm chí đáp: “Như Lai không ai sánh bằng, giới thanh tịnh đầy đủ, định và tuệ không ai bì kịp. Trên trời dưới đất không ai sánh bằng.”

Khi Phạm chí Da-nhã-đạt ca ngợi đức của Như Lai, Thi-bà-la nghe xong tâm trí khai mở. Khi ấy, Thi-bà-la bảo Phạm chí: “Nay tôi đích thân đem lạc này đến cúng dường Như Lai, không cần tế trời làm gì nữa.”

Lúc ấy, Phạm chí Da-nhã-đạt dẫn người chăn bò này về đến nhà, đi đến chỗ Phật, bạch rằng: “Đã đúng giờ, nay là lúc thích hợp, xin Thế Tôn hạ cố.” Như Lai biết đã đến giờ, đắp y mang bát, dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh đến nhà Phạm chí Da-nhã-đạt, mọi người ngồi theo thứ lớp.

Khi người chăn bò thấy dung mạo Như Lai hiếm có trên đời, các căn tịch tĩnh[19], đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Ngài, mặt như mặt trời, mặt trăng, giống như núi Tu-di hơn hẳn đỉnh các núi khác, ánh sáng chiếu khắp không nơi tối nào không thấu. Thấy vậy, vui mừng, ông đến trước chỗ Thế Tôn, nói rằng: “Nếu công đức của Như Lai đúng như Phạm chí đã nói, hãy cho bình lạc này đủ cung cấp cho chúng Tăng.”

Rồi Thi-bà-la bạch Thế Tôn: “Cúi xin nhận lạc này.”

Như Lai liền đưa bát nhận lạc, cũng lại cho các Tăng Tỳ-kheo nhận lạc đầy đủ. Khi ấy, người chăn bò bạch Thế Tôn: “Nay lạc vẫn còn dư.” Như Lai bảo: “Nay ông đem lạc này cúng thêm cho Phật và các Tỳ-kheo.” Người chăn bò đáp: “Thưa vâng, Thế Tôn!” Người chăn bò đi chia lạc trở lại, cuối cùng lạc vẫn còn dư. Người chăn bò lại bạch Phật: “Số lạc vẫn còn dư!” Như Lai bảo người này:

“Nay hãy đem lạc này cúng cho chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khiến được no đủ.” Số lạc vẫn còn dư. Bấy giờ, Phật bảo người chăn bò: “Nay ngươi đem lạc này cho chủ nhân đànviệt.” Đáp: “Thưa vâng.” Rồi lại tìm cho các thí chủ đàn-việt. Số lạc còn dư, lại đem cho những người ăn xin nghèo thiếu, nhưng lạc vẫn còn dư. Lại bạch Phật: “Hiện lạc vẫn còn dư.” Phật bảo: “Nay đem số lạc này đổ nơi đất sạch, hoặc đổ vào trong nước. Vì sao? Ta không thấy có người hay trời nào có thể tiêu hóa lạc này, chỉ trừ Như Lai. Người chăn bò vâng lời dạy Phật, đem lạc này đổ vào trong nước, tức thì ngay trong nước xuất hiện ngọn lửa lớn cao vài mươi nhẫn. Người chăn bò sau khi thấy sự biến hóa quái lạ này, trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, chắp tay mà đứng. Lại tự thệ nguyện: “Nay đem lạc này cúng dường cho bốn bộ chúng. Nếu có được phước đức, do phước lành này, con sẽ không đọa vào nơi tám nạn, không sinh vào nhà nghèo thiếu. Sinh ra bất cứ nơi nào, sáu căn hoàn toàn đầy đủ, mặt mày xinh đẹp, thường được xuất gia. Mong đời tương lai cũng gặp được Thánh tôn như vậy.”

Tỳ-kheo nên biết, ba mươi mốt kiếp về trước, lại có Phật tên Thức-cật[20] Như Lai xuất hiện ở đời. Lúc ấy, Như Lai Thức-cật giáo hóa ở thế giới Dãmã, cùng mười vạn đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ, khi đến giờ, Như Lai Thức-cật đắp y mang bát vào thành khất thực. Lúc đó trong thành có một khách thương lớn tên Thiện Tài. Từ xa thấy Như Lai Thức-cật có các căn tịch tĩnh, dung mạo đoan chánh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Ngài, mặt như mặt trời, mặt trăng; thấy rồi liền phát tâm hoan hỷ, đến trước chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Lúc này, người buôn đem ngọc báu quý rải lên Như Lai, tâm sâu kín của ông được thể hiện qua lời thề: “Nguyện đem công đức này, nơi nào con sinh ra cũng lắm của nhiều tiền, không có gì thiếu thốn, trong tay lúc nào cũng có tiền của, cho đến trong bào thai mẹ cũng có.”

Ở trong kiếp này lại có Như Lai Tỳ-xá-la-bà[21] Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc[22],

Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu[23], Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có Trưởng giả tên Thiện Giác lắm của nhiều tiền, lại thỉnh Như Lai Tỳ-xála-bà Chí Chân Đẳng Chánh Giác và Tăng Tỳ-kheo. Trưởng giả ấy thiếu người giúp việc, nên lúc này đích thân sắp soạn đồ ăn thức uống ngon ngọt thiết trai cho Như Lai ấy, rồi tự thệ nguyện: “Tôi do công đức này, sinh ở nơi nào, thường được gặp Tam bảo, không thiếu thốn thứ gì, thường có nhiều người hầu và trong đời tương lai cũng gặp Phật như ngày nay vậy.”

Nay trong Hiền kiếp này, lại có Phật tên Câulâu-tôn[24] Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc*, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu*, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có trưởng giả tên Đa Tài lại thỉnh Như Lai Câu-lâu-tôn, trong vòng bảy ngày cúng dường cơm Phật và Tăng Tỳ-kheo, cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh: “Nguyện sinh ra nơi nào thường lắm của nhiều tiền, không sinh vào nhà bần tiện; khiến chỗ sinh của con thường được bốn sự cúng dường; làm nơi bốn bộ chúng, quốc vương và nhân dân trông thấy tôn kính; nơi trời, rồng, quỷ thần, người hay chẳng phải người trong thấy tiếp đãi.”

Các Tỳ-kheo nên biết, Phạm chí Da-nhã-đạt bấy giờ há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Vì sao? Vì nay tự thân chính là Trưởng giả Nguyệt Quang. Người chăn bò tên Thi-bà-la đem lạc cúng dường Phật lúc ấy, nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Người lái buôn Thiện Tài lúc ấy, há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Trưởng giả Thiện Giác lúc ấy, há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Trưởng giả Đa Tài lúc ấy, há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Ngày nay chính là Tỳ-kheo Thi-bàla.

Các Tỳ-kheo nên biết, Tỳ-kheo Thi-bà-la đã phát thề nguyện này: “Mong nơi nào con sinh ra, con thường xinh đẹp vô song, lúc nào cũng sinh vào nhà giàu sang. Mong đời sau được gặp Thế Tôn. Ngài sẽ thuyết pháp cho con nghe, con liền được giải thoát, được xuất gia làm Sa-môn.” Do công đức này, ngày nay, Tỳ-kheo Thi-bà-la được sinh trong nhà giàu có, xinh đẹp vô song. Nay gặp Ta lập tức thành A-la-hán.

Song Tỳ-kheo nên biết, lại nhờ công đức rải châu báu lên mình Như Lai nên nay ở trong bào thai tay cầm hai hạt châu mà ra khỏi thai mẹ, giá trị bằng cả Diêm-phù-đề. Ngày vừa sinh ra, liền nói như vậy. Lại thỉnh Như Lai Câu-lâu-tôn để cầu có nhiều người sai khiến, nên nay dẫn năm trăm đồ chúng đến chỗ ta xuất gia học đạo, thành A-lahán.

Lại trong vòng bảy ngày cúng dường Như Lai Câu-lâu-tôn để được tứ sự cúng dường, nên ngày nay không thiếu y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh. Nhờ công đức này, các Tỳ-kheo không bì kịp. Thích Đề-hoàn Nhân đích thân đến cúng dường, cung cấp các thứ cần dùng. Lại nữa, chư Thiên truyền nhau báo xóm làng cho bốn bộ chúng biết có Thi-bà-la. Ý nghĩa của sự việc là vậy. Người phước đức đệ nhất trong đệ tử của ta chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 3[25]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm hạng trượng phu dũng kiện[26], có nhiệm vụ chiến đấu, xuất hiện ở đời. Những ai là năm?

Ở đây, có người mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu, từ xa thấy gió bụi liền sinh lòng sợ hãi. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ nhất.

Lại nữa, người chiến đấu thứ hai mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu; nếu thấy gió bụi không sinh lòng sợ hãi, nhưng thấy ngọn cờ cao liền sinh lòng sợ hãi, không thể tiến lên chiến đấu. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ hai.

Lại nữa, người chiến sĩ thứ ba mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu, khi thấy gió bụi, hay thấy ngọn cờ cao không sinh lòng sợ hãi, nhưng thấy cung tên liền sinh lòng sợ hãi, không có khả năng chiến đấu. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ ba.

Lại nữa, người chiến sĩ thứ tư mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu; nếu thấy gió bụi, thấy ngọn cờ cao, hay thấy cung tên không sinh lòng sợ hãi, nhưng vừa vào trận liền bị địch bắt, hoặc bị giết. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ tư.

Lại nữa, người chiến sĩ thứ năm mặc áo giáp, cầm gậy đi vào trận chiến đấu; nếu thấy gió bụi, thấy ngọn cờ cao, thấy cung tên hoặc bị bắt, cho đến gần chết, không sinh lòng sợ hãi, có thể phá tan quân địch trong ngoài bờ cõi, mà lãnh đạo nhân dân. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ năm.

Cũng vậy, Tỳ-kheo, thế gian có năm loại người này, thì nay trong chúng Tỳ-kheo cũng có năm hạng người này xuất hiện ở đời. Những ai là năm?

Có Tỳ-kheo sống tại thôn xóm khác, nghe trong thôn này có người nữ xinh đẹp vô song, mặt như màu hoa đào. Nghe rồi, đến giờ, đắp y, cầm bát, vào thôn khất thực; thấy người nữ này nhan sắc vô song, liền sinh dục tưởng, cởi bỏ ba y, hoàn xả cấm giới mà làm cư sĩ. Giống như người chiến đấu kia, thấy chút gió bụi đã sinh lòng sợ hãi; Tỳ-kheo này tựa như vậy.

Lại nữa, có Tỳ-kheo nghe có người nữ sống ở trong thôn xóm xinh đẹp không ai bằng. Đến giờ, đắp y, cầm bát, vào thôn khất thực; khi thấy người nữ mà không khởi dục tưởng, nhưng cùng người nữ kia đùa giỡn, chuyện trò qua lại. Rồi nhân việc đùa giỡn này liền cởi pháp phục, trở lại làm bạch y. Như hạng người thứ hai kia, tuy thấy bụi gió không sợ, nhưng thấy ngọn cờ cao liền sinh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy.

Lại nữa, có Tỳ-kheo nghe trong thôn có người nữ, dung mạo xinh đẹp, ít có trên đời, như màu hoa đào. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực; khi thấy người nữ không khởi dục tưởng. Tuy dù cùng người đùa giỡn nhau, cũng không khởi tưởng dục ý; nhưng cùng người nữ kia nắm tay, hoặc vuốt ve nhau, trong đó liền khởi dục tưởng, cởi ba pháp y, trở lại làm bạch y, tập khởi nghiệp nhà. Như hạng người thứ ba kia khi vào trận, thấy gió bụi, thấy cờ cao không sinh lòng sợ hãi, nhưng thấy cung tên liền sinh lòng sợ hãi.

Lại nữa, có Tỳ-kheo nghe trong thôn làng có người nữ, mặt mày xinh đẹp ít có trên đời. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực; khi thấy người nữ không khởi dục tưởng, hay cùng nói chuyện cũng không khởi dục tưởng. Khi được người nữ kia vuốt ve liền khởi dục tưởng, nhưng không cởi pháp phục tập khởi nghiệp nhà. Như hạng thứ tư kia vào quân trận bị địch bắt, hoặc mất mạng không trở ra được.

Lại nữa, có Tỳ-kheo nương vào thôn làng mà sống, họ nghe trong thôn có người nữ. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực, khi thấy người nữ không khởi dục tưởng, nếu cùng nói cười cũng không khởi dục tưởng, nếu lại được vuốt ve cũng không khởi dục tưởng. Lúc ấy Tỳ-kheo quán ba mươi sáu vật trong thân này ô uế bất tịnh: “Ai đắm vào đây? Do đâu khởi dục? Dục này dừng lại chỗ nào? Là từ đầu chăng? Ra từ thân thể chăng?” Quán các vật này rõ ràng không có gì cả. Từ đầu đến chân cũng lại như vậy. Những gì thuộc năm tạng không có tưởng tượng, cũng không có chỗ đến. Vị ấy quán nguồn duyên không biết từ nơi nào lại.

Vị ấy lại nghĩ: “Ta quán dục này từ nhân duyên sinh.” Tỳ-kheo quan sát điều này rồi, tâm được giải thoát dục lậu, tâm được giải thoát hữu lậu, tâm được giải thoát vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát, liền được trí giải thoát, như thật biết rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.” Giống như người chiến đấu thứ năm kia sống tự tại không bị nạn địch quân. Do vậy, cho nên nay Ta nói người này đã dứt bỏ ái dục, vào nơi vô úy, đạt đến thành Niếtbàn.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm hạng người này xuất hiện ở đời.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Dục, Ta biết gốc ngươi
Ý do tư tưởng sinh
Ta chẳng sinh tư tưởng
Còn ngươi thì không có.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy quán sát dâm bất tịnh hạn là ô uế, để trừ bỏ sắc dục.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 4[27]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm hạng chiến đấu xuất hiện ở đời. Sao gọi là năm? Có người mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, họ thấy gió bụi liền sinh lòng sợ hãi không dám vào trong trận lớn kia. Đó gọi là hạng người thứ nhất.

Lại nữa, hạng chiến đấu thứ hai mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, thấy gió bụi không sinh sợ hãi, nhưng nghe tiếng trống đánh liền sinh lòng sợ hãi. Đó gọi là hạng thứ hai.

Lại nữa, hạng thứ ba mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, khi thấy gió bụi không sinh lòng sợ hãi, hoặc nghe tiếng trống, tù và không sinh sợ hãi, nhưng khi thấy cờ cao liền sinh lòng sợ hãi không dám chiến đấu. Đó gọi là hạng thứ ba.

Lại nữa, hạng thứ tư mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, khi thấy gió bụi không sinh lòng sợ hãi, hoặc nghe tiếng trống, tù và cũng không sinh lòng sợ hãi, hay thấy cờ cao cũng không sinh lòng sợ hãi, nhưng lại bị địch bắt, hoặc bị giết. Đó gọi là hạng thứ tư.

Lại nữa, thứ năm có người mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, hoàn toàn có khả năng phá tan quân địch mở rộng bờ cõi. Đó gọi là hạng thứ năm xuất hiện ở đời.

Tỳ-kheo nên biết, nay Tỳ-kheo cũng có năm hạng người xuất hiện ở thế gian. Sao gọi là năm?

Hoặc có Tỳ-kheo sống trong thôn xóm nghe có người nữ xinh đẹp vô song, như màu hoa đào. Đến giờ, Tỳ-kheo kia đắp y mang bát vào thôn khất thực, không hộ trì các căn, không giữ gìn pháp thân, miệng, ý. Khi thấy người nữ, vị ấy khởi dục ý, hoàn xả cấm giới, tập pháp bạch y. Như người đầu kia, nghe tiếng bụi nổi lên, không kham chiến đấu, sinh lòng sợ hãi, Do vậy cho nên Ta nói người này.

Lại nữa, có Tỳ-kheo sống tại thôn làng, nghe trong thôn có người nữ xinh đẹp không ai bằng, mặt như màu hoa đào, liền xả giới tập pháp bạch y. Như hạng chiến đấu thứ hai kia, chỉ nghe tiếng trống, tù và không kham chiến đấu. Đây cũng như vậy.

Lại nữa, có Tỳ-kheo sống tại thôn làng, nghe có người nữ tại thôn làng kia. Sau khi nghe rồi, liền khởi dục ý, nếu họ thấy người nữ mà không khởi dục tưởng, chỉ cùng người nữ cùng nhau đùa giỡn; ở đó liền xả cấm giới, tập pháp bạch y. Như người thứ ba kia, từ xa thấy cờ rồi, liền sinh lòng sợ hãi không dám chiến đấu. Vì vậy cho nên nay Ta nói người này. Đó gọi là hạng chiến đấu thứ ba.

Lại nữa, có Tỳ-kheo sống tại thôn làng. Tỳ-kheo kia nghe trong thôn có người nữ. Nghe rồi, đắp y mang bát vào thôn khất thực, không giữ gìn thân, miệng, ý. Khi thấy người nữ xinh đẹp vô song, ở đó liền khởi dục ý, hoặc cùng người nữ cùng nhau lôi kéo, hoặc nắm tay nhau, bèn xả cấm giới, trở lại làm bạch y. Như hạng chiến đấu thứ tư kia, ở trong đại quân, bị địch bắt, bị giết. Vì vậy nên nay Ta nói người này.

Lại nữa, có Tỳ-kheo nghe trong thôn làng có người nữ ít có trên đời. Tuy nghe vậy, mà không khởi dục tưởng. Tỳ-kheo kia đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực, giữ gìn thân, miệng, ý; tuy thấy người nữ, không khởi dục tưởng, không có tà niệm; nếu cùng người nữ nói chuyện qua lại cũng không khởi dục tưởng, cũng không tà niệm. Nếu bị người nữ lôi kéo, nắm tay, bấy giờ liền khởi dục tưởng, thân, miệng, ý liền trổi dậy. Khi dục ý đã trỗi dậy rồi, trở về lại tăng viện, đến chỗ trưởng lão Tỳ-kheo. Đem nhân duyên này nói với trưởng lão Tỳ-kheo: “Chư Hiền, nên biết, nay dục ý của tôi nổi dậy, không thể tự kiềm chế được. Cúi xin thuyết pháp khiến thoát khỏi bất tịnh ghê tởm của dục.”

Bấy giờ trưởng lão Tỳ-kheo bảo: “Nay thầy nên quán dục này do đâu sinh? Lại do đâu diệt? Như Lai dạy: Phàm người khử dục nên dùng quán bất tịnh để trừ và tu hành pháp quán bất tịnh.” Rồi Tỳ-kheo trưởng lão liền nói kệ này:

Nếu biết điên đảo ấy
Khiến tâm thêm trỗi dậy
Hãy trừ tâm hừng hực
Dục ý liền dừng nghỉ.

Chư hiền nên biết, dục từ tưởng sinh. Khi khởi niệm tưởng, liền sinh dục ý. Hoặc có thể tự hại, lại hại người khác, gây ra bao nhiêu tai họa biến đổi, ở trong hiện tại chịu khổ hoạn kia; lại ở đời sau chịu khổ vô lường. Dục ý đã trừ, cũng không tự hại, không hại người khác. Ở báo hiện tại, không chịu khổ này. Cho nên, nay phải trừ tưởng niệm.

Vì không có tưởng niệm nên liền không có tâm dục, Vì không có tâm dục nên liền không có loạn tưởng.

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia vâng theo những lời dạy bảo như vậy, liền tư duy về tướng bất tịnh. Do tư duy về tưởng bất tịnh nên bấy giờ tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, đến nơi vô vi. Như người thứ năm mặc giáp cầm gậy vào trận chiến đấu, thấy địch thủ không sinh lòng sợ hãi. Nếu có người đến hại, tâm cũng không dời đổi, có thể phá giặc ngoài, có thể qua địa giới của địch. Vì vậy, cho nên nay Ta nói người này có thể phá được bọn ma. Trừ các loạn tưởng, đến chỗ vô vi. Đó gọi là người thứ năm xuất hiện ở đời.

Tỳ-kheo nên biết, thế gian có năm hạng người này xuất hiện ở thế gian. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tu hành, dục là tưởng bất tịnh.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 5

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Phàm người quét đất có năm trường hợp không được công đức. Sao gọi là năm?

Ở đây, người quét đất không biết gió ngược, không biết gió xuôi, lại không dồn đống, lại không trừ phân, chỗ đất quét lại chẳng sạch sẽ. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người quét đất có năm việc không thành công đức lớn.

Lại nữa, Tỳ-kheo, người quét đất có năm việc thành tựu công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, người quét đất biết lý gió ngược, gió xuôi, cũng biết dồn đống, cũng có thể hốt bỏ không để cho dư sót lại, khiến cho đất thật sạch sẽ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm trường hợp này thành tựu công đức lớn. Cho nên, các Tỳ-kheo phải trừ năm việc trước và tu năm pháp sau.

Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Phàm người quét tháp có năm trường hợp không được công đức. Sao gọi là năm?

1. Ở đây, có người quét tháp không dùng nước rưới lên đất.

2. Không lượm bỏ gạch đá.

3. Không san bằng mặt đất.

4. Không chú ý khi quét đất.

5. Không trừ bỏ rác rưới dơ bẩn.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là người quét tháp[28] không thành tựu năm công đức.

Các Tỳ-kheo nên biết, người quét tháp* thành tựu công đức. Sao gọi là năm?

1. Ở đây, người quét tháp dùng nước rưới lên đất.

2. Lượm bỏ gạch đá.

3. San bằng mặt đất.

4. Giữ chú ý khi quét đất.

5. Hốt bỏ rác rưới dơ bẩn.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm việc khiến người được công đức. Cho nên, này các Tỳ-kheo, muốn cầu công đức này hãy thực hành năm việc này.

Các Tỳ-kheo, cần phải học điều như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 7

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Người du hành trường kỳ có năm sự khó. Sao gọi là năm? 1. Ở đây, người thường du hành không tụng giáo pháp.

2. Giáo pháp đã tụng thì bị quên mất.

3. Không được định ý.

4. Tam-muội đã được lại thoái thất. 5. Nghe pháp nhưng không thể hành trì.

Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người du hành nhiều có năm việc khó này.

Các Tỳ-kheo nên biết, người không du hành nhiều có năm công đức. Sao gọi là năm?

1. Pháp chưa từng đắc sẽ đắc pháp.

2. Đã đắc rồi lại không quên mất.

3. Nghe nhiều mà ghi nhớ được.

4. Có thể đắc định ý.

5. Đã đắc Tam-muội rồi không bị mất.

Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người không du hành nhiều có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, không nên du hành nhiều.

Các Tỳ-kheo, cần phải học điều như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 8

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Tỳ-kheo thường ở một chỗ, có năm điều phi pháp. Sao gọi là năm?

1. Ở đây, Tỳ-kheo ở một chỗ, ý tham đắm phòng xá, e sợ người đoạt.

2. Hoặc ý tham đắm tài sản lại sợ người đoạt.

3. Hoặc tích tụ nhiều vật giống như bạch y. 4. Hoặc tham luyến người thân quen không muốn cho người khác đến nhà người thân quen.

5. Thường cùng bạch y qua lại với nhau.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là người ở một chỗ có năm việc phi pháp này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đừng ở một chỗ.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 9

Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Người không ở mãi một chỗ, có năm công đức. Những gì là năm?

1. Không tham đắm nhà cửa.

2. Không tham đắm đồ đạc.

3. Không tích chứa nhiều của cải.

4. Không dính mắc với người thân.

5. Không qua lại với bạch y.

Đó gọi là Tỳ-kheo không ở một chỗ có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thực hành năm việc này.

Các Tỳ-kheo, hãy học như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 10[29]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở bên bờ hồ Quang minh, nước Ma-kiệt.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng với năm trăm Tỳ-kheo du hóa trong nhân gian. Khi ấy, Thế Tôn thấy một cây lớn bị lửa đốt. Thấy rồi, Như Lai đến ngồi dưới một bóng cây.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Thế nào, Tỳ-kheo, thà đem thân nhảy vào lửa này, hay tốt hơn nên giao du với người nữ xinh đẹp?

Lúc đó, các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Tốt hơn nên giao du với người nữ, chớ không ném thân vào lửa này. Bởi vì đám lửa này nóng độc không thể tả, sẽ lấy mạng sống của mình, chịu khổ vô cùng. Thế Tôn bảo:

–Nay Ta bảo các ông, không phải hạnh Samôn mà nói là Sa-môn; không phải người phạm hạnh mà nói là phạm hạnh; không nghe chánh pháp mà nói là tôi nghe chánh pháp; không có pháp thanh bạch. Người như vậy, thà nhảy vào lửa này, chứ không cùng người nữ giao du. Vì sao? Vì người ấy thà chịu thống khổ này, chớ không vì tội đó mà vào trong địa ngục chịu khổ vô cùng.

Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận người cung kính lễ bái, hay tốt hơn cho người lấy kiếm bén chặt tay chân mình?

Các Tỳ-kheo đáp:

–Tốt hơn nhận cung kính lễ bái, chứ không cho người dùng kiếm chặt tay chân mình. Vì sao? Vì chặt tay chân mình, đau không thể tả.

Thế Tôn bảo:

–Nay Ta bảo các ông, không phải hạnh Samôn mà nói là Sa-môn; không phải người phạm hạnh mà nói là phạm hạnh; không nghe chánh pháp mà nói là tôi nghe chánh pháp; không có pháp thanh bạch. Người như vậy, thà đưa thân chịu kiếm bén này, chứ không vì không có giới mà nhận người cung kính. Vì sao? Vì nỗi đau này chỉ trong chốc lát, còn sự thống khổ địa ngục thì không thể tả xiết.

Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận y phục của người, hay tốt hơn lấy lá sắt nóng dùng quấn vào thân? Các Tỳ-kheo đáp:

–Tốt hơn nhận lấy y phục của người, chớ không nhận nỗi khổ đau này. Vì sao? Vì sự khổ độc này không thể tả xiết.

Thế Tôn bảo:

–Nay Ta nhắc lại các ông, với người phá giới, thà lấy lá sắt nóng quấn lên thân mình chớ không nhận y phục của người. Vì sao? Vì nỗi đau này chỉ trong chốc lát, còn nổi thống khổ địa ngục không thể tả xiết.

Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận thức ăn của thí chủ hay thà nuốt viên sắt nóng?

Các Tỳ-kheo đáp:

–Tốt hơn nhận thức ăn của thí chủ, chớ không nuốt viên sắt nóng, Vì sao? Vì sự đau đớn này không nơi nào chịu nổi.

Thế Tôn bảo:

–Nay Ta bảo các ông, thà nuốt viên sắt nóng, chớ không nên không có giới mà nhận người cúng dường. Vì sao? Vì nuốt viên sắt nóng, đau khổ chỉ trong chốc lát, không nên không có giới mà nhận tín thí của người.

Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận giường nằm của người, hay thà nằm trên giường sắt nóng?

Các Tỳ-kheo đáp:

–Bạch Thế Tôn, chúng con thà nhận giường nằm của người, chớ không nằm trên giường sắt nóng. Vì sao? Vì sự khổ độc này không thể tả xiết. Thế Tôn bảo:

–Người ngu si kia không có giới hạnh, chẳng phải Sa-môn nói là Sa-môn, chẳng có phạm hạnh nói tu phạm hạnh, thà nằm trên giường sắt chớ không nên không giới mà nhận tín thí của người khác. Vì sao? Vì nằm trên giường sắt nóng chỉ đau đớn trong chốc lát, không nên không giới mà nhận tín thí của người khác.

Tỳ-kheo nên biết, hôm nay như Ta quan sát đích thú hướng đến của người không giới. Giả sử người kia trong chốc lát thân thể khô héo tiều tụy, hộc máu nóng ra khỏi miệng mà qua đời, chứ không cùng người nữ giao du, không thọ nhận đức của người lễ kính, không nhận y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh của người. Vì người không giới kia không quán sát tội đời trước, đời sau, không nhìn lại thân mạng đang chịu thống khổ này. Người không có giới, ý sinh vào ba đường ác. Đó là ác hành đã tạo ra đưa đến.

Hôm nay Như Lai quán sát đích thú hướng đến của người thiện hạnh, ngay dù người ấy bị trúng độc, hay bị đao đả thương mà tự dứt mạng sống. Nhưng đó là do muốn xả thân này để hưởng phước trời, sẽ sinh vào cõi lành. Đó là do quả báo nghiệp lành đời trước đưa đến.

Cho nên, Tỳ-kheo, hãy niệm tu hành giới thân, định thân, huệ thân, giải thoát thân và giải thoát tri kiến thân. Muốn cho đời nay được quả báo kia, đắc đạo cam lồ, ngay dù có nhận y phục, đồ ăn thức uống, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh cũng không lầm lỗi, lại làm cho đàn-việt hưởng phước vô cùng.

Các Tỳ-kheo, hãy học như vậy.

Khi nói pháp này, bấy giờ sáu mươi Tỳ-kheo dứt sạch lậu hoặc, ý tỏ ngộ. Sáu mươi Tỳ-kheo khác xả bỏ pháp phục mà làm bạch y.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Năm vua và Nguyệt Quang
Thi-bà, hai hạng lính
Hai quét, hai hành pháp
Đi đứng có hai loại
Sau cùng là cây khô.



[1] . S 3. 2.2. Pañcarājasutta (R. i. 79).

[2] . Ba-tư-nặc, Pāli: Pasenadi 波 斯 匿 , vua nước Kosala (Câu-tát-la).

[3] . Tỳ-sa 毘 沙 , chưa rõ.

[4] . Ưu-điền 優 填。Pāli: Udena, vua nước Kosambī (Kiều-thưởng-di).

[5] . Ác Sinh 惡 生 ; có lẽ Pāli Caṇḍa-ppajjota (nhưng Hán dịch đọc là Caṇḍappajāta), vua nước Ujjenī (Ưuthiền).

[6] . Ngũ dục 五 欲 , nói đủ là ngũ dục công đức, năm tố chất của dục. Pāli: Pañca-kāmaguṇa.

[7] . Thi-bà-la quỷ 尸 婆 羅 鬼, chưa rõ quỷ gì.

[8] . Thi-bà-la 尸 婆 羅. Có lễ đồng nhất với Sīvalī, Pāli. Nhưng truyện kể ở đây không giống các truyện kể Pāli.

[9] Tam-phật 三 佛 , phiên âm từ Sambuddha, (Phật) Chánh giác.

[10] . Quảng phổ sơn 廣 普 山. Pāli: Vepulla, một trong năm ngọn núi bao quanh Vương xá.

[11] . Kỳ-xà 耆 闍 山, tức Kỳ-xà-quật. Pāli: Gijjhakūṭa.

[12] Phù-đồ 浮 圖, tức tháp; Skt. Stūpa.

[13] Nguyên bản: Tam tôn.

[14] . Đạt-sẩn 達 嚫 。Pāli: Dakkhinā (Skt. Dakwiṇā), thí tụng, bài kệ chú nguyện thí chủ sau khi nhận cúng dường.

[15] . Phật Tỳ-bà-thi, xem Trường 1, kinh Đại Bản. Pāli, Vipasī, D. 14 Mahāpadāna.

[16] . Da-nhã-đạt 耶 若 達 ; tên Pāli thường gặp: Yaññadatta (Skt. Yajñadatta), nhưng không tìm thấy đồng nhất ở đây.

[17] . Lạc 酪; Pāli: Dadhi, sữa chua.

[18] . Truyện kể gần với sớ giải Thera A. i. 144, nhân duyên Sīvalī, thời Phật Vipassī.

[19] . Nguyên hán: Đạm bạc 惔 怕。

[20] . Phật Thức-cật 式 詰。Xem Trường 1, kinh Đại Bản, Phật Thi-khí 尸 棄. Pāli, Sikhi, cf. D. 14 Mahāpadāna.

[21] . Tỳ-xá-la-bà. Xem Trường 1, kinh Đại Bản, Tỳ-xá-bà 毘 舍 婆. Pāli, ibid., Vessabhū.

[22] . Nguyên bản: Minh Hạnh Thành Vi.

[23] . Nguyên bản: Đạo Pháp Ngự.

[24] . Câu-lũ tôn 拘 屢 孫。Xem Trường 1, kinh Đại Bản, Câu-lâu-tôn 拘 樓 孫. Pāli, ibid. Kakusandha.

[25] . Pāli, A V 75 Paṭhama-Yodhājīvasutta (R. iii. 39).

[26] . Pāli: Pañcime yodhājīvā, có năm hạng chiến sĩ này.

[27] . Pāli, A V 76 Dutiya-Yodhājīvasutta (R. iii. 93).

[28] . Để bản: Địa 地 ; có thể chép nhầm, nên sửa lại.

[29] . Tham chiếu Pāli, A VII 68 Aggikkhandhopamasutta (R.iv. 128). Hán, Trung 1, kinh 5 Mộc Tích Dụ.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]