TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng năm trăm Tỳ-kheo ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến chỗ Xá-lợi-phất, thăm hỏi ngài rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất: –Tỳ-kheo giới thành tựu nên tu những pháp gì? Xá-lợi-phất đáp:
–Tỳ-kheo giới thành tựu nên tư duy về năm thạnh ấm là vô thường, là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Sao gọi là năm? Đó là sắc ấm, thọ*ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm.
Khi Tỳ-kheo giới thành tựu tư duy năm ấm này liền đắc quả Tu-đà-hoàn.
Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:
–Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn phải tư duy những pháp gì?
Xá-lợi-phất đáp:
–Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn cũng nên tư duy về năm thạnh ấm này: là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã.
Các Hiền giả nên biết, nếu Tỳ-kheo Tu-đàhoàn tư duy về năm thạnh ấm liền thành quả Tưđà-hàm. Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:
–Tỳ-kheo Tư-đà-hàm phải tư duy những pháp gì? Xá-lợi-phất đáp:
–Tỳ-kheo Tư-đà-hàm cũng nên tư duy về năm thạnh ấm này: Là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã.
Bấy giờ, Tỳ-kheo Tư-đà-hoàn tư duy về năm thạnh ấm này liền chứng quả A-na-hàm. Các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:
–Tỳ-kheo A-na-hàm phải tư duy những pháp gì?
Xá-lợi-phất đáp:
–Tỳ-kheo A-na-hàm cũng nên tư duy về năm thạnh ấm này: Là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã.
Bấy giờ, Tỳ-kheo A-na-hàm tư duy về năm thạnh ấm này liền chứng quả A-la-hán.
Các Tỳ-kheo hỏi:
–Tỳ-kheo A-la-hán nên tư duy những pháp gì? Xá-lợi-phất đáp:
–Điều các thầy hỏi đã vượt quá rồi. Tỳ-kheo A-la-hán, việc cần làm đã xong, không còn tạo nghiệp, tâm được giải thoát khởi hữu lậu, không còn hướng đến biển sinh tử năm đường, lại không còn tái sinh, không còn tạo tác gì nữa. Cho nên, các Hiền giả, Tỳ-kheo trì giới, Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm hãy tư duy về năm thạnh ấm này.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Xá-lợiphất dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Lộc uyển, trú xứ Tiên nhân, tại Ba-la-nại.
Bấy giờ, Như Lai thành đạo chưa lâu, người đời gọi Ngài là Đại Sa-môn. Lúc ấy, vua Ba-tưnặc mới nối ngôi vua. Vua Ba-tư-nặc tự nghĩ: “Nay ta mới nối ngôi vua, trước phải cưới con gái dòng họ Thích. Nếu họ gả cho ta mới vừa lòng ta. Nếu không nhận cho, ta sẽ dùng sức đến cưỡng bức.”
Rồi vua Ba-tư-nặc liền bảo một đại thần:
Ông hãy đến vương cung họ Thích, thành Ca-tỳ-la-vệ, nhân danh ta báo với dòng họ Thích kia rằng: “Vua Ba-tư-nặc gởi lời thăm hỏi các ngài, sống nhẹ nhàng thuận lợi mãi mãi chăng.”
Và nói rằng: “Ta muốn lấy con gái dòng họ Thích.
Nếu thuận cho ta sẽ biết ơn mãi mãi. Còn nếu làm trái lại, ta sẽ dùng sức mạnh cưỡng bức.
Đại thần nhận lệnh của vua, đến nước Ca-tỳla. Lúc ấy, năm trăm người dòng họ Thích ở Catỳ-la-vệ đang tập họp tại một chỗ. Đại thần đến chỗ năm trăm người dòng họ Thích, xưng danh hiệu vua Ba-tư-nặc, gởi lời thăm hỏi mong cuộc sống nhẹ nhàng thuận lợi mãi mãi. Vua bảo rằng: “Ta muốn lấy con gái dòng họ Thích. Nếu thuận cho, ta sẽ biết ơn mãi mãi. Còn nếu làm trái lại, ta sẽ dùng sức mạnh cưỡng bức.”
Sau khi nghe những lời này, những người dòng họ Thích hết sức tức giận: “Chúng ta là dòng họ cao quý vì sao phải kết thân gia với con của tỳ nữ?” Trong số ấy, có người nói nên gả, có người nói không nên gả. Bấy giờ, trong số người tập họp kia, có người tên Ma-ha-nam[2], nói với mọi người rằng:
–Các Hiền giả, chớ có tức giận. Vì sao? Vua Ba-tư-nặc là kẻ bạo ác. Nếu chống cự, vua Ba-tưnặc đến tàn phá nước ta. Nay tôi đích thân đảm đương đến gặp vua Ba-tư-nặc nói về việc này.
Bấy giờ, trong nhà Ma-ha-nam có tỳ nữ sinh một con gái dung nhan xinh đẹp hiếm có trên đời. Ma-ha-nam bảo tắm gội cô này, cho mặc xiêm y đẹp đẽ, lên xe bảo vũ đưa đến cho vua Ba-tư-nặc và nói với vua:
–Đây là con gái tôi. Ngài có thể thành thân cùng nó.
Khi vua Ba-tư-nặc được cô này, hết sức vui mừng, liền lập cô này làm đệ nhất phu nhân[3]. Qua chưa được vài ngày, cô đã mang thai, lại trải qua tám, chín tháng sinh một nam nhi xinh đẹp vô song, đặc biệt trên đời. Vua Ba-tư-nặc tập họp các thầy tướng để đặt tên cho thái tử. Sau khi các thấy tướng nghe vua nói xong, liền bạch vua:
–Đại vương nên biết, khi cầu phu nhân, mọi người dòng họ Thích cùng nhau tranh, có người nói: “Nên cho”, hoặc có người nói: “Không nên cho”, khiến cho kia đây xa dòng (Lưu-ly), nay nên đặt tên là Tỳ-lưu-ly[4]. Đặt tên xong, các thầy tướng đều rời chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc yêu thương thái tử Lưuly, chưa từng rời khỏi mắt. Khi thái tử Lưu-ly lên tám tuổi, vua bảo:
Nay con đã lớn, hãy đến Ca-tỳ-la-vệ để học nghệ thuật bắn tên.
Rồi vua Ba-tư-nặc cung cấp những người hầu điều khiển voi lớn đến nhà dòng họ Thích, đến nhà Ma-ha-nam, nói với Ma-ha-nam:
–Vua Ba-tư-nặc bảo con đến đây học cách bắn tên. Cúi xin ông ngoại mọi sự hãy dạy bảo cho. Ma-ha-nam bảo:
–Người muốn học nghệ thuật thì phải khéo luyện tập.
Lúc này, Ma-ha-nam liền tập họp năm trăm thiếu niên họ Thích lại cùng học thuật. Lúc ấy, thái tử Tỳ-lưu-ly cùng học xạ thuật với năm trăm đồng tử.
Bấy giờ, trong thành Ca-tỳ-la-vệ vừa xây một giảng đường. Trời, nhân dân, ma, hoặc thiên ma không được ở trong giảng đường này. Lúc ấy, những người họ Thích nói với nhau:
–Nay giảng đường này vừa được xây cất và trang trí xong, giống như Thiên cung không khác tí nào. Trước hết, chúng ta nên thỉnh Như Lai và chúng Tăng cúng dường ở trong đó, để chúng ta được hưởng phước vô cùng.
Bấy giờ, dòng họ Thích ở trên giảng đường trải các loại tọa cụ, treo lụa là, phướn, lọng, rưới nước thơm lên mặt đất, đốt các loại hương thơm, tích chứa nước sạch, đốt các đèn sáng.
Lúc ấy, thái tử Lưu-ly dẫn năm trăm đồng tử đến chỗ giảng đường, liền leo lên tòa Sư tử. Khi những người họ Thích thấy vậy, bèn nổi giận, đến nắm tay lôi ra ngoài cửa, mọi người đều mắng:
–Đây là con đứa tiện tỳ! Chư Thiên và người đời chưa ai dám ngồi trong đó. Con đẻ của tiện tỳ này lại dám vào trong đó ngồi.
Lại xô thái tử Lưu-ly ngã lăn ra đất. Thái tử Lưu-ly chống đất đứng dậy, thở dài, quay ra sau. Khi ấy, có con Phạm chí tên Hảo Khổ. Thái tử Lưu-ly nói với con Phạm chí Hảo Khổ:
–Dòng họ Thích này đã hủy nhục ta đến như vậy. Nếu sau này khi ta lên ngôi vua, ngươi hãy nhắc lại ta việc này.
Lúc ấy, con Phạm chí Hảo Khổ đáp:
–Như lời thái tử dạy.
Mỗi ngày ba lần, con Phạm chí kia bạch với thái tử:
–Hãy nhớ nỗi nhục họ Thích. Rồi nói kệ này:
Tất cả sẽ diệt tận
Quả chín cũng sẽ rơi
Tập hợp ắt sẽ tan
Có sinh ắt có tử.
Sau khi sống hết tuổi thọ, bấy giờ vua Ba-tưnặc băng hà, liền lập thái tử Lưu-ly làm vua. Lúc ấy, Phạm chí Hảo Khổ[5] đến chỗ vua nói rằng:
Vua nên nhớ, xưa bị họ Thích hủy nhục. Lúc này, vua Lưu-ly nói:
–Lành thay, lành thay! Khéo nhớ việc xưa. Lúc này, vua Lưu-ly nổi sân giận, bảo các quần thần:
–Nay, ai là vua của nhân dân?
Quần thần tâu: –Hiện nay, đại vương thống lãnh. Vua Lưu-ly nói:
–Các ngươi, hãy mau chuẩn bị tập hợp binh bốn bộ, ta muốn đi chinh phạt họ Thích.
Quần thần đáp:
–Thưa vâng, đại vương! Quần thần tuân lệnh vua tập hợp binh bốn bộ. Vua Lưu-ly lúc này dẫn binh bốn bộ đi đến Ca-tỳla-vệ[6].
Khi các Tỳ-kheo nghe tin vua Lưu-ly đi chinh phạt họ Thích, họ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Sau khi nghe những lời này xong, Thế Tôn liền đến đón vua Lưu-ly ở dưới gốc một cây khô, không có cành lá, ở trong tư thế ngồi kiết già.
Lúc ấy, vua Lưu-ly từ xa thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, liền xuống xe, đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, vua Lưu-ly bạch Thế Tôn:
–Còn có cây tốt, cành lá sum suê như cây Nicâu-lưu chẳng hạn, sao ngồi dưới cây khô này?
Thế Tôn bảo:
–Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài.
Lúc ấy, vua Lưu-ly liền tự nghĩ:
–Hôm nay, Thế Tôn vẫn còn vì thân tộc. Vậy hôm nay ta nên quay về bổn quốc, không nên đến chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ.
Lúc ấy, vua Lưu-ly liền cáo từ lui binh. Phạm chí Hảo Khổ lại tâu vua:
–Vua nên nhớ, xưa kia đã bị họ Thích làm nhục.
Sau khi nghe những lời này rồi, vua Lưu-ly lại nổi giận, bảo quần thần:
–Các khanh hãy mau chuẩn bị, tập họp binh bốn bộ, ta muốn đi chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ. Quần thần liền tập họp binh bốn bộ, kéo ra khỏi thành Xá-vệ, đến Ca-tỳ-la-vệ chinh phạt họ Thích. Các Tỳ-kheo nghe như vậy, đến bạch Thế Tôn: –Nay vua Lưu-ly đang hưng binh đến chinh phạt họ Thích.
Nghe những lời này, Thế Tôn liền dùng thần túc đến ngồi dưới gốc cây cạnh đường. Tỳ-lưu-ly từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên.
Bấy giờ vua Lưu-ly bạch Thế Tôn:
–Còn có cây tốt, sao lại không ngồi ở đó, hôm nay Thế Tôn cớ gì ngồi dưới cây khô này?
Lúc ấy, Thế Tôn nói:
–Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài. Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bóng mát của thân tộc
Họ Thích xuất hiện Phật
Đều là cành nhánh Ta
Nên ngồi dưới cây này.
Lúc ấy, vua Lưu-ly liền tự nghĩ: “Hiện tại, Thế Tôn xuất thân từ họ Thích. Ta không nên đến chinh phạt. Phải nên cùng quay về bổn quốc.” Rồi, vua Lưu-ly liền trở về thành Xá-vệ.
Lúc này, Phạm chí Hảo Khổ lại tâu với vua: –Vua nên nhớ, xưa kia đã bị họ Thích làm nhục!
Vua Lưu-ly nghe những lời này rồi, lại tập hợp binh bốn loại kéo ra khỏi thành Xá-vệ, đến Ca-tỳla-vệ. Đại Mục-kiền-liên khi nghe vua Lưu-ly đi chinh phạt dòng họ Thích, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, Mụckiền-liên bạch Thế Tôn:
–Hôm nay, vua Lưu-ly tập họp binh bốn bộ đến tấn công họ Thích. Nay con có khả năng khiến cho vua Lưu-ly cùng binh bốn bộ bị ném sang thế giới phương khác.
Thế Tôn nói:
–Ông há có thể đem duyên đời trước của họ Thích đặt sang thế giới khác hay sao?
Mục-liên bạch Phật: –Con thật sự không thể đem duyên đời trước đặt sang thế giới khác.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Mục-liên:
–Ông hãy trở về chỗ ngồi.
Mục-liên lại bạch Phật:
–Nay con có thể dời thành Ca-tỳ-la-vệ này đặt giữa hư không.
Thế Tôn bảo:
–Nay ông có thể dời duyên đời trước của họ Thích đặt giữa hư không hay không?
Mục-liên đáp: –Không, bạch Thế Tôn. Phật bảo Mục-liên:
–Vậy ông hãy trở về chỗ của mình.
Lúc ấy, Mục-liên lại bạch Phật:
–Cúi xin cho phép dùng lồng sắt che bên trên thành Ca-tỳ-la-vệ. Thế Tôn bảo:
–Thế nào, Mục-liên, ông có thể dùng lồng sắt che đậy duyên đời trước không?
Mục-liên bạch Phật:
–Không, bạch Thế Tôn. Phật bảo Mục-liên:
–Nay ông trở về chỗ của mình. Hôm nay duyên đời trước của họ Thích đã chín, nay phải chịu báo.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Muốn hư không thành đất
Đất lại thành hư không
Bị duyên trước trói buộc
Duyên này không mục hư.
Bấy giờ, vua Lưu-ly đến Ca-tỳ-la-vệ. Những người dòng họ Thích nghe vua Lưu-ly dẫn binh bốn bộ đến tấn công. Họ liền tập trung bốn bộ chúng trong vòng một do-tuần đến đón vua Lưuly.
Lúc ấy, các Thích tử trong vòng một do-tuần, từ xa bắn vua Lưu-ly, hoặc bắn lỗ tai nhưng không tổn thương tai ông, hoặc bắn búi tóc nhưng không tổn thương đầu ông, hoặc bắn gãy cung, hoặc bắn đứt dây cung nhưng không hại người ông, hoặc bắn áo giáp nhưng không hại người ông, hoặc bắn giường ghế nhưng không hại người ông, hoặc bắn phá bánh xe nhưng không hại người ông, hoặc phá cờ xí nhưng không hại người ông.
Sau khi thấy việc này xong, vua Lưu-ly liền sinh lòng sợ hãi bảo quần thần:
–Các ngươi xem những mũi tên này từ đâu đến?
Quần thần tâu: –Các Thích tử cách đây trong vòng một dotuần bắn tên đến!
Vua Lưu-ly nói:
–Nếu họ khởi tâm muốn hại ta thì mọi người đã nhận lấy cái chết hết rồi. Ngay tức khắc hãy quay về Xá-vệ!
Lúc ấy, Phạm chí Hảo Khổ đến trước tâu vua:
–Đại vương chớ lo! Các Thích tử này đều giữ giới, côn trùng họ còn không hại huống là hại người. Nay nên tiến lên trước ắt tiêu diệt được họ Thích.
Lúc ấy, vua Lưu-ly từ từ tiến lên về phía họ Thích kia. Những người họ Thích lui vào thành. Vua Lưu-ly, ở ngoài thành bảo họ rằng: –Các ngươi hãy mau mở cửa thành! Nếu không, ta sẽ bắt các ngươi giết hết.
Bấy giờ, thành Ca-tỳ-la-vệ có đồng tử họ Thích mới mười lăm tuổi, tên Xa-ma, nghe vua Lưu-ly đang ở bên ngoài cửa, liền mặc giáp, cầm gậy lên trên thành một mình chiến đấu với vua Lưu-ly. Lúc ấy, Đồng tử Xa-ma giết hại nhiều binh lính làm họ chạy tán loạn và nói: –Đây là người nào? Là trời hay là quỷ thần? Từ xa trông giống như một cậu bé!
Lúc ấy, vua Lưu-ly sinh lòng sợ hãi, liền vào trong hầm để tránh.
Khi các Thích tử nghe binh chúng của vua Lưu-ly bị giết hại, các Thích tử liền gọi đồng tử Xa-ma bảo rằng:
–Ngươi tuổi trẻ ấu thơ, sao cố ý làm nhục gia phong chúng ta? Há không biết các Thích tử tu hành pháp lành sao? Chúng ta, đến côn trùng còn không thể hại, huống lại là mạng người ư? Chúng ta có thể phá tan quân lính này, một người địch vạn người, song chúng ta lại tự nghĩ: “Sát hại chúng sinh vô số kể như vậy.” Thế Tôn đã từng dạy: “Phàm người giết mạng người, chết sẽ vào địa ngục. Nếu sinh trong loài người, tuổi thọ rất ngắn.” Ngươi hãy mau đi đi, không ở đây nữa. Đồng tử Xa-ma liền bỏ nước ra đi, không vào Catỳ-la-vệ nữa.
Lúc ấy, vua Lưu-ly lại đến giữa cửa nói người kia:
–Hãy mau mở cửa thành, đừng để ta đợi lâu!
Lúc ấy, các Thích tử tự nói với nhau:
–Nên cho mở cửa thành hay không nên? Bấy giờ, tệ ma Ba-tuần giả hình làm một Thích tử ở trong chúng họ Thích, nói các Thích tử: –Các vị hãy mau mở cửa thành. Đừng để hôm nay chúng ta phải cùng chịu khốn.
Lúc ấy, các Thích tử liền cho mở cửa thành. Bấy giờ, vua Lưu-ly liền bảo quần thần:
–Hiện nhân dân dòng họ Thích này đông, đao kiếm không thể giết hết, hãy bắt hết chôn xuống đất, sau đó cho voi dữ dẫm chết.
Bấy giờ, quần thần vâng theo lệnh của vua, cho voi dẫm chết họ. Đồng thời vua Lưu-ly bảo quần thần:
–Các ngươi hãy mau tuyển chọn năm trăm người nữ họ Thích, tay chân mặt mày xinh đẹp. Các đại thần vâng lệnh vua, tuyển chọn năm trăm người nữ xinh đẹp, dẫn đến chỗ vua.
Lúc này, Ma-ha-nam Thích tử đến chỗ vua Lưu-ly nói rằng: –Hãy cho tôi một ước nguyện. Vua Lưu-ly nói: –Muốn có ước nguyện gì? Ma-ha-nam nói:
–Tôi sẽ lặn xuống đáy nước, theo độ chậm nhanh của tôi, cho những người họ Thích đều được chạy trốn. Nếu tôi ra khỏi mặt nước, thì tùy ý giết họ.
Vua Lưu-ly nói: –Việc ấy thật tốt!
Lúc ấy, Thích Ma-ha-nam liền xuống đáy nước, lấy tóc đầu buộc vào rễ cây mà qua đời. Bấy giờ, các Thích tử trong thành Ca-tỳ-la-vệ, ra từ cửa Đông, lại vào từ cửa Nam; ra từ cửa Tây, lại vào cửa Bắc.
Vua Lưu-ly bảo quần thần:
–Ông ngoại Ma-ha-nam, vì cớ gì ẩn ở dưới nước, đến giờ chưa ra khỏi?
Bấy giờ, quần thần nghe theo lệnh vua, liền xuống dưới nước kéo Ma-ha-nam lên, nhưng ông đã chết. Khi vua Lưu-ly thấy Ma-ha-nam đã chết, lúc này vua mới sinh tâm hối hận:
–Nay ông ngoại ta đã chết đều do thương thân tộc, ta đã không biết trước, nên để ông mất. Nếu biết trước, dứt khoát không đến công phạt dòng họ Thích này.
Lúc ấy, vua Lưu-ly đã giết chín ngàn chín trăm chín mươi chín vạn người, máu chảy thành sông và thiêu rụi thành Ca-tỳ-la-vệ. Rồi ông đi đến vườn Ni-câu-lưu.
Lúc ấy, vua Lưu-ly bảo với năm trăm người nữ dòng họ Thích rằng:
–Các khanh yên tâm, chớ sầu lo. Ta là chồng các khanh, các khanh là vợ ta, cốt phải hợp nhau.
Lúc ấy, vua Lưu-ly tiện đưa tay nắm một người nữ họ Thích muốn đùa chơi. Thời người nữ hỏi:
–Đại vương định làm gì?
Thời vua đáp:
–Muốn giao tình cùng khanh.
Cô đáp vua:
–Vì sao nay ta lại giao tình với loại nô tỳ sinh? Lúc ấy, vua Lưu-ly nổi cơn tức giận, ra lệnh cho quần thần:
–Mau bắt người nữ này, chặt tay chân nó, ném vào hầm sâu.
Các đại thần theo lệnh vua, chặt tay chân cô ném vào hầm sâu. Năm trăm người nữ đều mắng nhà vua rằng: –Ai đem thân này cùng giao thông với loại con đẻ của nô tỳ!
Lúc này, vua tức giận, bắt hết năm trăm người nữ, chặt tay chân họ ném vào hầm sâu. Vua Lưuly sau khi hủy hoại Ca-tỳ-la-vệ xong, trở về thành Xá-vệ.
Bấy giờ, thái tử Kỳ-đà đang cùng các kỹ nữ vui đùa trong thâm cung. Nghe tiếng ca hát, vua Lưuly liền hỏi:
–Đây là âm thanh gì mà vang đến nơi đây?
Quần thần đáp:
–Đó là tiếng đàn hát để tự vui chơi của vương tử Kỳ-đà ở trong thâm cung.
Lúc ấy, vua Lưu-ly liền bảo người hầu: –Khanh hãy quay voi này đến chỗ vương tử Kỳ-đà. Lúc này, người giữ cửa từ xa thấy vua đến, tâu rằng:
–Xin vua thong thả một chút, vương tử Kỳ-đà hiện đang vui với năm thứ lạc ở trong cung, đừng có gây phiền phức.
Vua Lưu-ly liền rút kiếm giết người giữ cửa.
Lúc ấy vương tử Kỳ-đà nghe vua Lưu-ly đang đứng ở ngoài cửa, không từ giã các kỹ nữ, liền ra ngoài cùng vua gặp nhau:
–Vui thay, đại vương đến! Đại vương hãy vào nghỉ ngơi một lát.
Vua Lưu-ly nói:
–Há ngươi không biết ta với họ Thích đánh nhau sao?
Kỳ-đà đáp: –Có nghe!
Vua Lưu-ly nói:
–Nay vì sao ngươi không giúp ta mà cùng với kỹ nữ đùa giỡn?
Vương tử Kỳ-đà đáp:
–Ta không thể giết hại mạng chúng sinh!
Lúc ấy, vua Lưu-ly hết sức tức giận liền rút kiếm chém hại vương tử Kỳ-đà. Sau khi mạng chung, vương tử Kỳ-đà sinh lên cõi trời Tam thập tam, vui đùa cùng năm trăm Thiên nữ.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên nhãn quan sát thấy vương tử Kỳ-đà mạng chung, đã sinh lên trời Tam thập tam, liền nói kệ này:
Thọ phước trong trời người
Đức vương tử Kỳ-đà
Làm lành, sau hưởng báo
Đều do hiện báo nên.
Đây lo, kia cũng lo
Lưu-ly lo hai nơi
Làm ác sau nhận ác
Đều do hiện báo nên.
Phải nương vào phước đức
Trước làm sau cũng vậy
Hoặc là làm một mình
Hoặc làm người không biết.
Làm ác, có biết ác
Trước làm, sau cũng vậy
Hoặc là làm một mình
Hoặc làm người không biết.
Hưởng phước trong trời người
Hai nơi đều hưởng phước
Làm lành sau hưởng báo
Đều do hiện báo nên.
Đây lo, kia cũng lo
Làm ác buồn hai nơi
Làm ác sau nhận báo
Đều do hiện báo nên.
Lúc ấy, năm trăm thiếu nữ dòng họ Thích quay về kêu gào danh hiệu Như Lai và nói rằng:
–Như Lai sinh ra ở đây và cũng từ chốn này xuất gia học đạo, sau đó thành Phật, vậy mà hôm nay Phật hoàn toàn không thấy, không nghĩ biết chúng ta đang gặp khổ não này, chịu sự đau đớn này. Vì sao Thế Tôn lại không thấy, không nghĩ?
Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên nhĩ thông suốt, nghe những người nữ họ Thích oán trách hướng về Phật. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông hãy đến hết đây, cùng đi quán sát Catỳ-la-vệ và để thăm những người thân đang qua đời.
Các Tỳ-kheo đáp:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bấy giờ, Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo ra khỏi thành Xá-vệ, đi đến Ca-tỳ-la-vệ. Khi năm trăm người nữ họ Thích từ xa thấy Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến, đều sinh lòng hổ thẹn.
Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân và Tỳ-sa-môn Thiên vương ở sau Thế Tôn quạt hầu. Thế Tôn quay lại bảo Thích Đề-hoàn Nhân:
–Các người nữ họ Thích đều sinh lòng hổ thẹn.
Thích Đề-hoàn Nhân đáp:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân liền dùng Thiên y che lên thân thể năm trăm người nữ này.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-sa-môn Thiên vương:
–Những người nữ này đói khát đã lâu ngày, nên làm điều gì cho thích hợp.
Tỳ-sa-môn Thiên vương bạch Phật:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Đồng thời, Tỳ-sa-môn Thiên vương bày thức ăn trời tự nhiên cho các thiếu nữ họ Thích đều được đầy đủ. Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự nói pháp vi diệu cho các cô. Thế Tôn dạy:
–Các pháp đều phải ly tan. Có hội ngộ thì có biệt ly. Các cô nên biết, năm thạnh ấm này đều phải chịu các não khổ đau này, rơi trong năm đường. Phàm nhận thân năm ấm tất phải chịu hành báo này. Đã có hành báo, tất phải thọ thai. Đã thọ thai phần, lại phải chịu báo khổ vui. Nếu ai không có năm thạnh ấm, tất không thọ nhận hình hài nữa. Nếu không thọ nhận hình hài thì không có sinh. Vì không có sinh nên không có già. Vì không có già nên không có bệnh. Vì không có bệnh nên không có chết. Vì không có chết nên không có khổ não của hội ngộ, biệt ly. Cho nên, các cô phải nghĩ đến sự biến đổi thành bại của năm ấm này. Vì sao? Vì biết năm ấm là biết năm dục. Biết năm dục là biết pháp ái. Biết pháp ái là biết pháp đắm nhiễm. Biết các việc này rồi, không còn thọ thai. Vì không thọ thai, không còn sinh, già, bệnh, chết.
Bấy giờ, Thế Tôn lại tuần tự nói pháp này cho các nữ họ Thích: Ngài luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sinh Thiên; dục là tưởng bất tịnh, xuất yếu là an lạc. Khi Thế Tôn thấy tâm ý các cô này đã được khai mở. Như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo, bấy giờ Thế Tôn cũng vì họ mà thuyết. Bấy giờ, những người nữ, các trần cấu hết sạch, được mắt pháp trong sạch, mọi người từ chỗ họ mà qua đời, đều sinh lên trời.
Bấy giờ, Thế Tôn đến cửa thành Đông, thấy trong thành lửa cháy dữ dội, liền nói kệ này:
Tất cả hành vô thường
Có sinh ắt có tử
Không sinh thì không tử
Đã diệt, tối an lạc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông hãy đến hết trong vườn Ni-câu-lưu, theo thứ lớp mà ngồi.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Đây là vườn Ni-câu-lưu. Xưa kia ở nơi này Ta vì các Tỳ-kheo rộng nói pháp mầu, nhưng nay trống rỗng không còn một ai. Ngày xưa, hàng ngàn vạn người đắc đạo, được mắt pháp trong sạch ở đây. Từ nay về sau Như Lai không còn trở lại chốn này.
Thế Tôn vì các Tỳ-kheo thuyết pháp xong, mọi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi, về đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nay vua Lưu-ly và các binh chúng ở đời sẽ không còn bao lâu. Sau bảy ngày nữa họ sẽ bị tiêu diệt hết.
Lúc ấy, vua Lưu-ly nghe Thế Tôn báo hiệu, vua Lưu-ly và binh chúng sau bảy ngày nữa sẽ bị tiêu diệt hết, nghe xong lo sợ bảo quần thần: –Nay Như Lai đã báo hiệu, sau bảy ngày nữa vua Lưu-ly và binh chúng sẽ bị tiêu diệt hết. Các ngươi xem, ngoài biên giới có giặc cướp, tai biến nước lửa, đến xâm phạm nước chăng? Vì sao? Vì chư Phật Như Lai không có hai lời. Lời nói quyết không đổi khác.
Phạm chí Hảo Khổ tâu với vua:
–Vua chớ có lo sợ. Nay bên ngoài không có nạn giặc cướp đáng sợ, cũng không tai biến nước lửa. Hôm nay đại vương hãy cứ vui chơi thỏa thích.
Vua Lưu-ly nói:
–Phạm chí nên biết, chư Phật Thế Tôn không bao giờ sai lời.
Lúc này, vua Lưu-ly cho người đếm ngày, đến ngày đầu thứ bảy, Đại vương vui mừng hớn hở không tự kiềm chế được, liền dẫn binh chúng và các thể nữ đến bờ sông A-chi-la[7] mà tự vui chơi và nghỉ đêm ở đó. Vào lúc nửa đêm, bất ngờ mây nổi dậy mưa gió dữ dội. Lúc ấy, vua Lưu-ly và binh chúng cùng bị nước cuốn trôi, đều bị tiêu diệt, thân hoại mạng chung bị đọa vào địa ngục Atỳ. Cung điện thành nội lại bị lửa trời thiêu đốt. Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên nhãn quan sát thấy vua Lưu-ly và binh bốn bộ bị nước cuốn trôi, mạng chung tất cả đều vào địa ngục.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Làm việc tối cực ác
Đều do thân, miệng làm
Nay thân cũng chịu khổ
Thọ mạng cũng ngắn ngủi.
Nếu khi ở trong nhà
Thì bị lửa thiêu đốt
Đến lúc mạng qua đời
Tất sinh vào địa ngục.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
–Sau khi chết, vua Lưu-ly và binh lính sinh nơi nào? Thế Tôn bảo:
–Vua Lưu-ly sinh vào địa ngục A-tỳ.
Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: –Xưa kia các Thích tử đã tạo ra nhân duyên gì mà nay bị vua Lưu-ly làm hại?
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ngày xưa, trong thành La-duyệt này có một thôn đánh cá. Thời ấy gặp lúc đói kém, người ăn rễ cây, một thăng vàng đổi một thăng gạo. Trong thôn lúc đó có một hồ nước lớn, lại nhiều cá. Mọi người dân trong thành La-duyệt đến nơi hồ bắt cá ăn. Vào lúc đó, trong hồ có hai giống cá, một gọi là là Câu tỏa[8], hai gọi là Lưỡng thiệt[9]. Lúc ấy, hai giống cá nói với nhau: “Đối với những người này, trước đây chúng ta không có lỗi lầm. Ta là loài thủy tánh, không ở đất khô. Những người dân này đều đến ăn thịt chúng ta. Bao nhiêu phước đức chúng ta có đời trước, nay sẽ dùng để báo oán này.”
Lúc ấy, trong thôn có một cậu bé mới tám tuổi, không bắt cá, lại cũng không hại chúng, nhưng cá kia ở trên bờ, tất cả đều bị chết, thấy vậy cậu bé rất là vui mừng.
Tỳ-kheo nên biết, các ông chớ nghĩ nhân dân trong thành La-duyệt lúc bấy giờ há là người nào khác, mà nay chính là họ Thích. Cá Câu tỏa bấy giờ, nay là vua Lưu-ly. Cá Lưỡng thiệt bấy giờ, thì nay là Phạm chí Hảo Khổ. Còn cậu bé thấy cá nằm trên bờ mà cười lúc ấy, nay chính là Ta. Bấy giờ, họ Thích ngồi bắt cá ăn. Vì nhân duyên này, nên trong vô số kiếp vào trong địa ngục, nay phải chịu báo này. Lúc ấy Ta ngồi nhìn mà cười nên nay bị đau đầu giống như bị đá đè, hoặc như đầu đội núi Tu-di. Vì sao? Vì Như Lai vốn không nhận hình hài nữa, đã xả bỏ các hành, vượt qua các ách nạn. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là vì nhân duyên này, nay chịu báo này. Các Tỳ-kheo, hãy giữ thân, miệng, ý hành, hãy niệm cung kính thừa sự người phạm hạnh. Các Tỳ-kheo cần phải học những điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Nên biết, khi Thiên tử sắp mạng chung, có năm điềm báo ứng hiện ra trước. Năm điềm gì? Một là hoa trên mũ héo; hai là y phục dơ bẩn; ba là thân thể hôi hám; bốn là không thích chỗ ngồi của mình; năm là các Thiên nữ tan tác. Đó gọi là năm điềm báo ứng Thiên tử sắp mạng chung.
Lúc ấy, Thiên tử hết sức sầu lo, đấm ngực kêu gào. Bấy giờ, các Thiên tử khác lại đến chỗ Thiên tử này, nói với vị ấy rằng:
–Nay ngài tương lai có thể sinh vào cõi lành. Đã sinh cõi lành, tất được thiện lợi. Đã được thiện lợi hãy niệm an xử thiện nghiệp.
Chư Thiên đã giáo thọ vị ấy như vậy.
Lúc ấy, có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
–Trời Tam thập tam được sinh cõi lành là thế nào? Tất được thiện lợi là thế nào? An xử thiện nghiệp là thế nào?
Thế Tôn bảo:
–Đối với chư Thiên, cõi người là cõi lành, là được thiện lợi, là sinh trong nhà chánh kiến, thân cận Thiện tri thức, có tín căn trong pháp Như Lai. Đó gọi là tất được thiện lợi. Sao gọi là an xử thiện nghiệp? Có tín căn trong pháp Như Lai, cạo bỏ râu tóc, vì lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Khi học đạo, tánh giới đầy đủ, các căn không thiếu, đồ ăn thức uống biết đủ, thường niệm kinh hành, đạt được tam minh. Đó gọi là an xử thiện nghiệp. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người, nơi lành của trời
Bạn lành là thiện lợi
Xuất gia là thiện nghiệp
Diệt lậu, thành vô lậu.
Tỳ-kheo nên biết, trời Tam thập tam say đắm ngũ dục. Họ coi nhân gian là cõi lành. Ở trong pháp Như Lai được xuất gia là được thiện lợi mà được tam minh. Vì sao? Phật Thế Tôn đều xuất hiện từ cõi người, chẳng phải từ cõi trời mà được. Cho nên, Tỳ-kheo ở đây mạng chung sẽ sinh lên trời.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
–Thế nào là Tỳ-kheo sẽ sinh đường lành?
Thế Tôn bảo:
–Niết-bàn chính là đường lành của Tỳ-kheo.
Nay Tỳ-kheo, ông hãy tìm cầu phương tiện đạt đến Niết-bàn.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Sa-môn xuất gia có năm pháp hủy nhục. Sao gọi là năm? Một là tóc trên đầu dài; hai là móng tay dài; ba là y áo dơ bẩn; bốn là không biết thời nghi; năm là bàn nói nhiều. Vì sao? Bàn nói nhiều, Tỳ-kheo lại có năm việc. Sao gọi là năm? Một là người không tin lời; hai không chịu nhận lời dạy; ba là người không thích gặp; bốn là nói dối; năm là gây đấu loạn kia đây. Đó là năm việc xảy ra cho người nói chuyện nhiều. Đó gọi là người bàn nói nhiều có năm việc này. Tỳ-kheo, hãy trừ năm việc này, chớ có tà tưởng.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vua Tần-tỳ-sa-la[10] bảo các quần thần: –Hãy chỉnh bị xe bảo vũ*, ta đến thành Xá-vệ thăm viếng Thế Tôn. Quần thần tuân lệnh vua, chỉnh bị xe bảo vũ, rồi đến trước tâu vua:
–Đã chuẩn bị xe xong, xin vua biết thời cho.
Lúc ấy, vua Tần-tỳ-sa-la lên xe bảo vũ ra khỏi thành La-duyệt, đi đến thành Xá-vệ, lần hồi đến tinh xá Kỳ hoàn, rồi đi bộ vào tinh xá Kỳ hoàn. Phàm theo phép, vua thủy quán đảnh[11] có năm nghi trượng; vua đều cởi bỏ, để sang một bên, rồi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt vì vua mà nói pháp vi diệu. Khi vua nghe pháp xong, bạch Thế Tôn:
–Cúi xin Như Lai hãy hạ an cư tại thành Laduyệt. Con sẽ cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của vua Tần-bà-sa-la. Khi vua thấy Thế Tôn im lặng nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh ba vòng, lui đi, trở về thành La-duyệt, vào trong cung.
Bấy giờ, vua Tần-tỳ-sa-la ở nơi vắng vẻ, tự nghĩ: “Ta có thể cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo tăng suốt đời ta, y áo, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Nhưng cũng phải thương xót những người nghèo hèn kia.” Rồi vua Tần-tỳ-sa-la bảo quần thần:
–Hôm qua, ta tự nghĩ như vầy: “Ta có thể suốt đời thể cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo tăng về y áo, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Nhưng cũng phải thương xót những người nghèo hèn. Các khanh hãy đốc suất nhau, theo thứ tự cúng dường Như Lai và chư Hiền thì sẽ mãi mãi hưởng phước vô cùng.”
Bấy giờ, vua nước Ma-kiệt cho xây một giảng đường lớn trước cung điện, rồi bày ra những đồ đựng thức ăn.
Bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi nước Xá-vệ, dẫn năm trăm Tỳ-kheo, lần hồi du hóa nhân gian, đến chỗ Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt. Khi vua Tần-tỳ-sa-la nghe Thế Tôn đi đến trong vườn trúc Ca-lan-đà liền lên xe bảo vũ đến chỗ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:
–Con ở nơi yên tĩnh, liền tự nghĩ như vầy: “Như hôm nay, ta có thể bày biện y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh.” Nhưng còn nghĩ đến những gia đình thấp kém, liền bảo quần thần: “Các vị mỗi người hãy bày biện đồ ăn uống để lần lượt cúng dường Phật.” Thế nào, Thế Tôn, điều này là nên hay không nên? Thế Tôn bảo:
–Lành thay, lành thay! Đại vương làm lợi ích cho nhiều người, đã vì trời người mà tạo ruộng phước.
Lúc ấy, vua Tần-tỳ-sa-la bạch Thế Tôn:
–Cúi xin Thế Tôn ngày mai vào cung thọ thực. Khi vua Tần-tỳ-sa-la thấy Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh rồi, liền đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi lui đi.
Sáng hôm sau, Thế Tôn đắp y, mang bát vào thành, đến trong cung vua, ngồi theo thứ lớp. Lúc ấy, vua cung cấp thức ăn trăm vị, tự tay san sớt, vui vẻ không tán loạn. Khi thấy Thế Tôn thọ thực đã xong, đã rửa bát, vua Tần-tỳ-sa-la lấy một chiếc ghế thấp đến ngồi phía trước Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự vì vua nói pháp vi diệu, khiến vua sinh tâm hoan hỷ. Thế Tôn nói pháp vi diệu cho vua và quần thần, nói các đề tài về bố thí, về trì giới, về sinh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, dâm là uế ác, xuất yếu là an lạc.
Khi Thế Tôn đã biết tâm ý các chúng sinh này đã khai mở, không còn hồ nghi nữa, như pháp mà chư Phật thường thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo, bấy giờ Thế Tôn cũng vì họ mà nói hết. Hơn sáu mươi người từ trên chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ, Thế Tôn vì vua Tần-bà-sa-la cùng các nhân dân mà nói kệ tụng này:
Tế tự, lửa trên hết
Trong sách, kệ là nhất
Vua, tôn quý loài người
Các sông, biển là nguồn.
Trong sao, trăng sáng nhất
Ánh sáng, mặt trời nhất
Trên dưới và bốn phương
Trong hết thảy vạn vật,
Trời và người thế gian
Phật là trên tất cả
Ai muốn cầu phước kia
Hãy nên cúng dường Phật.
Sau khi Phật nói bài kệ này xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc ấy, nhân dân trong thành La-duyệt tùy dòng quý tiện, theo nhà ít nhiều mà cúng dường cơm cho Phật và Tăng Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Thế Tôn ở khu Ca-lan-đà, trong vườn Trúc; nhân dân trong nước không có ai là không cúng dường. Khi ấy, trong thành La-duyệt, đến lượt các Phạm chí cúng dường thức ăn. Các Phạm chí bèn nhóm họp lại một chỗ, bàn luận rằng:
–Chúng ta mỗi người chi ra ba lượng tiền vàng để mua thức ăn cúng dường.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Phạm chí tên Kê-đầu, rất là nghèo thiếu, chỉ tự đủ sống còn, không có tiền vàng để góp, liền bị các Phạm chí đuổi ra khỏi chúng.
Lúc ấy, Phạm chí Kê-đầu trở về nhà nói với vợ ông:
–Nàng nên biết, hôm nay ta bị các Phạm chí trục xuất, không cho ở trong chúng. Vì sao? Vì ta không có tiền vàng.
Người vợ nói:
–Hãy trở vào trong thành năn nỉ người vay nợ, ắt sẽ được. Hẹn với chủ nợ, sau bảy ngày sẽ trả lại, nếu không trả nợ thì chính tôi và vợ sẽ chịu làm tôi tớ.
Bấy giờ, Phạm chí theo lời vợ ông nói, liền vào trong thành tìm cầu khắp mọi nơi, vẫn không thể được. Ông trở về nhà nói với vợ: –Tôi tìm cầu mọi nơi rồi mà không thể được.
Nên như thế nào?
Người vợ nói:
–Phía Đông thành La-duyệt có đại Trưởng giả tên là Bất-xa-mật-đa-la, nhiều tiền lắm của, có thể đi đến đó mà cầu vay nợ. Xin cho vay ba lượng tiền vàng, sau bảy ngày sẽ trả lại, nếu không trả thì chính tôi và vợ sẽ chịu làm tôi tớ.
Lúc này, Phạm chí theo lời vợ, đến nói với Bấtxa-mật-đa-la vay tiền vàng, không quá bảy ngày tự sẽ trả lại, nếu không trả thì chính tôi và vợ sẽ chịu làm tôi tớ. Bất-xa-mật-đa-la liền trao cho tiền vàng.
Phạm chí Kê-đầu đem tiền vàng này về đến chỗ vợ và bảo:
–Đã được tiền vàng. Phải làm gì cho thích hợp?
Người vợ nói:
–Hãy đem số tiền này nộp cho chúng. Phạm chí kia liền đem tiền vàng đến nộp cho chúng. Các Phạm chí nói với Phạm chí này:
–Chúng tôi đã chuẩn bị xong, hãy đem tiền vàng này về chỗ cũ, không cần ông ở trong chúng này.
Phạm chí kia liền trở về nhà, đem nhân duyên này nói lại cho vợ. Người vợ nói:
–Hai chúng ta cùng đến chỗ Thế Tôn, tự trình bày hết lòng thành.
Bấy giờ, Phạm chí dẫn vợ mình đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi rồi ngồi qua một bên. Người vợ ông cũng đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Rồi Phạm chí đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phạm chí:
–Nay, ông hãy vì Như Lai và Tăng Tỳ-kheo mà bày đồ ăn thức uống đầy đủ.
Lúc ấy, Phạm chí quay lại bàn kỹ càng với vợ ông. Thời người vợ nói:
–Chỉ làm theo lời Phật dạy, chớ có phân vân. Bấy giờ, Phạm chí liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước bạch Phật:
–Cúi xin Thế Tôn và Tăng Tỳ-kheo nhận lời thỉnh của con.
Lúc ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của Phạm chí.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân đang chắp tay hầu sau Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo Thích Đềhoàn Nhân:
–Ông hãy giúp Phạm chí này bày biện thức ăn.
Thích Đề-hoàn Nhân bạch:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Lúc ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương đứng cách Như Lai không xa, dẫn theo các chúng quỷ thần không kể xiết, từ xa quạt Thế Tôn.
Thích Đề-hoàn Nhân nói với Tỳ-sa-môn Thiên vương:
–Ông cũng phải theo giúp Phạm chí kia bày biện thức ăn này.
Tỳ-sa-môn Thiên vương đáp:
–Rất tốt, thưa Thiên vương!
Tỳ-sa-môn Thiên vương đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, nhiễu Phật ba vòng, rồi tự biến mất. Ông hóa làm một người, lãnh năm trăm quỷ thần, cùng lo bày biện thức ăn. Lúc ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương ra lệnh cho các quỷ thần: “Các ngươi hãy mau đến trong rừng chiên-đàn để lấy chiên-đàn. Ở trong nhà bếp có năm trăm quỷ thần làm thức ăn. Lúc này, Thích Đề-hoàn Nhân bảo Thiên tử Tự Tại:
–Hôm nay, Tỳ-sa-môn Thiên vương đã dựng nhà bếp làm thức ăn cho Phật và Tăng Tỳ-kheo. Nay ông hãy hóa ra giảng đường cho Phật và Tăng Tỳ-kheo ở trong đó thọ thực.
Thiên tử Tự Tại đáp:
–Việc này rất tốt!
Rồi Thiên tử Tự Tại theo lời Thích Đề-hoàn Nhân, cách thành La-duyệt không xa, hóa làm giảng đường bằng bảy báu. Bảy báu đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, mã não, trân châu, xa cừ. Lại hóa làm bốn cầu thang bằng vàng, bạc thủy tinh, lưu ly. Trên cầu thang vàng thì hóa ra cây bạc, trên cầu thang bạc thì hóa ra cây vàng, rễ vàng, thân bạc, cành bạc, lá bạc. Trên cây vàng thì hóa ra lá bạc, cành bạc. Trên cầu thang thủy tinh thì hóa ra cây lưu ly cũng được trang sức bằng đủ thứ không thể nói hết. Lại dùng đủ loại châu báu mà lót bên trong, dùng bảy báu che lên trên, bốn phía đều treo linh vàng, song các linh này đều phát ra tám loại âm thanh. Lại hóa ra giường, ghế tốt, trải nệm tốt, treo phướn, lọng thêu thùa, hiếm có trên đời. Lúc ấy, họ dùng chiên-đàn ngưu đầu đốt lửa làm thức ăn, khiến mười hai do-tuần cạnh thành La-duyệt đều tràn ngập hương thơm ở trong đó. Lúc này, vua nước Ma-kiệt-đà bảo các quần thần:
–Ta lớn lên trong thâm cung từ nhỏ, chưa nghe mùi hương này. Vì cớ gì lại nghe mùi hương thơm này bên cạnh thành La-duyệt?
Quần thần tâu: –Đó là ở trong nhà nấu ăn Phạm chí Kê-đầu.
Mà hương chiên-đàn trời là điềm lành ứng hiện. Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la bảo các quần thần: –Hãy mau chuẩn bị xe bảo vũ. Ta muốn đi đến chỗ Thế Tôn để hỏi thăm về việc này.
Các quần thần tâu:
–Thưa vâng, đại vương!
Vua Tần-bà-sa-la liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, vua thấy trong bếp này có năm trăm người đang nấu thức ăn, bèn hỏi:
–Đây là những người nào đang nấu thức ăn vậy?
Các quỷ thần mang hình người đáp:
–Phạm chí Kê-đầu thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường.
Lúc ấy, nhà vua lại từ xa trông thấy giảng đường cao rộng liền hỏi người hầu:
–Đây là giảng đường do người nào tạo ra? Vì ai tạo ra? Xưa nay chưa từng có!
Quần thần đáp:
–Việc này chúng thần không rõ!
Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la tự nghĩ: “Nay ta sẽ đi đến chỗ Thế Tôn để hỏi nghĩa này, vì Phật Thế Tôn không việc gì không biết, không việc gì không thấy.” Lúc này, vua Tần-bà-sa-la nước Makiệt đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la bạch Thế Tôn:
–Trước đây không thấy giảng đường cao rộng này, hôm nay lại thấy. Xưa nay không thấy nhà bếp sắt này, hôm nay lại thấy. Làm bằng vật gì và do ai biến ra?
Thế Tôn bảo:
–Đại vương nên biết! Đó là Tỳ-sa-môn Thiên vương dựng lên nhà bếp và Thiên tử Tự Tại dựng lên giảng đường này.
Lúc ấy, vua nước Ma-kiệt ở trên chỗ ngồi, khóc thương lẫn lộn, không tự chế được. Thế Tôn bảo: –Sao đại vương lại thương khóc cho đến như vậy?
Vua Tần-bà-sa-la bạch Phật:
–Con không dám thương khóc, chỉ nghĩ đến nhân dân đời sau không thấy bậc Thánh xuất hiện, người trong tương lai tham đắm của cải vật chất, không có oai đức, ngay đến tên của báu lạ này còn không nghe huống gì là thấy! Nay nhờ ơn Như Lai mà có sự biến hóa kỳ lạ xuất hiện ở đời cho nên con thương khóc.
Thế Tôn bảo:
–Đời tương lai, quốc vương và nhân dân, thật sự sẽ không thấy sự biến hóa này!
Bấy giờ, Thế Tôn liền vì quốc vương mà nói pháp, khiến phát tâm hoan hỷ. Sau khi nghe pháp xong, vua rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Lúc ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương bảo Phạm chí Kê-đầu:
–Ông hãy xòe bàn tay phải.
Phạm chí Kê-đầu liền xòe bàn tay phải ra. Tỳsa-môn Thiên vương trao cho một thỏi vàng và bảo:
–Cầm thỏi vàng này đặt lên đất.
Phạm chí liền để nó lên đất. Tức thì nó biến thành trăm ngàn lượng vàng. Tỳ-sa-môn Thiên vương bảo rằng:
–Ông hãy cầm thỏi vàng này vào trong thành mua các loại đồ ăn thức uống mang lại chốn này.
Theo lời dạy Thiên vương, Phạm chí liền mang vàng này vào thành mua đủ loại đồ ăn thức uống mang về nhà bếp. Lúc ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương tắm gội Phạm chí, cho mặc các loại y phục đẹp, tay cầm lư hương và dạy rằng: “Đã đến giờ, nay đã đúng giờ, xin Thế Tôn chiếu cố.”
Bấy giờ, Phạm chí liền vâng theo lời dạy kia, tay bưng lư hương mà bạch:
–Đã đến giờ, cúi xin chiếu cố.
Bấy giờ, Thế Tôn đã biết đến giờ, liền đắp y, mang bát, dẫn các Tỳ-kheo đến giảng đường, rồi ngồi theo thứ lớp. Chúng Tỳ-kheo-ni cũng theo thứ tự ngồi.
Lúc ấy, Phạm chí Kê-đầu thấy đồ ăn thức uống rất nhiều nhưng chúng tăng lại ít, đến trước bạch Thế Tôn:
–Hôm nay đồ ăn thức uống rất nhiều mà chúng Tăng lại ít, không biết phải làm sao?
Thế Tôn bảo:
–Này Phạm chí, ông hãy bưng lư hương này để lên trên đài cao, hướng về các phía Đông, Tây, Nam, Bắc mà khấn rằng: “Những vị đệ tử của Phật Thích-ca Văn đã được sáu thần thông, A-la-hán lậu tận, xin vân tập hết đến giảng đường này.” Phạm chí bạch:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bấy giờ, Phạm chí vâng theo lời Phật dạy, liền lên lầu thỉnh các vị A-la-hán lậu tận. Lúc đó, phương Đông có hai mươi mốt ngàn A-la-hán, từ phương Đông đến giảng đường này. Các phương Nam, Tây, Bắc mỗi phương cũng đều có hai mươi mốt ngàn vị A-la-hán đến giảng đường này. Lúc này, trên giảng đường có tám vạn bốn ngàn A-lahán tập họp ở một chỗ.
Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la dẫn các quần thần đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và lễ Tăng Tỳ-kheo. Sau khi Phạm chí Kê-đầu thấy chúng Tăng rồi, vui mừng hớn hở không tự kiềm chế được, dọn đồ ăn thức uống cúng dường Phật và tăng Tỳ-kheo, tự tay san sớt, hoan hỷ không tán loạn. Nhưng thức ăn vẫn còn dư.
Lúc ấy, Phạm chí Kê-đầu lên trước bạch Phật: –Hôm nay con đã cúng dường Phật và Tăng Tỳ-kheo, nhưng thức ăn hiện vẫn còn dư!
Thế Tôn bảo:
–Nay ông có thể thỉnh Phật và Tăng Tỳ-kheo cúng dường bảy ngày.
Phạm chí đáp:
–Thưa vâng, bạch Cù-đàm.
Lúc ấy, Phạm chí Kê-đầu liền quỳ trước Thế Tôn bạch:
–Nay con thỉnh Phật và tăng Tỳ-kheo cúng dường trong bảy ngày. Con sẽ cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Lúc ấy, trong đại chúng có Tỳ-kheo-ni tên là Xá-cưu-lợi[12]. Tỳ-kheo-ni bạch Thế Tôn:
–Nay trong tâm con tự nghĩ: “Có vị đệ tử Phật Thích-ca Văn, A-la-hán lậu tận nào chưa vân tập đến đây không?” Con đã dùng Thiên nhãn quan sát bốn phương nhưng không thấy ai không đến. Nay trong đại hội này toàn là A-la-hán tập họp.
Thế Tôn bảo:
–Đúng vậy, Xá-cưu-lợi, như lời cô nói, đại hội này toàn là các vị Chân nhân Đông, Tây, Nam, Bắc không ai không vân tập.
Vì nhân duyên này, bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông có thấy Tỳ-kheo-ni nào Thiên nhãn thấy suốt trong hàng Tỳ-kheo-ni như Tỳ-kheo-ni này hay không? Các Tỳ-kheo đáp:
–Không thấy, bạch Thế Tôn!
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Đệ tử có Thiên nhãn bậc nhất trong hàng Thanh văn, chính là Tỳ-kheo-ni Xá-cưu-lợi.
Lúc này, Phạm chí Kê-đầu trong bảy ngày cúng dường Thánh chúng y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Lại dùng hương hoa rải lên Như Lai. Khi ấy hoa ấy ở giữa hư không kết thành một cái đài lưới châu[13] bảy báu. Phạm chí khi thấy đài lưới châu, hết sức vui mừng không tự kiềm chế được, đến trước bạch Phật:
–Cúi xin Đức Thế Tôn cho phép con được theo đạo làm Sa-môn.
Bấy giờ, Phạm chí Kê-đầu liền được hành đạo. Khi đã được hành đạo, các căn tịch tĩnh, tự tu luyện chí mình, trừ bỏ ngủ nghỉ. Nếu mắt thấy sắc cũng không khởi niệm tưởng, nhãn căn ông cũng không tưởng ác hay theo đuổi các niệm, mà hộ trì nhãn căn. Hoặc tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết trơn láng, không khởi tưởng trơn láng, ý biết pháp cũng vậy.
Rồi ông diệt trừ năm cái che lấp tâm người, khiến người không trí tuệ. Cũng không ý sát hại, mà tịnh tâm mình, không giết, không niệm giết, không dạy người giết, tay không cầm dao gậy, khởi tâm nhân từ hướng về hết thảy chúng sinh. Trừ bỏ việc không cho mà lấy, không khởi tâm trộm cắp, giữ ý mình sạch, thường có tâm bố thí đối tất cả chúng sinh, khiến cho họ không trộm cắp. Tự mình không dâm dật, cũng lại dạy người khiến không dâm dật, thường tu phạm hạnh, trong sạch không có vết dơ, ở trong phạm hạnh mà thanh tịnh tâm mình. Tự mình không vọng ngữ, cũng không dạy người vọng ngữ, thường nghĩ chí thành, không có dối trá lừa gạt người đời, ở trong đó mà tịnh tâm mình. Lại không có nói hai lưỡi, không dạy người khiến nói hai lưỡi, nếu nghe lời hỏi nơi này không truyền đến nơi kia, hoặc nghe lời nơi kia không truyền đến nơi này, ở trong đó mà tịnh ý mình.
Ăn uống biết đủ, không tham đắm mùi vị, không đắm sắc màu tươi tốt, không ham mập trắng, chỉ muốn giữ thân hình khiến toàn tánh mạng, muốn trừ cảm thọ[14] cũ, khiến cảm thọ mới không sinh, tu hành đắc đạo, mãi an trú trong đất vô vi. Giống như có người nam, hay nữ dùng cao mỡ bôi lên mụt ghẻ, chỉ vì muốn trừ khỏi bệnh. Ở đây cũng như vậy, sở dĩ ăn uống biết đủ là muốn cho cảm thọ cũ được trừ, cảm thọ mới không sinh.
Vị ấy sau đó lại hành đạo[15] từ sáng sớm, không mất thời tiết, không mất hành ba mươi bảy đạo phẩm. Khi ngồi, hoặc đi, trừ bỏ thùy miên cái. Đầu đêm, hoặc ngồi hoặc nằm, trừ bỏ thùy miên cái. Nửa đêm, nằm nghiêng hông phải chấm đất, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm nơi ánh sáng. Cuối đêm vị ấy hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành mà tịnh ý mình.
Sau khi ăn uống biết đủ, kinh hành không mất thời gian, trừ bỏ dục, tưởng bất tịnh, không các ác hành, vào Sơ thiền[16] có giác, có quán, đình chỉ niệm[17], có hỷ và hoan lạc. Vào Nhị thiền[18]. Không có lạc[19]. Hộ và niệm thanh tịnh[20], tự biết thân có lạc, điều mà chư Hiền mong cầu là hộ[21], niệm thanh tịnh mà vào Tam thiền[22]. Khổ lạc kia đã diệt, không còn ưu[23], không khổ không lạc, hộ và niệm thanh tịnh[24], vào Tứ thiền.
Với tâm Tam-muội[25], thanh tịnh không tỳ vết, cũng đạt được Vô sở úy; lại đạt được Tam-muội, vị ấy tự nhớ lại việc vô số đời. Vị ấy nhớ lại việc quá khứ hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, hàng ngàn vạn đời, thành kiếp bại kiếp, kiếp của thành bại: Ta từng sinh chỗ kia, họ ấy, tên ấy, ăn thức ăn như vậy, hưởng khổ vui như vậy, tuổi thọ dài ngắn, chết ở kia, sinh ở đây; chết ở đây, sinh ở kia, nhân duyên gốc ngọn tất cả đều biết.
Lại với tâm Tam-muội thanh tịnh không tỳ vết, đạt được Vô sở úy, vị ấy quán sự sống chết của các loại chúng sinh. Vị ấy lại dùng Thiên nhãn quán sát các loại chúng sinh, người sinh, người chết, đường lành, đường dữ, sắc lành, sắc dữ, hoặc tốt, hoặc xấu tùy hành nghiệp đã gieo; tất cả đều biết. Hoặc có chúng sinh với thân miệng ý tạo ác, phỉ báng Hiền thánh, tạo gốc nghiệp tà, thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Hoặc lại có chúng sinh với thân miệng ý hành thiện, không phỉ báng Hiền thánh, thân hoại mạng chung sinh vào cõi trời, đường lành.
Vị ấy lại dùng Thiên nhãn thanh tịnh quán sát các loài chúng sinh hoặc đẹp, hoặc xấu, đường lành, đường dữ, sắc lành, sắc dữ; tất cả đều biết, được Vô sở úy.
Lại vận dụng tâm lậu tận, sau đó quán sát khổ này, như thật biết rằng đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt và đây là Khổ xuất yếu. Sau khi vị ấy quán sát như vậy rồi, tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đã được giải thoát, liền được trí giải thoát, như thật biết rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa, phải biết như thật.” Lúc ấy, Phạm chí Kê-đầu thành A-la-hán. Tôn giả Kê-đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Thế gian có năm sự tối ư không thể được[26]. Sao gọi là năm? 1. Vật phải mất mà muốn cho không mất, đó là không thể được.
2. Pháp diệt tận mà muốn cho không diệt tận, đó là không thể được.
3. Pháp già mà muốn cho không già, đó là không thể được. 4. Pháp bệnh mà muốn cho không bệnh, đó là không thể được. 5. Pháp chết mà muốn cho không chết, đó là không thể được.
Này các Tỳ-kheo, đó là năm việc tối ư không thể được. Dù Như Lai xuất thế hay Như Lai không xuất thế, pháp giới vẫn hằng trụ như vậy, mà những tiếng sinh, già, bệnh, chết, vẫn không có mục nát, không bị diệt mất. Cái gì sinh ra, cái gì chết đi, đều quay về gốc. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự này khó được. Hãy tìm cầu phương tiện tu hành năm căn. Sao gọi là năm? Đó là Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn. Đó gọi là, Tỳ-kheo, hành năm căn này rồi liền thành Tu-đà-hoàn, Gia gia, Nhất chủng[27], lên nữa thành Tư-đà-hàm, chuyển lên nữa diệt năm kết sử thành A-na-hàm ở trên kia mà nhập Niết-bàn chứ không trở lại đời này nữa, chuyển lên nữa hữu lậu diệt tận thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân tác chứng, tự du hý, biết như thật rằng không còn thọ thai nữa. Hãy tìm cầu phương tiện trừ bỏ năm sự trước, sau đó tu năm căn.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Có năm hạng người không thể chữa trị. Sao gọi là năm?
1. Người dua nịnh không thể chữa trị.
2. Người gian tà không thể chữa trị.
3. Người ác khẩu không thể chữa trị.
4. Người ganh ghét không thể chữa trị.
5. Người không báo đáp không thể chữa trị.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm hạng người này không thể chữa trị.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người gian tà, ác khẩu
Ganh ghét, không báo đáp
Người này không thể chữa
Bị người trí bỏ rơi.
Cho nên, các Tỳ-kheo, thường xuyên hãy học ý chánh, trừ bỏ ganh ghét, tu tập oai nghi, nói năng như pháp, phải biết báo đáp, biết ân nuôi dưỡng kia, ân nhỏ còn không quên huống gì ân lớn. Chớ ôm lòng tham lam bỏn sẻn, cũng không tự khen mình, cũng không khinh chê người.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe nhũng gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Xưa kia, Thích Đề-hoàn Nhân bảo trời Tam thập tam rằng: “Khi các vị đánh nhau với A-tuluân, nếu A-tu-luân thua, chư Thiên thắng, các vị hãy bắt A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la[28] trói năm chỗ rồi dẫn đến đây.” Lúc ấy, A-tu-luân Tỳ-ma-chấtđa-la lại bảo với các A-tu-luân rằng: “Hôm nay các khanh đánh nhau với chư Thiên, nếu thắng, hãy bắt Thích Đề-hoàn Nhân trói lại đưa đến đây.”
Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy, hai bên đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-luân thua. Bấy giờ, trời Tam thập tam bắt trói vua A-tu-luân Tỳ-ma-chấtđa-la đem đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đặt ở ngoài trung môn. Khi xem xét mình bị trói năm chỗ, vua A-tu-luân tự nghĩ: “Pháp chư Thiên là chánh[29]. Hành vi của A-tu-luân là phi pháp. Nay ta không thích A-tu-luân, mà sẽ ở tại cung chư Thiên này.” Khi ấy, do suy nghĩ rằng: “Pháp chư Thiên là chánh. Hành vi của A-tu-luân là phi pháp. Ta muốn ở chốn này.” Vừa nghĩ như vậy, tức thì vua A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la liền cảm thấy thân không còn bị trói, ngũ dục tự vui thích. Nếu vua A-tu-luân Tỳ-ma-chất-đa-la nghĩ như vầy, rằng: “Chư Thiên là phi pháp, pháp A-tu-luân là chánh. Ta không cần trời Tam thập tam này. Ta muốn trở về cung A-tu-luân.” Tức thì, thân vua A-tu-luân bị trói năm chỗ, ngũ dục vui thích tự nhiên biến mất.
Tỳ-kheo nên biết, không có sự trói buộc nào chặt hơn đây. Nhưng đối với đây, sự trói buộc của ma còn chặt hơn. Nếu khởi kết sử, là bị ma trói buộc. Dao động, bị ma trói buộc. Bất động, không bị ma trói buộc. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện khiến tâm không bị trói buộc, nên thích nơi nhàn tĩnh. Vì sao? Vì các kết sử này là cảnh giới của ma. Nếu có Tỳ-kheo nào ở cảnh giới ma thì quyết không thể thoát sinh, già, bệnh, chết, không thoát sầu ưu khổ não. Nay Ta nói về sự dứt khổ này. Nếu Tỳ-kheo tâm không dao động, không dính kết sử, liền thoát sinh, già, bệnh, chết, sầu lo, khổ não. Nay Ta nói về sự dứt khổ này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này:
“Không có kết sử, vượt ra khỏi cõi ma.” Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi bạch Thế Tôn:
–Phàm nói là tận thì những pháp gì gọi là tận? Thế Tôn bảo:
–A-nan, sắc do nhân duyên vô vi mà có tên này. Vô dục, vô vi, gọi là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận, được gọi là diệt tận. Thọ, tưởng, hành, thức, vô vi, vô tác, đều là pháp diệt tận, vô dục, vô nhiễm ô. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận.
A-nan nên biết, năm thạnh ấm vô dục, vô tác, là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận. Năm thạnh ấm này vĩnh viễn đã diệt tận, không sinh trở lại nữa nên gọi là diệt tận.
Các Tỳ-kheo sau khi A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Phạm chí Sinh Lậu đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Phạm chí Sinh Lậu bạch Đức Thế Tôn:
–Thế nào, Cù-đàm, có nhân duyên gì, có hành vi nào đời trước khiến cho loài người này có tận, có diệt, có giảm thiểu? Xưa là thành quách, hôm nay đã hoại vong. Xưa có người dân, hôm nay bãi hoang? Thế Tôn bảo:
–Phạm chí nên biết, do những hành động của nhân dân này phi pháp nên khiến xưa có thành quách hôm nay bị ma diệt, xưa có người dân hôm nay bãi hoang, đều do dân sống xan tham trói buộc, quen hành ái dục đưa đến, khiến cho mưa gió không đúng thời, gieo trồng hạt mầm không phát triển. Lúc đó nhân dân chết đầy đường. Phạm chí nên biết, do nhân duyên này nên đất nước bị hủy hoại, nhân dân không đông đúc.
Lại nữa, Phạm chí, việc làm của nhân dân là phi pháp gây nên sấm, sét, chớp giật tự nhiên; trời giáng mưa đá phá hoại mùa màng. Bấy giờ, người dân chết khó kể xiết.
Lại nữa, Phạm chí, những việc làm của người dân phi pháp, đấu tranh lẫn nhau, hoặc dùng nắm tay đấm nhau, hoặc gạch đá ném nhau, mọi người tự tán mạng mình.
Lại nữa, Phạm chí, người dân ấy đã đánh nhau nên chỗ ở mình không yên, quốc chủ không an ninh. Họ khởi binh chúng công phạt lẫn nhau, dẫn đến nhiều người chết khó tả. hoặc có người bị đao, hoặc có người bị tên bắn chết. Như vậy, này Phạm chí, do những nhân duyên này, khiến dân giảm bớt, không đông đúc lại được.
Lại nữa, Phạm chí, vì những việc làm của người dân là phi pháp, nên khiến thần kì không giúp cho được thuận tiện, hoặc gặp khốn ách tật bệnh nằm liệt giường, người trừ khỏi thì ít, người dịch chết thì nhiều. Này Phạm chí, đó gọi là vì nhân duyên này khiến dân giảm thiểu, không còn đông đảo nữa.
Bấy giờ, Phạm chí Sinh Lậu bạch Thế Tôn: –Những gì Cù-đàm nói thật là hay thay, khi nói về ý nghĩa giảm thiểu của người xưa này. Đúng như lời Như Lai dạy, xưa có thành quách, hôm nay đã ma diệt, xưa có nhân dân, nay là bãi hoang. Vì sao? Vì có phi pháp, liền sinh tham lam, ganh ghét. Vì sinh tham lam, ganh ghét nên sinh nghiệp tà. Vì nghiệp tà nên trời mưa không đúng thời, ngũ cốc không chín, nhân dân không mạnh, cho nên khiến phi pháp lưu hành, trời giáng tai biến bại hoại mầm sinh. Vì họ hành phi pháp, ham đắm tham lam, ganh ghét. Bấy giờ, quốc chủ không an ninh, họ dấy binh chúng công phạt lẫn nhau, người chết không thể kể, nên khiến đất nước hoang tàn, nhân dân ly tán.
Những gì Thế Tôn nói hôm nay thật là hay thay! Do phi pháp nên đưa đến tai họa này. Giả sử bị người khác bắt và bị giết chết. Đó là do phi pháp nên sinh tâm trộm cắp. Đã sinh trộm cắp, sau đó bị vua giết. Vì sinh tà nghiệp nên bị phi nhân chi phối. Vì nhân duyên này nên mạng chung, nhân dân giảm thiểu, nên khiến không có thành quách để cư trú.
Thưa Cù-đàm, những gì Ngài nói hôm nay là quá nhiều. Giống như người gù được thẳng, người mù được đôi mắt, trong tối được sáng, người không có mắt làm cho có đôi mắt. Nay, Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện để thuyết pháp. Nay tôi lại xin tự quy y Phật, Pháp, Tăng, xin cho phép làm Ưu-bà-tắc, suốt đời không dám sát sinh nữa. Nếu Sa-môn Cù-đàm thấy con cỡi voi, cỡi ngựa thì đó con do sự cung kính. Vì sao? Vì con được các vị vua như Ba-tư-nặc, vua Tầntỳ-sa-la, vua Ưu-điền, vua Ác Sinh, vua Ưu-đà-diên ban cho phước thọ phạm[30]. Con sợ mất cái đức này. Nếu lúc con bày vai phải, cúi xin Thế Tôn nhận con lễ bái. Nếu lúc con đi bộ mà thấy Cù-đàm đến, con sẽ cởi bỏ giày, cúi xin Thế Tôn nhận con lễ bái.
Bấy giờ, Thế Tôn gật đầu chấp nhận. Lúc này, Phạm chí Sinh Lậu vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được, đến trước bạch với Phật:
–Nay con lại xin tự quy y Sa-môn Cù-đàm, cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Ưu-bà-tắc.
Bấy giờ, Thế Tôn liền vì ông nói pháp, khiến phát tâm hoan hỷ. Phạm chí sau khi nghe pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
Phạm chí Sinh Lậu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
❑
[1] . Đẳng kiến 等 見 , được hiểu là chánh kiến. Pāli: Sammādiṭṭhi.
[2] . Ma-ha-nam 摩 呵 男。Pāli: Mahānāma, con vua Amitodana (Cam Lộ Phạn vương), anh của Anuruddha (A-na-luật).
[3] . Phu nhân Tát-la-đà sát-lợi chủng 薩 羅 陀 剎 利 種。T26: Vũ Nhật Cái 雨 日 蓋。Pāli: Vāsabhā-khattiā. Xem cht. kinh số 3 phẩm 13.
[4] . Để bản: Tỳ-lưu-lặc 毘 流 勒。TNM: Tỳ-lưu-ly 離。Có thể đây là giải thích của người chép kinh, phong theo nghĩa Hán. Phiên Phạn Ngữ 4 (T54n2130_p1008c17): Tỳ-lâu-lưu vương 毘 樓 流 王 , nên nói là Tỳlưu-ly-tha 毘 流 離 他 , dịch là Tăng Trưởng 增 長。Tức nguyên Skt.: Virūḍhaka (Pāli: Viḍūḍabha).
[5] . Hảo khổ 好 苦。Đồng nhất với Pāli: Dīghakārāyaṇa.
[6] . Trong bản: Ca-tỳ-la-việt 迦 毘 羅 越。Trên kia, Ca-tỳ-la-vệ.
[7] . A-chi-la hà. Pāli, Aciravatì, sông chảy ngang qua Xá-vệ. Từ cung điện vua có thể nhìn thấy.
[8] . Câu tỏa 拘 璅 , cá móc câu?
[9] . Lưỡng thiệt 兩 舌 , cá hai lưỡi?
[10] . Tần-tỳ-sa-la 頻 毘 娑 羅。Pāli: Bimbisāra.
[11] . Nguyên Hán: Thủy quán đầu vương 水 灌 頭 王 。
[12] . Xá-cưu-lợi 舍鳩利. Trên kia, kinh số 1 phẩm 5, phiên âm: Xa-câu-lê. Pāli: Sakulā.
[13] . Giao lộ đài 交 露 臺.
[14] . Xem cht. kinh số 6 phẩm 21 trên.
[15] . Hành đạo 行 道 ; đây nên hiểu là kinh hành. Xem kinh số 6 phẩm 21 trên, và đoạn tiếp theo dưới.
[16] . Lưu ý để bản chép nhiều đảo cú so với bình thường, dẫn đến ngắt từ nhầm lẫn, do đó lẫn lộn giữa các thiền. Xem trên, kinh số 1 phẩm 17.
[17] . Nên đọc là: Tức niệm ỷ hoan lạc 息 念 猗 歡 樂 ; được hiểu là có hỷ và do viễn ly (ly sinh hỷ lạc). Lưu ý ngắt từ trong một số tả bản. Pāli: Vivekaṃ ptisukha.
[18] . Đoạn này để bản chép sót chi tiết Nhị thiền. Để bổ túc, xem kinh số 1 phẩm 17.
[19] . Cụm từ này không liên hệ thiền nào cả. Để bản chép nhầm.
[20] . Hộ niệm thanh tịnh, tức xả và niệm thanh tịnh. Nhưng để bản chép nhầm, vì đây là trạng thái thiền thứ tư.
[21] . Nên hiểu: Điều mà các Thánh nói (hay mong cầu) là xả. Lưu ý ngắt từ.
[22] . Nên hiểu: Vị ấy an trúc lạc, có chánh niệm, nhập Tam thiền.
[23] . Để bản chép thiếu: Không còn ưu hỷ.
[24] . Hộ niệm thanh tịnh 護 念 清 淨 , tức xả niệm thanh tịnh, trạng thái từ Tứ thiền trở lên.
[25] Tức với tâm đã định tĩnh như trên.
[26] . Tham chiếu Pāli. A V 48 Alabbhanīyaṭhānasutta (R. iii. 54): Pañcimāni alabbhanīyāni ṭhānāni, năm sự kiện không thể đạt được. Xem kinh số 7 phẩm 32.
[27] Các quả vị Thánh thuộc Tu-đà-hoàn, xem kinh số 7 phẩm 28 trên.
[28] Tỳ-ma-chất-đa-la 毘 摩 質 多 羅。Pāli: Vepacitti (Skt. Vemacitra, Mahāvyutpatti 172, 3393)
[29] . Để bản: Chỉnh 整 。TNM: Chánh.
[30] . Thọ phạm chi phước 受 梵 之 福 ; dịch nghĩa đen, từ gần Pāli: Brahmadeyya: tặng phẩm của Phạm thiên, chỉ ân tứ hay phong ấp mà vua chúa ban cho.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]