TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 35: TÀ TỤ

Kinh số 1

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Nếu có người ở trong tụ tà kiến, người ấy có hình dáng như thế nào? Mặt mũi như thế nào?

Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn: –Như Lai là vua các pháp, là chí tôn các pháp. Lành thay, Thế Tôn, hãy vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa này. Chúng con sau khi nghe xong sẽ phụng hành. Thế Tôn bảo:

–Các ông hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ vì các ông phân biệt nghĩa này.

Các Tỳ-kheo đáp:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo:

–Người ở trong nhóm tà cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này sống trong nhóm tà. Sao gọi là năm? Nên cười mà không cười, lúc nên hoan hỷ mà không hoan hỷ, nên khởi lòng từ mà không khởi lòng từ, làm ác mà không hổ, nghe lời thiện của người mà không để ý. Nên biết người này ắt ở trong nhóm tà. Nếu chúng sinh nào ở trong nhóm tà, người ấy cần được nhận biết bằng năm sự này.

Lại nữa, nếu chúng sinh nào ở trong nhóm chánh, người ấy có tướng mạo như thế nào? Có nhân duyên gì? Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Phật: –Như Lai là vua các pháp, là chí tôn các pháp. Cúi xin Thế Tôn hãy vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa này. Chúng con sau khi nghe xong sẽ phụng hành. Thế Tôn bảo:

–Các ông hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì các ông phân biệt nghĩa này.

Các Tỳ-kheo đáp:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo:

–Người ở trong nhóm chánh cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này đang ở trong nhóm chánh. Sao gọi là năm? Nên cười thì cười, nên hoan hỷ thì hoan hỷ, nên khởi lòng từ thì khởi lòng Từ, đáng hổ thì hổ, nghe lời thiện liền chú ý. Nên biết người này đã ở trong nhóm chánh. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy nên bỏ nhóm tà, ở trong nhóm chánh.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 2

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Như Lai xuất hiện ở đời tất sẽ vì năm việc. Sao gọi là năm? Một sẽ chuyển pháp luân, hai sẽ độ cha mẹ, ba người không tin kiến lập lòng tin, bốn chưa phát ý Bồ-tát khiến phát tâm Bồ-tát, năm sẽ thọ ký cho Phật tương lai. Nếu Như Lai xuất hiện ở đời thì sẽ làm năm việc này. Cho nên, các Tỳ-kheo phải khởi tâm Từ đối với Như Lai.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 3

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm sự vật mà huệ thí không được phước kia. Sao gọi là năm? Một lấy đao thí cho người, hai lấy độc thí cho người, ba đem bò hoang thí cho người, bốn dâm nữ thí cho người, năm tạo miếu thờ thần. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự bố thí này không có phước.

Các Tỳ-kheo nên biết! lại có năm sự vật mà huệ thí được phước lớn. Sao gọi là năm? Một tạo lập công viên, hai trồng rừng cây, ba bắc cầu đò, bốn tạo làm thuyền lớn, tạo lập dựng nhà cửa, nơi ở cho quá khứ và tương lai. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự vật khiến được phước đức kia. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Vườn cảnh cho mát mẻ
Và xây dựng cầu đò
Giúp người vượt qua sông
Còn xây phòng ốc tốt:
Người kia trong đêm ngày
Sẽ thường hưởng phước ấy
Giới, định đã thành tựu
Người này ắt sinh Thiên.

Cho nên, các Tỳ-kheo hãy niệm tu hành năm sự huệ thí này.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 4

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Người nữ có năm sức mạnh xem thường chồng. Sao gọi là năm?

1. Sắc mạnh của sắc đẹp.

2. Sức mạnh của dòng họ.

3. Sức mạnh của ruộng vườn.

4. Sức mạnh của con cái.

5. Sức mạnh của tiết hạnh.

Đó là năm sức mạnh của người nữ.

Tỳ-kheo nên biết, người nữ dựa vào năm sức mạnh này mà xem thường chồng. Nếu chồng lại có một sức mạnh thì sẽ phủ lấp hết người nữ kia. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh của giàu sang. Phàm là người giàu sang thì sức mạnh của sắc không sánh bằng; dòng họ, ruộng vườn, con cái, tiết hạnh cũng không bằng. Do một sức lực mà thắng ngần ấy sức mạnh.

Nay tệ ma Ba-tuần cũng có năm sức mạnh. Sao gọi là năm? Đó là:

1. Sức mạnh sắc.

2. Sức mạnh thanh.

3. Sức mạnh hương.

4. Sức mạnh vị.

5. Sức mạnh xúc[1].

Phàm người ngu si đắm các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc nên không thể vượt qua cảnh giới ma Ba-tuần. Nếu Thánh đệ tử nào thành tựu một sức mạnh thì có thể thắng ngần ấy sức mạnh. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh không phóng dật. Nếu Hiền thánh đệ tử thành tựu không phóng dật, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc câu thúc. Do không bị năm dục trói buộc nên có khả năng phân biệt pháp sinh, già, bệnh, chết, thắng được năm sức mạnh của ma, không rơi vào cảnh giới ma, vượt khỏi các nạn sợ hãi, đến chỗ vô vi.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Giới, đường đến cam lồ
Phóng dật, dẫn lối chết
Không tham thì không chết
Mất đường là tự mất.[2]

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Nên nhớ tu hành không phóng dật.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 5

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Người nữ có năm tưởng dục. Sao gọi là năm?

1. Sinh trong nhà hào quý.

2. Được gả vào nhà giàu sang.

3. Chồng của ta làm theo lời.

4. Có nhiều con cái.

5. Độc quyền trong nhà do mình.

Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người nữ có năm sự đáng tưởng muốn này.

Cũng vậy, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo của ta cũng có năm sự đáng tưởng muốn. Sao gọi là năm? Đó là cấm giới, đa văn, thành tựu Tam-muội, trí tuệ, trí tuệ giải thoát. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự này là pháp đáng muốn.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nó kệ này:

Nguyện sinh dòng hào tộc
Cũng gặp nhà giàu sang
Có thể sai khiến chồng
Chẳng phước không khắc được.
Khiến ta nhiều con cái
Hương hoa tự trang sức
Tuy có tưởng niệm này
Chẳng phước không khắc được.
Tín giới mà thành tựu
Tam-muội không lay động
Trí tuệ cũng thành tựu
Biếng nhác, không đạt được.
Muốn chứng đắc đạo quả
Không dạo vực sinh tử
Mong muốn đến Niết-bàn
Biếng nhác, không đạt được.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện hành nơi pháp thiện, trừ bỏ pháp bất thiện, dần dần tiến về trước, không có thoái ý nữa chứng.

Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có năm trường hợp không nên lễ người. Sao gọi là năm?

1. Người ở trong tháp, không nên lễ.

2. Người ở trong đại chúng, không nên lễ.

3. Người ở giữa đường, không nên lễ.

4. Người đang ốm đau nằm trên giường, không nên lễ.

5. Người đang ăn, không nên lễ.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm trường hợp này không lễ người.

Lại có năm trường hợp biết đúng thời nên lễ. Sao gọi là năm? Đó là không ở trong tháp, không ở trong đại chúng, không ở giữa đường, không đau bệnh, lại chẳng phải đang ăn uống, đây nên hướng về lễ.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đúng thời mà hành.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 7

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ưu-đầu-bàn[3]:

–Nay ông hãy vào thành La-duyệt xin cho Ta một ít nước nóng. Vì sao? Vì như Ta hôm nay đang trúng gió[4] đau cột sống.

Ưu-đầu-bàn bạch Phật:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Lúc ấy, Ưu-đầu-bàn vâng lời Phật dạy, đến giờ khất thực, đắp y, mang bát, vào thành La-duyệt xin nước nóng. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đầu-bàn nghĩ như vầy: “Thế Tôn có nhân duyên gì sai ta xin nước nóng? Như Lai đã dứt sạch các kết sử, tập hợp các điều lành, vậy mà Như Lai lại nói rằng: Nay Ta bị trúng gió. Hơn nữa, Thế Tôn lại không cho biết danh tánh nên đến nhà ai.”

Rồi Tôn giả Ưu-đầu-bàn dùng Thiên nhãn quán sát các người nam ở thành La-duyệt, thấy tất cả đều đáng được độ. Lúc ấy, thấy trong thành Laduyệt có trưởng giả Tỳ-xá-la[5] trước đây không trồng căn lành, không có giới, không có tín, tà kiến đối với Phật, Pháp, Tăng và biên kiến cùng tương ưng. Ông thấy như vầy: “Không có bố thí, không có cho, không có người nhận, lại cũng không có quả báo thiện ác; không có đời này, không đời sau, không có cha, không có mẹ; đời không có Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu, ở đời này, đời sau, tự thân tác chứng, mà tự du hóa.” Tuổi thọ rất ngắn; sau năm ngày nữa ông sẽ chết. Ông lại đang thờ Ngũ đạo đại thần.

Lúc ấy, Ưu-đầu-bàn liền tự nghĩ: “Chắc là Như Lai muốn độ trưởng giả này. Vì sao? Vì trưởng giả này sau khi qua đời sẽ sinh vào trong địa ngục Đề khốc[6].” Lúc ấy, Ưu-đầu-bàn liền mỉm cười. Ngũ đạo đại thần từ xa nhìn thấy Tôn giả mỉm cười, liền ẩn hình mình, hóa ra hình người, đi đến chỗ Ưu-đầu-bàn để Ngài sai khiến. Lúc ấy, Tôn giả Ưu-đầu-bàn liền dẫn sứ giả này đến đứng ngoài cửa nhà trưởng giả, đứng im lặng không nói gì cả.

Lúc ấy, trưởng giả từ xa nhìn thấy có đạo nhân đứng ở ngoài cửa, lập tức nói kệ này:

Nay người đứng im lặng
Cạo đầu đắp ca-sa
Vì muốn xin những gì
Do nhân gì đến đây?

Ưu-đầu-bàn liền nói kệ này đáp:

Như Lai, Bậc Vô Trước
Hôm nay sinh bệnh phong
Nếu ngài có nước nóng
Như Lai muốn tắm rửa.[7]

Khi ấy, trưởng giả im lặng không đáp. Lúc này, Ngũ đạo đại thần bảo với Tỳ-xá-la:

–Trưởng giả nên đem nước sôi cúng dường, tất sẽ được phước vô lượng, sẽ được báo cam lộ.

Trưởng giả đáp:

–Ta tự có Ngũ đạo đại thần, cần gì đến Sa-môn này? Ông thêm được việc gì?

Lúc ấy, Ngũ đạo đại thần liền nói kệ này:

Như Lai đang ở đời
Thiên đế cũng xuống hầu
Còn ai vượt lên trên
Ai có thể ngang hàng?
Thần Ngũ đạo làm gì
Không giúp được gì cả
Nên cúng dường Thế Tôn
Để được quả báo lớn.

Lúc ấy, Ngũ đạo đại thần lại nói lần nữa trưởng giả:

–Ông hãy khéo tự thủ hộ các hành vi của thân, miệng, ý hành. Ông không biết oai lực của Ngũ đạo đại thần sao?

Lúc ấy, Ngũ đạo đại thần liền hóa ra hình quỷ thần lớn, tay phải cầm kiếm, nói với trưởng giả:

–Nay ta chính là Ngũ đạo đại thần. Hãy chóng cho Sa-môn này nước nóng. Chớ có chần chờ.

Lúc ấy, trưởng giả nghĩ thầm: “Thật là kỳ lạ! Ngũ đạo đại thần còn cúng dường Sa-môn này.” Lập tức ông đem nước nóng thơm trao cho đạo nhân. Lại lấy mật mía trao cho Sa-môn.

Lúc ấy, Ngũ đạo đại thần tự tay cầm nước nóng thơm này, cùng Ưu-đầu-bàn đến chỗ Thế Tôn rồi dâng nước nóng thơm này lên Như Lai. Bấy giờ, Như Lai dùng nước nóng thơm này tắm gội thân thể, bệnh phong lập tức thuyên giảm không còn tăng thêm nữa.

Lúc đó, trưởng giả, sau năm ngày qua đời, sinh lên cõi trời Tứ Thiên vương. Khi Tôn giả Ưu-đầubàn nghe trưởng giả qua đời, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Ưu-đầubàn bạch Như Lai:

–Trưởng giả này chết sinh về chốn nào?

Thế Tôn bảo:

–Trưởng giả này chết sinh lên trời Tứ Thiên vương.

Ưu-đầu-bàn bạch Phật:

–Trưởng giả này, mạng chung ở đó, sẽ sinh về đâu?

Thế Tôn đáp:

–Ờ đó mạng chung, sẽ sinh cõi trời Tứ Thiên vương, trời Tam thập tam, cho đến trời Tha hóa tự tại. Ở đó mạng chung, lại sinh vào cõi trời Tứ Thiên vương. Trưởng giả này thân trong sáu mươi kiếp, không đọa vào đường ác, cuối cùng được làm người, cạo bỏ râu tóc, đắp ba pháp y, xuất gia học đạo, thành Bích-chi-phật. Vì sao? Vì nhờ đức cúng dường nước nóng thơm mà phước kia mới như vậy. Cho nên, Ưu-đầu-bàn, hãy thường niệm việc tắm chúng Tăng, nghe thuyết đạo giáo.

Ưu-đầu-bàn, hãy học điều như vậy.

Tôn giả Ưu-đầu-bàn sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 8

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo không thích tu phạm hạnh, muốn xả giới cấm, trở về làm bạch y. Khi ấy, Tỳ-kheo kia đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:

–Nay con không thích tu hành trong phạm hạnh này. Con muốn xả giới cấm, trở lại làm bạch y. Thế Tôn bảo:

–Nay vì sao ông không thích tu phạm hạnh, muốn xả giới cấm, trở lại làm bạch y?

Tỳ-kheo đáp:

–Nay tâm ý con hừng hực, trong thân bừng lửa. Nếu khi con thấy người nữ xinh đẹp vô song, bấy giờ con nghĩ thầm: “Mong sao người nữ này cùng ta giao hội nhau.” Rồi con lại nghĩ: “Đây chẳng phải chánh pháp. Nếu ta theo tâm này thì chẳng phải chánh lý.” Bấy giờ, con lại tự nghĩ: “Đây là lợi ác, chẳng phải là lợi thiện. Đây là pháp ác chẳng phải là pháp thiện.” Nay con muốn xả giới cấm, trở lại làm bạch y, giới cấm của Sa-môn thật sự không thể phạm. Ở trong thế tục, con có thể bố thí vật thực[8].

Thế Tôn bảo:

–Phàm người nữ có năm điều bất thiện. Sao gọi là năm? Một là bất thiện bởi ô uế, hai là nói hai lưỡi, ba là ganh ghét, bốn là sân nhuế, năm là không biết báo đáp.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Buồn vui vì của cải
Ngoài thiện trong lòng ác
Phá nẻo thiện của người
Chim ưng bỏ đầm nhơ.

Cho nên, Tỳ-kheo hãy từ bỏ tưởng tịnh, tư duy quán bất tịnh[9]. Sau khi tư duy quán bất tịnh rồi,

Tỳ-kheo sẽ đoạn tận dục ái, sắc ái và vô sắc ái; đoạn tận vô minh, kiêu mạn. Nay, Tỳ-kheo, dục của ông từ đâu sinh? Từ tóc sinh? Nhưng tóc hiện nhơ không sạch, đều do huyễn hóa, lừa gạt người đời, móng tay, răng... thuộc về thân thể đều là không sạch. Cái gì là chân, cái nào là thật? Từ đầu đến chân, thảy đều như vậy. Những vật hữu hình như gan, mật, năm tạng, không một vật đáng ham. Cái gì là chân? Nay, Tỳ-kheo, dục của ngươi từ đâu sinh? Nay ngươi khéo tu phạm hạnh, chánh pháp của Như Lai, tất sẽ hết khổ. Mạng người rất ngắn, không lâu ở đời. Tuy có rất thọ, không qua trăm tuổi.

Tỳ-kheo nên biết, Như Lai xuất thế, rất là khó. Được gặp, nghe pháp cũng khó. Thọ nhận thân hình tứ đại cũng lại việc khó được. Các căn đầy đủ cũng lại khó được. Được sinh vào chốn trung ương, cũng lại khó gặp. Gặp gỡ Thiện tri thức, cũng lại khó được. Nghe pháp cũng khó, phân biệt nghĩa lý cũng lại khó được. Thành tựu các pháp, việc này cũng khó. Nay, Tỳ-kheo, ông nếu thân cận Thiện tri thức, thì có thể phân biệt các pháp, cũng có thể giảng rộng nghĩa này cho người khác. Nếu đã nghe pháp thì có thể phân biệt. Đã phân biệt pháp rồi thì có thể giảng nói nghĩa của nó. Không có tưởng dục, tưởng sân nhuế, tưởng ngu si; đã lìa ba độc nên thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết. Nay ta đã nói sơ nghĩa ấy.

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nhận lãnh lời dạy từ Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi lui ra.

Lúc ấy, Tỳ-kheo kia ở nơi vắng vẻ, tư duy về pháp này, sở dĩ mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, là muốn tu Phạm hạnh vô thượng, cho nên, như thật biết rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.” Biết như thật. Lúc ấy, Tỳ-kheo kia thành A-la-hán.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt, cùng với đại chúng năm trăm Tỳ-kheo.

Bấy giờ, A-nan và Đa-kỳ-xa[10], đúng giờ, đắp y, cầm bát, vào thành khất thực. Lúc ấy, Đa-kỳ-xa ở trong một ngõ hẻm, thấy một người nữ hết sức xinh đẹp hiếm có kỳ đặc ở đời. Thấy rồi, tâm ý tán loạn, không còn bình thường[11].

Lúc ấy, Đa-kỳ-xa liền dùng kệ này nói cho A-nan:

Bị lửa dục thiêu đốt
Tâm ý thật cháy bừng
Xin nói nghĩa diệt nó
Để được nhiều lợi ích.

Lúc ấy, A-nan liền nói kệ này đáp:

Biết dục, pháp điên đảo
Tâm ý thật cháy bừng
Hãy trừ niệm hình tướng
Ý dục liền tự dừng.

Lúc ấy, Đa-kỳ-xa lại nói kệ đáp:

Tâm là gốc của thân
Mắt là nguồn thấy đẹp
Nằm ngủ thấy đỡ nâng
Thân như cỏ rối úa.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền tiến đến, dùng tay phải xoa đầu Đa-kỳ-xa mà nói kệ này:

Niệm Phật, không tham dục
Nan-đà vượt dục kia
Thấy trời, hiện địa ngục.[12]
Ngăn ý, lìa năm đường.

Đa-kỳ-xa sau khi nghe Tôn giả A-nan nói, liền tự nói:

–Thôi, thôi, A-nan! Hãy cùng khất thực xong trở về chỗ Thế Tôn.

Khi ấy, người nữ kia từ xa trông thấy Đa-kỳxa, cô liền cười. Đa-kỳ-xa khi từ xa thấy người nữ cười, liền phát sinh niệm tưởng này: “Cô nay, với hình thể được dựng đứng bởi xương, được quấn chặt bởi da, cũng như cái bình vẽ, bên trong đựng đồ bất tịnh, lừa dối người đời, khiến sinh loạn tưởng.”

Bấy giờ, Tôn giả Đa-kỳ-xa quán sát người nữ kia từ đầu đến chân, trong thân thể này không cái gì đáng ham, ba mươi sáu vật thảy đều bất tịnh. Nay những vật này là từ đâu sinh? Rồi Tôn giả Đakỳ-xa lại nghĩ: “Nay ta quán sát thân khác, không bằng tự quán sát trong thân mình. Dục này từ đâu sinh? Từ đất sinh chăng? Từ nước, lửa, gió sinh chăng? Nếu từ đất sinh; đất cứng chắc, không thể bị hư hoại. Nếu từ nước sinh, nước rất mềm, không thể bắt giữ. Nếu từ lửa sinh; lửa[13] cũng không thể bị nắm bắt. Nếu từ gió sinh; gió không có hình, không thể nắm bắt.” Tôn giả lại nghĩ:

“Tham dục này chỉ có từ tư tưởng sinh.” Rồi Tôn giả nói kệ này:

Dục, ta biết gốc ngươi
Ngươi từ tư tưởng sinh
Nếu ta không tưởng ngươi
Ngươi sẽ không hiện hữu.

Khi Tôn giả Đa-kỳ-xa nói bài kệ này, như tư duy về tưởng bất tịnh, ngay tại chỗ, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu.

Lúc ấy, A-nan và Đa-kỳ-xa ra khỏi thành Laduyệt, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, Đa-kỳ-xa bạch Thế Tôn:

–Nay con đã được lợi thiện, vì có chỗ giác ngộ.

Thế Tôn hỏi:

–Nay ông tự giác thế nào?

Đa-kỳ-xa bạch Phật:

–Sắc không bền vững, cũng không chắc chắn, không thể trông thấy, huyễn ngụy, không thật; thọ[14] không bền vững, cũng không lõi chắc, cũng như đám bọt trên mặt nước, huyễn ngụy, không thật. Tưởng không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật, cũng như quáng nắng. Hành không bền vững, cũng không lõi chắc, giống như thân cây chuối, không có thật. Thức không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật.

Tôn giả lại bạch Phật thêm:

–Năm thạnh ấm này không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy không thật.

Bấy giờ Tôn giả Đa-kỳ-xa liền nói kệ này:

Sắc như chùm bọt nổi
Thọ như bong bóng nước
Tưởng giống như quáng nắng
Hành như thân cây chuối;
Thức là pháp huyễn hóa
Đấng Tối Thắng đã nói
Tư duy điều này xong
Quán sát hết các hành,
Thảy trống không, vắng lặng
Không có gì chân chánh
Đều là do thân này
Đức Thiện Thệ đã dạy,
Cần phải diệt ba pháp
Thấy sắc là bất tịnh
Thân này là như vậy
Huyễn ngụy không chân thật,
Đó là pháp hư hại
Năm ấm không bền chắc
Đã biết là không thật
Trở về đạo tối thượng.

Như vậy, Thế Tôn, đó là những gì mà con đã tỏ ngộ.

Thế Tôn bảo:

–Lành thay, Đa-kỳ-xa! Khéo hay quán sát gốc năm thạnh ấm này. Nay ông nên biết, phàm là hành giả thì phải quán sát gốc năm ấm này đều không chắc thật. Vì sao? Khi Ta đang quán sát năm thạnh ấm này ở dưới bóng cây Bồ-đề mà thành Vô thượng Đẳng chánh giác, cũng như những gì hôm nay ông quán.

Khi Thế Tôn nói bài pháp này, sáu mươi Tỳ-kheo ngay trên chỗ ngồi mà được lậu tận, tam giải thoát.

Tôn giả Đa-kỳ-xa sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 10

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tăng-ca-ma[15], con một trưởng giả, đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồi con trưởng giả bạch Phật:

–Cúi xin Thế Tôn cho phép con được hành đạo.

Bấy giờ, con trưởng giả liền được hành đạo, ở nơi vắng vẻ, nỗ lực tu hành thành tựu quả pháp. Sở dĩ thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, là như thật biết rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.” Bấy giờ, Tăng-ca-ma thành A-la-hán. Khi Tôn giả ở nơi nhàn tịnh, suy nghĩ như vầy: “Như Lai xuất hiện ở đời, rất là khó gặp. Đa-táta-kiệt thật lâu mới xuất hiện, cũng như hoa ưu đàm thật lâu mới xuất hiện. Ở đây cũng vậy, Như Lai xuất hiện ở đời, thật lâu mới có. Tất cả hành diệt, cũng khó gặp. Xuất yếu cũng khó. Ái tận, vô dục, Niết-bàn, điều này mới là vi diệu[16].”

Bấy giờ, mẹ vợ Tăng-ca-ma nghe con rễ mình làm đạo nhân, không còn đắm dục, bỏ phiền lụy gia đình, lại bỏ con gái bà như vất bỏ đám nước dãi. Lúc ấy, người mẹ này đến chỗ con gái, nói với cô:

–Có thật chồng con hành đạo sao?

Con gái bà đáp:

–Con cũng không rõ là có hành đạo hay không. Người mẹ bảo:

–Nay con hãy tự trang điểm, mặc quần áo đẹp, ẵm con trai, con gái này, con đến chỗ Tăng-ca-ma. Khi Tôn giả Tăng-ca-ma đang ngồi kiết già dưới bóng một gốc cây, vợ và mẹ vợ, hai người đến đứng im trước mặt.

Trong lúc đó, người mẹ và cô con gái quan sát Tăng-ca-ma từ đầu đến chân, rồi nói với Tăng-cama:

–Vì sao hôm nay anh không nói chuyện với con gái tôi? Đây con cái này do anh sinh. Nay anh làm một việc thật là phi lý, mà là người không ai chấp nhận.

Lúc ấy, Tôn giả Tăng-ca-ma liền nói kệ này:

Đây không gì tốt hơn
Đây không gì đẹp hơn
Đây không gì đúng hơn
Thiện niệm không hơn đây.

Khi ấy, mẹ vợ bảo Tăng-ca-ma:

–Nay con gái tôi có tội gì? Có điều gì phi pháp? Tại sao nay bỏ nó xuất gia học đạo? Lúc ấy, Tăng-ca-ma nói kệ này:

Ô uế, bất tịnh hạnh
Sân hận, thích vọng ngữ
Tâm ganh ghét, bất chánh
Như Lai đã nói vậy.

Lúc ấy, người mẹ nói với Tăng-ca-ma:

–Chẳng phải một mình con gái ta có chuyện này, mà hết thảy người nữ đều như vậy. Nhân dân trong thành Xá-vệ, ai thấy con gái ta thảy đều trở nên loạn tâm ý, muốn cùng giao hội, như khát muốn uống, nhìn không biết chán, thảy đều khởi tưởng đắm đuối. Vì sao nay anh lại bỏ nó học đạo, rồi lại còn chê bai? Nếu ngày hôm nay anh không cần con gái tôi thì thôi, nhưng những đứa con này do anh đã sinh ra nay trả lại anh. Hãy tự mà lo lấy.

Lúc ấy, Tăng-ca-ma lại nói kệ này:

Tôi không con trai, gái
Ruộng vườn và của báu
Cũng không có nô tỳ
Quyến thuộc và tùy tùng.
Một mình, không bè bạn
Thích ở nơi vắng vẻ
Thực hành pháp Sa-môn
Cầu Phật đạo chân chánh.
Ai có con trai, gái
Là sở hành người ngu
Ta, thân thường vô ngã
Há có con cái sao?

Lúc ấy, người vợ, mẹ vợ, con cái nghe bài kệ ấy xong, mọi người đều nghĩ: “Như ta quán sát hôm nay, theo ý này thì chắc chắn không trở về nhà.” Họ lại quan sát từ đầu đến chân, ta thán thở dài, rồi quỳ xuống trước Tôn giả mà nói: “Nếu thân miệng ý chúng tôi có gây điều gì phi pháp, xin tha thứ tất cả cho.” Rồi họ nhiễu quanh ba vòng và ra khỏi chỗ đó.

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan, đến giờ, đắp y, cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Từ xa trông thấy người mẹ và cô con gái, bèn hỏi:

–Lúc nãy đã gặp Tăng-ca-ma chưa?

Lão mẫu kia đáp:

–Tuy gặp, nhưng cũng như không gặp. A-nan hỏi:

–Có cùng nói chuyện không?

Lão mẫu đáp:

–Tuy cùng nói chuyện, nhưng không vừa ý tôi.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền nói kệ này:

Muốn cho lửa sinh nước
Lại khiến nước sinh lửa
Pháp không, muốn thành có
Vô dục, muốn cho dục.

Sau khi khất thực xong, Tôn giả A-nan trở về vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, đến chỗ Tăng-ca-ma, ngồi qua một bên, nói với Tăng-ca-ma:

–Ngài đã biết pháp như thật rồi phải không? Tăng-ca-ma đáp: –Tôi đã hiểu biết pháp chân thật. A-nan hỏi:

–Hiểu biết pháp chân thật như thế nào? Tăng-ca-ma đáp:

–Sắc là vô thường, nghĩa vô thường này tức là khổ. Khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không. Thọ, tưởng, hành, thức thảy đều vô thường. Nghĩa vô thường này tức khổ. Khổ tức vô ngã, vô ngã tức không. Năm thạnh ấm này là nghĩa vô thường. Nghĩa vô thường tức là khổ. Ta không phải của cái đó. Cái đó không phải của ta.

Rồi Tăng-ca-ma nói kệ này:

Khổ khổ lại sinh nhau
Vượt khổ cũng như vậy
Đạo Hiền thánh tám phẩm
Dẫn đến nơi diệt khổ,
Không tái sinh sinh nơi này[17]
Qua lại các cõi trời
Dứt sạch nguồn gốc khổ[18]
Tịch tĩnh, không di động;
Tôi thấy Đạo tích không[19]
Như điều Phật đã dạy
Nay đắc A-la-hán
Không còn thọ bào thai.

Khi ấy Tôn giả A-nan khen ngợi:

–Lành thay, pháp như thật đã được khéo léo quyết trạch.

Rồi A-nan liền nói kệ này:

Khéo giữ lối phạm hạnh
Cũng hay khéo tu đạo
Đoạn trừ các kết sử
Là chân đệ tử Phật.

A-nan nói kệ này xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Lúc ấy, A-nan đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Nói về dục bình đẳng trong các A-la-hán, phải nói chính Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Hay hàng phục ma, quyến thuộc ma, cũng là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Tăng-ca-ma đã bảy lần hàng phục ma[20], nay mới thành đạo. Từ nay về sau cho phép được ra vào đạo bảy lần, quá hạn này thì là phi pháp.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Trong hàng đệ tử Thanh văn của ta, Tỳ-kheo đứng đầu trong việc hàng phục ma, nay mới thành đạo chính là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



[1] . Nguyên Hán: Tế hoạt.

[2] . So sánh Pāli, Dhp. 21. Appamādo amatapadaṃ pamādo maccuno padaṃ; appamattā na mīyanti, ye pamattā yathā matā., “Không buông lung, con đường dẫn đến bất tử. Buông lung, con đường dẫn đến chỗ chết. Không buông lung, không bị chết. Người buông lung như người đã chết.

[3] . Ưu-đầu-bàn 優 頭 槃。Có thể đồng nhất với Pāli: Upavāṇa, có thời làm thị giả Phật. Truyện xin nước nóng được kể trong Thag A. (R.ii. 56).

[4] . Tích hoạn phong thống 脊 患 風 痛。Pāli: Vātabādhiko, bệnh bởi gió, được giải thích là: Vātakkhobhanimittaṃ ābādhiko jāto, bệnh phát sinh do triệu chứng rối loạn của gió. Không rõ bệnh gì. (Thag A. R. ii. 57).

[5] . Tỳ-xá-la 毘 舍 羅。Pāli, Vedeha. Thag A. R.ii., Upavāṇa đến xin nước nóng nơi nhà Devahita, trong thành Xá-vệ.

[6] . Đề khốc địa ngục 啼 哭 地 獄。Trường 19, kinh Thế Ký: Địa ngục Khiếu hoán 叫喚. Pāli: Jālaroruva (Skt. Raurava).

[7] . Bài kệ Pāli tương đương, Thag A. R.ii. 57.

[8] . Nguyên Hán: Phân-đàn bố thí 分 檀 布 施。(Pāli: Piṇḍa-dāyaka). Xem cht. kinh số 2 phẩm 29 trên.

[9] Bản Hán: Trừ tưởng bất tịnh, quán tịnh.

[10] . Xem kinh số 5 phẩm 32.

[11] Cf. S. 8. 1 (R.i. 185). Tạp 45, kinh 1215.

[12] Xem kinh số 7 phẩm 18.

[13] Chú thích trong để bản: Đây có thể còn thiếu hai chữ, nhưng chưa rõ.

[14] Nguyên bản: Thống.

[15] . Tăng-ca-ma 僧 迦 摩。Có thể đồng nhất với Saṅgāmaji, Udāna 8.

[16] . Để bản: Vi yếu 為 要。TNM: Vi diệu.

[17] . Không tái sinh Dục giới.

[18] . A-na-hàm nhập Niết-bàn trên Tịnh cư thiên.

[19] . Không tích 空 跡 ; con đường dẫn đến Không (Pāli: suññatā) tức Niết-bàn. Cf. M. 121 Mahāsuññatasutta (R. iii. 111).

[20] . Chỉ bảy lần thọ giới Cụ túc.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]