TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Tùy thời nghe pháp có năm công đức, tùy thời vâng lãnh không mất thứ lớp. Sao gọi là năm?
1. Điều chưa từng nghe, nay được nghe.
2. Điều đã được nghe, tụng đọc lại.
3. Kiến giải không tà lệch.
4. Không có hồ nghi.
5. Hiểu nghĩa sâu xa[2].
Tùy thời nghe Pháp có năm công đức, cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tùy thời nghe pháp. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Làm nhà tắm có năm công đức. Năm công đức gì?
1. Trừ gió.
2. Khỏi bệnh.
3. Trừ bụi nhơ.
4. Thân thể nhẹ nhàng.
5. Được mập trắng.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là làm nhà tắm có năm công đức. Cho nên, các Tỳ-kheo, nếu có chúng bốn bộ muốn có năm công đức này, muốn cầu năm công đức này, hãy tìm cầu phương tiện tạo lập nhà tắm.
Các Tỳ-kheo hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Thí người tăm xỉa răng[4] có năm công đức.
Sao gọi là năm?
1. Trừ gió.
2. Trừ nước dãi.
3. Sinh tạng được tiêu.
4. Trong miệng không hôi.
5. Mắt được trong sạch.
Này Tỳ-kheo, đó gọi là thí người tăm xỉa răng có năm công đức. Nếu thiện nam, thiện nữ nào cầu năm công thì hãy nghĩ đến việc dùng tăm xỉa răng bố thí.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Các vị có thấy người mổ bò, do nghiệp tài lợi này, sau đó được cưỡi xe, ngựa, voi lớn không?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Thưa không, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, Tỳ-kheo, Ta cũng không thấy, không nghe người mổ bò, sát hại bò, rồi được cỡi xe, ngựa, voi lớn. Vì sao? Ta không thấy người mổ bò được cỡi xe, ngựa, voi lớn, vì hẳn không có lý này.
Thế nào, Tỳ-kheo, các ông có thấy người mổ dê, giết heo, săn bắt nai, sau đó được cỡi xe, ngựa, voi lớn không?
Các Tỳ-kheo đáp:
–Thưa không, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Lành thay, các Tỳ-kheo, Ta cũng không thấy, không nghe người nào mổ bò, hại chúng sinh rồi mà được cỡi xe, ngựa, voi lớn. Hoàn toàn không lý này. Tỳ-kheo, các ông nếu thấy người giết bò nào cỡi xe, ngựa, voi lớn thì đó là đức đời trước chớ không phải phước đời này, đều là do hành vi được làm đời trước mang lại. Nếu các ông thấy người giết dê được cỡi xe, ngựa, voi lớn thì nên biết người này, đã gieo phước trong đời trước. Sở dĩ như vậy là vì do tâm giết hại chưa trừ được. Tại sao vậy? Người gần gũi kẻ ác, ưa thích sát sinh, gieo trồng tội địa ngục, nếu trở lại nhân gian thì tuổi thọ rất ngắn. Người ưa thích trộm cắp, gieo trồng tội địa ngục cũng như người mổ trâu kia. Mua rẻ bán đắt, lừa dối người đời, không cầu Chánh pháp, cũng giống như người mổ bò kia do tâm sát sinh nên đưa đến tội lỗi này, không được cỡi xe, ngựa, voi lớn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy khởi lòng từ đối với hết thảy chúng sinh.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở trong vườn cây Cấp cô độc, rừng Kỳ-đà, nước Xávệ. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân, trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Lúc này, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Thế Tôn: –Như Lai cũng nói, phàm Như Lai xuất thế tất sẽ vì năm việc. Sao gọi là năm?
1. Chuyển pháp luân.
2. Độ cha mẹ.
3. Người không tin dựng lòng tin.
4. Chưa phát tâm Bồ-tát khiến phát ý Bồ-tát.
5. Thọ ký thành Phật trong khoảng thời gian đó.
Như Lai xuất hiện tất sẽ vì năm nhân duyên này. Nay mẹ của Như Lai tại trời Tam thập tam muốn được nghe pháp. Nay Như Lai đang ở giữa chúng bốn bộ trong cõi Diêm-phù-lý[5], vua và nhân dân đều tập hợp lại. Lành thay, Thế Tôn, mong Ngài đến trời Tam thập tam mà thuyết pháp cho mẹ.
Lúc ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bấy giờ, Long vương Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà[6] có ý nghĩ như vầy: “Các Sa-môn trọc đầu này bay ở trên ta. Ta phải tìm cách không cho bay qua.” Rồi Long vương nổi giận phun lửa gió lớn khiến suốt cả Diêm-phù-lý lửa đốt cháy.
A-nan bạch Phật:
–Trong Diêm-phù-đề này, vì sao có khói lửa này? Thế Tôn bảo:
–Đây là hai rồng chúa có ý nghĩ nghĩ rằng: “Các Sa-môn trọc đầu thường bay trên ta, chúng ta phải chế ngự, không để cho vượt qua hư không.” Rồi nổi giận phun khói lửa này. Do nhân duyên này, nên đưa đến biến cố đây.
Lúc ấy, Tôn giả Ca-diếp từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Thế Tôn:
–Nay con muốn đi chiến đấu với chúng.
Thế Tôn bảo:
–Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể giáo hóa. Ông hãy về chỗ ngồi đi.
Tôn giả A-na-luật từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Thế Tôn:
–Nay muốn đến phục rồng dữ kia.
Thế Tôn bảo:
–Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể giáo hóa. Ông hãy về chỗ ngồi đi.
Các Tôn giả Ly-việt, Ca-chiên-diên, Tu-bồ-đề, Ưu-đà-di, Bà-kiệt đều từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Thế Tôn:
–Nay con muốn đến hàng phục rồng ác.
Thế Tôn bảo:
–Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể giáo hóa, ông hãy về chỗ ngồi đi.
Lúc ấy, Tôn giả Đại-mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, quỳ gối chắp tay bạch Phật:
–Con muốn đến đó để hàng phục rồng dữ.
Thế Tôn đáp:
–Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể hàng phục giáo hóa. Nay thầy làm thế nào để giáo hóa rồng chúa kia?
Mục-liên bạch Phật:
–Đến đó, trước tiên con hóa hình rất lớn làm rồng kia sợ khiếp, sau đó lại hóa hình rất là nhỏ và cuối cùng thì dùng phép thường mà hàng phục nó. Thế Tôn bảo:
–Lành thay, Mục-liên! Thầy có khả năng để hàng phục rồng dữ. Nhưng nay Mục-liên phải giữ vững tâm ý chớ nổi loạn tưởng. Vì sao? Vì rồng hung ác kia sẵn sàng quấy nhiễu thầy.
Mục-liên liền đảnh lễ sát chân Phật, rồi trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, biến khỏi nơi ấy, đến trên núi Tu-di. Lúc ấy, rồng chúa Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà đang quấn quanh núi Tu-di bảy vòng, nổi sân giận tột độ phun ra khói lửa lớn.
Khi ấy, Mục-liên tự ẩn thân mình, hóa làm rồng chúa lớn có mười bốn đầu, quấn quanh núi Tu-di mười bốn vòng, phun ra lửa khói lớn dữ dội, ở ngay trên hai rồng chúa.
Rồng chúa Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà thấy rồng chúa có mười bốn đầu, liền sinh lòng sợ hãi tự nói với nhau rằng:
–Hôm nay, chúng ta phải thử xem oai lực rồng chúa kia xem có thắng được ta không?
Rồi rồng chúa Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà quật đuôi vào biển cả, lấy nước rưới lên đến trời Tam thập tam, nhưng vẫn không chạm thân Mục-liên. Lúc này, Tôn giả Mục-liên lại thò đuôi vào trong nước biển, nước trào lên đến trời Phạm-ca-di và lại rưới lên thân hai rồng chúa.
Khi ấy, hai rồng chúa tự bảo với nhau:
–Chúng ta dùng hết sức lực lấy nước rưới đến trời Tam thập tam, nhưng rồng chúa lớn này lại vượt lên ta quá nhiều. Chúng ta chính có bảy đầu, nay rồng chúa này mười bốn đầu. Chúng ta quấn quanh núi Tu-di bảy vòng, nay rồng chúa này quấn quanh núi Tu-di mười bốn vòng. Nay, hai chúa rồng ta phải hợp sức cùng chiến đấu nhau.
Rồi hai chúa rồng nổi cơn thịnh nộ, làm sấm chớp, sét đánh, phun lửa ngọn lớn. Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-liên suy nghĩ: “Phàm rồng mà chiến đấu thì nổi lửa, sấm sét. Nếu ta cũng đấu bằng lửa và sấm sét, nhân dân trong Diêm-phù-lý và trời Tam thập tam đều sẽ bị hại. Nay ta hóa hình rất nhỏ để đấu.”
Mục-liên liền hóa ra hình rất nhỏ, chun vào miệng rồng, rồi từ trong lỗ mũi ra; hoặc vào từ mũi ra từ tai; hoặc vào trong tai, ra từ mắt; ra từ trong mắt rồi đi lại trên lông mi.
Bấy giờ, hai rồng chúa lòng rất lo sợ, nghĩ thầm: “Rồng chúa lớn này rất có oai lực rất lớn mới có thể vào trong miệng rồi ra từ mũi; vào trong mũi, ra từ mắt. Hôm nay chúng ta thật sự thua. Loài rồng chúng ta hiện có bốn chủng loại: Sinh trứng, sinh thai, sinh nơi ẩm thấp, hóa sinh; nhưng không ai vượt khỏi chúng ta. Nay rồng chúa này, có oai lực như vậy thì chúng ta không thể đánh lại. Tánh mạng chúng ta chết ngay trong chốc lát. Cả hai lòng sợ hãi, toàn thể lông đều dựng đứng.
Mục-liên khi thấy rồng chúa sợ hãi, liền hiện trở lại nguyên hình và đi trên mi mắt rồng chúa.
Lúc ấy hai rồng chúa trông thấy Đại Mục-liên, bèn nói với nhau:
–Đây là Sa-môn Mục-liên chứ chẳng phải rồng chúa. Ông này có oai lực thật là kỳ lạ mới có thể đấu với chúng ta.
Rồi hai rồng chúa bạch Mục-liên:
–Vì sao Tôn giả lại quấy nhiễu chúng tôi đến như vậy? Muốn dạy bảo điều gì phải không?
Mục-liên đáp:
–Hôm qua các ngươi nghĩ như vầy: “Vì sao các Sa-môn trọc đầu lại thường bay ở trên chúng ta, nay phải chế ngự họ.” Rồng chúa đáp:
–Đúng vậy, Mục-liên! Mục-liên nói:
–Rồng chúa nên biết, núi Tu-di này là đường đi của chư Thiên, chẳng phải nơi ở của ngươi.
Rồng chúa đáp:
–Cúi xin tha thứ, không trách phạt chúng tôi. Từ đây về sau chúng tôi sẽ không dám xúc nhiễu, khởi loạn tưởng ác. Cúi xin ngài cho phép làm đệ tử.
Mục-liên đáp:
–Các ngươi chớ tự quy y thân ta. Các ngươi hãy tự quy y nơi mà ta quy y.
Rồng chúa bạch Mục-liên:
–Hôm nay chúng con xin tự quy y Như Lai.
Mục-liên bảo:
–Các ngươi không thể ở tại núi Tu-di này mà tự quy y Thế Tôn. Nay hãy cùng ta đến thành Xávệ mới được tự quy y.
Bấy giờ, Mục-liên dẫn hai rồng chúa, trong khoảnh như co duỗi cánh tay, từ trên núi Tu-di đến thành Xá-vệ. Lúc ấy, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng. Mục-liên bảo hai rồng chúa:
–Các ngươi nên biết, nay Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng. Các ngươi không thể để nguyên hình mà đến chỗ Thế Tôn.
Rồng chúa đáp:
–Đúng vậy, Mục-liên!
Rồng chúa bèn hoàn ẩn hình rồng, hóa làm hình người không cao, không thấp, tướng mạo xinh đẹp như màu hoa đào.
Lúc ấy, Mục-liên đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồng chúa đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Mục-liên bảo rồng chúa:
–Đã đúng lúc, hãy tiến tới trước!
Rồng chúa nghe Mục-liên nói, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ xuống chắp tay, bạch Thế Tôn:
–Hai dòng họ chúng con một tên là Nan-đà, hai tên là Ưu-bàn-nan-đà xin quy y Như Lai, thọ trì năm giới. Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Ưubà-tắc. Nguyện suốt đời không còn sát sinh nữa.
Thế Tôn liền búng ngón tay chấp nhận. Hai rồng chúa liền trở về chỗ cũ ngồi, muốn được nghe pháp.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc liền nghĩ như vầy: “Vì nhân duyên gì khiến trong cõi Diêm-phù-đề này có khói lửa như vậy?”
Rồi vua Ba-tư-nặc đi xe bảo vũ ra khỏi thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ, nhân dân từ xa thấy vua đến, mọi người đều đứng dậy nghênh đón:
–Khéo đến, đại vương! Mời đến ngồi đây! Lúc ấy, hai rồng chúa im lặng không đứng dậy. Vua Ba-tư-nặc đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên. Đại vương bạch Thế Tôn:
–Nay, con có việc muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn diễn giải từng việc cho.
Thế Tôn bảo:
–Có điều gì, cứ hỏi. Nay là lúc thích hợp.
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
–Nay, vì nhân duyên gì trong Diêm-phù-đề này, có khói lửa như vậy?
Thế Tôn bảo:
–Do rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà gây ra. Nhưng nay đại vương chớ có kinh sợ. Từ nay không còn biến họa khói lửa nữa.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc liền nghĩ thầm: “Nay, ta là đại vương của một nước, nhân dân tôn kính, danh tiếng vang khắp bốn phương. Còn hai người này từ đâu đến, thấy ta đến đây, cũng không đứng dậy nghênh đón? Nếu ở trong nước ta, ta sẽ bắt nhốt. Nếu ở nơi khác đến, sẽ bắt giết chúng nó.”
Rồng chúa biết được những ý nghĩ trong tâm vua, liền nổi giận. Rồng chúa nghĩ như vầy: “Chúng ta không có lỗi gì đối với vua này, mà ông trở lại muốn sát hại ta. Ta phải bắt quốc vương này và dân chúng nước Ca-di giết hết.”
Rồng chúa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi ra đi. Rời khỏi Kỳ hoàn không xa, chúng liền biến mất.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc thấy hai người này đi chưa lâu, liền bạch Thế Tôn:
–Việc nước rất bận rộn, con xin trở về cung.
Thế Tôn bảo:
–Nên biết đúng thời!
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy lui đi; bảo quần thần:
–Hai người vừa rồi đi đường nào? Mau bắt chúng!
Theo lệnh vua, các quần thần liền đuổi theo tìm kiếm, mà không biết ở đâu, liền trở về trong cung.
Lúc ấy, rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà đều tự nghĩ như vầy: “Chúng ta không lỗi đối với vua kia mà vừa rồi muốn bắt giết chúng ta. Chúng ta sẽ hại nhân dân của ông ấy, khiến không còn ai sống sót.” Nhưng rồng chúa lại tự nghĩ: “Nhân dân trong nước có lỗi lầm gì? Chỉ cần bắt nhân dân trong thành Xá-vệ hại hết.” Lại nghĩ lại: “Người nước Xá-vệ có lỗi lầm gì đối chúng ta? Cần bắt quan lại và quyến thuộc trong cung vua giết hết.”
Bấy giờ, Thế Tôn biết được những ý nghĩ trong tâm rồng chúa, liền bảo Mục-liên:
–Nay ông hãy cứu vua Ba-tư-nặc, đừng để vua bị rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà làm hại.
Mục-liên đáp:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Mục-liên vâng lời Phật dạy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn lui đi. Ở trên cung vua, ngài ẩn thân ngồi kiết già. Lúc ấy, hai rồng chúa tạo ra sấm vang, sét đánh, mưa to, gió lớn bên trên cung vua, hoặc mưa gạch đá, hoặc mưa đao kiếm. Chúng chưa kịp rơi xuống đất liền biến thành hoa sen xanh ở giữa hư không. Rồng chúa lúc này lại càng nổi giận, mưa núi cao ở trên cung điện. Mục-liên lúc này lại biến chúng thành các loại đồ ăn thức uống. Rồng chúa lúc này lại càng thêm tức giận bừng bừng, mưa các loại đao kiếm. Mục-liên lúc đó lại biến thành áo quần rất đẹp. Rồng chúa lúc ấy, lại càng thêm tức giận, lại mưa cát, sỏi, đá, trên cung vua Ba-tưnặc, chưa rơi xuống đất đã hóa thành bảy báu. Lúc này, vua Ba-tư-nặc thấy trong cung điện mưa các thứ bảy báu, vui mừng hớn hở không tự kiềm chế được, liền nghĩ: “Người có đức trong Diêm-phùđề này không ai lại hơn ta, chỉ trừ Như Lai. Vì sao? Vì trong nhà ta trồng cứ trên một gốc lúa thu hoạch được một đấu gạo, cơm dùng nước mía nấu, rất là thơm ngon. Nay ở trên cung điện lại có mưa bảy báu. Ta có thể được làm Chuyển luân thánh vương ư?” Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc dẫn các cung nữ đi nhặt bảy báu.
Hai rồng chúa lúc này, nói với nhau:
–Điều này có ý nghĩa gì? Chúng ta đến đây để hại vua Ba-tư-nặc, nhưng sao lại biến hóa đến như thế này? Có bao nhiêu thế lực, hôm nay đã đem ra tận dụng hết, mà vẫn không thể động đến phần mảy may nào vua Ba-tư-nặc!
Ngay khi ấy, rồng chúa trông thấy Mục-liên ngồi kiết già trên cung điện, chánh thân chánh ý, thân không nghiêng ngả. Thấy vậy, nghĩ thầm: “Đây chắc là do Mục-liên làm ra!” Lúc ấy, hai rồng chúa vì thấy Mục-liên nên liền lui đi.
Khi Mục-liên thấy rồng chúa đã đi, liền xả thần túc, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc suy nghĩ: “Những loại đồ ăn thức uống này không nên dùng trước. Phải đem dâng Như Lai trước, sau đó tự mình dùng.” Vua Ba-tư-nặc liền cho xe chở châu báu và các loại đồ ăn uống đến chỗ Thế Tôn, bạch:
–Hôm qua, trời mưa bảy báu và thức ăn uống này. Cúi xin thọ nhận. Lúc ấy, Đại Mục-liên cách Như Lai không xa. Phật bảo vua:
–Nay vua hãy đem bảy báu và đồ ăn uống cho Đại Mục-liên. Vì sao? Vì nhờ ân của Mục-liên mà vua được sinh trở lại trên đất Thánh hiền. Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
–Vì lý do gì mà nói con sinh trở lại?
Thế Tôn bảo:
–Sáng hôm qua vua có đến gặp Ta để nghe pháp phải không? Lúc ấy, có hai người cũng đến nghe pháp. Vua đã nghĩ như vầy: “Ta ở đất nước này là hào quý tối tôn, được mọi người kính trọng, nhưng hai người này từ đâu đến, thấy ta không đứng dậy nghênh đón?” Lúc ấy, vua bạch Phật:
–Đúng vậy, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
–Đó chẳng phải là người, mà chính là rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà. Biết được ý vua, chúng bảo nhau: “Chúng ta không có lỗi đối với ông vua người này, sao ông lại muốn hại chúng ta? Ta phải tiêu diệt đất nước này.” Ta biết được những ý nghĩ trong tâm của rồng chúa, liền sai Mục-liên: “Nay phải cứu vua Ba-tư-nặc, không để cho rồng chúa làm hại.” Mục-liên vâng lệnh ta, ẩn hình bên trên cung điện và tạo ra sự biến hóa này. Rồng chúa lúc ấy, đã nổi giận mưa cát, sỏi, đá, ở trên cung điện; khi chưa rơi xuống đất, lập tức biến thành bảy báu, y phục, đồ ăn uống. Vì nhân duyên này, ngày hôm nay Đại vương được sinh trở lại.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc lo sợ đến y lông đều dựng đứng, liền quỳ gối đi đến trước Như Lai bạch:
–Nhờ ơn sâu dày của Thế Tôn mà con được cứu mạng sống!
Lại lạy sát chân Mục-liên và nói:
–Nhờ ơn Tôn giả mà con được cứu sống. Lúc ấy, quốc vương liền nói kệ này:
Nguyện Thế Tôn sống mãi
Mãi mãi hộ mạng con
Độ thoát khổ, khốn cùng
Nhờ Thế Tôn thoát nạn.
Vua Ba-tư-nặc dùng hương hoa cõi trời rải lên mình Như Lai và nói: –Nay con đem bảy báu này dâng lên ba ngôi báu. Cúi xin nạp thọ.
Nói xong, vua đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui đi.
Lúc ấy, Thế Tôn nghĩ: “Bốn bộ chúng này, phần lớn lười biếng, không chịu nghe pháp, cũng không tìm cầu phương tiện để tự thân tác chứng, cũng không mong đạt những gì chưa đạt, đắc những gì chưa đắc. Nay Ta làm cho bốn bộ chúng này phải khát ngưỡng giáo pháp.”
Bấy giờ, Thế Tôn không bảo cho bốn bộ chúng, cũng không dẫn theo thị giả; trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay biến khỏi Kỳ hoàn, lên đến trời Tam thập tam.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân trông thấy Thế Tôn đến, liền dẫn thiên chúng ra trước nghênh đón Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, thỉnh Phật ngồi, rồi thưa:
–Thế Tôn khéo đến! xa cách lâu mới được thăm hầu.
Lúc ấy, Thế Tôn nghĩ: “Nay ta phải dùng thần túc thông ẩn thân để mọi người không biết ta ở đâu.”
Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ta ở trời Tam thập tam, nên hóa thân to lớn.”
Lúc ấy, tại giảng đường Thiện pháp ở trên trời có phiến đá vàng vuông vức một do-tuần. Thế Tôn ngồi kiết già trên phiến đá, vừa trọn cả mặt đá[7].
Bấy giờ, thân mẫu của Như Lai Ma-da, dẫn các Thiên nữ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân ngồi qua một bên rồi bạch:
–Cách biệt lâu lắm mới được phụng hầu! Nay Thế Tôn đến đây thật là đại hạnh. Tôi hằng mong mỏi, nhớ tưởng gặp Phật, hôm nay Thế Tôn mới đến.” Sau khi Thánh mẫu Ma-da đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân cũng đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Chư Thiên trời Tam thập tam cũng đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi chúng chư Thiên thấy Như Lai, thì ở đó Thiên chúng tăng ích, A-tu-luân tổn giảm.
Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt thuyết cho chúng chư Thiên kia các đề tài vi diệu, là luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sinh Thiên; dục là tưởng bất tịnh, dâm là sự nhơ xấu, giải thoát là an lạc. Bấy giờ, Thế Tôn khi thấy tâm ý chúng chư Thiên khai mở; như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo, Ngài cũng khắp vì chư Thiên mà nói hết. Mọi người ngay trên chỗ ngồi dứt sạch bụi nhơ, được mắt pháp trong sạch.
Lại có mười tám ức Thiên nữ thấy được dấu đạo; ba vạn sáu ngàn Thiên chúng được mắt pháp trong sạch. Khi ấy, Mẹ Như Lai từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi trở vào trong cung.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
–Nay, con phải dùng loại thức ăn gì cúng bữa ăn Như Lai? Là dùng thức ăn cõi người hay thức ăn tự nhiên của cõi trời?
Thế Tôn bảo:
–Hãy dùng thức ăn cõi người mà dọn bữa cho Như Lai. Vì sao? Vì thân Ta sinh ở nhân gian, lớn lên ở nhân gian, thành Phật ở nhân gian.
Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thích Đề-hoàn Nhân lại bạch Phật:
–Theo thời tiết trên trời hay thời tiết nhân gian? Thế Tôn bảo:
–Theo thời tiết nhân gian.
Đáp:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân dùng thức ăn cõi người và lại y theo thời tiết cõi người, dọn bữa ăn cho Như Lai.
Bấy giờ, các trời Tam thập tam nói với nhau:
–Nay chúng ta mới thấy Như Lai ăn cơm suốt cả ngày.
Lúc ấy, Thế Tôn bèn nghĩ: “Nay Ta phải nhập Tam-muội như vậy, muốn cho chư Thiên tiến thì tiến, muốn cho chư Thiên lui thì lui. Rồi Thế Tôn liền nhập Tam-muội này khiến chư Thiên tiến lui tùy theo thời thích hợp.
Bấy giờ, bốn bộ chúng ở nhân gian, lâu lắm không thấy Như Lai, liền đến chỗ A-nan, bạch Anan:
–Nay Như Lai đang ở đâu? Chúng con mong mỏi muốn được gặp.
A-nan đáp:
–Chúng tôi lại cũng không biết Như Lai đang ở đâu!
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc, vua Ưu-điền, cùng đến chỗ A-nan, hỏi A-nan:
–Hôm nay Như Lai đang ở đâu? A-nan đáp:
–Đại vương, tôi cũng không biết Như Lai đang ở đâu.
Lúc ấy, vì hai vua nhớ, muốn gặp Như Lai, nên sinh ra bệnh khổ. Bấy giờ quần thần chỗ vua Ưuđiền, tâu vua:
–Đại vương nay mắc bệnh gì?
Vua bảo:
–Ta vì ưu sầu thành bệnh.
Quần thần tâu vua:
–Đại vương ưu sầu chuyện gì mà thành bệnh vậy?
Vua này đáp:
–Vì không thấy Như Lai. Nếu không gặp lại Như Lai, chắc ta chết mất.
Lúc này, quần thần suy nghĩ: “Phải tìm phương tiện gì để vua Ưu-điền không chết. Chúng ta nên làm hình tượng Như Lai.”
Bấy giờ, quần thần tâu vua: –Chúng tôi muốn làm hình tượng Phật, để có thể cung kính, thừa sự, đảnh lễ.
Khi nghe những lời này xong, vua vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được, liền bảo quần thần: –Lành thay, những lời của các khanh thật tuyệt diệu!
Quần thần tâu vua:
–Nên dùng báu vật gì để làm hình tượng Như Lai?
Lúc ấy, vua liền ra lệnh cho các tượng sư kỹ xảo trong đất nước, bảo họ rằng:
–Nay ta muốn làm hình tượng.
Các tượng sư kỹ xảo khéo đáp:
–Thưa vâng, đại vương!
Vua Ưu-điền liền dùng gỗ chiên-đàn ngưu đầu làm hình tượng Như Lai, cao năm thước.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe vua Ưu-điền làm tượng Như Lai cao năm thước để cúng dường.
Vua Ba-tư-nặc lại triệu mời các tượng sư khéo trong nước tới và bảo:
–Nay ta muốn tạo hình tượng Như Lai. Các khanh hãy làm cho xong ngay!
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc nghĩ như vầy: “Nên dùng báu vật gì để làm hình tượng Như Lai?” Lát sau lại nghĩ: “Thân hình Như Lai có màu vàng như Thiên kim. Nay nên dùng vàng để tạo hình tượng Như Lai.” Vua Ba-tư-nặc liền dùng vàng ròng tử ma làm hình tượng Như Lai, cao năm thước. Bấy giờ, trong Diêm-phù-đề mới có hai hình tượng Như Lai. Lúc ấy, bốn bộ chúng đến chỗ A-nan, bạch với A-nan:
–Chúng con mong mỏi, nhớ nghĩ đến Như Lai, muốn được trông thấy Ngài. Ngày hôm nay Như Lai đang ở đâu vậy?
A-nan đáp:
–Chúng tôi cũng lại không biết Như Lai đang ở đâu. Nhưng nay chúng ta hãy đến chỗ A-na-luật để hỏi ý nghĩa này. Vì sao? Vì Tôn giả A-na-luật có Thiên nhãn bậc nhất, trong sạch không tỳ vết. Ngài dùng Thiên nhãn thấy một ngàn cho đến tam thiên đại thiên thế giới. Ngài có thể thấy biết hết.
Bốn bộ chúng cùng A-nan đến chỗ A-na-luật, bạch A-na-luật:
–Hôm nay bốn bộ chúng đến gặp tôi hỏi tôi về việc ngày nay Như Lai đang ở đâu. Cúi xin Tôn giả, dùng Thiên nhãn xem Như Lai đang ở đâu?
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật đáp:
–Các vị hãy chờ một lát, nay tôi cũng muốn xem Như Lai đang ở đâu?
Lúc ấy, A-na-luật ngồi ngay ngắn, giữ niệm trước mặt, dùng Thiên nhãn tìm khắp Diêm-phùđề mà không thấy Như Lai. Lại dùng Thiên nhãn quan sát khắp Cù-da-ni, Phất-vu-đãi, Uất-đơnviết, mà vẫn không thấy. Lại quan sát Tứ Thiên vương, Tam thập tam thiên, Diễm thiên, Đâu-suất thiên, Tha hóa tự tại thiên, cho đến Phạm thiên mà vẫn không thấy. Lại quán sát một ngàn Diêmphù-đề, một ngàn Cù-da-ni, một ngàn Uất-đơnviệt, một ngàn Phất-vu-đãi, một ngàn Tứ Thiên vương, một ngàn Diễm thiên, một ngàn Đâu-suất thiên, một ngàn Tha hóa tự tại thiên, một ngàn Phạm thiên cũng không thấy Như Lai. Lại quán sát tam thiên đại thiên quốc độ cũng không thấy. Liền từ chỗ ngồi đứng dậy nói với A-nan:
–Tôi đã quán sát khắp tam thiên đại thiên quốc độ mà vẫn không thấy Thế Tôn. Lúc ấy, A-nan và bốn chúng đều ngồi lặng im. A-nan nghĩ: “Như Lai sẽ không nhập Niết-bàn chứ?” Bấy giờ, trên trời Tam thập tam, chư Thiên bảo nhau:
–Chúng ta đã được lợi thiện. Cúi nguyện bảy Phật thường hiện ở đời để trời và người được nhiều lợi ích.
Có vị Thiên nói: –Nói chi đến bảy Phật, chỉ cần sáu Phật, điều này cũng đã quá tốt.
Hoặc có Thiên tử nói chỉ cần có năm, hoặc bốn Phật, hoặc nói ba, hoặc nói hai Phật xuất hiện ở đời thì cũng nhiều lợi ích.
Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bảo chư Thiên:
–Nói chi bảy Phật, cho đến hai Phật, chỉ duy Phật Thích-ca ở đời lâu dài thì đã được nhiều lợi ích.
Bấy giờ, ý Như Lai muốn chư Thiên đến thì chư Thiên liền đến, ý muốn chư Thiên đi, thì chư Thiên liền đi. Lúc ấy, chư Thiên trời Tam thập tam nói với nhau:
–Vì sao Như Lai ăn suốt cả ngày vậy? Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân nói với chư Thiên trời Tam thập tam:
–Hiện tại, Như Lai thọ thực theo thời tiết ở nhân gian, không theo thời tiết trên trời.
Bấy giờ, Thế Tôn đã trải qua ba tháng ở trên trời. Thế Tôn nghĩ: “Bốn bộ chúng người Diêmphù-đề không gặp Ta đã lâu, rất có lòng tưởng nhớ khát trông. Nay Ta nên xả thần túc cho các Thanh văn biết Như Lai đang ở trời Tam thập tam.”
Rồi Thế Tôn liền xả thần túc.
Lúc ấy, A-nan đến chỗ A-na-luật, bạch với Ana-luật:
–Hôm nay bốn bộ chúng khát trông muốn gặp Như Lai. Nhưng Như Lai nay không diệt độ chăng?
Lúc ấy, A-na-luật bảo A-nan:
–Hôm qua có vị Thiên đến chỗ tôi báo, Như Lai đang ở trong giảng đường Thiện pháp trên trời Tam thập tam. Nay thầy hãy đợi một chút. Tôi muốn quán sát hiện Như Lai đang ở đâu?
Rồi Tôn giả A-na-luật liền ngồi kiết già, chánh thân chánh ý, tâm không lay động, dùng Thiên nhãn quan sát trời Tam thập tam, thấy Thế Tôn đang ngồi trên phiến đá rộng một do-tuần. A-naluật liền xuất định, nói với A-nan:
–Như Lai hiện ở trời Tam thập tam, đang thuyết pháp cho mẹ.
Lúc ấy, A-nan và bốn bộ chúng vui mừng hớn hở không tự kiềm chế được. A-nan hỏi bốn bộ chúng: –Ai có thể đến trời Tam thập tam thăm hỏi Như Lai?
A-na-luật đáp: –Nay, Tôn giả Mục-liên có thần thông đệ nhất.
Mong Tôn giả dùng thần lực đi thăm hỏi Phật.
Lúc ấy, bốn bộ chúng bạch Mục-liên:
–Hôm nay Như Lai ở trời Tam thập tam. Cúi xin Tôn giả đem danh tánh bốn bộ chúng thăm hỏi Như Lai và trình ý nghĩa này lên bạch Như Lai: “Thế Tôn đắc đạo trong Diêm-phù-đề, tại thế gian, xin oai thần khuất tất trở về lại thế gian.” Mục-liên đáp:
–Tốt lắm, các Hiền giả.
Lúc ấy, Mục-liên nhận lời dạy bốn bộ chúng, trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, đã bay lên trời Tam thập tam, đến chỗ Thế Tôn.
Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân và chư Thiên trời Tam thập tam từ xa thấy Mục-liên đến, mọi người nghĩ như vầy: “Đúng là sứ giả Tăng hay sẽ là sứ giả các vua.” Chư Thiên đều đứng dậy nghênh đón và nói:
–Lành thay, Tôn giả!
Lúc ấy, từ xa Mục-liên thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số người, bèn nghĩ thầm: “Thế Tôn ở tại cõi trời, cũng vẫn bị quấy rầy.” Mục-liên đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Mục-liên bạch Phật:
–Thế Tôn, bốn bộ chúng hỏi thăm Như Lai sống có được nhẹ nhàng, đi đứng mạnh khỏe không và bạch việc này: “Như Lai sinh trưởng trong cõi Diêm-phù-đề, đắc đạo tại thế gian, cúi xin Thế Tôn trở về lại thế gian. Bốn chúng khát trông, muốn được gặp Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
–Mong cho bốn bộ chúng tiến tu đạo nghiệp không mệt mỏi. Thế nào, Mục-liên, bốn bộ chúng du hóa có cực nhọc không? Không có kiện tụng phải không? Ngoại đạo dị học không xúc nhiễu chăng?
Mục-liên đáp:
–Bốn bộ chúng hành đạo không có mệt mỏi.
–Nhưng này Mục-liên, lúc nãy, ông nghĩ rằng: “Như Lai ở đây vẫn bị quấy rầy.” Việc này không phải vậy. Vì sao? Vì thời gian ta thuyết pháp không kéo dài lâu. Nếu ta nghĩ, muốn chư Thiên đến, thì chư Thiên liền đến. Ta muốn chư Thiên không đến, chư Thiên không đến. Mục-liên, ông hãy trở về thế gian. Bảy ngày nữa Như Lai sẽ đến cạnh hồ nước lớn, nước Tăng-ca-thi[8].
Lúc ấy, trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, Mục-liên đã trở vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, đến gặp bốn chúng nói với họ:
–Các Hiền giả nên biết! Bảy ngày nữa Như Lai sẽ đến cạnh hồ nước lớn, nước Tăng-ca-thi Diêmphù-đề.
Sau khi bốn bộ chúng nghe những lời này xong, vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được. Lúc này, vua Ba-tư-nặc, Ưu-điền, Ác Sinh, Ưu-đà-diên, Tần-bà-sa-la[9] nghe tin bảy ngày nữa Như Lai sẽ đến cạnh hồ nước lớn nước Tăng-ca-thi vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được. Lúc này, dân chúng Tỳ-xá-ly, dòng họ Thích-ca-tỳ-la-vệ[10], nhân dân Câu-di-la-việt, nghe Như Lai sẽ đến cõi Diêm-phù-đề. Nghe xong vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc tập hợp bốn bộ binh đến cạnh hồ nước này để gặp Thế Tôn. Lúc ấy, năm vị vua đều tập họp binh chúng đến chỗ Thế Tôn, muốn được hầu thăm Như Lai. Dân chúng dòng họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ đều đến chỗ Thế Tôn cùng chúng bốn bộ cũng đều đến chỗ Thế Tôn muốn được gặp Thế Tôn.
Bấy giờ là ngày đầu bảy ngày, Thích Đề-hoàn Nhân bảo Thiên tử Tự tại:
–Hôm nay, từ đỉnh núi Tu-di đến hồ nước Tăng-ca-thi, ông hãy làm ba con đường. Ta quan sát Như Lai sẽ không dùng thần túc trở về Diêmphù-đề. Thiên tử Tự tại đáp:
–Việc này rất hay. Đúng lúc ấy, tôi sẽ làm xong ngay.
Thiên tử Tự tại làm ba con đường bằng vàng, bạc và thủy tinh. Con đường vàng ở giữa, đường thủy tinh một bên và đường bạc một bên. Hai bên, hóa ra cây vàng.
Trong thời gian bảy ngày ấy, các vị chư Thiên thần diệu đều đến nghe pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho hàng ngàn vạn chúng trước sau vây quanh; thuyết về khổ của năm thạnh ấm[11]. Sao gọi là năm? đó là sắc, thọ*, tưởng, hành, thức.
Sao gọi là sắc ấm? Đó là thân do bốn đại, là sắc được tạo bởi bốn đại. Đó gọi là sắc ấm.
Sao gọi là thọ* ấm? Đó là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc. Đó gọi là thọ ấm.
Sao gọi là tưởng ấm? Đó là sự tụ hội của ba thời. Đó gọi là tưởng ấm.
Sao gọi là hành ấm? Đó là thân hành, khẩu hành, ý hành. Đó gọi là hành ấm.
Sao gọi là thức ấm? Đó là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đó gọi là thức ấm.
Sao gọi là sắc? Sắc bao gồm lạnh cũng là sắc, nóng cũng là sắc, đói cũng là sắc, khát cũng là sắc. Sao gọi là thọ? Thọ là giác biết. Giác biết vật gì? Giác biết khổ, giác biết lạc, giác biết không khổ, không lạc. Đó gọi là giác biết.
Sao gọi là tưởng? Tưởng cũng là biết. Đó là biết xanh, vàng, đỏ, trắng, biết khổ, biết lạc. Đó gọi là biết.
Sao gọi là hành? Nó tác thành nên gọi nó là hành. Tác thành những gì? Hoặc thành hành vi ác, hoặc thành hành thiện. Cho nên gọi là hành.
Sao gọi là thức? Thức là phân biệt nhận biết phải hay không phải, cũng nhận biết các vị. Đó gọi là thức.
Các Thiên tử nên biết, có năm thạnh ấm này, là biết có ba đường: Ác đạo, Thiên đạo và Nhân đạo. Năm thạnh ấm này diệt, biết là có đạo Niếtbàn.
Khi Phật nói pháp này cho các vị trời, có sáu vạn người trên trời được mắt pháp trong sạch.
Sau khi thuyết pháp xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến đỉnh núi Tu-di nói kệ này:
Các ngươi hãy siêng học
Nơi Phật, Pháp, Thánh chúng
Diệt đường đến tử vong
Như dùng móc dạy voi.
Những ai không biếng nhác
Ở trong chánh pháp này
Người ấy dứt sinh tử
Không có nguồn gốc khổ.
Thế Tôn nói kệ này xong, bèn đi đến con đường giữa đường. Khi ấy Phạm thiên trên con đường bạc phía bên phải Như Lai. Thích Đề-hoàn Nhân trên con đường thủy tinh bên trái. Thiên chúng ở giữa hư không rải hoa, đốt hương, xướng kỹ nhạc, giúp vui cho Như Lai.
Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc[12] nghe Như Lai hôm nay sẽ đến cạnh hồ trong nước Tăngca-thi ở Diêm-phù-đề. Cô suy nghĩ như vầy: “Bốn bộ chúng, quốc vương, đại thần, nhân dân trong nước không ai là không đến. Nếu ta bằng thường pháp đến thì điều này chẳng thích hợp. Nay ta phải hiện thành hình dung Chuyển luân thánh vương đến gặp Thế Tôn.
Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền ẩn hình, hiện thành Chuyển luân thánh vương đầy đủ bảy báu, như là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, điển binh báu, kho tàng báu.
Trong lúc đó, Tôn giả Tu-bồ-đề đang vá y tại một mé núi, trong núi Kỳ-xà-quật nơi thành Laduyệt. Tu-bồ-đề nghe Thế Tôn hôm nay về đến châu Diêm-phù-đề, thầm nghĩ: “Bốn bộ chúng không ai là không đến gặp. Nay ta cũng nên đến thăm hỏi, lễ bái Như Lai.” Tôn giả Tu-bồ-đề liền ngưng việc vá y. Rời chỗ ngồi đứng dậy, chân phải vừa chạm đất, tức thì ngài lại nghĩ: “Thân hình Như Lai đó, cái gì là làm Thế Tôn, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chăng? Người mà ta đến gặp lại là đất, nước, lửa, gió chăng? Hết thảy các pháp đều không tịch, không tạo, không tác, như những gì Thế Tôn đã nói kệ:
Nếu ai muốn lễ Phật
Và các bậc Tối thắng
Ấm, trì, nhập[13]
các loại
Đều phải quán vô thường.
Phật quá khứ xa xưa
Cho đến Phật tương lai
Cùng chư Phật hiện tại
Tất cả đều vô thường.
Nếu ai muốn lễ Phật
Quá khứ và tương lai
Hoặc ở trong hiện tại
Phải quán nơi pháp Không.
Nếu ai muốn lễ Phật
Quá khứ và tương lai
Hoặc ở trong hiện tại
Nên xét nơi vô ngã.
Trong đây không có ngã, không có mạng, không có con người, không có tạo tác, cũng không hình dung, có dạy, có truyền. Các pháp thảy đều không tịch. Cái gì là ngã? Cái ta là không chủ. Nay ta quy mạng tụ chân pháp.” Rồi Tôn giả Tu-bồ-đề liền ngồi vá y trở lại.
Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc hóa thành Chuyển luân thánh vương, bảy báu dẫn đường, đi đến chỗ Thế Tôn. Năm vua từ xa trông thấy Chuyển luân thánh vương đến, vui mừng hớn hở, không tự kiềm chế được, tự nói với nhau:
–Thật là kỳ diệu hiếm có! Thế gian xuất hiện có hai trân bảo, là Như Lai và Chuyển luân thánh vương.
Bấy giờ, Thế Tôn dẫn hàng vạn Thiên chúng từ trên đỉnh núi Tu-di xuống đến cạnh hồ nước. Thế Tôn đưa chân dẫm lên đất, lúc này làm tam thiên đại thiên thế giới này chấn động sáu cách. Chuyển luân thánh vương hóa hiện, từ từ đi đến chỗ Thế Tôn. Vua các nước nhỏ và nhân dân tất cả đều tránh ra. Khi đã đến gần Thế Tôn, Chuyển luân thánh vương hóa giả liền hiện nguyên hình là Tỳ-kheo-ni và đảnh lễ sát chân. Năm vị vua thấy vậy, đều than thở, bảo nhau:
–Hôm nay chúng ta thật có sự mất mát. Chúng ta đáng ra trước được gặp Như Lai, nhưng nay thì Tỳ-kheo-ni này đã gặp trước.
Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi bạch Phật rằng:
–Nay con đảnh lễ Đấng Tối Thắng! Hôm nay, con được hầu thăm trước tiên. Con là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc, đệ tử của Như Lai.
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ này:
Nghiệp lành nhờ lễ trước
Hơn hết, không ai bằng
Cửa giải thoát, Không, Vô[14]
Đó là nghĩa lễ Phật.
Nếu ai muốn lễ Phật
Tương lai và quá khứ
Hãy quán pháp Không, Vô[15]
Đó là nghĩa lễ Phật.
Khi ấy, năm vua và nhân dân nhiều không thể đếm xuể, đến chỗ Thế Tôn. Mỗi vị đều tự xưng danh hiệu. Con là Ba-tư-nặc vua nước Ca-thi. Con là Ưu-điền vua nước Bạt-sai. Con là Ác Sinh vua của nhân dân Ngũ đô. Con là Ưu-đà-diên vua nước Nam hải. Con là Tần-bà-sa-la vua nước Ma-kiệtđà. Lúc ấy, nhân dân trong khoảng mười một nathuật[16], cùng chúng bốn bộ và những trưởng giả tối tôn cả thảy là một ngàn hai trăm năm mươi người đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên.
Bấy giờ, vua Ưu-điền ôm tượng bằng ngưu đầu chiên-đàn trong tay và nói kệ với Như Lai:
Con có việc muốn hỏi
Từ bi hộ hết thảy
Người tạo hình tượng Phật
Được những phước đức gì?
Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ đáp:
Đại vương, hãy lắng nghe
Ta giảng nghĩa ít nhiều
Người tạo hình tượng Phật
Nay chỉ nói sơ lược.
Trước nhất, mắt không hư
Sau có được Thiên nhãn
Phân biệt rõ trắng đen
Đức tạo hình tượng Phật.
Hình vóc sẽ hoàn hảo
Ý chính, không mê lầm
Thế lực hơn người thường
Người tạo hình tượng Phật,
Hẳn không đọa đường ác
Khi chết sinh lên trời
Ở đó làm Thiên vương
Phước làm hình tượng Phật.
Phước khác không thể kể
Phước kia khó nghĩ bàn
Tiếng tốt vang bốn phương
Phước tạo hình tượng Phật.
Lành thay, lành thay! Đại vương làm được nhiều lợi ích cho trời người mông nhờ.
Lúc ấy, vua Ưu-điền vô cùng sung sướng.
Bấy giờ, Thế Tôn Thế Tôn vì bốn bộ chúng và năm vua nói về diệu luận. Luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sinh Thiên; dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai họa lớn, giải thoát là vi diệu. Khi Thế Tôn đã thấy tâm ý bốn bộ chúng đã được khai mở; như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là Khổ, Tập, Tận, Đạo, Ngài cũng vì họ mà nói. Bấy giờ ngay trên chỗ ngồi hơn sáu vạn trời người dân, dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ, năm vua bạch Thế Tôn:
–Nơi này là phước tối diệu, là đất thiêng, nên Như Lai mới từ trời Đâu-suất xuống, thuyết pháp tại đây. Nay chúng con muốn kiến lập nơi này khiến vĩnh viễn không còn bị mục nát.
Thế Tôn bảo:
–Này năm vua! Các ông hãy xây dựng thần tự ở nơi này, đời đời hưởng phước không bao giờ hư hoại.
Các vua thưa:
–Phải xây dựng thần tự như thế nào?
Bấy giờ, Thế Tôn duỗi bàn tay phải, từ trong đất xuất hiện chùa Ca-diếp Như Lai. Nhìn năm vua mà bảo:
–Muốn tạo thần tự, hãy theo pháp này. Lúc ấy, năm vua liền khởi xây đại thần tự ở nơi này. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Tùy tùng của các Như Lai hằng sa trong quá khứ nhiều ít cũng như hôm nay không khác. Ngay cả tùy tùng của hằng sa chư Phật trong tương lai nhiều ít cũng như hôm nay không khác. Nay kinh này đặt tên là Pháp Bổn Du Thiên”.
Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Bốn bộ chúng và năm vua sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
❑
[1] . Pāli, A V 202 Dhammassavanasutta (R.iii. 247).
[2] . Pāli: Cittaṃ pasīdati, tâm minh tịnh.
[3] . Pāli, A V 208 Dantakaṭṭhasutta (R. iii. 250).
[4] . Dương chi 楊 枝 , nhánh thông, dùng để xṭa răng. Pāli: Dantakaṭṭha.
[5] . Diêm-phủ-lý 閻 浮 里 : Diêm-phù-đề.
[6] . Nan-đà Ưu-bà-nan-đà 難 陀 優 槃 難 陀 , long vương, truyền thuyết phương Bắc (Divyādāna,
Saddharmapuṇḍrāka) xem là hai anh em: Nanda và Upananda. Truyền thuyết Pāli là chỉ một:
Nandopananda. Chuyện kể ở đây tương đương với chuyện kể trong Pāli, Thag A. R.iii. 177.
[7] . Kim thạch 金 石。Truyền thuyết Pāli, Phật ngồi trên ngai Paṇḍukambalasilāsana của Đế Thích.
[8] . Tăng-ca-thi quốc 僧 迦 尸 國。Pāli: Saṅkassa, một thị trấn cách Xá-vệ chừng ba mươi dặm. Thế Tôn thị hiện thần biến tại đây, dưới cây Gaṇḍamba.
[9] . Để bản: Tần-tỳ-sa-la.
[10] . Để bản: Ca-tỳ-la-việt.
[11] . Truyền thuyết Pāli, Phật giảng Abhidhamma trên Tam thập tam thiên. Đoạn này Phật đang giảng nội dung của Abhidhamma.
[12] . Ưu-bát-hoa-sắc 優 缽 華 色 : Liên Hoa Sắc. Pāli: Pāli: Uppalavaṇṇā, Tỳ-kheo-ni thần thông đệ nhất. Xem kinh số 2 phẩm 5.
[13] . Ấm, trì, nhập 陰 持 入 : Uẩn, giới, xứ. Pāli: Khandha, dhātu, āyatana.
[14] . Kệ lược bớt chữ trong bản Hán: Không, Vô tướng, Vô nguyện, ba giải thoát môn.
[15] . Không vô, hay không tịch. Pāli: Suññatā.
[16] . Na-thuật 那 術。Số đếm. Các phiên âm khác: Na-do-tha, na-do-đà, tương đương một vạn, ngàn vạn, hay ngàn ức. Skt. Nayuta.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]