TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 40: BẢY NGÀY (2)

KINH SỐ 7[1]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở bên bờ sông A - du - xà[2], cùng chúng đại Tỳ - kheo gồm năm trăm vị.

Lúc ấy, Đại Quân - đầu[3] đang ở chỗ nhàn tĩnh, tự nghĩ: “Có nghĩa này, mà thường tăng thêm công đức, hay không lý này?” Rồi Quân - đầu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và ngồi qua một bên. Bấy giờ Quân - đầu bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vừa rồi, khi ở chỗ nhàn tĩnh, con tự nghĩ: “Có lý này hay không, là những gì được làm cho chúng Tăng được tăng thêm công đức?” Nay con hỏi Thế Tôn, cúi xin dạy cho.

Thế Tôn bảo:

–Có thể được tăng ích công đức.

Quân - đầu bạch Phật:

–Thế nào là được tăng thêm công đức?

Thế Tôn đáp:

–Có bảy sự kiện tăng thêm, phước kia không thể kể được, cũng không ai có thể tính đếm được. Những gì là bảy?

Ở đây, con trai thiện gia, hoặc con gái thiện gia, tạo dựng Tăng già - lam nơi chưa từng tạo dựng. Phước này không thể kể.

Lại nữa, Quân - đầu, thiện nam, thiện nữ đem giường ghế cúng dường Tăng già - lam kia cùng Tăng Tỳ - kheo thì này Quân - đầu; đây là phước thứ hai không thể kể hết. Lại nữa, Quân - đầu, thiện nam, thiện nữ đem thức ăn cúng dường Tăng Tỳ - kheo kia; này Quân - đầu, đó là phước thứ ba không thể tính hết.

Lại nữa, Quân - đầu, thiện nam, thiện nữ đem áo che mưa cúng dường Tăng Tỳ - kheo kia, này Quân - đầu, đó là công đức thứ tư, phước kia không thể lường.

Lại nữa, Quân - đầu, con trai, con gái thiện gia đem thuốc cúng dường Tăng Tỳ - kheo kia, này Quân - đầu, đó là phước thứ năm không thể tính hết.

Lại nữa, Quân - đầu, thiện nam thiện nữ đào giếng tốt nơi hoang dã, này Quân - đầu, đó là công đức thứ sáu cũng không thể tính hết.

Lại nữa, Quân - đầu, thiện nam, thiện nữ nào làm nhà dọc đường cho người qua lại có chỗ nghỉ đêm, này Quân - đầu, đó là công đức thứ bảy không thể tính xiết.

Này Quân - đầu, đó gọi là pháp bảy công đức, phước kia không thể đo lường. Khi đi, hoặc ngồi, ngay đến khiến mạng chung, phước kia cũng theo sau như bóng theo hình, phước đức ấy không thể tính hết để có thể nói có bao nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn, không thể dùng thăng đấu để đong được để nói có bao nhiêu nước. Bảy công đức này cũng vậy, phước ấy không hạn lượng. Cho nên, Quân - đầu, thiện nam, thiện nữ hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy công đức này.

Quân - đầu, hãy học điều này như vậy.

Quân - đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Các ông hãy tu hành, tưởng về sự chết, tư duy về tưởng chết.

Khi ấy, có một Tỳ - kheo đang ngồi ở chỗ kia, bạch Thế Tôn:

–Con thường tu hành tư duy tưởng về sự chết.

Thế Tôn bảo:

–Ông tư duy tu hành tưởng về sự chết thế nào?

Tỳ - kheo bạch Phật:

–Con tư duy về tưởng chết rằng: “Ý sẽ còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy bảy Giác ý, để ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích, sau khi chết không hối hận.” Thế Tôn, con tư duy về tưởng chết như vậy.

Thế Tôn bảo:

–Thôi, Thôi, Tỳ - kheo! Đây chẳng phải hành về tưởng chết. Đấy gọi là pháp phóng dật.

Lại có Tỳ - kheo bạch Thế Tôn:

–Con có khả năng tu hành về tưởng chết.

Thế Tôn bảo:

–Ông tu hành tư duy về tưởng chết thế nào?

Tỳ - kheo bạch Phật:

–Con suy nghĩ: “Ý sẽ còn sống sáu ngày nữa, tư duy Chánh pháp Như Lai, rồi sau đó mạng chung. Như vậy mới có sự tăng ích.” Con tư duy tưởng chết như vậy.

Thế Tôn bảo:

–Thôi, thôi, Tỳ - kheo! Đó cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tư duy về tưởng chết.

Lại có Tỳ - kheo bạch Phật:

–Ý sẽ tồn tại năm ngày, hoặc nói bốn ngày, hoặc nói ba ngày, hai ngày, một ngày.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Thôi, thôi, Tỳ - kheo! Đây cũng là pháp phóng dật chẳng phải tư duy về tưởng chết.

Lúc ấy, lại có Tỳ - kheo bạch Thế Tôn:

–Con có thể kham nhận tu hành về tưởng chết.

Tỳ - kheo bạch Phật:

–Đến giờ khất thực, con đắp y mang bát, vào thành Xá - vệ khất thực, rồi ra khỏi thành Xá - vệ, trở về nơi ở, vào trong tịnh thất, tư duy về bảy Giác ý mà mạng chung.

Đây là tư duy về tưởng chết.

Thế Tôn bảo:

–Thôi, thôi, Tỳ - kheo! Những điều mà Tỳ - kheo các ông nói đều là hành phóng dật, chẳng phải là tu hành pháp tưởng chết.

Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo các Tỳ - kheo:

–Nếu ai có thể như Tỳ - kheo Bà - ca - lợi[4], đó gọi là tư duy về tưởng chết. Tỳ - kheo ấy có thể khéo tư duy về tưởng chết, nhàm tởm thân này là bất tịnh ghê tởm. Tỳ - kheo tư duy về tưởng chết, phải buộc ý trước mắt, tâm không di động, niệm số đếm hơi thở ra vào, đồng thời tư duy về bảy Giác ý, như vậy ở trong pháp Như Lai mới được nhiều lợi ích. Vì sao? Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sinh và cái diệt đều như huyễn hóa, không có chân thật. Cho nên, Tỳ - kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não.

Các Tỳ - kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ. Bấy giờ, vua Ba - tư - nặc ra lệnh quần thần:

–Hãy nhanh chóng chuẩn bị xe bảo vũ. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ thăm hỏi.

Sau, đại vương ra khỏi thành đến, chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Như Lai đang thuyết pháp cho vô số chúng đang vây quanh. Lúc ấy, có bảy Ni - kiền Tử, lại có bảy người lõa hình, lại có bảy Phạm chí Hắc, lại có bảy Bà - la - môn lõa hình, đi qua cách Thế Tôn không xa.

Lúc ấy, vua Ba - tư - nặc thấy những người này đi qua cách Thế Tôn không xa, liền bạch Phật:

–Xem những người này, đi qua trông không dừng, đều là thiểu dục tri túc, không có gia nghiệp. Nay trong những vị A - la - hán ở thế gian này, những người này là tối thượng thủ. Vì sao? Ở giữa mọi người, họ là những người rất là khổ hành, không tham lợi dưỡng.

Thế Tôn nói:

–Đại vương hoàn toàn chưa biết chân A - la - hán. Không phải vì hình thể lõa lồ mà gọi là A - la - hán. Đại vương nên biết, đó đều chẳng phải là hành chân thật. Nên nhớ nghĩ quan sát sự biến đổi từ xa xưa đến nay, rồi lại nên quán ai đáng thân thì biết thân, ai đáng gần thì biết gần. Vì sao? Thời quá khứ lâu xa có bảy Phạm chí, cùng học một chỗ, tuổi đã suy sụp, lấy cỏ làm y phục, ăn rau quả, sinh các tà kiến. Họ đều nghĩ như vầy: “Chúng ta trì pháp khổ hành này để sau làm vua nước lớn. Hoặc cầu làm Thích, Phạm, Tứ Thiên vương.”

Bấy giờ, có vị Thiên sư A - tư - đà[5] vốn là tổ phụ của các Bà - la - môn ấy, biết những ý nghĩ trong tâm các Phạm chí kia, liền biến mất khỏi Phạm thiên, hiện đến chỗ bảy Bà - la - môn. Lúc ấy, Thiên sư A - tư - đà bỏ phục sức cõi trời, hiện hình Bà - la - môn, kinh hành ở đất trống. Bảy Phạm chí từ xa trông thấy A - tư - đà kinh hành, ai nấy đều nổi sân nhuế mà nói rằng: “Đây là người đắm dục nào mà đi trước những người phạm hạnh chúng ta? Nay phải chú thuật tiêu thành tro.” Bảy Phạm chí này liền dùng tay bụm nước rảy lên Phạm chí này và chú rằng: “Giờ ngươi hãy mau biến thành tro bụi.” Nhưng Bà - la - môn càng tức giận thì nhan sắc của Thiên sư A - tư - đà càng xinh đẹp. Vì sao? Vì tâm từ hay diệt sân. Lúc ấy, bảy Phạm chí tự nghĩ: “Cấm giới của ta đã bị suy giảm hay sao mà chúng ta càng nổi giận thì người ấy càng xinh đẹp thêm?” Rồi bảy Phạm chí liền nói với vị Thiên sư rằng:

Là trời, Càn - đạp - hòa
La - sát, hay Quỷ thần
Thật sự tên là gì
Chúng tôi đều muốn biết!

Lúc ấy, vị Thiên A - tư - đà liền nói kệ đáp rằng:

Chẳng phải trời, Đạp - hòa
La - sát hay Quỷ thần
Mà ta đây chính là
Thiên sư A - tư - đà.

Tôi biết ý nghĩ của các ông nên từ cõi trời Phạm thiên bay xuống đây. Phạm thiên cách đây rất xa. Thiên đế Thích cũng lại như vậy. Dùng khổ hành để làm Chuyển luân thánh vương còn không được, huống gì là làm Đế thích, Phạm thiên hay Tứ Thiên vương.

Lúc ấy, Thiên sư A - tư - đà liền nói kệ:

Trong tâm đầy niệm tưởng
Mà ngoại hình tồi tàn
Nhưng siêng tu chánh kiến
Mới xa lìa ác đạo.
Giữ tâm cho thanh tịnh
Thân, miệng cũng như vậy
Xa lìa các niệm ác
Chắc chắn sẽ sinh Thiên.

Lúc ấy, bảy Phạm chí hỏi: “Ngài có thật là Thiên sư không?” Thiên sư A - tư - đà đáp: “Đúng vậy. Nhưng không phải do lõa hình mà được sinh Thiên. Vị tất tu khổ hành ấy mà được sinh lên trời Phạm thiên. Cũng chẳng phải phơi bày thân thể hay làm ngần ấy khổ hành mà được sinh nơi ấy. Nhưng nếu có thể thu nhiếp tâm ý không cho lay động thì được sinh Thiên. Không thể sinh nơi ấy bằng cách mà các ông đang làm.

Này đại vương, quán sát ý nghĩa này, không phải do lõa hình mà gọi là A - la - hán. Kẻ phàm phu không thể phân biệt được ai là bậc Chân nhân, nhưng bậc Chân nhân thì có thể phân biệt do hành vi được làm nào là phàm phu. Lại nữa, kẻ phàm phu không thể biết hành của phàm phu; duy chỉ bậc Chân nhân mới biết hành của phàm phu. Đại vương nên biết, do phương tiện mà biết rằng điều đó đã có từ trước lâu xa rồi, chứ không phải mới ngày nay. Đại vương, hãy học điều này như vậy.

Bấy giờ, vua Ba - tư - nặc bạch Thế Tôn rằng:

–Những điều Như Lai dạy rất là hay, người đời chẳng thể hiểu nổi. Nhưng việc nước quá nhiều, con xin cáo về.

Phật bảo vua:

–Vua hãy biết thời.

Vua đứng dậy, đảnh lễ sát đất rồi ra đi.

Bấy giờ, vua Ba - tư - nặc nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10[6]

Nghe như vầy:

Một thời, Phật ở vườn Ni - câu - lâu thuộc nước Ca - tỳla - vệ của dòng họ Thích, cùng chúng đại Tỳ - kheo gồm năm trăm vị.

Bấy giờ, sau khi ăn, Thế Tôn từ vườn Ni - câu - lâu đến trong xóm Tỳ - la - da - trí[7] và ngồi dưới một gốc cây. Lúc ấy, Chấp Trượng, người họ Thích[8], ra khỏi thành Ca - tỳla việt, đến chỗ Thế Tôn, rồi đứng im lặng.

Sau đó, Chấp Trượng Thích hỏi Thế Tôn rằng: “Samôn dạy dỗ điều gì? Bàn luận những gì?

Thế Tôn bảo:

–Phạm chí nên biết, điều mà Ta luận thì trời rồng, quỷ thần không thể theo kịp[9], chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian[10]. Điều mà Ta luận là như vậy.

Khi ấy, Chấp Trượng Thích lắc đầu, thở dài, rồi bỏ đi. Sau đó, Như Lai đứng dậy trở về tinh xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Vừa rồi, khi Ta đang ngồi trong vườn, có Chấp Trượng Thích đến gặp Ta và hỏi Ta rằng: “Sa - môn luận những gì?” Ta đáp: “Điều mà Ta luận chẳng phải là điều mà chư Thiên và thế gian có thể theo kịp, cũng chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian. Điều mà Ta luận là như vậy.” Lúc ấy, Chấp Trượng Thích nghe xong liền bỏ đi.

Lúc ấy, có một Tỳ - kheo bạch Thế Tôn rằng:

–Thế nào là không dính mắc thế gian cũng không trụ ở thế gian?

Thế Tôn bảo:

–Điều mà Ta luận hoàn toàn không dính mắc thế gian, cũng như nay được giải thoát khỏi tham dục, dứt trừ sự nghi ngờ của dòng họ Thích[11], không có các tưởng.[12] Điều mà Ta luận là như vậy.

Nói xong, Thế Tôn liền đi vào tịnh thất.

Lúc ấy, các Tỳ - kheo nói với nhau:

–Vừa rồi, Thế Tôn nói tóm lược ý nghĩa của luận ấy,

Hán dịch thiếu một đoạn, nhưng được thấy trong tường thuật tiếp theo. Tham chiếu, Trung 28 (tr.

0603b18). mà ai có thể giảng rộng nghĩa này?

Rồi các Tỳ - kheo nói với nhau:

–Thế Tôn thường ca ngợi Tôn giả Đại Ca - chiêndiên. Chỉ có Ca - chiên - diên có thể giảng rộng ý nghĩa này.

Sau đó, các Tỳ - kheo nói với Ca - chiên - diên rằng:

–Vừa rồi Như Lai đã giảng tóm tắt ý nghĩa ấy. Cúi xin Tôn giả hãy giảng rộng thêm, phân biệt rõ ràng từng việc cho mọi người được hiểu.

Ca - chiên - diên đáp:

–Ví dụ như có một người đi ra khỏi làng để tìm lõi cây. Vừa thấy cây to, người ấy liền đốn ngã lấy cành lá mang đi mà bỏ cây lại. Hôm nay các vị cũng như vậy. Các vị đã bỏ Như Lai mà đi tìm lõi cây nơi cành lá. Nhưng Như Lai nhìn thấy tất cả, không đâu không cùng khắp. Ngài soi sáng thế gian, là Đạo sư của trời, người. Như Lai là chủ chân thật của pháp. Các vị phải tùy theo thời gian thích hợp, tự nhiên sẽ được Như Lai giải thích cho ý nghĩa này.

Lúc ấy, các Tỳ - kheo đáp:

–Tuy Như Lai là chủ chân thật của pháp, sẽ diễn rộng nghĩa ấy. Nhưng Tôn giả đã được Thế Tôn ghi nhận, có khả năng nói rõ nghĩa ấy.

Ca - chiên - diên nói:

–Vậy các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, tôi sẽ giảng nói phân biệt nghĩa ấy.

Các Tỳ - kheo đáp:

–Thưa vâng.

Bấy giờ các Tỳ - kheo vâng lời lắng nghe.

Ca - chiên - diên nói:

–Luận mà hôm nay Như Lai nói đến, không phải là điều mà trời rồng, quỷ thần có thể theo kịp, không dính mắc, cũng không trụ thế gian, nhưng ta được giải thoát đối với chúng, dứt sạch nghi ngờ không còn do dự. Như chúng sinh ngày nay ưa thích tranh đấu, kiện tụng, khởi các loạn tưởng. Lại nữa, Như Lai nói, Ta không sinh tâm đắm nhiễm trong đó; đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi, kết sử vô minh và do đó đưa đến đau khổ vì dao gậy, mà tranh đấu kiện tụng với người, phát sinh bao nhiêu hành vi bất thiện, phát sinh loạn tưởng.

Khi mắt thấy sắc mà sinh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc[13]. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng[14]. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp mà sinh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng. Đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi ngờ, kết sử vô minh, gây ra tai biến đao gậy và bao nhiêu tai biến khác không thể tính hết.

Nếu có ai nói không có mắt, không có sắc mà lại có xúc*, điều đó không đúng. Nếu có ai nói không có xúc* mà có thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói không có tai, không có tiếng; không có mũi, không có mùi; không có lưỡi, không có vị; không có thân, không có sự xúc chạm; không có ý, không có pháp, mà nói là có thức, thì cũng không có lý. Nếu có ai nói không có xúc* mà có thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói, có mắt, có sắc và ở trong đó phát sinh ra thức, điều đó hợp lý. Nếu nói có tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, sự trơn láng; ý, pháp và ở trong đó phát sinh ra thức, điều đó hợp lý. Các vị nên biết, do nhân duyên này nên Thế Tôn nói: “Điều mà Ta luận, không phải là điều mà trời, người, ma, thiên ma có thể theo kịp; không chấp trước thế gian, không trụ ở thế gian, nhưng Ta lại giải thoát khỏi tham dục, chấm dứt nghi ngờ, không còn do dự.” Vì lý do này Thế Tôn nói nghĩa ấy. Nếu ai chưa thông suốt thì hãy đến gặp Thế Tôn hỏi lại nghĩa ấy. Như Lai có dạy điều gì, hãy ghi nhớ mà phụng hành.

Nghe Ca - chiên - diên giảng xong, các Tỳ - kheo không nói là đúng, cũng không nói là sai, mà tức thời đứng dậy, nói với nhau:

–Chúng ta hãy đem ý nghĩa này đến hỏi Thế Tôn. Thế Tôn có dạy điều gì, sẽ theo đó mà phụng hành.

Rồi thì số đông các Tỳ - kheo đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, rồi ngồi qua một phía, đem việc lúc nãy bạch với Thế Tôn.

Bấy giờ, Như Lai nói với các Tỳ - kheo rằng:

–Tỳ - kheo Ca - chiên - diên thông minh, biện tài, đã giảng rộng nghĩa ấy. Nếu các ông đến hỏi Ta điều đó, thì Ta cũng giảng cho các ông như vậy mà thôi.

Lúc ấy, A - nan đang đứng sau Như Lai. A - nan liền bạch Phật rằng:

–Ý nghĩa của kinh này rất sâu sắc. Giống như có người đi đường gặp cam lồ[15] liền lấy ăn. Thật hết sức thơm ngon, ăn không biết chán. Ở đây cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nghe kinh này sẽ không hề biết chán.

A - nan lại hỏi:

–Kinh này tên là gì và phụng hành ra sao?

Phật bảo A - nan:

–Kinh này tên là: “Pháp vị cam lồ”[16]. Hãy ghi nhớ và phụng hành.

Bấy giờ, A - nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



[1] . Tham chiếu, Hán, Trung 2, kinh 7.

[2] . A - dũ - xà giang thủy 阿踰闍G江水. Có lẽ đồng nhất Pāli, Ayojjhā, tên một vương quốc bên bờ sông Hằng.

Cf. Tây Vực Ký 5 (tr. 896b04): A - dũ - đà quốc 阿踰陀國 (Skt. Ayodhyā).

[3] . Đại Quân - đầu 大均頭. Pāli: Mahā - Cunda.

[4] . Bà - ca - lợi 婆迦利, kinh số 10 phẩm 46 ở trên, phiên âm là Bà - ca - lê 婆迦梨. Pāli: Vakkali.

[5] . Cf. Pāli, M. 93 Assalāyana (R. ii. 155): Asita Devala. Hán, Trung 37, kinh 151 (tr. 665c05).

[6] . Pāli, M. 18 Madhupiṇḍika (R. i. 108). Hán, Trung 28, kinh 115.

[7] . Tỳ - da - la - trí tụ 毘羅耶致聚. Pāli: Beluvalaṭṭhikāya mūle, (ngồi) dưới gốc cây beluvaṭṭhika, một loại trúc. Trung 28: Trong một ngôi chùa của họ Thích, trong rừng trúc 竹林釋迦寺中.

[8] . Chấp Trượng Thích chủng 執杖釋種. Pāli: Daṇḍapāṇipi Sakko.

[9] . Hán: Phi… sở năng cập… 所能及. Pāli: Yathāvadī… na kenaci loke viggayha tiṭṭhati, yathā ca pana kāmehi visaṃyuttaṃ viharantaṃ taṃ brāhmaṇaṃ akathaṃkathiṃ chinna - kukkuccaṃ bhavābhave vītataṇhaṃ saññā nānusenti, “điều mà Ta nói, không phải để tranh luận với bất cứ ai trong thế gian này; điều mà Ta nói là như Bà - la - môn sống an trú mà không bị trói buộc bởi các dục, không hoài nghi, đoạn trừ ác tác, không còn khát ái nơi hữu và phi hữu, không có các tưởng tiềm phục.” Chỗ này

[10] . Dịch sát bản Hán. Có lẽ từ Phạm văn tương đương Pāli: Na kenaci loke viggayha tiṭṭhati: “Không tồn tại để tranh chấp (viggayha) với bất cứ ai trong thế gian”, nhưng bản Hán đọc là na kenaci loke vigayha tiṭṭhati, “không tồn tại để đắm chìm (vigayha) trong thế gian.”

[11] . “của dòng họ Thích”, cụm từ này có thể được chép dư trong bản Hán. Xem cht. trên.

[12] . Xem cht. trên.

[13] . Nguyên Hán: Cánh lạc 更樂. Đây là định nghĩa về xúc. Định cú Pāli: Cakhuṭca… paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ tiṇṇaṃ saṅati phasso, duyên nơi mắt và sắc, thức con mắt khởi lên. Tổ hợp ba này (gồm mắt, sắc, và thức) là xúc.

[14] . Pāli: Yaṃ vitakketi taṃ papaṭceti, do tầm mà có hý luận.

[15] . Trung 28: Mật hoàn 蜜丸, cục mật ong. Pāli: Madhupiṇḍikaṃ.

[16] . Cam lộ pháp vị 甘 露 法 味. Trung 28: Mật hoàn dụ 蜜丸喻. Pāli: Madhupiṇḍika - pariyāyo.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]