TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 5: TỲ-KHEO-NI

Kinh số 1

Tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn của ta, xuất gia học đạo lâu, được quốc vương cung kính, chính là Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di[1].

Trí tuệ thông minh, chính là Tỳ-kheo-ni Sấmma[2].

Thần túc đệ nhất, cảm đến các thần, chính là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc[3].

Thực hành pháp Đầu-đà với mười một điều hạn chế, chính là Tỳ-kheo-ni Cơ-lê-xa Cù-đàmdi[4].

Thiên nhãn đệ nhất, nhìn khắp không trở ngại, chính là Tỳ-kheo-ni Xa-câu-lê[5].

Tọa thiền nhập định, ý không phân tán, chính là Tỳ-kheo-ni Xa-ma[6].

Phân biệt nghĩa thú, diễn rộng đạo giáo, chính là Tỳ-kheo-ni Ba-đầu-lan-đồ-na.

Vâng giữ luật giáo không phạm thêm, chính là Tỳ-kheo-ni Ba-la-giá-na[7].

Đạt tín giải thoát, không thoái lui trở lại, chính là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên[8].

Đạt bốn biện tài, trong lòng khiếp sợ, chính là Tỳ-kheo-ni Tối Thắng.

Kệ tóm tắt:

Đại Ái cùng Sấm-ma*
Ưu-bát, Cơ-đàm-di
Câu-lợi, Xà, Lan-đồ
Na-la, Ca-chiên, Thắng.

Kinh số 2

Tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn của Ta, tự biết mọi việc vô số kiếp đời trước, chính là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà Ca-tỳ-ly[9]. Nhan sắc xinh đẹp, được mọi người yêu kính, chính là Tỳ-kheo-ni Hê-ma-xà.

Hàng phục ngoại đạo để lập chánh giáo, chính là Tỳ-kheo-ni Thâu-na[10].

Phân biệt nghĩa thú, nói rộng từng bộ, chính là Tỳ-kheo-ni Đàm-ma-đề-na[11].

Mình mặc áo thô, không lấy làm xấu hổ, chính là Tỳ-kheo-ni Ưu-đa-la.

Các căn tịch tĩnh, thường thuận nhất tâm, chính là Tỳ-kheo-ni Quang Minh.

Y phục tề chỉnh, đúng theo pháp giáo, chính là Tỳ-kheo-ni Thiền Đầu.

Luận biện nhiều đề tài, không nghi ngờ do dự, chính là Tỳ-kheo-ni Đàn-đa.

Khả năng sáng tác kệ, khen ngợi đức của Như Lai, chính là Tỳ-kheo-ni Thiên Dữ.

Nghe nhiều biết rộng, ân huệ tiếp dẫn người dưới, chính là Tỳ-kheo-ni Cù-ty.

Kệ tóm tắt:

Bạt-đà, Đồ, Thâu-na
Đàm-ma-na, Ưu-đa
Quang Minh, Thiền, Đàn-đa
Thiên Dữ cùng Đàm-ty.

Kinh số 3

Tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn của ta, thường ở nơi vắng vẻ, không sống giữa nhân gian, chính là Tỳ-kheo-ni Vô Úy.

Khổ thân khất thực, không lựa sang hèn, chính là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xá-khư[12].

Tại một chỗ chỉ ngồi một lần, quyết không xê dịch, chính là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-bà-la.

Đi khắp cầu xin, rộng độ mọi người, chính là Tỳ-kheo-ni Ma-nộ-ha-lợi.

Chóng thành đạo quả, không vướng giữa chừng, chính là Tỳ-kheo-ni Đà-ma.

Nắm giữ ba y, quyết không lìa bỏ, chính là Tỳ-kheo-ni Tu-đà-ma.

Thường ngồi dưới bóng cây, ý không dời đổi, chính là Tỳ-kheo-ni Hiếp-tu-na.

Thường ở nơi đất trống, không cần nghĩ đến đồ che, chính là Tỳ-kheo-ni Xà-đà.

Thích nơi vắng vẻ, không sống giữa nhân gian, chính là Tỳ-kheo-ni Ưu-ca-la.

Ngồi mãi nệm cỏ, không cần trang sức, chính là Tỳ-kheo-ni Ly-na.

Khoác y năm mảnh, tuần tự khất thực[13], chính là Tỳ-kheo-ni A-nô-ba-ma.

Kệ tóm tắt:

Vô Úy, Đa-tỳ-xá
Bà-đà, A-nô-ba
Đàn, Tu-đàn, Xà-đa
Ưu-ca, Ly, A-nô.

Kinh số 4

Tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn của ta, thích nơi gò mả vắng, chính là Tỳ-kheo-ni Ưuca-ma.

Thường xuyên an trú tâm Từ, thương tưởng chúng sinh, chính là Tỳ-kheo-ni Thanh Minh. Buồn khóc chúng sinh không đến được với đạo, chính là Tỳ-kheo-ni Tố-ma[14].

Hoan hỷ vì được đạo, nguyện chia cho tất cả, chính là Tỳ-kheo-ni Ma-đà-lợi.

Thủ hộ các hành, ý không lìa xa, chính là Tỳ-kheo-ni Ca-la-già.

Giữ không chấp hư[15], biết rõ không có gì tồn tại, chính là Tỳ-kheo-ni Đề-bà-tu.

Tâm vui với vô tưởng[16], trừ bỏ các chấp, chính là Tỳ-kheo-ni Nhật Quang.

Tu tập vô nguyện[17], tâm thường giúp khắp, chính là Tỳ-kheo-ni Mạt-na-bà. Không nghi các pháp, độ người không hạn, chính là Tỳ-kheo-ni Ty-ma-đạt. Thường nói nghĩa rộng, phân biệt pháp sâu, chính là Tỳ-kheo-ni Phổ Chiếu.

Kệ tóm tắt:

Ưu-ca, Minh, Tố-ma
Ma-đà, Ca, Đề-bà
Nhật Quang, Ma-na-bà
Tỳ-ma-đạt, Phổ Chiếu.

Kinh số 5

Tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn của ta, tâm hằng nhẫn nhục như đất bao dung, chính là Tỳ-kheo-ni Đàm-ma-đề[18].

Hay dạy bảo mọi người, khiến lập hội bố thí, chính là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma.

Phân bố chỗ ngồi chỗ nằm, cũng là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma.

Tâm đã vĩnh viễn lắng đọng, không còn khởi loạn tưởng, chính là Tỳ-kheo-ni Nhân-đà-xà. Quán rõ các pháp mà không bao giờ chán, chính là Tỳ-kheo-ni Long.

Ý chí kiên cường, dũng mãnh, không bị nhiễm đắm, chính là Tỳ-kheo-ni Câu-na-la.

Nhập Thủy Tam-muội, thấm nhuần khắp tất cả, chính là Tỳ-kheo-ni Bà-tu.

Nhập Diệm quang Tam-muội, tất chiếu khắp cả mọi loài, chính là Tỳ-kheo-ni Hàng-đề.

Quán bất tịnh ghê tởm, phân biệt duyên khởi, chính là Tỳ-kheo-ni Giá-ba-la. Nuôi dạy mọi người, cung cấp mọi thiếu thốn, chính là Tỳ-kheo-ni Thủ-ca.

Tỳ-kheo-ni đệ nhất cuối cùng trong hàng Thanh văn của Ta, chính là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà Quân-đà-la[19] nước Câu-di.

Kệ tóm tắt:

Đàm-ma, Tu-dạ-ma
Nhân-đề, Long, Câu-na
Bà-tu, Hàng, Giá-ba
Thủ-ca, Bạt-đà-la.

Năm mươi Tỳ-kheo-ni này, nói rộng như trên.



[1] . Pāli: Mahāpajāpatì Gotamì.

[2] . Để bản: Thức-ma 識 摩. TNM: Sấm-ma. Pāli: Khemā 讖 摩.

[3] . Pāli: Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc).

[4] . Pāli: Kisā-Gotamī, đệ nhất thọ trì y thô xấu (lūkhacīvaradharāaṇaṃ).

[5] . Pāli: Sakulā.

[6] . A.i.25: Đệ nhất tọa thiền là Nandā.

[7] . Pāli: Đệ nhất trì luật, Paṭācāra.

[8] A.i. 25: Đệ nhất tín giải thoát (saddhādhimuttānaṃ) là Siṅgālakamātā.

[9] . Pāli: Bhaddā Kāpilānī.

[10] Pāli: Soṇā, đệ nhất tinh cần.

[11] Dhammadinnā.

[12] Visakhā.

[13] Để bản: Phân-việt 分 越, TNM: Phân-vệ, Pāli: Piṇdapāta, hành khất thực.

[14] Somā Therī. Nhưng Pāli không đề cập sự kiện này.

[15] . Đây chỉ Không giải thoát (Pāli: Suñña-vimokkha).

[16] . Đây chỉ Vô tướng giải thoát (Pāli: Animitta-vimokkha).

[17] . Đây chỉ Vô nguyện giải thoát (Pāli: Appaṇihita-vimokkha).

[18] Để bản Đàm-ma-đề 曇 摩 提. TNM: Đàm-ma-ma-đề 曇 摩 摩 提 .

[19] Pāli (A.i. 25): Bhaddā Kuṇḍalakesā (người Rājagaha), đệ nhất thần thông nhanh nhẹn (khipPābhiññānaṃ).


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]