TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 44: CHÍN CHÚNG SINH CƯ

KINH SỐ 1[1]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Có chín nơi cư trú chúng sinh[2], là nơi ở của chúng sinh. Những gì là chín?

Hoặc có chúng sinh nhiều thân khác nhau với nhiều tưởng khác. Đó là chỉ cho trời và người[3]. Hoặc có chúng sinh có nhiều thân, nhưng một tưởng. Đó là chỉ trời Phạm - ca - di xuất hiện đầu tiên[4]. Hoặc có chúng sinh có một thân với nhiều tưởng. Đó là trời Quang âm[5]. Hoặc có chúng sinh một thân với một tưởng. Đó là trời Biến tịnh.[6] Hoặc có chúng sinh vô lượng không. Đó là trời Không xứ[7]. Hoặc có chúng sinh vô lượng thức. Đó là trời Thức xứ[8]. Hoặc có chúng sinh bất dụng xứ. Đó là trời Bất dụng xứ[9]. Hoặc có chúng sinh có tưởng, không tưởng. Đó là trời Hữu tưởng vô tưởng xứ[10].

Tên gọi của những chỗ được sinh ra có chín. Này Tỳ - kheo, đó gọi là chín nơi cư trú của chúng sinh. Các loài quần manh đã từng ở, đang ở, sẽ ở. Cho nên Tỳ - kheo, hãy tìm cầu phương tiện thoát ly chín nơi này.

Các Tỳ - kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Ta sẽ nói về chín đức của sẩn nguyện[11], các ông hãy suy nghĩ kỹ, nay Ta sẽ diễn giải ý nghĩa này.

Các Tỳ - kheo vâng lời Phật giáo giới. Phật bảo các Tỳ - kheo:

–Thế nào là chín đức của sẩn nguyện? Tỳ - kheo nên biết, thí chủ đàn - việt phải thành tựu ba pháp; vật được thí cũng phải thành tựu ba pháp; người nhận vật cũng phải thành tựu ba pháp.

Thế nào là thí chủ đàn - việt kia phải thành tựu ba pháp? Thí chủ đàn - việt này thành tựu tín, thành tựu thệ nguyện, không sát sinh. Đó gọi là thí chủ đàn - việt thành tựu ba pháp.

Thế nào là vật được thí cũng phải thành tựu ba pháp? Vật được thí này phải thành tựu sắc, thành tựu hương, thành tựu vị. Đó gọi là vật được thí thành tựu ba pháp.

Thế nào là người nhận vật phải thành tựu ba pháp? Người nhận vật này thành tựu giới, thành tựu trí tuệ, thành tựu Tam - muội. Đó gọi là người nhận thí thành tựu ba pháp.

Như vậy, nếu sự đạt - sẩn[12] thành tựu chín pháp này, sẽ được quả báo lớn, đến chỗ cam lồ diệt tận. Phàm ai là thí chủ muốn cầu phước này hãy tìm cầu phương tiện thành tựu chín pháp này.

Tỳ - kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. thí chủ sau khi nhận cúng dường.

KINH SỐ 3

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Để thành tựu chín pháp. Những gì là chín? Mặt gượng,[13] chịu nhục, tâm tham, keo rít, tâm niệm không lìa bỏ, hay quên, ít ngủ, che giấu dâm dật[14] và không biết đền trả là chín. Tỳ - kheo, đó gọi là thành tựu chín pháp.

Tỳ - kheo ác cũng thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Ở đây, Tỳ - kheo ác làm mặt gượng, chịu nhục, tâm tham, keo rít, hay quên, ít ngủ, dâm dật che giấu[15], không biết đền trả, niệm không lìa bỏ. Đó là chín.

Thế nào là Tỳ - kheo ác làm mặt gượng? Ở đây, Tỳ - kheo ác, điều không đáng tìm cầu mà tìm cầu, trái với hạnh Sa - môn. Tỳ - kheo như vậy gọi là mặt gượng.

Thế nào là Tỳ - kheo ác chịu nhục? Ở đây, Tỳ - kheo ác ở chỗ các Tỳ - kheo hiền thiện mà tự khen ngợi mình, hủy báng người khác. Tỳ - kheo như vậy gọi là Tỳ - kheo ác chịu nhục.

Thế nào là Tỳ - kheo sinh tâm tham? Ở đây, Tỳ - kheo thấy tài và vật của người khác đều sinh tâm tham. Đó gọi là tham.

Thế nào là Tỳ - kheo keo rít? Ở đây Tỳ - kheo được y bát không cho người dùng chung, thường cất giấu cho riêng mình. Như vậy gọi là keo rít.

Thế nào là Tỳ - kheo hay quên? Ở đây, Tỳ - kheo ác thường hay để rơi rớt những lời hay, thiện; cũng không tư duy phương tiện, lại luận bàn về chuyện quốc gia binh chiến. Như vậy gọi là Tỳ - kheo ác thành tựu điều hay quên này.

Thế nào là Tỳ - kheo ác ít ngủ? Ở đây, Tỳ - kheo ác, những pháp cần tư duy mà không tư duy. Như vậy gọi là Tỳ - kheo ác ít ngủ.

Thế nào là Tỳ - kheo ác che giấu dâm dật? Ở đây, Tỳ - kheo ác che giấu những việc làm, không nói cho người khác, nghĩ rằng: “Mong người khác không biết những việc ta làm[16] của ta.” Như vậy gọi là Tỳ - kheo che giấu những việc làm dâm dật.

Thế nào là Tỳ - kheo ác không biết đền trả? Ở đây Tỳ - kheo ác không có tâm cung kính, không hầu hạ sư trưởng và tôn kính những vị đáng quý trọng. Tỳ - kheo ác như vậy gọi là không biết đền trả.

Nếu Tỳ - kheo ác thành tựu chín pháp này[17], nhớ không lìa bỏ thì trọn không thành đạo quả. Cho nên, Tỳ - kheo, hãy suy niệm xả bỏ các pháp ác.

Tỳ - kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Chim khổng tước thành tựu chín pháp. Những gì là chín? Ở đây, chim khổng tước hình dáng xinh đẹp, tiếng kêu trong suốt, bước khoan thai, đi đúng lúc, ăn uống điều độ, thường nghĩ biết đủ, niệm không phân tán, ít ngủ nghỉ, lại cũng ít ham muốn, biết đền trả. Này Tỳ - kheo, đó gọi là chim khổng tước thành tựu chín pháp.

Tỳ - kheo hiền thiện cũng thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Ở đây, Tỳ - kheo hiền thiện tướng mạo xinh đẹp, tiếng nói trong suốt, bước khoan thai, hành đúng lúc, ăn uống có điều độ, thường nghĩ biết đủ, niệm không phân tán, ít ngủ nghỉ, ít ham muốn, biết đền trả.

Sao gọi là Tỳ - kheo hiền thiện tướng mạo xinh đẹp? Tỳ - kheo kia ra, vào, lui, tới, đi, đứng thích hợp, trọn không mất tư cách. Như vậy gọi là Tỳ - kheo hiền thiện tướng mạo đoan chánh.

Sao gọi là Tỳ - kheo tiếng nói trong suốt? Ở đây, Tỳ - kheo khéo phân biệt nghĩa lý, trọn không lẫn lộn. Như vậy gọi là Tỳ - kheo tiếng nói trong suốt.

Sao gọi là Tỳ - kheo bước khoan thai? Ở đây, Tỳ - kheo biết đúng thời mà đi, không để mất thứ lớp; lại biết khi đáng tụng thì biết tụng; khi đáng tập thì biết tập; khi đáng im lặng thì biết im lặng; khi nên dậy thì biết dậy. Như vậy gọi là Tỳ - kheo bước khoan thai.

Sao gọi là Tỳ - kheo hành đúng lúc? Ở đây, Tỳ - kheo khi nên đi thì đi, khi nên đứng thì đứng, tùy thời nghe pháp. Như vậy gọi là Tỳ - kheo hành đúng lúc.

Sao gọi là Tỳ - kheo ăn uống điều độ? Ở đây, Tỳ - kheo được thức ăn dư còn lại, phân chia cho người, không tiếc những cái mình có. Như vậy gọi là Tỳ - kheo ăn uống điều độ.

Sao gọi là Tỳ - kheo ít ngủ nghỉ? Ở đây, Tỳ - kheo vào đầu đêm tập tỉnh thức, tập ba mươi bảy phẩm đạo không để rơi rớt, hằng làm thanh tịnh ý bằng kinh hành, khi nằm, khi tỉnh thức; lại vào giữa đêm tư duy pháp sâu xa, đến lúc cuối đêm nằm nghiêng hông phải sát đất, hai chân xếp lên nhau, tư duy về tưởng ánh sáng, rồi đứng lên kinh hành mà làm thanh tịnh ý. Như vậy gọi là Tỳ - kheo ít ngủ nghỉ.

Sao gọi là Tỳ - kheo ít ham muốn, biết đền trả? Ở đây, Tỳ - kheo thờ phụng tam tôn, vâng kính sư trưởng. Như vậy gọi là Tỳ - kheo ít ham muốn, biết đền trả. Như vậy là Tỳ - kheo hiền thiện thành tựu chín pháp, các ông hãy niệm tưởng phụng hành.

Tỳ - kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5[18]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Người nữ thành tựu chín pháp để trói buộc người nam. Những gì là chín? Ca, múa, kịch[19], nhạc, cười, khóc, trau chuốt nghi dung[20], huyễn thuật mê hoặc[21], nhan sắc thể hình[22]. Trong tất cả hình thức ấy, chỉ có xúc[23] trói người chặt nhất, gấp trăm ngàn lần, không có gì để so sánh.

Ở đây Ta thấy ý nghĩa này, xúc* trói người chặt nhất không cho ra thoát khỏi; đó là sợ dây buộc chặt người nam vào người nữ. Cho nên, Tỳ - kheo, hãy niệm tưởng xả bỏ chín pháp này.

Tỳ - kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[24]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở Ưu - ca - la[25], trong vườn Trúc[26], cùng đại chúng năm trăm Tỳ - kheo.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Nay Ta sẽ nói pháp vi diệu cho các ông, phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần cuối thiện, nghĩa lý sâu nhiệm, tu hành phạm hạnh thanh tịnh. Kinh này gọi là:

“Gốc của tất cả các pháp.”[27] Các ông nên suy nghĩ kỹ.

Các Tỳ - kheo thưa:

–Thưa vâng, Thế Tôn!

Các Tỳ - kheo vâng lời Phật dạy.

Phật bảo:

–Thế là gốc của tất cả các pháp? Ở đây, Tỳ - kheo, người phàm phu không gặp lời dạy của Hiền thánh, cũng không gìn giữ lời dạy của Như Lai, không gần gũi Thiện tri thức, không chịu nghe lời dạy của Thiện tri thức. Chúng quán sát đất này mà biết như thật rằng: “Đây là đất; như thật là đất.”[28] Cũng vậy, đây là nước, là lửa, là gió. Bốn thứ này hợp lại thành con người.[29] Đó là sự vui thích của người ngu.[30] Hoặc trời tự biết là trời, thích ở cõi trời.[31] Phạm thiên tự biết là Phạm thiên. Đại Phạm thiên tự biết là Đại Phạm thiên, không ai vượt qua. Trời Quang âm trở lại tự biết do trời Quang âm đến. Trời Biến tịnh tự biết là trời Biến tịnh. Trời Quả thật tự biết là trời Quả thật mà không lầm lẫn. Trời A - tỳ - da - đà tự biết là trời A - tỳ - da - đà. Trời Không xứ tự biết là trời Không xứ. Trời Thức xứ tự biết là trời Thức xứ. Trời Bất dụng xứ tự biết là trời Bất dụng xứ. Trời Hữu tưởng vô tưởng xứ tự biết là trời Hữu tưởng Vô tưởng xứ.

Thấy, tự biết là thấy; nghe, tự biết là nghe; muốn, tự biết là muốn; trí, tự biết là trí;[32] một loại tự biết là một loại; nhiều loại tự biết là nhiều loại[33]; thảy đầy đủ tự biết là thảy đầy đủ; Niết - bàn tự biết là Niết - bàn, ở trong đó mà tự vui thích. Vì sao? Vì chẳng phải là những lời nói của người trí.[34]

Thánh đệ tử đến gặp bậc Thánh, vâng thọ pháp người, hầu hạ Thiện tri thức, thường thân cận Thiện tri thức,[35] quán sát đất, thảy đều biết rõ ràng từ đâu đến, cũng không đắm trước vào đất, không có tâm nhiễm ô. Nước, lửa, gió, cũng như vậy. Người, Trời, Phạm vương, Quang âm, Biến tịnh, Quả thật, trời A - tỳ - da - đà, Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng vô tưởng xứ; thấy, nghe, nhớ, biết; một loại, nhiều loại, cho đến đối Niếtbàn cũng không đắm ở Niết - bàn, không khởi tưởng Niếtbàn. Vì sao? Vì tất cả đều do khéo phân biệt khéo quán sát.

Nếu Tỳ - kheo kia là A - la - hán lậu tận, việc cần làm đã xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã dứt sạch nguồn gốc sinh tử, bình đẳng giải thoát[36]. Vị ấy có thể phân biệt đất, thấy không khởi tưởng đắm đất. Người, Trời, Phạm vương cho đến Hữu tưởng vô tưởng xứ, cũng vậy; cho đến đối Niết - bàn, cũng không đắm Niết - bàn, không khởi tưởng Niết - bàn. Vì sao? Vì đều do đã diệt trừ dâm, nộ, si mà được như vậy.

Tỳ - kheo nên biết, Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đối với đất khéo hay phân biệt, cũng không đắm trước nơi đất, không khởi tưởng về đất. Vì sao? Vì do phá được lưới ái mà được như vậy. Nhân hữu mà có sinh, nhân sinh mà có lão, tử, thảy đều trừ hết.[37] Cho nên Như Lai thành Vô Thượng Chánh Giác.

Khi Đức Phật nói những lời này, các Tỳ - kheo không lãnh thọ những lời dạy này[38]. Vì sao? Vì do ma Ba - tuần làm bế tắc tâm ý.

Kinh này gọi là: “Gốc rễ của tất cả các pháp.” Nay Ta nói đầy đủ. Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm, nay Ta đã làm đầy đủ. Các ông hãy nghĩ tưởng ở nơi nhàn tĩnh, dưới bóng cây, chánh ý ngồi thiền, tư duy diệu nghĩa. Nay không làm, sau hối vô ích. Đây là những lời giáo giới của Ta.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở Ca - lan - đà, trong vườn trúc, thành La - duyệt cùng đại chúng năm trăm Tỳ - kheo.

Bấy giờ, trong thành La - duyệt có một Tỳ - kheo mang trọng bệnh, rất khốn khổ, nằm đại tiểu tiện, không thể tự đứng dậy, cũng chẳng có Tỳ - kheo nào đến chăm sóc. Ngày đêm ông xưng danh hiệu Phật: “Sao ta không được Thế Tôn thương tưởng đến?

Lúc ấy Như Lai bằng Thiên nhĩ nghe Tỳ - kheo kia đang than oán kêu la, hướng về Như Lai. Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Ta với các ông cùng đi xem xét các phòng, thăm viếng các trú xứ.

Các Tỳ - kheo thưa:

–Thưa vâng, Thế Tôn!

Thế Tôn cùng với các Tăng Tỳ - kheo vây quanh lần lượt đi qua các phòng. Khi ấy Tỳ - kheo bệnh từ xa trong thấy Thế Tôn đến, liền từ chỗ ngồi muốn đứng dậy, mà không thể cử động được. Thế Tôn đến chỗ Tỳ - kheo, bảo rằng:

–Thôi, được rồi, Tỳ - kheo! Chớ cử động. Ta đã có chỗ ngồi dọn sẵn để ngồi.

Lúc ấy Tỳ - sa - môn Thiên vương biết ý nghĩ của Như Lai, biến mất khỏi thế giới Dã mã, hiện đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng sang một bên.

Thích Đề - hoàn Nhân biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, liền đi đến chỗ Phật.

Phạm Thiên vương cũng biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, bèn biến mất khỏi Phạm thiên, hiện đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên.

Tứ Thiên vương cũng biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên.

Bấy giờ, Phật bảo Tỳ - kheo bệnh:

–Bệnh khổ của ông nay có giảm, không tăng thêm chăng?

Tỳ - kheo thưa:

–Bệnh khổ của đệ tử có tăng chứ không giảm, rất ít có ai để nhờ cậy.

Phật bảo Tỳ - kheo:

–Người chăm sóc bệnh hiện ở đâu? Người nào đến chăm sóc bệnh?

Tỳ - kheo bạch Phật:

–Con mắc bệnh này, nhưng không người chăm sóc.

Phật bảo Tỳ - kheo:

–Trước kia, khi ông chưa bệnh, có đến hỏi thăm hỏi người bệnh không?

Tỳ - kheo bạch Phật:

–Con không hề đến thăm hỏi những người bệnh.

Phật bảo Tỳ - kheo:

–Ông ở không được điều ích lợi ở trong chánh pháp. Vì sao? Tất cả do không đến thăm hỏi bệnh. Nay Tỳ - kheo, ông chớ lo sợ, Ta sẽ tự mình cấp dưỡng ông, không để thiếu thốn. Như Ta nay, trên trời và giữa người, đi một mình không bạn lứa, nhưng vẫn có thể chăm sóc tất cả bệnh nhân; cứu giúp những ai không có người cứu giúp; làm con mắt cho những ai mù tối; cứu chữa những ai tật bệnh.

Rồi Thế Tôn tự mình dọn các thứ bất tịnh, lại trải tọa cụ cho. Lúc ấy Tỳ - sa - môn Thiên vương cùng Thích Đềhoàn Nhân bạch Phật:

–Chúng con sẽ tự mình chăm sóc Tỳ - kheo bệnh này.

Như Lai chớ lại nhọc sức.

Phật bảo chư Thiên:

–Các ông, thôi đi được rồi, Như Lai sẽ tự biết thời. Như Ta nhớ lại, thuở xưa khi chưa thành Phật đạo, đang tu hạnh Bồ - tát, đã từng xả bỏ mạng căn cho một con chim bồ câu, huống chi ngày nay đã thành Phật đạo mà bỏ Tỳ - kheo này sao? Quyết không có việc này. Lại nữa, trước kia Thích Đề - hoàn Nhân không chăm sóc Tỳ - kheo bệnh này; Tỳ - sa - môn Thiên vương, Chủ hộ thế, cũng không chăm sóc.

Khi ấy, Thích Đề - hoàn Nhân cùng Tỳ - sa - môn Thiên vương đều im lặng không đáp.

Bấy giờ, Như Lai tự tay cầm chổi quét dọn đất dơ, rồi trải bày tọa cụ, lại giặt giũ ba pháp y cho ông, nâng đỡ Tỳ - kheo bệnh cho ngồi vào trong nước sạch mà tắm gội. Chư Thiên ở trên dùng nước thơm rưới xuống.

Thế Tôn sau khi đã tắm gội cho Tỳ - kheo rồi, dìu ngồi lại lên giường, tự tay trao thức ăn. Khi Thế Tôn thấy Tỳ - kheo ăn xong, bèn rửa bát và bảo Tỳ - kheo kia:

–Nay ông nên xả bệnh ba đời. Vì sao? Tỳ - kheo nên biết, sinh có sự nguy khốn là ở trong bào thai. Sinh thì có già. Phàm người già, hình suy khí cạn. Nhân già có bệnh. Phàm người bệnh, ngồi nằm rên rỉ, bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh đều đến cùng lúc. Nhân bệnh có chết. Phàm người chết, thần và xác phân ly, nhắm theo đường lành dữ. Nếu ai tội nhiều sẽ vào địa ngục, núi đao rừng kiếm, xe lửa, lò than, ăn uống đồng sôi. Hoặc làm súc sinh, bị người sai sử, ăn toàn rơm cỏ, chịu khổ vô cùng. Lại ở trong vô số kiếp không thể tính đếm làm thân ngạ quỷ, thân dài mười do - tuần, cổ nhỏ như cây kim, lại bị nước đồng sôi rót vào miệng. Trải qua vô số kiếp, mới được làm thân người, lại bị đánh đập, tra khảo, không thể kể hết. Lại được sinh lên trời ở trong vô số kiếp, cũng trải qua ân ái, hội họp, lại gặp ân ái biệt ly, tham dục không chán đủ. Khi được đạo Hiền thánh, bây giờ mới lìa khổ.

Có chín hạng người lìa được khổ hoạn. Những gì là chín? Hướng A - la - hán, đắc A - la - hán; hướng A - na - hàm, đắc A - na - hàm; hướng Tư - đà - hàm, đắc Tư - đà - hàm; hướng Tu - đà - hoàn, đắc Tu - đà - hoàn và người chủng tánh[39] là chín.

Này Tỳ - kheo, Như Lai xuất hiện thế gian được nói là rất khó gặp, thân người khó được, sinh nhằm trung bộ cũng khó được, gặp gỡ Thiện tri thức cũng vậy. Nghe pháp được giảng thuyết cũng rất khó. Pháp pháp tương sinh, thật lâu mới có một lần.

Tỳ - kheo nên biết, nay Như Lai xuất hiện ở thế gian, ông được nghe chánh pháp, các căn không thiếu để có thể nghe chánh pháp kia, mà nay không ân cần, sau này hối không kịp. Đây là những lời giáo giới của Ta.

Bấy giờ, Tỳ - kheo bệnh kia sau khi nghe Như Lai dạy, được nhìn rõ tôn nhan, liền ngay trên chỗ ngồi mà được ba minh, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát.[40] Phật bảo Tỳ - kheo:

–Ông đã hiểu rõ nguồn gốc của bệnh rồi chưa?

Tỳ - kheo bạch Phật:

–Con đã hiểu rõ căn nguyên bệnh. Xa lìa sinh, già, bệnh, chết này đều là nhờ thần lực của Như Lai gia bị, nhờ bốn Đẳng tâm bao trùm khắp tất cả, không lường, không giới hạn, không thể kể hết. Thân, khẩu, ý trong sạch.

Đức Thế Tôn sau khi thuyết pháp đầy đủ rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả A - nan:

–Ông hãy đánh kiền chùy, gọi các Tỳ - kheo có mặt tại thành La - duyệt tập trung tất cả tại giảng đường Phổ hội.

A - nan vâng lời Phật dạy, họp các Tỳ - kheo tại giảng đường Phổ hội, rồi đến trước Phật bạch rằng:

–Các Tỳ - kheo đã họp. Cúi xin Thế Tôn biết thời.

Thế Tôn đi đến chỗ giảng đường, ngồi lên chỗ đã dọn sẵn. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Các ông xuất gia học đạo vì sợ quốc vương, giặc cướp chăng? Hay là, Tỳ - kheo, do bởi tín tâm kiên cố mà tu phạm hạnh vô thượng, muốn được xả ly sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não và cũng muốn dứt lìa mười hai sự lôi kéo[41]?

Các Tỳ - kheo thưa:

–Thật như vậy, Thế Tôn.

Phật bảo các Tỳ - kheo:

–Vì mục đích mà các ông xuất gia học đạo, cùng một thầy, hòa hợp như nước với sữa, nhưng lại không chăm sóc lẫn nhau. Từ nay về sau hãy chăm sóc lẫn nhau. Nếu Tỳ - kheo bệnh nào không có đệ tử, trong chúng hãy cử người theo thứ tự chăm sóc người bệnh. Vì sao? Ngoài đây ra, Ta không thấy nơi nào mà sự bố thí có phước hơn chăm sóc người bệnh. Chăm sóc người bệnh cũng như chăm sóc Ta không khác vậy.

Rồi Thế Tôn bèn nói kệ này:

Nếu có cúng dường Ta
Cùng chư Phật quá khứ
Phước đức thí cho Ta
Như nuôi bệnh không khác.

Thế Tôn sau khi dạy những lời này xong, bảo A - nan: –Từ nay về sau, các Tỳ - kheo hãy nên chăm sóc lẫn nhau. Nếu có Tỳ - kheo nào biết mà không làm sẽ căn cứ vào pháp luật mà xử trị. Đây là những lời giáo giới của Ta.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9[42]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Có chín hạng người đáng kính, đáng quý, cúng dường họ thì được phước. Những gì là chín? Hướng A - la - hán, đắc A - la - hán; hướng A - na - hàm, đắc A - na - hàm; hướng Tư - đà - hàm, đắc Tư - đà - hàm; hướng Tu - đà - hoàn, đắc Tu - đà - hoàn và người hướng chủng tánh [43] là thứ chín.

Này các Tỳ - kheo, đó gọi là chín hạng người mà ai cúng dường đến sẽ được phước, trọn không mảy may giảm thiểu.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở Ca - lan - đà, trong vườn Trúc, thành La - duyệt, cùng đại chúng năm trăm Tỳ - kheo.

Bấy giờ, Vương tử Vũ - hô[44] đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy vương tử Vũ - hô bạch Thế Tôn:

–Con từng nghe, Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc[45] cùng Phạm chí Lô - ca - diên[46] luận biện với nhau, nhưng Tỳ - kheo này không trả lời được. Con cũng từng nghe, trong chúng đệ tử Như Lai, người có các căn ám độn, không có tuệ sáng, không ai hơn Tỳ - kheo này.

Trong hàng Ưu - bà - tắc Như Lai ở tại gia, người Cùđàm họ Thích trong thành Ca - tỳ - la - vệ có các căn ám độn, tình ý bế tắc.

Phật bảo Vương tử:

–Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc có sức thần túc, được pháp thượng nhân, không học tập theo lối đàm luận của thế gian. Hơn nữa, vương tử nên biết, Tỳ - kheo này có được diệu nghĩa.

Vương tử Vũ - hô bạch Thế Tôn:

–Tuy Phật có nói như vậy, nhưng trong ý con vẫn có suy nghĩ này: “Sao có thần lực lớn mà không thể biện luận với ngoại đạo dị học?” Nay con thỉnh Phật cùng Tăng Tỳ - kheo, chỉ trừ một người Chu - lợi - bàn - đặc.

Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh. Sau khi thấy Thế Tôn đã nhận lời thỉnh rồi, vương tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu quanh ba vòng rồi lui đi. Liền đêm đó, ông sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống ngon ngọt, trải tọa cụ tốt. Sau đó, đến trình đã đúng giờ.

Bấy giờ, Thế Tôn đưa bát cho Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc giữ ở lại sau, rồi dẫn các Tỳ - kheo vây quanh trước sau vào thành La - duyệt, đến chỗ vương tử kia, mọi người theo thứ lớp mà ngồi. Bấy giờ, vương tử bạch Thế Tôn:

–Cúi xin Như Lai trao bát cho con. Con sẽ tự tay dâng thức ăn cho Như Lai.

Phật bảo vương tử:

–Bát ở chỗ Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc, không mang đến đây.

Vương tử bạch Phật:

–Cúi xin Thế Tôn sai một Tỳ - kheo đến lấy bát lại.

Phật bảo Vương tử:

–Ông hãy tự mình đến đó lấy bát của Như Lai mang lại đây.

Bấy giờ Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc hóa làm năm trăm cây hoa. Dưới mỗi cây đều có Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc ngồi. Vương tử sau khi nghe Phật dạy bèn đi lấy bát. Từ xa nhìn thấy dưới năm trăm cây đều có Tỳ - kheo Chulợi - bàn - đặc đang ngồi thiền, cột niệm ở trước không bị phân tán, ở dưới bóng cây. Thấy vậy, ông suy nghĩ: “Người nào là Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc?” Rồi vương tử Vũ - hô trở lại chỗ Thế Tôn, bạch Phật:

–Con đến trong vườn kia, thấy toàn là Tỳ - kheo Chulợi - bàn - đặc, không biết người nào là Tỳ - kheo Chu - lợibàn - đặc.

Phật bảo Vương tử:

–Ông hãy quay trở lại khu vườn, đứng chính giữa mà búng ngón tay, nói như vầy: Vị nào thật sự là Tỳ - kheo Châu - lợi - bàn - đặc, xin rời chỗ ngồi đứng dậy.

Vương tử Vũ - hô vâng lời dạy, trở lại khu vườn, đứng ở giữa vườn mà nói như vầy: “Vị nào thật sự là Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc, xin ngài liền từ chỗ ngồi đứng lên.” Vương tử nói lời này xong, tức thì năm trăm Tỳ - kheo biến hóa kia tự nhiên biến mất, chỉ còn lại một Tỳ - kheo Châu - lợi - bàn - đặc.

Vương tử Vũ - hô cùng Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ Vương tử Vũ - hô bạch Phật:

–Cúi xin Thế Tôn, con nay xin sám hối, tự trách mình không tin những lời dạy của Như Lai. Tỳ - kheo này thật có thần túc, có oai lực lớn.

Phật bảo Vương tử:

–Ta nhận lời ông sám hối. Những gì Như Lai nói, không có hai lời. Lại nữa, thế gian này có chín hạng người qua lại. Thế nào là chín? Một, đoán biết ý nghĩ của người; hai, nghe rồi mới biết; ba, xem tướng sau đó mới biết; bốn, quán sát nghĩa lý sau đó mới biết; năm, biết vị nếm[47] sau đó mới biết; sáu, biết nghĩa biết vị nếm[48] sau đó mới biết; bảy, không biết nghĩa không biết vị*; tám học ở sức thần túc tư duy;[49] chín, nghĩa được nhận rất ít. Vương tử, đó là chín hạng người xuất hiện thế gian. Như vậy, Vương tử người xem tướng kia, trong tám hạng người, là tột bậc nhất, không ai hơn được.

Nay Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc chỉ tập thần túc, chứ không học pháp khác. Tỳ - kheo này thường dùng thần túc thuyết pháp cho người.

Ở đây Tỳ - kheo A - nan của Ta xem tướng mà đoán biết ý nghĩ của người, biết Như Lai cần cái này, không cần cái này; cũng biết Như Lai sẽ nói việc này, bảo xa lìa việc này. Tất cả đều biết rõ ràng. Như nay, không có ai vượt lên trên Tỳ - kheo A - nan về việc xem rộng các nghĩa kinh không đâu không khắp.

Lại nữa, Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc này có thể hóa một thân thành nhiều thân, rồi hiệp trở lại thành một. Tỳ - kheo này ngày sau sẽ diệt độ ở giữa hư không. Ta không thấy người nào khác diệt độ như Tỳ - kheo A - nan và Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc này.

Bấy giờ, Phật lại bảo các Tỳ - kheo:

–Tỳ - kheo đệ nhất trong hàng Thanh văn của Ta, biến hóa thân hình có thể lớn hay nhỏ, không có ai để sánh như Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc.

Bấy giờ, Vương tử Vũ - hô tự tay châm đồ ăn thức uống cúng dường chúng Tăng. Rửa bát xong, ông lấy ghế nhỏ ngồi trước Như Lai, chắp tay bạch Thế Tôn:

–Cúi xin Thế Tôn cho phép Tỳ - kheo Chu - lợi - bànđặc thường đến nhà con. Tùy theo chỗ cần dùng như y phục, các đồ linh tinh khác của Sa - môn, thảy đều nhận tại nhà con. Con sẽ cung cấp những thứ cần dùng suốt đời.

Phật bảo Vương tử:

–Vương tử, ông hướng về Tỳ - kheo Chu - lợi - bànđặc sám hối, tự mình thưa thỉnh. Vì sao? Người không trí mà muốn phân biệt người có trí; trường hợp này khó gặp. Nói rằng người trí có thể phân biệt người trí, lý này có thể có.

Bấy giờ Vương tử Vũ - hô tức thì hướng về Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc lễ và tự xưng danh tánh, cầu sám hối:

–Tỳ - kheo đại thần túc, con đã sinh ý kinh mạn! Từ nay về sau không dám tái phạm. Cúi xin ngài nhận sự sám hối. Con không dám tái phạm.

Tỳ - kheo Chu - lợi - bàn - đặc đáp:

–Tôi nhận ông hối lỗi. Sau chớ tái phạm, cũng chớ hủy báng Hiền thánh nữa. Vương tử nên biết, chúng sinh nào hủy báng Thánh nhân tất sẽ bị đọa vào ba đường ác, sinh vào trong địa ngục. Vương tử hãy học điều này như vậy.

Bấy giờ Phật nói pháp vi diệu cho Vương tử Vũ - hô, khuyến khích khiến hoan hỷ, rồi ngay trên chỗ ngồi diễn nói chú nguyện này:

Tế tự: Lửa trên hết
Kinh sách: Tụng trên hết
Cõi người: Vua là tôn
Các sông: Biển đứng đầu;
Các sao: Trăng sáng nhất
Ánh sáng: Mặt trời nhất
Trên dưới cùng bốn phương
Những vật có hình dáng,
Trời cùng người thế gian
Phật là Đấng Tối Tôn
Ai muốn cầu phước kia
Cúng dường Phật Chánh Giác.
[50]

Thế Tôn sau khi nói bài kệ này xong, rời chỗ ngồi đứng dậy. Bấy giờ, Vương tử Vũ - hô nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ - đà Cấp cô độc, nước Xá - vệ.

Bấy giờ, A - nan bạch Thế Tôn:

–Nói Thiện tri thức, đó là một nửa người phạm hạnh[51], hướng dẫn đường lành đến vô vi.

Phật bảo A - nan:

–Chớ nói vầy, rằng Thiện tri thức, đó là một nửa người phạm hạnh. Vì sao? Thiện tri thức là toàn bộ người phạm hạnh, cùng giúp đỡ, trông coi, hướng dẫn nhau theo con đường lành. Ta cũng do Thiện tri thức mà thành Vô thượng Chánh chân Đẳng chánh giác. Do thành đạo quả, độ thoát chúng sinh không thể kể hết, thảy đều thoát sinh, lão, bệnh, tử. Do phương tiện này mà biết, Thiện tri thức là toàn bộ người phạm hạnh.

Lại nữa, A - nan, nếu người thiện nam kẻ tín nữ thân cận Thiện tri thức thì tín căn sẽ được tăng thêm, các phẩm đức văn, thí, huệ thảy đều đầy đủ. Giống như trăng đang lúc tròn đầy, ánh sáng càng tăng dần gấp bội hơn trước. Đây cũng như vậy, nếu có người thiện nam, kẻ tín nữ nào gần gũi Thiện tri thức thì tín, văn, thí, huệ thảy đều tăng thêm. Do phương tiện này mà biết Thiện tri thức là toàn bộ người phạm hạnh. Nếu ngày xưa Ta không thân cận Thiện tri thức, chắc chắn không gặp Phật Đăng Quang để được thọ ký. Vì thân cận Thiện tri thức nên Ta được gặp Phật Đề - hòa - kiệtla[52] thọ ký. Do phương tiện này mà biết Thiện tri thức là toàn bộ người phạm hạnh.

A - nan, hiện tại nếu thế gian không có Thiện tri thức sẽ không có trật tự của tôn ti; cha mẹ, sư trưởng, anh em, tông thân, tất sẽ cùng loài với heo, chó không khác, tạo các duyên ác, gieo tội duyên địa ngục. Nhờ Thiện tri thức mà phân biệt có cha mẹ, sư trưởng, anh em, tông thân. Rồi Thế Tôn liền nói kệ này:

Thiện hữu, phi ác hữu
Thân pháp, không vi ăn[53]
Dẫn dắt lên đường lành
Phật nói, thân đó nhất.

Cho nên, A - nan, chớ nói rằng Thiện tri thức là một nửa phạm hạnh.

Bấy giờ, A - nan sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 11[54]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong núi Kỳ - xà - quật, thành La - duyệt, cùng với đại chúng năm trăm Tỳ - kheo.

Lúc ấy, Thích Đề - hoàn Nhân, biến mất khỏi trời Tam thập tam, hiện đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

–Trời cùng con người có niệm tưởng gì? Ý cầu mong những gì?

Phật bảo:

–Thế gian trôi nổi, tánh chất không đồng, định hướng khác biệt, niệm tưởng chẳng phải một. Thiên đế nên biết, vô số a - tăng - kỳ kiếp xưa kia, Ta cũng sinh ý nghĩ này: “Loài trời và chúng sinh, ý thú hướng về đâu? Ước nguyện điều gì? Từ kiếp đó đến nay, Ta không thấy tâm của một ai giống nhau.” Thích Đề - hoàn Nhân nên biết, chúng sinh thế gian khởi tưởng điên đảo: Vô thường chấp tưởng thường, không phải lạc cho là tưởng lạc, không ngã chấp có tưởng ngã, không phải tịnh chấp có tưởng tịnh, đường chánh khởi tưởng đường tà, ác khởi tương tưởng phước, phước khởi tưởng ác. Do phương tiện này nên biết, căn tánh của các loài chúng sinh thật khó lường, tánh hạnh chúng khác biệt nhau. Nếu tất cả chúng sinh đều cùng một tưởng, không có nhiều tưởng, thì không thể nhận biết có chín chỗ cư trú của chúng sinh[55], cũng khó phân biệt được chín nơi cư trú của chúng sinh này; chỗ thần thức y tựa cũng lại khó rõ, cũng không biết có tám địa ngục lớn, cũng khó biết nơi hướng đến của súc sinh, không phân biệt có sự khổ của địa ngục, không biết có sự hào quý của bốn dòng họ, không biết con đường dẫn đến chỗ A - tu - luân, cũng lại không biết có trời Tam thập. Giả sử tất cả đều cùng một tâm, sẽ như trời Quang âm. Vì chúng sinh có nhiều loại thân khác nhau, nhiêu tưởng niệm cũng khác nhau. Cho nên biết có chín nơi cư trú của chúng sinh, chín nơi thần thức y tựa; biết có tám địa ngục lớn, ba đường ác, cho đến trời Tam thập tam. Do phương tiện này mà biết tánh của các loài chúng sinh không đồng, những điều chúng làm đều khác.

Lúc ấy, Thích Đề - hoàn Nhân bạch Thế Tôn:

–Kỳ diệu thay, những điều Như Lai đã nói! Tánh và hành của chúng sinh không đồng, tưởng niệm mỗi khác. Vì hành vi của chúng sinh kia không đồng, nên đưa đến xanh, vàng, trắng, đen,[56] cao thấp không đều.

Bạch Thế Tôn, chư Thiên bận rộn nhiều việc, con muốn quay trở về trời.

Phật bảo Thích Đề - hoàn Nhân:

–Nên biết đúng thời.

Lúc ấy Thích Đề - hoàn Nhân liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui đi.

Thích Đề - hoàn Nhân sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Chín cư, thẩn, khổng tước
Trói buộc, căn bản pháp
Bệnh, cúng dường, Bàn - đặc
Phạm hạnh, tưởng đa dạng.



[1] . Pāli, A. ix. 24. Sattāvāsa.

[2] . Cửu chúng sinh cư xứ 九 眾 生 居 處. Cf. No 1(9): cửu chúng sinh cư 九 眾 生 居. Tập Dị Môn 19, tr.

446b14: Cữu hữu tình cư 九 有 情 居.

[3] . Tập Dị: Người và một phần trời. Pāli: Manussā ekacce ca devāekacce ca vinipātikā, loài người, một phần chư Thiên, và chúng sinh trong cõi dữ.

[4] . Tập Dị: Chư Thiên trên Phạm chúng thiên trong thời kỳ kiếp sơ. Pāli: Devā brahmakāyikā paṭhamābhinibbattā.

[5] . Quang âm thiên 光 音 天.Pāli: Devā ābhassarā.

[6] . Biến tịnh thiên 遍 淨 天. Pāli: Devā subhakiṇhā.

[7] . Không xứ thiên 空 處 天. Hán dịch này nhảy sót mất một tầng thứ năm. Tập Dị, Hữu tình cư thứ năm: Vô tưởng hữu tình thiên 無 想 有 情 天, Pāli: Devā asaññasattā; hữu tình cư thứ sáu, Không vô biên xứ thiên 空 無 邊 處 天. Pāli: Ākāsānaṭcāyatanūpagā.

[8] . Thức xứ thiên 識 處 天. Tập Dị: Hữu tình cư thứ bảy, Thức vô biên xứ thiên 識 無 邊 處 天. Pāli:

Viññāịaṭcāyatanūpagā.

[9] . Bất dụng xứ thiên 不 用 處 天. Tập Dị: Hữu tình cư thứ tám, Vô sở hữu xứ thiên 無 所 有 處 天. Pāli:

Ākiṭcaññāyatanūpagā.

[10] . Hữu tưởng vô tưởng xứ thiên 有 想 無 想 處 天. Tập Dị: Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên 非 想 非 非 想處 天. Pāli: Nevasaññānāsaññāyatanūpagā.

[11] . Sẩn nguyện 嚫 願, trên kia dịch là đạt - sẩn 達 嚫, Pāli: Dakkhinā (Skt. Dakṛiṇā), thí tụng, bài kệ chú nguyện

[12] . Đạt - sẩn, xem cht. trên.

[13] . Hán: Cưỡng nhan 強 顏, mặt gượng làm vui.

[14] . Ẩn nặc dâm dật 隱 匿 婬 泆; có bản chép không có chữ dâm. Đoạn dưới chép là dâm dật ẩn (có bản chép tĩnh) nặc 婬 泆 隱 / 靜 匿.

[15] . Xem cht. trên.

[16] . Nguyên Hán: Hành dâm 行 婬. Tống - Nguyên - Minh: Sở hành 所 行. Bản khác chép không có chữ dâm.

[17] . Phần trên chỉ giải thích tám pháp, thiếu “niệm không lìa bỏ 念 不 捨 離 ”.

[18] . Pāli, A.viii. 17 Bandha. Bản Hán, No 26(106), kinh Tưởng.

[19] . Nguyên Hán: Kỹ 伎, trong định cú ca vũ kỹ 歌 舞 伎, chỉ chung các loại ca kịch (Pāli: Naḷa).

[20] . Nguyên Hán: Thường cầu phương nghi 常 求 方 宜.

[21] . Nguyên Hán: Tự dĩ huyễn thuật 自 以 幻 術.

[22] . Pāli, ibid., tám hình thức người nữ trói buộc người nam: Ruṇṇena: Khóc, hasitena: Cười, bhaṇitena: Trò chuyện, ākappena: Phục sức, vanabhaṅgena: Hoa quả, gandhena: Hương, rasena: Vị, phassena: Xúc.

[23] . Nguyên Hán: Cánh lạc 更 樂.

[24] . Tham chiếu Pāli, Mūlapariyāya, M. i. 1.

[25] . Ưu - ca - la 優 迦 羅. Pāli: Ukkaṭṭhā, một thị trấn thuộc Kosala, gần Himalaya.

[26] . Pāli: Subhagavane sālarājamūle, trong rừng Subhaga, dưới gốc cây Sa - la vương.

[27] . Pāli: Sabbadhammamūlapariyāyaṃ, pháp môn căn bản của tất cả các pháp.

[28] . Pāli: Pathaviṃ pathavito sañjānāti; pathaviṃ pathavito saññatvā pathaviṃ maññati, ở đất mà có ấn tượng là đất, tư duy là đất.

[29] . Pāli: Pathaviṃ maññati, pathaviyā maññati, pathavito maññati, pathaviṃ meti maññati, nó tư duy đất, tư duy về đất, tư duy từ đất, nghĩ rằng “Đất là của ta.” No 26(106): “Nơi đất tưởng là đất, (nghĩ rằng), đất là Thần (ngã), đất là sở hữu của Thần (ngã)…”

[30] . Pāli: Pathaviṃ abhinandati, người ấy hoan hỷ đất.

[31] . Trong bản chép dư chữ Thiên. Câu Hán dịch này tối nghĩa. Tham chiếu Pāli: Deve devato sañjānāti, đối với chư Thiên, nó có ấn tượng (tưởng) chư Thiên.” Nghĩa các đoạn sau, chuẩn theo đây.

[32] . Hán: Kiến 見… văn 聞… dục 欲.. trí 智; chính xác nên nhiễu là kiến, văn giác, tri; xem đoạn dưới. Pāli: Diṭṭhaṃ, cái được thấy; sutaṃ, cái được nghe; mutaṃ, cái được tri giác; viññāta, cái được nhận thức (giác quan).

[33] Hán: Nhất loại 一 類 , nhược can loại 若 干 類. Pāli: Ekattaṃ, đồng nhất, và nānattaṃ, đa thù tính.

[34] . Pāli: apariññātaṃ tassā’tivadāmi, “Ta nói, người ấy không biến tri về (những) cái đó.”

[35] . Pāli: Yopi so, bhikkhave, bhikkhu sekkho appattamānaso anuttaraṃ yogakkhemaṃ patthayamāno viharati, Tỳ - kheo thuộc bậc Hữu học, tâm chưa chứng đắc, đang tìm cầu sự an ổn tối thượng.

[36] . Hán: Bình đẳng giải thoát 平 等 解 脫. Pāli: Sammadaññā vimutto, bằng chánh trí mà giải thoát, chánh trí.

[37] . Pāli: Nandī dukkhassa mūlan’ti– iti viditvā‘bhavā jāti bhūtassa jarāmaraṇan’ti, vì biết rằng, hỷ ái là gốc rễ của khổ; do hữu có sinh; và có già, chết đối với sinh vật.

[38] . Pāli: Na te bhikkhū… abhinandunti, các Tỳ - kheo không hoan hỷ. No 26(106): Các Tỳ - kheo hoan hỷ.

[39] . Chủng tánh nhân 種 性 人, đoạn dưới: Hướng chủng tánh nhân 向 種 性 人, thấp dưới hướng Tu - đà - hoàn.

[40] . Nguyên Hán: Ý giải 意 解.

[41] . Hán: Thập nhị khiên liên 十 二 牽 連.

[42] . Pāli, A. ix. 10. Ahyneyya.

[43] . Hán: (hướng) Chủng tánh nhân 向 種 性 人. Pāli: Gotrabhūm giai đoạn chuyển chủng tánh, tương đương với phàm phu (puthujjana, A. ix. 9), từ phàm phu bước vào Thánh đạo; giai đoạn hiện quán Thánh đế, đủ năng lực để thành bậc Hữu học, trong sát - na vô gián sẽ trở thành vị hướng Tu - đà - hoàn. (Sớ giải Pāli: sotāpattimaggassa anantarapaccayena sikhāpattabalavavipassanācittena samannāgato).

[44] . Nguyên Hán âm: Mãn - hô 滿呼. Hán chép nhầm, cần sửa lại. Pāli tương đương: Uposatha( - kumūra), chuyện kể trong Jātaka iv. 133. Xem kinh số 4, phẩm 50.

[45] . Chu - lợi Bàn - đặc 朱利槃特. Xem kinh số 12, phẩm 12. Pāli: Cūḷapanthaka.

[46] . Lô - ca - diên 盧迦延. Pāli, chưa rõ.

[47] . Nguyên Hán: Vị 味 ; nên hiểu là văn cú hay âm vận. Ở đây, sau khi nghe văn cú của người kia rồi mới nhận biết. Xem cht. dưới.

[48] . Hán: Tri nghĩa, tri vị 知義知味: “theo nghĩa và văn mà biết”. Pāli: atthato byañjanato.

[49] . Tư duy thần túc 思惟神足 (Pāli: vīmaṃsā - iddhipāda); một trong bốn thần túc (Pāli: Cattāro iddhipādà).

[50] . Nguyên Hán: Tam - phật 三佛?, phiên âm từ sambuddha. Xem kinh số 4 phẩm 18.

[51] . Bán phạm hạnh chi nhân 半梵行之人. Cf. No 99(1238). Pāli: upaḍḍhamidaṃ, bhante, brahmacariyassa– yadidaṃ kalyāṇamittatā (…), “Bạch Thế Tôn, một nửa đời sống phạm hạnh này là thiện hữu.”

[52] . Đề - hòa - kiệt - la 提和竭羅, phiên âm của từ Dīpaṃkāra, tứ dịch nghĩa Đăng Quang 燈光 ở trên. Cũng dịch là Nhiên Đăng, Đính Quang.

[53] . Hán: Phi vị thực 非為食. Thức ăn, đây chỉ các hưởng thụ vật chất.

[54] . Pāli: A.ix. 24 Sattāvasa.

[55] . Cửu chúng sinh cư 九眾生居處. Xem kinh số 1, phẩm 44. Pāli: nava sattāvāsā.

[56] . Màu sắc, đây chỉ các sắc dân.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]