TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 45: MÃ VƯƠNG

KINH SỐ 1[1]

Nghe như vậy:

Một thời Phật trú tại vườn Trúc Ca - lan - đà, thành Laduyệt, cùng chúng năm trăm đại Tỳ - kheo. Lúc bấy giờ trong thành ấy có một người Bà - la - môn tên là Ma - hêđề - lợi, rất thông suốt các kinh thuật của ngoại đạo. Thiên văn, địa lý, không thứ gì là không thành thạo. Những gì là phép tắc ứng đối trong đời, ông thảy đều thông suốt. Bà - la - môn này có một người con gái tên là Ý Ái, cực kỳ thông minh, nhan sắc xinh đẹp hiếm có trên đời.

Bấy giờ, người Bà - la - môn này suy nghĩ như vầy: “Trong kinh điển Bà - la - môn có nói rằng, có hai hạng người xuất hiện ở đời, rất là khó gặp. Hai hạng người ấy là ai? Đó là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác và Chuyển luân thánh vương. Khi Chuyển luân thánh vương xuất hiện ở đời, bấy giờ bảy báu vật tự nhiên hưởng ứng. Ta nay có nữ báu này, nhan sắc xinh đẹp lạ lùng, là bậc nhất trong các ngọc nữ. Nhưng nay không có Chuyển luân thánh vương. Ta nghe nói con trai của Chân Tịnh vương tên là Tất - đạt có ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân và tám mươi vẻ đẹp, đã xuất gia học đạo. Nếu người ấy sống tại gia chắc chắn sẽ là Chuyển luân thánh vương. Nếu xuất gia học đạo, chắc chắn thành Phật. Nay ta hãy đem con gái này đến cho Sa - môn ấy.

Rồi người Bà - la - môn dẫn cô gái đến chỗ Thế Tôn.

Trước mặt Thế Tôn, ông thưa rằng:

–Mong Sa - môn hãy nhận ngọc nữ này.

Bấy giờ Phật bảo người Bà - la - môn:

–Thôi, thôi, Phạm chí! Ta không cần đến con người dính trước dục vọng này.

Người Bà - la - môn ba lần thưa với Phật:

–Hãy nhận ngọc nữ này. So sánh cả thế gian, không ai bằng đứa con gái này.

Phật bảo Bà - la - môn:

–Ta đã thọ nhận ý của ông. Nhưng Ta đã xả bỏ gia đình, không còn quen thói dục vọng nữa.

Khi ấy có một vị Tỳ - kheo trưởng lão đứng sau Như Lai, đang cầm quạt quạt Phật. Trước lão này liền bạch Như Lai:

–Bạch Thế Tôn, cúi mong Như Lai thọ nhận cô gái này. Nếu Như Lai không cần đến, hãy cho con để sai khiến.

Thế Tôn bèn bảo Trưởng lão này:

–Ngươi thật là ngu hoặc, mới dám trước mặt Như Lai thốt ra lời nói xấu xa ấy. Sao ngươi lại để cho tâm ý bị buộc chặt vào cô gái này? Phàm là nữ nhân, đều có chín pháp ác. Chín pháp đó là gì?

1. Người nữ vốn xú uế, bất tịnh.

2. Người nữ hay ác khẩu.

3. Người nữ không biết trả ơn.

4. Người nữ hay ganh tỵ.

5. Người nữ hay keo kiệt.

6. Người nữ hay ưa đi chơi.

7. Người nữ có nhiều sân hận.

8. Người nữ nói dối nhiều.

9. Người nữ hay nói lời thiếu suy nghĩ.

Này các Tỳ - kheo, người nữ có chín pháp là các hành xấu xa như vậy.

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

Thường vui cười, khóc lóc
Vẻ thân mà không thân
Hãy tìm phương tiện khác
Các ông chớ loạn niệm.

Tỳ - kheo Trưởng lão bạch Phật:

–Mặc dù người nữ có chín pháp xấu xa ấy, nhưng ở đây con quán sát cô gái này, không thấy có tỳ vết gì.

Phật bảo Tỳ - kheo:

–Ngươi, kẻ ngu si này, không tin điều được nói bởi chính thần khẩu của Như Lai sao? Nay Ta sẽ nói cho ngươi biết:

Trong quá khứ lâu xa, trong thành Ba - la - nại có một người lái buôn tên là Phổ Phú. Ông dẫn năm trăm khách buôn đi vào biển tìm châu báu. Thế nhưng bên cạnh biển lớn kia có nơi vốn là trú xứ của La - sát hay ăn thịt người.

Khi ấy bỗng nhiên nổi gió, thổi thuyền của họ đến bộ La - sát kia. Các La - sát thấy bọn khách buôn đến thì vui mừng khôn kể. Chúng ẩn hình La - sát, biến thành người nữ, xinh đẹp không thể sánh, rồi nói với các khách buôn: “Chào mừng các bạn đến đây. Bến bảo vật này không khác gì Thiên cung kia, có nhiều trân bảo đến hàng trăm ngàn trăm loại; có đủ các thứ đồ ăn thức uống; lại có các cô gái xinh đẹp thảy đều chưa chồng. Các bạn hãy ở đây vui thú với chúng tôi.”

Tỳ - kheo nên biết, trong bọn khách buôn kia những kẻ ngu hoặc khi thấy các cô gái liền móng tâm say đắm. Thương chủ Phổ Phú liền suy nghĩ như vầy: “Trong biển lớn này là chỗ ở của loài phi nhân, làm sao có các cô gái này ở đó? Đấy nhất định là La - sát, không nghi ngờ gì nữa.” Rồi vị thương chủ bảo cô gái ấy: “Thôi đủ rồi, các cô em! Chúng tôi không tham nữ sắc.”

Thời bấy giờ vào các ngày thứ tám, thứ mười bốn và mười lăm mỗi nửa tháng, Mã vương bay vòng trong hư không nói lời răn dạy này: “Ai muốn vượt qua hiểm nạn của biển lớn, ta sẽ chở qua.” Trong khi ấy vị thương chủ kia leo lên cây cao trông thấy Mã vương ở đằng xa, nghe tiếng dội của âm thanh, hoan hỷ phấn khởi khôn xiết. Ông đi đến chỗ Mã vương, nói rằng: “Chúng tôi gồm có năm trăm khách buôn bị gió thổi đến chỗ cực kỳ hiểm nạn này. Chúng tôi muốn vượt qua biển. Xin ngài giúp vượt qua.” Mã vương bảo các khách buôn: “Các ông hãy lại hết đây. Tôi sẽ mang các ông đến bờ biển.” Thương chủ Phổ Phú bèn bảo các khách buôn: “Mã vương đang ở gần đây. Chúng ta tất cả hãy đến chỗ đó để cùng vượt qua hiểm nạn của biển.” Bọn khách buôn nói: “Thôi, thôi, ông chủ. Chúng ta tốt hơn nên ở lại đây mà cùng hưởng vui thú. Sở dĩ ở tại Diêm - phù - đề phải cần lao khổ nhọc nên chúng ta đi tìm chỗ sung sướng. Chốn này có đủ bảo vật trân kỳ, cùng ngọc nữ xinh đẹp. Nên ở lại đây mà hưởng thụ năm thứ dục lạc. Những ngày tiếp theo, chúng ta thâu thập tài bảo hàng hóa dần dần rồi sẽ cùng nhau vượt qua hiểm nạn này.” Vị đại thương chủ nói với mọi người: “Thôi đủ rồi, các người ngu si. Ở đây không có nữ nhân đâu. Trong biển cả làm gì có chỗ ở của loài người.” Bọn khách buôn nói: “Hãy thôi đi, ông chủ. Chúng tôi không thể bỏ chỗ này mà đi được.”

Bấy giờ Thương chủ Phổ Phú bèn nói bài kệ rằng:

Chúng ta gặp chốn hiểm
Chớ tưởng nam hay nữ
Đó là bọn La - sát
Sẽ ăn dẫn chúng ta.

Nếu các bạn không đi theo tôi, các bạn hãy bảo bọc lấy nhau. Nếu tôi có điều gì xúc phạm do bởi thân, miệng, ý, mong các bạn bỏ qua cho, chớ để trong lòng. Các khách buôn khi ấy cũng nói bài kệ để chia tay:

Chúng tôi gởi lời thăm
Bà con tại Diêm - phù
Nay vui thú chốn này
Chưa rõ ngày về quê.

Vị thương chủ đáp lại bằng bài kệ:

Các bạn đang lâm nạn
Mê hoặc, không chịu về
Như vầy, không bao lâu
Bị quỷ ăn thịt hết.

Nói kệ xong, ông bỏ đi. Đến chỗ Mã vương, ông cúi đầu lạy dưới chân, rồi cưỡi đi. Bọn người kia sau khi từ xa thấy thương chủ đã cưỡi Mã vương đi rồi, trong số đó hoặc có người kêu réo, hoặc có người lớn tiếng hờn trách. Trong khi ấy, chúa tể đại La - sát nói với các La - sát bằng bài kệ này:

Đã rơi miệng sư tử
Thoát ra thật quá khó
Huống gì vào bãi ta
Muốn ra, thật quá khó.

Bấy giờ, chúa tể La - sát hóa làm một người con gái cực kỳ xinh đẹp, rồi lấy hai tay chỉ vào bụng mà nói: “Nếu ta chẳng ăn thịt ngươi thì ta rốt lại không làm Lasát.”

Trong lúc đó, Mã vương chở thương chủ vượt qua bờ biển bên kia; năm trăm khách buôn còn lại thảy đều bị khốn hết.

Lúc bấy giờ, vua Phạm - ma - đạt đang cai trị nhân dân trong thành Ba - la - nại. Khi ấy có La - sát đuổi theo sau vị đại thương chủ, nói rằng: “Chao ôi, ta mất chồng rồi.”

Khi thương chủ về đến nhà, La - sát hóa hình ẵm một bé trai, đi đến trước vua Phạm - ma - đạt tâu rằng: “Thế gian có điều hết sức tai quái, xin hãy trừ diệt cho sạch.”

Vua hỏi: “Thế gian có điều tai quái gì mà phải diệt cho sạch?”

La - sát tâu: “Tôi bị chồng bỏ, mà chẳng có lỗi gì với chồng cả.”

Phạm - ma - đạt thấy cô gái này cực kỳ xinh đẹp lạ thường, liền nổi tâm niệm say đắm. Ông bảo người nữ: “Chồng của cô là người không có nghĩa nên mới bỏ cô mà đi.”

Rồi Phạm - ma - đạt khiến người đi gọi người chồng đến, hỏi rằng: “Có thật ngươi bỏ người vợ xinh đẹp này không?”

Thương chủ đáp: “Đó là La - sát chứ không phải người nữ.”

Nữ La - sát lại tâu vua: “Người này không có đạo nghĩa làm chồng. Nay đã bỏ tôi, lại mắng chửi tôi là Lasát.”

Vua hỏi: “Nếu ngươi thật sự không cần dùng, ta sẽ thâu nhận.”

Thương chủ tâu: “Nó là La - sát. Tùy Thánh ý của vua.”

Bấy giờ Phạm - ma - đạt liền mang cô gái này để trong thâm cung, thỉnh thoảng tiếp nạp, không để cho giận hờn. Sau đó, phi nhân La - sát bắt vua mà ăn thịt, chỉ chừa lại xương, rồi bỏ đi.

Tỳ - kheo, chớ nghĩ là ai khác lạ. Thương chủ lúc đó là Tỳ - kheo Xá - lợi - phất bây giờ. La - sát lúc đó nay là Tỳ - kheo Trưởng lão vậy. Mã vương kia, nay chính là Ta. Năm trăm khách buôn lúc bấy giờ, nay là năm trăm Tỳ - kheo. Bằng phương tiện này mà biết rằng, dục là vọng tưởng bất tịnh. Vậy mà ông còn khởi lên ý tưởng say đắm sao?

Bấy giờ Tỳ - kheo ấy liền lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, cúi xin nhận sự sám hối và tha thứ lỗi lầm nghiêm trọng này của con. Từ nay trở đi, con không còn dám tái phạm.

Tỳ - kheo này sau khi nhận lời răn dạy của Như Lai bèn một mình ở tại chỗ nhàn tĩnh khắc kỷ tu tập. Sở dĩ thiện nam siêng năng tu hành là muốn đạt được Phạm hạnh vô thượng. Bấy giờ Tỳ - kheo ấy thành A - la - hán.

Bấy giờ, các Tỳ - kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2[2]

Nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Thích - kiều[3], trong vườn trái cây Ám - bà - lê[4], cùng với chúng đại Tỳ - kheo năm trăm vị.

Bấy giờ, Tôn giả Xá - lợi - phất, Tôn giả Mục - kiềnliên, sau khi tọa hạ ở đó, dẫn năm trăm Tỳ - kheo đi du hóa trong nhân gian; lần hồi đi đến trong một ngôi làng của Thích - kiều.*.

Khi ấy các Tỳ - kheo mới đến và các Tỳ - kheo đã trú ở đó cùng bàn luận, cùng thăm hỏi nhau, cao giọng lớn tiếng. Thế Tôn nghe các Tỳ - kheo cao giọng lớn tiếng, bèn hỏi A - nan:

–Trong khu vườn này, tiếng của ai mà vang lớn thế?

Giống như tiếng cây, đá gãy, vỡ.

A - nan bạch Phật:

–Nay Xá - lợi - phất và Mục - kiền - liên dẫn năm trăm Tỳ - kheo đến đây. Các Tỳ - kheo mới đến và các Tỳ - kheo cũ ở đây chào hỏi nhau nên có tiếng ồn ấy.

Phật bảo A - nan:

–Ông hãy đuổi Tỳ - kheo Xá - lợi - phất và Mục - kiềnliên đi chỗ khác ngay. Chớ có trú ở đó.

A - nan vâng lời Phật dạy, đi đến chỗ Xá - lợi - phất và Mục - kiền - liên, bảo họ rằng:

–Thế Tôn có dạy, các Thầy hãy mau rời khỏi đây, chớ có trú nơi này.

Xá - lợi - phất đáp:

–Thưa vâng! Kính vâng lời dạy.

Rồi Xá - lới - phất và Mục - kiền - liên tức thì rời khỏi khu vườn ấy, dẫn năm trăm Tỳ - kheo bước lên đường mà đi.

Lúc bấy giờ những người họ Thích nghe Xá - lợi - phất và Mục - kiền - liên bị Phật đuổi, liền đi đến chỗ Tỳ - kheo Xá - lợi - phất và Mục - kiền - liên, cúi đầu lạy dưới chân và bạch Xá - lợi - phất rằng:

–Các Hiền giả, nay muốn đi đâu?

Xá - lợi - phất đáp:

–Chúng tôi bị Như Lai đuổi, đang đi tìm chỗ an nghỉ. Những người họ Thích bạch Xá - lợi - phất:

–Thưa các Hiền giả, các ngài hãy chờ đây một lát. Chúng tôi sẽ đến sám hối với Như Lai.

Rồi những người họ Thích đi đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân Phật, rồi bạch Phật rằng:

–Cúi xin Thế Tôn tha thứ lỗi lầm cho các Tỳ - kheo ở xa đến. Cúi xin Thế Tôn tùy thời thích hợp răn dạy những vị mới học đạo trong số các Tỳ - kheo từ xa đến ấy. Những người mới vào trong Chánh pháp chưa được nhìn thấy Tôn nhan dễ sinh tâm biến đổi thoái thất. Giống như chồi non mà không được tưới nhuần thì không thể phát triển. Các Tỳ - kheo này cũng vậy. Họ chưa được nhìn thấy Như Lai mà phải bỏ đi, e rằng tâm sẽ bị biến đổi thoái thất.

Khi ấy Phạm Thiên vương biết được những điều suy nghĩ trong tâm của Như Lai, trong khoảng khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cõi Phạm thiên, hiện đến chỗ Như Lai, cúi lạy dưới chân rồi đứng sang một bên. Bấy giờ Phạm Thiên vương bạch Phật rằng:

–Cúi xin Thế Tôn tha thứ những lỗi lầm mà các Tỳ - kheo xa đến đã gây ra, tùy thời thích hợp mà răn dạy. Trong số đó hoặc có vị chưa đạt đến cứu cánh, sẽ sinh tâm biến đổi thoái thất. Những ai chưa được nhìn thấy dung mạo của Như Lai, tâm ý bị biến đổi, họ sẽ quay trở về nghiệp cũ. Cũng như con nghé mới sinh mà mất mẹ, nó buồn rầu, bỏ ăn. Ở đây cũng vậy, nếu Tỳ - kheo mới học mà không được nhìn thấy Như Lai, chắc sẽ rời bỏ chánh pháp này.

Bấy giờ Thế Tôn nhận lời can gián của những người họ Thích và thí dụ nghé con của Phạm Thiên vương. Rồi Thế Tôn quay liếc nhìn A - nan, A - nan nghĩ rằng: “Như Lai đã chấp nhận lời can gián của mọi người và của Phạm Thiên vương.” A - nan bèn vội đi đến chỗ Xá - lợiphất và Mục - kiền - liên mà nói như vầy: “Như Lai muốn gặp chúng Tăng. Trời và người thảy đều bày tỏ nghĩa lý này.”

Xá - lợi - phất bảo các Tỳ - kheo:

–Các thầy hãy thâu thập y, bát. Chúng ta cùng đi đến chỗ Thế Tôn. Bởi vì Như Lai đã chấp nhận cho chúng ta sám hối.

Rồi Xá - lợi - phất và Mục - kiền - liên dẫn năm trăm Tỳ - kheo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên.

Đức Phật hỏi Xá - lợi - phất:

–Ta vừa rồi đuổi Tăng Tỳ - kheo đi. Ý ông nghĩ sao?

Xá - lợi - phất đáp:

–Vừa rồi Như Lai đuổi chúng Tăng đi, con suy nghĩ như vầy: “Như Lai ưa sống nơi chỗ nhàn tĩnh, một mình, vô vi, không ưa chỗ ồn ào. Do đó mà đuổi chúng Tăng đi vậy.”

Phật bảo Xá - lợi - phất:

–Sau đó ông suy nghĩ gì? Khi ấy Thánh chúng sẽ do ai dắt dẫn?

Xá - lợi - phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, khi ấy con lại suy nghĩ: “Ta cũng nên sống một mình nơi chỗ nhàn tĩnh, không ở giữa chốn ồn ào.”

Phật bảo Xá - lợi - phất:

–Chớ nói như vậy. Chớ có ý nghĩ như vậy, rằng: “Ta cũng nên sống một mình nơi chỗ nhàn tĩnh.” Như nay, người dắt dẫn chúng Tăng há không phải là Tỳ - kheo Xálợi - phất và Mục - kiền - liên chăng?

Thế Tôn lại hỏi Đại Mục - kiền - liên:

–Khi Ta đuổi chúng Tăng đi, ông suy nghĩ gì?

Mục - kiền - liên bạch Phật:

–Khi Như Lai đuổi chúng Tăng, con suy nghĩ như vầy: “Như Lai “muốn được sống một mình, vô vi, nên đuổi chúng Tăng đi vậy.

Phật bảo Mục - kiền - liên:

–Sau đó ông lại có ý nghĩ gì?

Mục - kiền - liên bạch Phật:

–Nay Như Lai đuổi chúng Tăng đi, chúng con cần phải nhóm họp trở lại, không để cho tan rã.

Phật bảo Mục - kiền - liên:

–Lành thay, Mục - liên! Như lời ông nói, dắt dẫn trong chúng chỉ có ta và hai ông. Từ nay về sau, Mụcliên, ông nên dạy dỗ các Tỳ - kheo hậu học khiến cho thường sống nơi chốn an ổn, không để cho nửa chừng bị thoái tâm, đọa lạc sinh tử.

Tỳ - kheo nào thành tựu chín pháp sẽ không thể phát triển lớn lên ngay trong hiện pháp. Những gì là chín? Thân cận tùng sự với ác tri thức; không sự việc mà hằng ưa đi rong; thường xuyên ôm bệnh lâu dài; ham thích cất chứa tài vật, tham đắm y bát; phần nhiều trống rỗng, hư dối; ý loạn không định; không có sự sáng suốt của tuệ; không hiểu rõ nghĩa lý; không tùy thời thích hợp sám hối. Này Mục - kiền - liên, đó là chín pháp mà Tỳ - kheo nào thành tựu thì trong hiện pháp không thể tăng trưởng lớn mạnh, không được thấm nhuần.

Có chín pháp mà Tỳ - kheo nào thành tựu thì có thể hoàn tất những điều cần làm. Những gì là chín? Tùng sự với Thiện tri thức; tu hành chánh pháp, không dính mắc nghiệp tà; hằng sống nơi chốn đơn độc, không ưa thích chỗ đông người; ít bệnh, không hoạn; không cất chứa các thứ tài bảo, cũng không tham đắm y bát; cần hành tinh tấn; tâm không loạn động; nghe nghĩa lý liền hiểu rõ không cần phải nhắc lại; tùy thời thích hợp nghe pháp mà không biết chán. Này Mục - kiền - liên, đó là chín pháp mà Tỳ - kheo nào thành tựu thì ngay trong hiện pháp được nhiều lợi ích. Cho nên, Mục - kiền - liên, hãy nhớ chuyên cần đi đến dạy dỗ các Tỳ - kheo, khiến họ trong lâu dài đạt đến chỗ vô vi.

Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:

Thường niệm tự giác ngộ
Chớ đắm nhiễm phi pháp
Tu tập phải chánh hành
Vượt được nạn sinh tử.
Làm vậy, mà được vậy
Làm điều này, phước này
Chúng sinh trôi nổi lâu
Đoạn trừ già, bệnh, chết;
Không tập điều cần là
Rồi lại hành phi pháp
Người buông lung như vậy
Tác thành hành hữu lậu.
Nếu có tâm tinh cần
Hằng ở tại đầu tâm
Lần lượt dạy bảo nhau
Sẽ thành bậc Vô lậu.

Cho nên, này Mục - kiền - liên, hãy cùng răn dạy các Tỳ - kheo như vậy; hãy nhớ nghĩ học như vậy.

Rồi Thế Tôn nói pháp cực kỳ vi diệu cho các Tỳ - kheo, khiến họ phát tâm hoan hỷ.

Lúc bấy giờ, các Tỳ - kheo sau khi nghe pháp này, trong chúng đó có hơn sáu mươi Tỳ - kheo được lậu tận, tâm giải thoát.

Các Tỳ - kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3

Nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá - vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ - kheo:

–Nếu có Tỳ - kheo sống nương tựa thôn xóm mà pháp thiện tiêu diệt, pháp ác cứ tăng trưởng; Tỳ - kheo ấy nên học như vầy: “Ta nay sống nơi thôn xóm mà pháp ác cứ tăng, pháp thiện giảm dần, niệm không chuyên nhất, không thể dứt sạch các lậu, không đạt đến nơi chốn vô vi an ổn. Những gì mà ta có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới thu hoạch được.” Rồi Tỳ - kheo ấy nên học như vầy: “Ta nay sống trong thôn xóm này, mà pháp ác cứ tăng, pháp thiện thì tiêu diệt. Ta cũng không phải vì áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh mà làm Samôn. Điều mà ta mong cầu ước nguyện nay vẫn chưa có kết quả.” Tỳ - kheo ấy nên rời bỏ thôn xóm ấy mà đi. Lại nữa, hoặc có Tỳ - kheo sống nương nơi thôn xóm, mà pháp thiện tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt. Những gì có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới có, Tỳ - kheo ấy nên học như vầy: “Ta nay nương nơi thôn xóm này mà sống, thiện pháp tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt. Những gì có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới có. Nhưng ta không vì áo chăn mà xuất gia học đạo, tu tập phạm hạnh. Điều mà ta mong cầu ước nguyện bởi học đạo ắt sẽ thành tựu. Ta hãy trọn đời thừa sự, cúng dường pháp ấy.

Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:

Áo chăn và ẩm thực
Giường chõng và chỗ nghỉ
Chớ móng tâm tham đắm
Chớ trở lại đời này.
Không phải vì cơm áo
Mà xuất gia học đạo
Người sở dĩ học đạo
Tất đạt thành sở nguyện.
Tỳ - kheo nên thích thời
Suốt đời sống thôn kia
Ở đó Bát - niết - bàn
Dứt sạch gốc rễ mạng.

Ở đây, Tỳ - kheo kia hoặc sống giữa nhân gian, thôn xóm nhàn tĩnh, mà pháp thiện tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt, Tỳ - kheo ấy nên suốt đời sống tại thôn xóm đó, không nên rời bỏ đi xa.

Khi ấy, A - nan bạch Thế Tôn rằng:

–Như Lai há không thường nói, bốn đại nương nơi thức ăn mà tồn tại và y nơi pháp được niệm tưởng trong tâm, các pháp thiện y tâm mà sinh. Vả lại, Tỳ - kheo kia y thôn xóm mà sống, với tinh thần khổ nhọc mới tìm cầu được y phục, thức ăn; vị ấy vì sao pháp thiện phát sinh thì sống ở nơi thôn xóm đó, chớ nên bỏ đi xa?

Phật bảo A - nan:

–Áo chăn, cơm nước, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men, đều có ba loại. Nếu Tỳ - kheo chuyên niệm sự cúng dường bốn nhu yếu[5], mà sở cầu không toại; thì sự y tựa ấy là khổ. Nếu phát khởi tâm tri túc, không móng tâm tham đắm, chư Thiên và loài người thảy đều hoan hỷ. Các Tỳ - kheo hãy học điều này. Ta vì lý do đó mà nói ý nghĩa này.

Cho nên, này A - nan, Tỳ - kheo hãy chuyên niệm thiểu dục, tri túc.

Như vậy, A - nan nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Bà - la[6].

Bấy giờ, đến giờ, Đức Thế Tôn khoác y, cầm bát, vào thôn Bà - la khất thực. Khi ấy ác ma Ba - tuần suy nghĩ như vầy: “Nay Sa - môn này muốn vào thôn khất thực. Ta hãy tìm cách khiến đàn ông, đàn bà không bố thí cho.” Rồi ác ma Ba - tuần bảo nhân dân khắp trong nước chớ bố thí đồ ăn cho Sa - môn Cù - đàm.

Khi Thế Tôn vào thôn khất thực, mọi người đều không nói năng gì với Như Lai, cũng không thừa sự cúng dường. Như Lai khất thực xong mà không nhận được gì, bèn trở ra khỏi thôn. Lúc bấy giờ ác ma Ba - tuần đến chỗ Như Lai, hỏi Phật:

–Sa - môn, khất thực xong, có được gì không?

Thế Tôn đáp:

–Do hành vi của ma mà ta không nhận được thức ăn. Rồi không bao lâu ngươi cũng sẽ nhận lãnh quả báo này. Này ma, nay hãy nghe Ta nói.

Trong Hiền kiếp, có Phật hiệu là Câu - lâu - tôn Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành,

Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật Chúng Hựu, xuất hiện ở đời.[7] Lúc bấy giờ Đức Phật ấy cũng nương nơi thôn xóm này mà trú ngụ, dẫn theo đồ chúng bốn mươi vạn người. Bấy giờ ác ma Ba - tuần suy nghĩ như vầy: “Ta nay hãy khuyến cáo mọi người trong thôn Bà - la đừng cho Sa - môn này đồ ăn. Khi các Thánh chúng khoác y, cầm bát vào thôn khất thực, nhưng các Tỳ - kheo cuối cũng không nhận được gì, bèn trở ra khỏi thôn.

Lúc bấy giờ, Đức Phật kia nói với các Tỳ - kheo pháp vi diệu này: “Phàm có chín điều để quán sát thức ăn. Bốn loại thức ăn của nhân gian và năm loại thức ăn xuất thế gian. Bốn loại thức ăn của nhân gian là gì? Một là đoàn thức; hai là xúc thực; ba là niệm thực; bốn là thức thực. Đó là bốn loại thức ăn của thế gian. Năm loại thức ăn xuất thế gian là gì?

1. Thức ăn bởi thiền.

2. Thức ăn bởi nguyện.

3. Thức ăn bởi niệm.

4. Thức ăn bởi tám giải thoát.

5. Thức ăn bởi hỷ.

Đó là năm loại thức ăn biểu hiện cho thức ăn xuất thế gian. Các ông hãy chuyên niệm xả bỏ bốn loại thức ăn, tìm cầu phương tiện có được năm loại thức ăn. Như vậy, Tỳ - kheo, hãy học điều này.” Các Tỳ - kheo lúc bấy giờ thọ nhận lời dạy của Đức Phật kia, tự mình khắc kỹ để hoàn thành có năm loại thức ăn. Vì vậy, ma Ba - tuần không thừa cơ hội được. Ba - tuần bèn nghĩ: “Ta nay đã không lung lạc được Sa - môn này. Ta hãy tìm cơ hội nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ta hãy khuyến khích mọi người trong thôn khiến cho chúng Sa - môn nhận được các thứ lợi lộc trước đó chưa hề được; các lợi lộc đã được càng tăng thêm, cho đến mức khiến lòng tham lợi dưỡng của các Tỳ - kheo kia không thể xả bỏ trong chốc lát. Rồi ta sẽ thừa cơ hội từ nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, được chăng?”

Bấy giờ, các Thanh văn của Đức Phật kia, đến giờ, khoác y, cầm bát vào thôn khất thực. Khi ấy nhân dân trong thôn Bà - la[8] kia cung cấp Tỳ - kheo các thứ áo chăn, cơm nước, giường chõng và ngọa cụ, thuốc men, không để cho thiếu thốn. Mọi người đến trước, nắm y Tăng - già - lê, ép phải nhận các vật bố thí.

Đức Phật kia lúc bấy giờ nói pháp này cho chúng Thanh văn: “Phàm lợi dưỡng khiến người rơi xuống nẻo xấu, không khiến cho đạt đến chỗ an ổn vô vi. Tỳ - kheo các ông chớ móng khởi ý tưởng tham đắm. Hãy chuyên niệm xả ly các thứ lợi dưỡng. Nếu Tỳ - kheo tham đắm lợi dưỡng sẽ không thể thành tựu năm phần Pháp thân, không đầy đủ giới đức. Cho nên, này Tỳ - kheo, tâm lợi dưỡng chưa sinh thì khiến cho đừng sinh. Tâm lợi dưỡng đã sinh thì hãy nhanh chóng trừ diệt. Như vậy, Tỳ - kheo, hãy học điều này.”

Lúc bấy giờ ma Ba - tuần bèn ẩn hình mà đi mất.

Bấy giờ, các Tỳ - kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5

Nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Xá - vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ - kheo:

–Hãy hành tâm Từ; trải rộng tâm Từ. Do hành tâm Từ, những gì là tâm sân hận thù nghịch tự chúng sẽ tiêu trừ. Vì sao? Tỳ - kheo nên biết, xưa có mọt con quỷ cực kỳ xấu xa hung bạo. Nó đến ngồi trên tòa của Thích Đề - hoàn Nhân. Lúc bấy giờ các trời Tam thập tam vô cùng tức giận, rằng: “Con quỷ này sao dám đến ngồi trên chỗ ngồi của Chúa chúng ta?” Khi chư Thiên vừa khởi tâm sân hận, con quỷ kia liền trở thành có dung mạo đẹp đẽ dị thường. Lúc đó, Thích Đề - hoàn Nhân cùng với các ngọc nữ đang vui đùa tại giảng đường Phổ tập. Bấy giờ có một Thiên tử đi đến chỗ Thích Đề - hoàn Nhân, tâu với Đế Thích rằng: “Cù - dực nên biết, nay có một con quỷ đang ngồi trên tôn tòa. Chư Thiên Tam thập tam thảy đều tức giận. Khi chư Thiên vừa khởi tâm sân hận, con quỷ ấy bỗng trở nên có dung mạo đẹp đẽ khác thường.” Thích Đề - hoàn Nhân liền nghĩ: “Con quỷ này tất phải là quỷ thần diệu.” Rồi Thích Đề - hoàn Nhân đi đến chỗ con quỷ kia, cách nhau không xa, cùng xưng tên họ: “Ta là Thích Đề - hoàn Nhân, chúa của chư Thiên.” Khi Thích Đề - hoàn Nhân tự xưng danh tánh, con quỷ kia liền trở thành có dung mạo xấu xí, dễ ghét. Con quỷ đó tức thì biến mất. Tỳ - kheo, do phương tiện này mà biết, ai hành Từ tâm không rời, thì đức của người ấy là như vậy.

Lại nữa, Tỳ - kheo, ngày xưa Ta trong bảy năm hằng tu Từ tâm, trải qua bảy kiếp thành, kiếp hoại không qua lại sinh tử. Khi kiếp sắp hoại, sinh lên trời Quang âm. Khi kiếp sắp thành, sinh lên trời Vô tưởng. Hoặc làm Phạm thiên thống lãnh chư Thiên, thống lãnh mười ngàn thế giới. Lại có khi ba mươi bảy lần làm Thích Đề - hoàn Nhân. Lại vô số lần làm Chuyển luân thánh vương. Do phương tiện này mà biết rằng, ai hành Từ tâm, đức của người ấy là như vậy.

Lại nữa, ai hành Từ tâm, khi thân hoại mạng chung, sinh lên cõi trời, rời xa ba ác đạo, tránh khỏi tám nạn.

Lại nữa, ai hành Từ tâm thì sinh vào nước trung chánh.

Lại nữa, ai hành Từ tâm, có dung mạo xinh đẹp, các căn không khuyết, hình thể toàn vẹn.

Lại nữa, ai hành Từ tâm, tự thân được thấy Như Lai, thừa sự chư Phật, không thích sống tại gia, muốn được xuất gia học đạo, khoác ba pháp y, cạo bỏ râu tóc, tu hành pháp Sa - môn, tu Phạm hạnh vô thượng.

Tỳ - kheo nên biết, cũng như kim cang mà người lấy ăn, trọn không bao giờ tiêu hóa mà phải xổ ra. Người hành Từ tâm cũng vậy. Nếu Như Lai xuất thế, người đó sẽ hành đạo, tu phạm hạnh vô thượng. cho đến, biết như thật rằng: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không cần còn tái sinh đời sau.” Lúc bấy giờ Tôn giả A - nan bạch Phật rằng:

–Thế Tôn, giả sử khi Như Lai không xuất thế, mà thiện nam kia không thích sống tại gia, sẽ phải quy hướng về đâu?

Phật bảo A - nan:

–Nếu khi Như Lai không xuất thế, mà thiện nam kia không thích sống tại gia, tự mình cạo bỏ râu tóc, sống chỗ nhàn tĩnh, tự khắc kỷ tu tập, tức ngay ở nơi đó mà các lậu diệt tận, thành vô lậu hành.

A - nan bạch Phật:

–Thế Tôn, người tự mình tu Phạm hạnh, hành theo ba thừa kia sẽ quy hướng về đâu?

Phật bảo A - nan:

–Như điều ông nói, Ta thường thuyết hành của ba thừa. Chư Phật trong ba đời, quá khứ và vị lai, cũng thuyết hành của ba thừa.

A - nan nên biết, có một thời, các loài chúng sinh có dung mạo và thọ mạng càng lúc càng giảm thiểu, thân hình gầy yếu, không có uy thần, nhiều sân, nộ, tật đố, nhuế, si, gian ngụy, huyễn hoặc, sở hành không chân chánh. Hoặc có chúng sinh có các căn linh lợi, nhanh nhẹn, chúng tranh giành lẫn nhau, đấu tranh kiện tụng nhau. Hoặc chúng năm tay, hoặc lấy ngói, đá, dao, gậy, tàn hại nhau. Các loài chúng sinh vào lúc bấy giờ khi cầm đến cọng cỏ, cỏ liền biến thành đao kiếm, cắt đứt mạng căn kẻ khác. Trong số đó, chúng sinh nào hành Từ tâm, không có sân nộ, thấy sự biến quái này, trong lòng kinh sợ, thảy cùng nhau bỏ chạy, tránh xa chốn hung ác này. Trong chốn núi non, chúng tự nhiên cạo bỏ râu tóc, khoác ba pháp y, tu phạm hạnh vô thượng, tự mình khắc kỷ tu tập, tâm được giải thoát khỏi các lậu mà nhập cảnh giới vô lậu. Mỗi mỗi nói với nhau rằng: “Chúng ta đã thắng kẻ thù.” A - nan nên biết, những người đó được nói là tối thắng.

A - nan bạch Phật:

–Những vị ấy thuộc vào bộ nào, Thanh văn bộ, Bíchchi - phật bộ hay Phật bộ?

Phật bảo A - nan:

–Những vị ấy cần được nói là thuộc Bích - chi bộ.

Vì sao? Những người ấy đều do tạo các công đức, hành các gốc rễ thiện, tu thanh tịnh bốn Đế, phân biệt các pháp. Phàm hành pháp thiện ở đây là hành Từ tâm vậy. Vì sao? Bước đi nhân ái, hành Từ tâm, đức ấy rộng lớn. Ngày xưa Ta khoác khối giáp nhân từ này mà hàng phục ma và quan thuộc của nó, ngồi dưới gốc thọ vương, thành đạo Vô thượng. Do phương tiện này mà biết Từ là tối đệ nhất; từ là pháp tối thắng. A - nan, nên biết, do đó mà nói ai tối thắng hành Từ tâm, đức của người ấy là như vậy, không thể ước tính. Vậy hãy nên tầm cầu phương tiện hành từ tâm. Như vậy, A - nan, hãy học điều này.

Bấy giờ A nan nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[9]

Nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Xá - vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá - lợi - phất, vào lúc sáng sớm, rời tĩnh thất, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Phật nói với Xá - lợi - phất:

–Ông hôm nay có các căn thanh tịnh, nhan sắc khác người. Ông đang an trú trong Tam - muội nào?

Xá - lợi - phất bạch Phật:

–Kính vâng, bạch Thế Tôn, con hằng an trú Không Tam - muội.

Phật bảo Xá - lợi - phất:

–Lành thay, lành thay, như Xá - lợi - phất mới có thể an trú nơi Không Tam - muội. Vì sao? Trong các Tammuội, Không[10] Tam - muội là tối thượng đệ nhất. Tỳ - kheo an trú Không Tam - muội không chấp trước ngã, nhân, thọ mạng, cũng không thấy có chúng sinh, cũng không thấy có bản mạt của các hành. Do không thấy có, nên không tạo gốc rễ của hành. Do không có hành nên không còn tái sinh đời sau. Do không còn tái sinh đời sau nên không còn thọ nhận quả báo khổ lạc. Xá - lợi - phất nên biết, ngày xưa khi Ta chưa hành đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: Các loài chúng sinh này do không nắm bắt được pháp gì mà phải trôi lăn trong sinh tử, không được giải thoát? Khi ấy, Ta lại nghĩ, vì không có Không Tam - muội nên phải trôi nổi sinh tử, không được giải thoát. Có Không Tam - muội này, nhưng chúng sinh chưa đạt được, khiến chúng sinh khởi tưởng niệm đắm trước. Do khởi tưởng thế gian nên thọ nhận phần sinh tử. Nếu đạt được Không Tam - muội này, không có gì là sở nguyện, do đó đạt được Vô nguyện Tam - muội. Do đạt được Vô nguyện Tam - muội, không mong cầu chết nơi này sinh về nơi kia; hoàn toàn không có tưởng niệm. Bấy giờ hành giả ấy lại đạt được và an trú trong Vô tướng Tam - muội.

Các loài chúng sinh này do không đạt được ba Tammuội này nên trôi nổi sinh tử.

Sau khi quán sát các pháp, liền đắc Không Tam - muội. Sau khi đắc Không Tam - muội, liền thành A - nậuđa - la tam - miệu Tam - bồ - đề. ta lúc bấy giờ do đạt được Không Tam - muội, bảy ngày bảy đêm quán sát cây Đạo thọ, mắt không hề nháy.

Xá - lợi - phất, do phương tiện này mà biết rằng Không Tam - muội là tối đệ nhất trong các Tam - muội. Vua trong các Tam - muội là Không Tam - muội vậy. Cho nên, Xálợi - phất, hãy tìm cầu phương tiện hoàn thành Không Tam - muội. Như vậy, Xá - lợi - phất, hãy học điều này.

Bấy giờ Xá - lợi - phất nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7

Nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại Ca - lan - đà Trúc viên, thành Laduyệt, cùng với chúng đại Tỳ - kheo hai ngàn năm trăm vị.

Lúc bấy giờ trong thành La - duyệt có một trưởng giả tên là Thi - lợi - quật, có nhiều của cải, nhiều bảo vật, vàng, bạc, châu báu, xa cừ, mã não, không sao kể xiết. Nhưng ông lơ là Phật pháp, chỉ phụng sự ngoại đạo là Ni - kiền Tử. Quốc vương, đại thần, thảy đều quen biết ông.

Lúc bấy giờ, các hàng tại gia và xuất gia của ngoại đạo Phạm chí và Ni - kiền Tử, tự nói lời phỉ báng rằng, có ngã và chấp có thân của ngã. Chúng cùng với các nhóm sáu Tôn sư ngoại đạo tập họp tại một nơi, bàn luận như vầy:

–Nay Sa - môn Cù - đàm không việc gì mà không biết. Ông ấy có Nhất thiết trí. Song, chúng ta không được lợi dưỡng, mà Sa - môn ấy lại có nhiều lợi dưỡng. Phải tìm phương tiện khiến cho ông ấy không được lợi dưỡng. Chúng ta hãy đến nhà Thi - lợi - quật, yêu cầu trưởng giả ấy bày kế sách.

Rồi ngoại đạo Phạm chí, Ni - kiền Tử, cùng với sáu Tôn sư, đi đến nhà trưởng giả Thi - lợi - quật, nói với trưởng giả này rằng:

–Đại gia nên biết, ông là người được sinh bởi Phạm thiên, là con của Phạm thiên, có được lợi ích. Nay ông hãy đến chỗ Sa - môn Cù - đàm, vì thương tưởng chúng tôi, thỉnh Sa - môn cùng chúng Tỳ - kheo về nhà để tế tự. Lại sai làm một hầm lửa lớn ở trong nhà, đốt ngọn lửa cực kỳ rực rỡ. Trong các thức ăn đều bỏ thuốc độc rồi mời đến ăn. Nếu Sa - môn Cù - đàm có Nhất thiết trí, biết rõ sự việc trong ba đời, sẽ không nhận lời mời. Nếu không có Nhất thiết trí, tất sẽ nhận lời mời, dẫn đệ tử đến đây, để tất cả đều bị đốt cháy. Trời, người sẽ được yên ổn, không có tại hại.

Thi - lợi - quật - đa im lặng nhận lời của sáu Tôn sư. Ông ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân, mà trong lòng chứa chất độc hại, bạch Như Lai rằng:

–Cúi xin Thế Tôn cùng Tỳ - kheo Tăng nhận lời mời của tôi.

Thế Tôn biết rõ những điều suy nghĩ trong tâm ông, im lặng nhận lời. Thi - lợi - quật - đa thấy Như Lai im lặng nhận lời mời liền đứng dậy, đầu mặt lễ chân Phật, rồi thoái lui mà đi. Giữa đương, ông nghĩ như vầy: “Nay điều mà sáu Tôn sư của ta nói rất là chính xác. Nhưng Sa - môn không biết những điều suy nghĩ trong tâm ta. Họ sẽ bị lửa lớn đốt cháy.”

Rồi Thi - lợi - quật - đa trở về nhà, sai làm một hầm lửa lớn, đốt ngọn lửa lớn hừng hực. Lại sai làm các món ăn đủ loại, tất cả đều bỏ thuốc độc. Ở bên ngoài cửa lại làm một hầm lửa lớn, với ngọn lửa lớn hừng hực. Bên trên ngọn lửa đặt các giường ngồi, cũng bôi các thứ kịch độc. Lúc giữa bữa, sai người đi báo giờ ăn đã đến.

Bấy giờ Thế Tôn biết giờ ăn đã đến, bèn khoác y, cầm bát, dẫn các Tỳ - kheo vây quanh trước sau, đi đến nhà ấy. Ngài lại lệnh các Tỳ - kheo Tăng không ai được đi trước Ngài, không được ngồi trước Ngài, cũng không được ăn cái gì trước Ngài. Trong lúc đó, các nhóm nhân dân trong thành La - duyệt nghe nói Thi - lợi - quật - đa cho đào làm hầm lửa, lại làm thức ăn độc mà thỉnh Phật và chúng Tăng; bốn bộ chúng thảy đều than khóc: “Như Lai và Tỳ - kheo Tăng tất bị hại chăng?”

Có người đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, bạch Phật rằng:

–Cúi xin Thế Tôn chớ đến nhà trưởng giả đó. Ông ấy làm hầm lửa lớn, lại làm các thức ăn độc.

Phật nói:

–Mọi người chớ ôm lòng sợ hãi. Như Lai không bao giờ bị kẻ khác hại. Giả sử ngọn lửa trong Diêm - phù - đề cao đến Phạm thiên cũng không thể đốt cháy Ta được; huống gì ngọn lửa nhỏ ấy mà hại được Như Lai. Không bao giờ có trường hợp ấy. Các Ưu - bà - tắc nên biết, Ta không còn có tâm gây hại.

Bấy giờ Thế Tôn với các Tỳ - kheo vây quanh trước sau đi vào thành la - duyệt, đến nhà trưởng giả. Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Các ông chớ đi vào nhà trưởng giả trước, cũng chớ có ăn trước. Đợi Như Lai rồi mới ăn.

Khi Thế Tôn vừa cất chân lên trên ngưỡng cửa, hầm lửa tự nhiên hóa thành ao tắm cực kỳ mát mẻ, trong đó đầy các loại hoa; cũng có mọc hoa sen lớn như bánh xe, cọng bằng bảy báu; và cũng mọc các loại sen khác, trong đó ong mật bay nhởn nhơ.

Trong lúc đó, Thích Đề - hoàn Nhân, Phạm Thiên vương và Tứ Thiên vương, cùng với Càn - đạp - hòa, A - tuluân, các Dạ - xoa, Quỷ thần các loại, thấy trong hầm lửa mọc lên hoa sen này, ai nấy đều chúc mừng chuyện lạ, khác giọng, cùng lời, thảy đều nói: “Thế mới biết Như Lai là đệ nhất trong các bậc đã Chiến thắng”.

Lúc bấy giờ trong nhà trưởng giả có đủ các ngoại đạo dị học cùng tụ tập về đó. Khi ấy, các Ưu - bà - tắc, Ưubà - di, sau khi thấy sự biến hóa của Như Lai, hoan hỷ phấn chấn không dừng được. Các ngoại đạo dị học sau khi thấy sự biến hóa của Như Lai thì trong lòng ưu sầu. Trong hư không, chư Thiên tôn thần rải xuống đủ các loại danh hoa lên trên thân Như Lai. Thế Tôn lúc ấy bước trên không mà đi, cách mặt đất bốn tấc. Chỗ nào Như Lai cất chân, chỗ đó mọc lên đóa hoa sen lớn như bánh xe. Rồi Thế Tôn quay về bên phải, bảo các Tỳ - kheo:

–Các ông hãy đạp lên hoa sen mà đi.

Khi ấy các Thanh văn đều bước trên hoa sen mà đến nhà trưởng giả.

Rồi Thế Tôn nói thí dụ bằng câu chuyện cổ tích:

–Nếu Ta, từ quá khứ cho đến nay, đã cúng dường hằng sa chư Phật, thừa sự, lễ kính, chưa hề làm sai Thánh ý; nay mang những điều này ra mà thệ nguyện, khiến cho các chỗ ngồi đều được vững vàng.

Rồi Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Ta cho phép các Tỳ - kheo trước hết lấy tay đặt lên chỗ ngồi, rồi sau đó mới ngồi. Đây là giáo sắc của Ta.

Khi Thế Tôn và các Tỳ - kheo Tăng đã ngồi lên chỗ ngồi, thì dưới chỗ ngồi ấy thảy đều mọc lên hoa sen thơm lừng.

Thi - lợi - quật - đa thấy sự biến hóa của Như Lai như vậy, trong lòng suy nghĩ: “Ta bị ngoại đạo dị học dối gạt, làm ta mất đi cái hành trong loài người, vĩnh viễn mất con đường sinh thiên.” Trong lòng rất phẫn nộ, như uống phải chất độc: “Ta chắc sẽ đọa trong ba ác đạo. Quả thật, Như Lai xuất thế, rất khó gặp.” Hiểu biết điều này rồi, ông liền rơi lệ, cúi đầu lạy dưới chân Phật, bạch rằng:

–Cúi mong Như Lai nghe con sám hối lỗi lầm. Con sẽ sửa đổi việc làm quá khứ, tu tập tương lai. Tự biết mình có tội đã xúc nhiễu Như Lai. Cúi nguyện Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Từ nay không còn tái phạm nữa. Phật bảo ông trưởng giả:

–Sửa đổi lỗi lầm, dẹp bỏ tâm ý trước kia, mới có thể tự biết đã xúc phạm Như Lai. Trong pháp của Hiền thánh, thật là rộng rãi. Ta nghe cho ông sửa lỗi, tùy pháp mà xả bỏ. Ta nay nhận sự hối lỗi của ông. Về sau chớ tái phạm.

Nói như vậy ba lần.

Lúc bấy giờ vua A - xà - thế nghe trưởng giả Thi - lợiquật - đa đặt bày hầm lửa và pha thức ăn độc để hại Như Lai, bèn nổi cơn thịnh nộ, bảo các quần thần:

–Cần phải tiêu diệt hết những người trên Diêm - phùlợi - địa có cùng tên Thi - lợi - quật - đa này!

Rồi vua A - xà - thế lại nhớ đến công đức của Như Lai, buồn khóc rơi lệ, cởi mũ Thiên quán xuống, nói với quần thần:

–Tay nay sống mà làm gì, nếu như Như Lai bị lửa đốt cháy và chúng Tăng cũng đều bị đốt cháy. Các ngươi hãy đến nhà trưởng giả mà trông chừng Như Lai.

Khi ấy Kỳ - bà - già vương tử tâu vua A - xà - thế:

–Đại vương, chớ có lo rầu, cũng đừng khởi lên ý tưởng ác. Vì sao? Như Lai không bao giờ bị kẻ khác hại. Hôm nay Thi - lợi - quật - đa sẽ làm đệ tử của Như Lai. Ngưỡng mong đại vương hãy đến xem sự biến hóa.

Bấy giờ A - xà - thế theo lời khuyến dụ của Kỳ - bà - già, bèn cỡi con voi lớn Tuyết sơn, đi đến nhà trưởng giả Thilợi - quật - đa. Vua xuống voi, đi vào nhà Thi - lợi - quật - đa. Lúc ấy đám đông đang tụ tập ngoài cửa, có đến tám vạn bốn ngàn người. Khi A - xà - thế trông thấy hoa sen lớn như bánh xe, hoan hỷ phấn khởi không dừng được, bèn nói lên rằng:

–Cầu cho Như Lai hằng thắng các chúng ma.

Rồi vua bảo Kỳ - bà - già vương tử:

–Lành thay, Kỳ - bà - già, ông mới tin có sự việc như vậy nơi Như Lai!

Bấy giờ vua A - xà - thế đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy A - xà - thế thấy từ miệng Như Lai phóng ra ánh sáng và cũng nhìn thấy nhan sắc lạ thường của Như Lai, trong lòng hết sức hoan hỷ không dừng được.

Lúc bấy giờ trưởng giả Thi - lợi - quật - đa bạch Thế Tôn:

–Những thức ăn mà con dọn ra đều có độc. Cúi mong Thế Tôn đợi giây lát, con sẽ cho dọn thức ăn khác. Sở dĩ như vậy, để không khiến thân thể của Như Lai có tăng tổn.

Phật bảo trưởng giả:

–Như Lai cùng các đệ tử không bao giờ bị kẻ khác làm hại. Nhưng thức ăn mà trưởng giả đã dọn lên, hãy tùy thời thích hợp mà dâng cúng.

Khi ấy trưởng giả tự tay san sớt, bưng lên các món thức ăn.

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:

Chí thành Phật, Pháp, Tăng
Giải độc không còn gì
Chư Phật không có độc
Chí thành Phật, giải độc.
Chí thành Phật, Pháp, Tăng
Giải độc không còn gì
Chư Phật không có độc
Chí thành Pháp, giải độc.
Chí thành Phật, Pháp, Tăng
Giải độc không còn gì
Chư Phật không có độc
Chí thành Tăng, giải độc.
Độc tham dục, sân nhuế
Thế gian có ba độc
Như Lai hằng không độc
Chí thành Phật, giải độc.
Độc tham dục, sân nhuế
Thế gian có ba độc
Pháp Như Lai không độc
Chí thành Pháp, giải độc.
Độc tham dục, sân nhuế
Thế gian có ba độc
Tăng Như Lai không độc
Chí thành Tăng, giải độc.

Thế Tôn sau khi nói bài kệ này bèn ăn thức ăn có pha chất độc. Thế Tôn bảo các Tỳ - kheo:

–Các ông chớ có ăn trước. Hãy đợi Như Lai ăn đã, sau đó mới ăn.

Bấy giờ trưởng giả tự tay san sớt, bưng dọc đủ các món thức ăn cúng dường Phật và Tỳ - kheo Tăng. Khi trưởng giả Thi - lợi - quật - đa thấy Như Lai đã ăn xong, cất dẹp bát, ông lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Như Lai. Thế Tôn bèn thuyết vi diệu pháp cho trưởng giả và đám đông tám vạn bốn ngàn người. Ngài thuyết các đề tài về thí, về giới, về sinh thiên, dục là bất tịnh, dâm dật là tai họa lớn, xuất yếu là lạc. Như Lai xem xét thấy tâm ý của trưởng giả cùng tám vạn bốn ngàn người đã khai tỏ, không còn bụi bẩn, như pháp mà chư Phật thường thuyết là Khổ, Tập, Tận, Đạo; Ngài thuyết cho hết thảy chúng tám vạn bốn ngàn người, phân biệt chi tiết các hành của chúng. Ngay lúc ấy, mọi người từ trên chỗ ngồi mà sạch các bụi bẩn, được pháp nhãn thanh tịnh, cũng như tấm vải mới dễ nhuộm màu sắc, mọi người lúc bấy giờ cũng như vậy, mỗi người đều ngay trên chỗ ngồi mà thấy được dấu tích của Đạo, thấy pháp, đắc pháp, phân biệt các pháp, vượt qua nghi hoặc, được Vô sở úy, không thờ ai khác làm thầy, tự quy y Phật, Pháp, Tăng, thọ năm giới.

Lúc bấy giờ trưởng giả Thi - lợi - quật - đa tự biết đã thấy được dấu tích của đạo, bèn đến trước Phật bạch rằng:

–Cúng thí chất độc cho Như Lai mà lại được quả báo lớn; cúng thí cam lộ cho các ngoại đạo dị học lại thọ nhận tội. Vì sao? Hôm nay con đem chất độc cúng dường Phật và Tỳ - kheo Tăng mà ở ngay trong hiện pháp được chứng nghiệm này. Đã từ lâu con bị ngoại đạo mê hoặc nên mới móng tâm như vậy đối với Như Lai. Những ai phụng sự ngoại đạo dị học đều bị rơi vào biên tế.

Phật bảo Thi - lợi - quật - đa:

–Đúng như điều ông nói, không có gì khác, đều là bị người khác dối gạt.

Trưởng lão Thi - lợi - quật - đa bạch Phật:

–Từ nay về sau, con không còn tin ngoại đạo dị học này nữa. Con cũng không thuận cho bốn bộ chúng tại gia cúng dường.

Phật bảo trưởng giả:

–Chớ nói như vậy. Ông trước kia thường cúng dường các vị ngoại đạo này. Bố thí cho súc sinh còn được phước khó lường, huống gì bố thí cho người. Nếu có ngoại đạo dị học hỏi: “Thi - lợi - quật - đa là đệ tử của ai?” Ông trả lời như thế nào?

Thi - lợi - quật - đa tức thì rời chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay quỳ dài, bạch Thế Tôn:

–Con là đệ tử của Thích - ca Văn, là Đấng Tiên Nhân thứ bảy, dũng mãnh mà giải thoát, nay thọ thân người này.

Thế Tôn nói:

–Lành thay, trưởng giả! Ông đã có thể nói lời tán thán vi diệu ấy.

Rồi Thế Tôn lại nói lần nữa pháp thậm thâm cho trưởng giả, tức thời thuyết bài kệ này:

Tế tự, lửa trên hết
Các thư, tụng hơn hết
Vua tôn quý giữa người
Các dòng, biển là nhất.
Các sao, trăng đứng đầu
Chiếu sáng, mặt trời trước
Bốn bên, trên và dưới
Ở các phương, cảnh vức,
Trời cùng người thế gian
Phật là Bậc tối thượng
Ai muốn cầu phước kia
Nên quy y Tam - phật*.

Thế Tôn sau khi nói bài kệ này bèn rời chỗ ngồi đứng dậy.

Bấy giờ trưởng giả Thi - lợi - quật - đa và những người đến hội nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



[1] . Tham chiếu, No 26 (136).

[2] . Tham chiếu Pāli, M. 67 Cātumā (R.i. 456). Hán, No 137.

[3] . Thích - kiều 釋 翅, phiên âm, tương đương Pāli: Sakkesu, “giữa những người họ Thích.” Nhưng, M 67, ibid.: Cātumāyaṃ viharati āmalakāvane, “trú tại Cātumā, trong khu rừng Xoài“.

[4] . Ám - bà - lê viên. Pāli, Cātumā, một ngôi làng của người họ Thích.

[5] . Tứ sự 四 事, cũng gọi là tứ duyên, hoặc tứ y: Y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược.

[6] . Bà - la viên 婆 羅 園. Xem kinh số 1, phẩm 23 Địa Chủ.

[7] . Cf. Pāli, M. 50 Māratajjanīyasuttaṃ (R.i. 333). Hán, Trung 30, kinh 131 Hàng Ma (tr. 620c07).

[8] . Để bản: Bà - la - môn thôn 婆 羅 門 村. TNM, và các đoạn trên: Bà - la thôn.

[9] . Tham chiếu Pāli, M. 151 Piṇḍapātapārisuddhisuttaṃ (R. iii. 293). Hán, No 99(236).

[10] . Để bản chép nhầm là hư không 虛 空.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]