TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Xá - vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ - kheo:
–Người chăn bò nếu thành tựu mười một pháp, đàn bò sẽ không bao giờ tăng trưởng; nó cũng không thể giữ gìn bò. Những gì là mười một? Người chăn bò không phân biệt sắc, không hiểu tướng, cần vuốt chải mà không vuốt chải[2], không che đậy vết thương lở, không tùy lúc xông khói, không biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ, không biết chỗ nào an ổn, không biết chỗ dẫn bò qua sông, không biết thời nghi[3], khi vắt sữa mà vắt cạn không biết chừa lại, khi bò đã lớn có thể dùng mà lại không tùy thời chăm sóc[4].
Tỳ - kheo, đó là mười một pháp mà nếu người chăn bò thành tựu, thì sẽ không thể phát triển đàn bò, không thể chăm sóc thân chúng. Ở đây, Tỳ - kheo trong chúng cũng vậy, sẽ không thể thêm ích được gì. Những gì là mười? Không phân biệt sắc, không hiểu rõ tướng, cần vuốt chải mà không vuốt chải, không che đậy vết thương lở, không tùy lúc xông khói, không biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ, không biết chỗ nào an ổn, không biết chỗ dẫn bò qua sông, không biết đúng lúc cho ăn, không biết chừa lại, không biết kính trọng các Tỳ - kheo trưởng lão.
Thế nào là Tỳ - kheo không biết sắc? Ở đây, Tỳ - kheo, có bốn đại và sắc do bốn đại tạo, mà hoàn toàn không biết. Tỳ - kheo, như vậy là không biết sắc.
Thế nào là Tỳ - kheo không hiểu rõ tướng? Ở đây, Tỳ - kheo không biết hành vi gì là ngu, hành vi gì là trí; thảy đều không như thật biết. Tỳ - kheo, như vậy là không hiểu rõ tướng.
Thế nào, Tỳ - kheo cần vuốt chải mà không vuốt chải? Ở đây, Tỳ - kheo thấy sắc liền khởi tưởng về sắc, có các loạn niệm, lại không thủ hộ nhãn căn; do không khéo nhiếp niệm nên gây ra các tai ương chồng chất[5], không thủ hộ nhãn căn[6]. Cũng vậy, Tỳ - kheo khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm trơn láng, ý biết pháp, mà khởi các tưởng tạp loạn, cũng không phòng hộ ý căn, không sửa đổi hành vi. Tỳ - kheo, như vậy là cần vuốt chải mà không vuốt chải.
Thế nào, Tỳ - kheo, là không che đậy vết thương? Ở đây Tỳ - kheo khởi dục tưởng mà không xả ly, cũng không trừ khử niệm ấy. Hoặc khởi sân tưởng, sát hại tưởng, khởi các tưởng ác bất thiện mà không hề xả bỏ[7]. Tỳ - kheo, như vậy là không che đậy vết thương.
Thế nào, Tỳ - kheo, là không tùy thời xông khói? Ở đây, pháp mà Tỳ - kheo đọc tụng không tùy thời nói cho người khác nghe. Như vậy, Tỳ - kheo, là không tùy thời xông khói.
Thế nào, Tỳ - kheo, không biết ruộng tốt, nhiều cỏ? Ở đây, Tỳ - kheo không biết bốn Ý chỉ; không như thật biết. Tỳ - kheo, như vậy là không biết ruộng tốt, nhiều cỏ.
Thế nào, Tỳ - kheo, không biết chỗ qua sông? Ở đây Tỳ - kheo không biệt tám phẩm đạo của Hiền thánh. Tỳ - kheo, như vậy là không biết chỗ qua sông.
Thế nào, Tỳ - kheo, không biết điều yêu quý[8]? Ở đây, Tỳ - kheo, đối với mười hai bộ: Khế kinh, Kỳ - dạ, Thọ quyết, Kệ, Nhân duyên, Bản mạt, Phương đẳng, Thí dụ, Sinh kinh, Thuyết, Quảng phổ, Vị tằng hữu pháp. Tỳ - kheo, như vậy không biết điều được yêu quý. Thế nào, Tỳ - kheo, không biết thời nghi[9]? Ở đây, Tỳ - kheo đi đến nhà hèn hạ, nhà cờ bạc. Tỳ - kheo, như vậy là không biết thời nghi.
Thế nào, Tỳ - kheo, không biết chừa lại? Ở đây, Tỳ - kheo có Phạm chí, Ưu - bà - tắc, là những người có tín tâm, đến thỉnh. Nhưng Tỳ - kheo ấy tham ăn uống, không biết đủ mà dừng lại. Tỳ - kheo, như vậy là không biết chừa lại. Thế nào, Tỳ - kheo, không kính các Tỳ - kheo trưởng lão, cao đức? Ở đây, Tỳ - kheo không khởi tâm cung kính người có đức. Tỳ - kheo như vậy có nhiều sai phạm. Đó gọi là Tỳ - kheo không kính trưởng lão.
Nếu Tỳ - kheo nào thành tựu mười một pháp này, người ấy ở trong chánh pháp này trọn không được điều gì lợi ích.
Lại nữa, nếu người chăn bò thành tựu mười một pháp, người ấy có thể chăm sóc đàn bò không hề thất thời, được nhiều lợi ích. Những gì là mười một? Ở đây người chăn bò biết sắc, biết phân biệt tướng, cần vuốt chải thì vuốt chải, che đậy vết thương lở, tùy thời xông khói, biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ, biết chỗ qua sông, biết yêu mến bò, phân biệt thời nghi, biết tánh hạnh, khi vắt sữa thì biết chừa lại, tùy thời chăm sóc con bò đang được dùng. Như vậy người chăn bò chăm sóc đàn bò.
Cũng vậy, cũng như người chăn bò, Tỳ - kheo thành tựu mười một pháp mà không mất thời tiết, trọn không bị trở ngăn. Tỳ - kheo thành tựu mười một pháp như vậy, ngay trong hiện pháp, được nhiều điều lợi ích. Những gì là mười một? Ở đây, Tỳ - kheo biết sắc, biết tướng, biết vuốt chải, biết che đậy vết thương, biết xông khói, biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ, biết điều đáng yêu, biết chọn đường đi, biết chỗ qua sông, biết kính Tỳ - kheo trưởng lão mà tùy thời lễ bái.
Thế nào là Tỳ - kheo biết sắc? Ở đây, Tỳ - kheo biết sắc bốn đại và cũng biết sắc do bốn đại tạo. Đó gọi là Tỳ - kheo biết sắc.
Thế nào là Tỳ - kheo biết tướng? Ở đây, Tỳ - kheo biết tướng ngu, biết tướng trí; biết như thật. Như vậy, Tỳ - kheo biết tướng.
Thế nào là Tỳ - kheo biết vuốt chải? Ở đây, Tỳ - kheo khi khởi tâm niệm dục tưởng, liền biết xả ly, không thân cận, vĩnh viễn không có dục tưởng. Khi sân tưởng, hại tưởng, các tưởng ác bất thiện khởi lên, liền biết xả ly, không thân cận, vĩnh viễn không có sân tưởng các thứ. Như vậy, Tỳ - kheo biết vuốt chải.
Thế nào là Tỳ - kheo biết che đậy vết thương? Ở đây, Tỳ - kheo khi mắt thấy sắc mà không khởi sắc tưởng, cũng không nhiễm trước, mà làm thanh tịnh nhãn căn; trừ khử các pháp ác bất thiện, sầu ưu, tâm không tham đắm, ở trong đó mà thủ hộ nhãn căn. Cũng vậy, Tỳ - kheo khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết trơn láng, ý biết pháp mà không khởi thức tưởng, cũng không nhiễm trước, mà thanh tịnh ý căn. Như vậy, Tỳ - kheo biết che đậy vết thương.
Thế nào, Tỳ - kheo biết xông khói? Ở đây, Tỳ - kheo nói lại cho người khác pháp mà mình đã từng nghe. Như vậy, Tỳ - kheo biết xông khói.
Thế nào, Tỳ - kheo biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ? Ở đây, Tỳ - kheo như thật biết tám phẩm đạo Hiền thánh. Như vậy, Tỳ - kheo biết ruộng tốt chỗ có nhiều cỏ.
Thế nào, Tỳ - kheo biết điều đáng yêu quý? Ở đây, Tỳ - kheo nghe Pháp bảo mà Như Lai đã nói, trong tâm liền yêu quý. Như vậy, Tỳ - kheo biết điều đáng yêu quý.
Thế nào, Tỳ - kheo biết chọn đường đi? Ở đây, Tỳ - kheo đối với mười hai bộ kinh[10] biết lựa chọn mà hành. Đó là, Khế kinh, Kỳ - dạ, Thọ quyết, Kệ, Nhân duyên, Bản mạt, Phương đẳng, Thí dụ, Sinh kinh, Thuyết, Quảng phổ, Vị tằng hữu pháp. Như vậy, Tỳ - kheo biết chọn đường đi.
Thế nào, Tỳ - kheo biết chỗ qua sông? Ở đây, Tỳ - kheo biết bốn Ý chỉ[11]. Đó là Tỳ - kheo biết chỗ qua sông. Thế nào, Tỳ - kheo biết ăn vừa đủ no?[12] Ở đây, Tỳ - kheo có Phạm chí, Ưu - bà - tắc, là những người có tín tâm, đến thỉnh. Tỳ - kheo không ý tham ăn uống, có thể biết đủ mà dừng lại. Tỳ - kheo, như vậy là vừa đủ.
Thế nào, Tỳ - kheo tùy thời cung kính Tỳ - kheo trưởng lão? Ở đây, Tỳ - kheo hằng với thiện hành bởi thân, miệng, ý đối với các Tỳ - kheo trưởng lão. Như vậy Tỳ - kheo tùy thời cung phụng các Tỳ - kheo trưởng lão.
Tỳ - kheo thành tựu mười một pháp như vậy, ở ngay trong hiện pháp, được nhiều điều lợi ích.
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
Chăn bò không buông lung
Người chủ được nhiều phước
Sáu bò trong sáu năm
Lần lượt thành sáu chục.
Tỳ - kheo giới thành tựu
Tự tại trong thiền định
Sáu căn được vắng lặng
Sáu năm thành sáu thông.
Như vậy, Tỳ - kheo, nếu ai có thể xa lìa pháp ác này, thành tựu mười một pháp kể sau cùng này, người ấy ở trong hiện pháp được nhiều điều lợi ích. Tỳ - kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ - kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Xá - vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ - kheo:
–Nếu Tỳ - kheo thành tựu mười một pháp này chắc chắn có điều được tăng trưởng. Những gì là mười một? Ở đây, Tỳ - kheo thành tựu giới, thành tựu Tam - muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, các căn tịch tĩnh, ăn uống biết đủ, hằng tu hành cộng pháp và cũng biết phương tiện ấy, phân biệt nghĩa ấy, không đắm lợi dưỡng. Như vậy Tỳ - kheo, nếu thành tựu mười một pháp này, có khả năng để tăng trưởng. Vì sao? Tất cả các thực hành, chân chánh có mười một pháp.
Lúc bấy giờ A - nan bạch Thế Tôn rằng:
–Vì sao chân chánh có mười một pháp, mà không nhiều hơn?
Những gì là mười một?[13] Đó là, a - luyện - nhã, khất thực, ngồi một chỗ, ăn một bữa, ăn đúng giữa trưa, ăn không chọn nhà, giữ ba y, ngồi dưới gốc cây, ngồi giữa trời trống, chỗ nhàn tĩnh, mặc y vá, hoặc ở tại bãi tha ma.[14] Đó là Tỳ - kheo nếu thành tựu mười một pháp này, thì có điều sở đắc.
Nay Ta lại nói thêm cho ông biết. Nếu ai trong mười một năm học pháp này, tức hiện thân thành A - na - hàm, chuyển thân thành A - la - hán.
Này các Tỳ - kheo, hãy bỏ qua mười một năm. Nếu ai trong chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm học pháp này, người ấy sẽ thành một trong hai quả, hoặc A - na - hàm, hoặc A - la - hán.
Hãy bỏ qua mười hai Thánh. Tỳ - kheo nào có thể trong một Thánh tu hành pháp này, Tỳ - kheo ấy chắc chắn thành một trong hai quả: Hoặc A - na - hàm, hoặc A - la - hán. Vì sao? Mười hai nhân duyên đều xuất từ mười một pháp. Đó là, sinh, già, bệnh, chết, ưu, sầu, khổ, não.
Nay Ta dạy các Tỳ - kheo, hãy như Tỳ - kheo Ca - diếp. Giả sử có người hành pháp khiêm khổ, khó có hành nào sánh kịp. Vì sao? Tỳ - kheo Ca - diếp đã thành tựu mười pháp này. Nên biết, các Như Lai[15] trong quá khứ thành Đẳng chánh giác cũng do thành tựu mười một pháp khổ này. Nay Tỳ - kheo Ca - diếp, vì thương tưởng hết thảy chúng sinh. Nếu cúng dường các Thanh văn quá khứ, thân sau mới được báo ứng. Giả sử cúng dường Ca - diếp, ngay thân này mà thọ nhận báo ứng. Giả sử Ta không thành Vô thượng Đẳng chánh giác, sau sẽ do Ca - diếp thành Đẳng chánh giác. Do nhân duyên này, Ca - diếp vượt hơn các Thanh văn quá khứ. Ai có thể hành như Ca - diếp, ấy là hành tối thượng. Như vậy Tỳ - kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ - kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Xá - vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc.
Bấy giờ Phật đang thuyết pháp cho vô số chúng sinh vây quanh trước sau. Trong lúc ấy, Xá - lợi - phất đang dẫn một số đông các Tỳ - kheo đi kinh hành. Đại Mục - kiềnliên, Đại Ca - diếp, A - na - luật, Ly - việt, Ca - chiên - diên, Mãn Nguyện Tử, Ưu - ba - ly, Tu - bồ - đề, La - vân và Tỳ - kheo A - nan; mỗi vị đều dẫn một số đông Tỳ - kheo an trú. Đề - bà - đạt - đa cũng dẫn số đông Tỳ - kheo kinh hành.
Khi ấy, Thế Tôn thấy các đệ tử có thần túc, mỗi vị đang dẫn số chúng kinh hành. Thấy như vậy, Thế Tôn nói với các Tỳ - kheo:
–Những kẻ thiện thì đi với thiện. Những kẻ ác thì đi với ác. Cũng như sữa với sữa thì hòa với nhau; bơ với bơ hòa với nhau; phân tiểu, mỗi thứ mỗi tương ứng với nhau. Ở đây cũng vậy, do căn nguyên của chúng sinh mà pháp sở hành mỗi mỗi tương ứng với nhau. Thiện tương ưng với thiện. Ác tương ưng với ác. Các ông có thấy Xálợi - phất đang dẫn các Tỳ - kheo đi kinh hành không?
Các Tỳ - kheo bạch Phật:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật bảo các Tỳ - kheo:
–Những người như vậy đều là các bậc trí tuệ.
Lại bảo các Tỳ - kheo:
–Các ông có thấy Mục - kiền - liên đang dẫn các Tỳ - kheo đi kinh hành không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Các Tỳ - kheo ấy đều là những vị có thần túc.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Ca - diếp đang dẫn các Tỳ - kheo đi kinh hành không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật bói:
–Các vị Thượng sĩ đó đều là những người hành pháp Đầu - đà.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy A - na - luật đang dẫn các Tỳ - kheo đi kinh hành không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Các Hiền sĩ đều là những vị Thiên nhãn đệ nhất.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo Ly - việt không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói với các Tỳ - kheo:
–Những người đó là những vị nhập định.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo Ca - chiên - diên không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật bảo các Tỳ - kheo:
–Các vị Thượng sĩ đó đều là những người phân biệt nghĩa lý.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo Mãn Nguyện Tử không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Các Hiền sĩ ấy đều là các Tỳ - kheo thuyết pháp.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo Ưu - ba - ly không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Những vị đó đều là những người trì cấm luật.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo Tu - bồ - đề không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Các Thượng nhân ấy đều là những vị giải Không đệ nhất.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo La - vân không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Các Hiền sĩ ấy đều là những vị giới đầy đủ.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo A - nan không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Các Hiền sĩ ấy đều là những vị đa văn; điều gì đã nghe một lần sẽ không bao giờ quên.
Lại hỏi:
–Các ông có thấy Tỳ - kheo Đề - bà - đạt - đa đang dẫn nhiều người đi kinh hành không?
Các Tỳ - kheo đáp:
–Vâng, chúng con thấy.
Phật nói:
–Những người ấy đứng đầu làm ác, không có gốc rễ thiện.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:
Chớ bạn với người xấu
Chớ tùng sự người ngu
Hãy bạn với người lành
Giao thiệp với người trí.
Nếu người vốn không ác
Do thân cận người ác
Sau sẽ thành nhân ác
Tiếng ác khắp thiên hạ.
Bấy giờ hơn ba mươi đệ tử của Đề - bà - đạt - đa, sau khi nghe Thế Tôn nói bài tụng này, xả bỏ Đề - bà - đạt - đa mà đi đến chỗ Phật, cúi đầu lạy dưới chân, cầu sửa đổi trọng tội. Lại bạch Thế Tôn:
–Chúng con ngu hoặc không biết chân ngụy, bỏ Thiện tri thức mà theo ác tri thức. Cúi xin Thế Tôn rộng lượng tha thứ. Về sau không dám tái phạm.
Phật bảo các Tỳ - kheo:
–Ta chấp thuận các ông sám hối, sửa lỗi cũ, tu tập điều mới, chớ có tái phạm.
Rồi các đệ tử của Đề - bà - đạt - đa vâng theo lời giáo giới của Thế Tôn, sống tại chỗ nhàn tĩnh, tư duy diệu nghĩa, tự mình khắc kỷ hành pháp, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, để tu phạm hạnh vô thượng. Khi ấy, các Tỳ - kheo này đều đắc A - lahán.
Tỳ - kheo nên biết, căn nguyên của chúng sinh theo loại mà về với nhau. Ác đi theo ác, thiện đi theo thiện. Căn nguyên chúng sinh trong quá khứ, tương lai, cũng đều như vậy, theo loại mà đi với nhau. Như tịnh thì tương ứng với tịnh; bất tịnh tương ứng với bất tịnh.
Cho nên, Tỳ - kheo, hãy cùng tương ưng với tịnh, xả ly bất tịnh. Như vậy Tỳ - kheo hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ - kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại Câu - lưu - sa trong thành Pháp hành[16], cùng với chúng đại Tỳ - kheo năm trăm vị.
Lúc bấy giờ Tượng Xá - lợi - phất[17] trả lại pháp phục, trở về đời sống bạch y. Vào một lúc nọ, A - nan khoác y, cầm bát vào thành khất thực, lần hồi đi đến nhà Tượng Xá - lợi - phất. Trong lúc đó, Tượng Xá - lợi - phất đang đứng tựa trên vai hai người phụ nữ. A - nan từ xa trông thấy thế, trong lòng buồn rầu, không vui. Tượng Xá - lợiphất trông thấy A - nan, cảm thấy rất xấu hổ, bèn ngồi xuống một mình.
A - nan khất thực xong, ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên.
Vừa rồi con vào thành khất thực, lần hồi đi đến nhà của Tượng Xá - lợi - phất, thấy ông đang đứng tựa trên vai hai người nữ. Thấy vậy, trong lòng con rất buồn rầu.
Thế Tôn nói:
–Ông thấy vậy rồi, có ý nghĩ gì?
A - nan bạch Phật:
–Con nghĩ, Tượng Xá - lợi - phất tinh tấn, đa văn, tánh hạnh nhu hòa, thường thuyết pháp cho các vị đồng phạm hạnh mà không hề biết mệt mỏi, sao nay lại trả pháp phục, trở về đời sống bạch y? Sau khi thấy vậy, trong lòng con rất buồn rầu. Thế nhưng, Tượng Xá - lợi - phất ấy có thần lực lớn, uy đức vô lượng. Con nhớ lại, xưa kia thấy ông đã từng đàm luận với Thích Đề - hoàn Nhân, sao nay lại đuổi theo dục vọng làm điều xấu?
Thế Tôn nói:
–Đúng vậy, A - nan, như điều ông nói. Nhưng ông ấy không phải là A - la - hán. Nếu là A - la - hán thì không bảo trả lại pháp phục mà trở về đời sống bạch y. Nhưng thôi, A - nan, chớ có sầu ưu. Sau bảy ngày nữa, Tượng Xá - lợiphất sẽ trở lại trong đây, rồi sẽ dứt sạch các lậu, thành A - la - hán. Bởi vì Tượng Xá - lợi - phất ấy bị nghiệp đời trước lôi kéo nên mới thành như vậy. Nay hành đã đầy đủ, sẽ dứt sạch các lậu.
Bấy giờ, bảy ngày sau, Tượng Xá - lợi - phất đi đến Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Giây lát, ông đứng dậy bạch Phật:
–Cúi xin Thế Tôn hứa khả cho con tu hành đời sống Sa - môn ở hàng thấp nhất.
Khi ấy Tượng Xá - lợi - phất liền được nhận làm Samôn, ngay sau đó từ trên chỗ ngồi mà đắc A - la - hán.
Vào một thời Tượng Xá - lợi - phất khoác y, cầm bát vào thành khất thực. Khi ấy có một Phạm chí gặp ông, liền có ý nghĩ rằng: “Những ông con nhà họ Thích này, không chỗ nào không có, khắp mọi nơi, làm cắt đứt chú thuật mà chúng ta thực hành. Bây giờ ta hãy vào thành nói cho mọi người biết những cái xấu của Sa - môn.
Rồi Phạm chí này vào thành, nói với mọi người:
–Các người có thấy ông Tượng Xá - lợi - phất này không? Xưa ông từ xưng mình là A - la - hán, nửa chừng cởi bỏ pháp phục, trở về đời sống bạch y, hưởng thụ ngũ dục. Nay lại làm Sa - môn, đi khất thực từng nhà làm ra vẻ trong sạch. Nhưng khi nhìn thấy phụ nữ thì ý tưởng dục tình nổi dậy, trở về già - lam mà nhớ tưởng nữ sắc mà trong lòng không dứt. Giống như con lừa hèn yếu không đủ sức mang chở nặng mà lặng lẽ nằm yên. Bọn con nhà họ Thích này cũng vậy, giả trang đi khất thực, thấy nữ sắc thì suy nghĩ trù tính.
Tượng Xá - lợi - phất khi nghe Phạm chí này rao truyền tiếng xấu như vậy, bèn suy nghĩ rằng: “Người này rất là ngu si mới khởi tâm tật đố. Thấy người được lợi dưỡng thì tâm tham lam ganh tỵ nổi lên. Nếu mình được lợi dưỡng thì trong lòng vui sướng. Cho nên ông đến nhà bạch y làm việc phỉ báng. Nay ta nên ngăn lại chớ để làm ác, để người này sẽ không chịu tội báo vô lượng.”
Rồi thì Tượng Xá - lợi - phất bay lên hư không, nói với Phạm chí:
Không mắt, không tài khéo
Khởi ý chê phạm hạnh
Từ gây nghiệp vô ích
Địa ngục khổ lâu dài.
Tượng Xá - lợi - phất nói bài kệ này xong, trở lại bình thường và quay về chỗ ở của mình.
Bấy giờ người trong thành đã nghe lời phỉ báng của Phạm chí, lại nghe bài kệ của Tượng Xá - lợi - phất, họ nghĩ như vầy: “Nếu đúng như lời Phạm chí, thì sự thị hiện thần thông sau đó khó làm được. Nhưng chúng ta đã thấy ông này cởi bỏ pháp phục trở lại đời sống bạch y.”
Rồi thì mọi người cùng nhau đi đến chỗ Tượng Xálợi - phất, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy, có đông người hỏi Tượng Xá - lợi - phất:
–Có vị A - la - hán nào mà cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y chăng?
Tượng Xá - lợi - phất đáp:
–Không có vị A - la - hán nào cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y.
Mọi người lại hỏi Tượng Xá - lợi - phất:
–Có vị A - la - hán nào do duyên đời trước mà phạm giới không?
Tượng Xá - lợi - phất đáp:
–Đã đắc A - la - hán thì không bao giờ còn phạm giới.
Mọi người lại hỏi:
–Những vị trong hàng học địa có ai do duyên đời trước mà phạm giới không? Tượng Xá - lợi - phất đáp:
–Có. Những vị ở hàng học địa có khi vì duyên đời trước mà phạm giới.
Mọi người lại hỏi:
–Tôn giả trước kia là A - la - hán, rồi cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y. Nay xuất gia học đạo trở lại. Trước kia ngài có thần thông, sao lại như vậy?
Bấy giờ Tượng Xá - lợi - phất nói bài kệ này:
An trú thiền thế tục
Rốt cuộc không giải thoát
Không được đạo diệt tận
Nên quay hưởng ngũ dục.
Hết củi, lửa cũng tắt
Không rễ, cành không sinh
Thạch nữ không mang thai
La - hán không còn lậu.
Khi ấy mọi người lại hỏi Tượng Xá - lợi - phất:
–Tôn giả trước kia không phải là La - hán sao?
Tượng Xá - lợi - phất đáp:
–Tôi trước kia không phải là La - hán. Này các Cư sĩ, nên biết, năm thông và sáu thông khác nhau. Nay tôi sẽ nói mười một thứ thần thông.
Phàm Tiên nhân đắc năm thứ thần thông, ái dục đã hết[18], nếu sinh lên trời thì sau cũng rơi trở lại Dục giới. A - la - hán có sáu thông, đệ tử của Như Lai, đắc Lậu tận thông, tức thì ở ngay trong Niết - bàn giới vô dư mà Bátniết - bàn.
Mọi người lại hỏi:
–Chúng con quán sát lời nói của ngài Tượng Xá - lợiphất, biết rằng thế gian không có vị A - la - hán nào mà lại cởi bỏ pháp phục trở về đời sống bạch y.
Tượng Xá - lợi - phất đáp:
–Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như các người nói.
Không có A - la - hán nào mà cởi bỏ pháp phục trở về sống đời sống bạch y. Có mười pháp, mà A - la - hán không tập theo. Mười một pháp ấy là gì? A - la - hán lậu tận không bao giờ cởi bỏ pháp phục trở lại đời sống bạch y. A - lahán lậu tận không bao giờ tập theo hạnh bất tịnh. A - lahán lậu tận không bao giờ sát sinh. A - la - hán lậu tận không bao giờ trộm cắp. A - la - hán lậu tận ăn mà không bao giờ cất giữ đồ thừa. A - la - hán lậu tận không bao giờ nói dối. A - la - hán lậu tận không bao giờ hùa theo phe đảng. A - la - hán lậu tận không bao giờ phun lời hung dữ. A - la - hán lậu tận không bao giờ có hồ nghi. A - la - hán lậu tận không bao giờ sợ hãi. A - la - hán lậu tận không bao giờ nhận ai khác làm thầy và cũng không bao giờ nhập thai trở lại.
Này các Hiền sĩ, đó là mười một trường hợp không bao giờ xảy ra đối với một vị A - la - hán.
Bấy giờ, mọi người bạch Tượng Xá - lợi - phất rằng:
–Chúng con nghe những điều Tôn giả nói và quán sát những người ngoại đạo dị học, giống như quán sát cái bình rỗng, chẳng có gì bên trong cả. Ở đây, quán sát nội pháp, chúng con thấy giống như bình đựng mật, ngọt không thể kể. Chánh pháp của Như Lai ở đây cũng vậy. Phạm chí kia sẽ chịu vô lượng tội.
Khi ấy Tượng Xá - lợi - phất bay lên hư không, ngồi kiết già, nói bài kệ này:
Không hiểu pháp đây, kia
Mà hành thuật ngoại đạo
Gây đấu loạn đây kia
Người trí không làm vậy.
Bấy giờ, những người Câu - lưu - sa bạch với Tượng Xá - lợi - phất rằng:
–Những điều được nói là quá nhiều; thật khó sánh kịp. Như người mù mà được mắt sáng. Như người điếc mà được nghe. Nay những điều Tôn giả nói cũng giống như vậy. Ngài đã dùng nhiều phương tiện để thuyết pháp. Chúng con hôm nay tự quy y Như Lai, quy y Pháp và Tăng Tỳ - kheo. Cúi mong Tôn giả nghe cho, nhận chúng con làm Ưu - bà - tắc, suốt đời không sát sinh.
Rồi Tượng Xá - lợi - phất nói những pháp vi diệu cho mọi người nghe, khiến họ phát sinh tâm hoan hỷ. Mọi người rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy dưới chân rồi cáo lui.
Bấy giờ, Tôn giả A - nan nghe nói Phạm chí báng bổ Tượng Xá - lợi - phất mà không đạt được gì, nên nhìn kỹ Tượng Xá - lợi - phất còn không dám, huống nữa là tranh luận. Nghe vậy, Tôn giả đi đến Thế Tôn, đem nhân duyên này thuật lại đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ Phật bảo A - nan:
–Phàm nói về bình đẳng A - la - hán, phải nói đến Tượng Xá - lợi - phất. Vì sao? Nay Tượng Xá - lợi - phất đã thành A - la - hán. Cái danh A - la - hán được truyền tụng trước đó, nay mới đạt được. Năm thứ thần thông của thế tục không phải là hành chân thật, rồi sau sẽ mất. Sáu thần thông mới là hành chân thật. Các ông hãy học theo Tượng Xá - lợi - phất. Hãy nhớ nghĩ mà phụng hành ý nghĩa này.
Bấy giờ A - nan nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Xá - vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ - kheo:
–Nay Ta sẽ nói về pháp nhân duyên. Hay suy niệm kỹ và tu tập hạnh này.
Các Tỳ - kheo bạch Phật:
–Kính vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỳ - kheo vâng lời Thế Tôn dạy.
Thế Tôn nói:
–Ở đây, thế nào là pháp nhân duyên? Đó là, duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu nhập xứ, duyên sắc nhập xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sinh, duyên sinh có chết, duyên chết có ưu, bi, khổ, não, không thể kể xiết, như vậy thành thân năm ấm.
Thế nào là vô minh? Đó là, không biết Khổ, không biết Tập, không biết Tận, không biết Đạo. Đó gọi là vô minh.
Thế nào là hành? Hành có ba loại. Thân hành, khẩu hành và ý hành. Đó gọi là hành.
Thế nào là thức? Sáu thức thân. Những gì là sáu? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thức. Đó là thức.
Thế nào là danh? Thọ, tưởng, niệm, xúc (cánh lạc), tư duy. Là danh. Thế nào là sắc? Đó là thân bốn đại và sắc do thân bốn đại tạo. Đó gọi là sắc. Sắc là một cái khác và danh là một cái khác, nên gọi là danh sắc.
Thế nào là sáu nhập (xứ)? Sáu nội nhập. Những gì là sáu? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập. Đó là sáu nhập.
Thế nào là xúc (cánh lạc)? Đó là sáu xúc thân. Những gì là sáu? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là xúc.
Thế nào gọi là thọ? Ba thọ. Những gì là ba? Lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ. Đó gọi là thọ.
Thế nào là ái? Ba ái thân. Dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Đó là ái.
Thế nào là thủ? Bốn thủ. Những gì là bốn? Dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Đó là bốn thủ.
Thế nào hữu? Ba hữu: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Đó là hữu.
Thế nào là sinh? Đầy đủ xuất xứ, lãnh thọ các hữu, được năm ấm, lãnh thọ các nhập. Đó gọi là sinh.[19]
Thế nào là già? Từng loại từng loại chúng sinh, mà ở đây nơi thân thể răng rụng, tóc bạc, khí lực khô cạn, các căn chín rục, thọ mạng ngày càng suy, thức cũ không phục hồi. Đó gọi là già.
Thế nào là chết? Từng loại từng loại chúng sinh, mà dần dần thân thể không còn hơi ấm, vô thường biến dịch, năm thân thuộc chia lìa, thân năm ấm bị vất bỏ, mạng căn bị cắt đứt. Đó gọi là chết.
Tỳ - kheo nên biết, đó gọi là già, bệnh, chết. Đây là pháp nhân duyên mà ý nghĩa được phân biệt rộng rãi. Những gì mà chư Phật Như Lai cần làm với tâm Từ ái, ta nay đã làm xong. Các ông hãy đến dưới gốc cây, ngồi ngoài trời trống, hay giữa bãi tha ma, hay nhớ nghĩ tọa thiền, chớ ôm lòng ngại khổ. Nay không tinh tấn, sau hối hận vô ích.
Bấy giờ Tôn giả A - nan bạch Thế Tôn:
–Như Lai đã giảng thuyết cho các Tỳ - kheo gốc rễ nhân duyên sâu xa. Nhưng con quán sát thấy nghĩa ấy không có gì sâu[20].
Thế Tôn nói:
–Thôi, thôi, A - nan, chớ có khởi lên ý tưởng ấy! Vì sao? Mười hai nhân duyên cực kỳ thậm thâm, không phải là điều mà người thường có thể hiểu. Xưa kia, khi Ta chưa giác ngộ pháp nhân duyên này nên trôi nổi sinh tử, không có lúc thoát ly.
Lại nữa, A - nan, không phải chỉ ngày nay ông mới nói pháp nhân duyên không có gì sâu xa, mà xưa cũng đã từng nói pháp ấy không sâu xa rồi. Vì sao vậy?
Trong quá khứ xa xưa, có vua A - tu - luân tên là Tudiệm, chợt có ý nghĩ này, muốn bốc mặt trời, mặt trăng ra khỏi nước của biển cả. Ông hóa thân cực kỳ to lớn, mà nước biển cả chỉ ngang hông. Bấy giờ vua A - tu - luân này có người con tên là Câu - na - la, tâu với vua cha rằng: “Nay con muốn xuống tắm nước biển.” A - tu - luân Tu - diệm nói: “Chớ nên ham thích tắm trong nước biển. Vì sao? Nước biển vừa rất sâu, vừa rộng; không thể ở trong nước biển mà tắm được.” Câu - na - la nói: “Nay con thấy nước biển chỉ ngang hông của đại vương thôi; vì sao lại nói là rất sâu?” Khi ấy vua A - tu - luân liền nắm người con thả xuống trong nước biển. Chân của đứa con này không chấm đến đáy nước nên trong lòng nó rất kinh sợ. Vua A - tu - luân bấy giờ mới bảo con: “Cha đã bảo con là nước biển rất sâu, mà con lại nói, chẳng sao. Duy chỉ mình cha là có thể ở trong biển lớn mà tắm gội. Nhưng con thì không thể.”
A - tu - luân Tu - diệm bấy giờ là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy Tu - diệm tức là thân Ta vậy. Con của A - tuluân khi ấy là ông vậy. Ông đã từng nói: “Không sao.” Nay lại nói, pháp mười hai nhân duyên không có gì sâu thẳm. Chúng sinh mà không thấu hiểu pháp mười hai nhân duyên nên trôi nổi sinh tử không có ngày xuất ly; thảy đều mê hoặc không nhận thức rõ gốc rễ của hành; từ đời này đến đời sau; từ đời sau đến đời này, vĩnh viễn ở trong năm điều bức não, mong được xuất ly thật là quá khó. Ta khi mới thành Phật đạo tư duy mười hai nhân duyên, hàng phục Ma và quyến thuộc của nó, do trừ vô minh mà được ánh sáng của trí tuệ, bóng tối hoàn toàn bị diệt trừ, không còn trần cấu.
Lại nữa, A - nan, Ta ba lần chuyển mười hai chi để thuyết minh duyên do[21] này, khi đó tức thì thành tựu Giác đạo. Do phương tiện này mà biết rằng pháp mười hai duyên rất là sâu thẳm, không phải điều mà người thường có thể công bố. Như vậy, A - nan, hãy nhớ nghĩ sâu thẳm mà phụng trì pháp mười hai nhân duyên này. Hãy nhớ học điều này.
Bấy giờ A - nan nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành La - duyệt, trong Ca - lan - đà Trúc viên, cùng với chúng đại Tỳ - kheo năm trăm vị.
Lúc bấy giờ trong thành La - duyệt có một Phạm chí tên là Thi - la, biết đủ các thuật, nhớ thuộc các điển tịch của ngoại đạo dị học. Thiên văn, địa lý, không thứ gì ông không thông suốt. Ông lại dạy dỗ năm trăm đồng tử Phạm chí.
Trong thành ấy cũng có một Phạm chí nữa tên là Síninh, hiểu biết rất nhiều, được vua Tần - bà - sa - la yêu kính, bốn thời cúng dường, cấp dưỡng Phạm chí các thứ nhu yếu.
Bấy giờ danh tiếng Như Lai được truyền đi rất xa, rằng Ngài là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành Vi, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật Chúng Hựu, độ vô lượng người, xuất hiện ở đời. Phạm chí Sí - ninh liền khởi lên ý nghĩ này: “Danh hiệu Như Lai thật khó được nghe. Nay ta muốn đến đó thăm hỏi, thân cận, lễ kính.” Rồi Phạm chí Sí - ninh đi đến chỗ Phật, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi xuống một bên.
Bấy giờ Phạm chí bạch Thế Tôn:
–Sa - môn Cù - đàm, thuộc chủng tánh nào?
Phật nói:
–Ta thuộc chủng tánh Sát - lợi.
Phạm chí nói:
–Các Bà - la - môn nói như vầy: “Chủng tánh của chúng ta hào quý nhất, không ai hơn.” Có người nói chủng tánh da trắng. Có người nói chủng tánh da đen.
Những người Bà - la - môn tự cho là được sinh bởi Phạm thiên. Nay Sa - môn Cù - đàm có luận gì về những điều này?
Phật nói:
–Này Phạm chí, nên biết, ai có hôn nhân, cưới hỏi, mới cần đến chủng tánh hào quý. Nhưng trong Chánh pháp của Ta, không có cao thấp, không có danh tánh thị phi.
Phạm chí hỏi:
–Thế nào, Cù - đàm, có sinh xứ thanh tịnh, sau đó pháp mới được thanh tịnh.
Phật bảo Phạm chí:
–Ông cần pháp thanh tịnh, hay sinh xứ thanh tịnh?
Phạm chí nói:
–Các Bà - la - môn đều nêu lên luận đề này: “Chủng tánh của ta hào quý, không ai hơn.” Có người nói chủng tánh da trắng. Có người nói chủng tánh da đen. Những người Bà - la - môn tự cho là được sinh bởi Phạm thiên.
Phật hỏi ông Phạm chí:
–Giả sử người nữ Sát - lợi lấy chồng thuộc gia đình Bà - la - môn, khi sinh con trai, nó sẽ theo chủng tánh nào? Phạm chí nói:
–Nó sẽ được nói là chủng tánh Bà - la - môn. Vì sao?
Do thân hình người cha mà có được đứa con này.
Phật hỏi:
–Nếu người nữ Bà - la - môn lấy chồng nhà Sát - lợi, khi sinh con trai, nó thuộc chủng tánh nào?
Phạm chí đáp:
–Người đó sẽ thuộc chủng tánh Sát - lợi. Vì sao? Do di hình của cha mà có đứa con này.
Phật bảo Phạm chí:
–Ông hãy suy nghĩ chín chắn rồi sau đó mới trả lời Ta. Điều ông nói trước sau không phù hợp nhau. Thế nào, Phạm chí, lừa theo ngựa, sau đó sinh con câu[22]. Ông sẽ nói nó là ngựa hay lừa?
Phạm chí đáp:
–Loại như thế sẽ được gọi là con ngựa lừa[23]. Vì sao?
Do di hình của lừa mà được con câu này.
Phật bảo Phạm chí:
–Ông hãy suy nghĩ chín chắn rồi sau đó trả lời Ta. Điều ông nói ở đây, trước sau không phù hợp. Trước đó ông nói, nếu con gái Sát - lợi đi lấy chồng nhà Bà - la - môn, khi sinh con, nó sẽ thuộc chủng tánh Bà - la - môn. Ở đây, lừa theo ngựa sinh ra câu, ông lại nói nó là ngựa lừa. Như vậy không mâu thuẫn với lời nói trước đó chăng? Giả sử, này Phạm chí, nếu ngựa theo lừa mà sinh ra câu. Gọi nó là con gì?
Phạm chí đáp:
–Gọi nó là con lừa ngựa.
Phật hỏi:
–Thế nào, Phạm chí, con lừa ngựa, với con ngựa lừa, có khác gì nhau chăng? Có người nói: “Một hộc báu.” Người khác nói: “Báu một hộc.” Cả hai nghĩa có khác gì nhau chăng?
Phạm chí đáp:
–Đây chỉ một nghĩa. Vì sao? báu một hộc, hay một hộc báu, ý nghĩa chẳng khác gì nhau.
Phật hỏi:
–Thế nào, Phạm chí, con lừa ngựa và con ngựa lừa, đây không phải là một nghĩa[24] sao?
Phạm chí nói:
–Ở đây tuy Sa - môn Cù - đàm có nói như vậy, nhưng Bà - la - môn từ cho là: “Chủng tánh của ta hào quý không ai hơn.”
Phật nói:
–Ông trước đó khen cha. Sau đó khen mẹ. Nếu cha thuộc tánh Bà - la - môn, mẹ cũng chủng tánh Bà - la - môn, sau đó, sinh hai người con. Trong đó, về sau, một đứa biết nhiều kỹ thuật, không việc gì không rành. Đứa thứ hai chẳng biết gì. Khi ấy, cha mẹ chúng biệt đãi đứa nào?
Biệt đãi đứa con trí tuệ, hay đứa không biết gì?
Phạm chí đáp:
–Cha mẹ chúng tất sẽ biệt đãi đứa cao đức, thông minh, chứ không biệt đãi đứa không có trí tuệ. Vì sao? Ở đây, đứa con này không việc gì không biết, không việc gì rành, cho nên phải biệt đãi nó, mà không biệt đãi đứa con không trí tuệ.
Phật bảo Phạm chí:
–Trong hai đứa con ấy, đứa thông minh về sau nổi lên ý tưởng làm việc sát sinh, trộm cướp, dâm dật, cả mười pháp ác. Đứa không thông minh kia thì giữ hành vi của thân, miệng, ý. Mười pháp thiện, không phạm một pháp nào. Cha mẹ ấy sẽ kính đãi đứa nào?
Phạm chí đáp:
–Cha mẹ tất sẽ kính đãi đứa con hành mười điều thiện. Đứa hành bất thiện kia thì kính đãi làm gì?
Phật bảo Phạm chí:
–Ông trước khen đa văn, Sau khen giới. Thế nào, Phạm chí, giả sử có hai người con; một người cha chuyên chánh[25] nhưng mẹ không chuyên chánh; một người cha không chuyên chánh nhưng mẹ chuyên chánh. Người con có mẹ chánh nhưng cha không chánh không việc gì không rành, biết rộng các kinh thơ, kỹ thuật. Đứa thứ hai có cha chánh nhưng mẹ không chánh không học rộng nhưng trì mười điều thiện. Cha mẹ chúng nên kính đãi đứa nào? Kính đãi đứa có mẹ tịnh nhưng cha không tịnh, hay đứa có cha tịnh nhưng mẹ không tịnh?
Phạm chí đáp:
–Nên kính đãi đứa con có mẹ tịnh. Vì sao? Vì nó biết kinh thơ, rộng các kỹ thuật. Còn đứa con thứ hai, cha tịnh nhưng mẹ không tịnh, tuy trì giới nhưng không có trí tuệ, thì rốt cuộc chẳng làm được gì. Có văn thì có giới.
Phật bảo Phạm chí:
–Ông trước khen cha tịnh, không khen mẹ tịnh. Nay lại khen mẹ tịnh, không khen cha tịnh. Trước khen phẩm đức nghe, sau khen cấm giới. Rồi lại nói giới sau đó mới nói văn. Thế nào, Phạm chí, trong hai đứa con kia, một đứa nghe nhiều, học rộng, kiêm trì mười điều thiện. Đứa thứ hai có trí tuệ kiêm hành mười điều ác. Cho mẹ chúng nên kính đãi đứa nào?
Phạm chí đáp:
–Nên kính đãi đứa con nào mà có cha tịnh nhưng mẹ không tịnh. Vì sao? Người ấy mà bác lãm kinh thơ, hiểu biết nhiều kỹ thuật, ấy là do cha tịnh mà sinh được đứa con này, kiêm hành mười điều thiện không có điều vi phạm, tất cả các phẩm đức đều đầy đủ.
Phật nói:
–Ông trước đó chủ trương chủng tánh. Sau đó lại nói văn mà không nói chủng tánh. Sau nữa lại nói giới mà không nói văn. Rồi sau nữa lại nói văn mà không nói giới. Nay ông khen cha, mẹ, văn, giới, há không mâu thẫn với điều nói trước đó?
Phạm chí bạch Phật:
–Sa - môn Cù - đàm tuy có nói như vậy, nhưng những người Bà - la - môn tự cho rằng: “Chủng tánh của ta hào quý nhất không ai hơn.”
Thế Tôn nói:
–Những ai có cưới hỏi thì mới nói đến chủng tánh. Nhưng trong pháp ta, không có nghĩa đó. Ông có nghe nói đến người ở nước láng giềng, nước xa và những người biên địa khác nữa không?
–Vâng, tôi có nghe nói đến những người này.
Thế Tôn nói:
–Nhân dân trong các nước này có hai hạng chủng tánh[26]. Những gì là hai? Một là con người, hai là nô lệ.
Hai chủng tánh này cũng không nhất định.
Lại hỏi:
–Thế nào là bất định?
Phật nói:
–Có khi trước là người, sau đó là nô lệ. Có khi trước làm nô lệ, sau làm người. Tuy nhiên, các loại chúng sinh hết thảy đồng một loại chứ không có nhiều loại khác nhau. Khi trời đất hủy diệt, thế gian trở thành trống không. Khi ấy núi, sông, vách đá, cỏ cây các thứ vân vân đều bị thiêu hủy hết. Con người cũng mạng chung. Khi trời đất sắp sửa chuyển thành, bấy giờ chưa có mặt trời, mặt trăng, hạn kỳ năm tháng. Lúc bấy giờ trời Quang âm đến chốn này. Khi phước của trời Quang âm sắp hết, ánh sáng tịnh không còn, dần dần nhìn nhau chúng khởi dục tưởng. Ai dục ý nhiều hơn thì trở thành người nữ. Ai có dục ý ít hơn, thành người nam. Chúng giao tiếp với nhau mà thành bào thai. Do nhân duyên này mà có con người đầu tiên. Dần dần chuyển sinh bốn chủng tánh lan tràn trong thiên hạ. Do phương tiện này mà biết rằng, mọi người đều xuất xứ từ chủng tánh Sát - lợi.[27]
Bấy giờ, Phạm chí bạch Thế Tôn:
–Thôi, Cù - đàm. Như người gù được đứng thẳng, người mù được mắt, trong tối thấy ánh sáng. Sa - môn Cù - đàm cũng như vậy, bằng vô số phương tiện nói pháp cho con nghe. Nay con tự quy y Sa - môn Cù - đàm. Cúi mong Thế Tôn thuyết pháp, nhận con làm Ưu - bàtắc.
Rồi Phạm chí lại bạch Thế Tôn:
–Cúi mong Như Lai nhận lời mời của con.
Khi ấy Thế Tôn im lặng nhận lời. Phạm chí thấy Thế Tôn im lặng nhận lời mời, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy dưới chân rồi lui đi.
Ông trở về nhà, sửa soạn các thứ thức ăn, trải các chỗ ngồi, rảy nước thơm lên đất và tự nói rằng: “Như Lai sẽ ngồi chỗ này.”
Trong lúc ấy Phạm chí Thi - la dẫn năm trăm đệ tử đến nhà Phạm chí Sí - ninh. Từ xa, trông thấy nhà ấy đang trải các chỗ ngồi sang trọng, bèn hỏi Phạm chí Sí - ninh:
–Nhà ông hôm nay đang cưới gả con trai, con gái, hay muốn mời vua Tần - bà - sa - la nước Ma - kiệt chăng?
Phạm chí Sí - ninh đáp:
–Tôi không thỉnh mời vua Tần - bà - sa - la, cũng không có việc cưới gả con. Hôm nay tôi muốn gây dựng phước nghiệp lớn.
Phạm chí Thi - la hỏi:
–Mong được nghe rõ ý ông, muốn làm phước nghiệp gì?
Khi ấy Phạm chí Sí - ninh trả lời Phạm chí Thi - la rằng:[28]
–Thi - la nên biết, có vị con nhà Thích xuất gia học đạo, thành Vô thượng Chí chân Đẳng chánh giác. Tôi nay thỉnh Phật và Tăng Tỳ - kheo, nên mới bày biện trải các chỗ ngồi như vậy.
Phạm chí Thi - la hỏi:
–Phạm chí Sí - ninh, ông nói Phật phải không?
Đáp:
–Tôi nói Phật.
Lại hỏi:
–Thật là kỳ diệu, thật hy hữu, nay được nghe tiếng Phật. Nhưng Phật đang ở đâu? Tôi muốn gặp.
Sí - ninh nói:
–Đang ở trong vườn Trúc, ngoài thành La - duyệt, cùng với năm trăm vị đệ tử[29]. Ông muốn gặp, hãy đến đó. Nên biết đúng lúc thích hợp.
Bấy giờ ông Phạm chí này dẫn năm trăm đệ tử đi đến chỗ Phật. Đến nơi, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Khi ấy Phạm chí Thi - la có ý nghĩ này: “Sa - môn Cù - đàm thật là đẹp. Thân màu hoàng kim. Trong kinh thơ của ta có nói, Như Lai xuất hiện ở đời, thật khó gặp. Cũng như hoa Ưu - đàm - bát lâu lắm mới trổ hoa. Nếu thành tựu ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, sẽ có hai con đường. Nếu sống tại gia, sẽ làm Chuyển luân thánh vương, bảy báu đầy đủ. Nếu xuất gia học đạo, chắc chắn thành đạo Vô thượng, là đấng Chí tôn[30] trong ba cõi. Nay ta muốn nhìn thấy ba mươi hai tướng của Phật.” Nhưng lúc đó Phạm chí chỉ quan sát được ba mươi tướng, không thấy hai tướng kia. Ông còn đang hồ nghi do dự, là không thấy tướng lưỡi dài và mã âm tàng.
Phạm chí Thi - la bèn nói bài kệ để hỏi:
Tôi nghe ba mươi hai
Tướng tốt bậc Đại nhân
Nay không thấy hai tướng
Rốt lại, chúng ở đâu?
Mã âm tàng trinh khiết
Tướng này khó thí dụ
Tướng lưỡi có rộng dài
Đến tai, che cả mặt?
Mong thấy lưỡi rộng dài
Để tôi không hồ nghi
Mong cho tôi được thấy
Để cắt đứt lưới nghi.
❑
[1] . Tham chiếu Pāli, A. XI. 18 (R. v. 347), M. 33 Gopāka (R. i. 410). Hán, Tạp 47 No 99(1249).
[2] . Hán: ma loát 摩刷. Pāli: Na āsāṭikaṃ hāretā, không diệt trứng ruồi nhặng.
[3] . Thời nghi 時宜, đoạn dưới: Thời nghi thực, cho ăn đúng lúc.
[4] . Pāli: Không coi trọng con bò đầu đàn.
[5] . Nguyên Hán: Tạo chúng ương điệp 造眾殃舋 (?). Pāli: Do không phòng hộ nhãn căn khiến các pháp ác bất thiện, tham, ưu trôi chảy vào.
[6] . Bản Pāli: Không che đậy vết thương (na vaṇaṃ paṭicchādetā): Tỳ - kheo không phòng hộ nhãn căn.
[7] . Bản Pāli: Không diệt trứng ruồi, tức không dứt bỏ ba bất thiện tầm: Dục (kāmavitakkaṃ), sân (byāpādavitakkaṃ), hại (vihiṃsāvitakkaṃ).
[8] . Bất tri sở ái 不知所愛, không có trong liệt kê trên. Có thể dịch khác từ “không biết chỗ nào an ổn”.
[9] . Xem cht. trên.
[10] . Hán dịch có chỗ bất nhất. Trên kia, đây là mục Tỳ - kheo biết điều sở ái.
[11] . Đoạn trên, bốn Ý chỉ trong mục biết ruộng cỏ. Tám Thánh đạo, trong mục biết chỗ qua sông.
[12] . Văn dịch không nhất quán. Ở đây, vắt sữa biết chừa lại.
[13] . Hán dịch sót một đoạn Phật trả lời A - nan.
[14] . Mười một hạnh Đầu - đà, xem kinh số 5 phẩm 12; văn dịch trong hai đoạn có một điểm khác nhau.
[15] . Trong bản: Đa - tát - a - kiệt 多薩阿竭. Pāli (Skt.) Tathāgata.
[16] . Câu - lưu - sa Pháp hành thành 拘留沙法行城. Pāli: Kammāsadamma (Kammāsadhamma), thị trấn của người Kuru.
[17] . Tượng Xá - lợi - phất 象舍利弗, Pāli: Hatthisāriputta, cũng gọi là Citta Hatthisāriputta, hay Hatthirohaputta. Ông xả giới hoàn tục sáu lần.
[18] . Nguyên Hán: Ái dục dĩ tận 欲愛已盡. Dịch ngữ không chính xác, do đó không nên nhầm với ái tận giải thoát (Pāli: Tāṇhakkhayavimutti) của A - la - hán.
[19] . Định nghĩa này rất gần với Pāli, nhưng văn dịch không được rõ. Cf. D. 22 (R.ii. 305): Yā tesaṃ tesaṃ sattānaṃ tamhi tamhi sattanikāye jāti sañjāti okkanti abhinibbatti khandhānaṃ pātubhāvo āyatanānaṃ paṭilābho, ayaṃ vuccati, bhikkhave, jāti, “từng loại từng loại chúng sinh, trong từng giới loại, sự xuất sinh, sản sinh, nhập thai, chuyển sinh, năm uẩn xuất hiện, nhận được các xứ, đó gọi là sinh.”
[20] . Cf. Trung 24, kinh 97, A - nan phát biểu tương tự. Cf. Trường 10, kinh 13; Pāli, D. 15 Mahānidāna.
[21] Nguyên Hán: Duyên bản, đồng nghĩa với từ nidāna (Pāli) có khi được dịch là nhân duyên.
[22] . Nguyên Hán: Câu 駒, ngựa con; cũng chỉ lừa con.
[23] . Hán: Lô mã 驢馬, con ngựa có liên hệ đến lừa. Phân biệt với mã lô 馬驢 nói sau. Lưu ý danh từ làm định ngữ.
[24] . Nghĩa 義, đây nên hiểu là vật. Pāli: Attha, hay Skt. Artha.
[25] . Chuyên chánh 專正, đoạn dưới nói là tịnh 淨, đều chỉ ý nghĩa huyết thống thuần tịnh tức không bị lai giống.
[26] . Nguyên Hán: Tánh 姓, chỉ giai cấp xã hội.
[27] . Cf. Trường 6, kinh 5 Tiểu duyên; Pāli, D 24 Aggañña.
[28] . Để bản: Phạm chí thiên lộ hữu kiên trường quỵ xoa thủ bạch Thế Tôn tự trần tánh danh Thi - la 梵志偏露右肩。長跪叉手。白世尊自陳姓名施羅 (mười chín chữ); đoạn văn này không phù hợp sự việc đang xảy ra. Ở đây dịch theo bản Nguyên Minh: Sí - ninh Phạm chí báo Thi - la Phạm chí viết 翅甯梵志報施羅梵志曰 (mười chữ).
[29] . Việt dịch bỏ bốn từ: Tự tương ngộ lạc 自相娛樂, vốn dịch từ viharati: An trú; do đó không thể dịch sát:
“cùng vui thú với nhau”. Vừa ngây ngô mà dễ gây ngộ nhận.
[30] . Nguyên Hán: Thế hựu 世祐, có khi dịch là Chúng hựu, dịch từ bhagava.
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]