TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 125 - KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.

Phẩm 8: A-TU-LUÂN

Kinh số 1

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Thọ thân hình lớn không ai hơn vua A-tuluân. Tỳ-kheo nên biết, thân hình A-tu-luân lớn cao tám vạn bốn ngàn do-tuần. Miệng rộng ngàn do-tuần. Tỳ-kheo nên biết, có lúc vua A-tu-luân muốn xúc phạm đến mặt trời, liền hóa thân cao gấp bội đến mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, đến trước mặt trời, mặt trăng. Vua mặt trời, mặt trăng thấy vậy, trong lòng sợ hãi cho nơi ở của mình không an ninh. Vì sao? Vì thân hình A-tu-luân rất đáng sợ. Vua mặt trời, mặt trăng kia vì ôm lòng sợ hãi, nên ánh sáng không còn nữa. Nhưng A-tuluân không dám đến trước bắt mặt trời, mặt trăng. Vì sao? Vì oai đức mặt trời, mặt trăng có thần lực lớn, thọ mạng rất dài, nhan sắc đoan chánh, hưởng lạc vô cùng. Muốn biết thọ mạng dài ngắn thì tuổi thọ trụ một kiếp. Hơn nữa, do phước báo của chúng sinh cõi này, nên vua mặt trời, mặt trăng không bị A-tu-luân thấy mà xúc não. Bấy giờ, A-tu-luân ôm lòng sầu lo liền biến mất.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, ác ma Ba-tuần luôn ở sau các ông, tìm cầu phương tiện làm bại hoại thiện căn. Ba-tuần liền hóa ra sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp mịn màng, láng mướt, cực kỳ vi diệu lạ lùng, muốn làm mê loạn ý các Tỳ-kheo. Ba-tuần tự nghĩ: “Ta sẽ rình cơ hội nơi mắt Tỳ-kheo và cũng rình cơ hội nơi tai, mũi, lưỡi, thân và ý.”

Lúc ấy, Tỳ-kheo tuy thấy pháp sáu tình cực kỳ vi diệu, nhưng tâm không nhiễm đắm. Bấy giờ, ác ma Ba-tuần ôm lòng sầu lo liền rút lui. Vì sao? Vì những ảnh hưởng oai lực của Như Lai bậc A-la-hán[1] mà như vậy. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo không gần sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp mịn màng, láng mướt.

Bấy giờ, Tỳ-kheo thường xuyên học như vầy: “Thật là khó khăn khi nhận đồ hiến cúng của người. Nếu không thể tiêu hóa được thì sẽ rơi vào năm đường; không thể đến được đạo Chánh chân vô thượng.”

Cho nên cần phải chuyên tâm, để đạt được cái chưa đạt được, vượt qua cái chưa được vượt qua, chưa chứng đắc khiến cho chứng.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, chưa được tín thí không khởi tưởng niệm, đã có tín thí thì hãy làm cho tiêu hóa, không khởi nhiễm đắm. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 2[2]

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người[3] xuất hiện ở thế gian, đem nhiều lợi ích cho người, an ổn chúng sinh, thương đời ngu tối, muốn khiến trời, người có được phước hựu. Một con người đó là ai? Đó là Đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác[4]. Đó gọi là có một con người xuất hiện ở thế gian đem nhiều lợi ích cho người, an ổn chúng sinh, thương đời ngu tối, muốn khiến trời, người có được phước hựu.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên khởi lòng cung kính đối với Như Lai. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 3[5]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người* mà xuất hiện ở thế gian, liền có một người nhập đạo ở tại thế gian và cũng xuất hiện ở thế gian có hai đế, ba giải thoát môn, pháp chân thật bốn Đế, năm Căn; sáu tà kiến diệt[6]; bảy Giác ý, tám Đạo phẩm Hiền thánh, chín cõi cư trú của chúng sinh, mười Lực của Như Lai, mười một Từ tâm giải thoát.

Một con người ấy là ai? Đó là Đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác*. Đó gọi là có một con người xuất hiện ở thế gian, liền có một người nhập đạo ở tại thế gian và cũng xuất hiện ở thế gian có hai đế, ba giải thoát môn, pháp chân thật bốn Đế, năm Căn; sáu tà kiến diệt; bảy Giác ý, tám Đạo phẩm Hiền thánh, chín cõi cư trú của chúng sinh, mười Lực của Như Lai, mười một Từ tâm giải thoát.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên khởi lòng cung kính đối với Như Lai. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 4[7]

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người mà xuất hiện ở thế gian, liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở thế gian. Một con người ấy là ai?

Đó là Đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác*. Đó gọi là một người xuất hiện ở thế gian, liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở thế gian.

Cho nên các Tỳ-kheo, hãy có tín tâm hướng đến Phật, chớ có nghiêng tà. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 5

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người mà xuất hiện ở thế gian thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt. Bấy giờ, những kẻ phàm ngu bị kết sử trói buộc bởi vô minh sở kiến này, nên không biết như thật về con đường sinh tử, luân hồi qua lại từ đời này qua đời sau, từ kiếp này qua kiếp nọ, không cởi trói được. Nếu lúc đó có Như Lai, bậc A-la-ha, Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt.

Cho nên các Tỳ-kheo, nên nhờ thừa sự chư Phật. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 6

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người mà xuất hiện ở thế gian, liền có ba mươi bảy phẩm xuất hiện ở thế gian. Những gì là ba mươi bảy phẩm đạo?

Đó là bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác y, tám Chân hành, liền xuất hiện ở thế gian.

Một con người ấy là ai? Đó là Đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác*.

Cho nên các Tỳ-kheo, thường nên thừa sự Phật. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 7[8]

Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người mà mất hẳn ở thế gian thì nhiều người sẽ ôm lòng sầu lo; khắp trời, người mất cả bóng che. Một con người ấy là ai?

Đó là Đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác*. Đó gọi là có một con người mà mất hẳn ở thế gian, nhân loại phần nhiều ôm lòng sầu lo; khắp trời, người mất cả bóng che. Vì sao? Vì nếu Đức Như Lai diệt tận ở đời, thì ba mươi bảy phẩm cũng lại diệt tận.

Cho nên các Tỳ-kheo, thường nên cung kính đối với Phật. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 8

Nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người mà xuất hiện ở thế gian thì bấy giờ trời, người liền được thấm nhuần ánh sáng, liền có tín tâm nơi giới, văn, thí, tuệ. Giống như ánh trăng tròn mùa thu vằng vặc chiếu khắp mọi nơi, thì ở đây cũng vậy. Nếu Như Lai, bậc A-la-ha, Chánh Đẳng Chánh Giác, xuất hiện thế gian, thì trời, người liền được thấm nhuần ánh sáng, liền có lòng tin đối với giới, văn, thí, tuệ, như trăng tròn chiếu khắp tất cả.

Cho nên các Tỳ-kheo, nên khởi lòng cung kính đối với Như Lai. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 9

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người mà xuất hiện ở thế gian thì bấy giờ tất cả trời, người đều đông đúc, chúng sinh ba đường ác liền tự giảm thiểu. Giống như đất nước lúc có Thánh vương cai trị giáo hóa, thì nhân dân trong thành này đông mạnh, nước láng giềng sức yếu hơn, ở đây cũng vậy. Nếu lúc Như Lai, xuất hiện thế gian thì ba đường ác liền tự giảm thiểu.

Cho nên các Tỳ-kheo, nên khởi lòng tin đối với Phật. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh số 10[9]

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Có một con người xuất hiện ở thế gian mà không có một ai bắt kịp, không thể bắt chước, đi một mình, không bạn lữ, không ai sánh ngang; chư Thiên cùng loài người không ai có thể sánh kịp; đối tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không ai sánh kịp. Một con người ấy là ai? Đó là Đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác*. Đó gọi là một con người xuất hiện ở thế gian mà không có một ai bắt kịp, không thể bắt chước, đi một mình, không bạn lữ, không ai sánh ngang; chư Thiên cùng loài người không ai có thể sánh kịp; người mà tín, giới, văn, thí, tuệ thảy đều đầy đủ. Cho nên các Tỳ-kheo, nên khởi lòng tin cung kính đối với Phật. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Tu-luân, ích, một đường
Ánh sáng cùng tối tăm
Đạo phẩm, mất hẳn, tin
Đông đúc, không ai bằng.



[1] . Trong nguyên bản: Đa-tát-a-kiệt a-la-ha 多 薩 阿 竭 阿 羅 呵 .

[2] . Tham chiếu Pāli, A.1. 13.1 (Ekapuggalavaggo, R.i. 22).

[3] Pāli: Ekapuggalo.

[4] . Trong nguyên bản: Đa-tát-a-kiệt A-la-ha Tam-da-tam-phật 多 薩 阿 竭 阿 羅 呵  三 耶 三 佛 .

[5] . Tham chiếu Pāli, A.1.13.6. (R.i. 22).

[6] Pāli: Xuất hiện sáu vô thượng (channaṃ anuttariyānaṃ pātubhāvo hoti).

[7] Tham chiếu Pāli, A.1.13.6.

[8] . Tham chiếu Pāli, A.1.13.4.

[9] . Pāli, A.1. 16. 5.


[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]