TẠNG KINH
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà, người nước Kế Tân.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Giống như người mẹ có một người con duy nhất, trong lòng tin tưởng, hằng nghĩ như vầy:
“Phải dạy dỗ làm sao cho nó trở thành người?” Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa này. Thế Tôn là gốc các pháp, những điều Như Lai trần thuật, không ai là không vâng lãnh. Cúi xin Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa sâu này.
Nghe rồi, chúng con phụng hành.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Hãy lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt nghĩa này cho các ông.
Các Tỳ-kheo thưa:
–Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
–Giống như Ưu-bà-tư kia, trong lòng tin tưởng, dạy dỗ như vầy: “Nay con ở tại gia phải như gia chủ Chất-đa và như đồng tử Tượng. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực. Những đệ tử của Thế Tôn đã chứng ngộ, đó là gia chủ Chất-đa và đồng tử Tượng[1]. Còn nếu con trẻ muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, thì phải như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiềnliên[2]. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực[3]. Nghĩa là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mụckiền-liên thích học chánh pháp, không tạo nghiệp tà để dấy lên phi pháp. Nếu con có sinh tư tưởng nhiễm đắm này, con sẽ rơi vào trong ba đường ác.” Do đó, nên chuyên tâm khéo nhớ: “Hãy đạt được cái chưa đạt được. Hãy thu hoạch cái chưa thu hoạch. Hãy chứng cái chưa chứng.” Sở dĩ như vậy, nay các Tỳ-kheo, vì sức nặng của tín thí thật khó có thể tiêu được, khiến cho con người không đến được đạo. Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ sinh ý tưởng nhiễm đắm. Đã sinh rồi thì hãy diệt. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Có Ưu-bà-tư chí tín, có một người con gái duy nhất, phải dạy dỗ làm sao cho nó thành tựu?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa này. Thế Tôn là gốc các pháp, những điều Như Lai trần thuật, không ai là không vâng lãnh. Cúi xin Thế Tôn, vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa sâu này.
Nghe rồi, chúng con phụng hành.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Hãy lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt nghĩa này cho các ông.
Các Tỳ-kheo thưa:
–Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
–Giống như Ưu-bà-tư chí tín kia dạy dỗ con gái như vầy: “Nay con ở tại gia phải như Ưu-bàtư Câu-thù-đa-la và mẹ Nan-đà[4]. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực. Các đệ tử của Thế Tôn đã chứng ngộ, đó chính là Ưu-bà-tư Câu-thù-đa-la và mẹ Nan-đà. Còn nếu ý con gái muốn cạo bỏ râu tóc[5], mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì phải như Tỳ-kheo-ni Sấm*-ma, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc. Sở dĩ như vậy, vì đây là khuôn phép, đây là mẫu mực. Nghĩa là Tỳ-kheo-ni Sấm*ma[6], Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc thích học chánh pháp, không tạo nghiệp tà để dấy lên phi pháp. Nếu con có sinh tư tưởng nhiễm đắm này, con sẽ rơi vào trong ba đường ác.”
Do đó, nên chuyên tâm khéo nhớ: “Hãy đạt được cái chưa đạt được. Hãy thu hoạch cái chưa thu hoạch. Hãy chứng cái chưa chứng.” Sở dĩ như vậy, này các Tỳ-kheo, vì sức nặng của tín thí thật khó có thể tiêu được, khiến cho con người không đến được đạo. Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ sinh ý tưởng nhiễm đắm. Đã sinh rồi thì hãy diệt. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta không thấy một pháp nào nhanh nhạy hơn tâm, không thể ví dụ được. Giống như vượn khỉ, tâm không chuyên định, buông cái này, chụp lấy kia. Tâm cũng như vậy, tưởng trước và tưởng sau bất đồng. Vì tâm luân chuyển nhanh nhạy pháp mà không có phương tiện nào bắt chước được. Cho nên, này các Tỳ-kheo, người phàm phu không thể quán sát tâm ý. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy luôn luôn hàng phục tâm ý khiến hướng theo đường thiện. Các ông hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta không thấy một pháp nào nhanh nhạy hơn tâm, không thể ví dụ được. Giống như vượn khỉ, tâm không chuyên định, buông cái này, chụp lấy kia. Tâm cũng như vậy, tưởng trước và tưởng sau bất đồng. Vì tâm luân chuyển nhanh nhạy pháp mà không có phương tiện nào bắt chước được. Cho nên, nay các Tỳ-kheo, người phàm phu không thể quán sát tâm ý. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy luôn luôn hàng phục tâm ý khiến hướng theo đường thiện. Các ông hãy học điều này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta hằng quán sát thấy những điều niệm tưởng trong tâm của một người. Người này như trong khoảnh khắc cánh tay co duỗi đọa vào trong địa ngục. Sở dĩ như vậy, là do tâm ác. Tâm mà sinh bệnh, nó rơi rớt xuống địa ngục.
Bấy giờ, Thế Tôn, liền nói kệ:
Giống như có một người
Tâm ôm tưởng sân hận
Nay bảo các Tỳ-kheo
Diễn rộng nghĩa thú này.
Nay chính lúc thích hợp:
Nếu có người mạng chung
Giả sử vào địa ngục
Do tâm hành ô uế.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy hàng phục tâm, chớ để sinh các hành ô uế. Như vậy, các ông hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta thường quán sát thấy những điều niệm tưởng trong tâm một người. Người này như trong khoảnh khắc cánh tay co duỗi mà sinh lên trời. Sở dĩ như vậy, do tâm thiện. Đã sinh tâm thiện, liền sinh lên trời.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Nếu lại có một người
Mà sinh tâm thiện diệu Nay bảo các Tỳ-kheo Diễn rộng nghĩa thú này.
Nay là lúc thích hợp:
Nếu có người mạng chung Liền được sinh lên trời Là do tâm hành thiện.
Cho nên, các Tỳ-kheo hãy phát tâm ý trong sạch, chớ để sinh các hành ô uế. Như vậy, các ông hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta ở trong chúng này không thấy một pháp nào tối thắng, tối diệu, nó huyền hoặc người đời khiến không đi đến nơi vĩnh viễn tịch tĩnh mà trói buộc vào lao ngục không giải thoát được; đó là, người nam thấy sắc của người nữ, liền khởi tưởng đắm trước, tâm ý hết mực yêu thương, khiến không đi đến nơi vĩnh viễn tịch tĩnh mà trói buộc vào lao ngục không giải thoát được, ý không lìa bỏ, xoay vần qua lại đời này đời sau, luân chuyển năm đường, trải qua bao kiếp.
Bấy giờ, Thế Tôn, liền nói kệ:
Tiếng Phạm thiên êm dịu
Như Lai nói, khó thấy
Hoặc lại có lúc thấy
Nên buộc niệm trước mắt.
Cũng chớ cùng nữ nhân
Qua lại chuyện trò nhau
Hằng giăng lưới bắt người
Không đến vô vi được.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy trừ các sắc, chớ khởi ý tưởng đắm trước. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các ông hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta ở trong chúng này không thấy một pháp nào tối thắng, tối diệu, nó huyền hoặc người đời khiến không đi đến nơi vĩnh viễn tịch tĩnh, mà trói buộc vào lao ngục không giải thoát được; đó là, người nữ thấy sắc của người nam, liền khởi tưởng đắm trước, tâm ý hết mực yêu thương, khiến không đi đến nơi vĩnh viễn tịch tĩnh, mà trói buộc vào lao ngục không giải thoát được, ý không lìa bỏ, xoay vần qua lại đời này đời sau, luân chuyển năm đường, trải quả báo kiếp.
Bấy giờ, Thế Tôn, liền nói kệ:
Nếu sinh tưởng điên đảo
Khởi niệm, tâm ân ái
Hãy trừ niệm, ý nhiễm
Liền không các nhơ này.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy trừ các sắc, chớ khởi ý tưởng đắm trước. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các ông hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta ở trong chúng này không thấy một pháp nào, không có tưởng dục liền khởi dục tưởng; tưởng dục đã khởi liền tăng thêm. Không có tưởng sân nhuế liền khởi sân nhuế, sân nhuế đã khởi liền tăng thêm. Không có tưởng thùy miên liền khởi thùy miên, thùy miên đã khởi liền tăng thêm. Không có tưởng trạo cử[7], liền khởi trạo cử; trạo cử đã khởi liền tăng thêm. Không có tưởng nghi, liền khởi tưởng nghi; tưởng nghi đã khởi, liền tăng thêm. Vậy nên, hãy quán ác bất tịnh tưởng ghê tởm. Nếu có loạn tưởng thì không có tưởng dục liền khởi dục tưởng; tưởng dục đã khởi liền tăng thêm; không có tưởng sân nhuế liền khởi sân nhuế, sân nhuế đã khởi liền tăng thêm; không có tưởng thùy miên liền khởi thùy miên, thùy miên đã khởi liền tăng thêm; không có tưởng trạo cử, liền khởi trạo cử; trạo cử đã khởi liền tăng thêm; không có tưởng nghi, liền khởi tưởng nghi; tưởng nghi đã khởi, liền tăng thêm.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ khởi loạn tưởng. Hãy thường chuyên ý. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các ông hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Ta ở trong chúng này không thấy một pháp nào, chưa có tưởng dục thì khiến tưởng dục không sinh; tưởng dục đã sinh thì hãy diệt chúng. Chưa có tưởng sân nhuế thì khiến không sinh, tưởng sân nhuế đã sinh thì hãy diệt. Chưa có thùy miên tưởng thì khiến không sinh; tưởng thùy miên đã sinh thì hãy diệt. Chưa có tưởng trạo cử thì khiến không sinh, tưởng trạo cử đã sinh thì hãy diệt. Chưa có tưởng nghi thì khiến không sinh, tưởng nghi đã sinh thì hãy diệt. Hãy nên quán bất tịnh ghê tởm. Đã quán bất tịnh ghê tởm, tưởng dục chưa sinh liền không sinh; đã sinh thì sẽ bị diệt; sân nhuế chưa sinh thì không sinh, sân nhuế đã sinh thì sẽ bị diệt;... cho đến tưởng nghi chưa sinh thì không sinh, tưởng nghi đã sinh thì sẽ bị diệt.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, thường phải chuyên tâm, quán bất tịnh tưởng. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các ông hãy học điều này.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Hai điều đó, hai tâm
Một đọa, một sinh Thiên
Nam, nữ tưởng thọ lạc
Hai dục tưởng sau cùng.
[1] . Tham chiếu, A. ii. 12. 3 (R i. 89): Cư sĩ Citta (Chất-đa) và Haṭṭhaka người Āḷavī (Thủ trưởng giả, bản Hán đọc là Hatthika): Đệ nhất trong những vị hành bốn Nhiếp sự.
[2] . Tham chiếu Pāli, A. II. 12.1 (R i. 88).
[3] Hán: Thử thị kỳ hạn, thử thị kỳ lượng 此 是 其 限。此 是 其 量。Pāli. ibid., esā tulā etaṃ pamāṇaṃ.
[4] Tham chiếu Pāli, ibid.: Ưu-bà-di Khujjuttarā, và Nandāmātā người Veḷukanṭa.
[5] . Nguyên Hán: Tu phát 鬚 髮。
[6] Pāli, ibid.: Khemā và Uppalavaṇṇā.
[7] . Nguyên Hán: Điệu hý 調 戲。
[Đầu trang][Mục lục Tăng Nhất A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]