TẠNG KINH
SỐ 99 - TẠP A-HÀM QUYỂN 44
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Am-la, tại nước Di-hy-la[2]. Khi ấy, có thiếu phụ Bà-la-môn tên là Bà-tứ-tra[3], có sáu người con qua đời liên tiếp. Vì nhớ con nên phát cuồng, trần truồng, xõa tóc, cứ theo đường mà chạy[4], đến trong vườn Amla, Di-hy-la. Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đang vây quanh. Từ xa, thiếu phụ Bà-la-môn Bà-tứ-tra trông thấy Thế Tôn. Vừa thấy, bỗng tỉnh tâm lại, thẹn thùng xấu hổ nép mình ngồi xổm xuống.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan: “Lấy Uất-đa-la-tăng của ông đem cho thiếu phụ Bà-la-môn Bà-tứ-tra và bảo khoác vào để nghe pháp.” Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, lấy y đưa cho bà khoác vào. Sau khi bà được y, mặc xong, đến trước Phật cúi đầu lễ Phật, ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn vì bà thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Như thường lệ, Đức Phật thuyết pháp theo thứ lớp cho đến khi tín tâm thanh tịnh, thọ tam tự quy.
Sau khi nghe Phật thuyết pháp, bà hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ ra về.
Sau đó người con thứ bảy của Ưu-bà-di Bà-tứtra này đột nhiên lại qua đời. Nhưng bà Ưu-bà-di này không còn ưu bi, khổ, não, khóc lóc nữa. Lúc này, chồng của bà Ưu-bà-di Bà-tứ-tra làm kệ nói với bà rằng:
Những đứa con trước chết,
Nhớ thương sanh ưu khổ;
Ngày đêm không ăn uống,
Cho đến phát cuồng điên.
Nay chôn đứa thứ bảy,
Sao không sanh ưu khổ?
Ưu-bà-di Bà-tứ-tra liền nói kệ đáp lại cho chồng rằng:
Con cháu có cả ngàn,
Nhân duyên hòa hợp sanh;
Đã lâu thành quá khứ;
Tôi và ông cũng vậy.
Con cháu và dòng họ,
Số này không hạn lượng,
Sanh nơi này, nơi kia;
Tàn sát, ăn thịt nhau.
Nếu biết cuộc sống ác[5],
Sanh ưu khổ làm gì.
Tôi đã biết xuất ly,
Sự sống chết, còn mất.
Không còn sanh ưu khổ,
Do nhập Chánh pháp Phật.
Lúc ấy, người chồng của Ưu-bà-di Bà-tứ-tra làm kệ khen rằng:
Pháp chưa từng được nghe,
Mà nay nghe bà nói.
Nghe nói pháp ở đâu,
Không ưu khổ nhớ con?
Ưu-bà-di Bà-tứ-tra làm kệ đáp:
Nay Đấng Đẳng Chánh Giác,
Tại nước Câu-hy-la;
Trong vườn cây Am-la,
Lìa hẳn tất cả khổ.
Diễn nói tất cả khổ,
Khổ tập, Khổ tịch diệt.
Bát chánh đạo Hiền thánh,
An ổn hướng Niết-bàn.
Đó là Thầy của tôi,
Hâm mộ Chánh giáo Ngài.
Tôi đã biết Chánh pháp,
Hay trừ khổ nhớ con.
Người chồng là Bà-la-môn nói kệ đáp:
Nay tôi cũng sẽ đến,
Vườn Am-la, Di-hy;
Đức Thế Tôn cũng sẽ,
Dạy bỏ khổ nhớ con.
Ưu-bà-di lại nói kệ đáp:
Nên quán Đẳng Chánh Giác,
Mềm mại thân sắc vàng;
Điều phục người khó điều,
Đưa khắp người qua bể.
Bấy giờ, Bà-la-môn liền sửa soạn xe cộ; rồi lên xe ngựa đến vườn Am-la, Di-hy. Từ xa trông thấy Thế Tôn, lòng tin vui tăng lên, đến trước Đại Sư. Khi ấy Đại Sư vì ông mà nói kệ, khai mở pháp nhãn cho ông, thấy khổ, tập, diệt, đạo, thẳng đến Niết-bàn. Ông liền thấy pháp, thành tựu hiện quán. Sau khi biết pháp rồi, xin được phép xuất gia. Ngay lúc đó Bà-la-môn liền được xuất gia và một mình ở chỗ yên tĩnh, tư duy... cho đến đắc A-lahán.
Thế Tôn đã ký thuyết là chờ vào đêm thứ ba, ông sẽ đắc tam minh. Sau khi đắc tam minh rồi, Đức Thế Tôn bảo ông, sai người đánh xe hãy đem xe về nhà, cho Ưu-bà-di Bà-tứ-tra biết, khởi phát lời tùy hỷ chúc mừng rằng:
“Bà-la-môn đã đến gặp Thế Tôn; đã có được tín tâm thanh tịnh và kính thờ làm Thầy. Đại Sư liền vì ông thuyết pháp, vì ông mà khai mở pháp nhãn, ông đã thấy Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và tám đường Hiền thánh an ổn thẳng đến Niết-bàn, thành tựu hiện quán. Sau khi biết pháp rồi, liền xin xuất gia và Thế Tôn đã ký thuyết là vào đêm thứ ba ông đắc tam minh đầy đủ.” Khi đó người đánh xe vâng lời liền quay về nhà, từ xa Ưu-bà-di Bà-tứ-tra trông thấy người đánh xe đánh xe không trở về, liền hỏi:
“Bà-la-môn có gặp được Phật không? Phật có vì ông thuyết pháp, khai thị pháp nhãn cho ông thấy Thánh đế không?”
Người đánh xe thưa:
“Bà-la-môn đã đến gặp Thế Tôn; đã có được tín tâm thanh tịnh và kính thờ làm Thầy. Đại Sư liền vì ông thuyết pháp, vì ông mà khai mở pháp nhãn, ông đã thấy Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và tám đường Hiền thánh an ổn thẳng đến Niết-bàn, thành tựu hiện quán. Sau khi biết pháp rồi, liền xin xuất gia và Thế Tôn đã ký thuyết là vào đêm thứ ba ông đắc tam minh đầy đủ.” Lúc ấy, Ưu-bà-di trong lòng liền vui vẻ, nói với người đánh xe:
“Cho ông chiếc xe ngựa này công thêm một trăm ngàn tiền vàng, vì ông đã truyền tin, nói là Bà-la-môn Tú-xà-đế[6] đã chứng tam minh, khiến lòng tôi vui vẻ.”
Người đánh xe đáp:
“Bây giờ con đâu cần xe ngựa và vàng bạc làm gì? Xe ngựa vàng bạc, xin trả lại cho bà Ưu-bà-di, nay con sẽ trở lại chỗ Bà-la-môn, theo ông xuất gia.”
Ưu-bà-di nói:
“Ý ông như vậy, thì hãy mau mau trở lại để theo ông chủ xuất gia, không bao lâu cũng sẽ được tam minh đầy đủ như ông chủ.” Người đánh xe nói:
“Đúng vậy, thưa bà Ưu-bà-di, như ông chủ xuất gia, con cũng sẽ như vậy.” Bà Ưu-bà-di nói:
“Cha của ngươi đã xuất gia, ngươi cũng xuất gia theo. Ta nay không bao lâu cũng sẽ đi theo. Giống như con rồng lớn trong đồng trống lướt qua hư không mà du hành. Những con rồng khác, rồng con trai, rồng con gái, thảy đều bay theo. Ta cũng như vậy, sẽ mang bát, đắp y, sống đời dễ thỏa mãn.”
Người đánh xe thưa:
“Thưa bà Ưu-bà-di, nếu như vậy, sở nguyện của bà ắt sẽ thành tựu. Không bao lâu sẽ thấy bà Ưu-bà-di ít muốn, biết đủ, đắp y, mang bát, xin nhận những gì người ta bỏ đi mà ăn, cạo tóc mặc áo nhuộm. Đối với ấm, giới, nhập, đoạn trừ ái dục, xa lìa sự trói buộc của tham và dứt hết các hữu lậu.”
Ông Bà-la-môn, người đánh xe, bà Ưu-bà-di Bà-tứ-tra và cô con gái là Tôn-đà-bàn-lê[7] đều xuất gia, cứu cánh thoát khổ.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Đại lâm[9], nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, có Bà-la-môn Tỳ-lê-da Bà-la-đậu-bà-giá[10], sáng sớm đi mua bò, chưa kịp trả giá, ngay hôm đó mất bò. Sáu ngày không tìm thấy. Nhân tìm bò, Bà-la-môn đến tinh xá Đại lâm. Từ xa trông thấy Thế Tôn đang ngồi dưới bóng cây, dung nghi đĩnh đặc, các căn thanh tịnh, tâm Ngài vắng lặng, thành tựu chỉ quán. Thân Ngài sắc vàng chiếu sáng chói. Thấy vậy, liền đến trước Ngài nói kệ:
Vì sao không sở cầu,
Trống vắng ở nơi này,
Một mình nơi rừng vắng,
Mà tâm được an lạc?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Hoặc mất, hoặc được lại,
Đối tâm Ta không loạn;
Bà-la-môn nên biết,
Chớ nói kia như Ta.
Tâm chấp việc được mất,
Tâm ấy không tự tại.
Lúc ấy Bà-la-môn lại nói kệ:
Chỗ Phạm chí hơn hết,
Như Tỳ-kheo đã nói;
Nay tôi sẽ tự nói,
Lắng nghe lời chân thật.
Sa-môn định chẳng phải
Người mất bò buổi sáng,
Sáu ngày tìm không được,
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Người gieo trồng ruộng mè
Lo cỏ hoang phủ mất;
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Người trồng lúa thiếu nước,
Sợ hoang khô mà chết;
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Quả phụ có bảy người,
Đều nuôi con mồ côi;
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Bảy con không được yêu,
Phóng túng nhiều nợ nần;
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Chủ nợ giữ cửa mình,
Tìm đòi tiền lãi nhiều;
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Đồ nằm sâu bảy lớp
Lo lắng nhặt côn trùng;
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Vợ tóc vàng, mắt đỏ,
Ngày đêm nghe tiếng ác;
Cho nên sống an lạc.
Sa-môn định chẳng phải
Bồ không, đàn chuột giỡn
Thường lo lắng thiếu gầy;
Cho nên sống an lạc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp lại:
Nay Ta quyết không phải
Kẻ mất bò buổi sáng,
Sáu ngày tìm không ra,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Người gieo trồng ruộng mè,
Lo cỏ hoang phủ mất,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Người trồng lúa thiếu nước,
Sợ hoang khô mà chết,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Quả phụ có bảy người,
Đều nuôi con mồ côi,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Bảy con không được yêu,
Phóng túng nhiều nợ nần,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Chủ nợ giữ cửa mình,
Tìm đòi tiền lãi nhiều,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Đồ nằm sâu bảy lớp,
Lo lắng nhặt côn trùng,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Vợ tóc vàng, mắt đỏ,
Ngày đêm nghe tiếng ác,
Cho nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không phải
Bồ không, đàn chuột giỡn,
Thường lo lắng thiếu gầy,
Cho nên sống an lạc.
Không buông niệm, không niệm.
Chúng sanh sống an lạc;
Đoạn dục, lìa ân ái,
Mà được sống an lạc.
Bấy giờ, Thế Tôn vì tinh tấn Ba-la-môn Bà-lađậu-bà-giá mà thuyết pháp khai thị, dạy dỗ, soi sáng, làm cho vui mừng. Như thường lệ Phật theo thứ tự thuyết pháp về bố thí, trì giới... cho đến ở trong Chánh pháp tâm không còn sợ hãi, rồi liền từ chỗ đứng dậy chắp tay bạch Phật:
“Con nay có được xuất gia học đạo thành Tỳ-kheo, tu phạm hạnh ở trong Chánh pháp luật không?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Nay ông có thể được xuất gia, thọ cụ túc giới, tu các phạm hạnh ở trong Chánh pháp luật...”.
Chi tiết, cho đến đắc A-la-hán, tâm khéo giải thoát.
Bấy giờ tinh tấn Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá đắc A-la-hán, duyên tự tâm mà giác tri, được an lạc giải thoát, bèn nói kệ:
Nay ta thật vui sướng,
Ở trong pháp Đại tiên;
Được vui lìa tham dục,
Không phí công thấy Phật.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong rừng cây Sa-la, tại tụ lạc Bà-la-môn[12]. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, mang bát vào tụ lạc Bà-la-môn khất thực, bất chợt mây phi thời nổi lên. Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Nay, Ta nên đến trong nhà hội lớn gia chủ Bà-la, tại tụ lạc Bà-la-môn[13].’ Nghĩ vậy rồi, Ngài liền đến chỗ nhà hội lớn kia. Khi ấy các gia chủ Bà-la-môn đang hội họp trong nhà đó. Từ xa trông thấy Thế Tôn, họ cùng bảo với nhau: “Sa-môn cạo đầu kia cuối cùng biết pháp gì[14]?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo gia chủ Bà-la-môn tụ lạc Bà-la kia rằng:
“Trong dòng Bà-la-môn có người biết pháp, có người không biết pháp; dòng Sát-đế-lợi hay gia chủ, cũng có người biết pháp, có người không biết pháp.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Chẳng bạn muốn hơn bạn,
Vua không phục khó phục;
Vợ không cầu hơn chồng,
Con nào không kính cha?
Không người trí: không hội.
Không trí: không lời pháp;
Tham, sân, si đoạn tận,
Thì đó là người trí.
Khi ấy gia chủ Bà-la-môn kia bạch Phật: “Thiện sĩ Cù-đàm! Thiện sĩ phu! Mời Ngài có thể vào nhà này mà ngồi.”
Sau khi Thế Tôn ngồi rồi, liền bạch rằng: “Xin Cù-đàm thuyết pháp. Chúng tôi muốn nghe.”
Bấy giờ, Thế Tôn vì gia chủ Bà-la-môn nơi đại hội này bằng mọi cách thuyết pháp khai thị, dạy dỗ, soi sáng và làm cho vui mừng rồi, lại nói kệ:
Ngu cùng trí tụ hội,
Không nói, biết ai sáng?
Hay nói đạo tịch tĩnh,
Nghe nói, biết kẻ trí.
Người nói, nêu Chánh pháp,
Kiến lập cờ Đại tiên;
Khéo nói là cờ Tiên,
Pháp là cờ La-hán.
Bấy giờ, Thế Tôn vì các gia chủ Bà-la-môn nơi tụ lạc Bà-la kiến lập chánh pháp, khai thị, dạy dỗ, soi sáng, làm cho vui vẻ xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở Câu-tát-la[16], du hành trong nhân gian. Rồi đến tụ lạc Phù-lê[17], trú trong vườn Am-la của Bà-la-môn Thiên Tác[18]. Khi ấy Tôn giả Ưu-ba-ma[19] làm thị giả. Bấy giờ Thế Tôn đang đau lưng[20], bảo Tôn giả Ưu-ba-ma:
“Thầy cất y bát xong, đến nhà Bà-la-môn Thiên Tác.”
Lúc đó Bà-la-môn Thiên Tác đang ở trong nhà, sai người chải đầu và cạo râu, sửa tóc cho ông, thấy Tôn giả Ưu-ba-ma đang đứng ngoài cửa.
Thấy rồi ông nói kệ:
Vì sao cạo râu tóc,
Mình khoác Tăng-già-lê[21];
Đang đứng ngoài cửa đó,
Muốn cầu xin thứ gì?
Tôn giả Ưu-ba-ma nói kệ đáp:
Đấng Thiện Thệ La-hán,
Bị bệnh phong đau lưng;
Có thứ nước an lạc[22],
Trị bệnh Mâu-ni chăng?
Lúc ấy, Bà-la-môn Thiên Tác lấy ra một bát đầy tô, một bình dầu, một bình đường phèn, rồi sai người bưng đi, cùng bình nước nóng, theo Tôn giả Ưu-ba-ma đến chỗ Thế Tôn. Lấy dầu xoa lên thân, dùng nước nóng rửa đi, xong đem tô và đường phèn làm nước uống. Sau đó, bệnh đau lưng Thế Tôn liền được an ổn. Sáng sớm hôm sau Thiên Tác dậy thật sớm, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, nói kệ:
Sao gọi Bà-la-môn,
Thí gì được quả lớn?
Thế nào là thời thí[23],
Sao gọi ruộng phước tịnh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu được trí túc mạng,
Thấy trời, định hướng sanh[24];
Được hết các hữu lậu,
Mâu-ni khởi tam minh.
Khéo biết tâm giải thoát,
Giải thoát tất cả tham;
Mới gọi Bà-la-môn.
Thí kia được quả lớn.
Thí kia là thời thí,
Ruộng phước theo ý muốn.
Sau khi Bà-la-môn Thiên Tác nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian; một đêm nọ dừng chân lại trong rừng Sa-la.
Bấy giờ, cách rừng Sa-la không xa có một Bàla-môn làm nghề nông[26]. Sáng sớm thức dậy vào trong rừng Sa-la, từ xa nhìn thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một bóng cây, tướng mạo oai nghi đoan chánh, các căn thanh tịnh, tâm người tịch định, thành tựu đầy đủ chỉ quán đệ nhất. Thân Ngài sắc vàng ánh sáng chiếu suốt. Thấy vậy, đến chỗ Ngài, bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, tôi làm nghề nông ở gần đây, nên thích rừng này. Bạch Cù-đàm, có nghề nghiệp gì ở đây không, mà thích ở trong rừng này? Rồi nói kệ:
Tỳ-kheo ở rừng này,
Vì có nghề nghiệp gì,
Nên một mình chỗ vắng,
Thích ở trong rừng này?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp lại:
Vô sự ở rừng này,
Rễ rừng chặt từ lâu;
Nơi rừng, lìa thoát rừng,
Thiền tư, trừ bất lạc.
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật nói, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ ra về.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian; một đêm nọ dừng chân lại trong rừng Sa-la.
Bấy giờ, có một Bà-la-môn ở bên cạnh rừng, cùng năm trăm thiếu niên Bà-la-môn ở chung[28]. Bà-la-môn kia thường tán thán, mong mỏi và muốn gặp Thế Tôn, “Khi nào Ngài du hành đến rừng này, nhân đó ta đến gặp để hỏi về những chỗ còn nghi. Ngài có rảnh vì ta mà ký thuyết không?”
Khi ấy người đệ tử thiếu niên của Bà-la-môn kia nhân kiếm củi, nên vào trong rừng. Từ xa nhìn thấy Thế Tôn ngồi dưới bóng cây, dung nghi đoan chánh, các căn vắng lặng, tâm ngài định tĩnh, thân như núi vàng ánh sáng chiếu suốt, thấy rồi tự nghĩ: ‘Thầy mình thường tán thán, kính ngưỡng và mong được gặp Ngài Cù-đàm để hỏi những điều nghi ngờ. Nay Sa-môn Cù-đàm này đến trong rừng này, ta phải nhanh chóng về báo cho thầy ta biết.’ Tức thì ôm bó củi nhanh chóng trở về nhà học, bỏ bó củi xuống, rồi đến chỗ thầy thưa rằng: “Thầy nên biết! Lâu nay thầy thường tán thán, kính ngưỡng muốn gặp Sa-môn Cù-đàm đến rừng này để hỏi những điều nghi, nay Sa-môn Cù-đàm đã đến rừng này, xin thầy biết thời.”
Khi ấy Bà-la-môn liền đến chỗ Thế Tôn, sau khi thăm hỏi, ủy lạo xong, ngồi lui qua một bên nói kệ:
Một mình vào nơi sợ,
Trong rừng rậm thâm sâu;
Đứng vững không dao động,
Khéo tu pháp chánh cần.
Không ca múa âm nhạc,
Ở chỗ vắng tĩnh lặng;
Tôi chưa từng thấy ai,
Một mình thích rừng sâu.
Muốn tìm nơi thế gian,
Vị Chúa tể tự tại;
Là trời Tam thập tam,
Cõi trời vui tự tại.
Cớ sao vào rừng sâu,
Khổ hạnh tự khô héo?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Mong cầu nhiều là khổ,
Đắm mê vào các cõi;
Tất cả chúng đều là
Cội rễ của ngu si.
Những loại cầu như vậy,
Ta trừ bỏ từ lâu.
Không cầu, không lừa dối,
Tất cả không đụng tới.
Đối tất cả các pháp,
Duy có quán thanh tịnh;
Được vô thượng Bồ-đề,
Thiền tư tu chánh lạc.
Bà-la-môn lại nói kệ:
Nay con kính lễ Ngài,
Đấng Mâu-ni tịch lặng;
Vua thiền tư vi diệu,
Đại giác, giác vô biên.
Như Lai cứu trời, người,
Vòi vọi như núi vàng;
Giải thoát khỏi rừng rậm,
Ở rừng hẳn không đắm.
Đã nhổ gai nhọn sâu,
Lành sạch không dấu vết;
Thượng thủ hàng luận sư,
Biện luận hơn tất cả.
Sư tử hùng loài người,
Rống động khắp rừng sâu;
Hiển hiện Khổ Thánh đế,
Tập, Diệt, tám Thánh đạo.
Diệt tận các tụ khổ,
Xuất ly, tịnh không nhơ;
Tự thoát tất cả khổ,
Cứu khổ khắp chúng sanh.
Vì an lạc chúng sanh,
Nên diễn nói Chánh pháp;
Với ân ái đã dứt,
Đối lưới dục xa lìa.
Đoạn trừ hết tất cả,
Kết buộc của hữu ái;
Như hoa sen sống nước,
Không nhiễm dính nước bùn.
Như mặt trời giữa không,
Trong sáng không mây che;
Hôm nay con may mắn,
Đến rừng Câu-tát-la.
Được gặp Bậc Đại Sư,
Đấng Lưỡng Túc Tôn Thắng;
Đại tinh tấn, rừng sâu,
Rộng độ sanh bậc nhất.
Hàng đầu, Điều Ngự Sư,
Kính lễ Đấng Vô Úy.
Sau khi Bà-la-môn nói đầy đủ kệ khen ngợi Phật xong, nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ ra về.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ đêm bên bờ sông Tôn-đà-lợi[30]. Bấy giờ, Thế Tôn cạo tóc chưa lâu, vào cuối đêm, lấy y phủ lên đầu, ngồi kiết già, chánh thân tư duy, cột niệm ở trước.
Bấy giờ, bên sông Tôn-đà-lợi có Bà-la-môn[31] đang ở, cuối đêm thức dậy, đem những thức ăn cúng còn dư chưa hết, đem đến bờ sông, muốn tìm Bà-la-môn có đức lớn để cúng dường.
Khi ấy Thế Tôn nghe tiếng Bà-la-môn bên bờ sông; nghe rồi bèn đằng hắng lên tiếng và lấy y ra để bày đầu. Lúc ấy, Bà-la-môn bên sông Tôn-đalợi thấy Phật rồi, tự nghĩ: “Đây là Sa-môn cạo đầu, chẳng phải Bà-la-môn.” Định đem thức ăn trở về, nhưng Bà-la-môn này lại nghĩ: “Đâu phải chỉ có Sa-môn đầu cạo tóc. Trong hàng Bà-la-môn cũng có người đầu cạo tóc. Nên đến đó, hỏi chỗ sanh của ông ta.” Lúc này, Bà-la-môn bên sông Tônđà-lợi đến chỗ Thế Tôn hỏi rằng: “Ngài sanh thuộc dòng họ nào?” Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Ông chớ hỏi chỗ sanh,
Mà nên hỏi chỗ hành.
Khắc cây dùi lấy lửa,
Cũng có thể sanh lửa.
Trong dòng họ hạ tiện,
Sanh Mâu-ni vững chắc;
Trí tuệ, có tàm quý,
Tinh tấn, khéo chế ngự.
Rốt ráo sáng tỏ khắp,
Tu phạm hạnh thanh tịnh;
Mà nay đã đúng thời,
Nên cúng thức ăn dư.
Bà-la-môn bên sông Tôn-đà-lợi lại nói kệ:
Nay ngày tốt của con,
Muốn cúng dường cầu phước;
May gặp được Đại sĩ,
Tôn quý nhất ba thời.
Nếu không gặp được Phật,
Thời đã cúng người khác.
Bấy giờ, Bà-la-môn bên sông Tôn-đà-lợi càng tăng thêm lòng tin, liền đem thức ăn dư ấy phụng cúng Thế Tôn. Thế Tôn không nhận, vì đã nhờ nói bài kệ mà được.
(Chi tiết như đã nói, vì nhờ thuyết pháp mà được đồ ăn).
Bà-la-môn bên sông Tôn-đà-lợi bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, bây giờ thức ăn cúng này nên để chỗ nào?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ta không thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Samôn, Bà-la-môn, Thiên thần hay người đời nào có thể ăn thức ăn này mà khiến thân thể an ổn. Ông hãy đem thức ăn này bỏ vào trong nước không có trùng và chỗ đất ít cỏ mọc.”
Lúc này, Bà-la-môn này liền đem thức ăn này bỏ vào trong nước không có trùng. Nước liền bốc khói sủi bọt sôi lên thành tiếng xèo xèo. Ví như nung hòn sắt, đem bỏ vào trong nước lạnh, bốc khói sủi bọt sôi lên phát ra tiếng xèo xèo. Thức ăn này cũng vậy. Bỏ vào nước không có trùng, bốc khói sủi bọt, sôi lên thành tiếng xèo xèo. Bà-la-môn bên sông Tôn-đà-lợi lòng kinh hãi, thân lông dựng lên hết, cho là tai biến, vội chạy lên bờ gom củi khô lại cúng dường đền thờ lửa để dứt sự tai quái. Thế Tôn thấy ông gom củi khô cúng dường đền thờ lửa để mong dứt sự tai quái. Thấy vậy, liền nói kệ:
Bà-la-môn thờ lửa,
Thiêu đốt cây cỏ khô,
Chớ cho là tịnh đạo,
Có thể dứt tai hoạn.
Đó là ác cúng dường,
Mà bảo là trí tuệ.
Tạo nhân duyên như vậy,
Ngoại đạo thủ tu tịnh.
Nay ông bỏ lửa củi,
Thổi bùng lửa bên trong;
Thường tu không phóng dật,
Lúc nào cũng cúng dường.
Tin tịnh khắp mọi nơi,
Rộng bày đại hội thí.
Tâm ý là bó củi,
Sân nhuế bốc khói đen.
Vọng ngữ là vị đời,
Miệng lưỡi là thìa gỗ;
Ngực giữ nơi lửa đốt,
Lửa dục thường cháy mạnh.
Phải khéo tự điều phục,
Người tiêu diệt ngọn lửa.
Chánh tín là sông lớn,
Tịnh giới là vượt sang.
Lắng trong sạch dòng nước,
Được người trí khen ngợi;
Sạch trong người: đức trời,
Nên tắm rửa trong đó.
Lội nước không dính mình,
An ổn qua bờ kia.
Chánh pháp là vực sâu,
Phước đức là xuống đò.
Nước lắng trong tràn đầy,
Được người trí khen ngợi
Sạch trong người: đức trời,
Nên tắm rửa trong đó.
Lội nước không dính mình,
An ổn qua bờ kia;
Chân đế khéo điều ngự,
Nhiếp hộ tu phạm hạnh.
Từ bi là khổ hạnh,
Tâm chân thật thanh tịnh;
Dùng Chánh pháp tắm rửa,
Được người trí xưng tán.
Sau khi Bà-la-môn bên sông Tôn-đà-lợi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, trở lại đường cũ mà đi.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian, ở trong rừng rậm bên sông Tôn-đà-lợi. Lúc ấy, có Bà-la-môn đang ở bên sông Tôn-đà-lợi, đến chỗ Phật, thăm hỏi, ủy lạo xong, ngồi lui qua một bên, hỏi Phật:
“Bạch Cù-đàm, Ngài có đến sông Tôn-đà-lợi tắm rửa không?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Đến sông Tôn-đà-lợi để tắm rửa để làm gì?” Bà-la-môn bạch:
“Bạch Cù-đàm, sông Tôn-đà-lợi là cứu độ, là an lành, là thanh tịnh. Nếu ai tắm rửa ở đó, có thể trừ hết mọi điều ác.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Chẳng sông Tôn-đà-lợi,
Cũng chẳng Bà-hưu-đa;
Chẳng Già-da, Tát-la.
Những con sông như vậy;
Không khiến người tạo ác
Có thể thành thanh tịnh.
Nhưng sông Tôn-đà-lợi,
Hằng hà, Bà-hưu-đa;
Người ngu thường ở đó,
Không thể trừ hết ác.
Những người thanh tịnh kia,
Cần tắm rửa làm gì?
Những người thanh tịnh kia,
Cần bố-tát làm gì?
Nghiệp tịnh do mình tịnh,
Đời này nên gìn giữ;
Không sát sanh, trộm cướp,
Không dâm, không nói dối;
Bố thí trừ keo bẩn,
Ở đó mà tắm rửa.
Đối tất cả chúng sanh,
Thường khởi lòng từ bi;
Dùng nước giếng tắm rửa,
Già-da để làm gì?
Trong tâm tự thanh tịnh,
Không đợi tắm bên ngoài;
Kẻ nghèo cùng hạ tiện,
Thân thể nhiều nhơ bẩn.
Dùng nước rửa bụi ngoài,
Không thể sạch ở trong.
Sau khi Bà-la-môn bên sông Tôn-đà-lợi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn búi tóc La-đậu-bà-giá[34], vốn là người quen biết của Phật lúc còn là người thế tục, đến chỗ Phật, thăm hỏi, uỷ lạo xong, ngồi lui qua một bên, nói kệ:
Người búi tóc ngoài thân,
Đó chỉ gọi búi tóc;
Người búi tóc bên trong,
Là chúng sanh trói buộc.
Nay xin hỏi Cù-đàm,
Làm sao gỡ búi tóc?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nên thọ trì tịnh giới,
Trong tâm tu Chánh giác;
Chuyên tinh cần phương tiện,
Thì gỡ được búi tóc.
Sau khi Bà-la-môn búi tóc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn búi tóc Bà-la-đậu-bà-giá, đến chỗ Phật, thăm hỏi úy lạo nhau xong, ngồi lui qua một bên, nói kệ:
Người búi tóc ngoài thân,
Đó chỉ gọi búi tóc.
Người búi tóc trong tâm,
Là chúng sanh trói buộc.
Nay tôi hỏi Cù-đàm,
Người búi tóc như vậy;
Nên dùng phương tiện gì?
Nơi nào gỡ búi tóc?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Mắt, tai, cùng với mũi,
Lưỡi, thân, ý nhập xứ;
Đối với danh sắc kia,
Diệt hết khiến không còn.
Các thức đã diệt hẳn,
Nơi đó dứt búi tóc.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn búi tóc Bàla-đậu-bà-giá nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở dưới gốc cây bồ-đề[37], bên sông Ni-liên-thiền, tại tụ lạc Uất-bề-la, thành đạo chưa bao lâu. Bấy giờ, Thế Tôn một mình yên tĩnh tư duy tự nghĩ rằng:
“Thật là khổ thay, không có cung kính, không có thứ lớp, không có bậc tự tại nào khác để nễ sợ[38]. Như vậy sẽ bị thoái giảm đối với đại nghĩa. Có chỗ để cung kính, có thứ tự, có bậc tự tại nào khác, sẽ sống được an lạc. Có cung kính, có thứ tự, có bậc tự tại khác, đại nghĩa được đầy đủ. Có ai trong chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Thần, Người mà có thể thành tựu hơn Ta về giới, tam-muội, trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri, Ta sẽ cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương vào người đó mà sống.” Ngài lại nghĩ:
“Nhưng không có ai trong chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Thần và Người mà có thể có đầy đủ giới, tam-muội, trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến hơn Ta, để khiến Ta cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương vào người đó mà sống. Duy chỉ có Chánh pháp khiến Ta tự giác, thành tựu Bồ-đề. Ta hãy cung kính tôn trọng, phụng sự, cúng dường pháp ấy, nương vào đó mà sống. Vì sao? Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác vị lai cũng sẽ cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống.”
Bấy giờ, Phạm Thiên vương, chúa của thế giới Ta-bà, biết tâm niệm Thế Tôn rồi, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay biến mất khỏi Phạm thiên, đứng trước Phật, tán thán rằng:
“Lành thay, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng vậy! Những người giải đãi không cung kính thì rất khổ...
(nói chi tiết như trên, cho đến) nghĩa lớn đầy đủ. Kỳ thực không có chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Thần, Người mà có thể có đầy đủ giới, tam-muội, trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến hơn Thế Tôn, để khiến Thế Tôn cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương vào đó mà sống. Chỉ có Chánh pháp, mà Như Lai tự ngộ thành Chánh đẳng Chánh giác, là chỗ mà Như Lai phải cung kính tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Vì sao? Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ cũng đã cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Chư Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác vị lai cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống. Thế Tôn cũng cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường Chánh pháp, nương vào đó mà sống.”
Bấy giờ Phạm thiên vương lại nói kệ:
Chư Phật thời quá khứ,
Và chư Phật vị lai;
Phật, Thế Tôn hiện tại,
Hay trừ chúng sanh ưu;
Hết thảy cung kính pháp,
Nương Chánh pháp mà sống.
Sự cung kính như vậy
Đó là pháp chư Phật.
Sau khi Phạm thiên vương nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở dưới gốc cây bồ-đề, bên sông Ni-liên-thiền, tại tụ lạc Uất-bề-la, thành đạo chưa bao lâu.
Bấy giờ, Thế Tôn, một mình yên tĩnh tư duy như vầy:
“Có nhất thừa đạo[40] có thể làm cho chúng sanh thanh tịnh, thoát mọi ưu bi, diệt trừ khổ não và được pháp chân như[41]. Đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn?
“Đó là niệm xứ quán thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu có người nào không thích bốn Niệm xứ thì sẽ không thích Thánh pháp như[42]. Không thích Thánh pháp như thì sẽ không thích Thánh đạo như[43]. Không thích Thánh đạo như thì sẽ không thích pháp cam lộ. Không thích pháp cam lộ thì sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
“Nếu người nào thích tu bốn Niệm xứ thì sẽ thích tu Thánh pháp như. Thích tu Thánh pháp như thì sẽ thích Thánh đạo như. Thích Thánh đạo như thì sẽ thích pháp cam lộ. Thích pháp cam lộ thì được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”
Bấy giờ, Phạm thiên vương, chúa của thế giới Ta-bà, biết được tâm niệm của Phật rồi, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay biến mất khỏi cõi trời và hiện đứng trước Phật, tán thán rằng:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch Thiện Thệ! Có nhất thừa đạo có thể làm cho chúng sanh thanh tịnh. Đó là bốn Niệm xứ,... cho đến giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”
Lúc ấy, Phạm thiên vương lại nói kệ:
Rằng có nhất thừa đạo,
Thấy đoạn tận hữu biên[44];
Diễn nói về Chánh pháp,
An ủi chúng sanh khổ.
Chư Thế Tôn quá khứ,
Nương đạo này vượt qua;
Chư Thế Tôn vị lai,
Cũng nương đạo này qua.
Đấng Chánh Giác hiện tại,
Nương đây qua biển cả,
Rốt ráo mé sanh tử,
Điều phục tâm thanh tịnh.
Đối sanh tử lưu chuyển,
Đều đã dứt hết hẳn.
Biết tất cả cảnh giới,
Tuệ nhãn tỏ Chánh đạo.
Thí như nước sông Hằng,
Đều chảy về biển lớn;
Dòng nước siết trôi xa,
Chánh đạo cũng như vậy.
Trí rộng khéo hiển bày,
Mau được pháp cam lộ;
Xe Chánh pháp thù thắng,
Vốn chưa từng được nghe.
Vì thương xót chúng sanh,
Nên chuyển vì chúng sanh;
Che chở chúng trời, người,
Khiến đưa qua bờ kia.
Cho nên các chúng sanh,
Đều cúi đầu đảnh lễ.
Sau khi Phạm thiên vương nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở dưới gốc cây bồ-đề, bên sông Ni-liên-thiền, tại tụ lạc Uất-bề-la[46], thành đạo chưa bao lâu.
Bấy giờ, có Phạm thiên vương, chúa của thế giới Ta-bà[47], với sắc thân tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, nói kệ:
Ở trong các chủng tánh,
Lưỡng túc tôn Sát-lợi[48];
Bậc Minh Hạnh đầy đủ,
Tối thắng trong loài người.
Phật đáp:
“Đúng vậy, Phạm thiên! Đúng vậy, Phạm thiên!
Ở trong các chủng tánh,
Lưỡng túc tôn Sát-lợi;
Bậc Minh Hạnh đầy đủ,
Tối thắng trong loài người.
Phật nói kinh này xong, Phạm thiên vương chủ thế giới Ta-bà nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, dừng nghỉ nơi thanh vắng không có tụ lạc[49], cùng với các Tỳ-kheo nghỉ đêm tại đó. Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận A-lan-nhã.
Khi ấy Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà tự nghĩ rằng: “Hôm nay Thế Tôn đang ở tại Câutát-la, du hành trong nhân gian và dừng nghỉ nơi thanh vắng không có tụ lạc, cùng với các Tỳ-kheo nghỉ đêm tại nơi hoang vắng đó. Bấy giờ, Thế Tôn đã vì đại chúng nói pháp tùy thuận không[50]. Bây giờ, ta nên đến tùy thuận mà tán thán.” Nghĩ vậy xong, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cõi trời và hiện đứng trước Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, mà nói kệ:
Quen chỗ ngồi biên địa[51],
Đoạn trừ các phiền não;
Nếu không thích rừng vắng,
Nhập chúng, hãy phòng hộ.
Tự điều phục tâm mình,
Đi xin ăn từng nhà;
Nên giữ gìn các căn,
Chuyên tinh nhiếp tâm niệm.
Sau tập quen rừng vắng,
Ngồi nơi a-luyện-nhã;
Xa lìa các sợ hãi,
Trụ an ổn không sợ.
Nếu có các hung hiểm,
Rắn dữ, mọi độc hại;
Mây đen, lắm tối tăm,
Sấm sét lóe sáng ngời;
Thì nhờ lìa phiền não,
Nên ngày đêm an ổn.
Như pháp con đã nghe,
Cho đến không cứu cánh.
Một mình, tu phạm hạnh,
Không sợ ngàn ma chết.
Nếu tu hành giác đạo,
Cả vạn chẳng sợ chi.
Tất cả Tu-đà-hoàn,
Hoặc đắc Tư-đà-hàm;
Cùng với A-na-hàm,
Số này cũng vô lượng.
Không thể tính số được,
Sợ người bảo: nói dối.
Sau khi Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ Phật rồi biến mất.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại rừng Ca-tỳ-la-vệ, ở Ca-tỳ-la-vệ[53], cùng với năm trăm Tỳ-kheo, đều là những bậc A-la-hán, sạch hết phiền não, việc làm đã xong, lìa các gánh nặng, đã được lợi mình, hết mọi hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát.
Bấy giờ, Thế Tôn vì đại chúng nói pháp tương ưng Niết-bàn. Khi ấy có đại chúng chư Thiên oai lực từ mười phương thế giới, đều đến câu hội, cúng dường Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng. Lại có các Phạm thiên vương ở tại Phạm thế tự nghĩ rằng: “Hôm nay Phật đang trú tại Ca-tỳ-la-vệ,... nói đầy đủ như trên, cho đến cúng dường Thế Tôn và đại chúng. Bấy giờ, chúng ta nên đến đó tán thán.” Nghĩ vậy rồi, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất khỏi cõi trời và hiện đứng trước Phật. Phạm thiên thứ nhất nói kệ:
Ở trong rừng lớn này,
Đại chúng đều vân tập;
Chúng chư Thiên mười phương,
Tất cả đến cung kính.
Từ xa con đến lễ,
Tăng nan phục, tối thắng[54].
Phạm thiên thứ hai lại nói kệ:
Chư Tỳ-kheo Tăng này,
Tinh tấn, tâm chân thật;
Ở trong rừng lớn này,
Cầu độ, nhiếp các căn.
Phạm thiên thứ ba nói kệ tiếp:
Khéo phương tiện tiêu dung
Ân ái sâu, gai nhọn;
Kiên cố không dao động,
Như phướn Nhân-đà-la[55].
Vượt dòng nước hào sâu,
Thanh tịnh không cầu dục;
Đấng Đại Sư khéo độ
Các Rồng chúa đã thuần.
Phạm thiên thứ tư nói kệ tiếp:
Ai quy y nơi Phật,
Quyết không đọa đường ác;
Đã dứt thân làm người,
Được thân trời thọ lạc.
Mỗi vị nói kệ xong, bốn Phạm thiên liền biến mất.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu CA-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà, hằng ngày tinh cần đến chỗ Phật tôn kính cúng dường. Bấy giờ chủ thế giới Ta-bà nghĩ: “Sáng nay đến gặp Thế Tôn quá sớm. Chắc Thế Tôn còn đang nhập đại định. Ta hãy đến phòng Tỳ-kheo Cù-ca-lê[57], bạn đảng của Đề-bà-đạt-đa.” Nghĩ rồi, liền đến trước phòng Cùca-lê gõ cửa và nói rằng:
“Cù-ca-lê, nên khởi lòng tin thanh tịnh nơi Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Người chớ để chịu khổ lâu dài, không lợi ích.” Cù-ca-lê nói:
“Ông là ai?” Phạm thiên đáp:
“Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà.” Cù-lê-ca nói:
“Thế Tôn không thọ ký cho ông đắc A-na-hàm phải không?”
Phạm thiên vương nói:
“Đúng vậy, Tỳ-kheo!” Cù-lê-ca nói:
“Cớ gì ông đến đây?” Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà nghĩ:
“Người này, không thể trị”, liền nói kệ:
Ở nơi bậc Vô lượng,
Sanh lòng muốn ước lượng:
Có người trí tuệ nào,
Lại sanh giác tưởng này?
Muốn lường bậc khôn lường:
Phàm phu bị che tối.[58]
Bấy giờ, Phạm thiên vương, chủ thế giới Tabà đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, hằng ngày con thường siêng đến chỗ Phật gần gũi cúng dường. Con nghĩ rằng sáng nay đến gặp Thế Tôn còn quá sớm, chắc Thế Tôn còn đang nhập đại định, con bèn đến phòng Tỳ-kheo Cù-ca-lê bạn đảng của Đề-bà-đạt-đa, liến đứng trước phòng từ từ gõ cửa và nói rằng:
“Cù-ca-lê! Cù-ca-lê! Nên khởi lòng tin thanh tịnh nơi Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là người trí tuệ, hiền thiện. Người chớ chịu khổ lâu dài, không lợi ích. Cù-ca-lê nói: ‘Ông là ai?’ Con liền đáp: ‘Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà.’ Cù-lê-ca nói: ‘Thế Tôn không thọ ký cho ông đắc A-na-hàm phải không?’ Con liền đáp: ‘Đúng vậy! Cù-ca-lê.’ Lại nói: ‘Cớ gì ông đến đây?’ Con tự nghĩ: ‘Người này, không thể trị’, liền nói kệ:
Ở nơi không thể lường,
Muốn sanh lòng tính toán;
Đem vô lượng, muốn lường,
Là che lấp phàm phu.
Phật bảo Phạm thiên:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Phạm thiên.”
Ở chỗ không thể lường,
Muốn khởi tâm suy lường;
Có người trí tuệ nào,
Mà sanh vọng tưởng này.
Không thể lường, muốn lường,
Là che lấp phàm phu.”
Phật nói kinh này xong, Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật, rồi biến mất.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu CA-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đại Phạm thiên vương và các Biệt Phạm thiên[60] khác cùng với Thiện Tí biệt Phạm thiên[61], hằng ngày dùng phương tiện đến gặp và cúng dường Thế Tôn. Khi ấy có Bà-cú Phạm thiên[62] thấy Biệt Phạm thiên và Thiện Tí Phạm thiên tinh cần phương tiện như vậy bèn hỏi:
“Các ông muốn gì?” Họ liền đáp:
“Muốn gặp Thế Tôn cung kính cúng dường.” Lúc ấy, Phạm thiên Bà-cú liền nói kệ:
Kia bốn loại ngỗng trời[63],
Ba cung điện sắc vàng[64];
Năm trăm bảy mươi hai,
Người tu hành thiền tư.
Thân sắc vàng rực rỡ[65],
Chiếu khắp cung Phạm thiên;
Ông hãy nhìn thân ta,
Cần đến đó làm gì?
Khi ấy, Thiên Phạm vương, Biệt Phạm vương và Thiện Tí biệt Phạm vương lại nói kệ:
Tuy có thân sắc vàng,
Chiếu khắp cung Phạm thiên;
Vị có trí tuệ này,
Biết sắc có phiền não.
Người trí không đắm sắc,
Nên tâm được giải thoát.
Bấy giờ, Thiện Phạm thiên[66], Biệt Phạm thiên, Thiện Tí biệt Phạm thiên đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng con phương tiện muốn đến gặp Thế Tôn, cung kính cúng dường, có Bàcú Phạm thiên thấy chúng con phương tiện như vậy nên đến hỏi chúng con rằng: ‘Hôm nay quý vị muốn phương tiện đi đâu?’ Chúng con liền đáp, ‘Muốn đến gặp Thế Tôn, lễ bái cúng dường.’ Bàcú Phạm thiên liền nói kệ:
Kia bốn loại ngỗng trời[67]
Ba cung điện sắc vàng;
Năm trăm, bảy mươi hai[68],
Người tu hành thiền tư.
Thân sắc vàng rực rỡ,
Chiếu khắp cung Phạm thiên;
Ông hãy nhìn thân ta,
Cần đến đó làm gì?
Chúng con nói kệ đáp lại:
Tuy có thân sắc vàng,
Chiếu khắp cung Phạm thiên;
Vị có trí tuệ này,
Biết sắc có phiền não.
Người trí không đắm sắc,
Nên tâm được giải thoát.
Phật bảo Phạm thiên:
“Đúng vậy, Phạm thiên! Đúng vậy, Phạm thiên!
Tuy có thân sắc vàng,
Chiếu khắp cung Phạm thiên;
Nên biết sắc vàng ròng,
Đó là tướng phiền não.
Người trí giải thoát sắc,
Đối sắc không còn ưa.
Khi ấy những vị Phạm thiên kia vì Tỳ-kheo Ca-tra-vụ-đà-đê-sa[69] mà nói kệ:
Người sanh ở thế gian,
Búa bén ở trong miệng;
Trở lại chặt thân mình,
Do những ác ngôn này:
Điều đáng chê lại khen,
Điều đáng khen lại chê;
Ác khẩu tăng thêm lỗi,
Đời sống không an vui.
Cờ bạc, rượu tán tài,
Lỗi này còn quá nhẹ;
Ác tâm đối Thiện Thệ,
Đó là tội rất nặng.
Có trăm ngàn địa ngục,
Tên Ni-la-phù-đà[70];
Ba ngàn sáu trăm ngục,
Và năm A-phù-đà[71].
Chúng là ngục báng Phật,
Do ác nguyện miệng, ý.
Phật nói kinh này xong, các Phạm thiên kia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi biến mất.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu CA-lan-đà, thành Vương xá.
Bấy giờ, có Bà-cú Phạm thiên[73] ở trên cõi Phạm thiên khởi ác tà kiến, nói rằng:
“Chỗ này thường hằng, không phải là pháp biến dịch, là nơi thuần nhất, là chỗ xuất ly.”
Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của Bà-cú Phạm thiên rồi, nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi thành Vương xá và hiện ra nơi cõi Phạm thiên. Bà-cú Phạm thiên xa thấy Thế Tôn, liền nói kệ:
Phạm thiên, bảy mươi hai:
Tạo tác các phước nghiệp[74];
Tự tại mà thường trụ,
Đã khỏi sanh, già, chết.
Tôi đối các Minh luận[75],
Đã tu tập rốt ráo.
Trong hàng chư Thiên kia,
Chỉ có tôi trường tồn.
Bấy giờ, Phật nói kệ đáp:
Đời sống này rất ngắn,
Không phải là trường tồn;
Mà Bà-cú Phạn thiên,
Tự bảo là sống lâu.
Ngục Ni-la-phù-đa,
Tuổi thọ trăm ngàn năm;
Ta đều nhớ biết cả,
Ông tự bảo trường tồn.
Bà-cú Phạm thiên lại nói kệ:
Chỗ thấy Phật, Thế Tôn,
Số kiếp không bến bờ.
Sanh, già, chết, ưu, bi,
Tất cả là quá khứ.
Xin nói cho tôi biết,
Quá khứ đã từng qua:
Thọ trì giới nghiệp gì,
Mà được sanh ở đây?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Kiếp quá khứ lâu xa,
Giữa vùng đại hoang mạc,
Có các chúng tu hành,
Nhiều phạm hạnh Hiền thánh.
Đói thiếu, không đủ ăn,
Ông đến cứu giúp họ.
Tâm từ giúp liên tục,
Trải nhiều kiếp không mất.
Đó là quá khứ ông,
Công đức được thọ trì.
Ta đều nhớ biết cả,
Xa, gần, như ngủ thức.
Quá khứ có thôn ấp,
Bị bọn giặc cướp bóc;
Khi ấy ông đến cứu,
Khiến họ được cứu thoát.
Đó là thời quá khứ,
Phước nghiệp được thọ trì.
Ta nhớ nhân duyên này,
Xa, gần, như ngủ thức.
Quá khứ có nhiều người,
Đi thuyền trên sông Hằng;
Ác long giữ thuyền kia,
Muốn hại hết mạng người.
Thời ông dùng thần lực,
Cứu họ được giải thoát.
Đó là quá khứ ông,
Phước nghiệp được thọ trì.
Ta nhớ nhân duyên này,
Xa, gần, như ngủ thức.
Bà-cú Phạm thiên lại nói kệ:
Quyết định đã biết tôi,
Việc thọ mạng xưa nay;
Cũng biết hết tất cả,
Đây là Đấng Chánh Giác.
Cho nên được thọ thân,
Ánh vàng chiếu rực khắp;
Thân Ngài đứng ở đây,
Sáng khắp cả thế gian.
Bấy giờ, Thế Tôn vì Bà-cú Phạm thiên khai thị, chỉ giáo, soi sáng, là cho vui mừng xong. Ngài nhập chánh thọ như vậy biến khỏi cõi Phạm thiên và trở về thành Vương xá.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có vị Phạm thiên ở trên cõi Phạm thiên khởi tà kiến nói như vầy:
“Cõi này thường hằng không biến dịch, thuần nhất, xuất ly. Chưa từng thấy có ai đến cõi này, huống là có người vượt lên trên cõi này.”
Bấy giờ, Thế Tôn biết được những sở niệm trong tâm của Phạm thiên này, liền nhập tammuội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xá-vệ và hiện nơi cung Phạm thiên. Ngài ngồi kiết già, chánh thân buộc niệm ở giữa hư không, ngay trên đỉnh Phạm thiên kia.
Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Câu-lân nghĩ thầm:
“Hôm nay Thế Tôn đang ở chỗ nào?” Bèn dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người, nhìn thấy Thế Tôn đang ở trên cõi Phạm thiên. Thấy rồi, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xá-vệ và hiện ra ở cõi Phạm thiên; ngồi kiết già ngay thẳng, buộc niệm ngay dưới tòa Phật và trên tòa Phạm thiên, quay mặt về hướng Tây, hướng đến Phật.
Khi ấy, Tôn giả Đại Ca-diếp cũng nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn đang ở chỗ nào?” Bèn dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người, nhìn thấy Thế Tôn đang ở trên cõi Phạm thiên. Thấy rồi, liền nhập tam-muội, chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xá-vệ và hiện ra ở cõi Phạm thiên, ngồi kiết già ngay thẳng, nhất tâm nhiếp niệm ngay dưới tòa Phật và trên tòa Phạm thiên, quay mặt về hướng Bắc, hướng đến Phật.
Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn đang ở chỗ nào?” Bèn dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người, nhìn thấy Thế Tôn đang ở trên cõi Phạm thiên. Thấy rồi, liền nhập tam-muội, chánh thọ như vậy, biến mất khỏi nước Xá-vệ và hiện ra ở cõi Phạm thiên, ngồi kiết già ngay thẳng, nhất tâm nhiếp niệm ngay dưới tòa Phật và trên tòa Phạm thiên, quay mặt về hướng Nam, hướng đến Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Phạm thiên:
“Nay ông lại khởi kiến giải rằng: ‘Từ xưa đến nay chưa từng thấy có người nào vượt qua khỏi Ta’ phải không?” Phạm thiên bạch Phật:
“Hôm nay con không còn dám nói rằng: ‘Ta chưa từng thấy có người nào vượt qua khỏi ta.’ Mà chỉ thấy ánh sáng Phạm thiên bị ngăn che.”
Bấy giờ, Thế Tôn vì Phạm thiên kia thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng và làm cho vui vẻ rồi, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi cõi Phạm thiên, trở về nước Xá-vệ. Các Tôn giả A-nhã Câu-lân, Ma-ha Ca-diếp, Xálợi-phất cũng vì Phạm thiên kia thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng và làm cho vui mừng xong, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến mất khỏi cõi Phạm thiên, trở về nước Xá-vệ. Chỉ có Tôn giả Mục-kiền-liên vẫn còn ở lại đó. Lúc này, Phạm thiên kia hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
“Các vị đệ tử khác của Thế Tôn đều có đại đức đại lực như vậy không?”
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nói kệ:
Đại đức đủ ba minh,
Thông đạt biết tâm người;
Các La-hán lậu tận,
Số ấy không thể lường.
Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên vì Phạm thiên kia thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng và làm cho vui mừng xong, liền nhập tam-muội, với chánh thọ như vậy, biến khỏi cõi Phạm thiên và trở về nước Xá-vệ.
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong rừng Song thọ kiên cố[78], sanh địa của lực sĩ, tại nước Câu-thi-na-kiệt. Bấy giờ, Thế Tôn sắp nhập Bát-niết-bàn, bảo Tôn giả A-nan rằng:
“Ông hãy trải giường dây xoay đầu hướng Bắc giữa Song thọ kiên cố. Nửa đêm hôm nay Như Lai sẽ vào Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn.”
Lúc này, Tôn giả A-nan vâng lời Thế Tôn dạy, ở giữa Song thọ kiên cố vì Thế Tôn mà trải giường dây, xoay đầu về hướng Bắc rồi, trở lại chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã vì Như Lai, trải giường dây ở giữa Song thọ kiên cố xoay đầu về hướng Bắc.”
Bấy giờ, Thế Tôn đến giường dây, hông phải nghiêng xuống đất, đầu xoay về hướng Bắc, hai chân xếp lên nhau, buộc niệm vào tướng ánh sáng. Bấy giờ là giữa đêm, Thế Tôn ở Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn. Sau khi Phật Bát-niết-bàn rồi, rừng cây Song thọ liền trổ hoa, rơi xuống chung quanh cúng dường Thế Tôn. Khi ấy có Tỳ-kheo nói kệ:
Đẹp thay, cây Kiên cố,
Rũ cành nhánh lễ Phật;
Cúng dường hoa vi diệu,
Đại Sư Bát-niết-bàn.
Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bỗng nói kệ:
Tất cả hành vô thường,
Chúng là pháp sanh diệt;
Tuy sanh liền đến diệt,
Tịch diệt này an lạc.
Lúc ấy, Phạm thiên vương, chủ thế giới Ta-bà, lại nói kệ:
Mọi sanh vật ở đời,
Đã lập đều phải bỏ.
Thánh Đại Sư như vậy,
Thế gian không ai bằng.
Được thần lực Như Lai,
Làm mắt cho thế gian;
Cuối cùng cũng hoại diệt,
Nhập Vô dư Niết-bàn.
Tôn giả A-na-luật-đà lại nói kệ tiếp:
Thở ra, vào: đình trú,
Lập tâm khéo nhiếp hộ;
Từ sở y mà đến,
Thế gian Bát-niết-bàn.
Sanh tướng sợ hãi lớn,
Khiến lông thân người dựng;
Đủ tất cả hành lực,
Đại Sư Bát-niết-bàn.
Tâm kia không giải đãi,
Cũng không vướng các ái;
Tâm pháp dần giải thoát,
Như củi hết, lửa tắt.
Sau khi Như Lai Bát-niết-bàn bảy ngày, Tôn giả A-nan đến chỗ Chi-đề[79] nói kệ:
Thân báu này, Đại Sư,
Lên đến cõi Phạm thiên;
Thần lực lớn như vậy,
Nội hỏa lại đốt thân.
Năm trăm lụa quấn thân,
Đốt cháy tiêu rụi hết.
Một ngàn tấm y mịn,
Y quấn thân Như Lai.
Chỉ hai tấm không cháy,
Tối thượng và sấn thân[80].
Khi Tôn giả A-nan nói kệ này rồi, thì các Tỳ-kheo im lặng thương nhớ.
❑
[1] . Đại Chánh quyển 44. Ấn Thuận, “21. Tương ưng Bà-la-môn (phần sau)”; tiếp theo Đại Chánh kinh số 102 (quyển 4). Quốc Dịch, quyển 38. –Pāli, Cf. Theri. 133. Vāsiṭṭhī. Biệt dịch, N0100(92).
[2] Di-hy-la 彌 絺 羅。Pāli: Mithilà.
[3] . Bà-tứ-tra 婆 四 吒。Pāli: Vāseṭṭhī.
[4] Bà chạy từ Vesalī đến Mithilà.
[5] Ac 惡; Ấn Thuận, Phật Quang đọc là yếu 要。Các bản Tống-Nguyên-Minh đọc là ác 惡。
[6] Tú-xà-đế 宿 闍G 諦。Pāli: Sujāta.
[7] Tôn-đà-bàn-lê 孫 陀 槃 梨。Pāli: Sundarì.
[8] Pāli, S. 7. 1. 10. Bahudhīti. Biệt dịch, N0100(93).
[9] Bản Pāli: Kosalesu viharati aññatarasmiṃ vanande, trong một khu rừng nọ ở Kosala.
[10] Tỳ-lê-da Bà-la-đậu-bà-giá 毘 梨 耶 婆 羅 豆 婆 遮。Pāli: aññatarassa bhāradvāja-gotassa brāhmaṇassa, có một người Bà-la-môn nọ thuộc dòng họ Bhāradvāja.
[11] Pāli, S.7.22. Khomadussa. Biệt dịch, N0100(94).
[12] . Pāli: Sakkesu viharati Khomadussaṃ nāmaṃ Sakyānaṃ nigamo. Sống giữa những người họ Thích, tại tụ lạc Khomadussa của họ Thích.
[13] . Bà-la-môn tụ lạc Bà-la trưởng giả 婆 羅 門 聚 落 婆 羅 長 者。Pāli: Khomadussakā brāhmaṇagahapatikā sabhāyaṃ, trong nhà hội của những gia chủ Bà-la-môn thuộc tụ lạc Khomadussa.
[14] Pāli: ke ca muṇḍakā samaṇakā, ke ca sabhādhammaṃ jānanti? “Những Sa-môn trọc đầu kia là ai? Sao họ không biết phép hội họp?”
[15] Pāli, S. 7. 2. 3. Devahita. Biệt dịch, N0100(95).
[16] Bản Pāli: Sāvatthinidānaṃ, nhân duyên ở Xá-vệ.
[17] Phù-lê tụ lạc 浮 梨 聚 落。
[18] Thiên Tác Bà-la-môn 天 作 婆 羅 門。Pāli: Devahito brāhmaṇo.
[19] Ưu-ba-ma 優 波 摩。Pāli: Upavāṇa.
[20] Pāli: vātehābādhiko, phong bệnh; được giải thích (Tha.ii.57), do sự dao động của gió nội thân. Không phải gió cảm mạo từ ngoài.
[21] Pāli: muṇḍo saṅghātipāruto, trọc đầu, khoác Tăng-già-lê.
[22] An lạc thủy 安 樂 水。Pāli: uṇhodakaṃ, nước nóng. Bản Hán đọc là sukhodakaṃ?
[23] . Thời thí 時 施 ; chỉ trong lúc đang bố thí (hiểu theo phân từ hiện tại). Pāli: kathañhi yajamānassa, như thế nào, trong lúc hiến tế?
[24] Các bản đều đọc là định thú sanh 定 趣 生。Nên đọc là ác thú sanh, gần với bản Pāli. Pāli:
saggāpāyañca passati, thấy sanh thiên, hay đọa lạc.
[25] Pāli, S.7.17. Navakammika. Biệt dịch, N0100(96).
[26] Hán: doanh tác điền nghiệp 營 作 田 業。Bản Pāli: navakammika, thợ cất nhà (hoặc thợ mộc).
[27] Pāli, 7.18. Kaṭṭhahāra. Biệt dịch, N0100(97).
[28] Cọng (túc) 共 宿。 Hán dịch sát nghĩa đen. Pāli: antevāsika: đệ tử (= người sống chung).
[29] Pāli, S.7.9. Sundarika. Biệt dịch, N0100(99).
[30] Tôn-đà-lợi hà 孫 陀 利 河。Pāli: Sundarikā-nadī.
[31] Pāli: Sundarikabhāradvāja brāhmaṇa, Bà-la-môn Sundarika dòng họ Bhāradvāja.
[32] Pāli, M. 7. Vatthūpama-sutta. Biệt dịch, N0100 (98); N0125(13.5).
[33] Pāli, S.7.6. Jaṭā. Biệt dịch, N0100(100).
[34] Oanh kế La-đậu-bà-giá Bà-la-môn 縈 髻 羅 豆 婆 遮 婆 羅 門。Trên chữ la 羅 có thể sót chữ bà 婆。Pāli; Jaṭabhāradvāja-brāhmaṇa, Bà-la-môn bện tóc dòng họ Bhāradvāja.
[35] Tham chiếu kinh 1187 trên.
[36] . Quốc Dịch, quyển 38, phần cuối, “Tụng vii. Kệ. 6.Tương ưng Phạm thiên” 1 phẩm, 10 kinh. Ấn Thuận, “Tụng viii. 22. Tương ưng Phạm thiên” mười kinh: 1288-1287 (Đại Chánh, kinh 11881197). Pāli, S.6.2. Gārava; cf. A. 4. 21. Uruvelā. Biệt dịch, N0100(101).
[37] Pāli: ajapālanigrodhamūle, dưới gốc cây Ajapāla-nigrodha.
[38] Pāli: dukkhaṃ kho agāravo viharati appatisso, “Khổ thay, sống mà không có sự kính trọng, không có sự thuận tùng”.
[39] Pāli, S. 47. 18. Brahmā. Biệt dịch, N0100 (102); N0101(4).
[40] . Nhất thừa đạo 一 乘 道。Pāli: ekāyano maggo, con đường có một lối đi duy nhất, khác với ekayāna, nhất thừa, chỉ một cỗ xe duy nhất.
[41] . Đắc chân như pháp 得 真 如 法。Pāli: ñāyassa adhigamāya, nibbānassa sacchikiriyāya, để đạt đến Chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn.
[42] Như Thánh pháp 如 聖 法。Pāli: ñāya (dhamma)? Xem thêm cht. dưới.
[43] Như Thánh đạo 如 聖 道。Pāli: ñāyāya maggam, con đường dẫn đến chánh lý(?)
[44] Hán: kiến sanh chư hữu biên 見 生 諸 有 邊。Chư, nên đọc là tận. Pāli: jātikhayantadassī, thấy sự sanh được đoạn tận.
[45] Pāli, S.6.11. Sanaṃkumāra. Biệt dịch, N0100 (103).
[46] Bản Pāli: Rājagahe viharati Sappinītīre, trú tại Vương xá, bên bờ sông Sappinī.
[47] Pāli: Brahmā sanaṃkumāro, vị Phạm thiên thường xuyên dưới dạng hài đồng, thường đồng hình Phạm thiên.
[48] Pāli: khattiyo seṭṭho janetasmiṃ, ye gottapaṭisārino, những ai tin vào chủng tộc, thì Sát-lợi là tối tôn. 49. Pāli, S.6.13. Andhakavinda. Biệt dịch, N0100(104).
[49] Bản Pāli: Māgadhesu viharati Andhakavinde, sống giữa những người Ma-kiệt-đà, trong làng Andhakavinda.
[50] Tùy thuận không 隨 順 空。Trên kia, Hán dịch là “tùy thuận a-luyện-nhã 隨 順 阿 練 若 ” 。
[51] Pāli: sevetha pantāni senāsanāni, các ông hãy sống nơi biên địa.
[52] Pāli, S.1.37. Samaya. Biệt dịch, N0100(105).
[53] Ca-tỳ-la-vệ Ca-tỳ-la-vệ lâm 迦 毘 羅 衛 迦 毘 羅 衛 林。Pāli: Kapilavatthusmiṃ Mahāvane, trong rừng Đại lâm, ở Kaplilavatthu.
[54] Pāli: aparājitasaṅgham, Tăng-già không thể bị đánh bại.
[55] Nhân-đà-la tràng 因 陀 羅 幢。Cây phướn của Đế Thích.
[56] Pāli, S.6. 7-9. Kokālika. Biệt dịch, N0100(106); N0101(5).
[57] Cù-ca-lê 瞿 迦 梨。Pāli: Kokālika.
[58] 59 S. 6.7.
[59] Pāli, S. 6.6. Pamāda. Biệt dịch, N0100(107).
[60] . Biệt Phạm thiên 別 梵 天。Pāli: Pacceka-Brahmā. Không thấy các tài liệu giải thích. Có thể chỉ những Phạm thiên độc lập, không có Thiên chúng.
[61] Thiện Tí biệt Phạm thiên 善 臂 別 梵 天。Pāli, đề cập hai vị: Subrahmā và Suddhavāsa.
[62] Bà-cú Phạm thiên 婆 句 梵 天。Pāli: Bako Brahmā.
[63] Hán: hộc điểu 鵠[ 鳥。Pāli: haṃsa, thiên nga.
[64] Bản Pāli: tayo supaṇṇā, ba trăm chim cánh vàng (Kim xí điểu).
[65] Pāli: vyagghīnisā pañcasatā ca jhāyino, sáng rực với 500 hổ cái? Bản Hán hiểu jhāyino: các hành giả Thiên, thay vì là (các cung điện) sáng rực.
[66] Thiện Phạm thiên 善 梵 天。Pāli: Subrāhmā, một trong hai vị Pacceka-Brahmā mà bản Hán trên kia không nhắc.
[67] Xem cht.64, kinh 1194.
[68] Về “bảy mươi hai”, xem cht.75 kinh 1195.
[69] Ca-tra-vụ-đà-đê-sa 迦 吒 務 陀 低 沙。
[70] Ni-la-phù-đà 尼 羅 浮 陀。Pāli: Nirabbuda.
[71] A-phù-đà 阿 浮 陀 . Pāli: Abbuda.
[72] Pāli, S. 6.4. Bako-Brahmā. Biệt dịch, 100 (108).
[73] Xem cht.63, kinh 1194.
[74] . Hán: Phạm thiên thất thập nhị, tạo tác chư phước nghiệp 梵 天 七 十 二 造 作 諸 福 業 ; văn cú đảo. Nên hiểu: “Các Phạm thiên đã tạo ra bảy mươi hai loại phước nghiệp”. Tham chiếu Pāli: dvāsattati Gotma puññakammà, vasavattino jātijaraṃ atītā, “bằng bảy mươi hai phước nghiệp, chúng tôi có quyền uy siêu việt già và chết”.
[75] Minh luận 明 論。Pāli: Vedagū, người thông thạo các Veda.
[76] Pāli, S. 6.5. Aparā diṭṭhi. Biệt dịch, N0100(109).
[77] Pāli, S. 6.15. Parinibbāna. Biệt dịch, N0100(110).
[78] Song thọ kiên cố lâm 堅 固 雙 樹 林。Pāli: Yamaka-sāla, cụm cây sāla mọc đôi. Bản Hán đọc là sara (kiên cố).
[79] Chi-đề 枝 提。Pāli: cetiya, tháp miếu.
[80] Chỉ y Uất-đa-la-tăng và áo lót.