TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH

BỘ A HÀM

SỐ 99 - TẠP A-HÀM QUYỂN 48

MỤC LỤC

Kinh 1267. Sủ lưu

Kinh 1268. Giải thoát

Kinh 1269. Chiên-đàn

Kinh 1270. Câu-ca-ni (1)

Kinh 1271. Câu-ca-ni (2)

Kinh 1272. Câu-ca-ni (3)

Kinh 1273. Câu-ca-ni (4)

Kinh 1274. Câu-ca-ni (5)

Kinh 1275. Xúc

Kinh 1276. An lạc

Kinh 1277. Hiềm trách

Kinh 1278. Cù-ca-lê

Kinh 1279.

Kinh 1280.

Kinh 1281.

Kinh 1282.

Kinh 1283.

Kinh 1284.

Kinh 1285.

Kinh 1286.

Kinh 1287.

Kinh 1288.

Kinh 1289.

Kinh 1290.

Kinh 1291.

Kinh 1292.

Kinh 1293.

 


Kinh 1267. Sủ lưu[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử này bạch Phật:

“Thế Tôn, Tỳ-kheo[2], Tỳ-kheo vượt qua dòng xiết chăng?”

“Thiên tử! Đúng vậy.” Thiên tử lại hỏi:

“Không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ, mà vượt qua dòng xiết chăng?” Phật bảo:

“Thiên tử! Đúng vậy.” Thiên tử lại hỏi:

“Không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ mà vượt qua dòng xiết, ý nghĩa ấy thế nào?” Phật bảo:

“Này Thiên tử, Ta ôm chặt như vậy, như vậy, tiến thẳng như vậy, như vậy; không bị nước cuốn trôi. Không ôm chặt như vậy, như vậy, không tiến thẳng như vậy, như vậy, thì bị nước cuốn trôi[3]. Thiên tử, như vậy gọi là không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ mà vượt qua dòng xiết.”

Khi ấy Thiên tử kia nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn
Đã đạt Bát-niết-bàn;[4]
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn ái ân đời.[5]

Thiên tử kia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ chân Phật, rồi biến mất.

Kinh 1268. Giải thoát[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia bạch Phật:

“Này Tỳ-kheo, biết sự quyết định giải thoát, giải thoát rộng, giải thoát cực rộng[7] của tất cả chúng sanh bị đắm trước, bị tập khởi chăng?” Phật bảo Thiên tử:

“Ta tất biết sự quyết định giải thoát, giải thoát rộng, giải thoát cực rộng của tất cả chúng sanh bị đắm trước, bị tập khởi.” Thiên tử bạch Phật:

“Tỳ-kheo, làm thế nào để biết sự quyết định giải thoát, giải thoát rộng, giải thoát cực rộng của tất cả chúng sanh bị đắm trước, bị tập khởi?” Phật bảo Thiên tử:

“Ái, hỷ diệt tận, tâm Ta giải thoát. Do tâm đã giải thoát nên biết sự quyết định giải thoát, giải thoát rộng, giải thoát cực rộng của tất cả chúng sanh bị đắm trước, bị tập khởi.” Khi ấy Thiên tử kia nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn ái ân đời.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1269. Chiên-đàn[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử ấy bạch Phật:

Ai vượt các dòng thác,
Ngày đêm siêng tinh tấn;
Không vin cũng không trụ,
Nhiễm gì mà không dính?[9]

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Tất cả giới đầy đủ,
Trí tuệ, khéo chánh thọ;[10]
Trong tư duy, buộc niệm,
Qua nạn, vượt các dòng.
Nơi dục tưởng không ham,
Nơi sắc kết vượt qua;
Không bám cũng không trụ,
Nơi nhiễm cũng không dính.[11]

Khi ấy Thiên tử lại nói kệ:

Lâu thấy Bà la-môn
Đã đạt Bát niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn ái ân đời.

Sau khi Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1270. Câu-ca-ni (1)[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Câu-cani là con gái của Quang minh thiên[13], dung sắc tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp Sơn cốc.

Lúc ấy, Thiên nữ Câu-ca-ni nói kệ:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Phật bảo Thiên nữ:

“Đúng vậy! Đúng vậy!”

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Thiên nữ Câu-ca-ni nghe Phật nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Bấy giờ, Thế Tôn, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, vào giữa Tăng, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:

“Cuối đêm qua, có Thiên nữ Câu-ca-ni, dung sắc tuyệt diệu đến chỗ Ta, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên nói kệ:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.
“Ta liền đáp: ‘Đúng vậy! Đúng vậy!’

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

“Khi nói những lời này, Thiên nữ Câu-ca-ni nghe những gì Ta nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Ta, liền biến mất.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh 1271. Câu-ca-ni (2)[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tinh xá Sơn cốc, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo:

“Nay tôi sẽ nói kinh Tứ cú pháp, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các thầy mà nói. Thế nào là kinh Tứ cú pháp?”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan liền nói kệ:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Tứ cú pháp.” Khi ấy, cách Tôn giả A-nan không xa, có một Bà-la-môn đang dạy các Bà-la-môn thiếu niên đọc tụng kinh. Bấy giờ, Bà-la-môn kia tự nghĩ: ‘Bài kệ mà Sa-môn A-nan đã nói, đối với kinh mà ta đã nói, thì đó là phi nhân[15] nói.’ Bà-la-môn kia liền đến chỗ Phật, sau khi chào hỏi, ủy lạo Thế Tôn xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, Sa-môn A-nan đã nói kệ rằng:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng, trong đời.
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

“Những điều được nói như vậy, thật sự đó là lời của phi nhân, không phải của người.” Phật bảo Bà-la-môn:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Bà-la-môn, đó là phi nhân nói không phải người nói.

“Bấy giờ, có Thiên nữ Câu-ca-ni đến chỗ Ta, đảnh lễ sát chân Ta, ngồi lui qua một bên, nói kệ rằng:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

“Ta liền trả lời:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Như Thiên nữ đã nói:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng.
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

“Cho nên Bà-la-môn, nên biết, những điều trong bài kệ này nói là do phi nhân nói, không phải người nói.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn kia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, ra về.

Kinh 1272. Câu-ca-ni (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tinh xá Sơn cốc, thành Vương xá. Bấy giờ, có Thiên nữ Câu-ca-na-sa là con gái của Quang minh thiên, phát ra ánh chớp lớn sáng rực, quy Phật, quy Pháp, quy Tỳ-kheo Tăng, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ra ánh sáng chiếu khắp Sơn cốc, ở trước Phật, liền nói kệ:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Thiên nữ:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Như những gì ngươi đã nói:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.”

Bấy giờ, Thiên nữ Câu-ca-na-sa nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Thế Tôn vào giữa Tăng, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:

“Cuối đêm qua, Thiên nữ Câu-ca-na-sa là con gái của Quang minh thiên, đến chỗ Ta, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ta, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Lúc ấy, Ta liền đáp: “Đúng vậy Thiên nữ! Đúng vậy Thiên nữ! Như những gì ngươi đã nói:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.
Thiên nữ Câu-ca-na,
Ánh chớp sáng rực rỡ;
Kính lễ Phật, Pháp, Tăng,
Nói kệ nghĩa lợi ích.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh 1273. Câu-ca-ni (4)[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tinh xá Sơn cốc, tại thành Vương xá. Bấy giờ, có Câu-ca-na-sa là con gái của Quang minh thiên[17], phóng ra điện chớp, ánh sáng chói lọi, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên; từ thân kia tỏa ra ánh sáng chiếu khắp Sơn cốc, ở trước Phật, liền nói kệ:

Con có thể diễn rộng,
Chánh pháp luật Như Lai;
Nhưng nay chỉ nói lược,
Đủ để tỏ lòng con.
Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Thế Tôn bảo Thiên nữ:

“Đúng vậy Thiên nữ! Đúng vậy Thiên nữ! Như lời ngươi đã nói:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Thiên nữ Câu-ca-na-sa nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ, liền biến mất.

Qua sáng sớm hôm sau, bấy giờ Thế Tôn vào trước Tăng chúng, trải tọa cụ ngồi giữa đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:

“Cuối đêm qua, Thiên nữ Câu-ca-na-sa lại đến chỗ Ta, cung kính làm lễ, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Con có thể diễn rộng,
Chánh pháp luật Như Lai;
Nhưng nay chỉ nói lược,
Đủ để tỏ lòng con.
Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Lúc ấy, Ta trả lời:

“Đúng vậy Thiên nữ! Đúng vậy Thiên nữ! Như lời ngươi đã nói:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

“Thiên nữ kia nghe những gì Ta nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Ta, liền biến mất.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh 1274. Câu-ca-ni (5)[18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở bên ao Di-hầu, trong giảng đường Trùng các, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, có Thiên nữ Câu-ca-na-sa, Thiên nữ Châu-lô-đà[19] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ra ánh sáng chiếu khắp cạnh bờ ao Dihầu. Lúc này, Thiên nữ Châu-lô-đà nói kệ bạch Phật:

Đại Sư Đẳng Chánh Giác,
Ở nước Tỳ-xá-ly.
Câu-ca-na, Châu-lô,
Xin cung kính đảnh lễ.
Xưa con chưa từng nghe,
Chánh pháp luật Mâu-ni;
Nay đích thân được gặp,
Hiện tiền nói chánh pháp.
Nếu đối pháp luật Thánh,
Ác tuệ sanh chán ghét,
Ắt sẽ rơi đường ác,
Chịu các khổ lâu dài.
Nếu đối pháp luật Thánh,
Chánh niệm đủ luật nghi,
Người kia sanh lên Trời,
Được an vui lâu dài.

Thiên nữ Câu-ca-na-sa lại nói kệ:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Thế Tôn bảo Thiên nữ:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Như những gì các ngươi đã nói:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Các Thiên nữ kia nghe những gì Phật dạy hoan hỷ, tùy hỷ, rồi biến mất.

Qua sáng sớm hôm sau, bấy giờ Thế Tôn vào trong Tăng chúng, trải tọa cụ mà ngồi, bảo các Tỳ-kheo:

“Cuối đêm qua có hai Thiên nữ nhan sắc tuyệt vời, đến chỗ Ta, vì Ta làm lễ, ngồi lui qua một bên, Thiên nữ Châu-lô-đà nói kệ:

Đại Sư Đẳng Chánh Giác,
Ở nước Tỳ-xá-ly;
Con Câu-ca-na-sa,
Và cùng Châu-lô-đà;
Hai Thiên nữ chúng con,
Đảnh lễ sát chân Phật.
Xưa con chưa từng nghe,
Chánh pháp luật Mâu-ni;
Nay mới thấy Chánh giác,
Diễn nói pháp vi diệu.
Nếu đối pháp luật Thánh,
Chán ghét trụ ác tuệ;
Ắt rơi vào đường ác,
Chịu khổ lớn lâu dài.
Nếu đối pháp luật Thánh,
Chánh niệm đủ luật nghi;
Sanh lên Trời, đường lành,
Được an vui lâu dài.

Thiên nữ Câu-ca-na-sa lại nói kệ:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.

Lúc ấy, Ta đáp:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Như những gì ngươi đã nói:

Tâm kia không tạo ác,
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng,
Chánh trí, chánh buộc niệm.
Không tập cận các khổ,
Cùng hòa hợp phi nghĩa.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, phụng hành.

Kinh 1275. Xúc[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Lúc đó, Thiên tử kia nói kệ:

Không xúc, không báo xúc[21],
Có xúc, có báo xúc.
Do vì xúc, báo xúc,
Không sân, không rời sân.[22]

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Đừng đối người không sân,
Chống lại bằng sân hận.
Bậc Chánh sĩ thanh tịnh,
Lìa các phiền não kết,
Với họ khởi tâm ác,
Tâm ác trở lại mình.
Như nghịch gió tung bụi,
Bụi kia lại dính mình.[23]

Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la môn
Đã đạt Bát-niết bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn ái ân đời.

Thiên tử kia nghe những gì Phật đã nói, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1276. An lạc[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Lúc đó, Thiên tử ấy nói kệ:

Việc làm người ngu si,
Không hợp với trí tuệ;
Việc ác do mình làm,
Là bạn ác của mình.
Tạo ra nhiều ác hành,
Cuối cùng chịu báo khổ.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ đáp:

Đã tạo nghiệp bất thiện,
Cuối cùng chịu khổ não;
Tạo nghiệp tuy hoan hỷ,
Thọ báo thì kêu khóc.
Người tạo các nghiệp thiện,
Cuối cùng không khổ não;
Khi tạo nghiệp hoan hỷ,
Khi thọ báo an vui.

Khi ấy, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn ái ân đời.

Thiên tử kia nghe những gì Phật đã nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1277. Hiềm trách[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Lúc đó, Thiên tử kia nói kệ:

Không thể chỉ nói suông,
Cũng không một mực nghe,
Mà đạt được đạo tích,
Kiên cố thẳng vượt qua.
Tư duy khéo tịch diệt,
Giải thoát các ma phược.
Làm được mới đáng nói;
Không được, không nên nói.
Người không làm mà nói,
Thì người trí biết sai.
Không làm điều nên làm;
Không làm mà nói làm,
Là đồng với giặc quấy.
Bấy giờ Thế Tôn bảo
Thiên tử: “Nay ông có
điều gì hiềm trách chăng?”[26]

Thiên tử bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con hối lỗi. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi.”

Bấy giờ, Thế Tôn mỉm cười vui vẻ. Lúc ấy, Thiên tử kia lại nói kệ:

Nay con xin hối lỗi,
Thế Tôn không nạp thọ;
Trong lòng ôm tâm ác,
Oán hờn mà không bỏ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Chỉ nói lời hối lỗi,
Trong tâm kia không dừng;
Làm sao dứt được oán,
Mà gọi là tu thiện?

Lúc ấy, Thiên tử kia lại nói kệ:

Ai không có lỗi kia?
Người nào không có tội?
Ai lại không ngu si?
Ai thường hay kiên cố?

Thiên tử kia lại nói kệ tiếp:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn ái ân đời.

Thiên tử kia nghe những gì Phật đã nói, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1278. Cù-ca-lê[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu CA-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo Cùca-lê[28] là bè đảng Đề-bà-đạt-đa, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo Cù-ca-lê:

“Này Cù-ca-lê, vì sao đối với phạm hạnh thanh tịnh của Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, ngươi khởi tâm không thanh tịnh, để sẽ phải chịu khổ não lâu dài, không lợi ích.”

Tỳ-kheo Cù-ca-lê bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay con tin lời Thế Tôn, những điều đó là đúng. Nhưng tâm Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có ác dục.”

Nói như vậy lần thứ hai, lần thứ ba. Tỳ-kheo Cù-ca-lê thuộc bè đảng Đề-bà-đạt-đa ở chỗ Thế Tôn, trong khi nói lại lần thứ ba, chống đối, không nhận chịu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Sau khi đứng dậy bỏ đi, khắp người ông nổi đầy mụt nhọt giống như trái lật, dần dần to lên như trái đào. Khi ấy Tỳ-kheo Cù-ca-lê đau đớn thống khổ, miệng kêu lên: ‘Nóng quá! Nóng quá!’ Máu mủ chảy ra, thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục lớn Bát-đàm-ma[29].

Bấy giờ, có ba vị Thiên tử dung mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, một Thiên tử bạch Phật:

“Tỳ-kheo Cù-ca-lê thuộc bè đảng Đề-bà-đạtđa nay mạng chung.”

Thiên tử thứ hai thưa:

“Chư tôn nên biết, Tỳ-kheo Cù-ca-lê mạng chung rơi vào địa ngục.”

Thiên tử thứ ba liền nói kệ:

Con người sanh ở đời,
Búa sanh từ trong miệng,
Trở lại chém thân mình,
Đó do lời nói ác.
Đáng chê lại khen ngợi;
Đáng khen ngợi lại chê.
Tội này sanh nơi miệng,
Chết rơi vào đường ác.
Cờ bạc mất hết của,
Phải quấy là lỗi lớn;
Hủy Phật cùng Thanh văn,
Thì đó là tội lớn.

Ba vị Thiên tử kia nói kệ này rồi liền biến mất. Qua sáng sớm hôm sau, bấy giờ Thế Tôn đi vào trong Tăng, trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:

“Cuối đêm qua, có ba vị Thiên tử đến chỗ Ta, đảnh lễ sát chân Ta, ngồi lui qua một bên. Thiên tử thứ nhất thưa Ta rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Cù-ca-lê thuộc bè đảng Đề-bà-đạt-đa nay mạng chung.

“Thiên tử thứ hai nói với chư Thiên khác rằng:

“Tỳ-kheo Cù-ca-lê mạng chung, rơi vào địa ngục.”

“Thiên tử thứ ba liền nói kệ:

“Con người sanh ở đời,
Búa sanh từ trong miệng,
Trở lại chém thân mình,
Đó do lời nói ác.
Đáng chê lại khen ngợi,
Đáng khen ngợi lại chê.
Tội này sanh nơi miệng,
Chết rơi vào đường ác.

“Sau khi nói kệ này rồi liền biến mất.

“Này các Tỳ-kheo, các ông có muốn nghe kỳ hạn thọ mạng của chúng sanh sanh vào địa ngục A-phù-đà[30] không?” Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay chính đúng lúc, cúi xin Thế Tôn vì đại chúng nói về kỳ hạn thọ mạng của chúng sanh trong địa ngục A-phù-đà. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ lãnh thọ phụng hành.” Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà giảng nói. Thí như tại nước Câu-tát-la bốn thăng là một a-la, bốn a-la là một độc-lung-na, mười sáu độc-lung-na là một xà-ma-na, mười sáu xà-ma-na là một ma-ni, hai mươi ma-ni là một khư-lê[31], hai mươi khư-lê là một kho hạt cải đầy trong đó[32]. Giả sử, nếu có người, cứ một trăm năm lấy một hạt cải, như vậy cho đến khi hết sạch kho hạt cải đầy kia, thọ mạng của chúng sanh trong địa ngục A-phù-đà vẫn chưa hết. Thọ mạng của chúng sanh trong hai mươi địa ngục A-phù-đà như vậy bằng một thọ mạng của chúng sanh trong địa ngục Ni-la-phù-đà[33]. Thọ mạng của chúng sanh trong hai mươi địa ngục Ni-la-phù-đà bằng thọ mạng của chúng sanh trong địa ngục A-tra-tra[34]. Thọ mạng của chúng sanh trong hai mươi địa ngục Atra-tra bằng thọ mạng của chúng sanh trong một địa ngục A-ba-ba[35]. Thọ mạng của chúng sanh trong hai mươi địa ngục A-ba-ba bằng thọ mạng của chúng sanh trong một địa ngục A-hưu-hưu36. Thọ mạng của chúng sanh trong hai mươi địa ngục A-hưu-hưu bằng thọ mạng của chúng sanh trong một địa ngục Ưu-bát-la[36]. Thọ mạng của chúng sanh trong hai mươi địa ngục Ưu-bát-la bằng thọ mạng của chúng sanh trong một địa ngục Bátđàm-ma. Thọ mạng của chúng sanh trong hai mươi địa ngục Bát-đàm-ma bằng thọ mạng của chúng sang trong một địa ngục Ma-ha Bát-đàmma.

“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Cù-ca-lê mạng chung rơi vào địa ngục Ma-ha Bát-đàm-ma, vì Tỳ-kheo này đối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên sanh ác tâm phỉ báng. Cho nên, các Tỳ-kheo, nên học như vầy: Ở nơi chỗ tim đèn, mồi lửa đang cháy kia còn không muốn hủy hoại, huống là hủy hoại chúng sanh có thức.”

Phật bảo các Tỳ-kheo: “Hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh 1279.[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Thoái lạc, bị đánh bại
Làm sao mà biết được?
Cúi xin Thế Tôn nói,
Cửa bại vong thế nào?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Chỗ thắng dễ biết được,
Chỗ bại biết cũng dễ;
Pháp lạc chỗ thắng xứ,
Hủy pháp là bại vong.
Ưa thích tri thức ác,
Không ưa tri thức thiện;
Sanh oán kết bạn lành,
Đó gọi cửa bại vong.
Ưa thích người bất thiện,
Người thiện lại ganh ghét;
Muốn ác, không muốn thiện,
Đó gọi cửa bại vong.
Đấu, cân, lừa dối người,
Đó gọi cửa bại vong.
Đam mê rượu, cờ bạc,
Chơi bời mê nữ sắc;
Tiêu tan hết của cải,
Đó gọi cửa bại vong.
Người nữ không tự giữ,
Bỏ chồng theo người khác;
Người nam tính phóng đảng,
Bỏ vợ theo ngoại sắc.
Những gia đình như vậy,
Đều đọa cửa bại vong.
Vợ già lấy chồng trẻ,
Tâm thường hay ghen ghét;
Ghen ghét nằm không yên,
Đó gọi cửa bại vong.
Chồng già lấy vợ trẻ,
Đoạ bại vong cũng vậy.
Thường thích mê ngủ nghỉ,
Bạn bè cùng đi chơi.
Biếng lười, ưa sân hận,
Chúng rơi cửa bại vong.
Nhiều của kết bạn bè,
Ăn uống không điều độ;
Tiêu tan nhiều của cải,
Chúng rơi cửa bại vong.
Ít của nhiều tham dục,
Sanh vào nhà Sát-lợi;
Thường mong làm vương giả,
Đó là cửa bại vong.
Cầu châu ngọc anh lạc,
Giày da, che tàn lọng;
Trang sức từ keo kiệt,
Đó là cửa bại vong.
Nhận thức ăn của người,
Keo kiệt tiếc của mình;
Không đáp ơn cho người,
Đó là cửa bại vong.
Sa-môn, Bà la-môn,
Cung thỉnh vào nhà mình;
Keo lẫn không cúng kịp,
Đó là cửa bại vong.
Sa-môn, Bà la-môn,
Thứ lớp đi khất thực;
Quở trách không muốn cho,
Đó là cửa bại vong.
Cha mẹ nếu tuổi già,
Không tùy thời phụng dưỡng;
Có của mà không nuôi,
Đó là cửa bại vong.
Đối cha mẹ, anh em,
Đánh đuổi và mạ nhục;
Không tôn ti trật tự,
Đó là cửa bại vong.
Đối Phật và đệ tử,
Tại gia cùng xuất gia;
Hủy báng không cung kính,
Đó là đọa cửa phụ.
Thật chẳng A la-hán,
Tự xưng A la-hán;
Đó là giặc thế gian,
Rơi vào cửa bại vong.
Đó, bại vong ở đời,
Ta thấy biết nên nói;
Giống như đường hiểm sợ,
Người trí phải lánh xa.

Khi ấy Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Sau khi Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1280.[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ:

Gì xuống thấp, xuống theo,
Gì cất cao, cất theo;
Trẻ em chơi thế nào,
Như trẻ ném đất nhau?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Ái xuống thì xuống theo,
Ái lên thì lên theo;
Ái đùa đối kẻ ngu,
Như trẻ ném đất nhau.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1281.[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo rất đẹp đẽ, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ:

Quyết định để ngăn chặn,
Ý vọng tưởng mà đến;
Nếu người ngăn tất cả,
Thì nó không bức bách.[40]

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Quyết định để ngăn chặn,
Ý vọng tưởng mà đến;
Chẳng cần ngăn tất cả,
Chỉ ngăn nghiệp ác kia.[41]
Khi ngăn ác kia rồi,
Không để nó bức bách.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1282.

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Làm sao được nổi danh?
Làm sao được của nhiều?
Làm sao đức lan rộng?
Làm sao được bạn lành?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Trì giới được nổi danh,
Bố thí được của nhiều;
Đức chân thật lan khắp,
Ân huệ được bạn lành.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1283.[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hòi Phật:

Người tạo tác thế nào,
Trí tuệ để cầu tài;
Cùng nhiếp thọ tài sản,
Hoặc hơn, hoặc lại kém?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Mới học nghề nghiệp khéo,
Tìm cách gom tài vật;
Được tài vật kia rồi,
Phải nên phân làm bốn.
Một phần tự nuôi thân,
Hai phần cho doanh nghiệp;
Phần còn lại để dành,
Nghĩ đến người thiếu thốn.
Người kinh doanh sự nghiệp,
Làm ruộng hay buôn bán;
Chăn trâu, dê phồn thịnh;
Nhà cửa dùng cầu lợi,
Tạo phòng ốc giường nằm;
Sáu thứ đồ nuôi sống,
Phương tiện tạo mọi thứ;
An lạc sống suốt đời.
Khéo tu nghiệp như vậy,
Trí tuệ dùng cầu tài;
Của báu theo đó sanh,
Như các dòng về biển.
Tài sản nhiều như vậy,
Như ong gom vị ngọt;
Ngày đêm của tăng dần,
Như kiến dồn đống mồi.
Không giao của người già,
Không gởi người bên cạnh;
Không tin người gian xảo,
Cùng những người keo lẫn.
Gần gũi người thành công,
Xa lìa người thất bại;
Người thường thành công việc,
Giống như lửa cháy bùng.
Người quý trọng bạn lành,
Thân mật theo người tốt;
Đồng cảm như anh em,
Khéo đùm bọc lẫn nhau.
Ở trong vòng quyến thuộc,
Biểu hiện như trâu chúa;
Tùy chỗ cần mọi người,
Phân của cho ăn uống;
Khi tuổi hết mạng chung,
Sanh về trời hưởng lạc.

Lúc ấy, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe Phật nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi biến mất.

Kinh 1284.[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ ở Câu-tát-la có một người đánh đàn tên là Thô Ngưu, du hành trong nhân gian tại nước Câu-tát-la, dừng nghỉ ở chỗ vắng. Bấy giờ, có sáu Thiên nữ từ cung trời rộng lớn, đến chỗ người đánh đàn Thô Ngưu nước Câu-tát-la, nói với người đánh đàn Thô Ngưu rằng: ‘Thưa Cậu, Cậu hãy vì chúng tôi đánh đàn, chúng tôi sẽ ca múa theo.’”

Người đánh đàn Thô Ngưu nói:

“Được vậy, các chị em! Tôi sẽ vì các chị em mà đánh đàn. Nhưng các chị em hãy nói với tôi, các chị là ai, ở đâu đến đây?” Thiên nữ nói:

“Cậu cứ khảy đàn đi, chúng tôi sẽ ca múa, ở trong những lời ca tụng, sẽ tự nói lên nhân duyên ở đâu đến đây.”

Người đánh đàn Thô Ngưu kia liền khảy đàn, còn sáu Thiên nữ kia liền ca múa theo. Thiên nữ thứ nhất nói kệ ca rằng:

Nếu người nam, người nữ,
Bố thí y thắng diệu;
Vì nhân duyên thí y,
Chỗ sanh được thù thắng.
Vật yêu thích đem cho,
Theo ý muốn sanh Thiên;
Thấy tôi ở cung điện,
Nương hư không đi dạo.
Thân trời như khối vàng,
Hơn trong trăm Thiên nữ;
Xem xét phước đức này,
Thứ nhất trong hồi hướng.

Thiên nữ thứ hai lại nói kệ:

Nếu người nam, người nữ,
Bố thí hương thắng diệu;
Vật yêu mến vừa ý,
Theo ý muốn sanh Thiên.
Thấy tôi ở cung điện,
Nương hư không đi dạo;
Thân trời như khối vàng,
Hơn trong trăm Thiên nữ.
Xem xét phước đức này,
Thứ nhất trong hồi hướng.

Thiên nữ thứ ba lại nói kệ:

Nếu người nam, người nữ,
Đem thức ăn bố thí;
Vật yêu mến vừa ý,
Theo ý muốn sanh Thiên.
Thấy tôi ở cung điện,
Nương hư không đi dạo;
Thân trời như khối vàng,
Hơn trong trăm Thiên nữ.
Xem xét phước đức này,
Thứ nhất trong hồi hướng.

Thiên nữ thứ tư lại nói kệ:

Nhớ lại những đời trước,
Từng làm tôi tớ người;
Không trộm, không tham ăn,
Siêng tu, không biếng nhác.
Vừa bụng tự điều thân,
Phần dư giúp người nghèo;
Thấy tôi ở cung điện,
Nương hư không đi dạo.
Thân trời như khối vàng,
Hơn trong trăm Thiên nữ;
Xem xét phước đức này,
Là nhất trong cúng dường.

Thiên nữ thứ năm lại nói kệ:

Nhớ lại những đời trước,
Từng làm vợ con người;
Bố mẹ chồng hung bạo,
Thường thêm lời thô thiển.
Vẫn giữ lễ làm dâu,
Khiêm tốn và vâng thuận;
Thấy tôi ở cung điện,
Nương hư không đi dạo;
Thân trời như khối vàng,
Hơn trong trăm Thiên nữ.
Xem xét phước đức này,
Thứ nhất trong cúng dường.

Thiên nữ thứ sáu lại nói kệ:

Xưa từng thấy đường đi,
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni;
Theo họ nghe chánh pháp,
Một đêm giữ trai giới.
Nay thấy ở cung điện,
Nương hư không đi dạo;
Thân trời như khối vàng,
Hơn trong trăm Thiên nữ.
Xem xét phước đức này,
Thứ nhất trong hồi hướng.

Bấy giờ, người đánh đàn Thô Ngưu nước Câutát-la nói kệ:

Nay tôi may đến đây,
Trong rừng Câu-tát-la;
Thấy được các Thiên nữ,
Thân trời thật tuyệt vời.
Đã thấy lại được nói,
Phải tu thêm thiện nghiệp;
Nay duyên tu công đức,
Cũng sẽ sanh lên trời.

Nói những lời này xong, các Thiên nữ liền biến mất.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh 1285.[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Pháp gì khởi nên diệt?
Sanh gì phải phòng hộ?
Pháp gì phải nên lìa?
Đẳng quán vui được gì?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Sân nhuế khởi, nên diệt,
Tham sống, lo phòng hộ;
Vô minh, nên xa lìa,
Đẳng quán vui chân đế.
Dục sanh các phiền não,
Dục là gốc sanh khổ;
Người điều phục phiền não,
Thì điều phục các khổ.
Người điều phục các khổ,
Cũng điều phục phiền não.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1286.[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Nếu người hành phóng dật,
Lìa ác tuệ ngu si,
Thiền tư không phóng dật,
Có mau sạch các lậu?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Các sự việc thế gian
Không phải đều thuộc dục;
Tâm pháp theo giác tưởng,
Là dục của con người.[46]
Mọi việc trong Thế gian,
Thường ở tại thế gian;[47]
Trí tuệ tu thiền tư,
Ái dục điều phục hẳn.
Tin tưởng là bạn người,
Không tin, không vượt qua;
Tin, danh xưng mình tăng,
Mạng chung được sanh Thiên.
Đối thân tưởng hư không,
Danh sắc không bền chắc;
Người không đắm danh sắc,
Thì xa lìa chứa nhóm.
Quán nghĩa chân thật này,
Như giải thoát ai mẫn;
Do vì trí tuệ này,
Đời khen ngợi cúng dường.
Hay đoạn các tạp tưởng,
Thoát khỏi dòng sanh tử;
Vượt qua các dòng rồi,
Đó gọi là Tỳ-kheo.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1287.[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Cùng ở chung người nào,
Lại cùng ai cộng sự;
Biết pháp của những ai,
Là thù thắng không ác?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Cùng dạo chung Chánh sĩ,
Cùng Chánh sĩ cộng sự;
Hiểu biết pháp Chánh sĩ,
Là thù thắng không ác.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1288.[49]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ:

Tham lẫn sanh trong tâm,
Không thể hành bố thí.
Người minh trí cầu phước,
Mới thường hành bố thí.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Sợ hãi không hành thí,
Thường sợ vì không thí;
Sợ hãi về đói khát,
Tham lẫn từ sợ sanh.
Đời này cùng đời khác,
Thường si, sợ đói khát;
Chết thì không ai theo,
Cô độc không tư lương.
Người ít của, hay thí,
Nhiều của khó cũng xả;
Khó xả mà hay xả,
Thì đó là thí khó.
Người vô tri không biết,
Người trí biết khó biết;
Đúng pháp nuôi vợ con,
Của ít tịnh tâm thí.
Hội thí trăm nghìn vật[50]
Phước lợi được từ đó,
So với thí pháp trước,
Không bằng phần mười sáu.
Đánh, trói, hại chúng sanh,
Tài vật được từ đó,
Bố thí an cõi nước,
Đó gọi thí có tội.
So với thí bình đẳng,
Cân lường nào sánh kịp;
Đúng pháp không làm trái,
Được tài vật đem cho;
Khó thí mà hành thí,
Đúng là Hiền thánh thí;
Chỗ trụ thường được phước,
Mạng chung sanh lên trời.
Bấy giờ, Thiên tử kia
lại nói kệ: Lâu thấy
Bà-la-môn, Mau đạt
Bát-niết-bàn; Qua rồi
mọi sợ hãi, Vượt hẳn
đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1289.[51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong thất đá, chỗ của quỷ thần Kim-bà-la, nơi núi Kim-bà-la, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn vừa bị cây thương vàng[52] đâm chân chưa bao lâu, nên khi cử động thân thể còn cảm thấy đau đớn; nhưng Ngài xả tâm chánh trí, chánh niệm, kham nhẫn tự an, không có tưởng thoái thất. Khi ấy có tám vị Thiên tử sơn thần tự nghĩ: ‘Hôm nay Thế Tôn đang ở trong thất đá chỗ của quỷ thần núi Kim-bà-la tại thành Vương xá. Ngài bị cây thương vàng đâm chân, cử động thấy đau, nhưng Ngài có thể xả tâm, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn tự an, không có tưởng thoái thất. Chúng ta phải đến tán thán trước Ngài.’ Nghĩ rồi, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên.

Vị Thiên thần thứ nhất nói kệ tán thán:

Sa-môn Cù-đàm,
Sư tử giữa người;
Thân gặp thống khổ,
Kham nhẫn tự an.
Chánh trí chánh niệm,
Không hề thoái thất.

Thiên tử thứ hai lại tán thán:

Bậc Đại sĩ đại long,
Bậc Đại sĩ ngưu vương;
Đại sĩ phu dõng lực,
Đại sĩ phu ngựa hay.
Đại sĩ phu thượng thủ,
Đại sĩ phu thù thắng.

Thiên tử thứ ba lại tán thán:

Sa-môn Cù đàm này,
Sĩ phu Phân đà-lợi[53];
Thân bị những thống khổ,
Mà vẫn hành tâm xả.
Trụ chánh trí, chánh niệm,
Kham nhẫn để tự an;
Mà không hề thoái thất.

Thiên tử thứ tư lại tán thán:

“Đối với Sa-môn Cù-đàm, nếu có những gì sĩ phu Phân-đà-lợi nói, mà hiềm trái phản lại, thì nên biết những người đó sẽ bị khổ mãi mãi, không được lợi ích. Chỉ trừ người không biết chân thật.”

Thiên tử thứ năm lại nói kệ:

Quán định, tam-muội kia,
Khéo trụ nơi chánh thọ;
Giải thoát lìa các trần,
Không hiện cũng không ẩn.
Tâm kia trụ an ổn,
Mà được tâm giải thoát.

Thiên tử thứ sáu lại nói kệ:

Dù trải năm trăm năm,
Tụng kinh Bà-la-môn;
Tinh cần tu khổ hạnh,
Không lìa trần giải thoát.
Thì là hàng thấp kém,
Không qua được bờ kia.

Thiên tử thứ bảy lại nói kệ:

Vì bị dục bức bách,
Trì giới là trói buộc;
Dù dõng mãnh khổ hạnh,
Trải qua một trăm năm.
Tâm kia không giải thoát,
Không lìa các trần cấu;
Thì là loại thấp kém,
Không qua đến bờ kia.

Thiên tử thứ tám lại nói kệ:

Tâm trụ dục kiêu mạn,
Không thể tự điều phục;
Không được định, tam-muội,
Chánh thọ của Mâu-ni.
Một mình ở rừng núi,
Tâm kia thường phóng dật;
Với quân ma chết kia,
Không qua được bờ kia.

Sau khi tám Thiên tử sơn thần kia tán thán xong, đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1290.[54]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ:

Rộng không gì hơn đất,
Sâu không gì qua biển;
Cao không bằng Tu-di,
Đại sĩ không Tỳ-nữu[55].

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Rộng không gì hơn ái,
Sâu không gì qua bụng;
Cao không gì bằng kiêu,
Đại sĩ không hơn Phật.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1291.[56]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Vật gì lửa không thiêu?
Gì gió không thể thổi?
Nạn lửa thiêu đại địa,
Vật gì không chảy tan?
Vua ác và giặc cướp,
Cưỡng đoạt tài vật người;
Người nam, người nữ nào,
Không bị họ tước đoạt?
Làm sao chứa trân bảo,
Cuối cùng không mất mát?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Phước, lửa không thể thiêu,
Phước, gió không thể thổi;
Thủy tai hại trời đất,
Phước, nước không chảy tan.
Vua ác và giặc cướp,
Cưỡng đoạt của báu người;
Nếu người nam, người nữ,
Có phước không bị cướp.
Kho báu, báo phước lạc,
Cuối cùng không bị mất.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1292.[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Ai nên giữ tư lương?
Vật gì giặc không cướp?
Kẻ nào cướp thì ngăn,
Người nào cướp không ngăn?
Người nào thường đi đến,
Người trí tuệ hỷ lạc?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Người tín giữ tư lương,
Phước đức giặc không cướp.
Giặc cướp đoạt thì ngăn,
Sa-môn đoạt hoan hỷ.
Sa-môn thường đi đến,
Người trí tuệ mừng vui.
Bấy giờ Thiên tử kia
lại nói kệ: Lâu thấy
Bà-la-môn, Mau đạt
Bát-niết-bàn; Qua rồi
mọi sợ hãi, Vượt hẳn
đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.

Kinh 1293.[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Tất cả tướng ngăn che,
Biết tất cả thế gian;
An úy, vui tất cả,
Cúi xin Thế Tôn nói.
Thế nào là thế gian,
Những gì khó được nhất?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Làm chủ mà nhẫn nhục,
Không của, mà muốn thí;
Gặp khó mà hành pháp,
Phú quý tu viễn ly.
Bốn pháp ấy như vậy,
Thì đó là rất khó.

Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:

Lâu thấy Bà-la-môn,
Mau đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất.



[1] Đại Chánh, quyển 48, kinh 1267-1293. Ấn Thuận, “Tụng 5; 25. Tương ưng chư Thiên (tiếp theo Đại Chánh quyển 22, kinh 603).” Đại Chánh kinh 1267, tương đương Pāli, S. 1. 1. Cf. N0100(180).

[2] Thiên thần này gọi Phật là “Tỳ-kheo”. Bản Hán dư từ Thế Tôn. Pāli: kathaṃ nu tvaṃ, mārisa, oghamatarī? “Thưa Tôn giả, Ngài làm thế nào vượt qua dòng thác?”

[3] Pāli: appatiṭṭhaṃ khvāhaṃ, āvuso, ayūhaṃ oghamataran’ti, “Ta không đình trú, không thẳng tiến (không cầu), mà vượt qua dòng thác.”

[4] Pāli: cirassa vata passāmi, brāhmaṇaṃ parinibbutaṃ, từ lâu rồi, tôi mới thấy vị Bà-la-môn tịch diệt.

[5] Pāli: appatiṭṭhaṃ anāyūhaṃ, tiṇṇaṃ loke visattikan ti, “không trú, không thẳng tiến, vượt qua ái dục trong đời.”

[6] Pāli, S.1. 2. Nimokkha.

[7] Pāli: sattānaṃ nimokkhaṃ pamokkhaṃ vivekaṃ, “(Biết) sự giải thoát, thắng giải thoát, viễn ly. Sớ giải, SA.1.21: nimokkhanti ādīni maggādinaṃ nāmāni; maggena hi sattā kilesabandhanato nimuccati, tasmā maggo sattānaṃ nimokkhoti vutto. phalakkhaịe pana te kilesabandhanato pamuttā, tasmā phalaṃ sattānam pamokkhoti vuttaṃ; nibbānaṃ patvā sattānaṃ sabbadukkhaṃ viviccati, tasmā nibbānānaṃ viveko ti vuttaṃ, “Giải thoát (nimokkha, Hán: quyết định giải thoát) là tên gọi đầu tiên của sơ Thánh đạo. Bằng Thánh đạo, các chúng sanh giải thoát khỏi sự trói buộc của phiền não; do đó, Thánh đạo được nói là sự giải thoát của chúng sanh. Trong sát-na đắc quả, chúng hoàn toàn giải thoát khỏi các trói buộc của phiền não; do đó, quả chứng là thắng giải thoát của chúng sanh. Sau khi đạt đến Niết-bàn, chúng sanh xa lìa tất cả khổ, do đó, Niết-bàn là sự viễn ly của chúng sanh.”

[8] Pāli, S. 2. 15. Candana; N0100(178).

[9] Pāli: ko gambīre na sīdati? Ai không chìm sâu?

[10] Pāli: paññavā susamāhito, bằng trí tuệ mà khéo léo nhập định.

[11] Pāli: nandīrāgaparikkhìịo, gambīre na sīdati, người đã diệt tận hỷ tham không bị chìm sâu.

[12] Cf. N0100(269).

[13] Câu-ca-ni, Quang minh thiên nữ 拘 迦 尼, 光 明 天 女。Đoạn sau, nói là Câu-ca-na-sa. N0100(269): Cầuca-ni-sa, Ba-thuần-đề nữ 求 迦 尼 娑, 波 純 提 女。 Xem kinh 1273.

[14] Xem kinh 1270.

[15] Phi nhân, đây chỉ chư Thiên.

[16] Pāli, S. 1. 40. Pajjunadhīta (2) (Vân thiên Công chúa); N0100(271).

[17] Câu-ca-na-sa thiên nữ, Quang minh chi thiên nữ 拘 迦 那 娑 天 女, 光 明 之 天 女。Pāli: Kokanadā Pajjunassa dhītā, Kokanadā, con gái của Pajjuna (Hồng Liên, hay Vân Thiên công chúa). Pajjuna, thần mưa; có hai người con gái: Kokanadā và Cūḷa-Kokanadā.

[18] Pāli, S. 1. 39. Pajjuna-dhītā(1)

[19] Châu-lô-đà 朱 盧 陀。Pāli: Cūḷa-Kokanadā (Tiểu Hồng Liên), em gái của Kokanadā; xem kinh 1273.

[20] S. 1. 22. Phussati; N0100(273).

[21] . Pāli: nāphusataṃ na phussati, cái phi xúc không xúc. Sớ giải, SA. 1. 48: kammaṃ aphusantaṃ, vipako na phusati, nghiệp là phi xúc; dị thục, nó không xúc.

[22] Pāli: tasmā phusantaṃ phusati, appaduṭṭhapadosinan ti, vì vậy cái xúc chạm nó xúc chạm người nào gây sự tà ác cho người vô tội. Bản Hán hiểu padosin là sự sân hận thay vì là người gây sự tà ác.

[23] Xem Pháp cú 125, Pāli: yo appaduṭṭhassa narassa dussati, suddhassa posassa anagṅaṇassa, tam eva bālaṃ pacceti pāpaṃ; sukkhumo rajo paṭivātaṃvà khitto. “Ai gây ác cho người vô tội, người thanh tịnh, không tì vết, ác báo rơi trở lại chính kẻ ngu ấy, như ngược gió tung bụi.”

[24] S.2. 22. Khema.

[25] S. 1. 35. Ujjhānasaññino; N0100(275).

[26] Sớ giải của Pāli, SA. 1. 64, các Thiên thần này bất bình về sự thọ dụng bốn duyên của Phật: Phật ca ngợi người sống với y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây..., nhưng chính Ngài lại khoác y thượng hạng, sống tại trú xứ như cung điện vua.

[27] Sn.3. 10. Kokāliya; N0100(276).

[28] Cù-ca-lê 瞿 迦 梨。Pāli: Kokāliya.

[29] Bát-đàm-ma 鈢 曇 摩。Pāli: Paduma (sen đỏ) tên địa ngục.

[30] A-phù-đà 阿 浮 陀。Pāli: abbuda.

[31] Các đơn vị đo lường: A-la 阿 羅 ; độc-lung-na 獨 籠 那 ; xà-ma-na 闍G 摩 那 ; ma-ni 摩 尼 ; khư-lê 佉梨。Pāli: khārika. Sớ giải, 4 patthā = 1 āḷhaka; 4 āḷhaka = 1 doṇa; 4 doṇa = 1 māṇika; 4 māṇika = 1 khāri.

[32] Pāli: 20 khārika = 1 xe hạt cải (tilavāha).

[33] Ni-la-phù-đà 尼 羅 浮 陀。Pāli: Nirabbuda.

[34] A-tra-tra 阿 吒 吒。Pāli: Aṭaṭa.

[35] . A-ba-ba 阿 波 波。Pāli: Ababa. 36. A-hưu-hưu 阿 休 休。Pāli: Ahaha.

[36] Ưu-bát-la 優 鈢 羅。Pāli: Uppalaka.

[37] Pāli, Sn.1.6. Parābhava. N0100(277).

[38] Cf. N0100(278).

[39] S. 1.24 Nanonivāraṇā; N0100(279).

[40] Pāli: yato yato mano nivāraye, na dukkhameti naṃ tato tato, nơi nào ý bị ngăn chặn, nơi ấy không đau khổ.

[41] Pāli: yato yato ca pāpakaṃ, tato tato mano nivāraye, nơi nào có sự ác, nơi đó ngăn chặn ý.

[42] D.31. Sigṅālaka. Cf. N026(135. Kinh Thiện Sanh), N01(16. Kinh Thiện Sanh), N0100(281).

[43] Jā. 243. Guttila; N0100(282).

[44] S. 1.71. Chetvā; N0100(283).

[45] S. 1.34. Nasanti, 36. Saddhā; N0100(284).

[46] Pāli: na santi kāmā manujesu niccā, santīdha kamanīyāni yesu baddho, các dục trong đời vốn không thường. Ai ở đó có ái lạc, kẻ đó bị trói buộc.

[47] Pāli: tiṭṭhanti citrāni tatheva loka: Những vật đa dạng vẫn tồn tại như vậy trong đời.

[48] S. 1.31. Sabbi; N0100(285).

[49] 50 S. 1.32. Macchari; N0100(286).

[50] Hán: Bách thiên da thạnh hội 百 千 耶 盛 會。Pāli: sataṃ sahassānaṃ sahassayāginam.

[51] S. 1.38. Sakalika; N0100 (287).

[52] Hán: Kim thương 金 鎗 ( 槍 )。Pāli: sakalikā ya khato hoti: bị mảnh vụn (dằm cây) đâm.

[53] Hoa sen trong loài người.

[54] N0100(288).

[55] Tức Thần Viṛṇu, không gì cao cả hơn.

[56] N0100 (289).

[57] N0100(290).

[58] N0100 (292).


[Đầu trang][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]