TẠNG KINH
SỐ 26 - KINH TRUNG A-HÀM - PHẨM 5: TẬP TƯƠNG ƯNG
Hán dịch: Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, trong một cái hang trong rừng Mãng nại[2], thôn Xàđấu[3].
Bấy giờ Tôn giả Di-hê[4] làm thị giả Phật.
Vào buổi sáng sớm, Tôn giả Di-hê mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, Tôn giả Di-hê đến bờ sông Kim-bệ[5], thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái[6]. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong[7] chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, Tôn giả hoan hỷ, thầm nghĩ: “Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu tộc tánh tử[8] nào muốn tu pháp đoạn trừ [9] thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ[10], có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?”
Liền đó, sau khi ăn xong, Di-hê thu xếp y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn[11] lên vai, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay con mang y cầm bát vào thôn Xà-đấu khất thực. Khất thực xong, con đến bờ sông Kim-bệ, thấy một khu đất bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Thấy xong, con hoan hỷ, thầm nghĩ: ‘Khu đất này bằng phẳng gọi là rừng xoài khả ái. Nước sông Kim-bệ rất tuyệt, thật là đáng ưa. Dòng nước trong chảy chầm chậm; nóng lạnh ôn hòa, dễ chịu. Nếu tộc tánh tử nào muốn tu pháp đoạn trừ thì nên ở chỗ này. Ta cũng có điều phải đoạn trừ, có nên ở chỗ yên tĩnh này để tu pháp đoạn trừ chăng?’ Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.
Tôn giả Di-hê lặp lại ba lần bạch:
“Bạch Thế Tôn, nay con muốn đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.
Đức Thế Tôn cũng ba lần nói rằng:
“Này Di-hê, ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả. Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn trừ”.
Di-hê lại bạch rằng:
“Thế Tôn không có việc cần làm, không có phận sự cần hoàn tất, không có điều gì cần phải quán sát[12] Con còn có những bổn phận, những điều phải làm, những điều phải quán sát. Bạch Thế Tôn, con đến chỗ yên tĩnh, khu rừng xoài kia, để học pháp đoạn trừ”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Di-hê, ngươi mong cầu sự đoạn trừ[13], Ta có gì để nói thêm nữa? Di-hê, ngươi cứ đi, làm theo những gì mà ngươi muốn”.
Bấy giờ Di-hê sau khi nghe lời Đức Phật dạy, khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ và khéo tụng tập. Tôn giả liền đảnh lễ sát chân Đức Phật, đi quanh ba vòng, rồi đi.
Sau khi đến rừng xoài, vào rừng, Tôn giả đi đến một gốc cây, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kết già. Tôn giả Di-hê sống trong rừng xoài, sanh khởi lên ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại[14]. Do đó, Tôn giả liền nghĩ đến Đức Thế Tôn.
Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Thế Tôn, đảnh lễ chân Ngài, ngồi sang một bên và bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đến rừng xoài kia, ngồi ở chỗ yên tĩnh, liền sanh khởi ba tâm niệm ác bất thiện là tâm niệm dục, tâm niệm nhuế và tâm niệm hại. Do đó, con liền nghĩ đến Thế Tôn”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Di-hê, tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục, có năm pháp để tu tập. Những gì là năm?
“Di-hê, Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức[15]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ nhất.
“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo phải tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát[16], lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Di-hê, với tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ hai.
“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo nên nói điều đáng nói, phù hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.
“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo thường tu hành tinh tấn, đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện[17]. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ tư.
“Lại nữa, này Di-hê, Tỳ-kheo tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt[18], phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Này Di-hê, với ai tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ năm.
“Vị ấy khi đã có năm pháp tu tập như vậy rồi, lại phải tu bốn pháp khác nữa. Những gì là bốn? Tu ố lộ[19] để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát, lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức, cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu ố lộ để đoạn trừ dục. Tu từ để đoạn trừ sân nhuế. Tu sổ tức để đoạn trừ tâm niệm tán loạn. Tu vô thường để đoạn trừ ngã mạn.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô thường tưởng, chắc chắn đắc vô ngã tưởng.
“Này Di-hê, nếu Tỳ-kheo nào đắc vô ngã tưởng thì ngay trong đời hiện tại đoạn hết thảy ngã mạn, chứng đắc tịch tĩnh, diệt tận, vô vi, Niết-bàn”. Phật thuyết như vậy. Tôn giả Di-hê và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
❑
[1] . Tương đương Pāli: A. ix.3. Meghiya.
[2] . Mãng nại lâm 莽 柰 林,tức khu rừng xoài. Pāli: ambavana.
[3] . Xà-đấu thôn 闍G 鬥 村。Pāli: Jantugāma, gần làng Calikā. Pāli: cālikāyaṃ viharati cālikāpabbate, trú ở làng Calikā, trên núi Cālikapabbata. Phật an cư vào mùa mưa ở đây vào các năm thứ 13, 18 và 19, sau khi thành đạo. Calikapabbata là một ngọn đồi màu trắng nên vào những đêm tối người ta thấy nó hình như chuyển động.
[4] . Di-hê. Pāli: Meghiya.
[5] . Kim-bệ 金 鞞。Pāli: Kimikālā.
[6] . Hán: danh hảo nại lâm 名 女 子 柰 林。Pāli: addasā… ambavanaṃ pāsādikaṃ ramaṇyaṃ, thấy khu rừng xoài xinh đẹp, đáng ưa.
[7] . Hán: tuyền thủy 泉 水。
[8] . Tộc tánh tử 族 姓 子,cũng thường nói thiện nam tử hay thiện gia nam tử, Pāli: kulaputta.
[9] Hán: học đoạn. Pāli: (…) padhānatthikassa padhānāya, để (tu tập) tinh cần cho ai tinh cần. Bản Hán, đọc pahāna (đoạn trừ) thay vì padhāna (tinh cần).
[10] . Hán: hữu sở đoạn 有 所 斷。Xem cht. trên.
[11] . Ni-sư-đàn 尼 師 檀。Pāli: nisīdana, tọa cụ, khăn trải ngồi.
[12] . Hán: vô vi, vô tác, diệc vô sở quán 無 爲 無 作 亦 無 所 觀。Pāli: natthi kiñci uttari karanīyaṃ, natthi katassa paṭicayo, không có phận sự gì thêm nữa, không có việc làm thêm đối với điều đã làm.
[13] . Nghĩa là, “muốn tinh cần”.
[14] . Dục niệm nhuế niệm hại niệm 慾 念。Pāli: kāma-vitakka, vyāpāda-vitakka, vihiusà-vitakka, suy cầu tham dục, suy cầu sân hận, suy cầu bức hại.
[15] . Pāli: kayāñamitto hoti kalyāñasahāyo kalyāñasampavaṅko, là bạn tốt, người đồng hành tốt, thân hữu tốt.
[16] . Tùng giải thoát, tức biệt giải thoát, hay Ba-la-đề-mộc-xoa.
[17] . Pāli: anikkhittadhuro kusalesu dhammesu, không trút bỏ gánh nặng trong các pháp thiện.
[18] . Thánh tuệ minh đạt 聖 慧 明 達。Pāli: ariyanibbedhikapaññā, trí tuệ quyết trạch của Thánh.
[19] . Ố (hay ác) lộ 惡 露。Pāli: asubha, bất tịnh.
[Đầu trang][Mục lục bộ Trung A-hàm][Mục lục bộ A-hàm][Mục lục tổng quát]